Khi tôi được mời phỏng vấn Ajahn Brahm trong thời gian Thầy viếng thăm Hong Kong mới đây, tôi hết sức vui mừng trước viễn cảnh được gặp lại Thầy. Cô bạn Cathy và tôi đến hành lang khách sạn của Thầy trước 15 phút, nhưng Thầy đã sẵn sàng chờ đón chúng tôi với nét mặt rạng rỡ trong chiếc y màu vàng đất và nụ cười tỏa sáng. Thầy làm tôi nhớ đến hình ảnh Đức Phật Cười (The Laughing Buddha = Phật Di Lặc ) vì Thầy có nụ cười tươi mát an bình và có cách diễn đạt tuyệt vời khiến cho những khái niệm khó khăn trở nên dễ hiểu; và Thầy luôn luôn có một câu chuyện để kể cho người nghe.
Tôi đang tìm cách nhấn mạnh đến vai trò của kỹ thuật trong cuộc phỏng vấn này, nên tôi hỏi Thầy: “ Chúng ta đang sống trong một thế giới kỹ thuật cao, nơi mà các công ty kỹ thuật đang nắm tất cả các dữ liệu riêng tư của chúng ta, chúng ta có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng từ điện thoại thông minh của mình, và chúng ta có thể tiếp cận các món ăn tinh thần tự chọn hầu như vô giới hạn, tuy vậy chúng ta thường phải lệ thuộc vào những trang thiết bị ấy để giúp cho cuộc sống của chúng ta được dễ chịu hơn. Thế nào là sự cân bằng đúng mức khi chúng ta đưa các trang thiết bị ấy đi vào cuộc sống của chúng ta, nếu có sự việc như vậy ?”
Đúng như phong cách kể chuyện của Thầy, Thầy đã trả lời bằng một câu chuyện : “Một thầy giáo hỏi một cậu bé học sinh 11 tuổi rằng em muốn làm việc gì khi lớn lên. Cậu bé trả lời ngay rằng em muốn trở thành chiếc iPhone hoặc iPad. Thầy giáo ngẩn người bối rối hỏi tại sao. Cậu bé trả lời : “ Em muốn trở thành chiếc iPhone hoặc iPad để ba mẹ dành nhiều thời giờ hơn cho em. Ba mẹ em luôn luôn cầm chiếc iPhone hay iPad trong tay và mỗi lần em muốn nói chuyện với ba mẹ thì ba mẹ nói em chờ vài phút để ba mẹ gởi xong tin nhắn hay email, nhưng rồi ba mẹ không bao giờ có thời giờ dành cho em. Nếu em là chiếc iPhone hay iPad thì ba mẹ sẽ luôn luôn ở bên em.”
Câu chuyện nghe rất gần gũi với đời thường trong gia đình khiến tôi và Cathy đều cùng gật đầu . Tôi nhìn vào tất cả các thiết bị hiện có trước mặt chúng tôi và cảm thấy nhói lên một cảm giác tội lỗi vì đã hành động giống như cha mẹ cậu bé kia. Câu chuyện của Thầy đã chiếu ánh sáng vào vấn đề chúng ta kết nối với nhau như thế nào, nhưng lại cách ly nhau như vậy. Thầy công nhận kỹ thuật đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống chúng ta, nhưng chúng ta cần dừng lại và suy nghĩ đến cái giá chúng ta phải trả. Kỹ thuật đã mang con người khắp thế giới đến gần nhau hơn, nhưng đáng buồn thay là nó đã cách ly chúng ta với những người thân thương gần gũi nhất.
Thầy nói về đề tài của một hội nghị ở Sillicon Valley vài năm trước đây nhan đề “ Cách Ly để Kết Nối ”. Các giám đốc điều hành Silicon Valley rất quan ngại về số lượng thời giờ con cái họ đã dùng để dán mắt vào các màn hình. Họ biết tác hại của việc này trên não bộ đang phát triển của trẻ em, và họ đang áp dụng chính sách khắt khe về “ thời lượng qui định dành cho màn hình”, đôi lúc họ đã ngăn cấm hoàn toàn trong một thời gian dài.
Thật thú vị khi đây chính xác là đề tài mà tôi đã được đề nghị phát biểu tại một sự kiện về kỹ thuật cao sắp diễn ra, vì vậy tôi xem đây là một cơ hội tuyệt vời để hỏi Thầy sâu hơn về vấn đề này. Chính xác là chúng ta cách ly như thế nào ?
“ Chúng ta cần những khu vực không có phủ sóng Mạng Không Dây (WiFi ) để chúng ta có thể hoàn toàn cách ly” , Thầy giải thích, đảo ngược lại ý tưởng thông thường về khu vực phủ sóng Mạng Không Dây . “ Cần thực hiện việc giải độc kỹ thuật số. Đó là sự nghiện ngập đang gây tổn hại cho chúng ta theo những cách mà chúng ta không thể đo lường được ngay lúc này. Vấn đề đáng lo ngại đối với bất cứ sự nghiện ngập nào nếu nó hiện hữu ngay trước mắt bạn là bạn cần có sức mạnh ý chí để nói ‘không’ với nó. Bạn có thể nói ‘không’ một vài lần, nhưng rồi bạn phải nói ‘ ừ ’ chỉ một lần để nhận được kỹ thuật cao. Như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra một môi trường giúp chúng ta xa lánh sự cám dỗ. Chúng ta cần có tinh thần kỷ luật tự giác nghiêm túc, kết hợp với việc tạo ra những khoảng không gian, một môi trường trong đó sự lệ thuộc của chúng ta vào kỹ thuật không có điều kiện để phát sinh.
Thầy nói tiếp , “Sự lệ thuộc của chúng ta vào kỹ thuật đã đạt đến mức độ nghiêm trọng, não bộ của chúng ta đang được điện thoại thông minh thay thế. Chúng ta khó nhớ được các số điện thoại, chúng ta không còn đọc nhiều như trước kia, chúng ta không đầu tư thời gian và công sức để tìm kiếm thông tin, chỉ cần bấm nút là mọi thứ đều đã sẵn sàng cho chúng ta sử dụng. Chúng ta muốn thỏa mãn ngay tức khắc, và điều này có thể đưa đến sự suy sụp của chúng ta.”
Tôi hiểu chính xác những gì Thầy nói. Quả thật là chúng ta đang thay thế não bộ của mình bằng các thiết bị điện tử. Chúng ta đã được cảnh báo, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta quan tâm đến những lời cảnh báo đó ?
Tôi đề cập đến việc kỹ thuật cũng đã giúp mọi việc trở nên thuận tiện cho chúng ta như thế nào. Tôi nói về khả năng hành thiền với chiếc điện thoại thông minh và lúc này chiếc iPhone đã được trang bị một ứng dụng gọi là ‘thời gian mở màn hình’ để giúp chúng ta tự điều hành. Với rất nhiều cơ cấu điều khiển được cài đặt sẵn, chúng ta không tiến bộ hơn với kỹ thuật hay sao ?
Thầy nhắc lại việc một sinh viên 21 tuổi đã chỉ cho Thầy thấy rằng anh ta có thể dễ dàng đặt mua trên Mạng một khẩu súng AK-47 như thế nào: “ Giống như bất cứ chuyện gì khác, mọi việc đều có mặt lợi và hại của chúng. Vì thế, tùy mỗi cá nhân tự mình theo dõi và áp dụng kỷ luật tự giác. Nhưng chúng ta phải tạo ra môi trường thuận lợi cho việc áp dụng sự tự chế. Kỹ thuật có thể tuyệt vời, vấn đề là chúng ta sử dụng kỹ thuật như thế nào để tạo nên sự khác biệt. Chúng ta cần phải hiểu vai trò của kỹ thuật và không để cho nó thay thế sự kết nối với con người.”
Nói thêm về đề tài kết nối và cách ly, Thầy nhận xét rằng chúng ta cũng cần hình dung ra những gì chúng ta muốn kết nối. Nếu chúng ta luôn luôn kết nối với các thiết bị điện tử thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng của thế giới bên ngoài và cảm thấy không hài lòng. Thầy đề nghị chúng ta nên kết nối với bạn bè, gia đình và với thiên nhiên. Thiên nhiên có cách giúp quân bình và xoa dịu chúng ta. Chúng ta cần dành nhiều thời gian ở bên ngoài với thiên nhiên, cây cỏ, mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Thiên nhiên có rất nhiều thứ để ban tặng cho chúng ta nếu chúng ta sẵn lòng đón nhận. Chúng ta cần rời xa màn hình và học cách thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên – đối với sự an vui của mình, chúng ta cần phải cách ly và kết nối lại với nội tâm của chính mình.
Thầy tiếp tục về đề tài kết nối, nhấn mạnh rằng Thầy rất yêu thích chia sẻ những buổi nói chuyện trực tiếp với thính giả sẵn lòng muốn nghe. Thầy không thuyết pháp, Thầy chỉ chia sẻ, và Thầy thấy rất khó để nói chuyện thật sâu sắc nếu thính giả không hòa mình đón nhận những gì thầy cần chia sẻ. Thầy tin rằng người nghe cần mở lòng đón nhận trước khi người nói có thể chia sẻ.
“Khi con người cùng nhau hòa điệu thì năng lượng được tạo ra thật đẹp. Nếu kỹ thuật có thể thay thế được sự tương giao giữa con người, tại sao chúng ta vẫn đi dự những buổi hòa nhạc kích động, những buổi Pháp thoại hay những sự kiện thể thao ? Chúng ta làm như vậy bởi vì con người vẫn muốn tiếp xúc với nhau, muốn nhìn nhau, chúng ta muốn có cảm giác thân hữu, một cảm giác hòa nhập với mọi người. Chúng ta muốn kết nối giữa người với người. Sự lạnh lùng của màn hình không thể nào thay thế cảm giác ấm áp trong mối tương giao giữa con người.”
Để khám phá tác động của kỹ thuật đối với xã hội một cách sâu xa hơn, tôi ghi nhận rằng trong lúc Phật giáo giảng dạy giáo lý ‘vô ngã’ ( Skt; anatman, Pali : anatta ), cũng giống như hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới, Phật giáo cũng duy trì lập luận rằng đời sống con người có một phẩm giá cốt lõi quan trọng. Tôi hỏi Thầy :” Có phải điều này đang có nguy cơ bị kỹ thuật xâm phạm và có thể làm thay đổi cơ bản quỹ đạo của đời sống – như là kỹ thuật đông lạnh xác người ( để rồi một ngày nào đó trong tương lai sẽ ‘ đánh thức họ dậy’ ( cryogenics ), hay là kỹ thuật thay đổi các cơ phận con người bằng cách cấy ghép các bộ phận nhân tạo ( cybernetic modifications) ? Chúng ta nên vạch đường ranh giới từ đâu, giữa những kết quả chưa được chứng nghiệm và đầy kịch tính này, với những qui trình và thuốc men đã được tin cậy, rõ ràng là đã giúp cải thiện an sinh của con người, như các thuốc chủng ngừa và phẫu thuật ?
Dĩ nhiên, Thầy có thể xác định trường hợp này rất rõ ràng: “ Giả sử bạn có một chiếc xe rất cũ, bạn yêu chiếc xe này và không chịu xa lìa nó. Chiếc xe không còn chạy, vì thế bạn quyết định bỏ ra một số tiền rất lớn để ‘đông lạnh’ nó. Một vài thập niên sau, bạn lấy chiếc xe cũ ấy ra, lúc đó bạn có còn muốn chiếc xe cũ ấy nữa không? Có lẽ là không. Thế thì tại sao chúng ta lại muốn giữ lại cái gì đó sau khi nó đã hết hạn sử dụng ? Phật giáo tin vào sự tái sinh – không cần phải giữ lại cái thân xác cũ kỹ của bạn khi bạn luôn luôn có thể có được một thân xác mới.”
“ Đối với giáo lý ‘vô ngã’ của đạo Phật, người ta không nên sử dụng giáo lý này như một cái cớ để sống buông lung phóng dật thiếu đạo đức. Cũng như người ta không thể nói” Tôi không là ai cả, Chúa sinh ra tôi để làm việc này”, chúng ta không thể ẩn núp sau khái niệm ‘vô ngã’ và giả vờ cho rằng hành động của chúng ta xảy ra ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Mọi người phải chịu trách nhiệm về ý nghĩ, lời nói và hành động của mình. Mọi người đều muốn được tôn trọng, yêu thương và được chấp nhận. Là con người nghĩa là có sự tương tác trong tình thương và lòng bi mẫn. Điều này không có nghĩa là làm tổn thương người khác trong lúc ẩn núp đằng sau khái niệm ‘vô ngã’ hay Chúa. Là con người, chúng ta phải tôn trọng và yêu thương lẫn nhau để sống một cuộc đời có ý nghĩa trọn vẹn .”
Sources: Buddhistdoor Global - Features : Science and Technology
Kính mời xem tiếp tác phẩm của
Thiền Sư Ajahn Brahm do GS Trần Như Mai dịch