HT tên thật là Phạm Văn Nghi, húy là Thượng Đồng Hạ Viên, tự là Thông Lợi, hiệu là Viên Đức. Sinh vào giờ Tỵ ngày 26 tháng chạp năm Nhâm Thân(1932). Quán làng Định Trung, xã An Định, Quận Tuy An, Tỉnh Phú Yên.
Thân phụ của Hòa Thượng là cụ ông Phạm Giản. một bậc túc nho thời bấy giờ. Thân mẫu là cụ bà Ung thị Bình, một Phật tử thuần thành từ hồi bé. Ông nội của Hòa Thượng không những là một kẻ sĩ mà còn là một chiến sĩ trong phong trào Cần Vương kháng Pháp.
Hòa Thượng chào đời và lớn lên ở Phú Yên một nơi địa linh nhân kiệt, không những vì đời đã sản sinh ra nhiều anh hùng liệt sĩ, mà về Đạo cũng là nơi đời đời nối tiếp xuất sinh nhiều vị Tăng tài kế truyền hoằng hóa giáo pháp của đức Thế Tôn. Non nước Phú Yên như phần nào nói cho ta điều đó. Ngoài dòng sông Ba yên bình chảy ra biển cả, Phú Yên còn có hai ngọn núi là là hòn Chuông và hòn Mõ, hình giống như hai pháp khí tu hành của nhà Phật , vì vậy vua Minh Mạng khi nói về đất Phú Yên đã khen ngợi:
“Trung Kỳ Phú Yên tỉnh, nãi Thiên Địa tinh anh, sơn xuyên Chung Dục, thị dĩ tự cổ Cao tăng điệp xuất, đạo bá tam kỳ thật vi công đức vô biên, tán thán mạc cập dã giả “
Tạm dịch : “ Trung kỳ có Phú Yên , non cao thật linh hiển, núi Chuông cùng núi Mõ xưa nay ai cũng biết, Cao tăng luôn điệp xuất, đạo bá khắp ba miền, công đức vô biên kể, khen ngợi thật khó lường.
Thật vậy! tổ Liễu Quán trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam ai cũng biết là người làng Bạc Má huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên. Ngoài ra bao nhiêu tự viện là lò đúc tăng tài như tổ đình Phước Sơn, tổ đình Bảo Sơn…qua nhiều thế hệ đã đóng góp rất nhiều về việc hoằng hóa Đạo Pháp.
CUỘC ĐỜI : Theo lời tường thuật của thân mẫu Hòa Thượng thời kỳ hoài thai của Người có những cảm giác kỳ lạ, lòng không tham đắm trần cảnh, miệng chỉ ăn được muối ra. Hòa thượng được sinh hạ nhẹ nhàng. Thai kỳ chỉ có 7 tháng 10 ngày. Vì sanh sớm hơn những đứa trẻ khác nên khi còn nhỏ thể tạng rất ốm yếu, đau ốm mãi tưởng chừng như không thể nuôi được. Hòa thượng lúc nhỏ đã tỏ ra có tư chất thông minh lanh lợi, có ý chí xuất trần hơn là công danh thế tục. Vì vậy trong các trò chơi thường ngày bé Nghi thường lấy ốc ngao làm mõ nắp hộp thau làm chuông, hình Phật bì nhang làm Phật, hai ống làm tay áo rộng, rồi bảo bạn bè nếu muốn cúng Phật thì đến rước.
Thân phụ mất sớm( lúc Người mới 5 tuổi) tiếp theo là người anh thứ 7 mới 13 tuổi cũng mất. Thân mẫu thấy bé Nghi ốm yếu khó nuôi nên đem ký bán quy y tại chùa Bảo Phong.
Năm 1942 ( lúc11 tuổi) Người xuất gia thọ pháp với hòa thượng Thích Phổ Huệ ( dòng Lâm Tế) tại tổ đình Bảo Sơn thuộc làng Phong Thăng, huyện Tuy An tỉnh Phú Yên, nhờ có tư chất thông minh mẫn tuệ , lại được thầy Phổ Huệ tận tình chỉ dạy Phật Pháp nên chẳng bao lâu Người thâm nhập phần lớn kinh kệ căn bản và hai thời Công phu. Sau 3 năm Người được thầy Phổ Huệ chọn lực cho đi học thêm chữ Quốc ngữ để sau này thuận lợi trong vấn đề hoằng dương Phật Pháp. Sự chọn lực tăng sinh để học thêm văn hóa ở các chùa xưa là một vấn đề khó khăn , người được chọn phải giới hạnh đầy đủ. Vì vậy trong 12 chú điệu ở tổ đình Bảo Sơn chỉ một mình Người được chọn. Người học tiểu học tại trường Lưu Văn Chánh (Phú Yên) và một trong những học sinh xuất sắc, có lần người đã trúng tuyển thứ tư trên 2000 học sinh trong kỳ thi lên trung học toàn Tỉnh.
*Từ năm 1946 – 1950: Hòa thượng tiếp tục học văn hóa và học Kinh.
* Từ năm 1950 (nhằm ngày 19 tháng 02 năm canh Dần) : Thượng Tọa chính thức được làm lễ “Thế Độ” do Hòa Thượng Thích Phước Trí làm chủ lễ.
* Năm 1952 : Thầy của người là Hòa Thương Phổ Huệ viên tịch. Người vô cùng đau xót chưa biết tính thế nao về con đường tu học của mình, thì Hòa Thượng Bảo Sơn (Thầy Bổn Sư cùa Hào Thượng Phổ Huệ) đem người gửi cho Hòa Thượng Thích Phước Trí trụ trì tổ đình Phước Sơn ( Phú Yên) để người tiếp tục tu học. Chính nhờ uy tín và đức độ của Hòa Thượng Thích Phước Trí cũng như sự chăm sóc tận tình của Ngài – Người mới tiến xa trên con đường tu học.
* Năm 1953 :Hòa thượng được ra học kinh tại chùa Thập Tháp ( Bình Định) sau 1 năm lại trở về Phú Yên. Sau đó Thượng tọa lại ra tổ đình Từ Quang ( Đá trắng – Phú Yên) học kinh với Hòa Thượng Phước Hộ.
* Năm 1954 Người được giới thiệu vào học tại Phật học viện Nha Trang, nơi đây Người được vào học ngay chương trình Trung đẳng của Phật Học Viện.Tại đây Người là một trong những Tăng sinh xuất sắc. vì vậy có lần Pháp sư Diễn Bồi người Trung Hoa đến giảng tại Phật Học Viện khi thăm chúng tăng đã có nhận xét về Thượng tọa như sau : “ Thị giáo lợi hỷ, lưu danh hậu thế” Quả vậy, sau này Hòa thượng là một cột trụ trong phong trào hoằng truyền Mật giáo. Thời gian học tại Phật Học Viện Nha Trang Hòa thượng đã bắt đầu tham cứu kinh sách Mật giáo và chuyên trì chú Chuẩn Đề.
* Năm 1957 Người thọ giới Cụ Túc vào ngày rằm tháng chạp năm Đinh Dậu
*Năm 1958 Người tốt nghiệp Cao Đẳng Phật Học Viện Nha Trang.
* Năm 1959 Giáo Hội cử Người làm Giảng Sư tại tỉnh Đắc Lắc Ban Mê Thuộc.
* Năm 1960-1962 Làm Chánh hội trưởng Phật giáo Ban Mê Thuộc.Trong thời gian này Hòa thượng đã không nệ gian lao nguy hiểm quyết đem ánh đạo vàng đến cho chúng sanh ở vùng đất xa xôi này. Người đã khai sơn xây dựng chùa Quảng Đức và hơn 30 cảnh chùa khác như các chùa ở quận Kiến Đức, Sùng Đức … đều có bàn tay của Hòa thượng góp công. Ngoài ra Người còn xây dựng và kiện toàn các cơ sở của Giáo Hội tại địa phương
* Đầu năm 1963 Hòa thượng còn kiêm làm Giảng sư tại Vạn Giã Tu Bông Khánh Hòa. Nơi đây Người lại xây dựng được một Bảo tháp thờ kinh Pháp Hoa và một tịnh thất khang trang.Giữ chức Chánh hội trưởng Phật giáo tỉnh Quảng Đức.
* Năm 1964 Khai sơn xây cất chùa Dược Sư Ban Mê Thuột , cũng trong năm này Thượng tọa đã vận động một số Phật tử cung thỉnh Đại Tạng Kinh cúng dường cho giáo hội Phật Giáo tỉnh Phú Yên.Cũng trong năm này Người làm Chánh đại diện giáo hội Phật Giáo việt Nam tỉnh Biên Hòa kiêm tổng Thư Ký Tổng vụ Văn Hóa Xã hội viện Hóa đạo Ấn Quang.
*Năm 1967 Người về nhập thất tại chùa Dược Sư Ban Mê Thuộc đồng thời nghiên cứu Mật Giáo, hoằng dương Chân Ngôn tông. Hòa thượng đã được hòa thượng chùa Hương Tích Phú Yên – một vị chuyên tu Bí Mật Hạnh của thế hệ trước hiệu là Vạn An trao truyền kinh điển Mật giáo nhằm ngày rằm tháng 5 năm Đinh Mùi ( 22/06/1967) Hòa thượng được Hòa Thượng chùa Thiền Sơn Phú Yên hiệu là Từ Thạch chính thức truyền trao ấn khế.
* Năm 1970 Người được giáo hội cử làm Phó Đặc ủy Phật học Vụ trong Tổng vụ Giáo Dục
* Năm 1972 Người khởi công xây dựng chùa Thiền Tịnh tại Thủ Thiêm Saigon
Về hoằng truyền Mật giáo sau nhiều năm suy nghĩ nhập thất, thể nghiệm về phương tiện hoằng hóa độ sinh, mặc dầu Người thuộc dòng Thiền Lâm Tế nhưng Người đã quyết chọn con đường Mật Thừa để hoằng truyền. Vì theo Người thì đây là con đường ngắn nhất, thù thắng nhất để đạt đến Đạo quả Vô Thượng Bồ Đề và hợp cơ với chúng sinh thời Mạt Pháp. Thật ra Mật giáo hiện diện ở Việt Nam từ lâu – nhưng chúng ta không rõ đích xác năm nào, nếu căn cứ vào những sử liệu còn lại thì Mật giáo đã du nhập vào Việt Nam cùng lúc với các tông phái khác như Thiền tông. Tịnh độ tông…Đậy đó trong lịch sử thỉnh thoảng các vị Cao tăng thường dùng phương tiện thiện xảo để độ chúng sinh như Vạn Hạnh Thiền Sư, Giác Hải Thiền Sư. Giác Ngộ Thiền Sư…ta mới thấy Mật Giáo đã đóng góp rất nhiều trong việc khai ngộ chúng sinh. Đến cuối thế kỷ XX có thể nói Thượng tọa là người đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam đã công truyền Mật Giáo bên cạnh Thiền Tông, Tịnh Độ Tông. Pháp Tướng Tông…Vì vậy có người cho đó là một việc làm táo bạo. Nhờ việc làm táo bạo đó mà Mật Giáo không còn xa lạ với nhân dân miền Nam, Kinh sách Mật giáo lần lần xuất hiện. Trong gần 20 năm một mình Thượng Tọa đã âm thầm hoằng truyền Mật Giáo không biết mỏi mệt. Vì vậy một tay Người đã dịch thuật và giới thiệu gần 100 quyển Kinh Luận về Mật Giáo.
( Danh sách các kinh điển mà Thượng tọa đã dịch tổng cộng 92 quyển…)
Năm 1974 Hòa thượng từ Ban Mê Thuột về trụ trì chùa Thiền Tịnh Thủ Thiêm Saigon. Người tiếp tục dịch kinh, lập các đàn tràng về Mật Giáo như Đạo tràng Đại Bảo Quảng Bác Lầu Các Thiện Trụ Bí Mật Đà La Ni…Hoặc lập những Giới Đàn như Bồ Đề Tâm Giới. Truyền Pháp Quán Đảnh …Ngoài ra Thượng tọa còn giao tịếp với các vị Cao Tăng Thiền đức. Cư sĩ để lo hoằng truyền Mật Giáo , Thượng Tọa còn noi gương xưa đem uy lực nhiệm mầu của Phật Pháp để độ sanh chữa bệnh, vì vậy qua ngọn bút của Thượng Tọa đã có biết bao người được chữa lành các bịnh về tim, tâm thần, cuồng loạn…một số trong người ấy nay vẫn còn đó.
Nguyện vọng của Hòa thượng trong lúc sinh thời là muốn gặp gỡ các vị Lạt Ma Tây Tạng, các Pháp sư Mật Giáo Nhật Bản để trao đổi các yếu chỉ Mật Giáo nhưng ước vọng chưa thành thì Thượng Tọa đã viên tịch vào giờ Sửu ngày 12 tháng 7 năm 1980 (Canh Thân) , thọ 49 tuổi.