PHỔ HỆ TRUYỀN THỪA
THIỀN PHÁI LIỄU QUÁN
TẠI KHÁNH HÒA
Tác giả: ĐĐ.Thích Nhật Tấn
Tỉnh Khánh Hòa xưa vốn là vùng đất của người Chăm. Sau cuộc chiến tranh biên giới vệ quốc chống quân Chiêm Thành năm Quý Tỵ [1653] đời chúa Nguyễn Phúc Tần, Khánh Hòa chính thức trở thành vùng trấn biên mới của Đại Việt. Từ đó, lãnh thổ nước ta kéo dài thêm về Nam từ núi Đá Bia đến phía Đông sông Phan Rang đặt làm dinh Thái Khang.
Theo truyền thống văn hóa người Việt, dân ở nơi đâu chùa lập chỗ ấy. Tại vùng đất mới này rất nhanh chóng được cư dân người Việt vào khai hoang lập ấp và các thiền sư cũng thuận duyên theo xứ mệnh hoằng hóa mà vào khai sơn mở tự. Trong số ấy là các cao Tăng thuộc thiền phái Liễu Quán.
Đối chiếu bài kệ truyền thừa, hiện nay thiền phái Liễu Quán Khánh Hòa đã truyền xuống đến hàng chữ Đức, chữ Bổn, tức đã đến thế hệ thứ 13, 14. Trong quá trình khảo sát thực địa tại bổn tỉnh, chúng tôi xác định được 3 nhánh truyền chính của thiền phái Liễu Quán, lần lượt theo trình tự thời gian là: [1] Nhánh ngài Tế Hiển Bửu Dương; [2] Nhánh ngài Tế Nhơn Hữu Bùi; [3] Nhánh ngài Tế Căn Từ Chiếu.
1. Nhánh truyền thừa của Tổ sư Tế Hiển Bửu Dương
Tổ sư Tế Hiển Bửu Dương là đệ tử của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán, nối dòng Lâm Tế đời 36, thuộc thế hệ thứ 2 của thiền phái Liễu Quán.
Về nguồn gốc của Tổ Bửu Dương, có nhiều ý kiến cho rằng ngài thuộc dòng thiền Lâm Tế Thiên Đồng, qua cầu pháp với Tổ sư Liễu Quán. Nguyên nhân là vì tại Tổ đình Thuyền Tôn (Huế) còn lưu lại long vị có húy là Tế Hiển nhưng hiệu Trạm Quang. Như vậy, nếu quả thật Tổ Tế Hiển là để tử của Tổ Liễu Quán thì rất có thể Tổ Trạm Quang và Bửu Dương thật sự là cùng một người, hoặc Tổ Liễu Quán có 2 vị đệ tử cùng pháp danh. Sử liệu đáng tin cậy để trả lời cho gốc gác của Tổ Bửu Dương nằm ở Chánh pháp nhãn tạng hiện lưu tại tổ đình Hội Phước (Nha Trang) do Tổ Đạo An Phổ Nhuận phó chúc cho đệ tử là ngài Tánh Lý Trí Minh vào ngày 5 tháng 5 năm Tân Sửu [1841]. Nội dung của của pháp quyển này có đoạn:
“Đệ tam thập ngũ thế Thiệt Diệu Liễu Quán Hòa thượng
Đệ tam thập lục thế Tế Hiển Bửu Dương Hòa thượng
Đệ tam thập thất thế Đại Thông Chánh Niệm Hòa thượng
Đệ tam thập bát thế Đạo An Phổ Nhuận Hòa thượng...
Pháp danh Tánh lý thượng Trí hạ Minh Đại sư”.
Như vậy, qua sử liệu đáng tin này có thể khẳng định Tổ Tế Hiển Bửu Dương chính là đệ tử đắc pháp của Tổ sư Liễu Quán trên phương diện văn bản truyền thừa.
Năm Quý Tỵ [1653], sau khi mở rộng lãnh thổ đến sông Phan Rang và cho lập phủ Thái Khang, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần giao cho Hùng Lộc làm trấn thủ, đồng thời kêu gọi quần chúng nhân dân vào vùng đất mới khai hoang lập ấp. Hậu bán thế kỷ XVIII, Tổ sư Tế Hiển Bửu Dương rời tổ đình Thuyền Tôn, hòa cùng dòng lưu dân vào vùng đất Tân Định thuộc phủ Thái Khang (Ninh Hòa ngày nay) hoằng hóa. Để tiện cho việc thiền tập, Tổ cho dựng một am tranh bên bờ sông Lốt, hàng ngày thiền định dưới cội me đại thụ. Sau thấy cơ duyên phổ hóa chúng sanh đã đến, Tổ dựng ngôi già lam lấy tên là “Thiên Bửu tự”. Về năm khai sơn tổ đình Thiên Bửu, đến nay vẫn chưa có sử liệu nào chứng minh năm nhưng chắc chắn phải trước năm Tân Dậu [1741]. Bởi vào cuối năm này đệ tử của ngài là thiền sư Đại Thông Chánh Niệm rời tổ đình Thiên Bửu vào trú trì chùa Hội Phước thay ngài Tế Điền mới viên tịch ngày mồng 5 tháng 5 trước đó.
Năm Cảnh Hưng thứ 24 [1763], Tổ Tế Hiển Bửu Dương chứng minh lễ đúc chuông chùa Thanh Lương ở thôn Nhĩ Sự. Năm Cảnh Hưng thứ 8 [1747], sau khi tổ Tế Dưỡng Châu Cấp viên tịch, ngài về trùng tu ngôi cổ tự này.
Tổ Tế Hiển Bửu Dương viên tịch ngày 20 tháng 02 nhưng không rõ năm nào. Bảo tháp bảy tầng được đồ chúng xây dựng trong khuôn viên chùa. Đệ tử ngài độ rất đông, nhưng đến nay chỉ còn biết đến ba vị là tổ Đại Thông Chánh Niệm trú trì tổ đình Hội Phước (Nha Trang), khai sơn chùa Linh Sơn Tân Long (Diên Khánh), khai sơn chùa Thiên Lộc (Diên Khánh); tổ Đại Trì Phước Thành kế thừa trú trì tổ đình Thiên Bửu (Ninh Hòa); Tổ Đại Bồ Thiện Đề khai sơn chùa Phước Long (nay là chùa Kim Cang ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).
Nhánh truyền thừa của Tổ Tế Hiển Bửu Dương là nhánh truyền mạnh nhất của thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hòa. Nhánh này không những phát triển mạnh trong phạm vi nội tỉnh mà còn rộng truyền các tỉnh lân cận, đặc biệt là Phú Yên.
Tại Khánh Hòa, nhánh truyền thừa này phát triển bởi chư tổ đời thứ 37, gồm các ngài Đại Thông Chánh Niệm và Đại Trì Phước Thành.
Đời thứ 38, có các ngài Đạo Hiến trú trì chùa Tổ đình Linh Quang; Đạo An Phổ Nhuận trú trì Tổ đình Hội Phước; Đạo Phước Bồ Đề trú trì chùa Linh Sơn Tân Long (Diên Khánh); Đạo Nguyên Viên Dung trú trì chùa Thiên Lộc (Diên Khánh); Đạo Diệu trú trì chùa Bảo Phước (Diên Khánh); Đạo Trung Minh Thiệu trú trì chùa Tân Long (đảo Hòn Thị, Ninh Hòa); Đạo Phước Minh Tôn trú trì Tổ đình Hội Phước (Nha Trang); Đạo Thành Phổ Tế Như Cảnh trú trì chùa Linh Sơn Tân Long, khai sơn chùa Long Sơn (Tuy An)...
Đời thứ 39, gồm các ngài Tánh Lý Trí Minh trú trì chùa Linh Sơn Tân Long; Tánh Minh Trí Quang trú trì chùa Hội Phước; Tánh Không Chơn Cảnh Tâm Chiếu trú trì chùa Đại Phước; Tánh Hồng Hải Tạng trú trì chùa Thiên Lộc,...
Đời thứ 40, có các ngài Hải Hòa Từ Nghi Bảo Đàn trú trì chùa Linh Sơn Tân Long; ngài Hải Ân Thành Đạt Bảo Lâm trú trì chùa Đại Phước; Hải Huệ Khế Chơn Chánh Nhân trú trì chùa Đại Phước; Hải Mẫn Tâm Lân Thiện Danh trú trì chùa Hoa Tiên....
Đời thứ 41, gồm các ngài Thanh An Thành Viên Chánh Tín trú trì Linh Sơn Tân Long; ngài Thanh Ân Hoằng Pháp Minh Quang; Thanh Trọng Thành Kính Như Pháp trú trì chùa Thiên Lộc; Thanh Hương Thành Hữu Như Tấn trú trì chùa Đại Phước; Thanh Hiến trú trì chùa Linh Quang; Thanh Chơn Trí Chánh Chơn Thiện trú trì Vạn Thiện cổ tự...
Đời thứ 42, có quý Hòa thượng: Trừng Lộc Chơn Kiến Ấn Minh, Trừng Thông Giác Tấn Chơn Khánh, Trừng Huệ Như Ý Ấn Bảo trú trì chùa Linh Sơn Pháp Bảo, Trừng San Minh Hiền Hải Huệ trú trì chùa Diên Thọ...
Đời thứ 43, gồm các Hòa thượng: Tâm Hải Thông Huyền, Tâm Viên trú trì chùa Linh Sơn Pháp Bảo, Tâm Trí trú trì chùa An Dưỡng, Tâm Niệm Chánh Hoà Minh Tâm trú trì chùa Linh Sơn Pháp Ấn (Cam Lâm), Ni sư Tâm Hiền trú trì chùa Linh Sơn Phước Điền, Tâm Chí Tịnh Hạnh trú trì chùa Diên Thọ...
Tại Phú Yên, căn cứ theo Chánh pháp nhãn tạng do Hòa thượng Thanh Phước Nguyên Long truyền cho đệ tử là ngài Trừng Minh Thọ Đức ngày 15 tháng 4 năm Nhâm Ngọ [1942], hiện lưu bản tại tổ đình Long Quang (Sông Cầu, Phú yên) cho biết, vị tổ truyền nhánh Liễu Quán từ chùa Thiên Bửu (Ninh Hòa) ra Phú Yên là ngài Đạo Thành tự Phổ Tế hiệu Như Cảnh, trác tích tại tổ đình Long Sơn (Cây Giá, Tuy An). Nội dung Chánh pháp nhãn tạng ghi:
“Đệ tam thập ngũ thế Liễu Quán Thiệt Diệu lão tổ Hòa thượng
Đệ tam thập lục thế Bửu Dương Tế Hiển lão tổ Hòa thượng
Đệ tam thập thất thế Chánh Niệm Đại Thông lão tổ Hòa thượng
Đệ tam thập bát thế Như Cảnh Đạo Thành lão tổ Hòa thượng
Đệ tam thập cửu Quy Trụ Tánh Thường lão tổ Hòa thượng
Đệ tứ thập thế húy Hải Huệ thượng Trí hạ Giác tổ sư Hòa thượng
Đệ tứ thập nhất thế húy Thanh Phước thượng Nguyên hạ Long Hòa thượng
Đệ tử pháp danh Trừng Minh hiệu Thọ Đức Đại sư dĩ vi biểu tín vân…”.
Như vậy, nhánh truyền của Tổ sư Tế Hiển Bửu Dương thuộc thiền phái Liễu Quán, phải đợi đến Hòa thượng Như Cảnh thế hệ 38 mới truyền ngược ra Phú Yên tại chùa Long Sơn (Cây Giá, Tuy An). Từ tổ đình Long Sơn, nhánh truyền này không ngừng phát triển và đến nay đã truyền đến thế hệ thứ 47, tức hàng chữ “Đức” theo kệ phái Liễu Quán, qua các ngôi tổ đình như Thiên Thai Sơn Thạch, Thiên Phước, Thiên Tôn, Long Quang, Phước Long, Phước Điền..., và chủ yếu tập trung tại huyện Tuy An và Thị xã Sông Cầu. Các đời truyền thừa tuần tự như sau:
Đời thứ 39, có ngài Tánh Thường Quy Trụ trú trì chùa Long Sơn, chùa Thiên Sơn...
Đời thứ 40, gồm Hòa thượng: Hải Huệ Trí Giác trú trì Tổ đình Thiên Thai Sơn Thạch; Hòa thượng Hải Thạnh Trí Nguyên trú trì chùa Thiên Tôn...
Đời thứ 41, gồm chư vị Hòa thượng: Thanh Luật Nguyên Giác trú trì Tổ đình Thiên Thai; Thanh Kim Nguyên Chí trú trì Tổ đình Long Quang; Thanh Chánh Hoằng Tuyên trú trì chùa Cảnh Phước; Thanh An Nguyên Phước trú trì chùa Thiên Tôn; Thanh Phước Nguyên Quế trú trì Tổ đình Long Sơn; Thanh Bình Nguyên Chơn trú trì chùa Phước Long...
Đời thứ 42, gồm chư vị Hòa thượng: Trừng Hằng Công Đương Vĩnh Bảo trú trì chùa Phước Long; Trừng Thập Vĩnh Thông trú trì chùa Thiên Phước; Trừng Long Vĩnh Đạo trú trì chùa Thiên Thai; Trừng Thông Quảng Phát trú trì tổ đình Long Quang; Trừng Tự Vĩnh Châu trú trì chùa Phước Điền...
Đời thứ 43, gồm chư vị Hòa thượng: Tâm Thông Truyền Hiển trú trì chùa Phước Long; Tâm Bổn Truyền Lai Trí Nghiêm trú trì chùa Thiên Tôn; Tâm Minh Truyền Chính Liên Châu trú trì tổ đình Long Quang; Tâm Hòa Truyền Kính Huyền Đạo trú trì chùa Cảnh Phước; Tâm Dung Truyền Diệu Liên Phước trú trì chùa Thiên Hưng; Tâm Quảng Truyền Độ trú trì chùa Châu Lâm...
2. Nhánh truyền thừa của Tổ sư Tế Nhơn Hữu Phỉ
Thiền sư Tế Nhơn họ Bùi, không rõ năm sinh và năm xuất gia nhưng là một trong những đệ tử đắc pháp của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán, nối dòng Lâm Tế thứ 36, thế hệ thứ 2 thiền phái Liễu Quán. Sau khi bổn sư viên tịch, ngài kế thế trú trì tổ đình Thiền Tôn. Đến năm Cảnh Hưng thứ 8 [1747], chúa Nguyễn Phúc Khoát cung thỉnh ngài về trú trì tổ đình Báo Quốc. Thiền sư là bậc thạch trụ của tùng lâm xứ Thuận Hóa, vì thế đương thời có rất nhiều thiện hữu tri thức xin xuất gia. Cho đến nay, những vị đệ tử nổi danh mà chúng ta được biết đến như: thiền sư Đại Triệt, thiền sư Đại Trí Quảng Thông, thiền sư Đại Nguyệt Linh Chiếu, thiền sư Đại Quang Chí Thành Huệ Chiếu, thiền sư Đại Bửu Kim Cang. Trong đó, ngài Đại Triệt được Tổ phú pháp cho bài kệ:
Pháp phú bổn kế tôn
Chư tướng tổng thị không
Pháp pháp diệc phi pháp
Vạn pháp tại kỳ trung.
Tổ viên tịch vào ngày 11 tháng Chạp năm Quý Dậu, Cảnh Hưng thứ 14 [1753], được ban thụy hiệu là Viên Giác.
Nhánh của Tổ Tế Nhơn Hữu Phỉ được truyền vào Khánh Hòa qua hai giai đoạn khác nhau. Đầu tiên là truyền qua nhánh của Tổ sư Đại Bửu Kim Cang tại tổ đình Linh Sơn (Vạn Ninh) vào hậu bán thế kỷ XVIII; thứ là nhánh từ Tổ sư Thanh Minh Huệ Châu truyền vào tại tổ đình Hội Phước (Nha Trang) vào đầu thế kỷ XX.
Căn cứ tư liệu của tổ đình Linh Sơn (Vạn Giã), Tổ sư Đại Bửu hiệu Kim Cang nối dòng Lâm Tế thứ 37, thế hệ thứ 3 nhánh thiền Liễu Quán. Ngài người gốc Quảng Nam, cùng đoàn người di dân vào vùng Hiền Lương hoằng pháp nhưng không rõ năm nào, chỉ biết ngài lập chùa, đúc chuông vào năm Cảnh Hưng thứ 22 [1761]. Sau nhiều năm hoằng truyền chánh pháp, đến ngày mồng một tháng Giêng năm Ất Dậu [1765], Tổ viên tịch.
Có lẽ vì tinh thần nhạn quá trường không nên chư vị Tổ sư của chúng ta chỉ chú trọng việc tu tập chuyển hóa nội tâm, hóa độ chúng sanh cho đến ngày viên tịch. Riêng đối với vấn đề ghi chép về sử ít được quý ngài lưu tâm, dẫn đến gây không ít khó khăn cho hậu thế khi nghiên cứu về hành trạng và sự truyền thừa tông phong hoặc có thể những vì trải qua nhiều chiến tranh tàn khốc mà hầu như các sử liệu quan trọng đều làm mồi cho lửa dữ. Trường hợp của Tổ sư Đại Bửu cũng không ngoại lệ, hầu như những sử liệu về hành trạng của ngài quá ít ỏi, làm cho việc nghiên cứu gặp đôi chút trở ngại và nảy sinh nhiều nghi vấn xoay quanh hành trạng cũng như phổ hệ truyền thừa. Một trong số thông tin còn được biết đến là Tổ có nhiều đệ tử đắc pháp, nhưng hiện nay chỉ duy nhất tìm thấy mỗi Đại sư Đạo Khoan khai sơn chùa Khánh Long thuộc địa phận thôn Long Hòa, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa vào năm 1827.
Hòa thượng Thanh Minh Huệ Châu nối dòng Lâm Tế đời 41, thế hệ thứ 7 nhánh thiền Liễu Quán. Chánh pháp nhãn tạng viết ngày 4 tháng 10 năm Quý Mão [1903], hiện lưu giữ tại tổ đình Hội Phước ghi như sau:
“Tam Thập ngũ thế Thiên Thai Thiệt Diệu Liễu Quán Hòa thượng
Tam thập lục thế Hữu Bùi Tế Nhơn Hòa thượng
Tam thập thất thế Đại Quang Chí Thành Hòa thượng
Tam thập bát thế húy Đạo Trừ Quảng Xứ Hòa thượng
Tam thập cửu thế húy Tánh Như Phổ Tế Hòa thượng...
Long Hòa tự tứ thập thế húy Hải Hội thượng Chánh hạ Niệm Hòa thượng
Phú chúc:
Lâm Tế chánh tông tứ thập nhất thế húy Thanh Minh thượng Huệ hạ Châu Đại sư”.
Như vậy, Tổ Thanh Minh thuộc đời thứ 41 là đệ tử đắc pháp của Hòa thượng Hải Hội Chánh Niệm, trú trì chùa Long Hòa ở Bà Rịa-Vũng Tàu, theo nhánh truyền của Tổ Tế Nhơn Hữu Bùi. Tương tự trường hợp của ngài Đại Bửu Kim Cang, sử liệu về ngài hiện nay không còn gì, chỉ biết sau nhân duyên trú trì chùa Hội Phước được 9 năm thì ngài viên tịch, không thấy ghi chép gì về các vị đệ tử của ngài tại tổ đình Hội Phước.
3. Nhánh truyền thừa của Tổ sư Tế Căn Từ Chiếu
Được biết, nhánh truyền của Tổ Tế Căn Từ Chiếu vào Khánh Hòa vào khoảng đầu thế kỷ XX, với dấu ấn trác tích của Hòa thượng Thanh Chánh Phước Tường.
Hòa thượng Phước Tường nối dòng Lâm Tế đời 41, thuộc thế hệ thứ 7 nhánh thiền Liễu Quán, là đệ tử của Hòa thượng Hải Nhiễu Thiên Ân. Tuy nhiên, căn cứ Chánh pháp nhãn tạng ngày 8 tháng 4 năm Quý Sửu [1913] hiện lưu tại tổ đình Hội Phước, ngài Thanh Chánh Phước Tường có pháp danh là Trừng Chánh tự Quảng Đạt hiệu Phước Tường, là đệ tử của Hòa thượng Thanh Minh Phổ Quang, tức ngài là pháp tôn của ngài Hải Nhiễu. Chánh pháp nhãn tạng ghi:
Đệ tam thập ngũ thế húy Thiệt Diệu thượng Liễu hạ Quán Hòa thượng
Đệ tam thập lục thế húy Tế Căn thượng Từ hạ Chiếu Hòa thượng
Đệ tam thập thất thế húy Đại Đức thượng Vạn Hạ Phước Hòa thượng
Đệ tam thập bát thế húy Đạo Viên thượng Trí hạ Giác Hòa thượng
Đệ tam thập cửu đại húy Tánh Định thượng Long hạ Quang Hòa thượng
Đệ tứ thập đại húy Hải Nhiễu thượng Thiên hạ Ân Hòa thượng
Đệ tứ thập nhất đại húy Thanh Minh thượng Phố hạ Quang Hòa thượng
Tự Lâm Tế chánh tông Kim Long đường thượng tứ thập nhị thế húy Trừng Chánh thượng Quảng Hạ Đạt Phước Tường Yết-ma Hòa thượng ...”.
Không hiểu vì nguyên nhân gì mà trong tất cả các sử liệu về ngài, từ bia tháp cho đến long vị đều ghi nhận ngài có pháp danh Thanh Chánh. Nhưng dù pháp danh với chữ Thanh hay Trừng thì ngài cũng xuất phát từ nhánh truyền của Tổ Tế Căn Từ Chiếu và có công rất lớn trong Phật sự tiếp tăng độ chúng của thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hòa.
Hòa thượng Thanh Chánh vào Khánh Hòa năm Quý Sửu [1913], trú trì chùa Kim Long ở Ninh Quang, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Đến năm Đinh Tỵ [1917], ngài vào Nha Trang trú trì chùa Hội Phước thay Hòa thượng Chơn Hương Thiên Quang. Trú trì được ba năm thì ngài giao lại cho Hòa thượng Nhơn Hiền rồi trở về trú trì chùa Thiên Bửu cho đến ngày viên tịch vào năm 1932.
Theo tư liệu chùa Hội Phước, đệ tử đời thứ 42 đắc pháp với ngài rất đông, gồm cả thế độ và cầu pháp, nhưng đều lấy hiệu bắt đầu từ chữ Nhơn:
Trừng Hằng Nhơn Nguyện: Trú trì chùa Linh Quang, núi Đại An, Diên Khánh.
Trừng Thông Nhơn Duệ: Khai sơn chùa Thiên Quang, Diên Khánh.
Trừng Thọ Nhơn Thị: Trú trì chùa Phước Long, Ninh Hòa.
Trừng Tương Nhơn Sanh: Kế thừa tổ đình Thiên Bửu và chùa Phụng Sơn, Ninh Hòa.
Trừng Dung Nhơn Lý: Trú Trì chùa Hòa Quang, Nha Trang.
Trừng Văn Nhơn Chỉ: Khai sơn chùa Khánh Long, Cam Ranh.
Trừng Khánh Nhơn Thụy: Trú trì chùa Hải Đức, Nha Trang.
Trừng Nghệ Nhơn Sơn: Khai sơn chùa Thiên Sơn, Ninh Hòa.
Trừng Thanh Nhơn Khiết: Kế thừa chùa Phước Long, Cam Ranh.
Trừng Lãnh Nhơn Vinh: Trú trì tổ đình Thiên Bửu sau ngài nhơn Sanh.
Thị Thọ Nhơn Hiền: Trú trì tổ Đình Hội Phước, Nha Trang.
Như Chất Nhơn Trực: Khai sơn chùa Từ Vân, Nha Trang; trú trì chùa Long Quang, chùa Linh Phong, Nha Trang.
Thị Thủy Quảng Đức Nhơn Tri: Trú trì chùa Thiên Tứ, chùa Thiên Lộc, chùa Pháp Hải, chùa Chi Hộ (Ninh Hòa), chùa Thiên Ân (Ninh Hòa), chùa Linh Sơn (Vạn Ninh), chùa Quán Thế Âm (Phú Nhuận, Sài Gòn).
Tâm Trung Nhơn Thứ: Khai sơn chùa Linh Quang, Đà lạt.
Tâm Diệu Nhơn Hưng: Khai sơn chùa Thanh Hải, chùa Thanh Sơn, chùa Hòa Vân, chùa Khánh Phước (Diên Khánh), trú trì chùa Khánh Long ở Cam Ranh.
Nguyên Châu Nhơn Bảo: Trú trì chùa Vĩnh Long (Phú Yên), khai sơn chùa Pháp Bửu Đường ở Bình Thuận.
Nhơn Duyên: Trú trì chùa Phước Thọ, Ninh Hòa.
Nhơn Hòa: Trú trì chùa Long Phước, Ninh Hòa.
Thị Hán Nhơn Thọ: Kế thừa chùa Long Sơn, Vạn Ninh.
Ngoài ra, ngài còn một số pháp tôn thuộc đời thứ 43 và 44 nổi tiếng khác, như các ngài: Tâm Phước Hạnh Hải trú trì chùa Thiên Bửu hạ; Tâm Kính Bảo Thành, Tâm Kỳ Tấn Đạo, Tâm Bảo Bảo Phong, Nguyên Tán Thiện Nghị, Nguyên Hoa Thiện Tường... Hiện nay, nhánh của Tổ Thanh Chánh vẫn còn truyền thừa khá mạnh tại vùng Ninh Hòa, Khánh Hòa và một số tỉnh lân cận.
Hiện tại, mạch truyền thừa của thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hòa đã truyền đến hàng chữ Nhuận, chữ Đức và chữ Bổn, tức thuộc các thế hệ thứ 12, 13 và 14 theo kệ phái Liễu Quán. Điều đó chứng tỏ sự phát triển của dòng thiền Liễu Quán tại Khánh Hòa vẫn còn kế thừa sự nghiệp của chư tổ một cách liên tục và quang rạng. Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, càng truyền xuống về sau thì khoảng cách giữa các thế hệ hôm nay ngày càng xa với cội nguồn của chư Tổ, những tư tưởng mà quý ngài truyền trao lại ngày càng mai một, tinh thần lợi sanh càng ngày càng mất đi.
Là kẻ hậu bối kế thừa di chỉ của Tổ sư Liễu Quán cũng như lịch đại tổ sư truyền thừa, chúng ta cần phải khắc cốt ghi tâm, phải có trách nhiệm với bản thân và đạo pháp, không ngừng nỗ lực tu tập, sống đời phạm hạnh, nhằm góp phần và phần nào tái hiện lại những giá trị chân thật của chư Tổ sư, ngỏ hầu dìu dắt cho những thế hệ tiếp theo ghi nhớ và thực hành.