Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 508: Phẩm Đà-La-Ni 01

21/07/201514:20(Xem: 12764)
Quyển 508: Phẩm Đà-La-Ni 01

Tập 10

Quyển 508

Phẩm Đà-La-Ni 01
Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí




 

 

Lúc bấy giờ, trời Đế Thích thầm nghĩ:

- Các thiện nam, thiện nữ v.v… được nghe pháp môn, danh tự Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy, nên biết thời quá khứ đã từng thân cận vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, phát thệ nguyện rộng lớn, trồng các thiện căn, được sự hộ trì của nhiều thiện tri thức; huống chi là viết chép, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, tuyên thuyết cho người khác, hoặc tùy theo sức mà tu hành như lời dạy. Nên biết người này đã ở chỗ vô lượng đức Phật đời quá khứ thân cận, phụng sự, cúng dường, cung kính, trồng nhiều cội phước đức, từng nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nghe rồi thọ trì suy nghĩ, đọc tụng, tuyên thuyết cho người khác, tu hành đúng theo lời dạy. Hoặc đối với kinh này hỏi đáp thông suốt. Do nhờ phước lực đời trước, nay việc được thành tựu. Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào đã từng cúng dường vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, công đức thuần tịnh, nếu nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, tâm vị ấy không kinh hãi, không hoảng hốt, không sợ sệt, nghe rồi tin ưa, tu hành theo lời thuyết. Nên biết người này từng ở chỗ vô lượng trăm ngàn muôn ức Phật đời quá khứ, phát thệ nguyện rộng lớn: Tu hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, nay sanh ra đời thành tựu được việc này.

Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nghe nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này, tâm vị ấy không kinh hãi, không hoảng hốt, không sợ sệt, vì đã nghe, viết chép, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, tuyên thuyết cho người khác, tuyên thuyết lưu truyền rộng rãi, để tu hành đúng như lời dạy. Nên biết người này giống như các Đại Bồ-tát ở địa vị Bất thối. Vì sao? Vì nghĩa lý thậm thâm của Bát-nhã ba-la-mật-đa rất khó tin hiểu. Nếu ở đời trước tu hành bố thí v.v… sáu pháp Ba-la-mật-đa không dài lâu thì đâu có thể vừa nghe liền tin hiểu được.

Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nghe thuyết nghĩa lý thậm thâm của Bát-nhã ba-la-mật-đa khinh chê, hủy báng. Nên biết người này đời trước đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm cũng từng hủy báng. Vì sao? Vì người ngu như thế nghe thuyết nghĩa lý thậm thâm của Bát-nhã ba-la-mật-đa, do sức không tin, không ưa, tâm không thanh tịnh đã huân tập đời trước. Vì sao? Vì người ngu như vậy ở đời quá khứ chưa từng thân cận chư Phật, Bồ-tát và Hiền Thánh khác; chưa từng thỉnh vấn chư vị đó nên hành bố thí v.v... sáu pháp Ba-la-mật-đa thế nào. Cho đến nên học mười tám pháp Phật bất cộng thế nào. Cho nên bây giờ nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm liền khinh chê, hủy báng, không tin, không ưa, tâm không thanh tịnh.

Lúc bấy giờ, trời Đế Thích hỏi Xá-lợi Tử:

- Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế nghĩa lý thậm thâm rất khó tin hiểu. Có người tin ưa tu hành bố thí v.v... sáu pháp Ba-la-mật-đa, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng và vô lượng, vô biên Phật pháp khác chưa lâu dài, nên nghe nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này không thể tin hiểu, hoặc sanh tâm hủy báng, điều này không gì là hiếm có.

Thưa Đại đức! Tôi nay kính lễ Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm. Nếu tôi kính lễ Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm tức là kính lễ trí nhất thiết trí.

Khi ấy, Phật bảo trời Đế Thích:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, kính lễ Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là kính lễ trí nhất thiết trí. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì chư Phật đạt được trí nhất thiết trí và vô lượng, vô biên công đức khác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà thành tựu.

Kiều-thi-ca! Nếu Đại Bồ-tát muốn trụ trí nhất thiết trí của Như Lai, nên trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa. Muốn phát khởi trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng của chư Phật nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Muốn chấm dứt tập khí phiền não tương tục, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển pháp luân vi diệu, cứu độ các hữu tình, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… muốn đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Kiều-thi-ca! Nếu Đại Bồ-tát muốn an lập bậc chủng tánh Thanh văn, an trụ Thanh văn thừa, bậc chủng tánh Độc giác, an trụ Độc giác thừa, bậc chủng tánh Bồ-tát, an trụ Vô thượng thừa, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Kiều-thi-ca! Nếu Đại Bồ-tát muốn chinh phục chúng ma, đẩy lùi bọn ngoại đạo bè đảng xấu ác, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Kiều-thi-ca! Nếu Đại Bồ-tát muốn nhiếp hóa các Bí-sô, điều phục họ hoàn toàn, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Bấy giờ, trời Đế Thích bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, vì sao phải trụ sắc, vì sao trụ thọ, tưởng, hành, thức? Vì sao tập học sắc, vì sao tập học thọ, tưởng, hành, thức? Cho đến vì sao trụ mười tám pháp Phật bất cộng, vì sao tập mười tám pháp Phật bất cộng?

Phật bảo trời Đế Thích:

- Lành thay! Lành thay! Nay ông nhờ thần lực Phật có thể hỏi Như Lai nghĩa sâu xa như vậy. Ông nên lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà thuyết.

Kiều-thi-ca! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, nếu đối với sắc không trụ, không tập, là trụ, là tập sắc; nếu đối với thọ, tưởng, hành, thức không trụ, không tập, là trụ, là tập thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến nếu đối với mười tám pháp Phật bất cộng không trụ, không tập, là trụ, là tập mười tám pháp Phật bất cộng. Vì sao? Kiều-thi-ca! Nếu Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, đối với sắc không đắc có thể trụ, có thể tập; đối với thọ, tưởng, hành, thức không đắc có thể trụ, có thể tập. Cho đến đối với mười tám pháp Phật bất cộng không đắc có thể trụ, có thể tập.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu đối với sắc chẳng trụ, chẳng không trụ, chẳng tập, chẳng không tập, là trụ, là tập nơi sắc. Nếu đối với thọ, tưởng, hành, thức chẳng trụ, chẳng không trụ, chẳng tập, chẳng không tập, là trụ, là tập nơi thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến nếu đối với mười tám pháp Phật bất cộng chẳng trụ, chẳng không trụ, chẳng tập, chẳng không tập, là trụ, là tập mười tám pháp Phật bất cộng. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, quán sát sắc cho đến mười tám pháp Phật bất cộng giai đoạn trước, sau, giữa đều bất khả đắc.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế thật là sâu xa?

Phật dạy:

- Đúng vậy! Vì chơn như sắc sâu xa nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thật là sâu xa. Cho đến chơn như mười tám pháp Phật bất cộng sâu xa nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thật là sâu xa.

Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế khó có thể so lường.

Phật dạy:

- Đúng vậy! Vì chơn như sắc khó so lường nên Bát-nhã ba-la-mật-đa khó có thể so lường. Cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chơn như khó so lường nên Bát-nhã ba-la-mật-đa khó có thể so lường.

Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế thật là vô lượng?

Phật dạy:

- Đúng vậy! Vì chơn như sắc vô lượng nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô lượng. Cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chơn như vô lượng cho nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô lượng.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, nếu hành tánh sâu xa của sắc thì chẳng phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cho đến nếu hành tánh sâu xa của mười tám pháp Phật bất cộng thì chẳng phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì tánh sâu xa của sắc tức chẳng phải sắc. Cho đến tánh sâu xa của mười tám pháp Phật bất cộng tức chẳng phải mười tám pháp Phật bất cộng.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, nếu hành tánh khó so lường của sắc thì chẳng phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cho đến nếu hành tánh khó so lường của mười tám pháp Phật bất cộng thì chẳng phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì tánh khó so lường của sắc tức chẳng phải sắc. Cho đến tánh khó so lường của mười tám pháp Phật bất cộng tức chẳng phải mười tám pháp Phật bất cộng.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, nếu hành tánh vô lượng của sắc thì chẳng phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cho đến nếu hành tánh vô lượng của mười tám pháp Phật bất cộng thì chẳng phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì tánh vô lượng của sắc tức chẳng phải sắc. Cho đến tánh vô lượng của mười tám pháp Phật bất cộng tức chẳng phải mười tám pháp Phật bất cộng.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

- Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế thật sâu xa, khó so lường, vô lượng thì khó tin hiểu, không nên thuyết cho Bồ-tát mới học Đại thừa. Vì sao? Vì sợ những vị ấy nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này, tâm sẽ kinh hãi, lo sợ, nghi hoặc, hoặc sanh tâm hủy báng, không tin hiểu. Chỉ nên thuyết cho Bồ-tát Bất thối chuyển. Vì sao? Vì vị này nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như thế, tâm không kinh hãi, không hoảng hốt, không sợ sệt, không nghi hoặc, không sanh tâm hủy báng, mà có lòng tin hiểu sâu xa.

Bấy giờ, trời Đế Thích hỏi Xá-lợi Tử:

- Nếu thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm cho hàng Bồ-tát mới học Đại thừa thì có những lỗi gì?

Xá-lợi Tử đáp:

- Nếu thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm cho hàng Bồ-tát mới học Đại thừa thì người kia nghe rồi sẽ kinh hãi, hoảng hốt, sợ sệt, nghi hoặc, sanh tâm hủy báng, không thể tin hiểu được. Do đó tạo nghiệp tăng trưởng nên chiêu cảm đọa vào đường ác, đắm chìm nơi ba đường ác, chịu khổ lớn lâu dài, khó chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì vậy, không nên ở trước các vị ấy mà thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm.

Trời Đế Thích lại hỏi Xá-lợi Tử:

- Có Bồ-tát chưa thọ ký Vô thượng Bồ-đề, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm mà tâm không kinh hãi, hoảng hốt, sợ sệt, nghi hoặc, không sanh tâm hủy báng, lại tin hiểu sâu xa không?

Xá-lợi Tử đáp:

Kiều-thi-ca! Có, vì Đại Bồ-tát này chẳng bao lâu sẽ được thọ ký đại Bồ-đề. Kiều-thi-ca! Đại Bồ-tát này nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, tâm không kinh hãi, hoảng hốt, sợ sệt, nghi hoặc, không sanh tâm hủy báng, mà có lòng tin hiểu sâu xa. Nên biết Đại Bồ-tát này đã thọ ký quả vị Vô thượng đại Bồ-đề. Giả sử người chưa được thọ ký thì không quá một vị Phật hoặc hai vị Phật quyết định sẽ được thọ ký đại Bồ-đề.

Bấy giờ, Phật dạy Xá-lợi Tử:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Xá-lợi Tử! Nếu Đại Bồ-tát học Đại thừa lâu dài, phát đại nguyện lâu dài, hành sáu pháp Ba-la-mật-đa lâu dài và vô lượng, vô biên Phật pháp khác, cúng dường nhiều đức Phật, phụng sự nhiều bạn lành, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm thì tâm không kinh hãi, hoảng hốt, sợ sệt, nghi hoặc, mà có lòng tin hiểu sâu xa, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, tuyên thuyết cho người khác, hoặc lại viết chép, tu hành như lời thuyết.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con nay muốn nói một vài thí dụ, cúi xin Thế Tôn thương xót hứa khả.

Phật dạy:

- Xá-lợi Tử! Ông cứ tùy ý nói.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như có các thiện nam, thiện nữ v.v… an trụ Đại thừa. Trong mộng tu hành Bát-nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa, cho đến an tọa nơi tòa diệu Bồ-đề, nên biết người này gần đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Huống chi có Bồ-tát vì cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, khi thức tu hành Bát-nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa mà lại không mau chóng chứng đắc để cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề hay sao?

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát này không bao lâu sẽ được ngồi tòa diệu Bồ-đề, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển pháp luân vi diệu, cứu độ các hữu tình.

Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, nên biết người này học Đại thừa đã lâu dài, căn lành đã thành thục, cúng dường nhiều đức Phật, phụng sự nhiều bạn lành, trồng nhiều cội phước đức nên có thể thành tựu được việc này.

Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng tu tập, tuyên thuyết cho người khác, suy nghĩ đúng lý, nên biết người này hoặc đã được thọ ký đại Bồ-đề, hoặc gần được thọ ký đại Bồ-đề.

Bạch Thế Tôn! Các thiện nam, thiện nữ v.v… này nếu như trụ nơi Đại Bồ-tát Bất thối, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề là do được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này, tin hiểu sau xa, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, nương theo lời dạy mà tu hành, diễn thuyết cho người khác.

Bạch Thế Tôn! Ví như có người đi bộ qua đồng hoang, trải qua trăm do-tuần, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc năm trăm, thấy thấp thoáng hình ảnh thành ấp, vương quốc, đô thành ở phía trước, người thả trâu, vườn, rừng, ruộng v.v... Thấy các hình ảnh đó liền suy nghĩ: Thành ấp, vương quốc, đô thành cách đây không xa. Nghĩ như vầy rồi, thân tâm nhẹ nhàng, an nhiên, không sợ ác thú, ác tặc, đói khát.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, nếu được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này mà thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, sanh tâm tin hiểu sâu xa, nên biết chẳng bao lâu sẽ được thọ ký, hoặc đã thọ ký mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đại Bồ-tát này không sợ rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này đã được thấy nghe, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm. Đây là tướng đầu tiên của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Bấy giờ, Phật dạy Xá-lợi Tử:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Thừa hành thần lực Phật, ông cứ việc nói tiếp.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Ví như có người muốn quan sát biển lớn, lần lần đi tới, trải qua thời gian dài không thấy núi rừng nữa, liền nghĩ: trước cảnh trạng này thì cách biển chẳng bao xa. Vì sao? Vì gần bờ biển, đất thấp dần, không có các núi rừng.

Bấy giờ, người kia tuy chưa thấy biển nhưng thấy cảnh gần đó, bèn sung sướng vui mừng. Ta nhất định sẽ được thấy biển, bản nguyện đã được viên mãn, người ấy rất thích thú.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, nếu được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này mà thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, sanh lòng tin hiểu sâu xa. Đại Bồ-tát này tuy chưa được Phật hiện tiền thọ ký: “Ngươi ở đời sau, trải qua nhiều kiếp như vậy sẽ được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề”, nhưng tự biết lời thọ ký ấy chẳng bao xa. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này đã được thấy nghe, cúng dường, cung kính, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm. Đây là tướng đầu tiên của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Bạch Thế Tôn! Ví như hoa, quả, cây ở mùa xuân, lá cũ đã rơi, cành cây tươi tốt. Mọi người thấy vậy liền suy nghĩ: Hoa, quả, lá mới không bao lâu sẽ được mọc ra. Vì sao? Vì tướng ban đầu của hoa, quả, lá mới trổ ra. Người nam, nữ, lớn, nhỏ ở châu Thiệm-bộ thấy cảnh ấy, vui mừng sung sướng, đều nghĩ như vầy: Không bao lâu nữa chúng ta sẽ được thấy hoa quả sum suê.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, nếu được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này mà thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, sanh lòng tin hiểu sâu xa. Nên biết là do thiện căn đời trước được thành thục, cúng dường nhiều vị Phật, phụng sự nhiều bạn lành, không bao lâu sẽ được thọ ký đại Bồ-đề.

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát này nên nghĩ như vầy: Đời trước nhất định ta có sức thiện căn thù thắng, có thể dẫn đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nhờ vậy mà nay thấy nghe, cúng dường, cung kính Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, thọ trì, đọc tụng, sanh lòng tin hiểu, suy nghĩ đúng lý, tu tập tùy theo sức mình.

Bạch Thế Tôn! Nay trong hội này có các Thiên tử đã thấy Phật thuyết pháp này ở quá khứ, nên hớn hở vui mừng và cùng bàn luận: Ngày xưa các Đại Bồ-tát nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa liền được thọ ký. Bây giờ, các Bồ-tát đã nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa không bao lâu nhất định sẽ được thọ ký Bồ-đề.

Bạch Thế Tôn! Ví như người nữ mang thai đã lâu, thân thể chuyển động nặng nề, đứng ngồi bất an, ăn uống ngủ nghỉ ít dần, không thích nói nhiều, làm việc thường chán nản, mỏi mệt, chịu nhiều thống khổ, cho nên được nghỉ ngơi, không làm việc. Người mẹ chồng thấy dáng vẻ như thế biết cô này không bao lâu sẽ sanh.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, đời trước gieo trồng thiện căn, cúng dường nhiều đức Phật, phụng sự bạn lành lâu dài, các thiện căn thành thục. Bây giờ, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, sanh tâm tin hiểu sâu xa, tu học tùy theo sức.

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát nhờ nhân duyên này nên biết không bao lâu được thọ ký quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lúc bấy giờ, Phật khen ngợi Xá-lợi Tử:

- Lành thay! Lành thay! Ông khéo nói ví dụ về Bồ-tát, nên biết đều nhờ sức oai thần của Phật, làm cho ông phát sanh biện tài như vậy.

Khi đó, Thiện Hiện liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thật là kỳ lạ! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khéo phó chúc cho các Đại Bồ-tát, khéo hộ trì các Đại Bồ-tát.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát cần cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đem lợi ích an lạc cho các hữu tình, thương xót nhiêu ích cho trời, người. Nên khi các Đại Bồ-tát này tinh cần tu học Bồ-tát đạo, chỉ vì muốn lợi ích vô lượng trăm ngàn các hữu tình, dùng bốn nhiếp sự mà giữ gìn: Một là bố thí; hai là ái ngữ; ba là lợi hành; bốn là đồng sự.

Đại Bồ-tát này tự mình an trụ đúng đắn mười thiện nghiệp đạo, cũng an lập cho người khác, khiến cho họ siêng năng tu học mười thiện nghiệp đạo.

Tự hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; cũng khuyên người khác hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Tự hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng khuyên người khác hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Đại Bồ-tát này y chỉ vào phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa, tuy giáo hóa hữu tình chứng quả Dự lưu cho đến chứng đắc Độc giác Bồ-đề nhưng mình không chứng.

Đại Bồ-tát này tự mình siêng năng tinh tấn tu Bồ-tát hạnh, cũng khuyên người khác tu các Bồ-tát hạnh.

Tự mình an trụ Bồ-tát Bất thối chuyển, cũng khuyên người khác an trụ Bất thối chuyển.

Tự siêng năng, tinh tấn trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình, cũng lại khuyên người trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình.

Tự siêng năng phát khởi thần thông Bồ-tát, cũng khuyên người khác phát khởi thần thông Bồ-tát.

Tự siêng năng trang nghiêm thanh tịnh pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, cũng khuyên người khác siêng năng trang nghiêm thanh tịnh pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa.

Tự mình chứng đắc viên mãn biện tài, cũng khuyên người khác được viên mãn biện tài.

Tự hộ trì viên mãn sắc thân, đầy đủ các tướng tốt, cũng lại khuyên người khác hộ trì viên mãn sắc thân, đầy đủ các tướng tốt.

Tự hộ trì viên mãn hạnh đồng chơn, cũng khuyên người khác hộ trì viên mãn hạnh đồng chơn.

Tự tu hành bốn niệm trụ, cho đến trí nhất thiết tướng, cũng lại khuyên người khác tu hành bốn niệm trụ, cho đến trí nhất thiết tướng.

Tự chấm dứt tập khí phiền não tương tục, cũng lại khuyên người khác chấm dứt tập khí phiền não tương tục.

Tự chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển pháp luân vi diệu, cứu độ các hữu tình, cũng lại khuyên người khác chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển pháp luân vi diệu, cứu độ các hữu tình.

Lúc bấy giờ, Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Hi hữu thay! Bạch Thiện Thệ! Hi hữu thay! Các Đại Bồ-tát thành tựu đại công đức như vậy, vì muốn lợi lạc tất cả hữu tình, nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cầu chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, độ các hữu tình đến tận đời vị lai. Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như thế nào để mau được viên mãn?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm không thấy sắc tăng hoặc giảm; không thấy thọ, tưởng, hành, thức tăng hoặc giảm. Cho đến không thấy trí nhất thiết tăng hoặc giảm; không thấy trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng tăng hoặc giảm. Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy mau được viên mãn.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm không thấy đây là pháp, đây là phi pháp; không thấy đây là quá khứ, đây là vị lai, đây là hiện tại; không thấy đây là thiện, đây là bất thiện, đây là vô ký; không thấy đây là hữu vi, đây là vô vi; không thấy đây là Dục giới, đây là Sắc giới, đây là Vô sắc giới; không thấy đây là bố thí Ba-la-mật-đa cho đến đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cho đến không thấy đây là trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, thì Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa mau được viên mãn. Vì sao? Vì tất cả pháp vô tánh tướng, vô tác dụng, không thể chuyển, không dối trá, tánh không cứng chắc, không tự tại, không cảm thọ, xa lìa ngã cho đến xa lìa người thấy.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Lời Như Lai thuyết thật bất khả tư nghì?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Như Lai đã thuyết thì bất khả tư nghì.

Thiện Hiện nên biết! Sắc bất khả tư nghì nên lời thuyết của Như Lai bất khả tư nghì; thọ, tưởng, hành, thức bất khả tư nghì nên lời thuyết của Như Lai bất khả tư nghì. Cho đến trí nhất thiết bất khả tư nghì nên lời thuyết của Như Lai bất khả tư nghì; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng bất khả tư nghì nên lời thuyết của Như Lai bất khả tư nghì.

Nếu Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, tuy như thật biết sắc bất khả tư nghì nhưng không khởi tưởng bất khả tư nghì. Cho đến tuy như thật biết trí nhất thiết tướng bất khả tư nghì nhưng không khởi tưởng bất khả tư nghì, thì Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm mau được viên mãn.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, đối với sắc cho đến trí nhất thiết tướng không khởi tưởng bất tư nghì, hoặc bất khả tư nghì, thì Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm mau được viên mãn.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế ai có thể tin hiểu?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát tu sáu pháp Ba-la-mật-đa lâu dài, gieo trồng thiện căn lâu dài, cúng dường nhiều đức Phật, phụng sự nhiều bạn lành, thì Đại Bồ-tát này đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm sanh lòng tin hiểu.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao biết được Đại Bồ-tát này tu sáu pháp Ba-la-mật-đa lâu dài, gieo trồng thiện căn lâu dài, cúng dường nhiều đức Phật, phụng sự nhiều bạn lành?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, đối với sắc không khởi phân biệt, phân biệt không khác; đối với thọ, tưởng, hành, thức không khởi phân biệt, phân biệt không khác.

Đối với tướng sắc không khởi phân biệt, phân biệt không khác; đối với tướng thọ, tưởng, hành, thức không khởi phân biệt, phân biệt không khác.

Đối với tánh sắc không khởi phân biệt, phân biệt không khác; đối với tánh thọ, tưởng, hành, thức không khởi phân biệt, phân biệt không khác.

Cho đến đối với trí nhất thiết không khởi phân biệt, phân biệt không khác; đối với trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không khởi phân biệt, phân biệt không khác.

Đối với tướng trí nhất thiết không khởi phân biệt, phân biệt không khác; đối với tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không khởi phân biệt, phân biệt không khác.

Đối với tánh trí nhất thiết không khởi phân biệt, phân biệt không khác; đối với tánh trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không khởi phân biệt, phân biệt không khác. Vì sao? Vì sắc cho đến trí nhất thiết tướng đều bất khả tư nghì.

Thiện Hiện! Ông nên biết như vậy gọi là Đại Bồ-tát này tu sáu pháp Ba-la-mật-đa lâu dài, gieo trồng thiện căn lâu dài, cúng dường nhiều đức Phật, phụng sự nhiều bạn lành.

Khi ấy, Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế thật là sâu xa?

Phật dạy:

- Đúng vậy! Sắc sâu xa nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; thọ, tưởng, hành, thức sâu xa nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Cho đến trí nhất thiết sâu xa nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng sâu xa nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế là kho báu lớn?

Phật dạy:

- Đúng vậy! Có thể đem kho báu công đức cho hữu tình. Vì vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế là trân bảo lớn. Đem vật báu mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm thần thông cho hữu tình. Đem vật báu bố thí v.v... sáu pháp Ba-la-mật-đa, cho đến trí nhất thiết tướng cho hữu tình. Đem vật báu quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề cho hữu tình. Đem vật báu tất cả Đại Bồ-tát hành quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật, chuyển pháp luân vi diệu cho hữu tình. Cho nên, Bát-nhã ba-la-mật-đa tên là kho báu lớn.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm là thanh tịnh?

Phật dạy:

- Đúng vậy! Vì tất cả pháp này thanh tịnh. Thiện Hiện nên biết! Sắc thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm là thanh tịnh. Cho đến trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm là thanh tịnh.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thật là hi hữu! Bạch Thiện Thệ! Thật là hi hữu! Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy vì rất sâu xa, nên gặp nhiều tai nạn, nhưng nay nói về tai nạn không sanh.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Các tai nạn của Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm nhiều nhưng nhờ thần lực Phật nên nay chỉ nói tai nạn không sanh. Vì vậy, các thiện nam, thiện nữ v.v… Đại thừa, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này, nếu muốn viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập tư duy, tuyên thuyết cho người khác, thì nên mau chóng viết chép cho đến diễn thuyết. Vì sao? Vì các tai nạn của Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm rất nhiều. Chớ để việc viết chép cho đến diễn thuyết gặp tai nạn không được thành tựu.

Thiện Hiện nên biết! Các thiện nam, thiện nữ v.v… này, hoặc một tháng, hai tháng, ba tháng cho đến một năm, viết chép Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy thì có thể được thành tựu, vì vậy phải siêng năng tinh tấn để tâm nơi việc viết chép. Trải qua thời gian như vậy, làm cho được thành tựu. Nếu muốn một tháng, hai tháng, ba tháng cho đến một năm thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, tuyên thuyết cho người khác nghe kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy thì có thể được thành tựu, vì vậy phải siêng năng tinh tấn để tâm thọ trì cho đến diễn thuyết, trải qua thời gian như vậy, làm cho được thành tựu. Vì sao? Vì Đại bảo thần châu Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm có rất nhiều tai nạn.

Khi ấy, Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thật là hi hữu! Bạch Thiện Thệ! Thật kỳ lạ! Đại bảo thần châu Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm có rất nhiều tai nạn, nhưng có người viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, tuyên thuyết cho người khác, đối với người ấy, ác ma không gây tai nạn làm cho không viết chép cho đến diễn thuyết được?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ác ma đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này, tuy muốn gây tai nạn làm cho không viết chép cho đến diễn thuyết, nhưng chúng không đủ sức gây tai nạn khiến cho việc làm của Bồ-tát kia không thành tựu.

Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nhờ thần lực của ai khiến cho ác ma kia gây tai nạn với các Bồ-tát viết chép kinh không được thành tựu?

Phật dạy:

- Xá-lợi Tử! Chính nhờ thần lực Phật khiến ác ma kia không gây tai nạn cho các Bồ-tát viết chép v.v…

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Cũng chính nhờ thần lực chư Phật ở mười phương tất cả thế giới, khiến ác ma không gây tai nạn với các Bồ-tát viết chép v.v…

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều cùng nhau hộ niệm các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, khiến ác ma kia không gây tai nạn các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa viết chép cho đến diễn thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì chư Phật Thế Tôn đều cùng nhau hộ niệm các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, tạo nhiều thiện nghiệp, khiến cho ác ma kia không gây tai nạn.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Nếu các Đại Bồ-tát đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy diễn thuyết, theo pháp tự nhiện như thế, thì được tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở mười phương thế giới hiện đang thuyết pháp đều hộ niệm. Nếu được nhờ sự hộ niệm chư Phật, thì tự nhiên ác ma không gây tai nạn được.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Nếu có thiện nam tử tịnh tín v.v… đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết, nên nghĩ như vầy: Nay ta viết chép cho đến diễn thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, đều nhờ thần lực của chư Phật Thế Tôn ở mười phương tất cả thế giới hiện đang thuyết pháp hộ niệm.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

- Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy diễn thuyết thì nhờ thần lực chư Phật mười phương từ bi hộ niệm, làm cho vị ấy tạo được thiện nghiệp thù thắng, các quân ác ma không gây tai nạn được?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết, nên biết đều nhờ thần lực chư Phật Thế Tôn hộ niệm.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết, thì tất cả Như Lai ở mười phương thế giới đều là bạn lành. Do nhân duyên này nên hoan hỷ hộ niệm. Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết, thường được chư Phật Thế Tôn hiện đang thuyết pháp ở mười phương tất cả thế giới, dùng Phật nhãn quán chiếu. Do nhân duyên này nên từ bi hộ niệm. Họ làm việc lành gì cũng được thành tựu.

Lúc bấy giờ, Phật dạy Xá-lợi Tử:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, thì thường được chư Phật Thế Tôn hiện đang thuyết pháp ở mười phương tất cả thế giới, dùng Phật nhãn quán chiếu, hiểu rõ, hộ niệm, làm cho các ác ma không não hại được. Các thiện nghiệp đã tạo đều mau thành tựu.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Các thiện nam, thiện nữ v.v… trụ Bồ-tát thừa, nếu đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết, nên biết vị này đã đến gần trí nhất thiết trí, các ma oán không gây tai nạn được.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Các thiện nam, thiện nữ v.v… an trụ Đại thừa, nếu viết chép Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, dùng các loại trang nghiêm, thọ trì, đọc tụng, nên biết đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này, sanh lòng tin hiểu sâu xa, dùng các tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, thì các thiện nam, thiện nữ v.v… này thường được Như Lai dùng Phật nhãn quán chiếu, hiểu rõ, hộ niệm. Do nhân duyên này nhất định sẽ được lợi ích lớn, quả báo lớn.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Các thiện nam, thiện nữ v.v… trụ Bồ-tát thừa, nếu viết chép, thọ trì, đọc tụng, cúng dường, cung kính Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, thì nhờ thiện căn này cho đến đạt được địa vị Bất thối chuyển, thường không xa lìa chư Phật, Bồ-tát, mãi nghe Chánh pháp, không đọa vào cảnh giới ác, sanh trong trời, người, hưởng sự an ổn, vui sướng. Các thiện nam, thiện nữ v.v… do thiện căn này cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thường không xa lìa tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho đến trí nhất thiết tướng và vô lượng, vô biên Phật pháp khác. Do đây, cho nên mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Do nhân duyên này, các thiện nam, thiện nữ v.v… sẽ đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì vậy, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này, nên siêng năng viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, tuyên thuyết cho người khác nghe, cúng dường, cung kính không tạm dừng bỏ.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy, sau khi Phật Niết-bàn thì hưng thịnh ở phương nào?

Phật dạy:

- Xá-lợi Tử! Sau khi Ta Niết-bàn, kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như thế dần dần hưng thịnh ở phương Đông nam. Phương kia có nhiều Bí-sô, Bí-sô-ni, Ổ-ba-sách-ca, Ổ-ba-tư-ca an trụ Đại thừa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy, với lòng tin ưa sâu xa, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết. Lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm. Do thiện căn này nên không đọa vào đường ác, hoặc sanh cõi trời, hoặc sanh trong loài người, hưởng phú quí an lạc. Nhờ thế lực ấy nên tăng trưởng lợi ích sáu pháp Ba-la-mật-đa, làm cho mau chóng viên mãn. Nhân nơi đó có thể cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Về sau nương vào pháp Tam thừa, lần lần tu tập mà được xuất ly.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Sau khi Ta Niết-bàn, kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như thế sẽ dần hưng thịnh, từ phương Đông Nam đến phương Nam. Phương kia có các Bí-sô, Bí-sô-ni, Ổ-ba-sách-ca, Ổ-ba-tư-ca an trụ Đại thừa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy, sanh lòng tin ưa sâu xa, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết. Lại đem các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm. Do thiện căn này nên không rơi vào đường ác, hoặc sanh cõi trời, hoặc sanh trong loài người, hưởng phú quí an lạc. Nhờ thế lực ấy, nên tăng trưởng sáu pháp Ba-la-mật-đa, làm cho mau chóng viên mãn. Nhân đây, lại có thể cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Về sau nương vào pháp Tam thừa, lần lần tu tập mà được xuất ly.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Sau khi Ta Niết-bàn, kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như thế sẽ lần lần hưng thịnh từ phương Nam đến phương Tây Nam. Phương kia có các Bí-sô, Bí-sô-ni, Ổ-ba-sách-ca, Ổ-ba-tư-ca an trụ Đại thừa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy, sanh lòng tin ưa sâu xa, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết. Lại đem các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm. Do thiện căn này nên không rơi vào đường ác, hoặc sanh cõi trời, hoặc sanh trong loài người, hưởng sự phú quí an lạc. Nhờ thế lực ấy, nên tăng trưởng lợi ích sáu pháp Ba-la-mật-đa, làm cho mau chóng viên mãn. Nhân đây, lại có thể cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Về sau nương vào pháp Tam thừa, lần lần tu tập mà được xuất ly.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Sau khi Ta Niết-bàn, kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như thế sẽ lần lần hưng thịnh từ phương Tây Nam đến phương Tây Bắc. Phương kia có các Bí-sô, Bí-sô-ni, Ổ-ba-sách-ca, Ổ-ba-tư-ca an trụ Đại thừa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy, với lòng tin ưa sâu xa, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết. Lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm. Nhờ thiện căn này nên không rơi vào đường ác, hoặc sanh cõi trời, hoặc sanh trong loài người, hưởng sự phú quí an lạc. Do thế lực kia, nên tăng trưởng lợi ích sáu pháp Ba-la-mật-đa, làm cho mau chóng viên mãn. Nhân đây, lại có thể cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Sau đó, nương theo pháp Tam thừa, lần lần tu tập mà được xuất ly.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Sau khi Ta Niết-bàn, kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như thế sẽ lần lần hưng thịnh từ phương Tây Bắc đến phương Bắc. Phương kia có các Bí-sô, Bí-sô-ni, Ổ-ba-sách-ca, Ổ-ba-tư-ca an trụ Đại thừa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy, với lòng tin ưa sâu xa, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy diễn thuyết. Lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm. Nhờ thiện căn này nên không rơi vào đường ác, hoặc sanh cõi trời, hoặc sanh trong loài người, hưởng sự phú quí an lạc. Do thế lực kia, nên tăng trưởng lợi ích sáu pháp Ba-la-mật-đa, làm cho mau chóng viên mãn. Nhân đây, lại có thể cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Sau đó, nương theo pháp Tam thừa, lần lần tu tập mà được xuất ly.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Sau khi Ta Niết-bàn, kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như thế sẽ lần lần hưng thịnh từ phương Bắc đến phương Đông Bắc. Phương kia có các Bí-sô, Bí-sô-ni, Ổ-ba-sách-ca, Ổ-ba-tư-ca an trụ Đại thừa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy, với lòng tin ưa sâu xa, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết. Lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm. Nhờ thiện căn này nên không rơi vào đường ác, hoặc sanh cõi trời, hoặc sanh trong loài người, hưởng sự phú quí an lạc. Do thế lực kia, nên tăng trưởng lợi ích sáu pháp Ba-la-mật-đa, làm cho mau chóng viên mãn. Nhân đây, lại có thể cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Sau đó, nương theo pháp Tam thừa, lần lần tu tập mà được xuất ly.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Sau khi ta Niết-bàn năm trăm năm, Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm ở phương Đông Bắc làm Phật sự lớn. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã tôn trọng pháp, là kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm. Kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy được tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cùng nhau hộ niệm.

Xá-lợi Tử! Chẳng phải sở đắc của Phật, pháp Tỳ-nại-da Vô thượng chánh pháp có tướng mai một. Sở đắc của chư Phật, pháp Tỳ- nại-da Vô thượng chánh pháp tức là kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm.

Xá-lợi Tử! Phương Đông Bắc kia các thiện nam, thiện nữ v.v… an trụ Đại thừa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm có lòng tin ưa sâu xa, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết, thì Ta thường hộ niệm, làm cho không bị tổn não.

Xá-lợi Tử! Phương Đông Bắc kia các thiện nam, thiện nữ v.v… an trụ Đại thừa, viết chép kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy. Lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính. Ta nhất định nói do thiện căn kia nên không rơi vào đường ác, sanh trong cõi trời, người, thường hưởng thọ phú quí, an lạc. Nhờ thế lực kia nên tăng trưởng lợi ích sáu pháp Ba-la-mật-đa, làm cho mau được viên mãn. Nhân đây, lại có thể cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Về sau nương theo pháp Tam thừa, lần lần tu học, chứng đắc Niết-bàn. Vì sao? Xá-lợi Tử! Ta dùng Phật nhãn quán sát chứng biết, xưng dương, tán thán phước đức đã đạt được của các thiện nam, thiện nữ v.v... kia. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn góc, trên, dưới cũng dùng Phật nhãn quán sát chứng biết, xưng dương, tán thán phước đức đã đạt được của các thiện nam, thiện nữ v.v… kia.

Khi ấy, Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Sau khi Phật Niết-bàn năm trăm năm, ở phương Đông Bắc Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm có được lưu truyền cùng khắp không?

Phật dạy:

- Xá-lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Sau khi Ta Niết-bàn năm trăm năm, ở phương Đông Bắc Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm sẽ được lưu truyền.

Xá-lợi Tử! Sau khi Ta Niết-bàn năm trăm năm rồi, ở phương Đông Bắc kia có các thiện nam, thiện nữ v.v… an trụ Đại thừa, nếu được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này, sanh lòng tin ưa sâu xa, viết chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết, nên biết những vị ấy đã phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề lâu dài, tu các hạnh Đại Bồ-tát lâu dài, cúng dường nhiều đức Phật, phụng sự nhiều bạn lành, tu tập giới thân, tuệ tâm lâu dài. Các thiện căn đều thuần thục. Nhờ sức phước đức này nên được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm như vậy, có lòng tin sâu xa, lại viết chép, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, tuyên thuyết, khai thị cho các hữu tình.

 

 

 

   Quyển thứ 508

Hết

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/08/2012(Xem: 7682)
Hòa thượng Thích Duy Lực, pháp danh Duy Lực, pháp tự Giác Khai, nối pháp thiền phái Lâm Tế. Ngài thế danh La Dũ, sinh ngày 5 tháng 5 năm Quý Hợi 1923, nhằm Trung Hoa Dân quốc thứ 12, tại làng Long Yên, huyện Phong Thuận, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; thân phụ là cụ ông La Xương, thân mẫu là cụ bà Lưu Thị. Ngài sinh trưởng trong một gia đình chuyên nghề nông trang, quy kính Tam bảo. Năm Mậu Dần 1938, Ngài được 16 tuổi, vừa học xong tiểu học thì phải lên đường theo cha sang Việt Nam sinh sống. Khi mới sang, gia đình Ngài dừng chân ở Cần Thơ lập nghiệp; trong những lúc rỗi rảnh Ngài thường tranh thủ tự học thên Hoa văn và quốc ngữ Việt Nam.
20/07/2012(Xem: 9555)
Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (1685–1768) là vị Tổ trung hưng thiền Lâm Tế tại Nhật Bản. Xa rời phương thức đánh hét cùng các ngôn ngữ siêu tuyệt, Ngài cố công diễn tả Thiền bằng ngôn ngữ dễ hiểu để tầng lớp bình dân có thể hiểu được.
19/07/2012(Xem: 6753)
Qua hàng ngàn năm Lịch sử của Dân tộc, hơn 2000 năm có mặt trên đất nước, Phật giáo đã đóng góp cho Tổ quốc một thời gian dài trên dưới 400 năm an bình thịnh vượng, chưa nói đến những thời đại riêng lẻ ngắn ngủi.
03/07/2012(Xem: 11619)
Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh ngày 02 tháng 09 năm Đinh Tỵ (17-10-1917), tại làng Mỹ An Hưng (Cái Tàu Thượng) huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp).
30/06/2012(Xem: 10319)
Thành Kính Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Giác Lâm (1928 - 2012)
24/06/2012(Xem: 14318)
Kính lạy tôn dung Ngài Con xin tìm lại dấu xưa 39 năm, hai thế kỷ sao vừa Nín thở, lặng yên, đọc từng con chữ
12/06/2012(Xem: 6131)
Hòa thượng họ Đỗ, huý Châu Lân, sinh năm 1927 (Đinh Mão) tại thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Đỗ Hoạch, và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Tú. Gia đình gồm năm người con, hai trai và ba gái; Hòa thượng Thích Đỗng Quán thứ ba, và Ngài là thứ tư. Gia đình Ngài đời đời thuần tín Tam bảo. Cha mất sớm, được mẹ chăm lo dạy dỗ. Với bẩm tánh thông minh và hiếu học, năm 11 tuổi Ngài thi đậu bằng Yếu lược. Việc này chưa xảy ra ở vùng quê của Ngài nên đích thân ông Lý trưởng đến thăm và chúc mừng. Đó là một vinh dự cho gia đình và quê hương Ngài lúc bấy giờ.
11/06/2012(Xem: 6234)
Sự nghiệp thiền sư Tăng Hội rất lớn lao. Nhờ vào những trước tác của Thầy mà ta biết được hành tướng của sự thực tập thiền tại trung tâm Luy Lâu Việt Nam và tại trung tâm Kiến Nghiệp Trung Quốc ngày xưa. Tư tưởng thiền của thầy Tăng Hội là tư tưởng thiền Đại Thừa, đi tiên phong cho cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức Bao giờ các chùa Việt Nam sẽ thờ tổ Khương Tăng Hội Hiện nay chúng ta đang ở thế kỷ XXI với nền văn minh rực rỡ, với nhiều thiết bị hiện đại, với mức sống rất cao, với vốn hiểu biết rất thien su khuong tang hoi.jpg
10/06/2012(Xem: 14722)
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam, là con thứ sáu trong một gia đình mười hai anh chị em. Thân sinh của Cố Trưởng Lão Hoà Thượng là cụ Trương Xuân Quảng, mất năm 1945, nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm Học (tương đương với Trưởng Ty Nha Học Chánh dưới thời các chính phủ quốc gia sau này) tỉnh Bình Thuận năm 1933 – 1939, và Đốc Học tỉnh Quảng Ngãi năm 1940 – 1945. Nhờ túc duyên với Phật Pháp, nên đến năm 1950, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng đến Chù
06/06/2012(Xem: 14858)
Hòa thượng Thích Quảng Đức, Pháp danh Thị Thủy, Pháp tự Hành Pháp và thế danh là Lâm văn Tức, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]