Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

48. Thầy tôi (bài viết của Bác Sĩ Trương Ngọc Thanh viết kính dâng đến Hòa Thượng Thích Như Điển

17/06/201408:14(Xem: 18416)
48. Thầy tôi (bài viết của Bác Sĩ Trương Ngọc Thanh viết kính dâng đến Hòa Thượng Thích Như Điển

ht-nhudien2

48. Thầy tôi
(bài viết của Bác Sĩ Trương Ngọc Thanh
viết kính dâng đến Hòa Thượng Thích Như Điển0




Buổi sáng tháng năm đến thật nhẹ, vẫn còn cái se lạnh của những ngày đầu xuân.

Đêm qua tôi cũng về chùa dự lễ như bao lần. Đêm văn nghệ với những cô bé thật dễ thương và duyên dáng trong quốc phục Kimono với vũ khúc thần tiên của xứ Phù Tang đã làm gợi nhớ về một người Tu Sĩ xứ Quảng của những tháng năm thật xa xưa.

Ngày ấy Thầy đã rời bỏ làng quê nghèo khó ở một nơi xa lắm có tên gọi Việt Nam, ở nơi đó có những mái chùa rêu phong cổ kính, nơi có những bát cơm canh đạm bạc… Nơi đã từng một lần để Thầy chấp cánh bay xa hơn trên vạn dặm đường.

Thầy ra đi ngày ấy, tháng hai năm 1972, nước Nhật đang vào lúc giao mùa Đông Xuân. Có ai ngờ một lần ra đi là muôn lần biệt xứ, không lối đi về.

Tiễn đưa Thầy mùa hè năm ấy, mùa Hè Đỏ Lửa, quê hương Việt Nam đầy khổ nạn. Năm đó tôi cũng phải rời xa An Lộc trong nước mắt, dưới lửa đạn mưa bom, ở vào lứa tuổi thanh xuân.

Quê hương không lối đi về, trên đường lưu lạc. Năm 1977 Thầy đã chọn Đức Quốc là chốn dừng chân.

Ngày mồng một tháng 5 năm 1980. Đêm thật buồn và dài vô tận. Ngồi trên boong tàu Cap Anamur nhìn về đại dương mù xa, biển nước mênh mông. Có lẽ, ở nơi đó có Việt Nam của tôi. Nước mắt tuôn tràn khi chương trình Việt ngữ của Đài BBC Luân Đôn đưa đi một mẫu tin ngắn, như mẫu tin ngắn hằng đêm: „52 thuyền nhân đã được Tàu Cap Anamur của Hiệp Hội Bác Sĩ cấp cứu Tây Đức cứu vớt trên biển Đông sau chuyến hải hành 7 ngày đêm, trên một chiếc ghe dài hơn 6 mét“.

Tiếp theo bản tin ấy, ca sĩ Khánh Ly đã thổn thức như tâm trạng của chúng tôi trong khúc hát “…Chiều nay có một người di tản buồn, nhìn về quê hương xa…“.

Qua dòng nước mắt nhạt nhòa, tôi biết Sài Gòn của tôi đã thật xa và rất xa. Ở nơi đó còn có Mẹ và Cha. Có Anh Em, có bạn bè và muôn vàn niềm thương nỗi nhớ!

Thôi đã mất hết rồi…

Tôi đã mất đi những ngày tháng mộng mơ của một thời vụng dại. Mất đi những hẹn hò thơ mộng trên con đường muôn thuở ngập lá me bay dẫn đến ngôi trường Võ Trường Toản cổ kính nằm giấu mình trong những tàng cây cao vút. Còn đâu nữa con đường Cộng Hòa ngập hoa vàng Cườm Thảo của Đại Học Khoa Học ngày âý của tôi.

Tháng 7 năm 1980 Tây Đức đang vào hè.

Ngỡ ngàng nơi xứ lạ. Tâm trạng chúng tôi thật rối bời với bao niềm vui, nỗi nhớ. Bơ vơ và lạc lõng trên quê người, thân tâm bất ổn… May mà còn có Huyền Linh bên cạnh, cô bạn học bé nhỏ ở khung trời Khoa Học và cũng là người đồng hành trong những ngày gian khó nơi đất khách quê người, cũng làm vơi đi phần nào nỗi đau nhớ nhà.

Ngày còn ở quê nhà, thời thơ ấu, tôi được theo Bố Mẹ đi chùa ở Sài Gòn vào những đêm trăng rằm dịu mát, hay những tháng ngày thời thiếu niên được cùng đi sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Quảng Đức của chùa Từ Quang, Bình Long. Lời kinh tiếng mõ đã nhẹ đi vào tiềm thức và tâm tưởng của tôi. Tôi đến với Đạo Phật như thế đó.

Ít tháng sau đó, chúng tôi tìm đến Thầy qua một gia đình đỡ đầu người Đức. Họ cũng là những người ly hương sau chiến tranh. Họ có được cái đồng cảm của những người mất quê hương.

Ngày ấy chùa mình còn nghèo và đơn sơ lắm, ở đường Kestner. Một gian chánh điện với vài hình ảnh của Phật và những bức tượng nhỏ và gian khác là nơi cư trú của Thầy. Hôm ấy Thầy đi Phật sự ở xa, tôi chỉ gặp Thầy Minh Phú và một Phật Tử.

Lần gặp được Thầy với chiếc áo nâu sồng thật bình dị. Tôi thấy Thầy như thật gần. Thầy han hỏi chúng tôi thật nhiều và thật chân tình. Mùa Đông năm 1980, tuyết năm đó thật nhiều, tuyết đẹp như những bông hoa trắng ngần nhẹ rơi trong gió. Chúng tôi đến Denklingen để học một khóa Đức Ngữ 12 tháng để chuẩn bị vào lại Đại Học. Dù cách trở xa xôi Thầy cũng đến thăm các học viên chúng tôi, với những bó nhang, tập Kinh để an ủi và đã làm cho chúng tôi thật ấm lòng, với những lời nói đằm thắm dịu hiền.

Vào thời đó, đi học nội trú, nên chúng tôi không nhà. Dịp lễ Ostern (Phục Sinh), vì trường đóng cửa, nên chúng tôi cùng vài người bạn về chùa để có nơi nương tựa. Lúc nầy chùa Viên Giác được hình thành từ một kho chứa hàng của một hãng xưởng Đức bỏ không. Chúng tôi thay nhau sơn phết, dọn dẹp.

Ngày ấy bước đường đi của Thầy gian truân lắm, dù với bao trợ lực của Phật tử. Chúng tôi đã hơn một lần ngạc nhiên được Thầy dẫn đi chợ phiên cuối tuần. Thầy chỉ cho cách lựa bó rau, củ khoai…

Thầy đã ưu ái dành cho chúng tôi một ngày để đưa đi vườn hoa Ngự Uyển của Bá Tước xứ sở Hannover, nơi Thầy trụ xứ.

Dạo đó chùa còn Bác Diệu Niên (sau nầy xuất gia là Sư Cô Hạnh Niệm), có Anh Lộc, Chị Nga…. Đó là những cánh tay của Thầy lúc đó mà chúng tôi được biết đến trong những ngày lưu lại đây.

Dù đã được quy y với Thầy vào những năm 1980, nhưng tôi vẫn chưa là một Phật tử thuần thành. Kinh mõ vẫn không thông. Nhưng tôi học được ở Thầy nhiều lắm. Học về gương khổ hạnh, lòng kiên nhẫn, tính bình dị và nhân ái với muôn loài.

Khi thi trúng tuyển vào trường Đại Học Y Khoa Hannover (MHH) tôi đã được Thầy cho ở lưu trú tại chùa để tiện việc học. Độ hai tuần sau tôi tìm được chỗ ở trong Ký Túc Xá Sinh Viên. Dịp nầy tôi được làm quen với đời sống khổ hạnh, đạm bạc tương chao.

Trong trường Đạo và trường Đời, Thầy đã đào tạo được không biết bao nhiêu là Tăng tài, đã gầy dựng được một Giáo Hội được sự nể trọng của người bản xứ. Đây là niềm hãnh diện của người Việt ly hương. Thầy đã là người đỡ đầu tinh thần cho bao ngàn người Việt Nam tha hương như thế.

Dù trăm công ngàn việc, năm nào ở tận Úc Châu, Thầy cũng không quên dành cho Anh Em chúng tôi một chút quà trong ngày đầu Xuân. Những tình cảm ưu ái đó đã làm cho chúng tôi thật xúc động và thật khó quên.

Tôi không còn là một “chú ngựa non háu đá“ như ngày nào. Gương hiếu hạnh và hiếu học của Thầy cũng làm cho chúng tôi không ngừng học hỏi thêm từng ngày để chen chân với đời nơi đất lạ quê người như kỳ vọng của Bố Mẹ chúng tôi.

Ngày ra đi, những năm đầu của 1970, Thầy ở vào lứa tuổi đôi mươi. Có ai xa quê rời xứ mà chẳng có những hoài niệm về một tuổi thơ, về quê hương và mong có một ngày về để tìm lại chốn cũ, chùa xưa, nơi Thầy đã một thời gắn bó. Hơn 40 năm sau, đường về tuy gần, nhưng còn xa quá, trong lý tưởng và tâm tưởng của một nhà chân tu. Một người đã trọn đời cho quê hương và đạo pháp.

Bao năm rồi và có lẽ sẽ mãi về sau. Ở cái tuổi tạm dừng nầy Thầy đã giữ cái nghĩa khí của bậc Cao Tăng, dù bao sóng gió và thử thách trong cơn pháp nạn, ở nơi cuộc đời tạm bợ nầy.

— Trương Ngọc Thanh (Minden, ngày 18.5.2014)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/06/2011(Xem: 6934)
Cuộc đời và sự nghiệp của Khương Tăng Hội, ta hiểu biết qua hai bản tiểu sử xưa nhất, một của Tăng Hựu (446 - 511) trong Xuất tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 96a29-97a 17 và một của Huệ Hạo trong Cao Tăng truyện 1 ĐTK 2059 tờ 325a13-326b13. Bản của Huệ Hạo thực ra là một sao bản của bản Tăng Hựu với hai thêm thắt. Đó là việc nhét tiểu sử của Chi Khiêm ở đoạn đầu và việc ghi ảnh hưởng của Khương Tăng Hội đối với Tô Tuấn và Tôn Xước ở đoạn sau, cùng lời bình về sai sót của một số tư liệu. Việc nhét thêm tiểu sử của Chi Khiêm xuất phát từ yêu cầu phải ghi lại cuộc đời đóng góp to lớn của Khiên đối với lịch sử truyền bá Phật giáo của Trung Quốc, nhưng vì Khiêm là một cư sĩ và Cao Tăng truyện vốn chỉ ghi chép về các Cao Tăng, nên không thể dành riêng ra một mục, như Tăng Hựu đã làm trong Xuất tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 97b13-c18, cho Khiêm.
31/05/2011(Xem: 17788)
Quy ẩn, thế thôi ! (Viết để thương một vị Thầy, mỗi lần gặp nhau thường nói “mình có bạn rồi” dù chỉtrong một thời gian rất ngắn. Khi Thầy và tôi cách biệt, thỉnh thoảng còn gọi điệnthoại thăm nhau) Hôm nay Thầy đã đi rồi Sắc không hai nẻo xa xôi muôn ngàn Ai đem lay ánh trăng vàng Để cho bóng nguyệt nhẹ nhàng lung linh Vô thường khép mở tử sinh Rong chơi phù thế bóng hình bụi bay Bảo rằng, bản thể xưa nay Chơn như hằng viễn tỏ bày mà chi
27/05/2011(Xem: 9466)
Vào năm 247, một vài năm sau khi Chi Khiêm rời khỏi kinh đô Kiến Nghiệp, Khương Tăng Hội, một vị cao tăng gốc miền Trung Á, đã đến đây. Ngài đến từ Giao Chỉ, thủ phủ của Giao Châu ở miền cực Nam của đế quốc Trung Hoa (gần Hà nội ngày nay). Gia đình của Ngài đã sinh sống ở Ấn độ trải qua nhiều thế hệ; thân phụ của Ngài, một thương gia, đến định cư ở thành phố thương mại quan trọng này.
25/05/2011(Xem: 5087)
Đại lão Hòa Thượng Thích Đồng Huy HT. Thích Đồng Huy - Thành viên HĐCM, Ủy viên HĐTSTW GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng ban Quản trị Đại Tòng Lâm, Viện chủ Tu viện Vạn Hạnh.
05/05/2011(Xem: 5685)
Từ hôm hay tin Thầy lâm bịnh và tiếng nói yếu ớt của Thầy qua điện thoại làm con rất lo. Nhiều năm qua con cố gắng về thăm Thầy một lần nhưng ước vọng đơn sơ ấy đã không toại nguyện. Hơn hai mươi năm con xa Thầy, xa Tu viện, xa đồi núi thương yêu thưở nào. Mai này nếu được về thăm thì thầy đã ra đi biền biệt.
23/04/2011(Xem: 5265)
Thầy đã đọc toàn bộ bài “Tham luận” Nhân trong ngày “Hội thảo” nhớ “Tổ Sư”, Sự nghiệp tu chứng đắc lý chơn như “Ngài Liễu Quán”, sáng gương ngàn thế hệ.
21/04/2011(Xem: 8117)
Hòa Thượng THÍCH BẢO AN, húy thượng THỊ hạ HUỆ tự HẠNH GIẢI, thế danh LÊ BẢO AN, thuộc đời Lâm Tế Chánh Tông thứ Bốn mươi hai.
16/04/2011(Xem: 7100)
Kính lạy thầy, Trước mắt con là di bút Thầy để lại, nét chữ thân quen với màu mực còn đậm nét tinh khôi. Nghiệp đã qua rồi lòng nhẹ nhõm Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong Thầy vừa an nhiên xã bỏ báo thân, dãi mây bạc giờ nương theo gió loãng tan mất dấu. Nẻo sinh tử Thầy thong dong qua lại, như đi trên những dặm đường quen để gieo trồng hạt giống từ bi, giáo hóa, độ sinh. Thân bệnh Thầy mang trong những năm tháng sau này, cho con biết rõ vô thường tất đến. Vậy mà nỗi đau đớn, bàng hoàng vẫn khơi động trong con khi đón nhận tin xa, bởi từ đây con vĩnh viễn mất Thầy trong kiếp sống này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]