Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu sử Đại Lão Hòa Thượng Pháp Sư Thích Giác Nhiên

13/09/201518:12(Xem: 9929)
Tiểu sử Đại Lão Hòa Thượng Pháp Sư Thích Giác Nhiên



LƯỢC SỬ

ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG PHÁP SƯ THÍCH GIÁC NHIÊN

(1923 – 2015)


blank




 

LƯỢC SỬ

ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG PHÁP SƯ THÍCH GIÁC NHIÊN

(1923 – 2015)

I. THÂN THẾ THỜI NIÊN THIẾU

Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên, thế danh Nguyễn Văn Ất, tự Thành Được, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1923 tại huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, thuộc miền Tây Nam bộ.

Ngài là người con út trong một gia đình có 5 anh chị em. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hữu Huờn, pháp danh Thiện Đức; thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Sang, pháp danh Phước Ngọc, một gia đình có nề nếp lễ giáo thuần hậu, hiền lương.

Thuở nhỏ vừa lên 8 tuổi, thân phụ qua đời. Ngài được thân mẫu dẫn dắt đi chùa lễ Phật, cầu thọ quy y và được Tôn sư Minh Trí ban cho pháp danh Minh Châu. Ngài rất hiếu học và nhờ căn tánh thông minh nên ưa thích tìm đọc các sách truyện viết về các bậc thánh hiền, danh nhân kim cổ.

II. NHÂN DUYÊN XUẤT GIA VÀ HÀNH HẠNH DU TĂNG KHẤT SĨ

Năm lên 16 tuổi (1939), Ngài lại được gặp Hòa thượng Thích Minh Phụng, cầu học giáo pháp, tu tập và được Hòa thượng ban cho pháp danh Tánh Chơn, hiệu Minh Tâm, thuộc dòng phái Thiên Thai Thiền giáo tông. Từ đó, đạo tâm hướng Phật mỗi ngày mỗi thêm tăng trưởng.

Đầu năm 1952, pháp duyên tụ hội, Hòa thượng được diện kiến Tổ sư Minh Đăng Quang đang vận chuyển bánh xe pháp, thực hành Tứ y pháp Trung đạo với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” ngang qua vùng miền Tây sông nước Cần Thơ, Ô Môn… Sau khi nghe diệu pháp chơn lý từ Tổ sư, Hòa thượng nghe lòng mình như bừng ngộ, chí thành đảnh lễ Tổ sư, cầu xin xuất gia đầu Phật, thọ học hạnh Du Tăng Khất sĩ và được Tổ sư thâu nhận, thọ ký pháp danh là Giác Nhiên.

Đến Rằm tháng 02 năm Quý Tỵ (1953), Hòa thượng được Tổ sư truyền thọ y bát giới Sa-di tại Tịnh xá Ngọc Viên, Vĩnh Long..

Ngày mùng 01 tháng 02 năm Giáp Ngọ (1954), Tổ sư Minh Đăng Quang trước khi vắng bóng đã phó chúc Giáo đoàn Du tăng Khất sĩ cho Trưởng lão Giác Chánh làm Nhị tổ, kế thừa đạo nghiệp hoằng dương chánh pháp. Đến ngày Rằm tháng 7 năm Ất Mùi (1955) tại Tịnh xá Ngọc Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ, Hòa thượng được Nhị tổ chứng truyền y bát cụ túc giới Tỳ-kheo trở thành bậc Sa-môn phạm hạnh thực hiện sứ mạng thiêng liêng “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”.

III. THÀNH LẬP GIÁO ĐOÀN IV VÀ HOẰNG PHÁP ĐỘ SANH

v Thành lập Giáo đoàn IV

Sau ngày Tổ sư vắng bóng, Giáo đoàn Du tăng Khất sĩ do Đức Trưởng lão Nhị tổ Giác Chánh làm Trưởng đoàn, tiếp nối công hạnh Tổ sư, hướng dẫn Giáo đoàn đi hành đạo để hoằng dương Phật pháp.

Trong hai năm 1956 – 1957, Giáo đoàn Du tăng Khất sĩ lần đầu tiên hành đạo từ Sài Gòn – Gia Định ra các tỉnh miền Trung, đến Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị – Đông Hà, mà Hòa thượng Pháp sư là một trong những thành viên giảng sư lỗi lạc. Với pháp âm “Sư tử hống”, khẩu khí trầm ấm ngân vang, Hòa thượng Pháp sư đã cảm hóa được nhiều giới cư gia quy ngưỡng Phật pháp, hướng về con đường Chánh pháp.

Sau hai chuyến du hóa miền Trung, các vị đại đệ tử của Tổ sư như: Trưởng lão Giác Tánh, Trưởng lão Giác Tịnh, Trưởng lão Giác An, Trưởng lão Giác Lý… lần lượt thành lập các Giáo đoàn. Hòa thượng Pháp sư sau khi trở về lại miền Nam cũng thành lập Giáo đoàn IV.

Các ngôi tịnh xá, dấu tích một thời hành đạo, cảm hóa bá tánh cư gia của Hòa thượng Pháp sư còn lưu lại, chủ yếu ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Ở miền Đông, đặc biệt là Sài Gòn – Gia Định có Tịnh xá Trung Tâm, nguyên là Trụ sở Trung ương của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam trước đây và nay là đạo tràng tiêu biểu của Hệ phái Khất sĩ; Pháp viện Minh Đăng Quang, Q. 2 là trung tâm tu tập, văn hóa và hoằng pháp của Hệ phái đang trên đà hoàn thiện, phát triển.

Bên cạnh đó, ở các Tỉnh thành miền Tây nam bộ và vùng Đông nam bộ lân cận Sài gòn đã có trên 30 Tịnh xá Tăng Ni đều là những cơ sở do Hòa thượng Pháp sư thành lập hoặc chứng minh thành lập.

Thành lập tổ chức Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam do Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập từ năm 1944, nhưng về mặt xã hội thì tư cách pháp nhân, pháp lý vẫn chưa có. Do vậy, đầu năm 1964, Hòa thượng Pháp sư đã cùng nhị vị Hòa thượng Giác Nhu, Hòa thượng Giác Tường đứng ra vận động chư tôn đức Giáo đoàn Du tăng tiến hành các thủ tục để xin phép thành lập Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam.

Năm 1966, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam được chính thức công nhận, tạo nên một bước ngoặt mới cho Phật giáo Khất sĩ. Trong Đại hội đầu tiên, Hòa thượng Pháp sư được đại chúng suy cử làm Tổng Tri sự trưởng kiêm Tổng Vụ trưởng các Tổng vụ: Tăng sự, Hoằng pháp và Từ thiện Xã hội… đặt nền móng cho sự phát triển về sau, lần lượt trải qua hai nhiệm kỳ.

Năm 1972, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam tổ chức Đại hội kỳ 3 tại Tịnh xá Trung Tâm (Gia định, Sài gòn). Trong Đại hội lần này, chư tôn đức Giáo phẩm quyết định thành lập hai viện: Viện Chỉ đạo và Viện Hành đạo. Ngài Trưởng lão Giác Tánh được cung thỉnh ngôi vị Tăng chủ và Hòa thượng Pháp sư được đại chúng suy cử chức vụ Viện trưởng Viện Hành đạo, có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, định hướng cho các hoạt động Phật sự và hoằng dương chánh pháp.

Sứ mạng tiếp độ một thế hệ Tăng-già

Song song công đức từng bước hình thành tổ chức Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, Hòa thượng Pháp sư còn có một sứ mạng đặc biệt là Ngài có rất nhiều phúc duyên trong việc tiếp chúng độ Tăng.

Trong vòng 20 năm hành đạo tại quê hương Việt Nam, Ngài đã trực tiếp thu nhận và chứng minh tế độ cho hàng trăm chư Tăng xuất gia nhập đạo trong Giáo đoàn IV, và chứng minh truyền giới cho nhiều trăm vị Tăng Ni cầu thọ giới pháp.

Trong thế hệ đệ tử thời kỳ đầu thành lập Giáo đoàn, nay đã viên tịch và vẫn còn hàng trăm đệ tử khác của Ngài vẫn đang tiếp tục tu tập nối truyền giáo lý Tổ thầy tại Viêt Nam .

 IV. THỜI KỲ HOẰNG PHÁP TẠI HẢI NGOẠI (1978 - 2015)

Vào năm 1975 biến cố chính trị đất nước thay đổi, Hòa thượng Pháp sư đã về an dưỡng, tịnh tu tại Tịnh xá Ngọc Hương (TP. Vũng Tàu) trong vòng 3 năm. Sau mùa Tự tứ – Vu lan năm 1978, Ngài chủ động phó chúc trách nhiệm lãnh đạo tinh thần: Trưởng và Phó trưởng Giáo đoàn IV; đồng thời chỉ định bổ xứ: Thượng tọa Giác Phúc, trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang, Q. Thủ Đức (nay là Q. 2); Đại đức Giác Toàn, trụ trì Tịnh xá Trung Tâm, Q. Bình Thạnh, có trách nhiệm đại diện các mặt đối ngoại của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam (Hệ phái và Giáo đoàn IV).

Tháng 9 năm 1978, bằng tấm lòng hiếu kính, Ngài chí thành đảnh lễ tri ân Tổ Tiên, Thầy Tổ trên quê hương thân yêu và bắt đầu thực hiện tâm nguyện du hóa hoằng pháp phương xa. Trong hơn 25 năm đầu (1979 – 2005) hành đạo tại Hoa Kỳ, Hòa thượng Pháp sư đã nương theo pháp duyên trần thế, với năng lực vốn có, căn tánh sâu dày, tinh thần từ bi hỷ xả và đạo đức nhân nghĩa hiền hòa ngàn đời của Tổ Tiên dân tộc, Ngài đã thân lâm tại nhiều quốc gia trên thế giới từ Hoa Kỳ đến Canada, Úc châu và Pháp quốc…, đặc biệt là những phương xứ có cộng đồng người Việt cư trú để chia sẻ, chan hòa, cảm hóa, xoa dịu từ tinh thần đến vật chất đối với những tâm hồn bất hạnh, những đồng đạo, đồng hương, chúng sanh thân thương trên thế giới ta bà vốn dĩ nhiều bi thương khổ lụy và vô thường, vô ngã nầy.

Song song tâm nguyện thuyết giảng kinh pháp, khuyên tu khuyến thiện, ấn tống kinh sách, băng đĩa và thực hiện nhiều chuyến cứu trợ, ủy lạo cho đồng bào, đồng hương cơ nhỡ… Từ năm 1980, Hòa thượng Pháp sư đã đứng ra xin phép và được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho phép thành lập Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới, do Ngài làm Pháp chủ cho đến ngày viên tịch. Cũng chính trong thời gian này, Hòa thượng Pháp sư đã trực tiếp xây dựng và chứng minh cho chư tôn đức Tăng Ni đệ tử thành lập nhiều chục ngôi đạo tràng tịnh xá, thiền viện, tu viện tại những quốc độ mà Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ hải ngoại đã hiện diện hoằng hóa. Từ khi có đầy đủ cơ sở pháp nhân, pháp lý, Ngài đã đứng ra bảo lãnh cho nhiều Tăng Ni từ Việt Nam sang Hoa Kỳ để hỗ trợ tu học.

V. CÔNG TRÌNH BIÊN SOẠN, SÁNG TÁC VÀ ẤN TỐNG PHÁP BẢO

Nhằm thực hiện tinh thần định hướng Việt ngữ hóa kinh sách truyền bá chánh pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang. Năm 1957, Giáo đoàn Du tăng Khất sĩ trong buổi đầu mới hình thành nên Hòa thượng Pháp sư có thời gian về tịnh tu tại núi Ông Tiêu, gần Tổ đình Thiên Thai do Tổ sư Huệ Đăng khai sơn trụ xứ hoằng hóa. Tại đây, Hòa thượng Pháp sư đã đến tổ đình chiêm bái, đảnh lễ Giác linh Tổ sư Huệ Đăng và xin phép chư tôn đức thừa kế được kết hợp các bản kinh công phu hằng ngày bằng Việt ngữ, thể loại văn vần do Tổ sư chuyển dịch làm thành quyển “Nghi thức tụng niệm” để Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ thọ trì, tụng đọc đến ngày nay.

Từ những năm đầu thập niên 1960, Hòa thượng Pháp sư đã đứng ra vận động, thực hiện in lại “Bộ Chơn lý” với đầy đủ 69 tiểu luận (mà trước đây chỉ ấn tống từng quyển mỏng, nay lần đầu tiên kết tập trọn bộ) để dâng lên tưởng niệm ân đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

Trong thời kỳ nầy, Hòa thượng Pháp sư cũng đã dành thời gian sáng tác, biên soạn các tập sách, thơ văn… để ấn tống hoằng hóa như: Pháp môn tọa thiền, Ánh nhiên đăng, Thương nhớ mẹ hiền, Tiếng lòng người hiếu tử; in chung với các tác phẩm: Kệ pháp, Bảo kệ, Pháp bảo kệ do chư Tăng Ni Khất sĩ đồng sáng tác (về sau các tập này được in chung có tựa đề là “Tứ kệ tĩnh tâm”).

Trong hơn 30 năm hoằng pháp tại hải ngoại, Hòa thượng Pháp sư đã sáng tác, biên soạn và ấn tống các tác phẩm: Trai giới trường sinh, Tư tưởng siêu nhân, Lợi hại của chữ Tê (T), Diệu lý Đông phương, Diệu lý pháp đăng, Diệu lý nhiên đăng, Diệu lý thậm thâm, Diệu lý tuệ đăng, Diệu lý bảo đăng, Diệu lý thiền định, Diệu lý tĩnh tâm, Diệu lý Bát-nhã, Diệu lý Minh Quang (8 tập), Diệu lý Tâm kinh, Diệu lý phá mê, Diệu lý viên thông…

Ngoài ra, Hòa thượng Pháp sư còn chứng minh, cố vấn thực hiện bộ “Đại từ điển Phật học” và bộ “Phật pháp căn bản” bằng song ngữ Việt – Anh, do Phật tử Thiện Phúc biên soạn và ấn hành tại Hoa Kỳ để phổ biến hoằng hóa.

VI. NHỮNG KHOẢNH KHẮC VÀ NHỮNG DẤU ẤN THIÊNG LIÊNG

v Những khoảnh khắc đạo tình

Năm 2001, lần đầu tiên sau hơn 22 năm rời xa quê hương, Hòa thượng Pháp sư đã trở về thăm lại Việt Nam, thăm viếng chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử và thực hiện chuyến công tác từ thiện xã hội từ Nam ra Bắc. Cùng lúc, Ngài đã hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử hải ngoại hành hương chiêm bái thăm viếng các di tích, thắng tích, các Tổ đình - già lam Phật tích, các bảo tháp cổ kính của chư vị Tổ sư Phật giáo thời Lý Trần… với nhiều cung bậc cảm xúc thân thương và đạo vị thiêng liêng.

Năm 2006, trong mùa Đại lễ Phật đản Phật lịch 2.550, Hòa thượng Pháp sư đã về chứng minh lễ đặt đá đại trùng tu Pháp viện Minh Đăng Quang, quận 2, Sài Gòn, nơi Ngài đã dành nhiều tâm huyết khai lập đạo tràng.

Năm 2008, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Việt Nam. Sự hiện diện của Đại lão Hòa thượng Pháp sư trong ngày Đại lễ này đã thể hiện sự gắn kết đạo tình Linh Sơn pháp lữ với hơn 70 nước Phật giáo trên thế giới tham dự. Sau đó, Ngài về lại miền Nam thăm viếng, chiêm bái các dấu tích cuộc đời hành đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang; và cũng lần nầy, Ngài đã lưu lại cho chư Tăng Ni, Phật tử tại Tịnh xá Trung Tâm và đạo tràng chùa Hoằng Pháp những thời pháp thoại vô cùng cao quý, tràn đầy đạo tình, đạo vị… xúc cảm kính thương.

Năm 2009, dù đang có bệnh duyên, Đại lão Hòa thượng Pháp sư vẫn cố gắng quang lâm chứng minh, tham dự Đại lễ Tưởng niệm 55 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng tại Tịnh xá Ngọc Uyển, Biên Hòa, Đồng Nai; và sau đó chứng dự lễ khởi công đại trùng tu xây dựng Pháp viện Minh Đăng Quang.

Năm 2014, dù bệnh duyên mỗi ngày mỗi nặng hơn nhưng Đại lão Hòa thượng Pháp sư vẫn cố gắng về chứng minh, tham dự Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng tại Pháp viện Minh Đăng Quang và lưu lại nơi đây tròn một tháng, được xem như là lần gắn kết sau cùng.

v Những dấu ấn thiêng liêng

Trọn cả cuộc đời tu học, hành đạo và du hóa độ sanh, Đại lão Hòa thượng Pháp sư đã thực hiện không biết bao nhiêu chuyến công tác từ thiện xã hội dành cho những người có hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống. Ngài cũng đã in ấn, sao chép  ấn tống không biết bao nhiêu là kinh sách, băng đĩa đến với bá tánh cư gia; đồng thời, đứng ra xây dựng và chứng minh xây dựng hàng trăm ngôi đạo tràng tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh thất từ trong nước đến hải ngoại, nhưng có một điều hết sức đặc biệt và không thể ngờ là những cơ sở mà Đại lão Hòa thượng trực tiếp xây dựng và kể cả những tịnh thất Ngài an trú hành đạo thì như là một mặc định tri túc từ trong tiềm thức. Dù đi đâu ở đâu, Ngài luôn chủ trương không xây dựng đồ sộ nguy nga tráng lệ từ hình thức kiến trúc bên ngoài đến trang trí nội thất bên trong… tất cả đều trung bình, vừa phải, vừa đủ trong nếp sống Sa-môn. Một thực tế ít người nghĩ đến… nhưng đã là như vậy – Dấu tích ngôi Tịnh xá Minh Đăng Quang, nơi Ngài ấn định là Viện Truyền thống Khất sĩ tại hải ngoại (California, Hoa Kỳ) từ khi Ngài đến và từ biệt ra đi, hơn 30 năm gần như không thay đổi, vẫn như ngày nào, hiện hữu bình dị, trang nghiêm.

VII. NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI VÀ VIÊN TỊCH

Sau hơn 90 năm hiện thế, hơn 60 năm hoằng pháp độ sanh, chu du bốn biển năm châu, thân tứ đại huyễn mộng của Đại lão Hòa thượng Pháp sư bắt đầu hiện tướng suy mòn như một cỗ xe cũ kỹ.

Tháng 9 năm 2006, trong một chuyến đi hành đạo Canada về lại Hoa Kỳ, Ngài thọ bệnh tai biến kéo dài tròn 9 năm (2006 – 2015). Chư tôn đức Tăng Ni pháp tử, đệ tử, chư thiện nam tín nữ cận sự gần xa hết lòng phụng dưỡng chăm sóc; các bác sĩ, y sĩ của các bệnh viện chuyên khoa nổi tiếng hết lòng chữa trị, đã nhiều lần thuyên giảm nhưng rồi cũng đến lúc dừng nghỉ theo định luật vô thường của kiếp sống nhân sinh.

Đại lão Hòa thượng Pháp sư đã an nhiên xả bỏ báo thân, viên tịch vào lúc 22 giờ 30 phút, ngày 03 tháng 8 năm 2015, nhằm ngày lễ vía Bồ-tát Quán Thế Âm 19 tháng 6 năm Ất Mùi tại Tổ đình Minh Đăng Quang, Nam California, Hoa Kỳ, trụ thế 93 năm, hạ lạp 60 năm.

Lễ nhập kim quan và lễ tưởng niệm được tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại Viện truyền thống Minh Đăng Quang, số 8752 Westminster Blvd, Westminster, CA. 92683. Sau đó, ngày 14 tháng 8 năm 2015 (nhằm ngày 01/7 năm Ất Mùi), kim quan Đại lão Hòa thượng Pháp sư được cung tiễn từ Hoa Kỳ về Việt Nam.

Ngày 16/8/2015 (nhằm ngày 03/7 năm Ất Mùi), chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử cung đón kim quan Đại lão Hòa thượng từ Sân bay Tân Sơn Nhất về tôn trí tại Pháp viện Minh Đăng Quang, số 505 Xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2, Sài Gòn để cử hành lễ viếng, tưởng niệm từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 8 năm 2015 (nhằm ngày 04-07/7 năm Ất Mùi).

Sáng ngày 21/8/2015 (nhằm ngày 08/7 năm Ất Mùi), chư tôn đức Tăng Ni Giáo hội và Hệ phái cử hành lễ truy niệm, cung tiễn kim quan Đại lão Hòa thượng Pháp sư đến đài hỏa táng Phúc An Viên, quận 9, Sài Gòn làm lễ Trà tỳ. Xá lợi Đại lão Hòa thượng Pháp sư được tôn thờ tại Bảo tháp Tịnh xá Trung Tâm, quận Bình Thạnh và Pháp viện Minh Đăng Quang, quận 2, Sài Gòn, cùng các tịnh xá, thiền viện hải ngoại được Ngài di chúc.

Cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Pháp sư là biểu tượng của sự tinh cần tu tập, dấn thân hành đạo, thuyết pháp độ sanh. Sự giã từ huyễn thân tứ đại, cao đăng Phật quốc của Ngài là điều tất yếu, nhưng đã để lại cho hàng pháp tử, môn đồ đệ tử trong nước và hải ngoại niềm kính thương vô hạn.

“Dù đi khắp bốn phương trời

Trăm năm dừng nghỉ về nơi quê mình

Quê mình sông nước hữu tình

Non cao, biển rộng… tâm linh rạng ngời”.

Nam Mô Giác linh Đại lão Hòa thượng Pháp sư THÍCH GIÁC NHIÊN

thùy từ chứng giám.

 

Môn đồ pháp quyến cung soạn

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 6561)
Trường trung học chưa được cất. Ngoài giờ học, bọn trẻ tha hồ đi rong chơi. Khi lên núi Lăng, khi lên Thạch Động, lúc ra biển Mũi Nai. Mấy đứa con trai rắn mắt, thích cảm giác mạnh thì rủ nhau hái trộm xoài, đặt bẫy, bắn chim hoặc xuống mé biển dưới chân hòn Kim Dự, ...
29/03/2013(Xem: 4571)
Nói đến thơ và nền Triết Học lưu xuất từ Tư Tưởng Phật học Tánh Không hay một Triết lý phiêu bồng từ Đông sang Tây của thế tục đế, hầu như đã được tồn đọng trong con người gầy guộc, nhỏ nhắn, dáng dấp phiêu diêu, lãng đãng như sương sớm, mây chiều.
29/03/2013(Xem: 4514)
Những năm tháng dùi mài kinh điển trong các tự viện để thể nhập Phật học huyền vi, u hiển, một thời nào đó đã lầu thông giáo lý cao siêu giải thoát, hướng thân lập mệnh trên con đường giác ngộ, để rồi hôm nay là thành quả hiển nhiên có được tận cùng tâm hồn sâu thẳm mà Thầy đang phô diễn như ý nghĩa cao siêu của Đại Bi Tâm.
29/03/2013(Xem: 4447)
Đây là chủ đề bài thuyết trình của diễn giả Nguyên Siêu, tác giả 650 trang sách trong tác phẩm “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” tập 1 và tập 2 vừa hoàn thành và được chính thức ra mắt tại hội trường của Hiệp Hội Người Việt tại San Diego, miền Nam California.
29/03/2013(Xem: 10376)
Tôi người Quảng Bình, 1 trong 3 nơi mà Huyền Trân công chúa mới đáng là thành hoàng. Tổ tiên gốc người Hải dương, 4 cha con cùng có mặt trong đạo quân tiếp quản Quảng Bình, rồi định cư ở 3 làng. Thuận Lý là con trưởng, kế đó, Phương Xuân là con thứ 2. Diêm điền, làng tôi, là nơi Tổ của làng tôi cùng con út định cư.Làng tôi cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng bình chỉ có chừng 600 mét đường chim bay.
18/03/2013(Xem: 5187)
Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam, trước năm 1975 là một trung tâm văn hóa Phật giáo nổi tiếng lừng lẫy. Nơi đây đã quy tụ biết bao hào kiệt trượng phu, biết bao tao nhân mặc khách, biết bao giáo sư, triết gia cự phách thượng đẳng. Đặc biệt là các thiên tài xuất chúng siêu việt như Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, nổi bật nhất là Bùi Giáng, một thi sĩ kỳ dị, xưa nay chưa từng thấy xuất hiện trên bầu trời văn nghệ Việt Nam và thế giới.
11/03/2013(Xem: 6003)
Lê Quý Đôn (1726-1784) là một danh sĩ, nhà văn hóa, sử gia, sống vào đời Hậu Lê. Ông không những ba lần thi đều đỗ đầu, kinh qua nhiều chức quan, đã từng đi sứ sang Trung Quốc, mà còn là một nhà bác học, đã để lại một gia tài đồ sộ bao gồm khoảng 16 tác phẩm và nhiều thơ, phú bằng chữ Nôm khác. [1] Trong số những tác phẩm ấy, có Kiến văn tiểu lục, [2] là một tác phẩm dành riêng quyển 9 – thiên Thiền dật, để viết về Phật giáo và Thiền tông Phật giáo Việt Nam, chủ yếu là những vị Tổ thuộc Thiền phái Trúc lâm. Trong bài viết ngắn này, chúng ta thử chỉ tìm hiểu quan điểm của Lê Quý Đôn về Phật giáo, mà không bàn sâu đến phần Thiền tông Việt Nam mà ông đã chép.
21/02/2013(Xem: 6553)
Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định, thân phụ là cụ ông Trần Văn Quý, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suôi. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình gồm hai trai một gái. Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho phong. Thân phụ Ngài tinh thông Hán học. Cả hai ông bà lại rất thâm tín Phật pháp. Do đó, Ngài được hấp thụ ngay từ thuở ấu thơ hai nền văn hóa cổ truyền của dân tộc là Khổng giáo và Phật giáo.
19/02/2013(Xem: 7850)
Mới đây các nhà khảo cổ Mỹ và Canada đưa ra chứng cứ cho rằng Phật giáo đã được truyền vào Mỹ trước khi ông Columbus tìm ra châu Mỹ. Tuy nhiên, theo các tài liệu có được hiện nay thì Phật giáo chỉ thật sự có mặt tại Mỹ sau kỳ Đại hội Tôn giáo Thế giới tổ chức tại bang Chicago vào năm 1893. Nhưng ai là người có công truyền bá và làm lớn mạnh "hạt giống Bồ đề" trên đất Mỹ? Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số nhà sư cư sĩ người châu Á, những người tiên phong có công đặt nền móng xây dựng ngôi nhà chánh pháp trên đất Mỹ.
10/02/2013(Xem: 9047)
Từ những con người bình thường, không được sinh ra ở cung vàng điện ngọc, nhưng rồi trở thành những vị vua anh minh tài kiêm văn võ, tư tưởng và nhân cách cao siêu, mãi còn đọng lại với thời gian. Dù sống ở hoàng cung nhưng tâm lúc nào cũng vượt thoát, làm bậc đế vương nhưng hạnh vẫn là một sơn Tăng, ưa vui với gió nội mây ngàn, thở nhịp cùng đất trời nhân gian cây cỏ. Để rồi trở thành những người con Phật vĩ đại, trí tuệ và công hạnh thắm đượm cả không gian, thức tỉnh chúng ta trên bến bờ sinh tử của mê ngộ, đậm nét trong lòng người đến tận hôm nay. Bồ Tát Lương Võ Đế ( 463-549 ) của Trung Hoa và Trần Thái Tông ( 1218-1277) của Việt Nam, dù ở hai phương trời xa cách, sinh ra ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cùng chung một tấm lòng, mang an lạc thịnh vượng đến cho nhân dân, và một hạnh nguyện chuyển hoá cứu độ quần sanh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567