Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Điếu Văn Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan (1928-2024) Tăng Trưởng Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

30/01/202420:40(Xem: 1312)
Điếu Văn Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan (1928-2024) Tăng Trưởng Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
ht-thich-thang-hoan-2

ĐIẾU VĂN THÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM

ĐẠI LÃO HOÀ THƯỢNG TÂN VIÊN TỊCH
HÚY THƯỢNG THẮNG HẠ HOAN, HIỆU LONG HOAN

- Tăng Trưởng Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
- Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại
- Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ
- Chứng minh Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN

Trời Ca Li nắng ấm

Trống Bát Nhã rền vang

Đèn Thiền toả sáng long lanh

Lối đạo soi ngời dìu dịu…

Rồi bỗng dưng:

Thiền thất lặng âm, Tăng Ni khấp nguyện rơi châu.

Cửa chùa vắng bóng, Phật Tử ngùi trông nhỏ lệ...!


Nhớ Giác Linh xưa:

Vào năm Kỷ Tỵ tại nước Việt Nam tùy nguyện thác chất, sanh thân khôi ngô tuấn tú.

Nơi tộc Nguyễn Văn ở tỉnh Cần Thơ theo duyên, xuất thế mẫn tiệp thông minh.

Cha là một túc nho, nhạc sĩ tài ba.

Mẹ là một Phật tử, công dung ngôn hạnh.

Tám tuổi song thân cho xuất gia

Hội Khánh chùa xưa chuông ngân mõ nhịp

Châu Điền chốn cũ gió mát trăng soi

Đắc Ngộ tôn sư từ bi tiếp độ

Văn Đồng đệ tử hoan hỷ tựa nương.

Nên Ngài được tôn sư đã ban cho Pháp danh Thắng Hoan.

- THẮNG vượt năm dục, nuôi dưỡng thiện căn, trí nguyện sáng soi, dìu dắt người trần.

- HOAN tu sáu hoà, dựng xây huyền đạo, bi nguyền rạng chiếu, đỡ nâng khách tục.

Từ đó:

Tháng ngày lặng lẽ thoi đưa, tâm Ngài vui với kinh vàng kệ diệu.

Tuế nguyệt âm thầm bóng dõi, ý Ngài quyện cùng mõ sớm chuông chiều.

Cháo cơm đạm bạc,

Áo vải nâu sồng.

Chấp tác hầu Thầy,

Công phu lễ Phật.

Tinh tấn siêng năng, chẳng ngại gian lao.

Cần mẫn chăm chỉ, không từ khó nhọc.

- Bởi vậy: Thầy thương bạn quý, Phật Tử hộ trì.

- Nên chi: Huynh mến đệ thân, Đàn Na trợ giúp.

Mười tám tuổi, đăng đàn thọ giới Sa-di phương trượng với Hoà Thượng thượng Hoàn hạ Thông và đã được Hoà Thượng ban pháp hiệu Long Hoan.

- LONG hưng đạo pháp, giảng dạy Phật đường, truyền trao diệu nghĩa, nối dòng Lâm Tế

- HOAN thịnh Thiền môn, kế thừa Tổ ấn, diễn giải chơn kinh, hoằng dương chánh giáo tiếp phái Bích Phong.

Cũng trong năm ấy, duyên lành hội đủ, cơ diệu hiển bày, Ngài được diện kiến sư bác thượng Thiện hạ Hoa là bậc tổ sư mắt sáng, giới hạnh trang nghiêm, tinh thông ngũ minh, bác lãm Tam Tạng, Đốc Giáo Phật Học Đường Nam Việt. Ngài được Hoà Thượng thượng Hoàn hạ Thông cho y chỉ với Tổ Thiện Hoa. Nhờ vậy, thắng duyên khai mở, phước vận chiếu soi, Ngài được nhập chúng tu học tại Phật Học Đường Nam Việt.

Nơi đây là cái nôi đào tạo tăng tài vang danh ngàn đời.

Ở đó có các bậc thạch trụ thiền gia thông tuệ ghi dấu muôn thuở.

Đêm ngày sôi kinh nấu sử, bối diệp nghiên tầm, tâm hoa tú phát, lý đạo tỏ tường.

Năm 1953, nhận thấy Ngài có giới hạnh kiêm ưu, uy nghi đĩnh đạc, được Tổ Thiện Hoa cho đăng đàn thọ cụ giới tại Phật Học Đường Nam Việt, Sài Gòn.

Từ đây, giới thể châu viên, đạo tâm thuần thục, chính thức dự vào hàng chúng Trung Tôn tuyên dương Chánh Pháp, nhiếp phục tà nhân.

Sau khi tốt nghiệp Trung Đẳng Phật Học tại Phật Học Đường Nam Việt, Ngài được Ban Giám Đốc gởi ra Phật Học Đường Hải Đức Nha Trang học Chương Trình Cao Đẳng Phật Học. “Biển học không bờ, không tiến ắt lùi.” Với ý chí cần cầu tham học, Ngài đã thừa dịp tiến lên, ngâm mình tắm trong biển pháp huyền vi, nghiên cứu kinh luật luận, trui rèn giới định tuệ.

Hải Đức một thời in bóng,

Ấn Quang bao thuở lưu danh.

Ngài đã tốt nghiệp chương trình Cao Đẳng Phật Học. Năm 1970 Ngài tốt nghiệp cử nhân Văn chương tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, một ngôi trường nổi tiếng đã đi vào trang sử rạng ngời, là dấu ấn vàng son trên lộ trình tìm về bến giác của Phật giáo Việt Nam qua con đường giáo dục với kim chỉ nam: “Duy Tuệ Thị Nghiệp”.

Được đào tạo trong những ngôi trường nổi tiếng, với sự dắt dìu ân cần của các bậc cao tăng thạc đức, bác thông Tam Tạng, nên Ngài đã thâu lượm và thâm nhập thấm nhuần giáo lý Phật Đà để làm hành trang vững tiến trên con đường tự độ độ tha, một cách sáng suốt và hiệu quả.

Sau khi hoàn tất chương trình học vấn, Ngài dấn thân vào con đường phụng sự, đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau: Khi thì làm Đốc Giáo kiêm giảng sư Phật Học Viện Biên Hoà, Giảng Sư Viện Hoá Đạo, lúc thì Chánh Đại Diện Phật giáo Quận 5, Quận 10, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tài Chánh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giảng sư các trường Trung Học Bồ Đề, Trung Đẳng Chuyên Khoa Phật Học như: Dược Sư, Từ Nghiêm, Hoa Quang, Huê Lâm, Từ Thiền, Giác Sanh (Sàigòn), Phổ Đức, Phật Ân (Mỹ Tho).

Nhưng rồi dòng đời đẩy đưa, thế sự thay đổi theo làn sóng người tị nạn, từ giã quê hương nước Việt thân yêu, để đi tìm tự do, Ngài đã cùng một số thân hữu dong thuyền vượt biên, lênh đênh trên biển cả Thái Bình, trải qua bao sóng dập gió vùi. Có lúc tưởng chừng như bỏ mình nơi đại dương mênh mông. Nhưng cuối cùng, mưa cũng tạnh, gió cũng ngưng, sóng dữ cũng dừng. Ngài đã đến được bến bờ bình yên và định cư tại Hoa Kỳ, trú ngụ tại chùa Việt Nam, Los Angeles.

Cuộc đời Ngài từ đây đã được bước qua trang mới. Y theo lời văn cảnh sách của Tổ Quy Sơn Linh Hựu: “…Đi xa cần nương bạn lành, để thường thanh lọc tai mắt, trú ở thường nên chọn bạn, thường nghe những điều chưa nghe…” Giữa đất khách quê người, Ngài đã kết thân với chư Tôn Đức và các thiện tri thức ở khắp nơi để tạo duyên lành dựng nên Phật sự. Tại đây, Ngài đảm nhiệm chức vụ như: Phó Hội Chủ kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp; Lãnh đạo tinh thần cho chùa Việt Nam ở Arizona; kết hợp cùng chư Tôn Đức tổ chức Đại Hội Hoằng Pháp tại Denver, Colorado; rồi làm Giáo Thọ Sư tại Tu Viện Kim Sơn và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ; Phó Chủ Tịch đặc trách liên lạc các châu; xây dựng Học Phái Duy Thức, cùng với chư Tôn Đức vận động thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Canada.

Vào năm 1992 Ngài được cả hai Giáo Hội Canada và Hoa Kỳ tấn phong lên ngôi vị Hoà Thượng.

Với tài năng xuất chúng, đức hạnh cao ngời, tâm từ bi, hỷ xả, khoan dung, nhu hoà, vô ngã, vị tha, Ngài đã được GHPGVNTN Canada suy cử làm Chủ Tịch; GHPGVNTN Hoa Kỳ suy cử là Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm; chư Tôn Đức các châu lục đề cử Ngài làm Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Hải Ngoại; chư trưởng lão Hội Đồng Giáo Phẩm Viện Tăng Thống suy tôn Ngài lên ngôi vị Tăng Trưởng Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống.

Dù ở cương vị hay hoàn cảnh nào trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau, Ngài vẫn luôn gìn giữ “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hằng bất tránh chi đức”. Vì vậy, Ngài đã trở thành vị lãnh đạo tinh thần gương mẫu, có định hướng và mục tiêu đúng đắn, được chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử khắp nơi quý kính.

Bên cạnh việc chăm lo Phật sự cho giáo hội, Ngài còn tận tụy chấn tích quang lâm khắp các tòng lâm tự viện ở các châu lục để ban pháp vũ, thuyết pháp âm khai thị cho Tăng Ni Phật Tử. Nơi nào Phật sự cần Ngài đến; đến để sẻ chia, an ủi, động viên, khích lệ, giảng dạy, chỉ bày; để chung lưng đấu cật, kề vai sát cánh, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho tứ chúng đệ tử Phật, cho nhân sanh xã hội.

Rồi có những đêm trường khuya khoắt hay những tháng năm dài, Ngài đã cặm cụi âm thầm lặng lẽ lật từng trang kinh nghiên cứu dịch thuật, biên khảo, trước tác thơ văn cho ra đời những tác phẩm rất có giá trị, góp phần làm giàu cho nền văn hoá Phật giáo. Trong đó đặc biệt có những tác phẩm về Duy Thức Học thật là trác tuyệt.

Những tưởng:

Cội Tùng mãi trụ chốn già lam

Gương tuệ hằng soi nơi cửa Phật

Nào ngờ đâu:

Gió vô thường thổi đến

Sóng sanh tử gợn xô

Đèn lưu ly chợt tắt.

Vào giờ Mão, ngày Rằm tháng Chạp, năm Quý Mão, Hòa Thượng đã an tường xả báo thân thâu thần viên tịch. Bốn biển môn đồ học chúng ngậm ngùi xót thương lãnh thọ di ngôn, chu toàn hiếu sự. Liên châu giáo hội tăng ni bàng hoàng tưởng niệm khấp bái tiễn biệt.

Thế là: Từ nay, môn đồ pháp quyến mất đi người Thầy khả kính, Thiền gia mất đi một thạch trụ, Phật Giáo Việt Nam mất đi một bậc long tượng kỳ túc thâm uyên. Nhưng hoa đàm tuy rụng vẫn còn hương. Hoà Thượng đi vào cõi vô tung bất diệt. Nhưng gương hạnh sáng ngời và đạo phong trác việt của Ngài mãi còn rạng soi cho hàng Tăng tục trong khắp nơi.

Sứ mạng hoằng dương xiển đạo thiền,

Thắng Hoan Hoà Thượng trải ngàn duyên.

Quê nhà: Chí cả, truyền tâm ấn

Đất khách: Lòng trong, xiển đạo huyền

Tĩnh tại, uyên thâm quy tánh giác,

Thong dong, giản dị ở đời riêng.

Khơi nguồn diệu pháp thường khuyên tấn,

Duy Thức Luận Kinh mẫn tuệ truyền

Tuệ truyền khế hợp độ trần say

Lý sự viên dung đức đủ đầy

Ẩn nhẫn tu hành nghiên bối diệp

Kiên trì giáo hóa trụ am mây

Gian lao chẳng ngại vun bồi đắp

Khó nhọc không màng quyết dựng xây

Đạo pháp hoằng thông tâm nguyện mãn

Ngày về cảnh Phật rạng trời Tây...!


Kính nguyện Giác Linh Ngài thượng phẩm cao đăng, nơi Tịnh Độ tuỳ duyên dạo bước vân du, chốn Ta Bà thuỳ nguyện tiêu dao hoá độ.



Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông, Trí Bản Đột Không Pháp Phái Đệ Nhị Thập Tứ Thế, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện – Trung Ương Giáo Phẩm Hội Đồng Tăng Trưởng, húy thượng THẮNG hạ HOAN, hiệu LONG HOAN, Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.



Thừa lệnh Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ

Hậu Học Tỳ-kheo Thích Chúc Hiền khể thủ chấp bút

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/04/2024(Xem: 2051)
Thời gian chưa bao giờ ưu ái riêng dành cho người vô tâm, một khoảng lặng, một quán trọ dừng chân. Chiếc kim đồng hồ cứ hồn nhiên miệt mài quay mãi quay về phía bên phải. Thị nhật cứ dĩ quá, Thân mạng sinh linh,ngũ uẫn èo uột cứ xí thịnh, cứ tùy giảm, như cá trong ao, ngày từng ngày cạn nước.Tuy nhiên, các hành giả hành thiền thì họ lại có khả năng CHỈ và QUÁN Họ tinh ý vận dụng tâm thức , biết tìm cách, tạo cho mình một khoảng lặng, một điểm dừng, một nơi chốn yên bình thanh thản nào đó để chiêm nghiệm, để hồi tưởng,để niệm tưởng một chân nhân ; soi tâm mình vào một phiến gương trong trẻo... một nhân cách khoáng hoạt, một chân chân liễu giác những ảnh hình trác việt ấy, đạo phong họ đủ làm mô phạm cho bản tâm mình trên lộ trình tu tập.
01/04/2024(Xem: 32002)
Phật giáo Việt Nam trong hai thế kỷ cận đại và hiện đại, xuất hiện một số nhân vật đạo hạnh cao vời, kỳ tài xuất chúng, có những cống hiến to lớn, dài lâu cho Đạo pháp và Dân tộc. Ngôn ngữ nhà Thiền xưng tụng những vị này là Bồ-tát, Đại sĩ, Thánh Tăng, hay Long Tượng, là những tôn danh chỉ được tìm thấy trong kinh điển, sử sách, trong lịch sử truyền miệng hoặc trên những bia đá ngàn năm nơi cổ tháp. Triết gia Phạm Công Thiện trong buổi ra mắt tác phẩm “Huyền Thoại Duy Ma Cật” của Hòa thượng Tuệ Sỹ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas ngày 04 tháng 11 năm 2007, đã gọi tác giả là “bậc Long Tượng: Tuệ Sỹ” và diễn giải thêm, “Long Tượng là bậc Thầy của cả một dân tộc, nếu chưa muốn nói là bậc Thầy của thế giới.”
24/03/2024(Xem: 1659)
Từ năm 1990 thầy bổn sư (thầy thế phát xuất gia Hoà Thượng Thượng TRÍ hạ YÊN) dẫn chúng con vào Chùa Khánh Long Q4 TPHCM đê đầu y chỉ cầu pháp nơi Thầy (Ni Trưởng Thượng Tâm Hạ Hoa) để nương đức thầy ni tu học. 5 huynh đệ chúng con gồm: chị Tâm Như, Tâm Tuyền, Tâm Thành, Tâm Nguyện và con được gửi bên chùa Khánh Long, còn chị Chúc Diệu, Chúc Tánh gửi sang bên chùa Bồ Đề. Kể từ đó, Thầy đã che chở dạy dỗ dắt dìu cho chúng con. Lúc đó con được thầy nhờ cô Hạnh Minh có quen cô giáo dạy trường Khánh Hội giúp hồ sơ chuyển trường từ Ayunpa lên TP để cho con nhập học từ lớp 8 vào lớp 9.
16/02/2024(Xem: 1970)
Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu, thế danh Nguyễn Tấn Hưng, sinh năm Nhâm Tuất (1921), tại xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ngài là con thứ trong gia đình có 4 anh chị em; thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Thời, cụ bà là Trần Thị Thất.
07/02/2024(Xem: 6343)
Sớm mai Sư khép cửa tùng Thỏng đôi chân bước chập chùng sương đêm Bước chân không tiếng động thềm Tư duy cao viễn sáng viền nguyên tiêu. Cần gì nao ! kính chiếu yêu Bồ tát tâm Chẳng lụy điều phục tâm.
03/02/2024(Xem: 6040)
ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG húy thượng THẮNG hạ HOAN hiệu LONG HOAN - Tăng Trưởng Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất - Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại - Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ đã thuận thế vô thường, thâu thần thị tịch vào lúc 6 giờ 50 sáng thứ Năm, ngày 25 tháng 01 năm 2024, (nhằm ngày Rằm tháng Chạp năm Quý Mão), tại Thành phố Santa Ana, Quận Cam, Tiểu bang California, Hoa Kỳ, thế thọ 97, hạ lạp 72. Tang lễ Đức Đại lão Hòa Thượng sẽ được long trọng cử hành tại Chùa Bát Nhã, 4717 W. First Street, Santa Ana, California 92703, U.S.A. - Lễ cung nghinh báo thân nhập kim quan lúc 10 giờ sáng thứ Tư, ngày 31 tháng 01 năm 2024 (nhằm ngày 21 tháng Chạp năm Quý Mão). - Lễ phụng tống kim quan trà tỳ lúc 6 giờ 30 sáng thứ Sáu, ngày 02 tháng 02 năm 2024 (nhằm ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão). Ngưỡng mong mười phương thường trụ Tăng-già nhất tâm cầu nguyện Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc.
29/01/2024(Xem: 2935)
Xá lợi thiền sư Thích Nhất Hạnh được các tăng ni rước từ thiền đường Trăng Rằm sang thất Lắng Nghe trong khuôn viên chùa Từ Hiếu, sáng 29/1.
23/01/2024(Xem: 2019)
Vào lúc 10 giờ ngày chủ nhật 21/01/2024, chùa Phổ Từ tọa lạc tại số 17327 Meekland Ave, thành phố Hayward, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Đại tường - tưởng niệm cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thiền sư Thích Nhất Hạnh - nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, học giả, sử gia và nhà hoạt động hòa bình, đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế, Việt Nam ngày 22 tháng 01 năm 2022. Nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với ân đức, tình thương cao rộng của Sư Ông Làng Mai qua nhiều năm giảng dạy thiền quán; với công trình trước tác, phiên dịch kinh sách to lớn; chùa Phổ Từ đã tổ chức Lễ tưởng niệm cố Thiền sư vào ngày 29/01/2022; ngày 30/01/2022; Lễ Chung thất - tưởng niệm vào ngày 13/3/2022; Lễ Tiểu tường - tưởng niệm vào ngày 07/01/2023 có đông chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử tham dự.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]