Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa Thượng Thích Huệ Hưng (1917-1990)

20/10/201919:46(Xem: 5546)
Hòa Thượng Thích Huệ Hưng (1917-1990)
ht thich hue hung
Hòa Thượng Thích Huệ Hưng 
(1917-1990) 



THÂN THẾ

Hòa thượng Pháp húy Ngộ Trí, đạo hiệu Thích Huệ Hưng, thế danh Nguyễn Thành Chẩm, thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 39, là đệ tử Sư tổ Vạn An (Sa Đéc).

Hòa thượng sinh năm Đinh Tỵ (1917) tại làng Mỹ Thọ, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ Nguyễn Minh Biện, pháp danh Minh Chiếu, thân mẫu là cụ Trần Thị Mậu, pháp danh Diệu Thiệt.

Với vai trò là con trưởng trong gia đình gồm 7 anh em, Hòa thượng đã tận tâm hướng dẫn và dìu dắt các em trong gia đình hướng về con đường xuất gia học Phật như: cố Hòa thượng Thích Huệ Viên, trụ trì chùa Sơn Bửu (Vũng Tàu); cố Hòa thượng Thích Minh Cảnh, trụ trì Tu viện Huệ Quang (Q.Tân Phú), cố Ni sư Thích Nữ Như Trí; Ni trưởng Thích Nữ Như Diệu, trụ trì chùa Diệu Đức (Q.Bình Thạnh).

XUẤT GIA HỌC ĐẠO

Vốn sinh trong gia đình trung lưu phúc hậu, nhiều đời kính tin ngôi Tam bảo, sâu trồng nơi ruộng phước Tăng già, Hòa thượng sớm nhận thức cảnh trần gian ảo mộng, cuộc đời giả huyễn vô thường và đến núi Sập để tìm nơi tu dưỡng, Hòa thượng quyết chí ăn chay trường, hằng ngày lo niệm Phật, tụng kinh. Cơ duyên hội đủ, Hòa thượng được Tổ sư Vạn An cho thế phát năm 1938, lúc 21 tuổi. Từ đó, Hòa thượng luôn nương theo hạnh nguyện Tổ sư, trưởng dưỡng tâm bồ đề, trau dồi kinh luật, gần gũi các bậc minh sư pháp lữ trên bước đường tu học giác ngộ. Vốn thông minh sẵn có và lòng khát ngưỡng lý tưởng Đại thừa, ngày đêm tinh tấn tu hành, phụng trì chánh giới, Hòa thượng được Tổ Vạn An khai đàn trao giới chính thức thọ Sa di vào năm 1942.

Năm 1943, nhận biết Hòa thượng là người có chủng tử pháp khí Đại thừa, Long tượng của Phật pháp, nên Tổ Vạn An cho phép Hòa thượng thọ Tỳ kheo Bồ tát giới tại chùa Viên Giác, tỉnh Vĩnh Long và tu học kinh luật suốt 10 tháng tại đây.

Năm 1945, Hòa thượng đến Phật học đường Lưỡng Xuyên – Trà Vinh tu học 6 tháng, sau đó trở về cầu học với Hòa thượng Thích Hành Trụ tại chùa Long An – Sa Đéc. Vào cuối đông 1947, Ngài cầu học với Hòa thượng Thích Trí Tịnh tại Phật học đường Liên Hải – Sài Gòn.

III. THỜI GIAN HÀNH ĐẠO

Năm 1951, Hòa thượng dưỡng bệnh tại chùa Giác Nguyên – Khánh Hội, đồng thời dạy kinh cho Tăng chúng, phiên dịch kinh Duy Ma Cật và Kim Cang giảng lục.

Năm 1954, với hoài bão “Hoằng pháp là nhà, lợi sanh là sự nghiệp”, Hòa thượng đã phụ giúp Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Viện chủ chùa Ấn Quang giảng các bộ kinh Đại thừa.

Năm 1955, Hòa thượng làm Phó Liên trưởng Hội Cực Lạc Liên Hữu do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chánh Liên trưởng.
Năm 1956, Ngài sang Nam Vang dạy khóa hạ tại chùa Chuẩn Đề. Khi trở về Việt Nam, Ngài được mời làm trụ trì chùa Kim Huê – Sa Đéc.

Chùa Kim Huê – Sa Đéc, Đồng Tháp

Năm 1957, Giáo hội Tăng già Nam Việt mời Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban kiêm Thư ký của Khóa huấn luyện trụ trì “Như Lai sứ giả” tại chùa Pháp Hội- Sài Gòn do Hòa thượng Thích Thiện Hoa làm Trưởng ban.

Năm 1958, Hòa thượng giảng dạy tại Phật học đường Phước Hòa – Trà Vinh.

Năm 1960, Hòa thượng giao Thượng tọa Thích Huệ Phát chức vụ trụ trì chùa Kim Huê – Sa Đéc để chuyên tâm nhập thất tinh tu tại TP.HCM


Năm 1962, Hòa thượng xây dựng Thiền viện Tập Thành tại Bà Chiểu.

Từ năm 1962 đến 1988, Hòa thượng liên tục làm giới sư Đại giới đàn Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang (1962); Đại giới đàn tại Việt Nam Quốc Tự (1964); Phật học viện Cao đẳng Huệ Nghiêm (1966); Đại giới đàn Huệ Quang – Mỹ Tho (1972); Đại giới đàn Phước Huệ – Nha Trang (1973); Đại giới đàn chùa Quảng Đức – Long Xuyên (1974); Đại giới đàn Thiện Hòa (1975), Đại giới đàn do Thành hội Phật giáo HCM tổ chức tại chùa Ấn Quang (1984, 1988).

Năm 1969, Hòa thượng giảng kinh Viên Giác tại chùa Tuyền Lâm và phụ trách giảng dạy tại Phật học viện Cao đẳng Huệ Nghiêm.
Năm 1970, Hòa thượng khai sơn Tu viện Huệ Quang và tu học hành đạo tại đây cho đến ngày viên tịch.

Năm 1974, Hòa thượng được Giáo hội cung thỉnh làm thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và được suy cử làm Tổng lý Hội đồng quản trị chùa Ấn Quang.

Năm 1982, Hòa thượng được suy cử chức vụ Phó Trưởng ban Trị sự Thành hội kiêm Ủy viên giáo dục Tăng Ni tại Đại hội Đại biểu Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ I (1982 – 1987) và làm Hiệu phó kiêm giảng viên Trường Cao đẳng Phật học Việt Nam cơ sở 2 vào năm 1984.

Năm 1987, Hòa thượng được tái cử chức vụ Phó Trưởng ban Trị sự Thành hội tại Đại hội Phật giáo TP.HCM nhiệm kỳ II (1987 – 1990). Vào ngày 28-29/10/1987, Hòa thượng được Đại hội tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng và được đề cử làm Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc nhiệm kỳ II (1987 – 1992) tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô, thủ đô Hà Nội.
Năm 1989, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được thành lập, Hòa thượng được Hòa thượng Thích Minh Châu (Viện trưởng) mời làm Trưởng ban Phật giáo chuyên môn.

THỜI GIAN VIÊN TỊCH

Cuộc đời tu học và sự nghiệp hành đạo của Hòa thượng rất bình dị, chơn tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp bằng con đường giáo dục tại miền Nam. Hòa thượng thật xứng đáng là bậc Thạch trụ của Thiền gia, bậc Đống lương mẫu mực của Phật giáo, bậc chơn tu khả kính – bậc Tuyên Luật sư gương mẫu – bậc giáo thọ sư lỗi lạc của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, bốn đại của kiếp người theo luật vô thường dần biến đổi, Hòa thượng đã ngã bệnh tại thiền sàng và an nhiên thu thần viên tịch vào lúc 10g45 phút sáng ngày 28 tháng Giêng năm Canh Ngọ. Trụ thế 74 tuổi, hạ lạp 46 năm.

Hòa thượng đã để lại các tác phẩm phiên dịch có giá trị như: kinh Duy Ma Cật, Kim Cang Giảng Lục, Lược sử Đức Lục Tổ, Pháp môn tu chứng Lăng Nghiêm Đại Định. Các tác phẩm chưa xuất bản như: kinh Phật Thuyết Đương Lai Biến, kinh Phật Thuyết Diệt Tận, Tập Tri Kiến Giải Thoát. Tác phẩm đang soạn dịch: kinh Phạm Võng Hiệp Chú.


Phụng vị Việt Nam Phật giáo, Giáo hội Tăng sự Ban trưởng, tự Lâm Tế Chánh tông, Tam thập cửu thế, thượng Huệ hạ Hưng, húy Ngộ Trí, Nguyễn công Hòa thượng giác linh.



ht hue hung-24
Di ngôn cuối đời
của Trưởng lão Hòa thượng
Thích Huệ Hưng (1917 – 1990)

NAM MỔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Cổ Đức có nói: Sanh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên. Phàm chỗ chí đạo, như thu nguyệt chi lưu thông, nhược nhàn vân chi xuất tụ, viên dung tròn trịa, sáng chói rõ ràng, sâu kín diệu màu, vốn không đi cũng không lại, thiệt không sắc cũng không không. Thân tứ đại ngũ uẩn cũng là vật huyễn hóa có chi mà phải bận tâm lo nghĩ. Nhưng vì muốn sắp xếp hậu sự được dễ dàng hầu giúp cho môn nhơn đệ tử khỏi bối rối khi Thầy viên tịch, nên có mấy lời dặn dò như sau:

– Giờ viên tịch: Đại chúng ngồi quanh thiền tòa trợ niệm danh hiệu Đức Phật Thích Ca với tâm chí thành thanh tịnh. Sau đó chư Tăng hợp chúng thành lập Ban tổ chức tang lễ.

Giả như thệ thế an nhiên thị tịch theo cách nằm thì sự nhập quan cúng lễ v.v… đều nên thật là dón gọn mà trang nghiêm. Nếu an tọa thị tịch thì an táng theo nghi thức ngồi.


– Lễ nhập quan: Ban tang lễ định giờ thích hợp sắp đặt kim quan sạch sẽ để vào vị trí chính chủ rồi đem các thứ vải trải ra đều đặn chuẩn bị nhập liệm. Đúng giờ, cung thỉnh chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng an tọa vào các hàng ghế sắp sẵn chung quanh kim quan, thỉnh chư tôn niệm danh hiệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật liên tục, đồng thời mời bốn vị tỳ kheo thanh tịnh khỏe mạnh đứng hai bên nâng nhục thể và một vị thừa kế chủ trì đỡ phía đầu, khiêng vào để kim quan. Tất cả đồng thanh niệm Phật đến khi tẩm liệm xong xuôi đậy nắp lại, hoàn thành sự việc nhập quan.

– Tang lễ: Không nên để quá lâu làm nhọc mệt các vị công quả phục dịch.

– Tang phục: Người tu hành không để tang phục áo mũ như người thế tục. Do đó tất cả các Tăng Ni Phật tử nếu muốn tỏ lòng tưởng niệm Thầy thì chỉ để tâm tang là đủ rồi.

Ý nguyện của tôi là không muốn làm rườm rà nghi lễ và khỏi nhọc lòng chư tôn Hòa thượng hàng giáo phẩm, nên khi viên tịch thì lễ tang và kim quan xin quàn tại tu viện Huệ Quang cho thuận tiện sắp xếp và cúng kiến thật đơn giản.

– Nơi an nghỉ: Tôi mong được an nghỉ tại một khu đất cao ráo yên tịnh ngoài Đại Tùng Lâm. Trên nền tháp chỉ xây một cái núm lục giác giản dị, trước mặt tháp chỉ dựng một tấm bia khắc chữ để kỷ niệm là đủ rồi.


I. Đối với ngôi tự viện

Tu viện Huệ Quang được tôi xây năm 1970, mặc dù không nguy nga tráng lệ như các ngôi già lam cổ tự nhưng cũng tạm đủ tiện nghi cho chư tăng tu hành, trước đây đã giao cho thầy Minh Cảnh trụ trì thì nay thầy cũng tiếp tục kế thừa sự nghiệp hóa đạo pháp.


II. Đối với môn nhơn đệ tử

Các môn nhơn đệ tử của tu viện Huệ Quang hàng tại gia hay xuất gia từ trước đến nay đã nương theo Thầy tu học, nay Thầy viên tịch thì các con hãy cố gắng tinh tấn hơn, khắc ghi những lời dạy dỗ của Thầy mà hành trì.

Tất cả các pháp môn không ngoài Giới, Định, Huệ. Giới, Định, Huệ không ngoài Chơn Tâm tự tánh. Vì thế cần phải thực hành thiền định để được minh tâm kiến tánh. Muốn thực hành thiền định phải quán lý Bát Nhã Chơn Không để khỏi lạc vào Ngã pháp nhị biên, mới đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Vậy Thầy có bài kệ để lại cho các môn nhơn đệ tử sau đây:

Đường qua bỉ ngạn chẳng đâu xa
Rời khỏi chân tâm chính đó mà
Một niệm chẳng sanh chơn thể hiện
Rõ ràng trước mặt Mật – Ba – La
oOo
Chư pháp tùng bổn lai
Như thị diệc như thị
Phương tiện tùy ứng hóa
Như huyễn phục như huyễn

III. Đối với Giáo hội Phật Giáo Việt Nam


Tôi thành kính đảnh lễ chư tôn Hòa thượng, hàng giáo phẩm Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian phục vụ cho Giáo hội, vì tài trí sơ thiển mà đảm nhận trọng trách nặng nề nên không khỏi có nhiều điều khuyết điểm, ngưỡng mong chư tôn từ bi lượng thứ cho. Hoặc nếu làm được điều gì đóng góp cho Giáo hội thì xin hồi hướng công đức đó cho toàn thể Tăng Ni Phật Tử Phật giáo Việt Nam được phần lợi lạc.

Sau đây tôi cũng có một vài ý nguyện chưa được đủ duyên thực hiện nên xin gởi tấm chân tình lại chư tôn Hòa thượng tùy duyên nghiên cứu thực hành.


1. Ban Hoằng Pháp và Ban Giáo Dục Trung Ương nên cho thành lập một lớp hoằng giới để đào tạo một số Luật sư tinh thông Luật Tạng, hầu đáp ứng nhu cầu giới học cho Tăng Ni, làm căn bản cho sự tu hành. “Tỳ Ni tạng trụ Phật pháp diệc trụ, Tỳ Ni tạng diệt Phật pháp diệc diệt”. Do đó việc mở lớp hoằng giới là một điều cần thiết cho Giáo hội hiện nay.

2. Thành lập viện chuyên tu: Phật giáo hiện nay có tín đồ Phật tử rất đông trên 80% dân số, Tăng Ni tứ chúng cũng rất nhiều nhưng đa số chỉ học hiểu để phát triển mặt rộng của Thế Đế hơn là đệ nhất Nghĩa Đế, nên ít có người tu chứng đến chỗ rốt ráo như người xưa đời Trần, đời Lý, Trúc Lâm Tam Tổ v.v… Do đó tôi hằng ao ước thực hiện được một viện chuyên tu để làm phương tiện cho những vị xuất gia phát tâm tu hành đạt ngộ bổn tâm, chứng vô sanh nhẫn hầu làm đèn Thiền, đuốc Tuệ cho hậu tấn noi theo.


3. Mở lớp huấn luyện trụ trì: “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai mạng” là nhiệm vụ lớn lao của hàng Tăng sĩ, cần phải có đạo lực tu hành, oai nghi giới hạnh trang nghiêm và có trình độ học lực về nội điển cùng ngoại điển, thì mới có thể lãnh đạo ngôi chùa, tiếp Tăng độ chúng, hướng dẫn Phật tử tu hành. Phật pháp tồn hay vong đều do trách nhiệm của những vị trụ trì. Vì vậy Giáo hội cần phải tổ chức khóa tu nghiệp trụ trì liên tục hàng năm để đào tạo Tăng Ni thành những vị trụ trì tương lai xứng đáng.



Trên đây là những điều ước nguyện của tôi trong cuộc đời hành đạo, mong rằng chư tôn Hòa Thượng Hội Đồng Trị Sự Trung Ương và Thành hội sẽ cứu xét và thực hiện để đem lại lợi ích cho Phật giáo Việt Nam.

Tu Viện Huệ Quang, gày 01/01/1990 (năm Kỷ Tỵ)

Sa Môn Thích Huệ Hưng

 

 

Một vài hình ảnh sinh hoạt
của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huệ Hưng


ht hue hung-1ht hue hung-2ht hue hung-3ht hue hung-4ht hue hung-5ht hue hung-6ht hue hung-7ht hue hung-8ht hue hung-9ht hue hung-10ht hue hung-11ht hue hung-13ht hue hung-14ht hue hung-15ht hue hung-16ht hue hung-18
 
ht hue hung-30
ht hue hung-27 ht hue hung-21
ht hue hung-19ht hue hung-20ht hue hung-22ht hue hung-23ht hue hung-25ht hue hung-26



facebook-1

***
youtube


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/10/2010(Xem: 7533)
Truyện của tôi không đáng gì mà phải ghi. Chỉ vì truyện ấy, hơn vài thập kỷ trước thập kỷ 2530 (1975-1985), có liên quan đến Phật giáo VN, lại bị hư cấu truyện và phim sai quá nên phải ghi. Nhưng ghi như dưới đây thì chỉ là có còn hơn không mà thôi. Sinh chính quán của tôi là làng Diêm Điền, thuộc khu vực phía tây sông Nhật Lệ, nằm phía Bắc con đường cái quan nối liền cổng Quảng Bình, trung tâm thành phố Đồng Hới, đến tận của Vũ Thắng, ven chân dãy núi Hoành Sơn.
03/10/2010(Xem: 6505)
Đức Phật dạy: Ai muốn tin Ta, làm đệ tử Ta, cần phải đủ trí quán sát, mới tin; không rõ nguyên nhân Ta, mà tin Ta ấy là phỉ báng Ta. Ý câu này, Ngài bảo đệ tử của Ngài, ai muốn tu, muốn hành theo hạnh Ngài thì phải rõ các hành vi của ngài. Nghĩa là: xét rõ nguyên nhân của Ngài, sẽ tin và làm theo, chớ đừng làm càn, tin bướng thì khác nào không phải lương y mà giả xưng là lương y, cách đó rất tai hại. Chúng ta nên biết: "Bồ Tát thị hiện phàm phu, chính phàm phú đó là hóa thân Bồ tát; còn phàm phu giả xưng Bồ tát thì Bồ tát ấy là Bồ tát của phàm phu". Nếu đem tâm phàm phu đó hành xử thì chỉ chuốc lấy phiền não khổ đau.
03/10/2010(Xem: 9599)
HT Minh Tâm (Khinh Anh) , 50 năm một đời người - Một đời đạo Pháp - phần 1 - Ngày Vía Quan Âm sắp đến.. 19 tháng 2 năm Giáp Ngọ . Chùa Phật Ân Tổ chức lễ Hoàn Nguyện , sau hai năm trùng kiến Ngôi Chánh Điện lần cuối và một số hạng mục khác. Vì nhân duyên đó , xin giới thiệu đến với quý thiện nam tín nữ , Phật tử gần xa , các Bậc Thiện Tri Thức . Một chuỗi hình ảnh của thầy Minh Tâm đã chuyển thể qua video , từ năm 1963 - 2014 . với nhan đề : THẦY MINH TÂM , 50 NĂM MỘT ĐỜI NGƯỜI - MỘT ĐỜI VÌ ĐẠO PHÁP . Trong quá trình sưu tầm , dàn dựng . Sai sót là điều khó tránh khỏi , kính mong quý vị hoan hỷ . NAM MÔ HOANG HỶ TẠNG BỒ TÁT .
29/09/2010(Xem: 9982)
Tác-phẩm của Trần-Thái-Tông còn lưu truyền đến nay chỉ gồm có Bộ-Khóa-Hư-Lục và hai bài thơ sót lại của quyển Trần-Thái-Tông ngự-tập đã thất-lạc.
28/09/2010(Xem: 7867)
Hòa Thượng THÍCH QUẢNG TÂM (1947 - 2010), húy Như Hảo, thế danh Lê Tấn Quang, sinh ngày 12 tháng 8 năm Đinh Hợi (1947) tại làng Thạch Trụ huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình nhiều đời thâm tín Tam Bảo và có truyền thống xuất gia tu học.
23/09/2010(Xem: 6671)
Hòa Thượng Thích Phước Huệ sanh năm 1922, tại ấp Mỹ Thủy, xã Thạnh Mỹ Lợi, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, miền Nam Việt Nam. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Hoạch, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Ngọc.
19/09/2010(Xem: 8242)
Ngay từ hồi nhỏ tâm hồn tôi đã hướng về đạo Phật. Tôi it nói, sống trong trầm lặng, ham đọc sách, nhất là những sách về đạo Phật viết cho trẻ em. Tôi chỉ có vài đứa bạn cũng giống tính tôi, gặp nhau thì vào buồng thủ thỉ thù thì nói chuyện với nhau. Cha tôi buôn bán lớn, giao thiệp nhiều, và cũng như phần đông các nhà kinh doanh hồi đó, đều quen biết các vị sư và đóng góp nhiều cho chùa chiền. Khi các thầy đến thăm cha tôi, lúc nào tôi cũng đứng gần nghe ngóng say sưa và dâng trà cho các thầy.
04/09/2010(Xem: 5950)
"Cây héo vào xuân hoa nỡ rộ Gió đưa nghìn dặm nức hương thần." Thiền Uyển Tập Anh ( Anh Tú Vườn Thiền) ghi về sư như sau: " Thiền Sư Viên Chiếu (999-1090) thuộc thế hệ thứ bảy dòng Vô Ngôn Thông.Thiền Sư họ Mai, tên Trực người huyện Long Đàm châu Phúc Điền, là con người anh thái hậu Linh Cảm đời Lý. Thuở nhỏ ông thông minh mẫn tuệ, hiếu học. Nghe tiếng trưỡng lão ở chùa Mật Nghiêm giỏi xem tướng, ông bèn đến nhờ xem hộ.
21/08/2010(Xem: 10575)
Tại một ngôi chùa Việt ở Bangkok (Thái Lan), nhục thân của Hòa thượng Thích Phổ Sái vẫn còn nguyên vẹn hình hài sau hơn 50 năm kể từ khi ngài viên tịch. Tọa lạc tại khu Yaowarat (khu phố Tàu) ở Bangkok, ngôi chùa mang tên rất Việt Nam là Khánh Vân có một lịch sử lâu đời do các Hòa thượng người Việt thành lập. Đây là một trong những ngôi chùa Việt thuộc hệ Annamnikaya hay còn gọi là An Nam Tông ở Bangkok. Chính tại chùa Khánh Vân này, nhục thân của Hòa thượng Thích Phổ Sái (pháp danh Giác Lượng), một nhà tu hành gốc Việt, được lưu giữ và thờ cúng.
18/07/2010(Xem: 7539)
Kính bạch Sư Tổ! Chúng con đang tập tiếp xúc với Người qua hình ảnh một bậc thầy già chốn núi rừng Dương Xuân. Một túp liều tranh, một bà mẹ già và với ba người đệ tử. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Sư Tổ. Người có thời gian chăm sóc mẹ già và trao truyền những hoa trái tu học cho những người học trò yêu quý. Xuất thân từ làng Trung Kiên – một vùng đất Phật giáo ở Quảng Trị, Sư Tổ đã đến chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) núi Hàm Long – Huế, để xuất gia học đạo với Thiền sư Phổ Tịnh, lúc đó Người chỉ mới lên bảy tuổi. Đến năm 30 tuổi, nhận thấy nơi Sư Tổ có chí khí của một bậc Xuất trần nên Sư Tổ được Bổn sư phú pháp truyền đăng với bài kệ: Nhất Định chiếu quang minh Hư không nguyệt mãn viên Tổ tổ truyền phú chúc Đạo Minh kế Tánh Thiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]