Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đi tìm tư liệu về Sư Cô Diệu Định, vị Pháp thiêu thân năm 1966

28/04/201603:05(Xem: 8664)
Đi tìm tư liệu về Sư Cô Diệu Định, vị Pháp thiêu thân năm 1966

Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (5)Theo vết thời gian đi tìm tư liệu về một vị

Thánh Tử Đạo Vị Pháp Thiêu Thân:

Sư Cô Thích Nữ Diệu Định

 

 

1. Nhân duyên:

 

Lửa! Lửa cháy ngất Tòa Sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm
hiện thành Thơ, quỳ cả xuống.
Hai Vầng Sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc,
Ánh Đạo Vàng phơi phới
đang bừng lên, dâng lên...
Ôi, đích thực hôm nay Trời có mặt!
Giờ là giờ Hoàng-Đạo nguy nga.
Muôn vạn khối sân-si vừa mở mắt
Nhìn nhau: tình huynh-đệ bao la.
Nam mô ĐỨC PHẬT DI ĐÀ
Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?

Thương chúng sinh trầm luân bể khổ,

NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày
Bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây
Gọi hết LỬA vào xương da bỏ ngỏ
[…]

 

Đây là một đoạn thơ tuyệt vời trích trong bài thơ Lửa Từ Bi của nhà thơ Vũ Hoàng Chương.

 

Năm 2013 vừa qua,  chúng ta vừa cử hành trọng thể Lễ Kỷ Niệm 50 năm Bồ Tát Quảng Đức khắp nơi trên thế giới. Một con người vĩ đại với một hy sinh vĩ đại vì tiền đồ đạo pháp và dân tộc, không bút mực nào tả xiết, không có sự hy sinh nào có thể sánh bằng, thật như lời thơ của thi sĩ họ Vũ: “Một Mặt Trời Mới Mọc“.

 

Sau Pháp nạn 1963, Phật Giáo Việt Nam vẫn liên tiếp bị đàn áp do bởi những tham vọng của những kẻ nắm quyền bính trong tay. Noi gương đức Bồ Tát, hàng hậu sinh cũng có những con người dám hiến dâng cuộc đời mình cho sự trường tồn của đạo pháp, đã tự lấy thân mình làm đuốc tuệ  cảnh tỉnh bạo quyền ngừng tay đàn áp Phật Giáo. Họ đã nói lên tiếng nói cho nhân loại thấy được tinh thần vô úy, lòng từ bi rộng lớn trong lòng Phật Giáo. Trong số mấy chục vị Thánh Tử Đạo ấy có Sư Cô Thích Nữ Diệu Định ở Quảng Nam-Đà Nẵng.

 

Phật Đản năm 2016, cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày vị pháp thiêu thân của Sư Cô Diệu Định. Riêng với Phật Giáo hai tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (hai tỉnh thành có khi là một, có khi chia ra làm hai) thì Sư Cô là vị Thánh Tử Đạo duy nhất cho đến hôm nay. Tuy là vị Thánh Tử Đạo duy nhất, nhưng theo thiển ý của chúng tôi, thì chúng ta vẫn chưa trân trọng đúng mức đối với sự hy sinh to lớn của Sư Cô. Sách vở nhắc đến Sư Cô còn quá hời hợt, danh sách Thánh Tử Đạo có khi có ghi, có khi bỏ sót. Do nhân duyên ấy, chúng tôi được sự khuyến khích của Hòa Thượng Thích Như Điển và sự hỗ trợ của Ni Sư Diệu Như (là sư muội của Sư Diệu Định) sưu tập được những tài liệu ít ỏi này và xin phổ biến ra.  Kính xin chư Tôn Đức, chư thức giả và quý đạo hữu Phật tử bốn phương, ai có những tin tức tài liệu gì về công đức hy sinh vì đạo của Sư Cô xin cho chúng tôi biết để gom góp thêm. Xin thành thật tri ân trước.

 

 

2. Tiểu sử và một vài tư liệu, hình ảnh

 

Dựa theo bia mộ tại Bảo Tháp, Sư cô Thích Nữ Diệu Định có thế danh là Đỗ Thị Cửu, pháp danh: Nguyên Huệ. Sư cô  sinh ngày 28 tháng 6 năm 1937 - tức âm lịch ngày 20 tháng 5 năm Đinh Sửu - tại làng Bình Đào, huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam. Thân Phụ của Sư là cụ ông Đỗ Thêm, pháp danh: Thanh Bằng. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Lý, pháp danh: Nguyên Tánh. Gia đình sau dời về sống tại Hội An, gần Chùa Sư Nữ Bảo Thắng. Gia đình có tất cả 10 người con, đã mất hết 7 người, hiện còn lại 3 người. Cả gia đình đều quy y Tam Bảo với Sư Bà thượng Đàm hạ Minh tại chùa Bảo Thắng Hội An. Sau này Sư Bà dời về ở chùa Bảo Quang Đà Nẵng.

 

Từ nhỏ Sư Cô theo thân phụ thường xuyên lui tới chùa tụng kinh niệm Phật. Nhờ nhân duyên đó cho nên đến năm 19 tuổi (1956), sư cô xuất gia tại Chùa Sư Nữ Bảo Thắng Hội An với Sư Bà thượng Đàm hạ Minh .

Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (1)Thánh Tử Đạo Thích Nữ Diệu Định

(1937- 1966)

 

Su Co Dieu Thanh

Sư Cô Diệu Thành, em ruột của Sư Diệu Định

 

Trong gia đình Sư Cô hiện nay (9/2014) còn 3 chị em: em trai Đỗ Thanh Lê , pháp danh: Nguyên Tú hiện ở Hội An. Và còn hai em gái. Một là cô Đỗ Thị Cúc tức Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Diệu Thành, pháp danh: Nguyên Hương. Xuất gia và là đệ tử Sư Bà thượng Đàm hạ Minh. Hiện đang tòng tu tại chùa Bảo Thắng Hội An. Ngoài ra còn có một em gái khác tên là cô Đỗ Thị Hoa , pháp danh : Nguyên Quả, hiện đang ở tại chùa Bảo Quang Đà Nẵng với Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Cảnh.

 

Bắt đầu từ khi xuất gia thế phát dưới sự hướng dẫn và giảng dạy của Sư Bà, Sư cô Diệu Định rất tinh tấn tu học, tỏ ra cần mẫn trong mọi công việc nên được Sư Bà thương mến và đại chúng kính trọng. Hành điệu tại chùa Bảo Thắng được hai năm, Sư Bà nhận thấy Sư cô là người thông minh có căn khí nên vào năm 1958 cho theo học tại Phật học Ni viện Hồng Ân tại Huế. Năm 1962, Sư cô theo chân Sư Bà Bổn Sư ra tu học tại chùa Bảo Quang Đà Nẵng. Năm 1960 Sư cô được Sư Bà cho thọ Sa Di Ni giới với pháp tự Diệu Định. Sau đó cũng tại Đà Nẵng vào năm 1964 Sư được Thọ giới Thức-Xoa-Ma-Ni.

 

Tiếp sau biến cố 1963, vào năm 1966 Phật giáo Việt Nam lại một lần nữa bị chính quyền thẳng tay đàn áp. Chính phủ Thiệu-Kỳ tuyên bố xé bỏ hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khiến Phật tử rất công phẫn và lại tiếp tục xuống đường tranh đấu cho sự sống còn của đạo pháp. Riêng tại miền Trung tình hình lại càng căng thẳng hơn. Đặc biệt là Quảng Nam và Đà Nẵng, chính các vị tướng lãnh, sĩ quan trong quân đội cũng đã bất mãn với thái độ coi thường dân chúng của chính phủ Thiệu Kỳ nên đã tuyên bố ly khai với quân đội trung ương và hết lòng ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật giáo. Nguyện vọng của toàn dân bấy giờ là muốn có một Quốc Hội Lập Hiến và một chính phủ dân sự, nhưng đã bị chính quyền quân sự thẳng tay trừng trị. Chính quyền còn ra lệnh tấn công vào Chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng nhưng Tăng Ni và Phật Tử Quảng Nam Đà Nẵng dù trong tay không có vũ khí nhưng vẫn không chùn bước. Tại trước cửa Chợ Mới Đà Nẵng, chư Tăng Ni và Phật Tử đã sắp hàng dài ngồi giữa đường nhựa trong cơn nắng chang chang để ngăn chận đoàn xe tăng từ phi trường tiến về Chùa Tỉnh Hội. Tăng Ni trẻ Đà Nẵng thành lập ngay Đoàn Thanh Niên Tăng Ni Quyết Tử do Đại Đức Thích Minh Tuấn làm Trưởng Đoàn, hai vị phó Đoàn bấy giờ là Đại Đức Thích Tịnh Từ và Sư Cô Thích Nữ Diệu Tâm (các vị này hiện nay vẫn còn sống và đã là Hòa Thượng hay Sư Bà), quy tụ hầu hết tất cả Tăng Ni trẻ của tỉnh nhà tham gia. Trong số những thành viên lúc ấy có Sư Cô Thích Nữ Diệu Định, vị tu sĩ nhỏ người, ít nói nhưng tham gia tích cực tất cả các hoạt động của Đoàn Thanh Niên Tăng Ni Quyết Tử. Vào ngày 1.6.1966 Thượng tọa Thiện Minh, một vị lãnh đạo của Giáo Hội bị ám sát hụt bằng lựu đạn sau một cuộc đàm phán với chính quyền. Tin đã lan nhanh mọi nơi, khiến tất cả những người con Phật đều bàng hoàng sửng sốt. Nước đã sắp vỡ bờ, trong một buổi họp khẩn nội bộ vào buổi tối ngày 02.06.1966 tại Chùa Bảo Quang Đà Nẵng, có hai vị Ni xin phát nguyện noi gương đức Bồ Tát Quảng Đức và Sư Bà Thanh Quang ở Huế đã  tự đốt thân mình để cúng dường thân xác này cho đạo pháp. Hai vị Ni ấy là Sư Cô Diệu Lương và Sư Cô Diệu Định. Quyết định chưa ngã ngũ thì vào sáng ngày Phật Đản Rằm tháng tư năm Bính Ngọ (tức ngày 03.06.1966 dương lịch) Sư Cô Diệu Định tự tay quấn bông và thấm xăng sẵn vào mình, lên Chùa đãnh lễ Phật và Sư Phụ và xin phép tự thiêu cúng dường Tam Bảo nhân Phật Đản Phật lịch 2510. Sư Cô tự đi bộ đến Chùa Hải Lạc (địa chỉ hiện nay: số nhà 39 đường Triệu Nữ Vương, Đà Nẵng).

 

Theo lời kể lại của Phật Tử Nguyễn thị Trử, pháp danh Nhuận Quán, đệ tử của Cố Hòa Thượng Thích Quang Thể, nguyên là đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Chùa Tỉnh Hội (Pháp Lâm) Đà Nẵng, hiện ở tại Thăng Bình Quảng Nam như sau:

 Phat tu Nhuan Quan

 

Phật Tử Nguyễn thị Trử, pháp danh Nhuận Quán

„Tôi cùng đi với Sư Cô từ Chợ Mới đến Chùa Hải Lạc nhưng không biết chuyện gì. Sư Cô nét mặt vẫn vô cùng bình thản. Ngày thường Sư Cô cũng đã thường rất ít nói. Tôi hỏi Sư Cô là  hôm nay đến Hải Lạc có việc gì, có về Chùa Tỉnh Hội không? Sư Cô chỉ cười và không nói gì thêm. Khi chia tay Sư Cô chỗ ngã ba Chùa Bát Nhã (có tượng Phật Quán Thế Âm) thì tôi đi thẳng đến Chợ Cồn. Chỉ khoảng hơn một giờ sau tôi nghe người ta nói là có vị tu sĩ tự thiêu tại Chùa Hải Lạc, tôi biết ngay đó là Sư Cô Diệu Định, tôi vội chạy ngay về Hải Lạc. Trên đường đi, tôi thấy có nhiều Cảnh Sát Dã Chiến đang rần rần kéo đến. Tuy vậy tôi vẫn lẽn vào được đến sân Chùa Hải Lạc thì thấy đã có rất nhiều Phật Tử vây quanh, niệm Phật và đảnh lễ Sư Cô. Phật tử đến càng ngày càng đông, Cảnh Sát Dã Chiến phải dùng vòng dây kẽm gai vây quanh. Sau đó họ cho mang xác Sư đi. Khi xác đã mang đi Phật Tử chúng tôi hôm đó ai cũng thấy ngay tại chỗ Sư ngồi, chỗ vết cháy có hình một đóa hoa sen màu đen hiện ra rất rõ, đường kính khoảng hơn một mét. Chúng tôi ngơ ngác chỉ biết đảnh lễ đóa sen và khóc òa lên...

Hai ba ngày sau, đám tang Sư có hàng vạn Phật Tử tham dự, kéo dài khoảng 7, 8 cây số, từ Chợ Mới đến tận Chợ Cồn.“

 



Lúc ấy Sư vừa 27 tuổi đời, 10 năm xuất gia trong đạo.

Bây giờ ngay tại địa điểm Sư Cô đã vị pháp thiêu thân này có một Tượng Đài Kỷ Niệm.

  

Đây là những hình ảnh Tượng Đài ở Chùa Hải Lạc Đà Nẵng (hình chụp vào tháng 9 năm 2014):

 

Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (4)

Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (5)

Quang cảnh Tượng đài

Tượng (chụp gần)

 

 Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (6)

 

 

Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (7)

Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (8)

 

Địa chỉ Chùa Hải Lạc được ghi trên bảng

Hội Quán Gia Đình Phật Tử trong khuôn viên Chùa

(không thấy số nhà ở cổng Chùa)

Bia đá (chữ đã mờ, khó đọc,

ghi những dòng chữ sau):

Cố Ni Sư

Thích Nữ Diệu Định

Vị Pháp thiêu thân

15.04.Bính Ngọ (1966)

 

 

Tượng đài được dựng sát vào tường phía bên trái từ cổng vào. Ước lượng tượng đài cao 2,20-2,50 mét. Bức tượng Sư Diệu Định cao khoảng 80 cm, đài sen khoảng 70 cm. Tượng được đặt trên một bệ xây. Phía trước khắc những chữ nhưng đã mờ theo thời gian, cố gắng lắm mới đọc được những chữ như ghi ở trên.

Hai bên có hai câu đối ghi bằng chữ Việt, bị các cây mọc che khuất:

 

Hai câu đối:

 

Vị pháp danh lưu quang Phật sử

Thiêu thân thế tại đối Nam thiên

Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (9)

 

 

Ngoài ra tại Khu Nghĩa Trang Tổ Đình Phước Lâm Hội An (xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) còn có Bảo Tháp của Sư cô, do đồng môn Chùa Sư Nữ Bảo Quang Đà Nẵng  và gia đình đồng phụng lập. Sau đây là vài hình ảnh Bảo Tháp.

 

Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (10)

 

Hai trụ trước Bảo Tháp cũng ghi câu đối (như Tượng Đài ở Đà Nẵng):

 

Vị pháp danh lưu quang Phật sử


Thiêu thân thế tại đối Nam thiên

 

 Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (11)

Bia văn ghi phía trước Bảo Tháp

bằng chữ Hán như sau:

 

Lâm Tế Tôn tứ thập tứ thế,

Tỳ Kheo Ni thượng Nguyên hạ Huệ,

tự Diệu Định, Đỗ Tánh bửu tháp

Phật lịch 2510, Vị Pháp Thiêu Thân

Bính Ngọ tứ ngoặc thập ngũ nhật

 

 

Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (12)

Bia ở bức tường sau Tháp

ghi bằng tiếng Việt


Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (13)

Nhìn từ phía sau

Su Co Dieu Dinh_vi Phap thieu than (14)Nhìn từ bên trái

 

Nói về công hạnh của Sư Diệu Định, một tác giả đáng tin cậy hiện sống ở Hội An, Quảng Nam đã ghi lại trong một tác phẩm như sau:

 

„Sư cô noi theo hạnh nguyện của Bồ tát Quảng Đức cúng dường thân xác này cho Đạo pháp. Sư cô nói: “Sự tự thiêu của tôi không phải vì một hoài vọng riêng tư ích kỷ, mà sự tự thiêu của tôi là để khai tâm cho những ai đang âm mưu đàn áp và tiêu diệt Phật giáo”.

 

Sau khi được Sư Bà Bổn sư đồng ý, Sư cô đã chuẩn bị rất chu đáo cho sự hy sinh cao cả của mình. Vào sáng ngày 15 tháng 4 năm Bính Ngọ (3/6/1966), Sư cô quấn bông và tẩm xăng vào mình, lên chùa lễ Phật và đảnh lễ Sư bà Bổn sư lần cuối. Sau đó, Sư cô đi đến chùa Hải Lạc (nay nằm đường Triệu Nữ Vương-Đà Nẵng),  ngồi kiết già và ung dung bật quẹt châm lửa đốt mình cúng dường Tam Bảo, giải nguy pháp nạn. Sau nửa giờ, thi thể Sư cô từ từ ngã xuống trong tiếng niệm Phật và khóc than của Tăng Ni và Phật giáo đồ hiện diện.


Sự hy sinh cao cả của Sư cô Thích Nữ Diệu Định đã nói lên được tinh thần bất khuất của Tăng Ni Phật tử Quảng Nam Đà Nẵng trước sự kỳ thị tôn giáo của chính phủ Thiệu Kỳ. Với 27 tuổi đời và trải qua 10 năm tu học, Sư cô đã hiến trọn tuổi trẻ của mình cho sự trường tồn của đạo pháp. Ngọn lửa Thích Nữ Diệu Định đã kế thừa ngọn lửa thiêng của Bồ tát Quảng Đức và chư Thánh Tử Đạo nói lên nguyện vọng tha thiết của Tăng Ni Phật tử Việt Nam cho sự hòa bình, độc lập và tự do tôn giáo của Dân tộc. Lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi nhận sự hy sinh cao cả ấy và toàn thể Tăng Ni Phật tử đã trân trọng suy tôn Cô là bậc Thánh Tử Đạo vị pháp thiêu thân […]“.

 

(Thích Như Tịnh: Hành trạng chư Thiền Đức Xứ Quảng. Hà Nội, NXB Tôn Giáo, 2008, tr.346)

 

Bắt đầu từ năm 1968, để giúp đỡ những trẻ em nạn nhân chiến tranh trong những năm cao điểm của cuộc chiến Việt Nam và những hậu quả của trận lụt lớn năm Thìn, Giáo Hội Phật Giáo tại Đà Nẵng đã ủy nhiệm Sư Bà thượng Đàm hạ Minh thành lập Cô Nhi Viện Phật Giáo tại địa chỉ 222 đường Phan Chu Trinh (kế Phật Học Viện Phổ Đà). Cô Nhi Viện Phật Giáo này đã có thời gian vinh dự mang tên vị Thánh Tử Đạo của tỉnh nhà: Cô Nhi Viện Diệu Định. Cô Nhi Viện Diệu Định đã giúp đỡ hằng trăm cô nhi (lúc đông nhất có 170 cô nhi), cho các em đến học văn hóa tại trường Bồ Đề hay hướng dẫn tạo nghề nghiệp cho các em. Hoạt động đến tháng tư năm 1975, thì Cô Nhi Viện Diệu Định bị đóng cửa.

 

3. Mong ước, những việc cần bổ sung thêm

Trong quá trình tìm hiểu, sưu tập tư liệu về cuộc đời và hạnh nguyện của Sư Diệu Định, chúng tôi nhận thấy còn nhiều chỗ khiếm khyết.

-Thiếu những nhân chứng thật trong giờ khắc Sư tự thiêu. Theo lời kể lại, thì có cả trăm Phật Tử hiện diện lúc đó. Ai có chứng kiến và có thể giúp chúng tôi viết hay nói hoặc kể lại những tiến trình cuộc tự thiêu của Sư?

- Thiếu những hình ảnh về Sư, về cuộc tự thiêu.

- Ai biết nơi nào có sách báo, tài liệu văn kiện gì liên hệ với sự kiện tự thiêu, về công cuộc tranh đấu Phật Giáo tại Đà Nẵng 1965-66 xin vui lòng báo cho chúng tôi biết.

 

Xin vui lòng liên lạc qua Email:  [email protected]

 

Rất mong thay.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

Xin thành kính đê đầu đảnh lễ Thánh Tử Đạo Vị Pháp Thiêu Thân thượng Diệu hạ Định.

  

Nguyên Đạo (Đức Quốc)











Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/06/2010(Xem: 5854)
Hòa Thượng Thích Bích Nguyên là một trong những bậc cao Tăng thạc đức của Phật giáo Lâm Đồng. Ngài họ Nguyễn, húy là Tùng, sinh năm 1898 tại làng Duy Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ, bẩm chất thông minh, đĩnh ngộ. Thời tráng niên, lập nghiệp ở Lào, Hòa Thượng nhân đọc báo Từ Bi Âm mà ngộ đạo, thấy rõ cuộc đời vô thường, nuôi chí xuất gia. Đến năm 29 tuổi (1927), Hòa Thượng mới có đủ nhân duyên đầu sư thọ giáo với Hòa Thượng PHƯỚC HUỆ, Trú trì chùa Hải Đức, Huế và đắc giới Sa di năm 1934. Năm 1936, ngài thọ Cụ túc giới với pháp hiệu BÍCH NGUYÊN, rồi theo học ở các lớp Phật học tại các Phật học viện Hải Đức, Bảo Quốc và Ấn Quang.
15/05/2010(Xem: 5355)
Thiền sư Khánh Hòa sinh năm 1877 tại làng Phú Lễ tỉnh bến Tre, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Khải Tường. Chí nguyện chấn hưng Phật giáo của ông phát sinh vào khoảng năm ông được bốn mươi tuổi. Ông du hành khắp các tổ đình và Nam Kỳ để gây ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc.
19/03/2010(Xem: 7414)
Một cặp kính trắng với sợi dây vòng ra sau cổ, năm ba con khỉ nhảy tung tăng trên vai, trên đầu, tóc tai rối rắm, áo quần cái dài, cái ngắn, kiểu đàn ông, đàn bà, đầy màu sắc sặc sỡ …đây là dáng người anh Bùi Giáng chúng ta thường gặp trên những nẽo đường Sài Gòn năm 1975 … Sau năm 1975 , anh Bùi Giáng về ở chung với chúng tôi trong nội xá viện Đại học Vạn Hạnh cũ (222 Trương Minh Giảng, nay là Lê Văn Sĩ). Vào thời điểm này, Đại học Vạn Hạnh không còn hoạt động, nên nội xá chỉ còn một số ít người ở lại với Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu. Chúng tôi quản lý chung, chú Chơn Thuần đi chợ và thị giả cho Hòa thượng Viện trưởng, anh Trần Châu phụ trách an ninh, anh Bùi Giáng thì nhận nhiệm vụ đi mua lương thực.
10/03/2010(Xem: 6171)
Bản thân tôi (Tín Nghĩa), rất ít có dịp thân cận với Ôn Già Lam. Điều dễ hiểu, vì tôi không xuất thân từ Phật Học Viện. Vả lại, mỗi lần Ôn về Huế (Bảo Quốc), thường vào dịp đầu xuân, thì đa phần Ôn hay đàm luận Phật sự với quý Ôn lớn như Ôn Linh Mụ, Ôn Trúc Lâm, Ôn Linh Quang, Ôn Từ Đàm và Ôn Bảo Quốc, . . . Đầu năm, Ôn thường hay nghe Đại luật (tức là dạy luật Tứ phần) cho hai chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, thì tôi đạp xe ra học rồi về lại chùa. Vả lại, bổn phận của tôi ở chúng Trúc Lâm cũng tương đối bề bộn. Tuy thế, chính tôi lại có với Ôn ba kỷ niệm khó quên.
10/03/2010(Xem: 8930)
Bây giờ là những ngày cuối năm âm lịch. Thiên hạ cùng viết về Xuân, Tết. Tôi muốn viết về Ôn Già Lam và Tu viện Quảng Hương Già Lam. Ôn Già Lam là cách gọi tôn kính của những môn đệ và phật-tử hướng về Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, vị viện chủ sáng lập tu viện. Trong tu viện, tăng chúng khi nói về ngài thì chỉ dùng chữ “Ôn” một cách gần gũi. Còn tu viện Quảng Hương Già Lam thì vẫn thường được gọi với cái tên thật ngắn: chùa Già Lam.
10/03/2010(Xem: 7240)
Ôn Già Lam, chỉ ba tiếng ấy thôi cũng đủ làm ấm lòng bao lớp Tăng sinh của các Phật Học Viện: Báo Quốc - Huế, Phổ Đà - Đà Nẵng, Hải Đức - Nha Trang, Già Lam - Sài Gòn. Ba tiếng nói ấy như trái tim của Mẹ ấp ủ đàn con qua suốt quãng đời dãi dầu mưa nắng. Ôn Già Lam, người đã hy sinh suốt đời mình để phụng sự cho Phật pháp, đào tạo Tăng tài qua nhiều thế hệ. Ôn đã khai phóng tinh thần thế học cho Tăng sinh các Phật Học Viện.
10/03/2010(Xem: 13889)
Sau năm 75 các Phật Học Viện đều đóng cửa. Các tăng sinh tại các Phật Học Viện đều trở về chùa cũ của Thầy Tổ để sinh sống và tu học. Thật tế, tu thì có mà học thì hầu như không. Có chăng là Thầy dạy đệ tử trong chùa. Những chùa có ruộng đất thì thầy trò tự túc canh tác để sinh sống. Sinh hoạt giáo dục và đào tạo tăng ni trẻ đã không còn.
05/12/2008(Xem: 9447)
Hình ảnh Mừng Sinh Nhật Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng Ngày 5-12-2008 tại Cao Hùng , Đài Loan tại Nhà Hàng 200 Món Đồ Chay Do Đạo Hữu Tony và quý Phật tử trong phái đoàn Hành Hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Độ tổ chức
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]