Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 510: Phẩm Hiện Thế Gian

21/07/201514:25(Xem: 13007)
Quyển 510: Phẩm Hiện Thế Gian

Tập 10

Quyển 510

Phẩm Hiện Thế Gian
Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí


 

 

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Như có người mẹ sanh và nuôi nấng các con, hoặc năm, hoặc mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, hoặc trăm, hoặc ngàn. Người mẹ ấy bị bệnh, mỗi người con ân cần tìm cách chữa trị, họ đều nghĩ: Làm sao để mẹ ta khỏi bệnh, sống lâu, an vui, thân không khổ cực, tâm chẳng lo buồn.

Bấy giờ các con tranh nhau tìm phương cách chữa trị, tìm những món quà đem lại niềm an vui và chăm sóc mẹ, chẳng để rắn rít, muỗi nhặng, bò cạp, gió, nóng, đói khát v.v… quấy nhiễu thân mẹ. Lại đem nhiều thứ món ngon vật lạ cung kính, phụng dưỡng, và nói thế này: “Mẹ ta rất từ bi, sanh con và nuôi nấng, chỉ dạy các sự nghiệp thế gian, lẽ nào chúng ta không đền đáp thâm ân đó ư?”

Thiện Hiện! Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng như vậy, thường dùng Phật nhãn hay các loại phương tiện quán sát và hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể sanh ra tất cả Phật pháp của chúng ta, có thể chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. Tất cả Như Lai hiện đang thuyết pháp mười phương thế giới cũng thường dùng Phật nhãn quán sát và hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể sanh ra tất cả công đức của Như Lai, có thể chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. Do đó nên chư Phật của chúng ta thường dùng Phật nhãn quán sát và hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, để đền đáp công ơn đó nên không được rời bỏ. Vì sao? Vì tịnh lự cho đến bố thí Ba-la-mật-đa, rộng nói cho đến trí nhất thiết tướng của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này mà được phát sanh. Những quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề cũng do Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu mà được phát sanh. Những hạnh của Đại Bồ-tát, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này mà được sanh. Tất cả quả Dự lưu cho đến chư Phật đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này mà được có. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã, đang, sẽ chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Do nhân duyên này nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có ân đức lớn đối với các Như Lai. Vì vậy, chư Phật thường dùng Phật nhãn và các phương tiện để quán sát và hộ niệm.

Thiện Hiện nên biết! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào có thể lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, thì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thường dùng Phật nhãn quán sát và hộ niệm, khiến thân tâm họ luôn được an lạc, và sự tu tập thiện nghiệp không bị trở ngại.

Thiện Hiện nên biết! Các thiện nam, thiện nữ v.v… có thể lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy vì người thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong mười phương thế giới đều cùng hộ niệm thì đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không bị thối lui.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

- Như lời Thế Tôn dạy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể sanh ra chư Phật, có thể chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể sanh ra chư Phật, có thể chỉ bày thật tướng các pháp thế gian? Thế nào là chư Phật từ Bát-nhã mà sanh ra? Vì sao Như Lai nói về tướng của thế gian?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể sanh ra mười lực, rộng nói cho đến trí nhất thiết tướng của chư Phật. Công đức vô lượng, vô biên này đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sanh ra và tăng trưởng. Do chứng được những Phật pháp như thế nên gọi là Phật. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể sanh ra công đức của chư Phật như thế, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể sanh ra chư Phật, hay chư Phật từ đó mà sanh ra.

Thiện Hiện nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể chỉ bày thật tướng các pháp thế gian, nghĩa là có thể chỉ bày thật tướng năm uẩn thế gian. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng nói về thật tướng năm uẩn thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Vì sao Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu đều nói rõ chỉ bày thật tướng năm uẩn thế gian?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu đều chẳng nói, chẳng chỉ bày năm uẩn: sắc v.v... có thành, có hoại, có sanh, có diệt, có nhiễm, có tịnh, có tăng, có giảm, có vào, có ra, có quá khứ, có vị lai, có hiện tại, có thiện, có bất thiện, có vô ký, có thuộc về cõi Dục, có thuộc về cõi Sắc, có thuộc về cõi Vô sắc. Vì sao? Vì chẳng phải pháp không, vô tướng, vô nguyện có thành, có hoại, có sanh, có diệt v.v... chẳng phải pháp không tạo tác, không sanh, không diệt, không tánh, có thành, có hoại, có sanh diệt v.v... Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này đều giảng giải và chỉ bày thật tướng của năm uẩn, mà tướng của năm uẩn đó chính là thế gian. Vì vậy, thế gian cũng không có tướng thành, hoại, sanh, diệt

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể chứng biết vô lượng, vô số, vô biên tâm hành khác nhau của hữu tình. Nhưng trong nghĩa của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này hoàn toàn không có hữu tình, không có hữu tình để kiến lập và nắm bắt. Hoàn toàn không có sắc, cũng không có sắc để kiến lập và nắm bắt; hoàn toàn không có thọ, tưởng, hành, thức, cũng không có thọ, tưởng, hành, thức để kiến lập và nắm bắt. Nói rộng cho đến hoàn toàn không có trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; cũng không trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng để kiến lập và nắm bắt. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này đều thuyết và chỉ bày tướng của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu chẳng chỉ bày ra sắc, rộng nói cho đến trí nhất thiết tướng. Vì sao? Vì trong ý nghĩa sâu xa của đại Bát-nhã ba-la-mật-đa này, Bát-nhã ba-la-mật-đa không có sở hữu và hoàn toàn bất khả đắc, huống gì có các sắc, rộng nói cho đến trí nhất thiết tướng có thể đắc, đáng được trình bày.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả hữu tình thiết lập ngôn ngữ hoặc có sắc, hoặc vô sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc phi hữu tưởng, hoặc phi vô tưởng, hoặc thế giới này, hoặc tất cả thế giới khác trong mười phương, các hữu tình này hoặc tâm tập trung, hoặc tâm phân tán. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nhờ nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nên hiểu biết đúng đắn.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nên biết rõ như thật tâm các loài hữu tình kia tập trung hay phân tán?

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, do pháp tánh nên biết như thật tâm các loài hữu tình kia tập trung hay phân tán.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu do pháp tánh, nên biết đúng như thật tâm các loài hữu tình kia tập trung hay phân tán?

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu biết rõ trong pháp tánh, pháp tánh còn không có sở hữu, hoàn toàn bất khả đắc, huống gì có tâm tập trung hay phân tán của các hữu tình có thể đắc ư. Như vậy, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, do pháp tánh, nên biết như thật tâm các loài hữu tình kia tập trung hay phân tán.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu do chấm dứt, xa lìa sự ô nhiễm, do đoạn diệt, do tịch tĩnh, do viễn ly nên biết rõ tâm các loài hữu tình kia tập trung hay phân tán.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu do chấm dứt, xa lìa sự ô nhiễm, do đoạn diệt, do tịch tĩnh, do viễn ly nên biết rõ tâm các loài hữu tình kia tập trung hay phân tán?

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như thật biết rõ tánh trong sự chấm dứt, sự xa lìa ô nhiễm, sự đoạn diệt, sự tịch tĩnh, sự viễn ly v.v… còn không có sở hữu, bất khả đắc; huống chi lại có tâm hữu tình tập trung hay phân tán mà có thể đắc ư. Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu do chấm dứt, xa lìa sự ô nhiễm, do đoạn diệt, do tịch tĩnh, do viễn ly nên biết như thật tâm các loài hữu tình kia tập trung hay phân tán.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nên biết rõ các loài hữu tình kia có tâm tham hay lìa tham, có tâm sân hay lìa sân, có tâm si hay lìa si.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu biết rõ như thật các loài hữu tình kia có tâm tham hay lìa tham, có tâm sân hay lìa sân, có tâm si hay lìa si?

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu biết rõ như thật các loài hữu tình kia có tâm tham, sân, si, nhưng thật tánh chẳng có tâm tham, sân, si, cũng chẳng có tâm lìa tham, sân, si. Vì sao? Vì trong tánh như thật ấy, tâm và tâm sở pháp còn không có sở hữu và hoàn toàn bất khả đắc; huống chi có tâm tham, sân, si, và tâm lìa tham, sân, si để có thể đắc ư. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nên biết rõ như thật các loài hữu tình kia lìa tâm tham, sân, si, nhưng thật tánh không có tâm lìa tham, sân, si, và chẳng có tâm tham, sân, si. Vì sao? Vì trong tánh như thật, tâm và tâm sở pháp còn không có sở hữu và hoàn toàn bất khả đắc; huống chi có tâm lìa tham, sân, si, và tâm tham, sân, si để có thể đắc ư? Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu biết rõ như thật các loài hữu tình kia có tâm tham hay lìa tham, có tâm sân hay lìa sân, có tâm si hay lìa si.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật các loài hữu tình kia có tâm tham, sân, si, hoặc chẳng tham, sân, si, hoặc chẳng xa lìa tâm tham, sân, si. Vì sao? Vì hai tâm này chẳng hòa hợp. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật các loài hữu tình kia lìa tâm tham, sân, si, hoặc chẳng xa lìa tâm tham, sân, si, hoặc chẳng có tâm tham, sân, si. Vì sao? Vì hai tâm này chẳng hòa hợp. Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật các loài hữu tình kia có tâm tham hay lìa tham, có tâm sân hay lìa sân, có tâm si hay lìa si.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm rộng rãi của các loài hữu tình kia.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm rộng rãi của các loài hữu tình kia?

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm rộng rãi của các loài hữu tình kia, chẳng rộng, chẳng hẹp, không tăng, không giảm, chẳng đến, chẳng đi. Vì sao? Vì tự tánh của tâm rốt ráo xa lìa, hoàn toàn vô sở hữu và bất khả đắc thì cái gì rộng, hẹp, tăng, giảm, đến, đi. Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm rộng rãi của các loài hữu tình kia.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm quảng đại của các loài hữu tình kia.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm quảng đại của các loài hữu tình kia?

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm quảng đại của các loài hữu tình kia chẳng lớn, chẳng nhỏ, chẳng đến, chẳng đi, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng trụ, chẳng biến, chẳng nhiễm, chẳng tịnh. Vì sao? Vì tự tánh của tâm rốt ráo xa lìa, hoàn toàn vô sở hữu và bất khả đắc, vậy thì cái gì lớn, nhỏ, đến, đi, sanh, diệt, trụ, biến, nhiễm, tịnh. Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm quảng đại của các loài hữu tình kia.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm vô lượng của các loài hữu tình kia.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm vô lượng của các loài hữu tình kia?

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm vô lượng của các loài hữu tình kia chẳng có lượng, chẳng vô lượng, chẳng trụ, chẳng không trụ, chẳng đi, chẳng không đi. Vì sao? Vì tự tánh của tâm rốt ráo xa lìa, không còn lậu hoặc, không nương tựa; như thế sao có thể nói có lượng hay vô lượng, có trụ hay không trụ, có đi hay không đi. Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm vô lượng của các loài hữu tình kia.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm không kiến chấp, không ngăn ngại của các loài hữu tình kia.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm không kiến chấp, không ngăn ngại của các loài hữu tình kia?

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm không kiến chấp, không ngăn ngại của các loài hữu tình kia đều không có tướng tâm. Vì sao? Vì tự tướng của tất cả tâm là Không. Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm không kiến chấp, không ngăn ngại của các loài hữu tình kia.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm vô sắc không thể thấy của các loài hữu tình kia.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm vô sắc không thể thấy của các loài hữu tình kia?

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm vô sắc không thể thấy của các loài hữu tình kia, năm loại mắt chư Phật đều không thể thấy được. Vì sao? Vì tự tánh của tất cả tâm đều là Không. Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm vô sắc không thể thấy của các loài hữu tình kia.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm và tâm sở pháp của các loài hữu tình kia hoặc xuất hiện, hoặc mất đi, hoặc co, hoặc duỗi.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm và tâm sở pháp của các loài hữu tình kia hoặc xuất hiện, hoặc mất đi, hoặc co, hoặc duỗi?

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm và tâm sở pháp của các loài hữu tình kia xuất hiện, mất đi, co, duỗi là dựa vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà sanh. Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm và tâm sở pháp của các loài hữu tình kia hoặc xuất hiện, hoặc mất đi, hoặc co, hoặc duỗi. Nghĩa là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm và tâm sở pháp của các loài hữu tình kia xuất hiện, mất đi, co, duỗi đều dựa vào sắc cho đến thức, chấp ngã và thế gian hoặc thường, hoặc vô thường, hoặc cũng thường, cũng vô thường, hoặc chẳng thường, chẳng vô thường, đây là chắc thật, ngoài ra đều là ngu dối. Nương vào sắc cho đến thức chấp ngã và thế gian hoặc hữu biên, hoặc vô biên, hoặc cũng hữu biên cũng vô biên, hoặc chẳng hữu biên chẳng vô biên, đây là chắc thật, ngoài ra đều là ngu dối. Nương vào sắc cho đến thức chấp Như Lai nhập diệt rồi hoặc có hoặc chẳng có, hoặc cũng có cũng chẳng có, hoặc chẳng có chẳng chẳng có, đây là chắc thật, ngoài ra đều là ngu dối. Nương vào sắc cho đến thức chấp mạng, hoặc chính thân mình hoặc thân người khác, đây là chắc thật, ngoài ra đều là ngu dối. Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, biết rõ như thật tâm và tâm sở pháp của các loài hữu tình kia hoặc xuất hiện, hoặc mất đi, hoặc co, hoặc duỗi.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nên biết rõ như thật sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nên biết rõ như thật sắc, thọ, tưởng, hành, thức?

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nên biết rõ như thật sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều giống chơn như, không biến đổi, không phân biệt, không tướng trạng, không cảnh giác, không hý luận, không sở đắc. Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nên biết rõ như thật sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đồng thời cũng như thật biết tâm và tâm sở pháp của các loài hữu tình kia xuất hiện, mất đi, co, duỗi, đều giống chơn như, không biến đổi, không phân biệt, không tướng trạng, không cảnh giác, không hý luận, không sở đắc.

Thiện Hiện nên biết! Chơn như của tâm và tâm sở pháp của các loài hữu tình hiện, mất, co, duỗi tức là chơn như của năm uẩn. Chơn như của năm uẩn tức là chơn như mười hai xứ. Chơn như mười hai xứ tức là chơn như của mười tám giới. Chơn như của mười tám giới tức là chơn như của tất cả pháp. Chơn như của tất cả pháp tức là chơn như của sáu pháp Ba-la-mật-đa. Chơn như của sáu pháp Ba-la-mật-đa tức là chơn như của ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần. Chơn như của ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần tức là chơn như của mười sáu Không. Chơn như của mười sáu Không tức là chơn như của tám giải thoát. Chơn như của tám giải thoát tức là chơn như của chín định thứ đệ. Chơn như của chín định thứ đệ tức là chơn như của ba môn giải thoát. Chơn như của ba môn giải thoát tức là chơn như của mười lực Như Lai. Chơn như của mười lực Như Lai tức là chơn như của bốn điều không sợ. Chơn như của bốn điều không sợ tức là chơn như của bốn sự hiểu biết thông suốt. Chơn như của bốn sự hiểu biết thông suốt tức là chơn như của đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Chơn như của đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả tức là chơn như của mười tám pháp Phật bất cộng. Chơn như của mười tám pháp Phật bất cộng tức là chơn như của trí nhất thiết. Chơn như của trí nhất thiết tức là chơn như của trí đạo tướng. Chơn như của trí đạo tướng tức là chơn như của trí nhất thiết tướng. Chơn như của trí nhất thiết tướng tức là chơn như của pháp thiện, bất thiện, vô ký. Chơn như của pháp thiện, bất thiện, vô ký tức là chơn như của pháp thế gian và xuất thế gian. Chơn như của pháp thế gian và xuất thế gian tức là chơn như của pháp hữu lậu và vô lậu. Chơn như của pháp hữu lậu và vô lậu tức là chơn như của pháp có tội, vô tội. Chơn như của pháp có tội, vô tội tức là chơn như của pháp tạp nhiễm, thanh tịnh. Chơn như của pháp tạp nhiễm, thanh tịnh tức là chơn như của pháp hữu vi, vô vi. Chơn như của pháp hữu vi, vô vi tức là chơn như của ba đời. Chơn như của ba đời tức là chơn như của ba cõi. Chơn như của ba cõi tức là chơn như của quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán. Chơn như của quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán tức là chơn như của Độc giác Bồ-đề. Chơn như của Độc giác Bồ-đề tức là chơn như của tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Chơn như của tất cả hạnh Đại Bồ-tát tức là chơn như của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Chơn như của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật tức là chơn như của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Chơn như của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tức là chơn như của tất cả hữu tình.

Thiện Hiện nên biết! Chơn như của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hoặc chơn như của tất cả hữu tình, hoặc chơn như của tất cả pháp đều chẳng lìa nhau. Vì chẳng lìa nhau nên vô tận không hai, không thể phân biệt.

Thiện Hiện nên biết! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, chứng được chơn như rốt ráo của tất cả pháp mới đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Do đó nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể sanh ra chư Phật, là mẹ chư Phật và có thể chỉ rõ thật tướng thế gian cho chư Phật.

Thiện Hiện nên biết! Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, có thể như thật giác ngộ chơn như của các pháp tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác. Do như thật giác ngộ tướng của chơn như nên gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu đã chứng chơn như thật tướng các pháp rất là thậm thâm, khó thấy khó hiểu. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều dùng thật tướng chơn như các pháp để chỉ rõ, phân biệt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Chơn như này thậm thâm vi diệu, ai mới có thể tin hiểu? Chỉ có Đại Bồ-tát ở ngôi vị Bất thối và bậc A-la-hán đầy đủ chánh kiến, hết lậu hoặc, nghe đức Phật thuyết về chơn như thâm sâu này mới có thể tin hiểu được. Vì họ mà Như Lai dựa vào tướng chơn như mà chính Ngài đã chứng được để phân biệt và chỉ bày?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Vì sao? Vì chơn như vô tận nên rất thâm sâu. Chỉ có Như Lai mới hiện chơn như vô tận của Đẳng Chánh Giác.

- Bạch Thế Tôn! Do đâu Phật chứng được chơn như vô tận?

- Thiện Hiện! Do chơn như Phật có thể chứng được chơn như vô tận này.

- Bạch Thế Tôn! Như Lai chứng được chơn như vô tận nào?

- Thiện Hiện! Như Lai chứng được chơn như vô tận của tất cả pháp.

- Bạch Thế Tôn! Chơn như các pháp do đâu vô tận?

- Thiện Hiện! Do tất cả pháp đều vô tận nên tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chứng đắc chơn như vô tận của tất cả pháp, đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vì các hữu tình hiển bày, phân biệt tướng chơn như của tất cả pháp. Do đó nên gọi là người thuyết như thật.

Lúc bấy giờ, các Thiên tử Dục giới, Sắc giới trong ba ngàn đại thiên thế giới đều đem các thứ hương hoa vi diệu của cõi trời, từ xa rải đến cúng dường Thế Tôn, đi đến gặp Phật đảnh lễ sát chân Ngài, rồi lui đứng qua một bên, đồng bạch Phật:

- Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu mà Như Lai đã thuyết lấy gì làm tướng?

Phật dạy các Thiên tử:

- Thiên tử nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu lấy không, vô tướng, vô nguyện làm tướng. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu lấy hư không, không tạo tác, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tánh, không tướng, chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng một, chẳng khác, không đến, không đi làm tướng. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có vô lượng các tướng như vậy.

Thiên tử nên biết! Các tướng này tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều dựa vào thế tục mà nói, chứ không dựa vào thắng nghĩa.

Thiên tử nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu đối với những tướng như vậy, tất cả trời, người, A-tu-la v.v... trong thế gian đều không thể phá hoại. Vì sao? Vì tất cả trời, người, A-tu-la v.v... trong thế gian cũng có tướng như vậy.

Thiên tử nên biết! Các tướng không thể phá hoại các tướng. Các tướng không thể biết rõ các tướng. Các tướng không thể phá hoại vô tướng. Các tướng không thể hiểu rõ vô tướng. Vô tướng không thể phá hoại các tướng. Vô tướng không thể hiểu rõ các tướng. Vô tướng không thể phá hoại vô tướng. Vô tướng không thể hiểu rõ vô tướng. Vì sao? Vì tướng, hoặc vô tướng, hoặc tướng vô tướng đều vô sở hữu. Phá và bị pháp, biết và sự biết, người phá và người biết đều bất khả đắc.

Thiên tử nên biết! Các tướng như vậy chẳng phải do sắc tạo ra, chẳng phải do thọ, tưởng, hành, thức tạo ra. Cho đến chẳng phải do trí nhất thiết tạo ra; chẳng phải do trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng tạo ra.

Thiên tử nên biết! Các tướng như vậy chẳng phải trời tạo ra, chẳng phải không phải trời tạo ra; chẳng phải người tạo ra, chẳng phải không phải người tạo ra; chẳng phải hữu lậu, chẳng phải vô lậu, chẳng phải thế gian, chẳng phải xuất thế gian, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, không bị ràng buộc, không thể tuyên thuyết.

Thiên tử nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này xa lìa các tướng, không nên hỏi Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu lấy gì làm tướng.

Này các Thiên tử! Ý các ông thế nào? Giả sử có người hỏi: Tướng hư không thế nào? Nếu hỏi như vậy là chánh đáng không?

Các Thiên tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Không! Vì sao? Vì hư không vô thể, vô tướng, vô vi, không nên hỏi như vậy.

Phật dạy:

- Thiên tử! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu cũng lại như vậy, không nên hỏi như vậy. Tuy nhiên, các pháp tướng có Phật hay không Phật, pháp giới vốn như vậy. Đối với các tướng này, đức Phật đã như thật giác tri nên gọi Ngài là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Khi ấy, các Thiên tử lại bạch Phật:

- Như Lai giác ngộ các tướng này rất là sâu xa, khó thấy khó hiểu. Vì Như Lai đang giác ngộ các tướng này nên đối với tất cả pháp đều chuyển thành trí vô ngại. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trụ vào các tướng này mà khai thị, phân biệt Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Vì các hữu tình nhóm các pháp tướng, dùng phương tiện khai thị giúp cho họ đạt được trí vô ngại đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Bạch Thế Tôn! Thật là hi hữu! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu là pháp mà chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thường tu hành. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thường tu hành pháp này nên chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vì các hữu tình khai thị, phân biệt tất cả pháp tướng, được gọi là khai thị, phân biệt tướng của sắc, khai thị, phân biệt tướng của thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến khai thị, phân biệt tướng của trí nhất thiết, khai thị, phân biệt tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng?

Bấy giờ, Phật dạy các Thiên tử:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời các ông đã nói. Thiên tử nên biết! Như Lai giác tri như thật tướng tất cả pháp là vô tướng, đã gọi biến ngại là tướng của sắc, lãnh nạp là tướng của thọ, giữ lấy hình tượng là tướng của tưởng, tạo tác là tướng của hành, liễu biệt là tướng của thức; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Tập hợp khổ não là tướng của uẩn, cửa sanh trưởng là tướng của xứ, nhiều độc hại là tướng của giới; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Có thể ban cho là tướng bố thí, không nhiệt não là tướng tịnh giới, không tức giận là tướng an nhẫn, không gì có thể hàng phục là tướng tinh tấn, không tán loạn là tướng tịnh lự, không chấp trước là tướng Bát-nhã; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Vô sở hữu là tướng pháp nội Không v.v... , chẳng điên đảo là tướng chơn như v.v..., chẳng hư vọng là tướng bốn Thánh đế; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Không phiền não là tướng bốn tịnh lự, không giới hạn ngăn ngại là tướng bốn vô lượng, không ồn ào, hỗn tạp là tướng bốn định vô sắc; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Không trói buộc là tướng tám giải thoát, chẳng tán loạn là tướng chín định thứ đệ, có thể xa lìa là tướng ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Hay xa lìa là tướng pháp môn giải thoát không, không chấp thủ là tướng pháp môn giải thoát vô tướng, nhàm chán các khổ là tướng pháp môn giải thoát vô nguyện; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Bao gồm quả vị thanh tịnh là tướng của ba thừa mười địa, hướng đến quả Đại Giác là tướng mười địa Bồ-tát; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Hay quán chiếu là tướng năm loại mắt, không trì trệ, ngăn ngại là tướng sáu phép thần thông; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Khó khuất phục là tướng mười lực Như Lai, không khiếp sợ là tướng bốn điều không sợ, không đoạn tuyệt là tướng bốn sự hiểu biết thông suốt, đem lại lợi lạc là tướng đại từ, cứu khổ là tướng đại bi, vui mừng với các việc thiện là tướng đại hỷ, bỏ việc ồn ào, phức tạp là tướng đại xả, không gì có thể đoạt là tướng mười tám pháp Phật bất cộng; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Hay trang sức là tướng của tướng hảo, hay nhớ nghĩ là tướng của pháp không quên mất, không chấp trước là tướng của tánh luôn luôn xả; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Giữ gìn khắp là tướng tất cả pháp môn Đà-la-ni, hộ trì các thọ là tướng tất cả pháp môn Tam-ma-địa; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Thọ giáo hoàn toàn là tướng quả Thanh văn thừa, tự khai ngộ là tướng Độc giác Bồ-đề, hướng đến đại quả là tướng Bồ-tát hạnh, đủ đại dụng là tướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng. Hiện Chánh Đẳng Giác là tướng trí nhất thiết, thông đạt hoàn toàn là tướng trí đạo tướng, hiện tất cả sự giác tri khác nhau là tướng trí nhất thiết tướng; Như Lai như thật giác ngộ chúng là vô tướng.

Thiên tử nên biết! Đối với tất cả pháp tướng này, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều có thể như thật giác tri là vô tướng. Do đó, Ta nói chư Phật chứng được trí vô ngại, không ai có thể sánh bằng.

Bấy giờ, Phật dạy cụ thọ Thiện Hiện:

- Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu là mẹ chư Phật, thường chỉ rõ thật tướng các pháp thế gian. Thế nên, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dựa vào pháp mà an trụ, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, lãnh thọ và hộ trì giáo pháp mà Ngài đã chứng. Pháp ấy chính là Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không thể không dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, lãnh thọ và hộ trì. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường sanh ra chư Phật, thường làm chỗ nương tựa cho chư Phật, thường chỉ rõ thật tướng các pháp thế gian.

Thiện Hiện nên biết! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác là bậc biết ơn và thường báo ơn. Nếu có người hỏi: Ai là người biết ơn và báo ơn được? Nên thẳng thắn đáp: Phật là bậc biết ơn và báo ơn. Vì sao? Vì trong thế gian, tất cả những người biết ơn và báo ơn không ai hơn Phật.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

- Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết ơn và báo ơn như thế nào?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đi “xe” như vậy, đi trên “con đường” như vậy, để đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đạt được quả Bồ-đề rồi, trong tất cả các thời đều phải cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, lãnh thọ, hộ trì xe này, đường này, không hề tạm rời “xe” này, “đường này”. Nên biết xe ấy, đường ấy chính là Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, đó gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết ơn và báo ơn.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, đối với các pháp hữu tướng hoặc vô tướng đều giác tri một cách hoàn toàn không thật có tác dụng, vì tác giả vô sở hữu. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hoàn toàn đều dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, đối với các pháp hữu tướng hoặc vô tướng đều giác ngộ hoàn toàn không thấy có gì thành tựu. Vì các hình chất đều bất khả đắc.

Thiện Hiện nên biết! Vì chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này, có thể hiện đẳng giác đối với pháp vô tướng, hữu tướng, đều không tác dụng và không thành tựu, trong các thời thường cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, lãnh thọ và hộ trì chưa từng gián đoạn. Thế nên gọi là biết ơn và báo ơn một cách chơn thật.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hoàn toàn đều dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, đối với các pháp không tạo tác, không thành tựu và không có nhân duyên nào chuyển thành vô sanh trí. Lại thường biết được đây không có nhân duyên nào chuyển. Vì thế nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường sanh ra Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng thường chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

- Đức Như Lai thường dạy: Tất cả pháp tánh không sanh, không khởi, không thấy, không biết. Làm sao có thể nói: Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường sanh ra chư Phật và là mẹ chư Phật, cũng hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như điều ông nói. Tất cả pháp tánh không sanh, không khởi, không thấy, không biết. Vì nương vào thế tục mà nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu hay sanh ra chư Phật và là mẹ chư Phật, cũng thường chỉ rõ thật tướng thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Vì sao các pháp không sanh, không khởi, không thấy, không biết?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Vì tất cả pháp hoàn toàn không có sở hữu, không tự tại, giả tạm, chẳng bền nên tất cả pháp không sanh, không khởi không thấy, không biết.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả pháp tánh không có chỗ y chỉ, không chỗ trói buộc. Do yếu tố này nên không sanh, không khởi, không thấy, không biết.

Thiện Hiện nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, tuy sanh ra chư Phật và chỉ rõ tướng thế gian, nhưng không có chỗ sanh, cũng không có sự chỉ bày.

Thiện Hiện nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu không thấy sắc, nên gọi là chỉ rõ tướng của sắc; không thấy thọ, tưởng, hành, thức, nên gọi là chỉ bày tướng của thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến không thấy trí nhất thiết nên gọi là chỉ bày tướng của trí nhất thiết; không thấy trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng nên gọi là chỉ rõ tướng của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Thiện Hiện nên biết! Do nghĩa này nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ bày thật tướng các pháp thế gian, có thể sanh chư Phật nên gọi là mẹ chư Phật.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này chẳng thấy sắc nên gọi là chỉ bày tướng của sắc; không thấy thọ, tưởng, hành, thức, nên gọi là chỉ bày tướng của thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến không thấy trí nhất thiết nên gọi là chỉ bày tướng của trí nhất thiết; không thấy trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng nên gọi là chỉ bày tướng của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu chẳng duyên sắc mà sanh ra từ thức, đó là không thấy sắc mà gọi là chỉ bày tướng của sắc. Nói rộng cho đến vì chẳng duyên với trí nhất thiết tướng mà sanh ra từ thức, đó là không thấy trí nhất thiết tướng nên gọi là chỉ bày tướng của trí nhất thiết tướng.

Thiện Hiện nên biết! Do nghĩa này mà nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ rõ thật tướng các pháp thế gian, thường sanh ra chư Phật nên gọi là mẹ chư Phật.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường vì chư Phật mà hiện rõ cái Không của thế gian, nên gọi là mẹ chư Phật, thường chỉ rõ thật tướng thế gian cho chư Phật.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

- Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể giúp cho chư Phật biểu hiện thế gian là Không như thế nào?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường vì chư Phật hiện rõ năm uẩn thế gian là Không. Hiện rõ mười hai xứ thế gian là Không. Hiện rõ mười tám giới thế gian là Không. Hiện rõ sáu xúc thế gian là Không. Hiện rõ sáu thọ thế gian là Không. Hiện rõ sáu cõi thế gian là Không. Hiện rõ bốn duyên thế gian là Không. Hiện rõ mười hai phần duyên khởi thế gian là Không. Hiện rõ ngã kiến là cội gốc cho sáu mươi hai kiến thế gian là Không. Hiện rõ mười thiện nghiệp đạo thế gian là Không. Hiện rõ bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc thế gian là Không. Hiện rõ sáu pháp Ba-la-mật-đa thế gian là Không. Hiện rõ pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không thế gian là Không. Hiện rõ khổ, tập, diệt, đạo thế gian là Không. Hiện rõ ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần thế gian là Không. Hiện rõ tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ thế gian là Không. Hiện rõ pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện thế gian là Không. Hiện rõ Tam thừa, thập địa của thế gian là Không. Hiện rõ mười địa Bồ-tát thế gian là Không. Hiện rõ tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa thế gian là Không. Hiện rõ năm loại mắt, sáu phép thần thông thế gian là Không. Hiện rõ mười lực Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng thế gian là Không. Hiện rõ đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả thế gian là Không. Hiện rõ ba mươi hai tướng đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp thế gian là Không. Hiện rõ pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả thế gian là Không. Hiện rõ quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề thế gian là Không. Hiện rõ tất cả hạnh Đại Bồ-tát, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật thế gian là Không. Hiện rõ trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian là Không.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường vì chư Phật hiện rõ thế gian là Không, nên gọi là mẹ chư Phật, thường chỉ rõ thật tướng của thế gian cho chư Phật.

Lại nữa, Thiện Hiện! Do Bát-nhã ba-la-mật-đa thường vì thế gian hiện rõ sắc của thế gian là Không, cho đến hiện rõ trí nhất thiết tướng của thế gian là Không, nên đức Phật đã khiến cho thế gian cảm thọ được thế gian là Không, quán tưởng thế gian là Không, nghĩ về thế gian là Không, nhận biết thế gian là Không.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường vì chư Phật hiện rõ thế gian là Không, nên gọi là mẹ chư Phật, thường chỉ bày thật tướng thế gian cho chư Phật.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường vì chư Phật chỉ rõ tướng Không thế gian. Thế nào gọi là chỉ rõ tướng Không của thế gian cho chư Phật? Nghĩa là làm cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiểu được sắc thế gian là Không, cho đến hiểu được trí nhất thiết tướng của thế gian là Không.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường giúp cho chư Phật chỉ rõ tướng Không của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường giúp cho chư Phật chỉ rõ tướng bất khả tư nghì của thế gian. Thế nào gọi là thường giúp cho chư Phật chỉ rõ tướng bất khả tư nghì? Nghĩa là vì Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà chỉ bày tướng bất khả tư nghì của sắc thế gian, cho đến tướng bất khả tư nghì của trí nhất thiết tướng thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng bất khả tư nghì của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng viễn ly của thế gian. Thế nào gọi là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng viễn ly của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng viễn ly của sắc thế gian, cho đến tướng viễn ly của trí nhất thiết tướng thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng viễn ly của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vắng lặng của thế gian. Thế nào là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vắng lặng của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng vắng lặng của sắc thế gian, cho đến tướng vắng lặng của trí nhất thiết tướng thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vắng lặng của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng rốt ráo Không của thế gian. Thế nào là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng rốt ráo Không của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng rốt ráo Không của sắc thế gian, cho đến tướng rốt ráo Không của trí nhất thiết tướng thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng rốt ráo Không của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vô tánh Không của thế gian. Thế nào là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vô tánh Không của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng vô tánh Không của sắc thế gian, cho đến tướng vô tánh Không của trí nhất thiết tướng thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vô tánh Không của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng tự tánh Không của thế gian. Thế nào là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng tự tánh Không của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng tự tánh Không của sắc thế gian, cho đến tướng tự tánh Không của trí nhất thiết tướng thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng tự tánh Không của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vô tánh tự tánh Không của thế gian. Thế nào là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vô tánh tự tánh Không của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng vô tánh tự tánh Không của sắc thế gian, cho đến tướng vô tánh tự tánh Không của trí nhất thiết tướng thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vô tánh tự tánh Không của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng thuần Không của thế gian. Thế nào là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng thuần Không của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng thuần Không của sắc thế gian, cho đến tướng thuần Không của trí nhất thiết tướng thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật rõ tướng thuần Không của thế gian.

Thiện Hiện nên biết! Do nghĩa này mà Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật thật tướng thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thường chỉ cho chư Phật tướng thế gian, nghĩa là làm cho không khởi lên tư tưởng thế gian này hoặc thế gian kia. Vì sao? Vì thật sự không có pháp nào để có thể khởi lên tư tưởng thế gian này, thế gian kia.  

 

 

 

   Quyển thứ 510

Hết

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/10/2018(Xem: 9863)
Sư Bà Húy thượng NGUYÊN hạ PHÚC tự DIỆU TỪ sinh ngày 8 tháng 3 năm 1943 (Quý Mùi) tại thôn Đa Phước xã Hoà Khánh, Quận Liên Chiểu TP Đà Nẵng Việt Nam. Trụ trì chùa Diệu Quang California, Hoa Kỳ, đã thuận thế vô thường, an nhiên thâu thần thị tịch lúc 10:00 PM thứ Bảy, ngày 20 tháng 10 năm 2018, nhằm ngày mùng 12 tháng 9 năm Mậu Tuật, thế thọ 76, hạ lạp 56.
21/10/2018(Xem: 16191)
Ngắm Hoa (thơ của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, cảm tác sáng ngày 09/10/2018 ), Ta với hoa ai già ai trẻ Nghĩ ra rồi cái lẽ như nhau Hoa có từ nghìn xưa, có mãi đến nghìn sau Ta sinh ra từ vô thỉ và còn sinh mãi mãi Tâm Bồ Tát không bao giờ sợ hãi
20/10/2018(Xem: 5093)
Không cần phải đếm thời gian thế mà ngày lại ngày trôi qua nhanh quá, tôi tự nhắc thầm thôi đừng ngủ nhiều nữa , 6 tiếng mỗi ngày là đủ rồi vì mai này sẽ có những ngày ngủ triền miên và không còn cơ hội để học hỏi. Khuya nay chợt giật mình thức giấc sớm hơn thường lệ, chợt nhớ ra là ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) tuy nơi hải ngoại con cháu không còn ai nhớ tới ngày này, ngay cả một số người trung niên cùng lứa ......thôi thì mình tự pha cho mình một chén trà xanh và tự mình thưởng thức và nhớ về một thời quá khứ, để tìm lại những cái hay của những bậc danh nhân 3X , 4X hay 5, 6 X đã qua trong giới Tăng Ni hay trong giới văn học nghệ thuật mà mình vẫn xem như thần tượng cho đến bây giờ .
19/10/2018(Xem: 8650)
Lễ Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy tại Chùa Huê Lâm, Fitchburg, Massachusetts, Hoa Kỳ
11/10/2018(Xem: 13084)
Tin Viên Tịch: Hòa Thượng Thích Minh Cảnh vừa viên tịch tại Sàigòn, Trang nhà Quảng Đức Chúng con vừa nhận được tin buồn: Hòa Thượng Thích Minh Cảnh, Bào đệ của cố HT Thích Huệ Hưng,Thành viên Ban Chứng minh và Giám đốc Trung tâm phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam vừa viên tịch, lúc 01 giờ 30 chiều nay, thứ năm, mùng 3 tháng 9 năm Mậu Tuất (11/10/2018) tại Tu viện Huệ Quang, Sàigòn.
09/10/2018(Xem: 5539)
Vào sáng ngày 07 tháng 10 năm 2018, tại thành phố San Jose, Ni sư Thích Nữ Nguyên Thiện cùng ni chúng tu viện Huyền Không đã tổ chức lễ húy nhật và tưởng niệm lần thứ 12 cố Trưởng lão Hòa thượng thượng Mãn hạ Giác, nguyên Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, nguyên Viện chủ chùa Việt Nam ở Los Angeles.
03/10/2018(Xem: 6297)
Người Thật Sự Đã Ra Đi, Thành kính tưởng niệm Lễ Tiểu Tưởng Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy, Hôm nay tôi thức dậy sớm hơn thường lệ, lướt nhẹ ngang qua Chánh Điện, vầng đèn hào quang nơi tượng Phật tỏa ánh sáng thanh tịnh, tôi thấy Phật mỉm cười, nụ cười thanh khiết bình yên như chưa từng biết cuộc đời nầy là nơi chốn của gió bão. Tâm tư tôi đậm lại những kỷ niệm đã qua. Bên bờ rêu xanh của ký ức, tôi nhớ là gần đến ngày tưởng niệm một năm của Ni Trưởng Như Thủy. Sư Chị Tâm Chánh, Sư Chị Như Bảo và huynh đệ học Ni chúng tôi tại Hoa Kỳ sẽ tổ chức lễ tưởng niệm một năm của Ni Trưởng Như Thủy tại Chùa Huê Lâm, Boston vào khóa tu học mùa Thu năm nay. Nghĩ đến tự nhiên lòng tôi lại quặn đau, như có một nguồn sống ngầm ray rứt, chớp nhoáng đã một năm đi qua, Người không còn nữa giữa cõi đời ác trược đầy nghiệp chướng nầy.
01/10/2018(Xem: 8432)
Thông Báo về Lễ Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Thiện Minh tại Chùa Bảo Vương, Hoà thượng Thích Thiện Minh (1921-1978), là một bậc Cao Tăng Thạc Đức, và có công gầy dựng và lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngài có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Nam Trung Phần và Tranh Đấu Phật Giáo năm 1963. Năm 1973, khi Hòa thượng Thích Thiện Hoa viên tịch, Ngài đảm nhiệm chức vụ quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Năm 1978 Ngài bị nhà nước Cộng Sản bắt giam rồi mất trong tù. Nay đến ngày húy nhật năm 2018, đúng 40 năm sau ngày vắng bóng của Cố Hòa Thượng, toàn thể Tăng Ni và Phật tử tại tiểu bang Victoria thành tâm thiết lễ tưởng niệm công đức của Ngài vào lúc 10.30am sáng Thứ Bảy 13/10/2018 tại Chánh Điện Chùa Bảo Vương, Victoria. Thành Tâm Cung thỉnh Chư Tôn Đức Tăng Ni & Trân trọng kính mời quý Đồng Hương Phật tử gần xa cùng về tham dự lễ. Địa điểm: Chùa Bảo Vương, 2A Mc Laughlin St, Ardeer, Vic 3032. Tel: 9266 1282 Thời gian: 10.30am ngày Thứ Bảy 1
27/09/2018(Xem: 13223)
Thông Báo về Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn Lần thứ 11
23/09/2018(Xem: 7732)
Chúng tôi hổ thẹn mang nặng thâm ân 2 bậc Thầy lớn, đã để lại trong đạo nghiệp mình nhiều dấu ấn giáo dưỡng thâm trọng, dù cho có nghìn đời cố gắng cũng chưa thể báo đáp hết:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]