Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tán Thán Công Hạnh Tôn Sư (Thành Kính Tưởng Niệm Cố Thượng Toạ thượng Chơn hạ Kiến)

15/06/202117:23(Xem: 4403)
Tán Thán Công Hạnh Tôn Sư (Thành Kính Tưởng Niệm Cố Thượng Toạ thượng Chơn hạ Kiến)


TT_Thich_Chon_Kien
Tán Thán Công Hạnh Tôn Sư

Thành Kính Tưởng Niệm Cố Thượng Toạ thượng Chơn hạ Kiến.
Kính nguyện Giác Linh Thượng Toạ Cao Đăng Phật Quốc.


Diễn ngâm: Cư Sĩ Quảng An




Vạn Đức già lam nhập đạo thiền
Tinh cần sớm tối học kinh thiêng
Đèn tâm chiếu sáng thơm hương giới
Đuốc tuệ ngời soi toả đức nguyền
Chơn Kiến suy tầm chân diện mục
Ẩn Minh hiển thị diệu tâm nguyên
Hoằng dương giáo pháp noi gương tổ
Hoá độ sinh linh, độ chúng duyên.

Chúng duyên hoá độ hạnh nhu hoà
Chẳng ngại gian lao tâm vị tha
Cứu giúp thương yêu dìu đệ tử
Đỡ nâng che chở dắt đàn na
Nhằm khi cơ cực tâm thường tại
Gặp lúc khó khăn ý vượt qua
Vững chí bền tâm tròn hạnh nguyện
Ngày về Phật Quốc ngát liên hoa…!

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
California, 14-06-2021
Hậu Học-Thích Chúc Hiền (kính đề)


TT_Thich_Chon_Kien

 Công Viên Quả Mãn
(Họa y vần bài Tán Thán Công Hạnh Tôn Sư của ĐĐ Thích Chúc Hiền)

Tưởng Niệm công hạnh Cố Thượng Toạ thượng Chơn hạ Kiến, đang thong dong nơi Lạc cảnh

Huân tập nhiều đời tỏ lý thiền
Du Già chẩn tế rất linh thiêng
Khánh Hòa thọ giới trì miên mật
Hải Đức tấn tu độ cữu huyền
Thiên Phú hữu duyên thành trụ xứ
Minh Sơn vô sự bất hoàn nguyên
Đạo Tràng kiến tạo hằng thăng tiến
Độ tận chúng sanh tạo thiện duyên


Đời tu thanh thản thật an hòa
Hóa độ muôn loài sống vị tha
Từ thiện ban vui hằng thực hiện
Dựng xây cơ sở độ đàn na
Đúc chuông tạo tự từng tha thiết
Tôn chứng nghiêm sư đã trải qua
Phụng đạo giúp đời tròn bản nguyện
Tây phương Cực Lạc ngự liên hoa

Chùa Pháp Hoa SA, 16/06/2021 (7/5/Tân Sửu)
TK, Thích Viên Thành


TT Thich Chon Kien

KÍNH TƯỞNG NIỆM
CỐ THƯỢNG TỌA THÍCH CHƠN KIẾN


Thượng Tọa Chơn Kiến thuộc dòng
Gia đình nhân hậu một lòng thâm sâu
Quy y Tam Bảo đạo mầu
Đến năm mười tuổi cạo đầu xuất gia
Minh Quang Hòa Thượng chính là
Trụ trì Vạn Đức cũng là Bổn Sư
Bên Thầy học đạo suy tư
Thiện căn chủng trí vô sư hiển bày
Thế rồi cho đến một ngày
Viết ra bài kệ cầu Thầy chứng minh
Hưng Từ Hòa Thượng nảy sinh
Ban cho Pháp hiệu Ấn Minh lưu dùng
Ngài xưa nhọc khổ vô cùng
Giang tay đón nhận chùa chung của làng
Thiên Phú thuở ấy suy tàn
Bao lần tu bổ rỡ ràng hơn xưa
Công Ngài biết kể sao vừa
Ngày đêm chăm chút truyền thừa hậu lai
Bao nhiêu đệ tử của Ngài
Xứng công Ngài dạy, tương lai rỡ ràng
Tiếc thay tuổi mới nửa đàng
Bệnh duyên Ngài đã vội vàng qui Tây.
Mười lăm năm đã tròn đầy
Tứ chúng đệ tử chẳng tày lãng quên
Vần thơ để lại không tên
Nhưng là bài học bên thềm tử sinh:
“Nghiệp đã qua rồi lòng nhẹ nhõm
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong”

Melbourne, 15/6/2021
Phật tử Thanh Phi.


Cảm Niệm Ân Sư_Thích Nguyên Tạng


Nén hương cảm niệm
công hạnh Giác Linh Cố TT Chơn Kiến.

Họa y vần bài Tán Thán Công Hạnh Tôn Sư của ĐĐ Thích Chúc Hiền

Thành Kính Tưởng Niệm Cố Thượng Toạ thượng Chơn hạ Kiến. 

Kính nguyện Giác Linh Thượng Toạ Cao Đăng Phật Quốc.

Chủng trí Vô Sư  tích lũy Thiền 

Đồng Chơn thế phát đại cơ duyên 

Hai lần thọ giới Sa Di ..lạ 

Pháp Hội chùa đây đắc pháp thiêng 

Trừng Lộc quy danh Tam Bảo tặng 

Ấn Minh pháp hiệu Đạo thâm uyên 

Nghe danh tiếng ...Trụ Trì Thiên Phú 

Phật tử gần xa thính pháp chuyên .

Thọ trì tụng niệm Diệu Pháp Hoa 

Tuệ Tĩnh Đường ngày thăm bịnh ... toa 

Đúc Đại Hồng Chung công đức tạo 

Tịnh thanh mô phạm giáo đàn na 

Gương sáng quy hướng Tăng Ni trẻ 

Biểu tượng Bổn Sư giới xuất gia

Thuận thế vô thường Tây cỡi hạc 

Thong dong tự tại ...đã về nhà ! 

Kính tán dương công hạnh bậc xuất Trần Thượng Sĩ 

Nén hương cảm niệm Giác Linh Ngài 

 Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật 

Nam-mô Tự Lâm Tế Chánh Tông, Tứ thập nhị thế, Khai SơnThiên Phú Tự, trụ trì,
huý thượng Trừng hạ Lộc, tự Chơn Kiến, hiệu Ấn Minh Thượng Tọa Giác Linh, thuỳ từ chứng giám.

Phật Tử Huệ Hương vọng bái

Mẹlbourne 15/6/2021


TT_Thich_Chon_Kien

TÙY DUYÊN ĐỘ CHÚNG

Họa y vần bài Tán Thán Công Hạnh Tôn Sư của ĐĐ Thích Chúc Hiền
Thành Kính Tưởng Niệm Cố Thượng Toạ thượng Chơn hạ Kiến.

Kính nguyện Giác Linh Thượng Toạ Cao Đăng Phật Quốc.



Già lam Vạn Đức lắng hương thiền,

Giữ giới chuyên cần ánh đạo thiêng.

Thanh tịnh hạnh khai cầu tuệ khởi,

An nhiên kệ dụng thoả tâm nguyền.

Bao thời chẳng thoái bền chân diệu,

Khắp chốn không ràng rạng bổn nguyên.

Thọ pháp hoằng dương ân Thánh Tổ,

Đem từ cảm hoá cũng tuỳ duyên.

Tuỳ duyên độ chúng rõ nhân hoà,

Giảng pháp cho người ánh vị tha.

Cửa Phật trang nghiêm từ đạo hạnh,

Đường trần vắng lặng quán thiền na.

Ta Bà chẳng vướng an nhiên đến,

Cực lạc luôn nguyền chướng ngại qua.

Kiếp mãn nay về theo bổn nguyện, (*)

Hương trầm thoảng ngát ngự liên hoa…



24/6/2021

PT. Minh Đạo (kính hoạ)

-------------------

(*) A Di Đà bổn nguyện (Những lời cầu nguyện căn bản của Đức A Di Đà)

 

 TT Thich Chon Kien

 

TÔN SƯ: NGƯỜI LÀ BẬC THƯỢNG SĨ    
( Bài Hoạ )

 

Ly gia cắt ái nương Cửa Thiền

Đồng Chơn thế phát đại nhân duyên

Vô sư chủng trí ngời Chơn Kiến

Pháp Hội Già Lam đắc Pháp Huyền

 

Quy danh Trừng Lộc nương Tam Bảo

Pháp hiệu Ấn Minh rõ thâm uyên

Trùng tu Đại Tự danh Thiên Phú 

Trú Trì Hoằng Pháp Chân Sư truyền

 

Độ chúng Phật tử cùng mọi giới

Thấm nhuần Phật Pháp hành tinh chuyên

Thọ trì Diệu Pháp Hoa miên mật

Tuệ Tĩnh Đường chữa bệnh cho toa

 

 Đúc Đại Hồng Chung vọng âm ba

 Giáo Đàn Na tịnh thanh chan hoà

Tăng Ni trẻ noi gương Đạo hạnh

Xứng Bổn Sư truyền Giới xuất gia

 

Cống hiến phụng đời xiễn dương Pháp

Bậc Thượng Sĩ đức độ bao la

Đến đi tự tại an nhiên thuyết 

Thuận thế vô thường "Người" trở về Nhà

 

Nam Mô A Di Đà Phật 

 

Pt Quảng An Houston,  Tx, USA

Con Pt Quảng An xin hoạ bài Hoạ của Cư Sĩ Huệ Hương trong dòng Thơ kính cảm đề, cảm hoạ :

Tán Thán Công Hạnh Tôn Sư của Tỳ Kheo Thích Chúc Hiền kính đề.

Thành kính tưởng niệm cố Thượng Toạ thượng Chơn hạ Kiến

Kính nguyện Giác Linh Thượng Toạ Cao Đăng Phật Quốc

PT Quảng An đê đầu kính bái Tôn Sư: Người là Bậc Thượng Sĩ của Pt chúng con.




TT_Thich_Chon_Kien_2

Tiểu Sử
Cố Thượng Tọa Thích Chơn Kiến
(194
8– 2006)

I) Thân Thế:

Thượng Tọa thế danh Ngô Đình Thung, pháp danh Trừng Lộc, pháp tự Chơn Kiến, pháp hiệu Ấn Minh. Sinh ngày 20 tháng 06 năm 1948 (Mậu Tý) ) tại làng Đại Điền Đông, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Thân phụ, ông Ngô Ký, pháp danh Trừng Phong, thân mẫu, bà Huỳnh Thị Khằng, pháp danh Trừng Tằng, song thân của Ngài đều đã mãn phần. Ngài là người con thứ mười trong gia đình có 11 người con, 8 gái và 3 trai. Em trai út của Ngài cũng xuất gia tu Phật, đó là TT Nguyên Phước, hiện trú trì Chùa Phước Long, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh và hai người cháu gọi Thượng Tọa bằng cậu ruột là ĐĐ Thích Tịnh Hạnh, hiện đang tu học tại miền Bắc, sư cô Thích nữ Nguyên Nhựt, hiện đang tu học tại miền nam.

II) Thời Gian Xuất Gia Học Đạo:

Được sinh ra trong một gia đình nhân hậu, đời đời kính tin Tam Bảo và sẳn túc duyên từ nhiều đời, nên năm lên 10 tuổi, Thượng Tọa được song thân cho phép thế phát xuất gia học đạo với cố Hòa Thượng thượng Minh hạ Quang, trú trì Chùa Vạn Đức, tại làng Võ Dõng, Xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang. Kể từ đó, hôm sớm kệ kinh siêng năng tu học, Thượng Tọa cùng với các huynh đệ gần gũi hầu cận bên Thầy Bổn Sư và thân cận học hỏi chư vị Tôn đức trong tỉnh Khánh Hòa, nên chủng trí vô sư nhiều đời huân tập nhân đây mà tăng trưởng.

Năm 1961, Ngài thọ Sa Di tại giới Đàn chùa Hoa Quang, thôn Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang 19-6 năm Tân Sửu, do HT. Thích Hưng Từ Đàn Đầu. Đến ngày 19-6- Mậu Thân (14-7-1968), Thượng toạ đã xin thọ lại Sa Di tại Đại giới Đàn chùa Hải Đức, Nha Trang. Do HT. Thích Tịnh Khiết làm Đàn Đầu.

Năm 1969, với hạnh nguyện sâu dầy, oai nghi đĩnh đạc, đáng làm pháp khí Đại thừa, Thượng Tọa được Hòa Thượng Bổn Sư cho thọ giới Tỳ kheo và Bồ Tát tại Giới Đàn chùa Hoa Nghiêm, Sài Gòn, thuộc Giáo Hội Hoa Tông, do Hòa Thượng Thọ Giả Thích Thánh Nhất làm Đàn Đầu.

Năm 1973, Thượng tọa thọ lại Tỳ kheo giới ngày 14-10-1973 tại Đại giới Đàn Hải Đức Nha Trang, do Hòa Thượng Thích Phúc Hộ Đàn Đầu.

Ngày 15/7 Tân Dậu (1981) Ngài đã cầu pháp với Hòa Thượng Thích Hưng Từ tại chùa Pháp Hội Bình Tuy, tỉnh Ninh Thuận và được Hòa Thượng ban cho Pháp hiệu Ấn Minh với bài kệ đắc pháp sau:

Đình Trung Ngô Thế Tánh,
Trừng Lộc Pháp danh cao.
Chơn Kiến bình Tâm địa
Ấn Minh tức đạo giao.

Thượng tọa đã tốt nghiệp tú tài vào năm 1970 tại trường Võ Tánh, Nha Trang, sau đó theo tu học và an cư nhiều nơi như Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang; chùa Minh Sơn Tuy Hòa, Chi Hội Phật giáo Diên Khánh, chùa Sắc Tứ Kim Sơn Nha Trang, đặc biệt, Thượng Tọa từng thọ giáo khóa Du Già Chẩn Tế đàn ngoại với Cố Hòa Thượng Thích Chánh Kỷ tại Chùa Thái Bình, huyện Diên Khánh vào đầu những năm 80.

III) Thời Kỳ Hành Đạo:

Năm 1972, Thượng Tọa được Ban Hộ Tự Chùa Thiên Phú cung thỉnh về trụ trì ngôi tự viên này. Chùa Thiên Phú vốn là một ngôi Chùa “cải gia vi tự”, khởi đầu vào năm 1945 (Ất Dậu), do đạo hữu Nguyễn Bạn cùng với vợ là bà Nguyễn thị Đố và một ít người trong gia tộc đã xây dựng trên khu đất từ đường rộng 2000m2 , đây là một ngôi nhà để thờ Phật và tổ tiên ông bà. Một thời gian sau, nhân nằm mộng thấy Bồ Tát Quan Âm mà ông Nguyễn Bạn đã xin ơn trên cho cải gia vi tự và đặt tên là chùa Thiên Phú. Ngôi chánh điện và hậu tổ lúc bấy giờ chỉ với diện tích khiêm tốn là 50m2 . Về sau ông Nguyễn Bạn có xin chính quyền để mở rộng thêm ngôi chánh điện, nhưng không được chấp thuận, vì trong dòng họ của ông có nhiều người tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp. Đến năm 1966, cơ may tái tạo ngôi chùa không còn nữa, vì đạo hữu Nguyễn Bạn đã qua đời. Năm 1969, Ban Hộ Tự thỉnh thầy Huệ Minh về trụ trì. Thời điểm này chiến tranh vẫn còn sôi động, nên TT Huệ Minh chỉ duy trì việc hương khói và tu niệm. Đến năm 1972 Thầy Huệ Minh viên tịch. Không thể làm ngơ trước sự hoang vắng và ngày càng suy tàn của chốn Già Lam, Ban Hộ Tự và Phật tử địa phương cung thỉnh TT. Thích Chơn Kiến đang hành đạo tại chùa Vạn Đức thôn Võ Dõng về nối nghiệp trụ trì.

Năm 1974, được sự nhiệt thành ủng hộ của Phật tử địa phương, với tư cách là tân trụ trì, Thượng Tọa đã lên kế hoạch xây dựng lại ngôi Chánh điện nay là Hậu Tổ và lần lượt tu bổ thêm một vài tiện nghi cần thiết cho ngôi chùa thêm phần khang trang. Kết quả Chùa Thiên Phú đã thật sự trở thành nơi chiêm bái và tu học của đồng bào Phật tử gần xa.

Năm 1991, nhìn thấy nhu cầu tu học Phật của hàng đệ tử ngày càng đông, trong khi phạm vi nhỏ hẹp của Chùa Thiên Phú lúc bấy giờ không thể đáp ứng được mọi nhu cầu cần thiết ấy, nên Thượng Tọa đã xin phép Giáo hội và các cấp chính quyền để chính thức kiến tạo ngôi Đại Hùng Bảo Điện với diện tích mở rộng là 400m2 . Thượng Tọa còn xây dựng thêm một số công trình phụ như nhà Tăng, giảng đường vv… Chùa được khởi công xây dựng vào ngày 24 tháng giêng năm Tân Mùi (1991) và hoàn thành vào ngày 24 tháng chạp năm Nhâm Thân (1993) do kỹ sư Bùi Văn Minh thiết kế và chính Thượng Tọa trụ trì đích thân chỉ đạo công trình. Ngôi Chùa làm theo mô hình kiến trúc cổ truyền kiểu chữ “I” (Công) hai lớp mái chồng diêm, mang dáng dấp kiến trúc cổ kính Á Đông, với lưỡng long triều nguyệt, tạo nên một dáng vẻ uy nghiêm giữa rặng dừa của làng Phú Vinh.

Chánh điện thoáng rộng, điện Phật được bài trí trang nghiêm. Nổi bật ở trung tâm là tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định trên tòa sen cao 2m50; hai bên trái và phải là phù điêu Bồ Tát Văn Thù, biểu trưng cho trí tuệ và Bồ Tát Phổ Hiền, biểu trưng cho đạo hạnh. Phía trước là hai tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện. Sau điện Phật là nhà thờ tổ sư Đạt Ma và bàn thờ Linh. Chùa còn có nhiều câu đối, hoành phi, phù điêu được chạm trổ một cách rất tinh xảo bởi bàn tay của nghệ nhân Khánh Hòa Ngô Đình Lục, vốn là người anh ruột thứ bảy của Thượng Tọa.

Năm 1993, Thượng Tọa thành lập Đạo Tràng Pháp Hoa và biên soạn quyển Nghi Thức Tụng Niệm, để hướng dẫn Phật tử gần xa tụng niệm và thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đạo Tràng đến nay đã có trên 500 thành viên tu học.

Năm 1994, Thượng Tọa cho thành lập Tuệ Tỉnh Đường ngay trong khuôn viên của Chùa Thiên Phú, để khám bệnh và bốc thuốc miễn phí cho người dân nghèo trong và ngoài Xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang.

Năm 1995, Thượng Tọa cho thành lập Gia Đình Phật Tử Thiên Phú, để hướng dẩn các em, thanh thiếu niên tại địa phương, nhằm góp phần giữ gìn giềng mối đạo đức cho xã hội.

Năm 1998 (Đinh Sửu), nhân dịp lễ vía Đức Phật Thành Đạo, Thượng Tọa đã cho khởi công đúc quả Đại Hồng Chung và lễ rót đồng cử hành trong khuôn viên chùa vào ngày 16 tháng 3 năm Mậu Dần (1998), quả chuông cao 2m80; nặng 2500kg với đường kính 1m45 do nghệ nhân xưởng đúc Đại Hạnh Đạo Hữu Nguyên Lượng Nguyễn Thanh Thảo thực hiện, dưới sự chứng minh của: Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa thượng Thích Đổng Minh, Hòa thượng Thích Chí Tín, Hòa thượng Thích Thiện Bình, Hòa thượng Thích Trí Tâm, Hòa thượng Thích Minh Quang,Thượng tọa Thích Tịnh Nghiêm.

Năm 2000, Thượng Tọa đã tạo mãi một khu đất rẫy tại thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang. và đã thành lập ngôi Thiên Phú Phước Sơn tu viện tại nơi này để hướng dẫn đồng bào Phật tử trong khu vực quy hướng Tam Bảo.

Từ năm 2001-2006 Thượng tọa đảm nhiệm chức vụ ủy Viên tăng Sự BTS Tỉnh Khánh hòa trong nhiệm kỳ IV.

Năm 2003, Thượng Tọa cùng chư Tôn Hòa Thượng Thích Phước Thành, HT Thích Thiện Nhơn đến Úc Đại Lợi để tham dự chứng minh Đại Lễ Khánh Thành Tu Viện Quảng Đức tại thành phố Melbourne từ ngày 10 đến 12 tháng 10 năm 2003, sau đó, Thượng Tọa đã cùng phái đoàn sang Ấn Độ để chiêm bái các thánh tích Phật giáo trước khi trở về VN.

Năm 2005, Thượng Tọa xây dựng hoàn tất Đoàn Quán Gia Đình Phật tử Thiên Phú để giúp cho các em có nơi sinh hoạt hằng tuần và xây dựng hoàn tất Vãng Sanh Đường để thờ linh cốt quá vãng ký tự tại bổn tự.

Năm 2006, Thượng Tọa khởi công và xây dựng hoàn thành Cổng Tam Quan Chùa Thiên Phú và góp phần rất lớn để hình thành con đường bê tông từ cổng Tam Quan dẫn vào khu xóm xung quanh Chùa. Đây được xem là công trình cuối cùng của Thượng Tọa để lại cho đời.

Qua phúc đức trang nghiêm, túc duyên thù thắng, năng lực phi thường, Thượng Tọa là Bổn Sư, là Y Chỉ Sư của nhiều Tăng Ni và Phật tử theo tu học. Qua sự giáo dưỡng của Thượng Tọa, đã có nhiều đệ tử xuất gia đã theo học các trường Cao Cấp Phật Học, Cao Đẳng Chuyên Khoa, Khóa Giảng Sư, Trung Cấp Phật Học.

Bằng giới đức trang nghiêm thanh tịnh, mô phạm chốn tòng lâm biểu tượng nơi quy hướng cho Tăng Ni và Phật tử, Thượng Tọa đã được cung thỉnh làm Tôn Chứng Sư cho các Giới Đàn Trí Thủ I : chùa Long Sơn Nha Trang:tháng 9 Quý Dậu (1993)

Đại giới Đàn Trí Thủ II :Đinh Sửu (1997)
Tiểu giới Đàn Trí Thủ, Kỷ Mão (1999)
Đại giới Đàn Trí Thủ, Tân Tỵ (2001)

IV) Thuận thế vô thường:

Cuối năm 2002, Thượng Tọa đã lâm trọng bệnh, tuy được y bác sĩ bệnh viện Bình Dân TP. HCM tận tình chữa trị, nhưng sức khỏe của Ngài vẫn dần dần giảm sút. Trong lúc thân đang mang trọng bệnh, mà Thượng Tọa vẫn nỗ lực kiên trì cố gắng xây dựng cho hoàn thành các công trình kiến trúc còn lại của Bổn Tự như Cổng Tam Quan và con đường Làng. Thế rồi ngày qua tháng lại, sức khỏe Thượng Tọa kém dần theo cơn bệnh, Thượng Tọa vẫn tỉnh giác chánh niệm an nhiên tự tại với các Phật sự, sinh hoạt thường nhật trong ý niệm “sinh tử nhàn nhi dĩ”. Rồi đến đầu tháng 8 năm 2006, cơn bệnh nan y tái phát, Thượng Tọa đã được các đệ tử đưa vào Sàigòn để điều trị, nhưng bệnh đã ở giai đoạn cuối, không thể chữa trị được nữa, như biết trước huyễn thân sắp rời xa cõi trần thế, Thượng Tọa dạy các đệ tử đưa ngài trở về tĩnh dưỡng tại Chùa Thiên Phú, nơi mà ngài sống và tu học trên 30 năm. Trong khi các hàng đệ tử lo âu sợ hãi cho cơn vô thường sẽ đến cướp đi người Thầy khả kính, ngược lại Thượng Tọa đã tự tại dặn dò các việc cần thiết qua thư di chúc, cũng như khuyến tấn các hàng đệ tử xuất gia, tại gia nên tinh tấn tu học để ngỏ hầu mang lại niềm phúc lạc cho mình và cho người. Trước ngưỡng cửa sanh tử ngài nhẹ nhàng nói:

“Nghiệp đã qua rồi lòng nhẹ nhõm
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong.”

Chùa xưa còn đó, pháp lữ còn đây mà Ngài đã thuận thế vô thường, an tường xả báo thân vào lúc 6 giờ tối ngày Chủ nhật, 3-9-2006, nhằm ngày 11 tháng 7 nhuận năm Bính Tuất tại Chùa Thiên Phú, Thôn Phú Vinh, Xã Vĩnh Thạnh, Thành Phố Nha Trang, Việt Nam.Nhập đạo 49 năm, trãi qua 37 mùa an cư kiết hạ. Trụ thế 59 năm.

Thế là Thượng Tọa đã ra đi vĩnh viễn, để lại phía sau hàng đệ tử trẻ dại, bơ vơ. Tiếc thay, hạnh nguyện chưa tròn, đường phụng sự đạo pháp còn quá dài và chúng sanh còn nhiều người mong đợi. Cõi trần thế từ đây đã khuất một vì sao, miền Lạc cảnh lại thêm một trang Thượng Sĩ. Cố nhiên công đức cống hiến phụng sự đạo pháp, Dân Tộc và lợi lạc chúng sanh của Thượng Tọa sẽ còn sống mãi trong tâm tư những người con Phật.

Những tưởng, duyên hoá độ còn lâu hơn nữa,
Nào ngờ đâu, sớm cỡi hạc quy Tây.
Trong vô thường, vẫn điềm nhiên tự tại,
Sống chết dường gió thoảng mây bay.
Nguyện giác linh sớm hồi nhập Ta-bà
Cùng pháp lữ xiễn dương chánh pháp.

Nam-mô Tự Lâm Tế Chánh Tông, Tứ thập nhị thế, Khai SơnThiên Phú Tự, trụ trì, huý thượng Trừng hạ Lộc, tự Chơn Kiến, hiệu Ấn Minh Thượng Tọa Giác Linh, thuỳ từ chứng giám.

Melbourne, Úc Châu, 3-9-2006
Đệ tử Tỳ Kheo Tịnh Tuệ kính soạn
(pháp danh Nguyên Tạng)





facebook-1


***
youtube

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/11/2010(Xem: 8177)
Thành kính khẩn bạch đến chư Tôn Đức Tăng Già của quý Giáo Hội, quý Tự Viện, quý tổ chức Phật Giáo cùng toàn thể chư vị thiện nam tín nữ Phật tử: Đại Lão Hòa Thượng thượng Huyền, hạ Ấn, thế danh Hoàng Không Uẩn, sinh năm 1928 tại Quảng Bình, Việt Nam
01/11/2010(Xem: 5123)
Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 1, Chùa Pháp Hoa (2000) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 2, Chùa Pháp Bảo (2001) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 3, Chùa Linh Sơn (2002) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 4, Tu Viện Vạn Hạnh (2003) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 5, Tu Viện Quảng Đức (2004) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 6, Chùa Phổ Quang (2005) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 7, Chùa Pháp Bảo (2006) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 8, Chùa Pháp Hoa (2007) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 9, Chùa Linh Sơn (2008) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 10, Chùa Pháp Bảo (2009) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 11, Thiền Viện Minh Quang (2010) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 12, Tu Viện Quảng Đức (2011) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 13, Tu Viện Vạn Hạnh (2012) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 14, Thiền Viện Minh Quang (2013) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 15, Tu Viện Quảng Đức (2014) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 16, Chùa Pháp Pháp Bảo (2015) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 17, Tu Viện Quảng Đức (2016) Khóa An Cư Kiết Hạ kỳ 18, Chùa Pháp Hoa (2017) Khóa An Cư Kiết Hạ kỳ 19, Chùa Pháp Hoa (2018)
01/11/2010(Xem: 37409)
Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 1, Chùa Pháp Hoa (2000) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 2, Chùa Pháp Bảo (2001) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 3, Chùa Linh Sơn (2002) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 4, Tu Viện Vạn Hạnh (2003) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 5, Tu Viện Quảng Đức (2004) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 6, Chùa Phổ Quang (2005) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 7, Chùa Pháp Bảo (2006) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 8, Chùa Pháp Hoa (2007) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 9, Chùa Linh Sơn (2008) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 10, Chùa Pháp Bảo (2009) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 11, Thiền Viện Minh Quang (2010) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 12, Tu Viện Quảng Đức (2011) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 13, Tu Viện Vạn Hạnh (2012) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 14, Thiền Viện Minh Quang (2013) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 15, Tu Viện Quảng Đức (2014) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 16, Chùa Pháp Pháp Bảo (2015) Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 17, Tu Viện Quảng Đức (2016) Khóa An Cư Kiết Hạ kỳ 18, Chùa Pháp Hoa (2017) Khóa An Cư Kiết Hạ kỳ 19, Chùa Pháp Hoa (2018)
29/10/2010(Xem: 6224)
Kể từ khi vết tích của chùa Thiên Mụ được ghi lại đơn sơ trong sách Ô Châu Cận Lục vào năm 1553 (1), chùa đã tồn tại gần 450 năm cho đến ngày nay. Trải qua bao nhiêu cuộc bể dâu, chùa vẫn giữ được địa vị và vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống đạo và đời của dân Huế, nói riêng, và của dân cả nước, nói chung. Qua đầu thế kỷ 17, chùa đã thực sự đi vào lịch sử sau khi Nguyễn Hoàng vào xứ đàng trong để gây dựng cơ nghiệp đế vương với huyền thoại “bà tiên mặc áo đỏ” (9).
23/10/2010(Xem: 6179)
Trong Cây Có Hoa Trong Đá Có Lửa Kính Dâng Hòa Thượng Thích Như Điển nhân dịp mừng thọ 70 tuổi của Ngài và kỷ niệm 40 năm khai sơn Chùa Viên Giác tại Đức Quốc Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng “Trong Cây Có Hoa, Trong Đá Có Lửa” là lời pháp ngữ của Thiền Sư Đạo Nguyên do Hòa Thượng Thích Như Điển nhắc lại trong thời giảng Pháp của Ngài mà tôi đã nghe được khi theo hầu Ngài trong chuyến đi Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ năm 2006. Thiền Sư Đạo Nguyên (Dogen) là người Nhật, Ngài sinh năm 1200 và tịch năm 1253, thọ 53 tuổi. Ngài là Sáng Tổ của của Soto-Zen (Thiền Tào Động) của Nhật Bản, và là tác giả bộ sách nổi tiếng “Chánh Pháp Nhãn Tạng” “Ki no naka ni, hana ga aru (Trong cây có hoa), Ishi no naka ni, hi ga aru (Trong đá có lửa)” Đó là pháp ngữ của Thiền Sư Đạo Nguyên (Dogen), được Hòa Thượng Như Điển dịch sang lời Việt. Lời thơ quá tuyệt vời, tuy ngắn gọn nhưng dung chứa cả một kho tàng giáo lý về Nhân Duyên Quả của Đạo Phật.
23/10/2010(Xem: 5815)
Trong mười thế kỷ phong kiến Việt Nam, Trần Nhân Tông là một trong những ông vua giỏi và tài hoa bậc nhất. Lịch sử đã xem ông là “vị vua hiền” đời Trần, có công lớn trong sự nghiệp trùng hưng đất nước. Văn học sẽ nhớ mãi ông bởi những vần thơ thanh nhã, sâu sắc và không kém hào hùng.
23/10/2010(Xem: 5702)
Về sự nghiệp của vua Trần Nhân Tông, đã có rất nhiều tài liệu và bài viết về hai lần lãnh đạo quân dân nước ta đánh thắng giặc Mông - Nguyên, trị quốc an dân, đối ngoại và mở cõi, nên ở đây chúng tôi không lặp lại nữa, mà chỉ đề cập đôi nét đến nội dung khác về: Trần Nhân Tông - một hoàng đế xuất gia, một thiền sư đắc đạo và là sơ tổ lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử độc đáo của Việt Nam.
23/10/2010(Xem: 5980)
Hội Phật Học Nam Việt được thành lập vào năm 1950 tại Sài Gòn do sự vận động của cư sĩ Mai Thọ Truyền. Ban đầu, hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, và sau đó ít lâu, tại chùa Phước Hòa. Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, một cây cột trụ của hội Lưỡng Xuyên Phật Học cũ đảm nhận trách vụ hội trưởng. Ông Mai Thọ Truyền giữ trách vụ tổng thư ký. Các thiền sư Quảng Minh và Nhật Liên đã triệt để ủng hộ cho việc tổ chức hội Phật Học Nam Việt. Thiền sư Quảng Minh được bầu làm hội trưởng của hội bắt đầu từ năm 1952. Năm 1955, sau khi thiền sư Quảng Minh đi Nhật du học, ông Mai Thọ Truyền giữ chức vụ hội trưởng. Chức vụ này ông giữ cho đến năm 1973, khi ông mất. Hội Phật Học Nam Việt được thành lập do nghị định của Thủ Hiến Nam Việt ký ngày 19.9.1950. Bản tuyên cáo của hội có nói đến nguyện vọng thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong nước. Bản tuyên cáo viết: "Đề xướng việc lập hội Phật học này. Chúng tôi còn có cái thâm ý đi đến chỗ Bắc Trung Nam sẽ bắt tay trên nguyên tắc cũng như trong hành động. Sự
23/10/2010(Xem: 5518)
Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh ngày 01-4-1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ ông được theo học tại trường Sơ học Pháp - Việt Bến Tre, rồi Trung học Mỹ Tho, và Chasseloup Laubat Saigon. Năm 1924, ông thi đậu Thư ký Hành chánh và được bổ đi làm việc tại Sài Gòn, Hà Tiên, Chợ Lớn. Năm 1931, ông thi đậu Tri huyện và đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Hành nhiệm ở đâu cũng tỏ ra liêm khiết, chính trực và đức độ, không xu nịnh cấp trên, hà hiếp dân chúng, nên được quý mến.
23/10/2010(Xem: 8847)
Trong lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, vương triều Trần (1226-1400) được tôn vinh là triều đại sáng chói nhất thể hiện qua những chiến công hiển hách thắng giặc ngoại xâm cũng như chính sách hộ quốc an dân đã tổng hợp được sức mạnh của toàn dân ta cùng với vua quan trong việc bảo vệ và phát triển đất nước vô cùng tốt đẹp.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]