Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Luân lí và hôn nhân

06/01/201206:49(Xem: 6811)
3. Luân lí và hôn nhân

LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ 

Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch

CHƯƠNG IV
ĐỜI SỐNG DÂN CHÚNG 

III. LUÂN LÍ VÀ HÔN NHÂN

Dharma – Con cái – Cưới gả con gái – Nghệ thuật yêu – Mãi dâm – Ái tình lãng mạn – Hôn nhân – Gia đình – Phụ nữ - Đời sống tinh thần của họ - Quyền của họ - Đàn bà phải cấm cung và che mặt – Tục hoả thiêu quả phụ - Quả phụ

Nếu một ngày nào đó không còn chế độ tập cấp nữa thì đời sống luân lí của Ấn sẽ bị xáo động, hỗn độn trong một thời gian lâu vì ở xứ đó qui luật luân lí gắn liền với tập cấp, mất cái này thì mất luôn cái kia. Luân lí với dharmachỉ là một, mà dharma là kĩ luật, cách sống đã vạch cho mỗi người trong tập cấp. Là một người Ấn, không có nghĩa là theo một tôn giáo này hay một tôn giáo khác, mà có nghĩa là một thành phần trong một tập cấp nào đó, chấp nhận cái dharmatức những bổn phận mà tục lệ đã qui định từ thời xưa. Nghề nghiệp nào cũng có bổn phận, quyền và hạn riêng, và người Ấn nào giữ tục lệ thì cứ sống trong cái vòng truyền thống đó, ông cha sống ra sao thì mình sống như vậy, một cách thoả mãn, không bao giờ có ý thay đổi tập cấp. Thiên Bhavagad-Gitatrong anh hùng ca Mahabharatabảo: “Làm công việc của mình dù có dở cũng còn hơn là làm công việc của người khác một cách rất khéo”. Một cá nhân theo đúng dharma thì cũng như một hạt giống cứ nảy nở đều đều theo đúng luật thiên nhiên. Quan niệm luân lí đó đã có từ lâu đời quá rồi, tới nỗi bây giờ mà mọi người Ấn[26] vẫn cho mình là thành phần của một tập cấp nhất định nào đó, được tập cấp đoàn kết và hướng dẫn; và đa số người Ấn không thể có một quan niệm nào khác, chẳng hạn tự cho mình là một công dân Ấn, làm cái gì lợi cho mọi tập cấp chứ không riêng cho tập cấp mình, có thể không theo dharma nếu thấy trái với lương tâm[27]. Một sử gia Anh bảo: “Không có tập cấp thì không sao quan niệm nổi xã hội Ấn”.

Ngoài cái dharma riêng của mỗi tập cấp, người Ấn còn phải theo một dharma chung, gồm những bổn phận chung cho mọi tập cấp mà đại cương là phải tôn trọng các Bà La Môn và phải tôn kính bò cái. Sau hai bổn phận quan trọng bực nhất đó, tới bổn phận sinh con đẻ cái. Luật Manou bảo: “Chỉ có một thân một mình thì chưa phải là một người đàn ông hoàn bị, muốn hoàn bị thì phải gồm ba: bản thân, vợ và con”. Có con không phải chỉ để chúng giúp chúng ta về phương diện kinh tế và săn sóc ta khi về già, mà còn để nối dòng dõi, cúng giỗ tổ tiên, nếu không thì vong linh tổ tiên sẽ đói khát. Vì vậy mà ở Ấn không có vấn đề hạn chế sinh sản, và phá thai là một tội nặng ngang với tội giết một người Bà La Môn[28]. Còn như tội giết con, nếu có thì cũng rất hiếm.

Có con là một tin mừng, có nhiều con là một phước lớn đủ để hãnh diện. Tình ông bà yêu cháu, già yêu trẻ là một nét cảm động nhất của văn minh Ấn Độ.

Trẻ mới sinh ra thì cha mẹ đã nghĩ ngay tới việc cưới vợ cho nó. Vì theo tục Ấn, hôn nhân là việc cưỡng bách; đàn ông mà không có vợ thì không được ở trong tập cấp, mất hết phận vị trong xã hội, bị khinh bỉ; càng giữ tân được lâu thì càng bị chê trách. Hôn nhân không phải là chuyện cao hứng mà để cho cá nhân được tự do lựa chọn, cũng không phải là chuyện ái tình lãng mạn; nó là việc nghiêm trọng liên quan tới xã hội và giống nòi, nên không để cho ái tình mù quáng quyết định được, nói chi tới chuyện lửa gần rơm rồi mà vơ bậy vơ bạ; cho nên cha mẹ phải bàn tính, dò hỏi, mai mối, quyết định từ trước khi xuân tình của trẻ phát động. Manou chê những hôn nhân tự do [trai gái tự lựa chọn nhau] – Gandharva– là do nhục dục cuồng loạn gây ra, đại lượng lắm thì tha thứ được, nhưng dù sau thì cũng là bậy, đáng phỉ nhổ.

Dân tộc Ấn sớm phát dục, một em gái mười hai tuổi đã nẩy nở về sinh lí bằng một em gái mười bốn, mười lăm tuổi ở phương Tây, vì vậy mà gây ra một vấn đề khó giải quyết về phương diện xã hội và luân lí[29]. Trẻ phát triển đủ về sinh lí rồi thì cho lập gia đình liền hay là nên đợi tới lúc nó kiếm ăn được đủ để nuôi vợ con? Hình như giải pháp thứ nhất có nhiều cái hại: nòi giống suy đồi, dân số tăng lên quá và người đàn bà bị hi sinh, gần thành như cái máy đẻ con; nhưng giải pháp thứ nhì cũng rắc rối lắm: trẻ phải đợi, như vậy trái với thiên nhiên, tính dục bị dồn ép, do đó sinh ra tệ mãi dâm và các bệnh hoa liễu. Người Ấn cho rằng giải pháp thứ nhất ít hại hơn, và họ có cách này để giảm bớt cái hại, là nếu cô dâu còn bé quá thì cưới xong, cha mẹ giữ ở nhà, tới tuổi dậy thì mới cho về nhà chồng. Dù sao thì tục tảo hôn đó cũng cổ lắm rồi nên được coi là thiêng liêng, nguyên do là tại người Ấn muốn ngăn các cuộc hôn nhân giữa những tập cấp, giáo phái, thị tộc khác nhau, nên phải cưới gả thật sớm, sợ trai gái mê bậy nhau mất; rồi tới khi bọn xâm lăng Hồi thống trị, người Hồi có lệ cấm bắt các đàn bà đã có chồng về làm nô lệ, cho nên người Ấn muốn cho con gái khỏi bị bắt mang đi, phải gả chúng thật sớm, sau cùng cha mẹ nào có con gái cũng muốn cho chúng có chồng sớm để khỏi phải coi chừng hoài bọn đàn ông quyến rũ con mình.

Người Ấn cho những quan niệm đó là có lí, là nhận định đúng đắn; họ tin rằng đàn ông khó mà nén lòng dục được khi lửa gần rơm, nên viết rất nhiều sách về ái tình. Bộ Kamasutrahoặc “giáo lí về tính dục” chỉ là bộ nổi danh nhất trong vô số tác phẩm dạy ta nghệ thuật ái ân về phương diện thể chất cũng như phương diện tinh thần. Người ta bảo rằng bộ đó được Vatsyayana viết khi ông theo môn thần học ở Bénarès, trầm tư mặc tưởng, thông cảm với thần linh; các qui tắc ông đưa ra “đều hợp với các Thánh kinh và đều để giúp đời”. Tu sĩ đó bảo: “Kẻ nào thấy một thiếu nữ e lệ quá mà không dám tấn công thì sẽ bị nàng khinh bỉ, coi là đồ ngu ngốc chẳng biết tâm lí đàn bà ra sao cả”. Vatsyayana khéo tả một thiếu nữ đa tình, đọc thấy thú vị vô cùng, nhưng ông tỏ ra sáng suốt nhất khi ông chỉ cho cha mẹ nghệ thuật gả con và dạy cho người chồng nghệ thuật làm cho vợ đê mê về sinh lí.

Đừng nên do đó mà kết luận bậy rằng người Ấn ham nhục dục quá, sống cực kì bê bối, phóng đãng. Vì cưới gả ngay từ hồi còn là em bé, nên họ chặn được những cuộc ái ân trước khi có hôn nhân; lại thêm tôn giáo nghiêm trị những đàn bà có chồng mà lạc lòng, cho nên ở Ấn, sự gian dâm là chuyện khó khăn, ít xảy ra, không nhiều như ở châu Âu và châu Mĩ. Còn bọn gái điếm thì thường chỉ hành nghề trong các ngôi đền. Ở miền Nam, bọn đàn ông thèm khát, muốn thoả nhục dục, được may mắn, có các nàng devadasitiếp đãi; devadasi theo nghĩa gốc là “nữ tì của các thần”, sự thực họ chỉ là bọn gái điếm. Mỗi đền tamil[30] có một bầy linh nữ, nhiệm vụ chính là múa hát trước các ngẫu tượng, rồi cũng có lẽ có nhiệm vụ làm vui tai các tu sĩ Bà La Môn nữa; một vài nàng sống cô độc gần như trong một nhà tu kín, còn các nàng khác thì tha hồ “tiếp khách”, miễn là nộp một phần số tiền kiếm được cho tăng lữ. Nhiều nàng còn ra ngoài múa hát trong các lễ công cộng hoặc các hội họp tư gia, như các geisha (ca nữ) Nhật Bản; vài nàng biết đọc, có chút tri thức, và như các gái hồng lâu Hi lạp thời xưa, có thể dự các cuộc đàm thoại trong các cuộc hội họp tư gia cho vui câu chuyện, vì nữ chủ nhân thường vô học, vụng nói năng: người Ấn không muốn đàn bà có chồng rồi mà còn đọc sách. Theo một bi kí (lời ghi trên bia) linh thiêng, thì năm 1004 sau Công nguyên, ngôi đền của vua Chola Rajaraja ở Tanjore nuôi một đoàn bốn trăm devadasi. Lần lần tục đó thành ra thiêng liêng, không ai cho là bậy bạ cả, và người ta thấy những mệnh phụ cho một tiểu thư làm cái nghề mãi dâm trong các ngôi đền, để được phước cũng gần như cho một công tử làm tu sĩ vậy. Linh mục Dubois ở đầu thế kỉ XIX bảo các đền thờ phương Nam “đúng là những ổ điếm” mà các devadasi đúng là những gái điếm, bị đối đãi như gái điếm, dù nguồn gốc cái tục đó có đẹp đẽ tới mấy. Ông ta không có thiện cảm gì lắm với Ấn Độ, nhưng cứ theo lời ông thì:

Công việc chính thức của các devadasi đó là mỗi ngày múa hát hai lần trong đền… Và múa hát trong mọi cuộc lễ công cộng. Họ múa khá đẹp, tuy tư thái và cử động có vẻ dâm dật, không đứng đắn. Còn bài hát của họ thì hầu hết là những bài thơ tục tĩu tả vài hành vi hoang tàng của các Thần linh họ thờ.

Một mặt các đền thờ thành nơi buôn son bán phấn, một mặt tại gia đình, người ta cưới gã từ khi nam nữ còn là con nít, như vậy thì còn chỗ đâu cho ái tình lãng mạn nữa. Văn thơ Ấn cũng có tả tình luyến ái lí tưởng đó giữa trai gái – chẳng hạn trong thơ của Chandi Das và của Jayadeva – nhưng chỉ để tượng trưng sự khát khao của linh hồn muốn bay lên gần Thượng Đế; còn trong đời sống hàng ngày thì ái tình lí tưởng chỉ là lòng hi sinh mù quáng cho chồng. Thi ca tả tình đôi khi có cái giọng cao khiết như thơ của Tennyson và Longfellow trong thời đại thanh giáo, đạo đức của Anh, đôi khi trái lại có cái giọng đam mê đa dục như kịch thời đại Elisabeth. Một nhà văn so sánh tình tôn giáo và ái tình, thấy hai tình cảm đó giống nhau vì người mộ đạo với tình lang cũng có những lúc xuất thần như nhau; một nhà văn khác kể ba trăm sáu mươi cảm xúc khác nhau trong lòng một tình nhân và đếm những vết răng người đó cắn trên da thịt người yêu, hoặc tự tả mình rắc hoa trên ngực người yêu; còn tác giả đoạn tả cặp Nala và Damayanti trong anh hùng ca Mahabharatathì đúng là có cái giọng của các người hát rong (troubadour) ở Pháp thời Trung cổ: cũng những thở dài não ruột, cái nước da xanh xao như bị bệnh khó tiêu của bọn trai gái yêu nhau.

Ở Ấn, rất hiếm thấy những trường hợp người ta để cho thứ ái tình say đắm đó đưa tới hôn nhân. Manou chấp nhận tám hình thức hôn nhân, mà hai hình thức thấp kém, xấu xa nhất là cách cướp vợ, và lối cưới nhau vì tình; còn lối mua vợ thì ông cho là rất tiện; nhưng ta cảm thấy nhà lập pháp danh tiếng Ấn Độ đó nghĩ rằng hôn nhân nào xây dựng trên những lý do kinh tế mới bền vững nhất. Thời linh mục Dubois viết về Ấn Độ thì hai từ ngữ Ấn “cưới vợ” và “mua vợ” đồng nghĩa với nhau[31]. Ý kiến chung của người Ấn thời đó là không gì bằng để cha mẹ định đoạt việc hôn nhân cho con theo tục này: con trai phải cưới vợ trong tập cấp của mình, nhưng ở ngoài nhóm hay gotracủa mình. Có thể cưới nhiều vợ nhưng chỉ một người vợ ở trong tập cấp của mình thôi và người vợ đó sẽ có quyền hành hơn những vợ khác, nhưng Manou bảo tốt hơn chỉ nên có một vợ[32].

Gia đình Ấn Độ đúng là kiểu gia đình người cha làm chúa tể, có đủ quyền độc đoán với vợ, con và nô lệ. Đàn bà chỉ như một bông hoa, phải lệ thuộc đàn ông. Một huyền thoại Ấn Độ kể rằng khi Đức Hoá công Twashtri muốn tạo ra người đàn bà, bỗng sực nhớ ra rằng ông đã dùng hết vật liệu để tạo ra người đàn ông rồi, bây giờ không còn gì nữa, đành phải dùng những vật thừa thãi khi tạo ra vũ trụ:

Người lấy hình tròn của mặt trăng, đường cong của các dây leo, tua cuốn của cây nho, sự run rẩy của cỏ, sự mềm mai của lau sậy, sự mịn màng như nhung của cánh hoa, sự nhẹ nhàng của lá cây, hình thon thon của vòi voi, cặp mắt nhanh của con hoẵng, sự đều đặn của các phòng ổ ong, sự vui tươi của ánh sáng, vẻ âu sầu của đám mây, sự bất thường của gió, sự e lệ của con thỏ, sự khoe khoang của con công, nét mềm mại của ức con vẹt, sự cứng rắn của kim cương, sự ngọt ngào của mật ong, sự tàn bạo của con cọp, tia sáng nóng rực của lửa, sự mát lạnh của tuyết, tiếng líu lo của con cưỡng, tiếng gù gù của con koéila, tính giả dối của con sếu, tính trung tín của con chakrawaka, tất cả những cái đó, Ngài nhào với nhau làm thành người đàn bà rồi đem tặng người đàn ông.

Mặc dầu có tất cả những khả năng đó, người đàn bà vẫn không đáng kể gì ở Ấn Độ. Thời Veda địa vị của họ khá cao, nhưng rồi do ảnh hưởng của các tu sĩ và của đạo Hồi, họ mất lần địa vị đó. Luật Manou mạt sát họ thậm tệ làm ta nhớ lại lời của các nhà thần học Ki Tô giáo đầu tiên: “Đàn bà là nguồn gốc của sự nhục nhã; vì đàn bà mà đàn ông phải gắng sức cực khổ; vì đàn bà mà có kiếp trần này; vậy phải lánh họ đi”. Một đoạn khác bảo: “Đàn bà có thể làm cho hạng đàn ông khôn ngoan sáng suốt – chứ đừng nói là hạng ngu ngốc điên khùng – bỏ chính đạo mà đi vào tà đạo, để cho lòng dục và lòng giận dữ lôi cuốn”. Cũng luật đó bắt đàn bà phải theo đạo tam tòng: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Người vợ nói với chồng thì phải gọi bằng “thầy”, “chúa”, có khi còn gọi là “thần linh” nữa; ra ngoài thì phải đi ở phía sau, cách chồng ít bước, và chồng có hỏi thì mới thưa. Phải tận tuỵ thờ chồng trong những việc lặt vặt nhất, lo thức ăn thức uống cho chồng và chồng cùng con trai ăn xong rồi mới ăn chỗ cơm thừa canh cặn; khi đi ngủ phải ôm chân chồng mà hôn. Manou bảo: “Một người vợ hiền thì phải thờ… chồng như thờ một vị thần, không bao giờ làm phật ý chồng dù tính tình cùng tư cách của chồng tồi tệ ra sao”. Người vợ nào trái lời chồng thì kiếp sau phải đầu thai thành chó rừng chuyên ăn xác thú chết”.

Cũng như phụ nữ châu Âu[33] thời xưa, phụ nữ Ấn Độ chỉ được học hành một chút nếu may mắn sinh vào các gia đình quí phái, không vậy thì phải ở vào các hạng gái điếm trong các đền. Người ta cho rằng đàn bà mà biết đọc thì chồng đã chẳng quí hơn mà còn khinh nữa. Trong một bản kịch của Rabindranath Tagore, một nhân vật, Chitra, nói như vầy: “khi một người đàn bà thực là đàn bà, nghĩa là để cho nụ cười, tiếng thở dài, lòng tận tâm, tình âu yếm phấp phới chung quanh trái tim của đàn ông, thì họ thật là sung sướng. Tri thức và cao vọng có ích gì cho họ đâu?”. Người ta cấm họ biết kinh Veda; anh hùng ca Mahabharatacó câu: “Một người đàn bà mà học kinh Veda thì là triệu chứng hỗn loạn trong nước”. Mégasthènes kể rằng thời Chandragupta, “các Bà La Môn có nhiều vợ lắm và không cho vợ biết một chút gì về triết lí cả, vì nếu để cho họ suy tư về vui với khổ, lẽ sống và lẽ chết, thì trí óc họ sẽ đồi truỵ, và họ không muốn sống trong cảnh lệ thuộc nữa”.

Theo luật Manou, ba hạng người này không có quyền tư sản: người đàn bà có chồng, người con trai và người nô lệ. Họ kiếm được đồng nào thì phải nộp chồng, cha và chủ hết. Tuy nhiên một người đàn bà có toàn quyền làm chủ món hồi môn của mình và những món đồ mừng trong đám cưới; và một bà hoàng hậu có quyền trị nước khi thái tử còn nhỏ tuổi. Chồng có thể bỏ vợ nếu vợ vô hạnh; nhưng vợ tuyệt nhiên không được bỏ chồng bất kì vì lí do gì. Nếu vợ có tật uống rượu, hoặc đau ốm, hoặc phản kháng lại chồng, hoặc hay gây gổ, hoang phí thì chồng không có quyền bỏ vợ, nhưng có quyền kiếm một người vợ khác để thay và người này sẽ thành vợ chính. Có vài đoạn trong luật Manou khuyên đàn ông phải hoà nhã với vợ, không nên đánh đập vợ “dù là bằng một đoá hoa”, không nên giám thị vợ chặt chẽ quá, vì có bản tính tinh ranh, họ sẽ càng bực mình, càng kiếm cách làm bậy và thế nào cũng kiếm được, nếu đàn bà thích tô điểm trang sức thì mặc họ “vì đàn bà mà không trang điểm thì chồng không yêu”, trái lại “họ mà vui vẻ trang điểm thì nhà cửa thấy tươi đẹp lên”. Phải né mình trước mặt một người đàn bà cũng như trước mặt một người già hoặc một tu sĩ, và khi có khách khứa thì phải “mời các bà có mang và các thiếu nữ trước các người khác”. Một người vợ không thể chỉ huy trong nhà được, nhưng một người mẹ thì được, các bà mẹ đông con rất được quí mến, kính trọng và chính luật Manou cũng bảo: “Một người mẹ đáng kính bằng cả ngàn người cha”.

Một phần do ảnh hưởng của Hồi giáo mà địa vị của phụ nữ sau thời Veda suy giảm đi, điều đó không còn ngờ gì nữa. Tục trùm mặt – purdah– và tục cấm cung khi đã có chồng, do các người Ba Tư và các người theo Hồi giáo đem vô Ấn Độ, cho nên được khắp Ấn Độ theo đúng từ Bắc tới Nam. Muốn cho vợ mình khỏi bị bọn theo Hồi giáo ngấp nghé, người Ấn bắt vợ phải trùm kín mặt, tục đó nghiêm khắc tới nỗi một người đàn bà đàng hoàng thì chỉ cho chồng và con thấy mặt thôi, và hễ tiếp xúc với người lạ thì phải trùm mặt bằng một tấm khăn “voan” dày; ngay như khi y sĩ tới chẩn mạch thì cũng phải buông một tấm màn xuống ngăn cách, không cho y sĩ nhìn thấy. Trong vài giới, hỏi thăm người chồng về sức khoẻ người vợ là điều bất lịch sự, hoặc được mời tới nhà ai mà hỏi chuyện phụ nữ trong nhà đó cũng là khiếm nhã.

Tục hoả thiêu quả phụ trên giàn hoả của chồng cũng là một tục ở nước ngoài đưa vô. Hérodote đã tả tục đó ở các dân tộc Scythe và Thrace thời cổ; ông bảo các quả phụ Thrace tranh giành nhau, đánh nhau để được cái đặc ân tuẫn tiết, nghĩa là được giết trên nắm mồ của chồng. Có lẽ tục đó do tục phổ biến này trên khắp thế giới: khi một ông vua hay một vị đại thần chết thì người ta bắt các vợ hay nàng hầu của họ chết theo để xuống âm phủ hầu hạ họ. Kinh Artharva Vedabảo tục đó có từ lâu lắm, nhưng kinh Rig Vedabảo tới thời Veda, tục đó đã giảm đi nhiều, quả phụ chỉ cần nằm trên giàn hoả của chồng một lát trước khi châm lửa. Trong anh hùng ca Mahabharata, tục đó lại nghiêm khắc trở lại y như trước; tác phẩm đó kể lại vài trường hợp suttee[34] và cho rằng quả phụ tiết nghĩa nào cũng không muốn sống thêm nữa và hiên ngang bước lên giàn hoả. Người ta thiêu sống họ trong một cái huyệt, hoặc chôn sống họ như ở bộ lạc Telugu miền Nam. Strabon kể rằng tục suttee lưu hành ở Ấn Độ thời Đại đế Alexandre và bộ lạc Kathaei ở Pendjab cưỡng bách các quả phụ phải hoả thiêu theo chồng, như vậy không có người vợ nào mưu tính chuyện đầu độc chồng nữa. Manu không nói gì tới tục đó cả. Còn các tu sĩ Bà La Môn mới đầu chống, sau chấp nhận, sau cùng cho tục đó một tính cách tôn giáo, bảo hôn nhân là một quan hệ vĩnh cửu: đàn bà đã theo chồng thì khi chồng chết cũng phải chết theo để sống chung với nhau trong những kiếp sau. Ở miền Rajasthan, vợ hoàn toàn là vật sở hữu của chồng đến cái mức có tục johur: một chiến sĩ Rajpute ra trận biết rằng mình thua, sai giết hết các vợ rồi mới xông pha vào chỗ chết. Mặc dầu các người Hồi giáo ghê tởm tục đó, mà nó cũng phổ biến trong dân tộc Mông Cổ và chính vua Akbar quyền uy làm vậy mà cũng không cấm hẳn nó được. Người ta kể chuyện một hôm Akbar rán thuyết phục một thiếu phụ Ấn đừng lên giàn hoả của chồng; các tu sĩ Bà La Môn cũng năn nỉ nàng tuân lệnh nhà vua, nàng nhất định không nghe. Ngọn lửa lan tới gần nàng rồi, một hoàng tử, con của Akbar, vẫn còn lải nhải cố thuyết phục, nàng ngắt lời, bảo: “Thôi, xin đừng quấy rầy tôi nữa”. Một quả phụ khác cũng cương quyết gạt các lời khuyên răn năn nỉ, đưa ngón tay vào lửa cho tới khi cháy thành than, mà mặt vẫn bình tỉnh như không, như vậy để tỏ vẻ khinh bỉ những người muốn thuyết phục nàng. Ở Vijayanagar tục suttee còn đại qui mô hơn nữa: không phải một người vợ mà hết thảy các người vợ của một quân nhân hoặc một quân vương phải tuẫn tiết theo chồng. Conti kể chuyện rằng nhà vua xứ đó lựa trong số mười hai ngàn cung tần mĩ nữ lấy ba ngàn sủng phi “với điều kiện là khi ông ta chết thì ba ngàn bà đó phải tự nguyện lên giàn hoả với ông, như vậy là vinh dự lớn cho họ”. Người ta không thể tưởng tượng được ở Ấn Độ thời Trung cổ, tôn giáo chỉ gây cho các quả phụ cái hi vọng được đoàn tụ với chồng trong kiếp sau, mà sao có thể làm cho họ hoan hỉ chấp nhận tục suttee tới mức đó.

Ấn Độ càng tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì tục sutteecàng bớt lưu hành, nhưng quả phụ Ấn vẫn còn phải chịu nhiều vô-năng-lực hợp pháp. Vì hôn nhân có tính cách vĩnh cửu nên họ không thể tái giá được: như vậy làm nhục vong linh của chồng và gây vô số sự rắc rối không sao gỡ được trong các kiếp sau của chồng. Vì vậy luật Bà La Môn cấm họ tái giá, và nếu họ không tuẫn tiết thì phải cạo trọc đầu, và sống thêm những dư niên chỉ để săn sóc các con và làm việc thiện. Nhưng họ được hưởng của cải của chồng để lại. Các tục lệ kể trên chỉ được phái phụ nữ hoàn toàn theo chính thống giáo trong giới thượng lưu và trung lưu, nghĩa là khoảng 30% dân chúng giữ đúng thôi; còn những người theo Hồi giáo, các người Sikh và các tập cấp thấp hèn thì không theo. Người Ấn so sánh sự thủ tiết của đàn bà goá với sự độc thân của các tu sĩ Ki Tô giáo: trong hai trường hợp, đàn bà Ấn và Âu đều từ chối hôn nhân để làm việc thiện[35].
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/07/2022(Xem: 2900)
Chùa Phước Sơn tọa lạc tại số 1623 Saint Francis Avenue, thành phố Modesto, tiểu bang California đã tổ chức Đại lễ Trai đàn Giải oan Bạt độ; chư thai nhi sút sảo; chư hương linh bất phân tôn giáo chủng tộc; nạn nhân Covid 19; Trai Tăng cúng dường; phát quà từ thiện; chẩn tế cô hồn nguyện cầu âm siêu dương thới.
20/07/2022(Xem: 3511)
Để rồi TT Tổng Vụ Trưởng Thích Đạo Nguyên cũng họa lại bài thơ ấy như sau: Nhiệm mầu thay Phật giáo Úc Châu Tứ chúng đồng tu dựng ban đầu Trải qua năm tháng bao thử thách Một lòng quyết chí vượt thương đau Đại hội kỳ này quá thành công Phật tử Tăng Ni quyết một lòng Chung tay thắp sáng nguồn đuốc tuệ Cùng nhau tự tại bước thong dong Sau đó TT Tổng Vụ Trưởng đã tóm tắt diễn tiến những buổi họp mặt vào ngày 17/6/22 - 25/6/22 để thu thập ý kiến của thành viên và sau đó gửi thành phần nhân sự và kế hoạch đến hội đồng điều hành GHPGVNTN Úc Châu và Tân Tây Lan thì đến ngày 1/7/2022 thì TT đã nhận được bức thư do Hội Chủ TT Thích Tâm Minh ấn ký và quyết định chuẩn y thành phần nhân sự.
19/07/2022(Xem: 5871)
Cũng như bao người con Phật đã từng đọc tụng kinh điển ghi chép lại những lời dạy từ kim khẩu của Đức Thế Tôn và thường gặp trở ngại với các bản kinh Hán văn, thế cho nên khi nhận được thông báo từ văn phòng Chánh Thư Ký Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, cùng Hội Đồng Hoằng Pháp trên trang nhà Quảng Đức vài tuần trước khi các khoá lễ An Cư Kiết Đông diễn ra tại Úc Châu,
13/07/2022(Xem: 2706)
Trách nhiệm tổ chức và hỗ trợ: Ban Bảo Trợ Hội Đồng Hoằng Pháp của GHPGVNTN qua chùa Viên Giác, Hannover, CHLB Đức. Giáo thụ: Tiến sĩ Cổ Ấn-độ học Đỗ Quốc-Bảo, Đại học Heidelberg, viện Nam Á (và những trợ giảng). Tài liệu học: Giáo Trình Phạn Văn của Thomas Lehmann và Đỗ Quốc-Bảo. Ngôn ngữ dạy học là tiếng Việt, nhưng vì đặc tính của Phạn ngữ, nhiều thuật ngữ tiếng Anh hoặc Hán cũng được dùng (xem thêm phần Điều kiện tham dự bên dưới). Sách hiện tại có thể được mua tại VN. Học viên hải ngoại có thể nhờ người thân đặt mua, hoặc tự in từ bản PDF được cung cấp sau.
12/07/2022(Xem: 3144)
Vị trụ trì chùa Viên Giác phải là chư Tăng chứ không phải là chư Ni; về sở học và sở tu phải có bằng cấp Phật học hay các phân khoa khác tối thiểu phải tương đương với cấp Cử nhân… Khi còn sinh tiền Hòa Thượng là người công cử trụ trì và khi Hòa Thượng viên tịch thì lấy pháp lý là Chi Bộ để điều hành Phật sự. Người được ủy truyền trong việc liên hệ với các cơ quan chính quyền, nhà thương hay ngân hàng do ĐĐ Thích Hạnh Giới đảm nhiệm
29/06/2022(Xem: 7084)
Hơi Thở, Đường Dẫn Đến Chánh Niệm (Bài viết của TT Nguyên Tạng tưởng niệm Sư Ông Làng Mai, do Ca Nhạc Sĩ Thùy Linh diễn đọc)
26/06/2022(Xem: 2829)
Trong khi văn hóa Phật giáo đang trăm hoa đua nở khoe sắc thắm trên khắp thế giới, thì tại Hoa Kỳ đang có một phong trào tích cực để quảng bá đạo Phật Từ bi, Trí tuệ, Hùng lực, Tự do, Bình đẳng. Đặc biệt, sau chiến tranh ở Đông Nam Á, hàng nghìn người tỵ nạn và di đân từ các quốc gia Phật giáo đến định cư tại Hoa Kỳ, họ đã tự thành lập trung tâm hoằng dương Diệu pháp Như Lai.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]