Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

XỨ PHẬT SRILANKA - ĐÃ MỘT LẦN NHƯ THẾ - Thích Như Điển

20/07/201121:21(Xem: 4841)
XỨ PHẬT SRILANKA - ĐÃ MỘT LẦN NHƯ THẾ - Thích Như Điển

XỨ PHẬT SRILANKA
ĐÃ MỘT LẦN NHƯ THẾ
Thích Như Điển

Nước Tích Lan (Sri Lanka) có nghĩa là xứ Sư Tử Hống. Phật giáo đã có mặt tại đây từ thế kỷ thứ ba trước Thiên Chúa giáng sinh, nghĩa là từ khi công chúa Sanghamita và hoàng tử Mahinda, con vua A Dục mang cây Bồ đề được chiết ra từ cành cây chính ở Bồ Đề Đạo Tràng qua xứ Anuradhapura để trồng tại đó. Mãi cho đến ngày hôm nay, nơi đây vẫn là Thánh địa có nhiều người Phật tử đến đây để chiêm bái, nguyện cầu và cây Bồ đề ấy ngày nay hơn 2300 năm lịch sử, cành lá vẫn còn tốt tươi và đang đâm chồi nảy lộc, vươn cao lên cả mấy tầng mây.

Xứ Phật Srilanka - Đã một lần như thế

Thích Như Điển

Ở trong đời này có nhiều chuyện thật bất ngờ, bởi vì người ta chẳng tính trước được. Đa phần cuộc sống của chúng ta đều do mình làm chủ. Chúng ta vạch định kế hoạch cho việc tu, việc học, việc đi du lịch, giao tế với bạn bè v..v. Đó là bản lề của cuộc sống và là chương trình làm việc của mỗi người; nhưng trong cuộc sống này nó có muôn mặt, thay đổi muôn hình vạn trạng, đôi khi ta nghĩ vậy mà nó không là vậy. Cho nên, trong giáo lý của đức Phật gọi những sự thay đổi ấy là “Nhơn duyên”.
“Nhân duyên” là một sự tương tức. Có cái này nên mới có cái kia. Có những cái ẩn tàng đâu đó trong nhiều đời nhiều kiếp bây giờ mới hiện về. Có những cái mình không thích, không muốn mà nó cứ hiện ra. Hoặc giả có những loại mình ưa thích mà nó chẳng bao giờ đến. Thôi thì tóm gọn lại trong hai chữ “Nhơn duyên” là dễ hiểu và dễ cảm thông hơn.

chf_1310561434

Người phụ nữ nầy mang hoa sen lên chùa dâng cúng Phật


Thầy Seelawansa, người Tích Lan, đến với tôi và chùa Viên Giác tại Hannover cũng là một sự tình cờ trong bao nhiêu sự tình cờ khác, cách đây chừng 20 năm về trước. Vào đầu năm 1991, thầy đến Hannover và chúng tôi đã quen biết nhau từ đó. Thầy đến Áo từ năm 1982 và đã tốt nghiệp tiến sĩ triết học tại Áo; hiện là giáo sư Tôn giáo học tại đại học Wien, thủ đô nước Áo.
Trong 20 năm đó, tôi đã thăm quê hương Thầy ấy ba lần. Cứ mỗi lần như thế, tôi đều viết những bài tường thuật để đăng trên báo Viên Giác, hoặc giả viết thành sách như cuốn: “Giữa chốn cung vàng” để giới thiệu về quê hương Thầy cũng như Kandy – nơi chiếc răng của đức Phật được tôn thờ tại đó. Lần thứ ba này là lần đặc biệt nhất, vì tôi đã chẳng đợi chờ.

chf_11310561434

Bảo tháp xưa tại Polonnaruwa


Cách đây hai năm, Thầy có nhờ tôi viết một bài báo bằng tiếng Anh để giới thiệu về Thầy trong khi Thầy ấy hướng dẫn tu học cho những người Đức và người Áo tại Âu châu. Tôi sẵn sàng và đã thực hiện điều đó. Đó cũng là hình thức giới thiệu về Thầy để được Hội đồng Tăng già Tích Lan trao giải thưởng danh dự cao quý cho Thầy, người có công mang ánh sáng Phật pháp vào Âu châu. Sau đó, Thầy điện thoại cho tôi biết kết quả và giải thưởng này Thầy ấy đã nhận lãnh từ năm 2010. Tiếp theo Thầy đề nghị Hòa thượng Thích Minh Tâm và cá nhân chúng tôi cũng sẽ đón nhận giải thưởng danh dự này. Hòa thượng Thích Minh Tâm thì chẳng mừng và cũng chẳng quan tâm và Hòa thượng bảo rằng: “Để đến lúc ấy hãy tính”. Có vẻ việc đến bất ngờ chăng? Nên Hòa thượng Minh Tâm cũng đã chẳng chuẩn bị gì cả ngoại trừ một lý lịch trích ngang và công lao hoằng pháp của Hòa thượng tại Âu châu mà chính thầy Seelawansa đã nhiều lần tai nghe mắt thấy. Còn tôi, thầy Hạnh Giới đã bổ túc lý lịch đầy đủ cho Thầy ấy cả tiếng Anh và tiếng Đức.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, một hôm thầy Seelawansa điện thoại cho tôi và báo tin rằng: Hội đồng Tăng già Tích Lan đã đồng ý cấp giải thưởng cao quý về việc hoằng pháp trên thế giới của chúng tôi và tiếp theo Thầy ấy có gởi mấy tờ báo địa phương đã loan tải tin này bằng tiếng Tích Lan cũng như bằng tiếng Anh. Sau đó, tôi có liên lạc với Hòa thượng Minh Tâm để định ngày sang Tích Lan tham dự lễ trao giải thưởng. Cuối cùng, Thủ tướng Tích Lan đã chọn ngày 8 tháng 7 năm 2011 là ngày lễ trao giải thưởng này. Vì là một tổ chức lớn, cả Hội đồng Tăng già và chính phủ nên phải lấy thời gian trước đó một năm. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng không rãnh rỗi gì, vì là trong mùa an cư kiết hạ và triển lãm Phật Ngọc tại chùa Viên Giác – Hannover mới vừa xong. Trong khi đó, phái đoàn của Hòa thượng Thích Minh Tâm gồm tám vị cũng chưa rõ là có thể đi được hay không, chỉ chờ đợi vào giờ chót.

chf_21310561434

Cung kính đảnh lễ Chư Tăng
Một truyền thống tốt đẹp của Phật tử Tích Lan


Riêng báo Viên Giác cũng như trang nhà Viên Giác đã đưa tin này cả một năm qua nên phái đoàn Viên Giác đến Colombo từ ngày 3 đến ngày 14 tháng 7 năm 2011, tổng cộng 24 vị. Từ Âu châu có 16 người, Ấn Độ có 4 thầy, và Việt Nam có bốn vị. Đặc biệt phái đoàn Âu châu lần này gồm các văn sĩ, nhà thơ như: chị Trần Thị Nhật Hưng, Hoa Lan, Đan Hà, và anh chủ bút báo Viên Giác Phù Vân cũng đã tháp tùng cùng phái đoàn. Do vậy, những vị này sẽ có những bài tường thuật khác nhau bằng cái nhìn nhân chứng và nhãn quan của các anh chị em này. Vì thế, độc giả báo Viên Giác nay mai sẽ đọc được nhiều bài thơ, tùy bút hay những bài tường trình về chuyến đi này đầy đủ hơn.
Ở xứ lạnh như xứ Đức, cả ba bốn chục năm nay, nay có cơ hội về xứ ấm Á châu và sẽ được thưởng thức thời tiết và khí hậu ấm ấp khác xa nước Đức cũng như đồ ăn Á châu… ai mà không thích; nhưng tất cả cũng đều do nhân duyên sắp đặt mà thôi. Vì có những người cũng đã ghi tên giữ chỗ rồi, nhưng cuối cùng đổi ý ở nhà. Như vậy là mất đi một chuyến hành hương lý tưởng. Nhưng cũng có nhiều vị đã không chuẩn bị đi, mà cuối cùng là đã được đi. Cho nên hai chữ “Nhân duyên” nó có năng lực mạnh mẽ như vậy.

chf_31310561434

Người dân thành tâm Lễ tháp


Phái đoàn chúng tôi đến Colombo vào chiều 3 tháng 7 năm 2011. Sau khi đã được nhân viên Bộ Ngoại Giao chào đón theo cung cách lễ tân, chúng tôi thâu nhận hành lý và bước ra ngoài hành lang của phi trường để đón nhận những giọt mồ hôi đầu tiên tại xứ nhiệt đới này. Sau khi lên xe bus, phái đoàn được đưa về khách sạn nằm gần bờ biển cách thủ đô Colombo chừng 30 km về hướng Tây – Bắc.
Nước Tích Lan (Sri Lanka) có nghĩa là xứ Sư Tử Hống. Phật giáo đã có mặt tại đây từ thế kỷ thứ ba trước Thiên Chúa giáng sinh, nghĩa là từ khi công chúa Sanghamita và hoàng tử Mahinda, con vua A Dục mang cây Bồ đề được chiết ra từ cành cây chính ở Bồ Đề Đạo Tràng qua xứ Anuradhapura để trồng tại đó. Mãi cho đến ngày hôm nay, nơi đây vẫn là Thánh địa có nhiều người Phật tử đến đây để chiêm bái, nguyện cầu và cây Bồ đề ấy ngày nay hơn 2300 năm lịch sử, cành lá vẫn còn tốt tươi và đang đâm chồi nảy lộc, vươn cao lên cả mấy tầng mây.
Vào thế kỷ thứ 16, người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã đến đây và họ đã mang theo một đạo mới. Đó là Thiên Chúa giáo. Rồi người Anh đến cai trị xứ này từ thế kỷ 18, đến đầu thế kỷ thứ 20 người Anh đã trao trả độc lập lại cho người Tích Lan. Cho nên, sau khi người Anh đi rồi, những văn hóa và tôn giáo cũ vẫn còn có mặt đó đây trong xứ quốc giáo là đạo Phật này, vốn đã ngự trị tại đây trong hơn 23 thế kỷ qua.

chf_41310561434

Khắp nơi trong xứ Tích Lan đều có những tượng Đại Phật như thế này


Ông Henry Olcott là một đại tá quân nhân người Mỹ, vào đầu thế kỷ thứ 20 đã đến Tích Lan, và ông chủ trương khôi phục lại nền văn hóa và tôn giáo của xứ này, nên đã được nhiều nhà học giả trí thức cũng như những chính trị gia trên thế giới ủng hộ. Trong đó có lá cờ Phật giáo thế giới ngày nay. Nguyên là khi nghiên cứu, ông thấy vầng hào quang của đức Phật có 5 màu gồm: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam. Do vậy, ông nghĩ ra ý tưởng dùng màu sắc giác ngộ ấy để tạo thành biểu tượng của Phật giáo thế giới và kết quả là vào năm 1951 Đại hội Phật giáo Thế giới tại Tích Lan đã công nhận lá cờ này là biểu tượng của những quốc gia theo Phật giáo, trong đó có Phật giáo Việt Nam. Đó là do công lao của ông bà đại tá Henry Olcott vậy. Ngày nay, người Phật tử đến Tích Lan thấy ngã ba đường nào cũng có một tượng Phật lớn ngự trị tại đó, cũng như nhà nhà đều treo cờ Phật giáo. Đây cũng là bằng chứng về sự khôi phục lại nền Phật giáo tại xứ này.

chf_51310561434

Hòa thượng Minh Tâm đại diện phái đoàn tặng quà cho TT.Seelawansa

chf_61310561434

Phái đoàn lưu ảnh tại chùa TT.Seelawansa


Chư Tăng Tích Lan đa phần là những vị học giả nổi tiếng như Ngài Narada có thời gian dài hoằng pháp tại chùa Kỳ Viên ở Sài Gòn. Ngài là tác giả của nhiều đầu sách, trong đó có quyển “The Buddha and His teachings” (Đức Phật và Phật pháp) do đạo hữu Phạm Kim Khánh dịch, là một tác phẩm rất quen thuộc với Phật tử Việt Nam chúng ta. Cố Hòa thượng Wipulasara, phó Chủ tịch Hội Phật giáo Tăng già Thế giới, cũng là người Tích Lan. Ngài đã đóng góp phần mình không nhỏ cho việc giao lưu giữa Đại thừa và Tiểu thừa, giữa Nam tông và Bắc tông trong thế giới đương đại này. Ngoài ra những vị hòa thượng, thượng tọa đang hành đạo tại ngoại quốc, đa phần là những học giả Phật giáo đã được Tăng già và chính phủ Tích Lan hỗ trợ, trong đó có Thượng tọa tiến sĩ Seelawansa, như chúng ta đã đề cập bên trên. Họ không những chỉ lo vấn đề tinh thần cho người Phật tử Tích Lan ở hải ngoại mà những vị ấy còn lo cho người Tây phương trong đó kể cả Phật tử Việt Nam chúng ta nữa. Đây là tấm gương sáng của việc truyền đi ánh sáng chân lý của đức Phật đến với mọi người trên hoàn vũ này, không phân biệt màu da và tiếng nói.

chf_71310561434

Một đoàn cung nghinh trang trọng dành cho những khách quý của quốc gia

chf_81310561434


Thầy Seelawansa đã có công rất lớn trong việc lo lắng tổ chức cho lễ phát giải thưởng danh dự này vào ngày 8 tháng 7 qua. Ví dụ như sắp xếp các cuộc tiếp kiến với Tổng thống, Thủ tướng, các vị Bộ trưởng đối lập và Hội đồng Tăng già v..v. Nhưng vấn đề giao thông của Tích Lan ngày nay là một vấn nạn lớn. Xe cộ quá nhiều mà đường xá lại quá chật, người ta đã không thể bay lên không trung để đến nơi đúng giờ như đã được hẹn trước, cho nên đoàn của chúng tôi đến phủ Tổng thống trễ hơn 30 phút, khiến cho Tổng thống phải chờ đợi, đúng như tục ngữ Việt Nam có câu là: “Quan cần dân trễ”. Người đại diện cho phủ Tổng thống lo về vấn đề tôn giáo là ông A. M. Ratnayake hôm đó đã lên xe bus của chúng tôi để chào hỏi và nói lên lời đáng tiếc ấy. Trong khi quý bà, quý cô trong phái đoàn, vận áo dài truyền thống nổi bậc trong màu áo quốc phục này đang đợi chờ để tiếp kiến Tổng thống mà vẫn không được toại nguyện, lại hẹn lần sau và chẳng biết rằng lần sau ấy khi nào sẽ đến. Thôi thì đành lỗi hẹn với “Nhân duyên” vậy.
Kế tiếp chúng tôi qua phòng hội nghị của chính phủ, nơi đây là một hội trường khánh tiết, có trang trí một tượng Phật, bốn cây đèn dầu và một chân đèn cao gồm nhiều tim đèn để cho những vị khách quý đến châm đèn cúng Phật, gồm bốn vị lãnh giải thưởng hôm ấy, Thủ tướng, Phó thủ tướng, ông Hội trưởng Hội Phật giáo Tích Lan.

chf_91310561434

Các vũ công say mê theo vũ điệu truyền thống để cung đón nhị vị Hòa thượng

chf_101310561434


Trước khi Thủ tướng đến, lính tráng hai tay khí giới sẳn sàng để bảo vệ, đang đứng bên ngoài hội trường trong oai vệ và khẩn cấp làm sao. Sau khi Thủ tướng vào hội trường rồi, chúng tôi bốn người lên xe đặc biệt và được chở quanh sang phía sau đoàn cung nghinh đại lễ. Sau đó xuống xe đứng vào vị trí cờ lọng đã có sẳn. Đầu tiên là cờ của Tăng già do 40 em thiếu nữ cầm, và sau đó là một đoàn vũ công truyền thống, ăn mặc theo lối chư thiên, mang trống, nhạc đến ca múa hiến dâng cho đại lễ. Kế tiếp là một rừng cờ Phật giáo và lại một đoàn vũ công nữa, họ đã tấu lên những bản nhạc thật oai hùng. Sau đoàn vũ công là lộng che nhị vị Hòa thượng được lãnh giải; hai vị trưởng, phó Hội Phật giáo Áo tháp tùng theo sau. Cuối cùng là đội hợp ca của các em Phật tử áo xiêm là bạch y cư sĩ. Đoàn cung nghinh vào hội trường trong tiếng nhạc lễ cao vút và trang trọng nhất. Sau khi chư Tăng, Ni, Thủ tướng, các vị Bộ trưởng và Phật tử an vị rồi, vị tổng thư ký của Hội đồng Tăng già thông qua chương trình và cung thỉnh Hòa thượng trưởng lão 94 tuổi, đại diện cho Tăng đoàn ngồi vào ghế chứng minh phía trên. Sau đó là phần tuyên dương sự hoằng pháp của nhị vị Hòa thượng và hai vị cư sĩ bằng tiếng Tích Lan. Kế tiếp, Hòa thượng Thích Minh Tâm được mời lên nhận bằng do Hòa thượng Tăng trưởng trao. Sau đó Hòa thượng ngồi vào vị trí chiếc ghế bên cạnh để Thủ tướng D.M. Jayaratne đến trao chiếc quạt truyền thống cũng như đảnh lễ. Kế tiếp, Hòa thượng Thích Như Điển cũng được trao như vậy. Bằng khen tặng do một vị Trưởng lão Tăng già khác trao và chiếc quạt hoằng pháp do Phó thủ tướng đảng đối lập trao tặng và đảnh lễ. Các Phật tử Việt Nam đại diện trong đoàn đã dâng hoa chúc mừng nhị vị Hòa thượng.
Hai vị chánh phó Hội Phật giáo Áo đã được chư Tăng trao bằng danh dự và quà kỷ niệm, chứ không có chiếc quạt của quốc gia trao tặng. Kế tiếp thượng tọa tiến sĩ Seelawansa đã đọc một bài cảm từ bằng tiếng Tích Lan và tiếng Anh (sẽ được dịch ra bằng tiếng Việt nay mai) để vinh danh về việc hoằng pháp này. Nội dung của dòng chữ ghi trên tấm bằng danh dự là: Hội đồng Tăng già Tích Lan phát giải thưởng này cho….với tước hiệu danh dự là: “Người có công mang ánh sáng Phật pháp đến thế giới”. Còn trên chiếc quạt có ghi dòng chữ Tích Lan và tiếng Anh như là tước hiệu cao cả mà nhiều người trong đoàn gọi cái quạt này giống như: “Trẫm thăng lâm” trong “Thoát vòng tục lụy” hay quạt “Quốc sư” khi đi đâu mang để trước ngực thì sẽ được nhiều người cung kính và tránh đường ra để cho người có công đi thẳng tới. Đây cũng là một “Nhân duyên” mà chính tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

chf_111310561434

Chư Tăng Tích Lan và Việt Nam trong lễ trao giải thưởng Danh dự

chf_121310561434

Toàn cảnh hội trường trong lễ trao giải thưởng Danh dự


Kế đó là Thủ tướng phát biểu, Phó thủ tướng, rồi ông Hội trưởng lên nói cảm từ. Hòa thượng Thích Minh Tâm tặng quà lưu niệm đến Hội đồng Trưởng lão Tăng già, Thủ tướng, Phó thủ tướng và vị Hội trưởng cũng như những nhân viên lễ tân. Đồng thời thượng tọa tiến sĩ Seelawansa đã trao tặng tịnh tài đến chư vị Trưởng lão. Sau đó là chụp hình lưu niệm và tôi đã nói đôi lời bằng tiếng Anh để cảm ơn Hội đồng Tăng già cũng như chính phủ và nhất là thầy Seelawansa để nói lên tấm chân tình của chúng tôi khi đến đảo quốc này để lãnh giải thưởng cao quý.
Bên chư Tăng có rất nhiều vị trưởng lão ví như Ngài A. J. Ariyaratne, tiến sĩ Phật học và là người sáng lập cũng như là Hội trưởng Hội Sarvodaya Shramadana, vốn là người trực tính, ít liên hệ với chính phủ hiện tại, nhưng vẫn hiện diện trong lễ trao giải thưởng này. Được biết, đây cũng là lễ phát giải đầu tiên cho người ngoại quốc có công truyền bá Phật pháp trên thế giới tại Tích Lan.
Buổi tối ngày 8 tháng 7 năm 2011, tại một nhà hàng Pizza Ý ở thành phố Negombo, thượng tọa Thích Nguyên Lộc, ni sư Diệu Trạm và các đệ tử của Sư ông Khánh Anh đã tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ để tạ ơn Sư trưởng, buổi tiệc gồm có ca nhạc, ngâm thơ, nói cảm tưởng cũng như cúng dường tịnh tài, phẩm vật v..v. thật là cảm động, thể hiện tình thầy trò, tử đệ. Đây là một kỷ niệm nho nhỏ, để kết thúc một nghi lễ, vốn đã được dự bị trước cả gần một năm nay. Sáng sớm ngày 9 tháng 7 năm 2011, những người lãnh giải thưởng đã được phủ Phó thủ tướng đối lập tiếp kiến tại tư gia và điểm tâm với gia đình thật là thân mật.
Trước đó mấy ngày, phái đoàn chúng tôi đã ghé thăm đảnh lễ những Đại Bảo Tháp, Đại Phật tượng, chùa cổ hàng ngàn năm và những chùa cổ xưa trong hang động vùng Kalutara thật là tuyệt vời; không có bút mực nào để tả hết. Dọc đường đi, chúng tôi đã xuống xe để mua chuối, mít, măng cụt, xoài, cóc, ổi, chôm chôm, sầu riêng… ai nấy cũng đều trố mắt lên khi nhìn thấy những hình ảnh quê hương mình hiện về, đặc biệt là với những người xa quê trên dưới 40 năm chưa một lần trở về như hòa thượng Thích Minh Tâm và chúng tôi. Đây là những hình ảnh và những kỷ niệm tuyệt vời vẫn còn lưu giữ mãi trong tâm khảm của chúng tôi.

chf_131310561434

Chư Tăng Tích Lan làm lễ chúc phúc cho các Phật tử trong phái đoàn


Trưa ngày 7 tháng 7 năm 2011 phái đoàn gồm 32 người đã đến vùng Wadduwa để đi thăm một làng cô nhi gọi là “S.O.S Kinderdorf”. Làng cô nhi này được thành lập sau trận Tsunami cách đây 5 năm, do thầy Seelawansa sáng lập để nuôi những trẻ em mồ côi, không cha không mẹ sau nạn sóng thần năm ấy. Tiền bạc xây dựng nên cơ sở này là do Hội Phật giáo Áo tài trợ, trong đó có tiền của GHPGVNTN Âu châu, qua chúng tôi, đã gởi tặng vào đây thuở ấy độ 17 nghìn euro. Ngày hôm ấy, đạo hữu Nguyên Trí đại diện cho sư bà Thích Nữ Diệu Tâm, trưởng ban Từ thiện xã hội của giáo hội và qua hòa thượng Thích Minh Tâm đã trao tặng 1000 euro cho hơn 20 em đang tạm trú nơi đây để đi học. Vào lúc 14 giờ chiều cùng ngày, sau khi cơm nước và nhận quà bánh của phái đoàn, các em đã được người hướng dẫn bảo các em ca múa để tặng cho phái đoàn. Nhìn sự hồn nhiên của tuổi thơ, ai cũng phải chạnh lòng. Vì mỗi người trong chúng ta sinh ra đời đã có một hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai cả. Ai đó vì thương trẻ thơ như một vị Phật tử ở Thụy Sĩ đã tặng vào đây 200 frs Thụy Sĩ và nhiều tấm lòng tương ái khác cũng đã thể hiện tại đây để giúp đỡ cho các em, qua sự đóng góp tận tình của mọi người hiện diện.

chf_141310561434

Các em nhỏ tụng kinh cho phái đoàn nghe

chf_161310561434

Phái đoàn lưu ảnh tại Muditha Children Home


Chiều ấy, chúng tôi đi vào làng, nơi thầy Seelawansa đã tu học nhiều năm tháng tại đây. Nơi đây vị thầy cũ của thầy Seelawansa, vốn là một học giả tiếng Sankrit cũng đã trú ngụ và Ngài giờ đã ra đi vĩnh viễn, sau bao nhiêu năm tôi chưa trở lại xứ này. Người xưa bây giờ không còn nữa, cho nên những cây mít trong vườn không còn sai quả như ngày xưa khi còn vị Bổn sư của thầy Seelawasa, và đàn cò trắng đã ít bay đậu trên những đọt dừa cao nữa, vì vị Tôn sư đã đi về thế giới tịch diệt rồi. Tuy nhiên, những trái mít ướt, những trái dừa, trái ô mai, trái xoài đã được đoàn hành hương chiếu cố tại chỗ, trong thật là quê hương và dân dã; nhưng chất Phật đã ngự trị tại đây nuôi lớn một con người từ ruộng đồng ra đi, để sau ba bốn mươi năm trở lại vườn xưa, là một trạng nguyên nhưng không có dù lọng che thân để vinh quy bái Tổ. Nhưng là một thực thể của tính Phật. Vì lẽ, trong mỗi con người đều có tính Phật, và chính Phật tính này sẽ dưỡng nuôi chúng ta thành Phật, dầu cho là người trí thức hay những kẻ hạ tiện bình dân. Cho nên sau khi đức Phật thành đạo, Ngài đã nói lên câu nói bất hủ tại Bồ Đề Đạo Tràng rằng: “Kỳ lạ thay! Trong mỗi chúng sanh đều có tính Phật”.

chf_171310561434

Cung điện thờ Răng Phật tại Kandy về đêm


Ngày 9 tháng 7 cũng là một ngày đáng ghi nhớ, phái đoàn chúng tôi gồm 32 người gộp chung lại với 8 người Áo và thầy trò thầy Seelawasa, tổng cộng là 42 người. Tất cả ngồi trên hai chiếc xe bus cũ của Nhật Bản do hai tài xế trẻ Tích Lan lái. Từ Negombo đến Kandy, cố cung của Tích Lan độ gần 200km, nhưng đi từ sáng đến tối vẫn chưa thấy bến bờ, vì xe bị thủng lốp và nghỉ giữa đường tại Kegalla để đi xem sở thú voi. Khi đến khách sạn Queen tại Kandy cũng đã đến giờ hành lễ Xá lợi Răng Phật lúc 18 giờ cùng ngày. Vì có liên hệ trước và có quen biết lớn do thầy Seelawansa hướng dẫn, nên phái đoàn chúng tôi được hướng dẫn lên tận lầu ba, vào tận nơi tháp thờ Răng Phật để đảnh lễ. Đây là một phước đức lớn, một nhân duyên không phải ai cũng được hân hạnh này. Bởi vì có cả hàng ngàn, hàng vạn người, mỗi ngày 3 lần chỉ được hành lễ bên ngoài Bảo tháp thờ Xá lợi Răng Phật mà thôi.


Trong 32 tướng tốt của đức Phật, có tướng về Răng. Răng Ngài có 40 chiếc đều nhau, trắng mịn… Ngày nay, trên thế gian này chỉ còn hai chiếc Răng Phật Xá lợi, một được thờ ở chùa Linh Quang Trung Quốc, và một đang thờ tại cố cung ở Kandy Tích Lan này. Người ta cung kính chiếc Răng của đức Phật như lúc Phật còn tại thế. Tại Tích Lan này có hai Quốc bảo, đó là Xá lợi Răng của Phật ở Kandy, và cây Bồ đề do công chúa Sanghamita con vua A Dục trồng tại Anuradhapura. Không người Tích Lan nào mà không biết hai biểu tượng Quốc bảo này.

chf_191310561434

Phái đoàn tụng thời kinh cầu nguyện tại Thiền đường nơi Cung điện thờ Răng Phật tại Kandy


Hòa thượng Thích Minh Tâm và phái đoàn rời Kandy vào sáng ngày 10 tháng 7 năm 2011 để trở lại Paris, Pháp quốc; trong khi đó, phái đoàn của chúng tôi lên xe bus để hướng về phía bắc của đảo quốc này để đảnh lễ cây Bồ đề. Trên đường đi, phái đoàn đã ghé vùng Naula để thăm trường học Phật giáo dạy vào cuối tuần và cảnh quan xung quanh chùa. Nơi ấy có những cây sake và những cây mít sai trái, ai cũng trầm trồ, vì đã nặng lòng với cố quốc lâu nay, trong đó có văn hóa ẩm thực. Khi xe dừng bánh tại Dambulla, cũng là lúc trưa nắng, chúng tôi phải leo núi cũng như ghé thăm viện bảo tàng Phật giáo nằm ngay trong tượng đại Phật. Đồng thời để chuẩn bị cho buổi cơm chưa hôm đó, chúng tôi phải dùng thời gian lâu dài hơn để đi thăm những thạch động tại đây, cốt là để đủ thời gian cho việc chuẩn bị gần 40 phần cơm cho đoàn hôm đó.

chf_201310561434

Phái đoàn tụng kinh cầu nguyện trong một hang động tại Dambulla


Trong động có tượng của 27 vị Phật quá khứ và hầu như động nào cũng có tượng Phật nhập niết bàn. Những hang động và những bích họa kỳ vĩ tại Dambulla đã có mặt tại đây hơn 2000 năm lịch sử. Người xưa không có phương tiện bằng ngày nay, nhưng họ đã có một ý chí thật phi thường, nên mới làm nên được đại sự như vậy. Còn người đời nay, phương tiện thật là nhiều, nhưng ý chí lại kém cỏi. Do vậy, làm việc gì cũng ích thành công, vì tất cả đều quay về “Egoismus” (tự kỷ cá nhân) thay vì Bồ tát hạnh, vì người vì đời như các bậc tiền bối đã dầy công gây dựng nên. Do vậy ở trong hang động này, tôi đã nói cho cả đoàn nghe về lời dạy của Ngài Quy Sơn Linh Hựu thiền sư trong Quy Sơn Cảnh Sách rằng: “Người xưa như cây tùng, cây bách. Dầu cho tuyết gió của Đông sang, hay khí hậu mùa hè oai bức, tùng và bách vẫn hiên ngang vươn thẳng lên trời xanh. Đời ngày nay, nếu con người không làm nên cây tùng, cây bách được, thì ít ra cũng làm được dây leo, khi tùng cao đến đâu thì dây leo leo cao đến đó”. Nếu được như vậy, quả là hạnh phúc biết bao.

chf_211310561434

Các pho tượng Phật trong các hang động tại Dambulla

chf_231310561434

Đại Phật tại hang động Dambulla


Sáng ngày 11 tháng 7, đoàn chúng tôi đã vào được tận gốc Bồ đề để đảnh lễ và cúng dường và sau đó xuống tầng hai của tháp để tụng một thời kinh Lăng Nghiêm. Trong tiếng chuông mầu nhiệm, như đâu đây công chúa và hoàng tử vẫn còn đứng đó để nhìn ngắm đoàn người và nghe những âm thanh trầm bỗng kỳ lạ đến từ một xứ xa xôi hơn nữa vòng trái đất nhưng vẫn còn nhớ về quê mẹ, họ không quên nguồn gốc tổ tiên và đạo Phật của mình.

chf_241310561434

Từ sáng sớm tinh sương, người dân đã hành hương về cội Bồ đề

chf_251310561434

Người dân thành kính dâng hoa tại Cội Bồ đề

chf_271310561434

Cây Bồ đề do công chúa Sanghamita, con vua A Dục
mang từ Ấn Độ sang trồng tại Tích Lan trên 2000 năm vẫn xanh tươi tỏa bóng

chf_281310561434

Đoàn tụng kinh Lăng Nghiêm tại Cội Bồ đề

chf_311310561434

Phái đoàn lưu ảnh dưới cội Bồ đề.


Sau khi đảnh lễ cây Bồ đề và tụng kinh, phái đoàn chúng tôi ghé sang Đại tháp cạnh đó để đi nhiễu tháp một vòng trong 30 phút và đảnh lễ chư Phật, chư đại Bồ tát, chư Thánh Hiền Tăng, những người đã có công làm cho Phật giáo thịnh hành ở một thế giới xa xôi trong quá trình hành đạo tại đây. Nhìn những tảng đá cũ kỹ được chạm trổ, hay những viên gạch rêu phong cùng năm tháng, chúng tôi đã rõ biết được kỳ công của những nghệ nhân đời xưa mà đời nay quả thật không phải ai cũng có thể thực hiện được. Được biết cách đây chừng hai ngày, tại đây có lễ hội dâng hoa, có gần một triệu Phật tử khắp nơi tại Tích Lan về đây dâng hoa cầu nguyện. Nhìn những người hành hương, với dáng người khẳng khiu, nhưng ý chí và tâm nguyện của họ thật là hùng vĩ, cứng cỏi. Đó chính là tâm nguyện hộ đạo của những người Phật tử này. Để cung kính trước chùa, tháp, và cây Bồ đề, họ bỏ giầy, dép, mũ, nón, dù… từ xa ngoài vườn chùa để đi vào bên trong đảnh lễ, mặc dầu nền là đất cát, chứ không phải nền đúc bằng xi măng như những nơi khác. Khi họ đảnh lễ chư Tăng, họ ngồi xuống chân cao, chân thấp và cúi gộp mình xuống chạm vào bàn chân như lúc Phật còn tại thế. Ở đây từ tổng thống, thủ tướng cho đến quốc dân trăm họ đối với chư Tăng đều như thế, và phong tục này đã có mặt tại quốc gia Sư Tử Hống này cả mấy ngàn năm nay, họ vẫn còn gìn giữ thật là đều đáng trân quý.


Rời Anuradhapura, phái đoàn chúng tôi hướng đến địa phương Polonnaruwa; nơi đây được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới gồm một quần thể kiến trúc đã được các nhà khảo cổ học phát hiện vào thế kỷ 18, 19, trong đó có những Bảo tháp cả hàng ngàn năm. Có chùa Đại thừa Phật giáo 900 năm và đặc biệt có tượng đá lộ thiên với hình ảnh đức Phật nhập niết bàn bên cạnh là hình ảnh hiền hòa buồn bã lộ trên nét mặt của Ngài A Nan đang đứng hầu cạnh đó. Những nghệ nhân khi tạc những tượng này ít nhất cũng tốn cả mấy chục năm mới xong, một tác phẩm vĩ đại và tuyệt diệu như vậy; khiến cho ai đó khi đảnh lễ, chiêm ngưỡng những bức tượng này, đã thể hiện được cái tâm của người tạc tượng của một thời xa xưa ấy.

chf_331310561434

Tượng Phật nằm tại Di sản Polonnaruwa


Sau đó chúng tôi trở về làng xưa, nơi thầy Seelawasa trưởng thành, trước khi thầy trở thành Tăng sĩ của Phật giáo Tích Lan. Với bữa cơm trưa tại gia đình em gái của thầy, đã nói lên tất cả những đạo tình, đạo vị ấy. Nào chuối, nào mít, nào dưa hấu, nào khoai mì…tất cả đều gói trọn những nghĩa tình được gói gém để gửi tặng cho những người con xa xứ. Sau khi ăn xong, lại còn được hái mít, hái xoài để đem về khách sạn nữa. Quả là một tình cảm quê hương chất phát, dịu hiền ít ai tìm được nơi chốn thị thành vốn giàu có về vật chất, mà tình người đã chạy trốn nơi đâu.


Từ Polonnaruwa đến phi trường quốc tế Colombo chỉ có 215km mà đoàn người đã phải tốn đến 6 tiếng đồng hồ di chuyển. Hai bên đường đi ai nấy cũng đều công nhận là quê hương này sản xuất những trái cây vẫn còn nguyên chất, chẳng pha giống mà cũng chẳng có thuốc làm hại sức khỏe của con người. Nào mít, dưa, chuối, ổi, dừa, cóc, bấp…là những cảm tình gợi nhớ khi đoàn người giã từ nơi đây vào sáng ngày 14 tháng 7 năm 2011 để trở về lại trụ xứ của mình.
Tôi viết vội lại cuộc hành trình này với tiêu đề: “Đã một lần như thế” tại khách sạn Oasis beach resort ở vùng Negombo vào sáng ngày 12 tháng 7 năm 2011 trong bốn tiếng đồng hồ để ghi lại một chuyện quan trọng đã thoáng qua trong đời mình và trong cuộc hành trình vốn dài vô tận này, chẳng biết “Nhân duyên” gì ta lại đến, lại đi, lại còn, lại mất… tất cả cũng chỉ là con số không to tướng để ta quy về một mối. Đó là “Không” và chơn như bản thể mới là tánh chơn thường.

chf_391310561434

Bình yên nơi xứ Tích Lan

( Theo LamTeChucThanh.Com.Vn )
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/06/2011(Xem: 6068)
Cách đây hơn hai nghìn năm, Việt Nam là trung tâm mậu dịch buôn bán, rất nhiều thương thuyền của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Nam hải khác đến miền bắc Việt Nam. Các Tăng lữ Ấn thường đi cùng các thuyền buôn trên đường đến Trung Quốc, dừng lại Việt Nam trong một thời gian ngắn. Vì vậy có thể nói, Việt Nam tiếp xúc Phật giáo Ấn Độ sớm hơn Trung Quốc. Tuyến đường biển là tuyến đường Phật giáo tiểu thừa Ấn Độ truyền vào Trung Quốc và cũng là con đường Tây vực truyền vào Trung Quốc; mặt khác, Phật giáo Việt Nam lại được truyền đến từ Trung Quốc (Thiền Nam tông), chính ở đây diễn ra sự giao hội, dung hợp hết sức thú vị của hai dòng phái Phật giáo này diễn ra trên đất Giao Chỉ. Một là Phật giáo Nam tông hai là Phật giáo Bắc tông.
26/05/2011(Xem: 3067)
Trong lịch sử hình thành Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo châu Á nói chung, Luy Lâu được coi là chiếc nôi của Phật giáo. Nó được coi là Trung tâm Phật giáo xuất hiện sớm nhất trong ba trung tâm Phật giáo thời kỳ khởi thuỷ ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á: Trung tâm Phật giáo Luy Lâu; Trung tâm Phật giáo Lạc Dương và Bành Thành (thuộc Trung Hoa).
14/05/2011(Xem: 7883)
Trước khi tìm hiểu kỹ về Thiền tông, chúng ta nên có một quan niệm tổng quát về tông phái này thì khi đi sâu vào chi tiết sẽ bớt bỡ ngỡ. Ngay đối với số đông các Phật tử Việt Nam, Thiền tông cũng là một tông phái được ít người hiểu đến vì tính cách kỳ đặc của pháp tu này, vì vậy nên có những xét đoán, phê bình không đúng. Chúng ta nên tránh việc phê bình, chỉ trích các tông phái khác tông phái mình đang tu, vì tông phái nào cũng đòi hỏi một sự học hỏi sâu xa, nên thường khi chỉ trích các tông phái khác thì chỉ căn cứ theo một số hiểu biết hời hợt về tông phái đó, vì vậy những lời chỉ trích thường không đúng được, và chỉ gây thêm những tranh luận vô ích, mất thì giờ. Chúng ta nên tìm học kỹ để phân biệt rõ ràng và thực hành đúng lời Phật dạy, chứ không phải để tranh luận, chỉ trích.
14/04/2011(Xem: 7023)
Đây là phần thứ 2 trong 3 phần chính của cuốn Zen no Rekishi (Lịch Sử Thiền) do giáo sư Ibuki Atsushi soạn, xuất bản lần đầu tiên năm 2001 tại Tôkyô.
12/04/2011(Xem: 13245)
Thật ra chân lý nó không nằm ở bên đúng hay bên sai, mà nó vượt lên trên tất cả đối đãi, chấp trước về hiện hữu của Nhị Nguyên. Chân lý là điểm đến, còn hướng đến chân lý có nhiều con đường dẫn đến khác nhau.
12/04/2011(Xem: 11131)
Trong tiếng Phạn (Sanskrit), từ "Thiền" có ngữ nguyên là dhyâna. Người Trung Hoa đã dịch theo âm thành "Thiền na". Ý nghĩa "trầm tư mặc tưởng" của nó từ xưa trong sách vở Phật giáo lại được biểu âm bằng hai chữ yoga (du già).
04/04/2011(Xem: 7889)
Khởi đi từ Ấn Độ cách đây 2556 năm về trước, giáo lý của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni bắt đầu tỏa chiếu từ cội cây Bồ Đề linh thiêng và kể từ đó đến nay giáo lý từ bi trí tuệ ấy đã làm cho không biết bao nhiêu chúng sanh được gội nhuần ân pháp vũ. Bất luận là Á Âu hay Mỹ Phi Úc, đâu đâu nếu có những người hướng thiện, muốn tu học và cần cầu sự giải thoát; thì giáo lý kia chính là những chất liệu dưỡng sinh để giúp cho con người mau ra khỏi vòng tục lụy của một kiếp nhân sinh
10/03/2011(Xem: 7075)
Cho đến nay Phật giáo đã tồn tại hơn 2.500 năm, và trong suốt thời kỳ này, Phật giáo đã trải qua những thay đổi sâu xa và cơ bản. Để thuận tiện trong việc xem xét, lịch sử Phật giáo có thể được tạm chia thành bốn thời kỳ.
05/01/2011(Xem: 2870)
Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch có những biến chuyển rất lớn về những vấn đề xã hội, văn hoá tư tưởng và tôn giáo. Vào thời điểm này, Ấn Độ chưa phải là một quốc gia rộng lớn độc lập mà bao gồm nhiều tiểu vương quốc khác nhau. Và các tiểu vương quốc ở những khu vực biên giới từ lâu được xem là man di nay đang vùng lên chiếm ưu thế và họ có những thế lực nhất định trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Bà-la-môn giáo từ lâu được xem là tôn giáo chính thống đang bị suy giảm uy tín cũng như quyền lực lãnh đạo tinh thần xã hội. Lòng người trở nên hoang mang và hầu như mất đi nơi quy hướng.
29/12/2010(Xem: 3810)
Mùa Xuân là mùa đâm chồi nẫy lộc của thiên nhiên. Cách đây hơn 25 thế kỹ, nhân loại cũng đã chứng kiến một hiện tượng “đâm chồi nẫy lộc” khác vĩ đại và tuyệt vời hơn nhiều. Không phải của thiên nhiên mà của trí tuệ, không phải làm đẹp cảnh vật mà làm sáng lên một con đường giải phóng chúng sinh thoát khổ. Hiện tượng khai hoa nở nhụy đó là sự thành hình của Tăng đoàn Phật giáo (Tăng già, Sangha) do chính Đức Phật khai sinh, nuôi dưỡng và uốn nắn để từ đó lớn lên, lan rộng, vượt thời gian, tồn tại cho đến ngày nay dưới những chiếc tăng bào nhiều màu sắc trên khắp mặt địa cầu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]