Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cảm niệm Ân Sư

05/12/201309:00(Xem: 12885)
Cảm niệm Ân Sư


CẢM NIỆM ÂN SƯ


htthichtuman

Thành Kính Tưởng Niệm
Hòa Thượng Thích Từ Mẫn
(1932-2007)


Từ Tam Kỳ tôi về lại Đà Nẵng năm 1965 để hầu ôn Phổ Thiên và tiếp tục đi học tại trường trung học Phan Châu Trinh. Ôn cư ngụ tại Chùa Diệu Pháp, nhưng thường xuyên sinh hoạt tại Chùa Phổ Đà. Hai chùa cách nhau vài chục căn nhà. Tại đây Ôn cũng có căn phòng nhỏ bên hông Tổ Đường. Chùa Phổ Đà do Ôn thành lập và đã cúng cho Phật Học Viện Trung Phần để làm nơi đào tạo tăng tài. Ôn là người thức thời đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của tân học. Không có tân học Phật Giáo sẽ không theo kịp đà tiến hóa của nhân loại, không có tân học thì Phật Giáo sẽ bị các thế lực thực dân và tôn giáo ngọai lai tiêu diệt; vì thế Ôn đã hy sinh đem ngôi chùa Phổ Đà để cúng cho sơn môn làm nơi đào tạo tăng tài và cũng không ngần ngại gởi người đệ tử thân cận là thầy Từ Mẫn ra Phật Học Đường Bảo Quốc tại Huế tu học.

Bảo Quốc là chiếc nôi ươm mầm cách mạng cho Phật Giáo và dân tộc. Trong hoàn cảnh ô nhục của đất nước bị trị, các phong trào yêu nước bị đàn áp khốc liệt; và trong ảnh hưởng tư tưởng cách mạng của Thái Hư Đại Sư cùng những tư tưởng tiến bộ của thế giới, các hòa thượng Giác Tiên, Mật Khế, Phước Huệ, Trí Độ.. cùng cư sĩ Lê Đình Thám (em của nhà cách mạng Lê Đình Dương) đứng lên cổ xúy cho công cuộc phục hưng Phật Giáo. Các ngài ý thức rằng phục hưng Phật Giáo chính là phục hưng đất nước. Trong niềm yêu nước thương đạo thiết tha các ngài đã dồn hết tâm lực cho công cuộc duy tân này. Đây có thể nói là một công trình cải cách tiếp sau những thất bại của các phong trào yêu nước của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.. và cũng là một công trình tiếp nối sư nghiệp duy tân của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Chương trình học của Phật Học Viện vì thế mang tính cách dung hòa và thực dụng, vừa nội điển, vừa ngoại điển, cùng nung nấu tinh thần yêu nước. Hoài bảo này đã được cụ Phan Bội Châu ôm ấp trong một lớp Hán văn tại Chùa Từ Đàm (nơi cụ bị an trí đối diện với Chùa). Một hôm cụ hỏi các chú điệu: “Lớn lên các điệu muốn làm chi?”Trong khi các điệu ngơ ngác, cụ nghiêm mặt bảo: “Làm Thầy Tu nghe!” Thầy tu nói lái là “Thù Tây”!Bài học yêu nước đơn giản đó đã in sâu vào tâm trí của các chú tiểu nhỏ.

Muốn thắng thực dân, muốn giành độc lập dân trí phải canh tân, đất nước phải thay da đổi thịt. Do đó vai trò giáo dục quan trọng hàng đầu. Cái học truyền thống của nước ta chú trọng nhiều về văn chương, đạo đức, vì thế khi Tây đến chúng ta không có những kỷ thuật tổ chức quần chúng, không có quân đội hùng mạnh, không có vũ khí tối tân. Cả nước căm phẫn thực dân nhưng phải chịu thua vài trăm quân xâm lược Pháp; nhân nghĩa ngút trời nhưng không chống được giặc Tây, không giữ được thành trì. Từ đó đất nước rơi vào vòng nô lệ. Từ những năm 1930, sau khi các cuộc khởi nghĩa giành độc lập bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, các nhà ái quốc nhận thấy trong giai đoạn này con đường bạo động chưa thực hiện được, do đó con đường duy tân của cụ Phan Châu Trinh là thích hợp. Hơn nữa thực dân Pháp không cấm cản được những hoạt động có tính cách văn hóa và tín ngưỡng. Phật Giáo đã đồng hành cùng dân tộc, hưởng ứng mãnh liệt phong trào canh tân. Từ đó sự phục hưng Phật Giáo trỗi dậy khắp ba miền tại những thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn đi tiên phong. Còn tại những thành phố nhỏ, vùng sâu, vùng xa phong trào phục hưng cũng dần dần ảnh hưởng đến. Sau năm 1954 khi đất nước bị chia đôi, miền Nam dưới chế độ độc tài gia đình trị và Ki Tô Giáo trị của Ngô Đình Diệm. Trước nguy cơ sắp bị tiêu diệt bởi tham vọng Công Giáo Hóa toàn miền Nam của gia đình họ Ngô, Phật Giáo vì sự sống còn đã đứng lên tiếp tục đẩy mạnh công cuộc canh tân. Các Phật Học Viện được thành lập. Tăng tài được đào tạo và các giảng sư được gởi đi khắp các vùng sâu, vùng xa. Từ đó các khuôn hội, các Niệm Phật Đường được thành lập khắp nơi. Sự lớn mạnh nhanh chóng này của Phật Giáo đã khiến nhà Ngô lo ngại và họ quyết tâm tiêu diệt trong cuộc đàn áp công khai năm 1963 tại Huế.

Các lãnh đạo phong trào đấu tranh chống nhà Ngô hầu hết xuất thân từ Phật Học Đường Báo Quốc. Trường Bảo Quốc đã đào tạo một thế hệ tăng sinh cấp tiến đầu tiên. Các vị này trở thành lãnh đạo cột trụ của giáo hội như các ngài Trí Thủ, Trí Quang, Thiện Minh, Huyền Quang… Lớp của các Thầy Từ Mẫn, Minh Chiếu là lớp kế sau đó. Sau khi tốt nghiệp hai thầy được hòa thượng Trí Thủ cử về Đà Nẵng chăm sóc cơ sở tại Đà Nẵng.

Chùa Phổ Đà trở thành Chi Nhánh Phật Học Viện Trung Phần, chánh đại diện là thầy Minh Chiếu và giáo thọ là thầy Từ Mẫn. Hai ngài là những người tiên phong trong việc trùng hưng Phật Giáo tại Đà Nẵng. Như chúng ta đã biết Đà Nẵng cũng như các nơi khác trong cả nước, sinh hoạt Phật Giáo trầm lặng trong nếp sống thiền môn truyền thống, không quan tâm nhiều đến cuộc sống thế tục. Với phong trào phục hưng, các ngài đã thổi luồng gió cải cách Phật Giáo vào các quận huyện thành phố cũng như các vùng sâu, vùng xa. Theo mô hình của Phật Giáo Huế, các khuôn hội tại Đà Nẵng đã lần lượt mọc lên như nấm. Khi cuộc đàn áp xảy ra tại Huế, Phật Giáo Đà Nẵng đã lớn mạnh, đủ sức để sát cánh cùng Huế trong cuộc đấu tranh. Với những cuộc biểu tình, mít-ting hàng vạn người đã làm rung chuyển chế độ. Sau khi nhà Ngô bị lật đổ, Phật Giáo Đà Nẵng tiếp tục phát triển không ngừng, vẫn tiên phong trong công cuộc đấu tranh cho tự do và độc lập cho đến ngày đất nước thống nhất. Ngày nay Phật Giáo Đà Nẵng vẫn tiếp tục với sứ mạng hộ quốc an dân. Các Chùa Viện được thành lập, những khóa tu học cho cư sĩ được tổ chức với mục đích đem lại an lạc hạnh phúc cho cuộc sống và để duy trì bảo tồn bản sắc dân tộc trong giai đoạn hội nhập cùng thế giới.

Trong những năm trước 1975, thầy Từ Mẫn lúc đó vừa làm giáo thọ cho Phật Học Viện, vừa làm trụ trì Chùa Diệu Pháp. Chùa này cũng do Ôn Phổ Thiên khai sơn. Phổ Thiên là tên cũ của Phổ Đà, gọi tắt của hai chữ Phổ Thiên và Đà Nẵng. Phổ Thiên có lẽ là lấy từ thán ngữ: “Phổ Thiên Đồng Khánh”(khắp trời cùng vui) để tán thán sự ra đời của đức Phật. Đồng Khánh cũng là tên của một vị vua, vô tình chữ Phổ Thiên cũng nhuốm mùi vương giả. Còn Phổ Đà là tên ngọn núi nơi cư ngụ của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Các ngài khi đổi thành tên này có lẽ trong thâm tâm cũng cầu mong đức Quan Âm với từ bi lực cứu vớt dân tộc Việt Nam sớm thoát khỏi tai ương hoạn ách, dân tộc sớm được tự do hạnh phúc.

Tuy bận rộn Phật sự, nhưng thầy vẫn thường xuyên về thăm Diệu Pháp để xem xét tình hình tài chánh của Chùa, cũng như công việc tu học của chúng điệu. Trong những năm của thập niên sáu mươi, tình hình chiến sự càng lúc càng sôi động, vấn đề lương thực có lúc gặp khó khăn. Tuy thế Diệu Pháp vẫn đầy đủ cơm ăn, áo mặc. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, chúng điệu vẫn tiếp tục việc tu học. Điều này có được nhờ uy đức của Ôn và sự quan tâm của thầy giáo thọ. Tôi ở Diệu Pháp, ban ngày đi học trường Phan Châu Trinh, ban đêm qua Phổ Đà học nội điển. Chương trình học của tôi nặng về ngoại điển hơn nội điển. Các ngài chủ trương học tăng phải hoàn tất song song cả hai chương trình cùng một lúc, chương trình thế học và Phật học. Ôn và thầy giáo thọ tạo mọi điều kiện để tôi có thời giờ hoàn tất việc học. Tôi không phải chấp tác nhiều. Mùa thu năm 1968 tôi vào Già Lam để tiếp tục học đại học và hoàn tất vào năm 1972. Sự thành đạt của tôi là nhờ công giáo dưỡng, bảo bọc của các ngài. Càng nghĩ đến điều này tôi càng cảm nhận sâu sắc ân đức và kỳ vọng của quý ngài. Tôi cũng hết sức cảm tạ các dì Tú, dì Năm.. bát cơm Phiếu mẫu của các dì đã nuôi lớn chúng tôi trong giai đoạn khó khăn đó. Tôi cũng nhớ đến các bác hàng xóm như bác Tiến, bác Quyền, mẹ anh Tập, bác Phụng, anh Đẩu, bác Kỳ… đã thương chúng tôi như con, chia xẻ với chúng tôi từng bó rau, trái bí, từng nắm gạo, từng củ khoai …

Thầy giáo thọ tuy ở cương vị trưởng thượng, nhưng lúc nào cũng hòa đồng với chúng điệu. Chúng tôi kính thầy nhưng lại cảm thấy rất gần gũi Thầy. Chúng tôi quý thầy như một người cha, nhưng đồng thời cũng thương thầy như một người anh. Thầy chia xẻ những cảm nghĩ của thầy về đất nước, về chiến cuộc, về giáo hội, về tu trì.. và động viên chúng tôi trong những lúc xuống tinh thần vì chiến tranh khốc liệt. Một hôm thầy mang về một cuộn băng thâu thanh và mở cho chúng tôi nghe những bài hát của Trịnh Công Sơn. Lần đầu tiên nghe ai cũng có cảm xúc mạnh, không cầm được nước mắt. Nghe những bài hát đó chúng tôi cảm nhận sâu sắc niềm ô nhục của một dân tộc nhược tiểu, nỗi xót xa bất lực của con người trong đất nước bị chiến tranh tàn phá. Những lời lẽ tha thiết đó cũng chính là những tâm trạng của chính mình. Những bài thơ của thầy Nhất Hạnh, những bài ca của Trịnh Công Sơn có những ảnh hưởng lớn trong suốt thời sinh viên của tôi.

Tuy chiến tranh đã bắt đầu trước khi tôi sinh ra và vẫn tiếp diễn sau khi tôi rời Việt Nam năm 1974 để du học. Thế nhưng cuộc sống cũng không phải vì thế mà thiếu niềm vui và hy vọng. Cũng có những giây phút con người biết đặt mình ra ngoài hoàn cảnh khó khăn để tìm những giây phút an lạc, để lấy lại năng lực và tiếp tục cuộc hành trình như Hóa Thành Dụ trong Kinh Pháp Hoa. Tiếng cười giòn giã của Thầy đã làm tiêu tan hết những não phiền. Lúc vui Thầy kể chuyện tiếu lâm:

“Sau buổi cúng đình ba vị bô lão bàn nhau về việc sử dụng tiền bá tánh cúng. Vị thứ nhất bảo chia tiền làm hai phần, một nửa dùng cho đình, còn nửa kia thuộc anh em mình. Vị thứ hai bảo hãy vẽ một vòng tròn dưới đất, sau đó tung tiền lên không, tiền nào rơi vào trong vòng tròn là của đình, còn tiền rơi ra ngoài là của anh em mình! Vị thứ ba bảo có ý kiến hay hơn là mình cứ tung toàn bộ số tiền lên không, đức Thánh ngài lấy bao nhiêu thì lấy, số còn lại anh em mình chia nhau!”

Mọi người cười ngất. Tiếng cười của thầy đã đem lại cho chúng tôi nhiều an tâm, đem lại cho chúng tôi cái nhìn bớt bi quan về cuộc chiến, để thấy trong tận cùng của đêm là thời điểm bắt đầu của ngày và chiến cuộc dầu khốc liệt đến mấy rồi cũng có ngày chấm dứt. Trong niềm hy vọng lạc quan đó chúng tôi đã thấy ánh bình minh của hòa bình ló dạng và cảm nhận sâu xa ý nghĩa của Vô Thường.

Phòng của Thầy ở Diệu Pháp kế cận phòng của tôi và chú Thê. Chú Thê xuất gia sau khi đã lập gia đình. Chú rất giỏi về xây dựng và giúp chùa đắc lực trong việc xây cất. Có lúc về thăm nhà bị kẹt lại ở quê vì việt cọng đào đường làm giao thông gián đoạn. Năm sau vợ chú sinh thêm một em bé nữa. Chú cảm thấy sượng sùng với huynh đệ. Sau đó thì hoàn tục.

Một hôm tôi đang đọc say sưa bài Thề Non Nước của Tản Đà: “Nước non nặng một lời thề, Nước đi đi mãi không về cùng non…” tôi vừa đọc vừa ngâm nga để tìm thông cảm cùng tác giả sinh ra trong một giai đoạn nước mất nhà tan mà bản thân cảm thấy bất lực. Đang miên man thơ thẩn… thì cửa phòng chợt mở, thầy mang biếu tôi cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh Hoài Chân xuất bản ở ngoài Bắc, trong Nam chỉ có bản in đánh máy trên giấy roneo. Trong đó có bài viết về Tản Đà cùng bài thơ Thề Non Nước. Cầm cuốn sách tôi hiểu được tính nhất quán của Văn Học Việt Nam từ Bắc vào Nam dầu bất đồng chính kiến, hiểu được tình tự dân tộc dầu đất nước phân chia.

Tấm lòng của Thầy rộng như thái không, dang đôi tay như đôi cánh gà để ôm hết đàn gà con vào mình cho dầu đàn gà con đó có màu sắc chính kiến khác nhau. Trong anh em chúng tôi cũng có người theo quốc gia, cũng có người theo giải phóng. Dầu chính kiến thế nào, Thầy vẫn thương yêu đồng đều. Mọi người tưởng Thầy không biết, Thầy biết hết nhưng Thầy không nói và không đối xử phân biệt. Có lẽ Thầy nhận thấy sự khác biệt chỉ là giai đoạn mà thôi. Tất cả cũng đều là huynh đệ, học trò của Thầy. Phòng của Thầy sau này nhường cho thầy N.B., pháp huynh của Thầy làm tuyên úy trưởng của vùng một chiến thuật, trong khi đó thì chú T. là cán bộ nằm vùng! Cả hai cùng sống chung dưới một mái chùa! Làm sao Thầy không đau xót khi nghe chú A bị bắt đi lính chết trận ở miền xa; chú B bị tra tấn chết trong ngục tối vì theo việt cộng? Cũng như trước đây trong số huynh đệ của Thầy cũng kẻ Nam người Bắc. Hoàn cảnh đất nước như thế thì chỉ đành đau xót chấp nhận.

Thầy rất quý mến sư bà Từ Hạnh ở Thanh Quýt. Sư bà là người đã chăm sóc Thầy ngày xưa. Thầy vào chùa lúc còn bé, cả người đầy ghẻ. Sư bà đã tắm rửa và thuốc men cho Thầy. Do đó Thầy xem Sư Bà như một người chị, người mẹ của mình. Lúc có thì giờ Thầy vào thăm Sư Bà, ôn lại chuyện xưa, cười đùa vui vẻ. Sư Bà sau này là người đã cứu dân cả làng thoát chết.

Khoảng năm 1968 sau biến cố Mậu Thân, chiến tranh càng ngày càng ác liệt. Lúc đó một toán lính của Đại Hàn, thuộc sư đoàn Mãnh Hổ, hành quân qua làng Phong Ngũ, Thanh Quýt, Quảng Nam. Thình lình có tiếng súng từ trong bụi tre bắn ra. Lính Đại Hàn lập tức cho bao vây làng, lùa hết dân lên trên gò đất trống. Toán lính dàn hàng ngang, chỉa súng vào dân làng và chuẩn bị hành quyết. Đây là thói quen hành quân của họ, mỗi khi nghe có tiếng súng là họ giết hết dân cả làng! Một số bà con ở dưới ruộng xa nhìn thấy, tức tốc chạy về báo cho Chùa. Sư Bà cùng quý sư cô quấn vội y vàng vào người, tức tốc chạy ra đứng ngăn trước họng súng, và chắp tay niệm Phật. Dân làng chắp tay niệm theo. Tiếng niệm Phật thống thiết vang dội cả ruộng đồng. Sau nửa tiếng đồng hồ, tiếng niệm Phật đã làm mềm lòng toán lính. Viên sĩ quan ra lịnh hạ súng xuống và kéo đi nơi khác. Cả mấy trăm người khóc vang và sụp lạy Sư Bà cùng quý sư cô. Trước mặt họ, Sư Bà là hiện thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát, của vị thần cứu mạng của cả làng.

Sau khi đất nước hòa bình, Thầy cũng vẫn tiếp tục công việc giảng dạy như thưở nào. Bây giờ tăng chúng không đông như xưa vì ngày xưa nhiều người vào chùa với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bây giờ đất nước hòa bình, kinh tế khó khăn, nhất là trong giai đoạn ‘bao cấp”, cái gì cũng khó khăn hơn mức bình thường, mấy chú phải “tu chui” vì không có hộ khẩu. Ban ngày tu ở chùa, nhưng tối lại phải về nhà. May mà các chú còn nhỏ nên còn tu được, chứ lớn một chút thì tu kiểu này khó lắm. Tình cảnh này làm tôi nhớ đến các thầy trụ trì các chùa lớn ở Trung Quốc, lúc tôi sang đó năm 1986. Thấy các thầy trẻ trung, dáng dấp thông thái, tôi rất ngạc nhiên, vui mừng và đặt nhiều hy vọng cho tiền đồ Phật Giáo Hoa Lục sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Nhưng sau này hỏi ra tôi được biết các thầy được đào tạo để làm công chức cho nhà nước trong vấn đề phát triển du lịch. Vì du khách đến Trung Quốc không chịu đi thăm hợp tác xã danh tiếng như Đại Trại, các công trường, nhà máy…nhưng chỉ thích đi thăm chùa chiền, cung điện. Các nơi này đang bị hoang phế sau cuộc tàn phá của Hồng Vệ Binh. Nhà nước phải gấp rút trùng tu. Nhưng có chùa mà thiếu thầy cũng vô duyên, nên nhà nước phải chiêu sinh mở khóa đào tạo trụ trì. Sau khi tốt nghiệp, các thầy được phân bổ đến các danh lam trên toàn quốc. Các thầy chỉ đến Chùa phục vụ từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Sau đó đóng cửa chùa về nhà với vợ con! Tuy thế cũng có một số các thầy nhân cơ hội này để tu tập nghiêm túc, và một số các thầy khác cũng được chuyển hóa để tiến tu. Nhờ thế Phật Giáo tại Hoa Lục dần dần hồi phục. Đây là sự mầu nhiệm của Phật Pháp.

Tôi du học Ấn Độ năm 1974. Đêm đầu tiên tại New Delhi tôi không thể nào ngủ được vì bầu trời yên lặng quá. Đêm đen như mực và sâu hun hút với cái yên lặng mênh mông, khác những đêm Việt Nam với những âm thanh xé trời ngày đêm của máy bay phản lực, tiếng ì ầm của đại bác hay bom rơi. Những âm thanh này đã thành hòa âm ru ngủ và tôi không biết đã nghe quen nó tự bao giờ. Những vì sao càng về khuya càng sáng rực, cả bầu trời chi chít những vì sao đã đưa tôi vào giấc ngủ thật yên bình. Sáng hôm sau thức giấc, nghe tiếng người xôn xao với những thổ âm xa lạ, cứ ngỡ như mình đang trong mộng! Đến 1975 sau khi Sài Gòn sập thì mất liên lạc với trong nước. Bẳng đi một thời gian dài không liên lạc được. Phần vì liên hệ khó khăn, phần vì cuộc sống của tôi tại nước ngoài chưa ổn định. Phải bương chải đề sống và tiếp tục học. Mãi đến năm 1988 tôi mới về thăm được. Gặp Thầy tại Phổ Đà, vẫn nụ cười hiền hòa như xưa, vẫn an lạc trong cái nghèo chung của đất nước: “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, quân tử ăn chẳng cầu no..” Trong giai đoạn này Thầy đã xin đất canh tác. Chúng tăng phải làm rẫy để tự túc về thực phẩm. Các huynh đệ kéo nhau lên rẫy, có khi đi bộ cả ngày mới đến nơi. Các chú lớn như chú Bích lo việc cày cấy, còn các chú nhỏ như điệu Hạnh vừa học vừa lo cơm nước. Trong cảnh sống thanh đạm theo chủ trương Nông Thiền của tổ Bách Trượng: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”(Một ngày không làm, một ngày không ăn). Thời khóa áp dụng hằng ngày là: Sáng cày tối học. Mọi người đều vui trong sinh hoạt mới đó. Nhờ thế chùa chiền được duy trì, chúng tăng được tiếp tục tu học. Hôm đó người em rễ chở tôi lên thăm Thầy. Thầy hỏi em làm việc gì? Em trả lời là giáo chức. thầy bảo: “Giáo chức là dứt cháo!” mọi người cùng cười.

Nhân Thầy vui, tôi đùa: “Ở bên ngoài nghe thiên hạ đồn cọng sản dữ lắm, Thầy có sợ không?”Thầy bảo: “Ngày xưa ma quỷ dữ dằn biết mấy nhưng đều được Phật độ cho hết, bây giờ cọng sản có chi mô mà sợ!”Câu nói của Thầy làm tôi an tâm, hiểu được thế nào là vô úy, thế nào là đại nguyện, thế nào là đại hùng đại lực đại từ bi. Ở nơi Thầy Giáo Thọ cùng chư Tăng đang sống trong nước tôi thấy sự thị hiện của đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, đồng cam cộng khổ với đất nước, dân tộc: “Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ Đề” (Nếu chúng sanh chưa hết khổ thì không chứng quả Bồ Đề).

Sau đó công việc liên lạc dễ dàng hơn. Mỗi lần về Đà Nẵng tôi đều cư ngụ ở Phổ Đà. Lúc này chính sách nhà nước thông thoáng hơn trước nhiều, không phải khai báo rắc rối. Hơn nữa ở Đà Nẵng cũng tương đối dễ dãi hơn những vùng quê như Tam Kỳ, Hội An... nên tôi về thăm thường hơn.

Chùa công phu rất sớm, từ 4 giờ sáng đã thỉnh chuông Đại Hồng. Thanh âm trầm hùng u tịch của chuông đã đưa tôi trở lại những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu. Tiếng chuông đã đưa tôi vào chùa, tiếng chuông đã giúp tôi tỉnh tâm trong bom nổ đạn bay. Đã mười mấy năm sống tại hải ngoại tôi không còn được nghe chuông, nếu có nghe chỉ nghe trong giấc ngủ. Tỉnh dậy bàng hoàng và nghĩ rằng không bao giờ còn cơ hội để nghe lại âm thanh hùng tráng đó nữa. Bây giờ nghe chuông mà cứ tưởng như đang mơ, tâm tư ngân nga tan loảng theo từng hồi chuông sớm. Nước mắt cứ tuôn tràn niềm vui của ‘cùng tử’ đứa con lạc loài trong Kinh Pháp Hoa, đã tìm thấy lại những gì thân yêu nhất mà tưởng như đã vĩnh viễn không còn. Tôi khẻ ngâm hai câu thơ của Trương Kế trong bài Phong Kiều Dạ Bạc:

“Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.

(Chùa Hàn Sơn ngoài thành Cô Tô,

Nửa đêm chuông vọng đến khách thuyền).

Thế rồi nghe tin Thầy bị tai biến mạch máu não khiến Thầy phải ngồi xe lăn. Bôn ba suốt đời, có lẽ bây giờ Thầy mới được an nghỉ. Tuy thân thể bịnh hoạn nhưng Thầy vẫn ưu tư cho chuyện tồn vong của chùa. Một hôm Thầy hỏi ý kiến tôi về việc trùng tu Chùa Phồ Đà vì Chùa đã xuống cấp quá nhiều. Tôi bèn làm quân sư hiến kế cho Thầy. Tôi thưa “mấy chú hồi xưa ở Phổ Đà bây giờ qua Mỹ thành “sư đại gia” hết cả rồi. Mỗi vị cúng cho Chùa vài trăm triệu thì có đến chục chùa Thầy trùng tu cũng xong. Bây giờ xin Thầy thảo một lá thư kêu gọi và nhớ mướn một người để đếm bạc”. Thầy cười. Sau đó Thầy viết thư gởi đi và với sự chăm lo miệt mài cùng kiến thức vững chải về kiến trúc truyền thống của thầy Từ Tánh, Chùa đã khởi công trùng tu cho đến hoàn mãn.

Lối kiến trúc ba tầng mái của Phổ Đà là lối kiến trúc độc đáo xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam mà chúng tôi mệnh danh là kiểu kiến trúc “không giống ai!” Đây là sáng kiến của thầy Từ Tánh. Thầy leo lên nóc chùa điều khiển thợ xây cất, không làm theo bản vẽ mà làm theo “bản chỉ” (chỉ đâu làm đó). Sau này kiểu thức này là khuôn mẫu cho các chùa trong vùng.

Suốt thời gian bị bệnh cho đến ngày viên tịch Thầy vẫn tiếp tục điều hành Trường Trung Cấp Phật Học. Trong gian đoạn bao cấp khó khăn, Trường vẫn tiếp tục đào tạo nhân sự cho Phật Giáo Đà Nẵng. Nhờ thế ngày nay các khuôn hội tại Đà Nẵng đều có trụ trì. Về vấn đề chăm sóc Thầy Giáo Thọ trong thời gian bịnh, mọi người đều tán thán công đức của thầy Như Lệ đã phát đại hiếu tâm, hành Bồ Tát đạo, khó khăn không quản, dơ bẩn không nài một lòng phụng dưỡng Thầy cho đến giờ phút cuối.

Trong những năm tha hương, hình ảnh của quý ôn Phổ Thiên, ôn Trí Thủ, thầy Từ Mẫn là những điểm tựa tinh thần vững chắc, những ngọn đuốc soi đường cho tôi trong việc duy trì đạo tâm và tiến tu đạo nghiệp. Sau biến cố 1975, tôi cứ tưởng rằng không bao giờ còn có cơ hội thăm viếng chùa xưa, thỉnh an các ngài, cứ tưởng rằng Phật Giáo Việt Nam sẽ không còn tồn tại nữa dưới chính thể cọng sản. Trong những lúc khó khăn, trong những ngày tháng sống trong tu viện của ngoại đạo, tôi đã khẩn thiết cầu nguyện các ngài gia hộ cho tôi tiếp tục con đường của các ngài đã đi, tiếp tục mang ánh sáng giác ngộ giải thoát của đức Phật soi chiếu vào những nơi chứa đầy những tham vọng, hận thù và cuồng tín. Hình ảnh hy sinh của các ngài đã giúp tôi giữ vững được Bồ Đề Tâm, tiếp tục lo việc tu học và Phật sự tại hải ngoại. Bây giờ về thăm được thấy Phật Giáo trong nước không những không bị tiêu diệt mà còn phát triển hơn xưa. Trước 1975 cả miền Nam chỉ có chừng 5 đến 6 Phật Học Viện, bây giờ cả nước có hàng mấy chục Trường Phật Học. Ngày xưa có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến việc xây cất những ngôi chùa như Bái Đính, Đại Nam, Trúc Lâm, Bãi Bụt…

Nhìn lại đoạn đường lịch sử đầy gian nan, biến động như thế, ôn lại cuộc sống của Thầy Giáo Thọ để thấy công đức cao dày của các ngài. Các ngài Minh Chiếu, Từ Mẫn là linh hồn của công cuộc canh tân Phật Giáo Đà Nẵng. Các ngài đã thổi ngọn gió mới vào Phật Giáo địa phương, đưa sinh khí vào các hoạt động Phật sự. Từ phong cách thiền môn với truyền thống xa rời thế tục đã chuyển sang một Phật Giáo nhập thế sinh động đi vào cuộc đời. Sự tu tập không chỉ ở sau những tường vôi thâm nghiêm của sơn môn, nhưng đã lan tỏa vào xã hội tạo nên một sức mạnh tâm linh nền tảng cho hạnh phúc cá nhân cũng như sự duy trì bản sắc dân tộc của đất nước trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Các thế hệ học tăng từ những năm 1960 đến 1975 đều do các ngài Trí Hữu, Từ Mẫn, Minh Chiếu.. đào tạo. Các vị tốt nghiệp tại Phổ Đà đa số trở thành những lãnh đạo nòng cốt tại Đà Nẵng, ngoài ra cũng có một số quý thầy chăm lo Phật sự tại các địa phương khác cũng như hải ngoại. Sau 1975, ngài Từ Mẫn đơn phương tiếp tục công việc trồng người. Ngày nay, Phật Giáo Đà Nẵng có được diện mạo như thế này là nhờ công đức trồng người của các ngài.

Suốt đời tận tụy cho chí hướng “truyền đăng tục diệm” (trao đèn tiếp lửa) của các ngài là những đóng góp to lớn cho sự phục hưng của đạo pháp và dân tộc.

Tưởng niệm Thầy Giáo Thọ cũng để tưởng niệm bao thế hệ tôn sư Việt Nam đã hy sinh suốt cuộc đời cho sự nghiệp gieo trồng hạt giống giải thoát cho đất nước và con người. Sự nghiệp cao thượng của các ngài là những tấm gương sáng cho hậu thế. Các ngài xứng đáng là những bậc thầy lớn trong lịch sử hiện đại của Phật Giáo Việt Nam.

Thích Trí Hoằng

Hoa Kỳ, Mùa Tạ Ơn 2013

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/01/2014(Xem: 9970)
Hòa thượng thế danh Lương Thế Ân, sinh vào giờ Tuất, ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670) nhằm vào năm Khang Hy thứ 8 triều nhà Thanh tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Thân phụ Ngài là cụ ông húy Lương thụy Đôn Hậu, thân mẫu tộc Trần thụy Thục Thận. Ngài là người con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em, anh trai là Lương Thế Bảo, em trai là Lương Thế Định.
28/01/2014(Xem: 13305)
NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT CÁO PHÓ Gia đình Tang Quyến Chúng Con, Chúng Tôi vô cùng thương tiếc báo tin đến Chư Tôn Đức cùng Quý Thân Bằng Quyến Thuộc, Bạn Hữu gần xa, Chồng, Cha, Ông chúng con, chúng tôi là: Cụ Ông NGUYỄN NGỰ Pháp danh: NGUYÊN BỬU Sinh năm: Quý Dậu (1933) tại Cố Đô Huế Mãn phần lúc 11 giờ tối ngày 27 tháng Chạp năm Quý Tỵ (Nhằm ngày 27-01-2014) tại Sài Gòn, Việt Nam Chương trình Tang Lễ: - Lễ Nhập Liệm lúc 7am ngày 29-01-2014 tại Sàigòn - Lễ Thọ Tang lúc 7pm (29-1-2014) tại Tu Viện Quảng Đức, Úc Châu - Lễ Di Quan từ Sàigòn về Huế: 6am ngày mùng 2 Tết Giáp Ngọ (01-02-2014) - Lễ Động Quan và đưa đi an táng tại Huế lúc 6am ngày mùng 6 Tết Giáp Ngọ (05-02-2014) Chúng con đề đầu đảnh lễ và cúi xin Tôn Đức Tăng Ni cùng Quý Phật tử thân hữu gia tâm niệm Phật để giúp trợ niệm cho Thân Phụ chúng con sớm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Quốc.
21/01/2014(Xem: 16126)
Từ Úc Quốc xa xôi, thay mặt toàn thể Tăng Tín đồ Phật Tử Tu Viện Quảng Đức, một nơi mà chính Trưởng Lão HT Thích Phước Thành đã về chứng minh lễ Khánh Thành năm 2003, Chúng con thành kính ngưỡng vọng về Thiên Phước Tổ Đình, Quy Nhơn, Bình Định, nhất tâm đảnh lễ Giác linh Hòa Thượng, Nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc, thượng phẩm thượng sanh, hồi nhập ta bà, phân thân hóa độ, lợi lạc quần sanh. Kính nguyện Giác linh Hòa Thượng thùy từ chứng giám. Thành kính chia buồn đến HT Thích Nguyên Phước cùng chư Tôn Đức & Môn Đồ Pháp Quyến trước sự mất mát lớn lao này.
31/12/2013(Xem: 19769)
Vở Cải Lương: Chuyện Tình Liên Hoa Hòa Thượng Tác giả: HT Thích Như Điển Chuyển thể cải lương: Soạn giả Dương Kinh Thành Chủ trương và thực hiện: Nghệ sĩ Út Bạch Lan và Nghệ sĩ Tô Châu Thành phần diễn viên gồm những nam nữ nghệ sĩ gạo cội tiếng tăm trong nước như:Nghệ sĩ (NS) Út Bạch Lan, NS Thoại Mỹ, NS Tô Châu, NS Phượng Loan, , NS Điền Trung, NS Quốc Kiệt, NS Hồng Lan, NS Chí Cường, NS Thanh Sử, NS Trần Kim Lợi, NS Hữu Tài, NS Hồng Sáp, NS Hoàng Phúc, NS Hoàng Quân, NS Hoàng Điệp và những vai phụ khác.
15/12/2013(Xem: 8852)
Tổ thường hay nói trong những ngày trước khi viên tịch: “Ta ra đời nhằm ngày Đản Sinh của đức Từ Phụ thì sau ta cũng chọn ngày ấy mà viên tịch”. Ngày mồng 8 năm Quý Mão (1963), Ngài không thấy trang hoàng cờ phướn để đón mừng Phật Đản như mọi khi và khi biết Giáo Hội chủ trương dời ngày lễ Phật Đản vào đúng ngày rằm, Tổ nói: “Rứa thì ta cũng đợi đến ngày rằm...”.
15/12/2013(Xem: 17881)
Trang nhà Quảng Đức vừa nhận được tin buồn: Thầy Đặng Ngọc Chúc, pháp danh: Tịnh Minh, sinh năm 1947 tại Phù Cát, Bình Định, vừa mãn phần lúc 9 giờ tối ngày 12/11/ Kỷ Tỵ (14-12-2013), hưởng thọ: 67 tuổi. Lễ Nhập Liệm lúc 2 giờ chiều ngày chủ nhật 15/12/2013 (13-11-AL); Lễ Động Quan lúc 6 giờ sáng ngày thứ tư 18-12-2013 (16-11-Al) tại Sài gòn, Việt Nam. Liên lạc vói tang quyến: [email protected]
06/12/2013(Xem: 10280)
Người làm vườn chậm rãi quét lá. Cuối đông, những cây phong - lá đổi mầu từ xanh tươi sang đỏ, vàng - đang rụng những chiếc cuối. Thời gian không âm thanh, không hình tướng mà lại hiện hữu rõ rệt ở mọi nơi, mọi vật qua những đổi thay, luân chuyển của đất trời. Hoa ấy rực rỡ đầu hè, đã úa tàn cuối thu; mầm ấy trồi xanh tháng lạnh, cành lá đã xum xê khi nắng ấm; quỳnh nẩy nụ ngày xuân, đêm trăng rằm tháng hạ đã chợt ngạt ngào hương sắc…….
06/12/2013(Xem: 13061)
Trong lịch sử Thiền Tông Việt Nam, vị thiền sư ni đầu tiên, người trưởng lão ni tuyệt vời, còn lưu lại bài kệ thị tịch, những lời nói sau cùng, những lời nhắn bảo cuối cùng, những lời nói thật, gây chấn động mãnh liệt nơi nội tâm, thức tỉnh chúng ta trên dòng sinh tử, để lại dấu ấn đậm sâu, thắm đượm mãi trong lòng người đến tận hôm nay và mai sau. Ni Sư Diệu Nhân, và cũng là vị nữ sĩ ban đầu trong nền Văn Học Việt Nam
01/12/2013(Xem: 7972)
Hòa thượng pháp danh Thị An, pháp tự Hành Trụ, pháp hiệu Phước Bình, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh (1) đời thứ 42. Ngài thế danh là Lê An, sinh năm 1904 trong một gia đình trung nông tại làng Phương Lưu, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Thân phụ là cụ Lê Uyển, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Sử. Ông bà có bốn người con, cả ba người con trai đều xuất gia đầu Phật. Ngày xuất gia năm 12 tuổi ở chùa làng. Ðến năm 19 tuổi, được Hòa thượng Giải Tường chùa Phước Sơn thế độ làm đệ tử và học tại đây. Năm 22 tuổi Ngài thọ Cụ Túc giới và giữ chức thư ký trong chùa.
27/11/2013(Xem: 10530)
Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm thế danh là Phan Diệp, sinh ngày 9 tháng Giêng năm Tân Hợi (1911) tại Thôn Chánh Lộc, Xã Xuân Lộc, Huyện Đồng Xuân, (thuộc Huyện Sông Cầu ngày nay), Tỉnh Phú Yên. Thân phụ là Cụ Ông Phan Châm. Thân mẫu là Cụ Bà Nguyễn thị Tham. Ngài là người con thứ hai trong gia đình có năm anh chị em. Gia đình Ngài là một gia đình có truyền thống nhiều đời uy tín Tam Bảo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]