Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghĩa Chữ Cho (HT. Thích Thiện Châu giảng giải, Phật tử Diệu Danh diễn đọc)

16/02/202308:07(Xem: 1440)
Nghĩa Chữ Cho (HT. Thích Thiện Châu giảng giải, Phật tử Diệu Danh diễn đọc)

bo-thi
NGHĨA CHỮ CHO

HT. Thích Thiện Châu giảng giải

Phật tử Diệu Danh diễn đọc




 

 

 

1. Nghĩa chữ cho



Cho là chữ có nhiều nghĩa, do đó có nhiều chữ đồng nghĩa ít nhiều với nó: chia sớt, san sẻ, tặng, nhượng, biếu, dâng, cúng dường, hy sinh, v.v…
Trong Phật học chữ cho có gốc từ chữ DÂ (donner), DANÂ (don) nghĩa là cho một cách rộng rãi (bá thí hay bố thí). Cho là phép tu dưỡng cần phải thực hiện trước tiên. Trong mười điều rốt ráo (ârami = pâramitâ) của Phật giáo nguyên thủy (Theravada) hay sáu điều rốt ráo (lục độ) của Phật giáo Đại thừa (Mahâyâna) cho là điều rốt ráo đều tiên. Không biết cho tức là chưa buớc vào cửa Đạo.

Cho là thể hiện sự giác ngộ:
     a) Đạo lý vô ngã (anattâ): bản thân con người vốn không thật, do đó không có cái ta để ích kỷ và thâu góp cho nó.

b) Đạo lý vô thường (anicca): sự vật vốn không bền chắc; do đó, không nên đắm say hay bo bo cất giữ làm sở hữu muôn đời. Cho là phát triển lòng từ bi (mettâ – karunâ = cho vui và cứu khổ): thương yêu và giúp đỡ những người đau khổ. Cho cũng là sự tỏ lòng biết ơn với những người đã cho ta ân huệ.

 

2. Biết cách cho

 

Cho đã có nhiều ý nghĩa như vậy nên không phải bất cứ ai cũng biết cho. Cho không phải là ném một đồng bạc vào lon của người đi xin. Cho không phải là để được khen ngợi. Công đức của cho được thành tựu khi nào người cho biết cách cho: "cách cho hơn của đem cho". Cách cho tốt đẹp tùy thuộc một phần lớn vào người biết cho. Người biết cho là người trước khi cho có niềm vui trong lòng, trong khi cho thì hài lòng và sau khi cho thì sung sướng (X,An,III,336). Như thế thì chỉ những người giác ngộ, lợi tha mới biết cho và cho một cách tốt đẹp. Còn những kẻ tối tăm, tàn bạo, vụ lợi không hề biết cho và nếu cho thì làm cho họ đau khổ và gây thêm phiền lụy cho người bị cho.

Giá trị của cho đã không phải ở nơi đồ vật tiền bạc đem cho thì cũng không chỉ những người giàu có, dư ăn, dư để, mới cho được. Mà mọi người ai ai cũng có thể cho miễn là biết cách cho. Có ai nghèo đến nỗi không có một nụ cười, một câu nói hòa nhã, dịu dàng, một lời khuyên ích lợi đâu?

Khi biết cho thì tất cả những gì đem cho đều có ý nghĩa và lợi ích. Với lòng thân mến thì những tiếng "chào ông (bà), chúc ông (bà) mạnh giỏi" cũng là sự cho cao nhã. Vì nếu trong khi nói ra những tiếng ấy mà ta hết lòng cầu chúc cho người được mạnh khỏe thành công an lành thì còn có gì tốt đẹp hơn (X.An,III.150). (Giá mà ai cũng thật tâm trong lúc chào hỏi nhau thì cuộc đời sẽ vui đẹp biết bao).

Muốn cho và biết cho thì thế nào chúng ta cũng có vật để cho. Lẽ dĩ nhiên là những vật của mình và được làm ra một cách lương thiện chứ không phải là vật có ra bởi bóc lột hay cướp giựt. Thầy Katyayâna gặp một bà già nghèo khổ, suốt đời chưa hề cho ai một vật gì (vì bà nghĩ rằng không có vật gì để cho) và giảng cho bà biết rằng dù nghèo đến đâu nếu bà muốn cho thì cũng cho đuợc. Sau đó, Thầy đã xin bà một ít nước mà bà già lấy ở sông lên. Bà vui vẻ cho và từ đó về sau bà thấy mình ít nghèo hơn (kinh Hiền ngu, phẩm V).

Sống trong xã hội mà những gì xảy ra quanh chúng ta đều mang tính cách mua bán, đổi chác – từ cái phiếu quảng cáo xà bông được trừ tiền khi mua, nụ cười của cô bán hàng, phiếu thâu tiền của các tổ chức tôn giáo v.v… chúng ta lần lần quên đi nghĩa chữ cho, chữ hy sinh và chóng quen với thói "bánh ít trao đi, bánh chì trao lại". Cứ đà này thì một ngày không xa, loài người không còn biết giúp nhau, cho nhau một cách không vụ lợi nữa. Nếu thế thì chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn và bần tiện.

banh it
Bánh ít
Bánh ít hay bánh ích là một loại bánh phổ biến ở Việt Nam, được làm từ bột nếp và đậu xanh với phương pháp hấp cách thủy.

banh chi
Bánh Chì
Bánh chì là một loại bánh được làm từ nếp với nhân đậu xanh, mè hoặc đậu lạc ngào với đường. 

 

banh quy 2
Bánh Quy
Bánh quy được làm bằng bột gạo nếp, nhân đậu xanh hoặc nhân dừa.



Thầy Khantipalo, người Anh, sau một thời gian sống tại các nước chịu ảnh hưởng Phật giáo, trong một buổi giảng ở London đã chê trách xã hội thương mại Tây phương và khen ngợi những Phật tử Á đông là những người biết cho và luôn luôn tìm dịp tốt như khi cha mẹ mất, những ngày kỵ giỗ ông bà, v.v… để làm phước thiện: giúp đỡ kẻ nghèo khổ, ủng hộ người tu hành, ấn tống kinh sách cho người muốn tìm hiểu đạo lý. Còn những người tu hành phần đông không phải là những người tu hành theo chức nghiệp mà là những người tu hành tự nguyện nên dễ dàng hy sinh giúp người hiểu Đạo, sống Đạo mà không hề có ý niệm chinh phục tín đồ, làm giàu cho Đạo mình.

 

3. Cho những gì   

 

Chúng ta có thể cho bất cứ vật gì, điều gì với mục đích làm cho người bớt khổ, hết khổ. Các kinh điển nguyên thủy (X.An I.91 – Itivuttaka, trang 98 – Tăng-nhất-a-hàm, T.125,577b) chỉ nói đến 2 loại để cho là: tài thí (âmisâdâna) và pháp thí (dhammadana), trong khi đó thì các kinh điển phát triển (Mahayâna) thêm vào một loại nữa là vô úy thí (abhayadâna) (X. Kinh Giải thâm mật, phẩm Địa ba la mật). Như vậy theo Phật giáo, chúng ta có thể cho:

    a) Của cải như đồ ăn, quần áo, thuốc men, nhà ở, sách báo và phục vụ  người bằng công sức (tài thí).

    b) Lời hay lẽ phải, sách báo, kinh điển, phương pháp tu dưỡng có khả năng làm cho người khác ngộ chân lý giải thoát khổ đau (pháp thí).

    c) Sự bảo vệ, sự ủng hộ hay hy sinh sự sống của mình để người yếu kém về thể xác hoặc tinh thần không còn sợ sệt và được sống an lành (vô úy thí).

Tùy theo sự cần thiết của người mà chúng ta có thể cho thứ này hay thứ khác. Ví dụ đối với những người đang sợ sệt thì nên chú trọng vô úy thí: bảo vệ sự sống của họ, ủng hộ tinh thần tự cường, tự quyết của họ, đối với những người đầy đủ vật chất thì nên chú trọng pháp thí: nâng cao văn hóa, tặng biếu kinh sách, đối với người đói rách thì nên chú trọng tài thí.

Câu "Pháp thí là cao nhất“ trong kinh điển (X,An,I,91–Itivuttaka, 98) phải được hiểu đúng theo mục đích đạo Phật là cho người phương pháp giác ngộ giải thoát là quí nhất. Do đó, vì thế muốn ấn tống kinh sách thì nên lựa chọn các kinh điển có khả năng giác ngộ, giải thoát mà ấn tống mà không nên phát hành bừa bãi các sách vở mê tín dị đoan, phản lại tinh thần đạo Phật để cho người chê và sợ đạo Phật. (Hiện tượng ấn tống sách tạp nhạp, nặng phần bùa chú đang được phát triển mạnh nhất là ở Âu Mỹ, trong giới bà con có nhiều nhu cầu tín ngưỡng và ít lưu ý vấn đề tu học. Để chận đứng sự gieo rắc mê tín dị đoan và xuyên tạc đạo Phật, Phật tử chỉ nên truyền bá các kinh sách mang dấu ấn của Phật, ấy là chơn lý khổ, vô thường, vô ngã và Niết bàn).

Lẽ dĩ nhiên trong khi thực hành tài thí hay vô úy thí chúng ta nên nghĩ rằng giúp người đầy đủ vật chất và an ổn tinh thần tức là xây dựng nền tảng cho người đạt đến an lành trọn vẹn, mà an lành trọn vẹn chỉ có được khi nào con người giác ngộ, giải thoát, như thế phương pháp giác ngộ giải thoát thật là cần thiết. Điều cần lưu ý là mục đích pháp thí không phải để chinh phục tín đồ cho đạo mình mà để giúp người đạt Đạo. Do đó có thể thực hành tài thí , vô úy thí, pháp thí cùng một lúc, hoặc tài thí hay vô úy thí trước rồi pháp thí sau.

 

4. Hãy cho ai?

 

Nên cho những người cần sự giúp đỡ. Nếu vì lợi tha mà cho con chó đói một miếng bánh hay cho con cá dưới ao những hạt cơm thừa trong lúc rửa nồi cũng được phước đức lớn huống chi là giúp đỡ cho người (X.An.III.57). Điều quan trọng là trong khi cho nên sáng suốt để sự cho của mình đem lại lợi ích cho người được cho càng nhiều càng tốt. Do đó, đừng cho rượu , thuốc để người say sưa, đừng cho khí giới để kẻ cướp giết người, v.v… Tùy thời điểm và khả năng mà mở rộng lòng thương yêu và thực hiện sự giúp đỡ. Hãy cho những người gần chúng ta như cha mẹ, bà con, đồng bào trước rồi đến nhân loại, chúng sanh.

 

"Làm phước nơi nao

Cầu ao không bắc"

 

ấy là lời chê trách đối với những kẻ phát triển tình thương và thực hiện sự giúp đỡ không hợp tình, hợp lý. Trong việc hướng dẫn người về với đạo cũng vậy, hãy tiếp độ những kẻ có duyên lành trước. Đối với những người chưa có duyên lành thì cố gắng giúp họ gây duyên lành rồi tiếp độ sau. Cứ tiếp tục mà bố thí, mà tiếp độ nên sẽ không có vấn đề thương ai bỏ ai.

 

 

5. Cho thì được gì?

 

Thường thường chúng ta nghĩ rằng cho là mất. Song đạo Phật thì bảo cho là được. Được gì? Trở nên giàu có. Con người nếu không biết cho thì luôn luôn muốn thâu vào mà không thích phát ra. Càng thâu vào, càng ích kỷ, nặng nề và nghèo thiếu mãi. Càng phát ra càng rộng rãi, nhẹ nhàng và giàu có luôn. Trong khi dâng hoa, tặng hoa cho ai khác thì chính mình là người thấy đẹp và vui trước. "Người cho sẽ được năm điều lợi ích: được nhiều người kính mến, có liên hệ tốt với người, được tiếng tốt, tự tin và sẽ sanh vào nơi an lành" (X.An-V.34). Hơn nữa, cho là phong thái của người giác ngộ và giải thoát.

Cho vốn là một phép tu dưỡng chứ không phải một lý thuyết cho nên kết quả tốt đẹp của nó chỉ có nơi những người biết cho và hay cho.

(Trích trong "vài lá Bồ Đề" của Thầy Thiện Châu             do hội PGVNTP xuất bản năm 1974).

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/05/2020(Xem: 24711)
Như Áng Mây Bay là một phần thành quả của sự huân tập ý đạo, là một phần của cuộc hành trình đầy mạo hiểm mà ta gọi là kiếp người.
04/05/2020(Xem: 11664)
Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang thế danh là Lê Đình Nhàn, sinh năm Canh Thân, ngày 19-9-1920 (tức ngày mồng 8 tháng 8 năm Canh Thân), quê thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Lê Vỵ pháp danh Như Hương, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Tư pháp danh Như Tâm cùng ở làng Háo Đức.
01/05/2020(Xem: 9952)
Trang Nhà Quảng Đức vừa hay tin Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Chiếu Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ Tác giả, Soạn giả của nhiều bộ truyện cổ Phật Giáo vừa viên tịch tại Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai lúc 14 giờ 50 phút chiều ngày Rằm Tháng Tư Âm lịch Canh Tý (07/05/2020) Trụ Thế : 89 năm và 69 hạ lạp
01/05/2020(Xem: 8802)
Cáo Phó Tang Lễ Thượng Tọa Thích Kiến Như vừa viên tịch tại Hoa Kỳ
25/04/2020(Xem: 9058)
Cáo Bạch Tang Lễ Hòa Thượng Thích Giác Huệ vừa viên tịch tại Paris, Pháp Quốc
14/04/2020(Xem: 4593)
Hiện thân đại sỹ giữa đời, Nâng vàng pháp học, hiện lời danh ngôn. Sài Thành Đức tịnh hương thơm, Nhã âm bang Phước, dung tâm trải lòng.
09/04/2020(Xem: 6493)
Đôi dòng suy nghĩ về việc nữ Phật tử Mai Phương “cải đạo” lúc cuối đời Người xưa bảo: Mỹ nhân tự cổ như danh tướng Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu! Dịch: Giai nhân, danh tướng xưa nay Không cho đời thấy tóc phai bạc màu! Vâng, Mai Phương, một nghệ sĩ Việt Nam xinh đẹp và hiền lành vừa mới ra đi khi mái tóc còn xanh, để lại biết bao tiếc thương cho đồng nghiệp, người hâm mộ, và rất nhiều tăng ni, Phật tử. Trong sự tiếc thương mất mát này, còn có sự tiếc nuối, xót xa trước hoàn cảnh của Mai Phương lúc cuối đời. Ngoài ra, dư luận còn bức xúc trước sự cuồng tín mà mẹ của Mai Phương đã áp đặt lên một thân thể đang bị bệnh tật dày vò và một tinh thần rã rượi lúc sắp lâm chung của con mình. Mai Phương ra đi, như một tảng đá nặng đã rơi vào lòng đại dương mênh mông không còn dấu vết, nhưng những gợn sóng biển mà nó tạo ra vẫn còn lan tỏa, ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội, trong đó có giới Phật giáo.
08/04/2020(Xem: 7576)
Chúa - Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu là bậc hiền tài. Ngoài lập công lớn trong việc mở mang bờ cõi, Ngài còn có công lao lớn trong việc xây dựng và phát triển Phật giáo xứ Đàng Trong. Ngài đem đạo và đời một cách sáng tạo như biết dung hóa Phật - Nho để áp dụng vào việc ích nước, lợi dân. Chúng ta tìm hiểu về cuộc đời của Ngài cũng là để làm sáng tỏ công nghiệp trên.
29/03/2020(Xem: 8296)
Hòa thượng Thích Đồng Chơn thế danh là Bùi Văn Bảy, sanh năm Đinh Hợi (1947), nguyên quán thôn Trung Tín, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - nay là thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Thân phụ của Ngài là Bùi Tân, Pháp danh Đồng Niên, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Hội, Pháp danh Đồng Hiệp
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]