Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 01: Bối cảnh xã hội Trung Quốc trước khi Phật giáo du nhập

03/05/201319:25(Xem: 5010)
Chương 01: Bối cảnh xã hội Trung Quốc trước khi Phật giáo du nhập

LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC

(Từ thế kỷ thứ I sau CN đến thế kỷ thứ X)

Soạn giả: Viên Trí


Chương Một

BỐI CẢNH XÃ HỘI TRUNG QUỐC
TRƯỚC KHI PHẬT GIÁO DU NHẬP

I. Tổng quan về tình hình văn hóa, kinh tế, chính trị

Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại. Nó không chỉ độc đáo bởi chính sự hiện diện lâu đời của nó, mà còn tác động đến sự hình thành và phát triển màu sắc văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Tất nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển, văn minh Trung Hoa cũng tiếp xúc với nhiều nguồn văn minh của thế giới. Chính sự tương tác qua lại giữa chúng đã làm cho văn minh Trung Quốc trở nên phong phú và đa dạng. Ảnh hưởng nổi bật và sớm nhất của nguồn văn hóa bên ngoài đối với Trung Hoa cổ đại là sự giao thoa giữa hai nền văn minh tầm cỡ của thế giới, tức Ấn Độ và Trung Hoa. Có thể nói rằng sự hiện diện của Phật giáo trong vùng đất rộng lớn và đông cư dân này đã mở ra một bước ngoặt mới trong quá trình tồn tại và phát triển của Trung Hoa. Chính cuộc chinh phục của Phật giáo đã tạo ra một cuộc cách mạng tư tưởng trong mọi lãnh vực đời sống của nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, nhằm phục vụ cho mục tiêu của cuốn sách này, chúng ta chỉ nghiên cứu một cách ngắn gọn bối cảnh xã hội, tôn giáo của triều đại nhà Hán từ năm 206 T.CN[1] đến 220 S.CN[2] trước khi Phật giáo du nhập.

Về phương diện lãnh thổ, đế chế Hán tộc đóng đô ở đồng bằng phía Bắc Trung Hoa, nơi mà nền văn minh của đất nước này đã định hình hơn 1.500 năm trước đó. Trong khi ấy, nhiều thổ dân nằm trong sự kiểm soát của Hán triều sinh sống nơi vùng đất hoang vu rộng lớn ở phía Nam, dọc theo bờ sông Dương Tử và vùng hạ lưu của nó. Thuộc địa của người Hán kéo dài tận Bắc Đông Dương. Phía Tây và Tây Bắc của đế chế Trung Hoa là vùng sa mạc và đất đai hoang vu, nhưng Hán triều đã có ý đồ mở mang bờ cõi đến tận dải đất này bằng cả chiến tranh lẫn ngoại giao. Vạn Lý Trường Thành là mốc điểm phân chia lãnh thổ nhà Hán ở phía Bắc với một số nước thù địch. Nhà Hán cũng thiết lập một vùng thuộc địa trên tận vùng Đông Bắc của nó, gần với thủ đô Bình Nhưỡng ngày nay của Bắc Triều Tiên.
Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, vào thời nhà Hán, lãnh thổ Trung Hoa mở rộng rất nhiều; phía Bắc tới Mãn Châu, Triều Tiên; phía Nam đến tận Đông Dương Bắc Miến Điện; phía Tây đến Tây Tạng; phía Tây Bắc tới vùng Trung Á. Có thể nói rằng lãnh thổ Trung Quốc thời ấy to lớn hơn cả châu Âu thời nay.

Về tư tưởng chính trị, từ thời Tiền Tần trở về sau, theo học giả Nguyễn Hiến Lê[3], chính trị Trung Quốc có thể tóm gọn trong hai trường phái: hữu vi và vô vi. Hữu vi chủ trương can thiệp vào đời sống của người dân, và vô vi chủ trương không can thiệp vào đời sống của người dân. Phái hữu vi lại bao gồm hai phái là nhân trị và pháp trị. Chủ trương nhân trị, gồm các nhà chính trị như Khổng Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử..., cho rằng tư cách của người lãnh đạo, bao gồm đạo đức và năng lực, là quan trọng nhất. Trong khi ấy giới chủ trương pháp trị như Thương Ưởng, Hàn Phi..., cho rằng người cầm quyền không cần tư cách, vì nếu pháp luật nghiêm khắc, thưởng phạt công minh thì một người không có tài đức cũng có thể trị nước được. Hai phái này còn được gọi là Nho gia và Pháp gia. Vào thế kỷ thứ III T.CN, nhà Tần bảo trợ Pháp gia và ngược đãi Nho gia. Tuy vậy, sau một thời gian do dự Hán triều đã ưu đãi giới Nho học. Sự bành trướng của Nho giáo có thể được xem như là hệ quả từ cuộc tranh luận kéo dài hơn hai thế kỷ giữa hai phái Nho gia và Pháp gia, không chỉ trên bình diện triết học mà còn bao gồm mục tiêu chính trị. Chính cuộc tranh luận ấy đã đưa Nho học lên bục danh vọng gắn liền với cái tên bất tử của Khổng Tử.

Trật tự xã hội của triều đại nhà Hán căn bản được xây dựng trên hai tầng lớp xã hội. Sự phá sản của giai cấp quý tộc phong kiến được nhà Tần thống nhất lại; rồi sự sụp đổ của nhà Tần bằng cuộc nội chiến lâu dài đưa đến việc ra đời của nhà Hán, và quyền lực rơi vào tay giai cấp vô sản. Tầng lớp lãnh đạo nhà Hán, đa số xuất thân từ tầng lớp bình dân, là quyến thuộc của lực lượng nông dân và số tướng lãnh trung thành với họ. Đặc biệt, công chức trong bộ máy chính quyền của nhà Hán khắp Trung Hoa thời ấy bao gồm giai cấp địa chủ của các thời đại trước, hoặc số người nhờ ân huệ của triều đại mới qua việc buôn bán đất đai, nổi lên như là lớp người được ưu đãi nhất. Vì giàu có của cải và quyền lực và biết tập trung vào lãnh vực giáo dục, số người ấy trở thành tầng lớp ưu tú của thời đại. Họ làm việc và củng cố địa vị của mình bằng việc đào tạo những chuyên ngành như học sĩ, quan chức của triều đình... Họ tự biến mình thành lớp người bảo hộ quốc gia từ trung ương đến địa phương. Tầng lớp bị trị là nhân dân lao động, bao gồm nông dân và thợ thủ công, mà kế sinh nhai là nghề nông, buôn bán hoặc làm thuê v.v... Theo nghiên cứu của Arthur F. Wright[4], dân số Trung Hoa thời ấy vào khoảng 56 triệu người; trong khi ấy, theo thống kê của Lambard[5] vào đầu kỷ nguyên Tây lịch Trung Hoa có khoảng 57 triệu dân.

Về kinh tế, thời kỳ nhà Hán có một sự phát triển vượt trội. Hán Cao tổ khuyến khích nông nghiệp. Sau chiến tranh, quân đội được giải ngũ về làm ruộng, do vậy nhiều vùng đất mới được khai canh. Thuế nông nghiệp lại được giảm, thậm chí miễn cả thuế lợi tức, từ đó cuộc sống của người dân trở nên khá giả. Bên cạnh đó, nhờ kỹ thuật chế biến sắt thép phát triển, nông cụ được chế tạo tốt hơn, đưa đến hiệu quả tốt trong lao động và năng suất cao trong sản xuất. Nông dân thời đó đã biết cách luân canh. Nhờ kỹ thuật tiến bộ, họ chế tạo một kiểu xe để gieo giống, và một loại cối xay chạy bằng sức nước[6]. Công nghiệp đời Hán có nhiều bước cải tiến. Những cổ vật được ngành khảo cổ khai quật như sành sứ, gốm, lụa, sơn, vàng, bạc, đồng,... cho thấy được chế tạo khá tinh xảo. Hoạt động thương mãi cũng đầy màu sắc trong thời kỳ này. Ở trong nước, thương mãi phát triển nhờ chính sách của Hán Võ đế qua việc cho đúc nhiều tiền, mở nhiều đường giao thông. Trên những con đường khắp cả nước, các trạm thông tin liên lạc được thiết lập và quán xá ăn uống cũng như quán trọ qua đêm cũng được dựng lên. Thông qua những giao lộ ấy, việc trao đổi, buôn bán của ngành thương nghiệp phát triển nhanh chóng. Giao thương, buôn bán với ngoại quốc cũng là một điểm mạnh của thời kỳ nhà Hán. Ở phương Nam, ví dụ như Quảng Châu, nhiều thị trấn dọc theo bờ biển đã hình thành. Giới thương nhân ngoại quốc đã thiết lập mối quan hệ với người Hán qua những trung tâm buôn bán thịnh vượng. Theo Henri Maspero, người Trung Quốc chinh phục một số nước thuộc vùng Trung Á vào cuối thế kỷ thứ II T.CN[7], và việc trao đổi hàng hoá trực tiếp giữa người Trung Hoa và Bactriane, Parthie cũng như Ấn Độ thường diễn ra. Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là giới hoàng thân, quốc thích và hàng ngũ quan lại. Với đặc ân và sự bảo trợ của triều đình, cuộc sống của tầng lớp thượng lưu này càng ngày càng trở nên giàu có và xa xỉ. Họ xây dựng nhiều nhà cửa, lâu đài sang trọng với nghệ thuật điêu khắc, trang trí vô cùng công phu, phản ánh một cuộc sống có tổ chức và văn hóa cao.

II. Môi trường triết học và tôn giáo

Tôn giáo là một trong những hoạt động mang tính ý thức xã hội không thể thiếu của loài người. Nói khác đi, ở đâu có sự sống của con người, ở đấy có tôn giáo. Đối với Trung Hoa, tôn giáo lại có một vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử tồn tại và phát triển của nó. Từ nguyên thủy cho đến ngày nay, Trung Hoa luôn là một quốc gia có nhiều tôn giáo, từ loại tôn giáo bán khai cho đến tôn giáo cao cấp nhất. Trong xã hội nguyên thủy, Trung Quốc là một quốc gia theo học thuyết đa thần, vì lúc ấy chưa có một loại thần nào được quan niệm là chủ tể, lãnh đạo tối cao toàn thể thiên nhiên và xã hội. Song hành với các loại tín ngưỡng là sùng bái tổ tiên. Đây là một truyền thống thiêng liêng lâu đời có nguồn gốc từ quan niệm máu mủ, gia đình. Ban đầu, việc thờ cúng tổ tiên là nhằm củng cố quan hệ huyết thống, bảo đảm quyền thừa kế tài sản và phân phối quyền lợi. Dần dần khái niệm này được phát triển thành tín ngưỡng thiêng liêng, đặc biệt trong xã hội nô lệ và phong kiến. Sùng bái tổ tiên được giai cấp lãnh chúa phong kiến triển khai mạnh mẽ nhằm mục đích củng cố chế độ tông pháp. Họ khéo kết hợp chế độ tông pháp với việc thờ cúng tổ tiên thành một loại hình tôn giáo mang đặc tính Trung Quốc với nền tảng cốt lõi là “thần thánh không hâm hưởng thì không cùng loại, dân không tế tự thì không cùng tông tộc.” Quan niệm này về sau trở thành tư tưởng đạo đức chủ đạo của người Trung Hoa với sự hệ thống hoá về triết lý cũng như tổ chức và được gọi là “Đạo gia tiên hay Thờ cúng ông bà”.

Khi xã hội đi vào tổ chức, phân loại giai cấp cùng với sự ra đời của chế độ lãnh chúa và xã hội phong kiến, tư tưởng nhất thần cũng dần dần hình thành thông qua quyền lực tối cao của người lãnh đạo. Hình ảnh độc tôn và đầy uy quyền của vị vua như là hiện thân của thượng đế được phác họa vào triết lý tôn giáo, vì vua là con trời hay còn gọi là thiên tử. Tư tưởng tôn giáo nhất thần này xuất hiện từ triều đại nhà Hạ[8], sau đó được hầu hết các chế độ phong kiến duy trì và phát triển cho đến khi sụp đổ. Có thể nói rằng đặc tính tín ngưỡng và tôn giáo Trung Hoa từ thế kỷ thứ 12 T.CN đến triều đại nhà Hán như được bàn thảo ở trên là sự thờ cúng thần linh. Đối tượng thờ cúng chính bao gồm thần thánh của cõi trời, đất, người cùng với các hiện tượng thiên nhiên.

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về bản chất tôn giáo ở Trung Quốc trong các thời đại cổ sơ, vào triều đại nhà Châu hoạt động tâm linh ấy dần dần đi vào tổ chức và phát triển thành những hệ thống tư tưởng và triết lý, tạo thành nhiều trường phái khác nhau. Trong số đó, hai dòng tư tưởng nổi bật vào thời kỳ nhà Hán là Khổng giáo và Lão giáo. Theo giới nghiên cứu, Khổng giáo là một hệ thống tư tưởng chính trị-đạo đức, trong khi ấy Lão giáo bao gồm triết học huyền bí và khổ hạnh.

* Khổng Tử (551- 479 T.CN)

Nho giáo, còn gọi Khổng giáo, là học thuyết do Khổng Tử, tên Khâu tự Trọng Ni, sinh tại nước Lỗ thuộc phía Nam tỉnh Sơn Đông ở miền Đông Trung Quốc ngày nay, khai sáng. Tổ tiên của ông vốn là dòng dõi công hầu nước Tống, nhưng do sự đảo lộn chính trị, dòng họ Khổng mất địa vị quý tộc và di cư sang nước Lỗ trước khi sinh ông.

Thời trẻ Khổng Tử rất nghèo, phải làm những chức quan lại nhỏ bé, và mở trường tư dạy học. Có thể nói rằng ông là thầy giáo mở trường tư dạy học đầu tiên ở Trung Quốc. Ông là chính trị gia nhưng vừa là nhà đại giáo dục, nên được đời sau tôn xưng là “Vạn Thế Sư Biểu”. Dù nổi tiếng là học rộng tài cao, nhưng đến năm 51 tuổi Khổng Tử mới được vua Lỗ mời làm quan. Tuy nhiên, do không thỏa chí nên vào những năm cuối đời, Khổng Tử từ quan, dẫn học trò chu du thiên hạ, tìm nơi thích hợp để thi thố tâm nguyện an bang tế thế, nhưng vì lý tưởng chính trị và đường lối cải cách xã hội của ông không đáp ứng được thời cuộc nên không được trọng dụng. Cuối cùng, Khổng Tử lại trở về nước Lỗ, tập trung năng lực và trí tuệ vào việc tu chỉnh sách vở mà đời sau gọi là “Ngũ Kinh”[9], bao gồm “Dịch, Thư, Thi, Lễ, Xuân Thu”. Những kinh sách này không phải do Khổng Tử sáng tác; ông chỉ có công sưu tập lại.[10]

Hạt nhân của triết học Nho gia là Nhân Lễ và Trung Thứ. Trên nền tảng đó, giới Nho gia đã phát triển thành cả một hệ thống triết học đạo đức, chính trị và lịch sử. Bên cạnh ấy, Khổng Tử còn đề xướng một học thuyết quan trọng là Chính Danh. Theo ông, muốn xã hội có trật tự thì trước hết phải chính danh. Nội dung của học thuyết này có thể được hiểu trong câu nói sau “Vua hãy cư xử cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, và con cho ra con”[11]. Nói khác đi, mỗi cái danh bao hàm một số điều kiện tạo nên bản chất của một loại sự vật mà cái danh có liên quan. Ví dụ, bản chất của vua bao gồm một số điều kiện lý tưởng mà một người làm vua phải hội đủ và phải phù hợp với vương đạo. Hành động theo vương đạo thì vua mới thật là vua, phù hợp với cả danh lẫn thực. Cũng vậy, trong mối tương quan xã hội, mọi cái danh đều bao hàm một số trách nhiệm và bổn phận, ai nhân danh chúng đều phải có trách nhiệm và bổn phận phù hợp với danh xưng ấy. Đây gọi là thuyết Chính Danh. Cuối cùng, một học thuyết mà về sau được người Trung Quốc mệnh danh là “Đạo Hiếu”. Theo Khổng giáo, hiếu không chỉ là ý thức đạo đức tự nhiên về bổn phận và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, ông bà và dòng họ, mà hiếu là sự ý thức được trau dồi, điều tiết và hướng dẫn về mặt biểu hiện. Nó là nhân tố đạo đức quan trọng nhất trong suốt cả một đời người. Hiếu Kinh, có lẽ được biên soạn trước triều đại nhà Hán một thời gian, quy định một số điều vô cùng nghiêm khắc về các hành vi của con cái đối với cha mẹ khi còn sinh tiền cũng như sau khi lâm chung. Quan trọng hơn nữa, đối với đạo hiếu, lòng yêu thương và sự tôn kính cha mẹ cần phải được ứng dụng và hướng đạo tất cả hành vi của một người con hiếu. Tác động của hiếu còn vượt qua giới hạn trong gia đình; nó mở rộng đến những mối quan hệ trong phạm trù người trên kẻ dưới, dân và vua, thậm chí giữa con người với nhau, vì ai có thể thương kẻ khác thì không thể ghét bỏ cha mẹ. Đây là đích điểm tối cao của việc tu thân.

Theo học thuyết Thiên mệnh của Nho giáo, vua là người thừa mệnh trời cai trị thiên hạ. Vị trí của vua là bất khả xâm phạm, vì vua là nhân vật được trời ủy nhiệm lãnh đạo quốc gia vì lợi ích của nhân loại. Chỉ cần nhà vua hoàn thành trọng trách ấy thì người dân của ông sẽ có cuộc sống giàu có, thịnh vượng, công bằng, trật tự, và an ổn. Vua được cho là người trị dân theo mệnh trời, do vậy nhân cách của vua là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Đến khi nào vua làm trái với những điều luật, đức hạnh được quy định và không thể cai trị đất nước vì lợi ích của nhân dân, vị vua ấy được xem như đã mất đi thiên mệnh, ông ta không còn thích hợp -chính danh- với ngai vàng. Nhân dân sẽ phán xét, lật đổ ông và sẽ tôn xưng một người khác lên làm vua. Không có vấn đề bỏ phiếu chọn lựa, nhưng người ta tin rằng ý dân là ý trời và nếu một vị lãnh đạo của phe làm phản thành công trong việc truất phế vua vô đạo, người ấy có quyền kế vị ngôi vàng, được xem là do ân điển của trời đất và nắm được thiên mệnh.

Theo mẫu thức chính trị Khổng giáo, để phụ tá cho nhà vua cai trị nước và để cố vấn nhà vua sống mẫu mực và đức hạnh, triều đình cần có một đội ngũ quan chức thiện xảo “Ngũ Kinh”, được tuyển chọn từ hệ thống thi cử có nền tảng từ các kinh điển ấy. Số quan chức trí thức này cùng với nhà vua tạo thành tầng lớp cai trị đất nước, thu nắm tất cả quyền lực, danh dự, giáo dục và văn hoá của đất nước họ.

Dưới triều đại nhà Hán, một vài cải cách được thêm vào trong hệ thống cai trị như là hệ quả ảnh hưởng phát sinh từ Lão giáo và các tín ngưỡng thần bí, mê tín thịnh hành từ các vùng ngoại biên được đem vào trong những trung tâm văn hóa Trung Quốc. Nói chung, Khổng giáo trong thời Hán bao gồm một số đặc điểm sau đây:

1-. Tin tưởng cõi trời và một vị thượng đế độc tôn trông nom hành vi và đức hạnh của con người và triều đình.

2-. Tin tưởng rằng con người là sinh vật cao quý nhất được tạo ra bằng tinh túy của trời đất và được ân điển của cõi trời.

3-. Tin tưởng vào sự thưởng phạt vì điều tốt và xấu.

4-. Tin tưởng rằng có một mối quan hệ hỗ tương giữa cõi trời và đức hạnh của con người để việc làm tốt đem đến điềm lành và làm các việc xấu đem đến sự cảnh báo và trừng phạt.

5-. Tin tưởng ngành thiên văn như là phương tiện để dự đoán mọi sự kiện và giải thích ý nghĩa về các hiện tượng của trời đất.

Tất cả các yếu tố trên đan quyện thành hệ thống toàn diện của triết lý tôn giáo chính trị dưới tên gọi Khổng giáo trong suốt thời gian dài của lịch sử Trung Hoa, mặc dầu cấu trúc đầy ấn tượng này của Nho giáo cũng có nhiều đổi thay theo dòng thời gian để khế hợp với tri thức của quần chúng Trung Hoa xuyên suốt chiều dài tồn tại của nó.

* Lão Tử

Tôn giáo quan trọng thứ hai có nhiều tác động đến sự du nhập của Phật giáo từ Hán triều trở đi là Lão giáo. Nhân vật chủ yếu là Lão Tử và Trang Tử, nên giáo lý này còn gọi là học thuyết Lão Trang.

Tiểu sử của Lão Tử vẫn là một vấn đề còn mơ hồ. Tuy vậy, có một vài thuyết cho rằng ông họ Lý tên Đam[12], người nước Sở, sống trong thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc. Trong khi ấy, theo nghiên cứu của Wing-stit Chan[13], Lão Tử là người nước Ch’u (Sở), ngày nay là tỉnh Hồ Nam. Ông họ Lí tên Nhĩ, và sau khi chết được gọi là “Lão Đam”, sinh trước Khổng Tử khoảng 20 năm. Wing cũng nói thêm rằng vào thập niên 20 và 30 của thế kỷ 20, nhiều học giả Trung Quốc cũng như phương Tây không đồng ý với giả thuyết của mình, vì họ cho rằng Lão Tử có thể sinh vào thế kỷ thứ IV hoặc thứ III T.CN. Tuy nhiên, từ thập niên 40 trở về sau giới học giả lại có khuynh hướng ủng hộ thuyết của Wing, nhưng Trung Hoa Lục Địa lại nghiêng về giả thuyết sau.

Hầu hết sử gia đều đồng ý rằng Trang Tử tên thật là Chu, sống trong khoảng thời gian từ năm 339 đến 286 T.CN. Trang Tử là một ẩn sĩ thích cuộc sống nhàn cư ở núi rừng, không để lối sống công danh ràng buộc. Ông phát triển học thuyết của Lão Tử, và xây dựng nó thành một hệ thống tư tưởng vô cùng sâu sắc. Nếu triết lý Khổng Mặc quan niệm trời là đấng tối cao, thì Lão Trang đả phá tư tưởng ấy và thiết lập vũ trụ quan mới của triết học Trung Hoa. Để giải thích bản thể của vũ trụ hay Đạo, Lão Trang thiết lập phạm trù triết học “Hữu Vô”. Hệ tư tưởng này đã trở thành một trong những triết lý quan trọng nhất của lịch sử triết học Trung Quốc, ảnh hưởng từ thời cổ đại cho đến tận ngày nay.

Triết thuyết chủ yếu của Lão giáo bao hàm trong cuốn “Đạo Đức Kinh” hay “Lão Tử Kinh”, gồm khoảng 5.250 từ. Mặc dù là một tập sách triết học ngắn gọn nhất trong kho tàng trí tuệ của Trung Hoa cổ đại, nhưng có vô số sách bình giải đã ra đời trên căn bản của Đạo Đức Kinh. Theo Wing-stit Chan, hiện còn 350 tác phẩm bình giải về Đạo Đức Kinh. Tuy nhiên, tác giả và thời gian ra đời của Đạo Đức Kinh vẫn là một ẩn số. Nhiều học giả cho rằng Đạo Đức Kinh là một tác phẩm gồm nhiều tác giả và được biên tập thành sách sau thời đại Lão Tử hơn 100 năm. Trang Tử là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình biên tập và chú giải nó. Triết học Lão Trang ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân Trung Hoa trên mọi lãnh vực của cuộc sống như khoa học, mỹ thuật, đạo đức, luân lí, chính trị, v.v...

Lão giáo là một loại tôn giáo huyền bí tự nhiên. Giới đạo sĩ khám phá tự nhiên, biểu hiện sự thích thú của họ về sự khám phá ấy và nỗ lực để đồng nhất với tự nhiên mà họ gọi là Đạo. Bởi vì tái hợp được với Đạo nên họ được gọi là Đạo sĩ. Đạo là ý niệm cao nhất của tư tưởng Lão Trang. Theo Lão Tử, Đạo có hai mặt; 1/. Đạo là bản thể của thế giới, có trước trời đất vạn vật. Do vì Đạo vô cùng huyền diệu, cao thâm, không thể nào diễn đạt được tướng trạng của nó, vì vậy Lão Tử phải sử dụng khái niệm ‘Vô’ để diễn tả “Vạn vật trong thế giới đều sanh ra từ hữu, hữu sinh từ vô”; 2/. Đạo là quy luật biến hóa chung của mọi sự vật, vừa có trước sự vật, vừa nằm trong sự vật. Quy luật hoạt động của tự thân mỗi sự vật gọi là Đức. Điều quan trọng cần lưu ý là, đạo đức của Khổng giáo là phương thức đúng đắn về hành động, luân lí, xã hội và chính trị; trong khi ấy, Đạo của đạo sĩ là siêu hình, là nguyên lý tự nhiên của vũ trụ. Mục đích của đạo sĩ là thành tựu sự hợp nhất với Đạo thông qua đồng nhất hóa. Vì Đạo là vĩnh viễn, bất diệt, và không thay đổi, nên cá nhân đạt được sự thống nhất với nó cũng được xem như là thành tựu được tính bất diệt. Đó là trạng thái giải thoát thật sự.

Giải thoát của Đạo giáo là đạt đến sự bất tử về trạng thái vật chất. Đối với đạo sĩ, con người không phải do linh hồn và thân thể vật chất hình thành mà con người là hoàn toàn vật chất, gồm những thành tố sẽ băng hoại vào lúc chết. Sự bất tử có thể thành tựu được bằng cách chế ngự các phần tử cấu thành thân thể và bằng việc ngăn ngừa chúng khỏi sự diệt vong.

Để đạt đến cuộc sống bất tử người ta phải tuân thủ một số điều luật. Trước hết, thân thể vật chất cần phải được tu dưỡng để ngăn chặn các nguyên nhân đưa đến tình trạng già yếu và để tạo ra các chủng tử tương hợp với sự bất tử. Kế đến, linh hồn phải được tu dưỡng bằng phương thức tập trung và thực hành thiền định. Những tư tưởng này được tín đồ đạo Lão hành trì rất phổ biến dưới thời Hán triều và sau kỷ nguyên Thiên Chúa. Cùng với số điều trên, sách Trang Tử lưu ý đến sự tu dưỡng đưa đến cuộc sống bất tử, một số điều kiêng cữ như tránh dùng ngũ cốc, phải rèn luyện hơi thở và thực hành thiền định. Bên cạnh ấy, Wang Ch’ung cũng gợi ý rằng các đạo sĩ tinh thông cũng miệt mài đến thuật giả kim để làm cho thân thể bất tử. Đối với đạo sĩ, thuật giả kim chủ yếu bao gồm sự điều chế và hấp thụ thần sa, tức chất sulfid thủy ngân, nhằm mục đích góp phần vào việc hình thành sự bất tử của thân thể.

Trong lãnh vực chính trị, Lão Tử có cùng quan điểm với Khổng giáo về vai trò lãnh đạo. Ông cũng quan niệm rằng quốc gia lý tưởng là quốc gia được thánh nhân lãnh đạo. Chỉ có thánh nhân mới đủ đức tài để trị vì đất nước. Tuy nhiên, khác với Khổng Mặc, Lão Tử chủ trương thuyết vô vi; nghĩa là thay vì người lãnh đạo phải làm nhiều việc cho nhân dân như thuyết hữu vi chủ trương, giới đạo gia cho rằng bổn phận của thánh nhân là không phải làm việc gì cả, vì theo họ càng hữu vi tức can thiệp nhiều vào việc dân thì tai hại càng lớn. Đạo Đức Kinh viết rằng “không chuộng hiền khiến dân không tranh. Không chuộng vật quý khiến dân không trộm cướp, không thấy vật đáng tham khiến lòng dân không loạn... Bỏ nhân, trí đi, cứ theo luật tự nhiên mà hành động. Cho nên, lối trị dân của bậc thánh làm cho dân lòng trống bụng no, yếu chí, mạnh xương, thường khiến dân không biết, không muốn [chương 3]”; và “Ta không làm nhưng dân tự biết. Ta yên lặng mà dân tự chính. Ta vô sự mà dân tự giàu..., tuy không làm mà không gì chẳng được làm...[chương 57]”. Cần lưu ý rằng thuyết vô vi của Lão Trang khác với thuyết vị kỷ của Dương Chu, vì nó không xem trọng việc sinh mà chỉ xem đời sống là một sự tự nhiên, cứ bình thản, không ưu tư, không mong cầu.

Đó là sự tóm lược bối cảnh tôn giáo ở Trung Hoa trong triều đại nhà Hán trước khi Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào mảnh đất văn minh này.



[1] Trước Công Nguyên.

[2] Sau Công Nguyên (lưu ý: Từ đây trở đi, niên đại trước Công Nguyên sẽ được ghi là T.CN, còn sau Công Nguyên thì chỉ đề cập đến niên đại).

[3] Nguyễn Hiến Lê , Sử Trung Quốc, Nxb.Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 212.

[4] A.F.Wright, Buddhism in Chinese History, Stanford University Press, California, 1959, tr.5.

[5] Nguyễn Hiến Lê , Sđd, tr. 218.

[6] Nguyễn Hiến Lê , Sđd, tr. 213.

[7] Henri Masparo, Đạo Giáo và Các Tôn Giáo Trung Quốc, Lê Diên (dịch) Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000, tr. 77 .

[8] Ngô Vinh Chinh và Vương Miện Quý (chủ biên) Đại Cương Lịch Sử Văn hóa Trung Quốc, Nxb. Văn hóa Thông tin, 1994, tr. 89.

[9] Theo Đại Cương Lịch Sử Văn Hóa Trung Quốc, trang 34, do Ngô Vinh Chinh và Vương Miện Quý chủ biên, chúng được gọi là ‘Lục Kinh’, bao gồm cả ‘Nhạc Kinh’; nhưng theo Maspero, trước đời Hán , danh mục này có Nhạc Kinh nhưng lại không có ‘Dịch Kinh’ vì Dịch Kinh hồi đó chỉ được xem là sách dạy kỹ thuật bói toán (Henri Maspero, Đạo Giáo và Các Tôn Giáo Trung Quốc, tr. 114....)

[10] Vì Khổng Tử chủ trương ‘Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ, Nghĩa là ‘thuật lại mà không sáng tác, và hiếu với người xưa- Xem Luận Ngữ, phần Thuật nhi.

[11] Luận Ngữ, XII, 11.

[12] Theo Nguyễn Hiến Lê , Lão Tử họ Lí tên Nhĩ (Sử Trung Quốc, tr. 152).

[13] Xem A Source Book in Chinese Philosophycủa Wing-stit Chan, Princeton University Press, 1973, tr. 138.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/03/2022(Xem: 2066)
Islamabad: Hôm thứ Ba, ngày 15 tháng 03 vừa qua, đã diễn ra Hội thảo Khoa học Phật giáo Quốc tế, sự kiện với thời gian 02 ngày được tổ chức tại Pakistan với chủ đề "Lịch sử, Khảo cổ học, Nghệ thuật và Kiến trúc", đã hé lộ tiềm năng du lịch tâm linh tại Pakistan trong việc thúc đẩy gắn kết xã hội và hòa hợp giữa các tôn giáo. Giám đốc điều hành Tổng công ty Phát triển Du lịch Pakistan (PTDC), Aftab-ur-Rehman Rana đã chủ trì phiên hội thảo với chủ đề "Tiềm năng Du lịch Tâm linh tại Pakistan" tại Hội thảo kéo dài hai ngày.
17/03/2022(Xem: 2147)
Bộ Tôn giáo Indonesia và Tổng vụ Hướng dẫn Phật tử tổ chức Hội nghị Quy hoạch Phát triển Phật giáo toàn quốc năm 2022. Nữ cư sĩ Phật tử S Hartati Murdaya, Chủ tịch Cộng đồng Phật giáo Indonesia (Walubi) cho biết, Hội nghị Quy hoạch Phát triển Phật giáo toàn quốc năm 2022 dành cho Tổng vụ Hướng dẫn Phật tử thuộc Bộ Tôn giáo Chính phủ Cộng hòa Indonesia, là một động lực để tăng cường hợp tác lẫn nhau giữa các Phật tử. Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba, ngày 15 tháng 03 vừa qua, tại Jakarta, Chủ tịch Walubi phát biểu rằng: "Tôi hy vọng hoạt động này là động lực để tất cả các thành phần cùng làm việc vì sự tiến bộ của Phật tử Indonesia".
16/03/2022(Xem: 2160)
Nghề nghiệp chân chính (Chánh mạng, Right livelihood, 正命), một trong chi phần của Bát Chánh đạo (Eight Noble Paths, 八正道), là những con đường chuyển hóa, con đường đưa đến giải thoát và an lạc mà Đức Phật đã dạy. Nhưng điều này rất có ý nghĩa với nhân dân Vương quốc Nepal và làm thế nào để chúng ta có thể phát triển Nghề nghiệp chân chính? Những biến đổi đang diễn ra bên trong và xung quanh chúng ta, những nỗ lực của chúng ta để soạn thảo một Hiến pháp mới và tác động lực của các quốc gia láng giềng trong việc hướng đến những cải cách kinh tế lớn hơn có thể làm cải thiện xã hội Nepal theo những cách thức chưa từng có và xác định lại Nghề nghiệp chân chính trong công chúng như thế nào.
16/03/2022(Xem: 2120)
Bộ Giáo dục Liên bang và Đào tạo Chuyên nghiệp Pakistan (Ministry of Federal Education and Professional Training) đã cho biết rằng Phật giáo và Hỏa giáo (Zoroastrianism) sẽ được đưa vào Chương trình giảng dạy nghiên cứu của quốc gia, Chương trình giảng dạy quốc gia duy nhất (SNC). Năm tôn giáo khác cũng sẽ được đưa vào: Baha’i, Thiên Chúa giáo, Ấn Độ giáo, Kalash và đạo Sikh. Bộ Giáo dục Liên bang và Đào tạo Chuyên nghiệp Pakistan cũng đã thông báo rằng chuyên gia về các tôn giáo này sẽ được tìm kiếm để hỗ trợ trong việc soạn thảo Chương trình giảng dạy.
15/03/2022(Xem: 2160)
Gần đây do ca nhiễm coronavius tăng nhanh, tôi đã kiểm tra qua Máy sàng lọc nhiều tầng phòng thí nghiệm. Khai báo y tế bằng mã QR-code. Hướng dẫn mã QR đã được giải thích ngắn gọn, nhưng tôi có thể tiếp tục mà không gặp nhiều khó khăn. Nhìn xung quanh, những người cao tuổi và cư dân nước ngoài thường nhận được sự giúp đỡ từ các nhân viên y tế. Truy cập kỹ thuật số rất hiệu quả trong cách sử dụng mã QR, nhưng vẫn còn khó khăn đối với một số người.
14/03/2022(Xem: 2032)
Cư sĩ Sutar Soemitro người sáng lập trang web BuddhaZine đã thanh thản hồn nhiên trút hơi thở, từ giã trần gian vào ngày 03 tháng 03 năm 2019. Hưởng dương 38 xuân, lễ tang và an táng tại quê nhà, làng Purwodadi, quận Kuwarasan, Kebumen Regency, Trung Java, Indonesia. Cư sĩ Sutar Soemitro đã cống hiến cho các dịch vụ truyền thông, trong công việc truyền bá giáo lý Phật đà, góp phần phục hưng và phát triển Phật giáo tại Indonesia, đặc biệt là trong việc thiết lập mạng lưới phương tiện truyền thông báo chí Phật giáo trực tuyến, gia đình, trang web BuddhaZine và các thân hữu bạn bè đã xây một bảo tháp tưởng niệm cố Cư sĩ Sutar Soemitro.
13/03/2022(Xem: 19222)
Hành hương và chiêm bái Phật tích Ấn Độ là nhân duyên hy hữu và là một ước mơ ngàn đời của người đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn bể. Nay ước mơ đó đã đến với Tăng Ni và Phật tử Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Ấn Độ gồm 51 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào ngày 7-11 năm 2006. Phái đoàn do Đại Đức Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Sư Cô Hạnh Nguyên và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (Giám đốc công ty Triumph Tour) hướng dẫn cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 6 từ Sydney, 1 từ Perth và 5 đến từ Texas, Cali, Hoa Kỳ.
12/03/2022(Xem: 2110)
"Sách văn hóa Thánh bảo Quốc gia Phật giáo Hàn Quốc" một danh mục toàn diện, giới thiệu tất cả các hiện vật lịch sử văn hóa Phật giáo, đã được chỉ định là Thánh bảo Quốc gia Phật giáo, đã được phát hành, theo Tổng hội Phật giáo Hàn Quốc. Tác phẩm được viết cả tiếng Hàn và Anh ngữ, cuốn sách cung cấp những lời chú thích về các đặc điểm chính của mỗi kho báu và đặt chúng vào bối cảnh bề dày lịch sử bởi sự phát triển năng động của nghệ thuật Phật giáo Hàn Quốc.
12/03/2022(Xem: 2208)
Tổng thể kiến trúc của Hàn Sơn Cổ Tự theo phong cách Lâm viên Giang Nam, với tổng diện tích 12.000 mét vuông, diện tích xây dựng tòa nhà 3.400 mét vuông, kiến trúc xây dựng gồm Đại Hùng Bảo điện, Tàng Kinh lâu, Phong Giang lâu, La Hán đường, Chung lâu, Bia ký, Bảo tháp Phổ Minh.v.v "Đại Hùng Bảo điện, 大雄寶殿" là một công trình kiến trúc đặc sắc của triều đại nhà Thanh, gian chính giữa thờ các tôn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tọa vị, Tôn giả A Nan, Tôn giả Ca Diếp tả hữu đứng hầu, trong đại điện có tôn trí thờ Thập bát La Hán, tượng chạm khắc gỗ hương thếp vàng, hai pho thạch tượng nhị vị Thánh tăng Thiền sư Hàn Sơn, Thiền sư Thập Đắc và 12 bức chạm khắc đá đề vịnh lịch đại Thi nhân, ngoài ra còn có một quả chuông đồng biểu tượng tình hữu nghị giữa hai nước Trung-Nhật; "La Hán đường, 羅漢堂" tôn trí phụng thờ ngũ bách La Hán (500 vị); "Bia lang," dựng các bia đá ghi công các triều đại Tống, Minh, ngoài ra còn có phổ danh tháp viện nổi tiếng với bia thạch đề thi của Thi nhân Trương Kế "
12/03/2022(Xem: 2113)
Cùng hòa nhịp với Ngày Liên Hợp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế thường niên ngày 8 tháng 3, Tổ chức Trung tâm Quốc tế Nữ giới tu thiền (International Women's Meditation Center Foundation, 國際女性禪修中心基金會, IWMCF) đã công bố giải thưởng xuất sắc thường niên cho nữ giới Phật giáo, trụ sở chính tọa lạc tại Rayong, một thành phố nằm ở bên bờ vịnh Thái Lan. Năm nay bình giải xuất sắc được trao cho 20 nữ giới Phật giáo, bao gồm cả nữ cư sĩ và nữ giới xuất gia từ khắp nơi trên thế giới, đã vinh danh với giải thưởng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567