Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quảng Hoằng Minh Tập

23/06/201102:09(Xem: 2435)
Quảng Hoằng Minh Tập


QUẢNG HOẰNG MINH TẬP

Ý nghĩa và địa vị trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa
Thích nữ Hương Trí Việt dịch

Quảng Hoằng Minh Tập là bộ sử liệu về tư tưởng Phật giáo do danh tăng Thích Đạo Tuyên (596-667) đời Đường biên soạn. Sách gồm những bài viết Phật học từ đời Ngụy Tấn đến sơ Đường của hơn 130 tác giả.

Quảng Hoằng Minh Tập được biên tập dựa trên nền tảng của Hoằng Minh Tập, động cơ biên soạn và tôn chỉ của hai tác phẩm chỉ là một. Tăng nhân Tăng Hựu biên tập Hoằng Minh Tập, là khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc trong thời kì đầu. Bấy giờ, người sùng tín Hoằng Minh Tập thì ít, mà người nghi hoặc, bài xích thì nhiều, đặc biệt là sự dèm pha công kích của Đạo giáo. Hoằng Minh, nghĩa là xiển minh nghĩa lí Phật học, hoằng dương tinh thần Phật giáo. Ngài Đạo Tuyên biên tập Quảng Hoằng Minh Tập, là do bất mãn hiện trạng Chu Ngụy trọng Lão khinh Phật, và tông chỉ hoằng dương hộ trì Phật pháp của Quảng Hoằng Minh Tập thì quá rõ ràng.

Về nội dung, thì Hoằng Minh Tập và Quảng Hoằng Minh Tập là một mạch tương thừa. Hoằng Minh tập ghi chép rất nhiều bài viết Phật học quan trọng từ thời Đông Hán đến đời Nam triều và đời Lương, nội dung chủ yếu là thảo luận một số vấn đề lí luận căn bản mà bấy giờ Phật giáo và xã hội đều quan tâm, giải đáp những nghi hoặc của mọi người đối với Phật giáo, phản bác những phê bình bài báng của Nho giáo và Đạo giáo đối với Phật giáo; đồng thời đề cập những phương diện thực tiễn như xuất gia và tại gia, Phật pháp và vương pháp……Nội dung chủ yếu của Quảng Hoằng Minh Tập cũng đề cập những phương diện trên, nhưng thời gian thu thập tài liệu không nhiều, phần nhiều là những tác phẩm từ đời Lương cho đến Tùy Đường, nhưng phạm vi thu thập dữ liệu của Quảng Hoằng Minh tập rộng hơn Hoằng Minh tập, có thể bổ sung những gì còn thiếu trong Hoằng Minh Tập, như sự tranh biện kịch liệt về lý luận thần diệt và thần bất diệt vào thời Tề Lương…...Hoằng Minh Tập chỉ ghi chép được thần diệt luận của Tào Tư Văn, Túc Thẩm…, nhưng không thâu thập được Hình Thần Luận, Thần Bất Diệt luận của Thẩm Ước và Thần Diệt luận của Nạn Phạm Chẩn cùng thời tham gia tranh luận.

Những bài viết ấy ngày nay đều thấy trong Quảng Hoằng Minh tập quyển 22. Lại như về vấn đề Sa môn không nên kỉnh vua chúa, Hoằng Minh Tập thâu thập được Sa Môn Bất Kỉnh Vương Gỉa Luận của Ngài Huệ Viễn thời Đông Tấn, còn Quảng Hoằng Minh Tập thì ghi chép được nhiều bài viết bàn luận về đề tài Sa môn không nên lễ bái thế tục của Thích Oai Tú, Nhan Tông ….. Tăng nhân Đạo Tuyên còn trình bày một cách chi tiết những diễn biến tranh luận vấn đề này từ thời Ngụy Tấn trở về sau, nên xem cả hai sách, mới thấy gốc ngọn ra làm sao. Lại như bàn luận đến quyển sách với tiêu đề là Đáp Tống Văn Đế tán Phật giáo sự (sách bàn về vấn đề quan hệ giữa Phật giáo với chính trị), đã thấy trong Hoằng Minh tập quyển thứ 11, lại thấy trong Quảng Hoằng Minh tập quyển 1, đó là thí dụ rất rõ về sự tương thừa giữa hai tác phẩm. Chính vì thế, Tăng nhân Thích Đạo Tuyên cũng nói mình là“tham rộng tiền nhân, viết rộng lại Hoằng Minh”,“xưa, đời Lương đã nói việc này, nay Đường lại nói rộng thêm, đôi bên đều có ý riêng của mình, đều với thiện ý là để giáo nghĩa Phật giáo đời đời không dứt tuyệt”(Quảng Hoằng Minh tập, bài tựa Pháp Nghĩa ).

Quảng Hoằng Minh Tập được biên soạn dựa trên nội dung của Hoằng Minh Tập, nhưng điểm nổi bật là toàn chương đều có những phát triển đổi thay sâu rộng. Đạo Tuyên vốn cho rằng, nội dung Hoằng Minh Tập chưa hết ý, tức là“biên soạn từ đời Lương, nhưng có lẽ chưa tìm tòi và thảo luận nhiều” (bài tựa Quảng Hoằng Minh tập ), vì thế bất luận về phương diêïn bố cục hay nội dung hay tư tưởng, đều có nhiều chỗ không giống với Hoằng Minh Tập. Về nội dung, thì Quảng Hoằng Minh Tập có rất nhiều chương tiết được mở rộng so với Hoằng Minh Tập. Như chiếu sắc của các triều đại đế vương hưng phế Phật giáo, thì Hoằng Minh tập thâu thập qúa ít, còn Quảng Hoằng Minh tập thì rất nhiều. Sử liệu có nội dung đề cập đến sự xung đột giữa Nho giáo và Phật giáo, thì Hoằng Minh Tập đã nhiều, nhưng Quảng Hoằng Minh tập lại càng nhiều hơn, chỉ trong thiên Biện Hoặc cũng đã tới 10 quyển.

Như vậy cho chúng ta càng thấy rõ mục đích biên tập của Quảng Hoằng Minh Tập là hoằng dương và hộ trì chánh Pháp, nhưng cũng đề cập đến thực tế về sự đấu tranh kịch liệt giữa Đạo và Phật trong thời sơ Đường. Trước đó, Đạo Tuyên biên tập có Tập Cổ Kim Phật-Đạo luận, 4 quyển, có nội dung liên quan đến vấn đề này. Tương đương với nội dung của Hoằng Minh Tập, thì trong Quảng Hoằng Minh tập có các chương tiết như là: Quy Chánh, Biện Hoặc, Pháp Nghĩa, Tăng Hạnh. Quảng Hoằng Minh tập còn các thiên như là: Phật Đức, Từ Tế, Giới Công, Khải Phước, Hối Tội, Thống Quy, mà Hoằng Minh Tập thì không có.

Về phương diện bố cục, thì Hoằng Minh Tập chưa phân chương tiết, còn Quảng Hoằng Minh tập thì phân làm 10 thiên, và mỗi thiên có nhiều quyển. Hoằng Minh Tập chọn lọc những bài viết cổ và cận đại, Tăng Hựu chỉ chọn những lời tựa và cuối sách của luận Hoằng Minh. Quảng Hoằng Minh tập trừ những phần đó ra, thì trước mỗi thiên đều có lời tựa ngắn và còn nói rõ nguyên nhân, nội dung ý chỉ của mỗi thiên. Trong thiên Đức Hạnh của Tăng, có ghi chép việc Đường Cao Tông và Tể Phủ bàn luận về việc sa môn không nên lễ bái vua và người thân. Trong Hoằng Minh Tập có ghi chép điều này nhưng không có chương tiết, nhưng với nội dung này thì Đạo Tuyên có thêm bớt; trước và sau chánh văn, thì thường ghi thêm vài lời phụ, hoặc trình bày bối cảnh tác văn, hoặc trình bày nội dung văn chương, hoặc bổ sung thuyết minh, đã biểu hiện một phong cách mới mẻ trong khuynh hướng hoằng dương giáo pháp.

Như trên đã nói, giá trị tôn giáo của Quảng Hoằng Minh Tập, chủ yếu là hoằng giáo hộ pháp. Nên trước thông qua nội dung tất cả những tác văn đã được tuyển chọn để đánh giá. Đạo Tuyên biết chọn lựa và thâu thập rộng sâu, phân loại và biên tập được một số lượng lớn những bài văn, những giảng sớ, những bài tụng về Phật giáo trong thời Nam Bắc Triều và Tùy Đường. Những bàn văn này hoặc trình bày giải thích nghĩa lí Phật giáo, hoặc ca tụng tán dương công đức Phật Tổ, tuyên truyền những linh nghiệm Phật tích, hoặc trình bày những sự nghiệp chói sáng của các danh Tăng, khuyên thế gian hướng về điều thiện, hoặc biểu hiện thiện chíù quy y Phật môn, biểu đạt tình cảm và sự kính tín Phật giáo.

Nói chung, Quảng Hoằng Minh Tập đứng từ những góc độ và quan điểm không giống nhau để tuyên dương tư tưởng Phật giáo. Hơn nữa, trước tình trạng trọng Lão khinh Phật, Đạo Tuyên trong khi biên tập chương mục, đã dẫn chứng và phân tích về sự chỉ trích của Đạo giáo đối với Phật giáo, phản bác những biện luận công kích của Đạo giáo. Đạo Tuyên đã cho ra đời những chương mục tương đương, trình bày bình luận những sự tích của nhiều triều đại vương tôn đại thần sùng bái hoặc hủy phế Phật giáo. Ngoài ra còn thông qua những phần phụ trong chương mục, như lời bình luận hoặc thuyết minh, chú thích để chỉ trích Đạo giáo và tăng cường hộ trì Phật giáo.

Quảng Hoằng Minh Tập từ đời Đường đã có truyền lại bản gốc, và từ thời Tống về sau thì đưa vào Đại tạng kinh, truyền bá sâu rộng, thường được người đời xưng dương tán thán. Do đây có thể nói rằng, tác dụng hoằng dương và hộ trì giáo pháp của Quảng Hoằng Minh Tập rất lớn.

Như trên đã đề cập, Hoằng Minh Tập chủ yếu là tuyển tập, mà Quảng Hoằng Minh Tập thì không những chỉ tuyển tập, mà còn trình bày quan điểm của mình, trình bày càng rõ ràng hơn quan điểm Phật học, khiến cho người xem càng dễ hiểu những gì mà giới học giả quan tâm chú ý. Quảng Hoằng Minh Tập, trong thiên Quy Chánh, chủ yếu là xuất phát từ sự so sánh giữa Nho Đạo Thích, đã rút ra được kết luận Phật giáo là một tôn giáo độc tôn, điều này có điểm khác biệt về quan điểm tam giáo dung hòa trước đó, càng làm nổi bật sự tự tin của Phật giáo thời bấy giờ, bởi vì vào thời Tùy Đường, Phật giáo đã bước vào giai đoạn Phật giáo Trung Quốc hóa.

Lí luận này đã chín muồi và thâm nhập vào trong mọi giai tầng của xã hội, mà Nho giáo và Đạo giáo thì thua kém nhiều. Thiên Biện Hoặc phân tích một số nghi hoặc của các nhân sĩ ngoại giáo về việc không tin Phật là bậc Thánh nhân vĩ đại, không tin Phật pháp là chân lí thực tại. Thiên này chỉ ra hai nguyên nhân của hiện tượng này là : Một là do người đời chưa nghiên cứu kĩ Phật lí, hai là do thường mê hoặc chấp thủ học thuyết của Đạo gia, do vậy mà càng thêm kích bác Phật giáo. Trong thiên Phật Đức, thì tuyển tập tất cả những bài viết liên quan đến việc miêu tả bàn luận thụy tướng Đức Phật và tán dương thạnh đức của Ngài, với mục đích là để mọi người khởi lòng sùng kín và tín phụng Phật giáo. Chương Pháp Nghĩa thì thu thập thống kê tất cả những bài luận thời Tấn Đường viết về ý nghĩa nhị đế, ý nghĩa pháp thân, ý nghĩa thần diệt bất diệt, chỉ ra rõ những vấn đề mấu chốt trong quá trình phát triển lịch sử Phật giáo trong giai đoạn lịch sử này.

Thiên Tăng Hạnh thì tuyển tập những bài viết thời Tấn Đường về công hạnh của những đại đức cao Tăng, tuyên dương tinh thần hộ trì chánh pháp của họ. Những bài viết sưu tập trong thiên Từ Tế , tuyên truyền giáo lí Phật Đà, trước tiên là nên đình chỉ sát sinh, hướng dẫn khuyến khích người nuôi dưỡng tình thương và lòng từ bi. Những bài viết sưu tâïp trong thiên Giơí Công, thì tuyên dương đại dụng của giới luật là chính yếu, tôn chỉ là nói về công đức vô lượng của việc hành trì giới luật. Thiên Khải Phước thì bàn về Phật giáo luôn lấy từ bi cứu khổ giúp đời, luôn tu tập Pháp, giữ gìn trong sạch nghiệp của miệng lưỡi và thân để tích lũy phước báu, tuyên dương những cống hiến nổi bật của Phật giáo về phương diện trị thế và giáo hóa.

Tuyển tập những bài viết trong thiên Hối Tội, thì chỉ rõ chư Phật là đại đại bi đại trí, không nỡ ngồi nhìn chúng sanh chìm luân mãi trong biển khổ, nên hướng dẫn chúng sanh phương pháp sám hối, để khiến cho những người phạm tội tạo ác cải tạo được nghiệp thức và hành động. Tất cả những bài viết được tuyển tập trong thiên Thống Quy, phần nhiều là những bài viêát ca tụng Phật giáo. Do đây có thể thấy rằng, những bài viết được tuyển tập trong Hoằng Minh Tập, chủ yếu lấy “phá” làm chủ, phá những gì phản đối và nghi hoặc Phật giáo của những người không kính tín Phật giáo.

Mà Quảng Hoằng Minh Tập thì vừa “phá ”vừa “lập”, tức là vừa phản đối bẻ gãy những công kích của người đời, nhưng đồng thời cũng có những trước tác, những tác phẩm ca tụng tán dương Phật giáo. Chính vì lí do này, mà tác phẩm của Ngài Đạo Tuyên tuy được ra đời dựa trên cơ sở của Hoằng Minh Tập, nhưng tên sách không dùng chữ “tục” (tiếp theo), mà dùng chữ “quảng”(mở rộng), điều này đã thể hiện nét sáng tạo độc đáo của Tăng Nhân Đạo Tuyên.

Quảng Hoằng Minh Tập lại có những giá trị học thuật quan trọng, và chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa. Về phương diện lịch sử, thì Phật giáo là một tư tưởng văn hóa ngoại lai, từ khi mới truyền vào cho đến khi bén rễ sanh trưởng, đã dần dần sum xuê cành lá; từ địa vị phụ họa cho Nho Đạo, đã bước lên địa vị độc lập phát triển, cố nhiên là đã phải trải qua một qúa trình gian nan đi từ xung đột đến dung hòa với Nho giáo. Phật giáo truyền vào Trung Quốc từ thời Hán, phạm vi truyền bá và tín ngưỡng cũng rất hạn chế. Bấy giờ học thuyết SấmVĩ khá thịnh hành, người đời do vì thích thuyết thần tiên của Hoàng Lão mà thích luôn Phật giáo.

Họ cho rằng, lí luận của Phật giáo là thanh hư vô vi, Như Lai chẳng qua cũng chỉ là một vị thần, do vậy họ thờ Phật ngang với Lão Tử, do đây mà Phật giáo càng bị xem như là một kĩ thuật thần tiên. Có thể nói, đây là một sự dung hợp. Nhưng bấy giờ cũng có một số kẻ sĩ nói, Phật giáo lạc hậu hư vô khó tin, khó tiếp nhận. Đây lại là hiện trạng mâu thuẫn và xung đột. Vào thời kì Ngụy Tấn, Huyền học hưng thịnh, nhưng Phật giáo cũng đã phiên dịch được một lượng lớn kinh điển, được một số trí thức tìm hiểu và tiếp thu, do vậy có một số tín đồ Phật giáo đã tiến hành so sánh tôn chỉ của Lão Trang với học thuyết Bát nhã của Phật giáo.

Họ cho rằng, Huyền và Phật bổ sung lẫn nhau, dùng “vô”của lão Tử để bàn luận “không”của Phật giáo Bát nhã học, khiến Phật học thoát li cái nhìn là một kĩ xảo, mà sánh vai ngang hàng với học thuyết Lão Trang, và dần dần tiến đến địa vị độc lập và hưng thịnh. Sau này, vua Tống Văn Đế muốn các biên cương bờ cõi nhờ Phật giáo mà được thuần hóa, với hi vọng là do đó mà có thể ngồi yên nhìn cảnh thái bình (Hà Thượng Chi “đáp Tống Văn Đế tán Phật cố sự”). Lương Võ Đế nhiều lần xả thân vì Phật giáo, tuyên dương Phật giáo là quốc giáo.

Thời Ngụy Tấn, Huyền học nhờ dẫn dụng nghĩa lí Bát nhã học của Phật giáo, mà đã tiến thêm một bước phát triển. Huyền học và Phật học hấp thu và dung hội lẫn nhau. Thời Tây Tấn, đạo sĩ Vương Phu viết “Lão Tử hóa hồ kinh”, nói rằng Lão tử đi về phương Bắc, giáo hóa người Hồ, sáng lập Phật giáo. Cả Nho giáo và Đạo giáo đều có những xung đột mâu thuẫn với nghĩa lí của Phật giáo, trong đó nổi trôïi hơn vẫn là Đạo giáo, từ đó chưa hề thôi dứt tranh luận về: bản mạt, thần diệt và thần bất diệt luận, Di Hạ luận(*), sa môn nên hay không nên kỉnh lễ vua chúa… Những tranh chấp này một khi kết hợp với quyền thế chính trị, thì lại phát sinh những mâu thuẫn giữa tôn giáo và chính trị. Cũng vì lí do này mà dẫn đến sự kiện hủy diệt Phật giáo thời Bắc Ngụy và Bắc Chu.

Nhìn từ góc độ nghiên cứu văn hóa, Phật giáo là một văn hóa ngoại lai đã đụng độ với văn hóa Nho gia, nhưng cuối cùng đã ảnh hưởng thẩm thấu dung hội lẫn nhau. Mà Quảng Hoằng Minh Tập biên chép sâu rộng hơn, phản ánh một cách tập trung toàn diện hơn nghiã lí Phật giáo từ thời Ngụy cho đến sơ Đường, là một sử liệu tư tưởng không ngừng diễn biến phát triển trong mối quan hệ phức tạp Nho -Thích-Đạo. Thần diệt thần bất diệt, các triết lí về “không”, “nhị đế”, “Phật tánh” trong lí luận của Đại thừa không tông, bấy giờ là vấn đế bình luận sôi nổi kịch liệt trong và ngoài Phật giáo giới. Những tình hình cụ thể về sự phê bình nhau giữa Đạo giáo và Phật giáo, những thái độ khác nhau đối với Phật giáo của những đế vương, thì chúng ta có thể tìm thấy được giải đáp rõ ràng trong Quảng Hoằng Minh Tập. Do vậy, giá trị học thuật và địa vị của Quảng Hoằng Minh Tập càng được nâng cao hơn trong văn hóa Phật giáo nói riêng và trong nền văn hóa văn học Trung Hoa nói chung.

Từ những văn hiến Phật giáo mà Quảng Hoằng Minh Tập thâu thập được, đủ thấy rõ giá trị học thuật của Quảng Hoằng Minh Tập. Vấn đề thành Phật thành Thánh, là một trong những đề tài tranh luận kịch liệt giữa Phật giáo giới và các giới tư tưởng nói chung. Ngoài ra, một trong những vấn đề tiêu biểu đó là, việc xuất hiện Biện Tông luận của Tạ Linh Vận và những vấn đáp giữa ông với chư Tăng, và “Đáp vương vệ quân vấn ” của Trúc Đạo An. Trong những nội dung ấy, có bàn luận vấn đề Nho giáo cho rằng, Thánh nhân có thể học mà không thể đạt, Phật giáo cho rằng, Thánh nhân có thể học và có thể đạt được. Do vậy, Trúc Đạo Sanh chiết trung Nho Thích, đưa ra thuyết “đốn ngôï thành Phật”.

Bên cạnh những gì vừa thảo luận ở trên, vấn đề “pháp thân” và “nhị đế” cũng là đề tài quan trọng được tranh biện kịch liệt giữa các phái thuộc không tông Đại thừa Phật giáo trong thời Nam Bắc triều. “Giải nhị đế nghĩa” và “giải Pháp thân nghĩa” là hai bài viết phản ánh quan điểm và mức độ nhận thức của các học gỉa thời bấy giờ về tam luận tông (Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận). Về nhị đế, Tiêu Thống cho rằng, nếu xuất thế nhập thế chỉ duy nhất một cảnh giới tinh thần vĩnh hằng vĩ đại, vô sanh vô diệt, thì lí luận của Phật giáo cao hơn lí luận thế tục, do đó mà siêu việt mọi thực hữu của vạn sự vạn vật trong thế gian, nhưng lại không phải là không có gì, mà là một trung đạo chân thật. Pháp thân tức chỉ bổn thể. Tiêu Thống cho rằng, pháp thân không sanh không diệt, nhưng không phải đồng với trạng thái hư không không có gì. Pháp thân độc lập không thay đổi, vĩnh hằng tồn tại, nhưng cũng không phải thực hữu thực tại. Phật giáo từ Tiểu thừa đến Đại thừa, từ không tông đến hữu tông, đã chứng minh tự thân Phật giáo rõ ràng không ngừng phát triển. Xét về nguyên lí duyên khởi, thì không tông và hữu tông vốn không phải hai học thuyết đối lập, mà là bổ sung lẫn nhau.

Điều đáng chú ý là những tác phẩm của Tạ Linh Vận, Tiêu Thống và một số văn nhân đều ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Phật giáo, thế nhưng họ chẳng phải là người quy y Phật môn. Sở dĩ có được những nhận thức sâu sắc đối với những tranh luận kịch liệt thời bấy giờ, là vì họ đã có nghiên cứu Phật học, lại có kiến thức sâu rộng về tư tưởng văn hóa Nho gia. Khi Phật và Nho có sự khế hợp về lí luận, thì họ lí giải và tiếp thu sâu sắc một số quan điểm mới và tự nhiên. Lại do vì địa vị chính trị xã hội của họ cao hơn Tăng nhân và tín đồ Phật giáo, vì thế sức ảnh hưởng quan điểm của họ đối với sự phát triển và truyền bá Phật học, đương nhiên là gây sự tác động cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Do đây mà có thể nói rằng, người có thể hoằng Đạo.

Sự khế hợp về phương diện lí luận giữa tầng lớp trí thức trong xã hội với Phật giáo, đương nhiên là rất hữu ích cho việc truyền bá chánh pháp, nhưng trong quá trình hoằng đạo thì không nhất thiết phải có khế hợp về phương diện lí lụận. Như mối quan hệ giữa Phật giáo với một số người, tuy vẫn thuộc về sự khế hợp về huyền lí và văn tự, nhưng phép tu trì niệm Phật tam muội mà họ sùng bái, và tín ngưỡng vãng sanh tây phương Phật quốc, về sau, lại là nhờ nhân duyên khác mới được truyền bá sâu rộng. Vì niệm Phật, tức là trong quá trình tu hành thiền định, quán tưởng Phật Di Đà và cảnh giới Tây phương tịnh độ. Ngài Huệ Viễn cho rằng, trong tất cả các tam muội thì niệm Phật là đứng đầu, mà niệm Phật thì cần phải dứt hết vọng tưởng, chỉ cần siêng năng tu niệm thì sẽ thấy Phật và vãng sanh tịnh độ. Pháp môn tịnh độ truyền vào Trung Quốc cuối đời Đông Hán, được sự truyền bá của các ngài Huệ Viễn, Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo, nên đã xâm nhập vào tầng lớp trí thức, và ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian.

Quảng Hoằng Minh Tập không những đạt được địa vị quan trọng trong lịch sử Phật giáo, mà còn mang lại những gía trị học thuật khác trong những lĩnh vực khác. Vì ngoài bảo tồn một số lượng lớn sử liệu tư tưởng Phật giáo ra, nó còn lưu trữ một số điển tịch khác bị thất lạc từ lâu, và nhờ đó mới tìm kiếm lại được một số tư liệu văn hiến quý hiếm quan trọng. Nhờ vậy mà giá trị Quảng Hoằng Minh Tập càng được đánh giá cao hơn.

Quảng Hoằng Minh Tập còn thâu thập những chiếu sắc hưng phế Phật giáo của các đế vương và những bài viết luận biện về Đạo giáo và Phật giáo. Như ghi chép được một số chiếu sắc về hủy diệt Phật giáo, ghi được một số bài văn nói về sự đối lâïp kích bác Phật giáo của những thế lực khác, như quyển 8 ghi chép được chiếu dụ phá tượng đốt kinh, giết Tăng của Bắc Ngụy Thái Võ Đế, Bắc Châu Cao tổ, Dương Tuyền Chi, Phạm Chẩn……Trong đó cũng có ghi những sự kiện hưng long Phật giáo… Nhờ đó mà có thể thấy Phật giáo đã phát triển trong xã hội đến thời sơ Đường, và con người càng sung mãn niềm tin “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Tất cả những bố cục chương tiết và vấn đề thảo luận trong Quảng Hoằng Minh Tập cho đến nay vẫn còn có những ý nghĩa giá trị hiện thực nhất định. Như nhân quả báo ứng là một trong những giáo lí căn bản của Phật giáo, cũng là một trong những vấn đề mà từ khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc đã bị Nho Đạo cật vấn và không ngừng tranh luận, thì trong Quảng Hoằng Minh Tập đã có đáp án để giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa. Trong những trước tác của Phật giáo Trung Quốc trong thời kì đầu như Lý Hoặc Luận của Mâu tử, đã có những biện luận xoay quanh vần đề này. Huệ Viễn trước tác Tam Báo luận, Minh Báo Ứng luận, và còn thư từ qua về với Vương Thục Chi, Đới An Công, Tống Hà Thiên và Lưu Thiếu Phu để bàn bạc thảo luận vấn đề nhân quả báo ứng. Bên cạnh đó, có Nhan Thị cho rằng, Phật và Nho giáo vốn là một thể, nhưng lí luận của Phật giáo sâu sắc hơn, rộng rãi hơn; Phật giáo có năm giới, Nho giáo có ngũ thường, hai bên tương đương nhưng chỉ có sâu cạn không đồng………

Theo lí luận của Đại thừa Phật giáo không tông, khi thoát li được trói buộc thế gian, thì sẽ bình tĩnh sáng suốt trước những nhân quả báo ứng, thấu hiểu giáo lí không chút nghi ngờ. Thật ra, trong tư tưởng văn hóa của truyền thống Nho gia, tuy không có luận về nhân qủa báo ứng một cách minh xác, nhưng cũng có thuyết “ương tật”, như nói rằng: “người tích thiện, tất sẽ có niềm vui; người tích ác, tất sẽ gặp tai ương bất hạnh”. Thuyết tai ương phước báo và nhân quả báo ứng đều có tác dụng khiến người tu thiện, nhưng thuyết họa phước của Nho gia là sự suy luận giữa hai đối tượng tương quan nhau, như “cha làm con chịu”hoặc thiện hay ác thì chỉ ảnh hưởng trong đời này mà thôi, nó thuộc về suy đoán theo trí năng. Trong lúc đó, nhân quả báo ứng luận của Phật giáo là một học thuyết dạy ràng, nhìn đời nay thì biết những duyên thiện ác trong đời trước, và trong đời này thì nên tu tạo phúc đức cho đời sau.

Trên đây đã bàn luận vấn đề trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo và Nho Đạo vừa đấu tranh nhưng lại vừa dung hợp. Nội dung Quảng Hoằng Minh Tập, phần nhiều là sản phẩm của sau hai cuộc đấu tranh, mà đặc biệt trong số đó, đại biểu nổi bật là nhị giáo luận của Thích Đạo An và Phá tà luận của Thích Đạo Lâm. …Mục đích lí luận trong đó là để đi đến kết luận, Phật giáo là nội giáo, là thuật trị tâm; Nho giáo là ngoại giáo, là thuật điều thân, cả hai đều không thể thiếu, mà Phật giáo đóng vai trò chủ đạo cốt cán, còn Đạo giáo là cành lá phụ họa cho cây tưởng học thuyết Nho gia.

Điều đáng chú ý nữa là, những trước tác của Đạo An chủ yếu bài xích Đạo gia, còn lí luận của Pháp Lâm thì chủ yếu tuyên dương giáo lý Đức Thích Tôn. Nhưng từ trước tác của hai vị này, thì dễ dàng thấy được, họ không có ý công kích tư tưởng Nho gia, mà còn cho rằng: “tam giáo tuy khác, nhưng ý nghĩa khuyến thiện chỉ là một….” (Nhị giáo luận). Đồng thời với việc cực lực hộ trì địa vị tư tưởng chính trị Phật giáo, họ còn chủ trương tam giáo đồng nguyên. Tinh thần đấu tranh mà dung hợp, đối lập mà ôn hòa của Phật giáo, cho chúng ta thấy rằng, Phật giáo sau khi truyền vào Trung Quốc từ thời Đông Hán, tuy rằng đã từng có những xung đột về tư tưởng với Nho giáo và Đạo giáo, có khi do nhân tố chính trị, đã xảy ra những sự kiện đẫm máu, nhưng trong tư tưởng chính trị và hiện thực cuộc sống, thì Phật giáo không hề tách rời, lập dị cầu kì với Nho và Đạo.

Có thể khẳng nhận rằng, tinh thần học thuật nghiên cứu của người biên soạn Quảng Hoằng Minh Tập rất cao qúy, đã cung cấp cho hậu thế những văn hiến giá trị. Giá trị học thuật, giá trị nghiên cứu văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị triết lí…. của Quảng Hoằng Minh Tập đã đang và sẽ mãi được giới trí thức trong và ngoài Phật giáo tiếp nhận như món quà tri thức vô giá.

Chú thích

(*) Di Hạ luận: là bộ luận với tông chỉ chủ trương bảo hộ tuyên dương Đạo giáo và bài xích Phật giáo, cho rằng, Đạo giáo là chính quy, Phật giáo là tôn giáo quê mùa ở vùng biên địa hạ tiện, chỉ đóng vai trò phụ thuộc. Trong đó còn bao gồm mấy điểm: Lão Tử sanh trước Đức Phật, giáo lí Phật giáo vốn được bao hàm trong Đạo giáo, Phật giáo thuộc Đạo giáo, Phật giáo là giáo pháp man di mọi rợ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/10/2023(Xem: 2136)
Được thành lập vào thế kỷ thứ 8, việc xây dựng bắt đầu vào năm 742, Thạch Quật Am (석굴암, nghĩa là Am hang đá) là một Cổ Am và một phần của phức hợp Phật Quốc Tự. Nó nằm cách bốn km về phía đông của ngôi đại già lam cổ tự trên núi Tohamsan, ở Gyeongju, Hàn Quốc, gian chính hình tròn thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 3,5m với tư thế Xúc địa thủ ấn (Bhumistarsa Mudra),
01/10/2023(Xem: 2173)
Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học trong đó có Ngài Khánh Hòa có liên đoàn Học Xã ra đời tức là hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập năm 1934 ở tại Bến Tre. Hội này quý Thầy giảng dạy cho chư Tăng, chư Ni cũng có những học đường, bắt đầu thỉnh Đại Tạng Kinh ở bên Trung Quốc về bây giờ chúng ta căn cứ theo Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Tại sao gọi là Đại Chánh? Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh có tất cả 100 tập. Từ tập 1 tới 65 có Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và những bộ kinh thuộc về Mật Tạng, Hòa Thượng Tịnh Hạnh cũng đã cho dịch ra thành 187 tập. Từ tập 188 cho đến tập thứ 202 nay mai sẽ được xuất bản. Riêng Thanh Văn Tạng nó có tính cách Hàn Lâm. Trong thời gian qua HT Tuệ Sỹ đã cho dịch thành Thanh Văn Tạng rồi trong tương lai sẽ có Bồ Tát Tạng, tiếp theo nữa sẽ là Mật Tạng.
04/07/2023(Xem: 3398)
Hôm nay ngày 22.6.2023. Trước đây thầy Hạnh Tấn làm Thư ký ở trong ban Hoằng Pháp của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Chỗ này tôi xin xác định một chút cho Quý Vị rõ về hai cơ cấu, hai vai trò không phải là một. Ôn Tâm Huệ là trưởng ban truyền bá giáo lý Âu Châu; Thầy Hạnh Tấn làm thư ký cho ban truyền bá giáo lý Âu châu thuộc về Hội Đồng Hoằng Pháp của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Khi mà ôn Tuệ Sỹ thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp vào năm 2021
03/05/2023(Xem: 125996)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
03/04/2023(Xem: 6367)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan được thành lập năm 1999 tại Sydney với nhiệm kỳ 4 năm sinh hoạt Phật Sự. Đến nay đã trải qua hơn 20 năm thăng trầm hành hoạt với 6 kỳ Đại Hội trước đây, lần lượt được tổ chức tại: Chùa Pháp Bảo (1999), Chùa Pháp Quang (2003), Chùa Phổ Quang (2007), Chùa Pháp Hoa (2011), Tu Viện Quảng Đức (2015 và 2019). Và mới đây, Đại Hội Khoáng Đại Kỳ 7 được tổ chức tại Chùa Thiên Ấn, vùng Canley Vale, tiểu bang New South Wales, từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 6 năm 2022.
18/02/2023(Xem: 4063)
Tôi nghĩ là người Phật tử, ai cũng muốn một lần được đến Ấn Độ để chiêm bái Phật tích, những Phật tích quan trong là nơi đức Phật Đản sinh, đức Phật Thành đạo, đức Phật chuyển Pháp luân và đức Phật nhập Niết Bàn. Bốn nơi đó thường được gọi là Tứ động tâm, nghĩa là 4 nơi thường làm cho người Phật tử xúc động, khi chiêm bái khi tưởng nhớ đến đức Thế Tôn. Chừng 10 năm trước, Đại đức Thích Minh Hiển từng du học ở Ấn Độ, tổ chức đi chiêm bái Phật tích, chúng tôi ghi danh đóng tiền tham gia, nhưng giờ chót, chúng tôi quyết định không đi, lần khác Đại đức Thích Hạnh Lý, trụ trì chùa Từ Ân, thành phố Louisville, Kentucky tổ chức đi chiêm bái Phật tích có thông báo cho chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng không tham gia được.
06/01/2023(Xem: 3956)
Tôi quyết định đi theo đoàn hành hương do chùa Vạn Hạnh ở Nantes tổ chức từ cuối tháng 9, 2010. Làm các thủ tục vé máy bay, passport và visas xong xuôi từ cuối tháng mười. (Các bạn nên nhớ rằng passport của bạn phải còn có giá trị tối thiểu 3 tháng sau ngày rời Ấn Độ trở về. Nếu bạn rời Ấn Độ ngày 01/01/2011, thì passport của bạn phải còn giá trị tối thiểu là đến 01/04/2011. Visas vào ra Ấn Độ, phải là “Double entries”). Xong xuôi tất cả, tôi phủi tay tự nhủ, bây giờ thì chỉ còn chờ ngày đi mà thôi, và tôi vui thú thở ra nhẹ nhỏm trong người.
07/11/2022(Xem: 4670)
Tình tự quê hương như là chất liệu để nuôi sống đời mình, nên Hòa Thượng Tuệ Sỹ chỉ ở đó mà không đi đâu hết. Sinh ra giữa lòng đất Mẹ, chắc một ngày mai kia có chết, thì chết trong giữa lòng đất mẹ ấy, mà đã không ra đi như bao người đã ra đi. Có lẽ sinh ra nơi nào thì chết ở nơi đó. Đây là cái khí khái của bậc Đại Sỹ. Dù quê hương có đọa đầy mưa nắng, thì cũng nguyện là người làm mưa nắng để vun xới cho quê hương được tươi mát.
13/03/2022(Xem: 18308)
Hành hương và chiêm bái Phật tích Ấn Độ là nhân duyên hy hữu và là một ước mơ ngàn đời của người đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn bể. Nay ước mơ đó đã đến với Tăng Ni và Phật tử Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Ấn Độ gồm 51 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào ngày 7-11 năm 2006. Phái đoàn do Đại Đức Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Sư Cô Hạnh Nguyên và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (Giám đốc công ty Triumph Tour) hướng dẫn cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 6 từ Sydney, 1 từ Perth và 5 đến từ Texas, Cali, Hoa Kỳ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567