Trên dòng chảy Phật giáo Việt Nam, tiếp theo những loạt bài trước, chúng tôi đã cùng với quí vị lần lược trải qua 1000 năm đầu Phật giáo Việt Nam. Đến đây chúng ta bước sang chặng đường thứ 2, trên dòng chảy nầy, chúng ta sẽ tìm hiểu về những chủ đề theo từng lãnh vực, đi từ tổng quát đến chuyên sâu.
Chúng tôi thiết nghĩ, một quan niệm sử học sẽ chủ đạo cho nghiên cứu sử học, và định hình cho trình bày sử học. Chính vì vậy, những công trình nghiên cứu sử học của những bậc thầy đi trước như HT. Thích Mật Thể, học giả Tâm Minh-Lê Đình Thám, HT. Thích Thiện Hoa, Thầy Thích Trí Siêu, v.v... Quí Ngài hầu như đều dựa theo quan niệm phân kỳ mà cho ra đời những tác phẩm đóng góp chung cho ngôi nhà sử học Phật giáo Việt Nam ngày thêm khởi sắc.
Ngày nay, thế giới trước sự phát triển của khoa học-thông tin đã tạo cho sinh hoạt xã hội một bộ mặt mới, rằng không gian được thu nhỏ lại và thời gian cũng ngắn hơn. Cho nên cách học ngày nay có khác cách học ngày xưa. Trong thời Phật giáo chấn hưng của những năm 1920, với cách học Gia giáo, đã đào tạo nên những hiểu biết đi từ chuyên sâu đến tổng quát thì ngày nay cách học kiêm cả hai mặt sâu và rộng tương tác lẫn nhau. Nội dung bài nầy, theo mô hình đã giới thiệu, chúng tôi sẽ đi từ tổng quát đến chuyên sâu, và sẽ trình bày Đại cương về Học phái Phật giáo Việt Nam trong Học phái Phật giáo thế giới bao gồm trong 2 phần chính với nội dung như sau:
1. Đại cương về Học phái
Chân dung toàn cảnh về Học phái Phật giáo cho chúng ta cái nhìn mà qua đó Phân kỳ Phật giáo có thể chia làm 3 thời kỳ, đó là Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Phát triển và Phật giáo Hội nhập. Rồi theo sự phát triển, mỗi nước lại có nét riêng của từng khu vực khác nhau. Ở đây giới thiệu 4 khu vực, đó là: Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng; Phật giáo Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia; Phật giáo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; và Phật giáo Việt Nam, để qua đó tìm hiểu về tính chất đặc thù của Học phái từng vùng-miền khác nhau.
a. Vấn đề tên gọi
Vấn đề tên gọi về học phái Phật giáo có vẻ như còn xa lạ với người mới bước vào lãnh vực nghiên cứu Phật học. Để có sự nhất quán về tên gọi cho chủ đề nầy, ở đây, chúng tôi đề nghị một hình thức tên gọi học phái Phật giáo như sau: Học phái là ngành học bao gồm những loại hình nghiên cứu về những hình thức tổ chức Phật giáo qua trình tự thành hình và phát triển của nó, chúng được ghi nhận như sau: Buổi đầu, chúng ta có hình thức Giáo đoàn rồi đến Bộ phái, đến Trường phái, đến Tông phái, đến Dòng phái, đến Chi phái, đến Hệ phái, đến Giáo phái, v.v… Như vậy, Học phái là ngành học nghiên cứu về việc tìm hiểu tính chất Phật học của Giáo đoàn, của Bộ phái, của Trường phái, của Tông phái, của Dòng phái, của Chi phái, của Hệ phái, của Giáo phái như đã trình bày ở trên. Tổng quan thì Học phái là tên gọi chung mà qua đó mỗi giai đoạn phân kỳ, mỗi khu vực, vùng-miền lại biểu hiện nét riêng của nó.
b. Phân Kỳ Học phái
Từ trước, phân kỳ Phật giáo có nhiều hình thức thật phong phú, thế nhưng thuyết phân kỳ ấy lại được nhiều nhà chuyên môn sử dụng rộng rãi, đó là thuyết 3 thời: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Đại thừa. Khuôn mặt sáng giá thuộc nhóm này là Kimura Taiken (Bác sĩ Mộc-Thôn-Thái-Hiền), người Nhật Bản với tác phẩm Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận; Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận; Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận. (Xem bản dịch Thích Quảng Độ, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1972). Thuyết này dù được phần đông chấp nhận nhưng về tên gọi của ba thời kỳ thì việc nầy còn gây nhiều tranh cãi; thậm chí vấn đề tranh cãi nầy có lúc lên đến đỉnh cao và nó được đưa vào chủ đề tham luận của hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ 2, năm 1952 tại Tokyo, Nhật Bản. Hội nghị đã đi đến nhất trí là không dùng tên gọi Tiểu thừa Phật giáo, Đại thừa Phật giáo để tránh ngộ nhận mà thay vào đó là dùng tên gọi Phật giáo Phát triển để gọi cho hai thời kỳ nầy. Thuyết này được dùng rộng rãi trong giới Phật học. Nay bước vào thế kỷ 21, các hoạt động xã hội đều phát triển theo qui luật hội nhập toàn cầu, do đó Phật học thế giới cũng biểu hiện sự dung hợp rõ nét. Vì vậy, ba giai đoạn của thuyết phân kỳ Phật giáo trên đây được thay thế bằng tên gọi: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Phát triển, Phật giáo dung hợp. Với tên gọi như vậy dễ được chấp nhận hơn.
c. Phân thời Học phái
Có thể chia ra làm 5 thời kỳ cho dòng chảy Phật giáo thế giới. Một là từ thời Phật còn tại thế đến sau Phật vào Niết-bàn 100 năm, đây là thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy. Hai là từ sau Phật Niết-bàn 100 năm đến sau Phật Niết-bàn 300 năm, đây là thời kỳ Bộ phái phát triển. Ba là thời kỳ Trường phái Phật giáo mà ngài Mã Minh-Long Thọ và Vô Trước-Thế Thân của Ấn Độ là tiêu biểu. Bốn là thời kỳ Tông phái Phật giáo mà ngài Trí Giả (Trí Khải), Huệ Năng, Thần Tú của Phật giáo Trung Hoa là tiêu biểu. Năm là thời kỳ các tông dung hợp, nó được định hình từ thế kỷ thứ 6 TL và càng rõ nét hơn là vào những năm đầu của thế kỷ 20 khi phong trào Phật giáo thế giới chớm nở.
d. Phân khu Học phái
Theo tính chất địa lý từng khu vực văn hóa, Học phái Phật giáo thế giới cũng được phân bổ theo vùng-miền mà nhìn trên tổng thể ta thấy: Phật giáo Ấn Độ - Tây Tạng; Phật giáo Tích Lan - Thái Lan - Miến Điện - Lào - Cambodia; Phật giáo Trung Hoa - Hàn Quốc - Nhật Bản; Phật giáo Việt Nam; Phật giáo Thế giới. Sự phân khu, phân vùng như thế chỉ là hình thức, trong khi đó trong hoằng pháp thì sự phân vùng nầy mang tính mở rộng và luôn dung hợp.
2. Đại cương về Học phái Phật giáo Việt Nam
Nhìn về mặt tổng thể thì Học phái Phật giáo Việt Nam được biểu hiện qua những hình thức: Dòng phái, Chi phái, Giáo phái (hệ phái), v.v… Ngay từ buổi bình minh của thời mới vào, trên dòng chảy 2000 năm Phật giáo Việt Nam, ghi nhận thấy có dòng Thiền Khương Tăng Hội (280); dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi (594); dòng Thiền Vô Ngôn Thông (860); dòng Thiền Thảo Đường (TK 12); dòng Thiền Trúc Lâm (1308); phái Thiền Tào Động (TK 17); phái Thiền Lâm Tế (TK 17); chi phái Liên Tông (Bạch Mai-Hà Nội). Cho đến những năm 1920, nhiều hiệp hội Phật giáo ra đời, qua đó mở rộng con đường hoằng pháp khắp 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Rồi từ Hiệp hội đơn lẻ, tổ chức Phật giáo dần chuyển mình sang hình thức Tổng hội rồi Giáo hội.
Bên cạnh đó cũng phải nói đến một Vu Đạo Thúy (TK thứ 4) là thành viên thuộc Trường phái Bát-nhã Phật giáo Trung Quốc tại Giao Châu, Đạo Thúy đưa ra một quan niệm mới về học lý Bát-nhã của thời bấy giờ.
Tính chất Học phái cho thấy: dòng Thiền Khương Tăng Hội có tính Phật giáo quyền năng; dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi mang tính Thiền-Mật; dòng Thiền Vô ngôn Thông biểu hiện tính triết học có màu sắc thi ca; dòng Thiền Thảo Đường có ý hướng Tam giáo đồng qui; dòng Thiền Trúc Lâm thể hiện tính dân tộc; phái Thiền Tào Động có nét Thần bí; phái Thiền Lâm Tế nổi bật nét Hạnh-Giải tương ưng; chi phái Liên Tông muốn thể hiện tịnh độ nhân gian.
Như vậy ngoài nét đặt thù riêng, mỗi Dòng phái, Chi phái, Giáo phái đều biểu hiện nét dung hợp trong “chân dung toàn cảnh” Phật giáo Việt Nam.