Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa Thượng Thích Huyền Quang

09/04/201319:13(Xem: 14851)
Hòa Thượng Thích Huyền Quang

 hthuyenquang



TIỂU SỬ VÀ CÔNG HẠNH
CỦA ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH HUYỀN QUANG,
ĐỆ TỨ TĂNG THỐNG
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

 

Kính bạch chư tôn đức Tăng, Ni,

Kính thưa quý liệt vị, 

          Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang thế danh là Lê Đình Nhàn, sinh năm Canh Thân, ngày 19-9-1920 (tức ngày mồng 8 tháng 8 năm Canh Thân), quê thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Lê Vỵ pháp danh Như Hương, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Tư pháp danh Như Tâm cùng ở làng Háo Đức.

          Ngài vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội và thân phụ của Ngài cũng là người Nho gia nổi tiếng trong vùng. Nhờ vậy, từ lúc còn bé Ngài đã theo Ông nội và thân phụ học chữ Nho, tuổi còn nhỏ nhưng học đâu nhớ đó và Ngài được nổi tiếng là thông minh có trí nhớ siêu việt.

          Năm 1934:  Vì thấy tư chất thông minh của Ngài, cụ thân sinh cho Ngài đến Chùa Vĩnh Khánh học thuốc Đông y với Cố Hòa Thượng thượng Chơn hạ Đạo, hiệu Chí Tâm, là một vị Đông y nổi tiếng. Hòa Thượng thấy Ngài có khả năng chữ Nho giỏi lại viết chữ đẹp, thông tuệ khác thường nên không dạy thuốc lại dạy Kinh Luật, rồi cho Ngài xuất gia quy y Tam Bảo.

          Năm 1935: Ngài đầu giáo với Cố Hòa Thượng thượng Chơn hạ Đạo cho pháp danh Như An, pháp tự Giải Hòa, Ngài thọ Sa Di Giới tại đại giới đàn năm 1935 và đậu thủ khoa trong tập chúng, cũng trong năm này Bổn Sư của Ngài là Hòa Thượng thượng Chơn hạ Đạo viên tịch ngày 30-9-1935.

          Năm 1937: Ngài đầu giáo với Hòa Thượng thượng Chơn hạ Giám, hiệu Trí Hải trụ trì Chùa Bích Liên làm Bổn Sư và được phú pháp hiệu Huyền Quang, pháp danh Ngọc Tân, pháp tự Tịnh Bạch. Ngài được thọ Giới Cụ Túc tại giới đàn Chùa Hưng Khánh thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, do Hòa Thượng thượng Chơn hạ Hương, hiệu Chí Bảo làm đường đầu. Lúc này Ngài chưa đủ tuổi để thọ giới nhưng vì với tư chất thông minh đặc biệt nên ban kiến đàn đã cho đặc cách miễn tuổi để Ngài thọ Cụ Túc Giới và Bồ Tát Giới. Kỳ khảo hạch giới tử lần này Ngài cũng đứng đầu trong chúng (đậu thủ khoa). Bắt đầu từ đó Ngài lấy pháp hiệu Thích Huyền Quang làm danh xưng phổ thông.

          Năm 1938-1945: Ngài theo học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, tỉnh Trà Vinh. Sau khi học xong Ngài ra Huế học với Hòa Thượng Trí Độ. Lúc bấy giờ là Phật Học Đường Chùa Báo Quốc, đồng học với Ngài có quý Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, v.v… Vào mùa hè năm 1945 Ngài về quê nghỉ hè, định sau rằm tháng 7 ra học lại, nhưng bị kẹt chiến tranh, lúc đó Nhật đổ bộ đe dọa tại Sa Huỳnh, nên không đi được. Vậy là chuyến ra Huế học của Ngài bị hoãn lại.

Tháng 8-1945 Ngài tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và thành lập Phật giáo Cứu Quốc Liên khu 5, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Lúc bấy giờ Phật Giáo Cứu Quốc Liên Khu 5 tổ chức hàng ngũ quy mô và quản lý chặt chẽ, vì nguyên nhân đó mà chính quyền Việt Minh lâm thời nghi kỵ và theo dõi Ngài. Năm 1951 vì chống đối chính sách can thiệp vào nội bộ Phật Giáo của Việt Minh cho nên, ngài đã bị bắt và an trí ở Phù Mỹ, rồi Sơn Tịnh, tỉnh Quãng Ngãi, cho đến trước Hiệp Định Geneve (ngày 20 tháng 7 năm 1954) một tháng ngài mới được thả tự do.

          Năm 1955: Ngài hướng dẫn đoàn Tăng sinh Bình Định vào Phật học đường Chùa Long Sơn, Nha Trang, gồm 12 vị đó là quý Hòa Thượng: Thích Đồng Thiện, Thích Đổng Minh, Thích Đổng Quán, Thích Đồng Từ, Thích Tâm Hiện, Thích Liễu Không, Thích Nguyên Trạch, Thích Đổng Tánh, Thích từ Hạnh, Thích Thiện Nhơn, Thích Thiện Duyên và Thích Tâm Lâm. Cũng từ năm 1955 đến 1957, Ngài được thỉnh cứ làm Giám Đốc Phật Học Đường này thay thế vị tiền nhiệm là Ngài Thích Định Tuệ.  Do sự phát triển, từ năm 1957, Phật Học Đường Long Sơn Nha Trang và Phật Học Đường Báo Quốc Huế hợp nhất thành Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức Nha Trang, nơi đào tạo Tăng tài cho cả nước.      

Năm 1958, cùng với chư Tăng Bình Định, Ngài khai sơn Tu Viện Nguyên Thiều và thành lập Phật học viện Nguyên Thiều. Từ đó, Ngài giữ vai trò Giám Viện cho đến cuối đời.

Năm 1962: Ngài làm phó Hội Trưởng Hội Phật Học Trung Phần kiêm Hội Trưởng Hội Phật giáo Thừa Thiên, Huế.

          Năm 1963: Ngài tham gia cuộc vận động cho quyền bình đẳng tôn giáo dưới chế độ của tổng thống Ngô Đình Diệm và đòi hỏi yêu sách xóa bỏ Dụ số 10 (Dụ số 10 quy Phật giáo là một hiệp hội như thế tục). Lúc bấy giờ Ủy ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo ra đời, lãnh đạo tối cao của cuộc vận động này là Đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, Hòa Thượng Thích Tâm Châu làm Chủ Tịch, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh làm phó chủ tịch và Ngài làm Tổng Thư Ký kiêm trưởng khối soạn tài liệu đấu tranh phổ biến ra toàn quốc. Chính quyền của tổng thống Ngô Đình Diệm vì muốn dập tắt cuộc vận động nên đã tấn công vào các chùa chiền và bắt hầu hết Tăng, Ni trong đêm ngày 20-08-1963. Ngài cũng bị bắt trong biến cố này, mãi đến ngày 01-11-1963 Ngài mới được thả tự do.

          Ngày 31-12-1963 đến ngày 04-01-1964 Đại Hội Phật giáo toàn quốc tổ chức tại thành phố Sài Gòn, qua đại hội này GHPGVNTN ra đời. Ngài được cung thỉnh vào chức vụ Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ.

          Năm 1964: Ngài đến thủ đô Thái Lan để thăm viếng và tiếp xúc một số Chùa Việt Nam nhân chuyến hành hương các thánh tích, thắng cảnh của Phật giáo Thái Lan.

          Năm 1970: Ngài đại diện Viện Hóa Đạo tham dự Đại Hội Các Tôn Giáo Thế Giới vì hòa bình lần thứ nhất tại Nhật Bản.

          Năm 1971: Ngài hành hương Ấn Độ, chiêm bái các Phật tích.

          Năm 1972: Ngài tham dự Đại hội Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới tại Geneve, Thụy Sỹ.

          Năm 1973: Ngài đi Thái Lan gặp đại diện GHPGVNTN hải ngoại để bàn các việc tái thiết Việt Nam sau khi hòa bình.

          Đại hội kỳ 6 của GHPGVNTN, tổ chức vào ngày 27-12-1974, Ngài được cung thỉnh vào chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo.

          Năm 1975-1978: Với tư cách Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Ngài cho tiến hành điều tra và phúc trình các vụ bắt bớ, chiếm dụng chùa chiền và cơ sở Giáo Hội một cách trái phép, phá hủy các tượng Phật, các di tích Phật Giáo của chính quyền Cộng Sản Việt Nam.

          Ngày 06-04-1977, Ngài bị bắt cùng lúc với Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Thích Thuyền Ấn, và Cố HT Thích Thông Bửu, v.v… và bị biệt giam tại nhà số 4 Phan Đăng Lưu quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Sau 18 tháng tù, Ngài bị đưa ra tòa xét xử, kêu án 2 năm và quản chế tại chỗ.

Dù bị quản thúc, Ngài vẫn cùng với các vị Hòa Thượng lãnh đạo trong Viện Hóa Đạo cương quyết phản đối việc chính quyền Cộng Sản Việt Nam cho thành lập GHPGVN. Vì vậy Ngài bị chính quyền Cộng Sản bắt ngày 25-02-1982 rồi trục xuất khỏi thành phố Sài Gòn để đưa về an trí tại Chùa Hội Phước, tỉnh Nghĩa Bình, còn Hòa Thượng Thích Quảng Độ thì bị đưa đi an trí tại tỉnh Thái Bình. Tại Nghĩa Bình, Ngài đã bị án lệnh: Cấm hành nghề tôn giáo, cấm phiên dịch kinh và các nghề nghiệp khác.

          Năm 1983-1995: Ngài chí thành đọc toàn bộ Đại Tạng Kinh, tính trước sau trong vòng 16 năm, vì trước đó, lúc còn ở Sài Gòn, Ngài đã bắt đầu đọc và nghiên cứu Đại Tạng Kinh.

          Ngày 23 tháng 4 năm 1992: Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu viên tịch. Ngài xin chính quyền Quảng Ngãi ra Huế dự lễ tang, nhưng chính quyền Quảng Ngãi không cho Ngài đi. Ngài tuyên bố! “Nếu nhà cầm quyền Quảng Ngãi không cho tôi đi dự tang lễ, tôi sẽ tuyệt thực vô thời hạn và sẵn sàng cúng dường thân này lên Chư Phật và tạ lỗi lên Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, vì tôi đã không làm tròn nhiệm vụ mà Hòa Thượng giao phó”. Chính quyền nghe Ngài tuyên bố như vậy nên đành để Ngài đi. Tại tang lễ này, Hòa Thượng Thích Nhật Liên, là trưởng tử của Cố Hòa Thượng Đệ Tam Tăng Thống  đã trao lại cho Ngài ấn tín của Giáo Hội và lời di chúc của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Đứng trước Kim quan Đức Đệ Tam Tăng Thống, Ngài dâng lời tác bạch, thể hiện nội dung đầy đạo tình đối với bậc lãnh đạo tối cao của Giáo Hội và trình bày khẩn thiết tâm nguyện phục hồi GHPGVNTN.  Lời tác bạch có đoạn Ngài viết như sau: “Dầu có muôn ngàn khó khăn đi nữa, con vẫn không bao giờ chùn bước, quyết đòi hỏi nhà nước phải để GHPGVNTN phục hồi và được sinh hoạt bình thường như trước năm 1975”. Qua sự kiện này đã gây được sự phấn khích đối với Chư Tôn Đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước, khởi đầu cho cuộc vận động đòi hỏi quyền sinh hoạt tự do tôn giáo, trong đó có sự phục hoạt GHPGVNTN.

Cũng theo di huấn của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và Hiến Chương của Giáo Hội, Ngài đã tiếp tục Phật sự trong cương vị là Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Xử Lý viện Tăng Thống.

Trở về Quảng Ngãi sau khi nhận di chúc và ấn tín ủy thác Giáo Hội của Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Ngày 25 tháng 6 năm 1992, Ngài viết yêu sách 9 điểm gởi các cơ quan cao nhất của chính quyền Cộng Sản Việt Nam nhằm mục đích nói lên thảm trạng của GHPGVNTN đang bị nhà nước Cộn Sản đàn áp, khủng bố các hàng giáo phẩm của Giáo Hội và các Phật tử trong nước. Lên án đảng, nhà nước lập ra GHPGVN làm công cụ chính trị chia rẽ nền Phật giáo dân tộc.  

Sau đó liên tục nhiều năm, Ngài viết tuyên cáo gởi cho nhà cầm quyền Việt Nam phô bày những sai lầm nghiêm trọng mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã gây ra cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam; viết tâm thư kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử nổ lực hy sinh gian khó để bảo vệ chánh pháp, phục hoạt Giáo Hội; viết Bản tự Thuật để nói lên hành trạnh sinh hoạt của Ngài đã bị nhà nước Cộng Sản đối sử bất công tệ hại trong kháng chiến chống Pháp và sau 1975. Tất cả các văn bản này Ngài  đều gởi trung ương chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Nhưng không được nhà nước hồi đáp.

Do các văn kiện đó mà nhà nước Cộng Sản Việt Nam càng ngày càng nổ lực khống chế, khủng bố tinh vi đối với bản thân Ngài và Chư Tôn giáo phẩm Tăng Ni của Giáo Hội.

Ngày 05-11-1994: Ngài bị chính quyền Quảng Ngãi dời chỗ ở từ Chùa Hội Phước thị xã Quảng Ngãi lên Chùa Quang Phước huyện Nghĩa Hành là một miền núi xa sôi để họ dễ quản lý hơn. Lúc này Ngài bị sự quản thúc khắc khe và khó khăn về mọi mặt.  Trong thời gian ở Chùa Quang Phước Ngài đã soạn hoàn tất bộ Pháp Sự Khoa Nghi và dịch một số kinh khác nữa.

Tháng 3-2003, vì bị khối u gần mắt Ngài được nhà nước cho phép ra Hà Nội để chữa bệnh. Nhân thời gian này Ngài có dịp tiếp kiến thủ tướng Phan Văn Khải vào ngày 02-04-2003. Trong cuộc gặp trực tiếp giữa Ngài và thủ tướng, Ngài yêu cầu chính phủ giải quyết về sự đình chỉ sinh hoạt của GHPGVNTN gần 30 năm qua, sự quản chế của Ngài và Hòa Thượng Thích Quảng Độ cùng một số Tăng Ni Phật tử khác. Nhưng thủ tướng không đáp ứng được những yêu cầu của Ngài.

Ngày 02-05-2003: Ngài thực hiện chuyến viếng thăm Sài Gòn, trong thời gian này với mục đích thẩm định quan điểm quần chúng và Tăng Ni Phật tử đối với GHPGVNTN như thế nào. Qua chuyến thăm viếng này Ngài nhận định rằng: “Tinh thần Tăng Ni Phật tử vẫn còn niềm tin ở GHPGVNTN mặc dù gần 30 năm Giáo Hội không sinh hoạt”. Rồi Ngài trở về Tu Viện Nguyên Thiều đúng ngày Phật Đản 14-04 Quý Mùi (2003).

Tại Tu Viện Nguyên Thiều thời gian cuối đời, tuy tuổi già sức yếu nhưng lúc nào Ngài cũng thao thức cho tiền đồ Phật giáo, nên Ngài đã vận động Chư Sơn thành lập ban trích lục Đại Tạng Kinh để làm công tác phiên dịch và dự định xây một trường Đại học Phật giáo tại Tu Viện Nguyên Thiều. Nhưng vì hoàn cảnh Giáo Hội chưa phục hoạt và bản thân Ngài chưa được tự do, nên trong thời điểm này bản nguyện của Ngài không thực hiện được.

Vào cuối tháng 9 năm 2003, phái đoàn của Viện Hóa Đạo do Hòa thượng Thích Quảng Độ dẫn đầu ra thăm Ngài tại Tu Viện Nguyên Thiều. Trong khi đó chư vị Hòa Thượng, Thượng Tọa ở Huế và các tỉnh khác cũng đồng đến Tu Viện Nguyên Thiều với mục đích thăm Ngài và thưa thỉnh việc củng cố nhân sự Hội Đồng Lưỡng Viện trong mục đích phục hoạt lại Giáo Hội. Kết quả ngày 01-10-2003 (tháng 9 năm Quý Mùi âm lịch) Ngài và Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã tổ chức được Đại Hội với danh xưng là Đại Hội Bất Thường GHPGVNTN tại Tu Viện Nguyên Thiều. Đại Hội này thành công một cách tốt đẹp. Sau Đại Hội Bất Thường này Ngài và Hòa Thượng Thích Quảng Độ bị nhà nước gây khó dễ không ít. Riêng Hòa Thượng Thích Quảng Độ và phái đoàn bị áp lực của chính quyền phải trở về Sài Gòn vào ngày 08-10-2003. Nhân sự kiện này, Hòa Thượng Thích Quảng Độ mời Ngài vào Sài Gòn để chửa bệnh và triển khai các Phật sự của Giáo Hội, nhưng khi xe vừa ra khỏi Tu Viện thì bị các cơ quan nhà nước tỉnh Bình Định gây cản trở. Ngài cũng bị dẫn độ cùng với 2 thị giả về huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định lúc 13 giờ ngày 09-10-2003, quan chức công an tỉnh Bình Định thay phiên hỏi cung đến khi Ngài kiệt sức mới đưa về Tu Viện Nguyên Thiều vào lúc 23 giờ 30 phút khuya cùng ngày. Từ thời điểm này, Tu Viện Nguyên Thiều gần như bị phong tỏa, bản thân của Ngài cũng như tất cả quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni Phật tử tham gia vào GHPGVNTN đều bị theo dõi chặt chẽ.

Sau Đại hội Bất Thường tại Tu Viện Nguyên Thiều ngày 01-10-2003, Ngài cùng Hòa Thượng Thích Quảng Độ ủy thác cho các GHPGVNTNHN  tổ chức Đại Hội Bất Thường GHPGVNTN tại hải ngoại. Thừa hành ý chỉ này, chư tôn đức Giáo Phẩm Tăng Ni và Phật tử lãnh đạo GHPGVNTN hải ngoại đã tổ chức Đại Hội Bất Thường mở rộng tại Tu Viện Quảng Đức thành phố Melbourne Úc Châu, ngày 10/12-10-2003. Chính Đại hội này công bố đầy đủ nhân sự lãnh đạo Giáo Hội trong nước và hải ngoại. Cũng trong Đại Hội này, toàn thể Tăng, Ni và Phật tử hải ngoại suy tôn Ngài lên ngôi vị Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN. (xem hình).

Ngày 29 tháng 9 năm 2006, Ngài bị suy tim, nên chư Tăng tại Tu Viện Nguyên Thiều đã đưa Ngài vào bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn để chữa bệnh.  Trong thời gian này, Hòa Thượng Thích Quảng Độ và chư vị giáo phẩm trong Viện Hóa Đạo đã thường xuyên thân cận chăm sóc cho Ngài.

Ngày 16 tháng 10 năm 2006, vì bệnh tình đã thuyên giảm, nên Ngài được bệnh viện cho phép xuất viện.  Chư Tăng trong Viện Hóa Đạo đã đưa Ngài về an tịnh tại Chùa Giác Hoa.  Không bao lâu sau đó Ngài đã trở về lại Tu Viện Nguyên Thiều, Bình Định.

Kể từ sau khi trở về lại Tu viện Nguyên Thiều, mỗi ngày hai thời, Ngài lên tháp chuông của Tu Viện để thỉnh chung cầu nguyện quốc thái dân an và chúng sinh tỉnh ngộ.

Ngày 27 tháng 5 năm 2008, vì bệnh tim tái phát, lại trong phổi có nước, nên Ngài đã được đưa vào Bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, để điều trị.  Dù chư tôn đức Tăng, Ni của Viện Hóa Đạo và Tu viện Nguyên Thiều, cũng như  các bác sĩ tại bệnh viện đã hết lòng chăm sóc và chữa trị, nhưng như cỗ xe đã già cỗi, thân tứ đại suy kiệt vì tuổi đời đã cao, bệnh hoạn thường xuyên, cho nên sức khỏe của Ngài không thể bình phục. 

Biết trước không tránh khỏi cơn vô thường, Ngài đã tỏ ý muốn về lại Tu Viện Nguyên Thiều để an tịnh. Ngày 4 tháng 7 năm 2008, lúc  3 giờ chiều, Hòa Thượng Thích Quảng Độ cùng chư tôn giáo phẩm Viện Hóa Đạo và môn đồ pháp quyến đã cung đón Ngài về lại Tu Viện Nguyên Thiều. 

Đến 1 giờ 15 phút chiều ngày 5 tháng 7 năm 2008, Ngài đã an nhiên thâu thầu thị tịch tại Phương Trượng Tu Viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định.  Ngài trụ thế 89 năm và 69 hạ lạp.

Dù bận rộn Phật sự của Giáo Hội, Ngài vẫn không quên thường xuyên thực hiện hai tâm nguyện mà xem là trọng đại trong sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp để cứu khổ sinh dân.  Đó là: mở trường lớp để dạy dỗ Tăng, Ni hầu ươm mầm tương lai cho đạo pháp, và phiên dịch trước tác kinh luật luận và giáo nghĩa phật học để truyền bá giáo lý thậm thâm vi diệu của đức Thế Tôn.

Chính vì tâm nguyện đó, mà Ngài đã tinh cần tụng đọc toàn bộ Đại Tạng Kinh trong suốt mười mấy năm lao tù và quản chế. Đồng thời Ngài đã phiên dịch và trước tác nhiều tác phẩm như:

- Thiền Môn Chánh Độ,
- Sư tăng và Thế nhơn,
- Nghi cúng chư Tổ và Chư vị Cao Tăng,
- Đạo Tràng Công Văn Tân Soạn,
- Thiếu Thất Lục Môn,
- Phật Pháp Hàm Thụ,
-  Pháp Sự Khoa Nghi,
-  Nghi Thức Cúng Giao Thừa,
-  Phật Pháp Áp Dụng Trong Đời Sống Hằng ngày, v,v…

Suốt cuộc đời thị hiện trên thế gian tròn 89 năm, Cố Đại Lão Hòa Thượng Đệ Tứ Tăng Thống đã thể hiện trọn vẹn công hạnh xuất trần thượng sĩ và cứu khổ quần sinh của một vị Bồ tát.  Ngài đã đem thân mạng ra để gánh chịu bao khổ não thay cho dân tộc và Phật Giáo Việt Nam. 

          Với nếp sống giản dị, thanh bần, với tâm lượng bao dung khoáng đạt, với chí nguyện cao cả thiêng liêng, với trí tuệ mẫn duệ sâu sắc, Ngài là một nhà lãnh đạo vừa đắc nhân tâm, vừa bản lãnh và sáng suốt.  Với biển học mênh mông và tầm nhìn thấu triệt mọi sự, với giới hạnh trang nghiêm, Ngài là bậc cao Tăng thạc đức hy hữu trong chốn thiền lâm mà hàng trăm năm không dễ có được.

          Ngài ra đi, môn đồ pháp quyến mất một vị Thầy tôn kính, Giáo Hội mất một nhà lãnh đạo tối cao tài đức vẹn toàn, Phật Giáo Việt Nam mất một bậc cao Tăng làm chỗ dựa cho bao nhiêu Tăng, Ni và Phật tử. 

Dù biết rằng, sinh tử như phù vân, bậc thượng sĩ đến đi như cánh nhạn giữa trời xanh bát ngát, nhưng làm sao chúng ta tránh khỏi sự tiếc thương vô hạn đối với một bậc Thầy tôn kính hiếm khi xuất hiện giữa thế gian.

          Chúng con xin hướng về Tu Viện Nguyên Thiều, nơi nhục thân Ngài còn được tôn trí, cuối đầu đảnh lễ Giác Linh Cố Đại Lão Hòa Thượng Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN thượng Huyền hạ Quang.  Nguyện Ngài từ bi bất xả bổn thệ hồi nhập ta bà để tiếp tục giáo hóa chúng sinh.

Nam Mô tự Lâm Tế chánh tông  tứ thập nhất thế, Nguyên Thiều Tu Viện Khai Sơn Phương Trượng, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Đệ Tứ Tăng Thống, húy thượng Như hạ An, tự Giải Hòa, hiệu Huyền Quang Đại Lão Hòa Thượng Giác linh.   

  

Môn Đồ Hiếu Quyến
(đồng kính soạn)




Le huy nhat HT Huyen Quang

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/12/2010(Xem: 5714)
Viết về cụ Nguyễn Du mà chúng ta không nói đến lòng thương vô hạn của cụ đối với chính mình đối với tha nhân, đối với xã hội thì đó là một vấn đề thiếu sót; viết về Nguyễn Du mà không nói đến Phật giáo thì đó cũng là một thiếu sót quang trọng, vì toàn bộ sự nghiệp văn thơ của cụ đều phát xuất từ hai quan điểm này để từ đó cụ gởi gắm tâm sự của cụ lại cho người hậu thế.
27/12/2010(Xem: 6307)
Vị thầy người Nhật của tôi đã ra đi năm ngoái, quá trẻ, quá sớm. Bà chỉ mới năm mươi bốn tuổi, và không có ai để truyền thừa Pháp. Bà chỉ có năm người đệ tử sống cùng bà trong những năm gần đây. Tôi, năm mươi sáu tuổi, nhưng lại là đệ tử mới nhất của bà, mà lại là nam đệ tử. Tôi ở với một nhóm nhỏ đệ tử người Tây phương chỉ mới được mười năm nay, trong khi người nữ đệ tử trẻ tuổi nhất cũng đã có mười lăm năm theo học với bà. Do vị thế ưu tiên của việc “sống lâu lên lão làng” trong tăng đoàn nhỏ bé của chúng tôi, mà các vị nữ đệ tử trẻ này tha hồ chế ngạo cái đầu không tóc, và việc gia nhập tăng chúng muộn màng của tôi. Tôi không màng điều đó chút nào, vì từ những ngày đầu, tôi đã rất hạnh phúc được thân cận “roshi” của tôi, với lòng tin tưởng rằng sự gần gủi, tiếp xúc hằng ngày với bà có thể giúp tôi đi đến ngưỡng cửa tiếp cận tâm linh, nơi ma
24/12/2010(Xem: 8103)
Đại lễ đặt dưới sự chứng minh tối cao của: Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh GHPG Việt Nam, trú trì Tổ đình Tường Vân – Huế, Trưởng lão Hòa thượng Thích khả Tấn, Thành viên Hội đồng chứng minh GHPG Việt Nam, Giáo phẩm chứng minh BTS GHPG tỉnh Thừa Thiên – Huế, Giáo phẩm chứng minh Môn phái tổ đình Tây Thiên – Huế, trú trì chùa Giác Lâm – Huế. Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Phương, Phó chủ tịch HĐTS Trung ương GHPG Việt Nam, Trưởng ban Trị sự GHPG tỉnh Thừa Thiên – Huế, trú trì Diệu Đế quốc tự, Lam Sơn và Tra Am – Huế. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Thành viên Hội đồng chứng minh GHPG Việt Nam, Ủy viên thường Trực HĐTS Trung ương GHPG Việt Nam, Trưởng ban Hướng dẫn nam nữ cư sĩ Phật tử trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPG tỉnh Quảng Nam, trú trì chùa Đạo Nguyên Tam Kỳ - Quảng Nam. Chư tôn đức trong thường trực BTS GHPG tỉnh Thừa Thiên – Huế, chư tôn đức đại diện các môn phái Tổ đình trong tỉnh Thừa Thiên – Huế, chư tôn đức trú trì các
24/12/2010(Xem: 4915)
Niên Biểu Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký, Xử lý Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Đệ Tam Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
24/12/2010(Xem: 7690)
Được sự hoan hỷ chấp thuận của Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ mọi mặt của quý cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và mặt trận, Ban Hướng Dẫn Phật Tử Tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Hội Thảo Hướng Dẫn Phật Tử và Đại Lễ Trai Đàn Truy Niệm Tiền Hậu Công Đức, Sáng Lập Hội Viên, Khuôn Trưởng, Trưởng Ban Hộ Tự, Hội Viên Thiện Nam Tín Nữ, Cư Sĩ Phật Tử, Gia Trưởng, Huynh Trưởng, Đoàn Sinh Gia Đình Phật tử trong tỉnh Thừa Thiên Huế và tưởng niệm Cầu Siêu quá cố Chư vị huynh trưởng nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Trước hết, thay mặt Ban Hướng Dẫn Phật Tử tỉnh và Ban Tổ Chức Đại lễ chúng con thành kính đảnh lễ niệm ân Chư Tôn Giáo Phẩm Hội Đồng Chứng Minh, Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Chư Tôn Giáo Phẩm, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni. Kính lời chào mừng nồng nhiệt đến chư vị quý khách lãnh đạo các cấp, quý vị nhân sĩ trí thức và toàn thể đồng bào Phật tử các giới. Cung chúc Chư Tôn Giáo Phẩm, Chư Tôn Đức Tăng Ni thế tuế thọ t
19/12/2010(Xem: 11105)
Phật Giáo và A-dục Vương. K. R. Norman (Nguyên Tâm dịch) Hoàng đế Asoka, Con người của hòa bình và tình nhân bản. Minh Chi Đại đế Asoka và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Thích Quảng Đại Đại đế Asoka Maurya và những pháp dụ khắc trên đá Trần Trúc-Lâm Hoàng đế Asoka giã từ chinh chiến với nỗi thống khổ của người thắng trận. Trần Hương Lan Trường ca Kalinga. Trúc Thiê
19/12/2010(Xem: 18803)
Nhiều thế kỷ trước, một vị vua đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam hai lần đẩy lui quân Mông Cổ xâm lăng. Một hôm, vào năm 1293, vị vua anh hùng này đã rời ngôi vua...
18/12/2010(Xem: 17371)
Từ thơ ấu, Tuệ Trung đã được khen là thông minh và dịu dàng. Giữ chức Thống Đốc Hồng Lô (bây giờ là tỉnh Hải Dương), ngài đã hai lần đẩy lui quân Mông Cổ xâm lược, và được thăng chức Tiết Độ Sứ trấn cửa biển Thái Bình.
17/12/2010(Xem: 7018)
.Thế là đại hạn đến rồi ! - Giường hạc canh thâu (1) phút mộng tàn, Nghìn thu vĩnh biệt nẻo nhơn gian ! .Thật vậy! - Hóa thân Báo xả siêu sinh tử, Chân tánh quang thu nhập Niết bàn. .Tuy nhiên - Chết chẳng sợ sa đường địa ngục Sống không ham đến ngõ Thiên đàng. Thế thì Người đi đâu ? - Cân bình nửa gánh về quê Phật, Để lại trần gian ngọn Pháp tràng !
17/12/2010(Xem: 8361)
NGHI BÁO TIẾN CÚNG DƯỜNG HÚY KỴ HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC TÁNH TRỤ TRÌ TỔ ĐÌNH THIÊN ĐỨC (Mùng 04 - tháng Giêng - ÂL)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]