Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4-Quy Y Tam Bảo

26/04/201319:11(Xem: 21797)
4-Quy Y Tam Bảo


Phật Học Phổ Thông

HT. Thích Thiện Hoa


Khóa Thứ Nhất
Nhân Thừa Phật Giáo

--- o0o ---

Bài Thứ 4

Quy Y Tam Bảo

A-Mở Ðề:

Cảnh giới Ta bà của chúng ta là một cảnh giới đầy mê mờ và dục vọng. Chúng ta đang lặn hụp trong bể nước mắt củađau khổ và bùn nhơ của dục vọng, sống trôi lăn trong cảnh ấy, chúng ta khó thấy được bến bờ sáng sủa, yên ổn để lội vào. Thật là đáng thương cho thân phận con người chúng ta.

Nhưng bản nguyện chúng ta đâu có thế! Chúng ta, từ vô thỉ, ở nơi nguồn chơn vắng lặng, sáng suốt vô cùng. Vì một niệm bất giác, khởi vô minh vọng tưởng, nên chúng ta bị quay cuồng trong sanh tử, trôi nổi trong ba cõi sáu đường.

Vậy thì trong chúng ta ai là người không muốn thoát ra khỏi cõi đen tối, sầu đau này, để dược trở về nguồn trong sáng, an vui?. Nhưng làm sao để thoát ra được? Ai sẽ là kẻ rủ lòng thương để đưa đường chỉ lối cho chúng ta? Ai là người có đủ phương pháp thần diệu để giúp chúng ta ra khỏi sinh tử luân hồi?

- Ðấng cao cả sáng suốt và đầy đủ năng lực ấy không ai khác hơn làÐức Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã chứng quả bất sanh, bất diệt; và chỉ có Giáo pháp của Ngài mới cứu được chúng sanh ra khỏi vô thường đau khổ.

Vậy chúng ta còn ngần ngại gì nữa mà chẳng chịu quy y Tam-Bảo.

B- Chánh Ðề:

I - Ðịnh Danh Và Giải Nghĩa.

1- Quy-y nghĩa là gì? Quy là trở về; Y là nương tựa, Quy-y là trở về nương tựa nơi mà mình đã vì si mê, phóng đãn lià bỏ ra đi, như đứa trẻ khờ dại đã rời bỏ cha mẹ để ra đi trong hoan phá, bây giờ biết sự dại khờ do kinh nghiệm khổ đau, quay trở về
nương tựa lại dưới bóng hạnh phúc và yêu thương của cha mẹ. Chữ Quy-y nguyên dịch nghĩa là kính vâng hay phục tòng.

2- Tam bảo nghĩa là gì?Tam bảo là ba ngôi báu: PHẬT, PHÁP, TĂNG.

Ở thế gian, vàng bạc, ngọc ngà và danh vọng là quí báu. Nhưng sự thật, vàng bạc, danh vọng đâu có cứu được con người khỏi khổ, sống, già, bịnh, chết, mà lắm khi còn làm cho con người thêm khổ nữa! Còn Phật, Pháp, Tăng thì có đủ năng lực dắt dẫn con người ra khỏi những cái khổ nói trên. Bỡi thế, người đời mới tôn sùng Phật Pháp, Tăng là ba ngôi báu (Tam Bảo).

a) PHẬT: Chữ Phật do chữ Phạn Bouddha phiên âm ra. Tàu dịch là Giác Giả nghĩa là: Bực đã giác ngộ sáng suốt hoàn toàn về ba phương diện: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

b)PHÁP: Pháp là do chữ Phạn Dharma mà dịch nghĩa ra. Pháp là phuơng pháp tu hành mà Phật đã phát huy ra để diệt trừ mọi mê muội, khổ đau và chứng được quả Phật. Ba Tạng Kinh Ðiển đều gọi chung là Pháp.

c) TĂNG: Tăng hay Tăng già là do chữ Phạn Shanga mà phiên âm ra; Tàu dịch là: Hòa hợp chúng, nghĩa là một đoàn thể tu hành từ bốn người sắp lên, cùng nhau sống chung một chỗ, đồng giữ giới luật cu Phật, đồng chia sớt cho nhau một cách hòa thuận những gì đã thâu nhận được, từ vật chấc đến tinh thần.

3- Quy-y Tam-bảo là thế nào?- Quy-y Tam-bảo là trở về nương tựa ba ngôi báu: PHẬT, PHÁP, TĂNG.

Tại sao phải Quy-y Phật?- Vì Phật là đấng hoàn toàn sáng suốt, từ bi vô lượng, phước huệ vô biên, đức hạnh viên mãn; - Vì Phật là người dẫn đường vĩ đại nhất, đã có cái kinh nghiệm bản thân thoát ra ngoài vòng sanh tử để chứng Ðạo.

Tại sao quy-y Pháp?- Vì chỉ có phương pháp của Phật là đầy đủ công năng để đưa chúng ta qua khỏi bể khổ, đến bờ giải thoát.

Tại sao lại quy-y Tăng? - Vì Tăng là người đã hy sinh gia đình, tiền của, danh vọng... để tình nguyện theo Phật dắt dẫn chúng sanh trên đường Ðạo.

II- Ba Bực Tam Bảo

Tam Bảo có ba bực:
- Ðồng thể Tam bảo,
- Xuất thế gian Tam bảo,
- Thế gian trụ trì Tam bảo.

1 - Ðồng Thể Tam Bảo

a) Ðồng Thể Phật Bảo: tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật dồng một thể tánh sáng suốt.

b) Ðồng Thể Pháp Bảo: tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một pháp tánh từ bi bình đẳng.

c) Ðồng Thể Tăng Bảo: tức là nói tất cả chúng sanh cùng chu Phật đồng một thể tánh thanh tịnh, sự, lý hòa hợp.

2 - Xuất Thế Gian Tam Bảo

a) Xuất Thế Gian Phật Bảo: là chỉ cho Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ðức Phật A-Di-Ðà, Chư Phật trong mười phương ba đời, đã tự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian.

b) Xuất Thế Gian Pháp Bảo:là chỉ cho Chánh pháp của Phật, có công năng làm cho chúng sanh thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian, như Tứ-đế, Thập-nhị nhân-duyên, Lục -độ v.v...

c) Xuất Thế Gian Tăng Bảo: là chỉ cho các vị Thánh-Tăng đã thoát ra ngoài sự ràng buộc của thế gian như đức QuánThếÂm, Ðại Thế Chí, Văn Thù, Ca-Diếp, A-Nan v.v...

3- Thế Gian Trụ Trì Tam Bảo

a) Thế Gian Trụ Trì Phật Bảo, là chỉ cho XaLợi của Phật, tượng Phật đức bằng kim khí, chạm trổ bằng danh mộc, tô bằng đất, đắp bằng xi măng, thêu bằng vải, hay vẽ trên giấy.

b) Thế Gian Trụ Trì Pháp Bảo, là chỉ cho ba tạng Giáo điển: Kinh, Luật, Luận viết hay in trên giấy, trên vải trên lá buôn v.v...

c) Thế Gian Trụ Trì Tăng Bảo, là chỉ các vị TỳKheo, TỳKheoNi tu hành chơn chánh, đạo đức trong sạch, giới luật trang nghiêm trong hiện tại.

III- Sự Quy y Tam Bảo

Sau khi đã hiểu rõ thế nào là Quy-y Tam bảo, tất nhiên phải thực hành sự hiểu biết ấy.Thực hành bằng sự tướng cung kính, vâng theo Tam-bảo, như thế gọi là sự quy-y Tam-bảo.

1 - Sự Quy-Y Phật:Hằng ngày chúng ta phải nhớ tưởng luôn đến Phật, niệm danh hiệu Phật, chiêm ngưỡng tượng Ngài, và nguyện suốt đời theo bước chân Ngài, ấy là sự quy-y Phật.

2 - Sự Quy-Y Pháp: Hằng ngày tụng đọc Kinh, Luật, Luận; sớm hôm hai thời công phu, tìm hiểu nghĩa lý thâm huyền của Pháp bảo. Khi đọc tụng Kinh điển tâm trí ta không nghĩ xằn bậy, không nhớ tưởng những việc không hay, không bàn mưu tính kế để lợi kỷ, tổn nhơn. Chúng ta trừ bỏ được dục vọng, tâm trí được sáng suốt, an lành, thanh tịnh.

3- Sự Quy-Y Tăng: Thế gian thường nói: "Trọng Phật, phải kính Tăng". Cho nên, nếu chúng ta thành tâm thờ Phật bao nhiêu, thì chúng ta phải thật dạ kính Tăng bấy nhiêu. Người thực hành sự quy-y Tăng, hễ thấy người đầu tròn áo vuông, chân chính
tu hành, giữ gìn giới luật, thì liền kính nể, quý trọng, xem như đó là vị đại diện cho Ðức Phật. Làm như thế là sự quy-y Tăng.

Tóm lại, thờ Phật, tụng Kinh, giữ Giới, nghiên cứu Phãt pháp, kính trọng Tăng già chân chính, dó chính là sự quy-y tam-bảo.

IV- Lý Quy y Tam Bảo

Lý là bên trong. Lý quy-y Tam-bảo nghĩa là quy-y Tam-bảo trong tâm chúng ta. Nếu chúng ta chỉ thực hành sự quy-y, chỉ dong ruổi theo Tam-bảo bên ngoài, mà quên lý quy-y, nghĩa là quên Tam-bảo bên trong tâm chúng ta, thì chúng ta chưa thực hành
đúng nghĩa Tam-quy. Thật thế, bên trong tâm chúng ta cũng có đủ Tam-bảo. Chúng ta cần thực hành lý quy-y, hay Tam Tự Quy-Y:

1- Tự Quy-Y Phật: Tự nghĩa là mình đối với tự tâm mình. Tư quy-y Phật là mình tự trở về với Phật tánh sáng suốt của tâm mình, - Vâng mỗi người đều có Phật tánh, và đều có thể thành Phật. Ðó là lời Phật Thích Ca đã dạy. Nhưng Phật tánh ấy bị mê lầm, vọng tưởng che lấp. Vọng tưởng như mây mờ, Phật tánh như trăng. Mây mờ có thể che khuất, chứ không thể tiêu diệt được trăng sáng. Phật tánh chúng ta bị vọng tưởng vô minh che lấp sâu kín đến đâu cũng vẫn thường còn. Vậy thì sao chúng ta
lại bỏ quên Phật tánh của chúng ta, mà chỉ chạy theo cầu khẩn Phật bên ngoài; như đứa "cùng tử" có viên ngọc quý, cha mẹ đã giấu sẵn trong chéo áo mà nó không biết, lại đi xin ăn cùng khắp mọi nơi!

2- Tự Quy-Y Pháp:nghĩa là vâng theo pháp tánh của mình. Trong tâm ta có đủ tất cả các Pháp: Từ-bi, Trí-tuệ, Bình đẳng, Sáng-suốt, Nhẫn-nhục, Tinh-tấn... chúng ta cần phát huy những đức tánh ấy và hành động theo chúng, tuân theo chúng. Như
thế là Tự Quy-Y Pháp.

3- Tự Quy-Y Tăng: nghĩa là vâng theo Thầy trong tâm mình, Thầy trong tâm mình là đức tánh hòa hợp thanh tịnh của mình, như Tăng già là hiện thân của sự hòa hợp thanh tịnh bên ngoài. Bấy lâu vì mình mê muội, không nhận thấy được ông Thầy
trong tâm, nay nhờ Phật chỉ dạy, mình nhận thấy được ông Thầy thanh tịnh ấy, thì mình phải quy-y Thầy của mình trước đã chứ!

Nói tóm lại, mình phải nương tựa, quay về với Phật trong tâm mình là tánh sáng suốt; với Pháp trong tâm mình là các đức tính Từ-bi, Hỷ-xả v.v..., với Tăng trong tâm mình là sự hòa hợp, thanh tịnh của bản tâm. Như thế là Lý Quy-Y Tam-bảo.

V- Nghi Thức Quy Y

Sau khi chúng ta đã hiểu rõ SỰ và LÝ Quy-y rồi, chúng ta cũng cần biết qua nghi thức của lễ Quy-y.

1- Trưóc Tiên Phải Gội Rửa Thân Tâm Cho Trong Sạch.

Quy-y là buổi lễ quan trọng nhất trên đường tu tập của chúng ta. Nó là cuộc khởi hành để đi đến mục đích giải thoát, vì thế chúng ta không thể xem thường, cử hành một cách bừa bãi được.

Khi muốn quy-y, chúng ta phải y-phục chỉnh tề, sắm khay lễ thỉnh chư Tăng đến trai dường, đảnh lễ và cầu xin chư Tăng rủ lòng Từ-bi truyền trao quy-giới cho mình.

Trước ngày hành lễ, thân tâm chúng ta phải được gội rửa trong sạch. Ta tắm rửa sạch sẽ ăn mặc chỉnh tề. Ðó là về thân; còn về tâm thì ta phải ba phen sám hối, cho ba nghiệp được thanh tịnh. Nhờ sự tẩy gội cả trong lẫn ngoài ấy, ta mới xứng đáng đón nhận Pháp thanh tịnh cao quý của Tam-bảo.

2- Phát Nguyện.

Ðến giờ quy-y, chúng ta phải qùy xuống; theo lời hướng dẫn của chư Tăng, chí thành phát nguyện:

- Ðệ tử suốt đời quy-y Phật.

- Ðệ tử suốt đời quy-y Pháp.

- Ðệ tử suốt đời quy-y Tăng.

Sau khi phát nguyện Tam-quy rồi, người phát nguyện tin chắc rằng mình đã gieo hạt giống giải thoát, thế nào cũng sẽ gặt được kết quả tốt là thoát ly ba đường ác: Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh. Vì thế người quy-y liền nói tiếp ba lần:

- Ðệ tử quy-y Phật rồi, khỏi đọa địa ngục.

- Ðệ tử quy-y Pháp rồi, khỏi đọa ngạ quỷ.

- Ðệ tử quy-y Tăng rồi, khỏi đọa súc sanh.

Thế là trọn vẹn Tam-quy và Tam-kiết.

Ðể bảo tồn lý tưởng cao cả của mình và giữ vững đức tin trên đường Ðạo, người quy-y tự nguyện một cácg mạnh mẽ và thành khẩn:

- Ðệ tử quy- Phật, nguyện trọn đời không quy y thiên, thần, quỷ, vật.

- Ðể tử quy-y Pháp, nguyện trọn đời không quy-y ngoại đạo, tà giáo.

- Ðệ tử quy-y Tăng, nguyện trọn đời không quy-y tổn hữu ác đảng.

Như thế là lễ quy-y đã hoàn tất. Người Tín đồ chỉ còn việc làm theo đúng những lời mình đã phát nguyện và đã tuyên thệ trước Tam-bảo.

VI- Lợi Ích Của Quy Y Tam Bảo

1- Khỏi đi lạc đường đòi vào nơi tăm tối.

Như chúng ta đã thấy ở đoạn mở đầu bài này, chúng ta đang lặng hụp trong biển khổ, đang bơ vơ lạc lỏng giữa đêm tối mênh mông. Trong hoàn cảnh bi đát như thế, nếu không thấy được những phương tiện để đi đến, không có những bậc Thầy để dìu
dắt đến, thì chúng ta sẽ quay cuồng mãi mãi trong biển sanh tử luân hồi. Cái đích sáng ấy là Ðức Phật, những phương tiện ấy là Pháp, và những bậc Thầy dìu dắc ấy là Tăng. Khi chúng ta đã biết có những sự quý báu như thế mà không nắm bắt lấy, thì chẳng khácgì người sáp chết đuốiụ thấy cái bè gỗ trôi qua mà lại dại khờ xua đẩy nó ra.

Sự quy-y chính là một cách bám víu vào cái bè Tam-bảo mà Phật đã chế ra để cứu vớt những kẻ sắp chết duối trong biển đời là toàn thể chúng ta.

2- Khi đã phát nguyện quy-y, mình dễ giữ đúng lời đã hứa, vì có sự chứng minh của Chư Phật và Chúng Tăng.

Có người nói: "Tôi tôn sùng Ðức Phật, vì biết Ngài là một Ðấng sáng suốt hoàn toàn; Tôi trọng trọng Pháp vì biết Pháp Phật có đủ năng lực đưa người đến giải thoát; tôi kính Tăng vì biết đấy là những vị đại diện cho Ðức Phật. Biết như thế cũng đủ, cần gì phải làm lễ phát nguyện quy-y?"

Nói như thế là chưa hiểu giá trị về phương diện tâm lý của lời hứa, lời thề trước mặt người khác. Khi chúng ta đã hứa với ai một điều gì, mà nuốt lời hứa, thì tâm hồn chuíng ta bức rức, hối hận không an. Ðã hứa tất có bổn phận làm trọn lời hứa, nếu
thất lời hứa, tất ta sẽ tự khinh ta. Nhất là khi lời hứa, lời nguyện ấy lại cử hàng trong một khung cảnh trang nghiêm trước Ðiện Phật, trên có sự chứng tri của Chư Phật, dưới có sự chứng tri của chư Tăng, chung quanh có sự hộ niệm của những thân bằng
quyến thuộc; phát nguyện trong khung cảnh ấy, tất nhiên chúng ta khó lòng mà trái lời nguyện hay xao lảng được.

C - Kết Luận

Khuyên tín đồ nên quy-y cả Sự lẫn Lý và tinh tiến trong sự quy-y

Chúng ta đã thấy, là Phật tử thì phải quy-y. Quy-y phải đủ Sự và Lý. Không nên hoàn toàn ỷ lại bên ngoài mà xao lảng bên trong. Cũng không nên hoàn toàn tự tôn tự trọng riêng mình mà khinh thị bên ngoài. Muốn quy-y thì trước tiên phải long trọng
làm lễ quy-y để đánh dấu bước đi đầu tiên của mình trên đường giải thoát. Lễ ấy như là lễ tiễn đưa một người ra đi nhận một nhiêm vụ mới. Nhưng một khi đã đặt chân lên đường, thì người ấy phải dong ruổi, quyết tiến mau cho đến đích, chứ không phải chần chờ, quay đi lộn lại một chỗ, hay rẽ qua một ngả khác. Ðã phát nguyện quy-y mà không theo dấu chân của Ðức Phật đã để lại, không soi vào gương sáng của Ðức Phật đã nêu cao, không theo giáo pháp mà rèn luyện tâm tánh; không giữ giới luật, không vâng lời nhắc nhở của Chư Tăng, như thế là tự lừa dối mình và lừa dối người khác, và cái tai hại lại càng lớn lao hơn cả không quy-y.

Trái lại, nếu chúng ta quy-y và thực hành đúng như lời đã phát nguyện thì con đường giải thoát dù xa, cũng sẽ có ngày thấy đích.

Xin hãy luôn luôn ghi nhớ lời nói cuối cùng của Ðức Phật:

- "Hãy tinh tiến lên để giải thoát!".

---*^*---


Chân thành cảm ơn Đạo hữu Tâm Diệu đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này
( Trang nhà Quảng Đức, 02/2002)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/11/2014(Xem: 6823)
Roberto Baggio, 47 tuổi, gần đây đã mở một trung tâm Phật giáo ở ngoại ô thành phố Milan. Gần 1,000 người đã tập trung tại trung tâm Phật giáo lớn nhất châu Âu này. Baggio nói với các phóng viên, “ Điều quan trọng nhất của đời tôi là khi tôi tìm thấy Phật giáo. Ngày nay nhiều người đang cố gắng tìm hiểu triết lý này, vì vậy việc lập ra trung tâm này, trong một ý nghĩa nào đó, là khởi điểm của một dự án lớn.” Baggio được đám đông đón chào nồng nhiệt, và anh đã hướng dẫn một buổi thiền định tại đây. Thường được gọi với biệt danh (tóc) Đuôi ngựa Thần thánh, Baggio đã ghi bàn 27 lần trong 56 trận bóng đá cho đội tuyển Ý. Baggio cải đạo sang Phật giáo cách đây 27 năm và trở thành một trong những người Ý nổi tiếng nhất làm như vậy. Ghi bàn hơn 200 lần trong bóng đá Ý, Baggio được xem là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại ở đất nước này. (tipitaka.net – November 1, 2014)
07/11/2014(Xem: 32171)
Nói "Chùa Khánh Anh sau 30 năm" có nghĩa là đã bắt đầu bước sang năm thứ 30+1... Thật vậy, chùa Khánh Anh bắt đầu sinh hoạt từ Lễ Phật Đản 1974, tức 1 năm trước biến cố lịch sử 30/4/1975. Tại sao lại không phải là sau ngày 30/4/75 như nhiều nơi khác, và nhiều chùa khác ở hải ngoại? Thưa quý vị và bà con cô bác, đó mới là có chuyện để kể lại. Và cái đoạn này có nhiều chuyện để kể lắm. Nghĩa là nguyên nhân do đâu, và từ bao giờ đưa đến việc thành lập chùa Khánh Anh trước năm 75 và sinh hoạt cho đến ngày hôm nay?
25/10/2014(Xem: 20985)
Trong bất cứ một cộng đồng nào đều có nhiều tầng lớp khác nhau, nhiều chủng loại con người khác nhau sống cùng trong đó, thì chắc chắn luôn có sự hiện diện của nhiều mặt tư tưởng khác nhau, phát sinh nhiều vấn đề liên quan. Vì vậy để gìn giữ một cuộc sống yên bình cho một cộng đồng, con người phải có nhiều phương pháp để hòa giải mọi sự khác biệt. Xuyên suốt trong lịch sử của loài người, đã có rất nhiều lời đề xuất để giải quyết, thậm chí phải sử dụng đến phương sách bạo động, chẳng hạn như chiến tranh, xung đôt nhằm giải quyết sự khác biệt.
21/10/2014(Xem: 10590)
Hans Küng, sinh năm 1928 tại Sursee, Thụy Sĩ, là Giáo sư Thần học hồi hưu thuộc Đại học Tübingen, Đức. Ông đã sáng lập Hiệp hội Đạo đức Thế giới (Stiftung Weltethos) mà hiện nay ông đang là Chủ tịch Danh dự. Với nhiều công trình nghiên cứu khoa học về các tôn giáo và các đóng góp to lớn về nỗ lực liên tôn cho hoà bình thế giới, ông được nhiều giải thưởng cao qúy và được vinh danh là một nhà tư tưởng quan trọng nhất đương đại. "Auf den Spuren des Buddha" là một trích đoạn từ trong tập hồi ký: “Erlebte Menschlichkeit, Erinnerungen“, Piper, München, Zürich, 2. Aufl. 2013, 377-403.
18/10/2014(Xem: 43870)
Uống trà là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Á Đông theo phương châm“Bình minh nhất trản trà". Cách đây hàng ngàn năm, con người đã biết đến trà như một loại nước uống mang lại sự sảng khoái, thanh khiết cho tinh thần, là cách để khai tâm mở trí. Người ta xem chén trà là đầu câu chuyện, là gợi mở tâm linh, là giao thoa văn hóa và kết nối lòng người.
16/10/2014(Xem: 10456)
Chaman Lan và một số học giả Hoa Kỳ cho rằng không phải ông Columbus đầu tiên tìm ra Châu Mỹ mà chính những người di dân Hindu từ Ấn Độ. Lý luận mới lạ này được dựa vào một số truyền thống thịnh hành ở Trung Mỹ và Mexico. Nhưng giả thiết này thiếu sự ủng hộ của bằng chứng văn học. Tuy nhiên chúng ta cũng có ít nhất là một điểm được ghi lại trong lịch sử Trung Hoa nói đến một đoàn tu sĩ Phật Giáo đến Châu Mỹ vào thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch và đã đưa Phật Giáo vào dạy cho những người dân ở đó.
17/08/2014(Xem: 20299)
Tín đồ Phật giáo tin rằng có một con người thật được tôn xưng là đức Phật, hay Đấng Giác Ngộ, đã nhận ra được trí huệ sáng suốt xa xưa, hay nói đúng hơn là từ vô thủy, của con người. Và ngài đã làm được điều này ở Bihar, Ấn Độ, vào khoảng từ năm 600 cho đến 400 trước Công nguyên – thời gian chính xác không được biết.
17/08/2014(Xem: 8561)
Vào thời đại Silla (Tân La) ở Hàn Quốc, khoảng hơn Nghìn năm trước, có một cậu bé tên là Kim Đại Thành (Kim Dae-seong 김대성-金大城) sống ở làng Moryang. Vì hoàn cảnh gia đình gặp phải khó khăn về kinh tế, cho nên cậu phải rày đây mai đó làm thuê mướn để đổi lấy bát cơm manh áo và phụ giúp gia đình. Một hôm, sau khi dự buổi thính pháp đàm của một vị Pháp sư giảng giáo lý Phật đà, cậu liền về nhà thuyết phục mẹ mình cúng dường mảnh ruộng vườn, tài sản duy nhất của gia đình để tích phúc đức.
26/05/2014(Xem: 10624)
New Delhi, India – Nhà truyền bá Phật giáo Toàn cầu đầu tiên của thế giới Anagarika Dharmapala và người đàn ông được nói đều nhiều nhất ở Ấn độ ngày nay, và có lẽ những người có quyền thành lập chính sách và đưa ra quyết định, Thủ tướng Ấn độ, ông Narendra Modi, đều có một số điểm chung. Cả hai đều sinh ngày 17 tháng 09 mặc dầu cách nhau 86 năm. Anagarika Dharmapala sinh ngày 17 tháng 09 năm 1864 và Narendra Modi chào đời ngày 17 tháng 09 năm 1950.
28/04/2014(Xem: 12624)
Chào mừng Đại lễ Phật Đản Vesak LHQ 2014 tổ chức tại Việt Nam, được sự hỗ trợ của Ban thư ký Đại lễ Vesak, một ê kíp gồm nhiều đạo diễn, quay phim kỳ cựu của Truyền hình An Viên (AVG) đã thực hiện bộ phim tài liệu 10 tập có nhan đề "Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc".
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]