Hòa thượng Thích Phước Hậu (1866 - 1953)
Hòa thượng Phước Hậu, pháp húy Trừng Thịnh, pháp tự Như Trung, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 42. Ngài thế danh Lê Văn Gia, sinh năm Bính Dần(1866), nhằm Tự Đức thứ 15, tại xã An Tiêm, huyện Đồng Quan, tỉnh Thái Bình.
Ngài ra đời đúng vào năm quan Kinh lược Phó sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thay mặt triều đình Huế ký “hòa ước”với Pháp ngày 5 tháng 6, nhường 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ gồm: Định Tường, Biên Hòa và Gia Định. Đất nước bước vào giai đoạn chịu ách đô hộ của ngoại bang mới.
Do đó, tuổi thơ Ngài không được may mắn sống êm ấm dưới mái gia đình, từng ngơ ngác trên đôi tay mẫu thân chạy lánh nạn cùng hàng vạn người dân khác đến Huế trong những ngày bất ổn.
Như chân lý bao đời không thay đổi, mái chùa vẫn là nơi che chở các số phận đau thương. Ngài ở lại chùa Diệu Đế- Huế, những người khác lần lượt được người thân đến đón về, còn Ngài thì không. Bù vào đó, Ngài được Hòa thượng Tâm Truyền chùa Diệu Đế thương yêu chăm sóc tận tình.
Ngài đã được xuất gia làm Điệu, ngay từ thuở còn thơ ấu dưới bàn tay đùm bọc thương yêu của Bổn sư thế độ là Hòa thượng Tâm Truyền, năm 1884.
Càng lớn lên, Ngài tỏ rõ một phong thái đĩnh đạc, không ỷ lại, mà lúc nào xét đốn mọi việc trước hết đều tự lượng đạo lực của mình, cho nên khi đến tuổi thọ Cụ túc giới, Ngài cứ lần lựa mãi.
Cho đến năm Giáp Ngọ 1894 (Thành Thái thứ 6), do Hòa thượng Bổn sư quyết giáo, Ngài mới vâng lời đến thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Báo Quốc được tổ chức vào tháng 4 năm đó. Đại giới đàn này được mở rộng thu nhận giới tử từ đèo Ngang trở vào nên rất đông giới tử về thọ giới và thời gian diễn ra suốt một tuần lễ. Giới đàn do Hòa thượng Tăng Cang Diệu Giác làm Đường đầu Hòa thượng, Hòa thượng Hải Thiệu làm Yết ma và Hòa thượng Linh Cơ làm Giáo thọ. (2)
Năm Ất Mùi 1895 (Thành Thái thứ 7), Hòa thượng Bổn sư Tâm Truyền được cử giữ chức trụ trì chùa Diệu Đế sau khi Tăng Cang Diệu Giác viên tịch, nhiệm vụ Ngài trở nên nặng nề hơn. Vào năm sau 1896, Hòa thượng Tâm Truyền lại kiêm nhiệm trụ trì chùa Báo Quốc. Thế nên ở Diệu Đế mọi công việc lớn nhỏ Ngài phải thay mặt giải quyết như một vị trụ trì thực thụ. Và từ đó, Bổn sư càng tin tưởng phó thác cho Ngài nhiều trách nhiệm quan trọng khác, đáng kể nhất là dạy dỗ bước sơ cơ cho các lớp xuất gia gồm có nghi lễ và Sa-di luật.
Năm Mậu Tuất 1898 (Thành Thái thứ 10), Hòa thượng Bổn sư Ngài xin bộ Lễ triều đình trùng tu chùa Diệu Đế theo các báo cáo của Ngài về tình trạng xuống cấp trầm trọng của chùa đã lâu. Công việc được tiến hành vào tháng 6, Ngài phải đứng ra thay mặt Hòa thượng Bổn sư lo liệu trong suốt thời gian trùng tu đó.
Năm Kỷ Hợi 1899 (Thành Thái thứ 11), khi Hòa thượng Bổn sư được phong Tăng Cang chùa Diệu Đế, Ngài được đề nghị kế thế trụ trì, nhưng Ngài từ chối, chưa dám đảm nhận trách nhiệm bằng danh xưng ấy, muốn được tiếp tục hỗ trợ âm thầm bên cạnh Bổn sư.
Năm Mậu Thân 1908 (Duy Tân thứ 2), Ngài được Hòa thượng Bổn sư phú pháp bài kệ dưới đây và ban pháp hiệu Phước Hậu, húy Trường Thịnh, tự Như Trung:
純 誠 本 性 美 如 忠
掃 盡 塵 心 道 理 融
德 盛 自 能 蒙 福 厚
真 傳 衣 鉢 振 宗 風
Phiên âm:
Thuần thành bản tính mỹ như trung,
Tảo tận trần tâm đạo lý dung;
Đức thịnh tự năng mông phước hậu
Chân truyền y bát chấn tôn phong.
Tạm dịch:
Thuần thành bổn tánh đẹp lòng trung
Quét sạch tâm trần, đạo lý thông
Đức lớn, tự mang đầy ân phước
Chân truyền y bát chấn tông phong.
Năm Bính Thìn 1916 (Khải Định thứ 1), Ngài được bộ Lễ triều đình sắc ban trụ trì chùa Trường Xuân, Ngài làm trú trì ở đây 4 năm.
Năm Kỷ Mùi 1919 (Khải Định thứ 4) vào tháng 7, Ngài được chư Sơn bảo cử trụ trì chùa Linh Quang.
Năm Mậu Dần, Bảo Đại thứ 13 (1938), sau khi nghe bộ Lễ trình tấu quá trình xuất gia đến những thành quả tu học của Ngài được tiếng tốt khắp nơi, vua Bảo Đại sắc phong chức Tăng Cang kiêm trụ trì chùa Báo Quốc.
Sự kiện này, dưới triều Bảo Đại là một việc được xếp vào diện “tế nhị”. Khi đã biết điều đó, chư Sơn môn tỏ ra thờ ơ và bản thân Ngài cũng chẳng mấy thiết tha, nếu không có tiếng nói của Đoan Huy – Từ Thái Hậu (tức đức Từ Cung, mẹ Bảo Đại) thì cả vua tôi đều lâm vào tình trạng “không nên có”.
Có lẽ, đây là lần phong chức Tăng Cang cuối cùng của triều Nguyễn và người đón nhận đó là Ngài, như đại diện nét chấm phá của luật nhân quả qua một hành động tốt đẹp. Nhờ vậy, trong số rất nhiều bài thơ Ngài sáng tác trong thời gian này, có những bài như:
心 清 天 月 有
性 淨 海 無 波,
圓 明 盡 一 點
放 出 滿 山 河。
Phiên âm: Tâm thanh thiên nguyệt hữu
Tánh tịnh hải vô ba,
Viên minh tận nhất điểm,
Phóng xuất mãn sơn hà.
Tạm dịch: Tâm sạch, trăng trời hiện
Tính trong, sóng biển tan
Sáng tròn gom một điểm
Phóng tỏa khắp giang san.
Và với chúng Tăng, Ngài để lại bài thơ nổi tiếng:
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tính lại đà quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như.
Bài thơ có đề khá dài: "Phật học hội Chứng minh Đạo sư Phúc Hậu tự thuật" đăng ở mục Thi Lâm trang 52, Viên Âm nguyệt san số 01, ngày 01 tháng 12 năm 1933.
Năm kỷ Sửu 1949, ngày 30 tháng 2, Ngài an nhiên thị tịch để lại nhiều luyến tiếc của hậu thế, khi nhìn được lăng kính thời cuộc đã lý giải những lời Ngài hằng dạy. Ngài thọ 83 tuổi đời là cũng ngần ấy tuổi đạo trắng trong với 55 Hạ lạp. Nhục thân được các đệ tử lập tháp tôn thờ bên hữu trong khuôn viên chùa Linh Quang.
Tán thán hành trạng của Hòa thượng :
Hòa thượng Phước Hậu con nhà họ Lê, người ở Bắc Việt, tỉnh Thái Bình, huyện Đông Quan, xã An Tiêm, lúc tuổi nhỏ vào Huế xuất gia học đạo với ngài Hòa thượng Tâm Truyền tại chùa Báo Quốc. Năm Phật lịch 2472 (1909) Ngài thọ Cụ túc giới và đắc Pháp hiệu là Phước Hậu.
Bản tánh thuần thục, chuyên cần khổ hạnh tinh nghiêm, Ngài chuyên tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Hàng đệ tử của Ngài không ai quên được câu “Nam Mô Tây Phương Quá Thập Vạn Ức Phật Độ, Đồng Danh Đồng Hiệu A – Di – Đà Phật” gặp ai Ngài cũng đọc câu ấy và nói : “Nguyện đương lai tác Phật”. Thỉnh thoảng, thuyền vị lưu lộ ra văn chương, Ngài cũng làm thi phú như bài :
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư,
Năm nay tính lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.
Cũng vì thế, hàng Phật tử không ai không biết đến Ngài.
Phật lịch 2483 (1919), Ngài Trú trì chùa Linh Quang, Phật lịch 2501 (1938) được Giáo hội Tăng già cử sang Trú trì chùa Báo Quốc. Năm 80 tuổi, vì già bệnh nên Ngài xin thối chức tịnh tu. Đến năm Phật lịch 2516 (1953), ngày 30 tháng 2 âm lịch, Ngài viên tịch tại chùa Bảo Quốc, giờ phút xả thân thật như nhập thiền định. Ngài hưởng thọ 87 tuổi. Tháp Ngài hiện ở chùa Linh Quang.