Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đường đi vô hạn, nhớ người xưa

05/11/201508:43(Xem: 8550)
Đường đi vô hạn, nhớ người xưa
thich hanh tuan 6
ĐƯỜNG ĐI VÔ HẠN, NHỚ LỜI XƯA…
 

 “I feel blessed since not too many people can do what we are doing. Working in this field required a lot of energy and sacrifice. We are in this position as a spiritual leader and carrying out the message of the Buddha to help ourselves and others. To be happy, one must be at ease and mindful about our existence.” Thích Hạnh Tuấn


            Tiếng chuông reo vừa dứt, dạy lớp học Honors Chemistry cuối cùng trong ngày vừa xong, thở một hơi và ngồi xuống mở điện thư, thấy anh Quảng Tịnh Nguyễn Chí Thanh gởi email Tin Buồn, đọc mà không tin vào mắt mình, rồi đọc lại lần nữa: "Chúng con/chúng chúng tôi kính báo tin: Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn... Đã viên tịch trưa hôm nay, thứ Sáu ngày 30/10/2015...

            Vẫn không tin vào mắt mình!

Cùng lúc quý anh Thị Nghĩa, Quảng Pháp và Nguyên Túc cũng nhắn tin qua Facebook. Chúng tôi gọi chị trưởng Tâm Phùng để kiểm chứng.

Thật rồi! Thầy đi thật rồi!

Bàng hoàng và xót xa!

            Không biết làm sao hơn, lúc này, chỉ ngồi xuống—hít thở sâu và chậm. Tự nhiên nhớ hai câu cuối trong bài thơ Dạ Toạ của Ôn Tuệ Sỹ, mà thầy thay mặt ký tặng vào năm 2002, tại Tu Viện Kim Sơn: 

            "Không môn thiên viễn do hòai mộng 

            Quy lộ vô kỳ nhiệm chuyển bồng"

            (Hình bóng chùa xưa còn nhớ mãi 

            Đường về vô hạn, rối lòng thêm)


*

            Thầy ơi! mới ngày nào đây mà, còn hẹn anh chị Nguyên Phú và Nguyên Nhơn sẽ về thăm Thầy và GĐPT Trúc Lâm. Nhớ ngày nào gặp Thầy tại Chùa Việt Nam, Houston, TX trong kỳ trại Huấn Luyện A-Dục Lộc Uyển, 1998 nghe Thầy giảng pháp thật hay. Nhưng giây phút gây ấn tượng và sâu đậm nhất mà chúng tôi nhớ mãi là Thầy lên sân khấu, hát bài “Tôi Yêu Màu Lam” của nhạc sĩ Trần Nhật Thanh. Đó cũng là lần đầu tiên, chúng tôi biết bài hát ấy. Dạt dào cảm xúc!


Chúng tôi yêu màu Lam là màu thêm sức sống 

Chúng tôi yêu màu Lam màu kết bao tình thương 

Lòng mến yêu vô vàn về đây ta cùng hát 

Hát lên cho đời hết bao đau buồn 

ĐK:

Bạn hỡi về đây ta sống vui bên nhau 

Xây mộng ước mai sau cho tương lai thêm đầm ấm 

Bạn hỡi về đây tay nắm tay vang ca 

Với lời ước cho nhau một nguồn sống bao chan hòa 


Chúng tôi yêu đàn em bằng tình thương cao quý 

Hôm nay về đây nhìn các em hồn nhiên 

Đời sống vui an lành. Và chúng tôi yêu màu Lam 

Với bao nhiêu thành kính trong tâm hồn. 

          Hát xong, Thầy còn nói là Thầy được “độc quyền hát” bài này. Bài hát mà Thầy yêu quý nhất và Thầy luôn hát mỗi khi đi trại với Gia Đình Phật Tử, nhưng lý do nào Thầy chọn khoác áo Đà thay áo Lam? Thầy quan niệm rằng màu Nâu sồng là sự hòa quyện tuyệt vời giữa màu Lam và huyết tạng, biểu tượng của lòng nhiệt huyết và tình thương của tuổi trẻ mang chí nguyện đem Đạo vào đời.  Đó cũng là bài học kỷ niệm đánh dấu cuộc đời Huynh trưởng của chúng tôi trong tổ chức GĐPT Việt Nam. 


            Sự dấn thân huynh trưởng của chúng chúng tôi từ đó được dìu dắt, thương yêu và nâng đỡ của nhiều vị Chư Tôn Túc tại Hòa Kỳ, trong đó có Thầy. Lần đầu tiên gặp mặt và tâm sự với Thầy thật lâu là dịp Thanksgiving tại Tu Viện Kim Sơn, 2002, sau khi chia sẻ những ưu tư và hoài vọng cho tổ chức GĐPT, Thầy lấy tập thơ của Ôn Tuệ Sỹ, Ngục Trung Mị Ngữ do Quảng Hương Tùng Thư xuất bản năm 1988, ký tặng, vì biết chúng tôi là người yêu thơ văn. Nhưng hơn thế nữa Thầy tâm sự, Ôn Tuệ Sỹ là một thiên tài, có chí lớn cho Phật giáo, Quốc gia và Dân tộc, nên chúng ta phải học hỏi và noi theo. Vì thế, bản thân Thầy cũng đang theo đuổi chương trình Tiến Sĩ Phật Học (Buddhist Studies) tại University of California at Berkeley, sau khi học xong văn bằng Thạc Sỹ Tôn Giáo Tỷ Giảo (Master of Theology Studies) tại Harvard University. Thật tự hào vì Thầy là người Tu sỹ mà mình có duyên gần gũi tiếp xúc. Chúng chúng tôi rất kính trọng Thầy, ủng hộ và noi theo hạnh nguyện cao cả của Thầy. Rồi năm 2006, Thầy được thỉnh về trụ Trì Chùa Trúc Lâm, thành phố Chicago, tiểu bang  Illinois, USA để hành đạo. 
           Từ ngày Thầy đảm nhiệm trọng trách Trụ Trì Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Chùa Trúc Lâm, Phật giáo Việt Nam tại tiểu bang Illinois nói riêng và trung Mỹ nói chung ngày càng phát triển, trong đó có tổ chức Gia đình Phật tử, nhất là GĐPT Trúc Lâm mà Thầy luôn tự hào và chia sẻ những thành công với chúng chúng tôi.     

            Từ đó về sau, mỗi khi Thầy về thăm Tu Viện Kim Sơn, Chùa Phổ Từ, Chùa Kim Quang hay đơn vị GĐPT Kim Quang là dịp chúng tôi được duyên lành hội ngộ.  Ngoài ra, trong mỗi lần học Phật pháp cho các trại huấn luyện, chúng tôi đều có cơ duyên gặp Thầy, lần cuối cùng gặp và tâm sự cùng Thầy bằng xương bằng thịt là ngày phỏng vấn Thầy và Thầy Từ Lực cho luận án tại Tu Viện Kim Sơn vào năm 2013. Chúng tôi học hỏi từ Thầy rất nhiều, lần chót là Kinh Thắng Man trong bậc Lực trong trại Vạn Hạnh. Sau đại hội 'hợp nhất' toàn quốc 2004 tại chùa Diệu Pháp, Monterey Park, California, tổ chức GĐPTVN Hoa Kỳ xác nhận lập trường trực) thuộc vào ‘thế’ truyền thống trong hệ thống GHPGVNTN, mà sau này vào năm 2008, Thầy đảm nhận chức vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên của Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK. Hòai vọng của Thầy cũng như Chư Tôn Túc là sự ngồi lại, hòa giải, và hợp nhất lại tổ chức GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ vì đang bị chia rẽ. Làm được như vậy, tổ chức GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ mới lớn mạnh hầu giúp cho Giáo Hội, giúp Phật Giáo Việt Nam tiếp tục sứ mệnh của mình một cách vững chãi là đem đạo Phật giúp cho đời bớt khổ, nhất là giúp giới trẻ, gia đình họ và xã hội nói chung. Uớc mơ, hy vọng và hòai bão đó cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni mà duyên lành vẫn chưa đủ, mà Thầy tình nguyện dấn thân chỉ vì tình yêu thương màu Lam bất diệt trong Thầy. Có lẽ bài học vô thường trong sự ra đi đột ngột của Thầy sẽ làm quý anh chị lớn có quyền hạn, bổn phận và trách nhiệm trong tổ chức GĐPT ngồi lại và tìm lối đi chung của Tổ Chức, cho Phật giáo Việt Nam ngày càng lợi lạc. 

            Trở lại việc Thầy trò, chúng tôi với tư cách và trách nhiệm của hàng huynh trưởng cấp Tín, chúng con/chúng tôi  đã và đang làm những gì có thể cho tổ chức và cho Phật giáo Việt Nam như lời Thầy dạy. Khi chúng tôi, có cơ duyên phỏng vấn Thầy cho luận án của mình, những chi tiết về cách hành hoạt, tu học, lãnh đạo, dấn thân của Thầy có thể là kim chỉ nam cho nhiều người. Thầy là một học giả uyên thâm, Thầy là một trong số ít Tăng Ni Phật giáo Việt Nam viết Phật pháp bằng tiếng Anh và giảng dạy tiếng Anh một cách lưu loát. 

            Công hạnh và hạnh nguyện của Thầy thì làm sao nói hết, Thầy đi chúng con xót thương, như biết Thầy đã dạy:  “Sự vô thường, tuổi già và bệnh tật không bao giờ hứa hẹn với chúng ta. Chúng có thể đến bất cứ lúc nào mà không một lời báo trước. Bởi vì cuộc sống là vô thường, nên chúng ta không biết chắc rằng chúng ta có còn sống ở sát-na kế tiếp hay không. Nếu một tai nạn xảy đến, chúng ta sẽ biến mất khỏi thế giới này ngay tức khắc. Mạng sống của chúng ta ví như hạt sương đọng lại trên đầu ngọn cỏ trong buổi sáng mùa xuân. Nó sẽ bị tan biến ngay khi ánh mặt trời ló dạng. Những ý niệm của chúng ta thay đổi rất nhanh trong từng sát-na. Thời gian rất ngắn ngủi. Nó chỉ kéo dài trong một sát-na (kṣaṇa), giống như hơi thở. Nếu chúng ta thở vào mà không thở ra, chúng ta sẽ chết”.  Hôm nay ngồi đây, nhớ Thầy nhớ giọng nói tiếng cười và bài hát tuyệt vời, xuất phát từ trái tim yêu màu áo Lam của Thầy.  Với chúng con Thầy là đấng Trượng phu, là bậc trưởng tử Như lai mà chúng con thương kính. Đây là bài thơ kính bái biệt Thầy. 


THẦY - CÂY TRÚC VÀNG

Tưởng niệm Thầy Hạnh Tuấn


Ngày Thầy mất, vía Quán Âm Bồ Tát

Hiện thân Thầy cũng Bồ Tát Quán Âm

Thầy lắng nghe đời vô thường đau khổ

Đem Từ bi, Trí tuệ gieo bốn phương

Thầy - sống vị tha hoá độ khôn lường

Nay xả bỏ báo thân về Cõi Tịnh

Thầy - Hòang trúc nhẹ lay

in hình mặt đất

vô sanh.
            Sự ra đi bất ngờ của Thầy là một nỗi mất mát quá lớn lao cho tổ chức Gia Đình Phật Tử, cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, cho Phật Giáo Việt Nam nói chung và cho Đạo tràng Chùa Trúc Lâm Chicago và các vùng phụ cận nói riêng. Ngưỡng nguyện Mười Phương Chư Phật Chư Đại Bồ Tát phóng quang tiếp độ cho Giác linh Hòa Thượng thượng Hạnh hạ Tuấn Cao Đăng Phật Quốc.


Phật tử áo Lam đồng kính bái

Tâm Thường Định - Nguyệt Giác Nghiêm



thich hanh tuan 4


Bài Học về Sự Sống và Cái Chết

   Viết để tưởng nhớ Mẹ và Thầy Hạnh Tuấn



            Có lần chúng tôi ngắm hoa Quỳnh nở, trước vẻ đẹp thanh tao, hương thơm quyến rũ nhưng phảng phất lẽ vô thường trong cõi phù sinh kiếp người. Chúng tôi thầm hỏi, phải chăng sự sống bắt đầu từ lúc hoa Quỳnh nở và kết thúc khi hoa tàn? Điều đó tất nhiên, nhưng ý nghĩa quan trọng là: Mình đã làm được gì trong khoảng thời gian đó bùng nở đó?


           Những năm trước, nhân đọc một bài pháp thoại, một vị Thiền sư hỏi những người đệ tử của mình, cuộc sống dài bao lâu? Có người bảo 100 năm, 75 năm, 50 năm, 25 năm, v.v... Nhưng câu trả lời của vị Thiền sư đó là: “Cuộc sống chỉ dài như một hơi thở”, vì nếu một hơi thở vào, mà không ra hoặc ngược lại, tức khắc chúng ta từ giã cuộc đời này. Tự nhiên, khi ngắm hoa Quỳnh nở rồi tàn trong một đêm trăng tròn Mười Sáu, chợt nhớ bài pháp thoại năm nao, tâm cảnh hữu tình mà sáng tác một bài thơ: 
                                    Nếu cuộc sống dài như hơi thở,

                                    Ta làm gì giữa hơi thở trong ta.

Thật vậy, cuộc sống chỉ dài như hơi thở mà thôi. Mong manh và vô thường. Giữa sống và chết là một khoảng thời gian quý giá. Mình làm gì trong khoảng thời gian đó mới là điều quan trọng. Vì thế, niềm tin và thái độ về sự chết của chúng ta có một ảnh hưởng rất lớn đến cách sống của chính mình.


            Có thể nói không có nỗi đau buồn nào lớn hơn khi phải chia tay vĩnh viễn với người thân. Mặc dù chúng ta biết rất chắc chắn có sinh có tử, và thời gian của chúng ta với cuộc đời này có hạn và không ai có thể thoát khỏi sự vô thường của cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng phải trải qua những cú sốc về cái chết của người thân của mình, nhất là Ba Mẹ. Nói như vậy để chúng ta có thể sống và hành hoạt để chuẩn bị cho một hành trình ra đi vĩnh cữu của chính mình.


            Những câu hỏi như con người từ đâu đến và chết sẽ đi về đâu? Khi chết chúng ta để lại những gì? Thực ra trong quá trình tìm kiếm những giải đáp cho những câu hỏi này, Phật giáo ra đời. Đạo Phật dạy chúng ta không nên thờ ơ với cái chết, chúng ta nên đối diện với chính nó khi những cánh cửa sanh lão bệnh tử từ từ mở ra. Phải chăng văn hóa đương đại là cố gắng tránh né hoặc từ chối nhìn thẳng vào cái chết của con người. Tuy nhiên, khi chúng ta có được nhận thức đúng đắn về sự ra đi vĩnh cữu, chúng ta buộc phải xem xét cuộc sống của chúng ta và tìm cách sống cho nó có ý nghĩa và lợi lạc hơn.  Sự trở về với cát bụi làm cho chúng ta trân quý cuộc sống này; nó có thể đánh thức chúng ta sống tử tế hơn trong từng giây từng phút. 


            Theo quan điểm Phật giáo, sự sống và cái chết là hai giai đoạn của một sự liên tục. Cuộc sống không phải bắt đầu từ lúc chúng ta sinh ra hoặc kết thúc vào khi nhắm mắt. Tất cả mọi thứ trong hoàn vũ - từ sinh vật nhỏ bé vô hình trong không khí (vô sắc giới) mà chúng ta đang hít thở cho đến vòng xoáy của những dải ngân hà - đều đi qua các giai đoạn thành trụ hoại không. Cuộc sống cá nhân của chúng ta có chăng là một phần tử của nhịp điệu hoà hợp trong vũ trụ bao la này. Cuộc sống và mọi thứ trong vũ trụ lệ thuộc nhau, tương quan tương ái. Tất cả như một dòng chảy nó không có khởi đầu và không có kết thúc.

            Thuở ban đầu, giáo lý Phật giáo cho rằng quá trình sinh-tử là một thực trạng không thể tránh khỏi và chúng ta có thể thoát khỏi thực trạng khổ đau này.  Đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni nhận thức rằng sự ham muốn cho cuộc sống này được tái diễn đã buộc chúng ta luôn ở trong vòng sanh tử luân hồi. Nhưng nếu chúng ta loại bỏ được sự ham muốn (ly ái – diệt tham luyến ái), chúng ta có thể cắt đứt các nguồn năng lượng của nghiệp lực đã đưa ta vào vòng xoáy của sinh-tử. Hay nói một cách khác, chúng ta thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, đạt đến cảnh giới Niết bàn là mục đích tối hậu của giáo lý Phật Đà. Ngày nay, có những truyền thống Phật giáo cũng cho rằng cuộc sống là một chu kỳ của khổ đau và từ đó chúng ta có thể giải thoát.

            Tuy nhiên, trong kinh Pháp Hoa (Lotus Sutra) đã chiếu sáng một tư duy hoàn toàn mới mẻ mang tính cách mạng cho con người, đó là khẳng định mục đích sâu sắc trong cuộc sống của chúng ta trên thế giới này. Đức Phật Thích Ca nhấn mạnh rằng "tất cả chúng sanh đều có Phật tánh", và bản chất thiết yếu trong cuộc đời này, chúng ta có thể sống và trang trải tất cả những phẩm chất và hạnh nguyện của một vị Phật đang hiện hữu. Khi chúng ta tỉnh ngộ với sự thật là Phật tánh vốn sẵn có trong mỗi chúng ta, con người sẽ khám phá ý nghĩa cơ bản quan trong về mục đích, và cuộc sống mang một chất lượng hoàn toàn khác nhau, lạc quan, an vui và vô giá.

            Vậy, Phật tánh là gì và làm thế nào chúng ta làm sống lại? Về bản chất, Phật tánh là khả năng trở thành Phật, là sự thúc đẩy vốn có trong cuộc sống để giảm bớt đau khổ và mang lại hạnh phúc cho người khác. Nó được cô đọng trong kinh Pháp Hoa bằng tuyên bố: "Một là tất cả, tất cả là một”.

            Từ quan điểm giác ngộ của Đức từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, chúng ta có đầy đủ nhân duyên, sinh vào thế giới này. Chúng ta phải quyết tâm đánh thức Phật tính của mình và của người khác (Tự độ, độ tha). Chúng ta hãytự giác, giác tha, rồi mới đến giác hạnh viên mãn. Khi chúng ta tỉnh táo với mục đích này, các nguyên nhân và tác động trong cuộc sống của mình trở thành những đức tính của Phật.  Tất cả những hoàn cảnh, kinh nghiệm trong cuộc sống, từ những khổ đau tột cùng đến hạnh phúc viên dung đều là phương tiện để chúng ta chứng minh sức mạnh của Phật tánh và tìm về với bến giác. Vì tánh bình đẳng của Phật tánh, nên chúng ta sẽ sống tử tế hơn, tôn trọng nhau hơn và tìm cách làm dịu những cơn đau và làm tăng thêm hạnh phúc cho mình, cho người và cho mọi loài.

            Nói tóm lại, việc sanh tử là trọng đại, chúng ta sống để chuẩn bị cho cái chết. Ai có sự chứng nghiệm thì mới hiểu. Tháng trước Mẹ của mình vẫn còn tỉnh táo và minh mẫn. Thế rồi bị bệnh cảm, chuyển sang viêm phổi, tuổi già sức yếu, Mẹ đã thanh thản ra đi chỉ vỏn vẹn trong một tuần. Chiều nay, nghe tin Thầy Hạnh Tuấn thâu thần thị tịch, lòng băn khoăn, day dứt. Nỗi buồn này chồng chất nỗi buồn khác. Qua những chứng kiến hoặc trải nghiệm về sinh lão bệnh tử, chúng ta trở nên ý thức hơn về phẩm chất và giá trị của cuộc sống, chúng ta có lẽ sẽ dễ dàng thông cảm với những đau khổ của kẻ khác và làm cuộc sống này ngày càng có ý nghĩa.

            Sống và chết. Đến và đi. Có chăng chỉ là lý thuyết và niềm tin. Điều quan trọng là chúng ta có lối sống, nhận thức và biết trân quý giá trị của cuộc đời này. Xin hãy nhớ và quán chiếu, Ta đang làm gì trong khoảng thời gian chúng ta hiện hữu trong cõi đời này. Xin hãy làm lợi mình, lợi người, trong hiện tại và luôn cả tương lai. Xin hãy bắt đầu bạn nhé.


        Cuối cùng xin chia sẻ hai bài thơ mới viết, một để tưởng niệm Mẹ, bài kia để tưởng niệm Giác linh Thầy Hạnh Tuấn để kết thúc bài viết Bài Học về Sự Sống và Cái Chết


MẸ - TÌNH THƯƠNG BAN ĐẦU

Ngày Mẹ mất, tiếng Nam mô vang vọng

Mẹ đến đi tự tại thong dong.

Mẹ hiện thân của cõi vô song.

Con nối tiếp, nguyện sống đời tao nhã.


THẦY - CÂY TRÚC VÀNG

Tưởng niệm Thầy Hạnh Tuấn


Ngày Thầy mất, vía Quán Âm Bồ Tát

Hiện thân Thầy cũng Bồ Tát Quán Âm

Thầy lắng nghe đời vô thường đau khổ

Đem Từ bi, Trí tuệ gieo bốn phương

Thầy - sống vị tha hoá độ khôn lường

Nay xả bỏ báo thân về Cõi Tịnh

Thầy - Hoàng trúc nhẹ lay

in hình mặt đất

vô sanh.


Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Tâm Thường Định

Sacramento, tuần thứ 5 cúng Mẹ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/08/2021(Xem: 4560)
Hòa thượng thế danh là Trần Đại Quảng, pháp danh Tâm Trí, tự Viên Giác, hiệu Chiếu Nhiên, thuộc đời thứ 43 dòng Lâm Tế, Liễu Quán. Ngài sinh năm Nhâm Tý (1912), tại làng Dương Nổ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình Nho phong đức hạnh nhưng có chí cách tân, theo hướng Tây học. Thân phụ là cụ ông Trần Đại Dật, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Mĩu (pháp danh Tâm Mỹ). Ngài lớn lên theo truyền thống giáo dục gia phong, được tiếp xúc với nhiều bậc thân hữu trí thức của thân phụ trong những lúc hàn huyên hay luận bàn văn sách. Do đó Ngài đã sớm tiếp thu kiến thức sâu rộng, lý giải sự việc nhanh chóng, đạt lý thuận tình nên rất được lòng quần chúng. Ngài ham học hỏi, hiếu khách, nhất là được kết thân với các bậc thiện hữu tri thức, chính vì thế mà Ngài phát huy trí tuệ rất nhanh. Nhờ tính năng động và chí phấn đấu trong học tập và lao động nên dù nghiêm thân mất sớm, Ngài, với tư cách con trưởng, vẫn giữ vững gia nghiệp, phụ giúp mẫu thân dưỡng dục các em học hành t
20/08/2021(Xem: 9761)
Sư Phụ Tôi người hiền hoà chất phát Sống một đời giản dị rất bình dân Bất cứ ai dù ở chốn xa gần Khi cần đến Ngài sẵn sàng cứu giúp. Ngài thuộc bậc hàng cao Tăng thạc đức Nhưng lúc nào cũng tỏ hạ khiêm cung Sống giản đơn nhưng sắc thái kiêu hùng Bình thuận tỉnh, đệ huynh đều kính mến. Không phung phí của Đàn na tín thí Từng hạt cơm, hạt đậu cả hạt mè Quần áo thì vài ba bộ che thân. Ngày ba bữa cháo rau cùng tương đậu. Thời khoá biểu Ngài luôn thường nhắc nhở
11/08/2021(Xem: 7190)
Toàn tập Kinh Tạng Nikaya cho Iphone & Ipad (cảm ơn TT Tâm Hải đã gởi tặng, mời đại chúng vào download để đọc kinh Tạng)
04/08/2021(Xem: 6659)
Sông Thạch Hãn, Ngân Thiền Tâm Mộ Phật. Chốn Trà Trì, Gương Học Hạnh Xuất Gia. Nhỏ Tầm Chơn, Quyết Chí Xa Thế Tục. Khoác Áo Nâu Sòng, Học Lối Thích Ca. Chào Song Thân, Xứ Bảo Lộc Quê Nhà. Nương Thầy Tổ, Giữ Gìn Tâm Hướng Đạo. Mùi Kinh Kệ, Tháng Ngày Xông Cõi Tịnh. Thuộc Luật Nghi, Từ Góc Hạnh Trăng Sao.
26/07/2021(Xem: 8134)
Hòa thượng thế danh là Nguyễn Minh Có, pháp danh Huệ Đạt, pháp hiệu Hoàn Thông, sinh năm Đinh Tỵ (1917) triều Khải Định năm đầu, tại ấp Hội An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, trong một gia đình nông dân nghèo. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Phuông, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sửu, Ngài mồ côi cha lúc 13 tuổi. Thiện duyên đưa đến cho hạt mầm Bồ đề trong tâm Ngài phát triển. Năm 1930, trong thân tộc có ông Hồ Trinh Tương, gia tư khá giả, phát tâm phụng sự Tam Bảo, xuất tiền của xây một ngôi chùa, lấy hiệu là Hội Thắng Tự. Ông xuất gia đầu Phật, húy là Tường Ninh, pháp danh Đắc Ngộ, pháp hiệu Niệm Hưng và làm trú trì chùa này để hoằng dương đạo pháp. Ngài được thân mẫu cho phép xuất gia với Sư cụ trú trì chùa Hội Thắng khi vừa mồ côi cha, được ban pháp danh Huệ Đạt. Năm 16 tuổi (1933) Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa Di.
12/07/2021(Xem: 4168)
Trăm Năm Cõi Mộng Phù Hương, Vọng Lời Kinh Phật, Mở Đường Pháp Sinh. Lời Thầy Còn Đọng Chút Tình, “Sông Bờ” Ai Đợi, Dáng Hình Trí Yên. Quê Quảng Bình, Dấu Phật Thiên. Nuôi Mầm Học Hạnh, Giãi Niềm Gia Lai. Thầy Dụng Võ, Ngọc Liên Đài, Thâu Lời Kinh Luận, Bỏ Ngoài Tục Danh.
26/06/2021(Xem: 4099)
Quên sao được những ngày đầu nhập đạo Quỳ trước Thầy con phát nguyện xuất gia (1) Cuộc đời con nay đã được an hòa Sống giải thoát trong tình thương Thầy, bạn Nương Chùa Tỉnh (Pháp Bảo) thăng hoa từng ngày tháng Từ học hành đến tu tập nâng cao Từng trải nghiệm với Phật Pháp nhiệm mầu Hành tinh tấn chuyển hóa nhiều nghiệp lực Sống vị tha khiêm cung tròn phước đức Học hạnh Thầy dung nhiếp độ chúng sanh Viện Huệ Nghiêm, Vạn Hạnh chưa viên thành (2) Đường phụng sự tham gia Đoàn Xã Hội (3) Nhưng tu hành Thầy khuyên đừng nên thối Tinh tấn lên nhân quả rất công bằng Việc sẻ chia thực hiện hết khả năng Đời ý nghĩa mang niềm vui dâng hiến Đức hài hòa của Thầy luôn thể hiện (4) Tròn vai trò Hội Chủ suốt nhiều năm Lòng của Thầy trong sáng tợ trăng rằm Quyết độ tận chúng sanh vơi đau khổ !!! Chùa Pháp Hoa, 26/06/2021 Thích Viên Thành
22/06/2021(Xem: 13204)
Lời thưa của người kết tậpNhững khi nhắc chuyện Chùa xưa, Mẹ thường kể “… Sau ngày Ông Ngoại bị liệt, Ôn Đỗng Minh hay thăm hỏi, và dặn các học trò thường xuyên lui tới săn sóc…” Tôi biết vỏn vẹn chỉ chừng ấy về Ôn, vậy đã là quá nhiều! Tập san Hoa Đàm số 12 này được kết tập và phát hành nhân ngày Kỵ, phần lớn nội dung bài vở, hình ảnh đã có trong tập Kỷ yếu Tưởng Niệm Ôn (viên tịch ngày 17.06.2005 | 11.05 năm Ất Dậu) do hàng Đệ tử của Ôn thực hiện trước đây, và một ít từ trang nhà Quảng Đức (https://quangduc.com/) của Thầy Nguyên Tạng biên tập, cũng như Pháp Tạng (http://phaptangpgvn.net/vie/) do Thầy Tâm Nhãn phụ trách.
21/06/2021(Xem: 5898)
Kính mời quý vị tham dự lễ húy kỵ Hòa Thượng khai sơn chùa Pháp Hoa, thượng NHƯ hạ HUỆ vào Chủ Nhật 27/6/21, và khóa an cư Kiết Đông từ ngày 4 đến 10/7/2021 theo chương trình như sau: 1.Lễ húy kỵ Hòa Thượng khai sơn: Chủ Nhật, 27/6/21: 8:00am: Phật tử công quả phước điền, 9:00am: Tụng kinh, niệm Phật. 10:30 am: Lễ Húy Kỵ Hòa Thượng Khai Sơn: (Có chương trình riêng). 12:00pm: Cơm chay đạo vị. 2.Lễ kiết giới an cư: Chủ Nhật, 4/7/21: 8:00am: Chư Tăng Ni và Phật tử câu hội và ổn định chổ ở. 9:30am: Lễ khai mạc, công bố nội quy tu học, và Lễ kiết giới tràng, 11:00am: Quá đường, ngọ trai và Lễ Xả giới tự tứ ngày Thứ Bảy 10/7/2021.
18/06/2021(Xem: 8765)
Mười tuổi không may mất mẹ cha Cư tang hiếu kính vẹn tình nhà Ân sâu dốc trả tâm quy đạo Nghĩa nặng mong đền chí xuất gia Phật Pháp tinh thông an lạc hiện Thiền Kinh quảng lãm não phiền xa An Ban Thủ Ý vui nguồn sống Lục Độ Tập Kinh toả đức hoà.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]