Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương V: Thành Vương Xá

26/09/201020:39(Xem: 4158)
Chương V: Thành Vương Xá

05linhthuu_php

Linh Thứu Sơn tiếng Pāli là Gijjhakuta, nghĩa là ngọn núi kên kên (Vulture’s Peak), tức trên đỉnh núi có hình dạng của con Kên Kên là loài chim rất phổ biến ở Ấn Độ, gần thành Vương Xá (Rājagaha)

1. Giới thiệu khái quát về cổ thành Vương Xá (Rājagaha)

Thành Vương Xá (Rājagaha) là kinh đô của nước Ma Kiệt Đà (Magadha), một kinh thành cổ xưa nhất Ấn Độ, rất trù phú, nguy nga nhưng lại hiểm trở vì núi non bao quanh do vua Tần Bà Sa La (Bimbīsara) trị vì vào thời đức Phật còn tại thế. Nhờ nằm trong thung lũng được bao quanh bởi những rặng núi chạy dài nên thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên khoáng sản, quặng sắt cũng như mỏ đồng làm cho đất nước Ma Kiệt Đà càng thêm cường thịnh. Các nguồn văn hóa lớn được xuất xứ từ Ma Kiệt Đà, như ngôn ngữ Magadhi và lịch số... 

Ngày nay kinh thành này chỉ là một thị trấn nhỏ với tên gọi là Rajgir, cách thủ phủ Patna 70 km về phía Tây Nam. Xung quanh vùng có một vài bức tường thành bao bọc ở các rặng núi chính là những phế tích còn sót lại của một kinh thành cổ. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều lạc hậu, phố xá nhà cửa đơn giản, lưa thưa, kinh tế không mấy gì khả quan so với nhiều vùng khác. Hơn 2500 năm về trước, tại nơi đây nhiều sự kiện trọng đại liên quan đến Phật giáo vẫn còn lưu dấu vết cho đến ngày nay. Chính tại kinh thành này, trên đường thái tử Sĩ Đạt Ta tầm đạo đã xảy ra cuộc gặp gỡ giữa Ngài và đại vương Tần Bà Sa La. Được biết tâm nguyện cao cả của vị thái tử bộ tộc Thích Ca (Sakyā) thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), nhà vua vô cùng thán phục, xin nhường lại nửa giang san cho Sĩ Đạt Ta cai trị nhưng thái tử đã một mực từ chối. Trước khi chia tay, nhà vua cầu chúc cho thái tử Sĩ Đạt Ta sớm thành tựu đạo quả và trở về thành Vương Xá để độ ông. Do đó, kinh đô Vương Xá trở thành một trong những trung tâm truyền bá Phật giáo đầu tiên có sức ảnh hưởng rất lớn vào thời đức Phật. Những thánh tích trọng đại liên quan đến Phật giáo vẫn còn lưu tiếng tăm cho đến ngày nay như: tinh xá Trúc Lâm, động Saptaparni (nơi kết tập kinh điển lần thứ nhất), núi Linh Thứu (nơi Phật diễn pháp Hội tam thừa quy nhất).... Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu thêm một số dấu tích còn sót lại liên hệ đến các danh xưng lịch sử này.

2. Vua Tần Bà Sa La (Bimbīsara) và tịnh xá Trúc Lâm (Veluvana Vihara)

05truclam_php-content

Khu tịnh xá Trúc Lâm

Có thể nói vai trò của vua Tần Bà Sa La rất lớn đối với việc truyền bá chánh pháp, là chỗ dựa vững chắc để làm nền tảng phát triển Phật giáo, khi một đạo Phật còn quá non trẻ so với những tôn giáo truyền thống đương thời của Ấn Độ. Nhưng làm cách nào thực hiện được điều đó để có thể đứng vững và làm cho mọi người tin tưởng hướng về, đó là điều trăn trở mà một vị giáo chủ vừa mới ra đời như đức Phật phải suy nghĩ và lo ngại!? Vì thế đức Phật không vội đi truyền bá chánh pháp ngay sau khi giác ngộ mà Ngài đã lưu lại tư duy quán sát bảy tuần lễ xung quanh cội Bồ Đề. Mặc dù đức Phật không thể hiện rõ về đường lối hay phương hướng truyền giáo của mình như một chiến lược, nhưng mọi biểu hiện của Ngài đều được cân nhắc kỹ càng có tính logic hợp lý trong mọi tình huống và trong mọi nơi khi Ngài dừng chân. Vì lẽ đó, mặc dù nhớ rất rõ lời hẹn ước với vua Tần Bà Sa La nhưng đức Phật không vội trở về thành Vương Xá để độ Ông bởi vì Ngài thừa hiểu tâm lý của những người đương quyền không dễ gì bị thuyết phục bởi những lời nói suông mà không có một cái gì để minh chứng. Do đó, việc quyết lòng hóa độ ba anh em Ca Diếp (Kassapa) đạo thờ lửa xứ Ưu Lầu Tần Loa (Uruvela) là một suy nghĩ đúng đắn nhất, có cơ sở tin cậy nhất đối với việc tiếp kiến đại vương nước Ma Kiệt Đà, một cường quốc nhất nhì thời bấy giờ. Bởi vì ba anh Ca Diếp là những người có uy tín lớn, có ảnh hưởng quần chúng rộng rãi trong thành, mà cả vua Tần Ba Sa La cũng để lòng kính nể đến các vị này. Tất cả điều kiện trên đã hội đủ nên cuộc gặp gỡ theo lời hẹn ước đã đem lại lòng tin sâu sắc và sự kính trọng tột độ của nhà vua dành cho đức Thế Tôn. Một nhà khổ hạnh hôm nào, nay trở thành một vị Phật, đầy đủ uy nghiêm cốt cách của bậc thầy trời người, lại thêm tiếp độ một ngàn môn đệ bao gồm ba anh em Ca Diếp chỉ trong thời gian ngắn ngủi thì việc đó ngoài sức tưởng tượng của nhà vua. Sau khi thân hành ra tận ngọ môn tiếp đón, vấn an đức Phật và chúng tăng, vua Tần Bà Sa La thỉnh Phật ngày hôm sau vào hoàng cung thọ trai và chính ông đã phục vụ cho Phật và chúng tăng, một vinh dự mà nhà vua chỉ dành cho đức Phật. Ngay bữa ngọ trai hôm đó, vua tuyên bố cúng dường ngự hoa viên Trúc Lâm (Veluvana), một khu rừng trúc xinh đẹp thoáng mát cho đức Phật làm nơi lưu trú tu hành. Tại khu rừng trúc này, một ngôi tinh xá được xây dựng, và nó cũng là ngôi tinh xá đầu tiên khởi nguồn cho lịch sử tự viện Phật giáo phát triển mãi đến sau này. Được sử ghi chép rằng, ngôi tinh xá rất là khang trang, rộng lớn, trong đó bao gồm nhiều phòng ốc, giảng đường và các tiện nghi sinh hoạt khác khảm đủ cả chục ngàn người. Tại ngôi tinh xá này, đức Phật đã trải qua mùa an cư thứ hai và nhiều mùa an cư khác nữa, và Ngài đã thuyết nhiều bài kinh quan trọng được ghi lại trong Trung Bộkinhnhư: Kinh Vương Tử, Đại Kinh Vacchagotta, Kinh Thiện Sanh Ưu Đà Di...

Ngày nay, khi dừng chân nơi ấy, chúng ta không còn thấy khu vườn trúc sum suê và ngôi tinh xá đồ sộ thuở nào như kinh điển mô tả. Trước mắt chúng ta chỉ thấy cảnh vật hoang sơ, thầm lặng trong một thị tứ bé nhỏ. Trước cổng ra vào có dựng một tấm bảng xác định vị trí ngôi tinh xá năm xưa, xung quanh có rào chắn um tùm cây tạp và cỏ dại. Bên trong chỉ còn vài khóm trúc khá tốt và xinh đẹp nhưng chắc được người sau trồng lại để tưởng niệm một danh xưng thơ mộng và nổi tiếng bởi hai chữ Trúc Lâm (rừng trúc), nhưng không đủ sức để phản ánh hết uy thế của một ngôi tinh xá trang hoàng và khu thượng uyển thời vàng son Phật giáo. Đi hết khu vườn, ngoài những khóm hoa được trồng dọc theo lối đi chúng ta không còn thấy một vết tích nào, cho dù bờ tường đổ nát rêu phong để có thể hình dung được tí gì liên quan đến nó. Trong khuôn viên, cách cổng ra vào khoảng 100 mét chúng ta thấy có một cái hồ vuông, xung quanh cẩn gạch vén khéo, nước trong hồ trong vắt và sạch sẽ, mặt hồ phẳng lặng in bóng những hàng cây tàng rộng mọc xung quanh, vài đàn cá trê chập chờn bơi lội dưới nước, tìm ăn những miếng mồi ngon từ khách tham quan và cư dân dạo mát quanh vùng. Hồ này có tên là hồ Kalandaka, được tương truyền rằng, đức Phật và chúng tăng thường tắm trong hồ này khi lưu trú tại tinh xá Trúc Lâm. Bên bờ hồ có một tượng Phật Bổn Sư do người Nhật tôn trí trên một bệ thờ trong tư thế thiền định, Ngài đang ngồi lặng lẽ giữa tiếng bước chân qua lại chầm chậm lưa thưa, giữa bốn mùa yên ả trầm buồn, buồn cho số kiếp chúng sanh thời Mạt không đủ phước duyên để chứng kiến thời hoàng kim chánh pháp.

Sau khoảng thời gian khiêm tốn ghi một vài hình ảnh kỷ niệm trong buổi chiều tà xế bóng, một vài hạt mưa muộn màng còn nhỏ giọt trên lối đi, hoàng hôn cũng dần dần buông màn khép lại cho một ngày tiếp tục trôi qua, một thao tác vạn kỷ, đoàn chúng tôi rời khỏi tinh xá Trúc Lâm, nơi đầy kỉ niệm trong trí tưởng tượng để trở về khách sạn nghỉ ngơi với bao niềm xao xuyến miên man.

3. Linh Thứu sơn (Gijjhakuta) Pháp Hội Tam Thừa

05linhthuu_phpLinh Thứu Sơn tiếng Pāli là Gijjhakuta, nghĩa là ngọn núi kên kên (Vulture’s Peak), tức trên đỉnh núi có hình dạng của con Kên Kên là loài chim rất phổ biến ở Ấn Độ, gần thành Vương Xá (Rājagaha). Từ trên đỉnh núi này, chúng ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành Vương Xá: những rặng núi chạy dài bao bọc xung quanh, các đồng ruộng mênh mông bát ngát, các làng mạc và những phố xá nằm rải rác quanh vùng. Tại Linh Thứu sơn này, nhiều bài kinh quan trọng đã được đức Phật tuyên thuyết khi Ngài còn tại thế. Theo truyền thuyết của Đại Thừa, tại núi này, đức Phật đã thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa(Saddharmapundarika Sutta), là bộ kinh quan trọng của Đại Thừa Phật giáo, là kim chỉ nam của hành giả Pháp Hoa Tông. Cho nên vào đầu kinh chúng ta thấy câu xướng lễ: Nam Mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát, chính là nói đến pháp hội tam thừa quy nhất tại núi Linh Thứu, đức Phật khuyến hóa hàng thánh giả Tam Thừa (Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát), nên hướng về nhất thừa, tức là Phật thừa. Trong kinh này, đức Phật khẳng định Phật tính bình đẳng trong tất cả chúng sinh, không phân biệt nữ nam, quí tiện vì ai cũng có Phật tánh và sẽ thành Phật, qua lời tuyên ngôn của Phật: “Ta Là Phật Đã Thành, Chúng Sinh Là Phật Sẽ Thành”. Một điều đặc biệt không thể không nhắc đến, đó là hình thức chiếc y của các thầy tỳ kheo, là một bảo vật, là tấm bùa hộ mạng luôn mang bên mình không được xa rời dù chỉ một đêm. Sở sĩ y của các thầy tỳ kheo được gọi là áo ruộng phước (phước điền y) chính là lời dạy từ kim khẩu của đức Thế Tôn. Một hôm, đức Phật cùng với các môn đệ của mình đứng trên núi Linh Thứu ngắm nhìn cảnh sinh hoạt của nông dân và bao cánh đồng mênh mông dưới chân núi. Ngài thấy những thửa ruộng được chia thành từng luống cách ly với nhau, vừa để phân biệt quyền sở hữu của mỗi người đồng thời dễ canh tác, nhất là trong việc giữ nước. Từ hình ảnh này đức Phật liên tưởng đến các thầy tỳ kheo. Đức phật nghĩ rằng, các thầy tỳ kheo như những ruộng phước để chúng sanh gieo trồng hạt giống bồ đề; nếu các thầy tu tập giới đức thanh tịnh trang nghiêm, thì bản thân các thầy như mảnh ruộng tốt làm cho chúng sanh gieo giống được mùa. Bằng ngược lại, các thầy là mảnh đất cằn cỗi không đem lại nguồn sống tốt cho mọi người. Vì vậy, chiếc y các thầy tỳ kheo, dù là y bá nạp hay cắt may đều phải thành từng ô vuông nho nhỏ kết lại mà không được mặc vải liền. Ý nghĩa y phước điền được xuất xứ từ ngày ấy.

Trước khi đến đỉnh núi Linh Thứu chúng ta đi qua những địa điểm được đánh dấu là vị trí quan trọng. Khoảng nửa đoạn đường lên đỉnh được xác nhận nơi Vua Tần Bà Sa La xuống kiệu để thân hành viếng thăm đức Phật. Qua đoạn đường dốc gần đến hương thất Phật ngự, chúng ta thấy hang động nhỏ, nằm bên tay phải lối đi, được cho là thạch thất của Ngài A Nan, vị thị giả suốt đời hầu cận trung thành bên đức Thế Tôn. Phía trước thạch thất này, có tảng đá lớn và nhiều mảnh vỡ được đánh dấu đó chính là tảng đá mà xưa kia Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), người anh em chú bác của Phật, lăn xuống để hại Phật, lúc Ngài đi ngang qua lối hẹp này. Nhờ oai thần của bậc đại giác, Đề Bà Đạt Đa đã không thực hiện thành công mưu đồ bất chính của mình. Phía trên thạch thất ngài A Nan khoảng 15 bậc thềm thang, gần hương thất của Phật là thạch thất của Ngài Xá Lợi Phất (Sāriputta), vị tôn giả trí tuệ bậc nhất trong hàng môn đệ của Phật. Xung quanh khu vực này còn nhiều thạch thất khác của chư thánh đệ tử Phật như Ngài Ma Ha Ca Diếp, Mục Kiền Liên ....Trên cùng là hương thất của Phật, gần mõm đá được cho là giống cái đầu con chim kên kên, nơi đức Phật thường ngự khi Ngài dừng chân tại Linh Thứu. Đây là điểm cao nhất của ngọn núi này. Từ đây chúng ta có thể quan sát quanh khu vực này cho dù các cảnh vật rất xa. Hai chữ Hương thất là từ xưng tán công đức, giới hạnh của Phật tỏa ngát như hương thơm bay khắp bốn phương, làm cho mọi người phải ngưỡng mộ một cách say sưa. Trong kinh Pháp Cúphẩm Hoa đức Phật dạy: “Trong các loài hoa, dù là hoa Chiên Đàn, hoa Đa Dà La hay hoa Mạc Lợi, tuy thơm thật nhưng không thể bay ngược gió. Chỉ có mùi hương của người tu đức hạnh tuy ngược gió vẫn bay khắp muôn phương” (PC – 54).

“Hương thơm hoa quý thua xa

Hương người đức hạnh chan hòa vượt trên

Xông lên mãi tận chư Thiên

Tỏa ra ngan ngát khắp miền trời cao”.

(Tâm Minh)

Ngày hôm nay, hương thất này không còn nữa, chỉ được người đời sau xây dựng một nền gạch tưởng niệm khoảng 3 mét vuông để đánh dấu vị trí chỗ thường ngự của Phật hơn 2500 năm về trước. Các đoàn hành hương thường làm lễ và cầu nguyện trong phạm vi hương thất này. Các bản kinh thường được dùng để tụng đó là kinh Phổ Môn, được trích từ kinh Pháp Hoa, phẩmQuan Thế Âmthứ 25.

Trong khoảnh khắc dừng chân ở tận đỉnh cao nơi hương thất của Phật, bốn bề gió lộng mênh mông, cảnh vật im lìm trong khoảng không bất tận, cho dù có người qua kẻ lại, nhưng ai cũng giữ chánh niệm, im lặng để cảm niệm hồng ân của đức Thế Tôn, lòng chúng tôi cảm thấy được an ủi đôi phần. Mặc dù không đủ duyên lành được sinh ra trong thời Phật còn tại thế để được dự phần trong Pháp Hội Linh Sơn, nhưng cũng may mắn tận mắt chứng kiến, tưởng niệm và đảnh lễ những nơi đức Phật từng tu tập và giảng kinh thuyết pháp năm xưa, dù là trên đỉnh núi cao hay trong các hang động liên quan đến cuộc đời Ngài. Bốn mươi lăm năm hoằng hóa độ sanh với đôi chân trần bằng xương bằng thịt, đức Phật đã vân du khắp bốn phương trong xứ Ấn để hóa độ chúng sanh, cho dù là kẻ hạ tiện như Ni Đề, người làm nghề gánh phân, là công việc bẩn thỉu nhất hay những người kỹ nữ như Ambapali... đều được sự che chở, thương yêu bình đẳng như các thánh đệ tử của Ngài. Một tấm gương sáng chói, một đức hạnh cao vời, chỉ có một và chỉ một lần trong lịch sử xuất hiện đấng cứu thế trong hiền kiếp này. Bằng chút tấc lòng son, trọn đời chúng con quyết noi theo con đường của Phật, dẫu không đạt đạo cũng nguyện từ đời này đến vạn kiếp sau ghi khắc mãi trong tim những lời vàng ngọc của Người, không cô phụ một đời gian nan, khổ cực của đấng cha lành đã tìm ra ánh đạo quang minh, tìm ra con đường giải thoát khổ đau cho vạn loại hữu tình mà không có một con đường nào khác, một tôn giáo hay một học thuyết nào ngoài lời dạy của Phật có thể giải quyết tận gốc thảm kịch muôn đời của trần thế, tức giải thoát luân hồi tử sinh.

Bên phải Linh Thứu sơn là núi Sonagiri, trên đỉnh có một cái tháp cao màu trắng được gọi là tháp Hòa Bình của Phật giáo Nhật Bản, do Hòa thượng Nichidatshu Fuji, thuộc tông Thiên Thai, xây dựng với ước nguyện cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh an cư lạc nghiệp. Đây là một trong rất nhiều công trình được hòa thượng xây dựng trên đất Phật, kể từ sau sự kiện hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố lớn trên xứ sở hoa anh đào của Ngài: Hiroshima và Nagashaki vào tháng 8 năm 1945. Kiến trúc tất cả các tháp đều có kiểu dáng giống nhau, đều cấu trúc hình tròn và chóp nhọn ở đỉnh. Bốn mặt phân đều theo bốn hướng tôn trí 4 tượng phật màu vàng, dựa trên bốn sự kiện trọng đại: Đản sanh, Thành đạo, Chuyển pháp luân và nhập Niết Bàn.

Các đoàn hành hương, thường hay nhầm lẫn giữa núi Linh Thứu và núi Sonagiri , nơi có tháp Hòa Bình Nhật Bản, nếu không được quí thầy cô thường dẫn đoàn hay những người hiểu biết về di tích hướng dẫn. Cũng là khu vực quanh núi Linh Thứu, nhưng đường lên Tháp Hòa Bình rất dễ vì đi bằng cáp điện treo (chairlift), còn đường lên núi Linh Thứu thì đi bằng bậc tam cấp. Vì vậy chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ càng hoặc tư vấn với những người đã từng đi một cách tường tận, chính xác để khỏi phải xảy ra những điều đáng tiếc như chúng tôi năm xưa hăm hở lên tận tháp Hòa Bình mà cho rằng mình đã đến đỉnh núi Linh Thứu, bởi vì mình chỉ biết trong kinh điển chớ không biết được địa điểm thực tế. Khi hiểu ra thì mọi việc đã trôi qua hơn hai năm rồi. Đúng là chuyện dở khóc dở cười!!!

4. Ngục khám vua Tần Bà Sa La (Bimbīsara)

05-axathe_phpNền nhà tù, nơi A Xà Thế nhốt vua cha Bình Sa Vương

Trên quãng đường đi đến Linh Thứu sơn khoảng 2 km từ tinh xá Trúc Lâm có một bờ tường đá dày 2m, nằm bên trái cách con đường chính chừng 30 m, hình chữ nhật, dài khoảng 100m, rộng độ 70m, đó là nhà tù giam vua Tần Bà Sa La thuở xưa. Từ vị trí này, chúng ta nhìn thấy xa xa thấp thoáng tháp Hòa Bình trên đỉnh Sonagiri và chóp núi Linh Thứu, cách chừng 5 km bằng đường chim bay, khoảng 7 km đi đường lộ nhựa.

Sử chép rằng: vì còn quá trẻ, tính tình bồng bột nông nổi nên bị sự xúi giục sai trái của Đề Bà Đạt Đa, người dốc lòng hại Phật, thái tử A Xà Thế (Ajatasattu) dùng mọi thủ đoạn để hãm hại vua cha, tức vua Tần Bà Sa La, bằng cách bắt giam vào đại lao và dùng nhiều cực hình bức tử Ngài. Những ngày cuối đời trong ngục thất, đức vua hướng về núi Linh Thứu cầu khẩn đức Thế Tôn chỉ dạy phương pháp tu tập để thoát khỏi cuộc đời đầy đau khổ này. Vì ham mê danh vọng, quyền thế hư ảo, vì chứa đầy tham sân si trong lòng mà con người gian trá lọc lừa, tìm cách hãm hại nhau để vun bồi cho dục vọng và ngã chấp, ngay cả như cha với con cũng không từ nan. Trần gian là bể thành sầu khổ. Sự có mặt của mọi con người trên cuộc đời chỉ nhằm giải quyết “ân oán giang hồ”, cứ thế mà trả vay, vay trả đến kiếp nào cho xong! Vì vậy, khi được đức Thế Tôn từ trên đỉnh Linh Thứu sơn phóng quang, xoa đầu và hiển hiện kim thân thuyết pháp, ông liền đắc quả A Na Hàm, rũ sạch mọi đau buồn và an nhiên đi vào cõi chết. Hoàng hậu Vi Đề Hi, vợ vua Tần Bà Sa La, cũng bị giam lỏng trong ngục thất này, nên bà cầu xin đức Phật chỉ dạy phương pháp tu thoát khỏi cõi ta bà ô trược. Cảm được lời cầu xin của Bà, đức Phật hiện thân thuyết pháp an ủi, giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà và phương pháp tu vãng sanh về cõi ấy. Điều này đã được ghi chép đầy đủ trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, một trong những bài kinh căn bản của hành giả Tịnh Độ Tông.

5. Hang Thất Diệp (Sattapanni), nơi kết tập kinh điển lần thứ nhất

05hangthatdiep_php-contentQuang cảnh phía trước hang Thất Diệp

Để được tham quan hang Thất Diệp (Sattapanni), mọi người trong đoàn phải nghỉ ngơi qua đêm chờ sáng hôm sau đủ sức đi bộ lên hàng mấy ngàn bậc tam cấp mới đến được hang Thất Diệp, một động đá trên đỉnh núi dung chứa chỗ ngồi cho 500 trăm vị A La Hán.

Hang Thất Diệp hay còn gọi động Kỳ Xà Quật thuộc ngọn núi Vebhara hay Vaibhara, là nơi được chọn để tổ chức cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất. Hang Thất Diệp này thuộc thành Vương Xá chỉ cách Linh Thứu sơn khoảng 10 km. Cuộc kết tập kinh điển này được diễn ra sau ba tháng đức Thế Tôn nhập Niết Bàn. Trưởng lão Đại Ca Diếp (MahaKassapa) được cử làm chủ tọa hội nghị gồm 500 vị đại A La Hán, nên còn gọi là Ngũ Bách Kết Tập. Nội dung của cuộc kết tập kinh điển lần này nhằm ôn lại lời dạy của đức Thế Tôn, Ngài Ưu Ba Ly (Upāli) trùng tuyên luật tạng, Ngài A Nan Đa trùng tuyên kinh tạng, chưa có đề cập đến tạng luận. Mọi chi phí trong suốt quá trình kết tập được sự bảo trợ trọn vẹn của vua A Xà Thế, đại vương nước Ma Kiệt Đà.

Tại hang Thất Diệp có khả năng chứa 500 vị thánh tăng hôm nào nay chỉ còn trong truyền thuyết, bởi vì qua thời gian hang động này đã bị lấp kín chỉ còn một lối đi vào sâu bên trong độ khoảng 10m. Bên ngoài hang động có khoảng không rộng rãi, thông gió, rất mát mẻ và thanh vắng. Từ nơi này, chúng ta có thể thấy vùng bình nguyên phía dưới cây cối bạt ngàn, nhà của phố xá và cả xe cộ qua lại trên con đường chính. Muốn vào bên trong chúng ta phải có đèn pin hoặc thắp nến mới có thể thấy đường lần theo lối mòn vì ngoài việc thiếu ánh sáng, lối đi rất là lởm chởm đá.

Cách hang động chính không xa khoảng 10m có một động đá không sâu nhưng khảm đủ làm nơi trú thân lý tưởng cho các vị tu hành. Hang động này được đánh dấu chỗ mà Ngài A Nan hành thiền suốt đêm trước ngày diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần này. Sở dĩ A Nan không được vào bên trong vì Ngài chưa chứng đắc quả A La Hán, nên không đủ tư cách để tham dự hội nghị, cho dù được xem là vị đa văn đệ nhất, nhớ rõ toàn bộ lời dạy của đức Thế Tôn. Vì buồn cho mình mang tiếng đa văn nhưng lậu hoặc vẫn chưa dứt trừ, đồng thời không được có mặt trong kỳ kết tập này nếu chưa chứng quả A La Hán nên Ngài đã nỗ lực tu tập suốt một đêm cuối cùng trước khi trời sáng hội nghị bắt đầu khai mạc. Đêm lịch sử này cũng là đêm quyết định, tôn giả A Nan đã chứng đắc thánh quả, dứt trừ lậu hoặc và nghiễm nhiên trở thành một thành viên hợp lệ trong hội nghị và được đề cử vai trò quan trọng là người trùng tuyên toàn bộ kinh tạng, tức năm bộ Nikāya.

6. Kê Túc sơn (Kukkutapadagiri), nơi nhập diệt của thánh Ca Diếp

05-nuiketuc_php-contentNúi Kê Túc nhìn từ xa

Kê Túc sơn là điểm lịch sử rất quan trọng, nơi nhập diệt của Ngài Ma Ha Ca Diếp, người được phó chúc giữ kim y của đức Phật, đợi đến khi Ngài Di Lặc ra đời để truyền lại. Mặc dù nhiều người biết đến mốc lịch sử này nhưng rất ít ai đến tận nơi để tham quan hay chiêm bái bởi nhiều lý do: một là, đường quá xa lại thêm nhiều ổ gà nên đi rất lâu; hai, chỉ là con đường độc lập không có liên quan đến các thánh tích khác; ba, vì nơi này không phải là điểm du lịch tham quan, cũng không có phố xá, làng mạc hay cảnh thiên nhiên đẹp, lại thêm leo núi cao mà không có bậc tam cấp. Ngoài ngọn núi cheo leo, khô khan, hiểm trở nơi đây chỉ có nhiều loại cây cỏ dại trên một vùng đất bỏ hoang, không có gì hấp dẫn cả. Cho nên chỉ có những tu sĩ hay Phật tử nhiều thiện chí lắm mới tìm đến nơi này.

Núi Kê Túc cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 75 km về hướng Đông Nam, đường đi rất khó khăn bởi nhiều ổ gà hay ổ voi thì đúng hơn vì nó rất to. Từ chân núi lên tới đỉnh chúng ta đi mất gần hai tiếng đồng hồ, do không có bậc tam cấp mà phải tìm lối mòn nơi các kẽ đá hay các rễ cây to bò dọc theo con đường. Nhờ Phật giáo Đài Loan đang xây dựng bảo tháp trên đỉnh Kê Túc tưởng niệm Ngài Ma Ha Ca Diếp, nên họ có tạo một đoạn tam cấp dang dở từ chân núi lên khoảng 100 mét. Được tương truyền rằng, trước khi nhập diệt, Ngài Ma Ha Ca Diếp cũng thường lui tới ngọn núi này để hành thiền định. Sau khi chu toàn lễ trà tỳ của Phật, lại thêm hoàn tất cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất, Ngài Ma Ha Ca Diếp đi vào núi Kê Túc nhập diệt tận định. Đến nơi Ngài dùng thần thông chẻ núi thành đôi mở lối đi, Ngài bước vào bên trong lòng núi và hai mảng đá lớn của một quả núi lần lần khép kín lại.

05-nuiketuc2_php-contentNúi Kê Túc chẻ đôi

Sở dĩ núi này có tên là Kê Túc vì từ xa chúng ta nhìn lên ngọn núi này, những mõm đá được nhô lên trông giống một con gà mái đang ấp trứng nên mọi người đặt tên là Kê Túc sơn (núi con gà). Trước khi lên tới đỉnh, chúng ta phải đi ngang qua một lối đi hẹp chỉ vừa đủ một người, hai bên là vách núi thẳng đứng, được cho là kẽ đá chẻ đôi do thần lực của Ngài Ca Diếp còn lưu dấu đến ngày nay. Khi đến đỉnh núi, chúng ta thấy có một hốc đá, trong đó có ngôi tháp nhỏ thờ tượng vị thánh đệ nhất đầu đà Ca Diếp. Xung quanh được bao bởi lớp kiếng dày, dưới chân rào lại cẩn thận nhằm tránh sự quấy phá cũng như bụi bậm. Bên ngoài hốc đá, Phật giáo Đài Loan cũng đang xây dựng một cái tháp lớn trên đỉnh núi này. Từ xa chúng ta thấy dường như ngôi tháp này xây dựng trên lưng của con gà đá to lớn này. Sau phút giây tham quan cảnh trí thiên nhiên, tận hưởng những cơn gió mát dịu và thanh khí trên ngọn núi, chúng tôi trở lại bảo tháp trong hốc đá, đối diện trước tượng Ngài Ca Diếp đảnh lễ, nhằm tưởng nhớ đến gương hạnh người xưa, một con người khiêm tốn, sống khổ hạnh, suốt đời chỉ mặc y phấn tảo. Đó là một trong những tấm gương đức hạnh sáng ngời mà ngàn đời sau người xuất gia nên trân trọng noi theo. Xúc động trước bậc tổ đức thánh hạnh cao ngời, tôi cảm tác một bài thơ theo thiển ý của mình để dâng tấc lòng thành lên Ngài:

Kê Túc nắng vàng vương áo con

Một đời sống đạo khắc lòng son

Kim y Phật tổ trao truyền mãi

Di Lặc hạ sanh vẫn hằng còn.

Dập đầu kính lạy Ngài Ca Diếp

Phấn tảo xiêm y giữ trọn đời

Phật sự vuông tròn hang Thất Diệp

Lời vàng tổ đức trải muôn nơi.

Ngàn năm trở lại đường xưa cũ

Dốc núi cheo leo hiện dáng thiền

Sông núi đổi dời tâm chẳng động

Con nguyền lưu giữ mối đạo thiêng”.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/10/2023(Xem: 6131)
Được thành lập vào thế kỷ thứ 8, việc xây dựng bắt đầu vào năm 742, Thạch Quật Am (석굴암, nghĩa là Am hang đá) là một Cổ Am và một phần của phức hợp Phật Quốc Tự. Nó nằm cách bốn km về phía đông của ngôi đại già lam cổ tự trên núi Tohamsan, ở Gyeongju, Hàn Quốc, gian chính hình tròn thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 3,5m với tư thế Xúc địa thủ ấn (Bhumistarsa Mudra),
01/10/2023(Xem: 5835)
Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học trong đó có Ngài Khánh Hòa có liên đoàn Học Xã ra đời tức là hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập năm 1934 ở tại Bến Tre. Hội này quý Thầy giảng dạy cho chư Tăng, chư Ni cũng có những học đường, bắt đầu thỉnh Đại Tạng Kinh ở bên Trung Quốc về bây giờ chúng ta căn cứ theo Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Tại sao gọi là Đại Chánh? Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh có tất cả 100 tập. Từ tập 1 tới 65 có Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và những bộ kinh thuộc về Mật Tạng, Hòa Thượng Tịnh Hạnh cũng đã cho dịch ra thành 187 tập. Từ tập 188 cho đến tập thứ 202 nay mai sẽ được xuất bản. Riêng Thanh Văn Tạng nó có tính cách Hàn Lâm. Trong thời gian qua HT Tuệ Sỹ đã cho dịch thành Thanh Văn Tạng rồi trong tương lai sẽ có Bồ Tát Tạng, tiếp theo nữa sẽ là Mật Tạng.
04/07/2023(Xem: 7587)
Hôm nay ngày 22.6.2023. Trước đây thầy Hạnh Tấn làm Thư ký ở trong ban Hoằng Pháp của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Chỗ này tôi xin xác định một chút cho Quý Vị rõ về hai cơ cấu, hai vai trò không phải là một. Ôn Tâm Huệ là trưởng ban truyền bá giáo lý Âu Châu; Thầy Hạnh Tấn làm thư ký cho ban truyền bá giáo lý Âu châu thuộc về Hội Đồng Hoằng Pháp của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Khi mà ôn Tuệ Sỹ thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp vào năm 2021
03/05/2023(Xem: 141605)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
03/04/2023(Xem: 11289)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan được thành lập năm 1999 tại Sydney với nhiệm kỳ 4 năm sinh hoạt Phật Sự. Đến nay đã trải qua hơn 20 năm thăng trầm hành hoạt với 6 kỳ Đại Hội trước đây, lần lượt được tổ chức tại: Chùa Pháp Bảo (1999), Chùa Pháp Quang (2003), Chùa Phổ Quang (2007), Chùa Pháp Hoa (2011), Tu Viện Quảng Đức (2015 và 2019). Và mới đây, Đại Hội Khoáng Đại Kỳ 7 được tổ chức tại Chùa Thiên Ấn, vùng Canley Vale, tiểu bang New South Wales, từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 6 năm 2022.
18/02/2023(Xem: 6158)
Tôi nghĩ là người Phật tử, ai cũng muốn một lần được đến Ấn Độ để chiêm bái Phật tích, những Phật tích quan trong là nơi đức Phật Đản sinh, đức Phật Thành đạo, đức Phật chuyển Pháp luân và đức Phật nhập Niết Bàn. Bốn nơi đó thường được gọi là Tứ động tâm, nghĩa là 4 nơi thường làm cho người Phật tử xúc động, khi chiêm bái khi tưởng nhớ đến đức Thế Tôn. Chừng 10 năm trước, Đại đức Thích Minh Hiển từng du học ở Ấn Độ, tổ chức đi chiêm bái Phật tích, chúng tôi ghi danh đóng tiền tham gia, nhưng giờ chót, chúng tôi quyết định không đi, lần khác Đại đức Thích Hạnh Lý, trụ trì chùa Từ Ân, thành phố Louisville, Kentucky tổ chức đi chiêm bái Phật tích có thông báo cho chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng không tham gia được.
06/01/2023(Xem: 6248)
Tôi quyết định đi theo đoàn hành hương do chùa Vạn Hạnh ở Nantes tổ chức từ cuối tháng 9, 2010. Làm các thủ tục vé máy bay, passport và visas xong xuôi từ cuối tháng mười. (Các bạn nên nhớ rằng passport của bạn phải còn có giá trị tối thiểu 3 tháng sau ngày rời Ấn Độ trở về. Nếu bạn rời Ấn Độ ngày 01/01/2011, thì passport của bạn phải còn giá trị tối thiểu là đến 01/04/2011. Visas vào ra Ấn Độ, phải là “Double entries”). Xong xuôi tất cả, tôi phủi tay tự nhủ, bây giờ thì chỉ còn chờ ngày đi mà thôi, và tôi vui thú thở ra nhẹ nhỏm trong người.
07/11/2022(Xem: 7389)
Tình tự quê hương như là chất liệu để nuôi sống đời mình, nên Hòa Thượng Tuệ Sỹ chỉ ở đó mà không đi đâu hết. Sinh ra giữa lòng đất Mẹ, chắc một ngày mai kia có chết, thì chết trong giữa lòng đất mẹ ấy, mà đã không ra đi như bao người đã ra đi. Có lẽ sinh ra nơi nào thì chết ở nơi đó. Đây là cái khí khái của bậc Đại Sỹ. Dù quê hương có đọa đầy mưa nắng, thì cũng nguyện là người làm mưa nắng để vun xới cho quê hương được tươi mát.
13/03/2022(Xem: 24308)
Hành hương và chiêm bái Phật tích Ấn Độ là nhân duyên hy hữu và là một ước mơ ngàn đời của người đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn bể. Nay ước mơ đó đã đến với Tăng Ni và Phật tử Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Ấn Độ gồm 51 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào ngày 7-11 năm 2006. Phái đoàn do Đại Đức Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Sư Cô Hạnh Nguyên và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (Giám đốc công ty Triumph Tour) hướng dẫn cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 6 từ Sydney, 1 từ Perth và 5 đến từ Texas, Cali, Hoa Kỳ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]