Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Diễn văn tưởng niệm BT Quảng Đức thiêu thân kỳ 48 (2011)

10/04/201317:14(Xem: 3744)
Diễn văn tưởng niệm BT Quảng Đức thiêu thân kỳ 48 (2011)

bo tat quang duc


Diễn văn tưởng niệm
Bồ Tát Quảng Đứcthiêu thân kỳ 48 (2011)

Hòa thượng Thích Toàn Châu

( Bài Diễn Văn nầy, sau khi Đại Lễ xong,
về lại Pháp Hạnh Tùng Lâm, Tôi bổ túc thêm các chú thích và các đoạn, đánh bằng chữ nghiêng. Tác giả: Thích Toàn Châu).


Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam mô Tây Thiên, Đông Độ, Việt Nam Truyền giáo, Khai sơn, Phiên dịch, Trước tác, Sớ giải Tam Tạng Thánh điển, lịch đại Tổ Sư, Giác linh chư Đại lãoHòa Thượng.

Thành kính đãnh lễ Tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức.

Thành kính đãnh lễ Tưởng niệm Giác linh Chư tôn Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni vị Pháp thiêu thân trong Pháp nạn 1963.

Thành kính chào mừng Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa các cấp Giáo Hội Trung ương, Thành phố, và Quận Phú Nhuận, cùng tất cả Chư Tôn Đức Tăng Ni khắp mọi miền đất nước về dự lễ hôm nay.

Xin chào mừng các cấp Chính Quyền Thành Phố, Quận Phú Nhuận và Phường 5 sở tại, đồng hoan hỷ đến dự lễ Tưởng niệm nầy.

Xin chào mừng sự hiện diện của các Tôn Giáo bạn ở Phường 5, Quận Phú Nhuận.

Xin chào mừng các giới Phật tử Trí thức hộ Pháp, các Nhân vân Nghệ sĩ cùng toàn thể các giới Phật tử gần xa cùng về dự lễ hôm nay.

Kính bạch Chư Tôn Đức,

Thưa toàn thể Quý vị,

Sau Pháp nạn 1963, lễ Tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức, gắn liền với Đại lễ Phật Đản.

Ngày nay, Lễ Tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức đã diễn ra khắp nhiều nước với nhiều Chùa chiền, Tu viện trên thế giới, những nơi mà có sự sinh hoạt hoằng Pháp và Tu tập của Tăng Ni Phật tử Việt Nam, như tại Úc Châu, Mỹ Châu, Âu Châu, v.v..

Tại Việt Nam, cũng đã được tổ chức làm lễ Tưởng niệm ở nhiều Chùa chiền, nhiều trụ sở Giáo Hội, nhưng Trang nghiêm Trọng thể và Ý nghĩa nhất, vẫn là tại Tổ Đình Quán Thế Âm đây. Vì đây là nơi Tu hành và Hoằng Pháp trong những năm cuối cuộc đời Bồ Tát Thích Quảng Đức, và đây là nơi trong thời Pháp nạn 1963, Bồ Tát Thích Quảng Đức đã qua nhiều ngày đêm liên tục trì tụng Kinh Chú cầu nguyện, tư duy tìm cách cứu nguy Phật Giáo dưới sự đàn áp khóc liệt, quyết triệt hạ Đạo Phật tại Miền Nam Việt Nam của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Gia Đình trị của Ông Ta nắm mọi quyền hành, đưa ra sắc lệnh triệt hạ Phật Giáo. Lửa Từ Bi cũng được Ngài quán niệm sơ khởi từ đây.

Thưa toàn thể Quý vị, và xin phép Chư Tôn Đức.

Là đệ tử Đức Phật, Chúng tôi thấy đúng Chánh kiến rằng: Từ khởi thủy, Đạo Phật chẳng hề báo thù ai, vì Đạo Phật lấy Từ Bi và Trí Tuệ làm lẽ sống, làm lý tưởng độ sanh. Nhưng thưa Quý vị, cũng chính vì tinh thần, lý tưởng và hạnh nguyện độ sánh đó, mà người đệ tử Phật luôn luôn cần nói lên Chân lý của lẽ sống, và luôn luôn biểu hiện giá trị và Chân lý tối thượng của lẽ sống. Đó là điều mà các nhà độc tài bạo quyền từ ngàn xưa chẳng ai thấy rõ. Vì không thấy đâu là giá trị đích thực của lý tưởng sống, mà trần gian nầy trở nên đảo điên và cuồng loạn. Nhưng đảo điên cuồng loạn không thể hại được những bậc Thánh Trí đã vượt thoát khỏi lưới vô minh phiền não ác nghiệp. (Sự tự thiêu của Ngài Thích Quảng Đức là một Đại Nguyện, chứ không phải là nghiệp lực).

Ai có ngờ rằng, chính sự nổi bật của Đạo Phật tại Miền Nam Việt Nam thời bấy giờ, chính sự tráng lệ huy hoàng của mùa Phật Đản, sau khi Đạo Phật tại Miền Nam Việt Nam đã được sống dậy, và sống dậy rất huy hoàng tốt đẹp; Niềm tin của đại đa số người dân Việt đều hướng về những nhà Tu hành Tài đức thời bấy giờ; Người người như một, nhà nhà như một, nô nức chuẩn bị cúng dường ngày Đại Lễ Phật Đản, nhất là tại Cố đô Huế quá rực rỡ, là cái gai của nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một trong những nhà cầm quyền không tin Phật Pháp, không hiểu Phật Pháp, trên một đất nước mà có tới hơn 80% dân số là Đạo Phật và ái mộ Đạo Phật. Và do đó, ai có ngờ rằng, nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm, chẳng thể nào nhẫn chịu được những sự kiện quá nổi bật, quá tốt đẹp, quá đoàn kết, quá tôn sùng Đạo Phật của hầu hết người dân Việt, nhất là người dân xứ Huế. Và Đại Lễ Phật Đản được tổ chức thật huy hoàng trang nghiêm tráng lệ, lúc tờ mờ sáng rằm Phật Đản, hàng chục ngàn Tăng Tín Phật giáo trong hàng trăm Chùa Khuôn hội cả tỉnh Thừa Thiên, Thành Phố Huế, còn có một số ở Quảng Trị vô trước, đã có mặt rầm rộ đầy nghẹt những con đường từ mọi phía dồn về Chùa Diệu Đế, để được ráp vào đoàn Cung nghinh Phật từ Chùa Diệu Đế lên Chùa Từ Đàm làm lễ Phật Đản. Ai nấy trong từng đoàn người chuẩn bị Cung nghinh Phật, đều lắng nghe chỉ thị của Quý Ngài lãnh đạo Phật giáo tại Cố đô Huế, qua những loa phóng thanh,dưới sự điều hành của Ban Tổ chức. Đoàn Cung nghinh rước Phật quá Trang nghiêm. Người người đầy tin tưởng, vui mừng sung sướng trong những mùa Phật Đản như vậy. Và sự kiện ấy đã thành thông lệ; Đây còn là biểu hiện khí thế truyền thống của Phật giáo Việt Nam, trên lịch sử Dân tộc Việt Nam; Đồng thời xác định tinh thần tối thượng của một Tôn giáo mà Dân tộc Việt Nam đã quy ngưỡng và thừa ân, trước một Chế độ muốn loại trừ Tôn giáo vàng son của Dân tộc, kể từ thời Pháp thuộc.

Tại thành Phố Huế thời bấy giờ( từ 1963 với những năm trước đó), không một ngọ môn nào, không một nhà nào mà chẳng lo trang hoàng rực rỡ để cúng dường Đại Lễ Phật Đản cho thật xứng đáng và đúng nghĩa nhất đối với một Đấng Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi giáng trần cứu độ chúng sanh, mà chính bản thân họ, gia đình họ và cả vạn loại chúng sanh đã được thừa ân(chưa kể xe Hoa, Lễ Đài ở các Chùa chiền, các Công viên,v.v, 14 và 15 âm lịch, cả dòng sông Hương cũng rực sáng Hoa Đăng, do các Chùa thuê ghe phóng đăng cúng dường). Mùa Phật Đản về, bên tai họ lại luôn nghe: “ ….Một Hoa Ưu Đàm nở, một ánh sáng lạ chói ngời!...”

Nhà cầm quyền không chấp nhận, không thể nhẫn chịu được, khi thấy sự huy hoàng nổi bật của Phật Giáo vượt xa sự huy hoàng của Chế độ, ở trên sự huy hoàng bằng quyền hành thế lực, danh vị với bao khổ công của họ, mà phải đàn áp, dẹp bỏ.

Tôn sùng Đế Vương, củng cố Đế Vương, làm đẹp cho Đế Vương, là có điều kiện,có ân sủng, với bao chỉ thị đốc thúc mà vẫn bất như ý. Tại sao Mùa Phật Đản không cần điều động, không cần hứa hẹn tưởng thưởng, mà lại nổi bật huy hoàng đến thế nhỉ?

Nhà sư, các bậc Tu hành lãnh đạo Phật Giáo truyền thống thời bấy giờ, không cần ca ngợi cá nhân, không cần giới thiệu tôn sùng chức vị. Chỉ biểu hiện sự điềm đạm, an bần thủ đạo, với ý thức bảo vệ Đạo Pháp, bảo vệ tinh thần Dân tộc, mà sao người dân Việt Nam, nhất là người dân sứ Huế lại tôn sùng Đạo Phật, với các bậc thầy của họ đến thế?

Vậy là, các bậc Thầy đó của họ có khả năng lật đổ Chế độ, thay thế Chế độ, bôi nhọ Chế độ, làm mất uy quyền của Ta, của Chế độ Ta. Đó là những nỗi lo âu thao thức của nhà cầm quyền.(Và sự thật đã xẩy ra đúng như thế, càng đàn áp thì Gia đình trị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm càng bị miệt thị thậm tệ!).

Vì vậy mà Phật Giáo trở thành cái gai trước thế lực của những nhà cầm quyền không quý trọng đạo đức. Và cũng vì vậy, mà người hành Đạo Phật luôn bị trắc trở, luôn gặp chướng duyên, chẳng những trên phương diện Hoằng Pháp lợi sanh, mà ngay cả trên phương diện Tự Tu Giải Thoát, tại những quốc gia mà nhà cầm quyền độc tài độc đoán ngự trị.

Thưa quý liệt vị, Nếu thế gian nầy là thuần lương sáng suốt và đầy Từ Bi, Bác Ái, hay là Thiên Đường thì, chắc chắn không thể hình thành một nhà cầm quyền độc tài tà kiến xấu ác.

Thế gian nầy đầy mê vọng xấu ác, là cái ổ Ba độc: THAM SÂN SI, là kết tụ củaKhổ Đế và Tập Đế. Vì vậy mà luôn luôn cần có mặt những vị Phát Bồ Đề Tâm, Tu Bồ Tát Hạnh cứu độ chúng sanh, cần có mặt Đạo Phật để soi sáng và chuyển hóa chúng sanh thế gian; Cần có những nhà cầm quyền Nhân từ Đạo đức và sáng suốt, Tin Nhân quả Phật Trời, để san lấp bớt những hố bất bình giữa xã hội, do chính những chúng sanh mê vọng xấu ác gây ra, và chính những nhà cầm quyền không tu Phước Đức, không sợ tội báo gây nên!

Chỉ có Đạo Phật, chỉ có Chánh Pháp của Đức Phật với những bậc Chân Tu tiếp nối Chuyển hóa Khai thị đúng cơ cảm, thì những phiền não ác nghiệp của chúng sanh mới có cơ giảm bớt, và mới có những lớp người tiếp tục Tu tập đoạn trừ, cho Nhân hạnh tốt lành luôn được sanh trưởng ở tại thế gian.

Cho nên đàn áp Phật Giáo, là hủy phá nền tảng Đạo Đức của con người và cả xã hội, là chà đạp giá trị Tinh thần Linh tri, Giác tánh và lẽ sống hướng thượng của con người.

Cũng theo lẽ đó, Bảo vệ Phật Pháp là bảo vệ những giá trị thiêng liêng, bảo vệ lý tưởng cao quý, bảo vệ nhân hạnh tốt lành, và bảo vệ ánh sáng cho sự hướng thượng của cả loài người.

Với kẻ mê thì, con người chỉ là con người, với bao mong cầu hạnh phúc, thỏa mãn hưởng thụ, ái ân buộc ràng, tranh danh đoạt lợi, oán thù đối địch, lẫn quẫn trần gian, chung quy khổ lụy, chẳng thấy lối thoát.

Với bậc Thánh Trí thì, con người không chỉ là con người, con người còn có khả năng siêu việt con người, vượt khỏi bản năng tập tánh tham mê đắm nhiễm của con người; Con người còn có khả năng vượt ngoài phạm trù định kiến của con người. Con người còn có vô vàn khả năng: Khả năng Tự Ngộ Tự Chứng, Tự Giác Giác Tha; Khả năng gột bỏ tham sân si ái; Khả năng thắng vượt mọi ác duyên ác chướng; Khả năng thoát khỏi thế giới khổ đau; khả năng siêu phàm nhập Thánh; Khả năng thành Vô Thượng Trí, an nhiên tự tại; Khả năng bất sanh bất diệt ngay giữa dòng sanh diệt; Khả năng thấy: Một trong tất cả, tất cả trong một. v.v…

Cho nên mọi sự thành tựu của bậc Thánh Trí, tâm niệm kẻ phàm tục chẳng thể nào hiểu nổi. Thế thì, những gì ngoài khả năng thấy biết của giác quan phàm tình, chớ cho là không thật có.

Luận Đại Trí Độ, Đức Tổ Sư Bồ Tát Long Thọ dạy: “Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn” (cảnh giới Trang nghiêm thành tựu Vi diệu của Chư Phật ) là thật có, nhưng với tri kiến ở thế giới chúng sanh chẳng hề hay biết, nên khi nghe nói đến, có những chúng sanh cho đó là điều không thật có; Trái lại, thế giới chúng sanh chẳng thật có, nhưng do tập tánh nghiệp thức mê vọng mà thành có thật.” Tức chúng sanh ở trong cảnh giới mê vọng, chỉ biết những cái thật có của Tâm thức mê vọng biến kế (Có thứ do y cứ vào Thế Giới Tất Đàn cho nên có thật). Không có khả năng thấy biết Cảnh giới Trang nghiêm thành tựu Vi diệu của Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn. Đây là một trong những nguyên nhân chính mà Kinh Luận nhà Phật gọi là: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.

Trong đời sống hàng ngày, Tri kiến của Bồ Tát Thích Quảng Đức đã Quán triệt lý nầy. Tri kiến trực ngộ Chân lý Phật Đà, Ngài đã ngộ nhập Nhất Chơn Pháp Giới, không còn có Tướng Ta, Tướng Người, Tướng Chúng sanh, Tướng Thọ giả, cho nên Ngài nhập Đại Định dễ dàng. Nếu Ngài không đạt Định và không nhập Đại Định được thì trái tim của Ngài đã bị cháy tiêu theo thân thể rồi. (Điều mà chúng ta không biết chắc là, lúc đó Ngài đã nhập Định nào? – Chắc chắn không phải là Vô Tưởng Định, có thể là Diệt Tận Định, hay là Ngài có khả năng Nhập Đại Định?). Trái tim của Ngài sở dĩ đốt thiêu không cháy, là do Nguyện lực của Ngài đã tụ kết vào trái tim hết sức kiên cố và ngay lúc đó Ngài nhập Đại Định liền.

Nhờ trong đời sống tu hành, Ngài đã thoát ly Bốn Tướng, theo tinh thần Kinh Kim Cang Bát Nhã. Từ đó mà Ngài Chứng nhập Đại Định (rủ bỏ bốn tướng mới có khả năng nhập Đại Định). Ở trong Đại Định mà tự đốt thiêu thân thể mình, bấy giờ không còn bị bốn tướng: Ngã, Nhơn, Chúng sanh, Thọ giả chi phối và đánh mất Chánh niệm.

Giả sử, khi sắp tự thiêu, chỉ cần Ngài khởi một niệm thấy có Ngã có Nhơn, có thân có thù (cả bốn tướng trổi dậy liền) là Ngài đánh mất Định lực ngay , tức thản nhiên tự tại cũng bị mất ngay.

Ở trong Đại Định, Ngài an nhiên thanh tịnh tuyệt đối.

Để thật sự Tự độ Độ tha, Tự giác Giác tha, báo ân Phật Pháp Tăng Bảo, Báo ân Bồ Tát Thích Quảng Đức, Chư Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni vị Pháp thiêu thân trong 1963. Chúng ta phải Phụng sự Phật Pháp lợi lạc chúng sanh theo Tinh thần Giáo lý của Đức Bổ Sư Thích Ca Mâu Ni, Chúng ta phải thật Tu và Tu hơn nữa, không phải chỉ để tự cứu mình ra khỏi sông mê bể khổ, mà Chúng ta phải Tu đạt Giác Ngộ Giải Thoát. Từ đó mà thành tựu Bồ Đề Từ Bi Tâm để chuyển hóa mê tình, chuyển hóa chúng sanh thế gian, chuyển hóa xã hội suy tàn Đạo Đức tự phá hại, tự hủy diệt nhau.

Nếu Chúng ta đam mê thế gian, đam mê danh vọng, không Phụng sự trong Tinh thần Vô Ngã Vị Tha, không đủ khả năng Giác Ngộ Giải Thoát ngay trong hiện tại, không sống với Đức của Tâm, thiếu chất liệu của Bồ Đề Tâm, thiếu Trí Giác và thiếu Hạnh Nguyện thì không có khả năng chuyển hóa tha nhân về với Chánh Đạo. Hiệu năng của chuyển hóa không phải ở công thức, mà ở Tuệ Giác, ở Bồ Đề Tâm, ở Phương Tiện Tríquán cơ khai thị, với Từ Bi Cam lộ của Phật Bồ Tát thấm đượm trong ta.

Hạnh Nguyện vì Pháp thiêu thân của Bồ Tát Thích Quảng Đức, người học Phật thấu đáo, thấy rõ Diệu năng của Bồ Đề Tâm, thấu rõ những Công hạnh của Bồ Tát Đạo, không thấy như hạng người mê, mà thấy suốt thông và trọn vẹn của Trí giác, của Tận Trí (Trí biết mình đã đoạn tận phiền não), Vô Sanh Trí (Trí biết mình không còn sanh trở lại trong sanh tử luân hồi nữa).

Hạng người mê chỉ thấy đó là một nhà Sư, một vị Hòa Thượng tự thiêu để phản đối một chế độ đàn áp Phật Giáo. Nhưng họ không hiểu được: Bởi những nhân tố nào mà nhà Sư, Ngài Hòa Thượng ấy, có được tư thái an nhiên tự tại, tự tay quẹt lửa diêm đốt thân mình, gương mặt vẫn đầy niềm an lạc. Do nhân tố nào mà Ngài an nhiên bất động khi lửa phủ cháy toàn thân Ngài; và, do nhân tố nào mà trái tim của Ngài còn nguyên, khi đã dùng đã dùng tới hỏa đại cực mạnh để thiêu lại lần thứ hai.

Họ đâu hiểu rằng: Hành đúng Phật đạo đã qua vô số kiếp, sống đúng Phật Đạo trải qua vô lượng kiếp, và đã Ngộ chứng Phật đạo, Định Huệ đã ngang bằng nhau, đã thành tựu Định Cộng Giới và Đạo Cộng Giới, đã có Thân lực Bồ Tát, đã đủ nhân tố để tới một thời điểm nào đó thành tựu: “Kim Cang Bất Hoại Thân”; Thì, trái tim thiêu đốt không cháy, với Nguyện lực như vậy, không phải là điều lạ đối với các bậc đạt ngộ tu chứng, hay đã thông đạt lời Phật, ý Tổ.

Đây là thuộc “Cảnh Giới Thánh Trí Tự Chứng” mà Đức Phật đã dạy trong Kinh Lăng Già Tâm Ấn.

Nếu là phàm phu mê nhiễm, sống bằng giác quan thế tục và xử dụng giác quan thế tục, thì trước hết phải bằng Pháp Phật mà tẩy trừ những nghiệp thức mê vọng đã hình thành từ vô thỉ kiếp đó đã, tức phải thật sự Tu học Phật cho tới bao giờ Tâm Thanh Tịnh và thành tựu Trí Huệ Thanh Tịnh. Tâm Thanh Tịnh và Huệ Thanh Tịnh đó luôn tùy hành với nhịp sống của chính Hành giả, bấy giờ Hành giả mới thực sự đủ khả năng Đối Pháp, mà không thấy cái Ta Đối Pháp(Bởi Tuệ Giác đã DUNG HÓA hết thảy). Nếu còn thấy có ngã thật, có pháp thật, thì chưa gọi là có Huệ Thanh Tịnh, tức là chưa thật sự có Huệ Nhãn, chưa thành tựu Huệ Nhãn để có thể an nhiên tự tại trước mọi xúc cảnh đối duyên. Nhất là với cái duyên lửa cháy thiêu đốt thân mình mà an nhiên tự tại, mà thấy bằng KHÔNG, như Bồ Tát Thích Quảng Đức, như Đại Đức Thích Nguyên Hương,v.v. Trong thời điểm Pháp nạn 1963 đó. Ngày nay những hình ảnh đó còn lưu lại rõ ràng. Đấy là pháp cúng dường khó nhất trên hết thảy các pháp cúng dường để bảo tồn Đạo Pháp. Như vậy Bồ Tát Thích Quảng Đức là Bồ Tát Thánh địa, chứ không phải Bồ Tát còn ở bậc Tam Hiền (Thập Trú, Thập Hanh, Thập Hồi Hướng).

Còn nếu là chúng sanh, thì khi đã phát nguyện quyết chí thật tu thật học, đã dùng Pháp Phật mà tẩy trừ những nghiệp thức mê vọng của mình rồi, còn phải qua Ba Vô Số kiếp Tu tập, bước từng bước vững chắc trên Chánh Đạo đúng nghĩa đã, và được Chư Phật Bồ Tát hộ trì đã, Thiện căn thành tựu đã, sau đó mới mong tiến nhập Cảnh Giới Bất Tư Nghị của Thánh Trí Tự Chứng.

Nhục thân của Đức Bồ Đề Đạt Ma Tổ Sư đã được tôn phụng ở trong tháp xây kỹ, mà tự ra lúc nào, ra đàng nào chẳng một ai hay! Đó là Đức Tổ Sư biểu hiện Cảnh Giới Bất Tư Nghị của Thánh Trí Tự Chứng, nhằm đánh thức phàm tình, đánh thức các hàng Vua Quan đã đủ Tín tâm hộ Pháp và tận lực cúng dường Tam Bảo tiến xa hơn lên, đánh thức chúng sanh mê chấp ở thế giới hư huyễn nầy.

Bồ Tát Thích Ca (tiền thân của Phật Thích Ca), sau Ba Vô Số Kiếp Tu hành, tiếp một trăm Đại Kiếp gieo trồng nhân duyên để hoàn thành 32 Tướng tốt. Tới Đại Kiếp thứ 91, được Đức Phật Phất Sa tạo duyên cho Bồ Tát Thích Ca mau thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đương lúc Bồ Tát Thích Ca làm vị Tiên nhơn hái thuốc trên núi tuyết, Đức Phật Phất Sa vào trong hang Báu nhập Hỏa Quang Định, phóng đại quang minh rực rỡ, cho Bồ Tát Thích Ca thấy Thân tướng Trang nghiêm rực rỡ Vi diệu Bất Tư nghị của Ngài. Vừa nhìn thấy, Bồ Tát Thích Ca quá vui mừng sung sướng, đang cất bước, chưa đặt chân xuống, đang đứng một chân, chấp tay chiêm ngưỡng, mà nhập Đại Định, mắt cũng chẳng động lay, suốt bảy ngày bảy đêm như thế, chỉ dùng một bài kệ tán thán Đức Phật Phất Sa. Đó là bài kệ mà hết thảy Tăng Ni Phật tử đều thuộc:

“Thiên thượng thiên hạ vô như Phật,

Thập phương thế giới diệc vô tỷ,

Thế giang sở hữu ngã tận kiến,

Nhất thiết vô hữu như Phật giả”.

Nhờ đó, Bồ Tát Thích Ca Văn liền thành tựu Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở thời kiếp quá khứ, trước Đức Bồ Tát Di Lặc.

Những cảnh giới của Chư Phật Bồ Tát như thế, làm sao chúng sanh tà kiến thiếu Thiện căn nhân duyên Phước Đức tin được; Phàm tình mê vọng, làm sao hiểu được Cảnh Giới Thánh Trí Tự Chứng đó được?

Trái tim của Bồ Tát Thích Quảng Đức thiêu đốt không cháy trước sự chứng kiến của bao phóng viên báo chí trong ngoài nước, cùng hàng ngàn hàng vạn Tăng Ni Phật tử, đủ các giới Nhân sĩ Trí thức ở thời bấy giờ, cũng là thời điểm của văn minh khoa học đã chinh phục nhân loại. Chính phủ Hoa Kỳ lúc đó đâu mặc nhiên được, liền phái các Nhà Khoa học qua Sài Gòn kiểm chứng kỹ lại, và đã xác định sự thật ấy. Họ hết sức ngạc nhiên kính phục trước hiện tượng quá huyền diệu đó!

48 năm qua, ngày nay có những người không tin sự thật ấy. Đó là quyền của họ. Nhưng nhớ rằng, không vì những quan niệm của chúng sanh mê vọng mà sự thật mất đi sự thật. Mê với Giác, Thánh với Phàm là hai cảnh giới khác biệt nhau. Chúng sanh mê muội, chưa có Thiện căn, chưa đủ Chánh Kiến Chánh Tín, theo Kinh Phật dạy: “Chẳng khác chi kẻ mù từ bụng Mẹ, không có khả năng thấy Vũ trụ vạn vật “. Vả lại, giữa thế giới chúng sanh mê vọng khổ đau, luôn có Phật Bồ Tát ứng thân cứu độ. Huống là những lúc mà Phật Giáo gặp nguy nan đại nạn, Tâm lực, Trí lực, Đạo lực, Từ Bi Hạnh Nguyện lực của hàng vạn hàng triệu người con Phật trong nước, ngoài nước nhất tâm cầu nguyện, mà không có Chư Phật Bồ Tát, Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp, Thiện Thần ứng hiện để trừ dẹp tà ác, ủng hộ các hàng Thiện Chánh sao?.

Một sự kiện chấn động trời đất vũ trụ như vậy, mà không có Diệu Dụng Bất Tư Nghị của Phật Pháp biểu hiện sao?

Trái tim bất diệt là một biểu hiện trong hàng vạn hàng triệu sự biểu hiện Bất Khả Tư Nghị của Thánh Trí Tự Chứng, mà trong Kinh Pháp nhà Phật đã dẫn chứng rất đầy đủ, trong vô vàn điển tích, những sử liệu nói về Đạo Phật suốt Đông Tây kim cổ.

Diễn Văn tuy đã dài, nhưng đâu dễ hết ý, khi nhớ lại thời gian pháp nạn 1963 đó!.

Kính Bạch Chư Tôn Đức,thưa toàn thể Quý vị, thay mặt Ban Tổ Chức, Chúng tôi xin Tri niệm Ân đức của Quý Ngài, và niệm tình Đạo vị của toàn thể Quý liệt vị.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

(Hòa thượng Thích Toàn Châu, Trưởng Ban Tổ chức viết và đọc trong Đại lễ Tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức lần thứ 48, tại Tổ đình Quan Thế Âm, 90 đường Thích Quảng Đức, Phú Nhuận).

Như Lai ứng thế: 2635 – Tây lịch: 2011.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 3840)
Hòa thượng Thích Toàn Châu trưởng ban tổ chức viết và đọc trong Đại lễ Tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức, lần thứ 47 tại Tổ đình Quan Thế Âm, Phú Nhuận, TP.HCM
10/04/2013(Xem: 3591)
Nam Mô Đức Phật Di Đà Vì lời đại nguyện độ mà chúng sanh Hôm nay đệ tử chí thành Cầu ngày cứu vớt chúng sanh Ta Bà Cũng vì giữ đạo Thích Ca Bảo tồn Đạo pháp lập ra nguyện này. Kính lạy Thầy Giác linh Quảng Đức Đến ngày nay nguyện lực đã tròn Để lời tâm huyết chúng con
10/04/2013(Xem: 5397)
33 năm trước, ngày 11-6-1963, Bồ tát Thích Quảng Đức đã tự thiêu, phản đối sự kỳ thị và đàn áp tôn giáo của Chính phủ Ngô Đình Diệm. Hình ảnh sáng ngời bất khuất đó đã được kịp ghi lại qua ống kính của một nhà nhiếp ảnh Việt Nam nổi tiếng, nhắc nhở một thời kỳ lịch sử của phong trào Tăng Ni Phật tử đấu tranh chống lại chế độ này.
10/04/2013(Xem: 4072)
Hòa thượng Thích Quảng Đức, tên tục là Lâm Văn Tức (1897 - 11 tháng 6 năm 1963) là một hòa thượng phái Đại thừa đã tẩm xăng tự thiêu tại một ngã tư đông đúc ở Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963. Hành động tự sát này của Thích Quảng Đức nhằm phản đối sự đàn áp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.
10/04/2013(Xem: 5452)
Sáng ngày 11 tháng 6 năm 1963 (nhằm ngày 20 tháng Tư năm Quý Mão), Hòa-Thượng Thích Quảng Đức đã tự-thiêu tại ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (trước trụ-sở Tòa Đại-Sứ Cambodge), Saigon.
10/04/2013(Xem: 4645)
Với mục đích nêu gương Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi của Phật giáo Việt Nam mà Hòa thượng Thích Quảng Đức đã quên mình vì đạo, vì dân, đồng thời ghi lại tất cả sự thật về vụ tự thiêu này để các Phật tử chúng ta, ở trong và ngoài nước, hiện tại và tương lai phải nghĩ gì, và làm gì cụ thể trên tiến trình hoằng pháp, lợi sinh và góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới chung của Dân tộc và Đạo Pháp.
10/04/2013(Xem: 4111)
Bài thơ này do ông Trần Trí Trung (Email: tritrung@saigonnet.vn) hiện đang sống tại Sài Gòn, gởi tặng cho trang nhà Quảng Đức . Ông cho biết đã nhận được bài thơ này trong tay của một vị Thầy trong khi chạy tránh khói cay tại cuộc tự thiêu của Bồ Tát Quảng Đức vào trưa ngày 20 tháng tư nhuần, năm Quý Mão ( 11-06-1963) tại ngả tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Sài Gòn.
10/04/2013(Xem: 3671)
Sách vở, báo chí, dân chúng ở miền Nam trước đây gọi chế độ ông Diệm là độc tài, hoặc độc tài gia đình trị. Dictature, despotisme, tyrannie, autocratie, despotisme oriental ... tất cả những khái niệm chính trị đó của phương Tây đều có thể áp dụng được - và đã áp dụng - cho chế độ Ngô Đình Diệm. Tôi dùng chữ "toàn trị" ở đây trước hết là để nhấn mạnh một trong hai tiêu chuẩn chính mà Hannah Arendt đã dùng để định nghĩa khái niệm totalitarisme : ý thức hệ.
10/04/2013(Xem: 3425)
Đó là lá cờ Phật giáo quốc tế, đồng thời Phật giáo VN cũng dùng làm lá cờ cho Phật giáo nước mình. Tầm vóc và ý nghĩa tự thân lá cờ to lớn như thế nhưng tại sao có người lại cho đó chỉ là miếng vải ba xu ?
10/04/2013(Xem: 3201)
Sáng nay 28-5-2013 (19-4-Quý Tỵ), tại chùa Long Sơn, TP. Nha Trang đã diễn ra lễ khai mạc chính thức Đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567