Từ Mỹ, Nguyễn Tri Ân, giáo sư Đại học Bates (Bates Colleghe) đã nhiều lần về Việt Nam (kể từ năm 1991) để nghiên cứu về văn hoá, mỹ thuật Phật giáo. Ông tâm sự: “Mình không phải là nhà khoa học-công chức bàn giấy nên phải đi, đi thực tế để nghiên cứu, tìm hiểu”.
Mới đây, ông có một chuyến về Việt Nam 3 tuần, tham dự Phật đản ở Huế, rồi đi đến tham cứu ở các chùa ở TP.HCM, Cai Lậy (Tiền Giang), Khánh Hoà để tìm thêm những “dấu tích” của Bồ tát Thích Quảng Đức. Nghiên cứu về Bồ tát Thích Quảng Đức chính là 1/57 đề tài nghiên cứu được Hội đồng Hiệp hội Học thuật Hoa Kỳ - American Council of Learned Societies) chọn tài trợ nghiên cứu từ 1136 người nộp đề tài. Trước khi về nước GS Nguyễn Tri Ân đã dành cho Giác Ngộ một cuộc trò chuyện ngắn…
* Thưa GS, tại sao ông lại chọn đề tài về Bồ tát Thích Quảng Đức để nghiên cứu, trong khi trước đó đã có nhiều học giả nghiên cứu, viết sách về Ngài rồi?
GS Nguyễn Tri Ân: Có một số lý do để tôi chọn đề tài này, trong đó phải kể đến: Thứ nhất, về Bồ tát Thích Quảng Đức thì tài liệu chủ yếu được công bố là do công sức sưu tầm của thầy Như Hoằng (chùa Thiên Tứ, Vạn Ninh, Nha Trang, Khánh Hoà) và các bài viết và công trình nghiên cứu của GS Lê Mạnh Thát đã xuất bản trong tập Bồ Tát Quảng Đức, Ngọn Lửa và Trái Tim. Tuy nhiên, các tư liệu chính được công bố hầu hết và chủ yếu là thời kỳ Bồ tát sống, hành đạo trong thời gian trước năm 1945.
Thứ hai, tôi là học giả, trước đó đã nghiên cứu nhiều về văn hóa Phật giáo, đặc biệt là ngành lịch sử phát triển của nghệ thuật Phật giáo Viêt Nam. Trong những năm gần đây tôi đã chuyển hướng về việc tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp hành đạo của Bồ tát Thích Quảng Đức, một Con Người đặc biệt của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20, đặc biệt là hành động hy sinh thân mạng tự thiêu để bảo vệ chánh pháp, khiến thế giới rung động. Do vậy, tôi muốn tìm hiểu và nghiên cứu rõ thêm về con người đó, những động cơ và bối cảnh lịch sử như thế nào đã khiến ngài hy sinh thân mạng của mình cho đại cuộc.
Thứ ba, những tư liệu về Bồ tát Thích Quảng Đức bằng tiếng Anh thì vẫn chưa có nhiều, nếu có thì cũng chỉ là những tài liệu nói về cuộc tự thiêu và bối cảnh chính trị dưới chế độ ông Ngô Đình Diệm. Và hình như là không có một bài biết nào có bề sâu và bề dày nói về con người, hành hoạt của Bồ Tát. Các sách tiếng Anh hầu hết không tham khảo các sách vở và tư liệu Việt Ngữ. Do đó, nói chung thì thiếu một cái nhìn cụ thể, tổng quát và xác thực.
* Trong quá trình nghiên cứu, cho đến thời điểm này ông đã phát hiện được những tư liệu, tài liệu nào mới về Bồ tát Thích Quảng Đức?
- Bốn năm trước khi đi tìm tòi các tư liệu tại các ngôi chùa ngày trước Hòa Thượng Quảng Đức từng làm trụ trì, tôi phát hiện được những di cảo viết tay của Hòa Thuợng để lại. Các di cảo này đều viết bằng chữ Nôm, gồm có các bài diễn văn, một số bài giảng, và một cuốn sách của Hòa Thượng đang viết giở giang. Đặc biệt, trong các tư liệu này, tôi khám phá ra tên và tuổi thật của Ngài được chép trong phần cuối của bài thờ “Xuất Kệ Vân”, đó là bài thơ cuối trong năm bài thơ di bút của Bồ Tát Quảng Đức. Phần cuối bài của bài thơ có dòng chữ Hán do Bồ tát viết, đề rõ tên, ngày, tháng, năm sinh của Ngài.
Thật thú vị khi đọc được chính thủ bút của Ngài ghi rõ các điểm quan trọng này, và đã giúp tôi xét đặt lại vấn đề khi viết về tiểu sử của Bồ Tát Quảng Đức. Ngoài ra di cảo bằng chữ Nôm, tôi đã tìm thấy hai bản di chúc chưa bao giờ được công bố, và trên mười tư liệu có niên đại từ năm 1958 đến năm 1963 liên quan đến hoạt động Phật sự của Ngài. Qua các tư liệu quý hiếm này đã soi sáng cho tôi hơn khi nghiên cứu con người, hành hoạt, và hạnh nguyện vị pháp thiêu thân của Ngài.
|
Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân |
* Sau khi đề tài này được nghiên cứu thành công thì sẽ được sử dụng như thế nào về công tác giảng dạy, đóng góp gì cho lịch sử và khoa học xã hội..., thưa GS ?
- Vấn đề trước mắt là tôi sẽ viết một vài bài nghiên cứu ngắn dạng tiểu luận về cuộc đời của Ngài cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Đương nhiên công trình nghiên cứu của tôi trong vấn đề dài hạn sẽ là một tập sách nghiên cứu về con người, sự tự thiêu và ý nghĩa của nó. Khi nói về Ngài Quảng Đức, chúng ta phải đặt Ngài vào bối cảnh lịch sử, do vậy chúng ta không thể tách Ngài ra khỏi hai vấn đề: đó là bối cảnh lịch sử năm 1963 và cái nôi của Phật Giáo Việt Nam, đặc biệt là dòng thiền Chúc Thánh đã sản sinh ra một bậc vĩ nhân của thời đại. Hi vọng, công trình của tôi sẽ giúp cho họ có cơ hội để tiếp cận một nhân vật của Phật giáo Việt Nam đã tạo tiếng vang lớn nơi lương tâm con người hồi thập niên 60 của thế kỷ trước!
Một vấn đề khác nữa đáng quan tâm là tôi hy vọng các nhà lãnh đạo Phật giáo, các vị Phật tử thiện tâm có tài có của nên xây dựng một Viện Bảo Tàng, hoặc một nhà lưu niệm để tập trung, lưu giữ và trưng bày các di bút, các hiện vật của Ngài Quảng Đức để lại. Qua công trình nghiên cứu điền dã, tôi biết Ngài Quảng Đức đã để lại rất nhiều hiện vật. Tôi cũng mong sao, hai năm nữa, tức là năm 2013, các vị lãnh đạo Phật giáo nên có một cuộc triền lãm và tổ chức một tuần lễ hội thảo văn hóa và sự đóng góp của HT.Quảng Đức nhân kỷ niệm 50 năm ngày Ngài tự thiêu vì Đạo pháp.
* Vâng, xin cảm ơn ông. Chúc cho ông hoàn thành tốt công trình ý nghĩa này nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu.
* Thưa GS, để được duyệt tài trợ cho đề tài nghiên cứu từ Hội đồng Hiệp hội Học thuật Hoa Kỳ có khó không? Và trong quá trình nghiên cứu đề tài này, đi thực tế nhiều như thế ông có gặp khó khăn?
- Ở Mỹ, một giáo sư đại học và vào ngạch đi dạy nhiều năm thì được nghĩ nửa năm (được lãnh lương), hoặc có thời gian 1 năm (lãnh ½ lương) để nghiên cứu khoa học. Trường đại học tôi dạy thì 6 năm được nghĩ một lần. Trong năm nay, tôi được nghỉ và xin được tài trợ của American Council of Learned Societies để ở nhà nghiên cứu, và muốn bổ túc thêm tư liệu cho cuốn sách nên tôi đã quyết định về Việt Nam tiếp tục kiếm thêm tư liệu về Bồ tát Thích Quảng Đức, người mà mình đã biết, có tìm hiểu trước đó, và đặc biệt kính nể. Việc được duyệt đề tài và trở thành 1 trong 57 người được chọn từ trên 1.000 công trình của các giáo sư khác là một vinh hạnh cho tôi, cho khoa và cho nhà trường.
Lưu Đình Long thực hiện
(Giác Ngộ)