Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu Sử & Hành Trạng Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu (1921-2015)

21/08/201513:11(Xem: 10608)
Tiểu Sử & Hành Trạng Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu (1921-2015)



HT Thich Tam Chau

TIỂU SỬ
ĐỨC TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM CHÂU

THƯỢNG THỦ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI

 

--0--


I. THÂN THẾ :

Ngài sinh trong gia đình họ Đoàn, thế danh Đoàn Văn Hoành, sinh ngày 02 tháng 11 năm 1921 (Tân Dậu) tại tỉnh Ninh Bình, là người con trai út trong gia đình có bốn anh em trai.

Do có căn lành từ  nhiều đời về trước nên năm 11 tuổi Ngài xuất gia, thờ Sư Tổ Thích Thanh Kính tự Linh Quang thuộc chốn Tổ Phượng Ban (tỉnh Ninh Bình) làm thầy tế độ. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng Ngài luôn tinh tấn tu học nên chẳng bao lâu được bổn sư cho thọ giới Sa Di tại chốn Tổ Đồng Đắc (Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Năm 20 tuổi, Ngài đăng đàn thụ giới Tỳ Khưu tại chùa Bát Long (tỉnh Ninh Bình), thụ giới Bồ Tát nơi Sư Tổ Thích Đức Nhuận tức đức đệ nhất Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam sau này. Sau khi thụ giới, với chí tiến tu, Ngài du phương tham học tại các chốn Tổ danh tiếng lúc bấy giờ như chùa Đồng Đắc, chùa Phúc Chỉnh, chùa Phù Lãng, chùa Quán Sứ.

 

II. HÀNH ĐẠO :

Sau khi du phương học Đạo, Ngài trở về hành đạo tại chốn Tổ Đồng Đắc và Phượng Ban với các chức vụ như tri khách, duy na (tức tri sự). Ngoài những trách vụ được giao phó tại chốn Tổ, Ngài còn đi diễn giảng, hành lễ khắp các tỉnh thuộc miền Bắc lúc bấy giờ như Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh,v.v.. Theo sự chỉ dạy của Thầy Tổ, Ngài nhận trụ trì chùa Phúc Điền (Kim Sơn, Ninh Bình) và đặc biệt, khai sáng chùa Quang Nghiêm tại phường Hà Tu, thành phố Hạ Long.

Là một tăng sĩ trẻ, Ngài luôn dấn thân trong mọi Phật sự trong cũng như ngoài tỉnh, được Phật tử kính ngưỡng, đồng đạo yêu mến, nên năm 1951, Ngài được đề cử tham gia trong đoàn đại biểu Phật giáo Bắc Việt dự đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Từ Đàm-Huế. Đây là giáo hội thống nhất đầu tiên của Phật giáo Việt Nam sau bao nhiêu năm điêu linh cùng vận mệnh của đất nước. Khi Tổng hội được thành lập, Ngài đảm nhận chức vụ Ủy viên Nghi lễ của Hội đồng Trị sự Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Ngoài các trách vụ được Giáo hội giao phó, Ngài luôn tham gia tích cực các hoạt động của phong trào chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ nên năm 1952, Ngài được đề cử tham gia đại hội đại biểu thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam tại chùa Quán Sứ- Hà Nội. Sau bảy ngày làm việc, ngày 14 tháng 09 năm 1952, Giáo hội Tăng già Việt Nam được thành lập, Ngài đảm nhận trách vụ Trị sự phó kiêm Tri tạng. Trong đại hội này, Tổ Tuệ Tạng được suy tôn lên ngôi vị Thượng Thủ, Trị sự trưởng là Tổ Trí Hải .

Tổng hội Phật giáo được thành lập, Giáo hội Tăng già được hình thành, Ngài đã đem tất cả hùng tâm tráng trí của thanh niên tăng hiến dâng cho Đạo pháp, cho quê hương, những mong chấn hưng Phật giáo, quang huy dân tộc nhưng, nào ngờ, thời thế thay đổi, dòng Bến Hải chia đôi đất Mẹ, một đất nước mà hai thể chế, năm 1954 Ngài ngậm ngùi giã biệt Thầy Tổ, xa lìa quê cha, cùng hơn 100 vị tăng ni xuôi tàu vào Nam hành Đạo.

Khi vừa đặt chân đến miền Nam, Ngài liền xây dựng chùa Giác Minh để làm nơi cư trú, hành Đạo của chư tăng miền Bắc di cư vào Nam và Ngài là viện chủ đầu tiên của chùa. Tại chùa Giác Minh này, Ngài cùng chư tôn đức tăng ni miền Bắc di cư thành lập Giáo hội Tăng già Bắc việt tại miền Nam và Ngài đảm nhận chức vụ Chủ tịch đầu tiên của Giáo hội. Cũng trong năm này, Ngài cùng Hòa Thượng Thích Độ Lượng lên Buôn Mê Thuột xây dựng chùa Phổ Minh để cho Phật tử di cư có nơi hành lễ và tu tập.

Sau đó, do nhu cầu tu học của Phật tử ngày càng tăng, Ngài kiến tạo chùa Từ Quang và thành lập Hội Quan Âm Phổ Chiếu, hướng dẫn Phật tử tu tập, thực hành theo hạnh nguyện từ bi cứu khổ độ sinh của bồ tát Quan Thế Âm.

Năm 1956, Ngài giữ chức Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Đầu năm 1963, Ngài được các giáo phái, hội đoàn Phật giáo suy cử vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban Liên phái  Phật giáo chống phim Sakya - bộ phim xuyên tạc Phật giáo, bị các nước Đông Nam Á phản đối .

Tháng 5 năm 1963, khi chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, các giáo phái, hội đoàn  Phật giáo đồng lòng cung thỉnh Ngài giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo để lãnh đạo tăng, ni, Phật tử chống lại sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngài đã tích cực lãnh đạo cuộc tranh đấu đòi quyền bình đẳng tôn giáo nên Ngài cùng một số vị lãnh đạo Phong trào lúc bấy giờ chịu cảnh lao tù một thời gian dài.

Khi cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo thành công, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, các giáo phái, hội đoàn Phật giáo lại đồng thanh bầu Ngài làm Trưởng ban Tổ chức Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Năm 1964, với sự tham dự của 11 giáo phái, hội đoàn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Ngài được bầu làm Viện trưởng Viện Hóa đạo đầu tiên của Giáo hội. Với tư cách Viện trưởng, Ngài xin 40.000m2 đất trên đường Trần Quốc Toản (nay là 3 Tháng 2) để xây dựng ngôi chùa chung cho cả nước, lấy tên Việt Nam Quốc Tự.

Năm 1966, Ngài là một trong những sáng lập viên thành lập Giáo hội Phật giáo Tăng già Thế giới tại Tích Lan và được bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch.

Năm 1967, do có nhiều bất đồng và mâu thuẫn trong nội bộ,  Giáo hội bị phân hóa làm hai,  Ngài từ chức Viện trưởng Viện Hóa đạo.

Năm 1969, Ngài tổ chức Đại hội kỳ II Giáo hội Phật giáo Tăng già Thế giới tại Sài Gòn. Cũng trong dịp này, Ngài thành lập Hội Phật giáo Thế giới Phụng sự Xã hội và giữ chức vụ Chủ tịch. Để thực hiện hạnh nguyện từ bi cứu khổ độ sinh của bồ tát Quan Thế Âm và cũng thực hiện phương châm của Hội Phật giáo Thế giới Phụng sự Xã hội, từ miền Trung vào miền Nam, Ngài thành lập hàng trăm ngôi chùa có chữ TỪ đứng đầu như  chùa Từ Phước ở Đà Nẵng; Từ Hưng ở Buôn Mê Thuột; Từ Ân ở Nha Trang;  Từ Quang, Từ Thắng ở Vũng Tàu; Từ Khánh, Từ Tân, Từ Thọ, Từ Long (bây giờ đổi thành chùa Thiên Minh) ... ở Sài Gòn v,v... Ngài còn sáng lập Quan Âm Tu viện tại quận Phú Nhuận, Sài Gòn.

Năm 1970, Ngài giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phật giáo Liên Hiệp Thế giới được tổ chức tại Đại Hàn.

Năm 1973, Hòa thượng Thích Tâm Giác viên tịch, Ngài lại được Giáo hội đề cử giữ chức vụ Viện trưởng Viện Hóa đạo. Năm sau, 1974, Ngài thành lập Viện Đại học Phương Nam,  trong khuôn viên của Việt Nam Quốc Tự.

Năm 1975, thời thế đổi thay, Ngài ra nước ngoài hành Đạo. Đầu tiên, Ngài dừng chân tại nước Pháp. Tại đây, Ngài tạo dựng chùa Từ Quang tại thành phố Nice, lãnh đạo tinh thần Hội Phật giáo Pháp-Việt chùa Hồng Hiên thành phố Fréjus và thành lập Hội Phật giáo Thế giới Phụng sự Xã hội.

Năm 1976, Ngài là lãnh đạo tinh thần kiêm Hội trưởng Hội Phật giáo Pháp-Việt, tích cực kiến thiết cảnh trí chùa Hồng Hiên. Cũng từ năm này trở đi, Ngài thường xuyên qua lại các nước Canada và Mỹ, hướng dẫn tinh thần cho các Phật tử Việt Nam xa quê hương, khuyến khích Phật tử xây dựng Phật đường và tu học Phật pháp.

Năm 1977, Ngài cùng một số Phật tử xây dựng chùa Liên Hoa, Nệm Phật đường Chân Như (Toronto), hướng dẫn Phật tử tạo dựng chùa Phật Quang (S. Houston, Texas).

Năm 1978, Ngài hướng dẫn tinh thần chùa Liên Hoa (Brossard) và chùa A Di Đà (Toronto).

Năm 1979, Ngài chủ trì Đại hội thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam Hải ngoại tại chùa Giác Hoàng (Washington D.C.),  đảm trách ngôi vị Thượng thủ Giáo hội, làm lãnh đạo tinh thần Cộng đồng Giáo hội chùa Giác Hoàng (Washington D.C.) và chùa Phật Quang (Houston). Bắt đầu từ năm này trở đi, Ngài thường xuyên đi thuyết giảng, trao truyền quy giới, hướng dẫn tu tập  và khuyến hóa các Phật tử xây dựng Phật đường như chùa Giác Quang (Oklahoma), v.v...

Năm 1981, Ngài làm Chủ tịch Công đồng Giáo hội chùa Giác Hoàng (Washington D.C.) và chùa Liên Hoa (Brossard). Cũng trong năm này, Ngài bắt đầu đi hành Đạo tại Úc châu.

Năm 1982, Ngài khai sơn Tổ đình Từ Quang tại Montreal, Canada.

Năm 1984, Ngài thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên Thế giới, đảm trách ngôi vị Thượng Thủ, và đã thành lập các thành viên của Giáo hội tại các nước như : Tổ đình Từ Quang, chùa Liên Hoa, chùa Từ Ân, chùa Di Đà, chùa Chân Quang,...ở  Canada; chùa Phật Quang, chùa Phật Đà ở Úc châu; chùa Giác Hoàng, chùa Phật Quang, chùa Pháp Quang, chùa Nam Quang, chùa Quan Âm, chùa Pháp Hoa,... ở Hoa Kỳ; chùa Hồng Hiên, chùa Từ Quang, chùa Quan Âm,... ở Pháp.

Năm 1989, Ngài làm Đệ nhất thành viên Hội đồng Trưởng lão Giáo hội Tăng già Thế giới.

Năm 2008, tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng nghĩ tới ân đức vô biên của Tam bảo, Ngài tích cực khai sơn Tu viện Viên Quang tại South Carolina, Hoa Kỳ.

 

III. TÁC PHẨM :

Hơn 80 năm tu Đạo và hành Đạo, Ngài luôn nhiệt tâm tinh cần trong mọi Phật sự : Xây dựng Phật đường, kiến tạo già lam, lãnh đạo giáo hội, thuyết pháp giảng kinh, hướng dẫn tu học, tiếp nhân độ chúng,... Nhưng có một sự việc Ngài luôn cho là trọng đại hơn tất cả. Đó là trước tác và phiên dịch kinh điển. Cho dù Phật sự đa đoan đến đâu, khi về đến chùa, Ngài không rời án kinh, miệt mài viết sách, dịch kinh. Ngài bắt đầu sự nghiệp này từ khi còn là một tỳ khưu tân tiến cho đến khi xả bỏ báo thân. Các trước tác và dịch phẩm của Ngài để lại như sau :

   A) Dịch thuật :

-  Kinh Bát Đại Nhân Giác (5/1956)

-  Kinh Di Lặc Hạ Sinh (12/1956)

-  Kinh Di Lặc Thượng Sinh (12/1956)

-  Kinh Tội Phúc Báo Ứng (2/1957)

-  Kinh Thập Thiện (3/1957)

-  Kinh Phổ Môn (5/1957)

-  Kinh A Di Đà (7/1957)

-  Kinh Lần Tràng tức Kinh Mộc Hoạn Tử (4/1957)

-  Kinh Hiệu Lượng tức Kinh Sổ Châu Công Đức (4/1957)

-  Kinh Cương Đính tức Kinh Du Già Niệm Châu (4/1957)

-  Kinh Trì Trai (6/1957)

-  Kinh Hiếu Tử, Kinh Vu Lan Bồn, Kinh Giải Hạ, Kinh Tân  

   Tuế,  Kinh Thụ Tuế (7/1957)

-  Kinh Quan Thế Âm Bồ Tát Thụ Ký (9/1957)

-  Kinh A Hàm Chính Hạnh, Kinh Duyên Sinh (11/1957)

-  Kinh Quy Y Tam Bảo, Kinh Phát Bồ Đề Tâm, Kinh Đại   

   Thừa Già Da Sơn Đính (12/1957)

-  Kinh Đại Niết Bàn, Phật Học Ngụ Ngôn (5/1958)

-  Kinh Tâm Địa Quán (12/1959)

-  Thiền Lâm Bảo Huấn (11/1972)

-  Nhân Duyên Tâm Luận Tụng (1/1996)

-  Bồ Đề Tâm Ly Tướng Luận (6/1996)

-  Kinh Văn Thù Thỉnh Vấn Bồ Đề (10/1996)

-  Kinh Nhân Quả Ba Đời (2/1997)

-  Du Già Sư Địa Luận Thích (1/1999)

-  Kinh Ngũ Bách Danh (8/2012)

   B) Sáng tác :

-  Gương Hỷ Xả, thơ (5/1952)

-  Đường Vào Cửa Phật (12/1952)

-  Đạo Phật Với Con Người (8/1953)

-  Phật Học Chính Cương (7/1955)

-  Bước Đầu Học Phật (12/1958)

-  Nét Tinh Thần, thơ (8/1967)

-  Tịnh Minh Thi Cảo I, thơ chữ Hán (5/1969)

-  Tịnh Minh Thi Cảo II, thơ chữ Hán (11/1969)

-  Cánh Hoa Tâm, thơ (12/2011)

-  Tiếng Vọng Thời Gian tập I (11/2002)

-  Tỉnh Mộng Đời, thơ (6/2004)

-  Hương Vị Phật Pháp (11/2007)

-  Tiếng Vọng Thời Gian tập II (2014)

-  Vang Vọng Nguồn Thương, thơ (2014)

 Kính mời xem các tác phẩm của HT Tâm Châu


IV. VIÊN TỊCH :

Tháng 7 năm 2015, tuy thân tứ đại không được khỏe nhưng Ngài vẫn tổ chức khóa nghiên tu theo chương trình đã hoạch định tại Tu viện Viên Quang, Hoa Kỳ. Khi khóa nghiên tu kết thúc, nhận thấy sức khỏe yếu nhiều, Ngài liền trở về Tổ đình Từ Quang, Canada. Về tới nơi, biết hóa duyên sắp mãn, Ngài cho gọi tất cả đệ tử trở về Tồ đình và ân cần dặn dò, dạy bảo. Sau đó, các đệ tử luân phiên niệm Phật trợ niệm bên Ngài. Khi chuông đồng hồ điểm 10 giờ 15 phút ngày 20 tháng 08 năm 2015 tức ngày 07 tháng 07 năm Ất Mùi, Ngài xả bỏ báo thân tại phương trượng Tổ đình Từ Quang trong tiếng niệm Phật của môn đồ tứ chúng, hưởng thọ 95 tuổi, tăng lạp 74 năm.

 

Cuộc  đời Ngài là một tấm gương nhiệt tâm, tinh cần trong mọi Phật sự, luôn quên mình vì mọi người. Ngài thường xuyên tổ chức giới đàn tại Tổ đình Từ Quang cũng như tại các nơi để trao truyền Đại giới, Bồ tát giới, Ngũ giới cho rất nhiều tăng, ni và Phật tử. Ngài luôn hoan hỷ nhận lời thỉnh cầu, chứng minh các đại lễ, dự lễ động thổ hay khánh thành các tu viện, tự viện khắp các nơi dù xa hay gần, dù lớn hay nhỏ. Ngoài việc in ấn kinh sách, Ngài còn bảo trợ cho rất nhiều tăng ni trẻ du học nước ngoài.  Ngài là chứng nhân lịch sử, hơn thế nữa, là tác nhân làm nên lịch sử Phật giáo Việt Nam thời hiện đại - thời đại đầy biến thiên và thăng trầm của lịch sử. Lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử Phật giáo thế giới nói chung trân trọng kính ghi công hạnh của Ngài trong sự nghiệp phụng sự quê hương và Đạo pháp :

 

Nước có trong ngoài, biệt Tổ ly hương, bảo vệ quốc gia, đức độ còn lưu vạn thuở

Đạo không Nam Bắc, vị tha xả kỷ, duy trì Phật pháp, công huân để lại ngàn thu.

 

NAM MÔ LƯU PHƯƠNG THÁP, TRÚC LÂM YÊN TỬ, VĨNH NGHIÊM, PHƯỢNG BAN PHÁP PHÁI, ĐỆ LỤC THẾ, VIỆT NAM PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT GIÁO HỘI VIỆN HÓA ĐẠO ĐỆ NHẤT VIỆN TRƯỞNG, THẾ GIỚI VIỆT NAM PHẬT GIÁO GIÁO HỘI THƯỢNG THỦ, TỪ QUANG TỔ ĐÌNH KHAI SƠN, MA HA SA MÔN TỲ KHƯU BỒ TÁT GIỚI,  PHÁP DANH THANH MINH, PHÁP HIỆU TÂM CHÂU, TỰ TUỆ HẢI, ĐOÀN CÔNG TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM./.

 

 

 

 

Viet Nam Quoc Tu
Tòa tháp Việt Nam Quốc Tự

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/01/2014(Xem: 9975)
Hòa thượng thế danh Lương Thế Ân, sinh vào giờ Tuất, ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670) nhằm vào năm Khang Hy thứ 8 triều nhà Thanh tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Thân phụ Ngài là cụ ông húy Lương thụy Đôn Hậu, thân mẫu tộc Trần thụy Thục Thận. Ngài là người con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em, anh trai là Lương Thế Bảo, em trai là Lương Thế Định.
28/01/2014(Xem: 13316)
NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT CÁO PHÓ Gia đình Tang Quyến Chúng Con, Chúng Tôi vô cùng thương tiếc báo tin đến Chư Tôn Đức cùng Quý Thân Bằng Quyến Thuộc, Bạn Hữu gần xa, Chồng, Cha, Ông chúng con, chúng tôi là: Cụ Ông NGUYỄN NGỰ Pháp danh: NGUYÊN BỬU Sinh năm: Quý Dậu (1933) tại Cố Đô Huế Mãn phần lúc 11 giờ tối ngày 27 tháng Chạp năm Quý Tỵ (Nhằm ngày 27-01-2014) tại Sài Gòn, Việt Nam Chương trình Tang Lễ: - Lễ Nhập Liệm lúc 7am ngày 29-01-2014 tại Sàigòn - Lễ Thọ Tang lúc 7pm (29-1-2014) tại Tu Viện Quảng Đức, Úc Châu - Lễ Di Quan từ Sàigòn về Huế: 6am ngày mùng 2 Tết Giáp Ngọ (01-02-2014) - Lễ Động Quan và đưa đi an táng tại Huế lúc 6am ngày mùng 6 Tết Giáp Ngọ (05-02-2014) Chúng con đề đầu đảnh lễ và cúi xin Tôn Đức Tăng Ni cùng Quý Phật tử thân hữu gia tâm niệm Phật để giúp trợ niệm cho Thân Phụ chúng con sớm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Quốc.
21/01/2014(Xem: 16131)
Từ Úc Quốc xa xôi, thay mặt toàn thể Tăng Tín đồ Phật Tử Tu Viện Quảng Đức, một nơi mà chính Trưởng Lão HT Thích Phước Thành đã về chứng minh lễ Khánh Thành năm 2003, Chúng con thành kính ngưỡng vọng về Thiên Phước Tổ Đình, Quy Nhơn, Bình Định, nhất tâm đảnh lễ Giác linh Hòa Thượng, Nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc, thượng phẩm thượng sanh, hồi nhập ta bà, phân thân hóa độ, lợi lạc quần sanh. Kính nguyện Giác linh Hòa Thượng thùy từ chứng giám. Thành kính chia buồn đến HT Thích Nguyên Phước cùng chư Tôn Đức & Môn Đồ Pháp Quyến trước sự mất mát lớn lao này.
31/12/2013(Xem: 19771)
Vở Cải Lương: Chuyện Tình Liên Hoa Hòa Thượng Tác giả: HT Thích Như Điển Chuyển thể cải lương: Soạn giả Dương Kinh Thành Chủ trương và thực hiện: Nghệ sĩ Út Bạch Lan và Nghệ sĩ Tô Châu Thành phần diễn viên gồm những nam nữ nghệ sĩ gạo cội tiếng tăm trong nước như:Nghệ sĩ (NS) Út Bạch Lan, NS Thoại Mỹ, NS Tô Châu, NS Phượng Loan, , NS Điền Trung, NS Quốc Kiệt, NS Hồng Lan, NS Chí Cường, NS Thanh Sử, NS Trần Kim Lợi, NS Hữu Tài, NS Hồng Sáp, NS Hoàng Phúc, NS Hoàng Quân, NS Hoàng Điệp và những vai phụ khác.
15/12/2013(Xem: 8854)
Tổ thường hay nói trong những ngày trước khi viên tịch: “Ta ra đời nhằm ngày Đản Sinh của đức Từ Phụ thì sau ta cũng chọn ngày ấy mà viên tịch”. Ngày mồng 8 năm Quý Mão (1963), Ngài không thấy trang hoàng cờ phướn để đón mừng Phật Đản như mọi khi và khi biết Giáo Hội chủ trương dời ngày lễ Phật Đản vào đúng ngày rằm, Tổ nói: “Rứa thì ta cũng đợi đến ngày rằm...”.
15/12/2013(Xem: 17885)
Trang nhà Quảng Đức vừa nhận được tin buồn: Thầy Đặng Ngọc Chúc, pháp danh: Tịnh Minh, sinh năm 1947 tại Phù Cát, Bình Định, vừa mãn phần lúc 9 giờ tối ngày 12/11/ Kỷ Tỵ (14-12-2013), hưởng thọ: 67 tuổi. Lễ Nhập Liệm lúc 2 giờ chiều ngày chủ nhật 15/12/2013 (13-11-AL); Lễ Động Quan lúc 6 giờ sáng ngày thứ tư 18-12-2013 (16-11-Al) tại Sài gòn, Việt Nam. Liên lạc vói tang quyến: [email protected]
06/12/2013(Xem: 10282)
Người làm vườn chậm rãi quét lá. Cuối đông, những cây phong - lá đổi mầu từ xanh tươi sang đỏ, vàng - đang rụng những chiếc cuối. Thời gian không âm thanh, không hình tướng mà lại hiện hữu rõ rệt ở mọi nơi, mọi vật qua những đổi thay, luân chuyển của đất trời. Hoa ấy rực rỡ đầu hè, đã úa tàn cuối thu; mầm ấy trồi xanh tháng lạnh, cành lá đã xum xê khi nắng ấm; quỳnh nẩy nụ ngày xuân, đêm trăng rằm tháng hạ đã chợt ngạt ngào hương sắc…….
06/12/2013(Xem: 13065)
Trong lịch sử Thiền Tông Việt Nam, vị thiền sư ni đầu tiên, người trưởng lão ni tuyệt vời, còn lưu lại bài kệ thị tịch, những lời nói sau cùng, những lời nhắn bảo cuối cùng, những lời nói thật, gây chấn động mãnh liệt nơi nội tâm, thức tỉnh chúng ta trên dòng sinh tử, để lại dấu ấn đậm sâu, thắm đượm mãi trong lòng người đến tận hôm nay và mai sau. Ni Sư Diệu Nhân, và cũng là vị nữ sĩ ban đầu trong nền Văn Học Việt Nam
05/12/2013(Xem: 12889)
Từ Tam Kỳ tôi về lại Đà Nẵng năm 1965 để hầu ôn Phổ Thiên và tiếp tục đi học tại trường trung học Phan Châu Trinh. Ôn cư ngụ tại Chùa Diệu Pháp, nhưng thường xuyên sinh hoạt tại Chùa Phổ Đà. Hai chùa cách nhau năm bảy căn nhà
01/12/2013(Xem: 7976)
Hòa thượng pháp danh Thị An, pháp tự Hành Trụ, pháp hiệu Phước Bình, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh (1) đời thứ 42. Ngài thế danh là Lê An, sinh năm 1904 trong một gia đình trung nông tại làng Phương Lưu, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Thân phụ là cụ Lê Uyển, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Sử. Ông bà có bốn người con, cả ba người con trai đều xuất gia đầu Phật. Ngày xuất gia năm 12 tuổi ở chùa làng. Ðến năm 19 tuổi, được Hòa thượng Giải Tường chùa Phước Sơn thế độ làm đệ tử và học tại đây. Năm 22 tuổi Ngài thọ Cụ Túc giới và giữ chức thư ký trong chùa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]