Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bút Ký: Thầy Nguyên Kim và Tôi

07/08/201813:43(Xem: 5290)
Bút Ký: Thầy Nguyên Kim và Tôi
 
 
THẦY THÍCH NGUYÊN KIM VÀ TÔI
 
Bút ký Nguyễn Nguyên An

 

 

Được tin ba của thầy hấp hối, thầy Nguyên Kim vội vã thu xếp hành lý, kịp mua một vé máy bay đắt tiền bay về Tân Sơn Nhất, hôm sau về Huế - Việt Nam, thầy sợ không gặp mặt ba trước phút lâm chung, tiễn ba về cõi vĩnh hằng. Là một Thượng tọa Giáo thọ ở nước ngoài nhưng thầy cũng là con trai trưởng của ba, anh đầu các em, chuyện hiếu đạo, chuyện tu hành, tình huynh đệ sư môn, đạo thầy trò bằng hữu nơi ở, nỗi nhớ ba, nhớ nhà, nhớ Huế, nhớ bạn canh cánh bên lòng. Thầy còn nhớ những ngày về miền quê xa xôi của Miền Trung làm từ thiện, đem niềm an vui và Phật pháp đến với mọi người có duyên với đạo Phật. Đây là món qùa đặc biệt và giá trị nhất mà thầy hằng mong mỏi hiến tặng Phật tử, giúp họ an tâm, hiểu lời Phật dạy, áp dụng vào đời sống để có hạnh phúc bây giờ và mai sau. Bởi vậy, dù nơi ở của thầy là chùa Cổ Lâm, Seattle, WA.USA khí hậu mát mẻ, không gian yên tịch nhưng thầy vẫn phải chong đêm thức suốt canh dài.

 

Trưa ngày 25 tháng 6, thầy đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất lúc 1 giờ đêm ngày mới. Sài Gòn của mấy chục năm trước, khi thầy đang sinh viên Đại học Vạn Hạnh. Thời đó, đất nước còn phân chia, sự xô bồ, phồn tạp và tráng lệ của Sài Gòn không cám dỗ được một tăng sĩ trên đường học đạo. Thầy về chùa của một bạn đồng tu nghỉ lại, 5 giờ sáng mai quay lại Tân Sơn Nhất về Huế. Duyên lành, trên chuyến bay thầy gặp được 5 vị thầy ra Huế, họ cùng về nhà thầy thăm ba thầy và làm Lễ cầu nguyện cho ba thầy được an lành. Không ngờ kết quả quá tưởng tượng, Huế tháng 6 trời hầm hập lửa, nhưng ba thầy qua tai biến, bình phục. Ba thầy ở tuổi 95 thượng thọ, có thể ra đi bất cứ ngày nào vẫn hợp đạo trời, nhưng đây ông tươi vui khi gặp con cháu, hằng niệm Phật. Thương ba, thầy lắp cho ba một máy điều hòa. Ban đêm đứa con trai 72 tuổi nằm bên cha già canh giấc cho ba, khi thì xoa dầu, khi xoa bóp tay chân, đợi ba ngủ êm, thầy mới thiếp vào giấc ngủ chập chờn. Sau nầy thầy thuê một người giúp việc, một chị Y tá nghỉ hưu, người giúp việc không quen thức khuya, thầy vẫn phải thức và ngủ bên cạnh ba cho đến khi ba khỏe ăn, ngủ được, thầy mới về Mỹ, ở chùa thầy còn giảng dạy Phật pháp hằng tuần cho Phật tử.

 

Năm nay tôi gần 60 Hoa Giáp, qua gần hết chặng đường làm người vẫn lận đận, chung sống với bệnh tật. Suốt mười mấy năm, tôi chung sống với đau đầu, trở trời đau, đọc nhiều đau, viết nhiều đau... Tôi uống nhiều thuốc, thiền, niệm Phật, vẫn đau! Tôi sống nhờ vào đồng lương tháng ít ỏi của vợ giáo viên cấp I. Hồi, tôi bị mờ dần mắt phải. Bác sĩ cho mổ, tôi không có bảo hiểm y tế, không được mổ miễn phí, mổ tư hết hơn hai tháng lương của vợ, trong khi cả nhà tôi chật vật. Tôi làm đơn xin đủ nơi, nhưng không nơi nào giúp tôi có con mắt sáng để làm việc. Tôi không thể nghỉ viết, đã làm người tất phải làm việc, phải cày cho trọn kiếp người! Đây là nghiệp con tằm vắt kén, vắt tim óc mình được gì thì gì. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến, đọc: “Nỗi Lòng Người Nghèo” của tôi trên Web vanchuongviet.org, ông vừa khóc vừa đi ra bưu điện gửi cho tôi 1 triệu đồng và nhờ Khoa Măt Bệnh viện Huế … Tôi có con mắt đọc và viết.

 

Một hôm, tôi la cà tìm mua sách báo cũ vỉa hè, tôi gặp e.mail in bìa bốn một cuốn thơ nội dung giảng dạy Phật pháp, vì không đủ tiền mua, tôi ghi lại cái e.mail ấy. Không biết thầy ở đâu trên trái đất này, nhưng qua điện thư tôi chạm vào tấm lòng của một Bồ tát là thầy Nguyên Kim. Thầy Nguyên Kim (Thích Tâm Không) hồi nhỏ học Quốc Học Huế. Thầy đi tu, đi dạy các trường Trung học Bồ Đề các tỉnh miền Trung và Giáo thọ ở hải ngoại khai thị pháp môn Tịnh độ đến hơn nửa thế kỷ.

 

Do quá trình huân tập, tu học trong nhà Phật và hoằng pháp lâu dài, thơ của thầy thấm nhuần đức từ bi, hạnh Bồ tát. Hầu hết thơ của thầy mang hơi thở Thiền, hiền từ khiêm cung, tự tại như lối sống của một nhà sư trí thức thời nay. Khi thầy viết về một đóa Hồng Liên cũng đạt tự tại an nhiên:

 

Hồ xanh nước tịnh lắng trong

Thanh thoát vươn lên cánh sen hồng.

Một đóa Hồng Liên thơm bát ngát

Lung linh theo gió hiện sắc không

 

Và, rất nhiều bài thơ của thầy thấm đẫm pháp môn Tịnh Độ. Đạo Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, từ thiền rỗng lặng, trừng tâm, đốn ngộ đến tụng niệm tiệm tiến. Chúng sinh tùy căn cơ, hoàn cảnh, tùy duyên tìm cho mình một pháp môn phù hợp, mỗi người mỗi phương tiện nhanh, chậm, ai cũng có thể tu chứng vãng sanh thế giới cực lạc nếu nhất tâm niệm Phật A Di Đà. Một Giáo thọ Phật giáo pháp môn Tịnh Độ nên thơ thầy luôn bàng bạc Tịnh Độ:

 

...Nhất tâm trì niệm hồng danh Di Đà.

Từ em bé đến người già

Người khôn ngoan kẻ mù lòa tối tăm

Bao gồm thập loại chúng sanh

Tín tâm phát nguyện vãng sanh liên trì

Nương bổn đại nguyện A Di

Thuyền từ tiếp dẫn đưa về Tây phương.

Thoát vòng sanh tử vô thường

Vượt qua biển khổ sáu đường trầm luân

Tây phương cực lạc hưởng phần...

 

Thầy ở nhà túc trực chăm sóc cha già, thi thoảng được lời mời của các chùa, Đạo tràng trong ngoài tỉnh, thỉnh thầy đến thuyết giảng. Trưa ngày 30 tháng 07 năm 2011 Đạo Tràng Ba Mươi - chùa Tây Lộc mời thầy, tôi tháp tùng thầy phụ lễ, phát kinh sách. Đúng là một Giáo thọ dày công phu tu học, thuyết giảng, cung cách thầy gần gũi, thân tình, giảng hơn tiếng rưỡi vẫn tươi vui, linh động, ở tuổi 72 ít ai có được khí sắc và thao thao giảng như thầy. Đạo tràng Ba Mươi có nghĩa tối như đêm ba mươi, nhờ công phu tu tập Đạo tràng sẽ sáng như rằm, thầy đã đem ánh sáng niệm Phật khai thị cho anh chị em trong Đạo tràng ai cũng hoan hỷ. Khi thầy giảng Ngài A Nan không vào được trong buổi Kiết tập vì chưa chứng A La Hán, mặc dù ngài thông thuộc tất cả lời Phật dạy. Ngài ngồi thiền suốt đêm đến sáng mai mới ngộ và vào tham gia đại hội Kiết tập kinh điển. Nếu không có Đức Phật và A Nan, thế gian không có kinh tạng nhà Phật. Tôi được biết, tất cả các vị đại đệ tử của Đức Phật thời ấy đều đắc quả vị Phật trong tiền kiếp, cũng như Thái tử Tất Đạt Đa đi tu là Bồ tát rồi. Có lẽ Ngài A Nan chưa A La Hán, là ý muốn dạy chúng sinh phá chấp BIẾT. Cũng như ngài Thần Tú  viết bài kệ:

 

Thân là cây Bồ Đề,

Tâm như đài gương sáng,

Luôn luôn siêng lau chùi,

Chớ cho dính bụi trần

 

Ngài Thần Tú quá thông tỏ kinh tạng, chấp Biết, chấp công phu. Lục tổ Huệ Năng tám tháng xay gạo kiến tánh làm bài kệ đắc pháp, được Ngũ tổ biệt truyền y, bát:

 

Bồ đề vốn chẳng cây,

Gương sáng cũng chẳng đài,

Xưa nay không một vật,

Nơi nào dính bụi trần?

 

Tôi khóc khi thầy giàng đoạn này, vì chính tôi thiền hơn bốn mươi năm nhưng chấp mình tài hoa hơn người nên bị Tẩu hỏa nhập ma. Thầy giảng đến đoạn thầy vào Đạo Tràng Bồ Đề Ấn Độ (thánh địa Phật giáo) thầy tụng Sám Nguyện: đến “Đệ từ chúng con từ vô thỉ. Gây bao tội ác bởi lầm mê...” thầy đã bật khóc bởi gần ba ngàn năm mới được gặp Phật. Tôi cũng khóc khi nghe đến đoạn này. Tôi thường tụng kinh và khóc do cảm lời dạy của Phật. Hóa ra, tôi có đôi chút giống thầy. Thầy cũng cho biết, ngay trong Đạo Tràng Bồ Đề trước oai linh của Đức Phật các tôn giáo, giáo phái, tu sĩ đồng xả lòng đố kỵ, ai theo phương tiện gì tu chứng đều được tôn trọng. Hồi 15 tuổi, chưa đi tu thầy đã ăn chay trường, thầy gieo nghiệp thiện cho mẹ, mẹ thầy thấy thầy ăn chay một mình mẹ thầy cũng ăn chay.

 

Giảng xong, thầy bắt bài hát, cả đạo tràng cùng hát:

 

Lời qua tiếng lại, giải quyết chi đâu

Sao không dừng lại, kẻo hố thêm sâu

Lời qua tiếng lại, đưa ta tới đâu

Sao không niệm Phật, mỉm cười nhìn nhau

 

Đạo tràng mời thầy ăn khoai, sắn, thầy ngồi xuống bóc ăn ngon lành. Tôi cũng xúc động trước tình cảm, công phu hoàng pháp của thầy. Thầy bay qua Thái Bình Dương từ Mỹ về đây hoằng pháp, gặp ai thầy cũng bố thí pháp, tặng kinh sách, xâu chuỗi niệm Phật, cho tiền, có lần thầy cho chị Thái Huề 500.000 đồng, chị Minh Phúc Đoàn tưởng Đoàn Nữ Phật tử Thanh Tuệ 1.000.000 đồng để các chị làm từ thiện và mua vở, viết cho các em học sinh nghèo. Thầy gặp một chị chai bao, thầy cho tiền và khuyện chị niệm Phật. Chị nói: “Con có bốn đứa con làm răng niệm Phật”... Vậy mà thầy ăn khoai quê nhà một cách ngon lành, vô ưu như thế. Tôi, lại được theo thầy đến 02 cơ sở trung tâm Dưỡng Lão Tịnh Đức và cơ sở Dưỡng Lão của chùa Diệu Viên giảng Tịnh Độ cho các cụ đang được các nhà chùa nuôi dưỡng. Thầy đem theo ít dầu Phật Linh, sữa và một bữa ăn tặng các cụ.

 

Chùa Diệu Viên (1923), tọa lạc trên ngọn đồi phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, Huế. Được vua Bảo Đại sắc phong Sắc tứ Diệu Viên Sư nữ Tự. Chùa trùng tu, mở rộng vào các năm 1929 và 1953. Chùa cách trung tâm Huế khoảng 5 km, vào tuổi lục tuần tôi mới đến ngôi chùa nữ xưa cổ của Huế. Các ni chúng đang tụng một thời kinh trong Trú dạ lục thời. Tôi tham quan chùa và niệm Phật. Huế có hơn 400 ngôi chùa, đa số chùa nào cũng thanh tịnh, cổ kính, lắng mọi phiền trược phố chợ. Đến chùa Từ Hiếu tôi bàng hoàng:

 

Chuông đồng tiểu giộng ngân vang

Con chim sâu nhỏ bàng hoàng đứng im

 

Vào chùa Đông Thiền, thơ của sư bà khắp đó đây, hình như ẩn tàng trong gốc cây ngọn cỏ, tôi viết:

 

Lạc vào Đông Thiền

Một cõi tịnh yên

Xưa đã vô duyên

Nay xin đảnh lễ

 

Đến Diệu Viên tôi lại cảm khái:

 

Một lần đến với Diệu Viên

Nghe kinh lòng xả sạch triền phược bay

Lung linh, mắt biếc, tóc này

Đã dâng Tịnh Độ, kiếp này rỗng không

 

Sư cụ Thích Nữ Hướng Đạo (TNHĐ) sáng lập chùa vào năm 1923, lúc đó chỉ là một thảo am. Sư cụ có thế danh là Phan Thị Huệ sinh năm 1905, con gái của ông Phan Đình Ngân và bà Quách Thị Hảo. Mẹ của sư cụ xuất gia thọ Tỳ-kheo-ni Bồ-tát giới, pháp danh Tâm Nhàn, tự Diệu Nhẫn, hiệu Liên Khai. Sư cụ có năm anh em, hai người anh xuất gia. Trong quá trình tu học điều có sở đắc: Ngài Thích Kim Cang và thầy Thích Như Hải. Năm sư cụ 18 tuổi (1923), cô tìm đến chùa Từ Hiếu Quy y với Ngài Huệ Minh và xin thế phát xuất gia thọ giáo với Ngài Huệ Pháp ở chùa Thiên Hưng. Lúc đó, Huế chưa có chùa sư nữ, ni xuất gia đầu tiên bên nữ, nên phải tạm tá túc chùa Từ Hiếu. Khi túc duyên đến, ni cô gặp cụ bà Hồ Thị Thể Anh (tức là cụ Ưng Dinh). Sau đó, hai vị tìm chỗ yên tĩnh hợp nữ tu lập chùa, dạo đó chỉ am tranh nhỏ, qua thời gian dài tu tập, công phu hoằng pháp, trùng tu chùa Diệu Viên to rộng, cổ kính, hiện đại, hoành tráng như hôm nay. Kế tiếp sư sụ TNHĐ là sư bà Thích Nữ Chơn Thông, một trong bốn đại đệ tử của sư cụ. Sư bà viên tịch năm 1990, sư bà Thích Nữ Chơn Nguyên lên thay. Hiện nay, đương kim trú trì chùa Diệu Hỷ và Diệu Viên là sư bà Thích Nữ Chơn Hiền.

 

Năm (1959) nhân khi thấy dân chúng vùng này nghèo khó, nhà chùa mở Bệnh Xá để khám bệnh bốc thuốc, do các Ni cô đảm nhiệm. Đến năm (1960) Ni trưởng TNHĐ thấy các cụ già yếu đuối cô đơn, bệnh tật nên mở Dưỡng Lão đường để các bà có nơi an dưỡng tu niệm. Giữa năm (1962) Ni trưởng mở trường sơ học miễn phí để giáo dục con em trong xóm có chỗ học hành. Theo truyền thống từ xưa, hiện nay chùa Diệu Viên có Trại Dưỡng Lão, nuôi dưỡng các cụ, mẹ neo đơn cho đến khi qua đời. Đã có 02 cụ qua đời, nhà chùa mua đất, 15 triệu đồng một mộ phần, lo an táng chu đáo. Hiện đang có 22 cụ, mẹ, mỗi cụ, mẹ ngày 3 bữa, một tháng 150.000 đồng. Các cụ ốm đau, nhẹ thì chùa cấp thuốc, nặng lên Tuệ Tĩnh Đường chữa trị miễn phí cho đến lúc khỏi bệnh. Liền kề bên Trại Dưỡng Lão là Trường Mẫu Giáo Tình Thương, hiện đang có 160 cháu từ 3 đến 5 tuổi. Trường khang trang sạch đẹp đúng tiêu chuẩn giáo dục. Cơ sở này được thầy Châu Trọng Ngô cựu giáo chức và một số phụ huynh hỗ trợ, đóng góp từ thiện. Trung bình một cháu 220.000 đồng/ tháng, có 10 cô/ 1 lớp 2 cô, lương các cô từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng. Bên cạnh trường mẫu giáo là Trung tâm học tập GFO - Diệu Viên (GentreFund Organization) để dạy Anh Văn - Vi tính – Toán Lý Hóa miễn phí 100% cho con em quanh vùng. Ngoài ra, nhà chùa còn làm hương, làm bột sắn dây, bánh in để cải thiện đời sống của các cụ, mẹ và ni chúng gồm 40 nữ tu. Tôi có gặp cụ bà Phùng Thị Hường, 91 tuổi, bà vui cười món mém, nói: “Ở đây vui, ăn uống đầy đủ”, bà Dương Thị Cầm, ở Nam Dương, xã Tây Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, bị liệt tay, tâm sự: “Ở đây thong dong hơn ở nhà, ăn ngày ba bữa, ai quyét dọn thì quyét dọn, ai nhổ cỏ thì nhổ cỏ, mệt thì nằm, tối thích tụng kinh thì tụng kinh”  Xuất phát lòng từ bi khiến toàn thể ni chúng chùa Diệu Viên phát tâm, nhất lòng kiến tạo, duy trì, quản lý và điều hành ba cơ sở, trung tâm từ thiện từ xưa cho đến hôm nay và mãi mãi đến mai sau. Quý ni chúng đã và đang phát hạnh nguyện Bồ Tát.

 

Những ngày ở Huế tôi thường đi đây đó làm việc thiện cùng thầy. Thầy thường nói: “Mình tiết kiệm để có tiền cho người ta, khuyên họ niệm Phật”. Hôm ở chùa Phước Duyên, Đoàn Phật tử Thanh Tuệ đợi thầy giảng Tịnh Độ xong, mới phát vở, viết cho các em sinh viên, học sinh… Tôi và thầy định ra về, thầy nghe có một số em nghe tin thầy đến, tập trung vào chùa nghe giảng không có quà, thầy quay lui phát cho 24 em, mỗi em 50.000 đồng để mua vở, viết. Nhiều em mừng vui đến rớm nước mắt. Với riêng tôi, thầy cũng chỉ dạy, khuyên tôi niệm Phật. Nghe tôi ăn chay trường và có một thảo am để tự tu, thầy lên thăm. Thầy mua cho tôi 02 thùng mì chay, một thùng khi thầy nghe vợ tôi đi Đà Nẵng chỉ để lại cho 05 ngày ăn của tôi 50.000 đồng một thùng và khi thầy chuẩn bị về Mỹ. Lên thảo am của tôi, thầy gõ chuông mõ, dạy tôi nghi thức tụng niệm. Mấy năm trước, bên vợ tôi hỗ trợ cho gia đình tôi một ngôi nhà khác để cho con sau của tôi. Ngôi nhà nằm trên đồi, gần trường học, bãi tha ma, phía xa có núi Kim Phụng án ngữ, cách nhà cũ 1km5. Tôi thích cô tịch, tối tối lên ngủ trông coi. Mỗi tối, tôi được im lặng, được một mình không nói chuyện với ai và hít thở không khí trong lành cho đến chín giờ hôm sau mới “hạ san”. Ngày, được một mình hít thở không khí cả ngọn đồi, đi hái củi, nhặt phân trâu bò vương vãi thật thanh thản, bớt đau đầu và cũng bớt sân, si, ham muốn, bon chen... Ai sáu mươi tuổi mới biết quý lao động tay chân, không khí và sự yên tĩnh. Ngôi nhà tôi đang ở là nơi sinh sống, làm ăn, quan hệ, học hành, chia sẻ buồn vui với xã hội. Ngôi nhà trên đồi là nơi tu dưỡng, thờ cúng, mặc khải, cõi phúc lạc của tôi. Nơi tôi thỉnh thầy lên, mong được thầy chấp thuận tôi là học trò.

 

Thầy cùng tôi đi uống nước mía giải khát, hai thầy trò uống bốn ly nước mía 20.000 đồng, thầy thấy mấy em bán vé số, thầy mua giúp cho 10 vé 100.000 đồng, đem cho tôi và các Phật tử quen thầy, gặp bất kỳ ai bán vé số thầy cũng mua vài vé và cho họ 1 vé quy ra tiền. Đến nhà in của cô Hằng thầy in thơ, phô tô cuốn Niệm Phật Vãng Sanh để khi đi giảng thầy tặng anh, chị em Phật tử trong đạo tràng. Thầy thường nói: “Cho người niềm vui, mình cũng vui. Khi vui trong lòng thì quên hết mệt nhọc khó khăn”. Hai thầy trò đi làm việc thiện, nhiều hôm nắng nóng, bụi đường, tiếng động ồn áo… mệt nhoài, thầy động viên tôi như thế làm tôi khỏe lên. Tôi làm một bài thơ tặng thầy với lòng yêu kính:

 

KÍNH TẶNG THẦY NHỮNG NGÀY Ở HUẾ

 

 Một mình vượt một đại dương

Vượt ngàn nỗi nhớ tình thương quay về

Vu Lan mẹ đã về quê

Quy y Tịnh Độ nguyền thề đã xong

Mẹ chừ Cực lạc thong dong

Cha còn nằm bệnh long đong tháng ngày

Lòng từ con vẫn đong đầy

Vẫn tròn Giáo thọ, vẫn xây hạnh thiền

Cấp vở, giảng đạo Phước Duyên

Mời cơm, tặng sữa, Diệu Viên chu toàn

Chùa Tây Lộc ăn sắn, khoai

Phú Lâu thọ Bát Quan Trai Đạo Tràng

Thầy đi khắp cõi thế gian

Không quên xứ Huế trăng vàng Vu Lan

 

Huế, ngày 19 tháng 08 năm 2011

 

Thầy tâm sự với tôi rằng: “Khắp nơi trên thế giới, ở đâu cũng có những người làm việc từ thiện, những người có lòng nhân từ bác ái muốn giúp đỡ những người khốn cùng nghèo đói bệnh tật hoặc đang gặp tai họa kém may mắn hơn mình.... Nhưng không có một quốc gia nào mà có nhiều người làm việc từ thiện như ở Hoa Kỳ và hơn thế nữa Hoa Kỳ đã có những nhà đóng góp vào quỹ từ thiện với số tiền kếch sù nhiều nhất không có một ai ở nước khác sánh bằng. Từ thiện là nét đẹp lương tâm cộng đồng Hoa Kỳ, từ thiện là triết lý công bằng xã hội của quốc gia có một nền tự do dân chủ tiền tiến nhất trên quả đất này. Ở Hoa Kỳ tôi dành nhiều thì giờ hoạt động trong công tác từ thiện, tôi nhận thấy nhiều người Hoa Kỳ đều cho rằng làm việc từ thiện là món trang sức đẹp nhất của con người và hầu hết người Hoa Kỳ đều hân hoan công nhận: thước đo giá trị của con người là lòng từ thiện. Có hơn một triệu tổ chức, cơ quan hội đoàn từ thiện lớn nhỏ khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ, hoạt động quanh năm. Theo tài liệu của Hội Cố Vấn Gây Quỹ Hoa Kỳ (American Association of Fundraising Counsel) năm 2005 người Mỹ đã đóng góp vào quỹ từ thiện hơn 261 tỷ đô la, trong số này tư nhân đã đóng góp 200 tỷ đô la, ước lượng mỗi gia đình đóng góp 2.2% số lương bổng mang về nuôi sống gia đình, sau khi đã khấu trừ tiền bảo hiểm và thuế. Hoa Kỳ thật là một xã hội đầy những người có tấm lòng quảng đại nhân ái! ” Trong đất nước Hoa Kỳ lộng lẫy mạnh mẽ và đất nước Việt Nam tươi đẹp đã và đang có thầy Thích Nguyên Kim (Thích Tâm Không). Thầy cũng là một Nhà từ thiện vừa là một Thượng tọa đang hành hạnh nguyện Bồ tát. Thầy thường làm thơ, thơ của thầy là một phần thơ dạy pháp môn Tịnh Độ, đọc thơ thầy cũng như gặp thầy, một lần vinh dự nghe thầy thuyết pháp về niệm Phật. Kinh điển nhà Phật vô cùng bao la, thâm sâu, ảo diệu… nhưng thời mạt pháp này chúng ta nghe lời dạy của thầy, nhất tâm hằng niệm hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật vẫn vãng sanh thế giới Cực Lạc. Riêng tôi, tôi được thầy khai thị từ đức khiêm cung, từ sự giản dị và tâm Bồ Tát của thầy. Tôi vừa quay đầu lại đã thấy bờ, trên dòng sông sinh tử thầy đang chèo thuyền Bát Nhã độ chúng sanh bằng pháp môn niệm Phật.

 

Nam Mô A Di Đà Phật

 

N.N.A

 

 

Địa chỉ liên lạc: NGUYỄN VĂN VINH (NNA) - 50 Trần Thái Tông, Huế -Tel: 01688971486

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/07/2024(Xem: 1909)
Giáo sư Cao Huy Thuần - tác giả nhiều sách như "Thấy Phật", "Nắng và hoa", "Khi tựa gối khi cúi đầu" - mất ở tuổi 87, tại Paris, Pháp. Ông Cao Huy Hóa, em trai Giáo sư Cao Huy Thuần, thông báo ông mất lúc 5h ngày 8/7 (giờ Hà Nội). Hòa thượng Thích Hải Ấn - Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế - cho biết chờ thông tin từ gia đình, sau đó sẽ tổ chức buổi tưởng niệm giáo sư. Ông từng thỉnh giảng một số chuyên đề tại học viện.
28/06/2024(Xem: 1252)
Cung trời cũ, Thầy ung dung dạo bước, Chốn Hồng Trần, xin tạm gác niềm thương. Như Huyền nhiệm, đến đi trong tự tại. Diệt tang bồng, soi ảnh độ Tây phương. Thầy lặng lẽ, như hành thâm đại nguyện. Pháp Đại Bi, mật trú dạ Huân tu. Trong thiền thất, Thầy an nhiên thiền tọa. Thở và cười, chốn Bát Nhã Chơn như.
24/06/2024(Xem: 1565)
Đúng vậy! Tôn Sư Trưởng lão Hòa Thượng thượng NHƯ hạ HUỆ, Nguyên Hội Chủ và Chứng Minh Đạo Sư GHPGVNTNHN UDL-TTL, Phương trượng Chùa Pháp Hoa SA. Với 70 năm tu tập, 60 phục vụ PGVNTN tại quê nhà và hải ngoại, đã giáo dục, đạo tạo nên nhiều Tăng Ni và Phật tử tài giỏi, biết hy sinh bản thân để cống hiến cho đạo Pháp và dân tộc cũng như hết lòng phụng sự chúng sanh. Nhờ tấm lòng từ bi, với đức tánh hài hòa, nhẫn nại, bao dung rồi thâm nhập Phật Pháp. Từ nền móng đó, Phật giáo đồ và Giáo hội ở Úc đã nhiều nhiệm kỳ cung thỉnh Ngài làm Hội Chủ, đã giáo dưỡng nên nhiều đệ tử biết rõ cuộc đời là vô thường, khổ, để không chạy theo sự sanh diệt của thế gian, lánh xa ngũ dục, tìm cách diệt khổ vươn lên và phụng sự đắc lực cho cuộc đời, tạo vô vàn Phước Đức.
22/06/2024(Xem: 1378)
Có người, khi thấy tôi thường nhắc nhở, ca ngợi Hoà Thượng Thích Như Điển, cho rằng, tôi…nịnh Hoà Thượng. Trời, nếu hiểu theo nghĩa “nịnh” thì mục đích để cầu danh hay lợi gì đó. Muốn có danh đâu phải dễ. Giữa hai hạt, kim cương và hòn sỏi đặt dưới bóng đèn sẽ soi rõ bản chất của nó, không thể nhờ chiếu sáng mà sỏi thành ra kim cương được. Con người cũng thế thôi, bản thân chẳng ra gì có đứng bên người tỏa hào quang thì vẫn thấy cái dở của người đó. Còn lợi thì càng buồn cười hơn. Người tu vốn vào cửa...không, Phật tử phải đắp cho...có. Ở đó mà cầu lợi.
01/06/2024(Xem: 1934)
Từ khi mở đất, khai hoang, lập ấp vùng đất mới, Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558-1613) đã để ý đến việc lập chùa và lấy Phật giáo làm nơi nương tựa tinh thần cho việc lập quốc của dòng họ Nguyễn. Theo truyền thống đó, các chúa Nguyễn đều sùng thượng đạo Phật và mời các vị danh tăng Trung Quốc đến Đàng Trong hay vùng Nam Bộ ngày nay để hoằng hóa. Thế kỷ XVII ghi nhận có mặt của các Thiền sư Trung Hoa (Nguyễn Lang 2008):
31/05/2024(Xem: 2567)
Sa môn Endo Mitsunaga (Giáo thọ A-xà-lê Quang Vĩnh Viên Đạo, 光永圓道阿闍梨), sinh năm năm Ất Mão (1975) tại Kyoto. Năm Canh Ngọ (1990), thiếu niên tuổi 15, Ngài xuất gia thụ giới Sa di tại Myoo-do Hall ở Mudojidani, Mt. Hiei. Năm 1997 Ngài tốt nghiệp chuyên khoa Phật học tại Đại học Hanazono (花園大学).
28/05/2024(Xem: 3002)
Huế thường được mệnh danh là “Kinh đô Phật giáo” chẳng phải vì cảm hứng nghệ thuật hay cường điệu vẽ vời mà chính vì Huế có tới 332 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ, trong đó có khoảng 100 ngôi cổ tự. Các ngôi chùa ngày nay hầu như đều được trùng tu nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, căn bản mang đậm màu sắc văn hóa Phật giáo. Dẫu là dấu tích truyền thống của tôn giáo nhưng những ngôi chùa cổ của Huế vẫn tiềm tàng những giá trị tâm linh, văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô.
09/05/2024(Xem: 2646)
Nhị vị canh cánh bên nhau suốt cả cuộc đời. Nhị vị cùng tòng học với Ngài BÍCH LIÊN ( Bình Định) rồi nhị vị dấn thân ĐEM ĐẠO VÀO ĐỜI , mỗi vị mỗi phong cách, mỗi vị một vị thế khác nhau, nhưng mỗi vị đều trung trinh lý tưởng : Coi việc phụng sự Phật pháp như là việc Nhà ( Hoằng Pháp vi gia vụ ) Nhị vị trọn đời trung trinh “ Thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sanh.
07/05/2024(Xem: 2638)
Hòa Thượng thế danh NGUYỄN HƯỚNG, pháp danh TÂM HOÀN tự GIẢI QUY, hiệu HUỆ LONG, thuộc dòng thiền phái Lâm Tế đời thứ 43. Hòa Thượng sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tý (1924) trong một gia đình môn phong Nho giáo tại làng Phú Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giòng họ Nguyễn Phúc định cư dưới chân đồi Phốc Lốc tính đến đời Ngài đã trải qua 7 đời.Thân phụ là cụ ông Nguyễn Phúc Trì tự Tung pháp danh Không Đảnh, đích mẫu là cụ bà Trần Thị Kiện mất sớm, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Chiếu pháp danh Không Chiêu, ông bà đều là đệ tử quy y với Quốc Sư Phước Huệ trú trì Tổ Đình Thập Tháp Di Đà. Thân phụ Ngài là một Hương chức trong làng, một vị đồ Nho giỏi văn chương thi phú, tín ngưỡng tôn sùng Phật giáo, ông bà sống rất phúc đức nhân hậu với mọi người. Gia đình Hòa Thượng có mười anh em(5 anh em trai, 5 chị em gái) Ngài là con thứ tám. Người anh cả của Hòa Thượng tục danh Nguyễn Cao theo Pháp Sư Phổ Huệ vào Nam, sau đó ở lại định cư lập nghiệp tại Vĩnh Long, người anh th
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]