Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đường về xứ Phật (Tác giả: Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi và Pàsadika)

09/04/201318:50(Xem: 8419)
Đường về xứ Phật (Tác giả: Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi và Pàsadika)
Duong ve xu phat-2


Đường về xứ Phật

Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi và Pàsadika

---o0o---




Lời Giới Thiệu



Năm 1961, hai Thầy Huyền Vi và Thiện Châu đến Nalanda, và năm 1962 chúng tôi cùng nhau tổ chức đi chiêm bái các Phật tích Ấn Độ.

Chúng tôi đi với hai mục đích chính: Thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam chiêm bái các Phật tích và viết một quyển ký sự để giới thiệu các Phật tích cho Phật Tử Việt Nam được biết.


Đi đến Phật tích quan trọng nào, chúng tôi cũng thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam đảnh lễ cúng dường và cầu chúc Phật gia hộ cho Phật tử Việt Nam và dân chúng Việt Nam sớm được thanh bình an lạc. Đi đến đâu, chúng tôi cũng giới thiệu Phật tử Việt Nam, Phật giáo Việt Nam bằng những cuộc nói chuyện, diễn giảng và tặng ảnh các ngôi chùa chính Việt Nam như Thiên Mụ, Xá Lợi, Ấn Quang v.v...


Quyển "Đường về xứ Phật" ra đời là để thực hiện mục đích thứ hai, giới thiệu các Phật tích cho Phật tử Việt Nam và dân chúng Việt Nam. Chúng tôi đã đi thăm các Phật tích sau đây: Vương-xá, với núi Linh Thứu, động Kỳ-xà-quật, Trúc-Lâm tịnh xá, Bồ đề đạo tràng chỗ Đức Phật đã thuyết pháp lần đầu tiên, Song lâm với pho tượng đức Phật nhập Niết Bàn khổng lồ, Lâm-Tỳ-ni ngôi vườn lịch sử đánh dấu nơi đức Phật đản sinh. Xá-vệ chỗ đức Phật ở lâu nhất và thuyết những kinh rất quan trọng, Sanchi với những tháp đồ sộ và cổ kính nhất, Ajanta, Ellora, những hang động Phật giáo có những bích họa được cả thế giới kính phục, động Elephanta và Kanheri, động sau này là động xưa nhất, chỗ tu hành thanh tịnh của chư Tăng. Từ Kanheri chúng tôi về lại Cực Phật học Nalanda nơi mà có thời hơn 10.000 tăng sĩ dự học, một Đại học đường Phật giáo đã đào tạo ra Ngài Huyền Trang người Trung Hoa, và Ngài Đại Thặng người Việt Nam. Chúng tôi cũng không quên nói đến Tân Phật học viện Nalanda chỗ chúng tôi ở, nghiên cứu và dạy đạo Phật.


Mỗi Phật tích nào, chúng tôi cũng tả tỉ mỉ các di tích quan trọng, ghi chép một vài nhận xét, cảm tưởng cá nhân, nhắc lại những tích truyện quan trọng nhất trong khi Phật tại thế, tìm hiểu lịch sử Thánh tích ấy và dịch những bài ký sự của hai Ngài Pháp Hiển và Huyền Trang, để mỗi chương tả mỗi Thánh tích được linh động hơn, chúng tôi cho in rất nhiều ảnh chụp tại chỗ, và những nhiếp ảnh viên cũng không ai xa lạ hơn là những tác giả của tập ký sự này. Và như vậy độc giả sẽ có cảm tưởng và cảm giác chính tự mình đích thân chiêm bái và viếng thăm các Phật tích ấy.


Cùng đi với chúng tôi có vị sư người Đức tên là Pàsadika, một vị sư có rất nhiều cảm tình với Phật tử Việt Nam và rất ưa thích nghe chúng tôi tụng kinh tiếng Việt Nam tại các Thánh tích. Vị này không những cùng với chúng tôi chia ngọt sẻ bùi trong cuộc chiêm bái có tính cách lịch sử này mà còn cộng tác với chúng tôi trong việc trước tác tập ký sự này nữa. Vì vậy đặc điểm của tập "Đường về xứ Phât" là một mục đích là để các Phật tử Phật và tai nghe mắt thấy những Phật tích lịch sử này.


Tiếp theo lời giới thiệu, chúng tôi xin mời toàn thể Phật tử Việt Nam và những người bạn của Phật tử Việt Nam cùng với chúng tôi đi chiêm bái các Phật tích.

Sài gòn, ngày 22-7-1964
Thích Minh Châu
Phó Viện trưởng.
Viện Cao Đẳng Phật học Sài gòn.


Lời Giới Thiệu

Năm 1961, hai Thầy Huyền Vi và Thiện Châu đến Nalanda, và năm 1962 chúng tôi cùng nhau tổ chức đi chiêm bái các Phật tích Ấn Độ.

Chúng tôi đi với hai mục đích chính: Thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam chiêm bái các Phật tích và viết một quyển ký sự để giới thiệu các Phật tích cho Phật Tử Việt Nam được biết.

Đi đến Phật tích quan trọng nào, chúng tôi cũng thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam đảnh lễ cúng dường và cầu chúc Phật gia hộ cho Phật tử Việt Nam và dân chúng Việt Nam sớm được thanh bình an lạc. Đi đến đâu, chúng tôi cũng giới thiệu Phật tử Việt Nam, Phật giáo Việt Nam bằng những cuộc nói chuyện, diễn giảng và tặng ảnh các ngôi chùa chính Việt Nam như Thiên Mụ, Xá Lợi, Ấn Quang v.v...

Quyển "Đường về xứ Phật" ra đời là để thực hiện mục đích thứ hai, giới thiệu các Phật tích cho Phật tử Việt Nam và dân chúng Việt Nam. Chúng tôi đã đi thăm các Phật tích sau đây: Vương-xá, với núi Linh Thứu, động Kỳ-xà-quật, Trúc-Lâm tịnh xá, Bồ đề đạo tràng chỗ Đức Phật đã thuyết pháp lần đầu tiên, Song lâm với pho tượng đức Phật nhập Niết Bàn khổng lồ, Lâm-Tỳ-ni ngôi vườn lịch sử đánh dấu nơi đức Phật đản sinh. Xá-vệ chỗ đức Phật ở lâu nhất và thuyết những kinh rất quan trọng, Sanchi với những tháp đồ sộ và cổ kính nhất, Ajanta, Ellora, những hang động Phật giáo có những bích họa được cả thế giới kính phục, động Elephanta và Kanheri, động sau này là động xưa nhất, chỗ tu hành thanh tịnh của chư Tăng. Từ Kanheri chúng tôi về lại Cực Phật học Nalanda nơi mà có thời hơn 10.000 tăng sĩ dự học, một Đại học đường Phật giáo đã đào tạo ra Ngài Huyền Trang người Trung Hoa, và Ngài Đại Thặng người Việt Nam. Chúng tôi cũng không quên nói đến Tân Phật học viện Nalanda chỗ chúng tôi ở, nghiên cứu và dạy đạo Phật.

Mỗi Phật tích nào, chúng tôi cũng tả tỉ mỉ các di tích quan trọng, ghi chép một vài nhận xét, cảm tưởng cá nhân, nhắc lại những tích truyện quan trọng nhất trong khi Phật tại thế, tìm hiểu lịch sử Thánh tích ấy và dịch những bài ký sự của hai Ngài Pháp Hiển và Huyền Trang, để mỗi chương tả mỗi Thánh tích được linh động hơn, chúng tôi cho in rất nhiều ảnh chụp tại chỗ, và những nhiếp ảnh viên cũng không ai xa lạ hơn là những tác giả của tập ký sự này. Và như vậy độc giả sẽ có cảm tưởng và cảm giác chính tự mình đích thân chiêm bái và viếng thăm các Phật tích ấy.

Cùng đi với chúng tôi có vị sư người Đức tên là Pàsadika, một vị sư có rất nhiều cảm tình với Phật tử Việt Nam và rất ưa thích nghe chúng tôi tụng kinh tiếng Việt Nam tại các Thánh tích. Vị này không những cùng với chúng tôi chia ngọt sẻ bùi trong cuộc chiêm bái có tính cách lịch sử này mà còn cộng tác với chúng tôi trong việc trước tác tập ký sự này nữa. Vì vậy đặc điểm của tập "Đường về xứ Phât" là một mục đích là để các Phật tử Phật và tai nghe mắt thấy những Phật tích lịch sử này.

Tiếp theo lời giới thiệu, chúng tôi xin mời toàn thể Phật tử Việt Nam và những người bạn của Phật tử Việt Nam cùng với chúng tôi đi chiêm bái các Phật tích.

Sài gòn, ngày 22-7-1964
Thích Minh Châu
Phó Viện trưởng.
Viện Cao Đẳng Phật học Sài gòn.

Vương Xá (Ragir)

"Vui đẹp thay thành Vương Xá!.
Vui đẹp thay núi Linh Thứu!
Vui đẹp thay vườn Trúc Lâm!
Vui đẹp thay động Saptaparni!"
Lời đẹp thay động Saptaparni!"
(Lời Đức Phật Thích Ca).

Ra đi

Sáng nay, ngày 11 tháng 10 năm 1962, chúng tôi thức dậy thật sớm sửa soạn hành lý cho cuộc chiêm bái mà chúng tôi đã lo liệu hơn một tháng trời.

Trận bão lớn vừa qua làm cho đường sá hư hỏng nhiều. Không có xe hỏa, xe hơi, nên chúng tôi phải dùng đến một phương tiện giao thông rất cổ kính: xe ngựa. Chiếc xe ngựa trên đó có thầy Minh Châu, thầy Thiện Châu và thầy Ghosananda người Cam Bốt, Thầy Pàsadika, người Đức, vì bận chút việc nên không thể cùng đi một lần: thầy sẽ gặp chúng tôi tại Buddhagaya. Khởi hành vào lúc 8 giờ. Lướt qua những cánh đồng xanh rộng, những xóm làng yên tĩnh, chúng tôi thấy như đang đi trên một con đường quê nào ơ đất nước. Tiếng cọc cạch đều đều của chiếc xe làm chúng tôi liên tưởng đến vó ngựa đi ra của Thái Tử Tất-đạt-đa, Rồi một niềm vui tràn ngập trong lòng vì chúng tôi thấy mình làm một công việc đầy ý nghĩa và hứng thú.

Tìm dấu người xưa

"Đây là ngã ba Silao", thầy Ghosananda vừa đưa tay chỉ vừa nói:

- Tên "Silao" lấy từ "Silabhadra" (Giới Hiền) tên của ngài Viện trưởng Đại học viện Nalandà cũ và cũng là thân giáo sư của ngài Huyền Trang. Xưa kia, đức Phật thường ghé lại đây để thuyết pháp cho dân chúng, trên đường đi thành Vương xá đến Nalandà. Lúc bấy giờ tại đây có một phái ngoại đạo. Ông thầy tên là Suppiya, vì thấy đức Phật được nhiều người cung kính cúng dường nên chê bai, phỉ báng. Trái lại, người học trò tên Brahmadatta thì ca ngợi, tán thán đức hạnh nghiêm tịnh của đức Phật. Khi nghe lời phỉ báng, một số thầy Tỳ-kheo đã buồn giận, và trái lại họ sung sướng khi được nghe những lời tán thánh đức Phật. Biết được việc ấy đức Phật bèn khuyên: "Này các Tỳ kheo! Nếu gặp người dùng cách này nọ phỉ báng, Như Lai, phỉ báng Chánh pháp và chư Tăng, các ông không nên vội sanh lòng oán giận hay có ác ý thì tự các ông đã gặp người dùng đủ cách khen ngợi Phật, Pháp và chúng Tăng, các ông cũng chớ vội lấy đó làm điều vui mừng, kiêu hãnh, vì nếu các ông sanh tâm vui mừng kiêu hãnh, thì tự các ông đã bị hãm hại rồi!". (Kinh Trường A-hàm, bản dịch của Thượng tọa Trí Đức).

Đã chín giờ hơn nhưng trời vẫn còn mát mẻ. Nước trời, cây, cỏ đượm một màu tươi đẹp êm dịu. Xa xa dãy núi Vương Xá ẩn mình sau màn sương bạc như chứng kiến sự hướng về của đoàn người tin tưởng. Dọc đường thỉnh thoảng chúng tôi phải xuống xe và giúp sức cho ngựa vượt qua những đoạn đường khó. Từ Nalandà đến Vương Xá chỉ có 13 cây số, nhưng chúng tôi phải mất hai tiếng đồng hồ mới đến được.

Lịch sử thành Vương Xá

Vương Xá (tiếng Ấn là Ràjagriha) là thành cổ nhất ở Ấn Độ. Theo tập Ràmàyana, thành này do vua Vasu lập ra và đặt tên là Vasumati. Đến đời đức Phật, được gọi là Vương xa, vì rất nhiều cung điện được xây dựng tại đây. Ràja nghĩa là Vương Griha nghĩa là Xá, gọi chung là Vương xá. Thành này nổi tiếng khắp Ấn Độ vì là kinh đô xứ Ma-kiệt-đà. Theo ngài Buddhaghosa (Phật Âm) thành này có đến 32 cửa chính và 64 cửa phụ. Sau khi Vua A-xà-thế (Ajatasatru) xây thành Pàtaliputra bên bờ sông Hằng (hiệ còn một vài di tích tại Patna, thủ đô của Bihar) thì thanh Vương xá mất dần địa vị quan trọng.

Đức Phật đến thành Vương Xá nhiều lần. Trước khi Đắc đạo, đức Phật có đến khất thực xung quanh thành. Được biết Ngài là Thái tử của dòng Thích Ca, Vua Tần-đà-ta-la (Bimbisara) mời Ngài bỏ đời sống tu hành để trị vì một phần đất của nước Ma-kiệt-đà. Ngài đã từ chối nhưng hứa sau khi đắc đạo sẽ trở về giáo hóa, như sự thỉnh cầu của nhà Vua. Đức Phật thường ở nhiều nơi trong thành này. Chỗ Ngài thích nhất là núi Linh-Thứu (Gridharakuta) Ngài cũng thường ở Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana).

Sau khi gởi hành lý trong chùa Miến Điện chúng tôi lần lượt thăm các thánh tích sau đây:

1. Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana).
2. Ngôi nhà lá (Pippalaguha).
3. Nơi kết tập kinh điển lần thứ nhất, động Saptaparni.
4. Suối nước nóng.
5. Núi Linh Thứu (Gridharakuta).

1. Trúc Lâm tịnh xá

Trước hết chúng tôi đến Trúc-lâm, một khu tịnh xá rộng lớn gần thành Vương-Xá, do Vua Tần-bà-ta-la cúng hiến cho Phật và chúng Tăng. Hiện này cũng chưa biết chắc Trúc Lâm tịnh xá nằm vào chỗ nào. Trước đây, vùng này là một vùng hoang dại. Sau khi khảo cứu nhiều tài liệu, Chính phủ Ấn mới cho rào một khoảng đất khá rộng gần chùa Nhật Bổn và chỗ này được xem là Trúc Lâm tịnh xá. Trong khu vườn này cây cối được sửa sang ngay thẳng, hoa lá tươi xanh, có nhiều bụi tre già lớn ở phía trong. Có lẽ vì thế mà được gọi là Trúc Lâm tịnh xá. Một hồ nhỏ, nước trong xanh, nghiêng mình soi bóng những hàng cây, được xem là hồ Kalandaka, nơi Đức Phật thường tắm. Ngài Huyền Trang có nói đến hồ này trong ký sự. Bên hồ có một tượng Phật đứng trong một ngôi tháp trống vuông do Chính phủ Ấn dựng lên để kỷ niệm. Ngài Huyền Trang còn cho biết thêm rằng Trúc Lâm tịnh xá cách cửa thành phía Bắc độ một dặm. Rất nhiều khóm tre mọc khắp vùng, đức Phật ở nhiều tháng tại tịnh xá này. Sau đây là một vài bộ kinh được Phật thuyết tại đây: Mahàkassapa, Mahamoggallana và Mahacun-dabhojihangasutta. Chính ngài Mục-kiền-liên thệ thế trước tinh xá sau khi bị ngoại đạo ám sát, và đặc biệt được đức Phật chỉ cho một chỗ để xây dựng một ngôi tháp thờ Ngài.

Sau khi lễ Phật và dạo quanh hồ, chúng tôi tất cả cùng đến nghỉ mát dưới một gốc cây. Đã trưa nhưng chúng tôi chẳng muốn trở về vì không muốn rời bỏ cảnh sắc thanh tịnh và nhiều đạo vị này.

2. Ngôi nhà đá Pippalaguha

Cơm nước và nghỉ ngơi xong, chúng tôi tiếp tục chương trình vào lúc 2 giờ 30 phút. Chúng tôi đi thẳng lên ngôi nhà đá. Nói rằng ngôi nhà, chứ thật ra chỉ là một cái nền chung quanh có lan can. Có lẽ trước kia chỉ là cái nhà gác, nhưng sau có các thầy tu thiền nên trở thành một Thánh tích. Dưới nền nhà là hang Pippala, mà kinh điển Pali có nói đến. Hang này nằm về phía Đông ngọn đồi Vaibhàra. Hang đã mất vẻ thiên nhiên vì bị chất đá chung quanh, cao độ bốn thước, dài độ 26 thước. Tương truyền ngài Ca Diếp ở tại hang này và một hôm Ngài đau nặng được đức Phật đến đây thuyết pháp Thất Bồ Đề phần. Sau khi nghe thuyết pháp Ngài liền lành bệnh. Chúng tôi nghỉ lại đây trong vài phút để ngắm toàn cảnh thành Vương Xá rồi lại tiếp tục leo cấp đê lên động Saptaparni, nơi 500 vị A-la-hán kết tập kinh điển lần thứ nhất.

3. Nơi kết tập kinh điển

Đường lên động Saptaparni cao thật là cao, cao và xa hơn đường lên động Huyền Không (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Chúng tôi nghỉ chân và uống nước đến hai lần để lấy thêm sức; thế mà thầy Ghosananda vẫn phải ở lại tại một ngôi đền Ấn giáo. Trời đã về chiều. Vài con vượn ngồi trên nóc đèn lặng nhìn cảnh vật trước khi màn đêm buông xuống. Một con lông trắng và lớn nhảy xuống dọa chúng tôi, những người đến khuấy động chúng.

Hiện nay, động Saptaparni chưa được biết đích xác ở chỗ nào. Vì có hai thuyết đều được xem là có lý: ông John Marshall cho là một chỗ xa hơn về phía Bắc; tại đó hiện có một ngôi nhà bằng đá bị đổ nát. Chỗ này xa và không có đường đi đến. Ông Aurel Stain cho là bốn động về phía ngoài đồi Vaibhàra, từ ngôi đền Thắng luận sư đi xuống. Cả hai đều là những nhà khảo cổ trứ danh. Thuyết sau được Viện Bác cổ thừa nhận. Chúng tôi chỉ đến chỗ sau. Đây là một dãy rộng, gồm có bốn động nhỏ, không sâu lắm, đường vào trong gập ghềnh và tối đen. Mỗi động chứa được 40 người, nhưng phía ngoài có đá lơm chơom bô choài xuống. Vì thế, có người nói rằng động xưa kia rộng ra đến phía ngoài nhưng nay đã bị sập nên nhỏ như vậy.

Khi trở về, chúng tôi không quên vào xem các ngôi đền Thắng luận sư. Có một ngôi đền được dựng lên ngay trên nóc Saptaparni. Một vài ngôi khác được làm sát bên ngôi chùa cũ có những tượng Phật bằng đá vẫn còn gắn chặt trên tường, nhưng đã bị đập nát mũi, tai, chân, tay. Thật là đau đớn, buồn tủi cho Thánh địa hoang vắng này. Chúng tôi không hiểu tại sao người ta lại có thể nhẫn tâm lấn hại Phật giáo, một đạo rất giàu lòng từ bi.

4. Suối nước nóng

Chúng tôi gấp gáp trở về vì trời đã gần tối, nhưng vì quá mệt mỏi nên chúng tôi ghé lại suối nước nóng để tắm cho khoẻ. Đức Phật có nói nhiều lần về suối này trong khi thuyết pháp. Có lẽ thỉnh thoảng đức Phât cũng có đến tắm tại suối này. Xưa kia có một ngôi chùa gọi là Tapodàràma gần suối này. Nay không còn nữa mà chỉ thấy toàn là Ấn giáo, được lập ngay trên các vòi nước và hồ tắm. Nước vừa nóng chảy từ trong núi ra vừa được chuyển thành nhiều vòi để cung cấp cho nhiều hồ tắm. Trên mỗi vòi có mộ tượng thần Ấn giáo. Một hồ nước khá nóng để cho những người tắm có thể ngâm mình lâu hơn. Nhiều người mắc bệnh ngoài da hoặc bệnh tê thấp đều đến tắm để chữa bệnh. Mùa đông dân chúng đến tắm rất đông. Đang mệt mà tắm thì thấy khoẻ liền. Dựng lên ngôi đền Ấn giáo trên suối nước này, ai đó đã biết lợi dụng thiên nhiên để lôi cuốn lòng tin của những người thiếu lý đoán.

Trên đường về chùa Miến Điện, chúng tôi định ghé lại thăm chùa Nhật Bản trong chốc lát thôi. Nhưng rồi hợp cảnh, vui tình, chúng tôi ở lại đây một đêm. Chùa ở vào một nơi rất thanh tịnh. Tiếng trống công phu hòa với giọng tụng kinh trầm bổng của các thầy Nhật Bản làm sống lại trong lòng chúng tôi hình ảnh, âm thanh của những buổi công phu mai chiều ở đất nước. Đại đức trụ trì đón tiếp chúng tôi một cách niềm nở. Ở đây chỉ có hai thầy. Họ thuộc về tông Nhựt Liên. Câu tụng niệm thường xuyên của họ là câu "Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh". Để kỷ niệm nơi đức Phật đã thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa, họ làm Chùa tại đây. Hai thầy tu hành một cách khắc khổ. Trên hai cánh tay của mỗi vị đều có dấu đốt lớn để cúng dường kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Sau những câu chuyện viếng thăm qua lại, chúng tôi lên Chánh diện lễ Phật. Ở đây từ tượng Phật cho đến cách trang trí, cái gì cũng giống Việt Nam. Đặc biệt là những bình hoa, lơ thơ đôi cọng hoa rừng xen lẫn trong những lá dâm bụt, nhưng nghệ thuật làm sao! Chúng tôi tưởng có lẽ tất cả nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản nằm trọn vẹn trong những bình hoa ấy.

Lễ Phật xong, chúng tôi tất cả đều ngồi nghỉ trên những ghế đá bên cạnh chùa. Tại đây, chúng tôi gặp một gia đình người Ấn từ Calcutta đến nghỉ mát đi viếng cảnh. Trong câu chuyện, chúng tôi có hỏi người gia trưởng tin theo tôn giáo nào. Ông ta trả lời là Ấn giáo. Rồi ông ta bảo Phật giáo và Ấn giáo không khác nhau. Thật vậy hầu hết người Ấn đều tin tưởng đức Phật làh hiện thân thứ 9 của thần Shiva. Các đạo sĩ Ấn giáo cũng thường bảo như vậy. Nhiều đến Ấn giáo có thờ cả tượng Phật chẳng khác gì những am điện đồng bóng ở nước ta. Đó là sự "đánh lộn sòng" để làm thỏa mãn sự đòi hỏi của những người Ấn kính mến đức Phật. Sự việc này, một phần nào đã làm cho đạo Phật ở Ấn độ suy tàn mau chóng và phục hưng chậm chạp. Nhưng rồi vì có học thức và hiểu biết sự cao trọng của đức Phật, người gia trưởng này đã vui lòng để ba con của mình đọc theo ba câu quy y bằng tiếng Pàli và hứa sẽ dạy lịch sự đức Phật cho chúng.

Vì đi đường và leo núi quá mệt, chúng tôi đi nghỉ sớm hơn thường lệ. Sáng ra chúng tôi lên đường đi Linh Thứu vào lúc 5 giờ 30. Thời gian hội ngộ tuy ngắn ngủi. Nhưng tình tiễn biệt của khách và chủ rất đậm đà, thắm thiết. Nhờ đi xe ngựa nên chúng tôi có đủ thì giờ để hỏi và nghe giảng về những thành tích phụ:

  1. Cách chùa Nhật Bản độ 500 thước, nơi đường kẽ chỗ hai mỏm núi gần tiếp giáp nhau là nơi đức Phật hàng phục con voi say của vua A-xa-thế thả ra để hại Phật.

  2. Đi độ 300 thước nữa, có một nền đá rộng dài, nằm dưới chân núi về phía bên phải. Đó là tiền tu viện của Ngài Long Thọ (Nagarjuna), một giáo sư của đại học viện Nalanda cũ và cũng là một luận sư nổi tiếng về Không tôn đã hoằng khai giáo lý Bắc tôn.

  3. Xa hơn nữa có một bức tranh cũ bằng đá dày độ 2 thước. Chỗ này được xem là nơi vua A-xà-thế, vì muốn được làm vua sớm đã giam vua cha là Tân-bà-ta-la cho đến chết. Trong khi bị giam tại nhà tù này, Vua Tân-Bà-ta-la thường thấy đức Phật đi đi lại lại trên núi Linh Thứu. Nhờ thế mà vua bớt được nhiều đau khổ. Người ta có đào được một vòng sắt để trói tù nhân tại đây. Do đó có thể tin rằng đây là nhà tù giam vua Tân-bà-ta-la.

  4. Gần núi Linh Thức, cách bức thành không xa, có một nền tinh xá rộng lớn. Đó là tinh xá của một y sĩ nổi tiếng tên là Jivaka đã quy y với Phật và nguyện suốt đời chữa bệnh cho Giáo Hội lúc Phật còn tại thế.

5. Núi Linh Thứu (Gridhrakùta)

Chiếc xe ngựa dừng ngay trước tam cấp đường lên núi Linh thứu sơn. Đây là nơi quan trọng nhất trong các thánh tích ở thành Vương xá. Đức Phật thường trú tại đây. Phần nhiều kinh điển Bắc tôn như kinh Pháp Hoa được đức Phật thuyết tại chỗ này. Vua Tần-bà-ta-la có xây một tam cấp bằng đá lên tận đỉnh đồi. Đi một chặn đến một tấm bảng đề: "Chỗ này vua Tần-bà-ta-la xuống kiệu, khi nhà vua lên yết kiến đức Phật". Leo lên độ vài mươi tầng cấp nuữa, lại có tấm bảng đề: "Chỗ này vua Tần-bà-ta-la bảo các người hầu cận ở lại để một mình vua lên yết kiến đức Phật". Qua một khe đá, gần dưới chân những tảng đá cao là nơi Đề-bà-đạt-đa xô đá làm Phật bị thương ở chân. Đi lên nữa, rồi quanh qua động của đức A-nan thì đến ngôi chùa Phật ở. Ngôi chùa hiện đã đổ nát ở ngay trên đỉnh đồi. Trước đây toàn ngọn đồi đều bị cây cỏ che kín, nay được phá dỡ đi, và chính phủ Ấn đã sửa sang đường sá nên lên đến đỉnh một cách dễ dàng. Ngôi chùa chỉ có ba chân tường nhỏ hình vuông trong có một bệ đá nhỏ là chỗ xưa đức Phật nằm nghỉ, cỏ dại mọc đầy trên nền, nhưng xung quanh rất sạch sẽ.

Chúng tôi thắp đèn đốt hương, đảnh lễ và tụng kinh tại đây. Chúng tôi tưởng niệm đến ngài Đại Thặng Đăng, một trong những vị tăng sĩ Việt Nam sang Ấn độ vào thế kỷ thứ 7 đã bỏ mình vì bệnh tại Song lâm và Hòa thượng Huệ Quang, Phó Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, đã nhập diệt trên đất Phật trong khi dự hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ tư, và cầu nguyện cho Phật giáo nước nhà được hưng thịnh. Đã ba tháng, tuy có tụng kinh bằng Pali nhưng hôm nay được chung hòa trong buổi tụng niệm theo nghi thức quê hương, chúng tôi vui sướng và cảm động khôn xiết. Tiếng kinh vang động cả mấy ngọn đồi. Mùi hương tỏa dần theo gió sớm. Ánh bạch lạp lung linh như muốn chan hòa với những tia nắng vàng vừa lên khỏi núi. Tất cả tạo thành một khung cảnh vừa trang nghiêm vừa mầu nhiệm!.

Khi tụng niệm câu Nam Mô Lin Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát, một luồng gì lạnh buốt phát ra từ đỉnh đầu rồi tỏa khắp châu thân làm cho chúng tôi khoan khoái nhẹ nhàng. Tiếp đến là hai hàng nước mắt tuôn trào không ngăn chặn được. Bây giờ nhớ lại mới nhận ra là lúc ấy bỗng nhiên một cảm giác hân hoan tràn ngập tâm hồn vì tự thấy mình như được nghe pháp trong hội Linh sơn, nhưng rồi sự tủi buồn tiếp đến vì không được thấy Phật và các vị Thánh hiền đâu nữa.

Lễ Phật xong chúng tôi cùng lùi ra ngồi trên tảng đá lớn nhìn xuống cảnh vật chung quanh. Càng nhìn càng nhớ lại tất cả công hạnh tu hành, độ sanh cuả Đức Phật. Và chúng tôi hiểu rõ vì sao Đức Phật lựa chỗ này làm nơi thường trú: hoàn cảnh và địa thế không phải là tất cả thì một phần nào có thể làm cho tâm tư con người trở nên thế này hay thế khác. Có lên cao mới thấy rộng, nó vượt ra ngoài những gì thấp kém, ở nơi thoáng đại hùng vĩ nảy sanh ra được tư tưởng cao siêu huyền diệu. Đức Phật đã tỏ sự trùng điệp cũng như một vài cảnh khác trong thành Vương xá. "Vui đẹp thay thành Vương Xá!. Vui đẹp thay núi Linh Thứu! Vui đẹp thay Trúc Lâm! Vui đẹp thay Saptaparni! v.v...".

Phải trở về cho kịp chuyến xe đi Bồ-đề Đạo-tràng, nên chúng tôi từ giả Linh Thứu trong sự ngậm ngùi, lưu luyến vào lúc 8 giờ.

Trên đường về, chúng tôi thưa với Thượng tọa Minh Châu: "Nếu Phật giáo chúng ta không xây dựng trên Linh Thứu một ngôi chùa thì không khéo lại bị ngoại đạo xây đền trên ấy. Hơn nữa, cảnh trí ở đó mà không lập một thiền viện thì thật quá uổng!".

Thượng tọa Minh Châu cho biết: "Trước đây Đại đức Kashyap đã có ý định ấy nhưng chưa thực hiện được. Lý do thứ nhất là vùng Vương Xá không có nhiều chư Tăng và Phật tử bản xứ. Còn người ngoại quốc thì không đủ sức, hơn nữa phần nhiều các nước đã xây chùa ở Buddhagaya, Linh Thứu lại quá xa làng xóm nên chưa có ai đủ can đảm ở luôn trên ấy. Trước đây có một vị sư Trung Hoa tu thiền tại động đức A-nan hơn một tháng, sau bị đạo tặc cướp phá nên vị ấy không ở nữa. Tôi và vài thầy ở Nalanda thỉnh thoảng cũng có lên thiền định và ngủ lại trên ấy!".

Ký sự của Ngài Pháp Hiển

"... Đi về phía Tây độ một do tuần_(1 yojama) sẽ đến thành phố mới của Vương xá. Thành này do vua A-xà-thế lập ra, giữa thành có hai ngôi chùa. Ra khỏi cửa thành phía tây sẽ đến một ngọn tháp, do vua A-xà-thế dựng lên để thờ Xá Lợi đức Phật mà xưa kia vua được chia một phần. Ngọn tháp này đồ sộ, đẹp đẽ và tôn nghiêm. Ra cửa thành phía nam, đi độ bốn dặm về phía nam, chúng tôi đến một thung lũng, thung lũng này đưa đến năm ngọn đồi, năm ngọn này như một bức thành bao bọc một vùng đất rộng, đó là thành Vương xá cũ của vua A-xà-thế. Thành này rộng từ đông sang tây độ 5, 6 dặm, từ bắc đến nam độ 7, 8 dặm. Chính tại chỗ này ngài Xá lợi Phất và ngài Mục kiền Liên lần đầu tiên nhận chân được diệu pháp, cũng là chỗ mà Ni-kiền-đà đào một hố sâu đầy lửa và dâng đồ ăn có thuốc độc cho đức Phật. Và cũng là chỗ mà con voi say cuồng của vua A-xà-thế chạy đến để hại đức Phật và được Đức Phật hàng phục.

Tại góc đông bắc của thành Vương Xá có một ngôi chùa là chỗ Jivaka thỉnh đức Phật và 1.250 vị Tỳ-kheo đến để kính lễ. Ngôi chùa đó hiện vẫn còn. Thành phố hoàn toàn vắng, không có người ở. Đi vào trong thung lũng và đến gần dãy núi độ 15 dặm phía đông nam chúng ta đến núi Linh Thứu. Cách đỉnh núi độ 3 dặm có một bệ đá, giữa những tảng đá lớn. Đó là chỗ đức A-nan ngồi thiền định, xây mặt về hướng nam. Độ 30 bước về phía đông bắc có một hang đá chỗ đức A-nan ngồi thiền định. Lúc bấy giờ có một con quỷ Pisuna ở cõi trời, biến hình thành con chim kên, đứng trước hang đá và dọa ngài A-nan. Đức Phật dùng thần thông mở rộng động đá, cầm tay ngài A-nan và làm cho ngài A-nan hết sợ hãi. Đầu con chim và lỗ hổng mà đức Phật đưa tay qua nắm ngài A-nan nay vẫn còn. Do đó, hòn núi ấy gọi là ngọn đồi của hang con chim kên. Trước hang này là chỗ ở của bốn đức Phật. Các vị A-la-hán, mỗi vị đều có một hang giống nhau khi các vị ngồi thiền định. Số động có đến 700.

Lúc đức Phật đang đi từ phía đông sang phía tây trước nhà đá, Đề-bà-đạt-đa, đứng trên mỏm đá phía bắc, lăn một tảng đá xuống và làm ngón chân đức Phật bị thương, tảng đá ấy hiện còn. Phòng đức Phật giảng kinh đã đổ nát, chỉ còn lại chân tường gạch. Đồi này bằng thăng và tôn nghiêm vì cao hơn tất cả 5 ngọn đồi xung quanh.

Ngài Pháp Hiển sau khi mua hương hoa và đèn dầu tại thành phố mới thuê hai người đưa đến hang động và núi Linh Thứu. Sau khi dâng hương và hoa các ngọn đèn tự nhiên sáng to. Pháp Hiển cảm động và buồn đến phát khóc rồi nói rằng: "Trước kia đức Phật ở tại chỗ này. Chính chỗ này Phật đã giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Pháp Hiển tôi không được thân tiếp Phật trong khi còn sống, nay chỉ tìm được dấu vết về đời sống của Phật. Tuy vậy, tự thấy cũng được chút gì vì đã từng đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm trước hang đá này và ở lại đó một đêm ..." (Trích trong tập ký sự của ngài Pháp Hiển).

Ký sự của Ngài Huyền Trang

"... Ngoài cửa thành Vương xá về phía Bắc có một ngọn tháp. Chính chỗ này, Đề-bà-đạt-đa và vua A-xà-thế, sau khi giao hữu với nhau đã đồng mưu thả con voi say để hại đức Phật. Nhưng Như Lai đã dùng thần thông hóa năm con sư tử chạy ra, từ năm ngón tay của Ngài; con voi say phải phủ phục chịu hàng. Phía đông bắc ngọn tháp này lại có một ngọn tháp khác. Chính là chỗ ngài Xá-lợi-phất nghe vị Tỳ-kheo Asvajit nói pháp và chứng được quả A-la-hán. Về phía Bắc tháp này có một hố rất sâu, bên cạnh có một ngọn tháp. Đây là nơi Srigupta muốn hại Phật bằng cách giấu lửa trong hố ấy và dùng gạo có tẩm thuốc độc, vì Srigupta tôn sùng ngoại đạo và say mê theo tà giáo. Về phía đông bắc hố lửa của Srigupta và ở phía vòng cung của thành phố là một ngọn tháp. Chính tại chỗ này, Jivaka, vị thầy thuốc trứ danh, đã lập một giảng đường dâng lên đức Phật. Xung quanh có trồng hoa và vài cây trà. Dấu vết nền tường và rễ cây thối nát vẫn còn thấy. Đức Phật khi còn tại thế thường dừng lại đây. Gần giảng đường này, nhà của Jivaka bị đổ nát và một lỗ giếng cũ vẫn còn.

Phía đông bắc thành Vương xá độ 14, 15 dặm là núi Linh Thứu, trên sườn núi phía Nam của ngọn núi phương Bắc, có một đỉnh núi rất cao, chim kêu làm tổ tại đây. Đỉnh núi này hình dáng nhưi một vọng lâu, màu xanh của da trời phản chiếu xuống đỉnh núi tạo thành một cảnh sắc tươi hòa êm dịu.

Trong khoảng 50 năm hoằng dương Chánh pháp đức Như Lai thường ở tại ngọn núi này và diễn giảng kinh điển thậm thâm vi diệu. Vua Tân-bà-ta-la vì muốn nghe pháp, thường lên núi với một số tùy tùng. Số người này san bằng các thung lũng, bắc cầu sang các thác nước và dựng đá làm các bậc cấp rộng độ 10 bước và dài độ 5, 6 dặm. Nửa đường có hai ngọn tháp nhỏ, một ngọn gọi là "xuống xe" vì khi vua đến chỗ này thì đi bộ lên núi; ngọn kia "bảo tùy tùng đi lui", vì vua tách riêng tùy tùng, không cho họ theo mình. Ngọn núi này dài từ đông qua tây và hẹp từ bắc đến nam. Có một ngôi chùa bằng gạch, một bên là thung lũng rất sâu về phía tây ngọn núi. Cửa chùa này hướng về phía đông. Chỗ nay đức Như Lai thường dừng nghỉ và thuyết pháp. Ngôi chùa cao rộng và rất đẹp. Hiện còn một tượng Phật tạc Ngài đang thuyết pháp to lớn bằng hình dung thật của Ngài.

Phía đông ngôi chùa là một tảng đá dài, đức Phật thường đi kinh hành trên ấy để dưỡng sức. Bên cạnh là một hòn đá rất to cao độ 15,15 feet và độ 30 feet vòng tròn. Chính là chỗ Đề-bà-đạt-đa xô đá hại Phật.

Về phía nam dưới hang thẳm có một ngọn tháp. Khi đức Như Lai còn tại thế, Ngài thuyết kinh Saddharma-pundarika (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh). Cũng tại đó phía năm ngôi chùa trên sườn núi có một cái nhà bằng đá: chính tại chỗ này đức Như Lai thường thiền định. Trước mặt nhà đá về phía tây bắc có một hòn đá rất lớn hình thù kỳ lạ. Tôn giả A Nan bị quỷ sứ dọa nạt tại đây. Bên cạnh chùa ấy có nhiều nhà đá khác, đó là chỗ của ngài Xá Lợi Phất cùng các vị đại A-la-hán nhập định.

Phía đông bắc ngôi chùa, giữa dòng suối chảy trên đá, nổi lên một tảng đá lớn. Đó là chỗ đức Như Lai phơi áo Cà sa. Gần đó trên một tảng đá có dấu chân đức Phật. Dấu hình bánh xe ở ngoài đã lu mờ, như vẫn còn nhận được. Trên đỉnh dãy núi phía bắc có một ngôi tháp. Từ chỗ đó đức Như Lai nhìn thấy thành Ma-kiệt-đà; ngài đã thuyết pháp liên tiếp trong 7 ngày tại đây. Về phía Tây, ở cửa thành phía Bắc có một ngọn núi gọi là Vipulagiri. Theo tục truyền của dân trong làng thì phía bắc của những kẽ núi về phía tây nam trước kia có đến 500 suối nước nóng. Nay chỉ còn độ 10 suối, vài suối ấm, vài suối lạnh, nhưng không có suối nào nóng sôi. Tại miệng các suối nước nóng, có đặt những tảng đá chạm hình sư tử, hoặc đầu đàn voi trắng. Nhiều chỗ có đặt những ống dẫn nước, nước chảy trong các ống dẫn nước về phía trên, phía dưới có những hồ nước bằng đá, nước chảy vào như hồ tắm. Dân chúng các nơi thường đến tắm ở các hồ ấy. Những ai có bệnh, sau khi tắm có thể lành. Hai bên những suối nước nónt, có nhiều tháp hoặc chùa đổ nát, không cách xa nhau lắm. Tại những chỗ ấy, bốn đức Phật quá khứ đều đến tọa thiền hoặc đi kinh hành, và còn để lại những dấu tích. Những địa điểm này đều được bao bọc bởi những dãy núi, và có đầy đủ nước dùng, nên những nhà trí thức đến ở, có nhiều vị tu sĩ Ấn cũng sống trông cảnh thanh tịnh này.

Về phía tây các suối nước nóng là nhà đá Pipala. Trên đỉnh Vipula có một ngọn tháp. Đó là chỗ khi xưa đức Phật giảng Chánh pháp. Hiện những người theo đạo "ở trần" (Nigranthas) thường đến tại chỗ ấy rất đông. Họ tu khổ hạnh ngày đêm không dừng nghỉ, từ sáng đến chiều tối, họ đi vòng quanh các ngọn tháp, chiêm ngưỡng rất thành kính.

Phía trái của thành bắc, đi về phương đông, về phía bắc của vực núi phía nam độ 2, 3 dặm, chúng tôi đến một nhà đá lớn, chính là chỗ xưa kia Đề-bà-đạt-đa thiền định.

Từ cửa thành phía bắc đi độ một dặm, chúng tôi đến chùa Karandaveluvana. Tại đây, nay chỉ còn một nền đá và thành bằng gạch của ngôi chùa xưa.

Phía đông chùa Karandaveluvana có một ngọn tháp. Ngọn tháp này do vua A-xà-thế lập nên. Sau khi đức Như Lai nhập Niết bàn, các vua chúa phân chia Xá Lợi. Vua A-xà-thế đem phần của mình về và xây dựng tháp để cúng dường chiêm bái. Khi Vua A Dục trở thành Phật tử, ngài mở ngọn tháp ấy lấy Xá Lợi và tự mình dựng lên một ngọn tháp khác. Ngôi tháp này luôn luôn tỏa ánh sáng rất kỳ diệu. Một bên ngọn tháp của vua A-xà-thế có một ngọn tháp khác dựng nửa phần Xá lợi của đức A-nan.

Về phía tây nam Trúc-lâm tinh xá độ 5, 6 dặm về phía Bắc của ngọn núi phía nam có một rừng trúc. Giữa rừng trúc ấy, có một nhà đá rất lớn. Tại đây, đại đức Ca Diếp với 499 vị A-la-hán, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn đã triệu tập một Hội nghị để kết tập Tam tạng.

Phía Tây Bắc chỗ đại đức Ca Diếp triệu tập Hội nghị có một ngọn tháp. Đó là chỗ đức A-nan, sau khi bị các đại đức khác không cho dự Hội nghị đến ngồi một mình im lặng Thiền định và chứng quả A-la-hán. Sau đó Ngài được mời dự hội nghị.

Từ đó đi về phía Tây độ 20 dặm, có một ngọn tháp do vua A Dục dựng lên. Đó là chỗ mà Giáo hội Tăng già họp để kết tập kinh điển. Phía bắc Trúc Lâm tinh xá đi bộ 200 bước, chúng tôi đến hồ Karanda. Phía tây bắc hồ ấh độ 2, 3 dặm có một ngọn tháp do vua A Dục dựng lên. Ngọn tháp ấh cao độ 60 feet và trên đỉnh có hình một con voi.

Đi về phía Đông bắc trụ đá không xa lắm, chúng tôi đến thành Vương xá. Bức thành ngoài đã bị phá hủy không còn dấu tích gì. Bức thành trong, mặc dầu bị đổ nát vẫn còn có những chỗ cao hơn đất bằng và độ 20 dặm vòng tròn.

Tương truyền vua A-xà-thế trước tiên lập thành này, và vị vua kế vị khi lên ngôi, cũng xem thành ấy là kinh đô, mãi cho đến đời vua A Dục. Vua này dời đô ra Pataliputra và giao thành Vương xá cho hàng Bà-la-môn. Vì vây thành Vương xá không còn thấy dân chúng ở, mà chỉ có các nhà Bà-la-môn ước độ 1000 gia đình ..."

Tập ký sự của ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang tả rất rõ ràng những thành tích còn lại ở thành Vương xá. Và sở Bác cổ hiện tại cũng nương theo hai tập ký sự trên để tìm những chỗ đã được tả một cách kỹ càng như vậy. Chỉ tiếc hiện nay không còn tất cả những ngôi tháp mà ngài Huyền Trang đã thuật. Do đó khó tìm ra tất cả những thành tích được tả trong tập ký sự của hai Ngài.

Bồ Đề Đạo Tràng (Buddha Gaya)

"Nhạc gió reo vui mừng ngày xuất thế,
Sừng sững oai nghiêm đại tháp Bồ đề.
Trụ biểu muôn đời Đạo vàng xuất hiện
Đèn chơn lý sáng ngời thế giới tam thiên".
(Bồ đề Đạo tràng Thích Ca)

Bồ đề đạo tràng là địa điểm thứ hai cuộc chiêm bái của chúng tôi.

Chúng tôi vượt qua dãy núi hẹp về phía nam thành Vương xá, hoang vu như bãi sa mạc, với sự tranh sống nung nấu trong lòng. Nay quang cảnh giống như bóng rừng canh mát mà xưa kia những đại đức tu nhiều đã tụng vang lên những thánh thư cao đẹp trong tập Theragàthà, Therigàthà. Xứ Bihar này toàn là một màu xanh lá mạ, mọi vật đều sôi sục với nhựa sống, một nhu cầu cấp thiết, một nạn dịch, mùa ruộng lúa trảy hạt, đồng quê nhen nhúc sâu bọ và con nít. Tất cả mọi vật đều đến mức quá độ, trước hết là một sự nghèo đói cùng khắp, một sự nghèo đói tuyệt vọg. Mưa đã biến cảnh hoang vu khô khan của đồng ruộng trở thành những biển lúa gợn sóng xanh mát, nhưng các luống cày đã thấm đầy nước mắt của những kẻ ưu sầu khốn khổ. Thường năm xảy ra những nạn lụt ghê hồn, tiếp theo là những nạn dịch rùng rợn. Chúng tôi đi ngang nhiều làng mạc nhen nhúc những người và người. Dân làng xứ Bihar có thân hình nhỏ bé, xương xóc; phần lớn thiếu ăn, và sự thái quá của thời tiết đang in dấu tang thương trên gương mặt mọi người.

Ngang qua sông Ni-liên-thiền (Neranjara) nước mưa dâng lên làm cho sông lớn và rộng. Buổi chiều hiện ra, rực rỡ những màu sắc, ngăn khoảng bởi dãy đồi thon nhỏ đen xám của xứ Brahmayoni. Gaya là cả một đám bùn và gạch màu nâu sẫm; nào là đền thờ Hồi Giáo, nào là đầm nước nhớp rỉ chảy những đợt hương thơm bay lên, những đám khói cuồn cuộn nổi dậy từ những đám lửa cứt bò. Làm sao tả được sự ồn ào náo nhiệt của những tiếng còi nhà máy, chuông rung, máy radio la hét, khoe khoang nịnh hót, than vãn, cả một sự hỗn tập, nhen nhúc, đầy tràn, sôi sục những chủng loại, tin tưởng và giai cấp, hận thù, tự mãn, điên dại, tàn phá, héo mòn, đau khổ, nghèo đói và van xin.

Con đường đi đến Bồ Đề Đạo-tràng chạy dọc theo sông Ni-liên-thiền. Càng tới gần thánh địa, sự an ninh càng tăng dần. Một làn gió nhẹ mát dịu chạy lướt trên mặt sông. Những rừng cây Pipal thanh vắng, làm tăng thêm sự điều hòa, yên tĩnh. Cả vùng hình như chưa bỏ mất cảnh tĩnh mịch êm đẹp của thời xưa, cảnh tĩnh mịch mà các tu sĩ thời quá khứ ưa thích. Cho đến nay sự ồn ào của làng Buddhagaya cũng không thể làm rộn được con đường thanh tịnh đến cây Bồ đề. Chính là con đường mà xưa kia nhà ẩn sĩ nhiệt thành Siddhartha Gautama từ núi Dungsiri, một ngọn núi khô khan và như một lò lửa trong tháng mùa hè, bên kia bờ sông, đã đặt chân lên đê đi lần đầu đến địa vị Phật Như Lai.

Sáng sớm cùng đi với chúng tôi có thêm đại đức Sukitti, người Thái ở tại Bồ đề Đạo-tràng. Chúng tôi ra đi và hướng về núi Dungsiri (Khổ hạnh lâm). Chúng tôi cũng tập theo một vài khổ hạnh nhè nhẹ để cho những cảm giác linh hoạt thâu nhận trên đường đi được sâu đậm hơn. Lội ngang qua sông Ni-liên-thiền, là sự thử thách đầu tiên. Sông sâu và nước chảy mạnh. Áo quần ướt tơi tả. Lắm lúc chúng tôi như bị nước cuốn trôi đi. Vượt qua được dòng sông, trong lúc trời đổ mưa, là một điều hơi gian khổ đối với chúng tôi, nhứt là Thượng tọa Minh Châu thấp người hơn cả. Băng qua những đồng ruộng và làng mạc, đôi lúc chúng tôi phải vượt những vũng bùn lầy lội, những suối nước đục ngầu. Các làng mạc và đường đi lần lượt bị bỏ lại phía sau. Dốc leo đứng và cao. Đá lớn rải rác khắp nơi. Những rặng núi răng cưa, những tảng đá trơn tru là những tiêu biểu cho một chí khí nhiệt thành, chân thật, quyết tiến trên con đường đạo hạnh: "Đừng thối chí, hãy tiến tới!". Một tu sĩ kiêm thi sĩ Tây Tạng luôn mặc áo cải. Ngài Milarepa, hát lên rằng:

"Trên núi có con đường bằng đá, chỗ đó người có thể đánh đổi sự luân hồi hỗn loạn với hạnh phúc thanh tịnh vô biên".

Ngang sườn núi, một ngôi chùa Tây Tạng nhỏ được treo như tổ chim én. Ba vị Lạt-ma, thuộc phái của đại đức giữ giới, đang chạm vài chi tiết cho một khám thờ. Toàn cảnh chùa Tây Tạng với những lá cờ có in kinh chú bằng chữ vàng, các băng khắc Om Mani Padme Hum. Những mái thếp vàng, những lò lửa quét vôi trắng để đốt trầm hương, tràn đầy không khí giải thoát, khinh khoái. Trước mái hiên, có trải tấm đệm để ngồi thiền; và trước mặt là những cành hoa cẩm chướng tươi nở; chính đức Bồ tát đã tu khổ hạnh ở chỗ này.

Chúng tôi bò vào cái hang khá rộng, chỗ đức Phật trú ẩn trong khi tu khổ hạnh. Hang này nay đã biến thành một khám thờ trạm trổ theo kiểu Tây Tạng làm tăng thêm vẻ đẹp của cảnh tĩnh mịch của núi rừng. Giọng tụng kinh đầy đạo vị và nhịp nhàng của các đại đức Việt Nam gây cho tôi một niềm cảm xúc thanh tịnh. Một vị thiền sư quá khích có thể cho khám thờ và tụng kinh là một sự xa xa chăng?

Tuy nhiên đức Bồ Tát đã từ bỏ hang khổ hạnh này.

"Đã lâu quá quen quán tưởng pháp vô sanh, vô diêt, vô trú, tôi quên tất cả định nghĩa của mục đích này hay mục đích khác. Đã lâu quá quen quán tưởng các sắc pháp là pháp thân, tôi quên tất cả sự quán tưởng do tâm tạo tác. Đã lâu quá quen trầm tưởng trên cành vô vi giải thoát, tôi quên mọi phương tiện tập quán tục lệ, thường tịnh. Đã lâu quá quen sự từ tốn khiêm nhường cả thân lẫn trí, tôi quên sự tự phụ và hãnh diện qua các bậc anh hùng vĩ đại (Milarepa: Jetsun Khbun)" ... và ngài từ từ tiến đến cây Bồ Đề.

Lễ Phật tụng kinh dưới gốc Bồ đề là một kỷ niệm thiêng liêng của tôi. Biết bao nhiêu lần sự lễ Phật chỉ là một cử chỉ, một thủ tục, một tập quán tình cảm, và dầu có ý nghĩa diễn đạt các thứ bực tu chứng cũng không vượt quá mức... Lễ Phật dưới gốc Bồ Đề, và các ngọn nến mới lại được thắp đi thắp lại: khói nhang Tích Lan bao phủ toàn ngôi tháp, hàng ngàn ngọn đèn dầu lạc hòa hợp với ánh sáng của những ngọn đèn điện mà chư Thượng tọa, Đại đức Việt Nam xin thắp để cầu nguyện cho Phật giáo Việt Nam được phục hưng mau chóng, làm cho toàn thánh địa rực rỡ và vui vẻ hẳn lên. Giọng trầm hùng của các vị Lạt-ma khuyến lệ đạo tâm. Tiếng tụng kinh Thái cũng tương tự. Nhưng giọng kinh Việt Nam có nhiều đạo vị và thi tứ đặc biệt khiến cho người nghe hình dung như sau:

"Trầm bổng xuống lên như một ngọn trúc mềm mại, phấn khởi trước làn gió nhẹ của mùa xuân". Đạo Phật phải luôn luôn mới lạ, tươi trẻ, kích thích, phấn khởi, giải thoát vượt ngoài duy tâm và duy vật. Lễ Phật với ý nghĩa cao đẹp nhất phải là một sự phối hợp giữa trí tuệ và phương tiện, một sự cố gắng bền bĩ để đi đến bờ bên kia, một sự kiểm soát và suy niệm liên tục, một sự chính xác khoa học và một thứ trực giác họa sĩ, và cuối cùng là vượt qua tất cả. Chúng ta hãy ngồi xuống dưới gốc cây đặc biệt nhất trong tất cả các cây; sau đó là Kim Cang tòa, khám thờ của tháp Ma-ha Bồ đề, một tượng Phật Thích Ca thếp vàng với nụ cười giải thoát, không có tôn kính, không có lễ nghi, không có lời tán vô ích.

"Từ Chánh pháp chúng ta phải thấy Đức Phật.
Từ Pháp thân, chúng ta thấy con đường chỉ đạo của các Ngài.
Tuy vậy chơn tánh của pháp không thể phân biệt được, và không thể nhận thức được như một đối tượng" (E. Conze dịch).

Một ngày mới. Chúng tôi đi về phía nam, dưới những hàng cây hàng to lớn, dọc theo sông ni-liên-thiền. Bên kia bờ sông, Dungsiri mờ mờ trong sương mù của buổi bình minh, giống như động Lô sơn, chỗ tu thiền danh tiếng của các tu sĩ thiền sư đời Tống, đời Trần. Chúng tôi đi ngang qua những cánh đồng còn đẫm sương, và đây rồi một đầm nhỏ đầy bèo xanh, báo hiệu cho chúng ta biết đã đến hồ mucalinda. Ở đây, đức Từ phụ, khi trời giông tố mưa rào, đã vượt qua 7 từng Thiền định như thần rắn quấn tròn quanh Ngài. Trời đã về thu, thật thi vị và khoan khoái, buổi sáng tươi mát và ấm áp này: "Khoan khoái thay chỗ này". Kinh Pali đã chép như vậy. Những suối nhỏ quanh co rỉ chảy đến hồ Micalinda. Các đồng ruộng thấm nhuần nước tưới và dân làng cũng có vẻ lạc quan hơn nhiều.

Chúng tôi lội qua con sông và đến chỗ đức Giác Ngộ đã nghỉ ngơi tại nhà hàng Sujata (Tu-xà-đa). Một ụ đất có thể có một ngọn tháp ở dưới - được xem là nông trại lúc trước của Sujata người đã dâng sữa cho đức Thích Ca, khi Ngài từ động Dungsiri trở về.

Buổi chiều chúng tôi đi thăm một ngôi chùa Trung Hoa nhỏ của phái Tịnh Độ. Vị Ni cô già và can đảm đã tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu. Vị nay đã sống ở đây rất lâu, nhẫn nại, khiêm nhường, tín thành và từ ái. Sự yên lặng thật cảm động!

Gần đó là một ngôi chùa Tây Tạng của phái Geluppas, thông thường được gọi là phái "mũ vàng". Đã có nhiều sách viết về "xứ sở bí mật" này, phần lớn rất xuyên tạc, mù mờ, vì nhìn qua sự mờ ám và kích động của thần bí học. Từ khi những người tị nạn Tây Tạng qua Ấn độ và hiện cũng vẫn còn người qua, thì phái Vajrayàma (Kim Cang thừa) cua Nalanda ở thời đại Pàla được phục hưng lại theo truyền thông Tây Tạng. Chúng tôi được một dịp may mắn tìm hiểu về Lạt-ma giáo. Chùa Tây Tạng ở Bồ đề Đạo tràng có một bánh xe Chánh pháp khổng lồ. Các bích họa, chung quanh, dầu cho hoàn toàn mới... hình như thuộc về một thế giới khác lạ. Cảm giác kinh hãi lại được tăng thêm, khi chúng ta lên tầng lầu trên và bước vào điện thờ Phật. Ban đầu người ta có một cảm giác bối rối, lúng túng. Điện Phật trông như cả một ổ tơ vò lộn xộn những hình ảnh, họa phàm và những vật dụng kỳ dị. Nhưng khi ngồi yên tĩnh được một lúc, dần dần mới nhận ra là cả một hệ thống tinh thần đặc biệt điều hòa. Tấm Tankha quan trọng nhất có vẽ bánh xe luân hồi. Những màu sắc rực rỡ không làm chóa mắt, và hình vẽ theo một hệ thống cổ truyền chánh tông tỷ mỷ trong từng chi tiết để đạt được những kết quả mong ước. Sự phức tạp của hình vẽ tượng trưng cho sự rắc rối lộn xộn của đời sống luân hồi; con đường đưa đến giải thoát và hình ảnh thuyết pháp, truyền đạo là cả một hệ thống hình học phân minh.

Ở trong trục bánh xe có vẽ một con gà, một con rắn và một con heo tượng trưng cho tham, sân, si. Con vật này cắn đuôi con kia và làm thành một con hình tròn vô tận. Vòng tròn xung quanh trục xe chia làm hai phần, đen và trắng, tượng trưng cho Karma hay nghiệp, một phần hướng thượng, đưa lên cõi trời, thiện đạo: Một phần hướng hạ, đưa xuống địa ngục, ác đạo. Những ai tạo các thiện nghiệp sẽ được đưa vào phần hình trắng phía trên, còn những người tạo nghiệp ác thời bị đưa vào phần đen ở dưới. Khoang giữa hai phần đen trắng và vành bánh xe được chia thành 6 phần. Phần trên, phía giữa (đã được nói đến) diễn tả những cõi hạnh phúc, thanh khiết của chư thiên sáng chói; phía tay trái cõi chư thiên là thế giới loài người của chúng ta; phía tay phải là hình ảnh của các A-tu-la dữ tợn, đang cố gắng cọng phá các vị thiên thần. Ba phần ở dưới, phần giữa ta những cảnh tra tấn khủng khiếp ở địa ngục một bên là lửa đỏ rực, một bên là dòng nước xoáy kinh khủng; phía tay mặt là những ngạ quỉ, với những cổ họng rất bé; phía trái tả cảnh giới khổ đau của súc sanh.

Cái vành xe chia thành 12 khoang diễn đạt lý Duyên khởi; một ngưòi đàn bà mù chỉ cho Vô minh (Avijjà); một người làm đồ gốm đang nhồi đất sét chi cho Hành (Sankhàra), một con vượn đang cầm cái ghế cái chậu chỉ cho Thức "Vinnàna": danh sắc (Nàmarùpa) là người trong một chiếc thuyền: một cái nhà với 6 cửa sổ là Lục nhập (Sàlàyàtana); một cặp trai gái ôm nhau chỉ cho Xúc (Phasso); Thọ (Vedana) là một người rút ra mũi tên đâm vào mắt: một kẻ nghiện rượu liên miên, chỉ cho Ái (Tanhà); Thủ (Upadana) là một con khỉ đang hái trái cây; một hình ảnh hành dâm là Sanh (Jàti); Lão (Jarà) là một người chống gậy; Tử (Maranam) là một số người đang mang thây chết, cũng vừa chỉ cho sự tiếp diễn của sự sống đưa đến một đời khác. Một con quái vật rùng rợn, Ma vương (Mara) đang cắn chặt toàn bánh xe trong răng nanh cuả nó và luôn luôn quay bánh xe ấy chạy tròn với móng vuốt của 2 tay và 2 chân. Phía mặt, góc bên trái đức Thích Ca đứng thẳng, cao xa, đưa tay chi Ma vương và bánh xe.

Nhiều bức họa (Tankhas) bao phủ các bức tường với những ác quỉ ghê gớm, khát máu, đần độn với những tiếng cười kinh khủng, chế nhạo và yêu quái, những vị tìm đạo giải thoát nhiệt thành thường dùng những bức họa tâm lý vũ trụ này; đối với những vị sư này tự ngã chỉ là sự đần độn như ma quái. Cả tiềm thức là một thự thể rộng lớn khó hiểu. Cả tiềm thức là một thực thể rộng lớn khó hiểu, chưa được khám phá, nguy hiểm. Thực thể này trở thành ý thức khi bị tác động. Các Tankhas là những công thức tâm lý cho người tu thiền quán tưởng, một phương tiện để nhận thức chứng ngộ và kiểm soát các sự phẩn nộ bùng phát dục tình. Các Tankhas khác trình bày hình người, tượng trưng cho Bá nhã Ba-la-mật-đa (Prajnàpàramita), đang múa cây gươm trí tuệ, chặt đứt vô minh, một trí tuệ đưa người đến bờ bên kia. Chính giữa điện thờ là hình ảnh đấng Đại Từ bi Di-lặc (Maitreya), được cúng dường những Haddakhi (những khăn quàng trắng), các tua khăn đã nhầu úa.

Phải chăng những yếu điểm của phái Đại thừa Kim Cang tương phản với giáo lý của phái Thượng tọa bộ mà buổi sáng và buổi chiều các đại đức Thái Lan đã tụng bằng tiếng Pali nói rõ sự vô ngã của 5 uẩn? Chính ở ngôi chùa Thái cũng vang dậy những bài kệ về lý 12 nhân duyên, diễn đạt không tánh của vạn vật.

Đêm cuối cùng ở Bồ đề Đạo-tràng, tại tháp Đại Bồ-đề, gần những cột đá, chỗ đức Phật đi kinh hành, chúng tôi vái chào một vị Lạt-ma già những có vẻ mặt rất thông minh. Vị này đến với chúng tôi một cách nhún nhường và chúng tôi học được cách chào của các tu sĩ Tây tạng; người này đụng trán người kia. Vị Lạt-ma ấy tỏa ra một cảm tình nồng hậu đến nỗi chúng tôi cảm ngay là chúng tôi cùng họ là bạn tốt với nhau đã lâu, tuy mới gặp nhau lần đầu tiên, trước đây một phút thôi. Vị Rimpotche tiếp tục đi kinh hành; một lần nữa chúng tôi suy nghĩ đến lối kiến trúc của ngôi tháp Đại Bồ đề; lối kiến trúc này đã biểu lộ nhựa sống của sự giác ngộ. Bên trong có rất nhiều những khám thờ và tượng Phật. Những vòm cầu đục trong đá với những đường nét giản dị nói lên ảnh hưởng cuả tiểu thừa. Ở đây hai vị Tỳ-kheo đang ngồi tu thiền thanh tịnh trang nghiêm. Đàng kia vị Lạt ma Rimpotche Tây Tạng của chúng ta và một Đại đức người Thái đã già, dễ thương, đã đi bộ trên con đường dài đằng đẵng từ Thái Lan đến Ấn Độ, chỉ với một bình bát để sinh sống không cần đụng đến một đồng tiền. Giống tình trạng của thời xưa, giặc cướp đã tấn công Đại Đức, Đại đức đã trải qua biết bao gian lao nguy hiểm trong rừng rậm và núi sâu. Tuy vậy gương mặt của Đại đức bao giờ cũng nở một nụ cười phóng khoáng cũng như nụ cười của vị Rimpotche, vị này rất có thể đã phải trải qua những nơi gian lao tương tự trên "nóc nhà tuyết phủ của thế giới".

"Có một con đường bằng đá, chỗ đó người có thể đánh đổi sự luân hồi hỗn loạn với hạnh phúc thanh tịnh vô biên".

Chúng tôi bắt đầu đi đến Ba-la-nại nhưng chúng tôi không thể nào quên được Bồ đề Đạo-tràng, một tượng trưng phấn khởi của sự giác ngộ vô thượng, một sự kêu gọi toàn thể Phật tử đại đoàn kết, và hơn nữa một Đại nguyện Bồ tát. Song song với cây Bồ Đề là nụ cười của tượng Phật thếp vàng.

Phần lịch sử

Đối với Phật tử, lịch sử của Bồ đề Đạo tràng bắt đầu từ khi Thái Tử Tất Đạt đa tu khổ hạnh tại Uruvela và sau khi đức Phật thành Đạo dưới cây Bồ đề. Toàn thể Phật tử trên thế giới tự nhiên xem Bồ đề Đạo tràng là một thành tích quan trọng bậc nhất. Và vì vậy trong suốt hơn 2500 năm Phật tử khắp các nước nô nức đến chiêm bai cùng sửa sang Bồ đề Đạo tràng, mãi đến ngày nay cũng vậy.

Chính vua A Dục cũng đến chiêm bái chỗ này nhiều lần, và cuộc chiêm bái của Ngài được khắc vào đá kỷ niệm, hiện còn giữ tại Sanchi. Rất có thể chính vua A Dục đã lập ra ngôi tháp này nhưng tiếc thiếu bia ký để chứng thật. Có lẽ vì các vua sau Ngài cũng dựng lên tháp để kỷ niệm, thành thử công nghiệp của vua A Dục bị quên dần. Và cũng rất có thể đền, tháp dựng lên đã bị vua Sasanka phá huỷ. Vua này rất thù nghịch với Phật giáo.

Muốn hiểu lịch sử Bồ đề Đạo tràng, cần phải tìm lại những tài liệu của ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang. Dựa theo tài liệu ấy chúng ta có thể đoán chắc là ngôi tháp hiện tại được lập vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Tây lịch.

Ngài Pháp Hiển đến thăm Bồ đề Đạo tràng vào năm 409 sau Tây lịch, viết: "Tại chỗ đức Phật thành đạo có 3 ngôi tháp và nhiều vị sư tu hành. Gia đình dân chúng xung quanh cúng dường các thức ăn, mặc, rất đầy đủ, không thiếu thứ gì. Các vị sư giữ giới luật rất thanh tịnh trang nghiêm". (Ký sự Fa-hsien của James Legge trang 89, 90).

Ngài Huyền Trang chiêm bái Bồ đề Đạo tràng vào năm 637, viết rằng về phía Đông cây Bồ đề, có một tháp cao chừng 52 thước, nền tháp độ 20 thước vuông, tường bằng gạch xanh, trét vôi chu nam: các khám tượng của mỗi tầng đều thếp vàng. Bốn mặt tường đều đầy những tượng khắc rất đẹp; chỗ này là hình ảnh những chuỗi ngọc dài, chỗ kia những vị tiên. Ngọn tháp là một trái Amlak bằng đồng thếp vàng. Mặt phía đông, có một tòa lầu 3 tầng và các mái hiên, cột trụ và cột nhà cùng cửa lớn và cửa sổ đều được trang hoàng với những ảnh tưởng bằng vàng hay bạc, với ngọc ngà đính vào tượng và các kẽ hở. Những phòng âm u và những dãy hành lang bí mật đều có cửa mở vào trong những tầng lầu. Về phía mặt và phía trái đều có tượng đức Bồ tát Quan thế âm và tượng đức Bồ Tát Di-lặc. Nhưng tượng này đều bằng bạc và cao độ 3 thước tây. Tại chỗ tháp hiện tại, vua A Dục ban đầu có lập một ngôi chùa nhỏ, về sau có một người Bà-la-môn lập lại một ngôi khác to rộng hơn nhiều (Beal's Hsuan-Tsang. Tập 11 trang 118, 119).

Theo ông Alexander Cunningham, ngọn tháp mà ngài Huyền Trang miêu tả chính là ngọn tháp hiện tại, không còn nghi ngờ gì nữa, dầu có sửa chữa và thay đổi. (Cunningham's Maha Bodhi, trang 18).

Dầu chúng ta không tìm thấy một lịch sử liên tục về Bồ đề Đạo tràng trong thời cổ nhưng những tài liệu tìm được cũng chứng tỏ ngôi tháp đó là của Phật tử xây dựng, cho đến khi giặc Hồi giáo chiếm cứ vào khoảng thế kỷ thứ 19 sau T.L. Và tất cả những sự sửa sang thay đổi, không những chỉ do Phật tử Ấn Độ đảm nhận, mà Phật tử Tích Lan, Miến điện và các nước khác cũng có dự phần. Như vậy, Bồ đề Đạo tràng không phải là của riêng một tôn phái nào mà chính là thánh tích công cộng của Phật tử thế giới.

Theo lịch sử, Tích Lan có liên quan với Bồ đề Đạo tràng từ khi vua A Dục cử đại đức Sanghamitta qua Tích Lan với một nhánh Bồ đề. Và vua Meghavana có lập một ngôi chùa tại Bồ đề Đạo tràng vào năm 330 để các vị tu hành Tích Lan và khách thập phương đến chiêm bai. Vào khoảng năm 1079 Phật tử Miến Điện sửa sang lại cả ngôi tháp và dãy tường bao bọc chung quanh. Một vị Tỳ kheo tên là Dham Marakkhita vào năm 1100-1200 có trùng tu lại và phí tổn đều do vua Asokamala, vua xứ Sapadalaksha chịu. Đến năm 1298, Phật tử Miến điện lại trùng tu chỗ ấy một lần nữa.

Một bia đề năm 1202 được tìm thấy tại Janibigha ở Bihar có chép một làng được dành riêng để tu bổ và cúng lễ Kim Cang tòa tại Bồ đề Đạo tràng và làng ấy do vị Tỳ kheo Mangalaswami người Tích Lan quản lý.

Những tài liệu trên chứng tỏ ít nhất cho đến thể kỷ thứ 12 sau Tây lịch, Bồ đề Đạo tràng còn thuộc về hoặc Phật tử Tích Lan, hoặc Phật Tử Ấn độ và chỉ khi quân Hồi giáo đến chiếm cứ, Bồ đề Đạo tràng mới bị bỏ hoang, không người chăm sóc cho đến khi ông Mahant đến tại chỗ này.

Vào khoảng năm 1590 một vị tu hanh người Ấn tên Gosin Ghamandi Gir đến tại làng Buddhagaya. Vì mến cảnh thanh tịnh ông đã quyết định chọn chỗ ấy làm nơi trú ẩn lâu dài. Ông dựng một ngôi đền nhỏ gần nơi tháp chính và tụ họp được một số đệ tử. Theo thời gian, ngôi đền ấy càng được hưng thịnh. Trải qua một vài trăm năm trở thành Math (đền nhỏ). Ông Mahant hiện tại là người kế vị thứ 13 từ ông Ghamandi Gir. Chính trong đời ông Mahani Lal Gir mà Math của ông Mahant được mở rộng thêm ra. Làng Mittipur Taradih đều được vua Hồi giáo ở Delhi cho ông ta. Nhưng nên để ý rằng không gì làm chứng là ông Mahant có quyền sở hữu về ngôi tháp, vì khi ấy ngôi tháp bị đổ nát, không ai sửa chữa lại.

Đến năm 1811, quốc vương Miến Điện đến chiêm bái và sau vua Ava cứ hai đại biểu đến tìm lại Bồ đề Đạo tràng cùng các thánh tích kế cận, nhờ các kinh sách Phật giáo.

Bác sĩ Buchannan Hamilton nha khoa có chức danh đến thăm Buddhagaya vào năm 1812. Ông thấy ngôi tháp chính hoàn toàn hoang phế và rõ ràng ông Mahant không để ý gì đến tháp Maha Bodhi.

Đến năm 1833, vị Đại sứ Miến Điện tên là Mengy Maha Chesu cùng với tùy tùng đến thăm Bồ đề Đạo tràng. Ông tìm được một bia khắc tiếng Pali bằng chữ Miến Điện tại chỗ ấy. Dưới đây là bản dịch: "Đây là một trong số 84.000 ngôi tháp do vua A Dục, vua cõi Diêm Phù Đề dựng lên để kỷ niệm nơi Ngài thành đạo sau khi đã dùng sữa và mật ong vào khoảng 218 năm sau khi Ngài nhập Niết Bàn (326 trước T.L)". Theo thời gian ngôi tháp đó bị đổ nát và được một vị tu sĩ tên là Nai-kamahanta trùng tu, rồi bị đổ nát, rồi lại được vua Sadomang trùng tu. Sau một thời gian cũng lại bị đổ nát cho đến khi vua Sewpyu Sakhetaramangyi cử vị sư phụ của mình tên là Dhammarajagune quản đốc công việc tu bổ ngôi tháp ấy. Vị này cùng với đệ tử tên là Kasyapa bắt đầu trùng tu ngôi tháp, nhưng không thể hoàn thành, dầu được nhà vua giúp đỡ rất nhiều. Về sau đại đức Varadasi Naik yêu cầu vua tự đứng lên quản đốc. Vua bằng lòng và cử Thái Tử Pyusa Kheng và vị Bộ Trưởng tên Ratha đến trùng tu. Như vậy, ngôi tháp được sửa lại lần thứ tư, và đến ngày thứ sáu tháng 10 lịch Pyadola, năm thứ 667 đời vua Sakharaja (1306 sau T.L) thì hoàn thành. Lễ khánh thành cử hành rất long trọng, trong lễ có cúng dường thức ăn, hương đèn, danh mộc; Kalpa Virikha và người nghèo cũng được bố thí như con vua vậy. Như vậy lễ khánh thành được cử hành với nhiều công tác từ thiện. Công đức ấy là những phần thưởng vĩnh viễn cho những vị trùng tu. Họ sẽ được sống trong danh vọng an hưởng Niết bàn tịnh lạc và trở thành A-la-hán trong đời Đức Phật vị lai, đức Di lặc.

Đến năm 1874, một vua Miến Điện cử một phái đoàn đến yết kiến chánh phủ Ấn với nhiều tặng vật quí giá cho cây Bồ đề và yêu cầu Chánh phủ giúp đỡ cho những vị đại biểu thay mặt chiêm bái thánh tích này. Vua cũng nêu rõ ý muốn sửa sang lại chung quanh cây Bồ đề và cử đại biểu ở luôn gần cây ấy. Vua Miến Điện cũng mong mỗi năm, một hay hai lần, dân chúng Miến Điện được phép đến cúng dường cây Bồ đề. Lời yêu cầu của vua Miến Điện được gởi đến cho ông Mahant và ông này chấp thuận. Liền sau đó, các đại biểu đến chiêm bái và tường thuật cho vua Miến Điện. Giá tiền và bảo vật bằng vàng, bạc, trị giá đến 60.000Rs (độ 900.000 đồng V.N). Vua Miến Điện bảo ông Mahant phải dựng một ngôi tháp Paribhoga để cất các vật châu báu ấy, do vua chịu phí tổn, nhưng ông Mahant lại lấy làm của riêng.

Sau khi phái đoàn về đến Miến Điện, bộ Ngoại giao Miến Điện có gởi cho ông Toàn quyền vào ngày 18 tháng 8 năm 1875 yêu cầu được phép sửa sang chung quanh cây Bồ đề, trùng tu ngôi tháp do vua A Dục lập nên, xây bức tường để đỡ một nhánh Bồ Đề, phía tay mặt, sửa tất cả những đền đài đổ nát trong phạm vi cây Bồ đề, lập gần câ Bồ Đề một ngôi chùa có thể trú được độ 20 vị tu hành., để hành lễ như thắp đèn, cúng dường hoa và nước, xây một bức tường bao chung quanh ngôi chùa ấy, thuê người ở tại chỗ để giữ gìn và cung cấp vật dụng cho chùa; lập một tháp Paribhoga để cất những vật do vua cúng dường. Ông Mahant thỏa thuận để công việc trùng tu được tiến hành, và vua Miến Điện đã chi phí một số tiền khá lớn trong việc này. Nhưng công việc làm không được tiến hành một cách khả quan. Sau Chính phủ Ấn phải cử ông Alexander Cunningham và Bác sĩ Rajentralal Mitra quản đốc việc tu bổ. Trong khi ấy, chiến tranh giữa nước Anh và Miến Điện bùng nổ. Do đó, việc trùng tu ngôi tháp đáng lý dưới quyền quản đốc của đại biểu vua Miến Điện lại đặt dưới quyền ông Mahant và Chính Phủ Ấn.

Chính phủ tiếp tục sửa chữa ngôi tháp chi phí đến 100.000 Rs (độ 1.500.000 đồng VN). Tất cả được sửa chữa xong. Chính phủ cử ông Maddox quản đốc, một tháng phải đến thăm một lần, để xem những gì ngôi tháp ấy cho Phật tử. Ông cũng viết thư cho các nước Phật giáo, yêu cầu để tâm đến vấn đề này. Lời yêu gọi của ông không được một ai hưởng ứng, cho đến khi Ngài Anagrika Dharmapala tự đứng lên đảm nhận trọng trách ấy vào năm 1891. Thật là một ngày lịch sử khi ngài Dharmapala đến tại Bồ đề Đạo tràng và đảnh lễ cây Bồ đề tôn quí, vào ngày 21 tháng 1 năm 1891. Ngài Dharmaplala chép trong nhật ký như sau: "Tôi đến với ông Durga Babu và Bác sĩ Chetteijee tại Budhagaya, nơi tôn quí nhất của Phật tử. Sau khi đi độ 6 dặm Anh, chúng tôi đến tại thánh tích. Trong khoảng một dặm Anh, chúng tôi có thể thấy những tượng của đức Từ phụ chúng ta lăn lóc chỗ này chỗ kia. Tại ngôi đền của ông Mahant hai bên cửa có những tượng Thế Tôn đang thiền định hay đang thuyết pháp. Ôi! Tôn nghiêm làm sao ngôi tháp quí báu này! . Đức Thế Tôn ngồi trên pháp tòa và sự tôn nghiêm tỏa khắp làm cho đệ tử thành phát khóc. Ôi sung sướng biết bao! Khi vầng trán của tôi chạm đến Kim Cang tòa, một ý niệm phát ra rồi đánh mạnh vào tâm trí tôi. Ý niệm ấy bảo tôi dừng lại đây và gìn giữ Thánh tích tôn nghiêm này, tôn nghiêm đến nỗi không gì trên đời có thể sánh bằng, vì đây là chỗ mà dưới gốc Bồ đề Thái tử Tất-đạt-đa đã giác ngộ. Tôi lượm một vài ngọn lá và một ngọn cỏ hình dáng rất đặc biệt. Khi một ý niệm đột nhiên đến với tôi, tôi hỏi vị tu sĩ người Nhật tên Kozen có bằng lòng ở lại đây với chúng tôi không? Vị này hoan hỉ bằng lòng. Và hơn thế nữa, vị này cũng nghĩ như tôi. Cả hai chúng tôi thề một cách trịnh trọng quyết ở lại đây cho đến khi một vài tu sĩ đến và quản đốc Thánh tích này" (Ngày 22 tháng 1 năm 1891).

Sau khi đi chiêm bái về đến Tích Lan, ngài Dharmaphala tổ chức một cuộc họp công cộng do ngài Sumangala làm chủ tọa vào ngày 31 tháng 6 năm 1891. Trong buổi họp này, hội Maha Bồ đề được chánh thức thành lập với mục đích lấy lại Bồ đề Đạo tràng và truyền bá chánh pháp tại Ấn độ. Đại đức Samangala được cử làm Chánh hội trường và ngài Dharmapala, làm Chánh thư ký.

Đến tháng 7 năm 1891, ngài đến tại Bồ đề Đạo tràng với 4 vị tu hành và để 4 vị này ở lại. Ông Hemnarayan Gir, vị Mahant lúc bấy giờ, có cảm tình với công việc của ngài Dharmapala và cầu chúc công việc được sớm thành tựu. Về sau, vị này miễn cưỡng cho phép tạm dùng một mẫu đất nhỏ để dựng tại một nhà tạm trú cho những Phật Tử chiêm bái. Không may vị Mahant này từ trần và ông Krishna Dalyal Gir lên thế, vào ngày 4 tháng 2 năm 1892. Khi vị này lên chức Mahant, các nỗi khó khăn bắt đầu xảy ra. Vì vị này không có cảm tình với công việc của ngài Dharmapala, và đã trở thành một địch thủ.

Sau khi dự hội nghị tôn giáo ở Chicago về, vào năm 1893, Đại đức Dharmapala đem từ Nhật Bổn về một ngôi tượng Phật rất đẹp. Tượng này, các Phật tử Nhật Bản muốn ngài đem thờ tại tầng trên ngôi tháp ở Bồ đề Đạo tràng. Ngày 25 tháng 2 năm 1895, ngài Dharmapala thân hành thỉnh bức tượng ấy lên trên lầu. Sau khi an vị tôn tượng xong, ngài đảnh lễ và ngồi quán tưởng. Liền khi ấy, những người của ông Mahant đến và quăng bức tượng ấy xuống. Một số người cùng đi với ngài Dharmapala đang lễ Phật cũng bị đánh đập. Một người bị thương khá nặng. Do cuộc hành hung này, mà xảy ra một vụ kiện giữa ngài Dharmapala và ông Mahant. Tại tòa án đệ nhất và nhị cấp, ngài Dharmapala thắng kiện, nhưng đến tòa thượng thẩm thì ông Mahant lại thắng. Ở đây, cũng cần để ý rằng các quan tòa đều biết ngôi tháp ấy hoàn toàn thuộc về Phật tử. Nhưng vì vụ kiện này thuộc về hình, nên không bàn đến ngôi tháp thuộc sở hữu của ai. Một quan tòa trong khi biện luận ở tòa đã nói: a) Ngôi tháp ấy thường xuyên và tiếp tục được các Phật tử đến chiêm bái và hành lễ. b) Không có một hình thức lễ bái nào của Ấn Độ giáo được cử hành trong ngôi tháp ấy, và không có gì để chứng tỏ những lễ nghi Ấn Độ giáo có cử hành tại đó, trải qua nhiều thế kỷ, từ đời vua Sankara. Chỉ từ tháng 7 năm ngoái, mới có sự cố gắng hành lễ theo nghi thức Ấn độ giáo trước hình ảnh đức Phật đặt tại khám thờ ở tầng dưới. Những cuộc hành lễ này rõ ràng là do ông Mahant và các đệ tử cuả ông ta xúi giục. Bắt đầu từ đó, như người quản đốc ngôi tháp ấy đã khai, một vị tu sĩ Bà-la-môn dưọc dùng để thắp đèn trước bức tượng, đánh chuông, lau ngôi tượng và chỗ thờ tự, đánh dấu Tilak trên trán, đeo một chiếc áo trên mình tượng và trang điểm bông hoa trên đảnh. Vị quản đốc cũng là một người Bà La Môn thuộc giai cấp cao nhất, khai rằng những nghi lễ ấy chưa phải thật nghi lễ Ấn Độ giáo. Nên để ý rằng, dầu những nghi lễ này được cử hành nhưng ông Mahant hay đệ tử của ông ta không có một ai đến hành lễ trong tháp ấy. Tất cả nghi lễ Ấn Độ giáo chỉ bắt đầu từ năm ngoái, sau khi ngài Dharmapala đặt tượng Phật Nhật Bổn ở tầng lầu trên của ngôi tháp, và sau khi thẩm vấn kỹ các sự kiện, chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa mà không quyết đoán rằng: những nghi lễ ở Ấn Độ giáo được cử hành ở đây chỉ là một âm mưu để ông Mahant có quyền xen dự vào những hành động của hàng Phật tử đối với ngôi tháp và để tăng cường quyền sở hữu cuả ông ấy để hưởng những đồ vật cúng dường tại đó.

Vị quan tòa thượng thẩm ở Calcutta, sau khi nghe lời khai, có tuyên bố: "Chúng ta có thể công nhận rằng tháp Ma-ha Bồ đề là một ngôi tháp cổ kính rất tôn quí đối với Phật tử. Nó chính là một ngôi tháp Phật. Và dầu ngôi tháp thuộc sở hữu của các ông Mahant, ngôi tháp ấy cũng chưa được biến thành một ngôi đền Ấn Độ giáo, nghĩa là có những tượng thần Ấn Độ giáo trong ấy và nghi lễ Ấn độ giáo chánh tông được cử hành tại chỗ ấy. Từ trước đến nay các Phật tử chiêm bái đều có quyền tự do đến thăm và lễ bái".

Dầu ngài Dharmapala thua kiện nhưng sự thua kiện đó đã làm cho Phật tử thế giới hiểu rõ được tình trạng nguy khốn của Bồ đề Đạo tràng, nơi tôn quí nhất của Phật tử. Bản án được đăng trên tất cả báo chí và vấn đề Bồ đề Đạo tràng trở thành một vấn đề được bàn tán ráo riết khắp Ấn Độ, Miến Điện và các nước khác. Ngài Dharmapala không có dư tiền để đưa vấn đề này lên Cơ mật viện (Private Council).

Đến năm 1902, một vị tu sĩ Nhật Bổn tên Okakura đến tại Bồ đề Đạo tràng và bắt đầu giao thiệp với ông Mahant để lập một tu viện đại thừa độc lập tại đó. Chính phủ Ấn Độ sợ có ẩn ý chính trị nên công việc không được thành tựu. Dự định của vị sư Nhật đem lại kết quả tai hại cho công việc của ngài Dharmapala, vì Chính phủ Ấn trước đây có cảm tình với công việc của ngài nay sợ những sự khó khăn do Nhật Bổn can thiệp gây nên, và trở thành đối lập, chống lại Phật tử. Nhận thấy chính phủ Ấn đã thay đổi thái đô, ông Mahant mạnh dạn làm đơn kiện ngài Dharmapala vào năm 1906 để trục xuất ngài ra khỏi pháp xá Miến Điện mà từ trước đến nay ngài được yên ổn. Ông Mahant lại được kiện một lần nữa và như vậy là các Phật tử bị trục xuất hẳn ra khỏi Bồ đề Đạo tràng, nơi tôn quí nhất của họ.

Ngài Dharmapala tuy bị thất bại nhưng không thối chí, ngài liền dùng báo chí làm phương tiện tuyên truyền để kêu gọi công chúng can thiệp. Nhờ vậy, những người trí thức tán thành công việc của Ngài Dharmapala và hết sức giúp đỡ cho Phật tử lấy lại Bồ đề Đạo tràng.

Vấn đề Bồ đề Đạo tràng được đem ra bàn cãi tại Đại hội Quốc gia Ấn Độ (Indian National Congress) họp tại Gaya, Belgaon, Coconada và các chỗ khác. Vấn đề cũng được đem ra thảo luận tại hội nghị Hindumaha Sabha họp tại Muzaffapur, hội nghị này ngài Dharmapala có đến dự cùng các Phật tử khác. Đảng Quốc Đại Ấn Độ cử một ban do bác sĩ Rajendra Prasad làm chủ tịch để xét vấn đề này. Sau khi bàn xét kỹ càng, ban này thảo một bản án rất tinh tường và đề nghị lập một hội đồng gồm các Phật tử và Ấn Độ giáo để quản đốc ngôi tháp ấy. Hội nghị Maha Sabha họp tại Cawnpore đề cử một ban khác do ông Bha Paramananda giữ ghế chủ tịch. Ban này cũng nghiên cứu vấn đề ấy rất kỹ lưỡng và cũng có một đề nghị tương tự như ban trước. Các đề nghị đều không được thi hành vì ông Mahant phản đối.

Sau khi Ấn Độ được độc lập, vấn đề này được đem ra bàn cãi và cuối cùng Chính Phủ Ấn Độ đứng ra can thiệp và giao quyền quản đốc ngôi tháp Bồ đề Đạo tràng cho một ban gồm 11 người, năm người Phật tử và năm người Ấn Độ giáo trong này có ông Mahant và một vị chủ tịch do Chính phủ Ấn đề cử để quản đốc ngôi tháp. Ông Mahant không có quyền sở hữu gì nữa, chỉ là một hội viên trong ấy thôi. Từ khi Bồ đề Đạo tràng được giao lại cho ban ấy quản đốc thời mọi việc tiến hành thuận tiện cho Phật tử. Không những cử người tu bổ và coi sóc, Chính phủ Ấn còn khuyến khích các nước Phật giáo đến lập chùa xung quanh ngôi tháp ấy đề tiện cho khách thập phương đến chiêm bái. Hiện có một ngôi chùa Miến Điện, một pháp xá Tây Tạng, một Hội quán của hội Ma-ha Bồ đề, một ngôi chùa Trung Hoa tên là Trung Hoa Đại giác tự; chính phủ Thái Lan hiện đã xây cất xong một ngôi chùa rất lớn và cử nhiều vị sư Thái qua chăm sóc. Tất cả các nước Phật giáo đều đang dự trù cất chùa để tiêu biểu cho nền Phật giáo của nước mình. Bồ đề Đạo tràng trong tương lai rất gần sẽ là trung tâm của Phật giáo quốc tế. Ấy là sự hy vọng của toàn thể Phật tử trên thế giới khi đến chiêm bái tại Thánh tích này.

Lộc Uyển (Sarnath)

"Núi dài sông rộng trời cao,
Thuyền tôi vượt sóng tiến vào bờ xa".
(Qua sông Hằng của Phật Thích Ca).

Sau hai ngày chiêm bái các Phật tích quan trọng nơi đức Thế Tôn hành đạo, chúng tôi rời khỏi Bồ đề Đạo tràng (Buddhagaya) lúc 5 giờ chiều trong bầu không khí thân mật và đoàn kết giữa các đại đức Thái Lan và chúng tôi.

Trực chỉ đến thành phố Gaya trong lúc trời vừa tối sẫm, chúng tôi cảm thấy thiếu thốn ánh sáng và bị mất đi những vật gì quý báu nhất của đời tu sĩ chúng tôi. Hình ảnh Bồ đề Đạo tràng, sông Ni-liên-thiền (Néranjara), Khổ hạnh lâm (Dukkarakrya) và những mái chùa hiền dịu cứ hiện rồi ẩn, ẩn rồi hiện trong tâm trí chúng tôi. Tôi thầm cầu nguyện "Kính lạy đức Thế Tôn, đã chứng kiến các cảnh tu hành đầy gian khổ của Ngài, chúng tôi còn một trong những chúng sanh được thấm nhuần đạo lý mà Ngài tìm được dưới cội Bồ đề, xin nguyện sẽ noi gương sáng và thực hành đạo pháp cuả Ngài, trọn đời hiến thân cho đạo để phụng sự Chánh pháp và phục vụ chúng sanh. Xin Thế Tôn từ bi chứng giám".

Trên đoạn đường này, có thêm một vị sư Cam Bốt và hai đạo hữu cư sĩ, cũng đi từ Bồ đề Đạo tràng đến nhà ga, trên những chiếc xe Rikhsoh (như xe lôi bên ta). Đêm nay chúng tôi phải ở tại ga để chờ tàu đi Sarnath.

Vào lúc 5 giờ sáng, chúng tôi tất cả không ai gọi ai đồng thức dậy. Thượng tọa Minh Châu đi lấy vé tàu, còn chúng tôi chuẩn bị hành lý. Rất tiếc là thầy Ghosànanda không thể tiếp tục đi với chúng tôi! Đoàn chỉ còn Thượng tọa Minh Châu, thầy Thiện Châu, thầy Pàsàdika và chúng tôi. Đúng 7 giờ 20 phút, tàu bắt đầu chuyển bánh. Lòng chúng tôi hòa vui với tiếng chuyển động khi nhặt khi khoan của tàu.

Ánh bình minh xuất hiện, bầu trời trở nên quang đãng, cảnh vật xinh tươi. Con tàu mang chúng tôi lướt qua hết cánh đồng xanh tươi bát ngát này, đến làng xóm cũ kỹ xa xưa nọ. Cảnh lạ cứ tiếp diễn mãi trước đôi mắt đăm đăm nhìn của chúng tôi. Đây là con sông Hằng (Gange), một con sông lịch sử, cát trắng mịn; Phật tử Việt Nam không ai mà không nghe đến tên con sông này qua các kinh điển. Khi Phật thuyết pháp, Phật thường đem cát sông Hằng thí dụ cho con số không thể đếm được, như nói hằng hà sa số thế giới, hằng hà sa số chư Phật.

Tàu chạy qua nhiều thành phố lớn có, nhỏ có, cũ có, mới có... Kìa là Kàsi, một thành phố vĩ đại gần thành Ba-la-nại rồi đến ga Vàrànasi. Chúng tôi xuống ga này và nghỉ lại đây để tắm rửa, rồi sang xe Rikhsoh đi thẳng về Sarnath cách ga độ 10 cây số. Hai bên vệ đường cây cối um tùm mát mẻ, nhà cửa đồ sộ nguy nga. Thượng tọa Minh Châu nói: "Đây là Sarnath, nơi đức Phật chuyển Pháp luân đầu tiên và độ 5 vị Tỳ kheo".

Nhìn kỹ, chúng tôi thấy nhiều ngôi chùa đồ sộ, nhiều di tích lịch sử vĩ đại... Sarnath (Lộc vương) là tên mới thay cho Migadàya (Lộc Uyển) hay Rishipatana. Đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên tại đây. Do đó, Sarnath là thánh tích quan trọng bậc nhì sau Buddhagaya. Sarnath và Buddhagava được xem là bất động xứ. (Acalaceliyas) vì tất cả các đức Phật đều dùng hai chỗ này, một chỗ để thành đạo, một để thuyết pháp lần đầu tiên. Dưới đây là những nơi quan trọng tại Sarnath:

1. Mùlàgandhakuti Vihara.
2. Tháp Dhamek.
3. Khu vực được đào.
4. Viện Bảo tàng.
5. Thư viện Mùlàgandhakuti Vihara.
6. Trường học và nhà thương thí của Hội Ma-ha Bồ đề.
7. Tháp Choukhanda.
8. Arya Dharma Sangha Dhàmasàlà.

1. Mùlàgandhakuti Vihara

Sau khi sắp đặt chỗ ở tại khách xá xong, chúng tôi liền đến viếng chùa Mulàgandhakuti. Bước đến cổng chùa là nhìn thấy hình pháp luân hai bên trụ ngõ. Tôi nhớ lại lời đức Phật dạy trong các kinh: "Pháp luân thường chuyển huệ tâm khai". Thật vậy, chỗ nào giáo pháp được truyền ba thì chỗ ấy chúng sanh được mở mang trí huệ và tâm tính thuần hậu. Đi sâu vào là một ngôi chùa mới, được dựng vào năm 1931 do ngài Dharmapala và đệ tử của ngài. Đây là một thánh tích cao quí trang nghiêm nhất cuả ngài Dharmapala đã nhiều năm cố gắng phục hưng Phật giáo tại Ấn độ.

Tiến vào chánh điện, chúng tôi gặp 3 vị sư Cam Bốt cũng đi chiêm bái. Hai bên chào hỏi nhau rất niềm nở và thân mật. Xung quanh chúng tôi là du khách Âu, Mỹ, Ấn v.v... tấp nập ra vào chiêm bái và viếng cảnh.

Lên điện Phật, theo thường lệ, chúng tôi dâng hương thắp đèn, lễ bái tụng niệm và nhất tâm nguyện cho Phật tử Việt Nam tu học tinh tấn và pháp giới chúng sanh đều hướng về đạo giải thoát. Sau đó quan sát kỹ, chúng tôi biết rõ ngôi chùa làm bằng đá Chunar. Tháp chùa làm theo kiểu Buddhagaya, thêm một căn dài với một dãy cột từ cửa bước vào. Trước điện Phật có một quả hồng chung rất lớn thếp vàng, do hội Nhật Bổn tặng trên tường phía trái và mặt có bảng đá cẩm thạch ghi tên những vị thí chủ cúng tiền xây dựng ngôi chùa. Ở trong điện Phật rất giản dị, không trang hoàng rườm rà; chỉ có một tượng Phật chính giữa tạc theo kiểu tưọng chuyển pháp luân lại Bảo tàng viện. Trên tường là những bức tranh diễn tả đời sống Đức Phật do một họa sĩ Nhật, ông Kosetsunosu vẽ theo các tượng vẽ ở động Ajanta, phí tổn đều do ông B.L. Broughton, nguyên Hội trưởng Hội Maha Bồ đề ở Anh quốc chịu. Trong chùa có thờ Xá Lợi của đức Phật. Chính phủ Ấn có chuyển tặng cho chùa những Xá lợi tìm thấy ở Taxila, Nagarjuni Konda. Tại đây, hằng năm vào ngày khánh thành ngôi chùa, Xá lợi đức Phật được rước qua những con đường chánh tại Sarnath. Những đám rước này gồn có những đức Phật tử các nước Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bổn, Triều Tiên, Thái Lan cho đến các nước Âu Mỹ cũng đến tham dự.

Trong những ngày ở tại Sarnath, sáng nào chúng tôi cũng đến lễ Phật tại ngôi chùa này, vì chùa không xa chỗ chúng tôi ở lắm, và rất mát mẻ, thanh tịnh.

Viếng chùa, lễ Phật cầu nguyện xong, chúng tôi đến lễ tháp Dhamek trong phạm vi hoa viên của chùa.

2. Tháp Dhamek

Dhamek là chữ viết tắt của chữ Dhama Mukha, nghĩa là suy tưởng Chánh pháp. Không hiểu người xưa xây dựng ngôi tháp này với mục đích gì? Có thuyết nói chỗ này đức Phật phú chúc đức Di Lặc sau này sẽ thành Phật. Ngọn tháp cao độ 32 thước. Phần dưới đều làm bằng những tấm đá chạm trổ rất đẹp. Phần lớn là hình chữ Vạn vẽ theo nhiều kiểu và song song với những hình hoa sen. Tháp có 4 khám thờ, xưa có nhiều tượng nhưng nay không còn nữa. Những tượng bằng vàng ngài Huyền Trang thấy được, chắc đã bị mất cắp rồi. Tháp này bị đục thủng nhiều lỗ và đá quí đã bị lấy ra. Những lỗ này su Viện Bác cổ lấp lại bằng những gạch đá thường. Có một bia ký chứng tỏ vào thế kỷ thứ tư sau T.L., Nhứt thế hữu bộ (Sarvastivàdà) thịnh hành ở Bốn Chiếu, trụ trì chùa này. Chúng tôi tất cả vào phòng khách, hai bên chào mừng vấn an xong. Thượng tọa Minh Châu hỏi qua sự kiến tạo ngôi chùa và cách hành đạo của các Đại đức ở đây. "Nhờ đâu mà ngôi chùa đuợc kiến tạo đồ sộ như thế này?"

Đại đức trụ trì hoan hỉ đáp:

- Phần lớn là nhờ các nhà đạo tâm ở Singapore, phần nhỏ do thiện tín ở đây cúng dường.

- Ngài ở đây bao nhiêu năm?

- 30 năm rồi.

- Ngôi chùa làm xong tốn độ bao nhiêu?

- Độ 40.000 RS (độ 6 triệu bạc Việt Nam).

- Có bao nhiêu đại đức thường trú ở đây?

- Thường trú chỉ có năm vị.

- Được bao nhiêu tín đồ quy y ở ngôi chùa này?

- Người Trung Hoa rải rác khắp Ấn Độ, còn người Ấn thì được vài ba gia tộc, độ 600 người tất cả.

- Công việc hoằng pháp ở đây như thế nào?

- Thỉnh thoảng có giảng kinh thuyết pháp, còn hằng ngày cho lo trì tụng, lễ bái, cúng dường...

Đại đức trụ trì thân mật trao tặng cho chúng tôi mỗi người một quyển kinh Di Giáo (Hán, Anh đối chiếu) và tượng Phật Di Đà phóng quang, Quan Âm, Thế Chí. Đáp lại tấm thạnh tình ấy, chúng tôi có tặng vài ảnh chùa Việt Nam để lưu lại một kỷ niệm sâu sắc và lâu bền. Chúng tôi cáo từ ra về, Đại đức trụ trì tiển ra tận cổng chùa.

Trên đường đi về khách xá, chúng tôi suy nghĩ bàn tán rằng, ở các Phật tích lớn như thế này đều có chùa đồ sộ của Phật giáo các nước. Xem qua ngó lại, chưa hề thấy ngôi chùa Việt Nam nào được dựng lập nơi Phật địa. Thật là buồn tủi! Không nói ai cũng biết rằng Phật giáo đã sống với dân tộc Việt Nam ngót 1.700 năm lịch sử.

Sáng ngày sau, chúng tôi cũng đến chùa Mulàgandhakuti rất sớm để lễ Phật và cầu nguyện, tọa thiền. Suốt ngày chúng tôi tiếp tục chiêm bái nhiều nơi khác.

Mặc dầu rất nhiều lần bị Hồi Giáo tàn phá, nhưng những Phật tích vẫn còn và còn một cách đầy đủ vết tích của ngàn xưa. Chúng tôi đến viếng những tàn tích bị Hồi Giáo phá hoại thấy mà xót dạ đau lòng.

3. Khu vực được đào bới để khảo cổ

a. Tịnh xá Kittoe.Từ Viện Bảo tàng đi về phía bắc, chúng tôi đến khu vực được đào bới. Trước hết chúng tôi thấy Tịnh xá Kittoe. Sở dĩ ngôi Tịnh xá này mang tên Kittoe là vì ông Kittoe đã đốc xuất đào bới tại Sarnath từ năm 1934 đến năm 1937. Chỉ nền của Tịnh xá là còn nguyên vẹn mỗi bề dài đến 33 thước, và có tất cả 28 tăng phòng. Tịnh xá này chắc chắn đã bị thiêu hủy, vì có nhiều bánh, gạo hoặc cơm bị cháy được đào thấy tại chỗ này, cái giếng được thấy ở giữa sân chính là cái giếng của Tịnh Xá.

b. Tháp Sri Dharmaràjikà.Đây chỉ là một mô đất tròn với hồ xung quanh. Tháp này trước kia rất lớn, bằng tháp Dhamek, nhưng bị phá nát (nguyên do sẽ nói sau). Ngài Pháp Hiển vào thế kỷ thứ năm có đến thăm Tháp này và để lại ký sự chứng minh. Vào năm 1794, trước khi Viện Bác cổ được thành lập, ông Jagat Singh, Bộ trưởng của vua Chet Singh ở Ba-la-nại, vì thiếu vật liệu xây dựng thành phố Jagatguni ở Ba-la-nại, đã sai người đến chở gạch và đá ở đây, trong khi đào đá và gạch, ông tìm thấy một cái hộp bằng đá trong đó có một hộp bằng cẩm thạch đựng "Tro" chắc chắn là Xá Lợi đức Phật hay một vài vị Thánh tăng. Không biết dùng Xá Lợi này làm gì, theo tục lệ Ấn Giáo, ông đã làm lễ thả xuống sông Hằng. Như thế Phật tử chúng ta đã mất đi một bao vật quí giá. Biết bao nhiêu ngọn tháp cũng chung một số phận tương tự, trước khi Viện Bác cổ thành lập. Trong tháp này có tìm được bia ký Sthirapala, và Vasantapàla. Ngôi tịnh xá ở Calcutta, do ngài Dharmapala tạo lập năm 1921 cũng lấy tên Sri Dharmàrajikà. Đây là ngọn tháp chính, xung quanh các ngọn tháp khác mới được dựng sau. Chỗ này, có một ngôi chùa gọi là Mulàgandhakuti nghĩa là phòng thơm, chỉ những phòng đức Phật ở. Sở dĩ chùa này có tên ấy vì đó là chỗ Đức Phật ở trong 3 tháng đầu tiên, sau khi Ngài thành đạo Bồ đề.

c. Điện thờ chung quanh có lan can vua A Dục. Bước vào phía sân ngoài của chùa chính, chúng tôi thấy một ngọn tháp nhỏ, xung quanh là lan can bằng đá trơn láng kiểu cách tương tự những lan can của vua A Dục. Nhưng tại sao lại nằm chỗ này thật khó hiểu! Điều đáng chú ý là ngọn tháp chính hiện đứng trên những tháp nhỏ khác được dựng lên từ nghìn xưa, nhưng vì thời gian tháp bị đổ nát, rồi cát bụi chồng chất hết thế kỷ nay đến thế kỷ khác, thành thử trên những tháp cũ ấy lại có những lớp đất rất dày. Về sau những ngưòi khác vì không biết lại dựng những ngọn tháp mới lên trên.

d. Trụ đá vua A Dục:Dưới một mái bằng và bao bọc bởi một hàng rào sắt, chúng tôi thấy được một phần nền của trụ đá do vua A Dục dựng lên là cột trụ xưa nhất được tìm thấy ở đây. Chúng ta có thể tin rằng, chính tại chỗ dựng trụ đá này Đức Phật đã thuyết kinh Dhamma-cakka pavattana cho năm vị Tỳ-kheo, xưa kia cùng tu khổ hạnh với Ngài. Ngài Huyền Trang khi đến thăm chỗ này có nói về trụ đá như sau: "Phía tây năm ngôi chùa, có một tháp đá do vua A Dục dựng lên, đầu đã bị đổ nát nhưng cũng còn 3 bức tường dài độ 30 thước rất trơn láng chẳng khác gì ngọc thạch. Trụ đá đấy chói sáng và long lanh. Những ai đến lễ bái chí thành, tùy theo lời cầu nguyện của mình sẽ thấy những hình ảnh tốt hay xấu ứng hiện. Chính tại chỗ này, Đức Phật sau khi thành chánh giác, bắt đầu chuyển Pháp luân. Phần dưới trụ đá, có khắc hàng chữ như sau bằng tiếng Brahmi: "Đấng Thiên Nhơn sư đã dạy rằng: Giáo hội Tăng Ni không được chia rẽ. Nếu có vị Tỳ-kheo nào phá hoại Giáo hội, vị ấy phải mặc Đại y và ở tại một chỗ thanh tịnh chí thành sám hối". Chỉ thị này phải được tuyên bố khắp nơi cho Giáo hội Tăng chúng và Ni chúng được biết. Hoàng đế ban rằng một chỉ thị như vậy được chạm khắc vào chỗ hội họp, chỉ thị ấy phải được triệt để thi hành". Và đây là chỉ thị thứ hai: "Hàng cư sĩ tại gia mỗi ngày rằm hay mùng một phải đến dự họp kiêm thảo nhau để thêm phần tinh tấn về đạo nghiệp. Và các ngày lễ Phật, các quan chức phải đến dự lễ để được thêm phần tin tưởng về đạo đức. Các cấp Quận, Huyện, Xã dù xa xôi thế nào, cũng phải truyền rộng chỉ thị này theo đúng nghĩa của nó cho dân chúng tuân theo". Trong thời kỳ xâm lăng của Mohammed Ghori, trụ đá này bị xô đổ, nhưng may thay, bảng đá cùng con sư tử khỏi bị phá hủy, được chôn dưới đất cho đến khi Viện Bác cổ đào bới lên được.

e. Chùa Kumara Vihara.Sau khi đi dọc theo một bức tường dày và dài, chúng tôi đến một ngôi chùa gọi là Dharmacakra Jina Vihara. Bức tường trên là vòng ngoài của ngôi chùa. Theo bia ký, chùa này do một bà thí chủ lập nên vào năm 1136 sau T.L. Bà này là vợ vua Govinda, xứ Kannouj. Vì bà ở Nam Ấn Độ, nên nhiều học giả đoán chùa cất theo kiểu Nam Ấn . Tiếc rằng nay chỉ còn một ít gạch, về phía dãy tường, có một vài pho tượng khá đẹp, giúp ta đoán được sự lộng lẫy của ngôi chùa. Chùa này đã bị phá hủy năm 1194. Điều đáng chú ý là bà Kumara Devi là người Phật tử, còn chồng là người theo Ấn giáo.

Sau khi quan sát các khu vực được đào bới, chúng tôi sang Viện Bảo tàng để xem các di tích đã được tàng trữ từ lâu. Ở đây toàn là cổ vật của Phật giáo.

4. Bảo tàng viện

Bảo tàng viện này lập vào năm 1910 theo kiểu một tu viện cũ, để cất chứa những vật đào lên ở Sarnath. Tại nhà chính có trụ đá vua A Dục, trụ đá này được đặt ở chính giữa phòng với hai dãy lan can hai bên. Không một vật cổ nào được tìm thấy ở Ấn Độ có thể sánh với trụ đá này và chỉ được xem trụ đá này cũng đủ thỏa mãn cho cuộc đi chiêm bái lắm rồi. Chính trụ đá này Chính Phủ Ấn độ đã lấy làm Quốc huy cho Chính phủ. Kiến trúc cân đối, sự linh động của các thú vật cùng cách tráng men trơn láng khiến trụ đá được xem là một báu vật nhất nhì trong nghệ thuật điêu khắc. Ông Marshall phê bình những hình vật khắc và tạc trên trụ đá nói: Chúng rất gần với thiên nhiên một cách mãnh liệt và xác thực, được diễn đạt một cách giản dị và kín đáo, hai đặc tánh của những danh phẩm về nghệ thuật tạo hình. Thật sự Ấn Độ không thể tạo những hình điêu khắc khác đẹp hơn hay bằng những hình vật này được. Nhìn trụ đá này thật không biết chán, càng nhìn càng thấy đẹp và càng cảm phục nghệ thuật điêu khắc của Ấn Độ thời xưa.

Tượng Đức Bồ Tát bằng đá đỏ:Tượng này cũng có một trụ đá dựng sau về phía tay mặt của trụ đá vua A Dục, khác với tượng bằng đá trắng, đem từ Chunar và Mitzapur, cách độ 30 dặm Anh. Bia ký sau bức tượng ghi rằng tượng này được làm ở Muthutra và do vị Tăng sĩ tên là Bala đem về vào năm thứ ba đời vua Kaniska đặt tại chỗ xưa kia Đức Phật từng đi qua lại. Về phía bắc có một cái lọng bằng đá, lọng này trước kia đặt sau lưng tượng, để che mưa nắng, lọng rất lớn và chỉ làm với những tảng đá liền thôi.

Tượng Phật chuyển Pháp luân:Tượng này được xem là pho tượng đẹp nhất được tìn thấy ở Ấn độ thuộc về thế kỷ thứ tư hay thứ năm sau T.L. Tượng bằng đá Chunar, trong cử chỉ chuyển pháp luân, giảng kinh Dhammacakkappavattana. Vị tạc tượng đã thành công vì diễn đạt được vẻ giải thoát hoàn toàn trên nét mặt đức Phật. Tiếc rằng mũi và một ngón tay bị gãy mất do giặc Hồi Giáo phá hoại. Tượng đức Phật trùm y che cả hai vai, bệ tượng có khắc hình 5 vị đệ tử của Ngài, giữa có chạm hình Pháp Luân, hai bên có hai con nai nằm giữ. Người đàn bà và đứa con nít ở góc bên trái có lẽ chỉ người cúng dường. Cách giải thích này chưa chắc đã đúng. Pho tượng này sau được tạc lại. Như tượng ở chùa Mulàgandhakuti, hoặc ở chùa Buddhavihara New-Delhi cũng theo kiểu tượng này. Chúng tôi nhận thấy tượng bằng đá đẹp gấp mấy lần những tượng phỏng theo sau này, nhất là những tượng thếp vàng hay làm bằng đồng. Tượng làm bằng đồng có cái dơ là quá bóng láng nên làm hại cho mỹ thuật và sự cân đối trên diện của tượng. Chúng tôi thấy tượng bằng đá linh động hơn tượng bằng đồng hay thếp vàng. Thượng tọa Thích Minh Châu nói: "Đây là tất cả sự tích đặc biệt của đức Phật" và chỉ vào một tảng đá trong Viện Bảo tàng không to lắm, có tạc đủ những sự tích đức Phật, đây là Hoàng hậu Maya nằm mộng; Thái tử đản sanh; lễ tắm Thái Tử; Thái tử cỡi ngựa rời khỏi hoàng cung; cắt tóc; thiền định dưới cội Bồ đề, thuyết pháp lần đầu tiên. Chỉ thiếu sự tích khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Thiếu là vì phần đá tạc sự tích này bị bê rời ra ngoài.

Căn nhà phía sau:Trong một tủ gương để giữa phòng có một tượng Bồ tát Quan thế Âm bằng đá trắng giống như ngà. Tượng tạc rất mỹ thuật. Không có tượng nào trong Viện Bảo tàng có thể sánh được. Tại bức tượng phía tây có một tượng thần Siva rất lớn đang sân si giết một con quỉ. Sự có mặt bức tượng này, chứng tỏ Ấn Giáo đánh cướp dần dần các Phật tích. Phía tay mặt có một bia ký về Bà Kumara Devi, người đã lập ngôi tịnh xá sau cùng ở Sarnath. Tại phòng này có một tấm đá rất đặc biệt khắc sự tích về Khantivàda Jataka, một chuyện tiền thân đức Phật, các cung nữ nhảy múa trước vua, các cung nữ nghe một vị ẩn sĩ thuyết pháp và ẩn sĩ bị chặt tay.

Căn nhà phía Bắc:Tại đây không có tượng nào đặc biệt như ở hai căn trước, các tượng đất phần nhiều bị hư nát, tay chân bị gãy, mũi bị đẽo hư. Quân đội Hồi Giáo không những đốt phá tượng Phật và đẽo nát tai mũi và mắt các tượng Phật nữa. Càng nhìn càng đau lòng. Chúng tôi nghĩ rằng: Tôn giáo đáng lý phải là một sức mạnh khiến người tôn kính thương yêu nhau, nhưng đây trái lại là một sức mạnh ghê gớm, khiến người đâm chém lẫn nhau! Tại căn nhà này cũng có nhiều đồ gốm như ghè, chum v.v... có lẽ đồ này để đựng gạo và các loại ngũ cốc cần dùng trong Tăng viện.

Trên đường về khách xá để thọ trai, chúng tôi ghé lại xem thư viện.

5. Thư viện Mùlagandhakuti

Hội Maha Bồ đề có lập một thư viện khá đầy đủ kinh sách Phật giáo, có cả Kinh tạng chữ Singalese, Miến Điện, Thái và chữ Hán.

Ở đây đặc biệt mỗi vùng đều có một thư viện riêng. Chúng tôi hy vọng Phật giáo Việt Nam ta mỗi cơ quan truyền bá đều có thư viện, để các học giả và dân chúng địa phương học hỏi và nghiên cứu Phật giáo thì quí hóa biết bao!.

6. Trường học và nhà thương thí của Phật giáo

Theo đúng tinh thần lợi tha của đức Phật. Hội Maha Bồ đề đã lập 3 trường học:

a. Trường Hindi Primary.
b. Trường English High school và
c. Trường Dharmapala Kumara Vidylaya.

Những trường hợp này đều do Hội xây dựng và quản trị. Trường kiến trúc rất đồ sộ nguy nga theo lối tân thời, mục đích đào tạo cho con em về trí dục, thể dục và đức dục. Hằng tuần đều có dạy giáo lý bằng chữ Pàli. Nhà thương để cho thuốc thí., hàn gắn vết thương đau khổ cho dân chúng. Hai công tác này của Hội được dân chúng Ấn Độ hoan nghênh nhiệt liệt.

Chiều lại chúng tôi đi viếng một ngôi tháp cổ cách đấy độ hai cây số.

7. Tháp Choukhanda hay Chankhandi

Chỗ này, sau khi Thành Đạo, đức Phật đến gặp 5 vị Tỳ-kheo. Năm vị này trước kia cùng tu khổ hạnh với đức Phật, sau thấy Đức Phật dùn sữa nên bỏ sang đây. Lúc đầy thấy đức Phật đến, năm vị này bảo nhau đừng chào và đừng kính lễ làm gì. Nhưng khi đức Phật lại gần vì kính mến phong độ oai nghi, đức tướng trang nghiêm của Ngài, không ai bảo ai, người thì soạn chỗ ngồi, người thì cầm bình bát, người thì tìm nước rửa chân cho Phật. Sau khi gặp nhau tại chỗ này, đức Phật đưa cả năm vị đến nơi cách đó nửa dặm Anh và thuyết pháp lần đầu tiên.

Choukhanda hiện tại là đống gạch cũ nát, trên ấy là một vọng lầu hình bát giác. Rất có thể xưa là một ngọn tháp, nay chỉ còn là một đống gạch và vọng lâu cao 25 thước. Ông Cunningham, một nhà Bác cổ học năm 1836 có đào thông đến đáy, nhưng không tìm thấy gì. Vọng lâu để kỷ niệm Vua Humàyùn trốn giặc núp ở đây. Gạch cùng kiêu kiến trúc giúp chúng ta đoán vọng lâu này được lập vào thế kỷ thứ hai hay thứ ba sau T.L.

8. Arya Dharma Sangha Dharmasala

Đây là pháp xá của Hội Maha Bồ đề do ông Jugol Kishore Birla cất tặng hội. Ngôi nhà này gồm hai tầng rộng rãi và mát mẻ, có đến 32 phòng cho khách thập phương đến ở, khỏi phải tốn tiền. Suốt thời gian ở Sarnath, chúng tôi lưu trú tại đây, rất đủ tiện nghi. Khi bái biệt, chúng tôi có lưu tặng ảnh chùa Việt Nam để kỷ niệm.

Sarnath được chấn chỉnh lại một cách huy hoàng là nhờ ngài Dharmapala. Ngài tận tâm cổ động và xây dựng lại chỗ này. Do đó, một con đường lớn ở đây mang tên ngài và tượng ngài được xây trước chùa Malàgandhakuti. Nếu mỗi nơi đều có được nhiều người hy sinh vì đạo như ngài, thì lo gì ánh đạo vàng không lan rộng? Để hiểu thêm Phật tích Sarnath quí vị nên đọc phần lịch sử sau đây.

Lịch sử Sarnath

Lịch sử Sarnath bắt đầu từ khi đức Phật đi tìm năm người đồng tu khổ hạnh. Chữ Sarnath không có trong văn chương Pali hay Sanskrit. Chính ra chữ Sarnath, có nghĩa là vị vua của loài lộc, sau gọi tắt là thành Sarnath. Kinh Pàli thường dùng chữ Migadàya hay Isipatana, nhiều khi dùng cả hai Migadàya và Isipatana. Ispatana chữ Sanskrit là Rsipatana nghĩa là chỗ trú của các vị ẩn sĩ. Vì chữ Patana cũng có nghĩa là té ngã, rơi xuống nên ngài Pháp Hiển dịch là chỗ các ngài ẩn sĩ tịnh tu. Theo sự tích thì một số Bích chi Phật nhập diệt trên hư không, rồi thân thể rơi xuống đất. Dầu thế nào, Isipatana cũng là một khu vực quan trọng, gồm cả Isipatana cũng là một khu vực quan trọng, gồm cả Migadàya (vườn Lộc). Các vị tu sĩ thường ở đây để tu tập thiền quán. Còn chữ Migadàya nghĩa là Lộc uyển, là chỗ Vua Ba-la-nại để cho loài lộc được sống tự do, không ai được săn bắn giết hại. Tự nhiên chỗ này trở nên lý tưởng cho những vị ẩn sĩ muốn xa lánh thành thị.

Một chuyện tiền thân rất hay gọi là Nigrodhamiga, có liên quan đến chỗ này, và hàm nhiều ý nghĩa giáo dục, nên chúng tôi xin dịch ra sau đây, những lời thuật của Huyền Trang:

"... Chính chỗ này không xa, tại một khu vườn rộng, có một ngọn tháp. Đây là chỗ Đề-bà-đạt-da cùng với Bồ Tát trong một kiếp đều làm vua loài lộc. Cả hai có chuyện cần phải giải quyết với nhau. Lúc bấy giờ giữa một khu rừng rất lớn, có hai bầy nai, mỗi bầy có 500 con và do hai con Lộc vương quản trị. Để bảo đảm hòa bình, bầy nai tình nguyện: "Chúng tôi sẽ hy sinh mỗi ngày một con nai để Đại vương dùng. Như vậy Đại vương luôn luôn có thịt tươi và chúng tôi có thể kéo dài sự sống". Nhà vua chấp thuận lời đề nghị này, và bảo đánh xe trở về cung. Từ đó mỗi ngày một con Lộc từ một bầy đi đến chỗ Vua ở và chịu chết. Lần lượt bầy này rồi đến bầy khác. Lúc bấy giờ trong bầy của Đề-bà-đạt-đa một con Lộc có mang đến lượt phải chịu chết. Con Lộc này đến trước Lộc vương của mình (Đề-bà-đạt-đa) mà tâu rằng: "Dầu tôi bằng lòng chịu chết, nhưng chưa phải đến phiên con tôi, vậy ngài hãy cho một con khác tôi, khi nào con tôi lớn, chúng tôi sẽ đem hai thân để chịu chết". Lộc vương tức giận quát rằng: "Ở đây có ai mà chẳng biết quí mạng sống?". Con Lọc cái thở dài trả lời: "Nhưng tâu Bệ hạ, Bệ hạ thật không nhân đạo tí nào, thiếu tình thương đồng loại, nếu Bệ hạ giết những gì chưa sanh". Đề-bà-đạt-đa vẫn nhất định không nghe. Con nai nay liền đến tỏ cảnh ngộ khốn cùng cùng của mình cho Bồ tát (Lộc vương của bầy kia). Bồ tát nói với giọng dịu hiền: "Cao quí thay trái tim của người mẹ thương những gì chưa được sống. Hôm nay ta sẽ chịu chết thế cho người. Vì ta không có quyền bắt buộc ai khác phải chịu số phận này...".

Rồi Lộc vương đi đến cung Vua và đặt đầu mình trên bàn đợi người đồ tể cắt cổ! Những người đi đường hay chuyện ấy, truyền tin cho nhau và nói rằng: "Lộc vưong thật là kỳ diệu". Dân chúng cùng các quan viên vội vã đến xem. Khi nghe tin này, Vua không tin là sự thật. Nhưng đến khi người thị vệ vào tâu lại sự thật là thế, nhà vua mới tin. Đoạn vua hỏi Lộc vương rằng: "Tại sao ngươi lại đến đây?". Lộc vương tâu: "Một con Lộc mang đến lượt phải chết, tôi không nỡ lòng nào để một con Lộc chưa phải sinh phải chịu chết oan, nên tôi đến thay thế cho con Lộc có mang ấy". Vua nghe rồi thở dài và nói rằng: "Ta thật có một thân người, nhưng không giống như con Lộc, trái lại con Lộc này tuy mang thân Lôc nhưng có những điều khác lạ hơn loài người". Nhà Vua thương xót cam động và tha cho Lộc vương, không bắt buộc mỗi ngày phải nạp một con Lộc nữa. Vua để cả khu rừng cho loài Lộc ở và vì thế khu rừng này được gọi là khu rừng của loài Lộc (Lộc uyển. Migadàya)".

Câu chuyện trên đây cho ta rõ nguyên thủy tên gọi của chỗ này. Thật là xứng hợp. Từ đó khu rừng này trở thành một địa điểm tốt đẹp, an lành của loài Lộc, cho đến thời đức Phật. Những tượng tả các sự tích trong đời sống đức Phật đều có vẽ hai con Lộc hai bên, ở giữa là Pháp luân. Hiện nay còn có một đàn Lộc ở sau chùa Mulagandhakuti. Chúng tôi có đến xem và chụp ảnh kỷ niệm.

Như đã nói ở trên, đức Phật an cư 3 tháng đầu tiên tại chỗ này, sau khi Ngài đắc đạo, Sarnath hình như không phải là chỗ thường trú của đức Phật và các đệ tử thân tín của Ngài. Có thể Ngài chỉ đến thăm hai hay ba lần sau khi chuyển pháp luân. Nhưng các đệ tử Ngài thường đến tu hành tại chỗ này. Điều chắc chắn là cuối thế kỷ thứ tư trước T.L Sarnath trở thành một nơi rất quan trọng. Khi Vua A Dục lên ngôi, chỗ này trở thành một địa điểm rất thạnh hành của Phật giáo. Vua A Dục có dựng nhiều trụ đá để kỷ niệm, nhưng tiếc hiện nay không tìm thấy, trừ trụ đá đã nói trên kia. Sau Vua A Dục, chúng ta không được biết lịch sử nối tiếp của Sarnath. Chỉ khi ngài Pháp Hiển đến thăm vào thế kỷ thứ năm, chúng ta mới biết được thêm. Theo ngài Pháp Hiển, Sarnath là một nơi phồn thịnh. Như vậy chắc một vài thế kỷ trước cuộc chiêm bái của Ngài, chỗ đó là nơi phồn thịnh, nhưng có lẽ là thời kỳ phồn thịnh nhất là vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba và thứ bảy (250-650 sau Tây Lịch) như những tượng đá và phần nhiều những đồ chạm khắc đều thuộc về thời đại trên. Hầu hết những tháp chưa được đào lên đều chứng tỏ các vật dụng dùng làm chùa tháp cùng các bia ký tìm được cũng đều thuộc về thời đại này. Chỉ trừ cột trụ của vua A Dục là dựng lên vào năm 250 trước T.L. và ngôi chùa của bà Kumara Devi là dựng lên vào năm 1192 sau T.L.

Vào thế kỷ thứ sáu, Mihircula, giặc Hung nổi lên, tàn phá chỗ này, nhưng theo ký sự của ngài Huyền Trang thì hình như vào thế kỷ thứ bảy, chỗ này được sửa sang lại tất cả, vì ngài không nói gì đến những dấu vết tàn phá. Những thế kỷ sau, cũng không có gì đáng kể, chắc chỗ ấy vẫn được thịnh vượng. Đến thế kỷ thứ 10, Sarnath bắt đầu bị suy tàn, và dầu có nhiều Phật tử cố gắng phục hưng, nhưng không có ảnh hưởng mấy. Bà-la-môn càng ngày càng bành trướng mạnh, và đồ đệ Bà-la-môn giáo bắt đầu lập những đền thờ tại chỗ này. Đến thế kỷ thứ hai, lại bị vua Mahmud Gaznavi đến cướp phá và cuối cùng là bị ông Kutbuddin, một tướng của vua Mahmud Ghrori đến cướp phá tất cả những gì còn lại của Sarnath. Từ đó Sarnath hoàn toàn bị hoàn cảnh chi phối nên các Phật tử bỏ phế, các tháp chùa bị phá đổ, chỉ trừ hai tháp chính nói trên.

Từ thế kỷ ấy đến thế kỷ thứ 17, chúng ta không biết gì đến lịch sử Sarnath, chắc chỗ ấy hoàn toàn bị hoang phế, dân chúng không dám lui vãng. Năm này qua năm khác, những trận cuồng phong mang cát bụi đến chồng chất lên, bao phủ Sarnath. Cây cối mọc lên đến nỗi toàn cảnh bị chôn lấp dưới cỏ cây um tùm. Đến khi những nhà khảo cổ đến đào bới để tìm di tích, chúng ta mới được biết đến Sarnath. Đầu năm 1834, Tướng Makenzie đến đào lại chỗ ấy gặp nhiều di tích. Rồi đến nhà khảo cổ Alexander Cunningham, người đã phải xuất tiền riêng để đài thọ cuộc tìm kiếm. Những vật ông ta tìm được cất tại Viện Bảo tàng ở Calcutta. Nên biết rằng thời ấy một số tượng cùng gạch đá ở Sarnath đều đem về làm trường Queen College, cầu Duncan và nhà ga Benarès. Chỉ một cầu Duncan cũng đã dùng đến 48 tượng đá lắm rồi. Bắt đầu năm 1851, ông Kittoe đến đào, tìm lên được ngôi chùa và đặt tên là chùa Kittoe. Năm 1905, Viện Bác cổ đào lên những di tích đã được nói trên.

Nhưng tất cả công nghiệp trên chỉ khiến cho một số học giả được biết đến Sarnath, còn dân chúng nhất là Phật tử bốn phương không một ai nghĩ đến Phật tích quan trọng này. Phải đợi đến khi ngài Dharmapala đến tại chỗ này, vào năm 1891, mới có một cuộc phục hưng Phật giáo thật sự. Khi ngài đến, Sarnath là một chỗ đầy những cây dại, và là chỗ nuôi súc vật, nhớp nhúa đến nỗi ngài không dám đặt chân vào. Ngài quyết định phục hưng lại chỗ này. Trước hết ngài mua một mảnh đất, do mẹ ngài bà Kakkika Hewavitarne Lamtani cúng tiền, để làm chỗ dựng chùa hiện tại, rồi ngài lại mua thêm một miếng nữa do vua Raja Bhinga cúng tiền. Ngài còn có ý định mở một lớp giáo dục tân tiến, kỹ nghệ hóa để chấn chỉnh nông nghiệp. Nhưng các sự nghiệp của ngài phần lớn bị thất bại, vì lúc bấy giờ dân chúng phản đối những gì mới mẻ do ngài chủ trương.

Tuy nhiên ngày nay chúng ta thấy ngài đã dựng được ngôi chùa Mulàandhakuti, lập được nhiều trường học cho dân chúng, mở cửa nhà thương thí v.v... Chính những công nghiệp này thức tỉnh các Phật tử tự tích cực hoạt động mãi cho đến ngày nay và phục hồi một phần nào những hưng thịnh đầu tiên của ngài Dhamapala thật lớn lao đối với cuộc phục hưng Phật giáo ở Ấn độ.

Công việc chiêm bái Sarnath như vậy là xong, chúng tôi chuẩn bị hành lý trở lại Ba-la-nại. Đến Ba-la-nại, chúng tôi viếng Đại học đường Sanskrit, thuộc tiểu bang U Pradesh. Tăng sĩ các nước tòng học độ 25 vị. Trường rất đồ sộ nguy nga, có ký túc xá. Các lớp học rộng rãi, thư viện đầy đủ v.v... Xung quanh cây cối mát mẻ, hoa lá xinh tươi, thật là xứng đáng một Đại học đường của xứ này.

Bữa ngọ trai hôm ấy, do các Đại đức sinh viên ở đây thiết đãi tại trai đường, đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và đầy thiện cảm. Sau khi thọ trai, Đại đức Phalanana hướng dẫn chúng tôi đến viếng sông Hằng (Gange).

Bảy giờ tối hôm ấy, chúng tôi lên tàu, tiếp tục đi chiêm bái Kusinara, nơi Phật nhập Niết Bàn.

Hai ngày ở Sarnath trôi qua một cách mau chóng. Chúng tôi ra đi trong sự luyến cảnh mến tình và ước nguyện được chiêm bái nhiều lần nơi đức Thế Tôn Chuyển pháp luân lần đầu tiên mà cũng là nơi thanh tịnh, mát mẻ đã làm cho chúng tôi được nhẹ nhàng, khoan khoái.

Trong những giờ tĩnh tọa ở đây, tai chúng tôi như vắng nghe đức Phật Chuyển Pháp Luân:

Đây là khổ, đây là tập.
Đây là diệt, đây là đạo.
Đây là khổ, Ta đã biết, đây là tập, Ta đã đoạn.
Đây là diệt, Ta đã chứng, đây là Đạo, Ta đã tu.
Đây là khổ, các người nên biết, đây là tập, các người nên đoạn.
Đây là diệt, các người nên chứng, và đây là đạo, các người nên tu.
Mầu nhiệm thay cảnh Sarnath!


Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapattana Sutta)
Thích Minh Châu dịch từ Pali.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn gọi 5 vị Tỳ-kheo và dạy rằng: "Này các Tỳ kheo, có 2 điều thái quá, người xuất gia không nên theo. Thế nào là hai? Một là mê đắm dục lạc, hạ liệt phàm phu không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Hai là tu khổ hạnh, khổ đau, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Này các Tỳ kheo, chính nhờ từ bỏ hai điều thái quá này, đức Như Lai giác ngộ con đường trung đạo, con đường đem đến pháp nhân, trí huệ, đưa lại an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết Bàn".

"Này, các Tỳ-kheo, con đường Trung Đạo do đức Như Lai giác ngộ, con đường đem đến pháp nhân, trí huệ, đưa lại an tịnh, thượng trí, giác ngộ. Niết bàn là gì? Chính là con đường Thánh Tám ngành: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỳ kheo, chính con đường ấy là con đường trung đạo, do đức Như Lai chứng ngộ, con đường đưa đến pháp nhãn, trí huệ, đem đến thanh tịnh, thượng trí, giác ngộ và Niết Bàn".

"Này các Tỳ-kheo, đây chính là Khổ thánh đế: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ, thân ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm uẩn chấp thủ là khổ".

"Này các Tỳ-kheo, đây chính là tập khổ thánh đế, chính là ái đưa đến hữu, tương ứng với hỷ và tham, tìm cầu hoan lạc chỗ này chỗ kia, chính là dục ái, vô sanh ái".

"Này các Tỳ kheo, đây chính là diệt khổ thánh đế, chính là sự diệt tận, vô dục, từ bỏ, xã ly, giải thoát, tự tại đối với các ái".

"Này các Tỳ-kheo, đây chính là đạo diệt khổ thánh đế, đưa đến diệt khổ, chính là con đường Thánh Tám ngành: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định".

"Này các Tỳ-kheo Pháp khổ thánh đế này, đối với các pháp từ trước, chưa từng được nghe, chính tự nơi Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang. Này các Tỳ-kheo, pháp tập khổ thánh đến cần phải đoạn diệt này đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính tự nơi Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang. Này các Tỳ kheo, pháp tập khổ thánh đế đã được đoạn diệt này, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính tư nơi Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang".

"Này các Tỳ kheo, đây là diệt khổ thánh đế, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính tự nơi Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang. Này các Tỳ-kheo, pháp diệt khổ thánh đế cần phải chứng ngộ này, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính tự nơi Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang. Này các Tỳ kheo, pháp đạo diệt khổ thánh đế cần phải tu tập này, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính tự nơi Ta sanh nhân, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang. Này các Tỳ kheo, pháp đạo diệt khổ thánh đế đã được tu tập này, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính tự nơi Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang".

"Này các Tỳ kheo, nếu tri kiến như thực của Ta, đối với bốn pháp thánh đế này cùng tận ba chuyển, mười hai luân, không hoàn toàn thanh tịnh, thời Ta không tuyên bố với các hàng Chư thiên, Ma vương, Phạm thiên, với các chúng Sa-môn và Bà-la-môn gồm cả nhơn thiên rằng: Ta đã chứng ngộ Vô thượng đẳng Chánh đẳng, chánh giác. Này các Tỳ kheo, khi tri kiến như thật của Ta đối với bốn pháp thánh đến này, cùng tận ba chuyển, mười hai luân hoàn toàn thanh tịnh, chỉ khi ấy, này các Tỳ kheo, Ta mới tuyên bố với các Chư thiên, Ma-vương, Phạm thiên và các chúng Sa môn và Bà-la-môn gồm cả nhơn thiên rằng: "Ta đã chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng, Chánh giác. Và chính nơi Ta, tri kiến sanh; tâm Ta đã được giải thoát chắc chắn. Đây chính là đời sống cuối cùng cuả Ta. Nay không có đời sống nào khác nữa".

Đức Thế Tôn thuyết pháp như vậy. Chúng năm vị Tỳ kheo hoan hỉ tán thán lời đức Thế Tôn. Khi đức Thế Tôn giảng kinh này, Tôn giả Kondanna (Kiều Trần Như), chứng được Pháp nhãn thanh tịnh, không cấu nhiễm và chứng ngộ rằng: các pháp do tập sanh đều là những pháp phải bị diệt.

Khi đức Thế Tôn Chuyển pháp luân, chư thiên ở quả đất này la lớn tiếng rằng: "Nay tại Ba-la-nại, chư thiên đọa xứ, vườn Lộc. Vô thượng pháp luân đã được đức Thế Tôn chuyển vận, Pháp luân này chưa từng được Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên nào hoặc một ai ở thế giới này chuyển vận". Khi được nghe chư Thiên ở cõi đất này la lớn tiếng như vậy, bốn vị Thiên vương cũng la lớn rằng: "Nay tại Ba-la-nại, Chư thiên đọa xứ, vườn Lộc, Pháp luân vô thượng này đã được đức Thế Tôn chuyển vận. Pháp luân này chưa từng được Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên nào, hoặc một ai ở thế giới này chuyển vận". Khi được nghe bốn vị Thiên vương la lớn tiếng như vậy, chư thiên các cõi Tam-thập-tam thiên... Dạ-ma-thiên... Đâu suất thiên, Hóa lạc thiên... Tha-hóa-tự-tại-thiên và chư thiên ở cõi Phạm thiên đều la lớn tiếng rằng: "Nay tại Ba-la-nại, chỗ chư thiên đọa xứ, vườn Lộc, Pháp luân vô thượng này đã được đức Thế Tôn chuyển vận, Pháp luân này chưa từng được Sa môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên nào hoặc một ai ở thế giới này chuyển vận".

Chính tại lúc ấy, thời gian ấy, sát na ấy, tiếng la lớn thấu cõi Phạm Thiên và như vậy cả 10 ngàn thế giới đều rung động, chuyển động, chuyển động qua lại và một hào quang vô tận, tối thắng phát chiếu ở cõi đất này, thắng xa ánh sáng của hàng Chư Thiên.

Lúc ấy, đấng Thế Tôn tuyên bố lớn tiếng rằng: "Chính Kiều Trần Như như đã chứng hiểu". Như vậy Đại đức Kiều-Trần-Như đã được đặt tên là Annatakondanno "

(Dịch theo bản Pàli Mahàvagga).

Sau đây là bài pháp thứ hai của đức Phật thuyết tại vườn Lộc.


Kinh Vô Ngã Tướng (Anatta Lakkhana Sutta)
Thích Minh Châu dịch theo bản Mahàvaga.

"Như vầy tôi nghe: Một thời đức Thế Tôn trú tại thành Ba-la-nại, chỗ chư thiên đọa xứ (Isipatana), vườn lộc (Migadàya).

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn gọi chúng 5 vị Tỳ-kheo rằng: "Này các Tỳ-kheo". Các vị Tỳ-kheo ấy trả lời: "Bạch Đức Thế Tôn". Đức Phật giảng như vầy: "Này các Tỳ kheo, sắc không phải là ngã. Này các Tỳ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc này sẽ không bị bệnh hoạn và chúng ta có thể nói "Sắc" của tôi sẽ phải như thế này"! Này các Tỳ kheo, vì sắc không phải là ngã, nên sắc phải bị bệnh hoạn, và chúng ta không thể nói được rằng: "Sắc của tôi không phải như thế này; sắc của tôi sẽ không phải như thế này".

"Này các Tỳ-kheo, thọ không phải là ngã, này các Tỳ-kheo, nếu thọ là ngã, thời thọ sẽ không bị bệnh hoạn, và chúng ta có thẻ nói: "Thọ của tôi sẽ phải như thế này. Thọ của tôi sẽ không phải như thế này". Này các Tỳ-kheo, vì thọ không phải là ngã, nên thọ phải bị bệnh hoạn và chúng ta không thể nói: "Thọ của tôi sẽ phải như thế này. Thọ của tôi sẽ không phải như thế này".

"Này các Tỳ-kheo, tưởng không phải là ngã. Này các Tỳ-kheo, nếu tưởng là ngã, thời tưởng này sẽ không bị bệnh tật, và chúng ta có thể nói: "Tưởng của tôi sẽ phải như thế này. Tưởng của tôi sẽ không phải như thế này". Này các Tỳ-kheo vì tưởng không phải là ngã, nên tưởng phải bị bệnh tật và chúng ta không thể nói được rằng: "Tưởng của tôi sẽ phải như thế này; Tưởng của tôi sẽ không phải như thế này".

"Này các Tỳ-kheo, hành không phải là ngã. Này các Tỳ-kheo, nếu hành là ngã thời hành này sẽ không bị bệnh tật, và chúng ta có thể nói: "Hành của tôi sẽ phải như thế này; hành của tôi sẽ không phải như thế này". Này các Tỳ-kheo, vì hành không phải là ngã, nên hành phải bị bệnh tật, và chúng ta không thể nói được rằng: "Hành của tôi sẽ phải như thế này, hành của tôi sẽ không phải như thế này".

"Này các Tỳ-kheo, thức không phải là ngã. Này các Tỳ-kheo, nếu thức là ngã thời thức này sẽ không bị bệnh tật, và chúng ta có thể nói: "Thức của tôi sẽ phải như thế này; thức của tôi sẽ không phải như thế này". Này các Tỳ-kheo, vì thức không phải là ngã, nên thức phải bị bệnh tật, và chúng ta không thể nói được rằng: "Thức cuả tôi sẽ phải như thế này, thức của tôi sẽ không phải như thế này".

"Này các Tỳ kheo, sắc là thường hay vô thường?" - "Bạch Thế Tôn là vô thuòng" - "Những gì vô thường là khổ hay lạc?" - "Bạch Thế Tôn, là khổ" - "Có hợp lý chăng khi cho những gì vô thường, khổ bị thay đổi là: "Cái này là của tôi, tôi là như thế này, cái này là ngã của tôi" - "Bạch Thế Tôn! Không thể như vậy".

"Này các Tỳ-kheo, thọ là thường hay vô thường?" - "Bạch Thế Tôn, là vô thường" - "Những gì vô thường là khổ hay lạc?" - "Bạch Thế Tôn là khổ" - "Có hợp lý chăng khi cho những gì là vô thưòng, khổ, bị thay đổi là: "Cái này là cuả tôi, tôi là như thế này, cái này là tự ngã của tôi?" - "Bạch Thế Tôn, không thể như vậy".

"Này các Tỳ-kheo, tưởng là thường hay vô thường?" - "Bạch Thế Tôn, là vô thường" _ "Những gì vô thường là khổ hay lạc?" - "Bạch Thế Tôn, là khổ" - "Có hợp lý chăng, khi cho những vì vô thường, khổ, bị thay đổi là: "Cái này là của tôi, tôi là như thế này, cái này là tựo ngã của tôi?" - Bạch Thế Tôn, không thể như vậy".

"Này các Tỳ-kheo, hành là thường hay vô thường?" - Bạch Thế Tôn, là vô thường" - "Những gì vô thường là khổ hay lạc?" - "Bạch Thế Tôn, là khổ" - "Có hợp lý chăng khi cho những gì vô thường khổ, bị thay đổi là: "Cái này là của tôi, tôi là như thế này, cái này là tự ngã của tôi?" - "Bạch Thế Tôn, không thể như vậy".

"Này các Tỳ-kheo, thức là thường hay vô thường?" - "Bạch Thế Tôn, là vô thường" - "Những gì vô thường là khổ hay lạc?" - Bạch Thế Tôn, là khổ" - "Có hợp lý chăng khi cho những gì vô thường, khổ bị thay đổi là: "Cái này là cuả tôi, tôi là như thế này, cái này là tự ngã của tôi?" - "Bạch Thế Tôn, không thể như vậy".

"Vậy nên, này các Tỳ-kheo, tất cả các sắc hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay ngoại cảnh, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả các sắc ấy "Không phải là của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã cuả tôi". Chính như vậy, chúng ta phải quán xét với như thật chánh kiến".

"Vậy nên, này các Tỳ kheo, tất cả các thọ hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay ngoại cảnh, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả các thọ ấy "Không phải cuả tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi". Chính như vậy, chúng ta phải quán xét với như thật chánh kiến".

"Vậy nên, này các Tỳ-kheo, tất cả các tưởng hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay ngoại cảnh, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả các tướng ấy "Không phải là của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi". Chính như vậy, chúng ta phải quán xét với như thật chính kiến".

"Vậy nên, này các Tỳ-kheo, tất cả các hành hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay ngoại cảnh, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả các hành ấy "Không phải của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi". Chính như vậy, chúng ta phải quán xét với như thật chánh kiến".

"Vậy nên, này các Tỳ-kheo, tất cả các thức hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay ngoại cảnh, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả các thức ấy "Không phải của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi". Chính như vậy, chúng ta phải quán xét với như thật chánh kiến".

"Này các Tỳ-kheo, chính nhờ quán xét như vậy, mà các bậc Đa văn, các thánh đệ tử, chán ghét sắc, chán ghét thọ, chán ghét tưởng, chán ghét hành, chán ghét thức. Nhờ chán ghét, sanh xả ly, nhờ xả ly thành giải thoát. Các vị ấy hiểu rằng: "Ta đã được giải thoát, sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, những điều phải làm đã làm, không còn phải sanh lại một đời khác nữa".

Đức Thế Tôn thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo hoan hỷ tán tán lời dạy đức Thế Tôn. Khi lời dạy nay được tuyên thuyết như vậy, năm vị Tỳ-kheo không còn chấp thủ, tâm trí giải thoát các món lậu hoặc.

"Lúc bấy giờ, ở đời này có sáu vị A-la-hán".

Câu-Thi-Na (Ksinagara)

"Phật sanh tại vườn hoa
Đạo Ngài lưu bể rộng
Trả lại chỗ bản sinh
Ngài xả thân huyền mộng".
(Hoàng hậu Mahamaya Kinh Du Hành).

Đáp tàu Vanarasi - Gorakhpur vào lúc 10 giờ đêm, chúng tôi đến Gorakhpur khi trời vừa sáng. Chúng tôi phải sang qua xe buýt đi thêm một đoạn đường dài 54 cây số nữa mới đến Câu-thi-na, nơi đức Phật nhập Niết Bàn.

Càng về phía Bắc trời càng lạnh. Nắng sớm cuối thu không làm tan nổi một trời sương dày dặc. Bóng hai hàng cây bên đường bao phủ lấy chúng tôi. Tốc độ của xe càng lúc càng tăng trên khoảng đường vắng. Gió theo cửa sổ lọt vào quạt lạnh hanh khách trên xe. Mọi người đều im lặng và ra chiều suy nghĩ. Riêng chúng tôi, nỗi buồn thắm thiết của người con mới được phép trở về thăm một cha sau khi nghe được tin cha mất từ lâu, đeo nặng bên lòng từ khi cất bước lên xe. Muốn nói chuyện cho đỡ buồn, nhưng nhìn sang bên cạnh thấy thầy Passadika đang lặng nhìn về phía Câu-thi-na chúng tôi không muốn quấy rầy thầy, rồi để mặc cho nỗi buồn xâm chiếm.

Xe dừng trước chùa Miến Điện, tất cả chúng tôi mang hành lý vào và xin ở lại đây. Chùa dựng trên một khu đất khá rộng, bên cạnh rừng Sa-la. Ngoài chánh điện, chùa còn có Tăng xá, khách xá, nhà trù và một trường học năm lớp để dạy cho dân chúng quanh vùng. Đại đức Chandhamani, người Miến, trụ trì chùa này đã hơn 40 năm, người có phước tướng, đức độ, trang nghiêm và giản dị. Kẻ ăn người ở trong chùa, nhờ sự giáo hóa cuả các Đại đức, đều biết khuôn phép cung kính và phụng sự Chư Tăng. Chúng tôi tắm giặt và nghỉ ngơi tại đây đến chiều mới sang rừng Sa-la. Trong thời gian nghỉ ngơi, chúng tôi đọc lại tài liệu về Câu-thi-na và xem xét quang cảnh chung quanh.

1. Lịch sử Câu-thi-na

Câu-thi-na là một trong bốn thánh tích quan trọng: Lâm-tỳ-ni, nơi đức Phật đản sanh. Bồ đề Đạo tràng nơi đức Phật Thành Đạo, Lộc Uyển, nơi đức Phật Chuyển pháp luân và Câu-thi-na nơi đức Phật nhập Niết bàn. Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, hai nước Mallas và Vajjians bị chiếm và ghép vào nước Magadha. Khi ngài Pháp Hiển đến thăm (vào thế kỷ thứ năm) thì chỗ này vắng người và hoang vu. Chùa chiền đều bị đổ nát. Nhưng đến cuối thế kỷ thứ 5 thì vị Svami Haribala dựng lại một ngôi tháp chính. Mãi cho đến năm 1825, ông Carlyle mới bắt đầu đến đào bới chỗ này. Chính ông đã tìm ra tượng đức Phật nhập Niết bàn và sửa chữa lại. Ông có đào, dược xương cùng đồ vật bị cháy cả trong ngoài chùa. Điều này chứng tỏ đã có một tai nạn cho những người trong chùa bị chết cháy cùng với chùa. Có lẽ tai nạn này xảy ra trong lúc giặc Hồi Giáo đến cướp phá. Công việc đào bới vẫn được tiếp tục nhưng thường bị gián đoạn; cho đến năm 1912 thì dừng hẳn. Vogel và Pandit Hirananda Sastrra là hai vị học giả chú tâm nghiên cứu thánh tích này. Vị Tỳ-kheo tên là Mahabir ngưòi Ấn Độ là người đầu tiên lập một ngôi chùa ở đây để phục hưng Phật giáo. Sau khi xuất gia ở Tích Lan, vị này đến đây, dựng một chòi nhỏ để ở; rồi ông Khee Zharee giúp đỡ tài chánh để lập một pháp xã vừa để khách thập phương đến trú vừa làm chỗ ở của mình. Sau đó Đại đức Chandhamani tiếp tục công việc. Hiện nay Câu-thi-na tuy ở vào một nơi xa xuôi hẻo lánh nhưng không đến nỗi quê kịch. Dọc theo đường đến rừng Sa-la, ngoài chùa Miến Điện còn có chùa Trung Hoa, Tây tạng, Pháp xá Birla, khách xá của chính phủ và độ 9, 10 nhà của thường dân. Trường trung học ở đây cũng rộng rãi và sạch sẽ. Đất đai xem rất phì nhiêu. Hoa màu phong phú. Dân chúng ở các làng chung quanh có vẻ thanh lịch hơn các nơi khác. Sự tín ngưỡng của họ không tào tạp vì ở đây ít có các đền Ấn giáo. Một số đã qui y Tam bảo.

2. Các thánh tích

Mọi hôm, ở các nơi khác, sau khi tới chỗ là tất cả chúng tôi đều hăm hở đến chiêm bái các thánh tích ngay. Hôm nay ở đây, không ai bảo ai, tất cả đều không muốn chậm trễ công việc quan trọng ấy. Qua những bộ mặt trầm ngâm, giọng nói nhỏ lại, chúng tôi biết rằng tất cả như muốn lẩn tránh sự phải chứng kiến cảnh tượng đau buồn được chừng này hay chừng ấy.

Sau buổi trà chiều, Thượng tọa Thích Minh Châu bảo: "Thôi hè; chúng ta hãy sang rừng Sala vào buổi chiều". Cây lá sẫm màu. Hoa không còn tươi nữa. Nước hồ im lìm in hình ngôi cổ tháp. Những tia vàng yếu ớt không xuyên nổi những tàn cây mát lạnh. Gió chiều lay nhẹ những cành Sala. Cảnh vật đượm một màu ngói gạch. Rồi chúng tôi từ từ bước lên chùa thờ tượng Phật Niết Bàn.

a. Chùa thờ tượng Phật Niết Bàn

Chùa xây trên một nền gạch cao độ 2 thước, chung quanh là hồ sen, tiếp đó là rừng cây. Lối kiến trúc khác lạ hơn những chùa mà chúng tôi đã từng thấy. Mái chùa là một vòng cung nhọn lên ở giữa. Chùa có bề rộng, không sâu, chỉ đủ thờ một pho tượng Niết bàn. Màu vôi phía trong hòa với ánh sáng chiếu qua các cửa kính trên nóc làm cho điện Phật tăng thêm phần huyền ảo. Phật trong cử chỉ nằm dài, đầu quay về phương bắc, diện hướng đến phía nam, hai chân chồng lên nhau như lúc Đức Phật nhập Niết bàn. Tượng dài đến 7 thước và được tôn trí trên bệ đá được tạc trong một tảng đá Chunar nguyên. Nghệ thuật điêu khắc nổi tiếng của thợ Mathura làm cho tượng đầy đủ 32 tướng tốt, 82 vẻ đẹp và diện tượng biểu lộ được những đức Từ, Bi, Hỷ, Xả. Như thường lệ, khi đến một thánh tích là chúng tôi tụng kinh cầu nguyện. Đặc biệt ở đây trong tiếng tụng niệm của tất cả chúng tôi như có một cái gì xót xa ảo não. Có lẽ nhờ im lặng (vì không tụng được tiếng Việt0 nên thầy Pasadika xúc cảm một cách đầy đủ qua sắc tướng lẫn âm thanh. Những tiếng "thít" của thầy hòa với tiếng tụng kinh của Thượng tọa Minh Châu và hai chúng tôi tạo thành một ban nhạc Niết-bàn lâm ly nhưng siêu thoát.

Thú thật, chúng tôi không dám nhìn lên tượng. Vì cứ nhìn hơi lâu một chút là xao xuyến trong lòng và hai hàng nước mắt ròng ròng tuôn chảy. Cảnh tượng quằn quại khóc lóc của ngài A-nan và hàng ngàn Phật tử trước giờ phút phải ly biệt đức Thầy cao cả cứ liên tiếp diễn ra trong tâm trí chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi mới thông cảm được sự đau xót của ông Tu-bạt-đà-la, một cụ già được Phật độ nên đã viên tịch trước Phật. Tụng kinh xong, chúng tôi không tìm thấy thầy Huyền Vi đâu cả. Thì ra, thầy đang ngồi ngoài sân, nơi một góc tường cũ, mặt cúi xuống, trên hai tay. Biết thầy đang bị xúc động mạnh, chúng tôi không dám gọi và để yên cho thầy được tự nhiên với dòng xúc cảm thiêng liêng của thầy.

a. Tháp Mahaparanirvana

Lễ Phật xong, chúng tôi tất cả ra ngoài và đi nhiều xung quanh tháp Mahàparinirvàna. Tháp nằm về phía đông của chùa chính nơi đức Phật nhập Niết Bàn. Bộ lạc Malla xây tháp này để tôn thờ phần ngọc Xá Lợi mà họ được chia. Tháp hình tròn, không cửa, đường kính độ 8 thước. Khi ngài Huyền Trang thấy thì tháp cao hơn 50 thước nay chỉ còn 15 thưóc. Ba tháng trước khi nhập Niết Bàn, đức Phật nói với ngài A nan, Ngài sẽ nhập Niết Bàn và bảo ngài A-nan lựa khu rừng thuộc bộ lạc Malla này làm nơi xả bỏ xác thân của Ngài. Ngài A-nan rất ngạc nhiên, vì không hiểu tại sao Đức Phật lại lựa chỗ xa vắng và ít đệ tử để nhập Niết bàn. Vì chưa chứng A-la-hán nên ngài A-nan không hiểu được tôn ý của Phật. Theo chúng tôi, có lẽ vì không muốn nhiều đệ tử khổ buồn khi phải chứng kiến cảnh biệt ly giữa thầy trò nên Đức Phật không nhập Niết Bàn ở những nơi thị tứ, đông đệ tử như Vương xá, Ba-la-nại, Xá-vệ v.v...

Để trấn áp những sự buồn tiếc đang dâng trào, chúng tôi vừa đi vừa suy nghĩ lời của ngài A-nâu-lâu-đà nói với ngài A-nan khi ngài A-nan khóc lóc và bảo đức Phật đã mất: "Này A-nan và các sư huynh! Đức Thế Tôn không phải chết mất mà đi vào một nơi an lạc thường tịch". Và một điều nữa làm cho chúng tôi suy nghĩ nhiều là Đức Phật sinh ra dưới gốc cây Vô-ưu, đắc đạo dưới gốc Bồ đề, chuyển pháp luân trong vườn Lộc và nhập Niết Bàn dưới những cây Sala. Ôi! Cao đẹp thay đức giải thoát của Đấng Từ Bi!

Sau đó nhờ đọc các bia đá, chúng tôi biết tháp được sửa lại nhiều lần trong nhiều thời kỳ và vào thế kỷ thứ 5 sau T.L. được sửa lại một lần nữa. Trong khi đào bới chỗ này để tìm di tích, người ta có đào được một cái ghè bằng đồng đầy những vật có giá trị. Có một tấm đồng khắc chữ Sanskrit nói về "Thập nhị nhân duyên" và ghi rằng đó là vật cúng dường của vị Svami Haripala. Đó là tấm đồng đặt trong tháp đức Phật nhập Niết bàn. Ngọn tháp ngài Huyền Trang thấy chắc là ngọn tháp này. Chúng tôi không hiểu ngọn tháp này bị hư sụp lúc nào. Có lẽ trong thời kỳ Hồi Giáo tàn phá. Viện Bác Cổ của chính phủ hoàn thành công việc đào bới và sửa chữa vào năm 1912. Nhưng chính nhờ một Phật tử Miến Điện, ông U Po-Kya, tháp này mới được trang nghiêm như ngày nay.

c. Khu vực được đào bới để khảo cổ

Nhiễu tháp xong, chúng tôi đi vòng qua phía trước chùa để xem khu vực được Viện Bác Cổ đào bới để khảo cổ. Đây là một khu đất rộng độ 500 thước vuông, toàn là nền gạch cũ của nhiều tinh xá và tịnh thất. Bia ký tìm được ghi rằng cả khu vực này được gọi là tinh xá Mahaparinirvana. Ngoài ra còn có những tinh xá nhỏ chung quanh như Vishnu Dviparinirhara, Bhadanta Suviravihara, v.v... Giếng nước trong và ngọt mà ngài Huyền Trang đã thấy vẫn còn nằm bên cạnh hồ và gần khu tinh xá. Sa-la chỉ còn có bốn cây lớn mọc song đôi với nhau. Viện Bác cổ đang cho trồng lại rất nhiều cây Sa-la con khắp cả khu rừng. Chúng tôi rảo bước khắp các neo đường trong khu rừng lúc trời đang thẫm lại. Tiếng chĩu chít của chim, giọng gọi đàn của những con vượn gọi lên trong lòng chúng tôi những tâm tình man mác:

"Ngày tàn theo gót hoàng hôn
Bóng chiều đổ xuống gợi lòng bâng khuâng.
Thông xanh rải rác phấn vàng.
Nghe trong gió thoảng cung đàn biệt ly". (H.K.)

Không dám để cho tâm tư tản mát thêm nữa, chúng tôi thầm tụng bài kệ của đức Phật và ngài Văn Thù đã dạy về lẽ Vô thường:

"Ngày nay đã qua,
Mạng sống cũng giảm,
Như cá ít nước,
Nào vui sướng gì?
Đại chúng! Cần phải tinh tấn!
Như cứu dầu cháy,
Chỉ niệm vô thường,
Đừng có buông lung".

Vừa đi vừa suy nghĩ, chúng tôi ra khỏi khu rừng khi nào không biết

d. Nơi cử hành lẽ Trà tỳ, Angra Chatya

Chúng tôi đi thăm Angra Chatya vào buổi mai ngày 19 tháng 10. Hôm nay trời nắng đẹp nhưng lòng chúng tôi không có một sự thay đổi nào. con đường đưa đến nơi cử hành lễ phần hóa nhục thân của đức Phật tuy rộng lớn nhưng chỉ có 4 người chúng tôi đi. Sự vắng vẻ của con đường giúp chúng tôi nhớ lại những sự việc trang nghiêm long trọng đã xảy ra trong buổi lễ trà tỳ mà chúng tôi đã được đọc thấy trong kinh Niết-bàn. Và lời dạy của đức Phật về bổn phận hoằng pháp của giới xuất gia và hộ pháp của tại gia ghi đậm một lần nữa vào tâm khảm chúng tôi:

"Này A-nan! Người đừng nghĩ gì về lễ nghi đối với thi hài của Như Lai. Ta chỉ mong A-nan và các đệ tử xuất gia tinh tiến trong công việc giải thoát. Việc lo liệu về thi hài của Như Lai đã có hàng cư sĩ, Bà-la-môn, Trưởng giả, những đệ tử tại gia của Như Lai".

Ngôi tháp được dựng lên để kỷ niệm chính nơi nhục thân của đức Phật được phân hóa không còn nguyên hình nữa mà chỉ là một ngôi mộ vĩ đại bao phủ một lớp cỏ xanh. Không có nơi để tụng niệm nên chúng tôi chỉ thắp hương, đảnh lễ rồi nhiễu quanh tháp theo con đường đầy hoa lá. Một sự ước mong vô vọng đến với chúng tôi là ước mong tìm được một vài viên ngọc Xá-lợi rơi rớt đây đây. Rồi hình ảnh Đức Phật vận dụng thần thông làm bật nắp kim quang để vái chào thân mẫu, hoàng hậu Ma-Gia, từ cung trời Đao Lợi xuống từ biệt. Một hình ảnh khác là Đức Phật đưa hai chân ra khỏi kim quang để ngài Ca Diếp, người đệ tử già nua đạo hạnh đang hoằng pháp nơi xa về trễ, được đón tiếp nồng hậu. Tuy sơ ngộ nhưng chúng tôi vô cùng kính phục con người dũng cảm này: Vì đạo hạnh người đã dứt bỏ những tình cảm hẹp hòi lẩn quẩn trong biên giới để đến đây sống một đời sống cô thân chích ảnh. Trước khi ra về, tìm trong xách chỉ có một gói mứt gừng, chúng tôi dâng lên Đại đức món quà quê hương quí báu ấy, rồi từ giã người trong sự nhẹ nhàng khoan khoai; bấy giờ những tình cảm vẩn vơ, nhớ nước, thương nhà không còn lảng vảng trong tâm tư chúng tôi nữa.

Trong hai ngày ở lại Câu-thi-na, buổi mai, buổi tối chúng tôi đều đến rừng Sa-la tụng kinh và thiền định. Trong các thánh tích quan trọng, Câu-thi-na là nơi chúng tôi hưởng được nhiều đạo vị hơn hết. Tối hôm ấy, sau khi tụng kinh ở chánh điện xong một mình chúng tôi ra ngoài, ngồi trên tảng đá dưới một gốc cổ thụ huớng về Đại tháp để tĩnh tâm. Trăng thượng tuần không to lắm. Ánh sáng chỉ đủ hồ bốc lên. Sương đêm trên trời sa xuống. Chúng tôi được hòa mình trong cảnh sắc vừa mông lung vừa huyền ảo. Nhờ đó, những ý đạo chân thành tuôn trào một cách dễ dàng và êm ái. Xét lại sự nghiệp tu hành, chúng tôi nửa vui nửa buồn: vui vì nhờ gặp được minh sư, thiện hữu nên sự tu học có nhiều thuận duyên; buồn vì đã không sao khỏi vấp váp trên đường đi đến chân trời giải thoát. Tâm trạng của chúng tôi lúc này không khác lắm với tâm trạng của ngài A-nan: ngài A-nan đã tủi buồn, lo lắng trước khi đức Phật nhập Niết bàn. Ngài lo buồn vì những lỗi lầm đã trót phạm chưa được tiêu trừ và có thể tái phạm. Trong khi đó, đức Phật lại nhập Niết bàn. Ai là người thương yêu và nâng đỡ cho mình trên con đường tu đạo và đắc đạo. Nghĩ đến đây, hình ảnh già nua tuổi tác cuả Bổn sư chúng tôi, Hòa thượng Tây Thiên, hiện ra và làm cho chúng tôi càng lo buồn hơn nữa vì nghĩ rằng không có gì bất hạnh cho chúng tôi hơn là nếu không được gặp mặt Bổn sư lần cuối cùng trước khi người về cõi Phật. Chúng tôi đang đắm mình trong sự lo buồn thì may thay những lời đức độ, khoan hồng sau đây của đức Từ Phụ văng vẳng bên tai chúng tôi:

"Thôi thôi A-nan1 Chớ có buồn phiền than khóc! Từ trước đến nay ngươi hầu hạ Ta với cử chỉ hiền hòa ngôn ngữ kính ái và tâm niệm hoan hỷ thì chung như một, không sao xiết kể, ấy là ngươi đã cúng dường, nào của chư thiên Ma-phạm, Sa-môn và Bà-la-môn cũng không sao sánh bằng được. Ngươi hãy siêng năng lên, ngày thành Đạo của ngươi không lâu nữa!" (Kinh Trường A-hàm).

Chính những lời này đã đem lại sự yên tĩnh cho tâm hồn chúng tôi và làm phấn khởi chúng tôi rất nhiều. Một đêm khác, thay vì ngồi một chỗ, chúng tôi đi kinh hành để tĩnh tâm. Đã từng đi kinh hành nhiều nơi, nhưng chỉ ở nơi đây, lần đầu tiên chúng tôi mới cảm thấy nhẹ nhàng, khoan khoái trong từng bước đi. Trăng hôm nay sáng hơn đêm trước. Bốn bề vắng lặng. Gót chân của chúng tôi lướt nhẹ quanh hồ. Thỉnh thoảng một vài con nhái, bị khuấy động nhạy tõm xuống nước làm cho mặt hồ loáng cả trăng và trăng. Phải chăng đây là hồ sen cát vàng lót đáy của cõi cực lạc? Chúng tôi càng đi càng muốn đi và cảm thấy như đang bước đi trong một vườn hoa nào của cung trời Đâu Suất. Cũng tại vườn Sa-la, vào một sáng tinh sương, chúng tôi gặp ông J. Buisseret người Bỉ, trạc độ ngũ tuần nhưng còn cứng mạnh. Ông ta cho biết trong ba năm qua, với chiếc xe đạp cũ kỹ của ông, ông đã đi được 27 nước và viếng thăm những bệnh nhân trong các bệnh viện để an ủi và khuyến khích họ trở về với đời sống tinh thần, đạo đức. Ba tháng vừa qua ông đã viếng thăm rất nhiều bệnh viện ở khắp Ấn Độ. Ông đến đây vì công việc viếng thăm ấy, song cảnh u tịch và trang nhã này đã hấp dẫn ông. Được biết tôi là người Việt Nam ông rất vui vẻ vì trước đây, vào khoảng năm 1946 ông có ở Việt nam và cảm nhận được tinh thần tự cường của dân tộc Việt Nam. Gặp Thượng tọa Thích Minh Châu, câu chuyện trao đổi bằng Pháp văn được lưu loát hơn nên không mấy chốc ông đã trở thành người bạn quen thuộc với tất cả chúng tôi. Ông nhận lời mời ăn sáng với chúng tôi tại chùa Miến Điện. Trong bữa ăn, gồm có người Việt Nam, Miến Điện, Đức và Bỉ này, những câu chuyện qua lại cũng mang màu sắc quốc tế nhưng thiên về tinh thần và đạo đức. Tất cả chúng tôi đã đồng ý với nhau: "Nếu nhân loại muốn sống còn và sống vui trên trái đất này không có cách nào khác hơn là phải trở về với đời sống đạo đức". Chính ông J. Buisseret đã nhấn mạnh: "Nhân loại hiện nay đang say điên trong giấc mộng chém giết nhau. Có lẽ phải sau trận thế chiến thứ ba kinh khủng hơn, loài người mới tỉnh ngộ và quay về với tình thương và chơn lý". Ông nói với một giọng vừa trách cứ vừa xót thương. Thầy Pasadika trước kia là một sĩ quan thiết giáp góp thêm vào câu chuyện: "Mình cho họ là điên nhưng chính họ lại bảo những người từ bi không tàn sát là điên. Tôi đã bị bạn bè chế nhạo và cho là khùng, trước khi tôi từ giã họ để sang đây tập sống đời sống của Đức Phật". Ông J. Buisseret từ giã chúng tôi sau buổi ăn sáng và hứa sẽ đến viếng thăm các ngôi chùa lớn khi sang Việt Nam.

Trong những ngày sống ở Câu-thi-na không lúc nào chúng tôi không buồn buồn như trong lúc tụng kinh Niết bàn. Chính trong cảnh buồn này chúng tôi đã hưởng được nhiều hương vị giải thoát. Hai ngày qua một cách mau chóng. Thế là chúng tôi phải rời khỏi rừng Sa-la để sang Xá-vệ cũng vào một buổi mai đầy sương và gió lạnh.

Ký sự của ngài Pháp Hiển về Kusinara

"12 do tuần về phía đông, các nhà chiêm bái đến thành Câu-di-na-kiệt (Kusinagara). Phía bắc thành này, giữa hai cây song thọ, bên bờ sông Hy-liên-thuyền (Hiranyavati) là chỗ đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, đầu hướng về phía Bắc. Các tháp được dựng lên tại những chỗ sau đây: Chỗ ngài Tu-đạt (Subhadra), vị đệ tử cuối cùng đắc đạo chỗ đức Thế Tôn ở trong Kim quang thọ lãnh cúng dường 7 ngày; chỗ Kim cang lực sĩ (Vajrapani) phóng cây Kim xứ, chỗ 8 vị vua phân chia Xá Lợi, có Tăng già-lam, nay vẫn còn tồn tại. Trong thành dân cư thưa thớt, chỉ có một số ít chúng tăng và dân làng.

Ký sự của Ngài Huyền Trang

Ngài Huyền Trang về Kusinara như sau:

"Kinh đô của xứ này đều bị đổ nát, thành thị làng mạc đều hư hại và tiêu điều. Nền gạch tường của kinh đô cũ độ 10 dặm chu vi. Có ít dân số, đường trong thành phố không có người và bị bỏ hoang. Phía đông bắc thành phố có một ngọn tháp do vua A-Dục dựng lên. Đây là nhà cũ cuả Chunda. Giữa đó là một cái giếng do ông này đào khi cúng dường thức ăn cho Phật. Dầu trải nhiều năm tháng lụt ngập, nước vẫn trong và ngọt. Về phía Tây Bắc thành phố độ 3, 4 dặm vượt qua sông Ajitavati, về bờ phía tây không xa lắm, chúng ta đến một khu rừng có cây Sa-la. Cây Sa-la như cây Huk, vỏ cây màu trắng xanh, lá lóng lánh và trơn dịu. Trong khu rừng này có bốn cây cao, có hơi khác với các cây khác là chỗ Đức Phật nhập Niết bàn.

"Tại chỗ này có một tinh xá bằng gạch, trong đó là tượng đức Như Lai nhập Niết bàn. Ngài nằm đầu hướng về hướng bắc như đang ngủ. Bên cạnh tinh xá là một ngọn tháp do vua A Dục dựng lên, dầu đã hư sụp, những cũng còn cao gần 200 feet (khoảng 60 thước). Trước ngọn tháp này là một trụ đá kỷ niệm đức Phật nhập Niết Bàn; trên trụ đá có khắc chữ nhưng không có ngày tháng.

"Bên cạnh chùa không xa lắm, có một ngọn tháp khác. Đó là chỗ Đức Phật lúc còn là Bồ Tát, sanh làm vua một bầy chim trĩ, và dập tắt một đám lửa. Cũng gần ngôi tháp này, có một ngọn tháp khác ghi sự tích Bồ Tát trước khi xuất gia tu hành, sống làm thân con nai cứu độ nhiều chúng sanh.

"Phía Tây không xa lắm, có một ngọn tháp. Đây là chỗ ngài Subhadra (Tu-bạt-đà-la), thệ thế. Bên cạnh ngọn tháp của ngài Subhadra nhập Niết bàn, lại có một ngọn tháp. Đây là chỗ Vajrapani (thần Kim Cang) ngã bất tỉnh xuống đất. Bên cạnh chỗ Kim Cang ngã xuống đất, lại có một ngọn tháp. Đấy là chỗ cúng dường lễ vật, 7 ngày sau đức Phật nhập Niết Bàn. Một bên chỗ linh xá đựng nhục thân đức Phật bị giữ lại, có một ngọn tháp. Đây là chỗ Hoàng hậu Ma-Da khóc đức Phật.

"Phía bắc thành phố, vượt qua sông và đi độ 200 bước, có một ngọn tháp. Đây là chỗ làm lễ Trà tỳ nhục thân đức Phật. Đất hiện tại đen vàng, than và đất xen lộn với nhau. Những Phật tử có lòng chí thành đến tại chỗ này cầu nguyện nhất định tìm được một vài Xá lợi của đức Phật.

Lâm-tỳ-ni (Lumbini)

Rời khỏi Kusinara kính mộ, chúng tôi trở lại ga Gorakhpur để đi thăm Lâm-tỳ-ni, nơi đức Từ phụ đản sanh.

Từ Gorakhpur đến Nowgarh phải mất 3 tiếng đồng hồ tàu hỏa. Đến nơi trời đã nhá nhem tối, chúng tôi phải ngủ tại ga đến sáng mới tiếp tục cuộc hành trình chiêm bái. Nowgarh là một ga nhỏ bé ở miền quê, nên cũng không ồn ào cho lắm, trừ khi có những chuyến tàu ghé qua. Khi chúng tôi đến, cảnh vật ở đây hình như đượm màu tươi thắm. Khí trời mát mẻ trong lành.

Lạ thay! Đến bất cứ Thánh địa nào, lòng chúng tôi cũng ngập tràn niềm rạo rực. Bắt đầu đi ngủ, tôi tự bảo đêm này ngủ sớm một chút để sức khoẻ cho cuộc hành trình tiếp tục vào ngày mai. Nhưng những hình ảnh Lâm-tỳ-ni, do tôi tưởng tượng, cứ liên tiếp hiện ra với muôn màu muôn sắc! Trần trục đến gần 1 giờ tôi mới thiếp ngủ, 4 giờ, thầy Thiện Châu đã thức dậy vặn đèn, kêu chúng tôi để cùng xếp hành lý. Chưa đến giờ, nhưng Thượng tọa Minh Châu đã hối chúng tôi xếp hành lý ra xe. Tất cả như muốn cho mau đến giờ để được viếng thăm và chiêm bái Phật tích quan trọng này, nơi ra đời của đức Từ phụ cao cả. Nơi ngàn năm còn ghi nhớ đối với hàng Phật tử năm châu.

7 giờ sáng, chiếc xe buýt mới khởi hành, đưa chúng tôi từ Nowgarh đến vườn Lâm-Tỳ-ni (Lumbini). Chiếc xe nhẹ nhàng băng qua những cánh đồng xanh tươi bát ngát. Dãy núi Hy-ma-lạp-sơn (Himalaya) với những chóp núi hùng vĩ trắng xóa ẩn sau những khóm mây lam biếc. Những tháp miếu cổ kính tuần tự hiện ra trước mắt chúng tôi. Chiếc xe buýt mang chúng tôi vượt khỏi ranh giới Ấn Độ để sang địa phận nước Népal. Quảng đường dài gần 40 cây số, nhưng chúng tôi cảm thấy gần bên cạnh. Cảnh tượng Đản sanh như chập chờn trước mắt chúng tôi.

"Còn thấy vô ưu cây bảo thọ,
Nghìn năm giữ mãi vẻ nên thơ...".

Những chi tiết về lịch sử Đản sanh được ghi trong tập Nidànakathà lần lượt hiện ra trong óc chúng tôi:

-- "Hơn 2.500 năm trước, tại vườn Lâm Tỳ ni này, một vị đại Giác ngộ đã ra đời. Ngài ra đời để đem lại ánh sáng tuyệt vời cho nhân thế lầm thanh đau khổ.

Theo phong tục cổ truyền của Ấn Độ (nay một vài nơi vẫn còn, phụ nữ phải trở về quê hương cha mẹ để sanh nở đứa con đầu lòng. Hoàng hậu Màyà cũng y theo cổ lệ để làm gương cho dân gian. Một hôm hoàng hậu tâu vua Tịnh Phạn: "Tâu Hoàng thượng, gần ngày sanh nở, theo tục lệ cổ truyền, con xin phép trở về Devadaha, kinh thành của cha mẹ con...". Vua Tịnh Phạn hoan hỷ chấp nhận và truyền lịnh cho thần dân sửa sang, trang hoàng con đường từ thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu), đến kinh đô của Ajana, nơi thân phụ Hoàng hậu Màyà đang trị vì. Một chiếc kiệu được trang hoàng rất đẹp đẽ. Hoàng hậu đoan chính ngồi trên kiệu hoa. Theo hộ giá, có đến hàng trăm thị vệ va cung phi mỹ nữ.

Giữa hai kinh thành của hai quốc vương, có một khu vườn thạnh mậu, có một cây Vô ưu (Asoka) đang nở nhiều cánh hoa tươi đẹp. (Tục truyền hoa naỳ mấy ngàn năm mới nở một lần. Khi hoa nở là điềm có thánh nhân xuất hiện). Dân làng địa phương gọi khu vườn này là Lumbini Nava. Lúc bấy giờ, vườn đầy hoa thơm cỏ lạ, cây cối xanh tươi. Những đàn ong, những cánh bướm bay liệng chập chờn, từ đóa hoa này đến đóa hoa khác, để hút mật hoa. Chim chóc bốn phương đua nhau trỗi lên những bản nhạc du dương, êm ái, tạo thành một bức họa tuyệt vời cho cánh Lâm-tỳ-ni.

Hoàng hậu xuống kiệu, từ từ bước vào khu vườn ngoạn thường cảnh sắc tươi đẹp của buổi bình minh. Một nhành cây vô ưu như rũ xuống để:"Chào đón siêu nhân ứng hiện ra...". Tay phải của Hoàng hậu với hái cánh hoa Vô ưu, ngay lúc ấy, Thái tử đản sanh. Bốn vị Thiên vương cầm những chiếc áo Kiều-thi-ca mềm trĩu, đỡ lấy Thái Tử. Sau đó 9 con rồng phun nước vào bồn vàng để tắm gội Thái tử. Bảy chiếc hoa sen liên tiếp hiện ra đỡ lấy gót chân Ngài. Nhạc ngũ âm của ai vang dậy cả mấy từng không. Hoa Mạn-đà-la không biết từ đâu tung vãi khắp vườn.

Ôi! Mầu nhiệm và hoan lạc biết bao! Được tin mừng Thái tử đản sanh, cờ xí rợp trời, trống kèn dậy đất. Vua Tịnh Phạn đích thân đi rước Hoàng hậu và Thái tử về hoàng cung. Tất cả quần thần được hội lại để đặt tên cho Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhartha), tên của vị Thái tử phi thường tuấn tú có ra từ đấy."

Và trong tập Buddhacarita cũng có chép: "Sau khi Thái tử đản sanh, Ngài nhìn về các phương: Đông, Tây và ngó lên, ngó xuống nhìn khắp bốn phương rồi hướng về phương Bắc đi bảy bước trên những đóa sen kỳ diệu. Mầu nhiệm thay cử chỉ siêu việt này. Đi đến bước thứ bảy, vừa nghiêm nghị, vừa oai hùng, Ngài nói: 'Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn'".

Chúng tôi tiến vào khu rừng lịch sử, thắp hương đèn hành lễ, thành tâm nguyện cầu cho tất cả mọi ngưòi thường được hạnh phúc và tìm thấy ánh sáng nhiệm màu mà Thái Tử Tất đạt đa đã mang đên cho thế gian này cách đây 2.500 năm. Cùng đi với chúng tôi có năm vị Ưu-bà-di và một sinh viên Phật tử ở Miến Điện. Họ cũng cùng hành lễ với chúng tôi.

Ngày xưa cảnh vật tươi đẹp bao nhiêu, thì ngày nay khu vườn lại tàn tạ bấy nhiêu. Mặc dù có cây cối đền tháp, nhưng cảnh trí không được huy hoàng như xưa và nhất là không tốt đẹp như các Thánh tích thuộc chính phủ Ấn mà chúng tôi đã chiêm bái. Chính phủ Népal đang cố gắng sửa sang lại Thánh tích này, nhưng có lẽ vì cách trở đường sát nên công việc chưa mấy kết quả! Chúng tôi hơi buồn cho Thánh tích tiêu sơ này, như nhờ lời dạy về lý Vô thường của đức Phật: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng" làm cho chúng tôi giữ được sự an tịnh trong tâm hồn.

Chúng tôi đi sâu vào khu vườn để tìm lại di tích. Lần lượt chúng tôi đến viếng những cảnh sau đây:

1. Trụ đá của vua A-Dục

Vườn Lâm-tỳ-ni do ông Furere tìm thấy vào năm 1806, sau khi gặp được trụ đá của vua A-Dục tại chỗ này. Thâu thập đủ tài liệu và chứng minh chắc chắn, ông Furere đã công khai tuyên bố: "Chỗ này là vườn Lâm-tỳ-ni, nơi Đức Phật đản sanh". Rồi được chính phủ Nepal công nhận. Từ đó về sau khu vườn này trở nền mầu nhiệm, được dân chúng Ấn Độ và người ngoại quốc đến chiêm bái viếng cảnh rất đông.

Vua A Dục dựng trụ đá này, khi Ngài đến viếng thăm và hành lễ tại vườn Lâm-tỳ-ni. Trên trụ đá có khắc hàng chữ: "Đây là chỗ đức Gautama Đản sanh". Trụ đá này hiện còn tốt đẹp, tuy có một đường sứt mẻ, có thể do sét hay bị ngoại đạo tàn phá cũng nên. Trên đầu cột trụ đá không có hình gì cả. Trong ký sự cuả ngài Huyền Trang có nói: "Đầu trụ đá có hình con ngựa rất mỹ thuật và trơn láng". Nhưng hiện nay chưa tìm được di tích hình con ngựa đặc biệt ấy. Trên thân trụ có khắc 5 hàng chữ bằng tiếng Brahmi:

Devannapiyena piyadasina lajina-visativasabhisitena.
Atana-agacha mahiyite. Hida Budhe-jate sakyamuniti.
Silavigadabhicha kalapita silathabhe-cha usapapite.
Hida Bhagavam jateti Lumbinigame ubalike kate,
Athabhagiye cha.

Dịch nghĩa đại khái như sau: "Vua Pryadarsin, được các vị thiên thần kính mến và ủng hộ, tự Ngài thân hành đến đảnh lễ tại chỗ này, sau khi lên ngôi được 20 năm. Chỗ này là nơi Đức Sakya Muni đản sanh. Ngài truyền lịnh cho các quan trong triều xây một pho tượng rất lớn và đặt một trụ đá dựng tại chỗ này, để đánh dấu một chỗ đức Thế Tôn xuất thế. Từ đó về sau Vua truyền lệnh dân làng Lumbini được miễn đóng thuế nghi lễ và chi trả 1/8 lợi tức mà thôi".

Cột trụ đá này chỉ rõ cho chúng ta biết chắc chắn chỗ này là nơi Đức Từ phụ đản sanh. Trụ đá của vua A-Dục dựng lại Sarnath (Ba-la-nại) thì không ghi rõ là chỗ Phật chuyển Pháp Luân lần đầu tiên, còn lại Buddhagaya (Chỗ Phật thành Đạo) và Kusinara (chỗ Phật nhập Niết Bàn) không có cột trụ nào hết.

2. Đền thờ của Rummindel

Về phía nam ngôi đền có một hồ nuớc gọi là hồ Puskarini, chu vi khoảng 50 thước vuông. Tục truyền rằng: "Hồ nước lịch sử này do 9 con rồng từ trên trời phun nước xuống để tắm gội Thái tử, nay còn đọng lại". Nhà cầm quyền ở đây xây thành một hồ để giữ nước và dân chúng địa phương còn tin rằng ai tắm tại hồ này thì tật bệnh được tiêu trừ, tội lỗi hết sạch. Lúc chúng tôi đến đây cũng có mấy vị Bà-la-môn đang tắm gội một cách thành kính.

3. Nền của một ngôi tịnh xá

Gần con đường qua ngôi đền có trụ đá vua A Dục, chúng tôi còn thấy nền móng của một ngôi tịnh xá cũ hình chữ nhật và hình như chỉ là một văn phòng lớn. Một vài người ở đây cho chúng tôi biết tại tịnh xá này đã có nhiều vị tu đắc đạo. Và chính tại chỗ này người ta đã đào được vài pho tượng nhỏ cuả Bồ tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí bằng đồng đen và một đồng tiền không được rõ ràng lắm. Tại ngôi đền có nhiều mảnh tượng gãy nát, chúng tôi xem qua không hiểu là tượng gì. Không biết có phải là tượng con ngựa trên trụ đá vua A Dục chăng? Sau khi quan sát nền của một ngôi tịnh xá, chúng tôi sợ trưa không kịp chuyến xe trở về, nên vội vàng qua viếng thăm hai ngôi tháp mới.

4. Hai ngôi tháp mới

Chính phủ Nepal trong chương trình sửa lại Thánh tích này đã dựng được hai ngôi tháp hình trụ tròn, với những nguyên liệu đào bới xung quanh Lâm-tỳ-ni. Hai tháp này không có chi mỹ thuật cho lắm.

Đã 10 giờ trưa rồi, chúng tôi phải từ biệt nơi đã ghi lại dấu chân đầu tiên của vị Thái tử con vua Tịnh Phạn để tiếp tục công việc chiêm bái nhiều nơi khác.

Trên con đường quanh co khúc khuỷu trở về ga, chiếc xe buýt từ từ chuyển bánh, lòng chúng tôi cảm thấy bùi ngùi và quyến luyến mãi với hình ảnh Lâm-tỳ-ni.

Ngồi trên xe, tôi suy nghĩ: không có sức mạnh nào bằng sức mạnh đạo đức, không có sự vật gì cao quí bằng tình thương chơn thật. Đã xa cách mấy nghìn năm, cuộc đời của Từ phụ tuy đã lui về dĩ vãng, chỉ còn lưu lại một đức từ bi mà không biết bao nhiêu người tôn sùng thờ kính, không biết bao nhiêu dân tộc đang hướng về đạo giải thoát cuả Ngài.

Những người lập sự nghiệp trên sức mạnh, quyền lực, mánh khoé như Hitler, Napoléon, Tần Thủy Hoàng v.v... tuy danh vang một thời thật nhưng chóng phai tàn làm sao, và chỉ để lại cho hậu thế sự căm hờn tức giận. Ngày nay có ai, những người chân chánh, còn muốn nhắc đến tên tuổi hoặc lập đều để dùng bái tôn ngưỡng họ?

Đức Từ phụ đã xây dựng đạo nghiệp bằng tình thương chơn thật, bằng đạo đức cao siêu, không dùng một quyền lực áp bức, không tốn một mũi tên, một viên đạn mà đạo nghiệp của Ngài mãi mãi được mọi người noi theo. Phật tích khác, từ nơi Thế Tôn thành Đạo, cảnh Chuyên pháp luân cho đến vườn Lâm-tỳ-ni v.v... chúng tôi đã đến tận nơi đảnh lễ, cúng dường, chiêm bái. Đây là chỗ đức Phật ứng thân thị hiện và sanh trưởng, làm sao chúng ta lại có thể không đi? Nghĩ như vậy chúng tôi gởi hành lý tại ga, chỉ đem theo một ít đồ cần dùng.

Năm giờ rưỡi sáng, chúng tôi khổ cực dùng trà thay cho buổi điểm tâm tại một quán cơm bình dân nghèo nàn, chiếc xe ngựa mà chúng tôi thuê hồi hôm đã sẵn sàng chờ đợi. Chúng tôi lên xe và ngựa bắt đầu chạy đều đều trên con đường sương lạnh.

Đúng như lời người ta cho biết, đường thật là gồ ghề nguy hiểm; nhiều đoạn chúng tôi phải xuống đi bộ vì ngồi trên xe còn khổ hơn đi bộ, dễ sợ nhất là khi qua những chiếc cầu lắc lẻo. Càng tiến về hướng núi Hy Mã, chúng tôi càng bị bao phủ bởi những sương và sương, và chỉ nhìn thấy những gì cách chúng tôi độ ba thước. Hình như màn sương muốn chận đứng sự tiến bước của chúng tôi. Tuy nhiên chiếc xe ngựa vẫn từ từ lướt tới và để lại đàng sau những khối sương dày dặc nặng nề.

Phải mất hơn ba tiếng đồng hồ mới đến được Ca-tỳ-la-vệ, kinh thành lịch sử mà Phật tử năm châu hằng nhắc đến. Mặt trời lên cao. Sương mù tan biến. Những rặng cây xanh, những xóm nhà cũ kỹ lần lượt hiện ra. Chúng tôi rất hân hoan vì nhờ duyên lành đời trước nên được viếng thăm quê hương kính mến của đức Từ phụ nơi mà Phật tử Việt Nam thường hát vang:

"Thành Ca-tỳ-la sống vui đời Tịnh vương,
Người người vui sướng, Thích Ca Ngài vừa ra đời..."

Một vị cư sĩ tiếp đón niềm nở và đưa chúng tôi vào nhà. Cả gia quyến của vị này đều đổi đãi với chúng tôi một cách nồng hậu. Sau hỏi lại mới biết đây là gia đình dòng họ Thích Ca (Sakya).

Sau khi giải khát xong, mấy người con của vị này đưa chúng tôi đi viếng "Thành" cách đó độ 4 cây số. Sau này, chúng tôi xin kể lại một vài sự kiện lịch sử của đức Phật, khi Ngài ở tại thành này: "Trước khi chưa giáng sanh ở thành Ca-tỳ-la-vệ, Ngài còn là vị Bồ tát Hộ Minh ở trên cung trời Đâu Suất để thuyết pháp và giáo hóa chư thiên.
Khi cơ duyên đã đến. Ngài quan sát trong bốn châu thiên hạ duy có vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Maya là người tu nhơn tích đức lâu đời, xứng đáng làm cha mẹ Ngài, cũng như cha mẹ muôn dân. Ngài cưỡi voi trắng 6 ngà từ trên cung trời Đâu Suất nội viện đến thành Ca-tỳ-la-vệ. Lúc bấy giờ nhân ngày lễ vía các tinh tú, tại Ca-tỳ-la-vệ, từ quan chức cho đến thứ dân đều được nghỉ việc để mừng lễ. Mọi người tấp nập ăn chơi, đờn ca xướng. Bao nhiêu trò hay chuyện lạ được biểu diễn khắp nơi. Riêng Hoàng hậu Maya, sau khi dự lễ cầu nguyện trong Hoàng cung, ra ngọ môn bố thí cho người nghèo khổ. Rồi Hoàng hậu trở về cung yên giác. Điềm chiêm bao kỳ lạ đã đến với Hoàng hậu: Một người tướng mạo khôi ngô, cưỡi con voi trắng 6 ngà chen vào hông bên hữu của Hoàng hậu.Giật mình thức dậy, Hoàng hậu cảm thấy trong mình nhẹ nhàng, khoan khoái:

"Maya mộng ứng niềm hoan lạc,
Voi trắng quỳ dâng đóa bạch liên.
Âm nhạc bốn phương lừng các điện.
Vang lời chúc tụng hội quần tiên
Giáng sinh ngày ấy không xa nữa.
Là một tin vui khắp mọi miền!
Chiếu rạng tưng bừng xa bóng tối.
Rồi đây sẽ có đạo vàng thiêng... (N.H).

Sau khi Thái tử giáng trần 7 ngày, Hoàng hậu nhờ phước báo hạ sanh ra Đấng giác ngộ tương lai, được thăng về cung trời Đạo Lợi. Vua Tịnh Phạn giao Thái tử cho bà Mahaprajapati (Ma-ha Ba-xà-ba-đề) nuôi dưỡng. Ngày tháng trôi qua, càng ngày càng khôn lớn, Thái tử học hành kiểm ưu, tài năng xuất chúng. Nhưng Ngài nhìn thấy nhơn sinh thống khổ, thế cuộc vô thường, nên quyết chí xuất gia tìm đạo để giải thoát cho mình và cứu độ chúng sinh. Một đêm nọ, lúc canh ba đã gần tàn, Ngài đang ngồi trầm tư mặc tưởng bỗng nghe đâu trên hư không có tiếng của chư thiên văng vẳng vọng lại:

"Ngày nay tuổi đã lớn rồi
Sao không nhớ lại những lời nguyện xưa
Xin tu chứng đạo chơn thừa
Trần gian vẫn đục say sưa làm gì?
Ngài còn lần lựa thế chi,
Chúng sanh ngu dại ai thì bảo ban.
Mau mau mở lối Niết bàn
Khêu đèn Trí tuệ vén màn vô minh". (L. S. P. T)

Ngài suy nghĩ không thể dần dà được nữa mà phải xuất gia tìm chơn lý. Một đêm nọ sau khi buổi yến tiệc linh đình và mọi người yên giấc, Ngài cùng Xa Nặc cưỡi ngựa Kiền Trắc vượt qua thành Ca-tỳ-la-vệ này để "Dấn thân nơi cát bụi tìm đạo thiêng".

5. Thành Ca-tỳ-la-vệ

Tiến qua một cánh đồng, gồm những vườn xoài, những mương nước, chúng tôi đến nội thành Ca-tỳ-la-vệ.

Hiện tại, sự tìm tòi và nghiên cứu tường tận của ông Vincent Smith và ông De Vost cho chúng ta biết rằng Ca-tỳ-la-vệ của vua Tịnh Phạn ngày xưa, hiện nay nằm tại nơi được gọi là Tilaurakota, thuộc hạt Terai và cách xa ga Shoharatgarh 20 cây số. Cả vùng thành Ca-tỳ-la-vệ này được bao bọc bởi nhà cửa thưa thớt của dân làng Taulihwa. Thành rộng lớn bao la và nằm trên bờ sông Banganga. Chúng tôi tìm thấy nhiều vết tích những bức tường của thành ấy và rất nhiều đồi đất cao, có thể là các đền đài ngày xưa. Hiện tại toàn vùng này bị cây cối bọc bao trùm. Chúng tôi chỉ thấy xa xa một khu rừng rập rạp. Đến gần nhìn thấy rất nhiều gạch đá vụn, đây có lẽ là một khu nhà rộng lớn của thành. Thầy Thiện Châu có nhặt một viên gạch xưa đem về làm kỷ niệm. Chắc chỗ này chưa ai đào bới cả.

Ngài Pháp Hiển đến chiêm bái thành Ca-tỳ-la-vệ vào năm 403 sau Tây lịch và ngài đã nhìn thấy toàn vùng này là một rừng hoang cỏ dại, dân cư thưa thớt, chỉ thấy những di tích phế tàn. Có một số tu sĩ tu khổ hạnh tại đây và độ 30 gia đình dân chúng. Ngài đến hỏi thăm các vị tu sĩ về thánh tích ngôi thành này. Các vị ấy cho biết toàn vùng này chính là thành Ca-tỳ-la-vệ thời xưa, và họ cố ở lại đây để giữ gìn Thánh tích này, nhưng không đủ phương tiện, đành chịu thua.

Vào năm 636, ngài Huyền Trang cũng đến thăm viếng ngôi thành và diễn tả di tích này một cách rõ ràng. Ngài viết: "Thành Ca-tỳ-la-vệ kiến trúc theo lối cổ kính, xây dựng toàn bằng gạch đá quí, bức tường thành vẫn còn, và kiến tạo rất kiên cố. Hiện tại chỉ còn 634 phố, nhà lơ thơ, và một ít dân chúng đang sống ở đó. Chung quanh có độ 100 tịnh xá bị hư hỏng. Gần chỗ này có một ngôi tịnh xá vĩ đại, 30 tu sĩ tiểu thừa, và hai ngôi đền của Ba-la-môn giáo".

Ngài Huyền Trang có nói đến trụ đá cuả Vua A Dục dựng lên cao độ 9 thước tây, trên chót trụ đá có chạm hình con sư tử rất đẹp. Về phía tây bắc của thành có hơn 100 tháp nhỏ, đánh dấu chỗ dòng họ Thích Ca bị giặc tàn sát. Theo ngài Huyền Trang cho biết thời chu vi thành Ca-tỳ-la-vệ độ chừng 400 lý hay 664 dặm Anh.

Một vài di tích thành Ca-tỳ-la-vệ

a. Nigaliwa:Độ 4 dặm cách Taulihwa có một cái hồ lớn gọi là hồ Nigali. Gần hồ có một trụ đá bị gãy đôi, phần trên dài 5 thước, bị cỏ dại phủ lấp, phần dưới còn chôn sâu vào đất, phần trên có ghi một hàng chữ Tây Tạng "OM MANI PADME HUM" (An-ma-ni-bát-ni-hồng); trên hàng chữ này có khắc hai con công, phần trụ đá dưới có khắc những hàng chữ Brahmi. Vua A Dục có đến thành Ca-tỳ-la-vệ. Ngài từ vườn Lâm-tỳ-ni trở về, có viết bài kệ như sau:

Devanam piyen piyadasin lajin chodasavasa (bhisi).
Bùdhasa kranak manas thue dutiyan baddhihite (Bisttiva).
Sabhisten chatina agach mahiyite (Sila thuhey chus).
Papite...

Phỏng dịch: "Hoàng đế Piyadasin vào năm thứ 14 triều đại này đã mở rộng lần thứ hai, tháp của đức Phật Kanaka và đến năm 20 triều đại Ngài đã đích thân đến đây lễ bái và cho dựng trụ đá".

b. Tháp Piprahwa:Chỗ này là ngôi tháp được dựng lên trên phần Xá-Lợi của đức Phật thuộc dòng họ Sakya. Tại chỗ này, người ta có đào được một hộp bằng đá lớn trong đó có bảo vật và nhiều mảnh xương vụn hơn 1.000 hộp bằng đá rất nhiều ngọc ngà châu báu. Xá lợi này chính là xá lợi của Phật, vì có khắc nhiều hàng chữ Brahami: "Đây là Xá-lợi của đức Gautama, do các dòng họ Sakya chôn tại chỗ này và xây dựng bửu pháp lên trên".

c. Kudan:Theo một vài nhà khảo cổ trứ danh cho biết, làng Kudan cách xa Taulihwa độ hai cây số, có thể là chỗ đản sanh của đức Phật Krakuchanđa. Tại chỗ này có hai mô đất lớn bằng gạch và bằng đất; dân bản xứ gọi là Lori-KiKudan. Có thuyết cho rằng chỗ này là nơi đức Phật gặp đức vua Tịnh Phạn sau khi Ngài đắc đạo và là chỗ 500 người thuộc dòng Thích Ca quy huớng Tam bảo; cũng chính tại chỗ này đức Phật thuyết pháp nhiệm màu cho chư thiên.

d. Hồ nước Kunau:Chỗ này, người ta tin là nơi Thái tử cùng các công tôn, vương tử thi bắn cung nên gọi là Saea-kup (tên bắn). Lúc vua Tịnh Phạn chọn công chúa Gia-du-đà-la cho Thái tử, vua Thiện Giác ra điều kiện rằng: "Ai muốn cưới công chúa phải thi văn và đấu võ". Thái tử Tất-đạt-đa văn võ toàn tài, tỏ ra là người xuất chúng, nên được cưới công chúa Gia-du-đà-la.

e. Sagarhwa:Chỗ này theo người ta cho biết, là nơi hoàng tộc Thích Ca bị tàn sát. Ông Smith có viết rằng trong tháng giêng ông A. Fuhrer có tìm được tại chỗ này 17 ngọn tháp nhỏ rất có thể là nơi dấu hoàng tộc Thích Ca bị tàn sát. Sau khi bị quân nghịch giết hại, đức Phật có phóng quang tiếp độ các hương linh những người có thiện nghiệp trong dòng Thích Ca được sanh về cõi Thánh.

f. Đền Shiva tại Taulihwa:Đây là một trụ đá rất nhám. Gần phía chân của trụ đá này, có hai hình dĩa tròn giống như cái mâm, ở chính giữa thì dầy, phía ngoài mỏng dần, chính giữa có một trụ đá nổi lên, phía dưới có hình tán góc. Nó tương tự như trụ đá Linga ở chùa Bà Đen (Sài gòn). Hỏi thăm, người ở đó cho chúng tôi biết rằng: Dân bản xứ có dụng ý đào trụ đá ấy, nhưng đào mãi không được. Do đó họ tin rằng đó là thần Shiva Linga và thường đến đó hành lễ, cúng bái, cầu nguyện.

g. Ngôi chùa mới lập tại Taulihwa (ngoài thành Ca-tỳ-la-vệ):muốn đền đáp công ơn muôn một cho tổ tiên, các gia đình thân tộc Thích Ca còn lại có dựng lập một ngôi chùa trong làng Taulihwa. Chúng tôi có đến viếng ngôi chùa ấy: Chùa khá đẹp có vòng thành bốn phía.

Chúng tôi thiết nghĩ, nếu có vị chơn tu nào đến trụ trì ở đây chắc chắn khai hóa mối đạo chỗ này một cách dễ dàng, vì ở đây sẵn có một số thân tộc Thích Ca triệt để ủng hộ.

Ông tộc trưởng cho chúng tôi biết, ông sẽ cố gắng hoàn thành ngôi chùa này nội năm nay. Để góp chút công quả, chúng tôi cúng dường 200 đ VN cho việc kiến tạo. Chúng tôi hy vọng chốn này chóng phục hưng mối đạo, do chính người trong dòng họ Thích Ca sáng lập.

Các gia đình dòng họ Thích-Ca

"Bà con thế tục mỗi ngày mỗi xa, dòng họ Thích Ca càng ngày càng gần". Thật đúng với câu nói trên, gia đình ông tộc trưởng và các cô bác khác gặp chúng tôi xá chào vui vẻ và xem bộ như quen biết đã từ lâu đời. Thượng tọa Minh Châu hỏi qua lai lịch dòng họ Thích Ca, và được ông tộc trưởng cho biết hiện giờ còn độ 36 gia đình, trên 60 người thuộc họ Thích Ca nhưng phần đông ở tại Nepal, hiện ở gần thành Ca-tỳ-la-vệ chỉ còn ba gia đình. Cả ba gia đình này có biên tên họ cho chúng tôi để giữ kỷ niệm. Như do một luồng nhân điện truyền cảm, chúng tôi và những người này mến nhau kỳ lạ, sự cảm mến cuả những người cùng huyết tộc, nhất là sau khi họ biết chúng tôi cũng mang họ Sakya (Thích) như họ.

Viếng thành Ca-tỳ-la-vệ về đúng 12 giờ, chúng tôi thọ trai tại nhà ông tộc trưởng. Đây là một bữa cơm chay đạo vị mà chúng tôi được dùng tại nhà dòng họ Thích Ca. Ông bà tộc trưởng dọn một căn phòng khá rộng rãi trên lầu và chọn những vật thực quí để cúng dường chư Tăng. Trong khi thọ trai, ông tộc trưởng đích thân đứng làm thị giả. Sự cảm thông qua tình đạo làm cho bữa ngọ trai hôm nay ngon lành và ý nghĩa.

Hiệp để mà ly, đến để rồi đi. Rất tiếc chúng tôi chỉ lưu lại đây có mấy tiếng đồng hồ. Thọ trai xong, chúng tôi sắp sửa từ giã ra về. Trên nét mặt của bất cứ một người nào cũng có vẻ lưu luyến, bùi ngùi. Để ghi lại sự gặp gỡ quí báu này, chúng tôi chụp vài chiếc ảnh kỷ niệm. Niềm lưu luyến tràn ngập trong lòng mỗi người, thật ra chúng tôi cũng chẳng muốn về chút nào, nhất là nhìn thấy các cháu trong gia đình quá trìu mến. Xe đã chạy mà quí vị ấy và các cháu còn chạy theo. Một thanh niên giáo sư thuộc dòng họ Thích Ca chạy theo, đem bút máy và sách nài nỉ trao tặng thầy Thiện Châu làm kỷ niệm. Thầy cố từ chối, mãi mà không được. "Chỉ dính líu có hai chữ Thích Ca mà khổ tâm thật!".

Trên đường về

Trên con đường về ga Shorasgarh, chúng tôi bùi ngùi cho cảnh suy tàn của thành Ca-tỳ-la-vệ và lưu luyến các bà con huynh đệ trong dòng họ Thích. Nghĩ đến cuộc thịnh suy của đời và chứng kiến cảnh kẻ ở người đi, lòng chúng tôi như vương nặng một nỗi buồn man mác.

"Thương hải biến vi tang điền" thật là rõ rệt. Thành Ca-tỳ-la-vệ trước đây khi vua Tịnh Phạn đang trị vì, có biết bao cung điện, lâu đài đồ sộ nguy nga, biết bao kỳ hoa dị thảo, cảnh đẹp nên thơ, biết bao xe cộ tấp nập quanh thành, biết bao phố phường nhà cửa bao bọc. Nhưng thời hưng thịnh này còn đâu! Chỉ còn ít khóm cây xơ xác, những mái tranh im lìm, dân chúng thì lưa thưa nghèo khổ. Trong khi bùi ngùi cám cảnh, tôi liền nhớ đến lời Phật dạy: "Có sanh tất có diệt, có hiệp phải có ly, thịnh suy là lẽ thường của sự vật". Sự thật là thế, mặc dù thành Ca-tỳ-la-vệ không còn như xưa, nhưng tinh thần cao quý của vị Thái Tử thành này đã lan rộng và trở nên bất diệt. Ca-tỳ-la-vệ vẫn còn mãi mãi. Xe đến lúc nửa đêm, chúng tôi phải ngủ tại ga, đợi đến sáng mới đi Xá vệ được. Câu "Nhất thời Phật tại Xá-vệ quốc kỳ thọ Cấp cô độc viên" mà chúng tôi thuộc lòng từ tấm bé hôm nay có ý nghĩa làm sao! Nó được lập đi lập lại nhiều lần với những cảnh sắc trang nghiêm, kỳ diệu trong trí trước khi chúng tôi thiếp ngủ. Mặc dù đi ngủ trễ, nhưng chúng tôi dậy sớm hơn thường lệ, sau một giấc ngủ lạ khoan khoái. Lúc mới tỉnh giấc, chúng tôi cứ ngỡ là mình đang ở tại Kỳ viên.

Chuyến xe buýt sớm nhất đưa chúng tôi đến Xá-vệ sau gần một tiếng đồng hồ lướt qua các phố phường, làng mạc. Tất cả chúng tôi tự mang hành lý vào Đại Các tự, ngôi chùa Trung Hoa nằm bên cạnh Kỳ viên, Đại đức trụ trì ở đây đi vắng. Chúng tôi nhận được sự tiếp đãi nồng hậu của một vị nữ sĩ ở Calcutta lên đây để chép kinh. Món quà quí báu đầu tiên mà mỗi người chúng tôi nhận được là một quyển kinh Kim Cang do chính tay vị này viết tại nơi Phật thuyết kinh này.

Chiêm bái Kỳ viên

Thu dọn nơi tạm trú, tắm rửa và dùng sáng xong thì trời đã nắng. Chúng tôi muốn dành trọn một buổi cho việc đi chiêm bái Kỳ viên. Tuy chỉ ở ngoại giới của Đại Tòng lâm, nhưng chúng tôi cũng đã hưởng được nhiều hương vị thanh tịnh giải thoát. Có thể nói rằng ngôi Đại Giác tự này là một Tiểu Tòng lâm, được xây dựng với ý nguyện phục hưng Phật giáo tại đây của vị Đại đức người Trung Hoa này. Cây cối xinh tươi chen chúc nhau trên mười mẫu đất bao phủ lấy ngôi chánh điện kiến trúc theo lối tổng hợp nửa Ấn nửa Hoa. Khách xá, trai đường và lầu duyệt kinh rộng rãi ngăn nắp. Cảnh sắc của toàn chùa đượm vẻ u tịch, thanh thoát làm sao. Không có gì làm cho chúng tôi sung sướng hơn là được ở vào một nơi cách xa phố phường huyên náo không có lấy một tiếng động của cơ khí sau những lúc phải chung đụng với cảnh ồn ào của ga xe hỏa, sự tranh giành ở bến xe buýt, sự hỗn loạn của xã hội loài người quên đạo đức! Khách xá của chùa hôm nay như vui hẳn lên vì được chứng kiến sự sinh hoạt ý nghĩa và nhịp nhàng của những người khách phương xa đến. Góc này Thượng tọa Minh Châu đang tiếp tục viết tập "Hsuan-tsang, the torch-bearer of the Dharma" (Huyền Trang, người làm sáng Chánh pháp). Chúng tôi đang sửa lại bản thảo đầu tiên về cuộc chiêm bái để gửi cho tạp chí Liên Hoa. Đằng kia, thầy Pasadika xem lại lịch sử Kỳ viên để giảng giải ngay những nơi mà chúng tôi sẽ đến viếng. Cạnh đó là thầy Huyền Vi đang đánh máy tài liệu quyển "Đường về xứ Phật". Tiếng lắc tắc của máy đánh chữ làm chúng tôi nhớ lại lời giáo sư Thạch Trung Giả, tác giả những vần thơ huyền bí nhưng đầy ý nghĩa đã nói với chúng tôi trên đồi Hải Đức - Nha Trang: "Thầy ạ, tôi yêu thích làm sao hình ảnh một vị sư ngồi trước máy đánh chữ". Khi mới nghe, chúng tôi tưởng Giáo sư muốn phê bình sự sinh hoạt đổi mới của một số chư Tăng ngày nay. Nhưng với những lời giải thích của Giáo sư và đến nay sau khi chứng kiến đầy đủ hòa hợp giữa tĩnh và động, động trong tĩnh và tĩnh để mà động ấy, chúng tôi thấy giáo sư Thạch Trung Giả có lý. Thật vậy, không gì đẹp hơn hình ảnh một nhà tu trong cảnh thiền môn thanh tịnh đang ghi lại - bằng máy móc mà khoa học đã sáng chế nhưng loài ngưòi chưa biết dùng nó đúng mức với việc đạo đức tốt đẹp - những chơn lý hữu ích sau khi chín chắn suy tư để phổ biến cho cuộc đời hỗn loạn.

Chúng tôi khởi hành cuộc chiêm bái vào 2 giờ 35 phút, lúc trời đang nắng. Đường đi đến Kỳ viên tuy không xa nhưng cái nắng khô gắt hôm nay thúc giục khách hành hương rảo bước để được sớm đến chỗ. Kỳ viên nay là một khu rừng rộng độ 50 mẫu tây, nổi lên giữa cánh đồng lúa xanh vàng bát ngát, cách kinh thành Xá-vệ cũ độ hai cây số. Càng đến gần, chúng tôi như được cây lá tươi mát ở đây đón mời nghỉ nắng. Chúng tôi đến ngồi dưới một tàn cây, bên cạnh những khóm hoa rừng đua nở. Thỉnh thoảng hương thơm theo gió đem đến những khoái cảm nhẹ nhàng dịu ngọt. Đàn chim trên cây tiếp tục hòa tấu bản nhạc "Ca-lăng-tần-già" mà chúng bỏ dở khi chúng tôi mới đến.

Chúng tôi đang miên man với điệu nhạc, hồn thơ thanh thoát thì tiếng nói trong êm của thầy Pasadika vang lên, thầy xin thi hành bổn phận là kể lại lịch sử của Đại Tòng lâm:

"Lúc bấy giờ Thế Tôn ở tại Vương xá, ông Cấp-cô-độc (Anàthapindika), người hay giúp đỡ cho kẻ nghèo khổ, một triệu phú và đã có Tôn giáo, nghe danh Ngài, từ Xá-vệ lặn lội đến xin bái yết đức Thế Tôn. Ông vào Trúc lâm đảnh lễ Phật và cúng dường chư Tăng. Đức Thế Tôn hứa sẽ đến thăm ông tại Xá vệ.

Về đến nhà, ông Cấp-Cô-độc liền tìm một nơi xứng đáng để đón rước đức Phật. Vườn ông rộng nhưng không đẹp. Trong thành chỉ có một hoa viên rộng và đẹp nhất nhưng lại là sở hữu của Thái tử Kỳ đà (Jita). Ông đánh liều đến hỏi mua. Thái tử không bán. Ông nài nỉ mãi, Thái tử cười và trả lời:

-- Tôi sẽ bán nếu ông lót vàng khắp khu vườn.

Ông Cấp cô độc bằng lòng mua một cách sung sướng và trở về cho người đem vàng đến lót. Còn một khoảng đất chưa được lót xong, nhưng vì cảm mến đạo tâm quí báu của ông Cấp-cô-độc nên Thái tử bảo:

-- Thôi đừng lót nữa, tôi chỉ lấy một nửa số vàng và xin cúng tất cả cây cối trong vườn cho đức Phật.

Tìm được nơi rồi, ông Cấp-cô-độc cho người thân tín sang Vương xá thỉnh Phật. Vài ngày sau, ông cùng gia đình và rất nhiều người tai mắt trong thành ra đón rước và thỉnh Phật về Kỳ viên. Ông dâng cúng khu vườn cho Phật và chư tăng làm nơi thường trú. Để kỷ niệm đạo tâm của hai đại thí chủ, đức Phật đặt tên hoa viên này là "Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên" (Jetavana Anàthapindikàràma. Sự tích này được khắc vào Bharhut trong thế kỷ thứ hai sau T.L.). Và Đức Phật đã nói cảm tưởng của Ngài đối với Đại Tòng lâm này:

"Hoa viên này là nơi thường trú tốt nhất của Như Lai và chư Tăng. Chúng tôi được sống yên ổn nơi đây vì khí hậu không nóng quá và lạnh quá. Thú dữ không vào đây được. Muỗi mòng không có, nên sự tĩnh lặng được hoàn toàn. Hoa viên này chế ngự được mưa to gió mạnh và nắng khô. Nó gây hứng cho nguồn đạo niệm và chúng tôi có thể thiền định từ giờ này qua giờ khác một cách dễ dàng. Nó thật xứng đáng làm lễ vật cúng dường cho Giáo hội. Người cư sĩ tận tâm cúng dường chư Tăng phòng xá, y thực. Bổn phận chư Tăng phải dạy bảo cư sĩ chánh pháp và người nào thông ngộ chánh pháp sẽ được giải thoát ác đạo và chững chạc đại Niết bàn".

Từ đó, đức Phật và chư Tăng thường trú tại hoa viên này. Gia đình ông Cấp-cô-độc hằng ngày hoan hỷ cúng dường tứ sự cho Giáo hội. Nhưng một hôm ý nghĩ tốt đẹp và rộng rãi sau đây đã đến với ông:

"Ta sung sướng lắm vì ta đã có thiện duyên được cúng dường Phật và chư Tăng. Ta sẽ được gặt hái phước quả trong đời này và đời sau. Nhưng tại sao chỉ có một mình ta và gia đình ta được hưởng công đức ấy? Không được! Ta phải chia xẻ công đức cho kẻ khác. Ta sẽ kêu gọi đạo tâm của nhiều người, để họ cũng hướng được công đức như ta".

Ông bèn vào yết kiến vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) và trình bày những điều ông nghĩ. Vốn là một vị minh quân, hơn nữa vì kiêng nể ông Cấp-cô-độc, một ân nhân đã ủng hộ nhiều cho ngân quĩ quốc gia, vua liền chấp thuận. Trong bảy ngày liên tiếp, ông đi khắp các nẻo đường bắn tin cho dân chúng biết hiện có đức Phật và chư Tăng đang ở tại Kỳ viên và kêu gọi họ đến nghe Pháp và cúng dường để góp phần công đức. Trong vô số người hưởng ứng, có hai tín nữ đáng ghi nhớ hơn hết là một cô gái nghèo nhất Xá vệ và bà Visakha (Tỳ-xá-khư) giàu không kém gì ông Cấp-cô-độc.

Cô gái nghèo này vì kính mộ đức Phật mà mến trọng cử chỉ khiêm nhường chơn thành của ông Cấp cô Độc, đã dâng cúng chiếc áo duy nhất của mình. Sau khi biết được đạo tâm cuả cô này, ông Cấp-cô-độc cho người đem đến biếu cô rất nhiều chiếc áo đẹp khác. Nhưng qua hôm sau, cô từ trần và được sanh lên cõi trời Đế Thích. Nhớ lại tiền kiếp, cô đã xuống nghe đức Phật thuyết pháp tại Kỳ-viên.

Bà Visakha là người giàu có và đông con cháu, cũng đã trở nên một Phật tử biết hộ pháp. Một hôm sau khi đức Phật và chư Tăng thọ trai tại nhà bà, bà xin đức Phật cho phép bà được toại nguyện trong tám điều:

"Trọn đời cúng dường:
1. Y trong mùa mưa (ngoài ba y) cho các thầy Tỳ-kheo.
2. Thực phẩm cho các thầy Tỳ-kheo mới đến.
3. Thực phẩm cho các thầy Tỳ-kheo đi xa.
4. Thực phẩm cho các thầy Tỳ-kheo bệnh.
5. Thực phẩm cho những người nuôi các thầy Tỳ-kheo bệnh.
6. Thuốc men cho các thầy Tỳ-kheo bệnh.
7. Cháo sữa buổi mai cho chư Tăng.
8. Y tắm cho các Tỳ-kheo ni.

Đức Phật hứa cho sau khi nghe bà giải thích đầy đủ lý do về sự cúng dường âý. Ngài dạy: "Lành thay! Lành thay! Visakha! Người đã khéo xin Như lai tám điều trên với những lý do rất xác đáng và lợi ích. Cúng dường cho những người đáng cúng dường chẳng khác nào gieo giống trên đất tốt và như vậy sẽ gặt hai được nhiều kết quả. Trái lại cúng dường những kẻ thiếu đạo đức, còn mang nặng dục vọng chẳng khác gì gieo giống trên đất xấu. Nắng dục vọng của người thọ lãnh làm khô chết giống công đức của người cúng dường".

Chính đức Phât đã tán thành công đức của bà Visakha:

"Người đệ tử chơn thành của Như Lai luôn luôn hoan hỉ và không chút hối tiếc trong lúc cúng dường bất cứ một phẩm vật nào. Do đó, u sầu tiêu sạch, công đức phát sanh. Đời sống phước lạc này giúp người bước lên con đường giải thoát những sự triều phược và bất tịnh của con người. Sự hướng thiện ấy sẽ làm cho người có hạnh phúc và an lạc trong công việc từ thiện".

Ngôi Tịnh xá Pùràràma ở về phía đông Kỳ viên là của bà Visakha dâng cúng. Và bà là người lãnh đạo những tín nữ ở Xá lợi."

Thượng tọa Minh Châu tiếp thêm: "Chính nhờ ngoại duyên đầy đủ mà đức Phật đã thường trú tại đây gần 25 năm. Phần lớn các kinh điển quan trọng đều được đức Phật thuyết tại đây. Chính từ nơi đây, các thầy Tỳ-kheo tài đức đã đi khắp các xứ lân cận để truyền bá Chánh pháp".

Cây Bồ đề:Đến đây, sau một lúc nghỉ nắng, chúng tôi bắt đầu đi thăm từng cảnh một. Đi về phía đông, nơi chúng tôi đến đầu tiên là cây Bồ đề này chính do ông Cấp-cô-độc thỉnh một nhánh từ cây Bồ đề Phật Thành Đạo đem về trồng tại đây. Tuy không được xanh tốt như cây Bồ đề Bồ đề Đạo-tràng nhưng nó vẫn giữ sắc thái hùng vĩ, oai nghiêm, vượt cao lên trên những cây xung quanh nó. Mỗi khi nhìn thấy cây, lá Bồ đề là lòng chúng tôi ngập tràn niềm vui tin tưởng. Bởi nó là một vật kỷ niệm quí báu và cũng là biểu trưng cho nền đạo giác ngộ. Ánh nắng chiếu vào những lá Bồ đề xanh láng làm cho toàn cây như tỏa ra một vòng hào quang mát dịu.

Chúng tôi dành thời gian rất ngắn cho những nơi ít quan trọng, có nhiều nơi chỉ lướt qua. Chùa và tịnh xá ở đây không biết bao nhiêu mà kể, tuy chỉ còn lại những nền gạch. Chúng tôi chỉ đến chiêm bái và nghiên cứu tỉ mỉ những cảnh sau đây:

Chùa số 3:Chùa này là thánh tích thiêng liêng nhất ở Kỳ viên do ông Cấp-cô-độc dựng lên làm nơi thường trú cho Phật. Trước mặt chùa có hai bệ gạch xây trên con đường kinh hành cũ của đức Phật. Trên tượng của một vị Bồ Tát được tìm thấy gần chỗ này, có một bia ký thuộc thế kỷ thứ nhất sau T.L., chép rằng tượng này được dựng lên tại chỗ đức Phật đi kinh hành (Kosambakuti) bởi ông Bala trong triều đại của một vị vua Kushan, Ngài Huyền Trang có thấy tượng này.

Chúng tôi đảnh lễ và tưởng niệm tại đây, trên một nền gạch đầy sỏi đá. Đầu phơi nắng, trán chạm đất cát nhưng chúng tôi cảm thấy sung sướng và mát dịu làm sao! Vì chúng tôi quán tưởng rằng đức Phật đang an tọa chính nơi đây. Hai bàn tay và trán chúng tôi chạm đến đôi bàn chân của Ngài. Nhưng đó chỉ là một sự ước mơ. Dầu sao sự ước mơ này cũng đã cho chúng tôi một niềm an lạc.

Tinh xá số 19: Tịnh xá số 19 này nằm về phía tây xây mặt về phía đông. Đây là tịnh xá lớn nhất ở Kỳ viên, gồm có một điện Phật, một cái giếng giữa sân, 22 tịnh thất nhỏ vây xung quanh và một số trụ lớn chạy theo hành lang phía trong. Hình như tịnh xá này được xây đi dựng lại đến 3 lần trên một nền móng. Ngôi xưa nhất này chỉ còn thấy một phần tường thuộc về thế kỷ thứ sáu sau T. L., ngôi thứ hai có lẽ thuộc thế kỷ thứ 10. Trên đây người ta có tìm được một số tượng Phật trong đó có một tượng trong cử chỉ bắt ấn Bhumisparsamudra, có đức Quan Thế Âm và đức Di Lặc hầu hai bên, một bức chạm tích con vượn dâng mật cúng Phật; hai bức chạm có bia ký chép thuộc thế kỷ thứ 9, thứ 10. Ngôi tịnh xá được dựng lên cuối cùng thuộc thế kỷ 11, 12 này nền móng vẫn còn. Nền móng hình vuông, mỗi bề độ 36 thước tây, một sân không lợp ở chính giữa, xung quanh là tịnh thất của chư Tăng, có hành lang chạy dài phía trong. Phòng chính xây mặt về phía các cửa là một điện Phật nên bất cứ ai bước ra cũng đều thấy tượng Phật trước hết. Tịnh xá này có tất cả 24 phòng. Trong mỗi phòng có một giường nhỏ bằng gạch. Trong một tịnh thất ở tịnh xá này có đào lên được một tấm đồng khắc rằng Thái tử Govindachandra xứ Kanauj năm 1130 sau T.L. có để dành lợi tức của một vài chùa xung quanh thành Xá-vệ để cung cấp cho các vị Tỳ-kheo ở Kỳ viên. Nhờ tấm đồng này mà người ta biết đích xác chỗ Saheth này là Kỳ viên và chứng tỏ rằng đạo Phật ít nhất là đến thế kỷ thứ 12 vẫn còn thịnh hành ở Ấn độ.

Chúng tôi nghĩ rằng lối kiến trúc tinh xá ở đây thật đúng với giới luật và thích hợp cho việc thiền quán của chư Tăng. Sự chung đụng quá nhiều giữa người và người thường gây ra những sự bất lợi cho người tu hanh về thời giờ và tâm niệm. Sự tĩnh lặng cho người tu hành đủ sáng suốt để biết rõ mình hơn và không bị lôi cuốn bởi ảnh hưởng xấu của kẻ khác. Tuy nhiên nếu sống tách rời nhau quá cũng dễ sinh ra chia rẽ, đố kỵ và nhất là không huởng được sự dắt díu và kiểm soát của thiện tri thức. Do đó, theo thiển ý của chúng tôi, mỗi người một phòng và sống gần nhau trong một tịnh xá là sự cư trú tốt nhất cuả Tăng già. Lối kiến trúc chùa chiền theo kiểu chữ Khẩu hay chữ Môn bên ta quá chú trọng đến việc thờ phượng và chỉ tiện lợi cho sự công phu bái sám tập thể. Chúng tôi chưa được thấy Tòng lâm nào có những tinh xá thuận lợi cho việc thiền quán của chư Tăng như ở đây.

Sau gần hai tiếng đồng hồ chiêm bái, viếng thăm, tìm hiểu tất cả chùa chiền, tinh xá khắp nơi trong Kỳ viên, chúng tôi đến viếng một cái hồ rộng nằm giữa những vòm cây được xem là hồ tắm của chư Tăng rồi đến một cái giếng lớn và nền của một phòng tắm được xem là nơi tắm của đức Phật. Qua những cái giếng còn lại chúng ta cũng biết được số đông đảo chư Tăng trong lú Phật còn tại thế và những thế kỷ tiếp theo.

Trời đã dịu nắng. Cây lá đổi màu. Chúng tôi đồng leo lên một ngọn đồi không cao lắm gần bên hồ để được nhìn thấy toàn cảnh Kỳ viên. Có lẽ vì muốn được yên tịnh để suy tư những lời Phật dạy ngay trong cảnh mà ngày xưa Đức Phật đã thường trú nhiều năm, nên Thượng tọa Minh Châu đề nghị mỗi người nên tìm một chỗ để tĩnh tâm độ 30 phút trước khi ra về. Thầy Pasadika không để mất cơ hội thuận tiện nên xin tất cả ngồi lại trên đồi này độ 10 phút nữa để thầy kế tiếp lịch sử của Kỳ-viên.

-- "Kỳ viên này, thầy Pasadika nói, như chúng ta đã thấy qua những di tích còn lại, không phải chỉ xây dựng trong thời Phật còn tại thế mà được tiếp tục xây dựng trong nhiều thế kỷ sau. Chính vua Asoka sau khi lên ngôi có đến thăm Kỳ-viên này. Để kỷ niệm cuộc viếng thăm, vua cho dựng hai trụ đá cao độ 22 thước ở cửa hướng đông. Một cột có Pháp luân trên đỉnh và một cột có con bò. Theo ngài Huyền Trang, vua Asoka còn cho xây gần đó một ngôi tháp thờ Xá Lợi của Phật nữa.

Trong những thế kỷ đầu tiên sau T.L., dưới triều đại Kushans, Phật giáo được hưng thịnh thì ở đây chùa chiền và tinh xá được trùng tu và xây dựng thêm. Nhất thế hữu bộ (Sarvastivada, mầm mống cuả Bắc tông) cũng được thịnh hành tại chỗ này.

Dưới thời đại Guptas đầu, đạo Bà-la-môn có mạnh và muốn phá hoại Phật giáo nhưng cảnh Kỳ-viên này vẫn được duy trì như trước. Ngài Pháp Hiển đến thăm Kỳ-viên vào đầu thế kỷ thứ năm được các thầy ở đây tiếp đón, và họ rất ngạc nhiên không hiểu tại sao có người ở rất xa lại đến đây được, vì từ trước họ chưa bao giờ thấy người Hán cả. Ngài Pháp Hiển cũng thấy hai trụ đá cùng một số tháp và điện dựng lên giữa hồ nước. Cây cỏ tươi tốt và hoa lá rất nhiều, ngài cũng thấy cái lầu hai tầng, chỗ đức Phật ở 25 năm, và theo Ngài, trước kia nó có đến 7 tầng, nhưng sau khi bị cháy chỉ làm lại được hai tầng. Phần lớn những di tích mà chúng ta thấy đều được xây dựng dưới thời đại Guptas.

Ngài Huyền Trang đến thăm vào thời đại vua Harsha (606-647) thấy Kỳ-viên lúc ấy đã bị phế tàn, tuy các ngôi chùa và tượng Phật vẫn còn, nhưng không có một vị Tỳ-kheo nào ở tại đây cả.

Sau thời gian Huyền Trang đến thăm, Phật giáo được phục hưng tại chỗ này. Vì có nhiều tượng và bia ký được tìm thấy tại chỗ như tượng Lokanàtha Trailokyavijiya, Avalokitesvara (Quán tự tại), Simhanàda, Lokésvara Jambhala (Quán tự tại), thuộc về những thời đại sau ngài Huyền Trang đến và cho đến nửa thế kỷ thứ 12, nhiều chùa và tịnh xá vẫn còn tồn tại ở đây. Đó là nhờ sự hổ trợ của vua Gàhadavàla ở Kanauj tên là Madanapàla và Thái tử Govindachandra. Bia ký của thời đại các vị này đều được tìm thấy tại đây. Sau đó, Xá-vệ bị vua Hồi giáo đô hộ. Một vài di tích Hồi giáo vẫn còn ở Xá-vệ. Và Kỳ viên này cũng bị tàn phá và bỏ quên cho đến khi ông Cunningham tìm ra được chỗ này vào năm 1863."

Thầy Pasadika chấm dứt sau hai tiếng cám ơn nhè nhẹ với vẻ mặt buồn chán.

Sau đó Thượng tọa Minh Châu, Thầy Huyền Vi và Thầy Pasadika tan ra đi tìm chỗ để thiền định. Trên đồi chỉ còn một mình chúng tôi. Như thế chúng tôi khỏi cần phải đi tìm một chỗ yên tịnh nào nữa. Ngồi dựa vào một gốc cây định sau vài phút nghỉ cho khoẻ rồi tĩnh tâm thiền quán. Nhưng một nỗi buồn đến xâm chiếm tâm tư sau khi nhìn lại cảnh hoang phế trong lúc ngày sắp tàn làm cho chúng tôi không đủ sức để tập trung tư tưởng vào một mối.

Tiếng gọi nhau ra về của những công nhân sửa sang cây cối đường sá ở đây vọng lại, gợi lên trong trí tôi câu hỏi:

-- "Tại sao một Tòng lâm vĩ đại tồn tại suốt gần 16 thế kỷ này trở nên một nơi hoang phế và hàng ngàn chư Tăng trong các tinh xá bây giờ chẳng có bóng nào? Câu trả lời của vị giáo sư Hindi ở Nalanda có thể giải đáp đầy đủ cho mỗi thắc mắc trên được chăng? Giáo sư ấy đã nói với chúng tôi: "Suốt thế kỷ 11 và 12, giặc Hồi giáo chiếm cứ nước tôi, đập phá tất cả chùa chiền và tàn sát chư Tăng. Rồi tiếp đó là cuộc đô hộ gần 300 năm của người Anh là những nguyên nhân làm cho Phật giáo ở đây mất hình thức. Những người Ấn chúng tôi hiện nay xem đạo Phật là một chi phái của Ấn Độ và họ vẫn thực hành lời dạy của đức Phật, nhất là hạnh từ bi bất bạo động".

Vâng, trong lịch sử Ấn Độ có những sự kiện ấy, song sự suy tàn của Phật giáo ở đây còn do nhiều nguyên nhân khác nữa mà sự "trả thù" của Bà-la-môn giáo là một. Chính chúng tôi đã có dịp thảo luận về nguyên nhân trên với ông Prasad, một học giả đang nghiên cứu về vấn đề "Kinh tế và tôn giáo" ở Nalanda. Ông ta đồng ý với chúng tôi: "Đạo Phật vốn là đạo cách mạng triệt để. Giáo lý cao rộng sáng sủa của đức Phật đã làm lu mờ hệ thống triết lý của Bà-la-môn giáo, một tôn giáo đầy cả nghi lễ. Phật giáo đã cải hóa rất nhiều vị Vua và nhiều người trí thức, chính nhiều tu sĩ Bà-la-môn cũng quay về với Phật giáo. Sự việc này làm cho các vị lãnh tụ Bà-la-môn giáo căm tức và đợi dịp tốt để trả thù. Thừa dịp Phật nhập Niết Bàn, đệ tử của Ngài thiếu người tài đức và nhất là nhân lúc Phật giáo bị Hồi giáo phá hoại, họ hùa theo làm cho Phật giáo tiêu diệt".

Một câu hỏi nữa được chúng tôi đặt ra: "Nói đến sự thạnh suy thì bất cứ Phật giáo nước nào cũng có lúc thạnh lúc suy. Dầu suy biến đến đâu đi nữa cũng có lúc phục hưng được; Phật giáo Trung Hoa ba lần bị tiêu diệt nhưng đến nay vẫn còn. Phật giáo Việt Nam suy biến nhiều trong thời kỳ nội loạn và Pháp thuộc nhưng không đến nỗi điêu tàn như Ấn Độ, nơi Phật giáo phát xuất và có nhiều chùa chiền, tịnh xá, hang động vĩ đại".

Chúng tôi muốn nói đến một nguyên nhân nội tại quan trọng đã làm cho Phật giáo suy tàn một cách mau chóng và hiện nay phục hưng một cách chập chạp. Nguyên ấy là sự thiếu chư Tăng. Có lẽ sau sự giết hại chư Tăng của giặc Hồi giáo, không còn ai dám xuất gia để tu học và hướng dẫn cho tín đồ nữa; rồi tín đồ vì thiếu người hướng dẫn lần lần đã bằng lòng hoặc bị áp bức phải sống với tập quán phong tục của Bà-la-môn giáo, tôn giáo của Ấn Độ, tôn giáo mà hàng Tăng sĩ có thể ở chung lộn với người trong làng xóm. Cho đến ngày nay mặc dầu mặc dù Phật giáo ở Ấn được chính phủ để ý nâng đỡ và nhiều người trí thức ca ngợi, nhưng sự phục hưng cũng chỉ nằm trong sự sửa sang các thánh tích, ấn loát lại Tam tạng kinh điển, sự khuyến khích sinh viên, học giả nghiên cứu Phật giáo. Riêng hội Maha Bồ đề thành lập cũng đã lâu nhưng thành quả thâu hoạch về sự tổ chức và giác ngộ quần chúng cũng không nhiều cho lắm, tuy so với các tôn giáo khác ở đây về số tín đồ tăng thêm, thì Phật giáo đứng hàng đầu.

Nguyên nhân cũng chỉ là sự thiếu bóng Tăng ni. Với dân số gần 400 triệu mà chư Tăng tài đức Ấn Độ không quá 115 vị, phần lớn lại ở tại Assam, một ít ở Calcuta nên chẳng thấm thía vào đâu. Chư Tăng ngoại quốc, phần lớn là Tích Lan tích cực giúp đỡ Phật giáo Ấn Độ, nhưng vì ngôn ngữ và tập tục bất đồng nên rất khó thu hoạch kết quả. Gần đây, hàng triệu người theo gương Bác sĩ Ambedkar qui ngưỡng Tam bảo nhưng họ phải tự nâng đỡ dắt díu nhau chứ không được sự dạy dỗ của chư Tăng. Một thanh niên Ấn Độ ngày nay muốn được xuất gia khó hơn một thanh niên Âu Mỹ, vì không có hoàn cảnh thuận tiện như ngày xưa - Ngay ở Nalanda không kể sinh viên thường, chư Tăng Ấn chỉ có 6 vị, còn bao nhiêu là chư Tăng ngoại quốc. Hội Maha Bồ đề đang tìm cách khuyến khích giúp đỡ thanh niên Ấn xuất gia để công việc phục hưng Phật giáo ở đây được dễ dàng và mau chóng hơn.

Đang lo buồn cho nền Phật giáo tại nơi phát sinh ra nó thì bóng khoan thai của thầy Pasadika đi kinh hành trên một nền gạch cũ làm chúng tôi nhớ rằng Phật giáo là chân lý của muôn phương muôn thuở. Trong khi ở đây không đủ điều kiện tốt đẹp để phát triển thì chân lý ấy sống vững sống mạnh khắp các nước Á Châu và đang sanh lá, đơm hoa ở Âu Mỹ. Niềm tin tưởng vào sự sáng mạnh của Phật giáo trong tương lai ngự trị trong lòng chúng tôi. Tiếp theo đó, bóng của Thượng tọa Minh Châu và Huyền Vi ở đàng xa đi lại gợi lên trong tâm trí chúng tôi bản đồ Đại Tòng Lâm Phật giáo Việt Nam mà chúng tôi được Thượng tọa Thiện Hòa cho xem. Trước khi xuất dương, chúng tôi ước nguyện một ngày gần đây sẽ được vui sống và phục vụ trong một Tòng lâm quy cũ như Kỳ viên trong quá khứ để luôn luôn được sự an ủi, dắt díu của mình sự thiện hữu. Đó là ý nghĩ cuối cùng trước khi chúng tôi rời khỏi ngọn đồi để cùng trở về Đại Giác tự.

Ngày đã tan nhưng trời không tối lắm vì trăng đã lên. Để kỷ niệm nơi chính Đức Phật đã thuyết kinh A Di Đà, tối hôm ấy tất cả chúng tôi và Đại đức trụ trì ở đây cùng đi Tịnh độ. Lâu lắm rồi không tụng kinh A Di Đà, tưởng đã quên hết, nhưng lạ thay, sau vài câu mở đầu là chúng tôi tụng lâu không cần xem kinh nữa. Hình ảnh 7 hàng lan can, bảy hàng lưới giăng, bảy hàng cây báu, hồ sen thất bảo v.v.. của cảnh Cực lạc trang nghiêm lần lượt hiện rõ lên trong trí chúng tôi. Có lẽ Đại Tòng Lâm Kỳ viên đã giúp chúng tôi tưởng tượng cảnh Cực lạc một cách dễ dàng. Những nhạc khí ở đây tuy không được "Vi diệu" như ở nhà nhưng cũng giúp chúng tôi có một buổi tụng niệm hoàn toàn Việt Nam. Lối tụng kinh theo nghi thức các nước Phật giáo Nam Tông không phải không hay, nhưng với chúng tôi lối tụng kinh Việt Nam lai Trung Hoa, đậm đà êm ái và thiền vị làm sao! Chúng tôi không có ý phân biệt tôn giáo, và đây chỉ là vấn đề tình cảm. Có lần đạo hữu Chánh Trí nhắc lại với tôi câu nói mà đạo hữu đã nói với một người bạn Nguyên thủy: "Tôi thích tụng kinh chữ Hán và đánh chuông mõ, vì có lẽ kiếp trước tôi là người Tàu". Câu nói này cũng chính là tiếng nói của tâm linh chúng tôi trong lúc ấy. Buổi tụng kinh tuy dứt nhưng lời kinh, tiếng mõ như còn văng vẳng bên tai. Một niềm luyến nhớ quê hương qua những mái chùa cong cong ẩn dưới tàn cây cổ thụ, và những hồi chuông tiếng mõ nhịp nhàng thanh thoát vang dội sáng chiều.

Dưới ánh trang vàng, trong cảnh an bình của Đại giác tự đêm hôm ấy, chúng tôi không thể nào vào phòng tiếp tục công việc được. Tất cả chúng tôi ngồi lại dưới hiên chánh điện để bàn về chương trình ngày mai. Vừa ngồi yên thì Đại đức trụ trì đem một quyển kinh ra và nói gì với Thượng tọa Minh Châu chúng tôi không được hiểu. Sau đó Thượng tọa Minh Châu cho biết Đại đức trụ trì hỏi: "Phải chăng vừa rồi chúng tôi đã tụng kinh A Di Đà?". Tôi liền hiểu ra rằng: Vì thượng tọa Minh Châu nói được tiếng Trung Hoa và khi chiều chúng tôi có hỏi mượn kinh A Di Đà nên Đại đức tưởng là chúng tôi sẽ tụng tiếng Trung Hoa nên đã cùng đi Tịnh độ với chúng tôi. Té ra chúng tôi xem kinh chữ Trung Hoa nhưng tụng theo lối phát âm Việt Nam!

Tôi trình bày ý kiến của tôi về cách thức học chữ Hán với Thượng tọa Minh Châu và thầy Huyền Vi. Sau một hồi thảo luận, tất cả chúng tôi đều đồng ý là lối học chữ Hán của người Việt Nam nói chung, của chư Tăng ni nói riêng chỉ có lợi trong địa hạt quốc gia nhưng không lợi trong địa hạt quốc tế. Muốn thâu hoạch được công dụng rộng rãi của sự học chữ Hán, chúng ta cần sửa đổi cách dạy và học, nghĩa là học chữ Hán như học sinh ngữ Anh, Pháp v.v... Phải học cho viết được và nói được. Hiện nay Trung Hoa là một thứ tiếng được nhiều người nói và viết trên thế giới. Học theo lối Việt Nam ta xưa nay chỉ để dùng trong nước và chỉ để đọc sách. Do đó, người dạy và người học cũng thiếu hào hứng. Thượng tọa Minh Châu nhờ biết phát âm theo người Trung Hoa, nên đã có thêm một lợi khí quí báu của ngôn ngữ. Thượng tọa giao thiệp được với người Trung Hoa bằng tiếng Trung Hoa, viết sách, và giảng dạy được cho người Trung Hoa và ngoại quốc biết tiếng Trung Hoa. Sau khi bàn thêm một vài chi tiết trong chương trình giáo dục của các Phật học viện Việt Nam, chúng tôi đi ngay vào việc chính: vạch chương trình chiêm bái và công việc cho ngày mai.

Đêm về khuya. Trăng càng sáng. Tiếng hát của dân làng từ xa vọng lại gợi lên trong chúng tôi một điều ước nguyện: Cầu cho chúng sanh an lành và dân tộc Việt Nam sớm ra khỏi cơn binh lửa.

"Cầu cho chúng sanh an lành
Đồng nguỵện suôt đời theo gót người xưa
Và nguyện cho cuộc đời hết khổ đau".(Về dưới Phật đài)

Thành Xá-Vệ

Sáng ra, sau khi điểm tâm xong, chúng tôi lên đường đi đến thành Xá-vệ. Thành này cách Kỳ viên độ hai cây số nay chỉ còn những lũy đất bọc chung quanh một vùng đất hoang dại rộng độ 200 mẫu tây. Trèo lên một mô đất cao có lẽ là một pháo đài cũ, chúng tôi thấy rõ sông Aciravati, con sông được nhắc đến nhiều lần trong kinh điển. Bắt nguồn từ dãy Hy-mã-lạp-sơn cao khiết, vượt qua đồi núi đồi thơ mộng và những ruộng đồng xanh tươi, sông Aciravati bọc quanh một phần nửa chu vi thành Xá-vệ. Lòng sông xanh lơ, nước sông chảy từ từ. Cái vẻ thanh lịch của nó không kém gì sông Hương chảy ngang qua cố đô Phú Xuân. Ngoài thành xa xa rải rác những xóm nhà lá. Trong thành tuyệt nhiên không còn lấy một mái ngói hay một vách tường. Theo tài liệu được ghi chép trong kinh điển thì Xá vệ là kinh đô cuả nước Kosala. Đô thành này đông đúc và giàu có nhất đối với những nước lâng bang lúc bấy giờ. Trên vọng lâu này, chúng tôi được Thượng tọa Minh Châu kể sự bái yết của vua Ba-tư-nặc và đọc lại bài thuyết pháp của Phật thuyết cho nhà vua. Lúc bấy giờ vua Ba-tư-nặc nghe đức Phật đến và thường trú lại Kỳ viên liền cùng với đoàn tùy tùng đến bái yết Ngài. Nhà vua chấp tay và nói:

"Hạnh phúc thay cho đất nước hèn mọn của con được đức Thế Tôn quan tâm và thường trú. Tai biến và hoạn nạn sẽ không có cơ hội xảy ra trong lúc Đấng Giác Ngộ có mặt tại đây. Hôm nay con rất sung sướng được chiêm ngưỡng dung mạo của Đấng Thế Tôn. Xin Thế Tôn rưới cho nước cam lồ và ban Chánh Pháp dịu mát. Dục lạc là những gì mau hoại diệt. Còn pháp lạc là nguồn vui vô tận. Thế nhân, dầu là vua hay bá ánh vẫn đầy dẫy những phiền muộn. Chỉ có những bậc đức hạnh mới có sự tịnh lạc".

Biết được lòng dạ nhà vua trước kia nghiêng nặng về dục lạc nhưng nay biết hướng thiện, không bỏ lỡ cơ hội tốt, đức Phật dạy:

"Ngay những kẻ tầm thường vẫn có những đạo niệm cao khiết khi gặp được những bậc đức hạnh, phương chi một vị Quốc vương, người có quả báo tốt đẹp, lẽ dĩ nhiên người sẽ dễ dàng trong việc hướng thiện.

"Như Lai sẽ vắn tắt một vài điều Chánh pháp. Người hãy lắng nghe:

"Những hành động thiện hay ác của chúng ta mãi theo chúng ta như bóng theo hình. Điều cần thiết mà chúng ta phải có là tình thương. Hãy xem thần dân như con ruột con mình, đừng áp bức họ, đừng tổn hại họ, trái lại hãy bảo vệ họ như gìn giữ tay chân của người. Hãy sống với Chánh Pháp và đi mãi trên con đường lành. Đừng nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống. Hãy gần gũi và thương yêu những kẻ nghèo khổ.

"Đừng nghĩ nhiều đến địa vị quốc vương và đừng nghe những lời nịnh họt. Không có một sự an lạc nào trong sự làm khổ mình bằng cách ép xác. Nên chú tâm vào Chánh pháp và áp dụng Chánh pháp trong cuộc sống. Chúng sanh đang bị bao quanh bởi những núi thành sầu khổ và chỉ có thể giải thoát bằng cách sống thật với chân lý. Tất cả những bậc trí giả đều ghê tởm những thú vui thấp hèn của xác thịt và trọn sống cho trí tuệ. Thử hỏi: làm sao chim chóc có thể đậu được trên một cây đang bốc cháy dữ dội? Chơn lý cũng vậy, không thể tìm thấy nó trong cuộc sống đầy dục vọng. Không nhận thức được như thế, dầu được xưng tụng là Thánh nhân cũng chỉ là kẻ dốt nát. Nhận thức được như thế là người thật có trí tuệ. Hãy dành nhiều thời giờ cho việc khai sáng tâm trí. Thiếu trí tuệ, cuộc đời trở nên vô nghĩa. Tất cả giáo nghĩa của các tôn giáo phải phụng sự cho trí tuệ loài người. Nếu không chúng không có lý do để tồn tại.

"Chơn lý không phải là của riêng của Tu sĩ mà là của chung của nhân loại. Không có sự phân biệt giữa nhà tu và kẻ thế trong vấn đề tìm chơn lý vì rằng có nhiều nhà tu phải sa đọa trong khi đó có những kẻ thế lại lên cao. Làn sóng tham dục là tai nạn hiểm nghèo cho tất cả: nó nhận chìm tất cả, không ai tránh khỏi. Chỉ có nương thuyền trí tuệ mới có thể vượt qua nó được. Và tôn giáo chơn chánh là tôn giáo thức tỉnh người tự cứu mình ra khỏi cạm bẫy của Ma vương.

"Vì không thể trốn thoát được quả báo của hành động do chúng ta gây ra nên chúng ta gây ra nên chúng ta hãy thực hành điều thiện, hãy kiểm soát tư tưởng đừng để suy nghĩ điều ác. Vì chúng ta sẽ gặt những gì chúng ta gieo.

"Có những con đường từ nơi sáng đến chỗ tối và từ chỗ tối đến nơi sáng. Cũng có những con đường đưa từ nơi mờ mờ đến nơi tối thẳm và từ chỗ sáng ít đến nơi sáng chiều. Người có trí luôn luôn mở mắt để đón nhận ánh sáng càng nhiều càng tốt. Họ luôn luôn tiến mạnh trên con đường sáng để được đến gần với chân lý.

"Hãy tỏ ra cao khiết bằng cách sống với đức hạnh, và trau đổi trí huệ. Hãy nhận chân và suy tư nhiều về sự thấp kém của vật dục và sự phiền nhiễu của cuộc đời ô trược.

"Hãy nâng cao trí sáng và trung kiên với lý tưởng. Đừng xem thường những đức hạnh cần phải có của một đấng Quân vương. Hãy tìm hạnh phúc chính trong lòng người, đừng chạy theo những vật chất bên ngoài và như vậy là người xây dựng uy danh một cách vững chắc".

Sau khi trang tiếp những lời vàng ngọc cuả Đức Thế Tôn, Vua Ba-Tư-nặc hứa nguyện sẽ là một đệ tử chân thành của đức Phật."

Thượng tọa Minh Châu nói thêm:

-- "Chính nhờ sự quy ngưỡng của Vua Ba-tư-nặc mà Chán pháp được phổ cập một cách mau chóng, khắp lãnh thổ nước Kosala lúc bấy giờ".

Mặt trời lên cao. Chúng tôi phải rời vọng lâu và tiếp tục đi. Câu chuyện quy ngưỡng của Vua Ba-tư-nặc và những lời thuyết pháp hợp cơ của đức Phật làm cho chúng tôi liên tưởng đến một vài trường hợp trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và quốc gia Việt Nam.

Những thời kỳ quốc gia Việt Nam được an trị và hiển hách về chiến công cũng như văn học chính là những thời kỳ Phật giáo thạnh hành. Vua chúa biết tu tâm dưỡng tánh, có lòng thương dân. Dân chúng tôn trọng đạo đức, quên tình riêng, nghĩ đến nghĩa chung. Ấy là những triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần. Trái lại, những lúc vua chúa hoang dâm vô độ, tham quyền cố vị và nếu có nghĩ đến đạo giáo cũng chỉ tế tự để cầu phúc cho mình; những thời thần dân ham chuộng danh lợi, hiềm khích tư thù, nếu có học đòi văn chương đạo đức cũng chỉ để mưu lợi và tiến thân, thì chính là những lúc nước nhà phải gặp nhiều tai loạn. Ấy là những triều đại Long Đĩnh, cuối Trần, Trịnh, Nguyễn v.v...

Chúng tôi nghĩ thêm: bổn phận đầu tiên của những người lãnh đạo là phải thật có đạo đức, thật tâm tìm hiểu những tôn giáo hiện hữu trong nước, khuyến khích dân chúng lựa chọn và thật sống theo những đạo giáo chơn chánh. Sự kỳ thị tôn giáo nơi những người nắm chính quyền là một nguyên nhân lớn lao của sự chia rẽ dân tộc. Chiến tranh tôn giáo hoặc nóng hoặc lạnh đều nguy hại cho đoàn kết dân tộc và chủ quyền quốc gia. Trái lại, sự thật sống theo tôn giáo của dân chúng giúp cho nhà cầm quyền một nửa công việc trị an, nhất là về sự kiện tụng. Sự khác nhau về tôn giáo của dân chúng không đáng lo ngại, mà nên sợ dân chúng không sống đúng theo lời dạy của giáo chủ họ. Vì không có một vị giáo chủ chơn chánh nào lại dạy tín đồ ghét bỏ tha nhân, mưu hại, chém giết đồng bào, vong ân, phản quốc. Các Ngài đều dạy: thương yêu giúp đỡ kẻ khác, quên thù trọng nghĩa v.v...

Đi đến đoạn đường hướng về phía Bắc, rẽ vào phía Đông thì đến Pakki Kuti. Đây là mô đất lớn và cao nhất trong thành. Theo ký sự của ngài Huyền Trang và ngài Nghĩa Tịnh thì đây là di tích của tháp kỷ niệm sự cải hóa cuả Angulimala. Sau khi quan sát toàn cảnh Pakki Kuti, tất cả chúng tôi đến nghỉ mát dưới một gốc cây. Thầy Pasadika tiếp tục thi hành bổn phận, kể lại câu chuyện cải hóa của Angulimala:

--"Lúc bấy giờ ngoài thành Xá-vệ này có một tướng cướp tên Angulimala. Tướng cướp này quấy phá làng nước đã lâu và mỗi khi giết được người thì chặt lấy một ngón tay xâu thêm vào cái vòng chuỗi ngón tay đeo nơi cổ. Quân lính triều đình chịu bó tay trước sức mạnh phi thường và tài biến hiện cuả tên sát nhân này.

Khi đến ở tại Kỳ-viên, nghe tin này đức Thế Tôn muốn cải hóa Angulimala. Một hôm Ngài đi tìm Angulimala. Nhiều người khuyên can không nên đi, nhưng Ngài vẫn làm công việc của Ngài.

Thấy được Ngài Angulimala rượt theo với niềm vui sướng là có người chết thay cho mẹ chàng và chàng sắp hoàn thành được vòng hoa gồm một ngàn ngón tay của một ngàn người. Và như vậy chàng sẽ được điểm đạo theo lời dạy của đấng Tôn sư. Với một tốc lực rất nhanh, nhưng không tài nào chạy kịp đức Phật. Angulimala tức giận tự nhủ: "Quái gở! Ta đã từng chạy mau hơn voi, ngựa xe, nhưng tại sao hôm nay ta bất lực thế này: không đuổi theo kịp người đạo sĩ đang đi một cách khoan thai đàng kia?" Chàng đứng lại thét lớn: - "Hãy dừng lại! Người đạo sĩ kia!".

Ngài dừng lại. Đợi Angulimala đến gần, đức Phật bảo: "Này Angulimala! Ta dừng lại để cho ngươi được việc. Nhưng ngươi có nên dừng lại cái nghề giết hại độc ác của ngươi không? Nếu được, Như Lai sẽ giúp ngươi trở về con đường chơn chánh. Như Lai tin rằng thiện tâm chưa chết trong lòng ngươi. Nêu ngươi ban cho nó một cơ hội thuận tiện, nó sẽ sống lại, thay đổi đổi đời ngươi và làm cho ngươi được an vui".

Angulimala cảm động và thấy mình như bị đánh ngã bởi tiếng nói từ bi, chàng tự bảo: "Cuối cùng người Đạo sĩ này thắng phục được ta". Chàng kính cẩn bạch với Đức Phật:

- "Bạch Ngài, hôm nay, tiếng nói nhiệm màu của Ngài đã thức tỉnh con. Từ nay con xin cương quyết từ bỏ tất cả những hành động tàn bạo. Xin Ngài từ bi dắt díu con trên con đường lành". Liền khi ấy Angulimala quăng xuống hố sâu vòng ngón tay mà lâu nay chàng đã mang một cách hãnh diện, rồi hạ mình kính lạy đức Phật và xin Ngài thâu nhận làm đệ tử. Đức Phật bảo:

- Người đã muốn, hãy theo Như Lai.

Từ lâu, quân lính của triều đình cũng như chính vua Ba-tư-nặc lấy làm tức giận và nhục nhã vì không trị nổi Angulimala. Vua mất mặt với thần dân và các nước láng giềng về vụ Angulimala. Một hôm Vua đến bái yết đức Phật, Ngài hỏi: - Đại vương! Việc gì đã xảy ra? Có điều gì rắc rối với Vua Bimbisara ở Magadha với vua Licchavis nước Vesali hoặc một kẻ thù nào khác chăng?

- Bạch Thế Tôn! Chẳng có gì rắc rối với các nước ấy, duy có một điều đáng tủi hổ cho con là con đã không trị nổi Angulimala. Nó phá hại làng xóm và giết chóc dân chúng quá ghê rợn!

- Này Đại vương! Nếu nay người thấy Angulimala râu tóc cạo sạch trong bộ cà sa vàng của một tu sĩ đức hạnh thì người đối với y như thế nào?

- Bạch Thế Tôn! Con sẽ vái chào và mời y ngồi. Con sẽ dâng cúng các phẩm vật như con đã dâng chư Đại Đức ở đây. Nhưng Bạch Thế Tôn! Bóng mát đức hạnh làm sao che đến con người hung bạo ấy được?

Ngay lúc ấy Đức Phật đưa tay chỉ về phía bên phải nơi Angulimala ngồi và nói: - Này Đại vương! Đây là Angulimala.

Vua Ba-Tư-nặc vừa ngạc nhiên vừa run sợ. Thấy vậy, đức Phật dạy: - Không có gì đáng sợ ở nơi đây cả. Đại vương!

Nhà vua lấy lại bình tĩnh đi thẳng đến nơi Angulimala đang ngồi và nói: - Có phải Ngài thật là Angulimala không?

- Tâu Đại vương, tôi chính là Angulimala.

- Thân phụ và thân mẫu của Ngài thuộc dòng họ nào?

- Thân phụ cuả tôi thuộc về họ Gagga, tâu Đại vương, và thân mẫu tôi là Mantani.

- Đức hạnh thay người con của Gagga và Mantani. Tôi sẽ dâng hiến lên người tất cả những vật cần dùng.

Lúc bấy giờ Đại đức Angulimala đã xin đức Phật được ở vào một nơi thanh tịnh để tiện bề thiền quán, và chỉ mặc ba y phấn tảo (loại y dùng giẻ rách xấu nhớp lượm ở những đống rác may lại) nên Đại đức từ chối không nhận thêm phẩm vật của nhà vua.

Đứng dậy hướng về Đức Phât, Vua Ba-tư-nặc tán thán: "Bạch Đức Thế Tôn! Mầu nhiệm thay! Kỳ diệu thay! Ngài là đấng đủ sức điều trị những kẻ khó điều trị, thắng phục những kẻ khó thắng phục, làm thanh tịnh những kẻ loạn động. Những kẻ mà con không chinh phục được bằng lưỡi gươm thì Ngài đã chinh phục được bằng lòng từ bi".

Một ngày kia, đang đi khất thực trong thành. Đại đức Angulimala bị dân chúng liệng đá, đánh đập đến phun cả máu đầu, bình bát bể nát, y áo tả tơi. Đại đức đến trình diện trước đức Phật. Ngài dạy:

- Angulimala! Hãy can đảm và cố gắng chịu đựng tất cả khổ nhục nhỏ để được sự an lạc lớn!.

Đại đức Angulimala hoan hỷ tiếp nhận lời dạy của đức Phật. Với một niềm an lạc phát ra từ tâm hồn giải thoát, Đại đức nói:

- Ai tỏ ra tinh tấn tại chỗ không có tinh tấn, ai lấy đức hạnh bao trùm quá khứ của mình, ai trong tuổi trẻ bám víu vào đức Phật, người ấy như mặt trăng chiếu tỏa trần gian với ánh sáng. Hãy để cho kẻ thù của ta nghe thánh giáo này, tuân theo đức tin này và đi theo những người con của trí huệ. Hãy để cho kẻ thù của ta nghe đúng lúc lời kêu gọi tình thương này, một lời kêu gọi nhu mì nhẫn nại, và hãy sống đúng theo lời kêu gọi ấy. Ta, kẻ đạo tặc được gọi là "Vòng hoa ngón tay người" sống và bị trôi lăn xuống dòng cho đến khi "Người" đưa ta đến đất liền. Là "Vòng hoa ngón tay người", ta tắm trong máu đào; nhưng nay ta đã được giải thoát!"

Câu chuyện trên chính chúng tôi được nghe và kể đi kể lại nhiều lần, nhưng hôm nay nó vẫn mang đến cho chúng tôi rất nhiều thú vị. Có lẽ vì chúng tôi đang được thấy tận mắt di tích lịch sử nên ý nghĩa câu chuyện vẫn còn sống động. Theo thiển ý, đức Phật và giáo pháp của Ngai đã cải hóa được nhiều Angulimala rồi. Nhưng hiện nay còn biết bao nhiêu Angulimala đang sống tung hoành khắp nơi trên mặt đất, đang gây tang tóc cho biết bao nhiêu người lương thiện cũng vì họ chưa gặp được Chánh pháp . Nguyện cầu cho những đệ tử của đức Phật đầy đủ đạo hạnh và oai đức để mang chánh pháp của đức Phật đến với những Angulimala hiện tại đó.

Chúng tôi đi viếng thêm một di tích lịch sử nữa là Kacchè Kutè. Cũng theo các nhà chiêm bái Trung Hoa, mô đất cao có hình 2 tháp tròn này là tháp cuả ông Sudatta (cũng gọi là Cấp-cô-độc), một Phật tử hộ pháp đắc lực lúc Phật còn tại thế như đã được nói ở trên.

Trở về đến Đại Giác tự, vừa đúng giờ thọ trai Đại đức trụ trì đang ngồi chờ chúng tôi. Dùng cơm xong chúng tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi. Chiều hôm ấy, sau những giờ làm việc riêng, tất cả chúng tôi đều trở lại thăm Kỳ viên lần chót và tĩnh tọa ở đây cho đến hoàng hôn mới ra về.

Tối lại, chúng tôi tụng kinh Kim Cang. Có cả thầy Pasadika đi tụng nữa. Nhưng thầy ngồi im lặng thiền quán cho đến cùng. Sau buổi kinh, tất cả chúng tôi đều ra ngồi lại tại chỗ hôm qua để ngắm trăng và bàn bạc. Trong khi chờ Thượng tọa Minh Châu trở lại, thầy Pasadika hỏi chúng tôi vừa rồi đã tụng kinh gì. Chúng tôi trả lời là tụng kinh Kim Cang. Và luôn tiện chúng tôi đọc, dịch và giảng sơ những bài kệ mà chúng tôi nghĩ rằng có thể là đại ý của toàn bộ kinh cho Thầy nghe.

"Tất cả cho các pháp hữu vi,
Như chiêm bao, ảo thuật, bọt nước.
Như sương mai, như điện chớp
Cần phải quán tưởng như thế
Nếu thấy Như Lai qua sắc tướng
Nghe Như Lai qua âm thanh,
Người ấy đã tu theo tà đạo,
Không thể thấy được Như Lai".

Thầy lấy làm hoan hỷ và nói với chúng tôi: "Hiện tại kinh điển Đại Thừa bằng Phạn văn (Sanskrit) rất hiếm tại Ấn. Ở Nepal chỉ còn một ít nơi một vài nhà học giả uyên thâm. Gần đây các Đại học đường Bombay, Poona, Santiniketan, Calcuta, Benarès v.v... có cho in lại một bản luận của ngài Thế Thân, Vô trước, Long Thọ v.v... nhưng chưa thấm vào đâu đối với kho tàng kinh điển chữ Phạn. Quí thầy biết được chữ Hán là có được cái chìa khóa để mở kho tàng giáo lý cao rộng của Đại thừa. Tôi ao ước sẽ được học chữ Hán trong một ngày gần đây".

Câu chuyện chúng tôi đang còn hào hứng thì Thượng tọa Minh Châu trở lại và sau đó chúng tôi bàn về công việc từ giã và hành trình ngày hôm sau.

Đại Kỳ-viên Tòng lâm ở vào một nơi xa cách phố phường nên sự giao thông có bề trở ngại. Chúng tôi phải chờ ở ngã ba gần 2 tiếng đồng hồ mới đón được xe buýt. Trong thời gian đợi xe, một đoàn con nít độ chín, mười em, tuổi xấp xỉ nhau, thấy chúng tôi là người lạ, nên bu quanh để xem. Đọc sách mãi cũng chán, chúng tôi đứng dậy chơi với chúng. Học Hindi hơn ba tháng trời nhưng chúng tôi chỉ nói được một ít tiếng một và vài câu giản dị như Namaste (chào em), Tumkomakan kuha hê? (Nhà em ở đâu?) Tumbarakyaman hô? (Em tên gì?), Bahút accha (tốt lắm) và Dannabat (cám ơn). Thế mới biết "trị dị hành nan". Tuy chỉ dùng có mấy câu ấy, chúng tôi đã làm quen được với tất cả các đoàn. Nói rằng chơi chớ thật ra chúng tôi học với chúng. Mượn một quyển sách tập đọc, hình như của lớp tư thì phải, chúng tôi tập đọc Hindi, dưới sự hướng dẫn của chúng. Mỗi lần chúng tôi đọc sai là chúng cười ồ lên rồi sửa lại cho chúng tôi. Hết đọc, chúng tôi mượn bảng đen và xin chút phấn viết chánh tả bằng cách hỏi tên từng em một. Những lỗi chánh tả của chúng tôi được chúng sửa ngay sau khi viết. Một đôi khi chúng tôi làm bộ ngây ngô, ngớ ngẩn và như thế là tạo cho chúng một trận cười thích thú. Chúng tôi đã thực hành được một khẩu hiệu của Gia đình Phật tử: "chơi mà học".

Mặt trời đã lên cao. Nắng mai. Nắng mai sưởi ấm chúng tôi. Vài người đi đường thấy đám đông xúm đến. Họ tỏ vẻ hoan hỉ và hãnh diện khi thấy chúng tôi là người ngoại quốc cố gắng học tiếng mẹ đẻ của họ. Lòng chúng tôi rộn lên một niềm vui tươi trẻ mãi để học cho bớt dốt.

Lớp học ngoài trời này bổ ích cho chúng tôi rất nhiều. Vì một mình chúng tôi là học trò mà có thể đến gần 10 giáo sư, em nào cũng làm thầy chúng tôi được vì chúng đều biết đọc và viết Hindi. Câu "Học bất cứ hạ vấn" trong trường hợp này đối với chúng tôi thật là chí lý.

Sang đây chúng tôi cảm thấy như nhỏ và trẻ lại. Ứ, không nhỏ sao được vì chúng tôi đang còn đi học kia mà! Một tấm quảng cáo bên đường là một bài học tập ngắn của chúng tôi. Một đám rước, những người đàn bà che mặt v.v... đều làm cho chúng tôi đặt thành những câu hỏi. Như một đứa bé nhà quê đi phố với mẹ, nhất nhất cái gì chúng tôi cũng hỏi Thượng tọa Minh Châu. Nhiều khi chúng tôi làm cho Thượng tọa bực mình vì những câu hỏi không đâu. Chúng tôi quả là đang đi học và vừa đi vừa học.

Xe buýt đến. Chúng tôi từ giã Xá-vệ, kinh thành vang bóng một thời khi Vua Ba-tư-nặc trị vì và đức Thế Tôn giáo hóa ở đây. Những tiếng Namasté thân ái và những cái vẫy tay hồn nhiên của những em bé Xá-vệ làm chúng tôi càng thêm bùi ngùi lưu luyến.

Ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang đều có viếng thăm thành Xá-vệ, và thành này đã mất địa vị một đô thị lớn của thời xưa.

Ngài Pháp Hiển chép:

"Từ đây về phía nam độ 8 do tuần, chúng tôi đến nước Kiều-tất-la (Kosala) và thành Xá vệ (Sràvasti), dân số thành này rất thưa thớt khoảng độ 200 gia đình mà thôi. Vua Ba-tư-nặc (Prasenajit) trì vị tại nước này. Sau này các tháp được dựng lên tại di tích ngôi chùa của bà Mahaprajapati (Ma-ha-Bà-xà-ba-đề), tại ngôi nhà của Trưởng giả Tu-đạt (Sudatta), tại các chỗ Ương-quật-ma (Angulimàla) thành đạo và làm lễ trà tì sau khi nhập Niết bàn. Các ngoại đạo Bà-la-môn sanh tâm tật đố muốn hủy hoại các tháp ấy, nhưng trời bỗng nổi sấm chớp ầm ầm và việc ác của chúng không thành tựu.

Khoảng 1.200 bước ngoài cửa thành phía nam, về mặt phía tây con đường là một tinh xá do trưởng giả Tu-đạt dựng lên. Tinh xá này hướng về phía đông và trước hai phòng lớn của tinh xá co dựng hai cột trụ đá. Trên trụ đá, phía tả có tạc hình Pháp luân, phía hữu có tượng con trâu, nước hồ trong lặng, cây cỏ tốt tươi, các hoa trăm sắc, trông thật khả ái. Chỗ này tức là Kỳ-hoàn-tinh xá (Jetavana).

Khi Đức Phật lên cõi trời Đao-lợi (Trayastrimsas) để giảng pháp cho thân mẫu trong 90 ngày. Vua Ba-tư-nặc tưởng nhớ đến Phật và bảo khắc một tượng Phật bằng gỗ ngưu đầu chiên đàn (Gosirsha). Vua đặt tượng này chỗ đức Phật thường ngồi. Khi đức Phật về lại tinh xá, tượng này từ chỗ ngồi đứng dậy và nghinh tiếp Đức Phật. Đức Phật nói: "Ngươi hãy lui về chỗ ngồi cũ. Sau khi Ta nhập Niết Bàn, người hãy làm kiểu mẫu cho bốn chúng theo đó mà tạo tượng". Tượng ấy nghe nói như vậy bèn về ngồi chỗ cũ. Pho tượng này là tượng Phật đầu tiên và người đời sau bắt chước kiểu mẫu này. Rồi đức Phật đến ở một tịnh xá nhỏ khác cách chỗ của tượng Phật 20 bước về phía nam.

Tịnh xá Kỳ hoàn trước có đến 7 tầng. Vua quan, nhân dân các nước tranh nhau cúng dường, treo các tràng phan, bảo cái, tán hoa, thắp hương, đốt đèn suốt cả ngày đêm không bao giờ dừng nghỉ. Một hôm có con chuột tha một tim đèn đương đỏ và đốt cháy tràng phan, bảo cái, cả tòa lầu 7 tầng đều bị thiêu sạch. Vua, quan, các nước cùng nhân dân than khóc rất ảo não, sợ rằng bức tượng chiên đàn cũng bị cháy mất. Nhưng năm sáu ngày sau, khi mở cửa một tinh xá nhỏ về phía đông, thình lình họ thấy tượng Phật còn nguyên vẹn và vô cùng vui mừng, họ liền dựng lại một tinh xá 2 tầng và thỉnh tượng Phật về chỗ cũ.

Khi mới đến tinh xá Kỳ-hoàn, ngài Pháp Hiển và Đạo Chánh nghĩ đến đức Phật đã ở tại tinh xá này đến 25 năm, các ngài thương tâm hối tiếc đã phải sanh ở biên đại. Nghĩ đến các bạn đồng đi chiêm bái ở các nước, người thì trở về xứ sở, kẻ thì giữa đường mạng vong, ngày nay nhìn đến chỗ Phật vắng bóng từ nhau, tâm hồn hai nhà lữ hành không khỏi xao xuyến bi cảm!

Chư Tăng ở đây ra tiếp đón ngài Pháp Hiển và Đạo Chánh. Họ hỏi: - Các ngài từ nước nào lại?

- Chúng tôi từ nước Hán đến đây, hai vị này trả lời.

Họ ngạc nhiên tán thán:

- Kỳ thay! Kỳ thay! Người ở nước xa đến tận đây cầu pháp.

Và họ nói với nhau rằng từ trước cho đến nay, chư tăng đại đức nối tiếp tương truyền, chưa ai thấy chư Tăng người Hán đến đây cả.

Bốn dặm về phía tây bắc của ngôi tịnh xá có một cánh rừng tên là "Mắt sáng trở lại". Xưa kia có 500 người mù ở gần tinh xá này, đức Phật thuyết pháp cho họ và mắt họ được sáng trở lại. Họ hoan hỉ cắm các cây gậy xuống đất và đảnh lễ đức Phật. Các cây gậy mọc rễ và lớn lên. Dân chúng kính trọng chỗ này không dám chặt các cây ấy. Nhờ vậy cây lớn thành rừng, được gọi là rừng "Mắt sáng trở lại". Sáu, bảy dặm phía đông bắc tinh xá Kỳ-hoàn là tinh xá của Tỳ-xá-khư dựng lên để cúng dường đức Phật và Chúng Tăng. Di tích hiện còn.

Kỳ hoàn tinh xá đại viện có hai cửa, một cửa hướng đông, một hướng bắc. Chính tại vườn này Trưởng giả Tu Đạt trải vàng lót đất để mua vườn. Tinh xá được dựng tại Trung tâm của vườn và đức Phật ở tại chỗ này lâu hơn tất cả chỗ khác. Các tháp với nhiều tên khác nhau được dựng tại các chỗ đức Phật thuyết pháp độ sanh, kinh hành và ngồi thuyền. Chỗ này cũng là chỗ mà nữ ngoại đạo Tôn Đà Lợi (Sundari) bị giết để vu oan giáng họa đức Phật.

Từ cửa phía đông của tinh xá Kỳ hoàn khaỏng 70 bước phía tây con đường là chỗ mà đức Phật biện luận với 96 ngoại đạo. Vua, quan, nhân dân, cư sĩ tụ họp đông đủ để dự thính. Lúc bấy giờ có một nữ ngoại đạo tên là Chiên-giá-ma-na (Chin Chimara) vì lòng tật đố độn một đống áo quần vào bụng làm như có thai vào giữa hội trường buộc tội đức Phật đã tư thông với nàng. Lúc ấy Thiên Đế Thích (Sakra) liền hóa thành một con chuột trắng cắn đứt sợi dây khiến cho đống áo quần rơi xuống đất. Sau đó đất nứt ra và nàng Chiên-giá-ma-na rơi sống địa ngục. Cũng chính tại chỗ này Đề Ba Đạt Đa (Devadatta) dùng móng tay đã tẩm thuốc độc để hại đức Phật và cũng bị rơi ngay vào địa ngục. Tất cả những chỗ này đều được ngưòi đời sau ghi dấu. Tại chỗ đức Phật biện luận với ngoại đạo, một tinh xá cao khoảng 6 trượng được dựng lên. Trong tinh xá có tượng đức Phật đang ngồi. Phía đông con đường có một miếu thờ thần tên là "Anh Phủ" (bóng che) miếu này cao 6 trượng và do các ngoại đạo Bà-la-môn dựng lên trước một ngôi tịnh xá, tại chỗ biện luận. Miếu này có tên như vậy, vì khi mặt trời về phía Tây thì bóng của ngôi tinh xá Phật che cái miếu thần, nhưng khi mặt trời ở phía đông thì bóng của ngôi miếu thần ngã về phía bắc và không bao giờ che được ngôi tinh xá Phật.

Các ngoại đạo thường cử người săn sóc miếu, quét dọn, tưới nước, đốt hương, thắp đèn và cúng dường; nhưng đến sáng lại thì các ngọn đèn biến mất và được tìm thấy tại ngôi tinh xá Phật. Các vị Bà-la-môn tức giận nói rằng: "Bất chính! Các Sa môn lấy đèn để cúng dường Phật, chúng ta phải đón chúng lại". Đêm ấy họ canh gác và thấy các vị thần mà họ thờ lại lấy các cây đèn đi nhiễu tinh xá Phật ba vòng rồi đem cúng dường Đức Phật, và thình lình biến mất. Khi ấy các vị Bà-la-môn mới nhận rằng đức Phật lớn hơn các vị thần mình thờ, bèn từ bỏ gia đình xuất gia nhập đạo. Tương truyền sự kiện ấy mới xảy ra gần đây.

Chung quanh tinh xá Kỳ hoàn có đến 98 ngôi chùa ngôi nào cũng có chư Tăng túc ngụ, chỉ trừ một ngôi là không có người.

Tại trung Ấn Độ có tất cả 96 phái ngoại đạo tự cho là biết tất cả việc hiện tại và tương lai. Mỗi phái đều có đồ chúng và theo hạnh khất thực, chỉ không dùng bình bát mà thôi. Họ cũng cầu phước, lập lại các "phước đức xá bên đường" có chỗ túc ngụ, giường ghế, ăn uống cung cấp cho các người chiêm bái, các bậc xuất gia, các khách qua lại nhưng mục đích của họ trong khi cầu phước không giống với các Phật tử.

Chính tại chỗ này các đệ tử của Đề-bà-đạt-đa chỉ cúng dường ba đức Phật quá khứ mà không cúng dường đức Phật Thích Ca.

Bốn dặm phía đông nam thành phố Xá-vệ là chỗ mà đức Phật đứng bên vệ đường trong khi vua Lưu Ly (Virudhaka) đem lính đi sát hại dòng họ Thích Ca, một ngọn tháp được dựng lên tại chỗ này.

50 dặm phía Tây thành phố này, các nhà chiêm bái đến một ấp gọi là Đô Duy (Tadwa). Chính tại chỗ này, đức Phật Ca Diếp đản sanh, gặp phụ thân và nhập Niết bàn, các tháp được dựng lên tại chỗ. Một tháp lớn cũng được xây trên Xá lợi của đức Phật Ca Diếp.

Ký sự của ngài Huyền Trang

Từ chỗ này đi đến phía đông bắc khoảng 500 dặm đến nước Thất La Phiệt Tất Để (Sràvasti, xưa gọi là Xá vệ là lầm vậy). Thành chu vi hơn 6.000 dặm có trăm ngôi già-làm và hàng ngàn đồ chúng. Chúng Tăng đều học Chánh lượng bộ (Sammitiya). Khi Đức Phật tại thế, Ba-la-tư na-thị-đa (Tầu dịch là Thắng Quân, xưa gọi là Ba-tư-nặc) là kinh đô của Vua. Trong thành còn có nền móng cũ của cung điện nhà vua. Đi về phía Đông không bao xa có nền móng cũ của một Đại giảng đường mà Vua Thắng Quân đã dựng lên cúng dường Đức Phật. Có ngôi tháp dựng tại tinh xa Tỳ-kheo-ni do Di mẫu đức Phật tên là Bát-la-xà-bát-đề (Prajapat) Tàu dịch là Sanh Chủ, xưa gọi Ba-xà-ba-đề là sai vậy) dựng lên phía đông lại có ngọn tháp dựng lên tại nhà của Tất đạt đa (Sudatta, Tàu dịch là Lạc Thí, xưa gọi là Tu Đạt tức lầm vậy). Bên ngôi nhà này có ngọn tháp lớn là chỗ mà Ương-lư-lộc-ma-ha (Angulimala, xưa dịch Ương-quật-ma-la là lầm vậy) bỏ tà theo chánh.

Năm, sáu dặm phía nam thành này là ngôi rừng Thệ Đa (Jetavana, Tàu dịch là Thắng Lâm, xưa gọi là Kỳ Đà tức lầm vậy). Đây là ngôi vườn của Cấp-cô-độc (Anàthapindika), xưa có ngôi già-lam tại chỗ này, nay bị hủy hoại cả. Bên tay trái và bên tay phải của phía đông có dựng hai trụ đá cao hơn 70 thước, do vua Vô Ưu dựng lên. Các ngôi nhà đều hư nát, chỉ trừ một ngôi nhà gạch, trong ấy có ngôi tượng Phật bằng vàng. Khi đức Phật lên cõi trời Đạo lợi thuyết pháp cho mẫu thân. Vua Thắng Quân (Ba Tư Nặc) khởi tâm luyến mộ. Vua Văn Xuất Ái (Udayara, tức Ưu Điền) bèn tạc tượng Phật trên gỗ chiên đàn và cũng tạc tượng vàng này.

Sau ngôi Già lam không xa là chỗ ngoại đạo Phạm Chí giết một kẻ kỹ nữ để hủy báng Phật. Hơn 100 thước phía đông ngôi già lam là một hố sâu, chính là chỗ Đề Bà Đạt đa dùng thuốc độc hại Phật nên bị rơi vào địa ngục. Về phía nam lại có một hố sâu lớn khác, chính là chỗ của Tỳ-kheo Cù Già Lê (Kokalika) hủy báng Phật, thân sống rơi vào địa ngục. Hơn 800 thước về phía Nam lại có một chỗ của Bà-la-môn tên là Chiếu Giá (Chandamana), vì hủy báng Phật, thân sống rơi vào địa ngục. Ba hố này rất sâu đến nỗi không thấy đáy.

Hơn 700 bước phía đông Già-lam có một tinh xá rất cao lớn. Trong tinh xá này có một tượng Phật ngồi xoay mặt về hướng Đông. Đây là chỗ xưa kia đức Như Lai biện luận với ngoại đạo. Một ngôi miếu thần về phía đông to lớn bằng ngôi tinh xá. Khi mặt trời di chuyển, bóng của ngôi miếu thần không che được ngôi tinh xá Phật, trái lại bóng tinh xá Phật che ngôi miếu thần. Ba bốn dặm về phía đông là một ngọn tháp. Chính là chỗ xưa kia ngài Xá Lợi Phất biện luận với ngoại đạo.

Hơn 600 dặm về phía Tây bắc kinh thành là di tích của một ngôi thành cũ. Đây là kinh thành của phụ thân đức Phật Ca Diếp. Phía Nam là chỗ đức Phật gặp phụ thân lần đầu tiên sau khi thành đạo. Phía Bắc là ngôi tháp dựng lên bức tượng toàn thân của Phật.

Động Ajantà và Hang Ellora

Động Ajantà

Cả ngày 30-10-61, chúng tôi ở trên chuyến tàu suốt từ Sanchi đến Jalgaon. Vì hành khách quá đông, chúng tôi phải ngồi ở hai toa khác nhau, tôi và thầy Huyền Vi ngồi một toa, thầy Thiện Châu và vị sư người Đức ngồi một toa. Cũng là một dịp hay để chúng tôi được nói chuyện với người Ấn cùng một toa; và ở đây, chúng tôi được thấy sự lịch thiệp nhã nhặn của một số trí thức Ấn Độ đối với chúng tôi.

Đúng 10 giờ 30 tối, chúng tôi đến ga Jalgaon. Chúng tôi ở lại nhà ga ngủ một đêm để sáng mai đi Ajantà. Nhà ga đã trở thành nhà ngủ quen thuộc của chúng tôi. Tuy có ồn ào thật, nhưng cũng tương đối dễ chịu. Vì khi nào thân người mệt mà tinh thần an tịnh thì chỗ nào cũng ngủ ngon lành. Trước khi đi ngủ, chúng tôi có đến sở du lịch tại nhà ga để mua những loại sách nói về Ajantà cùng hỏi giờ xe chạy. Chúng tôi mua nhiều quyển sách có hình các danh họa ở Ajantà và ký tên vào quyển sổ vàng của sở du lịch để lưu niệm.

Sáng ngày 31 tháng 10, mới tinh sương, chúng tôi đã dậy để đi xe buýt đến Ajantà. Hành khách đông phải xếp hàng lấy vé. Đúng 6 giờ 30, chúng tôi khởi hành và vào khoảng 9 giờ 20 đã đến Ajantà. Chúng tôi bỏ chương trình ngủ một đêm tại Ajantà vì đã trễ một ngày ở Sanchi.

Ajantà là một dãy động, đục vào trong một dãy đồi đá lớn, chạy theo một dòng nước khá sâu và thoai thoải chảy. Cảnh trí thật là u tịch thanh tịnh. Trên phía dòng suối ấy có thác nước Satdhara. Về tiết mùa mưa, vẻ đẹp thiên nhiên càng thêm thanh tú.

Không thể biết được những hang đá này được đục thành vào thời đại nào, nhưng người ta thường xem là những hang xưa nhất được đục vào khoảng thế kỷ thứ hai sau T.L., và những hang mới nhất được đục vào thế kỷ thứ bảy sau T.L. Như vậy những động này được hình thành trải qua nhiều thể kỷ, và nhờ vậy không những chúng ta có thể phán xét sự phát triển tuần tự của nghệ thuật kiến trúc các chùa tháp, mà cũng có thể tìm hiểu được đời sống của dân chúng trải qua nhiều thời đại. Không kể đến nghệ thuật kiến trúc rất đặc biệt của các động này, chính các bức họa trên tường của Ajantà mới thiệt làm Ajantà nổi tiếng khắp hoàn cầu; và các họa sĩ trứ danh đều đồng ý công nhận rằng những bức họa đó được liệt vào hạng những bức họa đẹp nhất trên thế giới.

Có tất cả là 29 động ở Ajantà, bốn hang thuộc loại điện thờ Phật. Các hang khác là tu viện hoặc chùa cho chúng Tăng ở. Ít nhất 13 hang có những bức họa trên tường, nhưng chỉ có 6 hang còn giữ gìn được khá tử tế các bức họa như hang số 1, số 2, số 9, số 10, số 16 và số 17.

Những hang này chỉ được tìm thấy vào năm 1819 do một toán quân lính Anh đi tập trận. Đến năm 1839, ông James Alexander có lược tả những động này tại hội Royal Aisatic ở Luân Đôn, và sau có đăng một bài trong tờ báo "Belgian Asiatic Society" cũng trong năm ấy. Liền sau đó ông James Fergusson, một văn sĩ trứ danh, đến thăm Ajantà và viết sách báo giới thiệu chỗ này cho thế giới được biết. Nhờ vậy, thiên hạ đã bắt đầu đến thăm để xem những bức họa tên tường, và không lâu Ajantà trở thành một Thánh địa cho những người ham chuộng mỹ thuật chiêm bái. Sau khi ông Fergusson đến thăm, ông Gill được hội East India Company cử đến chép lại những bức họa ấy. Ông này vẽ lại đến 20 năm mới xong và cuối cùng triển lãm những bức họa ấy tại lâu đài Crystal Palace ở Luân Đôn. Không may bức họa ấy bị cháy vì hỏa tai, chỉ trừ có 5 bức. Đến năm 1875 ông Griffith, giám đốc trường mỹ thuật của Chính phủ ở Bomba, cũng vẽ lại các bức họa ấy, và điều rất lạ, những bức họa ấy cũng lại bị thiêu cháy trừ có 56 bức thoát khỏi. Những bức này hiện được trình bày tại Viện bảo tàng Victoria và Albert ở Luân Đôn. Bà Herringham, một nữ họa sĩ cũng đến tại Ajantà nhiều lần và xuất bản một tập sách rất đẹp có nhiều bức họa lại các bức quan trọng nhất ở Ajantà và nhờ vậy danh tiếng của Ajantà lại càng được hoàn cầu cảm mộ. Chính phủ Hyderabad có xuất bản một tập đủ các bức họa và có dẫn giải các bức họa ấy.

Chúng tôi không thể nào diễn tả một cách đầy đủ những bức họa cùng các hang ấy được. Muốn biết rõ hơn cần phải tự mình khảo sát tại chỗ hay đọc những quyển sách nói về Ajantà đã xuất bản.

Động số 1 là tinh xá đẹp nhất ở Ajantà. Tường có vẽ nhiều bức họa và nhiều bức được xem là đẹp nhất. Kiểu kiến trúc rất giản dị, phía trong là một khám thờ lớn, có thờ một tượng Phật bằng đá lớn hơn người thường, hai bên là những hang nhỏ khá rộng của chư Tăng, mỗi hang một vị, giường và gối của chư Tăng được đục trong đá. Ở giữa là phòng nhóm khá rộng, trên trần và xung quanh tường đầy những bức họa. Muốn xem những bức tường này phải thuê riêng đèn điện để chiếu sáng, và ngay tại chỗ cũng có sẵn những vị thông ngôn giải thích những bức họa nếu chúng ta muốn thuê. Tại hang này, tầng trên có những bức họa sau đây: "Cám dỗ đức Phật", "Thần thông ở thành Xá-vệ", "Tiền thân Sibi" và một bức họa gọi là "Đại sứ nước Ba Tư đến thăm". Nhưng bức họa đẹp nhất là bức một vị Bồ-tát đứng gần nơi điện Phật, và trong tay cầm một hoa sen. Giáo sư Cecconi, vị họa sĩ có tiếng người Ý nói rằng bức họa này đã biểu thị một giá trị nghệ thuật tả chân kỳ diệu; bức họa này nhìn tổng quát, nhắc lại bức họa của họa sĩ Micheal Angello tại nhà thờ Sixtine, màu sắc sáng sủa của da thịt, rất giống với tự nhiên cùng với sự long lanh của bóng tối rất giống với những bức họa của Correggio. Cách vẽ nét mặt kỳ diệu một cách đặc biệt. Sự phóng khoáng của kỹ thuật, cách phát biểu diễn đạt hình dáng của bàn tay hoàn bị đến cực điểm, có thể sánh tác giả bức họa này với hai họa sĩ đại tài vào thời kỳ phục hưng Ý Đại Lợi.... Léonard de Vinci và Raphael. Bàn tay cầm hoa sen dịu dàng và trang nhã được miêu tả với một tài nghệ khá cao siêu.

Hang số 2 giống hang số 1, chỉ khác là có thêm hai Tăng phòng. Tại đây cũng có nhiều bức họa khá đẹp như bức diễn tả "Devaradhana", "Hoàng hậu Maya nằm mộng", "Đến thăm vườn Lâm Tỳ Ni", "Thái tử Thích Ca đản danh", "Ngài bước 7 bước sau khi sanh", "Chuyện tiền thân Khantivada" và "Chuyện tiền thân Hamsa". Trên bức tường này, phía tay mặt là bức họa tả hai anh em Purana và Bhabila. Hai vị này dựng một điện Phật bằng gỗ trầm để kỷ niệm được thoát chết đắm ngoài khơi. Tại hang này có hai bức họa được các nhà phê bình nói đến nhiều và được phác họa lại: đó là bức "Người sứ giả" và bức "Một nữ tỳ bị hình phạt".

Hang số 4 là hang tu viện lớn nhất ở Ajantà. Mái hiên trước hang này có đến tám cột hình tám cạnh chống đỡ. Chủ điểm kiến trúc ở đây rất giản dị nhưng trên tường và mái hiên cũng có nhiều tượng khắc. Tượng vị Bồ tát Padmapani về phía tay mặt đáng được chú ý. Cũng có những bức vẽ một người đàn ông và người đàn bà đang chạy tránh một con voi dữ.

Hang số 6 là một hang hai tầng, độc nhất ở tại chỗ này. Không có bức họa nào đặc biệt tại đây. Điều đáng chú ý là cách sắp đặt nấc thang lên tầng trên. Hang thứ 9 là một điện Phật, không có phòng chúng Tăng và được xem là hang xưa nhất ở Ajantà. Khác với các điện Phật khác, điện này hình vuông, nhưng các cột chạy dài chung quanh đều đắp thành hình bán cầu như thường lệ. Hai dãy cột đều hình bát giác và không khắc chạm gì. Trần điện cong lên và có những đường nối chạy tròn. Điện có cửa sổ làm theo kiểu lá Bồ-đề. Trên các cột có một bức hoạ, nhưng nay đã hư nát nhiều. Tượng phía trong có một vài mảnh họa sót lại, có lẽ là những bức họa cũ nhất ở Ajantà. Tháp thờ không có khắc chạm gì cả.

Hang số 10 cũng giống như hang số 9 nhưng rộng lớn hơn. Hang này có nhiều bức họa cho chúng ta biết về y phục và một vài món trang sức ở thời ấy. Có bức vẽ một vị vua cùng hoàng hậu đáng được chú ý. Hang thứ 16 là hang đẹp nhất ở Ajantà và với cách kiến trúc hoàn bị được xem là một danh phẩm ưu tú. Mái hiên có nhiều cột đá lớn, và cửa chính đặc biệt có nhiều con voi đá đứng giữ cửa. Tháp ở phía trong được ánh sáng cửa chiếu vào chứng tỏ tài nghệ xuất sắc của vị kiến trúc sư này. Hang này cũng được nổi tiếng nhờ nhiều bức danh họa, chỉ tiếc những bức này phần nhiều bị hư mờ. Thật đáng tiếc, vì những bức này cũng được xem là những bức xuất sắc. Bức họa vị công chúa đang hấp hối vẽ trên tường bên trái là đẹp nhất. Ông Griffith đã nói: "Về cách diễn đạt tình cảm, đau buồn, cùng với nghệ thuật trình bày, tôi xem không có bức họa nào có thể thắng nổi bức này. Các nhà họa sĩ Florence có thể vẽ đẹp hơn, các nhà họa sĩ Venise có thể pha màu khéo hơn, nhưng không ai có thể diễn đạt với nhiều ý tứ qua màu sắc, bằng những bức họa này". Những bức họa khác diễn tả: "Đức Phật Thích Ca đản sanh", "A-tư-đà đoán tướng", "Đức Phật đi đến thành Vương-xá", "Đức Phật ra bốn cửa thành thấy bốn tướng khổ", "Sujata dâng sửa", "Hai lái buôn Tapassu và Bhalluka cúng dường", "Nan Đà xuất gia" và "Chuyện tiền thân Sutasoma". Cũng còn nhiều bức họa nhưng không hiểu diễn tả sự tích gì.

Hang số 17 cũng được liệt vào những hang đặc biệt nhất ở Ajantà. Mái hiên, cửa chính và những cột trụ phía ngoài đều to lớn vĩ đại. Trên cửa và phía trong có nhiều tượng khắc vào đá, đặc biệt là tượng đức Phật nhập Niết bàn và lúc Ngài bị Ma vương cám dỗ. Giáo sư Cecconi phê bình cửa vào động này đã nói như sau: "Thật là một công trình có giá trị nghệ thuật tuyệt luân. Những trang trí trên phía cửa thật tuyệt diệu, cũng như 8 bức họa khác, trang trí cho cửa đi này". Tại đây có nhiều bức họa được liệt vào hàng tuyệt tác. Phía trái mái hiên có vẽ Samsaracakra. Gần bức này là bức một vị Thái tử đang cùng ngồi với vợ, trong khi ấy, một Công chúa khác đang đứng trong một điệu bộ trang nhã với một chiếc dù che trên đầu. Xuyên qua cửa sổ, chúng ta thấy 2 phụ nữ khác đang ngồi suy nghĩ, trầm ngâm. Không hiểu bức họa diễn tả luận đề gì? Nếu là cảnh một gia đình sum vầy đoàn tụ thì hình như không hợp với đời sống tu hành cho lắm. Trên bức này có ảnh các tiên nữ đang lả lướt. Mỗi tiên nữ cầm một nhạc khí. Do đó, có thể xem là những nữ nhạc thần Càndharvas ở Thiên cung. Nhìn những bức họa ấy, ông Burgess nói: "Cả về nét thuần túy đại cương lẫn về bố cục, đây quả là bức tranh trang nhã nhất trong những họa phẩm ở Ajantà. Bức họa này đưa chúng ta đến gần nghệ thuật hội họa Ý Đại Lợi vào những thế kỷ thứ 13 và 14. Cách diễn đạt nhẹ nhàng khó mà có bức nào có thể thắng nổi". Hang này cũng có một bức họa nổi tiếng trên hoàn cầu, đó là bức: "Mẹ và con", chắc hẳn là Yasodhara và Rahula. Chính là bức diễn tả người mẹ chí đức Phật và bảo con mình đến đòi cho được phần thừa tự. Thật không có bức họa nào có thể sánh về nét trang nhã và dịu dàng của bức này. Ông E.B. Havell, một nhà phê bình về hội họa nổi tiếng đã nói: "Về cách diễn đạt tâm tình một cách trang nhã, có thể sánh với bức họa kỳ diệu về các Thánh nữ của Giovanni Ballini". Giáo sư Lorenzo Cecconi đã nói: "Hai hình nhân này, cách miêu tả đầu và sắc mặt của chúng thật là trang nhã kỳ diệu. Lối diễn tả đầu của chúng hướng về đức Phật khiến nhắc nhở lại nghệ thuật tạo hình mà chúng ta được gặp trong các trường phái Umbria và Tascany của những họa sĩ đặc biệt của chúng ta, những vị Quatrocentists", Ông Laurenve Binyon nói: "Bức ấy là một trong những vật không đời nào bị quên được.... Không một bức họa nào ở thế giới lại để một cảm giác sâu đậm về nét cao siêu trang nhã như bức này". Tại đây cũng có một bức diễn tả một vị Hoàng hậu đang trang điểm với một cái gương cầm ở tay và có một nữ tỳ cầm một chiếc khay hầu đứng kế bên. Nghệ thuật của bức họa này không phải ở nơi hình dáng bà Hoàng hậu mà chính hoàn toàn ở nơi cái gương bà ta cầm ở tay. Trong động thì tối, ánh sáng ở cửa chiếu vào chỉ lờ mờ, nhưng cái gương cầm ở nơi tay bà như thu tất cả ánh sáng ngoài cửa chiếu vào và phản chiếu toàn thân của bà Hoàng hậu. Tại hang này còn có những bức sau này: "Đức Phật thuyết phục con voi say Chaddanta, Mahakapi, Sutasoma, Miga, Matribosaka, Sarabha, Sama, Matsya và Vessantara". Bức vị Bà-la-môn Jùjaka xin cho được hai người con của Thái tử Vessantara diễn tả rõ rệt sự tham vọng và ác độc của loài người.

Phần lớn các nhà phê bình những bức họa của Ajantà đều cho rằng các họa sĩ này có biệt tài về đường nét trong khi diễn đạt các nhân vật. Đại úy Gladstone Solomons nói: "Nếu Âu châu phát minh được sự bí mất của màu sắc thì chắc chắn Á Đông đã khám phá ra được đường nét". Sự thật bức họa nào cũng tuyệt tác về cách diễn đạt tâm tình các nhân vật bằng những đường nét thích đáng và linh động. Và mãi cho đến ngày nay, chưa có một họa sĩ Ấn Độ nào có thể sánh được với các hoạ sĩ thời xưa, trong cách diễn đạt những cử chỉ, nét mặt, tâm tình, điệu bộ của các nhân vật. Dầu trong số các bức họa này không có một bức nào là không bị hư hại, nhưng chúng ta cũng phải ngạc nhiên khi thấy chúng có thể tồn tại được như thế này, trải qua gần 10 thế kỷ bị bỏ quên. Hơn 12 thế kỷ chịu đựng đủ chứng tỏ kỹ thuật tuyệt luân của những họa sĩ trong khi pha màu và phối cảnh.

Hang số 19 là một điện Phật Chaitya theo như kiến trúc thường lệ. Hang này được trang trí rất nhiều tượng khắc cả trong lẫn ngoài, và nghệ thuật điêu khắc hoàn bị đến nỗi hang này được xem là "một trong những tượng tạc hoàn bị nhất trong nghệ thuật điêu khắc ở Ấn Độ". Đặc biệt nhất là cửa chính, mặt tường khắc chạm phía ngoài cửa điện Phật được trang trí rất đẹp. Các bức họa trên bốn cột trụ của cánh cửa và phía mặt ngoài thật là hoàn mỹ, còn những trang vật chung quanh cửa chính thật không thể nào tả hết vẻ đẹp được. Rất tiếc nhiều cột trụ đã bị hư nát.

Hang số 20 cũng là một tinh xá có giá trị nhiều về lối kiến trúc. Các cột mái hiên đều được trang trí với những hình đàn bà đang đi diễu qua. Kiểu kiến trúc các tầng cấp và cách trang trí giống như ở Amuradhapura và Polonnaruwa ở Tích Lan. Hang 26 là một điện Phật như số 19. Ở đây các tượng chạm đều rất lớn. Cửa vào đã bị hư hại, nhưng may thay các bức chạm mặt tiền vẫn còn nguyên vẹn. Các trang trí ở bên trong nhiều hơn các hang khác, và trên các tấm đá ngang các cột đều có khắc chạm những sự tích về đời sống của đức Phật. Điện Phật được trang trí cùng một kiểu với điện Phật ở hang số 19, nhưng đức Phật ở đây được chạm ngồi theo kiểu Âu Tây và trong cử chỉ Chuyển pháp luân lần đầu tiên. Những đường cong trên trần cũng rất đặc biệt.

Trên đây chỉ nói sơ qua các hang chính. Dưới đây là bản dịch bài tường thuật của ngài Huyền Trang:

--"Tại biên giới phía Đông của xứ này là một quả núi đồ sộ với những tảng đá cao lớn và một dãy thành đá chồng chất lên nhau cùng với những hang sâu thẳm. Chính tại chỗ này một tu viện Sangharama được lập lên giữa một thung lũng dài. Các dãy hiên cao và những phòng sâu chạy dài theo mặt của tảng đá dài. Tầng này chồng lên trên tầng khác, dựa sát vào tảng đá và xây mặt ra phía thung lũng.

Tinh xá này do vị A-la-hán Achara lập nên. Vị này là một người xứ tây Ấn Độ. Mẹ Ngài từ trần. Ngài tìm xem được tái sanh ở chỗ nào, thuộc giòng họ nào và được biết bà tái sanh làm một người đàn bà trong nước ấy. Vị A-la-hán liền đến tại chỗ để cải hóa bà tùy theo khả năng thọ lãnh Chánh pháp của bà. Ngài đi vào làng khất thực và đến tại nhà bà. Một người con gái đem ra các món ăn để cúng dường Ngài. Chính khi ấy vú của vị này chảy sữa ra và các bạn gái của nàng xem đó là một triệu chứng không tốt. Nhưng vị A-la-hán liền kể lại tiền thân của nàng và người con gái ấy chứng quả. Để tỏ lòng nhớ ơn công lao dưỡng dục của nàng và muốn đền ơn nàng nên A-la-hán ấy lập ngôi tinh xá này. Đài tinh xá cao đến 170 feet, giữa là một hình đức Phật bằng đá cao đến 70 feet. Trên là một bảo cái bằng đá có bảy tầng, cao đứng thẳng lên trên và hình như không có gì chống đỡ. Khoảng trống giữa các bảo cái độ 3 feet. Tục truyền, chính nhờ đại nguyện của vị A-la-hán mà các bảo cái đứng tại chỗ. Cũng có người tin là chính do phép thần thông của vị này, lại có tin đồn là do một vài chất bí mật; nhưng thật không có luận cứ nào đáng tin cậy để giải thích sự kỳ diệu ấy. Cả bốn phía tường xung quanh tu viện có vẽ nhiều sự tích đức Phật khi Ngài còn là vị Bồ-tát, những điểm kỳ diệu khi Ngài giác ngộ và khi Ngài nhập Niết-bàn. Những sự tích ấy được chạm ngay trong đá với một nghệ thuật tinh vi và xác thực. Ngoài cửa động, phía Đông và phía Nam, bên tay mặt và bên tay trái có tượng voi đá. Tin đồn voi đá này có khi rống lớn tiếnt và làm cho đất chung quanh rung động. Thời xưa vị Bồ-tát Jina thường hay dừng lại tinh xá này". (Theo quyển Tây du ký do ông Sanuel Beal dịch ra tiếng Anh)."

Điều làm chúng tôi suy nghĩ nhiều, là không được biết ai là tác giả những bức họa về nghệ phẩm kiến trúc của các hang có danh tiếng khắp hoàn cầu, nhất là những họa phẩm có một không hai trên thế giới. Chúng tôi hỏi các vị sư ở đây thì các vị trả lời đó chính là các vị sư tu hành ở tại chỗ đã vẽ và tạc ra những bức ấy, vì ngày xưa các vị cũng họa cả hội họa và điêu khắc. Nhưng điểm khó hiểu là những bức tạc hoặc vẽ những cảnh thế gian, cảnh gia đình đoàn tụ, cảnh các thiếu nữ kiều diễm, thì làm sao các vị sư lại có thể và được phép diễn tả. Khi chúng tôi hỏi đến các người khác, thì họ nói đó là do các họa sĩ xưa của nước Ấn Độ, mà vua mời vào để vẽ tranh và tạc tượng cúng dường cho các vị Tăng tu hành. Nhưng có điểm khó hiểu khác là vì sao những họa sĩ và điêu khắc gia, tác giả của những nghệ phẩm có giá trị tuyệt luân này lại không thể lưu lại những tác phẩm khác ngoài phạm vi hang này và ngoại phạm vi những sự tích Phật giáo?

Dầu thế nào, chúng ta cũng phải công nhận rằng các bức họa và các tượng sở dĩ đạt được đến những nét cao siêu và tuyệt mỹ cũng là nhờ các họa sĩ và điêu khắc đã được thấm nhuần Phật pháp rất nhiều. Điểm quý nhất của hang này, là không khí thanh tịnh bao trùm cả cảnh núi đồi, rất thuận tiện cho cảnh thiền quán.

Sự thật, muốn hiểu giá trị của những bức họa phải tự thân hành đến thăm, phải hiểu những giáo lý căn bản của đạo Phật, có một tâm hồn ít nhiều nghệ sĩ, và cũng phải biết những nguyên tắc chính về hội họa cùng nghệ thuật kiến trúc. Chúng tôi tự thấy còn thiếu nhiều điểm nên chỉ có thể kể sơ qua như trên theo những tài liệu đã đọc được.

Hang Ellora

Những hang này thuộc tỉnh Aurangabad và gồm cả ba đạo, Phật giáo, Bà-la-môn, và Jain, sự kiện này chứng tỏ sự cạnh tranh giữa ba đạo suốt cả thời lịch sử tôn giáo Ấn Độ. Về Phật có đến 12 hang. Bà-la-môn giáo độ 20 hang và 7, 8 hang Jains (Thắng luận sư).

Sánh với hang Ajantà, những hang thuộc về Phật giáo ở đây kém xa, không những không có những bức họa, mà cách kiến trúc cũng thô sơ không có gì đặc sắc. Điểm đáng chú ý là hình như các hang được đục tiếp tục thế kỷ này qua thế kỷ khác, chớ không phải được tạo thành trong một thời. Hang thứ nhất rộng, dài, sâu 41 x 42 feet, có độ 16 Tăng phòng. Một phòng chính giữa làm chỗ thờ tự và hội họp. Cũng như kiểu kiến trúc ở Ajantà, tượng Phật ở sâu vào chính giữa, hai bên là Tăng phòng, đằng trước là chỗ hội họp. Hang này không có trang trí gì, có lẽ là hang xưa nhất. Hang thứ hai có nhiều trang trí hơn và được làm về sau, một phần hang chưa đào xong. Phòng họp ở giữa cửa hang này rất đặc biệt, có đến 12 cột lớn chống đỡ và cũng có một vài pho tượng. Tượng Phật ở giữa rất lớn trong cử chỉ thuyết pháp ngồi trên pháp tọa có sư tử chống đỡ. Hai bên cửa có tượng hai vị Bồ-tát, cao đến 13 hay 14 feet. Tại những phòng hai bên chỗ chư Tăng ở cũng có nhiều tượng Phật trong cử chỉ giống với tượng Phật ở chính giữa; cũng có nhiều tượng Phật và tượng Bồ-tát chung quanh.

Hang số 3 ở vào ngọn đồi phía dưới, hình vuông 43 feet mỗi góc và cao đến 11 feet. Hình như hang này chưa làm xong. Có nhiều trụ đá dựng lên không phải để chống đỡ mà chỉ dùng để trang trí. Ở đây cũng có nhiều tượng Bồ-tát đang hành lễ như vị Bồ-tát Padmapani. Hang thứ tư có tượng Phật ngồi dưới cây Bồ-đề với lá cây sau lưng Ngài. Hang thứ năm là hang rộng nhất ở Ellora, sâu 117 feet, rộng 58 feet. Các hang tiếp không có gì đặc biệt, trừ hang số 8 có một đường để đi kinh hành, không tìm thấy trong các hang khác. Hang số 10 là một đức Phật giống như kiểu ở Ajantà. Còn hang số 11 và số 12 có đến 2 và 3 tầng. Tại hai hang này cũng có rất nhiều tượng Phật và tượng Bồ-tát.

Sự thật hang Ellora này không có gì đặc biệt nếu so sánh với Ajantà. Ngoài ra có các hang Bà-la-môn giáo, như hang Kailas, một điện thờ được xem là đẹp nhất ở Ấn Độ sánh với các điện của Bà-la-môn giáo. Nếu người ta có thể nói Taj-Mahal là một bài thơ bằng đá cẩm thạch thì người ta cũng có thể nói đây là một bức thư bằng đá. Vì hang này thuộc về Bà-la-môn giáo, và chúng tôi cũng không để ý nhiều về tôn giáo này nên chỉ nói sơ qua thôi.

Sanchi

"... Đức Phật do muôn ngàn bàn tay đẹp lanh từ xưa đến nay đã tạo khắc Ngài vào đá, đồng, cẩm thạch, là biểu trưng của nền văn hóa Ấn Độ hay ít nhất cũng là một khía cạnh của nó.

"Đức Phật tĩnh tọa trên tòa sen bất động trước vật dục, chẳng nao núng vì bão tố thế gian. Ngài ngự vào nơi cao vời!

"Tuy nhiên nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy sau sự trầm tĩnh bất động ấy có một đại nguyện từ bi kỳ diệu và mạnh mẽ hơn dục vọng và tình cảm của chúng ta rất nhiều.

"Từ đôi mắt hình như nhắm lại ấy chiếu ra một luồng sáng tinh thần và một sức sống tràn ngập. Thời gian tuy lùi về quá khứ nhưng đức Phật như vẫn không xa chúng ta, lời vàng của Ngài như văng vẳng và nói với chúng ta rằng: "Đừng chạy trốn sự tranh đấu của cuộc đời mà hãy nhìn thẳng nó với đôi mắt bình tĩnh và tìm cho được những cơ hội tốt hơn để tiến bộ..." (Trích trong diễn văn của Thủ tướng J. Nehru đọc vào dịp lễ khánh thành ngôi chùa mới tại Sanchi,1952).

Từ ga Agra đến Sanchi, tàu hỏa phải chạy 10 tiếng đồng hồ. Tàu chuyển bánh lúc 10 giờ tối đến 7 giờ sáng mới đến Sanchi. Sau hai ngày viếng thăm Agra và Mathura, chúng tôi như ngộp thở vì không khí bụi bặm, cảnh vật ồn ào của thị thành. Có lẽ để bù đắp lại một phần nào và nhờ tài ngoại giao của Thượng tọa Minh Châu, vị xa trưởng dành cho chúng tôi một phòng tàu đặc biệt. Chúng tôi được nghỉ ngơi tự do và yên ổn. Tiết trời lành lạnh nên sau khi tịnh niệm xong là tất cả chúng tôi yên giấc đến 4 giờ sáng, mặc cho con tàu la hét, ngưng, chạy và lướt qua sương gió bụi mờ.

Trời vừa tảng sáng, những dãy đồi xanh xanh, xa mờ ẩn hiện trong sương bạc, dần dần đi lại đến gần chúng tôi. Tàu ngừng, chúng tôi bước chân lên Thánh địa Sanchi. Chùa tháp xám nâu nổi bật lên giữa rừng xanh và màu trắng vàng của buổi sáng đẹp trời. Cảnh sắc ở đây thật là xinh đẹp, mới xem qua giống như mấy ngọn đồi ở Phật học viện Nha Trang.

Bước ra khỏi ga, lòng chúng tôi vui lên như để hòa nhịp với lá cờ năm sắc phất phơ tung bay trên chùa hội quán của hội Ma-ha Bồ đề. Chúng tôi đem hành lý vào và lưu trú tại đây. Đại đức trụ trì người Tích Lan, tiếp chúng tôi với đạo tình mật thiết. Chúng tôi dùng bữa sáng ở đây. Buổi điểm tâm này rất đặc điểm đối với chúng tôi vì dùng thức ăn Tích Lan và không có nĩa, muỗng, đũa như các nơi khác. Chúng tôi phải "ra tay" như người Tích Lan và Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi "ăn bốc" từ ngày sang Ấn. Nhưng có cái quí là nhà bếp soạn toàn đồ chay cho chúng tôi. Trong bữa điểm tâm, Đại đức trụ trì cho chúng tôi biết là hội sẽ kiến tạo ở đây một ngôi chùa đủ tiện nghi để sau này chư Tăng quốc tế đến tu học hoặc nghiên cứu. Chúng tôi rất hoan hỉ và hy vọng Phật sự chóng thành tựu.

Trên đường chiêm bái các nơi, chúng tôi gặp rất nhiều phái đoàn chư Tăng Tích Lan Assam cùng các Phật tử Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan v.v... Họ rất sung sướng được trở về thăm Phật địa, nơi quê cha đất tổ, từ đường chung của Phật tử năm châu. Nghĩ đến chư Tăng cùng các Phật tử Việt Nam, chúng tôi hơi tủi vì rất ít Phật tử Việt Nam sang chiêm bái Phật địa, cũng như khắp các Phật tích không chỗ nào thấy có chùa Việt Nam, trong khi đó Thánh địa nào cũng có chùa của các nước Phật giáo. Do đó, Phật tử các nước đi chiêm bái rất dễ dàng, đến mỗi nơi là có chỗ lưu trú, có chư Tăng của họ ở đây hướng dẫn; hơn nữa sự xin giấy tờ và phương cách giao thông cũng không có gì khó khăn trở ngại, vì Chính phủ họ giúp đỡ cho dân chúng đi chiêm bái. Vì lẽ đó nên Phật tử các nước Miến Điện, Tích Lan, Miên, Lào, Nhật v.v... đối với Phật pháp họ rất thuần thành và hết lòng phụng sự.

Chúng tôi hy vọng Phật giáo đồ Việt Nam rồi đây sẽ được diễm phúc như Phật giáo đồ các nước vậy.

Đúng 9 giờ chúng tôi khởi sự đi chiêm bai các chùa trên tháp núi Sanchi. Cảnh trí rất ngoạn mục. Núi đồi bao bọc chung quanh. Con đường lên chùa tháp được Chính phủ cho sửa sang rất tiện lợi, xe điện có thể lên đến đỉnh đồi. Mặc dù ở trên cao nhưng có đủ đèn nước và mọi tiện nghi. Trong khi tiến lên đại tháp, tôi có cảm nghĩ đường này sao giống như đường lên ngọn hải đăng ở Vũng Tàu, nhưng ngọn hải đăng chỉ là ngọn đèn để soi đường cho tàu bè trong đêm tối, còn đây là "Vô tận đăng" soi đường và nhắc nhở cho chúng sanh tránh xa những nơi nguy hiểm tối tăm, và tiến tới chỗ giác ngộ, giải thoát. Chúng tôi hy vọng các núi Việt Nam có được ngôi tháp vĩ đại như thế này thì quí hóa biết bao, nhất là các ngọn đồi ở Phật học viện Nha Trang mà được xây một ngôi tháp to lớn thì chắc sẽ là đệ nhị Sanchi của Phật giáo.

Chúng tôi tiến đến ngôi chùa chánh vào lễ Phật và chiêm bái Xá Lợi của đức Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất. Ngôi chùa đã cao lại được dựng trên núi nên rất oai hùng đồ sộ. Sau khi lễ Phật, chiêm bái xong, chúng tôi tiến ra ngoài chụp ảnh kỷ niệm. Rồi chúng tôi bắt đầu tuần tự đi viếng các cảnh đồi tháp. Quí vị hãy cùng chúng tôi đi từng cảnh một. Nhưng chúng tôi xin nói qua về lịch sử Sanchi trước đã.

Trong văn chương Phật giáo không nói Đức Phật có đến thăm Sanchi. Nhưng nay Sanchi trở thành quan trọng. Xá lợi của ngài Xá-lợi-phất và ngài Mục-kiền-liên được tìm thấy tại đây. Vua A Dục có dựng nhiều trụ đá và đền tháp để kỷ niệm, sự kiện này đủ chứng tỏ nhà vua đặc biệt chú ý đến Sanchi, mà tên cũ là Kakanara, và trong bộ Mahavansa gọi là Chetigiri. Vua A Dục chú ý đặc biệt đến chỗ thánh tích này. Có lẽ khi còn trẻ, Ngài sống nhiều năm ở Ujjaini làm Phó vương ở Malwa. Chính trong lúc này, Ngài kết hôn với bà Devi ở Vedisa, một thị trấn cách Sanchi độ vài dặm Anh. Bà Devi này là mẹ của Mahinda, người con khôn ngoan và đạo đức của A Dục, xuất gia tu hành và được cử sang truyền giáo tại Tích Lan. Trước khi sang Tích Lan, Ngài ở tại ngôi chùa do mẹ Ngài lập. Do đó, Sanchi trở thành một Thánh tích quan trọng của Phật tử ở Mulwa, cho đến thế kỷ thứ hai mới bị hoang phế. Nhưng có lẽ vì ở trên nhiều cây cối che lấp nên không bị những người tìm vàng đến cướp phá. Do đó các đền tháp được giữ tử tế cho đến thế kỷ 18. Sau khi ông Alexander Cunningham in quyển sách "Bhilsa Tope" vào năm 1854, các nhà tìm của báu mới bắt đầu đến tìm kiếm và phá hoại. Chính Đại uý F.C Maisey là người làm hư hại Sanchi nhiều nhất, nhưng cũng là người tìm được Xá lợi các vị truyền giáo như đã nói trên. Chỉ từ khi viện Bác cổ được lập ra, Sanchi mới khỏi bị tàn phá thêm nữa và ngày nay được viện Bác cổ chú ý đặc biệt. Khi chúng tôi đến đây đường sá đã mở mang nhiều và các chùa tháp hư hoại được sửa chữa.

Sanchi đứng trên một ngọn đồi, phong cách chung quanh tuyệt đẹp và thanh tịnh. Chỗ này nổi tiếng về nghệ thuật kiến trúc cổ Ấn Độ. Sau đây là những cảnh hiện còn.

1. Đại tháp có lan can, chạm trổ rất mỹ thuật

Tháp này là Thánh tích đặc biệt nhất tại đây. Ở rất xa cũng thấy được vì tháp cao 16 thước tây và đường kính rộng đến 38 thươc 54. Tháp hình bán cầu, với một cửa đá có một lan can để bảo vệ chung quanh ngôi tháp. Bốn phía có bốn cửa đá chạm trổ rất mỹ thuật. Cả hai lan can trên và dưới đều bằng đá Churna trơn láng, có tháp nhì làm bằng đá tảng, cả hai lan can cùng bốn cửa đá cân đối hòa hợp nhau chứng tỏ toàn ngọn tháp chỉ do một kiến trúc sư đại tài phác họa.

Người ta thường cho rằng ngôi tháp này do vua A Dục dựng lên, nhưng có lẽ vua A Dục chỉ xây một ngôi tháp bằng gạch, rồi sau này các vị vua hoặc các ngưòi nào khác xây lại bằng đá và tô lớn như hiện nay: Nếu ngôi tháp không phải do vua A Dục dựng lên, thì chắc cũng không được hoàn thành vào trong đời Ngài. Các lan can đều theo lối kiến trúc đời vua A Dục, nếu các cửa đá đã dựng lên sau thì cũng có thể tin là được bắt đầu vào đời vua A Dục. Trên một vài trụ đá lan can, có khắc tên những người hỷ cúng. Như vậy chứng tỏ lan can không phải do một Phật tử mà do nhiều Phật tử chung nhau kiến tạo. Ngôi tháp này phá hư bởi Pusyamitra, vị Thủ tướng của vua Mauryan, vị này lật đổ triều đại cũ và lập triều đại riêng của mình (184-143 trước T.L).

Cửa đá bốn phía được chạm trổ rất tinh vi, các kiến trúc gần giống nhau, mỗi cửa gồm hai trụ đá lớn vuông, trên có tảng đá khắc hình thú vật. Những tảng đá này đỡ những tấm đá ngang, tất cả có ba tấm, hơi cong lên chặng giữa và những tấm đá ngang nầy nối liền hai trụ đá lại, tấm ngang trên hết có một Pháp luân ở giữa, hai hình Tam bảo hai bên và cuối cùng những tấm đá đều có khắc hình các loài vật. Những trụ đá và những tấm đá ngang ấy đều được chạm trổ rất đẹp, chạm những sự tích trong đời sống Đức Phật, hoặc một vài chuyện tiền thân của Ngài. Cũng có nhiều hình chưa hiểu được miêu tả gì. Điểm đặc biệt ở đây là không khắc hình tượng đức Phật vì theo quan niệm xưa, khắc như vậy là phạm thượng. Khi nào cần chỉ khắc cây Bồ đề, hoặc dấu chân ngài, hoặc khắc bệ đá chỗ ngồi của Ngài. Cũng có một vài sự tích lịch sử được khắc như vua A Dục thăm Bồ đề Đạo tràng, Ramagrama, tháp chôn Xá Lợi Đức Phật. Vua A Dục sở dĩ không lấy được Xá Lợi này vì bị phái Kokiyas phản đối nên phải đến tại tháp ấy chiêm bái. Cũng có khắc hai cảnh những đại biểu của vua đến tại Kusinagara để thỉnh Xá-lợi Phật và cảnh vua Tần Bà Ta La (Bimbisara) đi từ Vương Xá thành để được gặp đức Phật. Hình thú vật: sư tử, ngựa, voi, trâu, lạc đà và các loại chim khác cùng những hình cây khác, được khắc tỉ mỉ và đẹp. Trong các bức tường khắc này có những hình dây nho; vì vậy có thuyết cho là có chịu ảnh hưởng của các nước ngoài. Thuyết này không được mọi Phật tử công nhận. Những bản khác cho chúng ta biết là trụ đá tại cửa phía tây và tấm đá ngang do ông Nagapiya, một nhà ngân hàng ở Achavada phát tâm cúng. Tại bốn cửa đi vào ngôi tháp có bốn tượng Phật tạc trên tường của bệ đá, có lẽ những tượng này được tạc thêm về sau.

2. Tháp tàng trữ xá lợi của Ngài Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất

Độ 60 thước phía đông bắc của ngôi Đại tháp, có một ngọn tháp nhỏ hơn, nhưng được nổi tiếng vì tại chỗ đó người ta tìm được Xá lợi của hai vị Đại đệ tử của đức Phật. Nhưng Xá lợi này được ông Alexander Cunningham và Đại úy F.C. Meisey tìm thấy trong hai hộp đá, trên những hộp này có khắc tên hai Ngài. Hai Ngài đã thệ thế trước đức Phật, nhưng chúng ta không được biết Xá lợi được đưa về Sanchi vào lúc nào và không hiểu ngọn tháp này có phải được dựng lên trong thời đức Phật còn tại thế hay không. Ngọn tháp này được kiến trúc cùng một kiểu như Đại tháp, chỉ khác là không có lan can ở phía dưới. Tại đây chỉ có một cửa đá thôi. Cũng có chạm nhiều sự tích về đời sống Đức Phật nhưng không giá trị bằng hình chạm ở Đại tháp.

3. Tháp số 2

Ngôi tháp này ở vào một nơi hơi xa các ngôi tháp trước, phải đi xuống độ 400 thước phía tây ngọn đồi mới đến. Nhờ có tam cấp nên đi xuống cũng dễ dàng. Tháp này cũng quan trọng vì chính tại chỗ này người ta đã tìm được Xá lợi của những vị Đại đức đã đem Phật pháp truyền bá các nước xa vào đời vua A Dục. Ngọn tháp này cũng cùng một kiểu với hai ngọn tháp trước, chỉ khác là không có cửa đá. Chính ông Alexander Cunningham tìm thấy những Xá lợi này trong một căn phòng xa ngôi tháp hiện nay. Hộp đá ở ngoài bằng đá trắng, bề dài độ hai thước. Trong hộp đá này có bốn hộp đá nhỏ khác đựng các Xá-lợi của vua các vị Đại đức bắt đầu từ vị La Hán Kasya Pagotra và vị A-la-hán Vatsi Suvijatata.

4. Tháp số 4

Phía đông bắc ngôi tháp số 3, có một ngôi tháp nhỏ hơn là tháp số 4, tháp này bị hư nát nhiều và được Viện Bác cổ sửa sang lại. Có nhiều nền của những tháp an táng các vị Tăng sĩ ở chỗ này.

5. Trụ đá vua A-Dục cùng các trụ đá khác

Không giống với các thánh tích khác, Sanchi có rất nhiều trụ đá. Hiện còn có 4 trụ đá khá quan trọng và những trụ đá nhỏ khác thuộc về thời đại Gupta. Trụ đá quan trọng nhất là trụ đá do vua A Dục dựng lên tại cửa phía nam của ngôi Đại tháp. Nay chỉ còn thân trụ và bản đá, vì trụ đá này đã bị một người tên là Semindar phá hủy để làm một bảng ép mía. Dựng đứng lên bề cao độ 14 thước và chỉ tạc bằng một tảng đá thôi. Tảng đá và con sư tử hiện còn để trong Viện Bác cổ. Trụ đá thứ hai đáng được nói là trụ đá phía đông ngôi tháp, thuộc về thời đại Gupta, chỉ cao độ 5 thước 57 và khác với trụ đá vua A Dục vì có đến 8 cạnh. Con vật ở đầu ngọn tháp tìm không thấy. Trụ đá thứ ba, gần trụ đá trên cũng thuộc về thời đại Gupta màu xám nhạt với những bị gãy thành 4 đoạn. Trụ đá này có khắc rõ nhiều hàng chữ. Hai trụ đá ở cửa, một Mandapa tại một tinh xá và một cửa sổ của ông Rudrasinha, con của Gosura Sinhabala, vị Quản đốc cuả một ngôi chùa. Trụ đá thứ tư gần cửa phía Bắc, có lẽ là một trụ đá đuợc nói đến trong các bia khắc trên. Trụ đá này lớn hơn, nhưng hiện tại chỉ cao độ 7 thước thuộc về thời đại Gupta vì gốc cột hình vuông. Gần trụ đá này người ta có tìm được tượng Bồ tát Vajrapani, và theo ông Cunningham và Marshall thì tượng này tôn trí trên cột đá ấy. Có lẽ vì vậy nên được gọi là trụ đá Vajrapani.

6. Các ngôi chùa và tinh xá cũ

Ngôi chùa chính đối diện với cửa đá phía nam của Đại tháp có 9 trụ đá vuông cao đến 5 thước, chứng tỏ chùa ấy rất vĩ đại, có lẽ chùa làm theo kiểu các hang đá Ajanta và Karki vì các ngọn tháp đều đồng một kiểu. Hiện nay chỉ còn nền cùng tường bốn góc cao độ 1 thước. Chắc chùa này không làm trước năm 650 sau T.L. Một bát bằng đá, vài tấm ngói được tìm thấy tại chỗ này; phía đông chùa này có một khám thờ nhỏ, giống như một ngôi đền mới ở Ba-la-nại, toàn bằng đá với mái bằng đá phẳng, có một điện Phật và một mái hiên phía trước. Mái hiên này có bốn trụ đá chạm khắc và hai trụ đá vuông chống đỡ. Một chù khác phía sau tháp số 5, có một mái bằng, gác trên những trụ đá trong chùa này có một tượng Phật an tọa trên tòa sen.

Phía nam có một số chùa tháp và quan trọng nhất là tinh xá lớn. Tinh xá chỉ còn nền và chân các cột trụ. Có dấu tích các chùa đ được sửa sang lại. Những tinh xá chính có lẽ rất xưa. Tại đây có 50 trụ đá, và có đến 3 ngôi chùa. Về phía đông cũng có một ngôi chùa khá quan trọng có lẽ là ngôi chùa được dựng sau cùng ở Sanchi vào khoảng thế kỷ thứ 10 hay thứ 11 sau T. L.

7. Viện Bảo tàng

Viện bảo tàng này chứa toàn di tích của Phật giáo có rất nhiều pho tượng, khuôn dấu v.v... được tìm thấy tại đây. Chúng tôi đi xem rất tỉ mỉ.

8. Chùa Ma-ha Bồ-đề hiện nay

1. Khung cảnh ngôi chùa: Đất chùa rộng độ hai mẫu tây. Chùa nằm gần bên nhà ga và quan lộ, nhiều hoa thơm cỏ lạ được trồng bốn phía, có hàng rào bao bọc xung quanh. Cửa ngõ vào thật giản dị nhưng không kém phần mỹ quan. Đây là cơ sở để truyền bá Phật giáo cho dân chúng và tiếp đón Tăng lữ bốn phương. Còn ai muốn tịnh tu thì lên chùa trên đồi núi, là nơi cảnh rất yên tịnh mát mẻ.

2. Tăng xá: Hai dãy nhà dài dùng để làm phòng cho chư Tăng. Mỗi phòng rất rộng, có thể ở được bốn vị, có phòng tắm, nhà vệ sinh, sắp đặt rất trật tự ngăn nắp, khá thuận tiện cho việc học tập, nghiên cứu, sáng tác. Kiểu nhà xây toàn nắp bằng có hành lang rộng rãi đi bốn phía.

3. Chánh điện: Hội đang kiến thiết một ngôi chánh điện bằng xi măng cốt sắt. Khi chúng tôi đến thì xây đã gần xong tầng dưới, và chuẩn bị làm tầng trên. Ngôi chánh điện này rất rộng rãi và đồ sộ, phí tổn dự trù độ ba triệu bạc V.N. Chúng tôi hỏi thăm thì Đại đức trụ trì cho biết Chính phủ địa phương cúng 400.000đ, ông Bộ Trường tài chánh cúng 200.000đ, ngoài ra, hội Ma-ha Bồ đề đài thọ tất cả. Thật là một ngôi chùa đáng kể ở vùng này.

4. Trai đường: Bên cạnh chùa là một Trai đường, có ba căn, xây cất theo lối mới. Chúng tôi thọ trai ở Trai đường này hai hôm. Một điều mà chúng tôi phải chú ý, là tại các chùa ở Ấn, Trai đường được xây riêng biệt, chớ không phải làm chung với nơi thờ cúng như bên ta.

5. Các dãy nhà chung quanh: Bốn phía có nhiều nhà dành cho khách thiện tín, các giáo viên cũng như anh em công quả lưu trú. Nhà nào cũng sạch sẽ và ngăn nắp. Đặc biệt là chùa thuê các thanh niên để nấu ăn và mỗi người đều có nhà ở riêng.

6. Trường học và thư viện: Hội Ma-ha Bồ-đề có mở trường học cho trẻ em trong vùng. Trường dạy đúng theo chương trình Chính phủ, ngoài ra hàng tuần có hai giờ giáo lý bằng chữ Pàli. Hội cũng sắp mở một thư viện để tiện cho các nhà trí thức và học giả nghiên cứu. Chương trình của hội thật là đại quy mô và đang được thực hiện với sự đoàn kết của hai giới xuất gia và tại gia.

Đứng trên đồi núi Sanchi nhìn xuống, cảnh trí rất ngoạn mục, nào nhà cửa, nào phố xá, dân cư, xe cộ.... lô nhô chỗ cao chỗ thấp. Xa xa núi nọ gối đầu trên núi kia, chồng chất lên nhau, tạo thành một bức họa thiên nhiên hùng vĩ. Luyến tiếc, chúng tôi lại xem ngôi Đại tháp. Mặc dù đã trải bao thế kỷ, nhưng hình thể và đường nét vẫn không bị hư hao chút nào. Đây là ngôi tháp lớn nhất và đẹp nhất trong các ngọn tháp mà chúng tôi đã thấy. Trời đã trưa, chúng tôi phải trở về chùa để thọ trai.

Trong bữa cơm trưa hôm nay, 3 Đại đức ở đó cùng thọ trai với chúng tôi rất vui vẻ. Đại đức trụ trì cho chúng tôi biết, Đại đức có sang Việt Nam một lần trong dịp cung nghinh Xá-lợi lần đầu tiên tại Sài Gòn trên đường đi hội nghị Đông Kinh (Nhật Bổn). Đại đức rất tán thán lòng tin tưởng nhiệt thành của Phật tử Việt Nam đối với chánh pháp trong cuộc nghinh Xá-lợi ấy. Đại đức hy vọng có dịp nào đủ duyên sẽ qua thăm Việt Nam nhiều lần nữa.

Sau khi thọ trai và chỉ tịnh, vào lúc 3 giờ chiều, chúng tôi còn trèo lên núi Sanchi một lần nữa, cùng đi có một thanh niên Tích Lan, người rất mến đạo và kính trọng chư Tăng. Bước lên tam cấp của đồi, chúng tôi gặp hai vợ chồng người Ấn chắp tay thành kính lễ bái đúng như câu: "Đầu diện tiếp túc qui mạng lễ". Thật cảm động cho lòng tôn kính Tam Bảo của các Phật tử ấy. Sau khi lễ xong họ đứng ngay thẳng, cung kính chắp tay nhìn mãi, đến lúc chúng tôi đi mất dạng mới thôi.

Chiều đến cảnh đồi tháp lại càng rực rỡ hơn. Hoa rừng thơm ngát ở hai bên vệ đường. Thầy Thiện Châu lên đốt hương, chúng tôi làm lễ bái tượng Phật và Đại tháp một lần nữa. Sau đó chúng tôi đi viếng khắp cả, từ trong tháp đến ngoài tháp, từ trên đỉnh cao đến những phòng xá xa xôi và ẩn trong những rừng cây rậm. Các ngôi Tăng xá xưa ở chung quanh được xây cất thật là cẩn thận.

Vào lúc 5 giờ, Thượng tọa Minh Châu giục chúng tôi phải trở về, để chuẩn bị hành lý. Chúng tôi, chân bước đi nhưng mặt còn ngoảnh lại. Tưởng cũng nên nhắc lại: Phong cảnh chùa tháp ở đây có tính cách thiên nhiên nhất và vĩ đại nhất trong các Phật cảnh mà chúng tôi đã trải qua trong cuộc chiêm bái này. Trên đường về, thầy Thiện Châu tỏ ý tha thiết hy vọng làm sao sau này Phật giáo Việt Nam được một thắng cảnh vĩ đại như thế này. "Được hay không đó là nhiệm vụ của quý thầy thanh niên", Thượng tọa Minh Châu nói.

Đúng 6 giờ tối, chúng tôi từ giã Đại đức trụ trì và kính tặng vài chiếc ảnh chùa Việt Nam để kỷ niệm. Đáp lại, Đại đức trụ trì biếu chúng tôi mỗi người một bộ y.

Chuyến tàu 7 giờ tối không còn chỗ. Chúng tôi đành phải trở lại chùa Ma-ha Bồ-đề. Đây cũng là một sự hy hữu. Có lẽ ai cũng mến Sanchi nên sinh ra cảnh ngộ như thế. Chúng tôi được sống tại Sanchi một đêm nữa.

Sáng ra điểm tâm xong, sắp đặt hành lý và đúng 9 giờ 30, chúng tôi ra ga. Lần này những chỗ ngồi đã được Sở Hỏa xa trung ương để dành cho chúng tôi theo sự yêu cầu của ông trưởng ga Sanchi. Họ rất tốt với chúng tôi vì chúng tôi là nhà tu và là người ngoại quốc. Chúng tôi lên tàu đi viếng Ajantà. Trên đường lòng chúng tôi mãi lưu luyến và mơ tưởng cảnh vĩ đại của Sanchi

Elephanta và Kanheri

Những địa điểm chót trong chương trình chiêm bái của chúng tôi là Elephanta và Kanheri đều ở gần Bombay, một đô thị phồn thịnh nằm bên bờ Ấn Độ Dương. Đô thị này được Âu hóa sớm hơn các đô thị khác ở Ấn, sạch sẽ rộng lớn, với rất nhiều xưởng kỹ nghệ ở ngoại ô. Hầu hết vật dụng hằng ngày của dân chúng Ấn Độ, như vải bố, thuốc men, máy móc.... đều được chế tạo tại đây. Bombay nằm trên trục giao thông từ Âu sang Á thuận lợi cả đường thủy, đường bộ và đường hàng không, cho nên nó đang đóng vai trò quan trọng về kinh tế ở Ấn Độ. Từ lối tổ chức đến cách kiến trúc đều phỏng theo các thành phố ở Anh quốc.

Chúng tôi ở lại tại chùa Nhật Bản. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc của đại tháp Bồ-đề ở Bồ-đề Đạo tràng. Buổi sáng, buổi chiều tín đồ đến đánh trống pháp và tụng niệm câu "Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh". Chư Tăng thuộc phái này mỗi khi ra đường đều đánh trống nhỏ và niệm đề kinh Pháp hoa. Một điều mà chúng tôi thấy cần phải bắt chước là các vị ấy luôn luôn tâm tâm niệm niệm: "Tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ thành". Do đó họ rất thành thật và khiêm tốn đối với mọi người.

Chúng tôi có đi thăm một vài nơi quan trọng trong thành phố nhưng không tìm được một nguồn vui nào; bởi vì suốt một tháng trời chúng tôi được sống trong một thánh tích thiêng liêng thanh tịnh mát mẻ, giờ đây phải chứng kiến những cảnh tranh sống, ồn ào, nóng bức, vì thế chúng tôi cảm thấy khó chịu và muốn tìm đến những nơi thiên nhiên an tịnh.

Một buổi chiều, chúng tôi đến thăm hoa viên "Nehru" cũng gọi là vườn treo, vì nó nằm trên một đỉnh đồi rộng rãi gần thành phố. Ở đây cây cỏ mát tươi, những bụi cây được cắt tỉa theo hình thú như sư tử, ngựa phi.... Hoa lá đủ loại. Có một vật kỳ lạ nhất là chiếc giày khổng lồ, trên ống giày là cái nhà nhỏ. Khách đến thăm hoa viên ai cũng chun vào và leo lên để nhìn xem cảnh vật. Chúng tôi cảm thấy nó "trần tục" làm sao ấy, nên chỉ nhìn mà không muốn đến gần, nhất là khi thấy đông đảo người ta đang chun qua gót giày.

Chúng tôi liên tưởng đến "Chùa Một Cột" của đất nước, mọc từ dưới hồ sen và nở ra như một hoa sen, từ trong hoa sen ấy tỏa ra những mùi trầm hương. Ai là kiến trúc sư của ngôi chùa này? Nhất định phải là một Đạo sĩ; người ta bảo là Vạn Hạnh Thiền sư. Ôi, ý nghĩa và thanh thoát làm sao!

Sau đó, qua phía bên kia vườn trên mô đất cao, chúng tôi nhìn thấy hàng ngàn kên kên và quạ bay đi lượn lại trên một nóc đền. Thượng tọa Minh Châu cho chúng tôi biết đó là ngôi đền của tín đồ phái Parsis. Tất cả thây chết của tín đồ phái này đều đem phơi để cho kên, quạ ăn. Tín đồ Parsis xem việc làm này rất có ý nghĩa, vì họ nghĩ rằng khi thân người đã chết thì dầu có chôn cất, thiêu đốt hay để cho kên quạ ăn đều giống nhau. Hơn nữa việc làm sau lại là việc làm hữu ích: nuôi sống kên quạ bằng cái thây chết vô dụng của con người.

Chúng tôi ở lại đây cho đến hoàng hôn mới ra về. Đèn điện sáng trưng bao quanh vịnh Bombay, xe cộ tấp nập làm cho thầy Pasadika nói với chúng tôi: Thật ra Ấn Độ không nghèo nhưng vì dân số quá đông nên Chính phủ không thể giải quyết vấn đề xã hội một cách mau chóng được.

Động Elephanta

Một buổi sáng khác chúng tôi đi thuyền máy đến động Elephanta. Toàn diện hải cảng Bombay hiện ra trước mắt, khi thuyền ra khơi. Đảo Elephanta làm cho chúng tôi liên tưởng một cách linh động đến "Treasure Island" của Stevenson, với cây cối xinh tươi um tùm của miền nhiệt đới, hay Túy Vân nằm giữa phá Tam Giang.

Các động Ấn Độ giáo được tạc một cách phức tạp vào thế kỷ thứ tám sau T.L. Cả điện thờ dựng lên để thờ thần Shiva. Ở chính giữa là những Linga khổng lồ. Về phương diện mỹ thuật, các tượng hình như có nhiều tài nghệ và linh động hơn các tượng tạc xưa nhất ở Ajantà. Trong phạm vi thế giới tư tưởng của chúng, những tư tưởng của một sức sống mãnh liệt về phiếm thần Ấn Độ giáo, chúng thật đã đạt được một kỹ thuật hoàn mỹ. Động và rừng rậm mọc nẩy nở lên xung quanh, được dệt vào nhau thành một sự đồng nhất tượng trưng. Sự sinh nở lúc nhúc của vùng nhiệt đới được đem trồng vào trong điện thờ để thành những hình vật lúc nhúc đang nhảy múa, leo trèo, bò trườn, tàn diệt và sinh sản. Một thần Shiva Goliah đang nhảy điệu múa vũ trụ cùng vợ là Parvati (Shiva là vị thần ghê tởm, có tám tay), một điệu múa của sự phẫn nộ, tàn sát, gây một sự tương phản thi vị bên cạnh vị nữ thần sông ngòi xinh đẹp và dễ thương Yamuna và Ganga. Sóng cuồng của thân thể thấm nhuần với cảm hứng mỹ thuật và sự nhiệt tình ngây ngất tiêu biểu cho một tượng trưng khổng lồ của sự vô ý thức: sanh, trụ, diệt. Dầu không cố ý, chúng ta phải nghĩ đến Pergomon, một kỳ công tuyệt diệu của Hy Lạp ở Trung Á Tế Á, điện thờ của Zeus, sự bi kịch hiện sinh của mỹ thuật Hy Lạp, một chứng cớ về ý muốn sáng tạo của con người: các Olympians chiến đấu với Titans, hùng cường thay, sức mạnh trong tấm thân của Zeus, và nghệ thuật của ODysseus trong mũi giáo của Athena. Các vị thần Ấn Độ giáo chiến đấu với các Asuras, Vishnu tàn sát Vua Asura; Shiva đạp trên kẻ thù địch, Lucifer nổi loạn trong Do Thái giáo và Gia tô giáo, nhưng rồi Chúa cũng chế phục Lucifer. Một sự tổng hợp tất cả các tôn giáo.

Trưa hôm ấy, chúng tôi ở lại và ăn trưa giữa rừng cây. Một con khỉ bạo dạn đến dò lòng từ bi của tất cả chúng tôi. Đầu tiên nó dè dặt nhưng sau khi thấy chúng tôi thương nó, cho nó ăn nên nó đã đến gần và ngồi ăn với chúng tôi như một người bạn. Nhưng lạ thay mỗi lần có người khác qua là nó nhảy lên cây trốn mất. Người lạ đi, nó lại trở lại ăn với chúng tôi...

Phải chăng những luồng điện từ bi đã phát ra từ tất cả chúng tôi và đã làm cho con khỉ cảm thấy an toàn khi nó đến gần? Trên đường về, lời dạy về từ bi và hình bóng con khỉ luôn luôn hiện ra trong trí chúng tôi. Chúng tôi thầm nguyện cho con khỉ ấy sau khi chết nhờ ảnh hưởng đạo đức của chư Tăng mà nó đã gặp được, đầu thai làm người, gặp lại chúng tôi và được sống an lành dưới bóng từ bi của Phật tổ.

Động Kanheri

"Những kẽ núi chứa đựng nước trong trẻo,
Một thế giới núi đá,
Được các con khỉ mặt đen và các con hươu rụt rè lui tới,
Dưới những chòm hoa sáng nở, chảy những dòng suối trắng bạc,
Chính là những cao nguyên mà tôi ưa thích nhất" (Rhys David)

Sáng ngày 7 tháng 11 chúng tôi đi viếng động Kanheri, cách xa Bombay 20 miles về phía Bắc giáp giới với công viên quốc gia Krishnagiri. Cả vùng bao bọc bởi nhiều núi đồi xinh đẹp, đầy rừng rậm. Từ màu xanh êm dịu, đứng sựng lên một dãy đá đen to lớn, sắp thành hình bán vòng cầu không đều đặn. Các động điện Phật rất rộng lớn, chỉ có điện được trang hoàng, như các động ở Karli. Phía cửa vào, hai tượng Phật khổng lồ đang canh giữ, đây là những tượng Phật lớn nhất tại Ấn Độ. Một bia ký Gupta ghi tên Buddhaghosa, phải chăng Ngài là vị chú thích Pàli trứ danh? Một phòng họp to lớn khác, hình như vừa dùng để làm phòng họp, vừa làm phòng ăn. Chúng tôi thấy nhiều bàn đá dài. Sự sắp đặt của toàn cảnh rất khéo léo. Các động tu cá nhân bao vòng tròn đồi núi theo hình bán cầu, các động chỉ một người ở leo lên như hình mô đất đắp trên đồi. Các động không được đục theo các họa đồ nhất định, nhưng tùy thuộc theo vị trí thiên nhiên của tảng đá. Tất cả các động đều có giường đục trong đá. Tại cửa động, chúng tôi ngồi trên bàn ghế đá, chính chỗ các vị Tỳ-kheo thời xưa đã ngồi nghỉ khi trời xế chiều. Chỗ nào cũng có bể nước. Trong một nhóm động, có một chỗ rất tôn nghiêm, tạc nhiều hình tượng đức Thế Tôn nắm y của Ngài với tay trái dơ lên, các nếp áo rất mỹ thuật và nhẹ nhàng nhưng không thanh nhã như các tượng chạm ở Mathura. Sự linh động của các tượng chạm có thể sánh với động Elephanta, nhưng không đi đến sự đồ sộ. Các tượng chạm ở Kanheri không sánh được với sự tuyệt luân của thời Guptas, nhưng nhờ vậy chúng nó gây nhiều cảm kích hơn chỗ nào khác, vì, chúng ta có thể tin rằng tất cả những tượng chạm này do chính tự tay các nhà tu hành tạc nên. Không phải tất cả các vị Tỳ-kheo đều là những nhà nghệ sĩ điêu luyện. Nhưng sự bền bỉ, dẻo dai, trung thành của "sự tầm thường" chính làm cho chúng ta cảm động, khâm phục. Sự tín thành nhiệt tình đối với Chánh Pháp vượt ngoài các sự đo lường, suy lý và các nhận hiểu bề ngoài. Tất cả động nối liền với nhau bằng những con đường mòn tiện lợi. Nhưng sự biệt lập cần thiết thật rất đặc biệt. Không vị tu hành nào có thể thấy, nghe hay phá rầy người bên cạnh. Ngồi yên lặng trong một hang động, lá nhĩ còn vang động với sự huyên náo điên cuồng của thị thành, nhưng rồi hơi thở dần dần trở thành nhẹ nhàng, dễ chịu. Từ cửa động nhìn ra, phong cảnh lướt nhẹ từ vòm trời xanh biếc, ngang qua rừng rậm rộng lớn dưới chân trời. Đàng xa, sóng của Ấn Độ Dương cuồn cuộn sủi bọt trắng xóa. Dầu cho vào mùa hè nóng bức nhất, gió biển cũng đưa vào những luồng mát mẻ tẩm vị muối. Có phải chăng đó là một trong những chỗ trú ẩn an lạc tuyệt luân mà các nhà tu hành thời xưa đã ca tụng như sau:

"Ôi, (người sẽ yên cuộc sống), hoặc ở trên chỏm núi của những tảng đá hang động mà các đoàn heo rừng và hươu sống với nhau.
Hoặc ở giữa lùm cây ngoài trời,
Hoặc ở trong rừng sâu, được mưa mới làm tươi mát...
Chính tại chỗ này, hạnh phúc đang đón chờ người,
Người đã sống trong các hang động,
Gió mát thổi vi vu...
Đức Bổn sư có sự trung thành và tình yêu của tôi,
Và các lời đức Phật đã được thực hành xong.
Tôi đã đặt xuống gánh nặng mà tôi đã mang.
Nhơn tạo ra luân hồi nay không còn ở nơi tôi nữa rồi". (Theragàthà, Trưởng lão kệ).

Kanheri không mỹ thuật bằng Ajantà, không vĩ đại như Bồ-đề Đạo tràng, nhưng chúng tôi yêu thích Kanheri vì cái vẻ thiên nhiên đậm đà của nó. Có thể nói Kanheri là một bài thơ đạo tuyệt vời. Thanh tịnh làm sao những động cá nhân uốn mình dưới những tảng đá lớn ẩn sau những vòm cây xanh. Làm sao diễn tả được thi vị của những dòng suối róc rách bao quanh sườn núi mát dịu? Thỉnh thoảng gió biển tạt vào và mang theo mùi thơm dịu dàng của hoa rừng.

Ý tôi muốn ở lại đây ít nhất một đêm để hưởng cái thiền vị ấy nhưng không được vì chúng tôi không dự định trước, vả lại xe ngựa chúng tôi thuê đã quá giờ. Chúng tôi ra về trong luyến tiếc.

Bác sĩ Ambedkar

Một ngày trước khi từ giã Bombay, Thượng tọa Minh Châu có nhận lời thỉnh cầu của một số Phật tử Ấn đến tận nhà họ để chứng minh lễ đầu năm và quy y cho một số người mới hướng về Tam bảo. Những người này nghèo khổ nhưng rất tín thành. Chúng tôi, Thầy Huyền Vi và Pasadika cùng đi theo.

Điều làm cho chúng tôi rất ngạc nhiên là bên bàn Phật có thêm tượng của một người mặc Ấn phục đeo kính trắng. Tôi rất ái ngại trong khi hành lễ bởi lẽ một Phật tử chỉ nên lễ Phật Pháp Tăng mà không được lễ ai khác nữa.

Sau buổi lễ chúng tôi hỏi Thượng tọa Minh Châu:

-- Thưa thầy, Tăng đồ cũng như tín đồ ở xứ thuộc Nam tôn thường chỉ thờ một tượng đức Bổn sư thôi, tại sao ở đây họ lại thêm tượng gì lạ như thế này?

Thượng tọa Minh Châu cho biết:

-- Đó là tượng của Bác sĩ Ambedkar. Vì cảm ơn sâu xa Bác sĩ, người đã đem họ về Chánh pháp, nên họ thờ cả tượng của Bác sĩ. Họ xem Bác sĩ như một vị Bồ-tát ra đời để đưa những người cùng đinh trở về với giáo pháp từ bi và bình đẳng. Họ kính ngưỡng đức Phật nhưng họ nghĩ rằng nếu không có Bác sĩ Ambedkar thì có lẽ muôn đời họ phải sống với Ấn Độ giáo.

Những lời của Thượng tọa Minh Châu dã khơi dậy sự hiểu biết của chúng tôi về Bác sĩ Ambedkar và phong trào đông đảo những người cùng đinh Ấn quy y Phật mà chúng tôi đã được đọc qua sách báo vào khoảng 1956 khi còn ở nước nhà.

Thế là trí tò mò của chúng tôi được dịp tốt để hoạt động. Tôi đã hỏi thăm Thượng toạ Minh Châu và một vài người trí thức trong số những Phật tử mới này một cách kỹ càng về đời sống tôn giáo của Bác sĩ Ambedkar và sau đây là những tài liệu mà chúng tôi đã thâu nhập được.

-- "Bác sĩ Ambedkar vốn là một trong những người cùng đinh Ấn đã chịu đựng không biết bao nhiêu gian khổ do ảnh hưởng phân chia giai cấp của Ấn Độ giáo gây nên. Sau những giai đoạn tự cường với bản thân và tranh đấu với hoàn cảnh, Bác sĩ đã thành đạt rực rỡ trong vấn đề học vấn. Người đã đậu tất cả những chứng chỉ cao cấp sau đây: M.A. (Thạc sĩ), Ph.D. (Tiến sĩ Triết học), D.M. (Bác sĩ Y khoa), LL.D. (Tiến sĩ Luật khoa), D.Litt (Tiến sĩ Văn chương), Bác sĩ đã trở thành lãnh tụ của giai cấp cùng đinh, người thảo ra hiến pháp Ấn Độ và làm Tổng trưởng Bộ Tư Pháp. Người đã quy y Phật giáo không phải bởi sự cưỡng bức mà bởi lòng tự nguyện."

Chúng ta hãy ngược dòng thời gian để tìm hiểu nguyên nhân nào đã thúc đẩy Bác sĩ trở về với Phật giáo và sự quy hướng lịch sử này đã diễn tiến ra sao.

Vào năm 1936, Bác sĩ Ambedkar tuyên bố từ giã Ấn Độ giáo, một tôn giáo đầy cả thần quyền và phân chia giai cấp. Đồng thời Bác sĩ cũng cho biết người sẽ lựa chọn một tôn giáo mới. Tiếng nói này không phải riêng của một mình Bác sĩ mà là của hàng triệu người cùng giai cấp với Bác sĩ.

Tin này được tung ra và làm cho những tôn giáo khác vui mừng và hy vọng. Bởi vì những tôn giáo ấy nghĩ rằng nếu lôi kéo được Bác sĩ Ambedkar là lôi kéo được hàng triệu người chịu sự lãnh đạo của Bác sĩ. Và như vậy, tôn giáo của họ có thêm một hậu thuẫn vĩ đại. Hồi giáo tìm đủ cách để chinh phục con người đầy uy tín này. Đạo Sikh bắt đầu quyên góp để giúp đỡ những người cùng đinh hầu mua chuộc Bác sĩ. Sự hưởng ứng của những người theo đạo Sikh nhiệt liệt đến nỗi với số tiền thu góp, họ đã đem xây dựng được trường đại học Khalsa, sau khi biết Bác sĩ không có ý định theo đạo Sikh.

Bác sĩ với sự khôn ngoan đã không vội vàng quy hướng tôn giáo nào cả. Sự quyết định theo một tôn giáo mới đến với Bác sĩ sau 20 năm đắn đo tìm hiểu và suy nghĩ. Trong thời gian ấy, Bác sĩ đã thật tâm học hỏi và khách quan so sánh tất cả tôn giáo. Tôn giáo mà Bác sĩ thích nhất, sau khi khám phá được những điều hay lẽ đẹp của nó, là Phật giáo. Bác sĩ liền tuyên bố: "Tôi sẽ là một Phật tử vì tôi tin chắc rằng Phật giáo chính là tôn giáo duy nhất sẽ đem lại hạnh phúc cho tôi cũng như hàng triệu người theo tôi".

Vào ngày 14 tháng 10 năm 1956 tại thành phố Nagpur, Bác sĩ chính thức ly khai Ấn Độ giáo và về với Phật giáo với buổi lễ Quy y dưới sự chứng minh của Đại Lão Hòa thượng U Chandramani, người Miến Điện, hiện trụ trì tại Câu Thi Na. Hàng vạn người dự lễ đã thấy rõ nỗi vui mừng của Bác sĩ lộ trên gương mặt và nghe giọng nói chơn thành của Bác sĩ và vợ trong những câu Tam quy và Ngũ giới.

Sau lễ Quy y, Bác sĩ đã gặp gỡ những người cùng đinh và nói cho họ biết vì sao Bác sĩ đã quy y Phật. Đồng thời Bác sĩ cũng hỏi ý kiến họ về vấn đề tôn giáo. Hàng triệu người đã sung sướng đi theo con đường của Bác sĩ. Bấy giờ phong trào của những người cùng đinh quy y Phật nổi lên khắp nơi trên đất Ấn làm cho các tôn giáo khác bực mình.

Người ta kể lại rằng trong những buổi diễn thuyết, Bác sĩ thường nói: "Tôi sanh ra từ Ấn Độ giáo nhưng tôi không thể chết trong Ấn Độ giáo". Bác sĩ đã làm cho hàng vạn người rơi lệ khi kể lại những khổ nhục mà chính bản thân của Bác sĩ đã chịu đựng như lúc học tại một trường trung học. Theo chương trình Bác sĩ đã chọn, Sanskrit là một ngôn ngữ thứ hai nhưng Bác sĩ đã bị bắt buộc học tiếng Ba Tư vì ông giáo sư Sanskrit khinh bỉ không chịu dạy chữ Sanskrit cho người "hạ tiện". Bác sĩ đã nói lên những sự chua xót do Ấn Độ giáo gây nên mà những người cùng đinh phải chịu. Theo lý thuyết Ấn Độ giáo, người cùng đinh là con vật ghê tởm nếu ai đụng đến là mất "thánh thể" và không được trở về với Brahma (Phạm Thiên), đến nỗi những người ở giai cấp trên không dám đụng đến bóng của họ. Người cùng đinh không có quyền học tập để mở trí khôn, không được bước vào nhà của những người khác giai cấp, không được phép bén mảng đến đền miếu Ấn Độ giáo... Cho đến nay những phong tục vô nhân đạo này vẫn còn được giữ ở các nơi xa thị trấn.

Bác sĩ đã cực lực lên án chế độ giai cấp do Ấn Độ giáo và những vị Bà-la-môn đặt ra và kêu gọi những người cùng đinh hướng về Phật giáo. Vì rằng theo luật Manu của Ấn Độ giáo, xã hội loài người gồm có bốn giai cấp. Giai cấp Bà-la-môn (Giáo sĩ) sanh ra từ miệng của Phạm Thiên; giai cấp Sát-đế-lợi (vua chúa) từ vai; giai cấp Tỳ-xá (nông công) từ bụng và giai cấp Thủ Đà La (cùng đinh) từ chân. Nhưng theo Phật giáo thì mọi người đều bình đẳng, sự cao thấp của loài người không phải do sanh ra ở giai cấp trên hay dưới mà bởi hành vi thiện ác của mọi người. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước luật nhơn quả. Do đó, người trong giai cấp Bà-la-môn không thể là cao thượng khi người đó phạm tội lỗi như trộm cắp, tà dâm... Pháp luật cũng trừng trị họ. Trái lại những người ở giai cấp tầm thường vẫn là những người đáng kính mến nếu họ thật có tài năng và đạo đức. Chính "Nghiệp" (Karma) của con người làm cho con người cao hay thấp, đáng trọng hay đáng khinh, chứ không phải Brahma. Về phương diện tích cực, Phật giáo chủ trương tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ (Phật tánh). Chế độ giai cấp gây ra sự ghét bỏ và tranh chấp. Tinh thần bình đẳng làm cho con người biết thương yêu và kính mến lẫn nhau.

Cũng trong những buổi diễn thuyết, Bác sĩ nói với những người cùng đinh rằng: Phật giáo chính là một tôn giáo có tinh thần dân chủ cao đẹp. Phật giáo thừa sức giúp cho Chánh phủ thực hiện những điều cao đẹp trong Hiến pháp và làm cho nhân dân biết sống theo và thừa hưởng tinh thần dân chủ của Hiến pháp.

Bác sĩ hứa nguyện sẽ làm cho Chánh pháp sống lại một cách mau chóng trên đất đã phát sinh ra nó, để cứu độ cho những kẻ khổ đau trong giấc mộng thần quyền huyễn hoặc và chế độ giai cấp bạo tàn phi luân.

Đúng 7 tuần sau khi trở về với ánh sáng của Đức Giác Ngộ, Bác sĩ từ trần một cách êm thắm. Nhiều sự nghi ngờ được đặt ra và người ta thầm hiểu có một điều gì bí mật trong cái chết của Bác sĩ Ambedkar. Dù sao, Bác sĩ đã thực hiện được lời hứa: "Tôi sanh từ Ấn Độ giáo nhưng không thể chết trong Ấn Độ giáo". Bác sĩ đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6 tháng 12 năm 1956, trong đêm thức khuya để viết quyển "Đức Phật và giáo pháp của Ngài" (The Buddha and his Dharma). Hàng triệu người theo dấu chân Bác sĩ đau đớn bơ vơ, vì đã mất đi một vị lãnh tụ sáng suốt trong xã hội thiếu chân lý và tình thương!

Danh từ "Phật tử mới" (Neo-Buddhist) được báo chí Ấn Độ dùng để gọi Bác sĩ Ambedkar và những người cùng đinh quy y Tam bảo trong thời kỳ ấy. Danh từ tuy dùng không đúng (vì những Phật tử mới này không phải quy y với đức Phật nào khác lạ mà chỉ trở về với giáo pháp của Phật tổ Thích Ca đã truyền dạy hơn 2500 năm về trước) nhưng đã ghi lại một sự kiện đẹp đẽ đã diễn ra trong lịch sử Phật giáo.

Sau khi hiểu biết sơ qua một vài nếp sống tôn giáo của Bác sĩ Ambedkar và sự quy hướng lịch sử của những người nghèo khổ này, lòng tin tưởng đối với Chánh pháp của chúng tôi càng thêm đậm đà và tình thương mến những người Phật tử mới càng thêm tha thiết!

Tuy ở tại Bombay không bao lâu nhưng ngày từ giã của chúng tôi đã làm lưu luyến những Phật tử mới này không ít. Họ chí thành đảnh lễ tất cả chúng tôi trước khi tất cả chúng tôi bước lên xe. Trên xe chúng tôi băn khoăn suy nghĩ: Làm sao giúp đỡ đời sống tinh thần của những người nghèo khổ vật chất này. Chánh pháp thừa sức nhưng Tăng già thì quá thiếu, hàng triệu Phật tử mà vỏn vẹn chỉ có độ 3, 4 vị Tăng già trong miền Bombay và Poona này.

Chúng tôi trình bày sự băn khoăn ấy lên Thượng tọa Minh Châu. Thượng tọa cho biết Đại đức Sangharakshita người Anh-Cát-Lợi hiện ở Kalimpong và một vài vị trong giáo đoàn của Đại đức hàng năm có xuống đây giảng diễn. Những lớp học Phật pháp cũng được tổ chức thường xuyên và họ có những tổ chức nho nhỏ như khuôn hội bên ta để dắt dìu nhau trên đường tu học.

Tôi thầm ước nguyện ngày mai đủ tài đủ đức và nếu được quý Thượng tọa ở nước nhà cho phép, chúng tôi sẽ xin sung vào giáo đoàn của Đại đức Sangharakshita để góp tay vào công việc phục hưng mạnh mẽ Chánh pháp trên đất Phật và giúp đỡ những người đã theo tiếng gọi của Bác sĩ Ambedkar.

Nalandà

"Indra phân cách Nalandà
Cảnh trí xem ra thật mặt mà
Chùa thấp lấp vùi trong đất đỏ
Giảng đường vươn dậy giữa muôn hoa
Nghìn năm lịch sử còn ghi dấu
Xán lạn ngày mai đến chẳng xa
Gương biếc Huyền Trang in bóng cũ,
Đậm đà vui đón khách phương xa." (T.C)

Nếu Lâm-tỳ-ni là Thánh địa, bởi đức Phật giáng sanh ở đó thì Nalanda là đất thiêng đã chứng kiến sự xuất hiện của hai vị đệ tử của Ngài là Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-Kiền-Liên. Đức Phật đã tán thán hai ngài: "Nay các Tỳ-kheo trong hàng đệ tử của Như Lai, người có đại trí tuệ là Xá-lợi-phát và người có đại thần thông là Mục-Kiền-Liên".

Nếu Bồ-đề Đạo tràng là nơi đức Phật viên thành Chánh pháp thì Nalanda là đất thiêng đã truyền chiếu ánh sáng ấy đến với vô số người, ở khắp nơi trên thế giới.

Nếu Lộc Uyển là thánh địa, bởi ở đó đức Phật đã Chuyển pháp luân lần đầu tiên thì Nalanda là đất thiêng đã hoằng truyền chánh pháp, trong một thời gian dài hơn ngàn năm.

Nếu Câu-Thi-Na là Thánh địa, bởi ở đó đức Phật đã nhập Niết-bàn thì Nalanda là đất thiêng đã chứng kiến sự viên tịch của Tôn giả Xá-lợi-phất.

Hơn nữa, Đức Phật chưa bao giờ trở lại nhiều lần để thăm Lâm-tỳ-ni, Bồ-đề Đạo tràng, Lộc-uyển và Câu-thi-na, sau khi Ngài giáng sanh, đắc đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết-bàn, nhưng Ngài viếng thăm Nalanda rất nhiều lần.

1. Lịch sử Nalandà

Nalanda được nói đến nhiều trong văn chương Phật giáo và văn chương Jain. Ngài Xá-lợi-phất sanh gần Nalanda. Đức Phật cũng thường ghé thăm chỗ này khi Ngài đến thăm thành Vương-xá. Niganthanah-taputta, vị sáng lập ra đạo Jain cũng sanh gần Nalanda. Vua xứ Ma Kiệt Đà có lập một ngự uyển không xa Nalanda mấy. Nhưng chỉ từ khi Nalanda trở thành một Đại học viện Phật giáo, thánh địa này mới thực sự được nổi tiếng khắp thế giới, vì những vị giáo sư của Nalanda được xem là giỏi nhất xứ Ấn Độ. Vua A Dục là người sáng lập ra Nalanda nhưng không phải Đại học viện Nalanda, mà chỉ là chùa Nalanda. Ở đây vua này cũng thiết lập một tịnh xá và cúng dường phẩm vật tại ngôi tháp Xá-lợi-phất. Chúng ta không thể biết rõ Đại học viện Nalanda lập từ thời nào; có lẽ bắt đầu thế kỷ thứ nhất, trước tây lịch, vì ngài Nagarjuna (Long Thọ) sanh vào thế kỷ thứ hai, được xem là tòng học tại đó và sau trở thành Viện trưởng. Điểm này được ghi trong lịch sử của Taranatha.

Theo thời gian, Đại học viện Nalanda trở thành to lớn, và có lần sinh viên theo học đến số 10 ngàn người. Sinh viên đều được miễn phí, vì các phí tổn đều do các nhà vua chu cấp hoặc các đàn việt1 đài thọ. Sinh viên chỉ chuyên lo tu học. Trong những vua thuộc thời đại Gupta ủng hộ Đại học viện, có vua Kakradutya. Theo Ngài Huyền Trang chính vua này đã dâng cúng tinh xá cho chư Tăng. Nhưng vua nối nghiệp như Buddhagupta, Tathagatagupta, Bàlàgitya, Kunnàragupta và Vajra đều theo Ngài và cúng dường rất nhiều tinh xá.

Ngài Pháp Hiển đến thăm Ấn Độ vào thế kỷ thứ năm, không nói đến Nalanda; có lẽ Nalanda chỉ nổi tiếng vào những thế kỷ sau, và khi Ngài đến viếng, chỉ là một Học viện nhỏ như các Học viện Phật giáo khác.

Trái lại, khi ngài Huyền Trang đến Ấn Độ vào thế kỷ thứ bảy, Nalanda đã thành một trung tâm học vấn. Ngài học ở đây độ 13 năm. Ngài nghiên cứu các hệ thống triết học Phật giáo dưới sự chỉ dạy của Viện trưởng Silabhadra (Giới Hiền). Vị này được xem là vị học giả Phật giáo nổi tiếng nhất ở Ấn Độ. Thời bấy giờ ngài Huyền Trang cũng học Hetuvidya (Nhơn minh), Sabdavidya (văn phạm), Cikitsavidya (y học), Vệ-đà của Bà-la-môn giáo. Dưới đây là đoạn văn tả Nalanda của Ngài:

--"Số Tăng sĩ đông đến vài ngàn đều là những bậc tài năng xuất chúng. Những bậc này phần nhiều là những vị kỳ tài, danh tiếng vang đến cả những nước ở ngoài. Đức hạnh của những vị này hoàn toàn thanh tịnh, không thể chê trách gì. Họ theo giới luật một cách chơn thành. Qui luật của tu viện rất nghiêm khắc và tất cả Tăng sĩ đều bắt buộc phải tuân theo. Cả nước Ấn Độ đều kính phục và tuân theo những lời chỉ dạy của những vị này. Cả ngày họ không có đủ thì giờ để hỏi và trả lời những câu hỏi có ý nghĩa sâu xa. Từ sáng cho đến tối, các vị này đều luôn luôn biện luận. Già và trẻ đều giúp đỡ lẫn nhau. Những ai không thể biện luận về kinh điển đều không được kính trọng và phải lẩn tránh vì xấu hổ.
Những nhà học giả từ các thành thị khác, muốn mau có danh tiếng trong các cuộc biện luận đều đến Nalanda rất đông, để được giải đáp những điểm mình còn nghi ngờ, và vì vậy danh tiếng của những vị ở Nalanda được lan truyền rất rộng. Cũng vì vậy mà có nhiều người muốn có danh của Nalanda để được người ta kính trọng. Các người ở các giới khác muốn dự các cuộc biện luận phải bị người giữ cửa hỏi vài câu khúc mắc, nhiều người không trả lời được phải trở về. Phải học giỏi cả tân và cựu kinh điển mới được thâu nhận. Những sinh viên lạ mặt phải tỏ sự biệt tài của mình trong những cuộc biện luận gắt gao, và số người bị hỏng so với những vị trúng tuyển độ 7, 8 phần 10."

Những bia ký cũng chứng tỏ sự vĩ đại của Nalanda và công nghiệp của các vị vua duy trì và cung cấp vật dụng phí tổn cho Đại học đường ấy. Bia ký khắc trên lá đồng của Devapala (810 - 850) ghi rõ chỗ cả năm làng ở quận Ragjir, dùng để cung cấp các vật dụng ăn uống cho các vị Tăng sĩ, và chép các kinh điển tại Viện do vua Sumatra lập lên. Chúng ta còn thấy Nalanda cũng được những vua ngoài Ấn Độ ủng hộ.

Trong những vị vua ủng hộ Đại học viện Phật giáo có vua Harsha ở Kanouj về thời đại Gupta. Vua này rất sùng bái Phật giáo. Chính trong đời vua này, ngài Huyền Trang đến thăm Ấn Độ. Theo ngài Huyền Trang thì vua Harsha có lập một ngôi chùa bằng đồng và chuyển số thuế của một trăm làng để Đại học viện tiêu phí, và hai trăm gia đình trong những làng ấy cúng dường các thức ăn uống như gạo, sữa và bơ. Một vị Bà-la-môn, Suvishnu đồng thời với ngài Long Thọ, có lập ít nhất là 108 ngôi tinh xá cho cả hai phái Đại thừa và Tiểu thừa.

Những giáo sư danh tiếng ở Nalandà

Nalanda sản xuất một số triết gia, văn phạm gia, luận lý gia và những lãnh tụ tôn giáo. Sách vở những vị này viết đến nay vẫn còn truyền tụng. Triết học Đại thừa được nảy nở hoàn toàn tại đây, và nhờ Nalanda mà Đại thừa Phật giáo được truyền bá khắp nơi. Hiện tại chúng ta chỉ biết được một ít tên những vị Viện trưởng có danh tiếng, nhưng chỉ những tên ấy cũng nói lên được giá trị của Nalanda và chứng tỏ rằng Nalanda thật xứng đáng là một Đại học viện có tiếng nhất thời ấy:

-- Nagarjuna (Long Thọ), vị giải thích giáo lý Đại thừa trước tiên và cũng là vị Viện trưởng thứ nhất; Arya Deva vị giải thích Madhyamika (Trung luận tôn), ngài Asanga (Vô Trước) về Yogacara (Quán hạnh tôn) và người em của ngài, ngài Vasubandhu (Thế Thân) lại còn danh tiếng hơn anh của mình, đều là những vị Viện trưởng kế tiếp. Rồi đến ngài Dinnaga (Trần Na), vị sáng lập Nhơn minh tôn. Vị này cũng là người Darvidjan như ngài Long Thọ. Ngài thắng một vị Bà-la-môn có danh tiếng và được tặng chức Tarkapungava. Rồi đến ngài Dharmapala. Tiếp đến là ngài Silabhadra (Giới Hiền), chính trong thời Ngài làm Viện trưởng, ngài Huyền Trang đến viếng và học tại Nalanda. Ngài Huyền Trang trong ký sự có tán thán rất nhiều đức hạnh của ngài Silabhadra, vừa là một vị đại học giả, vừa là một bậc thạc đức. Rồi đến ngài Dharmakirti, có lẽ là vị luận sư có tiếng nhất ở Ấn Độ, không riêng gì về kinh luận (Abhidhamma) mà gồm cả luận lý học. Ngài biện thắng ông Kumarala, một triết gia và nhà hùng biện nổi tiếng thời ấy. Rồi đến ngài Shantarakshita. Ngài này được mời qua Tây Tạng để dịch các kinh điển Phật giáo sang chữ Tây Tạng. Sau khi dịch xong, Ngài thệ thế tại chỗ vào năm 762 sau kỷ nguyên. Một vị nữa tên là Padmasambhava cũng qua Tây Tạng sáng lập Lạt-ma tôn, vẫn còn thịnh hành cho đến bây giờ.

Khách viếng Nalandà

Khách đến viếng Nalanda rất đông, nhất là người Trung Hoa. Chúng ta đã được biết ngài Pháp Hiển đến viếng vào thế kỷ thứ năm và ngài Huyền Trang và thế kỷ thứ bảy. Sau ngài Huyền Trang, có 11 người Triều Tiên và Trung Hoa tiếp tục đến thăm và học tại Nalanda trong một thời gian. Một vị nữa rất quan trọng, ngài Y-tsing (Nghĩa Tịnh) đến Nalanda năm 673 và ở tại Nalanda trong một thời gian khá lâu. Ngài tả Nalanda tỉ mỉ và đầy đủ hơn ngài Huyền Trang. Ngài nói các vị Tỳ-kheo đều sống một đời thật lý tưởng, làm mẫu mực cho toàn thể Phật tử. Những vấn đề dạy dỗ và nghiên cứu tại Nalanda không những chỉ là Phật giáo mà cả các hệ thống triết học, văn học, đạo học.... do đó học giả khắp các nước đều nô nức đến học tập và nghiên cứu.

Nalandà bị phá hủy

Vào khoảng thế kỷ thứ tám Nalanda bắt đầu bị điêu tàn, một phần vì tình hình chính trị trong nước thay đổi, một phần vì Ấn Độ giáo đã bắt đầu có những triết gia có tiếng như ngài Sankaracharya. Vị này đã viết nhiều sách Sanskrit công kích Phật giáo. Cuối cùng là giặc Hồi giáo tiến vào chiếm cứ. Giặc này không kính trọng một tôn giáo nào khác ngoài Hồi giáo. Không những đuổi hoặc giết các Tăng sĩ Phật giáo, chúng còn phá hủy các chùa, tháp, tinh xá, đập nát các tượng Phật, Bồ-tát bằng đá và thiêu đốt kinh sách nữa. Chúng tôi được nghe ít nhất là 3 ngàn vị sư bị tàn phá. Những vị sống sót trốn chạy, phần nhiều qua Tây Tạng. Vị vua Hồi giáo chiếm Ma Kiệt Đà và phá hủy Phật giáo tên là Bahktiyar Khilji.

Ngài Huyền Trang nói về Nalandà

Trong tập ký sự của ngài Huyền Trang có chép: "Đi về phía Bắc độ 30 dặm, đến tu viện Nalanda. Tục truyền phía Nam của tu viện này, ở giữa rừng Am-ra, có một cái hồ nhỏ. Vị thần rắn của hồ ấy tên là Nalanda. Tu viện được lập trên hồ ấy nên đặt tên là Nalanda. Nhưng sự thật thời đức Phật, trong một tiền thân của Ngài, đã sống theo hạnh Bồ-tát và thành vua một nước lớn, lập kinh đô tại Nalanda. Vì lòng thương xót của Ngài hoan hỷ cứu độ chúng sanh thoát khỏi đau khổ, nên để kỷ niệm thành ấy Ngài được gọi là "Bố thí không dừng nghỉ" và tu viện ấy được gọi là Nalanda. Chỗ đó trước là một vườn xoài; 500 thương khách mua với giá là 10 kotis bằng tiền vàng và cúng vườn ấy lên đức Phật. Đức Phật thuyết pháp trong ba tháng và các vị thượng khách cùng các người khác chứng quả A La Hán. Sau thời đức Phật nhập Niết-bàn chẳng bao lâu, một vị vua của xứ ấy, vua Sakraditya, kính trọng giáo lý nhất thừa, và qui ngưỡng Tam bảo, đã lựa một chỗ tốt đẹp, và lập nên một tu viện. Trong khi khởi công đào đất, vị vua này đã làm bị thương một thần rắn. Một vị tiên tri có tiếng, thuộc phái ngoại đạo Nigranthas (Ni Kiền Đà), khi thấy sự tình có để lại lời tiên tri như sau: "Đây là một địa thế tối thượng, nếu lập một tu viện trên chỗ này nhất định sẽ trở thành một tu viện danh tiếng: tu viện ấy sẽ làm gương mẫu khắp nơi. Trải 1.000 năm, tu viện ấy vẫn còn thịnh đạt, sinh viên tất cả các cấp bậc đều thành tài một cách dễ dàng. Nhưng nhiều vị sẽ bị đổ máu vì vết thương của vị thần rắn này". (Lời tiên tri này được sự thật chứng nhận).

Con của vị vua trên, vua Buddhaguptaraja lên kế vị và tiếp tục công việc tốt đẹp của vua cha. Phía Nam của tu viện, vị vua ấy lập thêm một tu viện khác. Vua Tathagatagupta, cũng hăng hái theo công nghiệp của tổ tiên và lập thêm một tu viện nữa về phía đông. Vua Baladiya nối ngôi Hoàng đế và lập thêm một tu viện nữa về phía Đông Bắc. Con vua này tên là Vajra lên kế vị và lòng tin Phật rất vững chắc. Vị này cũng xây thêm một tu viện nữa về phía Tây. Theo đó có một vị vua Trung Ấn Độ kiến thiết thêm một tu viện khác ở phía Bắc. Vị này lại cho xây một thành cao có một cửa vào bao bọc các tu viện. Các vua kế vị tiếp tục dựng tháp tạc tượng làm cho cảnh trí Đại học viện trở thành kỳ diệu tuyệt luân. Nhà vua nói: "Tại phòng của vua lập tu viện đầu tiên, tôi sẽ tôn trí một tượng Phật và tôi sẽ cúng dường hằng ngày cho 40 vị Tăng sĩ để tỏ lòng biết ơn người sáng lập tu viện này....".

2. Các tháp

Ngọn tháp số 3 là ngọn cao lớn nhất. Một tầng cấp rộng đưa lên đến tận đỉnh tháp. Tại đây có thể thấy toàn cõi Nalanda. Các tượng xung quanh tháp rất sai khác nhau, chứng tỏ được tạc hoặc khắc vào nhiều thời đại khác nhau. Trong số các tượng đá thuộc thời đại Gupta, có nhiều tượng rất đẹp. Ngọn tháp chính giữa, chung quanh có nhiều tháp nhỏ. Những tháp nhỏ này, có lẽ đựng xác trà-tỳ của những sư ở Phật học viện qua đời, không to lớn những những tháp trong các chùa Việt Nam. Trong một mái nhà phía Đông Bắc tháp chính có tượng vị Bồ-tát Avalokitesvara (đức Quan Thế Âm) rất đẹp. Một bức tượng về phía Đông Nam được xem là tượng của ngài Nagarjuna (Long Thọ), vị Viện trưởng đầu tiên của Đại học đường Nalanda.

Phía Bắc tháp số 3 là tháp số 12. Đây cũng có hai lớp thuộc hai thời đại. Tháp này có điểm đặc biệt là trên đường tháp đều có những khám chờ, những trụ vuông tạc nhiều tượng rất đẹp. Nơi các khám có tượng Phật hoặc tượng Bồ-tát, nhưng chỉ một ít tượng còn lại. Về phía Bắc và phía Nam của tháp có điện thờ bằng gạch. Mỗi điện có một tượng Phật lớn, tay bắt ấn Bhumisparsa Mudra. Lại có những ngọn tháp dài 170 feet và rộng 165 feet. Tháp số 14 còn lại một chân tượng rất lớn và những mảnh nhỏ của những bức bích họa. Điểm đặc biệt này ít được thấy về phía Bắc Ấn Độ. Chắc chắn chân tượng ấy là của một tượng Phật rất lớn.

Tháp số 2 không cùng một hệ thống với các ngôi tháp khác. Tháp này có 211 bức chạm trình bày như sau: hai bên cửa chính, mỗi bên có 20 bức và 3 mặt tường mỗi mặt có 57 bức. Có lẽ các bức chạm này được chạm vào thế kỷ thứ 6 hoặc thứ 7.

3. Các tinh xá

Tinh xá số 1 quan trọng nhất, rất rộng và có đến 7 tầng. Cửa vào về phía thành phương Bắc. Theo tài liệu của cái bia đào được ở tại các tinh xá này, tầng thứ nhất có lẽ do vua Sumatra dựng lên, vào đời vua Devàpala, vua thứ 3 của triều đại Pala (770 - 810 T.L). Đó là một ngôi nhà hai tầng, vì có nhiều Tăng phòng được đào lên và dưới những Tăng phòng này có những nền đá cũ bị chôn lấp. Nên phòng trên cách nền phòng dưới đến 18 feet. Có hai ngôi tượng ở hai tinh xá trên và dưới. Điện Phật của tinh xá dưới về phía đông. Có lẽ phải có một tượng Phật rất lớn tại chỗ ấy. Điểm đặc biệt của ngôi tinh xá là có bệ đá, cả hai phía ngôi điện Phật, có lẽ để các vị Giáo sư đứng diễn giảng, trong khi các học sinh ngồi trên sàn dưới sân. Có một giếng nước về phía Tây Bắc, chung quanh có những phòng nhỏ, chắc chắn là phòng của các vị học giả. Điểm đặc biệt là trần cửa những phòng này hình vòng cung. Trong tinh xá này người ta có đào được một tấm đá hột, tạc 8 sự tích đời sống của đức Phật. Tấm đá ấy hiện để ở Viện bảo tàng Nalanda. Tầng cấp rộng và vật dụng nêu rõ nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc lúc bấy giờ đã tiến bộ nhiều.

Ngôi tinh xá gồm có, như thường lệ, một số Tăng phòng với những mái hiên rộng đưa về phía trước. Trước kia các Tăng phòng ấy dựng vòng quanh một sân vuông lớn nhưng về sau các Tăng phòng được ngăn cách bởi một bức tường lớn. Xưa kia tinh xá có hai hoặc nhiều tầng lầu như được chứng rõ nhờ một tầng cấp ở gốc Đông Nam.

Tinh xá số 4 có hai điểm đặc biệt, một là có lỗ hở trên tường, tiếp theo tầng cấp, có lẽ xưa dùng làm lỗ ánh sáng cho tam cấp. Một kiến trúc ít được thấy trong các nhà cửa lối cổ. Thứ hai, có tìm thấy một đồng tiền thuộc triều đại vua Kumaragupta (413 - 455) sau kỷ nguyên, một trong những đồng tiền xưa nhất tìm thấy tại Nalanda. Đi ngang qua tinh xá số 5, chúng ta đến tinh xá số 6. Tinh xá này có hai sân bằng gạch. Đây cũng là nhà hai tầng vì thấy có tầng cấp. Giữa sân thượng có hai dãy lò lửa, có người cho là để nấu ăn, nhưng chắc là để nhuộm y của chư Tăng, vì tại tinh xá không được phép nấu ăn. Trong tinh xá này cũng có một cái giếng và ba bệ thờ, hai ở tầng dưới và một ở tầng trên. Phía Đông Bắc tinh xá số 7, có khắc chạm sự tích về tiền thân đức Phật cùng nhiều tích thông thường khác. Phần nhiều các tinh xá đều có một lối kiến trúc như nhau. Tại đây ba tinh xá chồng chất lên nhau và chỗ này được đào lên một cách khiến chúng ta thấy rõ ba giai đoạn kiến thiết. Chúng ta thấy sân gạch nói riêng và Tăng phòng nói chung thuộc ba thời đại.

Một sân vuông ở giữa, chung quanh là hai hay ba dãy phòng. Một mái hiên có cột bằng đá hay bằng gạch chống đỡ, chạy dài theo những buồng ở. Dãy phía tây hướng về cửa vào thường là điện Phật thờ đức Phật hay một vị Bồ tát. Thỉnh thoảng có một giếng nước trong sân, như ở tinh xá số 1. Tường đều trét thạch cao và sân lát gạch hoặc đá. Điều đặc biệt là tường rất dày, hơn một sãi tay vì mùa hạ ở Nalanda rất nóng. Chỉ trừ tinh xá số 1A và 1B, các tinh xá đều hướng về phía Tây, còn tượng Phật thì hướng về phía Đông, cách ngang các tinh xá bởi những hành lang dài.

4. Chung quanh Nalandà

Phạm vi của Nalanda ngày xưa không phải chỉ nằm trong khu vực hiện đang được rào dậu mà rất rộng. Đứng trên tầng cao của ngôi tháp chính đưa mắt chung quanh, qua những cổ tháp, những hồ sen rộng, những đồi đất, chúng ta có thể ước độ phạm vi của Đại học đường, gồm có 150 giáo sư và cả 10.000 sinh viên không kể những người giúp việc, rộng lớn đến 1.000 mẫu tây.

Theo dòng thời gian, sự vật biến đổi, làm cho chúng ta khó mà biết được những gì đã có chung quanh Nalanda. Tốt hơn là hãy nương theo sự diễn tả của ngài Huyền Trang để tìm lại một vài dấu vết của thời xưa:

--"Chung quanh tu viện có đến hàng trăm tháp nhỏ tôn thờ Xá lợi nhưng chỉ xin kể một vài thôi. Về phía Tây tu viện, không xa lắm có một ngôi chùa. Tại đây đức Như Lai, xưa kia đã dừng lại trong ba tháng để diễn giảng Chính pháp, độ các vị thiên thần. Về phía Nam độ 100 bước, có một ngọn tháp nhỏ. Đây là nơi một vị Tỳ-kheo từ xa trông thấy đức Phật. Về phía Nam, có tượng đứng của đức Quán-tự-tại Bồ-tát. Có khi người ta thấy Ngài cầm bình dương chi đi đến ngôi chùa của đức Phật và rẽ về phía tay trái. Phía Nam của bức tượng ấy có một ngọn tháp tôn trí tóc và móng tay của đức Phật trong ba tháng. Những ai bị bệnh về sinh nở đến đây và đi vòng quanh tháp, phần lớn đều được lành bệnh. Phía Tây chỗ này có một ngọn tháp gần bên một hồ nước. Chính tại đây, một ngoại đạo cầm một con chim sẻ, hỏi đức Phật về vấn đề sống chết.

Về phía Đông Nam độ 50 thước, phía trong bức thành, có một cây rất kỳ lạ, độ 8, 9 feet cao, và thân cây, rẽ làm hai. Khi đức Phật còn tại thế Ngài quăng tăm xỉa răng của Ngài tại đây và tăm ấy mọc thành cây. Hiện nay ở Ấn Độ phần nhiều người ta vẫn còn xỉa và đánh răng bằng một loại cây tươi. Trải qua nhiều năm tháng, cây ấy không lớn lên cũng không khô chết.

Gần về phía Đông có một ngôi chùa, độ 20 feet cao. Tại chỗ này đức Như Lai đã ở trong bốn tháng, giảng giải chính pháp vi diệu. Từ đây đi về phía Bắc độ 100 bước có một ngôi chùa thờ một tượng đức Quan Thế Âm Bồ-tát. Những đệ tử chí thành, khi cúng dường lễ Phật không thấy đức Quan Thế Âm ở một chỗ nhất định. Khi thì thấy Ngài ở gần cửa, khi thấy Ngài ra trước mái hiên. Phật tử tại gia hay xuất gia khắp nơi đến rất đông để đảnh lễ và cúng dường.

Phía Bắc tu viện này lại có một ngôi chùa khác, độ 300 thước cao, do Vua Baladitya dựng lên. Về sự lộng lẫy, kích thước và tượng Phật trong ấy, ngôi chùa giống như ngọn tháp dưới cây Bồ-đề. Về phía Đông Bắc của ngôi chùa này là một ngọn tháp. Tại chỗ này đức Như Lai thời xưa, đã diễn giảng diệu pháp trong 7 ngày. Về Tây Bắc có một chỗ, bốn vị quá khứ Phật đều ngồi tại đây.

Phía Nam chỗ này có một ngôi chùa bằng đồng do vua Siladatya lập nên nhưng chưa hoàn thành. Nếu làm xong thì ngôi chùa này sẽ cao đến 100 feet. Gần đó về phía Đông độ 200 thước, ở ngoài dãy tường là một tượng Phật bằng đồng đứng thẳng do chính vua Purnavarma tạo, cao độ 80 feet; một tòa lầu sáu tầng che phủ bức tượng ấy. Phía Bắc ngôi tượng độ 2, 3 dặm có một ngôi chùa bằng gạch có một bức tượng Bồ-tát Tara. Bức tượng này rất cao và rất siêu thoát. Từ ngôi tinh xá đi về phía Nam 8, 9 dặm, chúng ta đến một làng gọi là Kulika, làng có một ngôi tháp do vua A Dục dựng lên: chính đó là chỗ đản sanh của ngài Mục Kiền Liên.

Phía Đông làng của Mục Kiền Liên độ 4, 5 dặm có một ngôi chùa là nơi vua Bimbisàra (Tần Bà Ta La) đến hội kiến với đức Phật. Phía Đông Nam chỗ Vua Tần-bà-ta-la gặp đức Phật, cách độ 20 dặm, chúng ta đến một thành phố gọi là Kalapinaka. Trong thành phố này có một ngôi tháp kỷ niệm nơi đản sanh của ngài Xá Lợi Phất, cũng do vua A Dục dựng lên..."

Hiện tại công việc đào bới tìm lại những vết tích xưa chưa được hoàn thành. Có nhiều ụ đất cao chưa đào, chắc còn nhiều di tích bị chôn lấp ở dưới những mô đất ấy. Tại những thửa ruộng xung quanh Nalanda, chúng tôi cũng nhận thấy có những lớp gạch dưới những luống cày. Có kẽ dưới những ruộng ấy là những cổ tích, vì lâu đời đất cát bồi lên lấp hẳn những tháp đền ở dưới, rồi sau dân chúng đến cày cấy, trồng trọt lên trên.

5. Viện Bảo Tàng

Sau khi đi thăm Nalanda, chúng tôi đến xem Viện Bảo tàng, vì những di tích đào được ở Nalanda đều đem tàng trữ tại chỗ này. Có bốn loại được tàng trữ ở Bảo tàng viện này: các bia ký, tượng, khuôn dấu và đồ gốm.

A. Bia ký - Những bia ký này rất quan trọng giúp chúng ta hiểu lịch sử của Nalanda trải qua các thời đại. Những chữ trên bia hoặc được khắc trên lá đồng, hoặc trên các tường đá, hoặc trên các tường hồ giả cẩm thạch. Như bia ký đức vua Devapala đã được nói đến trên bia ký trên đá đồng của Samudra Gupta, Devapala và Dharmapàla tìm được ở Nalanda, hiện đem về bảo tàng ở Calcutta. Có hai bia ký trên đá ở Viện Bảo tàng Nalanda, một của Yasovarmadeva, một của Vipulasrimitra. Bia ký đầu ghi những tặng phẩm của Màlàdà, con một vị Bộ trưởng của Vua Yasovarmadeva, vua xứ Kanduj vào thế kỷ thứ 8. Ngôi tháp đó do vua Bàlàditya lập. Bia ký do Vipulasrimitra làm, như dựng lên ngôi điện thờ Tàrà (Tàrà chúng tôi cho là đức Chuẩn Đề, không hiểu có đúng không?) với những sân tiếp cận, một hồ cùng tinh xá được tả là "một kỳ quan của thế giới", lộng lẫy hơn các cung điện của Đế thích. Cũng có nhiều bia ký ghi chép những lời Phật dạy. Có một bia ký trên một tượng Tàrà, tháp số A1-304, chép bằng tiếng Sanskrit như sau: "Om Tàre Tuttàre ture svàhà. Om Padmavati Om Turukulle svàhà. Ye dharmà hetu-prabhavà, hetum tesam Tathàgato hyavadat, Tesam ca yo nirodho, evam vàdimàha-sramanath".

B. Tượng - Rất nhiều tượng Phật, tượng các vị Bồ-tát cùng các vị thiên thần khác. Vì Nalanda là trung tâm của Phật giáo Đại thừa nên ngoài tượng Phật, còn có nhiều tượng các vị Bồ-tát nữa. Phần lớn tượng thuộc thời đại Pàla, nhưng cũng có vài tượng thuộc thời đại Gupta. Các tượng ở đây không được to lắm, nhưng điều đặc biệt là số lớn tượng làm bằng kim khí. Cũng có một vài tượng Ấn Độ giáo chứng tỏ Ấn Độ giáo đã có lần đến chiếm cứ Nalanda như đã chiếm cứ các chỗ khác. Các tượng Phật bằng đồng đen, có tượng số 1-532 rất đặc biệt đặt trên một hoa sen tròn. Các tượng Bồ-tát cũng rất đặc biệt và đẹp so sánh với các tượng ở chỗ khác. Có tượng Bồ-tát Padmapàni với cành sen cầm ở tay. Có tượng đức Avalokitesvara số 12 cầm chuỗi hột, cành hoa sen và bình dương chi. Ngồi trên một con sư tử là tượng Vajrapàni, số 9-157, không hiểu là tượng đức Đại Thế Chí hay là ngài Phổ Hiền, thiếu tài liệu nên không thể nhận ra. Lại còn nhiều tượng khác như Manjusri (đức Văn Thù) , Jambhala(?), Tàrà (Chuẩn Đề), Trailokyvijaya Prajnàpàramità (Bát nhã Ba-la-mật), Màrìchi Sarasvatì, Aparàjità,....

C. Khuôn dấu - Nhiều con dấu và tấm đồng được tìm thấy trong các tinh xá có những khuôn dấu có khắc tượng Phật hoặc một câu trong kinh điển; lại có những khuôn dấu của Nalanda Đại học viện. Như khuôn dấu "Sri Nalanda Màhà Vihàrìyarya Bhikhsu Sanghasya", dịch là: "Của Giáo hội Đại đức tại tinh xá ở Nalanda". Hàng chữ khắc này có hình Pháp luân với hai con nai hai bên. Nhiều khuôn dấu chứng tỏ một tinh xá hoặc trú xá đều có dấu riêng. Lại cũng có những khuôn dấu thuộc của Vua Narasinha Gupta và Kumà-Ragupta 2 thời Gupta, Bhàskaravarman ở Assam, Harshavaàrdhama ở Kanauj và nhiều vị vua hoặc thái tử khác. Những khuôn dấu ấy chứng tỏ các nhà vua đều đặc biệt chú trọng và ủng hộ Nalanda, Học viện có tiếng nhất ở Ấn Độ.

D. Đồ gốm - Những đồ gốm được tìm thấy ở Nalanda chứng tỏ trình độ văn minh của dân chúng thời ấy đã lên một mức độ khá cao.

Nalanda mới (Nalanda Mahavihara)

"Với núi dài, đồng rộng, hố sâu thẳm,
Người giữ gìn tăng trưởng Bồ-đề tám.
Chân thành ta cảm ơn người.
Và mong được sống bên người muôn năm. (T.C.)

Mục đích thành lập

Nalanda mới là Viện nghiên cứu Pàli và Phật học, không chỉ cho Ấn Độ mà cho cả nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước ở Đông Nam Á. Người đề xướng và theo dõi công việc thành lập là Đại đức Kassapa. Cố Tổng thống Dr. Rajendra Prasad làm lễ đặt đá cho khu nhà đầu tiên vào ngày 19 tháng 11 năm 1951. Phó tổng thống Dr. S. Radhak-Rishnam, Thủ tướng Nehru cũng đến thăm Nalanda.

Trong buổi lễ đặt đá, cố Tổng thống R. Prasad có nói: "Muốn làm sống lại cái quá khứ sáng chói của Nalanda, một trung tâm học vấn của thế giới, Chánh phủ Bihar xây dựng Nalanda mới để giúp các học giả đi sâu vào ngôn ngữ Pàli và Sanskrit, văn chương và triết học Phật giáo. Chúng tôi hết sức tán thành sáng kiến cao đẹp ấy. Tên Nalanda đã ghi những dòng chữ vàng trong quyển lịch sử của đất nước chúng ta; không những nó đã làm nẩy nở rất nhiều bông hoa tư tưởng ở tại quốc nội, mà đã là trung tâm từ đó nền giáo dục tốt đẹp đã truyền rộng ra các nước trên thế giới".

Qua những lời của cố Tổng thống R. Prasad, chúng ta thấy người Ấn Độ rất hãnh diện về Nalanda trong quá khứ. Do đó họ cố gắng thành lập Nalanda mới. Trong quyển giới thiệu Nalanda mới có ghi:

  1. Thiết lập tại Nalanda một Đại học viện theo lối Vihàra (trong đó người dạy và người học sống chung với nhau, kính mến lẫn nhau, để theo dõi công việc nghiên cứu cao đẳng) cho sự thăng tiến công việc nghiên cứu ngôn ngữ Pàli, văn chương và Phật học qua chữ Phạn, Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật Bổn và các ngôn ngữ khác ở Á châu.

  2. Tổ chức một thư viện tân thời đầy đủ kinh sách Phật giáo bằng chữ Pali, Sanskrit và các ngôn ngữ khác, bằng những bản in hoặc bằng bối diệp, gồm những tác phẩm mới xuất bản và tác phẩm nghiên cứu bằng Pali và Phật học cũng như các học thuyết mới, để giúp cho sự so sánh và nghiên cứu được dễ dàng.

  3. Thiết lập nơi an trú cho sinh viên tu sĩ và học giả cư sĩ thông bác nền cựu học và giúp họ quen thuộc với lối học ngày nay, lối học nghiên cứu và so sánh. Thâu nhận sinh viên tốt nghiệp ở các Đại học được thừa nhận và huấn luyện họ theo chương trình cao đẳng và hướng dẫn họ nghiên cứu Phật học được ghi chép bằng Pali, Sanskrit và ngôn ngữ khác, làm cho họ quen thuộc với sự sâu sắc của nền cổ học.

Với mục đích hay đẹp ấy, Nalanda mới đã tiếp nhận rất nhiều sự tán thành và ủng hộ của nhiều nước Phật giáo. Chính phủ Tây Tạng đã sai một Đại sứ từ Lhasa mang về tặng đầy đủ Tam tạng kinh điển bằng chữ Tây Tạng và rất nhiều tượng Phật. Chính phủ Thái Lan và Hội Phật giáo Nhật Bản gửi tặng rất nhiều kinh sách có giá trị. Chính phủ Hoa Kỳ đã viện trợ trên 10.000 Dollars để trang bị thư viện, hội Phật giáo Trung Hoa tặng Tam tạng kinh điển bằng chữ Hán. Chính phủ Trung Hoa và trung ương Ấn Độ giúp tiền xây dựng một thư viện và những phòng nghiên cứu rất qui mô.

Vị trí Nalanda mới

Nalanda mới tọa lạc trên vùng đất rộng rãi, cách Nalanda cũ bởi hồ Indra đầy sen về mùa hè, nước xanh về mùa thu. Bối cảnh của nó là núi Vương Xá bao quanh. Nalanda nằm giữa đường Patna - Bồ-đề Đạo-tràng và cách Vương Xá độ 10 cây số. Chương trình kiến thiết hiện đang được tiếp tục. Hiện nay không kể khu cư xá của Viện trưởng. Giáo sư và sinh viên trường. Nalanda mới hiện có hai khu nhà rất rộng lớn: một gồm nhà ở, nơi ăn, phòng họp chung cho các Tăng và học giả ngoại quốc, một thư viện, thính đường gồm văn phòng và các phòng nghiên cứu. Tuy xa phố phường (cách Patna, thủ đô của tiểu bang Bihar gồm 40 triệu dân số, độ 80 cây số), Nalanda vẫn có đủ tiện nghi như: điện nước, xe hỏa, xe bus, xe taxi... không khí ở đây trong sạch an lành, cảnh trí thanh tịnh trang nghiêm, thi vị, rất thích hợp cho sự tu học nghiên cứu và đời sống giải thoát, xung quanh còn có một tàng cổ viện, chứa nhiều di tích Phật giáo và chùa kỷ niệm ngài Huyền Trang.

Nội dung

- Thư viện: Nói đến một Viện Nghiên cứu, người ta nghĩ ngay đến thư viện. Tuy mới thành lập trong khoảng 12 năm, thư viện Nalanda đã thâu góp được một số sách có giá trị gần 40.000 tập đủ các bộ môn văn chương và triết học bằng nhiều thứ chữ: Pali, Sanskrit, Hindi, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Thái Lan, Miến Điện, Cam Bốt.... có thể nói đây là một thư viện về cổ ngữ và Phật học lớn nhất ở Ấn Độ.

- Ban giáo sư: Vị Viện trưởng hiện tại của Nalanda là Tiến sĩ Mookejree, một học giả hữu danh về Sanskrit và luận lý học. Ban giáo sư gồm có nhiều vị Tiến sĩ (Ph.D) và thạc sĩ (M.A) người Ấn Độ, Tích Lan, Nhật Bản, Tây Tạng. Năm nay, Chính phủ thể theo lời của ngài Viện trưởng mời Thượng tọa Minh Châu dạy về Pali và đạo Phật. Nhiều vị giáo sư khác sẽ được mời thêm trong niên khóa mới.

- Học giả và sinh viên: Ngoài một số đông học giả và sinh viên người Ấn, Nalanda còn có học giả và sinh viên của nhiều nước đang theo học như: Đức, Nhật Bản, Việt Nam, Hồi Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Cam Bốt, Lào, Tây Tạng.... Nalanda có tính cách một học viện hơn là một tu viện. Tuy thế, đời sống sinh viên ở đây khác hẳn các nơi khác. Phần lớn, học giả và sinh viên ngoại quốc ở đây là tu sĩ nên cuộc sống rất giản dị và thanh tịnh. Hội Phật giáo Nalanda mà Thượng tọa Minh Châu là Chủ tịch giúp đỡ một phần lớn cho đời sống tinh thần của sinh viên. Theo thiển ý, ngoài Nalanda có lẽ khó mà tìm được một nơi nào khá thuận tiện cho sự tu học của sinh viên, tu sĩ. Hơn nữa Nalanda là trường của Chính phủ chứ không phải thuộc một môn phái nào nên đời sống tu hành, tư tưởng của sinh viên, tu sĩ không bị xáo trộn.

- Chương trình giáo dục: Chương trình giáo dục Nalanda chỉ dành riêng cho sinh viên cao đẳng và học giả nghiên cứu. Pa là môn học chính cho những lớp cao đẳng, gồm có bốn ban:

1. Ban A: Văn chương.
2. Ban B: Luận học (Abhidhamma)
3. Ban C: Lịch sử và Bia ký.
4. Ban D: Đại thừa Phật giáo, gồm có luận lý học, nhận thức học và siêu hình học.

Vì có nhiều sinh viên ngoại quốc cho nên Anh ngữ được dùng để giảng giải, trong tất cả các lớp, trừ kỳ thi Acariya Pali (Master of Pali), phải viết hoàn toàn bằng Pali, còn kỳ thi M.A có thể viết bằng Pali, Hindi, hay Anh ngữ.

Ngoài ra viện còn mở những lớp dạy Hindi, Sanskrit, Anh ngữ, Tây Tạng, Trung Hoa và Nhật Bản. Với sinh viên ngoại quốc, Hindi là sinh ngữ bắt buộc.

Về học giả nghiên cứu thì có những Giáo sư chuyên môn hướng dẫn. Luận án Tiến sĩ phải được viết với những luận đề có tương quan với Phật học bằng một trong những thứ chữ Anh, Hindi và Pali.

Phải nói thêm rằng Nalanda là nơi khai triển giáo hệ Đại thừa, nên Phật giáo Đại thừa ở Tây Tạng, Népal, Trung Hoa, Việt Nam, Cao ly, Nhật Bản, Cam Bốt, Thái Lan, Lào.... trong thời kì Phật giáo mới truyền vào cũng đều chịu ảnh hưởng của các giáo hệ được khai triển tại Nalanda.

Các vị tổ sư như ngài Long Thọ, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân, Hộ Pháp, Giới Hiền... của các giáo hệ Đại thừa như Không tôn, Trung luận tôn, Duy thức tôn,.. là Viện trưởng hay Giáo sư của Nalanda cũ. Những vị có công trong việc dịch thuật và khai triển Đại thừa ở Trung Hoa như ngài Cưu Ma La Thập, Chơn Đế, Huyền Trang... đều thụ giáo ở Nalanda cũ. Nhưng ngày nay thì cơ duyên thay đổi. Chư Tăng các xứ Nam Tông đông hơn Bắc Tông và các giáo sư cũng rành Phật giáo Nam Tông hơn. Do đó, giáo hệ Đại thừa chưa được giảng dạy tích cực ở đây. Chỉ có Thượng tọa Minh Châu, một giáo sư và một học giả Nhật, nghiên cứu Đại thừa mà thôi, các vị Lạt-ma Tây Tạng cũng đang học Sanskrit thuộc Đại thừa giáo. Thầy Thiện Châu và thầy Huyền Vi là số ít nên phải theo số đông và hai thầy cũng muốn học Pali và tìm hiểu giáo hệ Nam tông. Theo Thượng tọa Minh Châu thì nếu hiểu rõ giáo hệ Nam tông, chúng ta mới có thể thông suốt được những giáo lý cao rộng của Đại thừa.

Một vài thành quả

Tuy Nalanda mới được xây dựng sau khi Ấn Độ thâu hồi độc lập, trong thời gian không bao lâu, nhưng nhờ danh thơm của Nalanda cũ, nên hầu hết các học giả trên thế giới đều biết và khi có dịp đến thăm Ấn Độ là họ đến thăm Nalanda mới. Do đó, sinh viên Nalanda cũng tiếp nhận được nhiều luồng tư tưởng mới lạ. Hơn nữa, Tam Tạng kinh điển gồm 42 bộ và những tập nghiên cứu có giá trị của toàn thể giáo sư, học giả Nalanda được Chính phủ ấn hành dưới sự quản đốc của Ấn loát vụ Nalanda và có gửi tặng các thư viện lớn trên thế giới. Nhờ vậy Nalanda được nhiều người biết đến và được xem như là trung tâm nghiên cứu Phật giáo duy nhất ở Ấn Độ, sau gần 10 thế kỷ Phật giáo im hơi, bặt tiếng ở tịnh xá này.

Điều quan trọng hơn nữa là 142 vị M.A và 4 vị Tiến sĩ (năm nay có 26 vị thi M.A và 8 vị trình luận án Tiến sĩ) do Nalanda đào tạo hiện rải rác khắp mọi nơi, trên đất Ấn cũng như các nước ngoài là những bằng chứng đầy đủ để nói lên sự trưởng thành của Nalanda mới. Phật tử Việt Nam chúng ta còn được thêm một điều vui mừng nữa là Thượng tọa Minh Châu là người Việt Nam đã đỗ đầu một kỳ thi M.A, một mối vinh dự mà từ trước đến nay chỉ để dành cho người Ấn Độ. Thượng tọa cũng là người đầu tiên đỗ bằng Tiến sĩ của Nalanda mới. Phần nhiều sinh viên ngoại quốc chỉ học tới M.A, rồi chuyển sang ngành khác hoặc về nước vì ngành cổ ngữ Pali và triết học này tương đối khó, không những cho người ngoại quốc mà ngay cả người Ấn Độ nữa. Bản luận án và những tập nghiên cứu của Thượng tọa được các vị học giả hữu danh tán thưởng.

Tóm lại, Nalanda mới tuy mới mà cũ, vì trước nó đã có Nalanda cũ rực rỡ một thời. Chúng tôi ước mong chính phủ Ấn Độ trong chương trình khôi phục và phát triển nền văn hóa cao đẹp luôn luôn lưu tâm và tiếp tục mở rộng Nalanda mới.

Cuộc chiêm bái của chúng tôi chấm dứt với Tân Phật học viện Nalanda, đúng một tháng trời thăm viếng 12 Thánh tích quan trọng bậc nhất và một số đô thị khá lớn tại Ấn Độ. Chúng tôi không bao giờ quên hai mục tiêu chính của cuộc hành hương này, và đi đến đâu chúng tôi cũng thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam đảnh lễ cúng dường các Phật tích quan trọng, cầu nguyện quốc thái dân an, giới thiệu Phật giáo Việt Nam và ghi chép tỷ mỷ những di tích đã được thăm. Và cũng nhờ đạo niệm thuần nhất của bốn chúng tôi, và nhờ tấm lòng tuy xa nước nhưng không bao giờ quên nòi của chúng tôi, cuộc chiêm bái được kết thúc trong thành công, vui vẻ và quyền "Đường về xứ Phật" này được ra đời để đưa các Phật tử và những người bạn của Phật tử Việt Nam cùng với chúng tôi theo gương Ngài Huyền Trang, người Trung Hoa và ngài Đại Thặng Đăng, người Việt Nam, đi chiêm bái các Thánh tích Ấn Độ.

Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi, và Pasadika

Phụ đính

Vesàli (Tỳ-sa-li)

Vesàli cách Nalanda độ 200 cây số nhưng vì đường sá cách trở nên mãi đến năm nay cũng vào dịp lễ Puja chúng tôi mới đi được. Phải về Patna ở lại một đêm để sáng hôm sau đi tàu thủy sớm. Bài học "sớm 3 giờ hơn trễ một phút" chúng tôi học mãi mà chưa thuộc. Chỉ chậm có 3 phút thôi mà chúng tôi bị trễ một chuyến tàu và còn xảy ra nhiều chuyện lôi thôi. Vì ra đi trong lúc trời còn tối cộng thêm sự hấp tấp vội vàng của chúng tôi, nên cảnh sát, công an để ý theo dõi. Trước kia dưới mắt của phần đông người Ấn, chúng tôi là người Miến Điện hay Tây Tạng. Nhưng trong những ngày chiến sự Trung Ấn xảy ra tại biên giới, chúng tôi bỗng nhiên trở thành người Tàu. Vì chúng tôi có bộ mặt "giống Tàu" và màu da vàng vàng. Chúng tôi biết có sự theo dõi và dòm ngó nhưng không muốn đính chánh. Nhớ lại lời Phật dạy về sự tai hại của thành kiến, trong lúc ấy thật là đúng lúc. Đức Phật dạy: "Kiến chấp - Thành kiến sai lầm - làm cho người ta không thể thấy được sự thật".

Tuy bị xét hỏi giấy tờ, nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ và nghĩ rằng: "Vì bổn phận đối với đất nước trong lúc loạn, người ta có quyền xét hỏi, mình là người ngay thật thì không có gì đáng sợ". Sau khi biết chúng tôi là người Nalanda, họ xin lỗi và cám ơn chúng tôi.

Chúng tôi rời khỏi Patna vào chuyến tàu 8 giờ sáng. Có ra xa mới thấy được địa thế vững vàng rộng rãi của Patna, xưa gọi là Pataliputra, một đô thị quan trọng và xưa trong những đô thị xưa nhất trên thế giới. Patna là kinh đô của tiểu bang Bihar gồm 47 triệu dân. Bihar có nghĩa là chùa tháp vì ngày xưa xứ này có rất nhiều chùa tháp của Phật giáo, Ấn giáo. Kinh thành nằm bên bờ sông Hằng rất thuận tiện cho việc giao thông và canh nông. Vua Asoka đã đóng đô ở đây. Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ ba cũng được Vua Asoka giúp đỡ tổ chức tại đây. Đến Ấn Độ mà không thăm Patna thì chưa thấy hết Ấn Độ. Vì rằng các thành phố lớn như Delhi, Bombay, Calcutta, Madras là những thành phố bị Âu hóa rất nhiều. Duy Patna còn giữ lại rất nhiều dấu vết và phong tục của Ấn Độ "huyền bí" ngày xưa. Bihar tuy nghèo về vật chất nhưng giàu về tinh thần và đạo đức. Các vị Giáo chủ của các tôn giáo lớn ở Ấn như đức Phật, Giáo chủ Mahavira, Jain (Thắng Luận sư)... đều đã thành đạo và truyền đạo tại xứ này trong nhiều năm. Các nguồn triết học lớn như Không tôn, Duy thức tôn, Trung luận tôn... cũng đều phát xuất và thịnh hành ở đây. Rajgir (Vương Xá), Vesàli (Tỳ Xa Li), Nalanda, Buddhagaya (Bồ-đề Đạo-tràng) là những vùng có rất nhiều núi non, hang động chùa đền, nơi tu hành và truyền bá đạo đức ngày xưa. Chính cố Tổng thống R. Prasad, vị Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Độ cũng là người Bihar. Trong khoảng từ thế kỷ thứ 4 cho đến thế kỷ thứ 12 đã có những trường Đại học tuy là của Phật giáo nhưng đầy đủ các môn như triết lý, luân lý, văn phạm, ngôn ngữ. Đại học Nalanda với 10.000 sinh viên lúc ngài Huyền Trang sang học; Đại học Vikramasila ở Bhagalpur, mà danh sách giáo sư qua nhiều thế hệ đã lên đến 10.000; đại học Odantapuri ở Biharsharip cũng to nhưng không bằng Nalanda; Mithila một Đại học khác của Ấn Độ giáo hình thức vĩ đại và đồng thời với Nalanda.

Sông Hằng thật là rộng, rộng gấp 3 khoảng rộng của khúc sông Đồng Nai ở Biên Hòa. Mùa nắng thì bãi cát ở sông lại rộng thêm ra. Ngày xưa đức Phật đã dùng số lượng cát của sông Hằng để ví dụ cho số nhiều không thể đếm được, như "Hằng hà sa số chư Phật, Hằng hà sa số thế giới"... Tàu đi dọc dòng sông một đoạn xa rồi vượt qua bờ bên kia.

Đi thêm xe lửa từ bến tàu và độ 12g30 thì chúng tôi đến Mazaffarpur. Cơm nước xong, nghỉ ngơi độ nửa giờ, chúng tôi thuê xe đi Vaisali. Gặp được bác tài xế vui vẻ và thành thạo nên chúng tôi khỏi phải kiếm người hướng dẫn.

Vesàli cách Muzaffarpur độ 30 cây số. Vesàli xưa là thủ đô của nước Cộng hoà Licchavi của giống người Vajji. Nước này do Visala, con của Vua Ikshvaku lập thành. Những nguyên tắc sinh hoạt theo tinh thần dân chủ của nước này được đức Phật đề cập và tán thán.

"Này Ananda, người có nghe rằng những người Vajji thường hội họp với số lượng đông đảo không?"

"Bạch Thế Tôn! Con có nghe!" ngài Ananda đáp.

"Tốt, Ananda, chừng nào người Vajjian thường hội họp với số lượng đông đảo, lúc ấy sự thịnh vượng của họ tăng thêm mà không suy giảm".

"Này Ananda, chừng nào người Vajji hội họp với nhau trong sự hòa hợp, chừng nào họ quyết định và làm việc với nhau trong sự hòa hợp, chừng nào họ giữ trọn luật lệ mà không có sự xáo trộn trật tự, chừng nào họ kính trọng và lễ bái những bậc trưởng thượng và vâng lời những bậc ấy; chừng nào phụ nữ và thiếu nữ của họ đi ra ngoài mà không bị sự hiếp bức, chừng nào họ tôn kính và lễ bái đền chùa của họ, chừng nào họ còn gìn giữ mà không khinh bỏ phong tục, chừng nào họ còn bảo vệ tôn kính và ủng hộ các bậc tu hành đạo đức, thì lúc ấy sự thịnh vượng của người Vajji tăng thêm mà không suy giảm".

Chính những lời dạy này đã làm cho vua Ajatasatru bỏ ý định chinh phục nước này vì sợ không thể thắng được một nước mà toàn dân sống tự do, đoàn kết dưới chế độ dân chủ. Chúng tôi nghĩ rằng dân tộc Việt Nam chúng ta nếu muốn thịnh vượng cũng không thể làm gì khác hơn là áp dụng những nguyên tắc dân chủ trên.

Vesàli bây giờ chỉ là một quận nhỏ thuộc Bihar. Cây cối vườn ruộng ở đây rất phì nhiêu. Chung quanh có rất nhiều hồ nước rộng xanh. Dân chúng lịch sự và biết trọng khách. Chúng tôi dừng xe lại trong một khu thành cũ. Thượng tọa Minh Châu chỉ cho chúng tôi biết, ở đây người ta đang đào bới để khảo cổ.

Đức Phật đến Vesali lần thứ nhất

Theo Mahavatsu, lúc bấy giờ dân chúng Vesàli bị nạn dịch hạch, người chết rất nhiều. Tất cả danh y đều bó tay. Cuối cùng họ nghĩ đến đức Phật. Tổng thống Tomara mang lời thỉnh cầu của toàn dân sang Magadha cầu Phật. Đức Phật nhận lời nhưng Vua Bimbisàra bắt buộc dân chúng Vesàli phải ra tận biên giới để thỉnh Phật. Lễ đưa Phật sang Vesàli rất trọng thể. Vua Bimbisàra tiễn đưa Phật đến tận sông Hằng. Dân chúng Vesàli với nghi lễ trang nghiêm rực rỡ quá sức tưởng tượng của Vua Bimbisàra, đến biên giới thỉnh Phật. Đức Phật qua sông Hằng và lên bờ sang nội địa của Vesàli.

Ngài đi qua nơi nào thì ở đó sấm sét nổi lên và mưa tuôn xuống, tật bệnh tiêu trừ, người người lành mạnh. Khi về đến thành, đức Phật thuyết kinh Ratana, Tam bảo. Và bảo ngài Ananda truyền lại cho người tụng đọc. Chính đức Phật cũng đọc kinh này trong Pháp hội và sau đó hằng vạn dân chúng xin Quy y. Dân chúng và Chính phủ hợp lực xây tinh xá trong rừng Mahavana để thỉnh Phật và chư Tăng ở lại. Sau 7 ngày đức Phật trở về lại Magadha, lễ tiễn đưa long trọng xấp mấy lần lễ đón rước.

Đức Phật sau đó còn đến Vesàli nhiều lần nữa. Chính những năm gần nhập Niết-bàn, Ngài ở lại Vesàli. Nhiều bộ kinh như Mahali, Mahasìhanadas, Cula Saccaka Mahasaccaka... được Phật thuyết tại Vesàli, trong đó Ngài có diễn tả những điều lý thú trong khi Ngài ở tại Vesàli. Và trong các kinh điển khác, chúng ta cũng thấy có nhiều sự việc xảy ra tại đây có liên hệ tới giáo pháp:

- Thành lập Ni bộ:Đã ba lần, bà Mahaprajapati xin Phật xuất gia nhưng Ngài đều từ chối, lý do vì phụ nữ khó mà lìa bỏ gia đình sống đời sống khất sĩ khổ hạnh được. Nhưng bà vẫn không thối chí. Trong khi đức Phật ở tại Vesàli, bà Mahaprajatati đến xin gặp Ngài với bộ áo nâu sòng, đầu không tóc, chân cẳng đầy bụi, sưng phồng, vì bà đi bộ từ Kapilavastu đến Vesàli. Theo sau bà có rất nhiều phụ nữ dòng Sakya cũng muốn xuất gia. Bà sợ không dám vào và đứng ngoài cửa ngõ. Hình ảnh tín thành của bà Mahaprajapati và đoàn phụ nữ dòng Sakya làm cho Ananda xúc động, nên Ngài bèn thay mặt bà vào xin đức Phật. Ngài nhấn mạnh: "Như đức Thế Tôn dạy phụ nữ nếu tu hành tinh tấn cũng có thể chứng quả A-la-hán thì tại sao họ không được nhận vào Giáo hội như nam giới, nhất là bà Mahaprajapati là người đã thay thế Hoàng hậu Maya nuôi dưỡng săn sóc đức Thế Tôn khi còn nhỏ".

Nhờ sự thỉnh cầu tha thiết của ngài Ananda, đức Phật nhận lời cho bà Mahaprajapati và đoàn phụ nữ Sakya xuất gia với điều kiện là phải giữ đúng 8 điều cung kính. Đây là những điều đáng chú ý trong 8 điều trên:

1. Tỳ-kheo-ni phải kính trọng Tỳ-kheo dầu là đối với thầy Tỳ-kheo chỉ mới có một tuổi Đạo (hạ).
2. Tỳ-kheo-ni phải học đạo lý nơi Tỳ-kheo.
3. Tỳ-kheo-ni phải học đạo lý nơi Tỳ-kheo.
4. Hằng nửa tháng Tỳ-kheo-ni phải kính lễ đại chúng Tỳ-kheo.
5. Một Tỳ-kheo-ni không có quyền phê bình và chê bai một Tỳ-kheo. Trái lại, một Tỳ-kheo thì có quyền ấy đối với một Tỳ-kheo-ni.

Bà Mahaprajapati hết sức sung sướng chấp nhận những điều kiện trên và thành lập Ni bộ. Từ đó về sau tất cả phụ nữ xuất gia đều do bà hướng dẫn và dạy dỗ.

Những nhà sử học cho rằng sự cho phép thành lập Ni bộ của đức Phật quả là một việc hết sức cách mạng. Không kể ngày xưa mà ngày nay, trừ những đô thị lớn, người phụ nữ Ấn Độ vẫn còn chịu số phận hẩm hiu. Sự phiền phức lớn nhất của kẻ làm cha mẹ là sinh con gái. Họ phải lo cưới chồng cho con gái và tốn số tiền hồi môn cho nhà con trai. Người phụ nữ phần nhiều phải sống kín trong phòng khuê, một số theo Hồi giáo khi ra đường phải lúp mặt lại. Những công việc nhỏ như bán trầu thuốc, buôn rau cải cũng do đàn ông đảm đương. Vấn đề giáo dục cho nữ giới còn thiếu sót rất nhiều. Theo người Ấn, đó là chân lý của họ. Nhưng chúng ta thấy có một cái gì thiếu bình đẳng giữa nam và nữ. Nhất là các tôn giáo ở đây, trừ Phật giáo, không hề có nữ tu sĩ.

Đức Phật ra đời cách đây hơn 2500 năm nhưng Ngài đã nâng cao giá trị phụ nữ. Trong kinh đức Phật dùng danh từ Màtugàma (những bà mẹ) để chỉ cho những phụ nữ lớn tuổi và Paramàsakhà (những người bạn tốt của chồng họ) để chỉ cho những phụ nữ có gia đình. Đức Phật xác định phụ nữ có thể chứng quả A-la-hán. Họ được gọi là Ưu-bà-di ngang hàng với Ưu-bà-tắc (nam nữ Phật tử tại gia). Tỳ-kheo-ni ngang hàng với Tỳ-kheo, sau khi thọ Cụ túc giới.

Có nhiều người căn cứ vào "tám điều cung kính" và sự nhiều hơn về giới luật của Tỳ-kheo-ni đối với giới luật Tỳ-kheo rồi bảo không có sự bình đẳng giữa nam và nữ trong Phật giáo. Điều này không đúng. Vì duyệt kỹ lại nguyên tắc bình đẳng và tinh thần giới luật của tôn giáo thì chúng ta thấy đức Phật quả là một nhà cách mạng sáng suốt. Phật giáo chủ trương bình đẳng giữa nam và nữ. Nhưng sự bình đẳng này phải được xây dựng trên hai phương diện tài và đức, nghĩa là có đồng đẳng về phương diện khả năng và đức hạnh thì sự bình đẳng mới có ý nghĩa và không sinh ra sự lộn xộn, thiếu trật tự. Những điều cung kính được đặt ra vì đức Phật muốn giữ gìn hòa khí giữa Tăng ni và nhất là bắt buộc Tăng bộ có bổn phận dìu dắt và ủng hộ Ni bộ. Còn giới luật nhiều hơn Tỳ-kheo là vì ai cũng thừa nhận phụ nữ là phái yếu, yếu cả thể xác lẫn tinh thần, đau nhiều thì phải uống thuốc nhiều. Nếu uống nhiều thuốc thì bệnh mau lành. Như thế đức Phật đã nâng cao giá trị của phụ nữ một cách hợp lý vậy.

- Phật độ cho nàng Ambapali:Ambapali là một kỹ nữ kiều diễm và có tiếng ăn chơi nhất của kinh thành Vesàli. Sắc đẹp của nàng đã làm mê hồn không những các công tử ở Vesàli mà cả các nước lân cận. Vua Bimbisàra ở Magadha suýt bị mất tánh mạng cũng vì say mê sắc đẹp của nàng.

Một ngày kia đức Phật ghé nghỉ tại vườn xoài của nàng ở ngoài thành. Được tin vui này, nàng cho đánh chiếc xe lộng lẫy đến ngay chỗ Phật nghỉ. Dung mạo và đức hạnh trang nghiêm của Phật cảm hóa nàng kỹ nữ này. Nàng thỉnh cầu đức Phật và chư Tăng ngày mai đến thọ trai nhà nàng. Đức Phật nhận lời. Trên đường trở về nàng gặp một đoàn xe của những người Licchavis sang trọng cũng đi bái yết đức Phật. Họ dừng xe nàng và hỏi nàng đi đâu về. Nàng cho biết: Đức Phật và chư Tăng ngày mai sẽ thọ trai nhà nàng. Những người Licchavis này tức giận và hỏi nhau: "Tại sao đức Phật lại nhận lời thọ trai ở nhà của một kỹ nữ?" Rồi để cản ngăn không cho nàng Ambapali cúng dường Phật, họ bèn bảo với nàng, nếu nhường cho họ được cúng dường đức Phật trong ngày mai thì họ sẽ đưa cho nàng 10.000 đồng tiền vàng. Nàng trả lời: "Cả tài sản của Vesàli, tôi cũng không chịu". Sau lễ cúng dường nàng đã dâng lên đức Phật vườn xoài rộng tốt để là nơi thường trú cho Phật và chư Tăng. Vườn xoài của nàng Ambapali là một lễ vật vĩ đại của cá nhân cúng Phật lúc bấy giờ.

Không ai ngờ nàng kỹ nữ đã hồi tâm hướng Phật xuất gia tu hành và trở nên một người thanh tịnh trang nghiêm. Chính chúng tôi cũng suy nghĩ về câu chuyện này và nhận rõ thêm lòng từ bi, đức bình đẳng của đức Phật. Đức Phật thương tất cả chúng sanh và cứu độ bất cứ ai có thể cứu độ. Đệ tử của Ngài không những chỉ có những bậc vua chúa như Vua Bimbisara, Basenadi mà có cả những người cùng đinh như Upali, Cunda, không những chỉ có những người đức hạnh như công chúa Yasodhara mà có cả những nàng kỹ nữ như Ambapali. Theo Phật giáo, trong những người xấu ác nhất cũng vẫn có thiện tâm. Nếu họ biết hướng thiện và gặp được đạo lành, thầy hay, bạn tốt thì vẫn được đắc đạo.

Nơi kết tập kinh điển lần thứ 2

Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức tại Vesàli vào khoảng 377 năm trước T.L, gồm có 700 Tỳ-kheo tham dự. Thật ra đây chỉ là Hội nghị duyệt lại giới luật. Nguyên nhân là một số Tỳ-kheo ở Vesàli hành động sai giới luật như:

- Giữ muối để thêm vào những món ăn lạt.
- Ăn hơi quá giờ ngọ.
- Nhận hai bữa ăn trong một buổi mai.
- Nhận tiền bạc....

Kết quả cuộc Hội nghị là phái Thượng tọa thắng. Và từ đó Giáo hội chia ra thành hai bộ phái. Phái Tỳ-kheo không đúng theo giới luật được gọi là phái tiến bộ (Maha-Sanghika). Phái này đông hơn và cũng đã tổ chức một Hội nghị kết tập kinh điển khác. Người ta cho rằng mầm mống của sự chia thành Nam tông và Bắc tông có ra từ đây, và do đó, người ta có thành kiến là Bắc tông không xem trọng giới luật như Nam tông, và có nhiều người đi xa hơn nghĩ rằng Nam tông là chánh truyền. Thành kiến này đã gây ra sự chia rẽ giữa khối Phật tử đông đảo không ít. Gần đây nhờ sự gần gũi trao đổi, thành kiến trên lần lần giảm đi, nhất là ở Nam Việt đang được xóa bỏ.

Thành thật mà nói thì những hành động sái giới luật những điều nhẹ, có cả ở hai tông Nam tông và Bắc tông. Có điều, dù sao Nam tông vẫn còn giữ được nhiều phong tục nguyên thủy hơn như quấn y vàng, đi khất thực.... trong khi đó Bắc tông cũng vì phong tục địa phương đã bỏ đi nhiều phong tục nguyên thủy. Nhưng có điều sai lầm lớn của số đông là căn cứ vào bên ngoài để đánh giá bên trong. Ví dụ trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi - đại diện cho Bắc tông - với chư Tăng Nam tông đã không tránh khỏi sự lạ lùng và tìm hiểu của quí vị Nam tông. Sau những buổi chuyện trò và chung đụng, chúng tôi ở chung với ba thầy Nam tông 3 nước Miến, Thái, Cam Bốt, quí vị ấy đã thấy nơi chúng tôi không phải là "Bắc tông" như quí vị ấy cũng biết qua sự tuyên truyền thiếu thiện chí. Vì chúng tôi cũng sống đời sống Phạm hạnh, cũng giữ giới Tỳ-kheo. Chúng tôi có giới thể Bồ-tát nhưng chúng tôi xem đó là mật nguyện mật hạnh riêng của chúng tôi. Do đó, quí vị ở nhà không lấy làm lạ rằng chúng tôi, những chư Tăng Việt Nam thuộc "Bắc tông" sống hòa hợp vui vẻ với phần đông chư tăng Nam tông. Bằng chứng cụ thể là Thượng tọa Minh Châu là giảng sư của Viện mà cũng là Hội trưởng Hội Phật giáo Nalanda. Đại đức Thiện Châu là Tổng thư ký, và giúp việc cho văn phòng có hai vị: một thuộc về Nam Tông Ấn Độ, một thuộc về Bắc tông Tây Tạng. Chúng tôi rất đồng ý với Đại đức Sangharakshita, người Anh, về sự thoát ngoài những cố chấp tông phái. Đại đức nói: "Tông phái nếu cần có là để phụng sự Chánh pháp". Và theo Đại đức, một Tăng già gương mẫu là một Tăng-già có nếp sống đạo đức "nguyên thủy" và tâm đạo Bồ-tát. Chúng tôi mong mỏi Phật giáo Việt Nam sẽ là một nền Phật giáo tổng hợp, trong đó chư Tăng và Thiện tín cố gắng hòa hợp những "tiểu dị" để đi đến chỗ đại đồng.

Chúng tôi xem xét và chuyện trò ở đây hồi lâu rồi sang thăm Tàng cổ viện. Tàng cổ viện ở đây không lớn lắm, song có rất nhiều bảo vật lịch sử. Nhìn qua các đồ gốm, đồ trang sức của phụ nữ như chuỗi hột xoàn, ngọc thạch và nhiều tượng Phật đẹp, chúng tôi đoán biết dân chúng Vesàli và các tiểu bang thuộc Vesàli đã có một nền văn minh khá cao vào thời kỳ xa xưa. Ông Giám đốc đón tiếp chúng tôi niềm nở và kính trọng như các Sadhu (tu sĩ Ấn giáo). Ông đưa chúng tôi sang thăm khách xá và mời chúng tôi ở lại. Khách xá nằm bên một hồ nước xanh mát thanh tịnh. Tiếc rằng vì hoàn cảnh chiến sự nên chúng tôi đã không dự định ở lại nên đã thuê xe đi và về. Chúng tôi cũng được ông đưa sang thăm một khu đất đang được đào bới. Theo các nhà khảo cổ thì đây là một bảo tháp tôn thờ Xá-lợi của Phật mà dân chúng Vesàli được chia một phần trong tám phần tại Kusinara sau khi Phật nhập Niết-bàn.

Sau lễ hỏa táng thi hài của đức Phật, dân chúng Malla thu nhặt được Xá-lợi rất nhiều. Họ định không chia cho ai và giữ lại tất cả để tôn thờ. Nhưng sứ giả của vua Ajatasatru ở Magadha, của Vesàli, của dòng họ Sakya ở Kapilabastu, vua nước Koliya ở Ramagrama, nước Buliya của Alkappa, những vị Bà-la-môn ở Vedhadwipa ... đến xin chia Xá-lợi. Đầu tiên, dân chúng Malla từ chối. Nhưng các sứ giả hăm dọa và nhờ lời khuyên bảo của vài vị Bà-la-môn lớn tuổi nên họ chịu chia Xá-lợi ra làm tám phần và trao cho các sứ giả các nước đem về dựng tháp thờ. Sứ giả nước Pippalivana đến chậm nên chỉ lãnh được phần tro còn lại. Dân chúng Vesàli tôn thờ Xá-lợi Phật trong bảo tháp này. Ngài Huyền Trang có được thấy tháp này vào thế kỷ thứ bảy còn nguyên vẹn.

Rời khỏi nơi đây, chúng tôi đến viếng trụ đá Asoka. Trụ tròn cao độ 10 thước, trơn láng, trên đầu có hình một con sư tử, không đẹp bằng con sư tử ba đầu ở Sarnath. Nhờ những trụ đá Asoka này mà người ta tìm ra những nơi Phật tích một cách dễ dàng. Bên cạnh có một ngôi chùa đã bị đổ nát, một ngôi tượng Phật bằng đá còn lại. Diện tượng rất nghiêm từ song khác hẳn với tượng ở các nơi khác vì đầu đội mão tương tự như mão Tì lư. Sự kiện này nó cho ta biết tượng và chùa được xây vào thời kỳ "Bắc tông" thạnh hành nơi đây.

Cảnh chiều về ở đây thật là đậm đà, êm ái. Cuộc sống của dân quê ở Ấn Độ chẳng khác gì Việt Nam mấy. Đàn trâu chậm rãi về chuồng, theo sau vài chú mục đồng với những ống tiêu trên tay. Từng cụm đôi ba mái nhà tranh nằm giữa nương khoai, ruộng lúa. Nhưng chúng tôi cảm thấy thiếu thốn một cái gì; ấy là hồi chuông thu không...

Đang lặng nhìn những chiếc lá Bồ-đề xanh sáng nhịp nhàng rung chuyển theo gió chiều thì có tiếng của thầy Huyền Vi gọi về, chúng tôi thong thả rời khỏi phiến đá bên cạnh gốc cây, rồi lên xe trở về Muzaffarpur. Trong xe, trên đường về, cảnh tượng và lời dạy của đức Phật lúc Ngài từ giã Vesàli lần lượt hiện ra qua trí nhớ của chúng tôi: Trong những năm gần nhập Niết-bàn, đức Phật thường trú tại Vesàli. Từ chùa Capala, đức Phật đi đến Kutagarasala với ngài Ananda. Đến nơi đức Phật bảo ngài Ananda họp tất cả các thầy Tỳ-kheo ở Vesàli lại. Trước Đại hội đức Phật dạy: "Này các Tỳ-kheo! Các ngươi hãy tinh tấn thực hành những lời Như Lai dạy bảo bấy lâu nay. Hãy suy tư chín chắ những chơn lý mà các ngươi đã nghe được từ Như Lai rồi truyền rộng những chơn lý ấy ra để đem lại sự an vui hạnh phúc cho mọi người và trời. Hãy diệt trừ sự mê lầm và tu tập theo chánh đạo. Ba tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết-bàn". Đức Phật còn dặn thêm. "Hãy tích cực làm việc, thận trọng và tao nhã - Cứu lấy tâm linh của các người bằng cách làm tròn bổn phận trong cuộc sống hướng thượng. Người nào tinh tấn trong Giáo pháp của Như Lai sẽ được ra khỏi mê lầm, phiền não và giải thoát sanh tử luân hồi" (Mahaparinibbana).

Sau buổi họp, đức Phật cùng với ngài Ananda lặng lẽ từ giã Vesàli đi về phía Kusinara.

Được tin đức Phật sắp nhập Niết-bàn và từ giã Vesàli, dân chúng chạy theo càng lúc càng đông. Họ khóc lóc van xin đức Phật ở lại. Nhiều lần Phật bảo họ lui về, nhưng không ai vâng chịu. Cuối cùng Ngài phải dừng lại khuyên lơn và trao tặng chiếc bình bát của Ngài thường dùng để thọ trai. Theo ngài Pháp Hiển, người Trung Hoa chiêm bái Ấn Độ vào thế kỷ thứ 5, thì sau nhiều lần khuyên bảo dân chúng Vesàli lui về nhưng vô hiệu, đức Phật bèn vận dụng thần thông biến ra con sông nước chảy mạnh ngăn cách giữa Ngài và đoàn người theo Ngài. Dòng sông ly biệt này bắt buộc họ trở lại Vesàli và đức Phật từ từ đi qua Kusinara để xả bỏ xác thân vô thường, đi vào cảnh giới tịch diệt, an lạc. Sau đó dân chúng Vesàli đã xây dựng một bảo tháp chính nơi thầy trò ly biệt để muôn đời ghi nhớ. Ngài Pháp Hiển có thấy bảo tháp này.

- Hết -


Source: http://www.budsas.org/


--- o0o ---

Trình bày:Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6472)
Thực chất phong trào vận động của Phật Giáo Việt Nam năm 1963 là tự vệ. Sự tự vệ của một tín ngưỡng dân tộc trước chánh sách độc tài cố tín về quyền lợi gia đình và tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Để thực hiện chánh sách đó, chế độ Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man và khốc liệt tất cả những gì bị xem là trở lực: các tôn giáo không phải là Thiên Chúa Giáo trên đất này. Hòa Hảo, Cao Đài và rồi Phật Giáo Việt Nam.
09/04/2013(Xem: 60082)
Phật giáo tuy là một hiện tượng văn hóa nước ngoài truyền vào nước ta, đã được nhân dân tiếp thu và vận dung vào đời sống dân tộc và đóng một vai trò lịch sử nhất định trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cho nên nghiên cứu lịch sử dân tộc không thể không nghiên cứu lịch sử Phật giáo. Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã trở thành một bộ môn của lịch sử dân tộc.
09/04/2013(Xem: 5750)
Trong thời Pháp thuộc, vì vận mệnh chung cả nước nhà đang suy đồi, lại bị văn hóa Tây phương và ngoại đạo lấn áp, nên Phật Giáo đối với phần đông dân tộc Việt nam như là một tôn giáo hạ đẳng, phụ thuộc, không có nghĩa lý gì.
09/04/2013(Xem: 10677)
Trong thời Pháp thuộc, vì vận mệnh chung cả nước nhà đang suy đồi, lại bị văn hóa Tây phương và ngoại đạo lấn áp, nên Phật Giáo đối với phần đông dân tộc Việt nam như là một tôn giáo hạ đẳng, phụ thuộc, không có nghĩa lý gì.
09/04/2013(Xem: 22940)
Ngày nay, căn cứ các tài liệu (1) và các lập luận khoa học của nhiều học giả, giới nghiên cứu hầu hết đều đồng ý rằng Đạo Phật đã được truyền vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch qua hai con đường Hồ Tiêu và Đồng Cỏ.
09/04/2013(Xem: 16941)
Trải qua những đêm dài dường như bất tận của hàng ngàn năm chịu đựng bao thử thách, cay đắng, tủi nhục với thân phận bị đô hộ bởi phương Bắc, dân tộc Việt Nam vẫn là dân tộc Việt Nam, vẫn là con cháu của những vị Anh hùng dân tộc, của những vị Nữ Vương yêu nước, hiên ngang, dũng cảm, quyết tử để bảo vệ tổ quốc, vẫn là con cháu của vua Hùng, vẫn là “con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông”.
08/04/2013(Xem: 8752)
Đức Phật dạy: “Nước trong bốn biển chỉ có một vị là vị mặn cũng như giáo lý của ta chỉ có một vị là giải thoát”. Mùi vị của nước trăm sông tuy có khác, nhưng chảy về biển cả thì chỉ là một vị mặn. Mục tiêu chính là Đức Phật xuất hiện ở đời là để giúp chúng sanh “chuyển mê thành ngộ” nghĩa là dứt bỏ những mê lầm tà vạy trở về con đường sáng giác ngộ chân lý, giác ngộ chân lý là được giải thoát.
08/04/2013(Xem: 2502)
Đàng Ngoài-Đàng Trong, một giai đoạn bi ai của lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự phân chia đất nước kéo dài trên 170 năm với 7 lần hưng binh đánh nhau khiến cho muôn dân đồ thán. Cục diện huynh đệ tương tàn của hai nhà Trịnh -Nguyễn chưa kết thúc thì tiếp đến cuộc chiến tranh nông dân Tây Sơn lại nổi lên.
01/04/2013(Xem: 4750)
Riêng đối với đạo Phật và dòng sử Việt, công nghiệp của Vua Trần Thái Tông thật là to lớn. Ngoài việc in kinh, xây chùa, tô tượng, đúc chuông; về diện văn hóa, Vua đã viết khóa Hư Lục.
28/03/2013(Xem: 4714)
Tam giáo Việt Nam đã có một lịch sử lâu dài, kể từ thế kỷ I, II trở đi, cho nên dễ hiểu vì sao Tam giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc không phải chỉ trong tầng lớp trí thức giỏi chữ Hán.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]