Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trần Thái Tông, đời đạo lưỡng toàn

09/04/201319:55(Xem: 6815)
Trần Thái Tông, đời đạo lưỡng toàn

TRẦN THÁI TÔNG
ĐỜI ĐẠO LƯỠNG TOÀN

Thích Phước Sơn


Phương Tây có câu tục ngữ "Hoạn nạn làm lớn con người". Phương Đông cũng có câu danh ngôn tương tự "Ngậm cay đắng trong cay đắng mới làm con người trên loài Người". Trường hợp của Trần Thái Tông sao mà ứng với hai câu này đến thế?

Vì muốn đảm bảo sự liên tục của ngôi vua trong một gia đình phong kiến, Trần Thủ Độ đã ép buộc Trần Thái Tông phải bỏ Chiêu Hoàng để lấy người chị dâu của mình là Thuận Thiên công chúa, lúc bấy giờ đang có mang ba tháng. Đứng trước cảnh trớ trêu đầy ngang trái, muốn chống lại sự áp đặt vô lý của Trần Thủ Độ, nhưng Trần Thái Tông không thể cưỡng được, vì Trần Thủ Độ là người rất độc đoán lại có quá nhiều uy quyền.

Đêm mồng 3 tháng 4 năm 1236, người thanh niên trai trẻ ấy đã trốn triều đình, bỏ ngôi báu, lên núi Yên Tử, với hy vọng tìm đến đạo giác ngộ, hầu tự giải thoát mình và báo đáp thâm ân cha mẹ. Lặn lội chật vật vượt bao núi hiểm hố sâu, mới đến được chùa Hoa Yên trên đỉnh Yên Tử. Trông thấy Trần Thái Tông, Quốc sư Trúc Lâm ung dung bảo : "Lão Tăng ở chốn núi rừng đã lâu, xương cứng, mặt gầy, ăn rau răm, nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh rừng, lòng nhẹ như mây nổi, cho nên mới theo gió mà đến đây. Nay bệ hạ bỏ địa vị Nhân chủ, nghĩ đến cảnh quê mùa rừng núi, chẳng hay muốn tìm vật gì mà lặn lội đến đây ?" Vua đáp : "Trẫm còn thơ ấu, sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nương tựa. Lại nghĩ đến sự nghiệp Đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên Trẫm mới vào đây, chỉ cầu thành Phật, chẳng mong gì khác". Trúc Lâm bảo : "Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong tâm ta. Nếu tâm thanh tịnh, trí tuệ xuất hiện, thì đó chính là Phật, khỏi phải cực khổ tìm kiếm ở bên ngoài".

Nghe Quốc sư nói, Trần Thái Tông bàng hoàng xúc động, biểu lộ sự tán thành.

Trần Thủ Độ hay tin vua rời bỏ kinh thành, bèn dẫn triều đình và các bô lão tìm kiếm khắp nơi, lần lên Yên Tử, thấy vua, Trần Thủ Độ thống thiết nói : "Thái Tổ vừa mới bỏ tôi mà đi, hòn đất trên nấm mồ chưa ráo, lời dặn dò còn vang vọng bên tai, thế mà bệ hạ lại lánh vào chốn núi rừng để cầu thỏa chí riêng mình. Tôi thiển nghĩ, bệ hạ vì lo tu thân mà làm như vậy thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao ? Nếu để lời khen suông cho đời sau thì sao bằng lấy ngay thân mình làm người dẫn đường cho thiên hạ ?". Ra sức thuyết phục một hồi mà Trần Thái Tông vẫn khăng khăng không chịu hồi loan, Trần Thủ Độ phải làm áp lực mạnh : "Nếu bệ hạ không nghĩ lại, quần thần chúng tôi cùng thiên hạ sẽ xin cùng chết cả trong ngày hôm nay, quyết không trở về". Rồi ông tuyên bố : "Vua ở đâu thì lập triều đình ở đó". Nói xong, liền sai thợ xây cất cung điện. Thấy tình thế khó xử, Thiền sư Trúc Lâm ân cần cầm tay vua mà nói : "Phàm làm vua thì phải lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình, phải lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được ? Tuy nhiên, việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng lúc nào quên".

Với bản lãnh của một Thiền sư tiêu dao ngoại vật, có "đôi mắt nhìn thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời", Quốc sư đã vạch cho Thái Tông một phương châm hành động đạo đời dung hợp. Vua lại là người có ý chí khác thường, đã biến đau thương thành hành động. Ông đã hoàn thành xuất sắc cả hai trách nhiệm nặng nề cùng lúc ngay giữa lòng trần gian đau khổ này.

Quả là :

"Vai mình mang một quê hương,

Còn mang nặng cả nỗi buồn tử sinh".

(Hoài Khanh)

  1. ĐỐI VỚI ĐỜI
  • Người con chí hiếu

Về phương diện luân lý gia đình, Trần Thái Tông tỏ ra là một người con chí hiếu. Trong bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam, vua viết : "Năm Trẫm vừa 16 tuổi, Thái hậu đã chán cõi đời, Trẫm nằm rơm gối đất, khóc ra máu mắt, đau như cắt lòng, ngoài nỗi ưu phiền không nghĩ gì khác. Thế rồi cách vài năm sau, Thái Tổ hoàng đế lại bỏ ngôi trời; nỗi nhớ mẹ chưa nguôi, tình thương cha càng nặng; ngổn ngang đau xót khó nỗi khuây lòng. Trẫm nghĩ : Cha mẹ vỗ về nuôi nấng con không thiếu điều gì, con dù thịt nát xương tan cũng không đủ đền ơn trong muôn một". Nhắc đến ơn sâu cha mẹ, kể lại nỗi xót thương đau đớn vô hạn, trong lúc tang phục, bằng những lời trang trọng thống thiết, chứng tỏ Thái Tông là người con chí hiếu, đáng làm mẫu mực cho mọi người con hiếu noi theo. Tình đời hễ ai xúc phạm làm trái ý ta thì thường phản kháng chống lại, đó là lẽ thường tình. Vậy mà Trần Thủ Độ đã dựng lên tấn bi kịch cho vua, nhưng vua vẫn kính phục không hề oán hận.

Dẫu rằng Trần Thủ Độ hành động như thế là để bảo vệ ngôi báu cho dòng họ, và vì sự an nguy cho đất nước, chứ không phải vì tham vọng riêng tư. Nhưng phải là một con người có tấm lòng hiếu kính đầy nhân hậu như Trần Thái Tông mới có thể xử sự vẹn toàn như vậy.

  • Người em thuận thảo

Ngoài ra, vua cũng xứng đáng được đời ca ngợi như là một người em thuận thảo. Trần Liễu vì bất bình việc Trần Thủ Độ ép ông nhường người yêu của mình cho Trần Thái Tông, đã cất quân làm loạn ngoài sông Cái. Sau biết thế không chống nổi, Trần Liễu đích thân đến trước thuyền vua xin hàng, anh em ôm nhau mà khóc. Trần Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền vua, tuốt gươm lên quát :"Giết thằng giặc Liễu". Vua vội vàng đẩy Trần Liễu vào trong thuyền rồi nói với Trần Thủ Độ : "Phụng Kiều Vương đến xin hàng đấy", vừa nói vừa lấy mình che chở cho Liễu. Trần Thủ Độ giận lắm, vứt gươm xuống sông nói : "Tao chỉ là con chó săn thôi, nào biết anh em mày lúc nào hòa lúc nào nghịch !". Vua đứng ra hòa giải, khuyên Trần Liễu bãi binh, rồi ban cho đất An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Bang và phong hiệu là An Sinh Vương (Việt Sử Thông Giám Cương Mục Chính Biên VI, 17).

Việc làm của Trần Thủ Độ suýt chút nữa đưa đến hậu quả cốt nhục tương tàn, nếu không có được một người đức độ hòa kính bao dung như Trần Thái Tông hóa giải. Rõ ràng Trần Thái Tông đã biểu hiện bản chất của một con người đôn hậu, thuận thảo đáng làm tấm gương sáng trong mối giao tình cốt nhục đệ huynh.

    1. Vị vua anh minh

Tháng 10 mùa Đông năm 1241, người Tống sang cướp phá biên giới, vua sai tướng Phạm Kính Ân đem quân đánh tan quân giặc. Nhân đó, muốn biết tình hình quân địch, vua cải trang thân hành dẫn quân tiến sâu vào tận châu Khâm, châu Liêm, ban đầu người châu ấy bỏ chạy, sau họ mới biết, liền giăng xích sắt giữa dòng sông để ngăn đường thủy. Vua bèn sai quân nhổ vài chiếc cọc sắt đem về (Việt Sử Thông Giám Cương Mục Chính Biên VI, 21). Sử còn chép : Tháng 12 năm Đinh Tị 1257, quân Mông Cổ xâm phạm địa phận sông Thao, vua tự làm tướng đem quân chống cự (Sđd).

Những dẫn chứng trên cho thấy Trần Thái Tông ngồi trên ngôi báu không phải để hưởng phú quý, đắm mình trong thanh sắc hoan lạc. Trái lại, lúc nào vua cũng ý thức trách nhiệm của một vị nguyên thủ quốc gia. Khi đất nước cần, vua đích thân chiến đấu, can đảm xông pha giữa làn tên mũi đạn, đối mặt với quân thù, chứng tỏ bản lĩnh của một vị vua dũng cảm sáng suốt.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép : "Một hôm Trần Thái Tông ban cho quân hầu cận ăn xoài, Hoàng Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên đến bến Đông, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ trốn đi. Đến Hoàng Giang, gặp Hoàng Thái tử đi thuyền ngược chiều, Cự Đà tránh sang bờ sông bên kia. Quân lính hỏi : Quân Nguyên ở đâu ?". Cự Đà đáp : "Không biết, hãy hỏi bọn được ăn xoài ấy !". Sau khi phá được giặc, Thái tử xin trừng phạt Cự Đà để răn những kẻ làm tôi bất trung. Thái Tông nói : "Tội của Cự Đà đáng giết cả họ, nhưng đời xưa có việc Dương Châm không được ăn thịt dê đã làm cho quân nước Tống bị thua trận. Thế nên, trường hợp của Cự Đà ngày nay là lỗi của ta, vậy hãy tha cái chết, cho đánh giặc để chuộc lại lỗi lầm". (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

Trường hợp bề tôi phạm tội đã không trừng phạt mà còn tự nhận lỗi về phần mình, nếu không có đức độ khoan dung của một vị vua anh minh thì làm sao được như thế !

II. ĐỐI VỚI ĐẠO

  • Tinh cần

Dù ngồi trên ngôi báu, công việc triều chính bận rộn trăm bề, nhưng vua lúc nào cũng thao thức học hỏi để tìm con đường giải thoát theo lời ân cần dặn dò của Thiền sư Viên Chứng. Chính vua đã mô tả sự tinh tấn học đạo của mình trong bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam "Trong vòng mười năm, mỗi khi việc nước rảnh rỗi, Trẫm lại hội họp các bậc kỳ đức để tham Thiền học đạo. Các kinh điển của đại giáo thì không kinh nào là không nghiên cứu đến".

Không những vua lợi dụng lúc rảnh để nỗ lực học Phật mà ngay trong lúc bận trăm công nghìn việc, vua cũng tranh thủ thì giờ để học cả ngoại điển "Tuy một ngày trăm việc, cũng nhân lúc rảnh rang, chăm công việc, tiếc thì giờ, học càng thêm tiến. Một chữ đinh lo chưa biết đến, đêm canh hai còn gắng tìm xem, đã duyệt sách Nho lại xem kinh Phật".

Sức tinh chuyên của Thái Tông thật đáng làm một tấm gương sáng. Nhờ vậy vua đã có được một sở học khá uẩn súc, không những am tường tam giáo mà những kiến thức chính trị, xã hội, đương thời vua cũng đều quán triệt.

  • Cảnh tỉnh

Bằng sự chăm chỉ học hỏi không biết mỏi mệt, vua đã thâm nhập lý vô thường của Phật giáo nên đã tự mình cảnh tỉnh và cảnh tỉnh mọi người : "Mệnh tựa ngọn đèn trước gió, thân như bọt nước đầu ghềnh".

Cuộc đời mỏng manh như vậy mà người ta vẫn đắm chìm trong thanh sắc, không biết tỉnh ngộ : "Luôn khổ, mù mù mịt mịt nào biết nào hay, lẩn quẩn loanh quanh chẳng tỉnh chẳng ngộ. Hết thảy đều buông lung tâm ý chẳng ai nắm mũi lôi về".

Vì không tỉnh ngộ mà chúng sinh bị sinh tử triền miên : "Thông minh tài trí, tránh sao hạn lớn đến nơi, dũng lực oai hùng, khó trốn vô thường ập tới. Thiếp thuận, vợ trinh, trở thành niềm đau đứt ruột, anh nhường em kính vội nên ly biệt suốt đời".

Vậy hãy sớm thức tỉnh quay về ngôi nhà vĩnh cửu : "Cửa đệ nhất phải mau bước tới, nẻo Tam đồ chớ có lần đi, kíp quay đầu nhận lấy quê nhà, mở mắt tuệ chớ cam mộng hảo".

Thế mà biết bao kẻ :

"Lang thang làm khách phong trần mãi,

Ngày vắng xa quê vạn dặm trường".

Thử hỏi trong chúng ta đã mấy ai tìm được cõi quê hương đích thực của mình !

Những ai có một tấm lòng tinh thành tha thiết muốn tìm hiểu sự thật cuộc đời, hy vọng đạt được một chút thanh thản vĩnh hằng cho tâm hồn mình, chắc chắn sẽ nhận thấy những lời cảnh tỉnh trên đây của Trần Thái Tông mang đầy tính chất thuyết phục.

  • Cổ vũ

Không phải chỉ cảnh tỉnh mà thôi, Trần Thái Tông còn có tài cổ vũ rất khéo, khiến cho người ta phấn khởi nỗ lực hành đạo : "Những ai có mắt tinh đời, hãy sớm hồi tâm xem lại, cất mình vượt khỏi hang sống chết, dang tay xé toạc lưới ái ân. Chẳng nề trai gái, ai cũng nên tu, bất luận trí ngu đều có phần cả".

Thế thì phần của mỗi người là cái gì ? Đó là tính giác của chúng sinh : "Nào biết Bồ-đề giác tánh, ai nấy viên thành; hay đâu Bát-nhã thiện căn, người người đầy đủ".

Tuy tánh giác mỗi người sẵn có, nhưng từ vô thủy đến nay bị mây vô minh vọng tưởng che mờ, khi nào màn vô minh ấy tan biến, thì đỉnh núi Bồ-đề sẽ sừng sững hiện ra :

"Ai hay mây cuốn trời quang tạnh,

Hiện rõ chân trời dáng núi cao".

Cấu nhiễm phiền não một khi đã quét sạch thì giác tính Bồ-đề trở nên thanh tịnh, chừng ấy sẽ tùy cơ ứng biến, phát sinh những diệu dụng khôn lường : "Đạp đổ ma quân cung điện, mở toang ngoại đạo tâm can, biến trái đất làm vàng ròng cho quốc gia, khuấy sông dài thành sữa ngọt đãi trời người. Chuyển pháp luân thường trực trong lỗ mũi, hóa bảo tháp hiện thực dưới lông mi… khi gặp vũ trường liền diễn xuất, lúc thấy chỗ tốt lại nghỉ ngơi".

Nhờ nỗ lực tu học, Trần Thái Tông đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ. Và chính nhờ sức hoạt dụng của thành tựu ấy mà ông vừa cai trị, vừa hành đạo, vừa làm thơ, viết sách v.v… mọi việc đều viên dung tốt đẹp. Chúng ta đọc đến những lời cổ vũ nồng nhiệt của vua, như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, chắp thêm cánh bay cao.

    1. Lời văn đầy hình ảnh thi ca

Trần Thái Tông có sức học Phật sâu sắc, lại kiêm thông thế học; vua rất sở trường về lối văn biền ngẫu, những lời cảnh tỉnh và cổ vũ của vua mang đầy màu sắc và hình ảnh thi ca, có sức thu hút lạ lùng :

"Một trời sáng đẹp, thôn thôn liễu biếc hoa hồng,

Muôn dặm phong quang, xứ xứ oanh ca bướm lượn".

"Cuồn cuộn sự đời bao xiết kể,

Non đoài ác lặn nước về Đông".

Muôn vật sinh diệt thay đổi không ngừng, nhưng vẫn hàm tàng thể tánh vĩnh cửu bên trong :

"Hoa vàng rực rỡ, không đâu không là tâm Bát-nhã

Trúc biếc xanh xanh, hết thảy đều là lý chân như".

Chân lý ấy hiện hữu bàng bạc khắp cỏ cây sông núi :

"Ngàn sông có nước, ngàn sông trăng chiếu,

Muôn dặm không mây, muôn dặm trời xanh".

Ý tứ đã thâm trầm mà lời thơ lại óng mướt, đọc lên nghe phảng phất một hương thơm kỳ diệu, chúng ta có thể thưởng thức thêm hai câu thơ trong bài Niệm tụng kệ :

"Bóng trúc quét thềm bụi chẳng động,

Vầng trăng qua biển nước không xao".

Nghĩa lý dầu sâu sắc đến đâu mà lời văn khô khan thì cũng khó thâm nhập được lòng người; thế nên vua thường dùng những hình ảnh sinh động để chuyên chở các nghĩa lý sâu xa khó diễn tả :

"Thắp đuốc tuệ trên đường mê tăm tối,

Dong thuyền từ nơi bể khổ trầm luân".

Những khổ vui của cuộc đời, vua đã từng nếm trải bằng kinh nghiệm bản thân, nên khi phô diễn lời lẽ rất thống thiết, tựa hồ "máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy".

Vua đúng là mẫu người Ôn, Lương, Cung, Kiệm, Hiếu, Kính, Nhân, Từ đã hoàn thành xuất sắc cả hai trách nhiệm đời và đạo một cách viên dung, ngay trong lòng nhân thế.

Trần Thái Tông đã hấp thụ tinh hoa giáo lý đức Phật bằng chính hơi thở của hơi thở Việt Nam, trái tim của trái tim Việt Nam, tâm hồn của tâm hồn Việt Nam; nói chung là bằng cả con người của con người Việt Nam. Nhờ thâm nhập tinh thần vô ngã vị tha của đạo Phật, vua chấp nhận hy sinh tình yêu để nhận Thuận Thiên làm vợ, đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân, lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mìn. Vua lại thấm nhuần ý nghĩa "Hận thù không thể tiêu diệt được hận thù mà chỉ có tình thương mới tiêu diệt được hận thù", nên đã bao dung Trần Liễu, khoan hồng Hoàng Cự Đà, cảm thông với Trần Thủ Độ.

Trần Thái Tông không những là một cây đuốc sáng của Thiền học Việt Nam, mà còn là một trong những vị vua khai sáng một triều đại có sự nghiệp chính trị và võ bị hiển hách nhất trong lịch sử nước ta.

-- o0o --

Vi tính : Hải Hạnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 8996)
Hòa thượng Khánh Hòa thế danh Lê Khánh Hòa, Pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa, sinh năm Mậu Thân (1877) tại làng Phú Lễ, tổng Bảo Trị, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
09/04/2013(Xem: 7571)
Hòa thượng Thích Hưng Từ, thế danh Bùi Vạn Anh, sinh ngày mùng 1 tháng 8 năm Tân Hợi ( 1911 ) tại làng Bình Hòa, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài sinh trong một gia đình có truyền thống đạo Phật. Thân phụ là cụ Bùi Thế Vĩ, pháp danh Như chơn, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Biểu, pháp danh là Thị Bửu. Từ nhỏ Ngài được song thân giáo dục trong tinh thần từ bi và chan chứa đức hỷ xả của Phật, nên Ngài sớm mộ cửa Thiền.
09/04/2013(Xem: 7063)
Hòa thượng Huệ Quang, thế danh Nguyễn Văn Ân sing năm 1888 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, sau theo mẹ về Trà Vinh. Năm 1902,Ngài xin xuất gia vào chùa Long Thành ở Trà Cú được Hòa thượng Thiện Trí mến thương đặt danh pháp là Thiện Hải. Ngoài giờ học Phật pháp, Ngài lại được Hòa thượng cho học thêm y học.
09/04/2013(Xem: 7165)
Hòa thượng Thích Phúc Hộ, thế danh là Huỳnh Văn Nghĩa, sinh ngày 24 tháng 7 năm Giáp Thìn (1904) đời vua Thành Thái năm thứ 16 tại làng Triều Sơn, xã Xuân Thọ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Song thân của Ngài là cụ ông Huỳnh Trung và cụ bà Trần Thị Nho.
09/04/2013(Xem: 8015)
Chùa Thập Tháp là một trong số các ngôi tổ đình nổi tiếng của đất Bình Định Nếu như ở thời kỳ khởi đầu, ngôi tổ đình ấy được chú ý nhiều vì vị khai sơn là Thiền sư Nguyên Thiều - người có công lớn trong sứ mạng truyền bá Phật giáo ở Đàng Trong thời Nam Bắc phân tranh, hậu bán thế kỷ 17 ; thì vào thời hiện đại, tổ đình Thập Tháp được cả nước biết đến vì sự có mặt của Quốc sư Phước Huệ (1869-1945).
09/04/2013(Xem: 8158)
Ngài đã nêu cao tinh thần Bi, Trí, Dũng phục vụ chúng sinh, cống hiến trọn vẹn đời mình cho sự nghiệp chung của đạo pháp và dân tộc Việt Nam. Hòa thượng Thích Trừng San, pháp tự Minh Hiền, hiệu Hải Tuệ, thế danh Nguyễn San sau đổi là Trần Văn Lâu, nối pháp đời thứ 42 dòng Lâm Tế Liễu Quán. Ngài sinh năm Nhâm Tuất (1922), tại thôn Phú Khánh, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Năm lên 8 tuổi, được song thân cho xuất gia học đạo với Hòa thượng Phổ Hiện, tại chùa Khánh Long, Diên Khánh. Sau khi Bổn sư viên tịch, Ngài y chỉ với Hòa thượng Chánh Ký, kế vị trụ trì chùa Khánh Long. Năm 1943 được y chỉ sư gửi đến thọ giáo với Hòa thượng Bích Không, trụ trì chùa Hải Đức (Nha Trang).
09/04/2013(Xem: 10450)
Hòa thượng Giới Nghiêm thế danh là Nguyễn Đình Trấn, sinh ngày 5 tháng 5 năm 1921, tại làng Gia Lê Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Phú, tỉnh Thừa Thiên - Huế. ngài xuất thân trong một gia đình gồm ba anh em, có tinh thần yêu nước và có truyền thống đạo đức lâu đời. Ông nội là bậc xuất gia, cha là Hòa Thượng Quang Diệu, chú cũng xuất gia, bác là Hòa thượng Phước Duyên.
09/04/2013(Xem: 6834)
Hòa thượng pháp danh Thị An, pháp tự Hành Trụ, pháp hiệu Phước Bình, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42. Ngài thế danh là Lê An, sinh năm 1904 trong một gia đình trung nông tại làng Phương Lưu, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Thân phụ là cụ Lê Uyển, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Sử. Ông Bà có bốn người con, cả ba người con trai đều xuất gia đầu Phật.
09/04/2013(Xem: 11592)
Hòa thượng pháp hiệu Thích-Thiện-Hòa, thế danh Hứa-Khắc-Lợi sanh năm 1907 tại làng Tân-Nhựt Chợ Lớn. Ngài sinh trong gia đình trung lưu phúc hậu, thân phụ là Hứa-hắc-Tài, thân mẫu là Nguyễn-Thị-Giáp. Gia đình cả thảy bảy anh em : ba nam, bốn nữ, Ngài là người thứ bảy. Vì người thứ tám mất sớm nên Ngài được coi là con út.
09/04/2013(Xem: 6343)
Hòa thượng pháp danh Trí Độ, hiệu Hồng Chân, thế danh Lê Kim Ba, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1894 tại thôn Phổ Trạch, xã Kỳ Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sinh ra trong một gia đình Nho học, lúc thiếu thời Ngài học chữ Nho và năm 18 tuổi học trường Sư phạm. Vì thế mà sở học rất uyên thâm, thêm lòng mến mộ đạo Phật, Ngài đi sâu vào nghiên cứu giáo lý và trở thành một vị học Phật lỗi lạc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]