Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa thượng Thích Quảng Độ (1928 - 2020): Chân tu và trí thức

26/02/202007:47(Xem: 5742)
Hòa thượng Thích Quảng Độ (1928 - 2020): Chân tu và trí thức

Hòa thượng Thích Quảng Độ (1928 - 2020): Chân tu và trí thức

February 24, 2020

 

Phải dành một ngày quên đi chuyện covid-19 để tưởng nhớ đến một người rất quan trọng: Hòa thượng Thích Quảng Độ (1). Thầy mới qua đời ở chùa Từ Hiếu (Sài Gòn) hôm thứ Bảy 22/2/2020, thọ 93 tuổi. Vậy là thêm một học giả lừng danh của thế hệ vàng Phật Giáo Việt Nam đã về bên kia thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp Phật học của Thầy Quảng Độ có thể gói gọn trong 2 chữ: cống hiến và đấu tranh. Cống hiến trong vai trò một bậc chân tu, và đấu tranh bất bạo động trong vai trò của một trí thức dấn thân.

 
ht quang do 3

  

Hai hoà thuợng nổi danh cùng thời về cõi vĩnh hằng, nhưng phản ứng của báo chí (và Nhà nước) thì rất khác. Năm ngoái, khi Hòa thượng Thích Trí Quang qua đời, báo chí Nhà nước đồng loạt đưa tin, kèm theo những bài viết phân ưu đặc sắc. Năm nay, khi Hoà thượng Thích Quảng Độ viên tịch, chẳng có báo chí Nhà nước nào đưa tin! Thật ra, báo Tuổi Trẻ có đưa tin, thế nhưng chẳng hiểu vì sao mà bản tin và bài viết đã bị rút khỏi mạng trực tuyến. Thái độ ứng xử của báo chí (hay đúng hơn là của Nhà nước) làm cho người quan sát phải tự hỏi: tại sao. Lí do sâu xa có lẽ liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của hai vị hoà thượng rất ư khác nhau.

 

Có lẽ nói không ngoa rằng Hoà thượng Trí Quang có nhiều hoạt động được nhà cầm quyền đương thời có cảm tình, có khi cả ưu ái. Nhưng Hoà thượng Quảng Độ thì hình như không được nhà cầm quyền có cảm tình. Mỗi người một cách và đóng góp. Tôi thì nghĩ cuộc đời và sự nghiệp của Thầy có thể tóm lược trong hai chữ: cống hiến và đấu tranh. Cống hiến cho Phật học như là một học giả và đấu tranh cho sự độc lập của Phật giáo như là một trí thức dấn thân. 

 

Đóng góp cho Phật học

 

Một hôm, chừng 10 năm trước, tôi lang thang ở khu bán sách cũ trên đường Cộng Hòa cũ thì 'gặp' Hòa thượng Thích Quảng Độ. Tôi miên man đọc cuốn sách 'Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận', lật lại trang đầu thì thấy tên dịch giả 'Thích Quảng Độ'! Và, nhà xuất bản Lá Bối. Tôi thầm thán phục Thầy. Hồi nào đến giờ tôi chỉ biết Thầy là người đấu tranh cho Phật giáo, chớ chưa biết ông còn là một học giả. Thấy tôi có vẻ say sưa với cuốn sách, chị chủ tiệm sách nhìn tôi với ánh mắt thân thiện và hỏi 'Anh mua cuốn đó hông, tui bớt giá cho. Sách loại này giờ hiếm lắm.' Mà, hiếm thật, vì sách xuất bản từ trước 1975 thì hoặc là đã bị thiêu đốt hoặc cấm lưu truyền hoặc in lại nhỏ giọt. Dĩ nhiên là tôi mua sách và trả y giá. Chẳng những mua cuốn đó, tôi còn 'tậu' luôn cuốn 'Truyện cổ Phật giáo' và 'Dưới mái chùa hoang' cũng qua biên giải của Thầy Quảng Độ. Thế là cái tên của thầy trở thành 'radar' ngưỡng mộ của tôi.

 

 Cuốn 'Đại thừa Phật Giáo tư tưởng luận' do Hòa thượng Quảng Độ biên dịch. 

  

Trước 1975, Thầy Quảng Độ nổi tiếng là một hoà thượng - học giả. Thầy từng được bầu làm Tổng thư kí Viện Hoá Đạo (của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt) vào năm 1965. Thầy cũng từng là giảng viên môn Triết học Đông Phương và Tư tưởng Phật Giáo ở Đại học Vạn Hạnh (nay không còn nữa). Thời đó, ĐH Vạn Hạnh, đại học tư thục đầu tiên của miền Nam, qui tụ nhiều học giả nổi tiếng (ngoài Thầy Quảng Độ) còn có những người như Thích Nhất Hạnh, Thích Minh Châu, Lê Mạnh Thát (Thích Trí Siêu), Thích Nữ Trí Hải, Hồ Hữu Tường, và Đoàn Viết Hoạt. Tuy tồn tại chỉ trên dưới 10 năm (1964 - 1975), nhưng ĐH Vạn Hạnh đã có những đóng góp quan trọng cho văn hoá - giáo dục miền Nam. Ban Tu Thư của ĐH Vạn Hạnh đã có công biên dịch nhiều sách quan trọng về Phật Giáo, trong đó có những tác phẩm của Thầy Quảng Độ.

 

Có thể xếp Hoà thượng Thích Quảng Độ trong nhóm các học giả Phật Giáo trong thời 'vàng son' như Thích Minh Châu, Thích Huyền Quang, Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ. Đó là một thế hệ học giả có thực học và thực tài, uyên bác, và đã để lại những công trình học thuật có giá trị cho tới ngày nay. Một trong những tác phẩm Thầy Quảng Độ để lại cho đời là bộ sách "Phật Quang Đại Từ điển" gồm 9 tập với hàng vạn trang sách, được xuất bản năm 2014.

 

Bộ sách "Phật Quang Đại Từ điển" do Hòa thượng Quảng Độ biên dịch, xuất bản năm 2014 

 

Bộ sách "Phật Quang Đại Từ điển" có một lịch sử li kì, vì được viết trong nhà tù, nhưng biên soạn lại sau khi ra tù. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của RFA, Thầy Quảng Độ tiết lộ rằng năm 1995 trước khi vào tù, Thầy có yêu cầu quản giáo cho thầy tiếp tục soạn bộ Phật Quang từ điển trong nhà tù Ba Sao (ngoài Bắc). Nhưng thay vì đem bộ từ điển vào tù để dịch, quản giáo chỉ cho Thầy ... giấy trắng. Thầy kể:

 

"Giấy mỗi lần họ phát cho mình một tập, họ đánh số vào đó mỗi một tập 80 trang. Thế rồi họ phát cho một cây bút. Thế rồi họ đề ngoài cái trang bìa ngoài cùng là ông cán bộ nào mà trực nhật ngày đó. Thế hết tập đó thì mình mới trả để họ giao tập mới, Bút cũng thế, viết hết mực thì phải trả quản bút hết mực cho họ, họ mới cho bút mới. Đấy, họ kiểm soát như thế đấy.Kiểm soát thế cũng tốt bởi vì tôi có công việc làm."

 

Trong điều kiện nhà tù như vậy mà Thầy cho ra một bộ từ điển cả cả chục ngàn trang! Sức làm việc và trí tuệ thuộc hạng siêu. Đến ngày 2/9/1998, Thầy được trả tự do, nhưng bộ từ điển Thầy biên dịch thì ban quản giáo nhà tù giữ lại; họ yêu cầu Thầy phải làm đơn xin, nhưng Thầy nói không, vì cho rằng thật vô lí khi mình đi xin cái của mình! Thế rồi, sau khi ra tù, Thầy soạn lại bộ từ điển. Thầy thuật lại rằng:

 

"Tôi về tôi bỏ ra 2 năm trời tôi làm lại, tôi không xin ai hết. Xin nó phải hợp lý cơ. Như mình đói mình đi xin ăn, người ta cho, mình cảm ơn. Còn ở đây là của mình mà họ giữ chứ mình có gửi đâu!"

 

Tính chung, Thầy Quảng Độ đã biên dịch 13 bộ/quyển sách về Phật Giáo. Ngoài ra, Thầy còn để lại 2 tập thơ viết trong tù và lưu đày.

 

Đấu tranh cho Phật giáo

 

Sau 1975, một số học giả / tu sĩ Phật Giáo lừng danh đều có chung số phận: đi tù. Họ đi tù vì đấu tranh cho một hệ Phật Giáo độc lập với Nhà nước. Trước năm 1975, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt (GHPGVNTN) là tổ chức hoằng pháp có uy tín vì qui tụ những học giả nổi tiếng và có những hoạt động tôn giáo - xã hội tích cực (như ĐH Vạn Hạnh và các trung tâm giáo dục, đoàn thể xã hội). Sau 1985, nhà cầm quyền muốn GHPGVNTN phải nhập với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (không có chữ 'thống nhứt') dưới sự quản lí của Nhà nước. Nhưng các thầy trong GHPGVNTN không chấp nhận chủ trương đó. Họ phải trả giá tù đày cho sự phản kháng đó.

 

Thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu từng bị bắt và tuyên án tử hình vào năm 1984. Nhưng sau khi được chánh phủ một số quốc gia Âu Mĩ can thiệp, hai thầy được trả tự do ngày 31/8/1998 (sau 14 năn bị giam trong nhà tù). Cá nhân tôi dù chưa một lần hạnh ngộ, nhưng rất ngưỡng mộ hai thầy vì kiến văn cũng như Phật học, và càng kính trọng hơn về nhân cách bình thản trước bản án tử hình. 

 

Thầy Quảng Độ cũng đi tù, thậm chí còn bị tù đày dài hơn các học giả khác. Năm 1977, Thầy  bị bắt giam vì không chấp nhận sự kiểm soát của Nhà nước đối với giáo sự Phật giáo. Năm 1982 Thầy và mẹ bị đày về Thái Bình, mãi đến 1992 Thầy vào Nam. Vào Nam, năm 1995, Thầy Quảng Độ lại bị bắt và tuyên án phạt 5 năm tù giam và 5 năm quản chế tại gia, nhưng đến năm 1998 thì được đặc xá. Theo RFA, một trong những điều kiện Thầy Quảng Độ được đặc xá là Thầy phải đi Mĩ, nhưng Thầy nhứt định không đi. Năm 2018 Thầy lại bị buộc phải về Thái Bình, nhưng trong cùng năm Thầy lại quay về Sài Gòn và trú ngụ tại chùa Từ Hiếu cho đến ngày qua đời. Có thể nói cuộc đời của Thầy Quảng Độ sau 1975 là rất ư 'sóng gió' trong việc đòi sự độc lập cho Phật Giáo Việt Nam.

 

Phật giáo thế hệ 'vàng' và Phật giáo ngày nay 

 

Thầy Quảng Độ là thuộc thế hệ vàng của Phật giáo Việt Nam. Thế hệ đó góp phần định hình một nền văn hóa Phật giáo ở miền Nam, và dấn thân vì đạo và đời. Tất cả họ đều là những bậc chân tu và trí thức. Thế hệ đó giờ càng ít hơn, vì đã có quá nhiều người qua đời hay đang ở tuổi 'xưa nay hiếm', và khó có người thay thế. Ngày nay, nhiều khi người ta không phân biệt được ai là tu sĩ và ai là cán bộ. Lại còn có sự lẫn lộn (hay áp đặt) thần tượng thành Phật. Ngày nay, nhiều tu sĩ có bằng tiến sĩ và những chức danh rộn ràng, nhưng đóng góp của họ cho đạo pháp và Phật học thì lại là một câu hỏi lớn.

 

Sự ra đi của Thầy Quảng Độ có lẽ chẳng làm cho nhà cầm quyền bận tâm, nhưng những Phật tử chân chánh phải suy nghĩ. Suy nghĩ về tương lai của Phật giáo Việt Nam. Nếu nhìn vào những ngôi chùa hoành tráng và những lễ hội được các quan chức viếng thăm, người ta có thể nghĩ rằng Phật giáo Việt Nam đang phát triển tốt. Có lẽ bề mặt là vậy, nhưng nó che đậy những thoái hoá đằng sau. Thời buổi mà đồng tiền và chánh trị thống trị, nhiều tu sĩ đã bị tha hoá về đạo đức, tranh giành quyền lực, và quên đi sứ mệnh của Phật giáo: giác ngộ và diệt khổ cho chúng sanh. Có người cho là thời ‘mạt pháp’, cũng không quá xa với thực tế.

 

Phật giáo Việt Nam khởi đầu từ miền Bắc nhưng cũng suy thoái từ miền Bắc. Có thể nói sự suy thoái bắt đầu từ 1945 trở đi, và đặc biệt là sau Cải cách ruộng đất. Ngày nay, Phật giáo có khi như là một hệ thống doanh nghiệp có mô hình tổ chức như một ... đảng. Năm nào tôi cũng có dịp ra Hà Nội và lưu trú gần trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên đường Quán Sứ. Đi ngang đó thấy những chiếc xe sang trọng và xa xỉ (trong nước gọi là 'siêu xe') mang biển màu xanh, là biết ngay có sự nhập nhằng giữa thế quyền và Phật pháp. Rồi vô số những bản tin về các vị tu sĩ và hành xử của họ chỉ làm cho Phật tử ngao ngán và tự hỏi có phải thời mạt pháp đã đến. Rất có thể. Rất cần một thế hệ như thế hệ của Thầy Quảng Độ thì may ra mới khôi phục được Phật giáo Việt Nam.

 

Thầy Quảng Độ đã tạ thế (hay 'chuyển nghiệp') sau hơn 90 năm ở trọ cõi trần. Trong thời gian 90 năm đó, dù với những sóng gió và dao động lịch sử, Thầy vẫn cống hiến cho cả đời và đạo pháp đúng với vai trò của một bậc chân tu và một trí thức dấn thân.

 

Nguyễn Văn Tuân

https://www.nguyenvantuan.info/single-post/2020/02/24/Hoa-thuong-Thich-Quang-Do-Chan-tu-va-tri-thuc

===

 

(1) Theo tiểu sử, Thầy sinh ngày 27/11/1928 ở xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tên khai sanh là Đặng Phúc Tuệ. Chẳng biết thầy vào Nam năm nào, nhưng sự nghiệp Phật pháp của Thầy lừng danh ở miền Nam.

 

(2) Xin chia sẻ một bài thơ của Thầy Quảng Độ viết có lẽ khi còn bị lưu đày ở Thái Bình:

 

CHIỀU ĐÔNG 

 

Nghe lòng xa vắng những chiều đông
Nhìn nước mênh mông khắp mặt đồng
Bát ngát núi xa mờ bóng cọp
Thăm thẳm trời cao bặt cánh hồng

 

Bao độ cà tan cà nở nụ
Mấy mùa lúa rụng lúa đơm bông
Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc
Còn chút lòng son gởi núi sông.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/06/2017(Xem: 12011)
Vô Nhất Đại Sư Thích Thiền Tâm - Một cao tăng cận đại - Biên soạn: Bảo Đăng
01/06/2017(Xem: 21330)
Sư Trưởng pháp húy Hải Triều Âm, tự Đại Thành, hiệu Bác Tế Từ Hòa, thế danh Nguyễn Thị Ni, sinh năm 1920 tại tỉnh Hà Đông, nay thuộc thủ đô Hà Nội. Thân phụ là một công chức người Pháp, cụ ông Etienne Catallan. Thân mẫu là một y sĩ người Việt, cụ bà Nguyễn Thị Đắc. Vì thế Sư Trưởng còn có tên thế tục tiếng Pháp là Eugénie Catallan.
20/05/2017(Xem: 6789)
Gần như một quy luật tất yếu khi nói đến Hòa Thượng Lê Khánh Hòa ( 1877 - 1947 ) ( Tổ Khánh Hòa - Ngài) phải đề cập đến phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX . Cả một cuộc đời dấn thân trên lộ trình tiến tu giải thoát, luôn nặng gánh ưu tư cho tiền đồ Phật giáo trước mối suy vong song hành cùng vận mệnh dân tộc dưới gót giày xâm lược của giặc Pháp. Là một tăng sĩ với trọng trách "sứ giã Như Lai", Tổ Khánh Hòa đã sớm nhận thức rõ trách nhiệm cao cả ấy và vận dụng đạo đức, năng lực bản thân tữ mình thắp lên ngọn đuốc tiên phong, vén màn đêm dày đặc, bước đi từng bước nhọc nhằn, khó khăn ban đầu để tạo nên một luồng gió chấn hưng mang vô vàn lợi lạc cho Phật giáo mà cho đến tận hôm nay sử sách vẫn còn ghi đậm những dòng chữ vàng son óng ánh chưa hề phai nhạt.
22/04/2017(Xem: 9207)
CT HTB số 205 cho thứ 7 ngày 22/4/2017 Chủ đề: Nhân ngày lễ Phật Đản ôn lại Tổ sư Thiền của Phật giáo Việt Nam. Thành viên thực hiện: Lâm Như Tạng, Lê Tâm.
19/04/2017(Xem: 6190)
Đã 42 năm sau cuộc Chiến tranh Việt Nam, vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chỉ riêng tên tuổi Thích Trí Quang đã gây ra rất nhiều tranh cãi. (1) Có nhiều nhãn hiệu gán cho ông: với một số người Việt chống cộng hoặc còn suy tôn ông Diệm thì cả quyết Thích Trí Quang là cộng sản đội lốt tu hành hoạt động với sự chỉ đạo của Hà Nội; nhưng ngay với giới chức cộng sản cũng đã từng coi Trí Quang là một loại CIA chiến lược; còn
15/04/2017(Xem: 8218)
Thiền Sư Pháp Loa với công trình văn hóa đời Trần
01/04/2017(Xem: 14670)
Trọn một ngày làm nhà tu hành – ăn như sư, ngủ cạnh sư, thiền và đọc kinh cùng sư, lao động cùng sư. Có những lúc đã cảm thấy phát điên về sự chậm rãi trong hoạt động, sự khắc khổ trong cuộc sống. Nhưng cũng ngộ ra nhiều điều! Và 24 giờ đó quả là kinh nghiệm đặc biệt trong đời làm báo. Vào những tháng đông đầu năm 1998, khi đang làm việc cho đài phát thanh NHK của Nhật Bản, tôi đề xuất chủ đề tôn giáo với mục đích giới thiệu đầy đủ hơn về các đạo tồn tại ở Nhật cho thính giả Việt Nam, bên cạnh Thần đạo đã được nói đến quá nhiều. Nhưng việc đi thực tế trong lĩnh vực này không đơn giản. May được một đồng nghiệp người Nhật tích cực tìm kiếm và phát hiện một ngôi chùa có thu nhận người nước ngoài. Mọi công việc thu xếp qua điện thoại và… email do người bạn Nhật đảm trách, và đúng ngày hẹn tôi khoác balô lên đường.
24/03/2017(Xem: 8727)
Theo Dương Lịch, 23 tháng Ba là ngày giỗ của Huynh Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu. Tôi chợt nhớ đến bài thơ viết để tiễn biệt anh và cũng để nhắc nhở các anh chị em Gia Đình Phật Tử khắp nơi biết ngày anh ra đi. Bài thơ khá dài và kết luận bằng câu “Và đừng xa nhau nữa”.
18/03/2017(Xem: 7525)
Di cốt của vị thiền sư đã khai sáng ra dòng thiền Lâm Tế - Liễu Quán ở đàng Trong - dòng thiền thứ hai sau thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được nhập vào một ngôi tháp cổ kính ở xứ Huế. Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) là người đã khai sáng ra chi phái Thiền mới (Thiền phái Liễu Quán), mang đậm phong cách của Văn hóa phật giáo Việt Nam còn truyền lại đến ngày nay. Sau khi viên tịch, di cốt của thiền sư được nhập vào bảo tháp thuộc vùng rừng thông của làng An Cựu xưa (Thừa Thiên Huế). Đây là một ngôi tháp đẹp, cổ kính và uy nghiêm. Nhiều du khách lần đầu đến Huế, nếu không biết thì có thể nhầm đây là lăng tẩm của một vua chúa nào đó của triều Nguyễn bởi quy mô xây dựng, kiến trúc và địa thế phong thủy của bảo tháp.
06/03/2017(Xem: 7173)
Nhân lễ húy nhật lần thứ 18 Sư Bà Thích Đàm Lựu, vị Thầy sáng lập chùa Đức Viên vào năm 1980 tại thành phố San Jose, Hoa Kỳ; chùa Đức Viên đã tổ chức khóa niệm Phật báo ân trong hai tuần, từ ngày 18 tháng 02 đến ngày 04 tháng 3 năm 2017. Buổi lễ tưởng niệm chính thức được tổ chức vào sáng ngày 04 tháng 3 năm 2017. Đặc biệt, vào tối ngày 03 tháng 3 năm 2017, chùa đã tổ chức đêm đốt nến tưởng niệm Sư Bà, vị Thầy kính yêu của Ni chúng. Đêm huyền diệu với tiếng tụng kinh cầu nguyện, những lời tâm sự bên những ngọn nến lung linh, những giọt nước mắt chảy dài trên má chư Ni và Phật tử. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm, thành kính, tràn đầy cảm xúc, lòng kính thương vô biên Sư Bà tọa chủ!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]