Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Lâm Tế Nhật Bản

23/04/201318:11(Xem: 8483)
Thiền Lâm Tế Nhật Bản

113thienlamte

Thiền Lâm Tế Nhật Bản

Nguyên tác MATSUBARA TAIDOO

Thích Như Điển dịch

Lời nói đầu

Quyển Thiền Lâm Tế Nhật Bản quý vị đang cầm trên tay bằng tiếng Việt đây, chúng tôi dịch trực tiếp từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi, nhân kỳ nhập thất lần thứ ba tại đây. Công việc được bắt đầu từ ngày 24 tháng 10 năm 2005, đến ngày 18 tháng 11 năm 2005 bản dịch hoàn tất. Thời gian chỉ trong vòng 20 ngày thôi, chưa kể đến 6 ngày nghỉ của ba cuối tuần. Mỗi ngày tôi dịch ròng rã 5 tiếng đồng hồ. Như thế tổng cộng là khoảng 100 giờ tất cả. Tôi không biết Ngài Matsubara Taido phải gom góp tài liệu trong bao nhiêu năm mới viết xong cuốn sách nầy, vì Ngài không đề cập trong tác phẩm. Nhưng chúng tôi chắc rằng kinh nghiệm cả một đời người mới viết được một trong những tác phẩm có giá trị như thế.

Sách dày 233 trang khổ DIN A5 do nhà xuất bản Đại Pháp Luân in ấn. Hình thức rất trang nhã, gọn dễ nhìn và giá bán là 1.300 yen tại Nhật, khoảng chừng 10 Mỹ Kim. Phần sau, sách có cho biết ấn bản lần đầu tiên in vào ngày 1 tháng 8 năm Chiêu Hoà thứ 59 và ấn bản lần thứ 10 in vào ngày 10 tháng 5 năm Bình Thành thứ 12. Nghĩa là chỉ gần 25 năm, có đến 10 lần xuất bản vào cuối thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21 nầy. Quả là một tác phẩm đáng để đọc, để hiểu và để học hỏi.

Sách gồm có năm chương lớn và có những tiết mục nhỏ khác được chia ra trong từng chương một để độc giả dễ theo dõi. Theo lời khuyên của tác giả, nên đọc nửa phần sau của sách trước rồi mới đọc phần đầu và đọc lại toàn bộ một lần nữa, thì sẽ sáng tỏ nhiều vấn đề hơn.

Tôi đến Nhật vào ngày 22 tháng 2 năm 1972 và rời Nhật ngày 22 tháng 4 năm 1977 để sang Đức. Trong hơn 5 năm trường đó, tôi học Nhật Ngữ tại trường Yotsuya khoảng 9 tháng, sau đó thi đỗ vào phân khoa Giáo Dục của Đại Học Teikyo ở Hachiojì, Tokyo. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Teikyo, tôi đã thi đỗ vào Cao Học Phật Giáo tại Đại Học Risso. Trong hơn 5 năm ở Nhật, tôi có hơn 4 năm ở chùa Honryuji, tại Hachioji, Tokyo thuộc Tông phái Nhật Liên Tông. Trong thời gian ấy tôi có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với tiếng Nhật nhiều, trong đời sống hằng ngày như giao tiếp, làm việc, tụng kinh, cúng đám, cầu an, cầu siêu, đám ma, cưới hỏi. Ngay cả những tập tục khác của người Nhật, tôi cũng học làm quen. Để rồi từ đó tôi có một cái vốn ngữ vựng rất lớn và rất tự tin về khả năng Nhật ngữ của mình. Được diễm phúc như thế là nhờ sự chăm sóc và đùm bọc của Thầy Oikawa. Thành tâm cảm niệm ân đức Thầy Oikawa Shinkai, vị Thầy mà tôi thường hay nhắc nhở đến cùng với những vị Thầy dạy học ở Đại Học của tôi theo học lúc bấy giờ.

Xa Nhật từ năm 1977, tôi đến Đức phải học tiếng Đức, vào Đại Học Đức tiếp tục ngành học của mình, tại trường Đại Học Hannover, không phải là điều giản đơn; nhưng tôi đã cố gắng hết mình cho việc tu niệm, việc học và việc trau dồi ngoại ngữ ấy. Dĩ nhiên ở Đức không có cơ hội để nói tiếng Nhật nhiều, nhưng mỗi lần tham dự hội nghị Phật Giáo Thế Giới tại các nước Á Châu như Đài Loan, Singapore, Mã Lai v.v.., tôi lại có cơ hội trình bày những vấn đề bằng tiếng Nhật, hoặc tiếng Anh. Do vậy mà tôi rất vui khi được sử dụng ngôn ngữ mình thích, khiến ngôn ngữ ấy mãi đến tận bây giờ đã hơn 28 năm tôi xa xứ Nhật, tôi vẫn còn tự tin để nói, để viết, để đọc, để nghe và để dịch. Thật ra, điều ấy không phải do tôi có khả năng mà nhờ sự gia hộ của chư vị Tổ Sư, chư vị Bồ Tát, chư Phật mà tôi có được như thế. Tôi có thể đoan chắc rằng tôi dịch tác phẩm nầy của Ngài Matsubara đúng trên 80 % ý chính của ông. Ngoại trừ một số chữ không nắm rõ ý chính, kính mong những vị giỏi tiếng Nhật có thể bổ khuyết cho chỗ dịch thiếu sót của chúng tôi. Xin vô vàn đa tạ.

Trong sách có hai câu chuyện, tôi đắc ý nhất, cũng là hai câu chuyện ngẫu nhiên tôi thường giảng cho Phật Tử Việt Nam nhiều lần, ở nhiều nơi khác nhau về đặc tính của người Nhật, mà do tôi nghe đâu đó và kể lại, không ngờ nó lại nằm trong tác phẩm nầy, Đó là câu chuyện về sự xin lỗi người khác. Người Nhật có một thói quen rất dễ thương và đáng kính là nếu đi đường quý vị rủi đạp lên chân người Nhật, người ấy sẽ xin lỗi quý vị trước, thay vì quý vị phải xin lỗi họ, dù quý vị sai. Họ nói là “Xin lỗi Ngài, vì tôi để cái chân không đúng chỗ, nên bị Ngài dậm lên“. Đó là quý vị chưa kịp nói lời xin lỗi mà họ đã hạ mình xuống rồi, thì quả thật trên thế giới nầy không hề có một dân tộc nào được như thế, mặc dầu tôi đã có cơ hội sống và đi thăm viếng 63 quốc gia trên quả địa cầu nầy.

Trong sách nầy, còn có câu chuyện xảy ra vào cuối thể kỷ thứ 19, bắt qua đầu thế kỷ thứ 20. Nghĩa là việc nầy xảy ra trong thời Minh Trị bước qua thời Đại Chánh tại Nhật. Chuyện hơi dài, quý vị có thể vào phần “ngôn ngữ của lòng tin“ trong sách nầy để xem. Chuyện kể rằng Ngài Tông Diễn và các bạn đồng liêu thuộc giới Tiểu Tăng, nghĩa là học tăng còn nhỏ, đi tham vấn học hỏi với Ngài Tông Tuấn ở chùa Kiến Nhơn tại Kyoto. Một hôm vào giờ trưa Ngài Tông Tuấn có việc phải ra khỏi chùa. Thế là cả lớp Tăng trẻ rủ nhau, mỗi người một nơi để ngủ trưa ở những nơi có gió mát thổi. Ngài Tông Diễn chọn hành lang trước cửa phòng Thầy Tông Tuấn để ngủ. Chẳng may Lão Sư Tông Tuấn quên đồ, nên đi chẳng bao lâu đã trở lại chùa. Các Tiểu tăng khác được các bậc đàn anh đánh thức dậy, nên không có bị Hoà Thượng bắt gặp lúc đang ngủ; chỉ còn Ngài Tông Diễn vừa mới mở mắt, thấy Ngài Tông Tuấn về không biết làm sao. Vì hành lang nhỏ quá cho nên Ngài Tông Tuấn bước qua và đạp lên chân Ngài Tông Diễn. Ngài Tông Tuấn chấp hai tay lại nói nhỏ “Xin lỗi nhé! Cho xin lỗi nhé!“ Điều nầy Ngài Tông Diễn không chờ đợi, chỉ chờ đợi sự la rầy quở mắng mà thôi. Nhưng sự việc ấy đã chẳng xảy ra. “Quả thật là cái Tâm từ bi của ân sư chẳng thể nào diễn tả được“. Đó là lời của Ngài Tông Diễn phát biểu.

Ngày nay người Nhật đối với vấn đề Tôn Giáo rất thông thoáng. Do đó, khi sinh ra họ đem trẻ con đến Thần Xã để cầu nguyện. Lúc lớn lên làm đám cưới tại nhà Thờ Thiên Chúa và chết đi lại trở về chùa. Tất cả nội dung của những điều nầy xin quý vị vào nơi “Lời cuối sách“để xem.

Ở tại Hannover, Đức Quốc, có một người Nhật tên Harada, là giáo sư dạy âm nhạc tại Đại Học Hildesheim, ông ta hầu như mỗi tuần đều có ghé chùa Viên Giác để tụng kinh và gặp tôi nói chuyện. Nghe tôi đề cập đến việc dịch thuật trong khi tôi nhập thất tại Úc, ông rất vui và vui hơn khi được biết năm nầy (2005) tôi dự định dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt những tác phầm về Tịnh Độ Tông của Nhật hoặc Thiền Lâm Tế . Ông về Nhật và bỏ thời gian chịu khó tìm sách hay và gửi cho tôi qua đường bưu điện. Sách nầy, tôi đọc lần đầu vào trung tuần tháng 8 năm 2005 đến ngày 9 tháng 9 năm 2005 thì xong. Đọc như thế để xác định lại khả năng Nhật Ngữ của mình, tôi thấy không có gì trở ngại nên mới bắt đầu việc phiên dịch nầy.

Tuy nhiên, câu văn tiếng Nhật cấu tạo bằng chủ từ, túc từ rồi mới tới động từ. Còn câu văn tiếng Việt thì cấu tạo khác đi. Nghĩa là chủ từ động từ rồi mới đến túc từ., Do vậy tôi phải dịch một mình để xác định lại vị trí của câu văn, nhưng chưa dám tin chắc 100 %. Do vậy tôi nhờ Thượng Toạ Thích Đồng Văn, Tiến Sĩ Phật Học, người đã cùng tôi phiên dịch hai năm trước đây tác phẩm Đại Đường Tây Vức Ký và Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận, từ tiếng Hán sang tiếng Việt, nhuận lại câu văn một lần nữa cho dễ hiểu theo ngôn ngữ Việt Nam và một lần cuối tôi nhờ Hoà Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi, đã tốt nghiệp Đại Học Komazawa, Tokyo Nhật Bản nhuận sắc lại một lần cuối cùng trước khi cho in.

Được cái may là năm nay có Thầy Hạnh Hảo người Đức, cùng đi theo chúng tôi để giúp việc phiên dịch và Thầy ấy dịch tác phẩm nầy sang tiếng Đức. Hy vọng nay mai tại Đức sẽ có quyển sách nầy khi đã giảo chánh lại. Thầy Hạnh Hảo ở chùa Viên Giác từ năm 1993 và năm 1996 thì xuất gia, thọ Tỳ Kheo giới năm 2000, rất rành tiếng Anh, tiếng Phổ Thông và Tiếng Việt Nam. Vì Thầy ấy đã tốt nghiệp khoa Đông Phương học tại Đại Học Hamburg, Đức với luận án ra trường Cao Học là “Thập Mục Ngưu Đồ Tụng thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh“ của Quảng Trí Thiền Sư Việt Nam biên soạn bằng chữ Hán cổ và Thầy đã bình chú ra tiếng Đức là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Nên hy vọng khả năng chuyển dịch của Thầy ấy không có gì đáng lo lắm.

Chú Hạnh Bổn sau khi tốt nghiệp Cao Học ở Đức ngành kỹ sư cơ khí, sau đó xuất gia và hai năm liền từ 2004 đến 2005, đến Úc để phụ cho tôi trong việc đánh máy bài vở, tài xế và đảm nhận trách nhiệm thị giả, để giúp tôi có nhiều thời gian trong việc dịch thuật nầy.

Nhân duyên chuyến nầy trước khi qua Úc, tôi có ghé Thái Lan vào tháng 9, để xem công trình xây dựng Cực Lạc Cảnh Giới Tự của Thầy Hạnh Nguyện tại Chiang Mai và Thầy ấy cũng như Hội Giáo Dục Từ Thiện Sariputta ở Hoa Kỳ muốn ấn tống sách nầy cũng như cuốn Phật nói Luận A Tỳ Đàm về việc hình thành thế giới. Tôi hoàn toàn đồng ý và rất hoan hỷ. Ngoài ra, tác phẩm tiểu thuyết “Giai nhân và Hoà Thượng“ cũng được Thầy ấy gợi ý muốn in để phát hành gây quỹ cho chùa Cực Lạc tại Thái Lan.

Thầy Phổ Huân Tri Sự chùa Pháp Bảo tại Sydney, mỗi tuần lên Đa Bảo một lần, mang cho chúng tôi những thức ăn từ tinh thần đến vật chất. Xin đa tạ Thầy và quý cô Giác Anh, Giác Duyên, Giác Trí cũng như Đạo Hữu Chúc Liêm, Thiện Minh và quý Đạo Hữu khác của chùa Pháp Bảo có cái gì trân quý đều gởi lên Đa Bảo mỗi tuần như là một hãng thầu cung cấp vật liệu mà chẳng bao giờ tính tiền công gồm cả vốn lẫn lời, mà còn nở trên môi những nụ cười hoan hỷ nữa. Chỉ ngần ấy thôi là những tác phẩm và dịch phẩm của chúng tôi được lần lượt ra đời, Cho đến hôm nay (2005) sau 30 năm viết lách, tác phẩm nầy là tác phẩm thứ 46 trong nhiều thứ tiếng khác nhau. Hy vọng tôi còn khoẻ và cơ sở Đa Bảo vẫn chưa sử dụng cho mục tiêu khác thì Thầy trò chúng tôi mỗi năm sẽ qua đây ba tháng để làm phiền quý vị và độc giả khắp bốn phương sẽ có những tác phẩm để đọc.

Xin niệm ân Hoà Thượng Viện Chủ Chùa Pháp Bảo. Xin cảm ơn tất cả những ân tình của quý Thầy, quý cô và quý Đạo Hữu, Phật Tử chùa Pháp Bảo tại Sydney đã dành cho chúng tôi những nghĩa cử thật quý giá như thế.

Kính nguyện mọi việc đều như ý.

Núi Đồi Đa Bảo, Úc Đại Lợi,

Ngày18 tháng11năm2005

Dịch giả Thích Như Điển

THIỀN LÂM TẾ NHẬT BẢN

TÔN GIÁO CỦA CHÚNG TA

Nguyên tác: MATSUBARA TAIDOO

Sa Môn Thích Như Điển

Phương Trượng Chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc chuyển dịch từ tiếng Nhật

sang tiếng Việt tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi từ ngày 24 tháng 10 năm 2005, nhân lần nhập thất lần thứ ba tại đây.

MatsubaraTaidoo sanh năm Minh Trị thứ 40 tại Tokyo, tốt nghiệp khoa Văn chương tại Đại Học WASEDA, hiện là Am chủ Am Nhật Nguyệt, Hội Trưởng Hội“NamMô”. Tác phẩm của ông biên soạn gồm có:

• Nhập Môn Kinh Quan Âm
• Nhập Môn Bát Nhã Tâm Kinh
• Nhập Môn Kinh Pháp Hoa
• Một trăm chuyện chọn lọc về Thiền

Những tác phẩm trên đều được ấn hành tại nhà xuất bản Tường Truyền. Riêng quyển “Thiền Lâm Tế” –Tôn giáo của chúng ta” in lần đầu vào ngày 1 tháng 8 năm Chiêu Hòa thứ 59 và in lần thứ 10 ngày 10 tháng 10 năm Bình Thành thứ 12.


---o0o---


Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/01/2012(Xem: 10679)
Trong giới biên khảo, sử gia giữ một địa vị đặc biệt, vì sức làm việc phi thường của họ. Họ kiên nhẫn, cặm cụi hơn hết thảy các nhà khác, hi sinh suốt đời cho văn hóa...
04/01/2012(Xem: 9951)
Sự khai triển của Phật giáo Đại thừa kết hợp với các dân tộc có nền văn hóa khác nhau đưa đến sự xuất hiện nhiều trình độ hiểu biết Phật giáo rất đặc sắc.
16/09/2011(Xem: 6129)
Cần nói đôi lời về nguồn gốc của hai dòng dõi tulkou nổi tiếng nhất: dòng dõi Đạt lai Lạt ma - hóa thân của Bồ tát Quan Âm, và dòng dõi của Ban Thiền Lạt ma...
11/08/2011(Xem: 4470)
Hệ thống đẳng cấp đã tồn tại ở Ấn hàng nghìn năm trước và vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc vào nhiều mặt đời sống của người dân Ấn hiện nay. Hệ thống đẳng cấp, như thường được biết, có nguồn gốc từ Bà La Môn giáo, hay nói khác đi là một sản phẩm của Bà La Môn giáo. Nhưng về sau, hệ thống đẳng cấp đã vượt ra khỏi Bà La Môn giáo và xâm nhập vào những tôn giáo khác nhau, bao gồm cả những tôn giáo có nguồn gốc bên ngoài Ấn Độ. Bài viết này tìm hiểu một vài khía cạnh về hệ thống đẳng cấp trong các tôn giáo ở Ấn Độ.
07/07/2011(Xem: 30941)
Lời Ban Biên Tập: Nhằm mục đích góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại biết rõ lịch sử Việt Nam trong năm 1963 xảy ra như thế nào và nhất là để có nhận thức sâu sắc hơn về điều mà dân tộc đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”. Cho nên chúng tôi lưu trữ vào Thư Viện Hoa Sen CÁC BẢN DỊCH TỪ KHO DỮ LIỆU BỘ NGOẠI GIAO, BỘ QUỐC PHÒNG, CƠ QUAN TÌNH BÁO TRUNG ƯƠNG & CÁC NGUỒN KHÁC đã giải mật. Các tư liệu này có liên quan đến sự kiện lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Sự việc này chắc chắn sẽ có những ý kiến ủng hộ và chống đối, nhưng lịch sử vẫn là lịch sử. Ban biên tập website Thư Viện Hoa Sen chân thành cảm tạ nhà văn Cư sĩ Nguyên Giác, Cư sĩ Nguyễn Kha, và Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức Publications đã gửi tặng các phiên bản vi tính điện tử và trân trong giới thiệu đến toàn thể quý độc gỉa trong và ngoài nước.
06/07/2011(Xem: 6735)
Công Trình Xây Dựng Tượng Di Lặc Tại Ấn Độ, Đức Phật Di lặc (Maitreya, The Future Buddha) sẽ giáng trần và truyền Pháp độ sanh sau khi chánh Pháp của Đức Phật Thích Ca không còn trên thế gian này. Trong Khế Kinh ghi rằng đức Phật Di lặc sẽ giáng sanh và chứng đạo tại thánh địa Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Ấn Độ nơi đức Thích Ca Mưu ni đã chứng quả hơn 2500 năm về trước. Hàng năm cứ hàng ngàn khách hành hương trên khắp thế giới về thăm Thánh tích này. Để cho mọi Phật tử trong mười phương "Gieo duyên" với đức Phật Di lặc, cách đây khoảng 10 năm, cố Đại sư Thubten Yeshe, sáng lập viên "Hội Bảo Vệ Truyền Thống Phật Giáo Đại Thừa" (FPMT) thuộc Phật giáo Tây Tạng đã phác thảo một kế hoạch xây dựng tượng Di lặc tại Bodhgaya. Kế hoạch đó nay sắp trở thành hiện thực. Vào ngày 20, 21 và 23 tháng 3 năm 1996 tại Bodhgaya, (về sau công trình này đã dời về địa điểm Kushinagar, Uttar Pradesh), Giới Phật giáo Tây Tạng và Ấn Độ đã long trọng tổ chức lễ đặt đá và khởi công xây dựng tượng Di lặ
02/07/2011(Xem: 9663)
Trải qua hơn 25 thế kỷ, đạo Phật tồn tại đến ngày nay là do sự truyền thừa từ đức Phật đến chư tổ. Tổ lại truyền cho tổ, ‘Tổ tổ tương truyền’ tiếp diễn từ đời nầy sang đời khác. Sự truyền thừa được thể hiện qua hai phương diện giáo lý và thật hành. Về phần giáo lý thì mỗi tông phái đều sáng lập giáo nghĩa, tông chỉ riêng biệt và đều lấy kinh điển của Phật làm nền tảng. Về phần thật hành hay phần sự có khác biệt là tùy theo giáo nghĩa và tư tưởng của mỗi tông. Mỗi tông phái đều truyền bá và xiển dương pháp môn của mình trong tông môn và quần chúng Phật tử. Mỗi tông phái của đạo Phật được ví như mỗi loại hoa của vườn hoa Phật pháp. Mỗi loại hoa có nét đẹp và hương thơm riêng biệt, để khoe sắc hương, nhưng tất cả đều ở trong vườn tịnh của Phật pháp. Cũng như vậy, mỗi tông phái đều là của đạo Phật và đều cùng mang một vị, đó là vị ‘giải thoát’. Trong phần sưu tập về tông phái Thiên thai, chúng tôi chia thành hai giai đoạn chính. Đó là sự sáng lập tông phái ở Trung Quốc, sau nhiều thế kỷ
23/06/2011(Xem: 5670)
Một sự trình bày rõ ràng và trung thực về Phật giáo Tây Tạng, quyển sách này trình bày căn bản của Phật pháp theo một đường lối mà mọi người đều có thể hiểu được khi đọc và dễ dàng tu tập trong cuộc sống hàng ngày. Được soạn thảo riêng cho những người mới tìm hiểu vấn đề này lần đầu tiên, quyển sách này cũng còn cung cấp những kiến thức quý báu cho những đệ tử đã thông hiểu Phật giáo Tây Tạng.
22/06/2011(Xem: 4246)
Cách đây không lâu, cả thế giới đã lên tiếng phản đối hành động điên cuồng phá hủy hai tôn tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới tại Bamiyan (Afghanistan) của chính quyền Taliban cực đoan. Sau hành động phá hoại đó, không ít người ngỡ rằng những di tích nền văn minh cổ xưa của Phật giáo tại nơi đây đã bị hủy diệt hoàn toàn; tuy nhiên, điều đó thực tế đã không phải như vậy. Cách đây gần một thập niên, giới khảo cổ học đã khai quật và phát hiện ở Bamiyan những di liệu văn học Phật giáo hết sức kỳ diệu, những minh chứng hùng hồn cho một giai đoạn phát triền rực rỡ của Phật giáo tại nơi này một trung tâm Phật giáo quan trọng ngoài Ấn Độ. Sự phát triển đó đá tạo nên một nền văn minh riêng biệt, gọi là nền văn minh Phật giáo Gandhàra.
20/06/2011(Xem: 8398)
Vào năm 1949, tôi đã cùng thầy Trí Hữu, một vị Thượng tọa từ Đà Nẵng thành lập nên Phật Học Đường Ấn Quang ở Sài Gòn. Tôi dạy lớp sơ cấp đầu cho các vị Sadi. Hồi đó tên chùa là Ứng Quang. Chùa vách tre lợp lá rất đơn sơ. Khi đó chiến tranh đang diễn ra giữa quân đội Pháp và lực lượng kháng chiến Việt Minh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]