Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quá Trình Ra Đời và Phát Triển của Báo Chí PG ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX

14/08/201719:21(Xem: 5419)
Quá Trình Ra Đời và Phát Triển của Báo Chí PG ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX

 Tu Bi Am-2

 

QUÁ TRÌNH RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA BÁO CHÍ PHẬT GIÁO

Ở NAM BỘ NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX
DƯƠNG THANH MỪNG[1]

 

Tóm tắt: Trong những năm qua, nghiên cứu về quá trình ra đời, phát triển của báo chí Phật giáo Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều học giả trong và ngoài nước với những mức độ đậm nhạt khác nhau. Nét nổi bật trong các công trình nghiên cứu trước đây chính là đã xác định được thời điểm ra đời, cách phân kì lịch sử cùng những đóng góp của báo chí đối với tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam cũng như đối với văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn có khá nhiều nội dung chưa nhận được sự đồng nhất từ phía các nhà nghiên cứu, như niên đại của các tờ báo, số lượng báo chí được xuất bản, nhất là trong giai đoạn khởi thủy của nó. Trên cơ sở các nguồn tư liệu đã sưu tầm được (chủ yếu là các văn bản gốc), chúng tôi xin được tiếp tục đi vào phân tích và trình bày thêm về quá trình ra đời và phát triển của báo chí Phật giáo ở Nam Bộ trong nửa đầu thế kỉ XX. Qua đó, góp phần bổ cứu nguồn tư liệu nhằm làm sáng tỏ hơn tiến trình phát triển của báo chí Phật giáo Việt Nam.

Từ khóa: báo chí, chấn hưng, Phật giáo, Việt Nam.

1. Bối cảnh ra đời của báo chí Phật giáo Việt Nam

So với nhiều quốc gia có đạo Phật ở châu Á như Siri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan,... báo chí Phật giáo Việt Nam ra đời khá muộn. Mãi đến những năm 20 của thế kỉ XX, báo chí Phật giáo Việt Nam mới xuất hiện. Bối cảnh ra đời của báo chí Phật giáo Việt Nam do vậy mà chịu sự tác động từ nhiều nhân tố chủ quan và khách quan khác nhau[1].  

Thứ nhất, sau khi đàn áp được phong trào Cần Vương, thực dân Pháp từng bước kiện toàn bộ máy cai trị, triển khai các chương trình khai thác thuộc địa trên toàn cõi Đông Dương. Một trong những điểm bất lợi lớn mà thực dân Pháp gặp phải lúc này là sự bất đồng về mặt ngôn ngữ. Do đó, một mặt chính quyền thuộc địa tiến hành cải tổ hệ thống giáo dục để đào tạo nên đội ngũ chức nghiệp, mặt khác sử dụng báo chí như một công cụ hữu hiệu trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách cai trị đến quần chúng nhân dân. Cần lưu ý rằng, báo chí ra đời trong giai đoạn này chịu sự kiểm duyệt vô cùng gắt gao của chính quyền thực dân Pháp và phần lớn các tờ báo đều phải hướng đến việc tuyên truyền, ca ngợi cho chính quốc. Tuy vậy, trong dòng chảy chung đó, bằng một số phương cách khác nhau các sĩ phu, trí thức yêu nước đương thời đã chủ động tìm thế hợp pháp để xuất bản báo chí, kêu gọi quần chúng nhân dân đứng lên chống Pháp, xây dựng thực lực cho đất nước. Và đây cũng chính là cơ duyên sâu xa để báo chí Phật giáo Việt Nam có điều kiện hình thành. 

Thứ hai, sự chuyển biến các yếu tố nội tại của đất nước. Bước sang đầu thế kỉ XX, hiện tình kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam có nhiều biến chuyển hơn so với thế kỉ trước. Bên cạnh các giá trị truyền thống, nhiều loại hình kinh tế, văn hóa, nghệ thuật mới xuất hiện như công nghiệp, điện ảnh, thể dục - thể thao, tân nhạc, thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn,... cũng đang tìm cách để khẳng định vị thế của chính mình. Xã hội Việt Nam lúc này cũng hình thành nên nhiều giai cấp, tầng lớp như công nhân, tiểu tư sản, tư sản, trí thức Tây học... Các giai cấp, tầng lớp mới này bắt đầu có cuộc sống vượt ra ngoài khuôn khổ luân thường của Nho giáo và đều có những cách xây dựng và cảm thủ các giá trị văn hóa, văn minh khác nhau. Hệ thống giao thông, thông tin liên lạc được củng cố và mở rộng. Sự phát triển kinh tế đã làm cho các đô thị tập trung đông dân cư hơn. Sài Gòn - Chợ Lớn từ 200.000 dân đầu thế kỉ, đến năm 1920 tăng lên 300.000 dân. Hà Nội năm 1920 có khoảng 120.000 dân. Các tỉnh lị khác mỗi nơi cũng tập trung từ 20.000 đến 100.000 dân. Sự chuyển biến của tình hình đất nước đã làm xuất hiện nhiều tổ chức, đảng phái chính trị, tổ chức kinh tế, nghiệp đoàn, trường phái văn chương, nghệ thuật… Mỗi tổ chức, lĩnh vực đều muốn thể hiện tiếng nói của mình qua báo chí để thỏa mãn và hoàn thành các mục tiêu riêng trong xã hội. Ba đối tượng quyết định sự phát triển báo chí giai đoạn này là lực lượng độc giả, lực lượng văn bút và hệ thống nhà in cũng đều tăng lên nhanh chóng. Dân chúng, nhất là ở các đô thị, ngày càng quan tâm đến thời cuộc và thích đọc sách báo. Thành phố Sài Gòn là đô thị lớn nhất Việt Nam về mọi phương diện. Điều kiện ra báo và chế độ kiểm duyệt ở Nam Bộ tuy có nhiều khó khăn, nhưng được xem là lãnh thổ đồng đẳng của Pháp nên vẫn không quá gắt gao như ở Bắc Bộ hay Trung Bộ. Vì thế, ở Nam Bộ, nhất là ở Sài Gòn, tập trung rất nhiều loại hình báo chí, nhà in, nhà xuất bản. Các thanh niên, trí thức tân học có tư tưởng cách mạng cấp tiến khắp nơi đều lần lượt tập trung vào Sài Gòn để có cơ hội hoạt động tốt nhất. Và đây cũng chính là một trong những lí do nhằm giải thích cho sự ra đời sớm của báo chí Phật giáo ở Nam Bộ so với cả nước lúc này. 

Thứ ba, là xự xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến của báo chí bằng chữ Quốc ngữ cùng các phương tiện bổ trợ khác[2]. Báo chí giai đoạn này có bài vở khá phong phú, bám sát thời sự, xuất hiện nhiều chuyên mục xã thuyết, phiếm luận, trình bày quan điểm, lập trường của các giới, các ngành trong xã hội. Các báo do thực dân Pháp chủ trương thì cố gắng cổ vũ chính sách “Pháp - Việt đề huề” và triệt hạ uy tín lực lượng kháng Pháp. Còn các tờ báo có khuynh hướng cổ vũ cách mạng, nhất là trong các phong trào Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa thục, Việt Nam Quang phục Hội, Hội Kín,... thì vạch ra tính chất mị dân của Pháp, hô hào tinh thần yêu nước, chấn hưng thực nghiệp để đi đến tự cường dân tộc... Về hình thức, kĩ thuật in ấn tiến bộ rõ rệt. Cách sắp chữ, chạy tít báo có nhiều cải tiến. Bài vở trình bày sáng sủa, văn phong gọn ghẽ, mạch lạc hơn trước.

Sự phát triển của báo chí tiếng Việt đã giúp cho các tăng ni, Phật tử nắm bắt được tình hình thực tế của đất nước cũng như thực trạng của chính tôn giáo mình để từ đó đứng ra vận động chấn hưng, cải cách Phật giáo. Trước khi báo chí Phật giáo ra đời, nhiều trí thức, tăng ni, Phật tử đương thời trăn trở với sự thịnh suy của đạo pháp đã viết bài phản ánh thực trạng Phật giáo, kêu gọi chấn chỉnh quy cũ thiền môn trên các trang báo như Đông Pháp, Đông Pháp Thời báo, Khai hóa Nhật báo, Phụ nữ Tân văn, Ngày nay... Tiêu biểu là nhà báo Nguyễn Mục Tiên trong một bài viết “Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà”, đăng trên tờ “Đông Pháp Thời báo”, số 259, ra ngày 5/1/1927, đã đề nghị các nhà thức giả trong nước, nhất là những gia đình có mấy đời sùng bái đạo Phật hãy mở cuộc điều tra về tình hình tôn giáo ở nước ta và tiến hành gây dựng vãn hồi lí tưởng... Hay sư Tâm Lai trụ trì chùa Tiên Lữ (Thái Nguyên), sau khi đọc bài “Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà” của Nguyễn Mục Tiên đã viết bài kêu gọi chấn hưng Phật giáo đăng trên tờ Khai Hóa Nhật báo, số 1640, ra ngày 16/1/1927, với một chương trình ba điểm là: Lập giảng đàn trong chùa; Mở các trường (sơ học yếu lược, sơ đẳng tiểu học) bên cạnh các chùa, đón các thầy bên ngoài vào dạy; Lập nhà nuôi trẻ khó, thu các người tàn tật đói khó vào nuôi, dạy cho họ nghề nghiệp sinh nhai, làm nhà bảo cô dành cho các trẻ em mồ côi và nuôi cho chúng ăn học...

Thứ tư, là nhằm đáp ứng yêu cầu cho sự nghiệp chấn hưng Phật pháp. Sau một khoảng thời gian dài đồng hành cùng dân tộc, bước vào đầu thế kỉ XX, Phật giáo Việt Nam ngày càng gặp nhiều khó khăn trong công cuộc hoằng dương chánh pháp. Nguyên nhân trước hết bắt nguồn từ thực trạng tăng đồ thất học, tăng già không giữ được quy cũ chốn thiền môn như tác giả Thích Mật Thể đã miêu tả trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận: “Phật giáo về thời này đã kém lắm rồi, nên dù các triều vua vẫn tín ngưỡng sùng phụng, làm chùa đúc tượng mà tinh thần Phật giáo vẫn suy. Đến đây, từ trên vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng an trí đạo Phật là ở sự cúng cấp cầu đảo chứ không biết gì khác nữa. Và phần đông họ chỉ trọng ông thầy ở chỗ danh vọng chức tước, mặc dù ông thầy ấy thiếu học thiếu tu. Bởi tệ hại ấy, làm cho Tăng đồ trong nước lần lần sa vào con đường trụy lạc cờ bạc rượu chè, đắm trước thanh, sắc... Cũng vì tình trạng ấy mà tạo nên hại lớn ngày nay, đến nỗi gần 15 năm lại đây, hiện tượng suy đồi ấy càng biểu diễn đến chỗ đồi bại; phần đông tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước, xin bằng Tăng cang, Trụ trì, Sắc tứ. Ôi! Tinh thần Phật giáo đến đây hầu đã tuyệt diệt[3]. Tiếp đến, do không có một tổ chức tăng đoàn thống nhất nên cách thức sinh hoạt và tu tập của Phật giáo Việt Nam lúc này hết sức rời rạc. Điều này đã được Hòa thượng Thiện Quả phản ánh: “Một tôn giáo lưu hành khắp một nước mà không có người đứng ra gánh vác lấy phần trách nhiệm của giáo hội trong toàn quốc thì cái tôn giáo ấy ắt phải suy tàn loạn lạc[4]. Thêm vào đó là thực trạng cầu vai, cúng cấp, đã làm mất dần uy tín của đạo Phật trong xã hội theo như bài viết của cư sĩ Khánh Vân đương thời: “Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai,... lại thủ dị cầu kì, học thêm bùa ngãi, luyện roi thần, làm bạn với Thiên Linh cái, khi ông lên, lúc bà xuống, ngáp ngắn ngáp dài, thư phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng lợi dụng lòng mê muội của chư thiện tín mở rộng túi tham quơ quét cho sạch sành sanh... Cái hiện trạng như thế bảo sao Phật giáo chẳng suy đồi[5]. Bên cạnh đó, Phật giáo Việt Nam lúc này cũng phải đối mặt với sự xuất hiện của nhiều tôn giáo mới như Bửu Sơn Kì Hương; Tứ Ân Hiếu Nghĩa; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Cao Đài... Đặc biệt là sự ưu ái của chính quyền thực dân Pháp đối với quá trình mở rộng địa bàn truyền đạo của Công giáo. Chính từ những khó khăn nói trên đã đặt ra cho các tăng ni, Phật tử, những người mến mộ đạo Phật một yêu cầu lớn là phải chấn hưng, cải cách đạo pháp. Và để tuyên truyền, phổ biến đường lối chấn hưng Phật giáo đến đông đảo tăng ni, Phật tử cũng như quần chúng nhân dân mến mộ đạo Phật, báo chí Phật giáo đã ra đời.

Như vậy, có thể thấy rằng, cùng với những biến chuyển của tình hình sinh hoạt báo chí trong nước, quá trình vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam của các tăng ni, Phật tử, các nhà tri thức cùng những người mến mộ đạo Phật những năm đầu thế kỉ XX đã tạo nên tiền đề cho sự ra đời của báo chí Phật giáo Việt Nam. Trong đó, Nam Bộ chính là nơi khai sinh phong trào chấn hưng Phật giáo của cả nước và cũng là nơi xuất hiện lần đầu tiên của báo chí Phật giáo. Tính từ khi phong trào chấn hưng hình thành đến khi Phật giáo Việt Nam thống nhất vào năm 1951, tại Nam Bộ đã có 12 tờ báo Phật giáo ra đời. Đây cũng chính là con số dẫn đầu so với báo chí Phật giáo ở cả nước lúc này.

2. Báo chí Phật giáo ở Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX

Người có công đầu đối với sự ra đời của báo chí Phật giáo Việt Nam là hòa thượng Khánh Hòa. Trước sự suy vi của Phật giáo, từ năm 1928, Ngài cùng các chư vị Huệ Quang, Từ Nhẫn, Liên Trì, Thiện Niệm, Thiện Chiếu,... thành lập Hội Nam Kì Phật giáo[6] tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn). Mục đích là lập Phật học đường để giáo dục tăng đồ và xây dựng Phật học thư xã tàng trữ kinh sách. Tuy nhiên, do không nhận được sự chấp thuận của chính quyền thực dân Pháp nên Hội Nam Kì Phật giáo đã không thể đi vào hoạt động. Bước sang năm 1929, chư vị hòa thượng nói trên đã cùng thượng tọa Trí Thiền tiến hành cải tổ Hội Nam Kì Phật giáo thành Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học. Tên gọi, mục đích, cách thức tổ chức cũng như quyền hạn và nhiệm vụ của các thành viên, các ban, được nêu rõ trong bản Điều lệ và Quy tắc của Hội và đã được các thành viên sáng lập thông qua vào ngày 28/12/1929. Tuy nhiên, khi đệ trình lên chính quyền thuộc địa, yêu cầu này vẫn tiếp tục không được chấp thuận.

Không nạn chí với những khó khăn ban đầu đó, hòa thượng Khánh Hòa tiếp tục đứng ra vận động chư tăng ni, Phật tử lục tỉnh Nam Kì ủng hộ vật chất lẫn tinh thần để xuất bản tập san Phật học Pháp Âm bằng chữ Quốc ngữ. Tập san này được ấn hành số đầu tiên vào ngày 13/8/1929, tại nhà in Thạnh Thị Mậu, 186 đường d’Espague, (nay là đường Lê Thánh Tôn, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh) và phát hành tại chùa Sắc tứ Linh Thứ, làng Thạnh Phú - Xoài Hột, tỉnh Mĩ Tho (nay là xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Về hình thức, Pháp Âm số 1 có 48 trang (không kể bìa), khổ báo là 14x20cm. Bìa 1 và 2, trên cùng là tiêu đề Pháp Âm bằng chữ Quốc ngữ, ở dưới là dòng chữ Chủ nhiệm Lê Khánh Hòa, Hòa thượng chùa Tiên Linh. Ở giữa là tiêu đề Pháp Âm bằng chữ Hán, hai bên có hai dòng chữ Hán và chữ Quốc ngữ nêu lên tôn chỉ của Phật giáo là “Tự giác - Giác tha” và “Từ bi - Bác ái”. Dưới cùng ghi các thông tin liên hệ mua báo. Bìa 4 đăng lời cảm tạ của sư Thiện Chiếu đối với chư đàn việt cư sĩ tỉnh Trà Vinh đã hiến cúng 771 bộ Đại tạng kinh để tại Phật học thư xã - chùa Linh Sơn, Sài Gòn[7].

Nội dung Pháp Âm có 9 mục gồm Mấy lời bày tỏ do Bổn viện đồng nhơn kính khải, kêu gọi Phật tử viết bài và đóng góp tài chính để tổ chức Phật học đường, Phật học Thư xã và ra báo chí như Thái Hư Đại sư đã làm bên Trung Hoa; Bàn về Phật học của Nguyễn Khoa Tùng; Phật giả của Minh Châu; Tự trần của hòa thượng Khánh Hòa; Những điều cần thiết cho người tại gia tín ngưỡng Phật giáo của Ban biên tập; Phật giáo luân lí học, nguyên tác chữ Hán do Hoàng Phi Long dịch; Ai tri âm đó biết cho ai của sư Thiện Chiếu; Văn uyển và cuối cùng là mục Hành trình Nhật kí đi cổ động cuộc sáng lập Tòng lâm Phật giáo hội của hòa thượng Khánh Hòa.

Có thể nói rằng, Pháp Âm chính là tập san Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ra đời ở nước ta. Một điểm cần chú ý là tờ báo này được biên tập và xuất bản tại Sài Gòn nhưng trụ sở lại đặt tại chùa Sắc tứ Linh Thứ (Mĩ Tho). Đây cũng là trụ sở của báo Dân Cày, tiếng nói của những người làm cách mạng tại địa phương này. Biết được thông tin, thực dân Pháp cho quân lục soát chùa Linh Thứ, vị thủ tọa bị truy nã, hòa thượng Khánh Hòa phải ôm kinh sách đến Sở Mật thám giải trình. Sau biến cố này, tờ Pháp Âm không ra được số kế tiếp và nó trở thành kỉ yếu của cuộc vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Ngay sau khi tờ Pháp Âm bị đình bản, tháng 10/1929, sư Thiện chiếu đã đứng ra vận động và xuất bản tờ Phật hóa Tân thanh niên, tại chùa Chúc Thọ, xóm Thuốc, xã Hạnh Thông, Gò Vấp. Báo có độ dày 49 trang không kể trang yếu mục và bìa, khổ 14x20cm. Bìa 1, trên cùng là tiêu đề Phật hóa Tân thanh niên bằng Quốc ngữ, ở dưới là dòng chữ Quản lí Trương Tấn Phát. Ở giữa là tiêu đề Phật hóa Tân thanh niên bằng chữ Hán. Bìa 4 ghi, độc giả chú ý Phật hóa Tân thanh niên sẽ lần lượt xuất bản, chư độc giả quân tử ai có lòng muốn mua xin viết thư và trả tiền trước trọn 12 cuốn, giá là 3$00. Thư từ xin gửi cho Trương Tấn Phát, Quản lí Phật hóa Tân thanh niên. Báo được in tại nhà in Thạnh Thị Mậu, 186 đường d’Espague, Sài Gòn[8].

Nội dung của Phật hóa Tân thanh niên gồm 8 mục: Đầu tiên, Ai là người lo đời, thương đời, muốn làm việc cho đời? của tòa soạn nêu lên mục đích của tờ báo là “để gây cái nền chánh tín cho dân tộc nào ưa cái chủ nghĩa hòa bình và muốn cái hạnh phúc sanh tồn trên thế giới” và kêu gọi ai có lòng bác ái, có nghiên cứu Phật học xin tán trợ cho tờ báo[9]; Mục thứ hai, Nước ta ngày nay cần phải chấn hưng Phật giáo của sư Thiện Chiếu. Từ việc làm rõ các nguyên nhân làm cho Phật giáo Việt Nam suy yếu, sư đã đứng ra kêu gọi chấn hưng Phật giáo bằng cách lập Phật học viện và Phật học thư xã để đào tạo tăng tài, chuyên về giáo nghĩa, lập các công trường, nông trường chuyên về thực nghiệp; Mục thứ ba, Kính cáo các sư cụ của Tân thanh niên. Tác giả bài viết cho rằng, Phật pháp thịnh hay suy là do người xuất gia mà trách nhiệm trước hết là của các sư cụ trụ trì ở các chùa là đống lương của Phật pháp, quy giám của hậu côn phải chống đỡ Phật pháp và tiếp dẫn hậu lại trở thành những tăng đồ có học. Tác giả kêu gọi: “Các sư cụ là đại biểu của giáo hội, có lẽ cũng biết tự trọng, mà sớm trả lời cho chúng tôi bằng cách thực hành”; Mục thứ tư, Kính cáo các tín đồ của Tân thanh niên phân biệt thế nào là xuất gia, tại gia; Mục thứ năm, Phật học vấn đáp của Pháp Linh; Mục thứ sáu, Bài diễn thuyết của ông Lương Khải Siêu tại Phật giáo Tổng hội nước Tàu do Bác Ái dịch; Mục thứ bảy ghi lại Một buổi hội nghị tại chùa Linh Sơn của Huệ Thanh; Mục thứ tám, Chương trình hoạt động của Phật hóa Tân thanh niên.

Đáng tiếc Phật hóa Tân thanh niên, tờ báo tiếp sức cho nguyệt san Pháp Âm cũng chỉ ra được một số phải đình bản vì không xin được giấy phép xuất bản.

Tờ báo thứ ba là Từ Bi Âm - cơ quan ngôn luận của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học được Toàn quyền Đông Dương là René Robin (lúc này ông đang tạm quyền thay cho Pasquier) cấp giấy phép hoạt động vào ngày 31/4/1931[10]. Số đầu tiên ra mắt vào ngày 1/1/1932 (tờ báo này do Phạm Ngọc Vĩnh xin giấy phép sau đó giao lại cho Hội). Chủ nhiệm tòa soạn là Hòa thượng Khánh Hòa, chủ bút là Hòa thượng Bích Liên, phó Chủ bút là Hòa thượng Liên Tôn; Chư vị Trí Độ, Thiện Dung, Giác Nhật, Nhật Chánh,... làm Trợ bút. Tòa soạn đặt tại chùa Linh Sơn, 149 đường Douaumont (nay là đường Cô Giang, Quận 1, Tp. HCM). Tạp chí được in tại nhà in Nguyễn Văn Của, dung lượng 3 số đầu 60 trang, từ số 4 trở đi còn 53 trang, sau đó tiếp tục giảm xuống. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình về mặt tài chính của các mạnh thường quân là hội viên Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học nên Từ Bi Âm đã phát hành được mỗi tháng 2 số.

Mục đích ra đời của Từ Bi Âm là “Đem đạo lí của nhà Phật bày giải ra bằng chữ Quốc văn để hầu phổ thông cho khắp mọi người được hiểu rõ[11].

Nội dung của Từ Bi Âm ở hai số đầu gồm 7 mục, từ số 3 trở đi có từ 8 đến 10 mục như: Luận về triết lí nhà Phật, Luân lí nhà Phật, (hai mục này chủ yếu đăng những bài viết về triết lí Phật giáo qua thế giới quan, nhân sinh quan con người; những bài giải nghĩa về lời Phật dạy, nhằm giúp tín đồ nắm bắt được giáo lí đạo Phật từ cơ bản đến nâng cao...); Phiên dịch kinh Phật (đăng tải các bài dịch về kinh, luật và luận, chiếm số lượng trang nhiều nhất và đăng nhiều kì liên tiếp); Lịch sử nhà Phật (đăng tải các bài viết về sự tích đức Phật Thích Ca, sự tích các vị Bồ Tát, các vị Tổ sư Tây Thiên, tiểu sử các vị cao tăng đương thời...), Thời sự (đăng tải các tin tức hoạt động của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học, tin tức Phật sự ở các nơi, thỉnh thoảng xuất hiện một số bài viết phê phán các nhà sư vì không giữ được giới nghiêm mà phải hoàn tục...), Tiểu thuyết (đăng tải các câu chuyện như: dưới chân Phật, Hiếu nghĩa cảm phật, Tưởng Phật có Phật... Mục đích là giải thích giáo lí nhà Phật và từ đó để răn dạy các tăng ni, Phật tử chuyên tâm tu hành và thực hành hạnh bố thí, cứu độ chúng sinh), Văn uyển (đa phần đăng các sáng tác thơ, thỉnh thoảng có những bài ca, phú)... Những tác giả đóng góp nhiều công sức cho tạp chí Từ Bi Âm trong thời kì đầu có chư vị hòa thượng Khánh Hòa, Giác Nhiên, Bích Liên, Trí Độ, Liên Tôn, Thiện Dung, Giác Nhật, Nhật Chánh... Sau này có thêm sự cộng tác của hòa thượng Thiện Minh, Giảng Trai, Đạo Tế, Chánh Niệm, ni sư Diệu Minh, Diệu Tu...

Sau khi hòa thượng Khánh Hòa thôi làm chủ nhiệm (1933), Hòa thượng Trí Độ ra Huế làm Đốc giáo An Nam Phật học đường (1935), hòa thượng Liên Tôn về Bình Định làm Giáo thọ Phật học đường Long Khánh (1937), Hòa thượng Bích Liên ra Đà Nẵng làm chủ nhiệm tạp chí Tam Bảo (1937) thì chất lượng tờ Từ Bi Âm cũng bị giảm sút. Nhất là khi các cuộc bút chiến giữa Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học với các Hội Phật giáo khác ở Nam Bộ như Lưỡng Xuyên Phật học, Hội Phật học Kiêm Tế bùng nổ thì nội dung đăng tải của Từ Bi Âm càng nghèo nàn, chủ yếu là các bài diễn âm và diễn nghĩa kinh sách Phật giáo. Thậm chí, có số phải dùng bài vở cũ, hoặc phải in những bản kinh đã dịch sẵn. Tờ Từ Bi Âm tồn tại đến tháng 8/1945 với 235 số thì đình bản.

Mặc dù vậy, sự ra đời của Từ Bi Âm đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp hoằng dương Phật pháp và thúc đẩy sự nghiệp chấn hưng Phật giáo Việt Nam tiến lên phía trước. Chúng ta có thể bắt gặp nhiều bài viết có giá trị trên Từ Bi Âm phản ánh công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Nam Bộ vào giai đoạn này như: Chánh Quả, “Nguyên nhân Phật pháp suy đồi”, số 70, năm 1934; Thành Đạo, “Cách hành động của Phật giáo nước ta tại sao không hợp nhất”, số 6, năm 1932; Huệ Không, “Bàn sơ về việc thành lập Phật học hội”, số 69, năm 1934; Thiện Dũng, “Những điều hi vọng đối với Phật giáo đồ trong xứ Nam Kì”, số 76, 77, 78, năm 1935; Trần Nguyên Chấn, “Cách sắp tuyển cử giáo tông của Hội Lưỡng Xuyên Phật học có chánh đáng không”, số 82, năm 1935; Hoài Liên cư sĩ, “Ý kiến đối với cách tổ chức tuyển cử giáo tông của Hội Lưỡng Xuyên Phật học”, số 82, năm 1935; Trang Quảng Hưng, “Vài ý kiến đối với Phật giáo hội”, số 96, năm 1935...

Bên cạnh đó, sự ra đời của Từ Bi Âm đã tạo nên diễn đàn sinh hoạt Phật học đầu tiên dành cho ni giới với các bài viết như: Đối với nữ lưu hiện thời - chị em chúng ta có nên ghé mắt dến không của ni Diệu Ngôn (số 100); Đôi lời thỏ thẻ của ni Diệu Tu (số 110); Bàn về vấn đề hoằng dương Phật pháp về bên nữ giới (số 115, 116, 117) của ni Diệu Minh... Trong đó đáng chú ý nhất là các bài viết của ni Diệu Tịnh[12]. Ni chính là người đi tiên phong trong việc kêu gọi nữ giới xóa bỏ tâm lí mặc cảm, tự ti, xây dựng tinh thần tự lực, tự cường và tích cực tham gia gánh vác sự nghiệp chấn hưng Phật giáo. Trong bài diễn văn đọc tại chùa Linh Sơn, ni Diệu Tịnh đã nhấn mạnh rằng: “Chị em trong xã hội này, nào tín nữ, nào ni lưu phải tề tâm nhất trí mà lọ sự trùng hưng Phật giáo nước nhà thì lợi ích biết bao. Nếu hiện nay nữ lưu ta không nhớ ơn Phật tổ, không mẫn niệm chúng hậu côn, chẳng chịu ra thi hành cái chủ nghĩa kia cho cấp tấn, mà đành tai ngơ mắt lấp, riêng hưởng thú an nhàn, thì thương hại cho Thích nữ ngày sau, kiếp kiếp, đời đời bị giam hãm trong cái khuôn quỷ táo. Tội lỗi ấy nơi ai? Mấy lời tâm huyết xin hỏi chị em ni lưu ta[13].

Tu Bi Am 3Từ Bi Âm
 Tác giả:Chủ Nhiệm: HT. Lê Khánh Hòa - Chủ Bút : HT Bích Liên

Tờ báo thứ tư là Bồ Đề Tạp chí - Cơ quan ngôn luận của Hội Phật học Tương Tế được Toàn quyền René Robin cấp giấy phép xuất bản vào ngày 29/4/1935[14]. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính nên mãi đến năm 1936, Hội mới chính thức đi vào hoạt động bằng việc thành lập Phật học trường và xuất bản tạp chí. Số ra đầu tiên vào ngày 15/8/1936, tòa soạn đặt tại chùa Thiên Phước, Sóc Trăng, in tại nhà in Lí Công Quận (Sóc Trăng), khổ 240x155mm. Chủ nhiệm tòa soạn là Lê Phước Chí, Quản lí là Trần Phong Ngàn, thư kí là Nguyễn Quang Diệu. Mục đích đích ra đời của tạp chí là để, “đem hết năng lực mà tuyên truyền chủ nghĩa của Phật giáo cho xứng với thời cơ, hợp với chân lí, cho quý vị thiện tín rõ được lí thuyết trong Tam tạng giáo hải của Phật tổ ban truyền, hầu một ngày kia chứng được nhất chân pháp giới... Bồ Đề tạp chí này cốt để phổ thông chánh giáo và bảo tồn truờng Phật học [15].

Báo xuất bản mỗi tháng một kì, có giá bán là 0.20$. Số đầu tiên dày 12 trang, và số thứ hai dày 50 trang. Các cây bút chủ lực của tạp chí là Huệ Quang, Lê Phước Chí, Huệ Tâm, Diệu Tu, Đạo Ngạn... Nội dung gồm có các mục như: Bồ Đề luận, Kinh điển, Phật học, Đáp từ, Diễn Đàn, ý kiến phụ nữ, Xã thuyết, Thanh niên và Phật giáo, Tin tức, Văn thơ, Chuyện vắn cửa thiền... Đáng chú ý, những vấn đề bất đồng nảy sinh trong quá trình chấn hưng Phật giáo giữa các tổ chức Phật học, giữa các cá nhân đương thời đã được các cây bút của Bồ Đề tạp chí mạnh dạn lên tiếng phản đối. Như bài Đôi lời thỏ thẻ của ni Diệu Tu đã viết rằng: “Trong mấy năm nay, các ngài đứng ra xướng lập hội Phật giáo này, xuất bản tạp chí nọ thì tiện ni cứ tưởng cái mĩ ý của các ngài cho Trung hiệp với Bắc, Bắc hiệp với Nam, ba kì hiệp lại một nhà mà làm cho dây đoàn thể ngày càng khăng khít, nền Phật giáo ngày càng mở mang. Dè đâu các ngài không lo đạo mà lo trả thù riêng, mượn tạp chí để rao lời hủy báng, nay thấy kể hội này, mai chê bai hội khác, mai thấy người viết báo nọ mắng nhiết kẻ viết báo kia, nào tiếng thị phi, nào lời bi thử, nào câu lăng nhục, hô hào inh ỏi, không khác gì giữa chốn thị trường[16]. Đồng thời, tạp chí Bồ Đề cũng kêu gọi chư tăng ni, Phật tử nêu cao tinh thần lục hòa để cùng nhau đồng tâm chí hướng chấn hưng Phật giáo: “Những người học phật không nên chấp sự bỏ lí, mà cùng không nên dùng lí, bỏ sự, ấy mới là sự lí viên dung, sự việc gì cũng đều chu tất... Đường xa gánh nặng phải cần bền chí hữu công mới đạt cái mục đích kĩ tha lượng lợi. Người trung giúp nước ắt phải quên mình. Các đấng nhiệt tâm vì đạo cần phải tạo tận ngã nhơn[17].

Tờ báo thứ năm là Duy Tâm Phật học - Cơ quan ngôn luận của Hội Lưỡng Xuyên Phật học được Toàn quyền Đông Dương là René Robin kí Nghị định số N604-S cho phép xuất bản vào ngày 5/7/1935. Báo dự kiến mỗi tháng ra 4 kì, nhưng thực ra thì chỉ được 1 số/tháng. Số đầu tiên được ấn hành vào ngày 1/10/1935[18]. Trụ sở báo đặt tại chùa Long Phước, Trà Vinh. Chủ nhiệm tòa soạn là Hòa thượng Huệ Quang, quản lí Nguyễn Văn Khỏe. Mục đích ra đời của tạp chí là nhằm: “Đem giáo lí cao thượng của Phật đà mà bày tỏ cho những người học Phật biết được cái mục đích học Phật của mình... Để cứu rỗi cái đời đảo điên thống khổ, cái tri thứ lu lờ, sửa đổi hết thảy những phong tục xấu xa, kiểu chánh các điều thành kiến dở dang của xã hội, mưu sao cho nhân loại yên vui, cõi đời bình tĩnh, từ chốn quê mùa đến nơi khai hóa được biết đến giáo lí huyền diệu cao siêu của Phật pháp[19].

Nội dung của tạp chí gồm 10 yếu mục: Biện Minh (sau đổi thành Thông Luận), Diễn Đàn, Chư kinh diễn nghĩa, Khai thị pháp môn (sau đổi thành Phật học nghiên cứu), Phật học thông tín, Đáp kí, Phật hóa hữu duyên (sau đổi thành Phật pháp luận đàm), Pháp uyển, Từ khảo, Phương danh độc giả. Tạp chí được in tại nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, mỗi số khoảng 55 đến 70 trang. Các cây bút chủ lực của tạp chí như: hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Võ Khánh Anh, Thích Mật Thể, Trần Huỳnh, Việt Liên Tử, Trần Văn Giác, Nguyễn Văn Khỏe, Như Trung, Thái Không, Ấn Tịnh... Tạp chí xuất bản đến số kép 53-54, ngày 6/7/1943 thì đình bản vì không có giấy in.

Sự ra đời của tạp chí Duy Tâm Phật học đã góp phần thúc đẩy không khí sinh hoạt Phật sự ở Nam Bộ lúc này. Bên cạnh các bài viết diễn giải kinh sách, giáo lí đạo Phật, Duy Tâm Phật học trong nhiều số ra liên tiếp đã cho đăng tải các bài viết phản ánh thực trạng Phật giáo Việt Nam cũng như kêu gọi chư tăng ni, Phật tử tích cực tham gia chấn hưng đạo pháp và tiến tới thành lập Phật giáo Tổng hội. Tiêu biểu như: Thiện Hảo, “Luận về chấn hưng Phật học ở nước ta”, số 5, 7, năm 1936; Thanh Tâm, “Phật giáo để nung đúc tinh thần dõng mãnh cho chúng sinh”, số 7, năm 1936; Thanh Tâm, “Ý nghĩa chấn hưng Phật giáo”, số 9, năm 1936; Lê Văn Xuân, “Chấn hưng và tương lai của Phật giáo”, số 9, năm 1936; Đoàn Minh Trí, “Phật giáo hiện thời”, số 16, năm 1936; Khánh Vân, “Phật giáo ở nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi”, số 18, năm 1937; Nguyễn Tân Tấn, “Tánh chia rẻ của người mình, các hội Phật học nên hiệp nhất”, số 18, năm 1937; Huệ Quang, “Vấn đề Phật học Tổng hội”, số 25, năm 1937; Chí Thiện, “Chấn hưng Phật giáo”, số 26, năm 1937; Ngô Đơn Quế, “Phải nhờ các bạn thanh niên cư sĩ thì công cuộc chấn hưng mới mau phổ cập”, số 27, năm 1937; Huệ Quang, “Cảm tưởng của tôi sau khi đọc xong bài Phật học Tổng hội”, số 28, năm 1938; Nguyễn Văn Khỏe, “Phật giáo vì sao cần phải chấn hưng?”, số 31, năm 1938; Duy Tâm, “Phật giáo Tổng hội”, số 32, 34, năm 1938; Tự Giác, “Phật học Tổng hội”, số 33, năm 1938; Duy Tâm, “Bàn về Phật giáo Tổng hội” (tiếp theo số 34), số 37, năm 1939...

Tạp chí Duy Tâm Phật học cũng đã dành một phần dung lượng trong các số để làm diễn đàn sinh hoạt Phật học cho các ni sư như: Thích nữ Diệu Hương với Lời thỉnh cầu lập Ni học đường, số 3 năm 1935; Huệ Giải với công tác diễn nghĩa Quán vô lượng Thọ kinh từ số 1 đến số 12, Phương thuốc trị khổ của Thanh Tuyết số 5, năm 1936; Cảm tưởng đối với Phật pháp tăng và tại gia tín ngưỡng của Nguyễn Thị Ngọc, số 7, năm 1936; Cái khổ của con người số 19, năm 1937; Cuộc hành trình nơi Phật địa của Nguyễn Thị Hai, số 19; Một điều có thể hiệp nhất của Huệ Chi, số 30, năm 1938; Ý kiến của Ni lưu của Thích Nữ Diệu Đường số 31, 32, năm 1938...

Tờ báo thứ 6 là Bác Nhã Âm - cơ quan ngôn luận của Hội Thiên Thai thiền Giáo tông - Liên hữu, được Toàn quyền Đông Dương cấp giấy phép xuất bản vào ngày 30/12/1935. Số đầu tiên phát hành vào ngày 15/3/1936. Tòa soạn đặt tại chùa Thiên Bửu, làng Hắt Lăng, Bà Rịa. Chủ nhiệm là cư sĩ Đỗ Phước Tâm (tự Minh Chánh)[20]. Khổ báo 240x155mm. Dự kiến mỗi tháng báo sẽ ra một số và biếu không cho hội viên. Tuy vậy, do điều kiện eo hẹp về kinh phí và khan hiếm bài vở nên báo ra thất thường. Năm đầu tiên phát hành được 4 số (1-4), năm tiếp theo 5 số (5-9), năm thứ 3 ba số (10-12), năm thứ 4 bốn số (13-16), năm thứ 5 ba số (17-19), năm thứ 6 hai số (20-21), năm thứ 7 hai số (22-23) thì đình bản. Các cây bút chủ lực của tạp chí như Giác Quang, Pháp Bửu, Minh Nguyệt, Pháp Hiển, Minh Lí, Đỗ Phước Tâm...

Nội dung của tạp chí chủ yếu chuyển tải giáo lí nhà Phật, các bài thơ mang ý nghĩa khuyên tấn con người bỏ ác làm lành, xây dựng nền đạo đức Phật giáo với các chuyên mục cơ bản như: Phật học, Lai cảo, Tin tức, Phương danh các độc giả mua tạp chí, Ai điếu... Thỉnh thoảng xuất hiện một số bài viết kêu gọi tinh thần chấn hưng Phật giáo của Giác Quang, Pháp Bửu... Đặc biệt, tờ báo cũng đã cho đăng tải các bài viết lên án chiến tranh, kêu goi hòa bình để xóa bớt đau thương cho dân chúng. Tiêu biểu là hòa thượng Thích Minh Nguyệt, trước nguy cơ của Chiến tranh thế giới thứ hai đang đe dọa các nước, Ngài đã nêu lên trăn trở của mình rằng: “Thế giới hiện nay đương bồng bột phấn khởi cái thảm khốc về nỗi chiến tranh mấy triệu lương dân của các dân tộc, mặc dù không thù khích nhau, chỉ vì cái quan niệm sâu ác của kẻ có thế lực trong một quốc gia gây nên mà phải xô xát đẫm giẫm nhau, chẳng những biến máu non xương mà không khí oán sầu của nhơn loại đang phiêu diêu giữa vũ trụ kết nên cái thảm họa bi oan” [21].

Tờ báo thứ bảy là Ánh sáng Phật pháp. Ngày 9/11/1932, Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học được Đốc lí Khâm sứ Legros cho phép thành lập chi hội tại Nam Vang theo Nghị định số 307, Hòa thượng Nguyễn Phát Phước là Chi Hội trưởng và trụ sở đóng tại chùa Kim Chương[22]. Sự ra đời của chi nhánh này là tiền đề để năm 1934, Hội Phật học Cao Miên được thành lập tại chùa Thanh Quang - Phnom Penh, do Trần Văn Phép làm Hội trưởng, Khâm sứ Silvestre và Richard làm Hội trưởng Danh dự. Ngày 23/9/1937, Thủ hiến Đông Pháp đã kí nghị định số 2235, cho phép xuất bản tạp chí Ánh sáng Phật pháp, tòa soạn đặt tại Sùng Phước Tự, quản lí là Đinh Văn Khương chủ nhiệm Phan Văn Minh, thư kí Tô Kim Phước. Số đầu tiên ra mắt vào ngày 1/1/1938. Tôn chỉ của Ánh sáng Phật pháp là nhằm để hướng theo gương từ bi, hỉ xã của đức Phật, độ người bất phân tôn ti thượng hạ, không chia giai cấp xã hội, không bênh mình bỏ người, cũng chẳng nói bổn ban hay ngoại quốc, chỉ biết chúng sanh là quyến thuộc để mong cầu độ tận là được thỏa mãn. Mục đích là “đem cái giáo lí của đấng Chí tôn mà phơi bày cho các nhà học Phật, xướng minh cái chánh pháp để cải chánh những chỗ sai lầm, chỉ mong nhân loại quần sanh mau khỏi khổ,... từ chốn thôn quê đến miền thị tứ cho được thấu lí vô thường pháp mầu của Phật[23]. Tạp chí xuất bản mỗi tháng một kì, tại nhà in Đức Lưu - Phương, số 158 rue d'Espagne (Lê Thánh Tôn ngày nay), Sài Gòn.

Các cây bút đắc lực là Hàng Tâm, Nhân Tâm, Chánh Tâm, Huệ Bảo, Minh Đạo, Minh Tú... Nội dung chủ yếu là đăng tải các bài viết khảo cứu về Phật giáo như Vì sao phải tu Phật, Phật pháp vì chúng sinh, Thực trạng Phật giáo,... mục Phật giáo vấn đáp, Luận giải, Phương tiện, Văn uyển và Bố cáo. Bên cạnh đó, tạp chí cũng đã cho thành lập Ban dịch thuật kinh điển do Hòa thượng Hộ Tông làm Trưởng ban biên tập. Ban này gồm các thành viên: thầy Sáu Hoa, thầy Ba Lí, ông Phán Nghiêm, ông Trần văn Long (Phán Long), ông Phán Lai, ông Phán Ngọt, ông Phán Huê, kinh sư Tô Kim Phước, ông Dương Văn Phát, kinh sư Lí Văn Ngữ, và ông Trương Phong Vĩnh. Phật giáo Nguyên thủy ở Việt nam có kinh sách dồi dào để phổ biến tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy như hiện nay là nhờ có sự hoạt động của ban dịch thuật này.

Ánh sáng Phật pháp có thể được xem là tờ báo đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam. Và nếu xét đến sự vận động chấn hưng thì Hội Phật học Cao Miên cũng chính là tổ chức đầu tiên của phái bộ Tiểu thừa đứng ra vận động cải cách Phật giáo Nguyên Thủy. Đề cập đến thực trạng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX, Hội Phật học Cao Miên cho rằng: “Giáo lí chơn chánh đã trụy lạc, tà thuyết đầy dẫy, Phật pháp bị trỗn lẫn với những cái không phải là Phật pháp, nên không làm cho người tín ngưỡng đặng sáng suốt, mà trái lại làm cho mê muội tối tăm. Những người mẫn thế ưu thời cho tôn giáo là thuốc độc của quốc dân cũng không phải quá đáng”. Do vậy, muốn chấn hưng Phật giáo, tất cả thiện tín phải học hỏi cho biết luật xuất gia thế nào, để mắt luôn đến quý vị Tì khưu cho biết luật tại gia thế nào, để hành theo, nhất là bổn phận người tu Phật phải làm sao. Nếu được vậy thì Phật pháp sẽ trùng hưng[24]; muốn chấn hưng Phật giáo, người tu phải luôn tìm cách nâng cao giáo lí của đức Phật. Bao giờ giá trị Phật pháp được cao tột thì dễ bề xu hướng cho tất cả quốc dân. Người tu Phật ai cũng có bổn phận đối với Phật pháp. Phần tín đồ ngoài việc trau dồi phẩm hạnh, phải hằng lo việc cúng dường đến chư tăng; lo việc trùng tu ngôi Tam bảo, ấn tống kinh sách mà các đại đức diễn dịch cho được phổ thông, nhất là phải hết lòng kính trọng tăng già vì các ngài là bậc học rộng thấy xa và nghiêm trì giới luật. Tăng già được kính trọng thì Phật pháp mới hưng thịnh. Đối với Tì khưu là đấng thay mặt cho đức Phật phải hết lòng vì đạo, tâm linh phải trau dồi trong sạch, chuyên cần học hỏi những diệu lí cao siêu của Phật pháp hầu để tự giác đến giác tha. Trong việc tu hành phải trọn lòng tinh tấn hằng chú tâm vào việc hoằng pháp độ sanh, lại phải luôn luôn chăm nom cái sở hành của mình cho đúng theo tôn chỉ tối cao của đức Thế tôn, để đạt mục đích tế độ quần sanh cho thoát vòng khổ não. Hội nhấn mạnh thêm rằng: “Trong tăng già, hàng Tì khưu đúng đắn, có giá trị cao thì thiện tín mới có chỗ nương nhờ, như vậy Phật pháp mới có thể quản độ sinh linh. Muốn cho Phật pháp được xướng minh người tu Phật xuất gia, tại gia phải luôn nâng cao giá trị của mình[25].

Tờ báo thứ tám là Pháp Âm Phật học - cơ quan ngôn luận của Hội Tĩnh độ Cư sĩ được phép xuất bản vào cuối năm 1936[26]. Trụ sở báo đặt tại chùa Hưng Long (Sài Gòn). Số đầu tiên ra mắt vào ngày 1/1/1937. Chủ nhiệm là Lê Văn Hậu, chủ bút là cư sĩ Trần Huỳnh. Trong những số đầu tiên, Pháp Âm Phật học đã nêu cao tinh thần chấn hưng Phật giáo và lên án chiến tranh đã gieo rắc đau thương cho con người. Tuy nhiên, từ số 7 (7/1937) trở đi, Pháp Âm Phật học ủng hộ lập trường thiên tả của Tiến Hóa, là “phải huỷ bỏ hình thức đầu tròn áo vuông của tăng sĩ, thiết lập tân tăng như Nhật Bản, tham gia vào cách mạng xã hội[27], đồng thời chủ trương thủ tiêu hết các chế độ tài sản tư hữu mới có thể tạo được tinh thần vô ngã của nhà Phật một cách hữu hiệu,... nên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đông đảo tăng ni, Phật tử. Vì tình hình kinh tế đất nước lúc này gặp nhiều khó khăn nên độc giả Pháp âm Phật học ngày một ít đi. Tháng 9/1938, Tạp chí Pháp Âm Phật học buộc phải đình bản, phát hành được 16 số.

Tờ báo thứ 9 là Tạp chí Niết Bàn - cơ quan ngôn luận của Hội Thiên Thai Thiền giáo tông được Thống đốc Nam Kì phê chuẩn Nghị định số 2466 cho phép xuất bản vào ngày 19/7/1933[28]. Toà soạn đặt tại số 27, đường Verdun, Sài Gòn (nay là đường Cách mạng tháng Tám, phường Bến Nghé, quận 1)[29]. Mục tiêu ban đầu là mỗi tháng xuất bản hai kì. Số đầu tiên ra mắt vào ngày 1/10/1933. Giá báo một năm 2$50, sáu tháng 1$30, mỗi số 0$12. Người có công trong việc vận động cho phép tờ tạp chí này ra đời là Phạm Ngọc Thố. Chủ nhiệm là hòa thượng Huệ Đặng chùa Thiên Thai, Quản lí là Nguyễn Văn Lượng. Nội dung của tạp chí này chủ yếu hướng đến việc phổ biến giáo lí của Hội Thông thiên học, một tổ chức nghiên cứu về tôn giáo toàn cầu do Helena Blavatsky (người Nga) và Henry Steel Olcott (người Mĩ) thành lập ở Hoa Kì. Tạp chí này phát hành từ 1933 đến 1938 được 93 số thì đình bản. Đến tháng 5/1948, tạp chí bắt đầu tái bản và phát hành được thêm 15 số thì đình bản vào tháng 8/1949 vì lí do tài chính.

Tờ báo thứ mười là Tạp chí Tiến hóa - Cơ quan ngôn luận của Hội Phật học Kiêm Tế được Thống đốc Nam Kì là Pagès cho phép xuất bản vào đầu ngày 1/1/1938, tại chùa Tam Bảo - Rạch Giá. Chủ bút là Phan Thanh Hà, Chủ nhiệm tòa soạn là Đỗ Kiết Triệu, Quản lí Lâm Võ Du, Cố vấn là sư Thiện Chiếu. Báo được in tại nhà in Đông Phương, Chợ Lớn. Nội dung chủ yếu gồm các mục: Xã thuyết, Du kí, Diễn đàn, Triết học thường thức, Y học, thời cuộc, Công việc nội bộ. Mục đích ra đời của Tiến Hoá là để tuyên bố cho đọc giả biết rằng tờ báo không những đã đang và sẽ “tuyên truyền” cho nền giáo lí Phật học mà còn “tuyên truyền” cho bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm chúng sanh hết khổ được vui. Theo Tiến Hoá, những học thuyết nào có tính cách từ bi, lợi lạc thì đều được Tiến Hoá công nhận là “Phật pháp”.

Điểm nổi bật của tạp chí Tiến Hóa là đăng tải nhiều bài viết phản ánh thực trạng tăng ni, Phật tử sa vào con đường cờ bạc, thanh sắc hay tăng già không giữ đúng thanh quy, từ đó, chủ động đưa ra các chương trình chấn hưng Phật giáo. Theo Tiến Hóa: “Muốn chấn hưng Phật giáo, chúng ta phải học cách tổ chức Phật giáo của Nhật. Hiện thời, vì hoàn cảnh riêng của xứ này, các hội Phật chúng ta chưa có thể nhất thời tổ chức một cách hoàn thiện như của người, thì ít nữa phải cần kíp thi hành trước nhất mấy việc sau này, chúng tôi xin đề nghị: Lập trường sơ đẳng và tiểu học; Lập Viện dục anh và Nhà thí thuốc; Cải cách tăng già[30]. Tiến Hóa cũng tích cực ủng hộ việc tăng ni, Phật tử đương thời kêu gọi thành lập Phật giáo Tổng hội: “Trước khi luận việc này, chúng tôi rất đồng tình cái vấn đề Phật giáo Tổng hội do Phật giáo hội Nam Vang đề xướng... Trong phép Lục Hòa, duy có một cái Lợi hòa đồng quân (tài sản phân chia đồng đều), chúng tôi thấy nó quan hệ hơn hết. Nếu nó mà giải quyết được trong giờ phút nào, thì Phật giáo Tổng hội sẽ thực hiện ngay trong giờ phút ấy. Rồi bao nhiêu sự nghiệp từ thiện cũng sẽ theo đó mà thực hiện.. Tổ chức nền tài sản công cộng là cái điều kiện căn bản đi tới Phật giáo Tổng hội[31].

Bên cạnh các luận điểm nêu trên, tạp chí Tiến Hóa cũng đã đưa ra nhiều chủ trương cải cách Phật giáo đi ngược lại với truyền thống của đạo Phật Việt Nam. Đơn cử như việc loại bỏ hình thức đầu trọc, áo vuông của các tăng sĩ, thiết lập tân tăng như ở Nhật Bản và tham dự vào cách mạng xã hội. Điều này đã tạo nên những cuộc bút chiến căng thẳng giữa Hội Phật học Kiêm tế với các tổ chức Phật học đương thời. Năm 1941, tạp chí này đình bản. Nguyên nhân là do các nhân vật chủ chốt của Hội như “hòa thượng Trí Thiền, sư Thành Đạo, một số cư si trong Ban biên tập và cây bút chủ lực là Thiện Chiếu bị bắt hoặc có nguời bị cầm tù vì tham gia khởi nghĩa Nam Kì[32].

Tờ báo thứ mười một là Phật pháp chỉ Niết bàn xuất bản tại Sài Gòn vào ngày 18/12/1941, do Hồ Ngọc Sung làm Tổng Biên tập. Mục đích chính của tờ báo này là: “Chúng tôi có lòng sùng tu Phật pháp nên mới xây dựng ra tạp chí Phật pháp chỉ Niết bàn, đem ra chân lí của Phật pháp thuở xưa, là một cái nền văn chương cũ phô bày chỗ hay, chỗ khéo, văn xưa cũng có giá trị vậy. Chúng tôi muốn cống hiến cho đời đặng mà diệt lần các thống khổ uu sầu, thảm não của mỗi nguời[33] (Hiện chúng tôi chưa nắm rõ được thông tin cụ thể về trụ sở của báo, phát hành được bao nhiêu số và đình bản vào lúc nào).

Tờ báo thứ mười hai là Từ Quang Phật học - Cơ quan ngôn luận của Hội Phật học Nam Việt xuất bản lần đầu tiên vào ngày 13/5/1951. Trụ sở đặt tại chùa Khánh Hưng, hộ 6, xóm Hòa Hưng, Sài Gòn. Năm 1958, sau khi nhượng chùa Phước Hòa để làm chi nhánh cho Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt di cư vào thì tọa soạn được dời về chùa Xá Lợi, 89 Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn. Báo được in tại nhà in Hòa Chánh, 16 Cống Quỳnh, Sài Gòn. Chủ nhiệm toà soạn là Hoà thượng Thích Quảng Minh, Trưởng ban biên tập là Hoà thượng Trí Nghiêm, phó Trưởng ban và kiêm Thư kí là Nhật Liên, quản lí Phạm Văn Vi. Năm 1953, Ban biên tập tạp chí đã được bổ sung lên 10 thành viên gồm chư vị Huyền Dung, Quảng Minh, Thiện Hòa, Thiện Hoa, Nhật Liên, Trí Thiền, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Viên Pháp, Minh Tuấn, Tống Hồ Cầm. Mục đích ra đời của tạp chí là: “Thể theo lòng từ bi của đức Phật, tập san này sẽ cố gắng đem lại sự an lạc đến cho những tâm hồn bị tham, giận, mê, si lung lạc, dày vò. Một an lạc chân thật vì nó không nhờ giàu sang mà có, rồi tại nghèo hèn mà mất. Một an lạc hồn nhiên trong sạch vì không điểm một chút bụi trần, không bị một dục vọng hay một tình thế nào làm dơ bẩn[34]. Ban đầu, Ban Trị sự Hội Phật học Nam Việt dự định ba tháng sẽ xuất bản một kì. Tuy nhiên đến số thứ 5 thì lại ra hàng tháng và tồn tại đến ngày 15/4/1975 với 265 số.

Nội dung của tạp chí phong phú và đa dạng đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của Đạo Phật và xoay quanh các trục chính như: nghiên cứu các vấn đề về Phật học (lịch sử phật giáo, lí giải giáo lí, định hướng tu hành...), diễn dịch kinh sách Phật học như Ưu Bà Tắc giới, Kinh thủ Lăng nghiêm, Nhập trung Luận....; trang gia đình Phật tử (từ số 17 trở đi); Phật giáo vấn đáp, Phật học dị giải, Danh từ Phật học, Thơ văn; Tin tức thời sự - Phật giáo trong và ngoài nước. Số 1 đến 5 khoảng 60 tờ/số. Từ số 6 trở đi thì khoảng 45-50 tờ. Các cây bút chủ lực của Từ Quang là Quảng Chiếu, cư sĩ Bồ Đề Tâm, Quảng Liên, Chánh Quang, Minh Đức, Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Trí Chơn, Tống Hồ Cầm, Nhật Quang, Thiện Hoa, Nhật Liên...


tap chi Anh Sang Phat PhapTap chi Bat Nha Amtap chi Bo De Tap Chitap chi Duy Tam Phat Hoctap chi Niet Bantap chi Phap Amtap chi Phat hoa Tan Thanh Nientap chi Tu Bi Amtap chi Tu Quang




KẾT LUẬN

Như vậy, có thể nhận thấy rằng, ba nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong nửa đầu thế kỉ XX là Lập Phật học đường; Việt hóa kinh sách Phật giáo; xây dựng hệ thống tổ chức và chấn chỉnh quy cũ thiền môn để từ đó, đưa Phật giáo Việt Nam đi đến thống nhất. Và sự ra đời của báo chí Phật giáo tại Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung đã góp phần giải quyết tốt các mục tiêu này. Trước tiên, Báo chí Phật giáo ra đời đã góp phần đưa hệ thống kinh sách, giáo lí Phật giáo đã được Việt hóa đến với tăng ni, Phật tử cũng như quần chúng nhân dân yêu mến đạo Phật. Nếu trước đây, kinh sách chủ yếu bằng chữ Hán nên các tín đồ nhà Phật khó có thể tiếp cận và thấu hiểu một cách toàn diện thì đến giai đoạn này, họ đã hiểu rõ hơn về những giá trị của đạo Phât. Đi cùng với báo chí, hệ thống giáo dục Phật giáo ra đời đã góp phần thúc đẩy tinh thần thực học, thực tu đến tăng ni, Phật tử. Nhất là việc phổ biến các chương trình đào tạo đã giúp cho các nhà lãnh đạo chấn hưng Phật giáo có thêm điều kiện để tham khảo cũng như hoàn thiện cách thức giáo dục của tổ chức mình. Trong giai đoạn chấn hưng, mô hình giáo dục do Hội An Nam Phật học ở Huế xây dựng có thể được xem là tiêu biểu nhất. Và thông qua Tạp chí Viên Âm, Hội Phật giáo Bắc Kì cũng như Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã tiếp cận được với mô hình này. Nếu như ở miền Bắc, Ban trị sự Hội Phật giáo Bắc Kì sau khi cử người vào tham quan thực tế đã cho xây dựng một chương trình giáo dục tương tự Hội An Nam Phật học thì ở trong Nam, Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã tin cậy và gửi các học tăng ưu tú nhất (Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hiển Không...) ra Huế theo học tại Phật học Viện Tây Thiên. Báo chí và trường học đã tạo nên sự thống nhất trong cách nói, các viết bằng chữ Quốc ngữ và hình thành nên một kho tàng kinh sách vô cùng phong phú và đa dạng. Thứ ba, dù chưa đạt được tiếng nói đồng thuận trong vấn đề thành lập Phật giáo Tổng hội, nhưng các cuộc bút chiến, bút đàm trên Từ Bi Âm, Duy Tâm Phật học, Tiến Hóa,... đương thời đã góp phần lí giải nhiều nhiều phương diện khác nhau của đạo Phật, qua đó, thúc đẩy sự nghiệp chấn hưng Phật giáo tiến lên phía trước. Quan trọng hơn, thông qua các bài viết này, các tổ chức Phật học đương thời đã nhận thấy được những mặt mạnh, mặt hạn chế của chính mình để từ đó kiện toàn công cuộc chấn hưng cũng như thúc đẩy Phật giáo Việt Nam đi đến thống nhất vào năm 1951. Và đây cũng chính là một bước ngoặt vô cùng to lớn của Phật giáo Việt Nam. Bàn về vấn đề này, Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã viết: “Sự ra đời của Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã đưa các hoạt động của Phật giáo lên một tầm cao mới, phát triển với một chiều rộng mới. Từ Bắc chí Nam, phong trào chấn hưng được mọi nơi tiếp nhận nồng hậu, khiến cho phạm vi hoạt động ngày càng bành trướng, lấn áp một phần nào uy thế của những chi phái tạp nham[35]. Sau khi Tổng hội ra đời, Phật giáo Việt Nam với những đường hướng và phương thức hoạt động mới đã làm cho người người đều bộc lộ một niềm tin chí thành. Niềm tin ấy đã tạo nên động lực mới cho sự phát triển, và điều đó được biểu hiện rõ ở lĩnh vực truyền thông - báo chí Phật giáo.

 



[1] TS. Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội, Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.



CHÚ THÍCH

[1] Do khuôn khổ của bài viết nên chúng tôi không đề cập đến những tác động của bối cảnh khu vực cũng như quá trình ra đời của báo chí Phật giáo ở các quốc gia theo đạo Phật đối với sự ra đời của báo chí Phật giáo Việt Nam.

[2] Các tờ báo ra đời trong giai đoạn này như: Đông Dương Tạp chí; Trung Bắc Tân văn (1913); Pháp Việt Thông báo (1914); Công luận, Tân đợi Thời báo (1916), An Hà Báo (An Hà Nhựt Báo), Nam Phong Tạp chí, Nam Trung Nhựt báo, Nam Việt Tề gia (1917), Đại Việt Tạp chí; Đèn Nhà Nam, Nữ Giới chung, Quốc dân Diễn đàn, Thời Báo (Sài Gòn) (1918), Nam học Niên khóa; Quan Báo (1919); Học báo (Hà Nội), Nam Kì Kinh tế báo, Sư phạm Học khoa, Thực nghiệp Dân báo (1920); Hữu Thanh Tạp chí, Khai Hóa (Khai hóa Nhật báo) (1921); Công luận, Nam thành, Nhựt Tân báo, Việt Nam Thanh niên Tạp chí (1922)...

[3] Thích Mật Thể (1960), Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức tái bản và phát hành, Huế: 223.

[4] Thiện Quả (1936), “Đôi lời cùng ông phó nhì hội trưởng Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học”, Tiếng Chuông Sớm, số 16: 13.

[5] Khánh Vân (1937), “Phật giáo ở nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi?”, Duy Tâm Phật học, số 18: 304.

[6] Khánh Hòa (1937), “Người mượn chữ lục hòa cách đây mươi năm về trước”, Duy Tâm Phật học, số 16: 230.

[7] Nguyễn Đại Đồng (2008), Lược khảo Báo chí Phật giáo Việt Nam (1929 - 2008), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội: 13 - 19.

[8] Phật hóa Tân Thanh niên (1929), số 1, trang bìa cuối.

[9] Ban biên tập (1929), “Ai là người lo đời, thương đời, muốn làm việc cho đời?”, Phật hóa Tân Thanh niên, số 1: 3.

[10] Dương Thanh Mừng (2016), “Sự hình thành các mô hình tổ chức giáo hội trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam Việt Nam (1931 - 1951)”, trong Việt Nam học: Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn, NXb. Đại học Quốc gia Tp. HCM.

[11] Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học (1932), “Mục đích của Từ Bi Âm”, Từ Bi Âm, số 1: 6.

[12] Các bài viết tiêu biểu của ni Diệu Tịnh đăng trên Từ Bi Âm như: “Lời than phiền của một cô vãi”, số 27/1933, “Cái án ngụy truyền Chánh pháp”, số 73/1935, “Nên tổ chức trường Phật học để giáo dục phụ nữ không?”, số 148/1938...

[13] Diệu Tịnh (1935), “Bài diễn văn hôm ngày đại hội của Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, số 79: 43.

[14] “Le Gouverneur général de l'Indochine commandeur de la légion d'Honneur”, (1936), Bồ Đề Tạp chí, số 2: 1.

[15] Hội Phật học Tương Tế (1936), “Đôi lời kính cáo”, Bồ Đề Tạp chí, số 2: 2.

[16] Diệu Tu (1936), “Đôi lời thỏ thẻ”, Bồ Đề Tạp chí, số 2: 45-46.

[17] “Bài diễn văn đọc lúc khai mạc Hội Tương Tế Phật học”, Bồ Đề Tạp chí, số 2: 23 - 24.

[18] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Đôi lời thanh minh”, Duy Tâm Phật học, số 1, trang phụ bìa.

[19] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Biện minh chí hướng Duy Tâm Phật học”, Duy Tâm Phật học, số 1: 4 - 5.

[20] Bát Nhã Âm, số 1, 1936, trang bìa đầu.

[21] Minh Nguyệt (1940), “Một nguyên nhân sẽ đưa thế giới và nhân sanh vào con đường tuyệt diệt”, Bác nhã Âm, số 17: 14.

[22] “Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học được phép thành lập nhánh tại Nam Vang là kinh đô xứ Cao Miên”, (1933), Từ Bi Âm, số 25: 42 - 43.

[23] Hội Phật học Cao Miên (1938), “Ánh sáng Phật pháp chủ nghĩa”, Ánh sáng Phật pháp, số 1: 7 - 8.

[24] Hội Phật học Cao Miên (1938), “Chấn hưng Phật pháp”, Ánh sáng Phật pháp, số 4: 110 - 111.

[25] Hội Phật học Cao miên (1938), “Nâng cao Phật pháp”, Ánh sáng Phật pháp, số 6: 180 - 181.

[26] Cơ cấu tổ chức của Hội này gồm: Hội trưởng là Lương Văn Đường, phó Hội trưởng là Nguyễn Văn Sang, Thư kí là Trần Văn Nhân, Thủ quỹ là Lê Văn Chim, Cố vấn là Vương Thới Trí và Lại Văn Giáo.

[27] Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội: 16.

[28] Hội Phật giáo Bắc Kì Cổ sơn môn (1936), “Thiên thai thiền giáo tông Liên hữu Hội gửi bài cải chính”, Tiếng Chuông sớm, số 16: 45.

[29] “Giới thiệu”, (1933), báo Khoa học, số 57: 26.

[30] Tiến Hoá số 3, 1938: 67 - 69.

[31] Tiến Hoá số 5, 1938: 141 - 144.

[32] Nguyễn Đại Đồng (2008), Luợc khảo báo chí Phật giáo..., Sđd: 98.

[33] Phật pháp chỉ Niết bàn (1941), số 1, trang phụ bìa.

[34] Hội Phật học Nam Việt (1951), “Lời nói đầu”, Từ Quang Phật học, số 1: 2.

[35] Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2011), Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội: 25.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Bài diễn văn đọc lúc khai mạc Hội Tương Tế Phật học”, Bồ Đề Tạp chí, số 2.

2. Ban biên tập (1929), “Ai là người lo đời, thương đời, muốn làm việc cho đời?”, Phật hóa Tân Thanh niên, số 1.

3. Bát Nhã Âm, số 1, 1936, trang bìa đầu.

4. Nguyễn Đại Đồng (2011), Lược khảo Báo chí Phật giáo Việt Nam (1929 - 2008), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. “Giới thiệu”, báo Khoa học, số 57, 1933.

6. Khánh Hòa (1937), “Người mượn chữ lục hòa cách đây mươi năm về trước”, Duy Tâm Phật học, số 16.

7. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Biện minh chí hướng Duy Tâm Phật học”, Duy Tâm Phật học, số 1.

8. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Đôi lời thanh minh”, Duy Tâm Phật học, số 1.

9. Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học (1932), “Mục đích của Từ Bi Âm”, Từ Bi Âm, số 1.

10. “Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học được phép thành lập chi nhánh tại Nam Vang là kinh đô xứ Cao Miên”, Từ Bi Âm, số 25, 1933, tr.42-43.

11. Hội Phật giáo Bắc Kì Cổ sơn môn (1936), “Thiên thai thiền giáo tông Liên hữu Hội gửi bài cải chính”, Tiếng Chuông sớm, số 16.

12. Hội Phật học Cao Miên (1938), “Ánh sáng Phật pháp chủ nghĩa”, Ánh sáng Phật pháp, số 1.

13. Hội Phật học Cao Miên (1938), “Chấn hưng Phật pháp”, Ánh sáng Phật pháp, số 4.

14. Hội Phật học Cao miên (1938), “Nâng cao Phật pháp”, Ánh sáng Phật pháp, số 6.

15. Hội Phật học Nam Việt (1951), “Lời nói đầu”, Từ Quang Phật học, số 1.

16. Hội Phật học Tương Tế (1936), “Đôi lời kính cáo”, Bồ Đề Tạp chí, số 2.

17. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội.

18. “Le Gouverneur général de l'Indochine commandeur de la légion d'Honneur”, Bồ Đề Tạp chí, số 2, 1936.

19. Dương Thanh Mừng (2016), “Sự hình thành các mô hình tổ chức giáo hội trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam Việt Nam (1931 - 1951)”, trong Việt Nam học: Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn, NXb. Đại học Quốc gia Tp. HCM.

20. Minh Nguyệt (1940), “Một nguyên nhân sẽ đưa thế giới và nhân sanh vào con đường tuyệt diệt”, Bác nhã Âm, số 17.

21. Phật hóa Tân Thanh niên (1929), số 1.

22. Phật pháp chỉ Niết bàn (1941), số 1.

23. Thiện Quả (1936), “Đôi lời cùng ông phó nhì hội trưởng Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học”, Tiếng Chuông Sớm, số 16.

24. Thích Mật Thể (1960), Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức tái bản và phát hành, Huế.

25. Tiến Hoá số 3, 1938, tr.67-69.

26. Tiến Hoá số 5, 1938, tr.141-144.

27. Diệu Tịnh (1935), “Bài diễn văn hôm ngày đại hội của Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, số 79: 43.

28. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2011), Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

29. Diệu Tu (1936), “Đôi lời thỏ thẻ”, Bồ Đề Tạp chí, số 2.

30. Khánh Vân (1937), “Phật giáo ở nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi?”, Duy Tâm Phật học, số 18.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/06/2018(Xem: 10835)
Khoảng tháng 3 vừa rồi, Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác (Đức Quốc) gởi cho chúng tôi bản final cuốn Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa với lời dặn dò: viết Lời cuối sách. Đọc thư Thầy, chúng tôi vô cùng băn khoăn, lo lắng và hơi bị “ngộp” dưới cái bóng quá lớn và ảnh hưởng rộng khắp của Thầy. Chúng tôi “ngại” vì biết Thầy có nhiều mối quan hệ thân thiết với các bậc tài danh khắp nơi. Ngược lại, chúng tôi chỉ là kẻ sơ học nhiều mặt mà lại dám chắp bút viết Lời cuối sách này? Chúng tôi rất đắn đo trước cái vinh dự to lớn ấy, trước cái trách nhiệm nặng nề này. Nhưng rồi anh Văn Công Tuấn nhiều lần “trấn an”, khích lệ. Và rồi, lại nghĩ rằng, Thầy Như Điển có lòng ưu ái, thương tưởng và muốn tạo điều kiện cho chúng tôi trong bước đầu tập tễnh học Phật. Xin cung kính niệm ân Thầy; và cũng qua đây kính mong quý vị độc giả thông cảm và lượng thứ cho những thiếu sót và non nớt không sao tránh khỏi, dù đã có nhiều
21/03/2018(Xem: 17405)
Chúng ta đang ở vào năm thứ 18 của Thế Kỷ 21 và chỉ còn 82 năm nữa nhân loại sẽ bước vào Thế Kỷ 22. Có rất nhiều biến động của thế kỷ trước mà chúng ta đã quên mất rồi. Nhân dịp về hưu rảnh rỗi tôi lục lại cuốn Biên Niên Sử Thế Kỷ 20 (Chronicle of the 20th Century) để xem nhân loại phát minh ra những gì, chịu những thống khổ, những vui buồn như thế nào và có bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa các đế quốc. Sự thực phũ phàng của 118 năm qua là, một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng có vũ khí tối tân và bộ máy quân sự khổng lồ vẫn có thể bá chủ thế giới và biến các quốc gia to rộng gấp mười lần mình thành nô lệ. Do đó muốn tồn tại trong độc lập, ngoài phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, lúc nào cũng phải tăng cường binh bị, vũ khí cho kịp đà tiến triển của nhân loại. Sách lược ngoại giao cũng là một vũ khí nhưng sức mạnh quân sự của một quốc gia là loại vũ khí vững chắc nhất.
18/03/2018(Xem: 6525)
(Lắng lòng viết về đêm thắp nến 50 năm tưởng niệm và cầu nguyện cho nạn nhân biến cố Mậu Thân-Huế 1968-2018, tổ chức tại TTVHPGPV ngày 10.03.2018) Một thời máu lửa đạn bom Quê hương tang tóc, hồn hoang tru gào Từng trang sử, đẫm lệ trào Ngày im tiếng súng nghẹn ngào gọi nhau! (Một Thời-Tâm Không Vĩnh Hữu)
29/01/2018(Xem: 5954)
Nữ sĩ Huỳnh thị Bảo Hòa với “Bà Nà du ký” Châu Yến Loan
29/01/2018(Xem: 15481)
Nhà Chu (1122-256 Tr TL), triều đại kế tiếp nhà Hạ (2205-1767 Tr TL), nhà Thương (1766-1122 Tr TL), là triều đại cai trị lâu dài nhất so với bất cứ triều đại nào khác trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Chu có gốc từ một bộ tộc ở đất Thai (Thiểm Tây), sau chuyển về đất Bân (Thiểm Tây). Khi Cổ Công Đản Phủ (sau được phong là Chu Thái Vương) dời về đất Bân (tỉnh Thiểm Tây), đất Bân thường bị địch xâm lấn ở không yên mới bỏ đất Bân, vượt núi Lương đến định cư dưới chân núi Kỳ Sơn. Thái Vương có ba người con, trưởng là Thái Bá, thứ là Trọng Ung, con út là Quý Lịch. Nhiều sách nói không biết Thái Bá tên là gì, nhưng theo thứ tự trong gia đình gọi trưởng là thái hay mạnh, thứ là trọng cuối là quý thì ông tên là Bá (Thái Bá), hai em ông người tên là Ung (Trọng Ung), người út tên là Lịch (Quý Lịch).
01/01/2018(Xem: 42306)
Đại Bảo tháp Phật giáo cổ xưa Nelakondapalli ở huyện Khammam đang ở giai đoạn cuối của việc tu sửa. Với kinh phí khoảng 6 triệu Rupee, Cục Khảo cổ học và Bảo tàng đã thực hiện công việc để Đại Bảo tháp khôi phục lại vinh quang ban đầu và để bảo tồn kiến trúc cổ xưa này cho hậu thế. Di tích Phật giáo này, tọa lạc cách thị trấn Khammam khoảng 22 km, là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của bang Andhra Pradesh. Đại Bảo tháp đồ sộ, vốn đã tồn tại qua nhiều thế kỷ của sự hao mòn, đang được tu sửa sau khi cư dân và các sử gia địa phương nhiều lần cầu xin để bảo tồn di tích lịch sử có tầm quan trọng lớn lao về khảo cổ học này. Cục khảo cổ học cho biết loại gạch đặc biệt được đặt làm cũng như các vật chất kết nối tự nhiên đã được sử dụng để tăng cường cho cấu trúc của Đại Bảo tháp. (bignewsnetwork – April 18, 2015)
15/11/2017(Xem: 9588)
Phật Giáo Hoa Tông theo dòng lịch sử - HT Thích Thiện Nhơn
23/09/2017(Xem: 25534)
The Vietnam War - Chiến Tranh Việt Nam (Trọn bộ 10 tập), đạo diễn: Ken Burns và Lynn Novick - Buổi ra mắt và thảo luận về phim “The Vietnam War” đêm thứ Ba 12/9 của hai đạo diễn Mỹ nổi tiếng về các phim tài liệu có giá trị lịch sử: Ken Burns và Lynn Novick diễn ra tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Kennedy ở thủ đô Washington. Dẫn đầu cuộc thảo luận, ngoài hai nhà đạo diễn và MC là ký giả Martha Raddatz của chương trình tin tức đài ABC, còn có 3 khách mời đặc biệt, Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cả 3 đều là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam.
14/08/2017(Xem: 4590)
Trong những năm trở lại đây, công tác nghiên cứu về phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đã và đang đạt được nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt, khi bàn về quá trình vận động cũng như sự ra đời của phong trào này, các tác giả như Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Đại Đồng, Lê Tâm Đắc,... đã giành nhiều thời gian khảo cứu và đề cập thông qua các công trình và bài viết tiêu biểu như: Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỉ 20, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954), Sư Tâm Lai và việc vận động chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, Những người đầu tiên khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam...
02/07/2017(Xem: 6188)
Tôi viết “Chấn hưng Phật giáo Việt Nam” không phải từ một nhà học giả, nhà nghiên cứu, mà từ trái tim. Tôi lớn lên dưới nhịp thở mái chùa, dưới bóng Từ Bi, Trí Tuệ và Hùng lực của Đức Phật. Và đây là những gì tôi từng được học hỏi, từng nghe thấy và từng cảm xúc tận đáy lòng. Lịch sử đất nước và lịch sử Phật giáo Việt Nam không thể nào quên những bậc Tăng già chống thiền trượng kiến lập những triều đại vàng son thịnh trị. Chúng ta không thể nào không nhớ đến những bậc tiền bối nhìn thấy sự suy đồi Đạo Pháp mà lên tâm nguyện chấn hưng Phật giáo Việt Nam; không thể nào không nhớ đến cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức mà ngọn lửa, trái tim đã thành hào quang và sự bất diệt trong lòng dân tộc, nhân loại. Chúng ta không thể nào quên hình ảnh chư tôn Hòa thượng trưởng lão khi bước xuống đường, nói vào một chính quyền tàn bạo rằng: tăng ni và phật tử Việt Nam nhất quyết bảo vệ đạo - pháp bằng con đường dân tộc, bất bạo động.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]