Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Một đêm với tượng thần Sphinx

08/03/201103:08(Xem: 5871)
Chương 1: Một đêm với tượng thần Sphinx

AI CẬP HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG 1 : MỘT ĐÊM VỚI TƯỢNG THẦN SPHINX

Người du khách cuối cùng đã ra về; người hướng dẫn viên cuối cùng cũng đã lặp lại đến cả ngàn lần những điều hiểu biết của mình để giới thiệu cho những du khách ngoại quốc về xứ cổ Ai Cập. Một bầy lừa mệt mỏi và đoàn lạc đà bất kham đã lần bước chậm chạp trên đường về với những du khách cuối cùng trong ngày. Trong khung cảnh xứ Ai Cập, bóng hoàng hôn có một vẻ đẹp siêu nhiên và khó quên. Mọi vật đều thay màu đổi sắc, giữa khoảng trời đất bao la nổi bật lên những khoảng tương phản lạ lùng.

Tôi còn ngồi lại một mình trên bãi cát vàng, đối diện với pho tượng Sphinx hùng vĩ oai nghiêm tuyệt trần. Tôi nhìn một cách say mê cái cảnh tượng những màu sắc mỏng manh như sương phai mờ dần một cách nhẹ nhàng, trong khi mặt trời lặn đã cất đi những ánh vàng lộng lẫy trên nền trời Ai Cập. Những ánh lửa diệu huyền, nét huy hoàng tuyệt đối mà mặt trời lặn của châu Phi còn bỏ sót lại trong không gian, có ai tiếp nhận bức thông điệp thiêng liêng của thiên nhiên mà không cảm nhận được trong giây lát niềm phúc lạc vô biên của sự sống? Niềm phúc lạc đó sẽ còn tồn tại khi con người chưa quá trụy lạc trong vòng trần gian ô trược, trong sự sa đọa tâm linh; và nó vẫn sẽ còn tồn tại khi con người còn biết yêu vầng thái dương này như là nguồn gốc của sự sống và của bao nhiêu màu sắc huy hoàng lộng lẫy xuất hiện trước mắt ta.

Cổ nhân xứ Ai Cập thật ra đã không kém minh triết khi họ tôn thờ RÂ, biểu tượng của mặt trời mà trong thâm tâm họ luôn xem như một vị thần...

Trong bối cảnh hoàng hôn Ai Cập, dưới một nền trời xám ngắt đã tối mờ dần, tôi nhìn pho tượng đá Sphinx mỗi lúc càng sậm màu, cho đến khi những tia nắng vàng sậm cuối cùng đã tắt hẳn và không còn chiếu vào gương mặt lạnh lùng bí hiểm của nó nữa. Hình thần tượng Sphinx nhô lên giữa bãi sa mạc mênh mông gương mặt khổng lồ, thân hình nằm duỗi ra, trải qua nhiều thế hệ đã từng gây sự sợ hãi cho những người Ả Rập dị đoan, và làm ngạc nhiên những người du khách hoài nghi, mà bằng chứng là những câu hỏi từ du khách khi lần đầu tiên con quái vật khổng lồ này xuất hiện trước đôi mắt kinh ngạc của họ.

Pho tượng đá bí hiểm mình sư tử đầu người này có một sức hấp dẫn rất lạ lùng và phức tạp đối với bao nhiêu thế hệ du khách. Nó là một sự bí mật đối với người Ai Cập và một bài toán bí hiểm cho toàn thế giới. Ai đã điêu khắc ra nó? Vào thời đại nào? Không ai biết được. Nhà Ai Cập học chuyên môn nhất cũng chỉ đưa ra những giả thuyết vu vơ về ý nghĩa và lịch sử của hình thần tượng Sphinx.

Dưới ánh sáng le lói cuối cùng của một ngày đã tàn, đôi mắt tôi ngừng lại trên đôi mắt bằng đá của pho tượng thản nhiên bất động. Nó đã từng thấy hàng bao nhiêu triệu người lần lượt đến trước mặt nó, với những cái nhìn im lặng và những câu hỏi không lời giải đáp, rồi bước chân ra về trong sự hoang mang! Nó đã từng thản nhiên lặng nhìn châu Atlantide bị tràn ngập dưới cơn đại hồng thủy và biến mất dưới lòng biển sâu. Cái nụ cười thoảng qua của nó đã từng chứng kiến công trình vĩ đại của vua Mena, vị quốc vương Ai Cập đầu tiên đã đổi hướng dòng sông Nile yêu quí của người Ai Cập chảy qua một hướng khác. Cái nhìn im lặng đượm mùi mến tiếc của nó từng thấy nhà tiên tri Moise, nghiêm cẩn và ít nói, từ giã nó lần cuối cùng. Câm lặng và đau thương, nó đã nhìn thấy những nỗi khổ đau của xứ Ai Cập bị tàn phá, suy vong sau cuộc xâm lăng của bạo chúa Cambyse, hoàng đế nước Ba Tư. Có lẽ vừa thích thú vừa khinh bỉ, nó từng nhìn thấy nữ hoàng Cléopâtre đẹp lộng lẫy và kiêu hãnh trong chiếc thuyền rồng mũi nạm vàng, buồm may bằng nhung đỏ thắm và mái chèo đúc bằng bạc. Nó từng sung sướng nhìn thấy đức Jesus trên đường đi tìm đạo lý phương Đông để chuẩn bị chờ ngày thi hành sứ mạng, ngày mà đức Chúa Cha gửi Ngài đi truyền bá cho thế gian một thông điệp thiêng liêng về đức nhân từ bác ái.

Như một kẻ báo hiệu không lời, biểu tượng Sphinx chào mừng Bonaparte, khí cụ của định mệnh các nước Âu Châu, trước khi tên gọi Napoleon nổi bật lên làm lu mờ những tên khác, và ngay khi ông ta hãy còn là một nhân vật chưa tên tuổi, chưa đặt chân xuống chiến thuyền Bellérophon để sang chinh phục xứ Ai Cập. Nó cũng nhìn thấy, với ít nhiều bi ai, toàn thể thế giới chú ý đến Ai Cập khi ngôi lăng tẩm của một vị Pharaoh, vua Ai Cập thời cổ bị khai quật để cho người đời tọc mạch nhìn xem xác ướp của vua với những đồ ngọc ngà châu báu.

Thật vậy, đôi mắt bằng đá của pho tượng đã từng chứng kiến những điều đó và nhiều điều khác nữa. Nhưng bây giờ nó nhìn thấy gì? Không màng để ý đến kẻ thế nhân phàm tục đang bôn tẩu trên đường lợi danh, thản nhiên trước những nỗi sung sướng, khổ đau của nhân loại, hình như biết rõ cái định mệnh đã ghi sẵn tất cả mọi biến cố lớn của trần gian, đôi mắt bằng đá kia nhìn thẳng vào cõi vô cùng...

Hình thần tượng Sphinx đang chuyển dần từ màu xám sang màu đen, rồi một màu đen như mực, vì nền trời đã mất cái nét xám bạc của lúc ban chiều. Tất cả đều đắm chìm trong đêm tối, chúa tể của sa mạc. Nhưng pho tượng vẫn còn hấp dẫn sự chú ý của tôi và làm cho tôi bị thu hút như do mãnh lực của một luồng điện vô hình. Đó là vì tôi cảm thấy như màn đêm rủ xuống đã đem pho tượng trở về nguyên quán của nó. Cái bối cảnh đen tối âm u đó mới đúng là cái bối cảnh thực sự của nó. Những gì là thần bí của một đêm Châu Phi tạo cho nó một bầu không khí thích hợp hơn. Cũng trong những giờ ban đêm mà Râ và Horus; Isis và Osiris, những vị thần linh của xứ cổ Ai Cập, luôn trở về với nhân gian.

Tôi nhất định đợi lúc trăng lên và sao mọc để nhìn thấy một lần nữa cái chân tướng của hình thần tượng Sphinx. Tôi ngồi một mình giữa đồng cát bao la nhưng không cảm thấy cô đơn. Thật vậy, cảm giác cô đơn hiu quạnh không thể nào có được với tôi. Ban đêm, tôi có thể ngắm hình thần tượng Sphinx từ một khía cạnh mà rất ít người du khách được nhìn thấy. Tạc trong khối đá, in trên nền trời xanh như chàm, cao bằng một ngôi nhà lầu bốn từng, con sư tử đầu người khổng lồ vươn mình nằm dài trong thung lũng của đồng cát. Dưới ánh trăng sao vừa lố dạng, những nét hùng vĩ của nó hiện rõ dần dần. Đó là cái biểu tượng lạ lùng của một xứ Ai Cập mà nguồn gốc bí ẩn được truy nguyên đến những thời đại xa xăm vô định.

Giống như một con vật nằm canh gác những bí mật của thời tiền sử, nghĩ đến những thế hệ của châu Atlantide mà ký ức mỏng manh của người đời không còn lưu giữ nổi, pho tượng đá khổng lồ chắc sẽ còn tồn tại mãi qua mọi thế hệ văn minh của loài người, và cũng sẽ giữ nguyên vẹn không hề tiết lộ sự bí mật nội tâm của nó. Gương mặt khắc khổ và uy nghiêm của nó không phản ảnh một điều gì, đôi môi khép chặt của nó vẫn giữ một sự im lặng muôn đời.

Nếu pho tượng Sphinx có giữ gìn cho nhân loại một thông điệp ẩn giấu nào mà nó đã chuyển đạt qua nhiều thế kỷ cho một số rất ít người hữu hạnh, có một năng khiếu linh cảm khác thường, thì điều bí mật đó có lẽ cũng sẽ được nhắn nhủ thầm bên tai của người thí sinh tầm đạo.

Đêm tối dành cho hình thần tượng Sphinx một khung cảnh tuyệt hảo. Ở phía sau, bên mặt và bên trái pho tượng là “thành phố của người chết,” một khoảng đất rộng dẫy đầy những nấm mộ hoang cùng lăng tẩm. Chung quanh vùng cao nguyên lởm chởm những núi đồi và đá tảng nhô lên từ dưới đồng cát ở phía nam, phía tây và phía bắc pho tượng Sphinx, những lăng tẩm và mồ mả được xây cất để chứa những cổ quan tài đựng hài cốt và xác ướp của những vị vua chúa, các vị đại thần và chức sắc của triều đình hay tôn giáo của xứ Ai Cập thời cổ.

Không một ngôi lăng tẩm nào mà khi bước vào người ta không thấy cỗ quan tài bị bật nắp ra và những đồ vàng ngọc châu báu tô điểm xác ướp đã bị lấy đi mất. Sự cướp bóc này xảy ra cùng lúc với sự khai quật các nấm mồ trong những cuộc đào xới để khảo cổ. Người ta chỉ để lại tại chỗ những pho tượng nhỏ và những bình, vại chứa đựng ruột gan của những xác chết đã được ướp bằng hương liệu.

Ngay ở xứ Ai Cập thời cổ cũng đã có những kẻ trộm đào mồ. Khi dân chúng nổi loạn chống giai cấp thống trị đang ngày càng trở nên suy tàn, họ trả thù bằng cách khai quật mồ mả và cướp bóc nghĩa trang rộng lớn của nhà vua. Tại đây, những vị đại thần được vinh dự yên giấc nghìn thu bên cạnh xác ướp của các bậc vua chúa mà họ đã phụng sự thuở sinh tiền. Một số ít những người chết mà xác ướp thoát khỏi bàn tay cướp bóc của những kẻ trộm đầu tiên, đã nằm yên nghỉ trong một thời gian khá lâu cho đến khi người Hi Lạp, người La Mã và người Ả Rập lần lượt thay phiên nhau đến đánh thức họ.

Những ngôi mộ, lăng tẩm nào thoát khỏi bị cướp bóc và khai quật trong những cuộc biến cố sau này, được yên nghỉ thêm một thời gian khá lâu nữa cho đến đầu thế kỷ 19, khi các nhà khảo cổ hiện đại ra công thám hiểm dưới lòng đất của xứ Ai Cập để tìm kiếm những gì mà kẻ trộm thời xưa còn bỏ sót lại chưa lấy đi.

Như thế há chẳng phải là tội nghiệp cho những bậc vua chúa, vương hầu bất hạnh của thời xưa lắm sao? Tuy xác ướp của họ còn nằm đó mà đã bị người ta khai quật mồ mả và cướp bóc kho tàng. Dầu cho không bị đập tan ra từng mảnh do bàn tay bạo tàn của những kẻ trộm bảo vật, nhưng những xác ướp đó cũng đã bị giam cầm trong các bảo tàng viện để làm thỏa mãn sự tò mò và làm mục tiêu dị nghị bình phẩm của mọi người.

Đó là cái bối cảnh rùng rợn của thần tượng Sphinx khi nó vươn mình và nhô đầu lên trong cô đơn tịch mịch giữa đồng cát. Nó đã từng quan sát những hầm tối trong “thành phố của xác chết”, lần lượt bị sự cướp bóc của người dân Ai Cập nổi loạn và quân xâm lăng Ả Rập. Vị quản thủ cổ vật Ai Cập tại Bảo tàng viện Anh quốc (British Museum) là ông Wallis Budge đã không làm ai phải ngạc nhiên khi đi đến kết luận rằng:

– Thần tượng Sphinx là để đuổi tà ma ra khỏi những nghĩa địa và lăng tẩm ở vùng chung quanh.

Cũng không ai ngạc nhiên khi thấy rằng từ 3.400 năm trước, vua Thoutmès IV của Ai Cập đã cho khắc vào một tảng đá lớn đặt ngay trước ngực pho tượng Sphinx hàng chữ rằng:

“Một bí mật linh thiêng đã từng bao phủ vùng này từ lúc sơ khởi, vì gương mặt của pho tượng Sphinx là biểu tượng của thần Khepera, vị thần của sự bất tử, chủ tể các vị thần linh và ngự trị vùng này. Dân chúng ở thành Memphis và ở khắp các địa phương khác cùng đưa tay lên để cầu nguyện trước mặt Ngài.”

Như vậy, không ai còn lạ gì mà thấy dân Ả Rập ở làng Gizeh gần bên có nhiều truyền thống rất dồi dào về những chuyện vong linh và âm hồn thường lởn vởn ban đêm trong bầu không khí chung quanh thần tượng Sphinx, một nơi mà họ cho rằng có nhiều ma nhất thế giới! Phải chăng, bằng cách ướp xác những nhân vật quyền quí của thời xưa, người cổ Ai Cập đã kéo dài trong một thời gian vô hạn định sự tiếp xúc giữa những vong linh thời cổ với nhân loại chúng ta ngày nay?

Quả thật, ban đêm là lúc mà người ta có thể ngắm nhìn thần tượng Sphinx một cách thú vị nhất. Vì dường như ban đêm là lúc mà cảnh giới âm linh có vẻ gần gũi với ta hơn. Tâm hồn ta sẵn sàng mở rộng đối với những cảm giác bất ngờ, trong khi ở chung quanh ta, dưới màn đêm bao phủ, thậm chí những hình thể vật chất thô kệch cũng khoác lấy một vẻ mờ ảo u huyền.

Màn trời ban đêm đã trở thành màu chàm pha lẫn màu đỏ thắm, một thứ màu thần bí phù hợp với sự tìm tòi thám hiểm của tôi. Đêm tối kéo dài một cách từ từ, êm ả và câm lặng như một con beo rình mồi, nếu người ta không để ý đến những tiếng rú rùng rợn gần giống như tiếng người của vài con beo đốm trong sa mạc, là những tiếng tiếng động duy nhất điểm giờ khắc trôi qua.

Chúng tôi vẫn ngồi đó – thần tượng Sphinx và tôi. Dưới ánh sao vằng vặc của nền trời châu Phi, sự giao cảm giữa chúng tôi mỗi lúc một thêm sâu đậm; từ sự quen biết nhau, chúng tôi tiến đến tình bạn, có lẽ chúng tôi đã bắt đầu hiểu nhau ít nhiều.

Khi tôi đến với nó lần đầu cách đây vài năm, nó nhìn ra chỗ khác, yên lặng và khinh ngạo. Khi ấy tôi không là gì đối với con vật khổng lồ này cả, chẳng qua chỉ là một kẻ phàm tục như bao nhiêu người khác, là những sinh vật hiếu động đi trên hai chân, được tích hợp từ những yếu tố kiêu căng, tự mãn, những dục vọng phù phiếm và những tư tưởng điên rồ.

Về phần mình, tôi đã tưởng nó là biểu tượng của một chân lý mà chưa ai tìm ra, một biểu tượng khổng lồ bí hiểm mà mọi lời cầu nguyện đều không được đáp ứng, mọi câu hỏi đều không được giải đáp và rốt cuộc chỉ rơi vào hư vô. Tôi đã bước ra về, hoài nghi và thất vọng hơn trước, chán nản cõi trần gian tục lụy và lòng tràn ngập những nỗi niềm cay đắng. Nhưng điều đó cũng không phải là vô ích khi ngày tháng trôi qua. Cuộc đời chính là sự giáo dục tâm linh và vị thầy dạy của tất cả chúng ta. Vị thầy vô hình này đã dạy cho tôi biết những điều quan trọng. Tôi đã hiểu rằng thế giới này của chúng ta không thể hiện hữu trong không gian mà không có mục đích.

Tôi đã trở lại với thần tượng Sphinx với một tâm hồn chín chắn và sáng suốt hơn. Ở lại ban đêm bên cạnh nó trên đồng cát xứ Ai Cập, tôi ngồi tĩnh tọa, hai chân xếp bằng và cố gắng thiền định để suy gẫm về ý nghĩa huyền bí của hình tượng khổng lồ này.

Cả thế giới đều biết đến thần tượng Sphinx và nhận ra gương mặt hủy hoại tàn phá của nó. Nhưng điều mà thế giới không hề biết được là bằng cách nào và từ bao giờ mà nó được tạc thành trong tảng đá đồ sộ nhô lên giữa đồng cát; và những bàn tay kỳ diệu nào đã biến khối đá hùng vĩ ấy thành một pho tượng khổng lồ như thế. Khoa khảo cổ vẫn im lặng, các nhà bác học nghiêng đầu suy nghĩ với một sự hoang mang thầm lặng, vì họ phải gạt bỏ cả một loạt những giả thuyết mong manh mà từ trước đến nay họ đã từng nêu ra một cách quả quyết và tin tưởng. Họ không còn dám đưa ra một cái tên nhất định, cũng không dám mạo hiểm nêu ra một ngày giờ chắc chắn. Họ không còn nói rằng thần tượng Sphinx là công trình của vua Khafra hay vua Khoufou, vì họ nhận thấy các tài liệu cổ tạc trên đá chứng minh rằng pho tượng đã có sẵn từ trước triều đại của các vị vua này. Việc sưu tầm các di tích cổ do những cuộc đào xới phát hiện được đã đưa ra ánh sáng một bản cổ tự đề cập đến hình thần tượng Sphinx như một công trình điêu khắc mà nguồn gốc đã mất đi trong vực thẳm của thời gian, và người ta chỉ tình cờ khám phá ra được sau một thời gian bị chôn lấp dưới bãi cát của sa mạc và hoàn toàn bị lãng quên không còn ai nhớ đến.

Bản cổ tự này có xuất xứ từ triều đại thứ tư, gồm những vị vua trị vì xứ Ai Cập cách đây gần sáu nghìn năm. Đối với những vị vua ở vào thời kỳ cổ xưa ấy, biểu tượng Sphinx đã là một điều bí hiểm mà không ai biết được đã có từ lúc nào!

lll



Khí trời ban đêm mang lại giấc ngủ, nhưng từ giờ này qua giờ khác tôi vẫn cố gắng đẩy lùi cơn buồn ngủ. Tuy nhiên, trong khi tiếp tục cơn thiền định suy tư, đôi mí mắt của tôi như nặng trĩu do sự phản ứng của cơ thể và tôi đã sắp thiếp đi. Bấy giờ, có hai mãnh lực tương phản đang kình chống nhau để giành lấy sự khuất phục tôi. Một là sự ước muốn mãnh liệt được thức suốt đêm như để chia sẻ phiên gác của con sư tử đá Sphinx. Hai là cái khuynh hướng để cho tinh thần lẫn thể xác của tôi tự thả trôi theo cái thú vị triền miên giữa cảnh vật trầm lặng và huyền ảo của đêm trường tịch mịch.

Sau cùng, tôi đã hòa giải được cả hai khuynh hướng đó. Theo sự thỏa hiệp này, tôi ngồi lim dim, đôi mắt hé mở chỉ còn là hai cái khe nhỏ xuyên qua đó tôi hầu như không còn nhìn thấy gì nữa, và thần trí mơ màng nửa tỉnh nửa mê, tôi để cho dòng tư tưởng đắm chìm trong một giấc mơ huyền diệu.

Tôi ngồi một lúc lâu như thế, tự trả trôi theo sự yên tĩnh triền miên khi mọi tư tưởng hầu như đã chấm dứt. Tôi mơ màng như thế được bao lâu, chính tôi cũng không biết rõ. Nhưng sau một lúc, tôi không còn nhìn thấy màu sắc gì nữa, mà thay vào đó là một cảnh tượng sống động diễn ra trước mắt tôi như một cuốn phim. Trong cảnh tượng đó, ánh trăng khuya chiếu xuống những tia sáng nhạt mờ huyền ảo...

Chung quanh tôi muôn nghìn gương mặt nắng rám, da sậm màu đang lăng xăng hoạt động, kẻ tới người lui, kẻ thì đội trên đầu những rổ đá sạn, người thì trèo lên hay bước xuống những giàn tre mỏng manh dựng lên sát cạnh một khối đá khổng lồ. Trong số đó có những người chỉ huy truyền lệnh cho những thợ thuyền, hoặc kiểm soát công việc của những người thợ đá đang sử dụng búa rìu trên ngọn đồi mà họ tạc theo một kiểu mẫu đã vạch sẵn. Những tiếng búa đục của họ giáng xuống liên tiếp vang dội trong bầu không khí chung quanh. Tất cả những người lao công thợ thuyền này đều có một gương mặt dày dạn phong trần, màu da đỏ sậm hoặc vàng mà hơi xám. Họ có một cái môi trên dày và thân hình lực lưỡng.

Công việc của họ vừa xong, và tảng đá kiên cố hùng vĩ trên mặt đất trước kia nay đã hiện ra một một gương mặt người khổng lồ với thân hình là một con sư tử cực lớn, xem ra là một con quái vật dị kỳ đang vươn mình trong một thung lũng lớn giữa đồng cát. Trên đỉnh đầu con quái vật, mà cái bờm vĩ đại dợn sóng phủ phía sau hai mép tai có đặt một cái dĩa tròn bằng vàng khối. Thần tượng Sphinx!

Những phu thợ đã biến mất. Cảnh vật trở lại lặng im như một nấm mồ vô chủ. Khi đó tôi nhìn thấy một biển lớn đang đập sóng trong khoảng không gian bên trái tôi, mà bờ biển chỉ cách đó độ một cây số. Trong cái im lặng đó có một cái gì rùng rợn, tôi cũng chưa kịp hiểu đó là gì cho đến khi từ trong lòng đại dương dậy lên một tiếng gầm kinh khủng và kéo dài, mặt đất chuyển động và rung rinh dưới chân tôi. Với một tiếng động long trời lở đất, nước biển dâng trào lên, một ngọn sóng lớn và cao như vách tường từ xa thình lình phóng nhanh tới chỗ tôi, và nuốt chửng cả con quái vật Sphinx với tôi.

Cơn đại hồng thủy!

Lại một cơn im lặng, nó kéo dài được bao lâu, trong khoảng một phút hay hàng thế kỷ, điều đó tôi không xác định chắc chắn được! Rồi bỗng nhiên tôi lại thấy mình ngồi dưới chân pho tượng đá.

Tôi nhìn chung quanh, không còn thấy biển nữa mà chỉ thấy một khoảng không rộng lớn đầy những ao đầm đã gần khô cạn, và rải rác đó đây những bãi muối rất lớn đang khô dần dưới ánh mặt trời. Và mặt trời ngự trị trên cao một cách ngạo nghễ, những bãi cát càng lúc càng lớn rộng thêm và càng nhiều hơn nữa. Vầng thái dương vẫn thản nhiên chiếu xuống những tia nắng chói chang cho đến khi nó làm khô hẳn những dấu tích ẩm ướt cuối cùng và biến khoảng không gian quanh tôi thành một vùng mênh mông rộng lớn đầy cát mịn và khô, thuần một màu vàng nhạt.

Bãi sa mạc!

Thần tượng Sphinx vẫn ngắm nhìn cảnh vật, đôi môi dày, rắn chắc và nguyên vẹn của nó hình như sắp nở một nụ cười, dường như nó cũng mãn nguyện với sự cô đơn độc chiếc. Thật là một sự hòa hợp tuyệt vời giữa con quái vật cô đơn với cảnh vật đìu hiu lặng lẽ của vùng chung quanh. Dường như tinh thần đơn độc đã tìm thấy sự thể hiện xứng đáng của nó nơi con quái vật khổng lồ và thản nhiên này.

Thần tượng Sphinx vẫn nằm giữa đồng cát như thế cho đến khi một đoàn tàu từ xa tiến đến và ngừng lại trên bờ sông, thả lên bờ một nhóm người. Nhóm người này từ từ tiến đến gần, cúi rạp xuống lạy hình thần tượng và thốt ra những lời cầu nguyện đầy vẻ vui tươi an lạc.

Kể từ ngày ấy, sự im lặng thần tiên đã gián đoạn. Người ta bắt đầu dựng lên những nhà cửa ở vùng thung lũng gần bên, các bậc vua chúa cùng với triều đình và tăng lữ lũ lượt kéo đến chiêm bái thần tượng Sphinx, chúa tể của sa mạc và một vị vua không có triều đình! Tới đây, cái linh ảnh hiện ra trong trí tôi bỗng chấm dứt. Nó vụt tắt như ngọn lửa tàn lụi của một cái đèn hết dầu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/10/2016(Xem: 24959)
Hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH HƯƠNG CHIÊM BÁI PHẬT TÍCH Tổng cộng 22 ngày từ 21-11 đến ngày 12-12-2016 Lệ phí: $5,900 (cho Phật tử tại Úc) & US$5,900 Mỹ Kim (cho Phật tử tại Mỹ & Canada): chi phí cho vé máy bay quốc tế khứ hồi (Sydney\Los Angeles - Taiwan – India & India – Taiwan – Sydney/Los Angles), Vé máy bay trong nội địa Ấn Độ (không dùng xe lửa), Bảo hiểm + Thuế phi trường + Vé vào cửa tham quan, Hotel (3 hoặc 4 sao) + Tips + Chi phí 3 bửa ăn sáng, trưa, chiều. Tu Viện Quảng Đức sẽ tổ chức chuyến hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ-Tích Lan, chuyến đi do Thượng Tọa Trụ Trì Thích Nguyên Tạng làm trưởng đoàn cùng với Đạo Hữu Tony Thạch (giám đốc công ty Triumph Tour ở Sydney) làm trợ lý cho Thầy để lo các công việc cần thiết. Phái đoàn dự kiến sẽ khởi hành ngày 21-11-2015, gồm 22 ngày để viếng thăm chiêm bái tất cả những Phật tích Ấn Độ cũng như đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tại Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ. Lệ phí chuyến đi là: A$5,900 cho Phật tử
07/10/2016(Xem: 5801)
Nói đến cảnh đẹp của Nhật Bản, không ai không nhắc đến cảm giác đi thưởng ngoạn cảnh sắc mùa lá Phong đỏ ở đây. Mỗi năm cứ đến tháng 10 lá phong bắt đầu đổi màu, mọi người lại cùng nhau đi xem mùa lá đỏ. Đã từ lâu lối đi hân thưởng cảnh đẹp của lá Phong ở kinh đô Nhật Bản dường như đã định, không ai bảo ai cứ đi xem là phải từ chùa Đông Phước đi ngang qua Khai Sơn Đường lên Thông Thiên Kiều đến khe Tẩy Ngọc rồi đến trước chùa Thanh Thuỷ, hai bên đường “ ngàn gốc Chu Hồng như hiện thành cổ kính, muôn lá Phong vàng như đỏ thắm đế đô” vẻ đẹp khó nơi nào có được…. NGÀY 01/10/2016: FRANKFURT/LAX/AUS - OSAKA Khởi hành từ Frankfurt/Lax đi Osaka bằng máy bay. Nghỉ đêm trên máy bay. NGÀY 02/10: OSAKA ( ĂN -/-/T ) Đến Osaka. Xe đón Quý Phật tử đưa về khách sạn. Ngoạn cảnh thành phố Osaka. Ăn tối. Nghỉ đêm tại khách sạn ở Osaka. NGÀY 03/10/: OSAKA – FUCHU – HIROSHIMA ( ĂN S/T/T ) Sau khi ăn sáng tại khách sạn, Đoàn khởi hành đi Fuchu, một thành phố thuộc Hiroshima. Đoàn c
12/09/2016(Xem: 10174)
Chùa Pháp Tánh ( nay gọi là Chùa Quang Hiếu) nơi Lục Tổ Xuất Gia tại Quảng Châu, Trung Quốc, chùa nằm trên đường Quang Hiếu là một trong những đền thờ Phật cổ nhất ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây từng là nơi đặt tư dinh của Vương tử Triệu Kiến Đức thời nhà Triệu nước Nam Việt trong lịch sử Việt Nam. Chùa Quang Hiếu cũng là nơi xuất gia của Lục Tổ Huệ Năng.
01/08/2016(Xem: 3475)
Nói đến thánh tích Phật giáo và với lòng khát ngưỡng của một người phật tử thì việc có được một duyên lành để tháp tùng một chuyến hành hương chiêm bái thánh tích thì quả là một trong những điều nguyện ước đã được mãn nguyện trong đời. Đọc lịch sử Đức Phật, được nghe, được biết đến những địa danh, những thánh tích, kể cả được nhìn thấy những hình ảnh về thánh tích trên các phương tiện thời đại như sách báo, phim ảnh, truyền hình, internet v.v…thì cũng chỉ là để hiểu biết,và có thêm một chút kiến thức về những thánh tích thế thôi, nhưng được tham dự một chuyến hành hương chiêm bái thánh tích thì không phải là như thế, không phải chỉ đi và đến để được thấy, được ngắm nhìn, để thỏa mản rằng chính mình đã được ”mắt thấy, tai nghe” về những thánh tích, mà chính thật ra là để cho chúng ta có được một cảm nhận rằng mình đã được" tìm về."
01/08/2016(Xem: 9274)
Từ chân núi đến tượng đài ta có thể đi bằng hai con đường, một bên là đường dốc bằng uốn lượn dựng đứng, một bên là đường dốc với hàng trăm bậc thang đá ghập ghềnh, nằm lọt thỏm giữa đồi thông vi vu xanh ngắt. Từ dưới chân cho đến đỉnh của con đường dốc đá có hơn 20 tấm bia đá ghi chép 12 lời nguyện ước của chúng sanh đến Quán Thế Âm Như Lai, cầu mong sự bình thành an lạc và bia đá các lời dạy của Phật, như mỗi bước đi đều nhắc ta nhớ đến điều lành, từ bi, hướng đến chân-thiện-mỹ. Trên triền dốc đến với tượng đài Quán Thế Âm là bức tượng đá Thiện Tài Đồng Tử đang chắp tay hướng về Mẹ từ bi. Phía dưới bức tượng có bia đề chữ: "Bậc trí như vách đá Gió cuồng nộ chẳng lay Lời tán dương phỉ báng Không xao gợn đôi mày" Tiến thẳng lên phía trên là lầu chuông nằm uy nghiêm như đón bước chân Thiền giữa rừng thông âm u hoang vắng.
20/06/2016(Xem: 4716)
Đức Dalai Lama sẽ tiếp và gặp gỡ phái đoàn Phật tử Việt Nam Hải Ngoại Quốc gia tại BIỆT ĐIỆN của Ngài Tu viện Namgyal là tu viện riêng, chính danh của Đức Dalai Lama, sẽ tổ chức một chuyến hành hương thăm Dharamsala, thủ đô của người Tây Tạng Lưu Vong – trú xứ của Đức Dalai Lama đời thứ 14 đang sống tỵ nạn 57 năm. Đức Dalai Lama được người Tây Tạng tôn kính và xem Ngài là vị Phật sống, là hiện thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Người Tây Phương xem Ngài là một thể hiện cho sự kêu gọi hòa bình của nhân loại. Đức Dalai Lama sẽ tiếp và gặp gỡ phái đoàn Phật tử Việtnam Hải ngoại Quốc gia ngay tại Biệt Điện của Ngài trong chuyến hành hương này. Kính mời quý Phật tử Việtnam cùng tham gia. • Thời gian 10 ngày - bắt đầu từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 10 tháng 11 năm 2016. • Khởi hành từ phi trường San Francisco bằng Cathay Pacific Airlines đến New Delhi, India. • Những nơi thăm viếng tại Dharamsala:
08/06/2016(Xem: 6380)
Chuyến đi Việt Nam lần này, ngoài việc làm lễ giỗ cho Mẹ, chúng tôi về Tổ Đình Long Tuyền đảnh lễ Sư Phụ, lễ Giác Linh sư huynh Giải Trọng và thăm quý thầy, ghé Tổ Đình Phước Lâm lễ Phật, đến chùa Bảo Thắng thăm chư Tôn Đức Ni, cũng như đi thăm một vài ngôi chùa quen biết. Như đã dự trù, tôi còn đi miền Bắc để thăm viếng ngôi chùa mà vị Thầy thân quen của tôi T.T Hạnh Bình mới vừa nhận chức Trụ Trì. Khi nghe Thầy báo tin nhận chùa ở ngoài Bắc, tôi có nói: Thầy nhận chi mà xa xôi thế? Nói thì nói vậy, chứ thật ra tôi rất mừng cho Thầy, ngoài tâm nguyện hoằng pháp độ sanh mà hàng trưởng tử Như Lai phải lo chu toàn, Thầy còn có nỗi thao thức đào tạo những lớp phiên dịch cho chư vị Tăng Ni từ Hán ngữ sang Việt Ngữ.
27/05/2016(Xem: 6330)
Bao nhiêu năm ao ước cho đến hôm nay tôi mới có duyên lành được hành hương về Tây Trúc - Tây Trúc hay Thiên Trúc là tên gọi trước đây của xứ Ấn Độ. Trong phái đoàn tôi đi có nhóm Sợi Nắng và các Phật tử đến từ Canada cũng như Hoa Kỳ. Về chư Tăng thì có thầy Tánh Tuệ - nhà thơ Như Nhiên. Thầy là người từng sống và học tập ở Ấn Độ suốt bảy năm nên thầy nắm rất rõ về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán... của người Ấn Độ. Cũng chính vì thâm niên như vậy nên nước da thầy rám nắng và người ta thường gọi thầy với cái tên rất gần gũi là "thầy cà-ri". Ngoài ra, phái đoàn còn có thêm sư cô An Phụng và sư cô Huệ Lạc
12/01/2016(Xem: 12063)
Con người bỗng thấy thật bé nhỏ trước thiên nhiên vô cùng, thấy mình trở nên hiền hòa như nước như đất, lành như cây như hoa, và mọi ưu tư về cuộc đời dường như tan biến !!! Một ngày đầu thu khi tôi lạc bước đến rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng, một ngôi chùa theo hệ phái Phật giáo Nam tông nằm trên lưng chừng núi thuộc huyện Hương Trà, cách thành phố Huế 14 km về hướng Tây.
11/10/2015(Xem: 5032)
Đầm sen rộng hơn 5.000 m2 của anh Hạnh ở Thường Tín (Hà Nội) đang lai tạo nhân giống được 12 loài, thu hút nhiều du khách tới chiêm ngưỡng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com