Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp Ngữ của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Huệ

14/03/201719:09(Xem: 6491)
Pháp Ngữ của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Huệ


NHỮNG PHÁP NGỮ VÀ LỜI DẠY
 Của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Huệ              
 Nguyên Hội Chủ GHPGVNTNHN tại UĐL-TTL
Trích trong các bài Diễn Văn, Đạo Từ, Huấn Từ và
những lời dạy chúng đệ của Trưởng Lão Hòa Thượng khi còn tại vị.

 


I-/ Trích trong những bài Diễn văn, Đạo Từ, Huấn Từ:
1/ “… Phật Giáo, một Tôn giáo mang lại hòa bình, an lạc, bảo vệ môi sinh và hóa giải được mọi oán cừu, mang lại niềm tin trong một thế giới nhiễu nhương nhiều biến động. Văn minh hiện đại do quá chú trọng và chạy theo sự tiến bộ của khoa học, lấy thành tựu về vật chất hữu hình làm mục tiêu mà quên đi phần tinh thần vô hình và bản tâm thanh tịnh hằng sẵn có trong từng cá nhân. Cho nên có nhiều hụt hẫng và biến thành những hiễm họa đang đe dọa sự sống còn của nhân loại.
Trở về nguồn cội là trở về với sự Thanh Tịnh và Hòa Hợp, nhưng muốn có được sự Thanh Tịnh phải y theo lời Phật đã Di Giáo: ‘Hãy lấy Giới luật làm Thầy…Giới luật còn là Phật Pháp còn’ và lấy 7 pháp Bất thối, làm kim chỉ nam… Muốn Hòa Hợp, việc đầu tiên phải diệt trừ ‘bản ngã’ mà khi vừa chào đời Đức Bổn Sư đã gởi đến nhân loại một thông điệp:     ‘…Duy ngã độc tôn…’ và suốt trong 49 năm giáo hóa, Ngài đã dẫn hàng đệ tử đi khất thực khắp muôn nhà, cũng không ngoài mục đích là ‘diệt trừ bản ngã’. Vì ‘chấp ngã’ và ‘chấp pháp’ là nguồn gốc của vô minh. ‘Bản ngã’ chỉ biết lo ‘sinh tồn’ và ‘hưởng thụ’ nên sẽ là nguyên nhân của mọi tội lỗi.
 Để bảo toàn và truyền thừa được những lý tưởng cao đẹp mà Đức Phật, Tăng đoàn và chư Liệt vị tiền bối Tổ sư đã dày công khai lập. Là sứ giả Như lai, muốn ‘Về nguồn’ và ‘Hiệp Kỵ Tổ Sư’ đúng nghĩa cũng như lợi ích thiết thực, chúng ta phải quyết tâm diệt trừ ‘ngã chấp’. Làm chùa và xây dựng đạo tràng với tâm nguyện ‘tiếp Tăng độ chúng’, ‘truyền hiền chứ không truyền tử’, dùng ‘lục hòa’ để sinh hoạt, tôn trọng ‘pháp yết ma’ tất cả phải với tấm lòng ‘Từ Bi Hỷ Xả’ bao dung, rộng mở thì tin chắc rằng Tăng đoàn chúng ta sẽ phát triển đúng pháp, vững mạnh và lợi ích cho muôn loài”.
(Trích Đạo Từ cho Ngày Về Nguồn 8 (2014) tại Chùa Pháp Bảo, Sydney)
 
2/ “ … Chúng ta đang thu hoạch những gì đã gieo tạo, như vậy là đã quá nhiều phước báu rồi, vừa được sống trên một đất nước giàu lòng nhân đạo, vừa tự do, vừa dân chủ lại vừa có đầy đủ điều kiện để sống và hướng thượng, vậy chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không mang những hạt giống đang thu hoạch hôm nay ra tiếp tục gieo trồng, bằng cách: Nghĩ, nói, đối đãi tốt với nhau và nỗ lực lo tu tập, làm việc ích lợi xã hội, chia sẻ những vui buồn cùng nhau, cho cuộc sống hiện tại được an lành, tương lai được sanh về cõi Cực lạc.
Đức Phật đã dạy: ‘Trong các Pháp Tâm dẫn đầu, Tâm làm chủ, Tâm tạo tác tất cả…Tâm bình thế giới bình, Tâm tịnh quốc độ tịnh’. Nên chúng ta phải có những lời nói, hành động tôn xưng nhau, để thể hiện cho một cái Tâm trong sáng, cao đẹp đang hiện diện trong ta, bèn ngược lại là chúng ta đang sở hữu một cái Tâm bất an”.
(Trích Đạo Từ trong Lễ Khánh Thành Tháp Tam Bảo, Chùa Pháp Hoa Nam Úc, tháng 9/2012.)
 
3/ “... Đức Phật một vị Đạo sư vĩ đại của nhân loại, đã giác ngộ được mọi chân lý, nên mới vừa sanh ra cõi đời ngũ trược ác thế nầy, Ngài đã gởi cho nhân loại một thông điệp quan trọng và rất cần thiết, đó là lời tuyên bố: ‘Thiên thượng, Thiên hạ, duy ngã độc tôn’ có nghĩa là: Trên Trời dưới Trời chỉ có ‘cái ta’nầy là quan trọng nhất, vì nó có thể giúp ta thành Phật, Thánh, nếu biết  dùng ‘bản ngã’ nầy để tu tập hướng thượng ... Nhưng nó cũng có thể đưa ta xuống địa ngục hay thành loài ngạ quỷ, súc sanh, nếu ta chỉ biết khai thác thực hiện hai chức năng của ‘bản ngã’ đó là: Lo sinh tồn và lo hưởng thụ…”
(Trích Đạo Từ cho Khóa Tu Học Phật Pháp kỳ 11 (2011) tại Melbourne.
 
4/ “… Khi ta tu tập thì mọi người sẽ cung kính và tôn trọng, nếu không biết lo quán chiếu tự thân, tinh tấn hành trì thì ‘cái ta’ sẽ lớn lên, vô minh phát khởi và ‘tham, sân, si’ cũng lớn dần theo sự kính trọng đó, lúc đó sẽ không có ai dám đụng đến, đôi khi lại nêu cái lỗi của người ra, để che cái lỗi của mình, tất cả không ngoài mục đích là để  bảo vệ cho ‘cái ta’ ấy, và tội lỗi cũng từ đây sinh khởi”.
(Trích Đạo Từ cho Khóa Tu Học Phật Pháp kỳ 11 (2011) tại Melbourne.
 
5/ “…Trong Lễ Ký văn có viết: ‘Ngọc bất trác, bất thành khí, nhân bất học, bất tri Đạo’, nghĩa là ngọc mà chẳng mài dũa thì không thành món trang sức đẹp quý, người mà không học thì không biết gì về Đạo đức, nhưng học nhiều mà không lo tu tập, thì cũng sẽ dễ biến thành ‘sở tri chướng’ cản trở con đường tu, chỉ biết nói ba hoa để thể hiện ‘cái ta’, vì hiu hiu tự đắc nên khó học hỏi được những điều hay lẽ phải nơi người khác, có đôi lúc để bảo vệ ‘cái ta’ sẵn sàng lấy lỗi người để che lỗi mình, hoặc đạp người xuống để mình đi lên, rồi phải chịu trả quả khổ đau, hay trở thành ‘thế trí biện thông’ dễ dàng tạo nghiệp khẩu và thành một trong tám nạn”.
(Trích Đạo Từ cho Khóa Tu Học Phật Pháp kỳ 11 (2011) tại Melbourne)
 
6/ “… Mặc dầu đây là lần thứ 6 Tăng Ni Hải Ngoại tổ chức Về Nguồn, nhưng với Úc châu đây là hân hạnh được đăng cai lần thứ nhất, nhân dịp nầy tôi cũng xin đề nghị: Cứ mỗi kỳ Hiệp Kỵ chúng ta nên đưa ra một ‘Công án’ để toàn thể cùng tu tập và mỗi khi về tham dự, mỗi người cũng phải nên ‘Trình pháp’ nêu lên sở đắc, sở chứng của mình cho Đại chúng cùng liễu tri, hầu cùng nhau chia sẻ niềm phúc lạc và nhân lên những điển hình Sa môn tốt, cho Phật tính của từng vị được hiển lộ, hạn chế được các ‘hình tợ sa môn’ đang âm thầm phát triển. Đấy mới là lòng thành Hiệp Kỵ một cách đúng nghĩa và lợi ích thiết thực, chứ đừng nên chạy theo thành tích và hình thức bên ngoài mà bị ngũ dục cuốn lôi…”
(Trích Diễn văn khai mạc Về Nguồn 6 (2012) tại Chùa Pháp Hoa, Nam Úc.)
 
7/ “… Chúng ta đang sống trong nhà lửa, trong một thế giới nhiễu nhương và đầy sự bất an, cho nên GHPGVNTNHN UĐL-TTL ra đời, với hoài bão hóa giải những nỗi bất hòa và tập trung được sức mạnh của Tăng Đoàn Việt Nam tại Úc mà Hoằng Pháp Độ Sanh, trong một thời gian nhiều biến động và đầy thử thách. Nhưng nhờ hiểu được chữ Nhẫn, áp dụng lời Phật dạy, sống ‘hài hòa và tùy duyên’ vào Phật sự và cuộc sống hằng ngày của Chư Thiền Đức Tăng Ni trong Giáo hội, cho nên đến hôm nay, qua bốn nhiệm kỳ với hơn mười sáu năm trời đầy gian truân, vẫn trường tồn và trưởng thành. Từ năm ba ngôi chùa, nay đã phát triển gần năm mươi tự viện, hàng trăm Tăng, Ni thành viên và hàng trăm ngàn Phật Tử sinh hoạt ở nhiều đạo tràng tu tập, trên toàn liên bang.
… Hiểu được nguyên lý ‘trùng trùng duyên khởi’ nên chúng ta đã quyết chọn phương pháp sống ‘hài hòa và tùy duyên’ để hành đạo. Nhờ hài hòa và tùy duyên mà Giáo hội chúng ta mỗi ngày một vững mạnh và phát triển, nhờ hài hòa và tùy duyên mà mỗi thành viên trong Giáo hội mỗi ngày một tôn trọng, thông hiểu nhau để gắn kết thêm hơn và cũng nhờ hài hòa và tùy duyên mà những người muốn chứng tỏ ‘bản ngã’ nếu không biết quay đầu, sẽ lần hồi bị đào thải, và sẽ  ‘ngộ’ ra rằng, muốn tiến tu phải ‘quán chiếu lại nội tâm, làm triệt tiêu bản ngã và chuyển hóa nghiệp lực của mình’ thì mới mong đạt đến giác ngộ, giải thoát …”  
(Trích trong Diễn Văn Khai Mạc Đại Hội Khoáng Đại Kỳ V (2015), tại Tu Viện Quảng Đức, Melboure,
 
ht nhu dien-ht nhu hue
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Huệ cùng học trò của Ngài, HT Thích Như Điển

HT NHu Hue 4
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Huệ cùng đệ tử Thích Nguyên Tạng & Thích Viên Tịnh



8/ “… Bảo tháp nghiêm trang thờ xá lợi, cốt linh Phật tử cũng yên phần.
Còn hạnh phúc nào hơn, khi còn trẻ khỏe, chúng ta có chùa để đến tu tập, tạo phước điền, đến khi già yếu, giã từ cuộc đời, đã có Bảo Tháp gởi thân an nghỉ.
Chúng ta đang thu hoạch những gì đã gieo tạo, như vậy là đã qúa nhiều phước báu rồi, vừa được sống trên một đất nước giàu lòng nhân đạo, vừa tự do, vừa dân chủ lại vừa có đầy đủ điều kiện để sống và hướng thượng, vậy chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không mang những hạt giống đang thu hoạch hôm nay ra tiếp tục gieo trồng, bằng cách: nghĩ, nói, đối đãi tốt về nhau và nỗ lực lo tu tập, làm việc ích lợi xã hội, chia sẻ những vui buồn cùng nhau, cho cuộc sống hiện tại được an lành, tương lai được sanh về cõi Cực lạc.
 …30 năm đánh dấu sự hiện hữu của Tổ đình Pháp Hoa. 30 năm khắc ghi những kỷ niệm một trụ xứ miền Nam nước Úc. Và 30 năm trong khoảng đời 80 năm lão giả như tôi. Làm sao nói hết, diễn sao cho cùng. Những đến đi còn mất, những ảnh tượng vô thường, những diễm hằng bất biến, trong quý vị, trong chúng tôi, dù nhạn bay lưng trời, ảnh chìm bóng nước, nhưng tất cả chúng ta, lưu mà chẳng lưu, giữ mà chẳng giữ, như Phật Pháp nhiệm mầu hằng viễn như nhiên, như vô thường thị thường hằng lưu vĩnh trụ…”
(Trích Diễn văn chào mừng Đại Lễ Khánh Thành Bảo Tháp Tam Bảo và Lễ Kỷ Niệm 30 năm Tổ đình Pháp Hoa Nam Úc.)
 
9/ “… Hôm nay kỷ niệm 50 năm ngày Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu và các Thánh Tử Đạo đã vị Pháp vong thân, GHPGVNTNHN Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan long trọng tổ chức Lễ Tưởng Niệm và Tri Ân với mục đích: Thắp sáng lại ngọn đuốc Quảng Đức để một lần nữa soi sáng nẻo vô minh, muốn lăm le tái hiện, hầu nhắc nhở cho Tăng Tín Đồ khắp nơi luôn sống với Phật tánh đang sẵn có trong từng mỗi người, để nhìn đời bằng tình thương với lòng bao dung độ lượng, trao cho đời niềm vô úy trước gian nguy, tri ân và tưởng nhớ đến những Thánh Tử Đạo đã vị Pháp thiêu thân cho Phật Pháp trường tồn, mọi chúng sanh không còn tạo nghiệp ác nữa. Bằng cách mỗi người hãy miên mật tu hành theo đúng chánh pháp, để tự thân được an lạc, giải thoát và cứu khổ muôn loài, cũng như sẵn sàng hy sinh cho Đạo Pháp và Dân tộc, đặc biệt những người Việt xa quê như chúng ta, phải giáo dục cho đàn con cháu biết được những truyền thống lịch sử và sự hy sinh cao đẹp nầy, để noi gương trở thành người hữu ích, hầu góp phần xây dựng đất nước đang cưu mang chúng ta và hướng về yểm trợ phát triển quê nhà, cũng như giúp cho những người nước ngoài và những người ngoài đạo Phật, biết rõ được Giáo lý Đạo Phật rằng: Đời là Vô thường, Khổ, Không và luật Nhân quả rất nghiêm minh, luôn chi phối mọi người, mọi nơi, mọi lúc, ai gây tội ác, rồi cũng phải trả quả (lịch sử trong 50 năm qua đã minh chứng rõ điều nầy), để mà tránh ác làm lành, lấy ân báo oán, đó là cách Tri ân và Tưởng niệm thiết thực và đầy đủ ý nghĩa nhất. Luận ngữ Trung Hoa cũng nói: ‘Thận chung truy viễn, dân đức qui hậu’ (Trân trọng và ghi nhớ đối với những sự hy sinh của tiền nhân, thì đức tính của người dân sau sẽ trở nên đôn hậu …”   
(Trích ĐẠO TỪ cho NGÀY TƯỞNG NIỆM và TRI ÂN  50 năm Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu.
Tổ chức tại Sydney, năm 2013)
 
10/  “… Mái ấm của ngôi chùa, sự đùm bọc, chở che, dìu dắt của Tăng, Ni cũng như sự hướng dẫn của các Huynh trưởng là điều kiện rất cần thiết để khai sinh, nuôi sống, trưởng dưỡng tổ chức GĐPT, thiếu một trong những điều kiện trên thì các em sẽ lạc lõng, hết nhựa sống và mất phương hướng, dễ bị các thế lực vô minh lợi dụng. Vậy Thầy mong các em hãy luôn tỉnh thức, giữ vững và chắt lọc những truyền thống tốt đẹp đã có tự bao đời, kết hợp với hiện đại hóa và hằng sống với Phật tánh sẵn có trong từng mỗi em, để tôn trọng lẫn nhau, nhìn đời bằng đôi mắt trong sáng, trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm, để chiêu cảm được những điều tương ưng, hầu hoàn thiện tự thân, góp phần tô đẹp cuộc đời và làm lợi ích cho xã hội…” 
(Trích Đạo Từ cho Đại Hội Gia Đình Phật Tử Úc Châu -2013)

11/ “… Tất cả bốn vị Tăng Thống đã theo Phật vào Niết bàn tịch tịnh, nhưng hành trạng của quý Ngài đã để lại cho đàn hậu tấn chúng ta một tinh thần vô giá: Bất khuất trước bạo quyền, miên mật trong hành trì, bao dung trong pháp ‘tùy duyên nhi bất biến’, thật là một gia tài đồ sộ, đã truyền lại cho chúng ta thừa hưởng. ‘Cây có cội, mới trổ cành xanh lá, nước có nguồn, mới tỏa khắp muôn nơi’. Biết ơn và đền ơn là truyền thống của Phật giáo chúng ta, nên GHPGVNTNHN UĐL- TTL đã quyết định vào mỗi kỳ An Cư hằng năm của Giáo hội, sẽ tổ chức Lễ Húy Kỵ Lịch Đại Tổ Sư và Tưởng Niệm Bốn Đời Tăng Thống để cho Tăng Tín Đồ có cơ hội học hỏi và noi theo hành trạng của quý Ngài mà tu tập, phụng sự đạo pháp, dân tộc và nhân loại...”
(Trích Đạo Từ trong Lễ Húy Kỵ Tưởng Niệm 4 đời Tăng Thống  của GHPGVNTN, tại Đạo Tràng An Cư Tu Viện Vạn Hạnh, Canberra. Năm 2012)
 
12/ “… Trong chương thứ 9, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật đã dạy:    ‘Bác văn ái Đạo, Đạo tất nan hội; thủ chí phụng Đạo, kỳ Đạo thậm đại’ nghĩa là: ‘Kẻ học rộng mến Đạo, thì Đạo ắt khó gặp, còn những kẻ thủ chí hành Đạo, thì Đạo kia rất lớn’, vì đến với Đạo là để hành chứ không phải để biết, những ai học rộng, thuộc làu Kinh điển mà không tu tập, không thực hành, thì không hiểu được Đạo. Giữ chí tu hành theo những điều đã học, thì sẽ thấy Đạo là rất lớn, rất là vi diệu, bởi hưởng được hương vị Giải thoát, Giác ngộ, vì giáo pháp của Đức Thế Tôn chỉ có một vị Giải thoát mà thôi. Ai học cao hiểu rộng, tu lâu mà vẫn còn phiền não, tức là tu chưa đúng, đã lớn dần ‘bản ngã’, tức là ‘chấp ngã’ mà ‘chấp ngã’ là nguồn gốc của vô minh, sẽ sanh ra muôn vàn khổ đau và tội lỗi, chỉ có tu sao cho thành ‘vô ngã’ thì mới đạt đến được cứu cánh, vì ‘vô ngã là Niết bàn’…”.
(Trích Đạo Từ khoá Tu Học Phật Pháp kỳ X (2010) tại Adelaide).
 
II/ Trích những lời dạy chúng đệ tử trong các buổi sinh hoạt nội tự, hay các buổi nhắc nhở, tâm tình Thầy trò chia sẻ với nhau:
 
13/ “Sống vì tha nhân, đem an vui và lợi ích đến cho mọi người, là cách lo cho mình một cách khôn ngoan nhất”.
14/ “Hãy sống hài hòa với mọi người và thiên nhiên, ta sẽ thấy an vui trong lòng và gặp nhiều thuận duyên trong cuộc sống.”
15/ “Những cây con được nuôi nấng trong lồng kiến hay được bón phân chăm sóc đầy đủ, có mau lớn, nhưng sẽ không đứng vững như các cây mọc hoang dại, chịu mưa sa nắng gió trên các vùng sỏi đá khô cằn”.
16/ “Hãy hy hiến hết mình vì tha nhân, rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp”.
17/ “Tham-sân-si là do vô minh, nhưng vô minh là nơi ‘chấp ngã’, nên không còn ‘ngã chấp’ thì vô minh tự biến và tham-sân-si sẽ không còn”.
18/ “Bản ngã là năng lượng cho cuộc sống, nếu biết dùng năng lượng ấy cho mục đích ‘phụng sự nhân sinh’ thì ích lợi rất to lớn, nhưng nếu cho sự ‘hưởng thụ cá nhân’ thì nguy hiểm và tội lỗi vô cùng”.
19/ “Suốt cuộc đời tôi luôn muốn xây dựng một Tu Viện nơi Lan Nhã cho Tăng Ni và Phật Tử cùng đến để tu, hầu trọn hưởng niềm an lạc, giải thoát được lâu dài, vĩnh viễn, nhưng chắc là ‘lực bất tòng tâm’ nên rất mong Chư Tôn Đức và Giáo Hội cố gắng thực hiện cho bằng được, để lợi ích Tăng, tục được trọn vẹn”.
20/ “Thanh tịnh và hòa hợp là bản thể của Tăng già, nên Thầy khuyên các con, hãy luôn tương kính, tương thân, tương trợ và thuận hòa cùng nhau, sách tấn nhau tu học để cùng đến bến bờ giải thoát, giác ngộ”.
 
Chùa Pháp Hoa - Nam Úc, Trọng Xuân - Đinh Dậu (2/3/2017)
Thích Viên Thành
Trích lục.
 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6021)
Mỗi khi tâm niệm đến hành trạng Thiền sư Vạn Hạnh, chúng ta không thể không đề cập đến con người và sự nghiệp Lý Công Uẩn. Giá trị lịch sử của một con người không chỉ ảnh hưởng đến tự thân mà dư âm giá trị lịch sử của con người đó còn ảnh hưởng trực tiếp đến muôn người khác từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và quả thật, Vạn Hạnh Thiền sư là người có công rất lớn trong việc khai sáng ra triều đại nhà Lý thì Lý Công Uẩn là vị vua đầu tiên thực thi tinh thần Vạn Hạnh bằng tất cả sự thể nhập "Đạo Pháp - Dân tộc" trong một thực thể duy nhất.
09/04/2013(Xem: 12620)
Có lần trong tù, đói quá, Thầy Quảng Độ nằm mơ thấy được nhà bếp cho một cái bánh bao. Ăn xong thấy bụng căng thẳng, no nê, rất hạnh phúc. Sự thật là đêm ấy, trước khi đi ngủ, vì đói quá nên thấy uống nước cho đầy bụng dễ ngủ. Và Thầy đã đái dầm ra quần. Sáng hôm đó Thầy có làm một bài thơ.
09/04/2013(Xem: 6234)
Đức Đại Lão Hòa Thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN là thế hệ thứ 8 của phái Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán, Pháp danh Trừng Nguyên, Hiệu Đôn Hậu. Xuất gia và thọ cụ túc với Hòa Thượng Bổn sư là Tổ Tâm Tịnh, khai sơn chùa Tây Thiên Huế, sau các Pháp huynh là quý Hòa Thượng Giác Nguyên, Giác Viên, Giác Tiên, Giác Nhiên...
09/04/2013(Xem: 7310)
Từ ngày 18-23/5/1996 HT.Thích Minh Châu, Phó CT kiêm Tổng thư ký GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Hiệu trưởng trường CCPHVN... đã lên đường đến Thái Lan để nhận bằng Tiến Sĩ Phật Học Danh Dự (Honarary Doctorate Degree in Buddhist studies) tại Đại Học Phật Giáo Mahachulalongkornrajvidyalaya, Thủ đô Bangkok, Thái lan.
09/04/2013(Xem: 9593)
Thiền sư THÍCH ĐỨC NHUẬN, pháp hiệu Trí Tạng, thế danh Đồng Văn Kha, sinh ngày 14 tháng Chạp năm Quí hợi (thứ bảy, ngày 19 tháng giêng, 1924). Chính quán : làng Lạc Chính, xã Duyên Bình, huyện Trực Ninh, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thân phụ là Đồng Văn Trung và thân mẫu là bà chính thất Hà Thị Thìn hiệu Trinh Thục (cả hai vị đều đã mãn phần). Là con thứ tư trong một gia đình thanh bần - dòng quí tộc. Ngài có 2 anh, 1 chị và 3 người em dì bào (2 trai, 1 gái).
09/04/2013(Xem: 4791)
Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thân sinh là cụ Lâm Hũu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương.
09/04/2013(Xem: 6939)
Hòa Thượng Bửu Chơn thế danh là Phạm Văn Thông, sinh năm Tân Hợi (1911) tại Sa Đéc – Đồng Tháp. Thuở thiếu thời Ngài sinh sống tại đất nước Chùa Tháp Campuchia, do đó Ngài thấm nhuần Phật Giáo Nam Tông vốn là quốc giáo của Vương quốc này. Sẵn có túc duyên Phật pháp nên vào năm 1940, Ngài xuất gia thuộc hệ phái Nam Tông. Sau đó Ngài vào rừng chấp trì hạnh đầu đà (Dhatanga) suốt mười hai năm. Năm 1951 Ngài được Phật tử Việt Nam cung thỉnh về Sài Gòn để truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy
09/04/2013(Xem: 6044)
Hòa thượng thế danh là Võ Hóa, pháp danh Chơn Húy, pháp hiệu Khánh Anh, Ngài sinh năm Ất Mùi (1895) tại xã Phổ Nhì, tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Khi nhỏ, Ngài theo học Nho, luôn tỏ ra là một Nho sinh xuất sắc.
09/04/2013(Xem: 7959)
Hòa thượng Khánh Hòa thế danh Lê Khánh Hòa, Pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa, sinh năm Mậu Thân (1877) tại làng Phú Lễ, tổng Bảo Trị, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
09/04/2013(Xem: 6496)
Hòa thượng Thích Hưng Từ, thế danh Bùi Vạn Anh, sinh ngày mùng 1 tháng 8 năm Tân Hợi ( 1911 ) tại làng Bình Hòa, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài sinh trong một gia đình có truyền thống đạo Phật. Thân phụ là cụ Bùi Thế Vĩ, pháp danh Như chơn, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Biểu, pháp danh là Thị Bửu. Từ nhỏ Ngài được song thân giáo dục trong tinh thần từ bi và chan chứa đức hỷ xả của Phật, nên Ngài sớm mộ cửa Thiền.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567