Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Văn Hóa Dân Tộc & Dòng Sinh Mệnh PGVN

12/01/201420:47(Xem: 5740)
Văn Hóa Dân Tộc & Dòng Sinh Mệnh PGVN

chua_tay_phuong_2

VĂN HÓA DÂN TỘC VÀ DÒNG SINH MỆNH

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Thích Nguyên Siêu



Mở đầu cuốn Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam, Quyển 1, nhà sử học Phạm Cao Dương viết: Dù sống tản mác ở bất cứ phương trời nào, trong bất cứ quốc gia nào hay ở chính quốc, người Việt Nam đều thuộc về một dân tộc thuần nhất, có chung một nguồn gốc, một quá khứ và những ước vọng chung về một ngày mai tươi đẹp huy hoàng.

Lịch sử hơn bốn ngàn năm Văn hiến của dân tộc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng không ít về các điều kiện phát triển thiên nhiên, cùng hoàn cảnh sinh sống của dân tộc, vì thế Văn hóa Việt Nam cũng theo tiến trình Lịch sử đã tạo nên một nền văn hóa có một sắc thái rất đặc thù.

Nói đến văn hóa tức là nói đến tổ chức đời sống của một dân tộc, trong đó bao gồm các mặt kinh tế, xã hội, luật lệ, văn chương, mỹ thuật, tôn giáo, v.v...

Sự phát triển đời sống xã hội của nhân loại nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng đều chịu ảnh hưởng một phần không nhỏ vào điều kiện phát triển đời sống vật chất và tâm linh của từng địa phương.

Do ở một vị thế địa lý đặc biệt trên giao lộ quốc tế, Nước Việt Nam là nơi gặp gỡ giữa các nền văn minh Ấn-Hoa lẫn văn minh Hy-La. Người Việt Nam đã tiếp xúc và hấp thụ được từ các nguồn tư tưởng sâu sắc, tốt đẹp nhất. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có khả năng tiếp nhận và Việt hóa những tinh hoa các trào lưu văn hóa Đông Tây, gạt bỏ những điều không thích hợp với lối sống dân tộc để trở thành một nền văn hóa dân tộc với những đặc tính tự chủ, nhân bản, bất khuất. Tinh hoa của nền văn minh Ấn Hoa đã được người Việt Nam gạn lọc, đồng hóa để trở thành nền văn hóa cổ truyền, thấm nhuần vào nếp sống Việt Nam. Đạo Khổng và đạo Lão được đưa vào Việt Nam trong thời kỳ Bắc thuộc bởi các quan lại Trung Hoa với mục đích tổ chức cai trị, người Việt Nam khéo léo dung hợp để đề cao tinh thần dân tộc và tính đoàn kết.

Dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng một phần văn hóa và phong tục Trung Hoa sau hơn một ngàn năm bị họ đô hộ, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn giữ nguyên bản chất của mình với một nền văn hóa riêng biệt. Người Việt Nam dùng chữ Hán trong văn tự, nhưng nhất định không đọc theo giọng Tàu, cũng như không nói tiếng Tàu.

Một nền văn hóa có giá trị được định nghĩa là một nền văn hóa nhân bản, phụng sự con người và nâng cao giá trị con người. Văn hóa dân tộc Việt Nam qua bao thăng trầm đều nhằm mục đích phụng sự quốc gia, dân tộc. Thừa hưởng giá trị của nền văn hóa dân tộc đó, dân tộc Việt Nam là một dân tộc có một lòng yêu nước thâm sâu, một tình cảm bao dung, độ lượng và một đức tính hy sinh vô bờ bến.

Song hành với tự tình quốc gia, dân tộc, Đạo Phật đãø hướng dẫn con người có một nhận định, một niềm tin hầu tạo nên một sức phấn đấu để tự thực hiện và xây dựng một sự sống an lành cho chính mình và cho nhân loại, vì thế tư tưởng Phật giáo đã thấm nhuần trong tâm khảm của mỗi người, được nuôi dưỡng bởi mọi người, và cũng đang tồn tại vì cuộc đời.

Đạo Phật có khả năng dung hòa rất mạnh mẽ. Bằng nguyên lý căn bản của Phật Pháp, bằng giá trị tu tập, Đạo Phật đi đến đâu đều thích nghi ngay với văn hóa, chính trị ở nơi đó mà hoằng dương phát triển. Có thể nói Trí tuệ Thực chứng là dẫn đạo cốt yếu cho mọi sinh hoạt phật sự, sẽ hoàn thành một cách linh động mọi căn cơ, phương tiện.

Do vậy, Phật Giáo đã được dân tộc Việt Nam trang trọng đón nhận và trân quý giữ gìn.

Ở đây, chúng ta thử nhìn vào sự ảnh hưởng và tính hỗ tương giữa Văn Hóa Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, kể từ thời mở nước và dựng nước của dân tộc.

Nước Việt Nam lập quốc từ họ Hồng Bàng, khởi đầu là Kinh Dương Vương và 18 đời vua Hùng Vương (khoảng 2897 năm trước Tây lịch), quốc hiệu là Văn Lang. Qua nhiều thời đại, quốc hiệu thay đổi nhiều lần. Chúng ta tạm chia các giai đoạn Lịch sử theo bài viết này các thời kỳ như sau:

- Thời kỳ Lập Quốc và Bắc thuộc.

- Thời Kỳ Tự Chủ và Cận Đại.

- Thời Kỳ Hiện Đại.

- Thời Hải Ngoại.

I. Thời Kỳ Lập Quốc và Bắc Thuộc

Vua Hùng Vương là Quốc Tổ của dân tộc Việt, đã đặt nên nền móng căn bản cho xã hội Việt Nam thời thượng cổ.

Truyền thuyết Một Bọc Trăm Trứng được truyền tụng từ đời này qua đời khác, biểu tượng nòi giống Rồng Tiên đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân Việt, như một nhắc nhở thiêng liêng về huyết thống, cội nguồn của dân tộc.

Vua Hùng Vương đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, đặt ra các quan chức Lạc Hầu, Lạc tướng, lấy các việc thuần hậu, đạo đức làm căn bản để trị dân.

Các Vua Hùng truyền ngôi được tất cả 18 đời, đều cùng lấy hiệu là Hùng Vương.

Thời kỳ này đã có nhiều đặc điểm truyền thống tinh thần của dân tộc qua các chuyện cổ tích còn được lưu truyền đến ngày nay như chuyện Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân, chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, chuyện Trầu Cau, chuyện Bánh Dầy Bánh Chưng, chuyện Chử Đồng Tử v.v... Nổi bật nhất có lẽ là chuyện Thành Cổ Loa và An Dương Vương. Thành Cổ Loa, cho đến nay vẫn còn vết tích chứng minh nền văn minh trống đồng của dân tộc Việt.

Tuy ở thời kỳ thượng cổ, văn hóa còn sơ khai, nhưng ý nghĩa của những chuyện cổ tích thời đó đã hàm chứa rất nhiều đặc tính văn hóa của dân tộc mà chúng ta còn thừa hưởng được cho đến ngày nay như chuyện Bánh Dầy, Bánh Chưng nói lên ý nghĩa cao quý của nguồn gốc nhân bản dân tộc, đồng thời cũng nêu cao ý nghĩa thờ cúng Tổ Tiên, tỏ lòng biết ơn cha mẹ, nhớ đến cội nguồn. Ý thức này là nền tảng cho gia đình, dân tộc trong đời sống văn hóa cổ truyền của người Việt. Từ đó, tinh thần gia đình và phong tục ở chuyện Trầu Cau, lòng ái quốc thương nòi qua hình ảnh Phù Đổng Thiên Vương được in sâu vào lòng người dân Việt.

Nhìn chung, văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa tự chủ, có dân tộc tính, có khả năng sinh tồn và không bị đồng hóa bởi các nền văn hóa khác mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của phong tục Trung Hoa, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn giữ nguyên bản chất của người Việt với một nền văn hóa cá biệt. Dân tộc Việt Nam đã khéo léo biết dung hợp những cái tinh túy của văn hóa người và thay đổi cho thích hợp để tạo thành bản chất riêng biệt Việt Nam. Vì thế, mặc dù dân tộc Việt Nam bị người Trung Hoa đô hộ trên một ngàn năm, bản chất văn hóa dân tộc không những vẫn tồn tại mà còn được phát triển tốt đẹp hơn bằng cách Việt Nam hóa những tinh túy của văn minh Trung Hoa.

Trong khoảng hơn một ngàn năm này, các triều đại bên Tầu liên tiếp xua quân xâm chiếm nước ta, đặt dân Việt Nam dưới ách đô hộ của họ, bắt đầu từø nhà Hán, nhà Ngô, nhà Lương, nhà Đường và chấm dứt khi quân nhà Đông Hán bị Ngô Vương Quyền đánh tan trên sông Bạch Đằng.

Lúc đầu, tuy có tiếp xúc trực tiếp với Ấn Độ, nhưng sự phát triển của Phật giáo hết sức phôi thai. Các vị sư như Mâu Bác, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Chương Lương được sử sách chép là những vị đầu tiên truyền bá Phật Giáo vào Việt Nam.

Sang đến các triều đại Tùy, Đường bên Trung Hoa, đạo Phật được phát triển tại Việt Nam tương đối vững vàng hơn nhờ ở sự hiện diện khá nhiều của các Tăng sĩ Trung Hoa sang Việt Nam lánh nạn vì tình trạng loạn lạc bất ổn trong các triều đại ở Trung Hoa. Trong thời gian này, Phật Giáo phát triển đã có hệ thống như ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi từ Ấn Độ qua Việt Nam truyền pháp làm tổ thứ nhất của phái Thiền Tông Tỳ-ni-đa-lưu-chi tại chùa Pháp Vân, tỉnh Bắc Ninh, sau lại có Vô-Ngôn-Thông lập ra phái Vô-Ngôn-Thông ở chùa Kiến Sơ cũng ở Bắc Ninh, sau đến các phái như Thảo Đường, Tào Động, Lâm Tế v.v... điển hình nhất là những kinh sách được dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán qua sự thông ngôn của người bản xứ.

Theo đó, sự phát sinh một nền văn hóa Việt Hán là do nỗ lực truyền bá cưỡng bách, nghiệt ngã của các quan lại người Tàu, cùng với sự hấp thụ tự nhiên của người bản xứ sau hơn mười thế kỷ bị thống trị, đồng thời cũng do sự nỗ lực của các sư người Tàu như Vô-Thông-Ngôn, Thảo Đường trong việc truyền bá Phật Giáo vào Việt Nam.

II. Thời Kỳ Tự Chủ Và Cận Đại

Thời kỳ này bắt đầu từ năm 939, sau khi Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở đầu một kỷ nguyên mới cho một quốc gia Việt Nam độc lập.

Đến đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê thì các Tăng sĩ lỗi lạc đều được triệu về giúp Vua lo cho dân cho nước. Phật Giáo được triều đình công nhận từ đấy.

Cho đến đời Lý Thái Tổù thì Phật Giáo được cực kỳ trọng vọng. Chùa chiền được xây cất và trùng tu rất nhiều. Nổi tiếng nhất phải kể đến Vạn Hạnh Thiền Sư, người có công giúp Lý Thái Tổ lập nên nhà Lý.

Chúng ta đọc lịch sử Phật giáo thế giới, chưa thấy có vị Vua nào từ bỏ ngai vàng để đi tu, nhưng dưới triều đại nhà Trần đã có các vị Vua xem ngai vàng điện ngọc như đôi dép rách, không màng danh lợi, luyến tiếc ngôi báu, xem vinh hoa phú quý nhẹ tợ mây trời. Có nhà Vua đã từng từ bỏ cung điện trốn vào núi xin xuất gia, sống đời Tăng sĩõ. Chừng ấy đủ biết nền văn hóa Phật giáo - Phật pháp đã ăn sâu mọc rễ trong quảng đại quần chúng, giá trị thực tu, thực chứng, bằng lý tưởng Bồ Tát đạo, lý tưởng giác ngộ giải thoát đã được người dân tiếp nhận một cách sâu xa và thấm đượm hương giải thoát thuần nhất.

Thời đại tự chủ này, nền văn hóa đạo Phật đã đóng góp một cách tích cực cho quốc gia dân tộc. Một mặt thì lo tô bồi nền văn học, mở trường giáo dục, thuyết giảng Phật pháp, chỉnh đốn chính trị, thể chế quốc gia hầu kiện toàn một nền tự chủ, độc lập. Một mặt lo chống giữ sơn hà, dẹp tan quân xâm lăng nhà Nguyên đem lại cho nước nhà được thanh bình thịnh trị.

Từ tiếng nói đoàn kết của toàn dân qua tinh thần nhất quán của Hội Nghị Diên Hồng, đã tỏ rõ tinh thần yêu nước, từ Vua quan đến dân chúng, đã biểu lộ và nêu cao gương hòa hợp thống nhất: Hội họp trong tinh thần đoàn kết, bàn luận trong tinh thần đoàn kết và giải tán trong tinh thần đoàn kết mà Đức Phật đã dạy. Đây là những điểm son của lịch sử nước nhà. Người học đạo, hiểu đạo và biết áp dụng cái học, cái hiểu của mình để xây dựng, làm những điều ích nước lợi dân.

Trên chặng đường lịch sử này, ngoài xã hội, con dân thì lưu xuất các bậc anh tài, tuấn kiệt, các anh hùng dân tộc như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư . . . đánh đuổi xâm lăng giữ yên bờ cõi nước nhà, một thời được thanh bình thịnh trị. Trong đạo giáo thì thánh sanh chư vị Long Tượng, Thạch Trụ, Thiền Gia, chư vị Tổ Sư Thiền Môn Pháp phái mà tự thân của chư vị minh quân tài đức đã thể đạt tu chứng.

Vua Trần Thánh Tôn lên ngôi Thái Thượng Hoàng năm Mậu Dần (1278), truyền ngôi lại cho con là Thái Tử Khâm tức Vua Trần Nhân Tôn, người đã có một trí tuệ ưu việt, thông minh đĩnh đạt, làu thông kinh điển. Lúc quốc gia thanh bình, dân chúng ấm no lạc nghiệp nhà Vua chong đèn đọc sách dịch kinh, chuyên cần tu tỉnh. Lúc nước nhà bị giày xéo xâm lăng, thì nhà Vua cầm quân, cưỡi ngựa xông pha ngoài trận mạc, đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên sơn hà xã tắc. Nhà Vua tu đạo Bồ Tát, phụng hành hạnh vị tha, thỉnh cầu Tuệ Trung Thượng Sỹ chỉ dạy pháp tu, chuyên tinh thiền định để rồi chứng đắc Sơ Tổ Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử. Tổ Trúc Lâm trước khi thị tịch, nói kệ chứng đắc:

Nhất thiết Pháp bất sanh,

Nhất thiết Pháp bất diệt,

Nhược năng như thị giải,

Chư Phật thường hiện tiền,

Hà khứ lai chi hữu.

Và Tôn hiệu của Ngài là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Huệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật. Chư Vị Tổ Đức Pháp Loa Tôn Sư, Huyền Quang Tôn Sư... trước khi thị tịch cũng như bao nhiêu Tổ Sư trước, Pháp Loa Tôn Sư đã đề kệ:

Trần duyên rũ sạch từ xưa,

Bốn mươi năm lẻ, bây giờ là tiên,

Hỏi chi thêm bận, thêm phiền,

Trăng thanh gió mát là miền tiêu dao.

Và Huyền Quang Tôn Sư cũng vậy, nhà Vua đã ban cho Ngài tự hiệu: Trúc Lâm Đệ Tam Đại Tự Pháp Huyền Quang Tôn Giả.

Như sợi chỉ tơ lung linh trước gió, khi thẳng khi chùng đã xuyên suốt một dòng lịch sử, nền văn hóa dân tộc có lúc thật thiết tha tình tự, nhưng cũng có lúc phôi pha, nghiệt ngã bởi những văn hóa ngoại lai xâm nhập, hay tình tự dân tộc bị xói mòn theo tính tùy tiện. Do vậy, dòng sinh mệnh Phật giáo chảy dài suốt chặng đường lịch sử dân tộc cho đến thời kỳ cận đại và hiện đại cũng bị ảnh hưởng sự suy sụp đó không ít. Nói chung, khi đất nước được thanh bình phồn thịnh, dân chúng được tự do, hạnh phúc, thì đạo Phật cũng được tự do hành đạo. Còn lúc gặp thời nghiệt ngã, đất nước điêu linh, thì đạo Phật cũng phải uốn mình chảy qua các thác ghềnh thời đại, để cùng chia xẻ nỗi đau chung của dân tộc.

III. Thời Kỳ Hiện Đại

Nền văn hóa dân tộc Việt ngày nay đã bị lật ngược dưới thể chế nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa từ giáo dục, học thuật, tín ngưỡng, xã hội, từ thiện, đạo đức. . . cả một truyền thống văn hóa tốt đẹp bị lung lay tận gốc rễ.

Hòa Thượng Huyền Quang cũng đã nói:

“Đảng CS Việt Nam là đàn cháu chắt, là kẻ hậu sinh ăn trái rồi bẻ cành, nhổ gốc đập nát, uống nước đầu nguồn rồi quấy phá tanh hôi.”

Tất cả những gia sản quý báu mang tính cách lịch sử, những cái hay, cái đẹp của đất nước đã bị nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa phá hủy, đập bỏ, hầu hết những đồ cổ của các Bảo Tàng Viện đã không cánh mà bay ra nước ngoài chỉ vì những lợi nhuận cá nhân. Đây chỉ là một phần nhỏ của lãnh vực nghệ thuật điêu khắc hội họa. Dưới sự lãnh đạo của những đỉnh cao trí tuệ bần nông nền giáo dục, đạo đức, lễ nghi, hiếu kính đã bị đẩy sâu xuống bến bờ vực thẳm để tạo nên nạn thất học, trẻ em bị tung ra ngoài xã hội bươi móc từng đống rác nhặt giấy rách, ve chai để phụ giúp cho sinh kế gia đình; nạn trà dư tửu hậu của những người quyền thế lấn áp quần chúng nghèo khó tạo nên những tệ nạn xã hội và nạn quan liêu tham nhũng đã làm ung thối đất nước. Còn tôn giáo, từ thiện thì sao? Tín ngưỡng không còn được tôn trọng, họ đã chà đạp, đàn áp, bắt bớ tù đày những người đấu tranh vì dân, vì nước. Từ những sự suy sụp trầm trọng của ngôi nhà tâm linh, đạo đức, đã kéo theo luôn nền văn hóa, văn học nước nhà lún xuống vực sâu.

Lương dân bị bức hại, nhân quyền bị chà đạp, vận mệnh quốc gia dân tộc là trọng mà nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa còn không quan tâm xây dựng hà huống gì là tôn giáo? Do vậy, cùng chung số phận với đất nước, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã bị bức tử để nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa thành lập Giáo Hội Nhà Nước, là một bộ phận cơ chế đảng CSVN. Vậy thì nói đến nền văn hóa dân tộc Việt và dòng sinh mệnh Phật giáo vào thời hiện đại, chúng ta phải nói cái gì? Nói cái bất công và nô lệ? Nói cái tệ trạng xã hội: sự nghèo đói, bão lụt, nhà trôi mất của? Nói đến sự ngu dốt, bần cùng mà nhà nước quan liêu đã không chấn chỉnh vực dậy những gì đã sa sút? Nói đến tín ngưỡng bị chà đạp và đảng phái hóa nhân sự Giáo Hội Nhà Nước? Nói đến sự lũng đoạn, thao túng cài người làm tình báo công an? Văn hóa là sự trong sáng và sáng tạo của con người, là nếp sống với tập tục thanh cao, là những lời hay ý đẹp của một con người, là đời sống có nhân, có nghĩa, biết trên biết dưới, tình người thuần hậu nhân bản. Văn hóa là nền tảng của đất nước được thành tựu bởi từng cá nhân đóng góp bằng tình cảm thương yêu, bằng lời nói nhã nhặn lịch sử, bằng cử chỉ lễ độ, bằng tấm lòng lịch nghiệm bao dung, bằng tư cách phong thái đạo đức thiện mỹ. Từ đó, nền văn hóa dân tộc được đượm nhuần tươi mát, và trưởng thành sức sống thực, sống đẹp, sống tinh khôi. Do vậy, thế hệ người hiện tại phải ý thức sự tồn vong của nền văn hóa cổ truyền nước nhà để bảo tồn và xây dựng những cái hay cái đẹp. Sử gia Trần Trọng Kim, trong Việt Nam Sử Lược, quyển 2, trang 353, đã nói:

“Mặc dù nước Việt Nam hiện nay hoàn toàn độc lập, nhưng sự hay dở tương lai chưa biết ra thế nào? Song người bản quốc phải biết rằng, phàm sự sinh tồn của một nước, là ở cái chí nguyện, sự nhẫn nại và sự cố gắng của người trong nước, vậy ta phải hết sức mà học tập, mà giữ cái tâm trí cho bền vững thì chắc chắn tương lai còn có nhiều hy vọng. Nước Việt Nam ta đã có cái văn hóa chẳng thua kém gì ai, và lại có một lịch sử vẻ vang, nếu ta biết lợi dụng cái tiềm lực cố hữu và cái tính thông minh hiếu học của ta để theo thời mà tiến hóa, thì sao ta lại không có ngày nối được cái chí của ông cha mà dệt thêm một đoạn lịch sử mỹ lệ hơn trước?”

Đây là ước vọng chung của con dân Việt Nam, hãy cùng nhau dệt nên tấm thảm văn hóa nhiều mầu sắc, trân quý cho quê hương dân tộc, mà không là tiếp tay với những ai vong thân, vọng ngoại để đánh mất nền văn hóa giống nòi.

Sự góp phần những giọt nước để tạo thành những giòng sông văn hóa do tất cả mọi người đều thực hiện, không miễn trừ một ai, chỉ khác nhau là kẻ nhận thức ra hay kẻ không nhận thức ra. Và dĩ nhiên những phần đóng góp này cũng khác nhau, góp nước trong và góp nước đục lẫn cả đất bùn rác rến, bẩn thỉu tanh hôi. Nhận thức ra sự góp phần này, chúng ta ai cũng biết là nên góp phần nước trong, không nên góp phần nước đục, thì giòng sông sẽ trong, nhiều người góp phần nước đục thì giòng sông sẽ đục. Hơn nữa, giòng sông luôn luôn chảy, không có giòng sông nào hoàn toàn trong hay hoàn toàn đục. Cũng không có sự trong hay đục nào thường hằng vĩnh cửu, sự gạn đục khơi trong là sự kiện trong tầm tay của tất cả con dân đất nước, đạt được hay không chỉ là vấn đề thời gian và mọi người cùng có ý thức, cùng nhiệt tâm bắt tay bảo nhau cùng làm hay không? Đó là nghĩa vụ phải làm, Nghĩa Vụ Văn Hóa, con dân đất nước phải lo làm tròn đối với dân tộc. - (Văn Hóa Việt Nam - Duyên Hạc Lê Thái Ất - trang 464, Đốc Sự 17 Quốc Gia Hành Chánh xuất bản năm 1999.)

Ba thập niên ở miền Bắc và hơn hai thập niên ở miền Nam, nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã làm giòng sông văn hóa dân tộc bị vẩn đục và ô nhiễm. Lý do, là vì họ góp quá nhiều nước đục từ tư tưởng ngoại lai Maxism-Léninism. Chủ trương đấu tố, giết hại thành phần địa chủ rập khuôn theo Trung quốc đã làm cho đất nước dân tộc điêu linh, thống khổ, thì làm gì có cái đẹp, cái hay, cái trong sáng trong chủ nghĩa tàn độc đó. Vì thế, trong trách nhiệm và bổn phận của con dân nước Việt, chúng ta hãy cùng góp phần chấn chỉnh lại nề nếp gia phong để tạo thành sinh lực và tác động văn hóa vào lòng quê hương, cứu vãn lại nền văn hóa cổ truyền tốt đẹp của cha ông đã dần dần băng hoại, giữa lúc cả thế giới ngày càng lớn mạnh.

Thế hệ người Việt chúng ta hôm nay, nếu không kịp thời thức tỉnh để tạo dựng và tựu thành nền văn hóa tiến bộ cho nước nhà thì chắc hẳn rằng quê hương sẽ đắm chìm trôi chảy trong giòng văn hóa suy đồi của chủ nghĩa ngoại lai, để rồi nền văn hiến hơn 4000 năm của cha ông để lại sẽ không còn, mà văn hiến không còn thì văn minh cũng không có và văn minh không có thì văn hóa chỉ là cái xác không hồn, tinh hoa văn hóa bị hủy diệt.

Tóm lại, nền văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn lịch sử hiện tại từ năm 1975 đến nay vô cùng đen tối, đạo pháp và quê hương đang gánh chịu một đại thảm họa chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.

IV. Thời Hải Ngoại

Kể từ sau biến cố 1975, làn sóng người Việt tị nạn lưu lạc trên khắp thế giới, bằng mọi phương tiện vượt biên, vượt biển đã mang theo tinh hoa đất nước bay đi khắp nơi, từ những người dân cần cù lam lũ, đến những thành phần khoa bảng trí thức, các giới văn nghệ sĩ, các thành phần quân, cán, chính của quốc gia cho đến các chư Tăng Ni cũng có mặt trong đoàn người tha hương này. Những con tàu vượt biển này đã lao lung cùng bão tố, sóng to biển cả, có chuyến may mắn được đến bến bờ bình an, có chuyến cũng đắm mình chìm sâu dưới lòng đại dương. Luân lưu trên quê hương thứ hai nơi các trại tị nạn, người dân Việt và Phật giáo vẫn tiếp tục giữ gìn truyền thống văn hóa giống nòi, chùa chiền được tạo dựng để tiếp tục những sinh hoạt tôn giáo. Các Tăng Ni đã xây dựng những ngôi chùa bằng những phương tiện eo hẹp để giữ nếp sinh hoạt của chốn Thiền môn, sớm công phu, chiều bái sám, thuyết giảng và tổ chức những buổi lễ truyền thọ tam quy, ngũ giới, hướng dẫn người Phật tử tu tập và giữ đúng nếp Phật sự như ở quê nhà. Ngay cả các tổ chức Gia Đình Phật Tử cũng tiếp tục sinh hoạt theo phương hướng và nội quy của tổ chức như trước kia. Các em vẫn tự khép mình theo quy chế và tạo được những sinh hoạt phong phú cho đời sống trong trại tị nạn chứ không bị sa sút, gò bó, áp bức trong ách thống trị như tại quê nhà. Đây là một giá trị đặc thù mà tưởng như hai chữ văn hóa đã luôn sống và tuôn chảy trong huyết quản của từng người dân Việt, dù bất cứ hoàn cảnh và môi trường nào.

Qua những ngày lễ hội Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán là những thời gian làm sống dậy lễ nghi, tinh thần hiếu thảo và những tự tính của người dân Việt Nam. Dẫu biết rằng đời sống ở trại tị nạn thiếu thốn về mọi mặt, nhưng người dân Việt không thiếu thốn đời sống tâm linh hay nếp sống của nền văn hóa xa xưa tốt đẹp mà tổ tiên cha ông đã gây dựng tự lâu đời, để đàn con cháu dù tha hương đến góc bể chân trời nào vẫn tự nhớ lấy cội nguồn mà thi thiết theo hoàn cảnh, theo khả năng hiện có. Ba ngày Tết đến cũng thấy có cây nêu, phong pháo, phướng đỏ dựng trước sân, cũng có bánh chưng, bánh tét, trái cây dưa hấu, mâm cơm trên bàn thờ gia tiên để nhớ đến công đức tiền nhân; cũng có những bao lì xì tươi thắm; cũng háo hức lễ chùa cúng Phật đầu năm; cũng tíu tít chúc mừng nhau phước thọ tăng long, sống lâu trăm tuổi; cũng xim xăm, hái lộc đoán vận mệnh công danh... Và cũng trong những ngày lễ hội Vu Lan - Mùa Báo Hiếu - đàn con cháu tề tựu quây quần thể hiện tinh thần hiếu kính chúc thọ các bậc sinh thành, ông bà nội ngoại không khác gì đời sống quê nhà trước năm 75. Và để rồi tâm tư được gợi nhớ lại những người bạn láng giềng bên hàng dậu thưa, bên lũy tre xanh, mời nhau miếng bánh mới làm, miếng trầu mới têm. Nói chung, và cũng thiết nghĩ rằng, dù chỉ là cuộc sống tạm cư, nhưng người Việt đã không đánh mất hay lãng quên đời sống văn hóa tốt đẹp như câu tục ngữ: Cây có cội, nước có nguồn, chim có Tổ, người có Tông. Bằng sự phát triển và tiếp nối dòng sinh mệnh đó, đạo Phật Việt đã hòa nhập vào nếp sống người dân theo mỗi hoàn cảnh, tùy duyên hóa độ, bất biến để giữ bản hoài cửu tế chúng sinh. Trong hoàn cảnh đó, người Tăng sĩ phải biết hòa nhập vào dòng đời để thể hiện lý tưởng Thượng Cầu Hạ Hóa, theo bước chân người tị nạn. Từ giá trị đó, chúng ta có thể hiểu, nơi nào có sự sống của người dân Việt, nơi đó có mặt của đạo Phật Việt, hay nơi nào có đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam, thì nơi đó có nền văn hóa đạo Phật Việt Nam.

Để tài bồi mạch nguồn sự sống, và nối dài đôi tay tạo dựng của một giống nòi, dân tộc Việt Nam đã dừng chân đứng lại trên các quốc gia định cư, và nơi đây, giống dân Lạc Việt đã thể hiện nền văn hóa sống, có thể tạm ghi qua mười tiểu mục:

1. Cộng đồng người Việt Nam quy tụ sống chung với nhau.

2. Sinh hoạt chung với cộng đồng người dân bản xứ.

3. Người Việt Nam đã góp mặt trong những cơ chế chính quyền.

4. Một số học sinh Việt Nam xuất sắc - thần đồng - trong các trường văn hóa và quân đội nổi tiếng của Hoa Kỳ.

5. Mở trường dạy Việt ngữ để bảo lưu nền văn hóa, giữ gìn ngôn ngữ Việt Nam.

6. Các cơ quan truyền thông, báo chí được thành lập và cập nhập.

7. Cộng đồng Phật tử giữ vững niềm tin Tam Bảo và hộ pháp một cách đắc lực.

8. Xây dựng cơ sở giáo dục, đời sống tâm linh: Tự Viện, Tu Viện trong từng địa hạt người Việt Nam cư ngụ.

9. Tổ chức những khóa tu học Phật pháp, trau dồi kiến thức Phật pháp và thăng hoa giá trị sống thánh thiện.

10. Người dân Việt Nam luôn nhớ về cội nguồn - quê Cha, đất Tổ - Việt Nam Một Ngày Về - Ý Thức Dân Tộc.

Nói chung, về mọi phương diện, cộng đồng người Việt tị nạn đã tương đối thành tựu từ văn hóa, chính trị, thương mại hay giáo dục, tôn giáo, xã hội. . . đã có một bước tiến khá dài trên quê hương định cư này.

Điểm qua một vài lãnh vực nổi bật mà người Việt Nam thể đạt một cách rực rỡ, đã làm người dân bản xứ nghiêng mình thán phục, tài năng và trí thông minh hiếm có trong lãnh vực giáo dục, khoa học kỹ thuật, tác giả Duyên Hạc Lê Thái Ất trong Văn Hóa Việt Nam (trang 206, xuất bản năm 1999), đã nêu lên một vài thí dụ điển hình:

Giới trẻ đi học chiếm tỉ lệ khá cao, số tốt nghiệp đại học càng ngày càng đông, một số nổi tiếng là thần đồng, tại các trường danh tiếng Hoa Kỳ.

- Trường hợp đặc biệt là Nguyễn Tuệ đã đậu trong 7 năm liền 7 bằng cấp, gồm 6 cử nhân và 1 tiến sĩ, phá kỷ lục tại trường MIT (Massachusettes Institute of Technology) trường Đại Học Kỹ Thuật danh tiếng nhất Hoa Kỳ.

Nguyễn Tuệ sinh năm 1962, thanh niên tị nạn đến Hoa Kỳ năm 16 tuổi, sau 10 năm học tập đã đạt thành kết quả vượt bực, được giới báo chí vinh danh là siêu học giả.

- Khoa học gia không gian Nguyễn Xuân Vinh đã lập ra lý thuyết quỹ đạo tối ưu, nghĩa là tìm ra đường gần nhất từ địa cầu đến mặt trăng, có tác phẩm giá trị về không gian học Optimal Trajectories in Atmospheric Flight xuất bản năm 1981 (tạm dịch: Những Quỹ Đạo Tối Ưu Cho Đường Bay Không Gian)

- Phi hành gia không gian Eugene H. Trịnh đã bay nhiều lần, lần đầu tiên năm 1991, để nghiên cứu sự rơi của chất lỏng trong chân không.

- Tiến sĩ Hóa học phóng xạ Phan Viết Phùng tức Peter Phùng đã góp công vào việc nghiên cứu áp dụng nguyên tử năng vào kỹ nghệ và y khoa.

- Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương, năm 1975, đã thành công sáng chế được một hệ thống quang tuyến X, mang tên Xuong's Machine, dùng để khảo sát tinh thể protéin ở cả 3 chiều, có khả năng phóng to lên 100 triệu lần. Máy đã được Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ công nhận và được coi là máy tiến bộ nhất thế giới hiện này, rất hữu ích trong việc điều trị hai bệnh nan y là ung thư và liệt kháng (AIDS).

- Khoa học gia Hoá học Trương Kế An tại Pháp đã thành công với 38 bằng sáng chế, đặc biệt là xăng đặc, được đánh giá như mở đầu cho một thời đại mới của văn minh nhân loại, sau các thời đại nguyên tử, hỏa tiễn và điện toán.

Song song với sự thành đạt của xã hội bên ngoài, về lãnh vực tôn giáo, Phật giáo một phần nào nhịp nhàng phát triển đáp ứng được với nhu cầu đời sống tâm linh, về phương diện cơ sở, các ngôi tự viện được xây dựng hầu như khắp các địa bàn hoạt động của các quốc gia, nơi có sự hiện diện của cộng đồng người Việt, đều có hình bóng của các mái chùa đủ tầm cỡ để chuyên chở nền văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc Phật giáo Việt Nam - và cũng dưới những mái chùa này đã vực đứng lên bao tâm hồn đau khổ, bi thương, vỡ nát niềm tin và những khủng hoảng tinh thần vì kinh qua các biến cố thời đại của người dân mất nước.

Về phương diện tư duy, thực nghiệm thì những Tự Viện là nơi hoằng pháp lợi sanh, là chốn bảo trì nền văn hóa Việt. Ở đấy, thế hệ tuổi già có nơi niệm Phật, làm công quả để vun trồng công đức cho nếp sống tâm linh, và cũng ở đấy, là nơi cho các em cùng trau dồi tiếng Việt, cùng tìm hiểu văn học sử nước nhà, cũng là nơi gặp gỡ chung của mọi tầng lớp, mọi thế hệ.

Tóm lại, nền văn hóa của dân tộc và giòng lịch sử của Phật giáo Việt Nam luôn gắn liền với nhau trên lẽ sống còn thịnh suy. Suốt một chiều dài lịch sử đó, dân tộc Việt cũng có lúc thăng trầm, quê hương có khi thanh bình, có lúc loạn lạc, nhưng chưa có lúc nào người dân Việt Nam đánh mất nền văn hóa của mình để bị lệ thuộc hay bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại lai kể cả thời kỳ hơn 1000 năm Bắc thuộc, hơn 100 năm bị người phương Tây đô hộ, cũng không làm cho nền văn hóa Việt bị suy giảm, hao mòn; mà lắm khi còn làm nổi bật ý thức: Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức tôi trung để nền văn hóa nước nhà càng có thêm bề dày và chiều sâu vững chắc.

Hôm nay, tầng lớp người đang sống nơi Hải ngoại có quan tâm đến giới trẻ của chúng ta? Những thế hệ được sinh ra và trưởng thành trong nền văn hóa này: Nền văn hóa Tây Phương tiến bộ về Cơ khí Vật chất, nền văn hóa Khoa học Thực nghiệm. Nếu chúng ta không có mục tiêu dẫn khởi và tập chú cho giới trẻ, thì có e rằng họ sẽ bị nền văn hóa bản xứ xâm chiếm trọn tâm tư và cuốn họ hướng về một phương trời nào khác, và từ đó họ sẽ đánh mất cội nguồn, văn hóa dân tộc nơi chính họ. Đây có thể là một vấn đề nghiêm trọng để chúng ta suy tư về những thế hệ tương lai.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/12/2016(Xem: 4856)
Phật giáo Việt Nam đã thể hiện tinh thần đồng hành với dân tộc qua nhiều thời đại. Các Tăng sĩ Việt Nam đã từng thẩm thấu nỗi khổ của nhân dân dưới ách thống trị giặc ngoại xâm và đã hết lòng giúp vua giữ nước. Ở đây, chúng ta trở về những hình ảnh tiêu biểu Phật Giáo Đinh, Lê, Lý, Trần để thẩm định tinh thần đạo Phật trong vận mệnh đất nước lâm nguy. Tư tưởng và hành trạng các thiền sư giúp vua giữ nước, an dân là bài học cao quý. Chúng ta cần lắng lòng quán chiếu sâu sắc nỗi khổ của người dân trong hiện tại để có thái độ sống yêu thương và hiểu biết của người con Việt.
19/10/2016(Xem: 5643)
Dưới thời các chúa Nguyễn, Phật giáo ở Đàng Trong nói chung và ở Quảng Nam nói riêng rất phát triển. Hầu hết các chúa đều sùng kính đạo Phật, xem đó là chỗ dựa tinh thần trong sự nghiệp Nam tiến và lập quốc nên các chúa rất chăm lo phát triển Phật giáo, xây dựng nhiều chùa chiền, trọng đãi sư tăng, mở trai đàn, hội chùa, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các sinh hoạt Phật giáo.
07/09/2016(Xem: 20246)
Vào năm 2003 khi thảo Vạn Hữu Trường Ca được nửa chừng, bèn nghĩ có lẽ dừng lại để sau này sẽ tiếp để đi vào Việt Nam Thi Sử Hùng Ca trước, và mọi thể dạng mang sắc thái tình tự, dân tộc, quê hương, nhân sinh, mọi ngõ ngách cuộc đời và nhân thế, các sự kiện diễn ra, nghe tiếng kêu đồng loại,... đã hơn 34 năm qua, dĩ nhiên là văn vần, còn văn xuôi thì ít bởi ít khả năng vốn liếng thiên tư. Đến nay đã gần 1,700 bài khác nhau (một ngàn bảy trăm). Hai tuần trước chợt nhớ Vạn Hữu Trường Ca còn dang dở, dành vài ngày đi nốt và hoàn tất.
09/06/2016(Xem: 9449)
Tôi tới một miền quê, kề bên một trận địa vào một buổi chiều hoe nắng. Ở đây, cánh đồng loáng nước nằm dài vắng bóng người nông dân cần mẫn. Nhìn vào thôn xóm không một bóng người, khóm tre xơ xác, mái im lìm ! Qua một đêm, ngủ đỗ, sáng hôm sau trở dậy lên đường. Trong ánh nắng sớm mai, đố ai biết có gì đổi khác. Nhìn vào thôn xóm vẫn không một bóng người, vẫn khóm tre xơ xác, mái tranh im lìm. Nhưng giải đồng loáng nước chiều qua đã xanh rì ngọn mạ. Tôi nghĩ tới bóng trăng đêm trước, đến những đoàn người lũ lụt trở về đây, đến những bàn tay mềm mại cấy từng hàng mạ trên giải đồng rộng mênh mông. Trong lúc bom đạn cứ tơi bời trên các đô thành làng mạc, trong lúc chiến tranh cứ tiếp tục gieo rắc tang tóc và đổ nát thì ở đây, nguời dân ViệtNam thản nhiên gieo nguồn sống. Nhành lúa mới như một tuổi xuân vùng trổi dậy, tượng trưng cho sức sống mảnh liệt cho cả một dân tộc. (tác giả Thích Nhất Hạnh)
19/05/2016(Xem: 31657)
Bắt đầu từ ngày 06 tháng 4 năm 2016, cá biển tự nhiên và cá nuôi lồng bè của ngư dân ven biển chết hàng loạt, bắt nguồn từ khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), lan xuống các tỉnh lân cận (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng…) suốt dọc trên 200 cây số bờ biển. Ngay cả rạn san hô, “nhà ở” của các sinh vật dưới biển, cách bờ biển từ 1-6 hải lý, chạy dài từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh Quảng Bình, cũng đã bị phá hủy trong các đợt cá chết vừa qua; san hô chết, nhiều sinh vật biển chết theo (theo báo cáo ngày 06.5.2016 của chính quyền địa phương thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
17/05/2016(Xem: 12240)
Ngày Hoan Hỷ, Tập Văn Kỷ Niệm Khóa Huấn Luyện Trụ Trì năm Đinh Dậu 1957_HT Thích Thiện Hòa
05/02/2016(Xem: 7600)
Giới thiệu: Nhân dịp Xuân - Tết Cổ truyền Dân tộc, trân trọng giới thiệu bài viết Từ Quốc tộ đến bài thơ Thần như là món quà ghi nhớ lại nền lịch sử văn học Việt Nam nói chung và tư tưởng Triết học Phật giáo Việt Nam nói riêng trong các vấn đề về Quốc gia, Dân tộc trong bối cảnh: Phật giáo đã đóng góp gì cho Dân tộc và lịch sử Việt Nam?
19/01/2016(Xem: 6594)
Năm nay, 2016, đánh dấu 50 năm Phật Giáo Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ, tính từ năm 1966, khi mà Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đến Mỹ dạy tại Đại Học UCLA và ở lại luôn để truyền bá Phật Giáo Việt Nam tại đây. Vì vậy, Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân là vị sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ. Nhưng trước hết xin nhìn thoáng qua một chút về bối cảnh Phật Giáo Mỹ.
06/01/2016(Xem: 19722)
Có thể nói Phật giáo Việt Nam trong tình hình phát triển hiện nay tuyệt đại bộ phận do sự tác động mạnh mẽ của bảy dòng thiền chính, trong đó bốn dòng trực tiếp kế thừa các dòng thiền từ Trung Quốc và bốn dòng được phát sinh tại đất nước ta. Bốn dòng từ Trung Quốc, nếu dựa vào thứ tự truyền nhập vào Việt Nam là các dòng Bút Tháp của Viên Văn Chuyết Công (1590 – 1644), dòng Thập Tháp của Siêu Bạch Thọ Tông (1648–1728), dòng Quốc Ân của Nguyên Thiều Hoán Bích (1648–1728), cả ba dòng này đều thuộc phái Lâm Tế và dòng Hòe Nhai của Thủy Nguyệt thuộc phái Tào Động. Ba dòng còn lại thì đều xuất phát tại Việt Nam hoặc do kết hợp một dòng từ Trung Quốc như Bút Tháp với một dòng tồn tại lâu đời tại Việt Nam như Trúc Lâm, mà điển hình là dòng Long Động của thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647–1726) hoặc do các vị thiền sư người Việt Nam hay Trung Quốc hành đạo tại Việt Nam xuất kệ thành lập dòng mới, cụ thể là các dòng thiền Chúc Thánh của thiền sư Minh Hải Pháp Bảo (1670–1746) và Thiên Thai
14/12/2015(Xem: 5472)
Kho báu cổ vật trong bảo tàng Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam Hơn 500 cổ vật Phật giáo, trong đó có hiện vật được đánh giá ngang tầm bảo vật quốc gia, đang được trưng bày tại Bảo tàng văn hóa Phật giáo ở Đà Nẵng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]