Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Hơn 1.000 lần cạo tóc (T. Như Điển)

17/06/201402:41(Xem: 17325)
02. Hơn 1.000 lần cạo tóc (T. Như Điển)

Hơn 1.000 lần cạo tóc
● Thích Như Điển
viết để kỷ niệm 50 năm xuất gia và hành đạo


Bài do Cư Sĩ Quảng An diễn đọc

Bài do Cư Sĩ Diệu Danh diễn đọc




Ngày ấy cách đây 50 năm về trước, vào một sáng đầu mùa hè của năm 1964, tôi một mình đạp xe đạp từ làng Mỹ Hạc, Xã Xuyên Mỹ, Quận Duy Xuyên, trực chỉ xuống chùa Viên Giác tọa lạc tại Hội An, Quảng Nam. Hôm đó là ngày Rằm Tháng 5 âm lịch của năm Giáp Thìn. Một chặng đường dài 50 năm như vậy, nói cho đúng là nửa thế kỷ của một kiếp nhân sinh- đã, đương và sẽ có nhiều điều đáng nói. Hay có, dở có, không như ý cũng có. Nhưng chúng ta nên chỉ hướng về phần tích cực để từ đó vươn lên; chứ không nên bi quan, hay chỉ hướng về phần tiêu cực. Người Đức có nói rằng: “Die Lehre des Buddha ist weder optimistisch noch pessimistisch, sondern realistisch“. Nghĩa là: „Những lời dạy của Đức Phật không những chẳng phải bi quan lẫn lạc quan, mà còn là một chủ nghĩa thực tế“. Vậy hôm nay tôi sẽ nương theo thực tế nầy để gửi đến những dòng suy tư của chính mình nhân lễ kỷ niệm 50 năm xuất gia hành đạo tại quê hương nước Việt cũng như tại xứ người.

Là người xuất gia, hầu như ai cũng phải xuống tóc để thể hiện tướng khác tục của mình. Ở thế gian người ta cho rằng: “cái răng cái tóc là cái vóc con người“. Còn người xuất gia lại làm khác tục, không giống người thế tục; nhưng vẫn sống trong thế tục và hành đạo nơi cõi đời nhiều kham nhẫn nầy. Người xuất gia là người đi ngược dòng sinh tử; nhưng vẫn sống trong cuộc sống có sanh tử, có đối đãi nầy. Quả là điều chẳng giản đơn chút nào. Điều quan trọng ở đây là chúng ta đã làm được những gì cho chính mình hay cho đời một việc gì đó có ý nghĩa hay không; chứ tuyệt nhiên không phải chỉ có trình bày một vấn đề, một sự kiện mà không tìm cách giải quyết vấn đề, thì căn bản của sanh tử vẫn còn đó.

Khi vị Thầy Bổn Sư cầm cành hoa nhúng vào trong chén nứơc, đoạn thấm lên mái tóc của giới tử, Ngài đọc rằng:

Thiện Tai thiện nam tử

Năng liễu thế vô thường

Khí tục thú Nê Hòan

Công đức nan tư nghì

Nam Mô thanh lương địa Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nghĩa là:

Lành thay gã thiện nam

Hay rõ đời vô thường

Bỏ tục, vui Niết Bàn

Công đức khó nghĩ bàn.

Cung kính những vị Bồ Tát chốn thanh tịnh.

Chỉ ngần ấy câu văn thôi, chúng ta cũng đã thấy thế nào là đời sống của một người xuất gia rồi. Chính vì nhận chân được cuộc đời nầy là vô thường; nên mới đi xuất gia, mà sự nhận biết nầy không phân biệt tuổi tác. Có khi người ta già 80 hay 100 tuổi vẫn còn luyến tiếc thế gian nầy và không chịu buông bỏ nó. Ngược lại nó cũng sẽ buông bỏ ta thôi! Vì lẽ, phàm những gì có hình tướng thì đều bị vô thường chi phối, mà đã là vô thường thì dĩ nhiên là bị khổ bức bách, đã khổ rồi thì thực tướng của nó là không và vì bản chất của mọi hiện tượng đều là vô ngã. Nhưng chúng bị vô minh ràng buộc, kéo lôi; nên bị 12 nhân duyên vướng mắc. Nếu vô minh hết thì hành động cũng hết. Nếu hành hết thì thức cũng không còn cho đến không còn sanh già, bệnh chết nữa. Đây chính là pháp duyên sanh. Ai hiểu được pháp nầy, người ấy sẽ hiểu Phật và ai hiểu được Phật, kẻ ấy sẽ hiểu được pháp là vậy.

Bỏ tục để vào chùa xuất gia học đạo là một quyết định sanh tử và nó chẳng phải đơn thuần là một sự ra đi không có định hướng. Nếu không có hướng đi, tất chẳng phải nên vào chùa. Vì đường đời có muôn vạn nẻo, tại sao lại phải vào chùa để đi xuất gia? Thứ nhất là do nhân duyên nhiều đời đã có trồng căn lành nơi Tam Bảo; nên đời nầy mới được như vậy. Thứ hai là được sanh ra trong một gia đình có cha mẹ, anh chị em đều có chánh tín nơi Tam Bảo và thứ ba là phải có ý chí dõng mãnh mới có thể chọn cho mình một con đường ngược dòng sanh tử như thế. Đó là những công đức mà người xuất gia cần phải giữ gìn, trân quý. Kế đến Hòa Thượng lấy dao cạo ba nhát trên đỉnh đầu và xướng bài kệ rằng:

Hủy hình thủ chí tiết

Cát ái từ sở thân

Xuất gia hoằng Thánh đạo

Thệ độ nhất thế nhân.

Nam Mô Ly Cấu Địa Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nghĩa là:

Bỏ mình, giữ chí khí

Lìa yêu, xa người thân

Xuất gia theo đường Thánh

Nguyện độ hết mọi người.

Xin cung kính các vị Bồ Tát xa lìa nơi dơ bẩn.

Như vậy đó. Người xuất gia phải hiểu rằng có nhiều cách xuất gia; nhưng trước tiên là phải ra khỏi nhà thế tục, sau đó ra khỏi nhà phiền não và cuối cùng là ra khỏi nhà của ba cõi không yên (dục giới, sắc giới và vô sắc giới). Đầu tiên phải thay đổi hình hài. Ngày xưa chưa xuất gia ăn diện như thế nào cho hợp thời hợp thế thì bây giờ phải bỏ thói cũ đi mà chỉ giữ lại chí khí của một bậc Đại Trượng Phu như trong văn Cảnh Sách, Ngài Quy Sơn Linh Hựu đã dạy: “Người xuất gia có một phương trời cao rộng, tâm lẫn thân đều khác tục, chấn nhiếp các loại ma, trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ muôn loài, nhằm làm hưng long hạt giống Thánh. Nếu không là như vậy, nghĩa là đã phạm vào quy cũ của Thiền Môn…“.

Kế tiếp là phải đoạn trừ ái ân thường tình. Có thể là tình chồng nghĩa vợ, tình gia đình, tình cha mẹ, anh em, bạn bè thân thuộc. Việc nầy nó chẳng đơn thuần chút nào cả; nếu kẻ ấy không quyết tâm và trì chí. Dây ái và dây ân là hai dây trói buộc sanh tử của con người. Bây giờ người xuất gia quyết tâm đoạn trừ, cắt bỏ. Đây là khả năng vượt thoát đầu tiên của người xuất gia vậy. Mục đích của người xuất gia rõ ràng là để làm việc Thánh, chứ chẳng phải việc phàm tình. Vậy việc Thánh ấy là việc gì? Đó chính là giúp mình và giúp đời phải ra khỏi lưới sanh tử của nghiệp quả để tiến đến con đường giải thoát những khổ đau phiền lụy của cuộc đời. Nhưng chẳng phải chỉ ngồi yên nơi chốn ấy, mà phải đi vào đời để cứu độ chúng sanh. Đó mới chính là hạnh nguyện của Bồ Tát, hành lục độ Ba La Mật.

Tiếp theo Hòa Thượng cho đọc bài kệ khác như sau:

Thế trừ tu phát

Đương nguyện chúng sanh

Viễn ly phiền não

Cứu cánh tịch diệt.

Án tất điện đô mạng đa ra, bát đà da ta bà ha.

Nghĩa là:

Cạo bỏ râu tóc

Cầu cho chúng sanh

Xa rời phiền não

Rốt ráo an vui

Án tất điện đô mạng đa ra, bát đà da ta bà ha.

Như thế việc cạo bỏ râu tóc với mục đích là cạo bỏ những phiền não khổ đau lại cho đời và xả thân để cầu đạo giải thoát. Không phải chỉ riêng mình được việc nầy mà nguyện cho tất cả chúng sanh cũng sẽ được an vui tự tại như việc cạo bỏ râu tóc vậy. Ở trong chùa không phải chỉ có cạo tóc lần ấy mà thôi, mà mỗi tháng phải cạo hai lần. Đó là vào ngày 14 và 30 âm lịch; nếu tháng thiếu thì ngày 29. Vì những ngày nầy tại các chùa đều có tổ chức lễ sám hối danh hiệu Phật. Mỗi tháng cạo hai lần. Mỗi năm 12 tháng, tức là cạo 24 lần. Có những năm nhuần phải cạo đến 26 lần. Riêng bản thân của tôi đã đi xuất gia đúng 50 năm. Như vậy con số lần xuống tóc ít nhất là 1.200 lần. Thỉnh thỏang vẫn có thêm những lần cạo đặc biệt nữa. Do vậy tôi chọn đề tài như trên là “hơn 1.000 lần cạo tóc„ là vậy.

Tôi, một con người bình thường và cũng tầm thường. Vì lẽ vẫn còn thương, ghét, giận, hờn, vui, buồn, khổ tâm, nhọc tứ và với thân tứ đại nầy được cấu tạo bởi đất, nước, gió, lửa tôi vẫn bị cảm nắng, lạnh hay ho. Rồi từ đây ở tuổi 66 nầy trở đi sẽ dành nhiều thì giờ cho Bác Sĩ cũng như Nha Sĩ và có thể còn hơn thế nữa, để rồi một ngày nào đó tôi cũng sẽ lên bàn thờ ngồi nhìn xuống mọi người, cũng giống như bao nhiêu bậc Tôn Túc khác đã ra đi mà thôi. Nhiều người vẫn không thích tôi. Bởi vì tôi khó tính, nghiêm khắc, đôi khi dẫn đến sự tự quyết quá đáng để trở thành độc tài. Tôi lo cho chuyện công, kéo một đầu tàu thật nhanh, khiến cho nhiều người lỡ chuyến, sanh ra phiền muộn. Tôi kêu gọi Phật tử đóng góp tiền bạc để xây dựng chùa chiền hay cứu trợ khắp nơi, giúp người cơ nhỡ, khiến cho nhiều người không thể đóng góp được; nên sanh ra buồn phiền. Về phía đệ tử xuất gia và tại gia cũng có nhiều điều cần phải nói:

Tôi biết rằng trong 45 Đệ tử Xuất gia và nhiều Đệ tử Xuất gia Y Chỉ cũng như 7.000 Đệ tử tại gia đã quy y với tôi; đó là chưa kể đến hằng ngàn người đã quy y Tam Bảo từ lâu cũng nương tựa với tôi trong hơn 35 năm ở Đức và 15 năm ở Việt Nam cũng như Nhật Bản, trong đó có rất nhiều người than phiền về tôi là: „Ông Thầy nầy khó tính quá!“. Một mai đây tôi có ra đi tôi cũng sẽ nhận được sự trách cứ nầy. Vì lẽ tôi muốn mọi người tiến bộ nhanh và gặt hái được những thành tựu nhất định; nên mới lo toan như vậy. Còn vấn đề tiền bạc, khi tôi đi vận động, tôi sẽ tự hỏi rằng: Tiền nầy để làm gì? Nếu câu trả lời là: để xây chùa, giúp bão lụt, giúp quỹ học bổng cho Tăng Ni, giúp người nghèo khó v.v.. thì tôi an tâm để kêu gọi tiếp. Vì câu trả lời nó không phải riêng cho cá nhân tôi, thì không có gì để phải bận tâm cả.

Việc học hành tu niệm của các Đệ tử cũng vậy. Tôi không coi trọng bằng cấp; nhưng tôi rất quý những người có học hành đỗ đạt đàng hoàng. Vì lẽ xã hội ngày xưa hay ngày nay và dẫu cho nhiều năm tháng trong tương lai đi chăng nữa cũng vậy, xã hội nầy vẫn phải cần những con người có đạo đức, có tu, có học như thế. Nếu không phải vậy thì xã hội nầy sẽ suy đồi. Cho nên tôi vẫn thường hay nói: “Bằng cấp nó không làm nên con người, mà chính tư cách nó mới làm nên con người“ và “Sự học nó không làm cho người ta giải thoát được; nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát kia thì không thể thiếu sự tu và sự học được“. Đây chính là phương châm hành hoạt của tôi trong cuộc đời nầy. Thế nhưng vẫn có nhiều người không thích như thường. Tôi tôn trọng việc ấy. Bởi vì đó là quyền tự do cá nhân của họ. Họ có quyền phê phán và nhận xét một sự việc; nhưng đúng hay sai là tùy theo hoàn cảnh, thời điểm cũng như của mỗi sự việc trong cuộc sống nầy. Đúng hay sai, xin để lại cho cuộc đời và thời gian sẽ giải trình cho nhân thế rõ về sau nầy.

Tôi, một người nông dân của xứ Quảng, xuất thân từ chốn bùn nhơ nước đọng; nếu không nhờ Tam Bảo gia hộ, trợ duyên thì tôi đã không có được ngày hôm nay. Những việc như xây chùa, độ chúng, viết sách, dịch kinh, giảng pháp v.v… rồi những thị, phi, nhân nghĩa, phải trái, hơn thua v.v… tất cả đều là những đối đãi trong cuộc đời nầy. Khi tôi ra đi, tôi sẽ chẳng mang theo gì cả, ngoại trừ tâm thức của mình. Do vậy, tôi biết rằng những cái gì của trần thế xin trả về cho trần thế và những gì thuộc về ân nghĩa thì xin nguyện đáp đền.

Tôi thầm cảm ơn Mẹ Cha đã tạo nên vóc hình nầy. Nếu không có tấm thân nầy, ắt sẽ chẳng làm được gì cho nhân thế. Con xin tạ ân Tam Bảo. Vì nếu không có Tam Bảo thì con đã chẳng có thể xuống tóc, xuất gia và hành hạnh Ba La Mật được. Con xin tạ ân Thầy Tổ. Vì nếu không có Thầy tế độ thì con sẽ không được người đầu tròn áo vuông như ngày hôm nay. Tôi xin cảm ơn đời, cảm ơn người; kẻ gần cũng như người xa; kẻ thân cũng như người sơ; kẻ thích cũng như người không thích… Tất cả quý vị đều là những thiện hữu tri thức của tôi. Vì nếu không có quý vị thì ai có thể trợ duyên cho tôi trên bước đường học Phật và hành hạnh Phật như thế nầy được. Chắc quý vị cũng không quên những lời phát nguyện của tôi đâu đó rằng: “Con xin nguyện mình sẽ làm một dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và con xin nguyện mình làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế“. Thiết nghĩ như thế cũng đủ cho một chuyến lữ du trong cuộc sống ngắn ngủi tạm bợ nầy.

Mọi vật trên thế gian nầy chẳng có gì miên viễn cả. Do vậy những điều tôi trình bày bên trên nó cũng chỉ có tính cách thời gian mà thôi. Vì lẽ tất các pháp đều bất định. Nghĩa là pháp ấy ngày hôm qua đúng; nhưng ngày mai có thể sai; hoặc ngược lại. Nhờ sự bất định đó mà mọi người, mọi loài cũng đều có khả năng giải thoát sanh tử luân hồi, sớm chứng thành quả vị giác ngộ trong mai hậu. Thời gian có trôi qua, không gian có dừng lại thì vô thường vẫn chi phối mọi vật trên thế gian nầy. Chỉ có cái nhìn vào thật tướng của sự vật là KHÔNG thì ta mới nhận chân được sự hiện hữu của mỗi người chúng ta trong thế giới đối đãi nầy mà thôi.

Để kỷ niệm 50 năm ngày xuất gia hành đạo, không phải để khoa trương mà để nhắc nhở cho chính mình, là mình đã bước đi được những bước như thế trong 50 năm qua và cũng đã có 50 năm nhờ vào hạt cơm của Đàn Na Tín Thí mà mình có được một chuyến hành trình ý nghĩa trong kiếp sống nầy.

Xin chắp tay cầu nguyện cho tất cả những bậc Sư Trưởng, thân bằng quyến thuộc, bè bạn gần xa cũng như những người Đệ tử thân thương xuất gia cũng như tại gia có được những niệm sống an lành ở cõi nầy hoặc những nơi chốn xa xăm nào khác và hãy tự tin nơi chính mình để vào đời cứu khổ nhân sinh.

Kính nguyện

● Thích Như Điển

Viết xong bài nầy tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc để kỷ niệm 50 năm ngày xuất gia hành đạo tại xứ người.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/01/2018(Xem: 11552)
Viên dung hạnh nguyện Bồ Đề, Thong dong giữa cõi, lối về phương duyên. Thác duyên giữa chốn lam thiền, Kim Liên hầu Phật, tịch chiên kinh huyền.
06/01/2018(Xem: 9218)
Chúng tôi có duyên được gặp ông Lý Đại Nguyên từ những năm cuối thập niên 1950, khi đến tham dự những buổi nói chuyện về những vấn đề văn hóa, chính trị và văn nghệ vào những ngày chủ nhật tại Đàm Trường Viễn Kiến (nhà ông Nguyễn Đức Quỳnh trong hẻm cạnh chùa Giác Minh của thượng tọa Thích Tâm Châu, đường Phan Thanh Giản). Khi nhập vào Đàm Trường này, chúng tôi còn là học sinh đệ tứ, đệ tam trường Chu Văn An, nhưng được nghe nhiều nhà văn, nhà báo thuyết trình đủ thứ đề tài , trong đó tôi còn nhớ là thường gặp luật sư Nghiêm Xuân Hồng, nhà văn Mặc Đỗ, nhà báo Hồ Nam, nhạc sĩ Phạm Duy, mấy nhà văn nhóm Sáng Tạo, và mấy người trẻ lớp tuổi tôi như Phan Lạc Giang Đông, Phạm Thiên Thư, Lê Triều Quang... Nhà văn hóa Nguyễn Đức Quỳnh, chủ nhà và người chủ trương Đàm Trường Viễn Kiến, với bộ bà ba nâu, trán cao, dáng thanh thoát thường góp nhiều ý kiến trong những buổi nói chuyện, và người thứ nhì là Lý Đại Nguyên, dáng thư sinh, mặc bộ bà ba trắng thường tổng kết những đề tài thảo luận. Tro
29/12/2017(Xem: 23104)
Giáo Sư Trần Quang Thuận, Pháp danh: Tâm Đức Tự: Trí Không Sinh ngày 02 tháng 7 năm 1930 tại Huế. Đệ tử của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Du học và tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Anh. Cựu Bộ Trưởng Bộ Xã Hội, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Cựu Nghị sĩ Thượng Nghị Viện Việt Nam Cộng Hòa. Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Hội Ái Hữu Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Nghiên Cứu Kế Hoạch GHPGVNTNHN-HK. Giám đốc Trung Tâm Học Liệu Phật Giáo, California, Hoa Kỳ. Đã cộng tác với nhiều báo chí Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại.
19/12/2017(Xem: 6892)
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội đã khẳng định: “Việt Nam là đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm từ gần 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng Từ bi, hỷ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời phấn đấu vì hạnh phúc an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà Sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời, hộ quốc, an dân. Đặc biệt lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi từ bỏ giàu sang, quyền quý, tìm đến nơi non cao Yên Tử để học Phật tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm, một dòng Thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay.”
17/12/2017(Xem: 69952)
Bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển, chiếm tới ba tập khổ lớn trong Đại Tạng Kinh Đại Chính Tân Tu, mỗi tập trên dưới 1.000 trang, mỗi trang độ 1.500 chữ, tổng cộng khoảng 4 triệu 500.000 chữ (Hán); thường được gọi là Đại Bát Nhã, mang số hiệu 220. Khoảng giữa năm 1973, theo quyết định của Hội đồng Giáo phẩm Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng gồm 18 vị được thành lập với Hòa Thượng Trí Tịnh làm Trưởng ban, Hòa Thượng Minh Châu làm Phó trưởng ban và Hòa Thượng Quảng Độ làm Tổng thư ký. Trong kỳ họp tại Viện Đại Học Vạn Hạnh vào những ngày 20, 21, 22 tháng 10 năm 1973 nhằm thảo luận phương thức, nội dung và chương trình làm việc, Hòa Thượng Thích Trí Nghiệm được Hội đồng phân công phiên dịch bộ Đại Bát Nhã 600 quyển này. Thực ra, Ngài đã tự khởi dịch bộ kinh này từ năm 1972 và khi được phân công, Ngài đã dịch được gần 100 quyển. Đây là bộ kinh lớn nhất trong Đại Tạng, đã được Ngài dịch suốt 8 năm (1972-1980) mới xong và đã dịch theo bản biệt
15/12/2017(Xem: 87050)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
15/12/2017(Xem: 136896)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
15/12/2017(Xem: 10209)
Ban Trị sự GHPGVN thị xã Ninh Hòa, môn đồ pháp quyến vô cùng kính tiết báo tin: Hòa thượng Thích Ngộ Trí. Chứng minh BTS GHPGVN thị xã Ninh Hòa. Trụ trì chùa Trường Thọ. Do niên cao lạp trưởng, Hòa thượng đã thuận thế vô thường viên tịch vào lúc 14 giờ ngày 12/12/2017 (25/10 Đinh Dậu) tại chùa Trường Thọ, tổ dân phố 10, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trụ thế: 75 năm, Hạ lạp: 47 năm.
27/11/2017(Xem: 23167)
Do niên cao lạp trưởng, Hoà thượng đã viên tịch vào lúc vào lúc 04h00 ngày 10 tháng 10 năm Đinh Dậu (nhằm ngày 27/11/2017) tại Quảng Hương Già Lam, 498/11 Lê Quang Định, Phường 1, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, trụ thế 86 Xuân Thu, 62 Hạ Lạp. Lễ nhập Kim Quan được cử hành vào lúc 19h00, ngày 10 tháng 10 năm Đinh Dậu (nhằm ngày 27/11/2017). Kim Quan được tôn trí tại Quảng Hương Già Lam, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
26/11/2017(Xem: 6527)
Chấn hưng Phật giáo hay Công cuộc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam là một phong trào vận động cho sự phục hưng Phật giáo nhằm tìm lại các giá trị truyền thống và phát triển hoằng bá Phật giáo tại Việt Nam, bắt đầu từ đầu thế kỉ 20. Công cuộc này đã làm thay đổi rất nhiều về nội dung và hình thức hoạt động của Phật giáo tại Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]