Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tôi Đi Bhutan

11/07/201808:54(Xem: 10160)
Tôi Đi Bhutan

TÔI ĐI BHUTAN

 

       Nói tôi đi Bhutan là nói cho vui, nghe như tiếng reo vui vậy! Thật ra chuyến đi Bhutan - Nepal - Ấn Độ của chúng tôi được HT MH đặt tên là chuyến Hành Hương Tâm Linh kết hợp với từ thiện ở Kathmandu. Trong bài này vì khuôn khổ của tờ Kỷ yếu nên chỉ xin kể về Bhutan.

       Như ta đã biết Bhutan là một quốc gia lấy Hạnh phúc làm chỉ số phúc lợi cho đất nước, nghe rất hay và lạ nên hiện giờ rất được các nước khác chú ý nghiên cứu. Muốn đến Bhutan không thể tự đi, vì Bhutan không khuyến khích người nước ngoài đến nước họ để khám phá, mà phải qua một travel agent, phải có chương trình rõ rệt.

       Chúng tôi đến Bhutan vào cuối trung tuần tháng ba. Trải qua một đêm dài nghỉ tạm ở phi trường Bangkok để đáp chuyến bay sớm lúc 6.30 am đến Paro, một thị trấn của Bhutan. Người ta, ai cũng háo hức chờ cho chuyến bay, bay ngang qua dãy núi cao nhất, nổi tiếng của thế giới, để được ngắm nhìn tận mắt dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ tuyệt vời, dưới ánh sáng rực rỡ của một ngày nắng đẹp. Chuyến bay của chúng tôi đã có được một ngày như vậy! Thế nhưng sau một đêm không ngủ ở phi trường Bangkok nên khi đã yên vị và máy bay đã cân bằng trên không thì tôi đã cảm thấy gật gù, và cứ thế tôi giữ mình trong trạng thái “thiền định” nầy trong một thời gian khá lâu, đến lúc cảm thấy có một sự xáo trộn nhẹ xung quanh, tôi mới vội “xuất thiền” để nhìn thấy hai bên máy bay (tôi ngồi ghế bên lối đi), những người may mắn ngồi bên cửa sổ và người ngồi bên cạnh đang áp vào cửa sổ máy bay, tất cả họ đều dùng smartphone để chụp hình, ai cũng mong sao lấy được những tấm hình đẹp nhất, trung thực nhất của dãy núi nổi tiếng nầy…Phút quan trọng rồi cũng qua, những hình ảnh chụp trực tiếp bằng smartphone đó cũng đẹp như những hình đẹp của rặng Himalaya mà ta vẫn nhìn thấy trên mạng hay ở những trang tạp chí…Và khi máy bay hạ cao độ chuẩn bị đáp, mặc dù có biết, tôi cũng không xem được máy bay vào phi đạo của phi trường Paro như thế nào, để thấy cái khéo léo chuyên nghiệp của các vị phi công Bhutanist, khi đưa máy bay lượn qua các khe núi vào phi đạo hẹp của Paro, để có thêm một trải nghiệm hồi hộp lo lắng, nên chi khi máy bay lịch kịch chạm đất tôi mới biết chuyến bay đã hạ cánh an toàn … thôi thì cũng vui, vì suốt chuyến bay chỉ thấy an lạc mà không có chút hồi hộp lo lắng nào. Tạ ân chư Phật, chư Bồ tát gia hộ!

      Đoàn chúng tôi gồm có 32 người, nhưng phút cuối, thiếu mất 2 người, vì 2 bạn đạo thân mến của chúng tôi ở Tây Úc, trước giờ ra phi trường đi Sydney để nhập đoàn, không may bị đụng xe và bị thương tuy không trầm trọng lắm nhưng cũng khiến cho 2 vị không thể xuất viện ngay để theo đoàn được.  Chúng tôi đến Paro khoảng 11 giờ trưa, chuyến bay mất gần 5 tiếng đồng hồ, đến nơi đã có 2 chiếc xe bus nhỏ chờ sẵn có 2 tài xế và 2 anh tour guide người Bhutan. Giao hành lý cho các anh sắp xếp, chúng tôi lên xe và sau đó được chào mừng bằng chiếc khăn quàng trắng trao tặng như một sự chúc lành. Ở đây, tôi có một nhận xét nhỏ đầu tiên khi mới giao tiếp với người Bhutan... lúc trao khăn, một người bạn đạo của tôi yêu cầu anh quàng khăn cho cô ấy. Anh trả lời rằng, anh không thể làm như vậy, vì quàng khăn cho một người lớn tuổi hơn mình hay có địa vị, vai vế cao hơn mình, đối với người Bhutan là không phải phép. Tôi cho như vậy là đúng và điều này chỉ thấy ở Bhutan, nơi khác không như vậy. Ngày đầu tiên, chúng tôi được đưa đi ăn trưa và nghỉ ở một khách sạn gần phi trường, những ngày ở Bhutan, các khách sạn chúng tôi trú ngụ đều là những nơi khá tốt. Chiều hôm ấy, chúng tôi được đưa đi thăm Buddha Poit là nơi có tượng Phật bằng đồng cao 51 mét, là một trong những tượng Phật cao nhất thế giới, toàn thân Phật được phủ vàng. Dưới ánh sáng mặt trời, bức tượng ánh lên rực rỡ cả một vùng trời. Chung quanh đó là những tôn tượng A La Hán cũng phủ một màu vàng như thế! Nghe nói đây là công trình quốc gia đắt tiền nhất từ trước tới nay và hoàn toàn do chánh phủ tài trợ. Trong lòng tượng có 125,000 tượng Phật nhỏ, và một Thiền đường. Tôi đã đến Buddha Poit, quanh quẩn nơi đây một lúc nhưng không vào nơi này vì không biết. Mặc dù, có thấy cửa vào nhưng không để ý, chỉ nghe nói khi đã trở về Úc. Thật rất tiếc!

Toi di Bhutan (1)Toi di Bhutan (1)Toi di Bhutan (2)Toi di Bhutan (3)

      Tôi đã đến nhiều tu viện ở Bhutan nhưng có một nơi mà tôi rất thích, bây giờ hồi tưởng lại thấy như là trong mơ, đó là Tu viện Taktshang Lhakhang (Tiger’s Nest). Là một Tu viện nhỏ, ở bên sườn núi cao rất nổi tiếng. Chắc ai trong chúng ta cũng biết tu viện này và mong có một lần đặt chân tới đó. Trước khi đến Bhutan, ngắm nhìn Taktshang Lhakhang qua sách báo hay trên mạng internet, tôi chỉ ngắm nhìn mà không bao giờ dám nghĩ có ngày mình sẽ đặt chân đến đó. Bởi vì tu viện ở quá cao, cheo leo trên sườn núi, có đến đó cũng không biết có thể lên đến trên cao đó không. Từ chân núi lên đến tu viện cao chừng 2152m có nơi ghi 3000m từ mặt nước biển. Chúng tôi rời khách sạn khi trời còn chưa rõ mặt, từ nơi đậu xe đi thêm một đoạn đường đất còn thấm đẫm hơi sương để lên ngựa, nhờ sức ngựa đưa giúp một đoạn đường núi cao. Theo tôi, ngựa đã đưa chúng tôi đi được khoảng 1/3 đường lên núi, đoạn đường này cũng đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc, vừa hồi hộp vừa thương cảm. Nước mắt người bạn đạo của tôi đã rơi suốt đoạn đường trên lưng ngựa. Thương cho thân phận của loài súc sinh, con vật hình như cũng cảm nhận được tâm tư con người (Tánh linh người vật cũng đồng, tuy không biết nói nhưng lòng biết nghe), nên nó cũng khụt khịt suốt cả đoạn đường. Khi chúng tôi cảm ơn, nói lời an ủi, hồi hướng công đức cho chúng thoát kiếp ngựa để chuyển thân người, chúng đều vểnh tai lên lắng nghe. Sau đó, chúng tôi tự mình đi tiếp một đỗi (tôi không nhớ đi mất bao lâu) thì đến một nơi như là trạm chuyển tiếp, nơi đây có chỗ để ngồi nghỉ chân, có trà sữa (trà sữa ở đây khá ngon) và có cả bánh ngọt. Tại nơi đây nếu có ai tự cảm thấy mình không đủ sức đi tiếp thì có thể ở lại nơi đó để chờ, còn ai có quyết tâm và biết mình đủ sức thì đi tiếp. Đoàn chúng tôi có những bô lão nam nữ đã 77 tuổi có hơn nhưng hùng khí vẫn tràn đầy nên mọi người tiếp tục lên đường, một người ở lại vì bệnh duyên, sợ làm trở ngại cho đoàn nên tự ý ngồi lại dù tôi thấy chị trông vẫn ổn. Đi một đỗi nữa, lúc nầy ánh dương đã tỏ, bỗng anh trưởng đoàn đang đi phía trước reo lên, chỉ cho chúng tôi xuyên qua vòm lá cây, hình ảnh Tu Viện Kaktshang Lhakhang hiện ra trên cao mờ ảo trong làn mây trắng, nhờ một tia nắng sớm rọi qua làm tan biến một phần, tu viện hiện ra thấp thoáng trong sương, hay trong mây!? Không thể thấy hình ảnh nào hiện thực tuyệt vời hơn. Lúc này tôi thuộc nhóm số ít người đi trước, chúng tôi xúm lại chụp hình, chụp được vài tấm, tôi lui ra để chỗ cho những người tới sau kịp thu lấy hình ảnh đẹp nầy, may mắn không nên giành hết.                 

       Càng lên cao càng thấy khó nhọc hơn vì độ cao và vì trọng lực nên cảm thấy rất mệt, tôi phải ngồi nghỉ nhiều lần, lúc này tôi đã có một anh tour guide người Bhutan giúp đỡ, như mang hộ túi đồ trong đó có 3 tượng Phật nhỏ mà lúc bấy giờ đã trở nên khá nặng. Sau đó cũng nhờ anh mà cả 3 tượng đều được một Thầy lớn trên Tu Viện Taktshang Lhakhang blessing và tẩy trần qua một lễ nhỏ rất trang nghiêm, phải nói cảm ơn các anh một lần nữa.

       Nhìn hình, Tu Viện Taktshang trông rất chênh vênh bên sườn núi. Nhưng không phải vậy, tuy một bên sườn núi, nhưng tu viện rất vững vàng. Nghe nói, nơi này, ngày xưa là một hang cọp, khi Ngài Liên Hoa Sanh đến hang nầy trú ngụ thì cọp đi nơi khác nhường chỗ cho Ngài … Ở tầng dưới chúng tôi được vào viếng thăm lễ lạy tự do, sau khi nghỉ mệt một chút thì lên tầng trên. Trước khi lên tầng nầy, tất cả mọi vật dụng chúng tôi đều phải để lại bên dưới như máy ảnh, điện thoại, ipad, túi xách và giày dép… tượng Phật của tôi đã được anh tour guide giúp đưa lên sau khi đã xin phép người giữ an ninh bên dưới. Các Tu viện ở Bhutan, nơi nào cũng có treo những bức Thangka và hình nhiều vị Bồ tát và đặc biệt là thờ Ngài Liên Hoa Sanh người có công làm cho Phật giáo được phát triển ở Tây Tạng và Bhutan. Có nhiều nơi họ cho mình chụp hình, có nơi không được chụp và chắc chắn không được sờ vào hiện vật, có nhiều hình Bồ tát rất lớn, tôn trí trên cao. Tôi lễ lạy các Ngài nhưng tôi cũng không thể nào biết hết được vị nào là Bồ Tát Quán Thế Âm hay vị nào là Ngài Liên Hoa Sanh và đâu là Phật Di Lặc nếu như không có ai đó nói. Vì như chúng ta biết ở đất nước thần bí như Tây tạng, Bhutan còn có rất nhiều vị thánh nhân hộ trì và xây dựng đất nước, rất được dân chúng sùng kính tôn thờ, có nhiều vị thần rất lạ sẽ được nói sau. Ở không lâu trên Tu viện, chúng tôi phải xuống núi cho kịp vì sợ trời chiều. Khi lên đã khó nhọc thì khi xuống cũng không kém khó khăn, có người nói sao không làm cáp treo, xin thưa sẽ không bao giờ có cáp treo ở đây. Chính phủ không muốn, tôi cũng không thích có cáp treo nơi nầy! Xuống đến nơi thì đã hơn 4 giờ chiều.

      Ngày thứ ba về Thimphu, là thủ phủ của Bhutan, chúng tôi được thăm viếng thêm nhiều tu viện và vườn thú, nơi đây tôi chỉ kể những cái lạ mà tôi chưa từng thấy như ở Tu Viện Chimi Lakhang thì thờ Linga, người Việt Nam gọi phồn thực. Gần tới tu viện nầy, hình linga có thể thấy khắp nơi, được vẽ lớn trên tường, trước nhà và những linga treo dưới mái hiên, gắn trước cửa. Linga tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng, xua đuổi tà ma và cho sự sinh sản của cải cũng như con người. Những đôi vợ chồng hiếm muộn muốn cầu con, thường đưa nhau đến đây để cầu xin. Bên trong tu viện có tôn trí một linga lớn bằng gỗ, người hiếm muộn đến cầu nguyện rồi chạm tay vào linga lấy hên. Cũng có khi được bồng linga bằng gỗ này đi quanh tu viện 3 vòng, vừa đi vừa khấn thầm ước nguyện của mình. Một người bạn trẻ vừa dễ thương, vừa vui tính của chúng tôi đã làm điều nầy trong sự cổ vũ nồng nhiệt của các bạn trong đoàn.

       Cũng trong ngày, chúng tôi đến vườn thú để thăm một loài thú mà trên thế giới không nơi nào có, được coi là quốc thú của Bhutan đó là con Takin. Trên đường vào nơi khu Takin sinh sống, tôi nhìn thấy tấm bảng ghi: Takin Bhutan’s National Animal. Takin là một con thú có đầu Dê mình Bò, theo truyền thuyết nó đã được tạo ra bởi một Thánh Tăng, Ngài có nhiều hành vi khác thường nên người ta gọi Ngài là Thánh khùng (Divine mad), Ngài rất được người dân yêu mến và đặc biệt là rất có sức hút với phụ nữ. Một hôm theo lời yêu cầu của dân làng, để biểu diễn cho họ xem một chút quyền thuật, Ngài sai đem đến một con dê và một con bò, sau khi sơi hết cả dê lẫn bò, Ngài lấy đầu con dê ráp vào bộ xương con bò, và sau cái búng tay, lập tức con thú vùng trổi dậy phóng vào rừng mất dạng. Từ đó đất nước nầy có một con thú như vậy tên gọi là Takin. Sự việc này còn có nhiều ý nghĩa nữa, nghe cũng hay nhưng nều kể thêm e quá dài, nên tạm ngưng nói về Takin vậy.

      Cũng nên nói một chút về Bhutanist, dân Bhutan hầu hết theo đạo Phật và họ trì chú rất nghiêm mật, đa số là ăn chay. Ở Bhutan không có lò sát sinh, không câu cá, không săn bắn (cấm), nhưng sở trường của họ lại là bắn cung, ở Thế Vận Hội môn dự thi của họ là bắn cung, môn thể thao của nước Bhutan là bắn cung (cũng lạ). Thịt, cá và các loại hàng hóa họ mua từ Ấn Độ, những thứ họ bán cho Ấn Độ là nông sản và điện. Trong một năm, có 3 tháng ăn chay toàn quốc, nên 3 tháng nầy họ không nhập thịt, cá (tôi quên không hỏi là những tháng nào). Họ không giao hảo với China vì họ cho rằng chơi với Tàu sớm muộn gì cũng bị mất nước, cho nên mặc dù chánh quyền TQ ra sức dụ dỗ… cho cái nầy, giúp cái kia, làm cái nọ nhưng họ đều từ chối. Trong số hàng hóa họ bán trong tiệm, tôi thấy có nhiều món là sản phẩm của China, họ cũng biết nó là của China nhưng họ mua từ Ấn.                                                                     

Người Bhutan, có vẻ rất từ tốn, họ không tất bật vội vàng, nhìn những học sinh đến trường và tan học đi về, tôi chẳng thấy ai có dáng vẻ vội vàng cả, cũng không vui nhộn ồn ào ở cái tuổi học trò nghịch ngợm mà người Việt mình hay nói “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Quan sát họ, thấy họ (học trò) đi đứng chậm rãi, con trai cũng vậy mà con gái cũng vậy, không biết nhà ở đâu nhưng họ đi bộ thôi (chúng tôi không đi vào khu dân cư). Họ có thể đi trên đường một mình hay từng đoàn 3, 4 người vẫn cứ từ từ như vậy mà đi. Khi nói chuyện, họ cũng không nói lớn tiếng, không nghe thấy tiếng họ nói chuyện với nhau, cứ như là họ thì thầm vậy, dân Bhutan có vẻ khá giỏi tiếng Anh. Giáo dục và y tế được chánh phủ tài trợ, tôi hỏi đùa anh tài xế, “có cách nào để đến sinh sống ở Bhutan? Anh nói, có hai cách là làm việc và hôn nhân. Có nhiều cuộc hôn nhân như vậy không? Anh nói từ truớc đến nay chỉ thấy vài người. Nghe nói, có một người con gái VN, gốc Hà nội, thành hôn với một thanh niên con nhà giàu ở xứ này. Về y phục, đàn ông Bhutan luôn mặc áo truyền thống của họ gọi là Diglam Nanghe. Áo khá rộng, có một cái đai vải mỏng quấn nhiều vòng rất sát ở thắt lưng, nhờ thắt lưng giữ chặt nầy mà  họ có thể dùng phần thân áo như là cái túi lớn có thể đựng nhiều thứ. Có lần xem một Hội nghị về biến đổi khí hậu được tổ chức ở Canada, nghe một đại biểu Bhutan, (không biết là Bộ trưởng hay Thủ tướng) khi nói về Bhutan, ông nói khí thải ở Bhutan là 0%, về chiếc áo ông đang mặc, ông nói rằng áo ông có cái “túi” lớn, cái túi đặc biệt nầy chứa được rất nhiều thứ, ông lấy ra quyển sách, sau đó vài thứ nữa rồi ông nói tiếp, túi áo của ông “strong enough to cary a baby”, mà có thể như vậy thật. Bên trong chiếc áo nầy họ có mặc thêm một áo shirt, áo Diglam Nanghe có tay dài, bâu tay áo dài khoảng 20 cm lật ngược ra ngoài, và nhất định phải là màu trắng, để bày tỏ sự tinh khiết và khi cần như lễ Phật, hay chào hỏi người trên họ đã như đã sẵn sàng để dâng lên sự tôn kính. Họ đi giầy tây và mang vớ len dày, cao tới đầu gối. Theo anh tour guide thì giày và vớ của người Bhutan màu sắc sặc sỡ, bây giờ chỉ dùng khi lễ hội, giày vớ ngày nay của họ bắt nguồn từ đôi giày và vớ mà vị Sứ thần người Anh đem tặng vua Bhutan khi xưa. Vì chúng vừa dể đi và thuận tiện nên nay đã trở nên thông dụng. Áo người nữ thì có nhiều thay đổi so với ngày trước nhưng vẫn áo riêng với chiếc váy dài tới cổ chân, kín đáo che phủ từ phía trước cũng như phía sau

Dân số Bhutan độ 750.000 người, nhưng không thấy họ ngoài đường nhiều, đường xá lúc nào cũng vắng, không thấy cả trẻ con, chỉ gặp đôi lần ở tu viện nơi mà có tiếng linh thiêng, cầu nguyện cho trẻ con được khoẻ mạnh, an lành thì mới thấy có những bố mẹ trẻ bồng con. Người Bhutan tu theo truyền thống Tây Tạng của Đức Đạt Lai Lạc Ma 14, nhiều người trì chú liên tục những khi họ ngồi một mình (như anh tài xế lái chiếc xe của chúng tôi). Trước lúc đi ngựa lên núi, các anh đã phát cho chúng tôi một câu chú của Ngài Liên Hoa Sanh và dặn đọc thầm trên đường đi, câu chú như thế nầy: OM A HUM - BEN JA GU RU PADME. SIPHI HUM, mình đọc không quen, nghe ngắc ngứ còn họ đọc  âm thanh trầm trầm nghe cũng hay.

       Đường xá ở Bhutan không lớn, không thấy đèn giao thông, không thấy xe gắn máy, mặc dù họ nói cũng có, nhưng chắc rất ít vì đường xá ở Bhutan dốc cao lại ngoằn ngoèo, khí hậu Bhutan mùa Đông rất lạnh, chạy xe gắn máy chịu sao thấu. Người Bhutan rất quý trọng rừng, rừng của họ chiếm gần 70 % đất nước, người nào cần chặt cây làm nhà phải trồng lại cây khác. Chánh phủ cấm vào rừng, vì rừng đối với họ là chốn linh thiêng không được khuấy động, cũng không được phép leo núi cao trên 19 ngàn feet, cho nên đỉnh núi cao nhất ở Bhutan vẫn là bí mật đối với các nhà leo núi.

        Chỉ một thoáng, bốn ngày ở Bhutan đã qua mau, chúng tôi từ giã Bhutan trong luyến tiếc vào một buổi trưa để ra phi trường chờ chuyến bay đi Nepal, nhưng cảm giác chưa muốn rời Bhutan vội, có một cái gì đó thấy rất thân thiết với đất nước này. Thời gian sống ở Bhutan có bốn ngày nên chỉ có thể nhìn Bhutan một cách phiến diện, Bhutan vẫn còn giữ được rất nhiều bản sắc dân tộc, nhưng được bao lâu? Vì giới trẻ ở Bhutan ngày nay cũng có ít nhiều thay đổi trong tư duy và lối sống theo sắc thái Tây phương, đó không hẳn do khách hành hương hay du lịch mang lại mà phần lớn từ những người trẻ Bhutan du học ở phương Tây du nhập về.

Trường Hạ Pháp Hoa 2018
Diệu Hòa

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/07/2020(Xem: 9331)
Bài viết này để bổ túc cho một băng video chủ đề Tuệ Trung Thượng Sỹ trên YouTube (1) do nhóm Wisdom Today thực hiện, trong đó Tiến sĩ Phật học Nguyễn Thúy Loan đã phỏng vấn Hòa Thượng Thích Phước Tịnh và bản thân người viết là Cư sĩ Nguyên Giác. Lý do bổ túc vì lời nói của người viết vốn vụng về, không có khả năng diễn ý minh bạch như chữ viết.
28/06/2020(Xem: 23546)
Bức tượng được sơn son thếp vàng, tạc hình ảnh một nhà vua mặc triều phục đang quỳ gập người, hai bàn tay cung kính mở rộng để trên mặt đất, còn bên trên lưng là một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen nằm đè lên.
25/06/2020(Xem: 5588)
Mùa Đại dịch 2020 này đã phá vỡ bao ước nguyện thầm kín nung nấu trong tôi . Đó là được đảnh lễ và tham vấn HT Thích Như Điển như lời Ngài hứa khả , sau khi tôi được chia sẻ vài cảm nghĩ của mình qua tác phẩm của Ngài “MỐI TƠ VƯƠNG CỦA HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA “. Những tưởng thời gian sẽ nhanh chóng trôi qua và cái ngày quan trọng ấy càng lúc càng đến gần hơn nhưng nay .... được thông báo sẽ được dời đến tháng 10/2021! Thật không ai có thể đoán được điều gì xảy ra vào năm 2020 này, và dường như Chư Hộ Pháp muốn tặng tôi một món quà ân thưởng để bù lại niềm hụt hẫng ấy và chắc chắn là để thưởng cho thiện niệm tôi luôn hướng về Ôn Phương Trượng như một danh Tăng và một điểm khá đặc biệt là không thể quên ngày sinh nhật Ngài khi đã hai lần chúc mừng Khánh Tuế ( 2018 -2019 ) . Chính vì thế khi xem lịch 28/6/2020 đúng là Khánh Tuế lần thứ 72 của Ngài bổng nhiên trong tôi ước nguyện đã khởi lên “ Bằng cách nào để viết hoặc một bài văn hay một bài thơ vào lúc này vừa có thể chúc mừng với tấ
25/06/2020(Xem: 8531)
HT tên thật là Phạm Văn Nghi, húy là Thượng Đồng Hạ Viên, tự là Thông Lợi, hiệu là Viên Đức. Sinh vào giờ Tỵ ngày 26 tháng chạp năm Nhâm Thân(1932). Quán làng Định Trung, xã An Định, Quận Tuy An, Tỉnh Phú Yên. Thân phụ của Hòa Thượng là cụ ông Phạm Giản. một bậc túc nho thời bấy giờ. Thân mẫu là cụ bà Ung thị Bình, một Phật tử thuần thành từ hồi bé. Ông nội của Hòa Thượng không những là một kẻ sĩ mà còn là một chiến sĩ trong phong trào Cần Vương kháng Pháp. Hòa Thượng chào đời và lớn lên ở Phú Yên một nơi địa linh nhân kiệt, không những vì đời đã sản sinh ra nhiều anh hùng liệt sĩ, mà về Đạo cũng là nơi đời đời nối tiếp xuất sinh nhiều vị Tăng tài kế truyền hoằng hóa giáo pháp của đức Thế Tôn. Non nước Phú Yên như phần nào nói cho ta điều đó. Ngoài dòng sông Ba yên bình chảy ra biển cả, Phú Yên còn có hai ngọn núi là là hòn Chuông và hòn Mõ, hình giống như hai pháp khí tu hành của nhà Phật , vì vậy vua Minh Mạng khi nói về đất Phú Yên đã khen ngợi:
20/06/2020(Xem: 9412)
Trưởng lão Hòa thượng thượng NGUYÊN hạ TỊNH tự LƯU THANH Đạo Hiệu NGÂN BÌNH. ( 1941-2020 ). Thuận thế vô thường thu thần viên tịch vào lúc 11h30 ngày 19 tháng 06 năm 2020 (nhằm ngày 28 tháng tư nhuận năm Canh tý). Trụ thế : 80 năm Hạ lạp : 55 năm Tang lễ được cử hành theo chương trình như sau: - Lễ cung thỉnh nhục thân nhập kim quan: vào lúc 17h00 ngày 20 tháng 06 năm 2020 (nhằm ngày 29 tháng 04 nhuận năm Canh tý). - Kim quan tôn trí tại Tổ Đình Trúc Lâm, Tp. Huế. - Lễ phụng tống kim quan nhập bảo tháp tại Tổ Đình Trúc Lâm cử hành vào lúc 6h00 ngày 24 tháng 06 năm 2020 (nhằm ngày 04 tháng 05 năm Canh tý).
10/06/2020(Xem: 6651)
Thân thế: Hòa Thượng Thích Minh Đạo, thế danh là Dương Văn Tam, Pháp danh Trừng Hữu, pháp tự Thiện Lộc, pháp hiệu Chơn Châu, sinh năm Quý Sửu 1913. Nguyên Quán tại Huyện Phú Quý ( thường gọi là đảo Phú Quý) Ngài theo song thân vào Xã Phan Rí Cửa, Quận Hòa Đa ( nay thuộc Huyện Tuy Phong) Tỉnh Bình Thuận để lập nghiệp.
26/05/2020(Xem: 8116)
Trước lúc nhập Niết bàn, đức Thế Tôn nói kinh Di giáo, tiên liệu cả hằng nghìn năm sau nên lời dạy của Ngài vô cùng thậm thâm vi diệu. Mỗi lời mỗi ý chứa đựng biết bao tình lý, mỗi lần đọc chúng ta nhận cảm trọn vẹn lời di giáo tha thiết của Ngài. Lời đi huấn của Hòa thượng Đôn Hậu để lại cho Thất chúng đệ tử mà có lẽ cũng cho tất cả chúng ta. Đến Linh Mụ không ai là không đọc lời Di Huấn này, kể cả những người không biết chữ cũng lắng tai nghe nhờ người khác đọc giúp. Điều đáng quan tâm là lời Di huấn này Hòa thượng viết từ năm 1988, bốn năm trước khi viên tịch, Ngài đã nhìn thấy rất rõ ràng những gì có thể xảy ra trong Tang lễ của Ngài và cần huấn thị lại cho minh bạch, và, cũng chính vì “Lời di huấn” này mà:
06/05/2020(Xem: 11577)
Tiểu sử Đức Đệ Nhất Tăng Thống GHPGVNTN – Đại Lão Hòa Thượng THÍCH TỊNH KHIẾT , Đệ nhất Tăng Thống - HT Thích Tịnh Khiết, Hòa Thượng thế danh là NGUYỄN VĂN KỈNH. Ngài sinh ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão (nhằm ngày 17.12.1891)(1) tại làng Dưỡng Mong Thượng, tổng Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Nay là thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của ngài là cụ Nguyễn Văn Toán, thân mẫu là cụ bà Tôn Nữ Thị Lý. Ngài là con thứ hai(2). Bào huynh là Hòa Thượng Trừng Hương – Tịnh Hạnh (chúng tôi chưa tìm thấy thế danh của ngài). Hòa Thượng Tịnh Hạnh sinh năm Kỷ Sửu, 1889; xuất gia năm Ất Tỵ, 1905; thọ Cụ-túc giới năm Canh Tuất, 1910; trụ trì chùa Tường Vân, Huế; viên tịch năm Quý Dậu, 1933.
06/05/2020(Xem: 18199)
Công đức hoằng khai nhiếp hóa của Ngài cao hơn núi cao Tấm lòng từ bi độ lượng của Ngài sâu hơn biển sâu Chữ nghĩa của trần gian làm sao phô diễn
05/05/2020(Xem: 24528)
Như Áng Mây Bay là một phần thành quả của sự huân tập ý đạo, là một phần của cuộc hành trình đầy mạo hiểm mà ta gọi là kiếp người.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]