Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bên di ảnh Thầy

04/11/201505:17(Xem: 10662)
Bên di ảnh Thầy
                                   Thich Hanh Tuan 13

 BÊN DI ẢNH THẦY
(Kính tưởng niệm về Thầy Thích Hạnh Tuấn vừa viên tịch vào ngày 30 tháng 10 năm 2015)
 
Như Hùng


 

Buổi chiều hôm 30 tháng 10, chúng tôi đang đi bách bộ, thì điện thoại reo, xem vị nào gọi thấy hiện lên là Thầy Minh Dung, tôi thăm hỏi nói cười vui vẻ. Thầy gọi để báo một hung tin, Thầy Hạnh Tuấn đã ra đi trong tại nạn nổ bình gas ở Tịnh Xá Trúc Lâm.  Tai tôi nghe mà lòng bàng hoàng sửng sốt, cầm điện thoại trên tay mà thẫn thờ như kẻ mất hồn mất vía.  Chúng tôi lập tức trở về nhà check email và xem trên mạng, lúc đó mới đành lòng chấp nhận Thầy đã ra đi. Thời kinh tối hôm ấy, chúng tôi dành để tưởng niệm Thầy, một người bạn thân từ thuở thiếu thời cho đến trưởng thành,  đã đành lòng bỏ cuộc chơi, bỏ bạn bè trông đợi, bỏ Phật tử bơ vơ, vội ra đi về miền tịch lặng. 

 

Cả đêm hôm đó tôi không tài nào ngủ được, cứ hồi tưởng và nhớ về Thầy, lâu lâu lại vào trang nhà Quảng Đức và Hoa Vô Ưu xem, để nhìn lại hình bóng và nghe giọng tụng kinh của Thầy.

 

Sáng nay Chủ Nhật về chùa Quang Thiện nơi Thầy Minh Dung Trụ Trì để làm lễ vía Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, khi bước vào chánh điện lễ Phật, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là di ảnh của Thầy được thiết lập ngay tại chánh điện để chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật Tử chùa Quang Thiện tưởng niệm và cầu nguyện cho Thầy sớm về miền Lạc Cảnh. Tôi quỳ xuống đảnh lễ Thầy ba lạy, khấn nguyện Thầy Cao Đăng Phật Quốc.

 

Từ khi nghe tin Thầy viên tịch, bao nhiêu kỷ niệm xưa nay với Thầy như bừng sống dậy trong tôi, thi nhau kéo về đầy ắp, từ khi còn nhỏ cho đến khi lớn, cứ thế mà trở về đong đầy choáng ngợp. Phải, chúng tôi quen biết nhau từ khi còn nhỏ, là bạn “nối khố” nếu tính ra thì cũng gần 50 mươi năm. Nhà Thầy cách nhà tôi chỉ một cái bàu (con rạch nhỏ) đó là tính bây giờ, chứ trước năm 1975 trong thời chiến tranh, gia đình của Thầy phải di cư lên đây ở để được an ninh hơn, nhà Thầy chỉ cách nhà tôi khoảng mấy chục căn, xóm trên và xóm dưới vậy.

 

HT Hanh Tuan 16

Chú Tiểu Hạnh Tuấn & Như Hùng
(hình chụp năm 1972)



 

Thầy lớn hơn tôi hai tuổi, khi còn nhỏ chúng tôi sinh hoạt trong tổ chức gia đình Phật Tử ở khuôn hội chùa Mỹ An. Thân phụ của Thầy và thân phụ của tôi cũng là bạn tâm giao và cùng sinh hoạt chung dưới một mái chùa, lúc ấy tôi là oanh vũ thì Thầy đã là thiếu nam. Sau đó, nhà của song thân chúng tôi được quý bác trong khuôn hội mượn tạm để làm Niệm Phật Đường Mỹ An, vì ngôi chùa cũ nằm trên đồi cao, chính quyền sở tại trưng dụng và biến thành đồn lính, cơ sở quân sự nên cấm người dân không được phép lai vãng.

 

Thầy thường nói chúng tôi là bạn “ăn cùng mâm, ngủ cùng phòng” khi vào chùa, tôi chọn ở chùa Phước Lâm nơi thầy Bổn Sư của Thầy Trụ Trì, dù tôi là đệ tử ở bên chùa Long Tuyền. Hòa Thượng chùa Phước Lâm mỗi khi Ngài về quê để thăm song thân của Ngài, Ngài thường ghé Niệm Phật Đường để thăm phụ mẫu của tôi. Khi gặp Ngài tôi cung kính chấp tay đảnh lễ, những khi đó Ngài thường bảo với phụ mẫu của tôi “khi nào nó lớn lên cho xuống chùa tôi tu” do Ngài rất dễ gần gũi và đức độ nên tôi thích xuống tu ở chùa Phước Lâm là vậy.

 

Năm 1972 chị tôi dẫn tôi xuống chùa Phước Lâm để xin ở tu, một vài tháng sau vào một buổi chiều, HT Phước Lâm sau khi về quê thăm song thân trở lại chùa, Ngài có chở theo một chú đó là thầy Hạnh Tuấn sau này.  Anh em gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, mới mười mấy tuổi mà phải sống xa vòng tay của song thân và gia đình, tôi nhớ nhà nhớ người thân, nên lúc gặp lại Thầy, người bạn “nối khố” ở cùng xóm, tôi thật sự rất đỗi vui mừng. Lúc đó Thầy kể cho tôi nghe “tôi chận xe Thầy lại để xin đi tu”. Thầy rất thông minh học đâu nhớ đó, hai thời công phu với bộ Tỳ Ni Nhật Dụng sau một tháng hơn là Thầy đã thuộc làu, còn tôi thì phải mất tới mấy tháng. Tôi thường chọc Thầy tại đầu của Thầy có trái “gáo” (to và tròn như trái dừa) nên thông minh là phải. Mấy tháng sau nhân vía Phật Thích Ca thành đạo, chúng tôi được làm lễ thế phát xuất gia, trở thành hai chú tiểu trên đầu còn lại chỏm tóc. Những tháng ngày sáng trưa chiều, hai anh em đạp xe xuống phố để đi học, chúng tôi học ở trường trung học công lập Trần Quý Cáp Hội An.

 

Năm 1973 ở Nha Trang có tổ chức Đại Giới Đàn Phước Huệ, Thầy Bổn Sư của Thầy cho phép chúng tôi và một số quý chú vào Nha Trang để thọ giới Sa Di. HT Thích Quảng Hạnh ở Lan Nhã Đại Tòng Lâm ở Bà Rịa bây giờ, lúc ấy Ngài dẫn chúng tôi vào Nha Trang thọ giới. Tôi còn nhớ lúc ấy trời mưa lụt xe bị hư, đoàn của chúng tôi vào trễ, Giới đàn đã xong phần khảo hạch giới tử. Lần đầu tiên được đi xa nên chúng tôi vui lắm, cái gì cũng mới cũng lạ. Chư Tôn Đức Tăng Ni và giới tử đông ơi là đông, Giới đàn trang nghiêm và oai lực. Tôi ở chùa Phước Lâm thêm một thời gian nữa, trong dịp qua chùa Long Tuyền nơi Thầy Bổn Sư của tôi trụ trì để An cư (an cư xong chùa có tổ chức Đại Giới Đàn) nên các nơi cùng về An cư đông lắm, Thầy Bổn Sư của tôi la cho một trận, và bảo tôi phải ở lại chùa Long Tuyền để nhập chúng tu học. Tôi ở Phật Học Viện từ đó và xa Thầy từ đây, thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp gặp lại, dù ở không xa lắm.

 

Ký ức năm xưa lại cứ tiếp tục trở về, lịch sử dân tộc sang trang, cuối năm 1975 hay đầu năm 1976 gì đó, HT Thích Minh Đạt ở Đại Tòng Lâm Bà Rịa Vũng Tàu, trong một dịp Ngài về thăm quê, Ngài có nói ở trong đó sắp tới sẽ có các khoá học, các chú vào trong đó mà tu học, nghe vậy chúng tôi mừng lắm. Khoảng đầu năm 1976 Thầy và tôi vào đến Đại Tòng Lâm, xin nhập chúng tu học. Ở trong đây dù mỗi ngày cầm cuốc ra đồng lao động nhưng vẫn nhàn hạ hơn ở ngoài Trung rất nhiều, ở ngoài ấy cho dù làm lụng vất vả, nhưng khi thu hoạch vẫn cứ mất mùa và luôn đói khổ, quả thật ở trong miền Nam phước báo hơn nhiều.

 

Tôi còn nhớ Đức Đệ Tứ Tăng Thống khi Ôn từ chùa  Ấn Quang ra đây để dạy Đại Chúng học, Ôn ở lại nơi cái cốc hình lục giác sát bên Chánh điện của chùa. Những buổi chiều dạy chúng học, Ôn phải đi bộ thật xa mới ra đến lớp học (nghe nói khuôn viên của Đại Tòng Lâm rất rộng cả mấy trăm mẫu). Sau khi miền Nam mất, quý Ôn để cho Tăng Ni từ các tự viện ở trong Sài Gòn ra đó có đất đai để canh tác sống tự túc. Với chính quyền lúc đó, thì tôn giáo là thuốc phiện, ăn bám xã hội…, nên quý Thầy Cô phải tự canh tác để mà sống, vì Ôn dạy nên quý Thầy Cô ở các tự viện chung quanh đều đến học đông lắm. Hình như Ôn Huyền Quang dạy Kinh Tứ Thập Nhị Chương thì phải, lâu quá không biết có nhớ  đúng không nữa, Ôn dạy ở đó một thời gian, rồi phải vào lại Sài Gòn. Tôi nhớ vào một buổi chiều HT Minh Đạt ra ngoài Công An xã về, Ngài báo tin thời gian tạm trú của hai chú đã hết, công an không cho gia hạn thêm nữa, họ bắt hai chú phải rời khỏi địa phương, chúng tôi ở đó được hơn sáu tháng.

 

Tôi thì về lại cũng không được ở cũng không xong, hộ khẩu ở chùa Long Tuyền chắc đã bị cắt, thôi đành tiếp tục đánh cú liều. HT Minh Đạt dẫn tôi vào Sài Gòn để giao cho chị Tịnh, còn Thầy thì về lại miền Trung, năm đó tôi mới 17 tuổi, lại bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới ở cái đất Sài Gòn xa lạ. Chị Tịnh của tôi dù vào Sài Gòn từ trước, nhưng là Ni chúng ở Ni trường Dược Sư, không quen biết với quý Thầy, nên không có nơi để gởi gấm em mình ở. Tôi hỏi chị đường để đón xe buýt đi trường đua Phú Thọ, tới chùa Vạn Phước để thăm chú Nguyên Luận trước đó cùng học chung ở Phật Học Viện Quảng Nam, nghe tin chú mới vào đang ở nơi chùa Vạn Phước. Duyên may xin Ôn Vạn Phước để ở lại được ôn hứa khả tôi vui mừng lắm.

 

Tôi cùng chú Nguyên Luận đi học châm cứu ở chùa Giác Ngộ quận 10, HT Minh Thành ở chùa Ấn Quang làm trưởng lớp. Yên ổn cũng chỉ một thời gian thôi, ở vào thời đó không có giấy tờ, hộ khẩu, tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự, chúng tôi phải sống nay chỗ này mai chỗ khác, tôi ở Pháp Duyên rồi Phước Sơn, lang thang nơi này chốn nọ, nơi nào cũng phải ở chui ở lén, trốn tránh công an, mình sống trên chính quê hương của mình mà trở nên người xa lạ, nghĩ cũng tức thiệt.

 

Sau đó Thầy Hạnh Tuấn vào Sài Gòn ở chùa Bửu Đà để đi học ở Già Lam, Vạn Hạnh, niên khóa 1980-1984. Tôi đạp xe từ Phú Lâm đến tận Gò Vấp, xa hơn Thầy tới nửa đường, Thầy đi từ chùa Bửu Đà ở quận 10 nên gần hơn tôi đến nửa chặng. Tôi cũng đi học nơi Thanh Minh Thiền Viện do Đức Đệ Ngũ Tăng Thống dạy kinh, HT Minh Thông dạy ở chùa Vĩnh Nghiêm quận 3 nữa, nơi thì có Thầy cùng học, nơi thì không, một mình tôi dạo bước.

 
HT Hanh Tuan 1975

Những chuyện xưa cứ dồn dập hiện về, tôi còn nhớ lần cuối tôi đi vượt biên, có một buổi chiều khoảng tháng ba năm 1983. Thầy đi xe honda lên chùa Phước Sơn ở Tân Bình (ngôi chùa cuối cùng tôi ở trước khi đi vượt biên) báo tin chị Tịnh kêu ngày mai đi vượt biên, tôi hỏi Thầy có cùng đi không? Thầy nói có, hẹn gặp nhau mười giờ sáng ở cổng chùa Ấn Quang, rồi Thầy tức tốc quay xe về.  Sáng hôm theo hẹn tôi đến cổng chùa Ấn Quang, hai anh em quanh quẩn ở đó chờ đợi, chị tôi đến và bảo chờ ở đó để chị đi liên hệ. Chờ mãi rồi chị tôi cũng trở lại, lúc đó chị tôi mới bảo trong hai người họ chỉ cho đi có một vì không còn chỗ nữa, ai muốn đi? Lúc đó tôi trả lời thôi để em đi, tôi và Thầy đều nước mắt lưng tròng, người đi kẻ ở lại, trong thâm tâm tôi nghĩ chưa chắc đi được, thôi cứ đánh liều. Chuyến đi nầy không cần phải giao vàng trước, đến nơi đánh điện tín về họ mới lấy vàng, cũng may chứ họ đòi vàng trước, chúng tôi không có vàng để giao, không ngờ chuyến đi đó tôi trót lọt, lại xa Thầy thêm lần nữa.

 

Hơn một năm ở trại tỵ nạn Galang, tháng 4 năm 1984 tôi lên đường đi định cư, một hay hai tháng sau gì đó thầy Hạnh Tuấn vượt biên thành công đến được trại tỵ nạn Galang nơi tôi đã từng ở trước đó. Mấy anh em huynh trưởng trong gia đình Phật Tử Long Hoa ở trại Tỵ Nạn Galang thường nói, cứ mỗi lần hoa Quỳnh ở chùa Quan Âm nở, thì các em biết thế nào cũng có quý Thầy sẽ đến đảo. Tôi tin chắc một điều, trước khi Thầy đến đảo hoa Quỳnh ở chùa dịp đó, nở rộ hơn đẹp hơn tỏa sắc nhiều hơn vì mừng Thầy đến.

 

Một năm sau tôi định cư ở Mỹ, Thầy cũng qua đến Mỹ, Thầy được HT Minh Thông chùa Vĩnh Nghiêm ở Pomona bảo trợ, giai đoạn đó Ngài cũng bảo trợ một số đông quý Thầy nữa. Tôi  xuống đón Thầy lên chùa Việt Nam ở Los chơi, Thầy ở đây một thời gian ngắn, sau đó Thầy xin về chùa Từ Quang ở miền bắc Cali để đi học, Thầy tiếp tục thăng tiến trên con đường học vấn, mỗi người mỗi nơi, lâu lâu chúng tôi mới có dịp gặp lại.

 

Tôi nhớ, tuần Quán Niệm đầu tiên do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn tại Tu Viện Kim Sơn, Hoa Kỳ, chúng tôi từ chùa Việt Nam Los Angeles lên tu học. Trong giờ chia sẻ tâm tình, Thầy hát bài “Những Đồi Hoa Sim” được Thầy chế lời thành“Những Đời Tu Sĩ” đại chúng được một phen rộn ràng vui vẻ hoan hỷ, phải công nhận Thầy đã tài ba lại có chất hài hước trong người.

 
HT Thich Hanh Tuan 1986

Con đường học vấn đã xong, đến lúc Thầy hành đạo, Thầy nhận Trụ Trì chùa Trúc Lâm ở Chicago, tôi có qua tham dự ngày Thầy chính thức nhận trách nhiệm Trụ Trì. Hành trang tôi mang về đó là bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ngàn mắt ngàn tay, được những nghệ nhân tạc từ nguyên mẫu xưa nhất đang thờ tại chùa Bút Tháp ngoài Bắc, bức tượng gỗ được Thầy tặng, tôi vẫn đang thờ ở Tịnh Thất Trúc Viên.

 

 

Trong lần thứ hai về lại Trúc Lâm để tham dự họp mặt Hội Thân Hữu Già Lam. Tôi và sư Hạnh Tịnh, chị của tôi từ Việt Nam sang, (được Thầy gởi giấy mời qua thăm cho biết xứ Hoa Kỳ), chúng tôi ở lại thêm mấy ngày nữa cùng Thầy hàn huyên. Tối hôm đó sau thời kinh Thầy mời chúng tôi cùng một số Phật Tử chùa Trúc Lâm đến tiệm ăn Pizza để Thầy đãi và kỷ niệm ngày Thầy đi tu. Thầy tâm sự lý do Thầy đi tu là nhờ vào hình bóng của thân phụ tôi, cụ cạo đầu mặc áo cư sỹ và tu tại gia. Cụ phát nguyện tu hành từ khi sinh ra tôi, mẹ tôi sinh mười lần tất cả đều là chị gái, đến phiên tôi là thứ mười một và là “con cầu con khẩn” gì đó. Người thứ hai là chị tôi, hình ảnh người nữ tu trông thanh thoát và cao đẹp, đó là động lực khiến Thầy nuôi lớn chí nguyện xuất gia.

 

Thầy đi Phật Sự thường xuyên ở các nơi, phi trường Chicago trở thành quen thuộc với Thầy, đến độ thầy không cần phải sắp hàng dài dòng để đi qua cửa an ninh, Thầy có thẻ đi nhanh, lịch bay của Thầy dày đặc, thường xuyên ở trên máy bay, nên tôi đặt cho Thầy ngoại hiệu “người không gian”. Mỗi khi Thầy có dịp về miền Nam Cali tôi đón Thầy về nhà chúng tôi thăm viếng ở lại. Khi chúng tôi tạo thêm Tịnh Thất, Thầy cũng đều ghé lại, cả hai nơi đều in đậm hình bóng và dấu chân thầy. Sau nầy có Tu Viện Sơn Tùng, do Thầy Minh Dung làm Viện Chủ chúng tôi đón Thầy về đây thường hơn. Những năm sau này, Thầy mới bớt đi lại, cách đây mấy tuần tôi có liên lạc với Thầy, khi ấy Thầy đang ở bên Texas, không ngờ đó là lần cuối tôi liên lạc với Thầy.

 

Ngẫm nghĩ lại cái gì tôi cũng đi trước Thầy, đi tu tôi cũng đi trước Thầy, vào Sài Gòn ở tôi cũng đi trước Thầy, đến trại tỵ nạn tôi cũng đến trước Thầy, đến Mỹ tôi cũng đến trước Thầy, nơi nào có dấu chân tôi thì trước sau cũng có dấu chân Thầy. Nhưng có hai việc Thầy lại đến trước tôi. Khi tôi rời thuyền sang ngang sang dọc rồi ngược rồi xuôi, lên bờ ngắm hoa sinh tử, thì Thầy vẫn vững tay chèo trên con thuyền Bát Nhã độ người qua sông. Khi rũ bỏ cõi tử sanh huyễn mộng thì Thầy cũng giành tôi mà đi trước, hay là Thầy dọn đường sẵn để chỉ cho tôi sau này. Nhưng Thầy ơi tôi còn nặng nghiệp lắm, Thầy thì hồng trần đã dứt tuyệt, còn tôi thì đêm ngày còn lặn hụp, hơn nữa làm sao tôi về được cùng chỗ với Thầy đây, khó lắm khó lắm Thầy ơi. Những tưởng vài năm nữa tôi sẽ bám lại con thuyền xưa, Thầy sẽ là người liệng chiếc phao cứu sinh để kéo tôi lên, ai ngờ Thầy âm thầm giã từ cõi tạm quá sớm, khiến lòng tôi càng hụt hẫng.

 

Vé máy bay Thầy Minh Dung cũng đã mua hộ, sáng thứ năm nầy cùng đi với quý Thầy, trở lại Chicago thành phố được mệnh danh Windy City. Mỗi lần tôi điện thoại thăm hỏi Thầy đang ở đâu? Thầy trả lời ở “hàn băng địa ngục” nếu đang ở Chicago. Hạnh nguyện cao cả của Thầy vào nơi lạnh giá để cứu độ, đây sẽ là lần thứ ba tôi trở lại. Lần này, dù chưa đi nhưng khi biết Thầy không còn nữa, thấy cõi lòng mình lạnh, thật lạnh quá Thầy ơi! Trống vắng quá Thầy ơi! Chưa đến mà đã tái tê giá buốt rồi, nhưng cũng ráng mà đi, để được gần nhục thân của Thầy thêm mấy hôm nữa, và cũng để tiễn đưa Thầy lần cuối về với Phật.

 

Thầy Hạnh Tuấn đã lấy thân làm đuốc soi sáng nẻo vô minh tăm tối, sưởi ấm những tâm hồn còn đang giá lạnh. Sự ra đi của Thầy do nổ bình hơi gas cũng là hồi chuông nhắc nhở cho mấy triệu đơn vị gia cư người Mỹ, vì không có đường dẫn trực tiếp từ công ty gas, nên xử dụng đến loại bình chứa to lớn nầy, phải thường xuyên kiểm tra cẩn trọng. Sự viên tịch của Thầy mang nhiều ý nghĩa, chỉ có những bậc vì hạnh nguyện cao cả mới chọn cách hy sinh thân mạng để nhắc nhở bao người, ông bạn hiền của tôi ơi, Thầy yên lòng về với Phật, sứ mạng độ sanh của Thầy đã vuông tròn.

 

Trong hai anh em chúng tôi, nếu ai “bỏ cuộc chơi” sớm thì tôi vẫn tin rằng những dòng hồi ức nầy sẽ vẫn được ghi lại, chỉ khác tên người viết mà thôi. Có điều, tôi tự hỏi không biết sao mà nó được viết ra sớm quá vậy thôi. Thầy ơi! Vô thường réo gọi, nếu ở bên ấy Thầy có đọc được, thôi thì, như một nén nhang sắc không, giấy ngắn đong đầy tình, tiễn biệt Thầy lên đường về nơi vô tận Thầy nhé.

 

Thời kinh đêm nay, đêm mai và những đêm sau nữa, cũng để góp phần cầu nguyện cho Thầy sớm về miền Lạc cảnh, dù cho cõi ấy có an lành tuyệt đẹp, có phiêu bồng nhẹ gót, có an tịnh bất tận, thì cũng xin Thầy hãy trở lại cõi Ta Bà nầy, nơi có bao người mong đợi, Phật Tử chùa Trúc Lâm chờ Thầy về, những Đạo Tràng tu học đợi cung đón Thầy, và có biết bao chúng sanh trầm luân đang cần sự ra tay cứu độ của Thầy. Thầy ơi! Thầy ơi! Xin một lần trở lại nhé.

 

 

Như Hùng

Tháng Tạ Ơn 2015



Kính mời xem bài khác của cùng tác giả 

 

 
Buddha_200

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/01/2025(Xem: 451)
Khi lên 11 tuổi, Hòa Thượng được Ngài Thích Nguyên Thần, hiệu Tịnh Thông (vốn là người cậu trong gia đình) dẫn đến Tu Viện Nguyên Thiều, Thôn Đại Lễ, Xã Phước Hiệp, Huyện Tuy Phước, Tỉnh Bình Định để xuất gia tu học. Ngày 15 tháng 4 năm 1970 : Cố Hòa Thượng Thích Đồng Thiện, Đệ Nhất Trụ Trì Tu Viện Nguyên Thiều, làm Lễ Xuất Gia chính thức, thế phát cho Hòa Thượng, đặt Pháp Danh là Thị Anh (Hồng Anh), là đệ tử của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Vị Trưởng Ban Sáng Lập và là Giám Viện của Tu Viện Nguyên Thiều.
15/12/2024(Xem: 814)
Lễ Tưởng Nguyện Cố Hòa Thượng Thích Giải Quảng tại Tu Viện Từ Ân, Melbourne, Úc Châu (14/12/2024)
06/11/2024(Xem: 1064)
Vào lúc 08h30 sáng nay, ngày 05/11/2024 (nhằm mồng 5 tháng 10 Giáp Thìn), môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức đại lễ Tưởng niệm huý nhật lần thứ 3 (2019-2024) Cố Trưởng lão Hoà thượng Thích Như Ý, huý Trừng Huệ, hiệu Ấn Bảo, nguyên Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, khai sơn các chùa Linh Sơn Pháp Bảo (X.Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), Linh Sơn Pháp Ấn (X. Suối Cát, Cam Lâm) và chùa Linh Sơn Phước Điền (X. Phước Đồng, TP. Nha Trang).
30/10/2024(Xem: 733)
Hòa thượng họ Trần, húy Văn Vinh, pháp danh Chơn Phú, tự Chánh Hữu, hiệu Thích Bích Lâm. Ngài sinh ngày 24 tháng 11 năm Giáp Tý (1924) tại phường Đệ Nhị- Nha Trang- Khánh Hòa, thân phụ là cụ Trần Đức Tựu, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Đủ. Sớm có nhân duyên với Phật pháp, Ngài được Hòa thượng Thích Phước Huệ, chùa Sắc Tứ Hải Đức cho quy y ngày 19 tháng 2 năm Nhâm Thân (1932), pháp danh Chơn Phú. Đến ngày 15 tháng 10 năm Kỷ Mão (1939), Ngài được Hòa thượng cho thế độ, phú pháp tự là Chánh Hữu, hiệu Bích Lâm. Năm 1945, Ngài thọ Tam đàn Cụ Túc tại chùa Sắc Tứ Hải Đức do Hòa thượng Phước Huệ tái thí, truyền trao giới pháp. Năm 1946 Ngài được đề cử trụ trì Tổ đình Nghĩa Phương.
22/10/2024(Xem: 745)
Hòa Thượng thế danh Lê Đình Nam, sinh năm Mậu Thân (1908) trong một gia đình trung nông, có truyền thống Nho học. ở làng Đại An, xã Kỳ Long (nay là xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ là cụ ông Lê Văn Thơ, Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Mới. Những năm đầu của thập niên 40, Ngài mới có nhân duyên gặp Phật Pháp và cũng trong thời gian này Ngài cùng với người anh là Lê Trọng Hoàng, em là Lê Tấn Phước cùng với Phật tử Nguyễn Quế phát tâm sáng lập chùa Đại An tại quê nhà vào năm 1944.
21/10/2024(Xem: 619)
Trong đêm dài vô minh, với nổi khổ vô biên của chúng sanh, Chư Phật, Chư Tổ sư, liệt vị Tăng-già đã truyền thắp cho nhau ngọn đèn vô tận để soi sáng cung ma, biến uế độ thành tịnh độ. Trong sự tiếp nối chí nguyện thù thắng đó, Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Đệ lục Tăng thống GHPGVNTN đã đem bi tâm phổ hóa quần sanh, thắp đèn tuệ dẫn người ra khỏi rừng tà, vận đức dũng giữ nền đạo thống, dựng đứng dậy những gì đã sụp đổ, mang lý tưởng Bồ-tát đạo dưỡng nuôi chánh tín trong lòng tứ chúng.
20/10/2024(Xem: 932)
Để tưởng niệm, ngày giáp năm của một bậc Tôn Túc mà suốt đời đã phụng hiến cho Đạo Pháp, dân tộc và nhân loại; đã hiến dâng con đường giáo dục tri thức cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau; đã phát nguyện cho công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh được sớm thành tựu viên mãn: “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.” Dù Hòa Thượng đã chích lý Tây quy, nhưng hình hài và âm hưởng vẫn luôn tồn tại sâu xa trong tâm khảm của mỗi chúng ta, hàng tứ chúng đệ tử Phật. Do vậy, Ban Tổ Chức, nhất tâm đảnh lễ và kính thỉnh chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni từ bi hoan hỷ quang lâm chứng minh, tham dự buổi lễ được tổ chức tại: Địa Điểm: Chùa Kim Quang tại số: 3119 Alta Arden Expy, Sacramento, CA 95825 Thời Gian: 10:00 sáng – 1:00 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 17/11/2024 (nhằm ngày 17 tháng 10 năm Giáp Thìn) Số điện thoại liên lạc: Phó Trưởng BTC HT. Thích Từ Lực số: (510) 331-6899 (tiếng Việt) và phụ tá Thư ký: HTr. Tâm Thường Định: (916) 607-4066 (tiếng Anh)
20/10/2024(Xem: 1003)
Thầy đi rồi cơ nghiệp vẫn còn đây Đại tạng kinh in dấu ấn sâu dày Khúc dương cầm, những áng văn trác tuyệt Tấm lòng son đầy nhiệt huyết quan hoài
10/10/2024(Xem: 1907)
Đây là lần thứ hai tôi đến Tu Viện Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling (còn được gọi là Chùa TDL) tại Thành Phố Long Beach, Miền Nam California, Hoa Kỳ. Lần đầu tôi đến đây cách nay vài năm để làm phóng sự cho pháp sự kiến tạo Mạn Đà La do chư Tăng từ Tu Viện Gaden Shartse Monastery tại Ấn Độ sang thực hiện.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]