Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Điếu Văn Thành Kính Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Tuệ Sỹ - Thích Nguyên Chứng

30/11/202311:53(Xem: 2286)
Điếu Văn Thành Kính Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Tuệ Sỹ - Thích Nguyên Chứng


on tue sy-2023-13

Điếu
Văn Thành Kính Tưởng Niệm

Trưởng Lão Hòa Thượng Tuệ Sỹ - Thích Nguyên Chứng

 

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật,

Thành kính đảnh lễ chư tôn đức Ban Tang Lễ và chư tôn đức trong môn đồ Pháp quyến!

 

Cung kính đảnh lễ Giác linh Trưởng Lão Hoà thượng thượng Nguyên hạ Chứng – Pháp Hiệu: Tuệ Sỹ!!!

 

Hỡi ôi!

Có phải nhịp Vô thường đang vang vang tiếng vọng...?

Một chiều Thu, Thái bình dương đìu hiu buồn cô quạnh,

Sông Đồng Nai, con nước cuồn cuộn vội đổ về Đông,

Ôi! Đất Trời ngấn nghẹn khóc vỡ gan, ai ai cũng khóc;

Biển Nước Việt Nam nhỏ lệ buồn nát ruột, mọi người tự nhiên buồn.

 

Đất Đồng Nai cơn gió đầu Đông rào rạc, luân phiên thổi năm canh,

Phương trời Đông,

Giông tố loan tin,

Hỡi ôi!

Bờ Tây – Thái Bình Dương, Mỹ Quốc dập dìu con sóng biếc,

Đất Trời như u ám ngấn nghẹn ly tang,

Nghe tin tấc dạ bùi ngùi…

Ôi! Vô thường tang thương, nhanh như chớp,

Đây phương trời Tây, cơn gió Thu năm canh xào xạc thổi,

Từ xa xôi nửa Vòng Trái Đất,

Mượn bút thay lời Đạo tình như có mặt chích mảnh khăn tang,

Tấm lòng này… kính bút kính lễ khóc lễ Giác linh.

Phật Ân… Hạc Vàng đã sải cánh trở về Tây!

An Phước, Long Thành, Đồng Nai địa linh nhân kiệt,

Non xanh, nước biếc, đất lành sanh người Hiền sĩ,

Núi Pháp uy nghiêm Hạc Vàng bay lượn về Tây.

 

 

Nhịp vô thường vang âm vang tiếng huyền ảo, Diệu Pháp Nguyên Chứng: Thuận thế vô thường, “ta đi vào cõi mộng”, mình vận Cà-sa khởi gót về Tây;

Cõi hồng trần phù dung vang vọng tiếng thanh, Ứng Lượng Tuệ Sỹ: Giác ngộ vô ngã, “như sương mai, ánh chớp”, thong dong quảy Bát quay về Núi cũ!

 

Rõ là,

Đất Mẹ Việt Nam cội nguồn Sông Núi của Bậc Hiền sĩ,

Trời Đồng Nai – Đông Nam Bộ dâng lên cao niềm xúc cảm!

Tăng Ni, hàng Sa Môn ngấn nghẹn kính cẩn tiễn đưa Người đức độ,

Môn đồ, hàng Tứ chúng Pháp tử dạ bùi ngùi chích mảnh khăn tang,

Phật Tử khắp nơi trên Thế Giới ngậm ngùi phục bái bậc Chân Nhân Vô úy!!

Ôi, âm vang như sấm chớp!

Người đã đi thật rồi sao, đã đi thật rồi sao!

Ôi!...Đi thật rồi sao!

Tuệ Sỹ đã đi thật rồi!

Cả cuộc đời hành Đạo,

Đạo Pháp – Dân Tộc, Đông Tây đều thấm hóa,

Đạo thể vốn đã vuông tròn, nhập Niết-bàn bất diệt vô sanh,

Giáo Hội kính cẩn ghi gương người Đạo hạnh,

Ta-bà phủ phục lưu dấu bóng Chân nhân.

Xuôi bờ Đông Suối Sông rỉ lệ từ dãy Trường Sơn đổ ra Biển

Pháp thể khinh an, mình vận Cà sa, Quảy Bát, đi thật rồi…!

Ồ ! Đã đi thật rồi…

Cõi mộng Ta-bà, bảy mươi chín năm tùy duyên hạnh ngộ,

Bốn mươi sáu năm trường Giới lạp Giác ngộ độ vô tham,

Sanh – tử, Tử - sanh sao có thể sờn lòng người Pháp lữ,

Khoác Y, Chân nhân Vô úy thể nhập tánh giác Chơn như!

 

 

Kính bạch Giác linh Đức Ngài Trưỡng Lão Hòa thượng,

Trước án kim quan của Hòa thượng Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống,

Trong giờ phút nghìn thu vĩnh biệt,

Trang nghiêm thanh tịnh,

Chúng con thành kính nghiêng mình tiễn biệt Đức Ngài cao đăng Phật quốc.

Trưởng lão Hòa thượng trở về nơi cõi Phật,

Dẫu biết rằng sinh tử là lẽ thường,

Nhưng làm sao tránh khỏi bùi ngùi xúc động!

Kính Nhớ Giác linh xưa:

 

Paksé, Lào đủ duyên thị hiện;

Sa Môn hạnh theo hạnh nguyện tái lai,

Đã nhiều kiếp là đấng anh tài tuấn kiệt,

Nay hiện phàm để hiển bày chân pháp tánh!

Năm Ất Dậu - 1945, một Cao Tăng tái kiếp làm hài nhi

Ngày 5 tháng 4, đã xuất hiệt ở chốn Ta-bà.

Thuở mới sanh có tên là Văn Thương

Thuộc dòng Phạm tộc uy danh

Vốn là chân Pháp khí

Thân tướng trượng phu,

Cốt cách phương phi

Ý chí bất phàm,

Thật duyên lành nên hội ngộ trong nhà Cư sĩ,

Trong gia đình, Thân Phụ Mẫu đều tin kính Phật:

Thân phụ của Ngài là cụ ông Văn Phận - Pháp danh Trung Thảo,

Thân mẫu: Cụ bà Đặng Thị Chín, Pháp danh Diệu Chánh.

Thuở nhỏ lễ phép, hiền hoà, hiếu thảo...

Lại thêm duyên tốt Mẹ thường tạo duyện,

Thầy thường được theo mẹ đi chùa làng gần nhà

Người mẹ hiền sớm tối đã thấy Văn Thương có ý ngộ lý Thiền môn,

Để đến lúc Thầy chỉ muốn ở chùa không về nhà nữa

Năm 1952, vì do chạy giặc Thầy đã kết duyên lành trong Phật pháp:

Cha mẹ đã gởi lên chùa hành điệu

Theo hầu sư phụ là Hòa thượng khai sơn chùa Trang Nghiêm,

Ở làng Tân An, tỉnh Paksé, Lào.

Năm 1954, Thầy chính thức được thế phát xuất gia.

Thật là:

Tái lai vốn sẵn hiện tiền,

Nhân duyên đưa đến

Hạt giống Pháp khí Đại thừa đã đâm chồi

Để mai sau trở nên người Đại chí.


Năm 1960, Thầy trở về Việt Nam

Xa quê, lìa bỏ tình nhà

Hòa chung thế sự một nhà Từ bi

Sư đi và trú tại chùa Bồ đề,

Ngôi Già lam nhỏ gần cầu Gia Hội, Huế

Hành trang của người Hiền sĩ là Vô tướng

Nhưng lúc đó pháp diệu tướng là bộ Diệu Pháp Liên Hoa

Kinh thư Hán tự Thầy luôn giữ bên mình

Năm 1968, biến cố Tết Mậu thân

Thầy bị lạc mất ở chùa Từ Đàm, Huế.

Đất Thần kinh – xứ Huế

Là nơi long tượng thường xuất hiện

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang

Là bậc Mô phạm Đại thừa khí

Vốn là Chú của Thầy

Một nhà lãnh đạo nổi danh của Phật Giáo Việt Nam

Lúc ấy cũng đang sống tại Huế.

Tuy vậy, với bản tính độc lập,

Bậc anh tài, thanh niên Đại chí

Thầy đã một mình giong ruổi khắp nơi

Qua các địa phương:

Nào Huế đến Nha Trang

Nào Sài Gòn đến Tiền Giang

Và trải dài theo các tỉnh miền Nam

Ý chí tự cường tự lập

Sống đời sống du phương

Nương nhờ các tự viện lớn nhỏ khắp nơi.

 

Năm 1961, đất Sài Gòn vang danh một thuở

Ở tuổi 16, Thầy thọ giới Sa-di

Với Hòa thượng Thích Hành Trụ

Cùng năm này, thắng duyên hội đủ

Thầy thọ an cư Sa-di giới đầu tiên tại chùa Phật Ân

Nơi tỉnh Tiền Giang cùng với thầy Trí Minh

Lần hồi nương theo pháp nhân duyên

Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ

Bậc Hiền sĩ, bậc Tôn sư phạm hạnh

Đã nhận về thiền viện Quảng Hương Già-lam Gò Vấp.

 

Đất Sài Gòn nơi Thủ Đô tàng long ngọa hổ

Thầy tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964

Học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh

Phân khoa Phật học niên khóa 1965.

Với các luận triết về Thế Thân (Vasubandhu)

Về A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận

Bậc chân tài Pháp khí tỏ rõ

Hòa thượng Thích Đức Nhuận bậc Mô phạm

Là người đầu tiên đã phát hiện:

Đây là Pháp Khí

Tài năng của người tu sĩ trẻ đã được Hòa thượng

tỏ tường

Ngài đã giới thiệu Thầy vào Viện Đại học Vạn Hạnh

Hòa thượng Thích Mãn Giác

Đương kim phó Viện trưởng khi đó đã đề nghị:

Anh tài trong bốn chúng

Viện nên trao bằng Cử nhân cho Thầy

Nhưng hay thay! Học sĩ tròn đầy

Thầy xin phép được từ chối nhận.

Năm 1970, nhờ những công trình nghiên cứu Phật học

Và những khảo luận Triết học có giá trị cao

Thật trứ danh như Đại Cương Về Thiền Quán

Do Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu giới thiệu

Liên Hoa ấn quán in 1967,

Triết Học về Tánh Không (An Tiêm xuất bản, Saigon 1970), v.v…

Thầy được đặc cách bổ nhiệm làm:

Giáo sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh

Sau đó Thầy kiêm Xử lý Khoa trưởng

Phân khoa Phật học niên khóa 1972-1973.

Thầy tinh thông chữ Hán

Biết nhiều ngoại ngữ như:

Anh, Pháp, Lào, Thái, Nhật, Tây Tạng

Thông thạo hai cổ ngữ Pali và Sanskrit

Bậc trí sĩ uyên bác,Thầy đọc hiểu tiếng Đức

Nghiên cứu kỹ về Heidegger và Hoelderli

Tác phẩm Thiền Luận nổi tiếng của D.T. Suzuki

Bản Việt ngữ tập 2 và 3 là do Thầy dịch

Đã được in và tái bản nhiều lần từ 1972 đến 1975.

Năm 1973, Thích Trí Thủ bậc Tôn sư

Nhận thấy Thầy mãi lo việc nghiên cứu và giảng dạy

Ngài đã đốc thúc Thầy chuẩn bị thọ Đại giới Tỳ-kheo

Và Sa-di Tuệ Sỹ đã chính thức thọ giới Cụ túc

Tại Đại giới đàn Phước Huệ

Tổ chức tại Phật học viện Trung phần, Nha Trang

Kể từ đó Tuệ Sỹ trở nên người Phạm chí:

 

Tánh giác chơn như, Nguyên chủng Bồ Đề, hoa đạo đức Đạirộ nở, giới thể trang nghiêm, trí sáng tợ như vầng nhật nguyệt;

Trí như Bát Nhã, Chứng ngộ Pháp thân, cõi nghĩa nhân Pháp khí tỏa sáng, giới thân diễm lệ, khắp càn khôn Y báu lung linh!!

Tuệ Sỹ dung thông Pháp giáo

Uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy

Tinh thông Đại Thừa giáo

Thầy còn là một ngôi sao lớn

Tinh thông triết học trong bầu trời Tây phương

Văn chương, thơ, âm nhạc...

Tất thảy đều thông suốt.

Ngoài những khảo luận Triết học và Phật học

Ngài đã viết tác phẩm đầy thi vị: ‘Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng’.

Về âm nhạc:

Hòa thượng chơi đàn guitar

Đánh violon, piano, thổi sáo

Thầy tìm hiểu âm nhạc dân tộc

Lại rất am tường nhạc cổ điển Tây phương.

 

Tuệ Sỹ làm nhiều thơ

Viết một số truyện ngắn

Và các tiểu luận triết học

Phê bình văn học đặc sắc

Phần lớn đăng trên các tạp chí Khởi Hành (1969-1972)

và Thời Tập (1973-1975) tại Sài Gòn.

 

Đồng thời Hòa thượng cũng là Tổng thư ký

Tòa soạn Tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh.

Tập thơ chữ Hán đặc sắc:

‘Ngục trung mị ngữ’

Được Ngài làm trong tù sau năm 1975

Tập thơ ‘Giấc mơ Trường sơn’,

‘Những điệp khúc cho dương cầm’

‘Thiên lý độc hành’

sau này đã được dịch ra Anh, Pháp, Nhật ngữ

Phát hành rộng rãi khắp nơi trên thế giới.

Tư tưởng Bồ-tát đạo

Thực hành Đại thừa giáo

Đã trở thành kim chỉ nam

Trong hành trạng và giáo hóa của Ngài

Pháp Hoa kinh, Duy Ma Cật

Đã ảnh hưởng suốt cuộc đời tu học và hành Đạo của Thầy
Ngài đã trở thành biểu tượng uy đức

Của sự đấu tranh ôn hòa

Hy hiến cho các giá trị nhân quyền

Và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Năm 1973, Hòa thượng về Nha Trang

Làm Giám học Phật học viện Trung phần

Do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Năm 1975 lịch sử,

Tại Phật học viện Trung phần

Hòa thượng Tuệ Sỹ đang phụ trách giảng dạy

Sau biến cố 30 tháng 4, 1975

Cơ sở này bị đóng cửa

Đức Ngài về ẩn cư tại một miếng rẫy chùa

Ở ven rừng Vạn Giã, cách Nha Trang chừng 60 km.

Đến năm 1977, vào Sài Gòn lánh nạn

Trú ở chùa Tập Thành Bình Thạnh.

Năm 1978, Hòa thượng bị nhà cầm quyền bắt giam:

Với 3 năm không xét xử

(tội cư trú bất hợp pháp)

Cuối năm 1980 thì được phóng thích.

Do hoàn cảnh mấy năm lang thang và ở tù

Ngài nhận thấy giới thể bị ảnh hưởng

Có thể không thanh tịnh

Tại Quảng Hương Già-lam năm 1982

Hòa Thượng được thọ lại Đại giới Cụ túc

Do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ làm đàn đầu,

Hòa thượng Thích Trí Quang làm tôn chứng

Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm tuyên luật sư.

Cũng trong khoảng thời gian ấy

Từ năm 1980 đến 1984

Hòa thượng làm Giáo thọ sư

Cho khóa đào tạo đặc biệt tại Tu Viện Quảng Hương Già-lam

Do Trưởng Lão Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Vòng thời gian xoay chuyển
Tháng 4 năm1984, Ngài lại bị bắt

Trong lúc ấy cùng có Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát
Và cùng 17 tăng ni, cư sĩ Phật tử

Vào cuối tháng 9 năm 1988,

Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày

Ngài không chấp nhận luật sư chỉ định biện hộ

Mà hai thầy tự biện hộ cho mình

Nhà cầm quyền đã kết án Tử hình:

Hai Thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu

Vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Cảm phục Tuệ Dũng và Vô úy của các Ngài
Cùng sự tranh đấu tích cực

Của các nhân sĩ trong và ngoài nước

Sự can thiệp tích cực của các cơ quan nhân quyền quốc tế

Hà Nội phải vội vã giảm án hai Thầy

Xuống còn 20 năm khổ sai

Họ đã đem giam Hòa thượng tại Xuân Lộc, Đồng Nai

Sau đó chuyển riêng Hòa thượng ra trại A-20 tỉnh Phú Yên.

Tháng 10 năm 1994, với sự phản kháng trong tù

Hòa thượng bị nhà cầm quyền:

Tách đưa ra trại giam Ba sao, miền Bắc.

Tổ chức Human Rights Watch cảm phục:

Trao giải thưởng tranh đấu nhân quyền

(Hellman-Hammett Awards)

Cùng với 7 nhà đấu tranh khác vào ngày 03 tháng 8 năm 1998.

Cùng năm 1998, Hà Nội trả tự do cho Hòa thượng

Trước đó, Hòa thượng đã tuyệt thực trong tù

Với những lời Dũng lực – Tuệ khí trứ danh:

“Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này,

tính pháp lý của bản án này,

các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá chúng tôi.”


Ngày 02 tháng 9 năm 1998,

Hòa thượng Tuệ Sỹ được đưa lên xe lửa về Nam.

 

Uy đức, Trí đức, Dũng khí vượt tầm pháp giới

Tháng 4 năm 1999, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã:

Đề cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Năm 2002, với trách nhiệm Pháp vụ

Pháp sự: Đệ Nhất Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo

Ngài là một trong những nhà lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Là một trong những trụ cột

Người đóng góp rất nhiều cùng với nhị vị:

Hòa Thượng Thích Huyền Quang

Và Hòa Thượng Thích Quảng Độ

Đồng hành trong công cuộc đấu tranh:

Đòi hỏi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam

Nhất là quyền phục hoạt:

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Đầu tháng 3 năm 2003

Khâm lệnh Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang

Bị quản thúc tại Quảng Hương Già-lam

Thầy đã tháp tùng Hòa thượng Thích Huyền Quang

Nhị vị ra Hà Nội chữa bệnh

Và chuẩn bị gặp Thủ tướng đương thời:

Phan Văn Khải, để yêu cầu ngài Thủ tướng giải quyết:

Việc đã đình chỉ sinh hoạt của GHPGVNTN từ sau năm 1975

Cũng như sự cấm đoán

Quản chế không xét xử bản thân Hòa thượng

Cùng với Hòa thượng Thích Quảng Độ

Và một số Tăng ni, Phật tử khác.

Trong dịp này, đại diện ngoại giao:

Sáu nước thành viên Khối Liên Âu và Hoa Kỳ

Đã chủ động tìm gặp Hòa thượng Tuệ Sỹ

Mời Hòa thượng đến thăm

Và làm việc tại trụ sở ngoại giao của phái bộ Liên Âu ở Hà Nội.


Ngày 01 tháng 10 năm 2003,

tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định

Hòa thượng đã cùng nhị vị Hòa thượng:

Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ

Những bậc Long tượng của Thiền gia

Tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN.

Sau Đại hội này, hai vị Đại lão Hòa thượng

cũng như Hòa thượng Tuệ Sỹ

và một số Tăng ni tham dự đã bị:

Nhà cầm quyền quản chế mỗi người một nơi

giám sát chặt chẽ.

Tuy gian nguy nhưng tinh thần Vô úy :

‘Uy vũ bất năng khuất’

Hòa thượng đã sát cánh cùng nhị vị Hòa thượng:

Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ

Đã ủy thác cho các GHPGVNTN Hải ngoại:

Tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN

Tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu.

Chính Đại hội này – năm 2023

Đã công bố đầy đủ nhân sự:

Lãnh đạo Giáo hội trong nước và hải ngoại

Toàn thể Tăng Ni Phật tử đã suy tôn:

Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN.

Năm 2008 là năm huyền vi lịch sử

Đức Đệ Tứ Tăng thống GHPGVNTN:

Thích Huyền Quang viên tịch.

Ngôi vị cao cả được trao lại cho:

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ truyền thừa

Ngôi vị Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN.

Trong khi Pháp sự trọng vụ ngút ngàn

Tuệ Sỹ Hòa thượng dành hết thời gian

Và sức lực cho công việc trước tác

Nào phiên dịch Phật ngôn

Nào Phật sự đào tạo từng nhóm Tăng Ni

Để đủ trình độ nghiên cứu Phật học

Gieo trồng hạt giống phiên dịch kinh điển sau này.

Trong thời gian này:

Hòa thượng đã hoàn thành phiên dịch

Và hiệu đính 4 bộ kinh A-hàm

Kinh Duy-ma-cật sở thuyết

Bộ Luật Tứ phần

Các bộ Luận Thành Duy Thức

A-tì-đạt-ma Câu-xá

và nhiều trước tác khác…

 

Ôi chân đức, uy linh

Văn thao bút nhạy!

Hy hiến, Dũng Tuệ cân bằng

Phát huy Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Đắp xây Tăng già Bản thệ

Trung hưng giáo Pháp.



Tháng 03 năm 2019,

những ngày tháng tri hội

Đức Đại lão Hòa thượng:

Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN dự tri thời chí

Ngài tự biết sức khỏe không còn nhiều

Ngài đã mời Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tương hội

Đã gặp nhau tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn

Đức Đệ Ngũ Tăng thống phú chúc di ngôn và ấn tín:

Của Viện Tăng thống GHPGVNTN

Ủy nhiệm Hòa thượng Tuệ Sỹ lãnh đạo

Đảm nhiệm Xử lý thường vụ Viện Tăng thống sau khi Ngài viên tịch.

Đến tháng 02 năm 2020,

Đại lão Hòa thượng Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN

Đã thuận thế vô thường, an nhiên thị tịch tại chùa Từ Hiếu.

 

Lúc này, HT Thích Tuệ Sỹ đang chữa trọng bệnh tại Nhật Bản và bị mắc kẹt tại đây do đại dịch Covid, không thể về nước.

Tháng 11 năm 2021,

Ngài chủ trì Đại hội lần thứ nhất:

Hội đồng Hoằng pháp

Quyết định thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời

Nhằm để kế thừa Hội đồng Phiên dịch Tam tạng

Từ Chư tôn Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương – Viện Tăng thống GHPGVNTN

Vốn đã thành lập từ năm 1973.


Ngày 03 tháng 12 năm 2021,

Thông bạch số 11/VTT/VP chính thức công bố:

Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời được thành lập.

Từ đây, Phật sự tiếp nối

Công việc phiên dịch

Cho đến hiệu đính

Chứng nghĩa chuyết văn

Và tổ chức in ấn được đẩy mạnh

Tất thảy đều theo quy củ đã định

Đã hình thành 29 tập đầu tiên

Và được khởi in trong năm 2022

Thật hoan hỷ thay!

Với công đức dự phần của các bậc Tôn túc

Cho đến Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước

Đã đặt nền móng cho công trình Đại Tạng Kinh Việt Nam

Kể từ đó chính thức được tiếp nối

Từ Hội nghị Toàn thể:

Hội đồng Phiên dịch Tam tạng tháng 10 năm 1973 lịch sử.

Cũng trong năm 2022 lịch sử lưu dấu ấn:

tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai,

Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN

Đã suy cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Đảm nhiệm trách vụ:

Chánh thư ký kiêm Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống.


Pháp sự hanh thông

Vào ngày 22 tháng 8

Tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài-gòn

Hội đồng đã cử hành lễ truyền trao ấn tín

Và khai ấn Viện Tăng Thống cho Hòa thượng đương vị.


Quả thật là Chân Đức Tuệ Giác,

Trở nên lãnh đạo tối cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Ngoài thời gian lãnh đạo, hoạt động Phật sự,

Trưởng lão Hòa thượng còn dành thời gian viết sách,

Sáng tác thơ văn hoằng pháp

Để lại bút tích cho hậu nhân.

 

Gương hạnh tuệ sáng ngời Đuốc Tuệ,

Mọi Phật sự vẫn tuỳ duyên vô ngại,

Vô cầu, vô chấp với khí lượng vô tham,

Việt Nam sáng ngời gương Vô uý!

Nơi trần thế vẫn ghi tạc dòng tưởng nhớ:

Đạo hạnh,

Chân nhân,

Uy đức,

Vô uý,

Hiền sĩ,

Ứng lượng khí,

Sáng tỏ giáo hạnh tuỳ duyên!

Những đóng góp,

Và dấn thân của Ngài,

Muôn người, muôn nơi đều ghi nhận,

Ôi! Gương sáng ngàn đời,

Đạo pháp và Dân tộc sáng ngời trong uy đức ấy!

 

Tất cả pháp sự:

Dù thế sự hay là Phật sự đều một lòng hy hiến

Dựng xây bằng chân tâm siêu thế

Trọng trách hành hoạt trong nhân sinh

Hành Đạo trong Nhân thế

Tất cả đều được vun bón trên tự tánh Niết-bàn!

Tất cả đều trở thành hoa hương diễm lệ của tánh Bát-nhã!

Tất cả đều trở thành giới đức vô úy trang nghiêm:

Bậc Chân nhân Hiền sĩ hành đạo trong lòng Nhân thế

Để huy hoàng Phật Nhật Tông Môn,

Để hưng phát Tăng Đồ GHPGVNTN!!

Ôi thật thanh cao!

Ngài đã dụng Pháp hòa đồng cùng Xuất ly Pháp

Dụng thể tánh dù là Chân Đế hay là Tục Đế tất thảy đều phi phàm

Liễu Đạo màu, Vô úy, Vô Ngại, Vô cầu, Vô ngã

Tùy duyên, thong dong tự tại vào ra trong các cõi.

 

 

Những ngày cuối đời,

Từ nơi giường bệnh tỏ rõ:

Sanh với Tử - Tử sanh như trò đuổi bắt,

Sanh Tử như giấc ngủ nối dài,

Quy luật Vô thường:

Có đến có đi,

Dù thân có bệnh, nệ hà chi cơn sanh tử gần kề

Còn mất là lẽ thường trong Vũ trụ!

Hòa thượng đã cẩn thận sắp xếp mọi sự

Ân cần dặn dò những việc cần làm của GHPGVNTN

Cũng như công trình phiên dịch:

Đại Tạng Kinh Việt Nam cho các Hội đồng đồng hành sự.

 

Một buổi chiều,

Phật Ân tự Trời đất âm u,

Vận khí với hình chuyển,

Dòng thời gian chiếu tỏ gốc tử sanh,

ngày 24 tháng 11 năm 2023 là ngày báo hiệu

(nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão)

Vào phút giây trong lúc ấn định 16 giờ,

An nhiên thu thần viên tịch,

 

Dẫu rằng,

Hòa thượng đã đi vào thế giới vô tung bất diệt,

Sau cùng thân dừng lại vô âm.

Cơn sanh tử, hỡi đưa Người vào nơi an nghỉ

Rõ hồng trần nhé tỏ rõ ánh ban mai:

Buông thể xác nhẹ nhàng quên thân tứ đại,

Thoát hồng trần nhập Phật cảnh thỏa rong chơi!

 

Phật sự đã tinh cần,

Tâm nguyện đã di ngôn,

Bậc Sa-môn những việc cần làm cũng đã làm,

Thế sự vô thường là lẽ đương nhiên,

Có sanh ắt có tử,

Có có nên có diệt là lẽ thường,

Sanh không diệt mới trở thành vô lý,

Ngài thuận thế vô thường,

Xả bỏ báo thân giả hợp,

Tứ đại rồi đây trả về cho Tứ đại,

Bớt nợ hồng trần,

Bậc Hiền sĩ quẳng gánh rong chơi!

 

 

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh tông tứ thập tứ thế, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện Chánh Thư Ký Xử lý Thường Vụ, húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, hiệu TUỆ SỸ, Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

Vọng khấu, đảnh lễ Giác linh Ngài cao đăng Phật quốc!

 

 

Con, Khất sĩ Thích Giác Chinh

Pháp Hiệu: Pháp Thuận

Người Học trò đã có duyên đến Tu Viện Quảng Hương Già Lam Gò Vấp, Sài Gòn theo học 4 năm chuyên khoa Phạn Văn, đã được Ôn dạy cho nhiều bản Kinh nguyên gốc Phạn, trong đó Bản Kinh văn Bát nhã tâm kinh là tinh túy mà con đã được Ôn chỉ dạy.

 

Thiền Thất Vô Ưu,

Rừng Thiền Pháp Thuận Thiền Viện,

Ngày 25 tháng 11 năm 2023,

San Diego, Tiểu bang California, Mỹ Quốc,

Cung kính lễ!

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/01/2024(Xem: 2150)
Vào lúc 10 giờ ngày chủ nhật 21/01/2024, chùa Phổ Từ tọa lạc tại số 17327 Meekland Ave, thành phố Hayward, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Đại tường - tưởng niệm cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thiền sư Thích Nhất Hạnh - nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, học giả, sử gia và nhà hoạt động hòa bình, đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế, Việt Nam ngày 22 tháng 01 năm 2022. Nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với ân đức, tình thương cao rộng của Sư Ông Làng Mai qua nhiều năm giảng dạy thiền quán; với công trình trước tác, phiên dịch kinh sách to lớn; chùa Phổ Từ đã tổ chức Lễ tưởng niệm cố Thiền sư vào ngày 29/01/2022; ngày 30/01/2022; Lễ Chung thất - tưởng niệm vào ngày 13/3/2022; Lễ Tiểu tường - tưởng niệm vào ngày 07/01/2023 có đông chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử tham dự.
07/01/2024(Xem: 1692)
Trong tận thâm tâm tôi, thầy Tuệ Sỹ là một vì sao sáng, một hiền nhân vô cùng tôn kính giữa nhân gian này. Tôi chưa từng diện kiến hay bái sư nhưng toàn tâm ý của tôi thì thầy là thầy tôi từ quá khứ xa xưa chứ chẳng phải chỉ mỗi kiếp này. Thế gian này, cụ thể nhất là với người Việt ta thì thầy là một biểu tượng của minh triết phương đông, một bậc Bồ tát “vô công dụng hạnh”. Thầy xuất thế, nhập thế với tất cả từ bi và đại dụng vì Phật pháp, vì dân tộc và vì nước non này. Thầy là một hiền sĩ phương đông với tất cả những đặc tính biểu trưng nhất và trọn vẹn nhất “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” và hơn thế nữa, trọn đời hy hiến cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.
07/01/2024(Xem: 1474)
Trong tôi là cả một đại dương sóng dậy, sau khi đọc bài viết của anh Quảng Diệu Trần Bảo Toàn. Tôi cảm phục anh vô cùng, một trí thức đúng nghĩa, một tài năng thực thụ, một Phật tử đầy nhiệt huyết và đạo tâm. Anh đã dùng khả năng và các mối quan hệ rộng rãi của mình với các bác sĩ tài giỏi nhất để chữa bệnh cho thầy. Anh đã lo lắng chăm sóc sức khỏe cho thầy với tất cả tâm thành và khả năng của anh. Tôi ước gì được gặp anh để một lần bày tỏ sự khâm phục và cảm ơn anh.
06/01/2024(Xem: 1938)
Bậc chân tu thực chứng thì bước đi không để lại dấu vết. Có nghĩa là không lưu lại dấu vết hay tì vết gì trong tâm thức và hành xử của mình, như được nói trong kinh “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” [1]. Tu mà không chấp nơi việc tu của mình mới thật là chân tu; chứng đắc mà không chấp nơi sở đắc của mình mới thật là chứng đắc. Đó là nói sở tri, sở hành, sở chứng của vị ấy trong việc tu tập, hành đạo; chứ trên thực tế, thân giáo và ngữ giáo của bậc tuệ đức để lại vô số kỳ tích và ấn tượng sâu đậm cho những ai được thân cận, học hỏi, thọ pháp. Hòa thượng Tuệ Sỹ là một nhà tu, một con người nhẹ nhàng đi qua cuộc đời như thế.
03/01/2024(Xem: 1782)
Vào lúc 11 giờ ngày 01/01/2024, tại chùa Kiều Đàm số 1129 S Newhope Street, thành phố Santa Ana, miền Nam California, Đạo tràng Khánh Anh cùng chùa Kiều Đàm đã tổ chức Lễ Khánh tuế lần thứ 97 Trưởng lão Hòa thượng Thích Thắng Hoan. Quang lâm Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ chùa Bát Nhã, Santa Ana; Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, viện chủ chùa Phật Đà, San Diego và Hòa thượng Thích Thông Đạt, viện chủ chùa Đại Nhật Như Lai, San Jose. Đông đảo chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử từ nhiều thành phố ở Hoa Kỳ đã về chùa dự lễ.
30/12/2023(Xem: 3211)
Thông Bạch Lễ Chung Thất Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVN Thống Nhất
21/12/2023(Xem: 5076)
Thoắt đã hai năm Thầy về đất Phật Hăm Ba+Hăm Bốn / Mười Hai_ Đại tường Để triêm ân cố Sư Bà viện chủ Cung nghinh Chư Tôn Đức đến Phật đường Giữ mãi trong con về những hình ảnh Đã từng làm thị giả ở bên Thầy Giọng nói tiếng cười như đang bên cạnh Ánh mắt nhìn trìu mến vẫn còn đây...
24/11/2023(Xem: 5400)
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng đạo hiệu Thích Tuệ Sỹ, Húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, đời thứ 44 thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông và đời thứ 10 Thiền Phái Liễu Quán, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống Giáo Hội PGVN Thống Nhất, Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Cố Vấn Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN, đã viên tịch đúng 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023 nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão, Phật lịch 2567, tại Phương Trượng Đường Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam, trụ thế 79 năm & 51 đạo lạp. Chúng con kính nguyện Giác Linh Đức Trưởng Lão Hoà Thượng tân viên tịch Cao Đăng Phật Quốc và sớm tái hiện Đàm Hoa, hồi nhập Ta bà, tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn.
20/11/2023(Xem: 2771)
Nói đến bậc Tôn sư của chúng ta, bản thân của mỗi chúng tôi đều là học trò, và đã thọ ân giáo dưỡng của bậc Tôn sư rất là nhiều, cho nên hôm nay ngồi ở nơi đây với vị trí chứng minh cũng chỉ là Tăng sai, Tăng đã sai thì không thể không phụng hành, do đó mà tôi xin thay mặt cho chư Tôn đức tăng hiện tiền, có vài lời chia sẻ đến toàn thể Huynh đệ, cũng như các Pháp hữu, các Anh chị em GĐPT hiện diện trong và ngoài nước, cùng tất cả các Phật tử đã có duyên với Thầy, bậc Tôn sư của chúng ta.
09/11/2023(Xem: 2621)
Đức Phật dạy trong Phật giáo có bốn hội chúng là chúng xuất gia (Tỳ kheo và Tỳ-kheo-ni) và chúng tại gia (nam nữ cư sĩ). Chúng xuất gia là trưởng tử của Như Lai, sống phạm hạnh nơi chốn thiền môn, bậc thầy mô phạm thay Như Lai giữ gìn và hoằng truyền giáo Pháp. Chúng tại gia tu tập ở nhà, làm lành tránh ác, bồi công tạo phước, hộ trì ngôi Tam bảo. Nhờ hai hội chúng này mà giáo pháp của Đức Thế Tôn xuất hiện cách đây hơn 2600 năm, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]