Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những người tỏa sáng trong tôi (Bài viết của Cư Sĩ Hiền Đức về Cư Sĩ Phù Vân, Chủ Bút báo Viên Giác)

16/03/202220:45(Xem: 3479)
Những người tỏa sáng trong tôi (Bài viết của Cư Sĩ Hiền Đức về Cư Sĩ Phù Vân, Chủ Bút báo Viên Giác)


chu but phu van nguyen hoa

I. CHUYỆN VỀ “NGƯỜI TRAO – NGƯỜI NHẬN”


Xin thưa, người nhận ở đây là tôi - tác giả bài viết liêu xiêu này.

Nhà tôi rất nghèo. Cha tôi là thợ dệt vải thuê. Mẹ tôi buôn gánh bán bưng khắp làng xóm từ sáng sớm cho đến tối mịt mới về, rồi lụi đụi lo cái ăn cho cả nhà. Cha mẹ tôi không có được một mảnh đất nhỏ để trồng rau quả. Nhà lại có 9 người con, tôi là trưởng nam. Vì vậy, tôi tự lập từ lúc 13 tuổi khi học trung học ở Hội An và đến 20 tuổi thì bươn chải kiếm sống ở Sài Gòn. Trong những năm tháng cơ cực, côi cút đó, tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ, cưu mang kịp thời và quý giá của nhiều người. Tôi ghi lại với lòng chân thành tri ân ở mức cao nhất. Tôi ghi lòng tạc dạ những ân sủng mà nhiều người đã ưu ái dành cho tôi.

Tôi là học sinh duy nhất ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam đậu vào lớp đệ thất Trường Trung học Công lập Trần Quý Cáp Hội An, niên khóa 1957-1958. Cha tôi rất vui mừng nên đã thành tâm cúng tạ Tổ tiên, ông bà. Ông vui mừng vì nếu tôi không đậu thì tôi sẽ thất học do không có tiền đóng học phí khi học trường tư thục. Tôi học ở trường Trần Quý Cáp cho đến cuối năm đệ nhị, sau con bão lụt khủng khiếp năm Thìn (1964) tôi phải nghỉ học, vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Là con trai trưởng tôi phải lo cho 2 đứa em ăn học nữa.

Trong những năm học ở Hội An, tôi rất may mắn - theo cách cha tôi nói là được “Quới Nhơn” độ trì, cứu giúp. Tôi được sự giúp đỡ rất tận tình của nhiều người cả về tinh thần lẫn vật chất. Đó là ông bà Phùng Ngọc Anh - Hồ Thị Châu; đến năm 1970 là nhạc phụ và nhạc mẫu tôi - tôi sẽ nói chi tiết ở phần sau. Một người mà tôi hàm ơn nữa là y tá nhưng được nhiều người gọi là “bác sĩ”. Bác sĩ Nguyễn Văn Bạo; gọi như vậy vì ông chữa trị bệnh rất mát tay, tiền khám bệnh và tiền thuốc rất vừa phải nên được nhiều người quý mến. Ông là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Hội An có nhiều đóng góp về Phật sự, công tác xã hội của các chùa, xây dựng các chùa… Chắc là Thầy Như Điển biết nhiều về ông này. Khi tôi “dạy kèm” cho cô con gái ông; tôi không những được trả tiền công rất cao mà còn được đối xử như một người “lớn”, được xem như một người Thầy. Đến bữa ăn, ông “buộc” tôi phải ngồi ăn chung với ông. Tôi rất ái ngại vì thân phận nghèo nàn, nhỏ nhoi của mình. Ông lại còn giới thiệu tôi dạy kèm tại nhiều nhà khác nhờ đó tôi có thêm thu nhập và kín giờ đến nỗi phải từ chối nhiều nơi khác.

Để chuẩn bị cho chuyến đi Sài Gòn, mẹ tôi đành lòng bán 5 con heo con, cha tôi đóng cho tôi một cái thùng gỗ để đựng hành lý. Sắm cho tôi vài bộ đồ mới và giày dép. Tôi “bay” vào Sài Gòn, tới “Điểm Đến” Hàng Không Việt Nam ở số 3 đường Phạm Ngũ Lão vào khoảng 10 giờ đêm. Trời mưa tầm tã, lạnh buốt; làm tôi càng lạnh, càng buồn, càng lo cho cuộc sống trong những ngày tháng tới.

Cha tôi muốn tôi ở nhà một người chị bà con ở Bảy Hiền, Tân Bình. Chị này mồ côi khi mới 5 tuổi. Cha mẹ tôi đem về nuôi cho đến khi lập gia đình cho chị ấy. Nhưng tôi nghĩ rằng, ở nhà người giàu nếu họ mất tiền bạc, tài sản gì đó thì mình là người bị nghi ngờ nên tôi không về nhà này. Tôi vào gặp các anh bảo vệ “Điểm Đến…” xin được ngủ nhờ trên nền xi-măng bên ngoài. Về đêm, ở đây thật ồn ào, náo nhiệt. Các em đánh giày cãi cọ nhau, hăm dọa đánh nhau. Hai đêm sau, tôi mời 3 em là trưởng nhóm, chiêu đãi một chầu hủ tiếu + bánh mì và đưa ra một “kế hoạch” phân chia địa bàn hành nghề. Vì là, nhóm nào chiếm được địa bàn Nguyễn Huệ Quận 1 là “số dzách”, rồi đến địa bàn Quận 3, Quận 10, cuối cùng là Khánh Hội, Quận 4. Tôi đề nghị luân phiên, nửa tháng hoán đổi địa bàn. Tiền các em kiếm được phải gửi tôi cất giữ và nếu cần gửi về gia đình thì tôi lo. Tôi nghiêm khắc cấm các em chửi thề, hăm dọa nhau. Tôi vui vì các em làm theo lời tôi dặn.

Tôi “ăn bờ ngủ bụi” ở “Điểm Đến” này hơn 4 tháng và làm bất cứ việc gì miễn là lương thiện và có thu nhập hợp lý. Ban ngày tôi ghi chép số sách, báo của Nhà Tổng Phát hành Sống Mới. Khoảng 1-2 giờ khuya, tôi phân bổ các nhật báo đi khắp nơi. Ông chủ và anh chị em ở Sống Mới là những người đã giúp đỡ tôi khi tôi tập tễnh vào nghề. Có anh chị mang thức ăn cho tôi: cơm vắt với ít thịt hoặc cá kho mặn; đôi khi chỉ là một củ khoai, một vài trái bắp… tôi cảm thấy ấm lòng vì những nghĩa cử đầy tình thương yêu này. Đến khoảng 5 giờ sáng tôi đi bán báo.

Rồi một đêm nọ, người bạn tên Long cùng học đệ nhất, lớp đêm trường Văn Học đi cùng với bố mẹ đến gặp tôi. Bố mẹ bạn này muốn tôi về ở với ông bà. Tôi từ chối vì không nỡ xa các em đánh giày thân yêu nhưng đến lần thứ ba thì tôi không thể từ chối sự quan tâm đầy tình thương yêu chân thành của ông bà. Tôi được ông bà dành cho một căn phòng khá rộng rãi, thoáng mát có đầy đủ tiện nghi, giường nệm, mùng mền, bàn học v.v… được ăn những thức ăn sang trọng mà trước đó tôi chưa bao giờ dám mơ ước.

Ở đây một thời gian thì gia đình Long dọn nhà đi nơi khác. Tôi đang lo tìm chỗ ở. Rồi một tối, khi đang nghe Khánh Ly - Trịnh Công Sơn hát ở quán Văn thì một người dong dỏng cao, mang kiếng cận vào ngồi chung bàn, hỏi: Em ở Quảng Nam vào phải không? Hiện đang ở đâu? Tối mai vào giờ này anh đến gặp em.

Tôi hồi hộp chờ đợi, Khi anh chị này bước vào, nhiều người chào hỏi, nên tôi biết đây là vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức - Bé Ký. Anh Hồ Thành Đức là người sáng lập, Chủ tịch Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, còn chị Bé Ký là một họa sĩ nổi tiếng ở Đô Thành Sài Gòn và nhiều nơi trên thế giới. Thế là, tôi về nhà anh chị 150/5 Trần Quang Diệu, Quận 3. Căn phòng tôi chỉ đủ chỗ cho một sạp gỗ làm chỗ nằm và một tủ sách. Thế nhưng căn phòng nhỏ này là nơi tôi được gặp gỡ với nhiều “nhân vật” thời danh như Bùi Giáng, Đinh Cường, Trịnh Cung, Nguyên Khai, Huỳnh Hữu Ủy, Nguyễn Nguyên Phương, Trịnh Công Sơn-Khánh Ly, Trần Dạ Từ-Nhã Ca, Trùng Dương, Tô Thùy Yên và nhiều người đáng nhớ nữa.

Anh chị Hồ Thành Đức - Bé Ký rất thương quý tôi, xem tôi như một người em thân thiết, nâng đỡ, dắt dìu tôi một cách tử tế, khoan dung và độ lượng.

Sau đó nhờ vào lòng thương tưởng của quý Ôn Minh Châu, Mãn Giác tôi được vào làm việc tại Tòa Viện Trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, được ở tại Nội xá và dùng cơm tại căng-tin của Viện. Tôi rất may mắn và hạnh phúc khi có được những người Thầy, những Ân nhân lớn trong Đạo và ngoài Đời mà tôi đang ghi lại trong tập “Những Nhân Vật Lịch Sử Ở Viện Đại Học Vạn Hạnh”.

Tôi đang viết về Thầy Như Điển, về Nguyên Trí, Nguyên Đạo, Nguyên Minh – là nhóm Tứ Nguyên do Thầy Như Điển phong cho. Vì Thầy và ba người bạn thân này, bằng tác phẩm và phong cách sống đã làm cho tôi tăng trưởng lòng tín Phật, tín Pháp và tín Tăng.

Thời gian ở Hội An, tôi may mắn gặp được một người Thầy mà mãi đến nay tôi cung kính tôn xưng là Thầy, xếp sau Bổn Sư, Ân Sư là Ôn Minh Châu, đó là học giả Nguyễn Hiến Lê qua các tác phẩm như Kim Chỉ Nam Của Học Sinh, Bí Quyết Thi Đậu, Muốn Giỏi Toán Đại Số, Muốn Giỏi Toán Hình Học, Tương Lai Trong Tay Ta, Gương Danh Nhân… nhờ đó mà tôi trở thành một học sinh giỏi. Nhờ những chỉ dẫn rất khoa học của cụ Nguyễn mà việc học của tôi trở nên nhẹ nhàng mà đầy hiệu quả. Theo lời dặn của cụ, tôi chăm chú lắng nghe lời giảng của Thầy/Cô, ghi chép kỹ những điều “căn bản”. Ra khỏi lớp, tôi ôn lại bài và chỉ cần 15 phút sau xem như tôi đã thuộc bài rồi. Tôi chưa bao giờ học “vẹt”, học “gạo”, không thức quá 12 giờ khuya, không dùng cà phê đen đậm và còn biết dùng “nghệ thuật nghỉ ngơi” nữa trong việc học, nhất là trong các mùa thi…

Xin tạ ơn Đời đã cho tôi gặp được những Người Hiền, Người Lành làm thay đổi cuộc đời tôi một cách tích cực, hướng thiện và sâu sắc đến thế.

II. PHÙ VÂN – MỘT TẤM GƯƠNG NGỜI SÁNG TRONG TÔI…

Tôi thưa vài điều liên quan trực tiếp đến một Tấm Gương Ngời Sáng của tôi. Tuy những điều này có tính chất riêng tư nhưng cần cho việc minh chứng “người thật việc thật” vừa để gợi lại những kỷ niệm đáng nhớ khi Anh Nguyễn Hòa đã sống và làm việc tại Hội An từ năm 1964 đến 1968.

Đó là, năm 1970, tôi về Hội An chuẩn bị lễ thành hôn với cô gái út của ông bà Phùng Ngọc Anh - Hồ Thị Châu. Với tình nghĩa cha-con, ông thường xuyên dặn dò tôi; tôi nói thường xuyên vì nhiều năm sau ông luôn nhắc lại điều này. Ông Phùng Ngọc Anh sinh năm 1915, nhà ở đường Nguyễn Duy Hiệu, sát chùa Sư Nữ. Ông làm Quản lý Trại Tế Bần, nên có tên thường gọi là ông Quản/ ông Quản Lý. Ông quy y Tam Bảo với Thầy Chơn Phát, trụ trì chùa Long Tuyền. Ông là người hiền lành, chân chất, giàu tâm từ, xem việc giúp đỡ người khác là lẽ sống. Ông là người quảng giao, sống hòa đồng và chân thực nên được nhiều người tin cậy và quý mến. Ông chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho trại viên Trại Tế Bần. Ông quyên góp tiền xây dựng trong khuôn viên Trại một căn thờ Phật, một căn thờ Chúa. Ông công khai, minh bạch và trong sáng trong mọi thu-chi của Trại nhờ đó đã huy động được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhiều nguồn, nhiều người.

Nhạc phụ tôi thường dặn dò mấy điều sau đây:

- Con phải cố gắng học hành, đỗ đạt đàng hoàng, đáp ứng lòng mong mỏi của gia đình hai bên;

- Tuyệt đối không được làm những việc ác, kể cả ác khẩu; không được lấn lướt, hiếp đáp người khác;

- Tiết kiệm, nếu cần thì tần tiện để có tiền lo cho 2 đứa em của con ăn học; và lo cho gia đình nhỏ của hai con.

- Điều ông nhấn mạnh, lặp đi lặp lại nhiều lần, rằng: “Ba được nghe bạn bè công chức Hội An nói nhiều điều tốt đẹp và cảm phục “vị” Trưởng ty mới 24-25 tuổi này. Chắc hẳn là “vị” Trưởng ty trẻ nhất nước! Rằng “vị” Trưởng ty này xuất thân từ một gia đình rất nghèo khó ở Huế. Người mẹ “ông” phải bươn chãi, làm việc cật lực, lao tâm lao lực, khốn khổ trăm bề nhưng vẫn không đủ tiền đóng học phí cho “ông”. “Ông” suýt bị đuổi học vì thiếu tiền đóng học phí trong 3 tháng liền, may mà có một Thầy giáo giúp tiền đóng học phí nên “ông” được học tiếp. Sau đó nhờ thành tích học tập xuất sắc “ông” được nhà trường cấp học bổng toàn phần cho đến khi đỗ đạt.

Theo ba tôi tuy còn “trẻ măng”, chưa có kinh nghiệm mà “vị” Trưởng ty này đã tỏ ra có tri thức, có bản lĩnh. Theo ba tôi, ông Trưởng ty này đã làm được 2 việc rất lớn và rất có ý nghĩa; đó là: giúp nguyên vật liệu xây dựng Trường Bồ Đề Hội An khá khang trang, và trồng hơn 400 héc-ta rừng. Rồi ông nhấn mạnh: “Ba rất muốn con lấy tấm gương ý chí nghị lực vượt khó, vượt lên chính mình trong cuộc sống dù ở bất cứ hoàn cảnh nào của “vị Trưởng ty” này; nhất là khi con một thân một mình nơi xứ người. Nhớ kỹ nghe con!”

Và một lần theo ông đến thăm Bác Trần Được (hay Trần Đương?). Bác Được là Chánh Văn Phòng Tòa Hành Chánh Quảng Nam. Sau vài lời xã giao, bác Được bảo: Bác rất muốn cháu khiêm tốn, suy nghĩ và ráng sức học và làm theo tấm gương sáng của anh Nguyễn Hòa, Trưởng ty Thủy Lâm tỉnh ta…”

Tôi vốn biết anh Nguyễn Hòa - Phù Vân là người khiêm tốn, kỹ tính, kiệm lời và bị “nhột” với những lời khen, thế nên tôi cần khẳng định rằng những đức tính đã nêu về anh Nguyễn Hòa của nhạc phụ tôi và cụ Trần Được tôi ghi lại một cách trung thực, tuyệt đối không thêm bớt điều gì,

* *

* * *


cu si phu van
Cư Sĩ Phù Vân, chủ bút Báo Viên Giác cùng quý cộng tác viên
trong lễ kỷ niệm chu niên 40 năm Báo Viên Giác


Những ngày sống lây lất ở Sài Gòn cho đến lúc tương đối ổn định khi vào làm việc tại Tòa Viện Trưởng Đại học Vạn Hạnh (1965-1975), tôi luôn luôn nhớ đến và thực hành những bài học sinh động, cụ thể, thực tế và giàu tính thuyết phục từ tấm gương sáng của vị Trưởng ty 25 tuổi này. Nhờ vậy mà tôi trở thành một Phật tử, một người được học hành chút ít, không hổ thẹn và hối hận gì lớn đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục vợ chồng tôi.

Từ lòng chân thành ngưỡng mộ và cảm phục đó, tôi dặn dò, khích lệ mình và chia sẻ với những người em thân thiết. Tôi đã đưa 22 em nghèo khó ở quê nhà vào ở Cô Nhi Viện Quách Thị Trang. Sau này các em đã “thành nhân”, Riêng em tôi là Nguyễn Đình Hân, tốt nghiệp Cử nhân Toán Phân khoa Giáo Dục Viện Đại Học Vạn Hạnh, rồi đỗ Cao học Toán, làm Hiệu trưởng các Trường Trung học Phổ thông ở huyện Củ Chi, Tân Bình và Trường THPT Marie Curie.

* *

* * *

Xin đa tạ anh Nguyễn Hòa, Trưởng ty Thủy Lâm Quảng Nam. Anh là Chuyên viên Thủy Lâm Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn (từ 1964-1975). Tôi vui mừng đã “gặp” được Anh - người Anh, người Bạn lớn của tôi. Tôi đọc kỹ bài “Trùng Điệp Nhân Duyên” đối chiếu để vui mừng và an tâm rằng những lời của nhạc phụ tôi và bác Trần Được về anh là có thực, chính xác và đáng tin cậy.

Nhạc phụ tôi và bác Trần Được khi nói về anh Nguyễn Hòa đều gọi một cách trân trọng là “Vị Trưởng ty” hoặc “Ông Trưởng ty”, tuyệt đối không gọi theo cách “người trên kẻ dưới” vì tuổi tác thường thấy.

Xin chân thành tạ ơn Đạo, ơn Đời đã cho tôi được gặp lại anh Nguyễn Hòa - một người mà tôi mang ơn, hàm ơn rất nhiều mà mãi hơn 50 năm sau tôi mới được biết, được “gặp” khi đọc Báo Viên Giác.

Tôi xin phép trích dẫn đoạn dài trong bài viết “Trùng Điệp Nhân Duyên” trong báo Viên Giác số 201 tháng 6.2014, để đọc lại, suy ngẫm và để tiếp tục học và hành theo tấm gương ngời sáng của anh. Và nhất là tôi rưng rức trong sâu thẳm lòng minh khi nhớ đến Mẹ tôi – mới đó mà Mẹ tôi đã đi xa gần 22 năm rồi.

[…] “Từ 1964 đến 1968 Thầy [tức Hòa Thượng Thích Như Điển - NHĐ] theo học trường Trung học tư thục Diên Hồng, rồi chuyển qua trường Trung học tư thục Bồ Đề khi trường vừa xây xong, rồi chuyển qua Trần Qúy Cáp Hội An tiếp học trung học đệ nhị cấp… Tôi thưa với Thầy là thời gian đó tôi đang công tác tại Ty Thủy Lâm Quảng Nam.

Hôm sau, tôi gặp riêng Thầy, kể cho Thầy nghe cuộc đời gian khổ của Mẹ tôi - một bà Mẹ nghèo, nuôi tôi ăn học thành tài. Ở cấp tiểu học, tôi có phần thưởng cuối năm về học hành xuất sắc. Thế mà khi thi tuyển vào trường công, tôi lại thi rớt. Đúng là học tài thi phận! Mẹ tôi lại phải xin cho tôi theo học trường tư thục Bồ Đề, Huế. Đóng được học phí tháng đầu tiên, lãnh bằng danh dự cuối tháng, nhưng bắt đầu tháng thứ hai, Mẹ tôi lại phải khăn gói quả mướp lặn lội đến trường xin khất học phí. Nhà trường cũng thông cảm. Nhưng đến tháng thứ ba, học phí vẫn chưa đóng khi đã hết hạn. Nhà trường không thể chấp nhận, nên chú thư ký cho gọi tôi lên văn phòng khi Mẹ tôi được nhà trường mời đến và báo tin “tôi bị đuổi học”… vì không đủ tiền đóng học phí. Thử mường tượng một đứa bé 10-11 tuổi như tôi hồi đó ngơ ngác khoanh tay đứng xớ rớ một góc trong văn phòng, không hiểu tôi có khóc hay không, nhưng nhìn Mẹ tôi khúm núm tay kẹp chiếc nón lá, miệng không ngớt năn nỉ nhà trường cho đóng học phí trễ và xin cho tôi “được” học tiếp. Hồi đó chắc tôi không cảm nhiễm được nỗi thống khổ ê chề của Mẹ, nhưng tôi biết chắc chắn một điều là tôi thương Mẹ tôi lắm. Tôi kéo Mẹ tôi đi về… Nhưng trong bầu không khí ngột ngạt đó, bỗng có người lên tiếng hỏi về tình trạng học vấn của tôi. Nhân viên văn phòng cho biết, trong 2 tháng vừa qua, tháng nào tôi cũng đứng đầu lớp, cũng đều có bảng danh dự cả. Người quan tâm ấy chính là Thầy giáo Việt văn Tôn Thất Dương Tiềm, đang chờ đổi giờ để lên lớp. Thầy chỉ nói: “Thế à… Cứ cho em học tiếp xem sao. Học phí của em tháng này hãy trừ vào sổ lương của tôi!”. Trước khi lên lớp, Thầy quay qua nói với Mẹ tôi: “Bà hãy yên tâm về đi, tôi sẽ đề nghị nhà trường xét cấp học bổng cho những học sinh nghèo học giỏi, hạnh kiểm tốt!”. Thầy ân cần dắt tôi ra khỏi văn phòng và bảo tôi về lớp học. Tôi khóc rấm rứt, lí nhí cảm ơn Thầy không thành tiếng, dù niên học đó tôi không phải là học sinh của Thầy. Từ đó, tôi được nhà trường cấp học bổng miễn phí trong suốt 4 năm Trung học. Sau khi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp tôi thi tuyển đậu vào trường Quốc Học để tiếp tục học chương trình Trung học đệ nhị cấp. Sau này, khi tốt nghiệp Đại Học Nông Lâm Súc (tiền thân của Đại Học Nông Nghiệp bây giờ), tôi được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng, có cuộc sống tương đối sung túc nhưng vẫn không bao giờ quên giai cấp nghèo khó của mình và tôi vẫn hằng nhớ ơn Thầy Tôn Thất Dương Tiềm. Mà “ơn đền, nghĩa trả”, tôi muốn kiếm Thầy để trả ơn, nhưng Thầy và người anh là Tôn Thất Dương Kỵ đã bị bắt vì hoạt động cho cộng sản và bị trao trả cho chính quyền cộng sản Hà Nội tại Bến Hải.

Sau cuộc đổi đời năm 1975, tôi đi tù cộng sản như hầu hết công chức, sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi tốt nghiệp trường “Đại Học Máu” trong trại tù của Việt Cộng trở về tôi cũng có ý nghe ngóng tin tức của Thầy, nhưng vẫn biệt vô âm tín. Vì thế cho đến bây giờ tôi vẫn còn nặng lòng với mối ân tình của Thầy. Vì nếu không có Thầy can thiệp từ đầu thì không hiểu cuộc đời của tôi sẽ ra sao? Vâng, tôi mang món nợ ân tình quá lớn với Thầy Tôn Thất Dương Tiềm mà chưa trả được. Tôi muốn gặp Thầy một lần để nói lên lời cảm ơn chân thành nhất tự đáy lòng mình.

Trong thời gian làm việc, hằng năm các trường đều gởi văn thư đến các cơ quan xin phần thưởng cho các học sinh giỏi - giống như thời tôi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường - tôi luôn sẵn sàng ủng hộ, không hẳn chỉ là một nghĩa cử mà tôi coi như là một bổn phận phải đóng góp. Có lẽ hồi đó tôi chưa hiểu được ý nghĩa vi diệu về thuyết “vay, trả” của nhà Phật. Nhưng tôi đã “vay” một ơn nghĩa quá lớn, thì có một ngày nào đó tôi phải “trả”, phải đền đáp lại thôi!


cu si phu van-2
TT Nguyên Tạng và Cư Sĩ Phù Vân, chủ bút Báo Viên Giác cùng quý cộng tác viên
trong lễ kỷ niệm chu niên 40 năm Báo Viên Giác (xem thêm hình khác) 




Cũng trong thời gian này, năm 1964, trường Bồ Đề Hội An bắt đầu tiến hành xây cất, một vị tu sĩ - sau này tôi mới biết là Thầy Thích Như Vạn, trụ trì chùa Phước Lâm, Trưởng Ban Kiến Thiết Trường Bồ Đề Hội An thuộc Giáo Hội Phật Giáo VNTN tỉnh Quảng Nam, có đến gặp tôi và nhờ giúp đỡ. Hồi đó tôi còn quá trẻ, mới 25 tuổi, một Trưởng Ty trẻ nhất tỉnh Quảng Nam. Tôi đã can thiệp nhà thầu cung cấp gỗ cho nhà trường với giá miễn thuế và sau đó còn cho công nhân đến trồng cây bóng mát chung quanh trường. Sau này, nhà thầu còn lợi dụng uy tín của tôi để vụ lợi riêng, nên tôi cũng suýt gặp vài khó khăn.

Trong thời gian công tác tại Quảng Nam, tôi đã gặp và tiếp xúc với rất nhiều hạng người - trong đó có nhiều bà cụ già “khố rách, áo ôm” khúm núm vào gặp tôi năn nỉ xin tha tội trốn thuế về mấy xe củi, mấy bao than… Thấy tình cảnh của các bà, tôi chợt động lòng nhớ đến thời kỳ tủi nhục của Mẹ tôi. Tôi đã ân cần mời bà cụ ngồi xuống và đề nghị nhân viên tha cho bà. Tại Quảng Nam tôi đã gặp nhiều trường hợp như thế và tôi không có giải pháp nào tốt đẹp và hợp lý hơn cho những người “buôn gánh bán bưng”, tôi chỉ yêu cầu họ đóng thuế theo luật định. Tôi vẫn nhớ lời Mẹ tôi căn dặn khi tôi đi nhận việc “con phải cầm cân, nẩy mực cho công minh”. Tôi lắc đầu thầm nói: “Mẹ ơi Mẹ, họ nghèo quá! Con không nỡ phạt họ được!”. […]

* *

* * *

Mong rằng tôi có dịp qua Đức gặp anh chị Phù Vân - Phương Quỳnh mà dù chưa gặp lần nào nhưng tôi luôn kính quý tận đáy lòng.

Ân cần và thân ái đến Anh-Chị Phù Vân - Phương Quỳnh.

Nguyễn Hiền-Đức

Santa Ana, California, Hoa Kỳ 13 tháng 03 năm 2022.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/09/2022(Xem: 7569)
Phật tử Hoàng Đức Thành, pháp danh Tâm Đức sinh năm 1975 tại Sài Gòn, cùng gia đình đến định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1991. Tốt nghiệp Bác sỹ Y Khoa năm 2004. Hiện đang làm Giám Đốc Chương Trình Nghiên Cứu Chuyên Khoa Nội Tiết tại Bệnh viện Quân Y Hoa Kỳ Walter Reed tại Bethesda, Maryland. Ông cũng chịu trách nhiệm giảng dạy và đào tạo các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết cho Hải quân và Lục quân Hoa kỳ (US Navy & Army). Ngoài công việc chuyên môn, Bác sĩ Tâm Đức là một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử của Chùa Giác Hoàng, Thủ đô Washington D.C., từ năm 1993 đến nay (2017). Bác sĩ phụ trách hướng dẫn Phật pháp cho các anh chị em trong GĐPT và các chương trình nhạc Lễ và chương trình văn nghệ ở chùa Giác Hoàng và các chùa lân cận. Từ những sinh hoạt này, Bác sĩ Tâm Đức đã viết nhiều nhạc phẩm để phổ biến cái hay cái đẹp của lời Phật dạy trong đời sống, đến nay đã có nhiều Album nhạc phát hành để cống hiến cho cộng đồng Phật giáo. (nghe nhạc của Bác Sĩ Tâm Đức)
05/09/2022(Xem: 4008)
Hòa thượng Thích Liễu Minh, tên thật là Lê Văn Hiến, Pháp danh Thị Huyền, Pháp tự Liễu Minh, hiệu Trí Hải, sinh ngày 7/3/1934 (nhằm ngày 3/2 năm Giáp Tuất), tại thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình (tức tỉnh Bình Định ngày nay).
24/08/2022(Xem: 2912)
Hòa thượng thế danh Nguyễn Ngọc Khiết, Pháp danh Nguyên Quang, Pháp tự Thích Tín Đạo, bút hiệu Ngân Thanh; thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 44. Hòa thượng sinh năm Bính Tuất (1946) người làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Ngọc Chút pháp danh Nguyên Đại, thân mẫu là cụ bà Hồ Thị Mài pháp danh Nguyên Khiết. Thầy sinh ra trong một gia đình mộ đạo và là em út của 5 chị anh. Trong đó có vị vừa là bào huynh vừa là pháp huynh là Hòa thượng Thích Lưu Thanh.
17/08/2022(Xem: 4172)
Thành kính cáo bạch Đức Trưởng lão Hòa thượng thượng THANH hạ HUYỀN Thành viên Hội đồng Tăng-già Bản thệ, Ân sư GĐPT Việt Nam Nguyên Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên GHPGVNTN Nguyên Chánh Thư ký Hội đồng Tăng-già Bản thệ Nguyên Trưởng ban Ban thường trực Hội đồng Giáo giới GĐPT Việt Nam thuận thế vô thường thị tịch vào lúc 05h00 ngày 16 tháng 08 năm 2022 (nhằm ngày 19 tháng 07 năm Nhâm dần). Trụ thế : 78 năm, 57 giới lạp. Tang lễ Đức Trưởng lão Hòa thượng được cung kính cử hành tại Quảng Hương Già Lam, 498/11 đường Lê Quang Định, phường 01, quận Gò Vấp. Lễ cung thỉnh báo thân nhập kim quan: vào lúc 18h00 ngày 16 tháng 08 năm 2022 (nhằm ngày 19 tháng 07 năm Nhâm dần). Lễ phụng tống kim quan trà tỳ: vào lúc 06h00 ngày 21 tháng 08 năm 2022 (nhằm ngày 24 tháng 07 năm Nhâm dần).
13/08/2022(Xem: 3707)
Nguyên trinh lồng lộng bóng trăng Lăng Già Cao vời Bát nhã thuyền qua lặng lờ Mãn vui cõi tạm đợi chờ Chân Như Giác tìm phương tiện đến nơi Bồ Đề Huyền đạo hướng về Phật tổ tông Pháp thế học văn thông tinh tế Không hữu cùng một thể lý đồng Thiền sư Mãn Giác không huyền không.
11/08/2022(Xem: 5027)
Chiều ngày 12-7- Nhâm Dần (9-8-2022), tại chùa Minh Châu, tổ dân phố Thanh Châu, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Ban Trị sự GHPGVN thị xã Ninh Hòa và môn đồ pháp quyến trang nghiêm thỉnh nhục thân Ni trưởng Thích nữ Minh Châu, Chứng minh Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh Khánh Hòa nhập kim quan. Quang lâm chứng minh có Hòa thượng Thích Trừng Giác, Chứng minh Ban trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, viện chủ chùa Phổ Hóa; Thượng tọa Thích Nhuận Đức, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thị xã Ninh Hòa, Trưởng ban Tổ chức lễ tang; Ni trưởng Thích nữ Thông Thuận, Chứng minh Phân ban Ni giới; Ni trưởng Thích nữ Diệu Vân, Trưởng phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cùng chư tôn đức Tăng, Ni và Phật tử tham dự cầu nguyện.
02/08/2022(Xem: 3299)
Giáo sư Jonathan C. Gold dạy về các bộ môn tôn giáo Ấn Độ và Tây Tạng, và nghiên cứu của ông tập trung vào các truyền thống tri thức Phật Giáo Phạn và Tạng ngữ đặc biệt các lý thuyết về sự giải thích, chuyển dịch, và học tập. Cuốn sách gần đây của ông, “Paving the Great Way: Vasubandhu’s Unifying Buddhist Philosophy” [Xây Đường Lớn: Triết Lý Phật Giáo Nhất Quán Của Ngài Thế Thân]
27/07/2022(Xem: 2817)
Thiếu thời mộ Phật kết thiền âm Nương chốn già lam thoát khỏi trần Học đạo tinh cần dương chánh pháp Tu tâm dõng mãnh độ mê thần Kế thừa ấn tổ xây bờ thiện Dắt dẫn môn sinh hướng cõi chân Giới thể tinh nghiêm đèn tuệ sáng Hương thơm đức hạnh toả xa gần
20/07/2022(Xem: 6818)
Cáo Phó Lễ Tang: Hòa Thượng Thích Như Minh, Trụ Trì Chùa Việt Nam, Los Angeles, California, Hoa Kỳ, vừa viên tịch
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]