Tổng quan về Phật giáo Thế giới
Phật giáo là tên gọi giáo pháp của Đức Phật Cồ-Đàm, thường được các tín đồ gọi là Phật pháp. Được thành lập bởi Đức Phật Thích Ca (560-480 TTL) ở miền Bắc Ấn Độ, sau đó được Hoàng đế A Dục chấp nhận là quốc giáo rồi đem vào Tích Lan và các nước lân cận, Phật giáo phát triển nhanh chóng ở Đông phương và cuối cùng trở thành tôn giáo có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
1) Các điểm nổi bật của Phật giáo
Bởi vì Phật giáo phát triển tại các xứ Á Châu, người Tây phương đương nhiên nhìn nó qua lăng kính văn hóa và tâm lý của riêng họ. Các điểm hấp dẫn của Phật giáo là chủ trương thực nghiệm của Đức Phật, hướng đi tâm linh thực tế và đa dạng. Lý thuyết về tâm lý con người đặt nền tảng trên trách nhiệm cá nhân rất thích hợp với chủ nghĩa cá nhân của Tây phương. Những giáo thuyết về luân lý, lòng bi mẫn và ý chí lợi tha rất tương đồng với truyền thống Do-thái Cơ-đốc giáo Tây phương. Khái niệm về nghiệp, luật nhân quả trong cả hai lãnh vực tâm lý và trách nhiệm cá nhân cũng rất phù hợp với định luật tác động và phản tác động của khoa học. Và đường hướng theo chủ nghĩa kinh nghiệm phổ cập của Phật giáo được tâm hồn người Tây phương chấp nhận. Tuy nhiên, đồng thời Phật giáo cũng có những yếu tố tương phản với cốt lõi văn hóa Tây phương.Trong khi Đức Phật dạy là hạnh phúc có thể tìm được qua sự tiết chế dục vọng, văn hóa Mỹ (đại diện cho Tây phương) lại dạy là hạnh phúc nằm trong sự thỏa mãn lòng mong cầu. Trong khi Tây phương dạy lòng tự quyết và sự theo đuổi ham muốn, Phật giáo dạy xả kỷ và lợị tha. Có sự đối chọi giữa khuynh hướng thoát tục của Phật giáo và khuynh hướng nhập thế của người Mỹ hiên đại. Ngay cả trong Phật giáo cũng có sự đối kháng giữa hai hướng đi thiền định và học tập giáo lý, trong tất cả các tông phái.
Phật giáo rất bao dung, đó là điểm luôn luôn thu hút người Tây phương. Phật giáo có kho giáo lý (rất tốt) nhưng không bao giờ muốn cưỡng ép hay lên lớp người khác. Người ta cũng rất ngưỡng mộ hệ thống công lý của Phật giáo, theo đó thì ai gieo nhân nào sẽ gặt quả đó. Thiện chí sẽ được tưởng thưởng và ác ý sẽ bị trừng phạt đích đáng. Hệ luân lý cao thượng của Phật giáo được nhiều người tán thán. Không ai có thể bài bác giá trị của Bốn Sự Thật và Con Đường Bát Chánh.
Yếu tố quan trọng nhất của Phật giáo được diễn tả trong nhiều kinh điển Đại thừa như kinh Pháp Hoa và kinh Hoa Nghiêm. Đó là Đức Phật không phải chỉ cứu vớt chúng sanh rồi sau đó để họ đóng vai trò phụ thuộc hay phục tùng - mà thật ra tâm nguyện của Ngài là giúp đỡ họ thành Phật, nghĩa là bằng như Ngài không khác. Đây là ưu điểm có tính cách mạng và duy nhất của Phật giáo, không thấy có trong các tôn giáo khác.
2) Chi nhánh và Truyền thống
Nhánh Phật giáo
Bởi vì mỗi môn phái và giáo pháp đều là phương tiện thích ứng với một nhóm người, chúng chỉ hoàn hảo đối với các đối tượng đó, tại một thời điểm nào đó. Hãy xem qua lời bình của ngài D.T. Suzuki: "Thần học Phật giáo có lý thuyết bao gốm nhiều loại kinh nghiệm trong Phật giáo có vẽ như mâu thuẫn với nhau. Thật ra, lịch sử Phật giáo Trung quốc là một chuỗi các cố gắng nhằm dung hòa những trường phái đối kháng nhau. Có nhiều cách phân loại và dung hòa được đề nghị ... đã đi đến kết luận là: Phật giáo mở cho ta nhiều cánh cửa đi vào chân lý, bởi lẽ có nhiều loại người, nhiều loại tánh người và môi trường khác nhau do sự sai biệt về nghiệp quả. Điều nầy được chính Đức Phật nêu lên và Ngài dạy rằng chỉ cùng một loại nước mà bò cái uống vào thành sữa ngọt trong khi rắn hổ mang uống vào thành nọc độc chết người – cho nên vị lương y phải cho thuốc tùy theo bịnh. Đây là thuyết "Phương tiện Thiện xảo." của Đức Phật..
3) Hiện tình Phật giáo
Thế kỷ 20 đem lại nhiếu biến chuyển quan trọng cho Phật giáo. Cộng Sản chiếm quyền đưa tới sự tàn phá rộng khắp, nhứt là cho các Tăng đoàn. Trước hết là ở phần Á châu của Liên bang Sô-viết và Mông cổ, rồi kế tiếp là Bắc Hàn, Trung Quốc, Tây Tạng, Việt Nam. Lào và Cao Miên. Các truyền thống Phật giáo đều bị hủy hoại (để rồi vào cuối thế kỷ niềm tin lại được tái sinh, Trung quốc là một trường hợp đáng chú ý). Khoảng thời gian nầy có sự phục hồi hoạt động và trở về đất đai đã bị chiếm đoạt từ lâu. Đáng chú ý là ở Nam Dương và Ấn Độ, Phật giáo đã tái hiện và hồi phục được sự ủng hộ của dân chúng. Đáng ghi nhận là Phật giáo ngày nay có nhiều môi trường phát triển mới. Ở Âu Châu, Phật giáo Nguyên thủy vào đầu thế kỷ đã thành lập, tuy còn ở qui mô nhỏ. Đại thừa Phật giáo ở hình thức Thiền đã thu phục được một số tín đồ đáng kể ngoài cộng đồng di dân Á Châu,.vào thập niên 1950, nhứt là tại Bắc Mỹ. Hoạt động đắc lực của các sư Tây Tạng lưu vong đã đem lại sự ủng hộ cho Phật giáo Tây tạng. Đầu thập niên 1980, đã có hàng trăm nhóm tín đồ và trung tâm Phật giáo rải rác khắp nơi trên thế giới Tây phương. Phần lớn những họat động nầy tuy còn ở qui mô nhỏ, nhưng khá nhiều trường hợp có cơ sở vững chắc.
Hình ảnh Phật giáo ở người Tây phương có khuynh hướng tập trung nơi sư đồng hóa cốt yếu với các lý tưởng cao đẹp của Phật giáo. Thường thì người Tây phưong chú trọng về tâm linh hơn là vấn đề tu tập qua luyện tâm và giới luật, hay giáo thuyết của các giảng sư. Kết quả sự tu tập được họ diễn tả là nhằm đạt được, trong đời nầy, một kinh nghiệm tâm linh trực tiếp. Nhưng đối với phần nhiều Phật tử Á châu, hình ảnh Phật giáo nầy chỉ là một phần nhỏ của những gì đến với tâm họ. Phật giáo là hơn nhiều so với thiền định, kiết hạ, tĩnh lặng và tu tâm - nhiều hơn tất cả những gì nêu lên bởi các triết gia và học giả. Mặt kia của Phật giáo có nhiều hình thức, nhưng nếu chỉ tập trung vào hai quyển kinh A Di Đà, ta có thể nói rằng xuyên qua lịch sử, hai bộ kinh nầy được trân trọng bởi rất nhiều Phật tử có niềm tin vào một số đức Phật siêu nhiên và trông cậy vào sự cứu độ của các Ngài. Như vậy, trong số người tự nhận là Phật tử, có những người hướng về một Đức Phật hay nhiều Đức Phật như là nguồn cảm hứng hay dẫn đạo - và có những người đặt căn bản đức tin và sự tu tập của họ trên sự cứu độ của các Đức Phật. Nếu chúng ta nói về hạng người sau, đây là lãnh vực của Phật giáo đức tin và phụng thờ, gọi là Tịnh độ tông - môn phái đang phổ biến và thành công nhất trong cộng đổng Phật giáo Á châu ."
Thích Phước Thiệt
(Phỏng dịch đề mục “Buddhism”, trong “The Seeker’s Glossary: Buddhism” – 22/3/19)