Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Người "Tri Hành Hợp Nhất"

26/04/201920:47(Xem: 5763)
Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Người "Tri Hành Hợp Nhất"

Chanh Tri Mai Tho Truyen

CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

NGƯỜI “TRI HÀNH HỢP NHẤT”

NCS. Thích An Nhiên (Nguyễn Ngọc Thành)

 

Chánh Trí Mai Thọ Truyền - một nhà Nho uyên bác, kiến thức tinh thông, quán triệt tư tưởng cả Nho - Lão - Phật. Ông xuất thân trên xứ dừa Đồng Khởi,  nơi phát khởi bao tấm lòng yêu nước hy sinh của nhiều thế hệ. Là một nhân sĩ trí thức, có học vị cao, chức vụ lớn trong xã hội, nhưng Ông luôn nhân hậu với mọi người, chính trực trong công việc, từ hòa trong giao tiếp, đời sống thanh khiết, giản dị, luôn khắc kỹ bản thân. Khi bước vào đạo, Ông thọ Tam quy ngũ giới và được đặt pháp danh “Chánh Trí” từ Hòa thượng Thích Hành Trụ - một danh tăng kiệt xuất trong chốn tòng lâm phạm vũ của Phật giáo Việt Nam.

          Những tác phẩm dịch và trước tác của Chánh Trí rất nhiều như: Tâm và Tánh, Ý nghĩa Niết Bàn, Một đời sống vị tha, Bát Nhã Tâm kinh Việt giải, Le Bouddhisme au Viet Nam, Pháp Hoa huyền nghĩa, Địa Tạng mật nghĩa, Trình tự của cư sĩ học Phật… Mỗi tác phẩm đều thể hiện rõ khí chất của vị hộ pháp đắc lực phụng đạo giúp đời. Trong đó, hai tác phẩm “Một đời sống vị tha và Trình tự của cư sĩ học Phật” giúp cho chúng ta cảm nhận được đạo Phật đã thẩm thấu vào huyết quản của Ông và trở thành nguồn mạch sống, một sự trải nghiệm sinh động “hợp nhất giữa điều biết và việc làm” mà cuộc đời của Ông đã thể hiện trọn vẹn điều ấy.

          Bắt đầu trở thành người Cư sĩ, Ông hiểu được những lời dạy của Đức Phật cũng chính là cuộc đời của Ngài, từ đây Ông cảm thấy Đức Phật là hình tượng “tri hành hợp nhất” tuyệt vời nhất mà Ông sẽ hướng đến. Ông tỏ bày: Không một lời dạy nào của Phật mà chẳng xuất phát từ những kinh nghiệm bản thân của Ngài. Vì vậy chỉ một lời nói chất phác, chỉ một cử chỉ tầm thường, thậm chí chỉ sự hiện diện im lìm của Đức Phật cũng đủ làm tỏa ra xung quanh Ngài như một vùng hào quang mà sức hấp dẫn thật là phi thường, không như những ông giáo sư triết học, ở giảng đường thật là hùng biện, thật là siêu việt, nhưng khi về nhà, lại ở ăn lắm khi thua bác thợ vá giày ngồi trước cửa”. Tôi tự nghĩ: vậy ra phải làm trước sau mới được nói, và đột nhiên tôi liên tưởng đến câu “Tri hành hợp nhứt”.[1]

          Đức Phật làm được những gì Ngài nói, thậm chí làm nhiều hơn những điều Ngài đã nói, tất cả trở thành những bài học sinh động nhất từ nơi Đức Phật và có tác dụng thức tỉnh và chuyển hóa Tăng đoàn mạnh mẽ gấp nhiều lần lời nói. Đây là một hình tượng nhất như của Đức Phật “lời nói đi đôi với hành động”, hình tượng ấy trở thành khuôn mẫu cho cuộc sống tu tập và phụng sự của cư sĩ Chánh Trí.

           “Tri là biết” và “hành là làm” hai điều này có giá trị khi hợp nhất với nhau, có những người biết rất hay, rất giỏi, rất rộng, rất sâu.. nhưng chưa được trải nghiệm thực tiễn thì những điều biết chỉ trên sách vỡ văn tự…đến khi thực hiện điều mình biết lại bối rối. Từ “biết” cho đến việc “làm” cần phải trải qua giai đoạn “trải nghiệm bản thân” tức là thực nghiệm điều mình biết thông qua chính bản thân mình. Hai điều này được hợp nhất khi thể hiện đầy đủ bốn phạm trù của người cư sĩ Học - Tu - Hành - Nguyện”. Vì muốn “biết” cần phải học và trải nghiệm tu tập; Muốn “thực hiện” thì cần phải noi gương các vị Bồ tát hành các pháp Ba la mật. Trước khi muốn hoàn thành ba điều “học, tu, hành” thì cần phải có “nguyện” tức chí hướng, mục tiêu giác ngộ giải thoát vững chắc.

Thứ nhất Học: Theo ông bất kỳ ai Tăng hay tục đều phải học, học để tăng trưởng kiến thức mỗi cá nhân, tạo nền tảng cho sự phát triển các tầng tri thức cho xã hội, đạo pháp. Tinh thần cầu học được minh họa cụ thể trong giảng đường Chùa Xá Lợi, nay là giảng đường Chánh Trí, có dòng chữ “Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là đãy đựng sách” nhằm để nhắc nhỡ mục đích học đạo.

Theo quyển “Trình tự của cư sĩ học Phật” tác giả chia sẻ đầu tiên vào đạo cần phải học, học phải có trình tự từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, từ đơn giản đến cao siêu, cũng phải dựa vào căn cơ của từng người để mình có thể học thế nào để đem đến kết quả tốt nhất. Không học trên lớp thì đọc sách, tìm hiểu thực tế hoặc thông qua việc giao tiếp để học hỏi. Nhờ vào sự học mới có vốn tri thức, từ vốn trí thức này mới có thể tri tường được nhiều điều hoặc ngộ được lẽ tự nhiên của cuộc sống.

Để tạo môi trường thuận duyên và cổ vũ mạnh mẽ cho việc học, Ông khởi xướng cho việc thành lập Hội Phật học Nam Việt (1951) làm làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tạo nền tảng để chấn hưng Phật giáo tại miền Nam. Đồng thời, Hội phát khởi xây dựng Chùa Xá Lợi, chính nơi đây là trọng điểm quan trọng cho mọi hoạt động tu học và phụng sự của Hội Phật học Nam Việt.

“Hội đã mở các lớp Phật học phổ thông lúc bấy giờ do chư Thượng tọa Thiện Hòa, Trí Hữu, Thiện Hoa, Quảng Minh diễn giảng. Ông cũng tham gia soạn và giảng một số tiết mục cho học viên. Hàng tuần, tại chùa Xá Lợi, ông còn tổ chức các thời thuyết pháp cho đại chúng do ông mời các vị cao Tăng Đại đức trong nước hay nước ngoài đăng đàn. Có khi chính ông là giảng sư”[2].

Bên cạnh các lớp giáo lý dành cho cộng đồng Phật tử, nhiều lớp thảo luận để kiến hòa đồng giải trong tu tập cho giới trí thức. Hội thành lập Gia đình Phật tử giáo dục đạo đức Phật giáo và xây dựng niềm tin chánh tín cho đội ngũ thanh thiếu niên kế thừa. Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu, Hội Phật Học Nam Việt còn xuất bản tạp chí Từ Quang hoạt động gần 24 năm (1951-1975) do Ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và Hội thành lập Thư viện với hơn năm ngàn đầu sách gồm nhiều ngôn ngữ để Tăng Ni, Phật tử và mọi người có thể nghiên cứu học tập.

Ông không chỉ tự học mà còn khuyến người học, tạo cơ hội cho người học, nghiên cứu không chỉ thông qua các lớp học giáo lý, giảng dạy, thảo luận, nghiên cứu, mà còn chuyên tâm dịch thuật Kinh, luận, viết sách, Tạp chí…để cùng nhau sách tấn trên con đường học Phật.

Thứ hai Tu: Trình tự của người cư sĩ thì “tu” tức là tập hành thiện, làm những điều tốt đẹp cho bản thân và những người xung quanh. Đây là sự chuyển hóa từ một con người “phàm tục” sang người “khác phàm, siêu phàm”. Ông định nghĩa chữ Tu rất đơn giản: “Tu có nghĩa là Sửa mà thôi, như chúng ta nói Tu kiều bồi lộ (sửa cầu đắp lộ). Từ chỗ dở, một anh thợ tập sự, ngày ngày vâng theo lời bác thợ chánh, Sửa đổi cách làm việc của mình cho đến chỗ hay, anh thợ ấy đã Tu, Tu cái nghề của mình.”[3]

Từ khi Ông quy y làm đệ tử Phật, việc tu của Ông đầu tiên là tập ăn chay, tập sửa cái thấy, cái biết theo sự thấy biết trong chánh kiến, Ông nhấn mạnh: “Muốn phá Vô minh, giáo pháp nhà Phật có nhiều phương tiện mà mục đích là làm phát sinh những đức tính tốt để diệt trừ những tính xấu, tính ác, ví chẳng khác trồng những cây có hoa thơm trái ngọt, để tàng che làm chết những cỏ dại hoa rừng. Đây là một phương pháp thay thế cái xấu bằng cái tốt; một khi cái tốt đã mọc thì cái xấu bị đào thải ngay.” [4]

Sự tu tập của ông cũng không phải dễ, Ông phải tự chiến thắng chính tâm phàm của mình từ việc ăn, ông tự nhủ: “Chỉ có đổi thức ăn mà mày chẳng làm được thì còn mong gì làm được những việc khó khăn hơn!”[5] Tuy đơn giản, nhưng tồn tại rất nhiều khó khăn, nhờ vào ý chí cá nhân kết hợp với giáo lý được học để chuyển hóa từ một con người chỉ biết nương tựa vào người thân, tài sản ở thế gian, nay tu tập biết được nghệ thuật sống, dựa trên ba nguyên tắc căn bản: “khéo chọn bạn ; Sống hợp với luật thiên nhiên; Trở về với ánh sáng”. Ba nguyên tắc này, chính là ba quy y Phật, Pháp, Tăng.[6] Thứ nhất, khéo chọn bạn đây cũng là hình thức tu tập rất thực tiễn, Thiền sư Linh Hựu trong Quy Sơn Cảnh Sách đã khuyên răn: “Viễn hành yếu giả lương bằng, sác sác thanh ư nhĩ mục, trú chỉ tất tu trạch bạn, thời thời văn ư vị văn. Cố vân, sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu”. Dịch nghĩa: Đi xa cần nương bạn lành để thường gạn lọc tai mắt. Trú ở cần nên chọn bạn, thường được nghe điều chưa nghe. Nên nói: sanh ta là cha mẹ, tác thành nên ta là bạn bè.[7]

Vì thế, việc chọn lựa để gần gũi rất quan trọng, vì gần bạn hiền, bậc chân tu thân tâm luôn được nhẹ nhàng, tỉnh thức, chỉ lỗi cho mình sửa để cùng tiến bộ. Nếu thân cận bạn xấu, luôn gia tăng những điều bất an, tăng trưởng ác nghiệp. Thứ hai, sống hợp với thiên nhiên, tức sống buông xả đừng vọng chấp sinh nên đau khổ, phải ngộ được lý duyên sinh để không vui quá khi đến, không khổ khi diệt. Thứ ba, trở về với ánh sáng, luôn sáng suốt trong cuộc sống, đừng để tham, sân, si sai xử lời nói, hành động và tâm ý. Nương theo ba nguyên tắc sống này, chắc chắn con người sẽ từ nếp sống “phàm tình” sẽ chuyển hóa thành nếp sống “siêu phàm tịnh lạc”. Ông cân nhắc: “Với nếp sống mới, cố đi vào nội giới, bớt chạy ra ngoài, tôi cảm thấy cái nhìn của tôi đối với vạn sự vạn vật có phần thay đổi và hai chữ Chánh kiến trong Bát Chánh Đạo đột nhiên có một nghĩa mới. Không phải thấy hiểu chơn chánh mà là sửa cái thấy của mình cho đúng đắn”.[8] Người tu cần sửa cái thấy biết, gạn lọc từ những điều đã được học, áp dụng vào cuộc sống, gặt hái được sự an lạc, vơi bớt những sợi dây ràng buộc trong cuộc sống, đây là bước khởi đầu cho hành trình tu tập.

Thứ ba Hành: Bên cạnh việc học tu, cần phải noi theo hạnh nguyện Bồ Tát dấn thân phục vụ, trong đó cần thực hành sáu phép đưa người hành đạo sang bờ Giác ngộ, giải thoát. Sáu pháp này, bao hàm trọn vẹn ý nghĩa “tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn”. Trong đó, Bố thí người Phật tử cần chú trọng, vì đây là bước khởi đầu trong sáu phép, Ông nói: “Người đời không xuất tiền của giúp người khác được là vì trọng đồng tiền và muốn giữ lại cho mình cho những kẻ thân yêu của mình dùng. Trọng đồng tiền là không có chánh kiến về giá trị đồng tiền, thành phải làm nô lệ cho nó, khư khư làm mọi giữ nó, gặp lúc phải dùng cũng không dám đá động tới.”[9]

Ông hướng dẫn mọi người nên có chánh kiến về đồng tiền, không chánh kiến, đồng tiền sẽ dẫn dắt con người trầm luân, có chánh kiến thì đồng tiền sẽ hướng con người tạo dựng phước thiện, hoàn thành nhiều Phật sự. Cuộc đời của Ông minh chứng rất rõ, Hội Phật học Nam Việt hoạt động phi lợi nhuận, thành lập nhiều tiểu ban để hoạt động làm hộ pháp từ vật chất cho đến tinh thần như: tiểu ban từ thiện, Tiểu ban học bổng, Tiểu ban tương trợ, Tiểu ban y tế, Tiểu ban hộ niệm, Tiểu ban Dược Sư, Tiểu ban hộ pháp… Ông ra sức vận động và lạc quyên xây dựng Chùa Xá Lợi “danh chánh ngôn thuận” bằng giấy phép của chính quyền Pháp cấp: “Theo Nghị định số 216-HCSV/P2 ngày 19-1-1956 của Chính phủ tại Nam Việt, Hội Phật học Nam Việt được phép lạc quyên khắp 21 tỉnh có Tỉnh hội và Chi hội thuộc hệ thống tổ chức của Hội Phật học Nam Việt, lấy tiền xây chùa.”[10] Trong giai đoạn mọi hoạt động Phật giáo rất khó khăn, vì chính quyền Pháp hạn chế tối đa, nhưng vì noi gương hạnh nguyện của Bồ tát, Ông đã phụng sự hết mình.

           Bên cạnh đó, không dừng lại ở hạnh bố thí, vì đây chỉ là phương pháp giúp cho tâm tham được giảm thiểu, tăng trưởng hạt giống từ bi, mà cần phải “Trì giới, nhẫn nhục, thiền định” một cách không ngơi nghỉ để phát sinh trí tuệ chuyển hóa tích cực gốc rễ vô minh: tham, sân, si. Ông nói: “Có học có hiểu là được một phần giác ngộ, nhưng sự giải thoát thật sự chỉ đến với những người có những hành động đúng với sự giác ngộ ấy.”[11] Trang bị đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, chúng ta như được mặc áo giáp xông pha hành đạo giữa cạm bẫy cuộc đời vẫn thảnh thơi, an lạc.

Thứ tư Nguyện: Nếu học tu không lập nguyện, cũng đồng nghĩa không có mục đích hướng đến. Trong bài viết “Lập Nguyện” Ông đã nói rõ về vấn đề này một cách thấu đáo: “Sở dĩ tu hành mà không chuyên nhứt được, thường nửa đường bỏ dở, là vì thiếu lập nguyện kiên cố. Mà lập nguyện kiên cố được, chỉ là những người quyết chí, và quyết chí được cũng chỉ những người hiểu rõ tại sao phải tu và sự tu hành cho mình những kết quả gì thiết thực và lợi ích cho cuộc sống của mình trong gia đình, trong xã hội, trong nhân loại.”[12]

Lập nguyện là một sức mạnh hỗ trợ rất lớn trên bước đường tu tập của mỗi cá nhân, cần phải “chặc bên trong, vững bên ngoài” dựa trên bốn đại nguyện. Đối với bên ngoài, nguyện trọn đời nỗ lực thực hành những điều được học, được biết đem đến lợi ích thiết thực cho bản thân và mọi người, cho dù trên bước đường thực hành, gặp nhiều khó khăn về hoàn cảnh, môi trường…vẫn vững bước như tảng đá:

“Như đá tảng kiên cố,

Không gió nào dao động,

Cũng vậy, giữa khen chê,

Người trí không giao động”[13]

Đối với  bên trong, xem việc lập nguyện “là chủ của khí, là cái mạng của người, là cái rễ của cây, là nguồn của nước. Nguồn mà chẳng khơi đào thì dòng tắt, rễ mà chẳng vun trồng thì cây khô, mạng mà chẳng tiếp tục thì người chết, chí mà chẳng lập thì khí hôn mê.”[14] Vì thế, đối với người học Phật, Ông quan trọng việc tâm phải vững, tức giữ cái nguyện hay đó chính là “Bồ đề tâm” đã khải phát ban đầu, dù khó khăn, gian nan, chướng ngại cũng vẫn một lòng chuyên nhất với đạo.

Ông hướng người Phật tử nên lập nguyện theo hạnh Bồ tát: Đầu tiên cần nguyện thực hành mọi điều thiện giúp ích muôn loài; nguyện luôn gạn lọc thân tâm không bị sai xử bởi tham lam, giận hờn, si mê; nguyện học giáo lý Phật đà, để nương vào đó chuyển hóa vô minh trở nên người sáng suốt; cuối cùng là quyết chí học và hành đạt được giác ngộ và giải thoát.[15]

Ông cảm nhận Đạo Phật không phải là đạo yếm thế tiêu cực, đạo Phật rất thực tiễn, linh động như một kinh nghiệm sống, mà cuộc đời của Đức Phật chính là bài pháp sống động nhất trong lịch sử.

Có thể nói, từ hình tượng cuộc đời của Đức Phật đã định hướng cho cuộc đời phụng sự xã hội và đạo pháp của Ông một cách chân xác nhất và ông trở thành Đại hộ pháp cư sĩ trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam. Chánh Trí Mai Thọ Truyền – người tri hành hợp nhất, cuộc đời của ông đã thể hiện trọn vẹn điều ấy: chuyên tâm học, nhất tâm tu, đam mê phụng sự và hạnh nguyện kiên cố. Chính bốn yếu tố này đã tạo nên một con người “tri hành hợp nhất”.


THAM KHẢO

 

-         Tỳ kheo Thích Đồng Bổn (1999), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam Thế kỷ XX, Thành hội Phật giáo Việt Nam.

-         Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh.

-         Tống Hộ Cầm (2002), “Hội Phật học Nam Việt và Chùa Xá Lợi”, 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh, Kỷ yếu khoa học, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh. https://quangduc.com/a11361/hoi-phat-hoc-nam-viet-va-chua-xa-loi

-         Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Ban Phật Học Xá Lợi (biên soạn, 2012), Một đời sống vị tha, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.

-         Chánh Trí Mai Thọ Truyền, TK. Thích Đồng Bổn (biên soạn, 2011), Trình tự của Cư sĩ học Phật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.

-         HT. Thích Thanh Từ, Quy Sơn Cảnh Sách giảng giải, https://thientruclam.info/ht-thich-thanh-tu/quy-s%C6%A1n-canh-sach-giang-giai

 



[1] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Ban Phật Học Xá Lợi (biên soạn, 2012), “Đạo Phật như một kinh nghiệm sống”, Một đời sống vị tha, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.99-100.

 

[2] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, TK. Thích Đồng Bổn (biên soạn, 2011), “Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905-1973), Trình tự của Cư sĩ học Phật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.16.

 

[3] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, TK. Thích Đồng Bổn (biên soạn, 2011), “Bài giảng: Tu là gì?”, Trình tự của Cư sĩ học Phật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.68.

[4] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Ban Phật Học Xá Lợi (biên soạn, 2012), “Mười Tân giới”, Một đời sống vị tha, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.85.

[5] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Ban Phật Học Xá Lợi (biên soạn, 2012), “Đạo Phật như một kinh nghiệm sống”, Một đời sống vị tha, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.105.

[6] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Ban Phật Học Xá Lợi (biên soạn, 2012), “Đạo Phật như một kinh nghiệm sống”, Một đời sống vị tha, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.115-117.

[7] HT. Thích Thanh Từ, Quy Sơn Cảnh Sách giảng giải, https://thientruclam.info/ht-thich-thanh-tu/quy-s%C6%A1n-canh-sach-giang-giai

[8] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Ban Phật Học Xá Lợi (biên soạn, 2012), “Đạo Phật như một kinh nghiệm sống”, Một đời sống vị tha, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.108.

[9] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Ban Phật Học Xá Lợi (biên soạn, 2012), “Đạo Phật như một kinh nghiệm sống”, Một đời sống vị tha, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.85-86.

[10] Tống Hộ Cầm (2002), “Hội Phật học Nam Việt và Chùa Xá Lợi”, 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh, Kỷ yếu khoa học, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh. https://quangduc.com/a11361/hoi-phat-hoc-nam-viet-va-chua-xa-loi

[11] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Ban Phật Học Xá Lợi (biên soạn, 2012), “Đạo Phật như một kinh nghiệm sống”, Một đời sống vị tha, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.86.

[12] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, TK. Thích Đồng Bổn (biên soạn, 2011), “Bài giảng: Tu là gì?”, Trình tự của Cư sĩ học Phật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.86.

[13] Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, tr.47.

[14] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, TK. Thích Đồng Bổn (biên soạn, 2011), “Bài giảng: Tu là gì?”, Trình tự của Cư sĩ học Phật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.89.

[15] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, TK. Thích Đồng Bổn (biên soạn, 2011), “Bài giảng: Tu là gì?”, Trình tự của Cư sĩ học Phật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.90.




Ý kiến bạn đọc
29/04/201900:15
Khách
hiện nay ít ai biết cụ Mai thọ truyền trước khi lập hội PH Nam Việt.Người đã tham gia lâu năm trong hội Thông Thiên học VN và có chưngt rong TTH Thế giới cùng đồng hành với ông đốc Bạch Liên Phạm Ngọc Đa có công tâu xin với đức TL HT Hội chủ hội tT Học thế Giới cùng 2Vua ấn độ và Tích Lan can thiệp cho thỉnh cây bồ Đề con về VN trồng tại giửa Châu thành Châu Đốc từ trước năm 1952.Đây là công cán của nhiều vị Cố đại nhơn Chánh Trí Mai Thọ Truyền;Bạch Liên Phạm Ngọc Đa;bà Nguyễn thị hai đi phi cơ mang về Vn và công của tĩnh trưởng Đặng Văn Lý ký giao khu đất giửa châu thành CĐ để làm khuôn viên Bồ đề Đạo tRàng theo sự bắt buộc của Hội tT Học thế giới phải lập Công viên như bên Ấn Độ mới cho Thình.Như vậy cây BĐ tại CĐ lịch sử hơn các nơi trong nước VN
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/08/2021(Xem: 4560)
Hòa thượng thế danh là Trần Đại Quảng, pháp danh Tâm Trí, tự Viên Giác, hiệu Chiếu Nhiên, thuộc đời thứ 43 dòng Lâm Tế, Liễu Quán. Ngài sinh năm Nhâm Tý (1912), tại làng Dương Nổ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình Nho phong đức hạnh nhưng có chí cách tân, theo hướng Tây học. Thân phụ là cụ ông Trần Đại Dật, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Mĩu (pháp danh Tâm Mỹ). Ngài lớn lên theo truyền thống giáo dục gia phong, được tiếp xúc với nhiều bậc thân hữu trí thức của thân phụ trong những lúc hàn huyên hay luận bàn văn sách. Do đó Ngài đã sớm tiếp thu kiến thức sâu rộng, lý giải sự việc nhanh chóng, đạt lý thuận tình nên rất được lòng quần chúng. Ngài ham học hỏi, hiếu khách, nhất là được kết thân với các bậc thiện hữu tri thức, chính vì thế mà Ngài phát huy trí tuệ rất nhanh. Nhờ tính năng động và chí phấn đấu trong học tập và lao động nên dù nghiêm thân mất sớm, Ngài, với tư cách con trưởng, vẫn giữ vững gia nghiệp, phụ giúp mẫu thân dưỡng dục các em học hành t
20/08/2021(Xem: 9759)
Sư Phụ Tôi người hiền hoà chất phát Sống một đời giản dị rất bình dân Bất cứ ai dù ở chốn xa gần Khi cần đến Ngài sẵn sàng cứu giúp. Ngài thuộc bậc hàng cao Tăng thạc đức Nhưng lúc nào cũng tỏ hạ khiêm cung Sống giản đơn nhưng sắc thái kiêu hùng Bình thuận tỉnh, đệ huynh đều kính mến. Không phung phí của Đàn na tín thí Từng hạt cơm, hạt đậu cả hạt mè Quần áo thì vài ba bộ che thân. Ngày ba bữa cháo rau cùng tương đậu. Thời khoá biểu Ngài luôn thường nhắc nhở
11/08/2021(Xem: 7189)
Toàn tập Kinh Tạng Nikaya cho Iphone & Ipad (cảm ơn TT Tâm Hải đã gởi tặng, mời đại chúng vào download để đọc kinh Tạng)
04/08/2021(Xem: 6659)
Sông Thạch Hãn, Ngân Thiền Tâm Mộ Phật. Chốn Trà Trì, Gương Học Hạnh Xuất Gia. Nhỏ Tầm Chơn, Quyết Chí Xa Thế Tục. Khoác Áo Nâu Sòng, Học Lối Thích Ca. Chào Song Thân, Xứ Bảo Lộc Quê Nhà. Nương Thầy Tổ, Giữ Gìn Tâm Hướng Đạo. Mùi Kinh Kệ, Tháng Ngày Xông Cõi Tịnh. Thuộc Luật Nghi, Từ Góc Hạnh Trăng Sao.
26/07/2021(Xem: 8134)
Hòa thượng thế danh là Nguyễn Minh Có, pháp danh Huệ Đạt, pháp hiệu Hoàn Thông, sinh năm Đinh Tỵ (1917) triều Khải Định năm đầu, tại ấp Hội An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, trong một gia đình nông dân nghèo. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Phuông, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sửu, Ngài mồ côi cha lúc 13 tuổi. Thiện duyên đưa đến cho hạt mầm Bồ đề trong tâm Ngài phát triển. Năm 1930, trong thân tộc có ông Hồ Trinh Tương, gia tư khá giả, phát tâm phụng sự Tam Bảo, xuất tiền của xây một ngôi chùa, lấy hiệu là Hội Thắng Tự. Ông xuất gia đầu Phật, húy là Tường Ninh, pháp danh Đắc Ngộ, pháp hiệu Niệm Hưng và làm trú trì chùa này để hoằng dương đạo pháp. Ngài được thân mẫu cho phép xuất gia với Sư cụ trú trì chùa Hội Thắng khi vừa mồ côi cha, được ban pháp danh Huệ Đạt. Năm 16 tuổi (1933) Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa Di.
12/07/2021(Xem: 4168)
Trăm Năm Cõi Mộng Phù Hương, Vọng Lời Kinh Phật, Mở Đường Pháp Sinh. Lời Thầy Còn Đọng Chút Tình, “Sông Bờ” Ai Đợi, Dáng Hình Trí Yên. Quê Quảng Bình, Dấu Phật Thiên. Nuôi Mầm Học Hạnh, Giãi Niềm Gia Lai. Thầy Dụng Võ, Ngọc Liên Đài, Thâu Lời Kinh Luận, Bỏ Ngoài Tục Danh.
26/06/2021(Xem: 4099)
Quên sao được những ngày đầu nhập đạo Quỳ trước Thầy con phát nguyện xuất gia (1) Cuộc đời con nay đã được an hòa Sống giải thoát trong tình thương Thầy, bạn Nương Chùa Tỉnh (Pháp Bảo) thăng hoa từng ngày tháng Từ học hành đến tu tập nâng cao Từng trải nghiệm với Phật Pháp nhiệm mầu Hành tinh tấn chuyển hóa nhiều nghiệp lực Sống vị tha khiêm cung tròn phước đức Học hạnh Thầy dung nhiếp độ chúng sanh Viện Huệ Nghiêm, Vạn Hạnh chưa viên thành (2) Đường phụng sự tham gia Đoàn Xã Hội (3) Nhưng tu hành Thầy khuyên đừng nên thối Tinh tấn lên nhân quả rất công bằng Việc sẻ chia thực hiện hết khả năng Đời ý nghĩa mang niềm vui dâng hiến Đức hài hòa của Thầy luôn thể hiện (4) Tròn vai trò Hội Chủ suốt nhiều năm Lòng của Thầy trong sáng tợ trăng rằm Quyết độ tận chúng sanh vơi đau khổ !!! Chùa Pháp Hoa, 26/06/2021 Thích Viên Thành
22/06/2021(Xem: 13203)
Lời thưa của người kết tậpNhững khi nhắc chuyện Chùa xưa, Mẹ thường kể “… Sau ngày Ông Ngoại bị liệt, Ôn Đỗng Minh hay thăm hỏi, và dặn các học trò thường xuyên lui tới săn sóc…” Tôi biết vỏn vẹn chỉ chừng ấy về Ôn, vậy đã là quá nhiều! Tập san Hoa Đàm số 12 này được kết tập và phát hành nhân ngày Kỵ, phần lớn nội dung bài vở, hình ảnh đã có trong tập Kỷ yếu Tưởng Niệm Ôn (viên tịch ngày 17.06.2005 | 11.05 năm Ất Dậu) do hàng Đệ tử của Ôn thực hiện trước đây, và một ít từ trang nhà Quảng Đức (https://quangduc.com/) của Thầy Nguyên Tạng biên tập, cũng như Pháp Tạng (http://phaptangpgvn.net/vie/) do Thầy Tâm Nhãn phụ trách.
21/06/2021(Xem: 5897)
Kính mời quý vị tham dự lễ húy kỵ Hòa Thượng khai sơn chùa Pháp Hoa, thượng NHƯ hạ HUỆ vào Chủ Nhật 27/6/21, và khóa an cư Kiết Đông từ ngày 4 đến 10/7/2021 theo chương trình như sau: 1.Lễ húy kỵ Hòa Thượng khai sơn: Chủ Nhật, 27/6/21: 8:00am: Phật tử công quả phước điền, 9:00am: Tụng kinh, niệm Phật. 10:30 am: Lễ Húy Kỵ Hòa Thượng Khai Sơn: (Có chương trình riêng). 12:00pm: Cơm chay đạo vị. 2.Lễ kiết giới an cư: Chủ Nhật, 4/7/21: 8:00am: Chư Tăng Ni và Phật tử câu hội và ổn định chổ ở. 9:30am: Lễ khai mạc, công bố nội quy tu học, và Lễ kiết giới tràng, 11:00am: Quá đường, ngọ trai và Lễ Xả giới tự tứ ngày Thứ Bảy 10/7/2021.
18/06/2021(Xem: 8763)
Mười tuổi không may mất mẹ cha Cư tang hiếu kính vẹn tình nhà Ân sâu dốc trả tâm quy đạo Nghĩa nặng mong đền chí xuất gia Phật Pháp tinh thông an lạc hiện Thiền Kinh quảng lãm não phiền xa An Ban Thủ Ý vui nguồn sống Lục Độ Tập Kinh toả đức hoà.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]