Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Những ngày cuối cùng của Phật

06/01/201206:49(Xem: 6949)
5. Những ngày cuối cùng của Phật

LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ 

Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch

CHƯƠNG II - PHẬT THÍCH CA

V. NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA PHẬT

Các phép màu của Ngài – Ngài trở về thăm nhà - Tăng lữ - Ngài tịch

Bây giờ chúng ta phải từ ngọn núi triết lí đó tụt xuống mà nghe những truyện hoang đường ngây thơ lưu truyền về phần cuối cùng trong đời cùng lúc tịch của Phật Tổ. Mặc dầu Ngài khinh thường các phép màu mà đệ tử của Ngài cũng thêu dệt cả ngàn truyện về những việc thần kì Ngài đã thực hiện được. Chỉ trong nháy mắt Ngài bay qua bên bờ kia con sông Gange; cây tăm Ngài đánh rớt biến thành một cây cổ thụ to lớn; một lần, sau khi Ngài thuyết pháp, “cả vũ trụ rung động”. Khi kẻ thù Ngài, Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) thả một con voi điên cho nó xông lại phía Ngài thì nó bị Ngài chinh phục liền mà “tràn trề tình thương”. Căn cứ vào những chuyện đó, Senat và vài nhà bác học khác kết luận rằng truyền kì về Phật do nhiều huyền thoại cổ về mặt trời mà thành[20]. Điều đó không có chút quan hệ nào cả; đối với chúng ta, Phật đại biểu cho tất cả những tư tưởng trong Phật giáo, và hiểu như vậy thì Đức Phật hoàn toàn có thực.
Các kinh Phật tả Ngài bằng những nét rất đẹp. Ngài có vô số môn đệ và trong khắp các thành thị miền Bắc Ấn Độ, ai cũng nhận rằng Ngài là một bậc minh triết. Thân phụ Ngài hay tin Ngài thuyết pháp ở gần Kapilavastu, sai một sứ giả đi mời Ngài bỏ ra một ngày về thăm cung điện nơi Ngài sinh ra. Ngài về và phụ vương trước kia khóc lóc khi Ngài bỏ cung điện ra đi, nay mừng rỡ thấy Ngài trở thành một vị thánh. Còn vợ Ngài vẫn giữ tiết với Ngài, bây giờ gặp lại, quì xuống dưới chân Ngài, ôm hôn mắt cá chân Ngài và tôn sùng Ngài như một vị thần. Lúc đó phụ vương Suddhodhana mới cho Ngài hay rằng vợ Ngài thương mến Ngài vô cùng: “Khi con dâu tôi hay Ngài bận áo vàng (như các tu sĩ), nó cũng bận áo vàng; khi nó hay Ngài chỉ ăn mỗi ngày một bữa thì nó cũng chỉ ăn mỗi ngày một bữa; khi nó hay Ngài không chịu ngủ trong một chiết giường rộng thì nó cũng kiếm một chiếc giường hẹp để ngủ, và khi nó hay Ngài không cài hoa, không dùng dầu thơm nữa thì nó cũng bỏ tất cả những thứ đó”. Phật chúc phúc cho vợ rồi lại lên đường.

Con trai Ngài, Rahula, cũng quí mến Ngài lắm, đòi đi theo, bảo: “Cái bóng của Ngài mát mẻ làm sao”. Thân mẫu Rahula muốn cho con sau này làm vua, nhưng Phật nhận cho cậu ta vào tăng hội. Người ta lựa một hoàng tử khác, Nanda[21], làm thế tử, nhưng chưa làm lễ tấn phong xong thì Nanda cũng đi tìm Đức Phật, xin phép được vô tăng hội. Hay tin đó, phụ vương Suddhodhana rất rầu rĩ, bèn xin Phật một ân huệ: “Khi Ngài bỏ nhà đi, tôi đau lòng lắm; rồi tới Nanda thì cũng vậy, tới Rahula còn hơn Nanda nữa. Lòng thương con làm đứt da thịt, bắp thịt, thấu tới tuỷ. Vậy xin Ngài ra lệnh cho các đệ tử của Ngài đừng nhận một thanh niên nào vô tăng hội nếu cha mẹ không cho phép”. Phật nhận lời và từ đó, phải có phép của cha mẹ mới được qui y.

Tôn giáo đó, theo nguyên tắc không có tu sĩ, vậy mà ngay từ hồi đầu, chế độ tăng viện đã phát triển mạnh gần như đạo Bà La Môn rồi. Sau khi Phật tịch ít lâu, chư tăng cũng giàu có, mập mạp gần bằng bọn tu sĩ Bà La Môn. Các tín đồ đầu tiên trong tăng hội một phần là các cựu Bà La Môn và con em các phú gia ở Bénarès và các thành phố chung quanh Bénarès. Những bhikkhu (Tì khưu) đó thời còn Đức Phật, sống một cách đơn giản. Họ chào nhau và chào mọi người hỏi chuyện họ bằng một câu ý nghĩa rất đẹp: “Vạn vật an lạc”. Họ phải giữ ngũ giới; họ lại phải dẹp mọi dị kiến mà khuyên người khác hoà giải; họ phải luôn luôn tỏ lòng thương mọi người và mọi loài vật; họ phải tránh mọi thú vui về xác thịt, về ngũ quan, tránh nhạc, vũ, hát tuồng, các trò chơi, sự xa xỉ, nói chuyện phiếm, tranh luận, đoán cát hung, hoạ phúc; họ tuyệt nhiên không được đi lại với đàn bà, tránh mọi sự dâm dục, hoàn toàn chế dục. Vì mềm lòng trước lời năn nỉ, Phật cho phép phụ nữ vô tăng hội nhưng Ngài ân hận hoài về sự nhu nhược đó. Ngài bảo: “Ananda, nếu trước kia ta không cho đàn bà vô tăng hội thì tôn giáo giữ tính cách thuần khiết được lâu, chánh pháp ít gì cũng đứng vững được ngàn năm. Nhưng ta lỡ cho phép họ thì chánh pháp chỉ giữ được không quá năm trăm năm”. Ngài có lí. Đại tôn Sangla (Tăng già) hiện nay vẫn còn nhưng từ lâu không còn theo đúng lời dạy của Phật nữa, đã hoá đồi bại, nhiễm thuật phù thuỷ, tin vô số dị đoan và thờ đủ các thứ thần.

Vào khoảng gần cuối đời Ngài, tín đồ đã bắt đầu tôn Ngài là thần, mặc dầu Ngài luôn luôn nhắc họ rằng phải tự suy nghĩ lấy, đừng tin hẳn những lời của Ngài. Đây là một trong những đoạn đối thoại cuối cùng của Ngài:

Đại đức Sariputta[22] tới gần chỗ Đức Chí Thánh ngồi, cúi chào rồi rón rén ngồi xuống bên cạnh Ngài và thưa: “Bạch Đức Chí Thánh, tôi tin Ngài tới nỗi cho rằng xưa kia không bao giờ có, hiện nay cũng không có mà sau này cũng không bao giờ có một người nào, dù là tu sĩ Bà La Môn hay đạo sĩ du thuyết[23], mà lại vĩ đại, minh triết hơn Ngài được”.

Tôn sư đáp: “Này Sariputta, những lời bạn mới thốt ra đó đẹp đẽ mà khinh suất đấy, quả thực đã không tiếc lời tán tụng nhiệt liệt! Phải, bạn đã biết tất cả các vị Chí Thánh thời xưa, bạn đã đem tất cả trí thông minh để xét sự sâu sắc trong tư tưởng của những vị đó, bạn lại biết rõ đức hạnh, sự minh triết của họ và biết họ đã đạt tới mức giải thoát nào, phải vậy không?”.

“Không phải vậy đâu, thưa Ngài!”.

“Dĩ nhiên, bạn đã suy nghĩ mà ức đoán các vị Chí Thánh sau này ra sao… và bạn đã dùng óc thông minh của bạn để đo sự hiểu biết của họ rộng ra sao, phải vậy không?”.

“Không phải vậy đâu, thưa Ngài”.

“Nhưng này, Sariputta, ít nhất bạn cũng biết tôi, chính tôi chứ… và đã hiểu thấu tinh thần của tôi chứ?”.

“Thưa không ạ”.

“Sariputta, bạn nhận rằng bạn không biết rõ lòng các vị Giác ngộ thời xưa, cũng không biết rõ lòng các vị sau này. Như vậy tại sao bạn lại dùng những lời đẹp đẽ và khinh suất đó? Tại sao bạn lại không tiếc lời tán tụng tôi như vậy?”.

Chính Ananda, đã chép lại những lời dạy bảo cuối cùng và cao thượng nhất của Phật:
Này Ananda, tất cả những người nào, hoặc ngay bây giờ, hoặc sau khi ta chết, tự làm ngọn đèn soi sáng cho mình, tự làm chỗ nương tựa cho mình, không tìm một chỗ nương tựa nào khác ngoài chính mình ra, mà can đảm coi Chân lí là ngọn đuốc… không tìm một chỗ nương tựa nào ở người khác – những người đó sẽ lên được tới cái bực tối cao! Nhưng những người đó phải lo học hỏi hoài mới được!
Phật tịch năm 483 trước công nguyên, thọ tám mươi tuổi. Ngài bảo: “Chư tăng, bây giờ tôi dặn mọi người này. Tất cả những vật gì gồm nhiều yếu tố thì thế nào cũng có lúc diệt. Tận lực hành đạo đi nhé”. Đó là di ngôn của Ngài.


[1] Ý nói: họ biện thuyết xuôi ngược gì cũng được cả. (ND). 

[2] Y như thời Chiến Quốc ở Trung Hoa. (ND). 

[3] Trong truyền thuyết, Mahavira sinh năm 599 và mất năm 527 trước công nguyên, nhưng Jacobi cho rằng sự thực có lẽ là vào các năm 549 và 477, nghĩa là khoảng 50 năm sau.

[4] Bản tiếng Anh còn cho biết ông mất vào tuổi bảy mươi hai. (Goldfish).

[5] Ahimsa: ta thường dịch là bất bạo động, có người dịch là bất hại, chúng tôi dịch là bất tổn sinh. Bất bạo động chỉ là một qui kết của ahimsa. Vì không được làm tổn thương sinh mệnh, nên cả khi phản kháng cũng không được bạo động. (ND) 

[6] Người ta thường bảo rằng thời đó, nhân loại phát sinh vô số thiên tài, rực rỡ như ngôi sao. Mahavani và Phật ở Ấn Độ, Lão Tử và Khổng Tử ở Trung Hoa, Jérémie và Isale thứ nhì ở Judée, các triết gia tiền Socrate ở Hi Lạp và có lẽ Zarathoustra ở Ba Tư. Sự kiện đó cho chúng ta ngờ rằng những nền văn minh cổ đó có ít nhiều liên lạc với nhau, chịu ảnh hưởng lẫn nhau mà hiện nay chúng ta chưa định rõ được.

[7] Tức những “truyền thuyết về Phật ra đời” viết vào khoảng thế kỉ thứ V sau công nguyên. Một truyền thuyết khác, trong cuốn Lalitavistarađã được Edwin Arnold viết phỏng ra tiếng Anh nhan đề là The Light of Asia. Võ Đình Cường phỏng dịch ra tiếng Việt là Ánh Đạo Vàng. (ND).

[8] Uposatha là bốn ngày thiêng trong tháng: ngày sóc, ngày vọng, ngày mùng tám, và hai mươi ba âm lịch. [Ngày sóc, ngày vọng có nghĩa là ngày mùng một và ngày rằm. (Goldfish)]

[9] Bodhisattwacó nghĩa là về sau sẽ thành Phật, ở đây trỏ Đức Phật. Phật có nghĩa là “giác”, một vị sáng suốt hiểu mọi sự lí trong vũ trụ. Phật chỉ là một trong nhiều tôn danh người ta tặng Ngài. Chính tên tục là Siddharta [Tất Đạt Ta] tên họ (thị tộc) là Gautama [Cồ Đàm]. Ngài cũng có tên là Shakya-Muni [Thích Ca Mâu Ni] nghĩa là vị minh triết của bộ lạc Shakya, và tên Tathagata [Như Lai] nghĩa là “Vị nắm được chân lí”. Nhưng Ngài chưa hề lần nào tự xưng như vậy.

[10] Cây sal: cây sal hay sala tức là cây Shorea robusta, có tác giả viết là cây ashoka hay simsapa tức là cây vô ưu Saraca indica, còn có tên vàng anh. (Theo Võ Quang Yến, Cây cối trong đời Đức Phật, http://www.khoahoc.net/baivo/voquangyen/caycoitrongdoiducphat.htm). (Goldfish). 

[11] Tức La Hầu La. (Goldfish). 

[12] Tức Ưu Lâu Tần Loa. (Goldfish). 

[13] Những tài liệu cổ nhất chép về Đức Phật dạy, và hơi đáng cho ta tin là các kinh Pitaka(tức ảo luật) viết cho cuộc Hội nghị Phật giáo năm 241 trước công nguyên, hội nghị đó cho những lời chép trong kinh đó là đúng lời Phật dạy, những lời đó đã truyền khẩu bốn thế kỉ từ khi Ngài tịch, và sau cùng được chép lại thành tiếng Pali vào khoảng 80 trước công nguyên. Các Pitakađó chia làm tam tạng: Suttatức kinh (kí sự), Vinaya tức luật, và Abhidhamma tức luận. Chính trong Sutta-Pitaka người ta thấy những lời đối thoại của Phật mà Rhys David đặt ngang hàng với những lời đối thoại của Platon. Nhưng thực ra kinh đó không chắc chắn đã chép đúng lời dạy của chính Đức Phật mà có lẽ chỉ là chép lời của các học phái Phật. Charles Eliot bảo: “Mặc dầu những tập kí sự là công trình sưu tập của nhiều thế kỉ, càng ngày càng tăng bổ thêm, nhưng tôi không có lí do gì để nghi ngờ rằng trong những kí sự cổ nhất không có chút hồi kí của những người sống đồng thời với Phật, đã thấy và đã nghe lời dạy của Phật”. 

[Bảo luật: Tôi đã tạm sửa ảo luậtthành bảo luật. Nguyên văn tiếng Anh là: Baskets of the Law. (Goldfish)]. 

[14] Chữ “không” do tôi thêm vào. Nguyên văn tiếng Anh cả câu: He claimed “enlightenment”, but not inspiration; he never pretended that a god was speaking through him. (Tạm dịch: Ngài cho biết mình “giác ngộ”, nhưng không do linh cảm, Ngài không bao giờ tuyên bố rằng Thượng Đế đã nói qua Ngài). (Goldfish).

[15] Chánh kiến: sách in thiếu hai chữ này. Nguyên văn tiếng Anh là: right views. (Goldfish).

[16] Một thánh địa của Ấn Độ, nơi một chi nhánh của con sông Gange (sông Hằng). Đức Phật có lần lại đó thuyết pháp. 

[17] Tôi ngờ bản tiếng Pháp in lộn ở đây: … il fut renvoyer aux trente-trois qui…; có lẽ thiếu mấy chữ autres rois, tôi đoán như vậy mà thêm vô. Cũng có thể là trentes rois (ba mươi vị vua) mà in lộn là trente troi (ba mươi ba). (ND).
[Nguyên văn tiếng Anh, từ đầu câu đến đây là: “Then that brother, Kevaddha, went to the the Four Great Kings, and put the same question, and was sent on, by a similar reply, to the Thirty-three”. Như vậy, bản tiếng Pháp in trente troi(Thirty-three - ba mươi ba) là đúng. (Goldfish)].

[18] Sách in thiếu một đoạn liên quan đến các thần Tusita và vua của họ là Santusita; các thần Nimmana-rati và vua của họ là Sunimmita; các thần Para-nimmita và vua của họ là Paranimmita Vatsavatt. Ở trên, dựa theo mạch văn, tôi đã tạm dịch thêm một đoạn để đưa các vị đó vào. Nguyên văn tiếng Anh: (…) Suyama; who sent him on to the Tusita gods, who sent him on to their king, Santusita; who sent him on to the Nimmana-rati gods, who sent him on to their king, Sunimmita; who sent him on to the Para-nimmita Vasavatti gods who sent him on to their king, Vasavatti, who sent him on to the gods of the Brahma-world. (Goldfish).

[19] Charles Eliot bảo: “Phật nghĩ rằng thế giới không do một thần linh nào sáng tạo mà luân lí không phải do thần linh khải thị. Một tôn giáo không dựa vào những quan niệm đó mà có thể thành lập, tồn tại được, đó là một điều quan trọng bậc nhất”.

[20] Nghĩa là họ nghi ngờ Phật không phải là một nhân vật thực.

[21] Nanda là em cùng cha khác mẹ với Đức Phật. (Goldfish) 

[22] Tức Xá Lợi Phất. (Goldfish). 

[23] Đạo sĩ du thuyết (sách in sai thành đạo sĩ tu thuyết): nguyên văn tiếng Anh: Wanderer. (Goldfish).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/06/2011(Xem: 8399)
Vào năm 1949, tôi đã cùng thầy Trí Hữu, một vị Thượng tọa từ Đà Nẵng thành lập nên Phật Học Đường Ấn Quang ở Sài Gòn. Tôi dạy lớp sơ cấp đầu cho các vị Sadi. Hồi đó tên chùa là Ứng Quang. Chùa vách tre lợp lá rất đơn sơ. Khi đó chiến tranh đang diễn ra giữa quân đội Pháp và lực lượng kháng chiến Việt Minh.
18/06/2011(Xem: 4911)
Phong trào Phật giáo nhân gian (人間佛教) xuất hiện vào đầu thế kỷ 20. Từ những năm thập niên 80 thế kỷ trước, phong trào này trở thành một khuynh hướng chính của Phật giáo ở Trung Hoa lục địa, Đài Loan và Hồng Kông, vượt thoát những khác biệt tông phái và vùng miền. Cho dù ở bên trong phạm vi Phật giáo, hay ở trong giới học giả hay các phân khoa hành chính tôn giáo, mỗi khi thảo luận về tình hình hiện nay và việc phát triển Phật giáo Trung Quốc trong tương lai, người ta không thể bỏ qua chủ đề Phật giáo nhân gian.
10/06/2011(Xem: 6165)
Cách đây hơn hai nghìn năm, Việt Nam là trung tâm mậu dịch buôn bán, rất nhiều thương thuyền của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Nam hải khác đến miền bắc Việt Nam. Các Tăng lữ Ấn thường đi cùng các thuyền buôn trên đường đến Trung Quốc, dừng lại Việt Nam trong một thời gian ngắn. Vì vậy có thể nói, Việt Nam tiếp xúc Phật giáo Ấn Độ sớm hơn Trung Quốc. Tuyến đường biển là tuyến đường Phật giáo tiểu thừa Ấn Độ truyền vào Trung Quốc và cũng là con đường Tây vực truyền vào Trung Quốc; mặt khác, Phật giáo Việt Nam lại được truyền đến từ Trung Quốc (Thiền Nam tông), chính ở đây diễn ra sự giao hội, dung hợp hết sức thú vị của hai dòng phái Phật giáo này diễn ra trên đất Giao Chỉ. Một là Phật giáo Nam tông hai là Phật giáo Bắc tông.
23/05/2011(Xem: 10355)
Chủ đề chính của bài này là những hình ảnh đẹp được chụp ở một số nước châu Á trong dịp Lễ Phật Đản. Mời anh em cùng xem qua.
14/05/2011(Xem: 6196)
Nếu chúng ta tìm hiểu các hoạt động, các nghi thức mà Phật giáo ở các nước tổ chức Đại lễ Phật đản ở xứ họ thì chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều điều giá trị...
06/05/2011(Xem: 7722)
Sách Phật tổ Thống ký thuật là dưới đời Đường, vua Hỷ tông năm 873 TL, ngày tám tháng Tư, thiết lễ Phật đản bằng cách rước kiệu di tích đức Phật từ Phụng hoàng Pháp môn về Lạc dương.
27/04/2011(Xem: 7337)
Một chủ đề chính của cuốn sách này là qua thực hành chúng ta có thể trau dồi tỉnh giác lớn lao hơn suốt mỗi khoảnh khắc của đời sống. Nếu chúng ta làm thế, tự do và linh hoạt mềm dẻo liên tục tăng trưởng...
18/04/2011(Xem: 6040)
Vào tháng Mười năm 2002, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sẽ truyền pháp Thời Luân ở Graz, Áo Quốc. Sự kiện được thực hiện công cộng cho cả những Phật tử lẫn không Phật tử. Mục tiêu của lễ truyền pháp là để cung cấp một cơ hội cho mọi người tất cả mọi tín ngưỡng tụ họp trong một không khí hòa bình để lắng nghe giáo huấn về từ ái và bi mẫn và để tái khẳng định chí nguyện của mọi người để duy trì đạo đức thuần khiết từ truyền thống của họ. Do vậy, lễ truyền pháp được công khai hóa như “Giáo Pháp Thời Luân vì Hòa Bình Thế Giới”. Với những hành giả Phật tử, mục tiêu bổ sung là ban phép gia trì cho họ để dấn thân trong những thực hành mật thừa nâng cao của Giáo Pháp Thời Luân.
10/04/2011(Xem: 5921)
Hãy nói về những việc khác thường phải hiểu đối với Giáo Pháp Thời Luân. Thiết lập nó như một mạn đà la Vô Thượng Du Già, trình bày những đặc trưng đặc biệt của nó.
25/03/2011(Xem: 4710)
Kỳ Na giáo là lối đọc thành tiếng theo phiên âm Hán Việt danh xưng của đạo Giaina. Trong một số sách tiếng Việt đang lưu hành, thường để nguyên tên đạo Giaina hoặc đạo Jaina. Tiếng Anh là Jainism; tiếng Pháp là Jainisme hay Djainisme. Trong Kinh Trung Bộ của Phật giáo, Kỳ Na giáo được gọi Nagantha: là Ly hệ phái. [1]
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]