Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhớ Tôn Sư (HT Huyền Quang)

12/03/201418:03(Xem: 8785)
Nhớ Tôn Sư (HT Huyền Quang)


hthuyenquang
NHỚ TÔN SƯ

(Thành tâm nhớ tưởng bậc Tôn Sư, cố Đại Lão Hòa Thượng

THÍCH HUYỀN QUANG, Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN)

Kính bạch Giác Linh Ôn,

Từ khi nghe tin Ôn trở bệnh nặng, phải vào nằm bệnh viện Qui-nhơn, chúng con, những đứa học trò cũ của Ôn từ giữa thập niên 50 của thế kỉ trước, ở Nha-trang, hiện đang sống lưu lạc ở hải ngoại (đa số là thành viên của Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam), đã bàn bạc xôn xao, bồn chồn lo lắng cho một sự mất mát to lớn chẳng biết sẽ xảy ra cho mình vào lúc nào! Chúng con phải chuẩn bị tinh thần để chịu đựng cái biến cố trọng đại này. Tuy vẫn biết rằng, thuận thế vô thường là việc đương nhiên của bậc Đại-sĩ, thế mà, sáng sớm ngày 5 tháng 7 năm nay, 2008, ở đạo tràng An Cư của Chư Tăng Canada và Hoa-kì, tại chùa Bát-nhã, Calgary - Alberta - Canada, khi vừa nghe Chư Tăng Trường Hạ cho biết, Ôn mới vừa viên tịch tại Tu Viện Nguyên Thiều,con bàng hoàng sửng sốt, nghẹn ngào thầm khóc trước Chư Tăng, tinh thần trở nên yếu đuối, nỗi đau buồn cứ dâng cao, không có sức gì kềm chế được!

Bây giờ là cuối tuần thứ ba từ hôm Ôn viên tịch. Trong những ngày qua, con vẫn ngồi đây, trong phòng dịch kinh, vừa dịch kinh vừa cố ôn lại những kỉ niệm thân thương mà Ôn và chúng con từng trải qua trong đời. Hồi đó, con chỉ là một đứa học trò rất nhỏ của Ôn, tuổi chừng 14, 15 gì đó, mà bây giờ con cũng đã vói tới tuổi 70 rồi. Thời gian đã thật xa, cuộc đời nhiều lo toan cực nhọc, đến hôm nay thì tâm tư mỏi mòn, trí nhớ còm cõi, chuyện xưa con chắc chẳng còn nhớ được bao nhiêu! Thôi thì cứ nhớ được chuyện gì, con xin nhắc lại chuyện đó, để... nhớ Ôn!

Kính bạch Giác Linh Ôn! Con còn nhớ, lúc đó là năm 1954, sau hiệp định Genève mấy tháng, Ôn đã từ Bình-định vào Phật Học Đường Nha Trang, và được thỉnh cử làm Giám-đốc để điều hành Phật-học-đường này. Ngôi trường Phật học này đặt tại chùa Long-sơn, trụ sở Hội Phật Học Khánh-hòa (Ôn Thiện Minh làm Hội-trưởng), đã được mở từ năm 1952 (do ngài Thích Định Tuệ làm Giám-đốc), nằm trong chương trình chấn hưng Phật giáo và đào tạo tăng tài do Giáo Hội Tăng Già Trung Việt (lúc đó) chủ trương. Với trách nhiệm đào tạo tăng tài cho Giáo Hội, Ôn cùng với Ôn Trí Thủ, Ôn Thiện Minh, đã từng du hành qua các tỉnh Trung-phần Việt-nam, đến các chùa, kể cả những ngôi chùa ở tận các làng xã hẻo lánh, vận động quí thầy Trụ Trì cho các đệ tử “về” ở Phật Học Đường Nha Trang tu học. Tâm chân thành của Quí Ôn đã được phần đông các chùa hưởng ứng, cho nên, điệu chúng từ Đà-lạt, Phan-rang, Phan-thiết, Phan-rí, Nha-trang, Phú-yên, Bình-định..., trước sau lần lượt qui tụ về Phật-học-đường, con số học chúng đến gần trăm vị, chia ra có “lớp lớn” và “lớp nhỏ”.

“Lớp Nhỏ” chúng con hồi đó có Thắng, Vinh, Khánh, Tâm, Dần, Ký, Đích, Bình, Hòa, Sanh, Thiên, Ngộ, Lạc, Chút, Ninh, Chánh, Đài, Xây, Lợi, Trí, Đường, Kính, Thành, Dự, v.v... ba, bốn chục điệu. Chúng con được cho học đầy đủ song song hai chương trình nội điển và ngoại điển. Ban ngày thì học ngoại điển ở trường Bồ-đề; tối đến thì học nội điển. Hồi đó Ôn vừa làm giám đốc, vừa làm giáo thọ. Con nhớ Ôn đã dạy chúng con môn Duy Thức, bằng tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng. Một hôm, nhân dạy đến câu “Hằng chuyển như bộc lưu”, sau khi giảng giải, Ôn đã gọi con lên đứng trước bảng đen, hỏi: “Con có hiểu không?” Con thưa: “Dạ thưa Thầy, con hiểu.” Ôn bảo: “Con hiểu thế nào, nói cho chúng nghe!” Con vâng lời, nói về dòng thác, mới nhìn thì thấy như một tấm vải trắng dài lớn, nhưng sự thật là do vô số giọt nước nối tiếp nhau chảy xiết làm thành. Để thấy rõ bằng sự vật trước mắt, con đã chạy đi thắp một cây nhang, cầm cây nhang ấy quay nhanh thành vòng tròn thì thấy rõ ràng là một vòng lửa, như thể do một sợi dây lửa đỏ làm thành; mà sự thật, cái “vòng dây lửa đỏ” ấy là do từng đốm lửa nối tiếp nhau làm thành. Tâm thức trong đời sống hằng ngày cũng vậy, là do niệm niệm nối tiếp nhau trôi chảy, thay đổi vô thường, chỉ có chân tâm mới là không sinh diệt. Ôn khen: “Giỏi!”

Đối với quí thầy ở “Lớp Lớn”, ngoài chương trình tu học ở học đường, Ôn cùng Ôn Thiện Minh còn huấn luyện cho quí thầy trở thành những vị giảng sư của Giáo Hội. Vào các dịp lễ lớn của Phật giáo, Quí Ôn đã phân phái quí thầy về từng chi hội, khuôn hội, từ tỉnh thành cho đến quận huyện, làng xã nơi thôn quê hẻo lánh, để diễn giảng và hướng dẫn tu học cho Phật tử. Quí thầy Đỗng Quán, Đỗng Minh, Trừng San, Đồng Thiện, Như Bửu, Nguyên Trạch, Đồng Từ, Liễu Không, Từ Hạnh, Tâm Lâm, Nguyên Hồng, Như Cầu, Từ Mẫn, Thiện Nhơn, Thiện Duyên, Như Huệ, v.v... cũng đến hai, ba chục thầy, đều là những tăng sĩ xuất sắc của Giáo Hội được đào tạo trong thời gian đó.

Không những Ôn rất quan tâm đến vấn đề học tập và hạnh kiểm của tăng ni sinh, mà đối với sự tu học của hàng cư sĩ phật tử Ôn cũng hết lòng chú trọng. Con còn nhớ, hồi đó Ôn có soạn từng bài giáo lí ngắn, làm thành từng tập sách nhỏ, gọi là “Tài Liệu Học Tập Phật Pháp”; rồi thỉnh thoảng Ôn tổ chức một khóa học Phật pháp cho Phật tử tại các Niệm Phật Đường của các khuôn hội trong thành phố Nha-trang và các vùng phụ cận. Lớp học được mở mỗi buổi tối, hoặc cách một tối, kéo dài đến vài ba tuần, Ôn phân nhiệm quí thầy đi dạy, mỗi Niệm Phật Đường là một thầy. Nhờ sự giáo dục ân cần này mà quần chúng Phật tử đều thấm nhuần Phật pháp, tinh thần phấn chấn, lòng tin Tam Bảo sâu đậm, tâm đạo kiên cố, hàng ngũ ngày càng đông đảo, oai nghi chỉnh tề; khiến cho vào thời đó, Phật giáo Việt-nam tuy đang bị chính quyền kì thị, vẫn nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo có thế lực quần chúng mạnh mẽ nhất!

Kính bạch Giác Linh Ôn! Đến năm 1957 thì có sự thay đổi quan trọng: Theo quyết định của Giáo Hội Tăng Già Trung Việt, hai Phật-học-đường Báo-quốc (Huế) và Nha-trang được đem sáp nhập lại, lập thành Phật Học Viện Trung Phần, đặt tại chùa Hải-đức, Nha-trang. Phật-học-viện này do Ôn Trí Thủ làm Giám-viện, Ông Thiện Siêu làm Đốc-giáo, còn Ôn thì được thỉnh cử làm Tổng-thư-kí. Sang năm sau thì Ôn về lại Bình-định để kiến lập Tu Viện Nguyên Thiều, từ đó, con không được sống gần Ôn nữa. Cho mãi đến năm 1963...

Mùa Phật Đản năm 1963, trong khi chúng con đang thi hành công tác Phật sự tại các tỉnh miền Trung, thì được nghe phong thanh có lệnh của chính quyền không cho phép Phật giáo được treo giáo kì trong ngày lễ Phật Đản. Các chùa hay trụ sở hội Phật học nào đã lỡ treo cờ Phật giáo đều phải hạ xuống hết. Chúng con thật hoang mang. Khi công tác vừa hoàn mãn, chúng con về lại các chùa Tỉnh Hội của các tỉnh địa phương, mới biết được tin tức rõ ràng, xác thật là như vậy, nhìn trụ sở Tỉnh Hội, không có lá giáo kì nào được treo, khác với mùa Phật Đản các năm trước, cờ xí khắp nơi, rợp trời! Tức tốc, từ các tỉnh xa xôi (như Pleiku, Kontum, Ban-mê-thuột, Đà-lạt, Lâm-đồng, Phan-thiết), không hẹn mà chúng con, hoặc bằng xe lửa, hoặc bằng xe đò, đều cùng trở về Sài-gòn. Khoảng sau giờ ngọ ngày 15.5.1963, chúng con lục tục về tới chùa Già-lam (được xây cất năm 1960 tại Gia-định). Chúng con liền điểm mặt nhau: Đích (Nguyên Phương), Dần (Thiện Thông), Hòa (Nguyên Thuận), Lợi (Hạnh Cơ), Ký (Đức Hạnh), Trí (Nguyên Lượng)..., rồi đâu có kịp ăn uống gì, chúng con dùng xe đạp, kéo nhau hết lên chùa Ấn-quang để xem sự tình ra sao. Lên đến nơi, chúng con vào ngay trong giảng đường, thì thấy Ôn và Ôn Quảng Độ đã ngồi ở đó từ lúc nào rồi! Hai Ôn đang làm gì mà thấy rất bận rộn, giấy tờ cả đống, soạn tới soạn lui... Chúng con vào cúi đầu xá hai Ôn, rồi cùng thưa: “Thưa Thầy, có việc gì cho chúng con làm ngay bây giờ không?” Chúng con thấy Ôn vui hẳn ra, bảo: “Nếu các chú rảnh, thì ngay bây giờ, Thầy nhờ các chú chia nhau đến tất cả các chùa tăng, chùa ni trong đô thành, mời tất cả tăng ni, 3 giờ chiều ngày mai qui tụ về giảng đường chùa Ấn-quang để nghe Quí Thầy nói chuyện về tình hình Phật giáo.” Chúng con vâng lệnh thi hành tức khắc; và như thế là cuộc tranh đấu của Phật giáo chống lại chính sách kì thị và đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu... Sau đó thì Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo được thành lập để chính thức tiến hành cuộc đấu tranh trên toàn lãnh thổ VNCH, trụ sở hoạt động được đặt tại chùa Xá-lợi, Sài-gòn, Ôn Tâm Châu làm Chủ-tịch, và chính Ôn đảm nhận chức vụ Tổng-thư-kí. Với chức vụ này, ngoài việc điều hành mọi công tác hành chánh, soạn thảo mọi thông bạch, thông cáo, công văn giao dịch với chính quyền v.v..., Ôn còn tự tay soạn các tài liệu (kể cả truyền đơn) dùng vào công cuộc tranh đấu. Công việc thật nhiều, Ôn làm việc ngày đêm, cho nên trong thời gian ấy Ôn đã cư ngụ luôn tại chùa Xá-lợi. Trong lúc đó thì con làm thư kí riêng cho Ôn Thiện Minh, cho nên cũng phải ở luôn tại chùa Xá-lợi; do đó mà con lại được dịp gần gũi và liên lạc công việc thường xuyên với Ôn trong suốt thời gian đó. Cho đến giữa khuya ngày 20 tháng 8 năm ấy...

Kính bạch Giác Linh Ôn! Ôn biết rõ về những vấn đề cốt lõi trong cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt-nam với chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, vì Ôn là một trong những “chiến lược gia” tham mưu của phong trào tranh đấu. Phật giáo thì thuần túy bất bạo động, còn chính quyền thì có trong tay thật dồi dào các phương tiện đàn áp. Trong thời gian đó đã có nhiều cuộc bàn thảo giữa hai bên để mong phía chính quyền giải quyết ổn thỏa các yêu sách chính đáng của Phật giáo, nhưng thay vì thành tâm giải quyết sự việc, đem lại an vui cho dân chúng, thì chính quyền cứ hứa hươu hứa cuội, dằng dai kéo dài thời gian để tìm cách triệt hạ Phật giáo cho bằng được. Ngày 11 tháng 6, Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu để cầu nguyện cho pháp nạn Phật giáo. Hôm Ôn bưng quả tim kim cương của Bồ Tát Quảng Đức (còn lại sau khi tự thiêu) đứng trong chánh điện chùa Xá-lợi, hình ảnh Ôn lúc đó thật trang nghiêm, mọi người đã sụp lạy; hình ảnh ấy con còn nhớ mãi... Ngọn lửa tự thiêu đã làm chấn động cả thế giới, đã làm cho cả loài người bàng hoàng sửng sốt. Rồi vào giữa tháng 6, do áp lực từ nhiều phía, chính phủ phải chấp nhận ngồi họp với Phật giáo để giải quyết những yêu sách của Phật giáo đưa ra. Cuộc họp quan trọng ấy đã diễn ra tại hội trường Diên-hồng, giữa một bên là Ủy Ban Liên Bộ, đại diện chính phủ Ngô Đình Diệm, và một bên là Phái Đoàn đại diện Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo. Phái đoàn Phật giáo do Ôn Thiện Minh làm trưởng phái đoàn, thành viên có Ôn Tâm Châu và Ôn Thiện Hoa; Ôn là thư kí của phái đoàn, và thầy Đức Nghiệp là phó thư kí. Hôm đó con cũng may mắn được ôm cặp theo hầu Ôn Thiện Minh, được ngồi trong một góc để quan sát cuộc họp. Trong cuộc họp đó, Quí Ôn, tuy ngôn từ khiêm cung từ tốn, nhưng luôn luôn tràn đầy uy lực, lúc nào cũng ở thế thuyết phục đối với bất cứ vấn đề gì. Đối với những chuyện kì thị đối xử và đàn áp Phật giáo của chính quyền, do Ôn Thiện Minh đưa ra, bên chính phủ đều chối bỏ; nhưng đâu có chối được, vì Ôn ngồi ngay bên cạnh đó, với nhiệm vụ thư kí, Ôn có trước mặt tập hồ sơ dầy cộm, cả trăm trang đánh máy, chứng cớ rành rành, đầy đủ đây mà! Sau cùng, cuộc họp kết thúc với bản Thông Cáo Chung5 điểm, đều có lợi cho Phật giáo. Nếu bản Thông Cáo Chungnày được chính quyền thực tâm thi hành thì xã hội đã thái bình, nhân dân an lạc. Nhưng không, họ vẫn một mực muốn tiêu diệt Phật giáo, việc kí bản Thông Cáo Chungchỉ là bước nhượng bộ nhằm xoa dịu tình hình trong nhất thời, để rồi tìm kế sách hữu hiệu mới cho việc đàn áp Phật giáo. Bởi vậy, sau đó, bản Thông Cáo Chungđã không được chính phủ thi hành, mà sự đàn áp của chính quyền lại ngày càng gia tăng mạnh mẽ trên toàn quốc, mánh khóe trấn áp cũng ngày càng tinh vi hơn. Và theo đó, cuộc đấu tranh của Phật giáo, tuy vẫn thuần túy bất bạo động, cũng đã ngày càng quyết liệt hơn. Kết quả, việc phải tới đã tới, đêm 20 rạng ngày 21 tháng 8, chính quyền đã sử dụng các lực lượng tinh nhuệ nhất của chế độ, đồng loạt tấn công vào các chùa viện trên toàn quốc, bắt hết chư tăng ni và Phật tử đem bỏ tù!

Riêng tại chùa Xá-lợi, như được người thân tín mật báo trước, buổi chiều hôm ấy, Ôn bảo nhỏ cho tất cả Phật tử hãy về nhà trước khi trời tối, chỉ có tăng ni là vẫn ở lại tiếp tục làm phận sự của mình. Ôn và Ôn Tâm Châu ngầm chỉ thị cho quí thầy Ban Trật Tự tăng cường nhân sự, chuẩn bị phòng thủ nghiêm mật. Từ giờ phút đó, cổng chùa đóng chặt, chỉ có Phật tử trong chùa ra về, còn ở ngoài thì không ai được vào chùa, kể cả tu sĩ; ngoại trừ các tăng ni vốn làm việc trong chùa, ra ngoài đi công tác về trễ. Tối đó, khóa lễ Tịnh Độ vẫn cử hành như thường; mọi công việc (đánh máy, quay ronéo tài liệu, sắp xếp truyền đơn, vẽ bích chương v.v...) vẫn làm theo giờ giấc. Rất nhiều bao ni-lông và chanh cắt từng miếng sẵn sàng (để “chống” lựu đạn cay!). Sau 10 giờ thì đèn đuốc tắt hết, chỉ để lại vài ngọn đèn lù mù trong các phòng và chánh điện, một không khí chờ đợi nặng nề bao phủ khắp chùa; tất cả chư tăng ni hiện trú, từ bậc lãnh đạo tối cao là Ôn Pháp Chủ Tịnh Khiết, xuống đến các chú sa di làm việc vặt, đều chuẩn bị tinh thần cho một cuộc tấn công của chính quyền vào chùa trong đêm nay, chưa biết chắc là vào giờ nào, và tấn công như thế nào!

Cuối cùng rồi tai nạn cũng đã đến với chư tăng ni. Hơn 11 giờ đêm thì cuộc tấn công bắt đầu. Từng bóng người nhảy từ hàng rào vô sân chùa. Cổng chùa bị bẻ khóa, mở toang. Lựu đạn cay, lựu đạn khói được ném tới tấp vào các phòng ở tầng dưới, tầng trên, chánh điện, tháp chuông, khói cay mù mịt khắp nơi. Tuy trong tay không có tấc sắt, nhưng cuộc chống đỡ, kháng cự của quí thầy Ban Trật Tự cũng mạnh mẽ, kiên cường lắm. Nhưng dù có chống đỡ thì cũng chỉ như trứng chọi đá mà thôi, cho nên sau hơn một tiếng đồng hồ dằng co, nhiều thầy và cô bị ói mửa, ngạt thở, nhiều thầy đã bị thương, có thầy còn bị thương rất nặng; tất cả tăng ni trong chùa, lần lượt bị họ lôi hết ra để ngồi trên sân chùa. Lúc đó con để ý nhìn, nhưng không biết Quí Ôn ở đâu. Sau khi họ lục lọi khắp các nơi xó xỉnh trong chùa để biết chắc là không còn sót ai núp ở đâu, họ “lùa” hết chư tăng ni ra đường. Một đoàn xe “bít bùng” đã đậu chờ sẵn, từng toán tăng ni bị “lùa” lên xe, rồi đoàn xe chuyển bánh, chạy đi trong đêm khuya. Những chiếc xe “nhà binh” được phủ che kín mít, người ngồi bên trong không có cách gì nhìn thấy phố sá ở hai bên đường. Họ chẳng cần bịt mắt ai cả, nhưng chẳng ai biết được họ chở mình đi đâu, chỉ có cảm giác rằng, lúc này xe chạy thẳng, bây giờ xe quẹo phải, bây giờ xe quẹo trái, lúc này xe chạy thẳng..., thế thôi; dù vậy, con cũng mường tượng được là xe đang chạy hướng về Chợ-lớn. Xe chạy loanh quanh cũng khá lâu, chắc mất khoảng gần tiếng đồng hồ, rồi dừng lại. Có lệnh bảo xuống xe. Họ rọi đèn sáng choang, mới thấy mình đang đứng trong sân của một đồn cảnh sát, có hàng rào dây kẽm gai thật cao, bao bọc chung quanh, có hàng trăm cảnh sát dã chiến canh giữ. Chư tăng ni xuống xe hết rồi, đoàn xe ra khỏi đồn cảnh sát, cánh cổng sắt to lớn được đóng lại. Có lệnh tất cả vào bên trong đồn, và thủ tục ghi danh “nhập trại” bắt đầu. Thật là bất ngờ, vì đây là chuyện con không hề nghĩ tới: trong khi mọi người sắp hàng vào ghi danh, con nhìn thấy người đứng trước con ba bốn thầy, chính là Ôn! Và người đứng cách trước Ôn hai ba thầy, lại là Ôn Trí Quang! Ôi, con vui mừng biết bao nhiêu, đâu có niềm vui nào to lớn hơn, trong cảnh hoạn nạn mà được có Quí Ôn bên cạnh như thế này! Bạch Ôn, con không hề nghĩ tới chuyện này là tại vì, theo chúng con biết, tất cả hàng lãnh đạo cao cấp của phong trào tranh đấu Phật giáo (như Ôn Pháp Chủ, Ôn Tâm Châu, Ôn Thiện Minh, Ôn Quảng Độ v.v...) đều bị chính quyền giam giữ biệt lập; cho nên chúng con, ai cũng yên chí là không có Ôn nào được đưa vào đồn cảnh sát này cả; chỗ này toàn là đám cấp dưới mà thôi. Còn một điều nữa cũng khá lạ lùng: không ai bảo ai, mà trong lúc khai tên cho cảnh sát làm danh sách, tất cả đại chúng đều tự động chỉ khai tên tục, không khai pháp danh, cả hai Ôn cũng vậy. Mà họ cũng không bắt phải trình căn cước, không đòi phải khai pháp danh. Có lẽ nhờ đó mà hai Ôn không bị lộ ở trại giam này. Lúc đó họ mở loa phóng thanh để cho mọi người đều nghe tin tức “sốt dẻo” từ đài phát thanh Sài-gòn. Tin tức loan rằng, chính phủ vừa bắt được trọn ổ bọn sư Việt cộng làm loạn để đem lại an ninh trật tự cho dân chúng. Rồi họ kể tiểu sử của từng Ôn: Thích Tịnh Khiết, Thích Tâm Châu, Thích Thiện Minh v.v..., Ôn nào cũng là Việt cộng nằm vùng, hoặc thân cộng cả. Họ còn nói rõ: “Các tên đầu sỏ đã bị bắt hết, chỉ có hai tên Trí Quang và Huyền Quang còn đang tại đào, nhưng chắc chắn sẽ không thoát khỏi lưới pháp luật.” Nghe được điều này, chúng con mới thực sự yên tâm, vì biết chắc họ đã không nhận diện được hai Ôn ở đây.

Ghi danh xong, họ chỉ định chỗ ở, toàn thể chư tăng ở một dãy nhà phía Đông, toàn thể chư ni ở một dãy nhà phía Tây. Thủ tục ban đầu như thế là tạm xong, lúc đó thì trời vừa hừng sáng. Chúng con ra sân đồn, thấy tấm bảng đề: “Bót Cảnh Sát Rạch Cát”.Vậy ra, đây là quận 8 của đô thành Sài-gòn. Mặt trời đã mọc, ánh sáng đã tỏ rõ, con thấy đồn cảnh sát này có một khuôn viên quá rộng, ba bên có lạch nước bao bọc, lại có hàng rào dây kẽm gai rất cao bao khắp bốn mặt, tù nhân khó mà trốn ra khỏi được. Nhìn khắp một lượt, ước lượng con số chư tăng ni bị nhốt ở đây khoảng gần 800 vị, được chở tới từ các chùa Xá-lợi, Ấn-quang, Giác-minh, Dược-sư, Từ-nghiêm, Huê-lâm v.v... Đã thấy rõ có hai Ôn ở đây, chúng con, chín mười người đã từng thân cận bên hai Ôn hằng ngày, lúc đó đã rỉ tai nhau, đừng tỏ vẻ kính cẩn trước mặt hai Ôn như hồi ở chùa, mà cứ giữ cử chỉ bình thường, như thể không có vị thầy cao cấp nào ở đây cả. Từ lúc đó trở đi, trong suốt thời gian bị nhốt ở bót cảnh sát này, chín, mười đứa chúng con lúc nào cũng chùm nhum bao quanh hai Ôn. Hai Ôn đứng thì cùng đứng, hai Ôn ngồi thì cùng ngồi, lúc ăn lúc ngủ, lúc giải trí, luôn luôn như vậy; mục đích là để che hai Ôn, làm cho “người ta” không thể nhìn thấy mặt hai Ôn. Hai Ôn ngầm cho lệnh, tất cả tăng ni cứ giữ thời khóa tu học hằng ngày, không bàn tán xôn xao, không tỏ cử chỉ náo động nào. Họ thấy nếp sống của chư tăng ni hàng ngày nghiêm trang, thanh tịnh, không có một hành động hay lời nói nào chống đối họ, thì họ cũng yên tâm, không dòm ngó soi mói, không hoạnh họe khắt khe, cứ để cho chư tăng ni tự do thực hiện thời khóa của mình.

Vào bót cảnh sát Rạch-cát là rạng sáng ngày 21.8, nhằm ngày Mồng 3 tháng Bảy âm lịch, đến ngày Rằm tháng 7 âm lịch (tức ngày 2.9 dương lịch) thì toàn thể tăng ni ở đây được thả về hết, tổng cộng thời gian ở tù là 13 ngày. Con còn nhớ, sau đêm 20 tháng 8, khi đã bắt giam hết chư tăng ni tranh đấu vào các trại giam, khai tử Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, chính quyền bèn cho ra đời một tổ chức Phật giáo thân chính quyền, được đặt tên là Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo Thuần Túy, và thỉnh cầu Ôn Thiện Hòa làm chủ tịch của tổ chức mới này. Theo con nghĩ, có lẽ Ôn Thiện Hòa đã vì muốn cứu chư tăng ni ra khỏi cảnh tù tội mà phải nhận lời chính quyền làm chủ tịch Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo Thuần Túy; rồi dùng cái “thế” của Ủy Ban này mà can thiệp với chính quyền để trả tự do cho chư Quí Ôn và chư tăng ni; và bước đầu tiên là thả chư tăng ni cấp dưới ở bót Rạch-cát này đây. Sáng hôm ấy, một đoàn xe “nhà binh” lại sắp hàng đậu dọc theo con lộ ở trước bót cảnh sát. Đám tù nhân tăng ni được lệnh tập trung ở sân đồn cảnh sát, hai Ôn vẫn được chúng con bao quanh khéo léo như những ngày qua. Rồi vài thầy đại diện cho Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo Thuần Túy xuất hiện trước tù nhân, nhắn nhủ vài lời trước khi thông báo cho tù nhân biết, hôm nay ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, chính phủ ân xá, thả hết tăng ni trở về chùa lo thuần túy tu học, đừng nghe theo lời xúi giục mà phá rối trị an nữa. Tiếp đó, mọi người về chỗ ngủ lấy tư trang của mình, rồi ra khỏi cổng, leo lên xe. Ôn Trí Quang leo lên một xe chở đầy chư tăng Nam-tông; Ôn lên một xe khác, có con và năm, sáu chú hầu chung quanh. Sau khi chư tăng ni lên xe hết, đoàn xe chuyển bánh, có bốn, năm xe cảnh sát dẫn đầu và chận đuôi. Lần đi về này mọi người được nhìn ngó phố phường thoải mái, chứ không giống như lần trước đi vô trại tù. Đoàn xe chạy về tới chùa Ấn-quang thì dừng lại. Chư tăng ni được lệnh xuống xe, nhưng phải vô chùa lãnh giấy “phóng thích” để trở về chùa mình cho được an toàn. Khi Ôn và chúng con vừa xuống xe, thừa lúc chộn rộn không ai để ý, chúng con gọi ngay một chiếc xe xích-lô đạp, Ôn lên ngồi thật lẹ, chúng con bảo xe chở Ôn chạy ngay. Thế là chúng con đành xa Ôn từ phút đó.

Kính bạch Giác Linh Ôn! Cái phút xa Ôn đó, nó vội vàng quá, và cũng nguy hiểm quá! Ôn không kịp bảo được một lời là Ôn sẽ về đâu; mà con cũng không thưa được lời nào với Ôn về chuyện sắp tới sẽ ra sao. Chiếc xe xích-lô chở Ôn đã chạy vội vàng; như thế cũng yên tâm, con chỉ cầu Phật gia hộ, trên đường đi, Ôn không gặp điều gì trục trặc. Ôn Trí Quang cũng biến mất hút rồi, con cũng chỉ biết cầu Phật gia hộ. Con lững thững bước vào sân chùa Ấn-quang, sắp hàng lãnh cái giấy “phóng thích” do Ôn Thiền Tâm trao, với lời nhắn nhủ: “Chính phủ khoan hồng cho rồi, trở về lo tu học thuần túy nghe, đừng có lộn xộn nữa!”

Con ra khỏi chùa Ấn-quang, kêu một chiếc xích-lô đi về Già-lam. Bước vào sân chùa thấy vắng hoe, chạy về căn phòng mình thì thấy cửa không còn ổ khóa, mở banh cửa ra thì... ôi thật là ảm đạm, bao nhiêu tài liệu sách vở của con bị mất sạch, chiếc bàn trống trơn! Bỗng một chú từ đâu chạy đến bên con, nói thật lẹ: “Tất cả đồ đạc của chú, mật vụ Gia-định lấy hết rồi. Họ vào đây tìm bắt chú mấy lần, nhưng không có chú. Chú hãy chạy mau đi, không chừng họ sẽ trở lại nữa!”Thế là con tức tốc rời Già-lam ngay sau đó. Con sang chùa Phổ-đà, định xin thầy Từ Hạnh cho ở nhờ ít hôm, thì, quả thật không ngờ, con lại được gặp Ôn ở đó! Con mừng quá đỗi! Con xá chào Ôn. Ôn cũng mừng được gặp lại con. Con không biết Ôn ở luôn tại đó hay chỉ ở chơi tạm, nhưng hoàn cảnh của con hiện đang trong cơn khẩn cấp, thầy Từ Hạnh không cho ở nhờ, con không ở đó lâu được, đành nóivài lời cám ơn thầy Từ Hạnh, rồi con chào Ôn đi ra. Con đi thẳng ra ga xe lửa, lấy vé tàu suốt đi ra Nha-trang ngay chiều hôm ấy. Con nghĩ rằng, con thực sự xa Ôn từ hôm ấy!...

Nhưng không, kính bạch Giác Linh Ôn! Duyên lành của con vẫn còn dài...

Con chỉ ẩn náu ở Nha-trang một thời gian thì biến cố 1.11.1963 xảy ra, quân đội đảo chánh lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Qua đài phát thanh, con nghe được tiếng reo hò của quần chúng ở Sài-gòn, của hàng ngàn Phật tử, thanh niên sinh viên học sinh Phật tử và đoàn sinh Gia Đình Phật Tử được giải thoát khỏi ngục tù từng bị chế độ độc tài giam cầm trong thời gian tranh đấu vừa qua. Con nghe được tiếng Quí Ôn, Quí Thầy trả lời những câu hỏi của báo chí sau khi được thoát khỏi nơi giam cầm. Lòng con cũng nô nức vô cùng. Chờ một tuần cho tình hình ổn định, con trở vào lại Sài-gòn. Con lên chùa Ấn-quang chào Ôn. Con vô cùng xúc động được gặp lại Quí Ôn. Con biết Quí Ôn đang bận rộn chuẩn bị cho một đại hội sắp tới vào cuối tháng 12 dương lịch, tại chùa Xá-lợi, để thành lập một “Giáo hội thống nhất” cho Phật giáo Việt-nam. Như một nhân viên hành chánh chuyên nghiệp, Ôn lại bận rộn về công việc “hành chánh” cho đại hội này; và sau khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập vào tháng 1 năm 1964, Ôn lại được tôn cử vào chức vụ Tổng-thư-kí Viện Hóa Đạo của Giáo Hội. Còn con và các chú khác thì lúc ấy được hoàn toàn rảnh rang, bèn trở lại các trường để tiếp tục việc học tập; thỉnh thoảng lại lên chùa Ấn-quang (trụ sở của Viện Hóa Đạo) hầu thăm Quí Ôn.

Những tưởng như thế là con đã được yên ổn học hành, nhưng không, vài tháng sau khi nhân sự Viện Hóa Đạo được công cử hoàn mãn, Ôn Thiện Minh, Tổng-vụ-trưởng Tổng Vụ Thanh Niên Phật Tử, đã lập một cơ sở riêng cho Tổng Vụ ở đường Hiền-vương, Sài-gòn; và con đã được ngài gọi, giao cho nhiệm vụ Tổng-thư-kí để điều hành văn phòng Tổng Vụ. Ngài đã tin tưởng thì con phải vâng lời; thế là, trong thời gian ấy, con phải vừa làm việc vừa đi học. Và cũng vì công việc, trong thời gian ấy con lại thường được hầu Ôn qua các Phật sự liên hệ.

Mùa hè năm 1965, vì không có giấy tờ “hợp lệ quân dịch”, con phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, và được Ôn Tâm Giác (Giám-đốc Nha TUPG/ QLVNCH) đưa vào phục vụ trong ngành TUPG/QLVNCH. Từ đó, tuy vẫn là Phật sự, nhưng con đã chuyển qua một công tác mới, một thân phận mới, một môi trường mới, một đối tượng làm việc mới; con không còn dịp gặp Ôn thường xuyên nữa, mà thỉnh thoảng sáu tháng, một năm, con mới lên chùa chào Quí Ôn một lần.

Sau biến cố lớn của đất nước –30 tháng 4 năm 1975, con lên chùa Ấn-quang thăm Quí Ôn, thấy Ôn vẫn bình an; tuy vậy, con vẫn hiểu được nỗi lo âu cho vận mệnh Giáo Hội đang đè nặng trong tâm Ôn. Từ sau ngày 30.4 đó, Phật giáo bị đàn áp khắp nơi, bao nhiêu cơ sở của Giáo Hội trên khắp nước, dần dần bị nhà nước mới chiếm đoạt; biết bao nhiêu văn thư của Giáo Hội do Ôn (lúc này Ôn đã là Đệ Nhất Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo) và Ôn Quảng Độ (lúc này đã là Tổng Thư Kí Viện Hóa Đạo, cùng được tôn cử trong kì Đại Hội Đồng của Giáo Hội năm 1974)gửi cho nhà nước mới để khiếu nại, phản đối về những trường hợp như thế. Vì vậy, trong những năm 76, 77, chúng con thấy Ôn lúc nào cũng đeo cái túi xách vải lam bên mình. Hỏi Ôn đựng thứ gì trong đó, thì Ôn bảo chỉ có bộ quần áo, kem và bàn chải đánh răng, cùng vài thứ lặt vặt tùy thân cần yếu, cứ đeo sẵn đó, nhỡ có bị bắt thình lình thì có cái mà dùng. Ôn đã nhìn thấy con đường trước mặt, và luôn luôn tự đặt mình trong tình trạng sẵn sàng..., sẵn sàng đi ở tù bất cứ lúc nào! Quả nhiên, giữa năm 1977 thì Ôn bị bắt! Cuối năm sau Ôn được thả ra nhưng vẫn bị quản chế. Và từ đó, nếu không bị chính thức ở tù thì cũng bị quản thúc tại chùa, thời gian trải dài cho đến ngày Ôn viên tịch, ngày 5 tháng 7 năm 2008 – ròng rã hơn 30 năm!

Nhưng hãy trở về lại năm 1977. Tháng 4 năm đó, Ôn bị bắt cùng với Ôn Quảng Độ, Ôn Thuyền Ấn v.v... Vào khoảng mùa thu năm sau, 1978, thì Ôn Thiện Minh bị bắt và bị tra tấn đánh đập dã man, chỉ một thời gian ngắn thì Ngài đã tử đạo ngay trong đồn công an; nhục thân ngài bị họ đem chôn vùi tận trại cải tạo Hàm-tân. Việc này tức khắc được đưa lên đài BBC, và bị dư luận thế giới lên án. Nhà nước muốn xoa dịu dư luận, bèn cho lập phiên tòa xử Quí Ôn vào cuối năm, dựng cái cớ để thả Quí Ôn về chùa. Về đến chùa, Ôn và Ôn Quảng Độ lại tiếp tục công việc Giáo Hội.

Mùa xuân năm 1979, nhà nước mới đã huy động các đoàn thể dân chúng, các tôn giáo, tập trung đi “công tác lao động xã hội chủ nghĩa”. Về các đoàn thể và tôn giáo khác thế nào thì con không được biết, riêng Phật giáo mình thì lấy chùa Ấn-quang làm địa điểm xuất phát. Buổi sáng hôm đó con lên chùa Ấn-quang để xin theo chư tăng đi lao động. Hơn ba trăm tăng ni (từ các chùa Ấn-quang, Huệ-nghiêm, Dược-sư, Từ-nghiêm, Huê-lâm) và mấy chục Phật tử đã tề tựu trước chùa. Con thấy Ôn đang điều động đại chúng, chia thành từng toán, lên các chiếc xe đò chờ sẵn; rồi đoàn xe khởi hành theo sự hướng dẫn của các “cán bộ Mặt Trận Tổ Quốc”. Đến trưa thì đoàn xe dừng lại nơi “công trường” Nhị-xuân rộng lớn ở Hốc-môn, là địa điểm công tác trong mười hai ngày sắp tới. Cả đại chúng được tạm trú trong một ngôi chùa gần đó, có thể hằng ngày đi bộ ra công trường làm việc rồi trở về chùa. Theo cán bộ cho biết, nhiệm vụ của đợt công tác này là “đắp các ụ đất cao để bộ đội đặt súng phòng không chống máy bay Trung-quốc”!Trong suốt thời gian lao động ấy, Ôn luôn luôn sát cánh với đại chúng, cùng chia sẻ ngọt bùi cực nhọc, làm cho mọi người lúc nào cũng cảm thấy an tâm, trong khó khăn mà tình thầy trò luôn luôn ấm áp. Trong suốt những ngày đó, dưới sự chỉ đạo của Ôn, đại chúng luôn luôn sống trong niềm vui hòa thuận, đội ngũ chỉnh tề, làm việc siêng năng, nhất là giờ giấc tu niệm khuya tối của tăng ni vẫn được duy trì đúng mức. Con còn nhớ, giữa thời gian lao động ấy gặp vào ngày Rằm âm lịch, Ôn cũng đã cho cử hành các lễ Sám-hối, Bố-tát, Tụng-giới, không khí trang nghiêm như đang ở một đạo tràng tu học. Nhờ sự hành trì ấy mà đại chúng, tuy vẫn làm việc, vẫn vui vẻ, nhưng phong thái luôn luôn nghiêm túc, không có điều gì khiếm khuyết trong oai nghi tế hạnh, khiến cho người ngoài không “dòm ngó” vào đâu được. Chúng con được biết, có nhóm “Phật Giáo Yêu Nước” cũng đang lao động ở một địa điểm lân cận, nhưng nghe nói, họ ăn uống thật là thiếu thốn, hình như không có ai tiếp tế cả; trong khi đó, bên này thì rau trái gạo tương được Phật tử tiếp tế dư thừa, cho nên Ôn thường cho Phật tử đem thực phẩm sang chia sớt cho họ. Chúng con thấy rất rõ, những người “yêu nước” lúc nào cũng dựa thế “cách mạng”, dương dương tự đắc, đầu đội mũ cối, mặt khó đăm đăm; nhưng Ôn thì luôn luôn đáp lại bằng từ bi độ lượng, thậm chí đến dụng cụ làm việc, Ôn cũng giúp đỡ cho họ. Rồi thời gian lao động cũng kết thúc, công tác hoàn mãn, thành quả được “đánh giá tốt”. Thầy trò hoan hỉ ra về... Buổi tối của ngày cuối cùng, Ôn cho nghỉ thời Tịnh Độ thường lệ, thay vào đó là buổi văn nghệ “bế mạc”. Đây là buổi văn nghệ hoàn toàn “tự phát”, mọi người đều có thể góp vui; các cán bộ cũng tham dự. Mặc dù vậy, Ôn vẫn nhắc nhở đại chúng một điều: Hãy tự tỉnh giác, không đi ra ngoài tinh thần đạo pháp! Con còn nhớ, buổi tối hôm ấy, con có trình Ôn nghe trước bài “kệ” của con, được Ôn cho phép đọc bài “kệ” ấy ở màn cuối để kết thúc chương trình văn nghệ. Bài kệ ấy như sau:

Đại từ đại bi chẳng muốn leo,

Đại hỉ đại xả té gần chết,

Mặt mũi lấm lem tự trang nghiêm,

Ụ đã lên cao qui mạng lễ!

Chương trình văn nghệ chấm dứt, quí sư cô cho đại chúng ăn một bữa chè đậu đỏ thật ngon. Đêm đó mọi người đều ngủ thật ngon, khuya dậy công phu, rồi ăn sáng, những chiếc xe đò đã chờ sẵn sàng, đại chúng lên xe trở về Ấn-quang; rồi giải tán, ai về trú xứ nấy... Kính bạch Ôn, ở nơi này con gặp lại được hai vị cũng từng tham gia 12 ngày “lao động XHCN” khi xưa: thầy Minh Đạt và thầy Hạnh Cần. Thầy Minh Đạt lúc đó ở chung phòng với con, nay thầy đã là một vị Hòa-thượng thuộc hàng trưởng lão. Nhắc lại chuyện cũ lúc đó, lòng chúng con thật bùi ngùi nhớ Ôn!

Kính bạch Giác Linh Ôn! Mùa thu năm 1979, con có lần lên chùa Ấn-quang vào buổi chiều, leo lên tận sân thượng, được gặp Ôn cùng Ôn Trí Quang đang hóng mát trên đó. Con hỏi thăm Quí Ôn, thấy Quí Ôn vẫn phong thái an nhiên tự tại, đàm luận việc dịch Đại Tạng Kinh, lo cho tiền đồ của Phật giáo Việt-nam. Quí Ôn dạy con phải cố gắng giữ mình, không quên tâm đạo. Và đó là lần cuối cùng con gặp Ôn; vì sang năm sau thì con vượt biên, cho đến nay, trên một phần tư thế kỉ, con chưa một lần trở về thăm quê nhà...

Kính bạch Giác Linh Ôn! Đã ngót 30 năm, con chưa một lần gặp Ôn trở lại, nhưng trong suốt thời gian ở hải ngoại này, con vẫn theo dõi tất cả những tin tức về Ôn, lòng con vô cùng kính ngưỡng Ôn, một bậc tôn sư hùng vĩ, một vị Đại-sĩ của Phật giáo Việt-nam hiện đại!

Bao nhiêu năm tháng thân Ôn bị tù đày quản thúc, nhưng tâm Ôn vẫn tự tại an nhiên. Ôn đã biến nơi tù đày thành thiền duyệt thất, thành phòng tụng đọc Đại Tạng Kinh, soạn Khoa Nghi.

Ở trong vòng vây đầy chông gai chướng ngại mà Ôn vẫn mạnh mẽ bước ra để đến tận cố đô Huế đảnh lễ kim quan đức Đệ Tam Tăng Thống, và uy dũng nhận lãnh ấn tín kế thừa.

Ở trong rừng nanh vuốt dạ xoa mà Ôn vẫn dõng dạc hét to tiếng gầm sư tử, nào “yêu sách 9 điểm”, nào “phục hoạt Giáo Hội”, nào “tự do tôn giáo”, nào “đảng phải sám hối với toàn dân”, nào “hủy bỏ điều 4 hiến pháp”, nào “tự do dân chủ cho dân tộc”, v.v...

Ôn quả thật là bậc Đại-sĩ vô úy!

Ôn làm được những việc khó làm!

Ôn an nhẫn những điều khó nhẫn!

Ôn là tấm gương sáng tròn đầy!

Vậy mà, kính thưa Ôn! Ôn và Quí Ôn, Quí Thầy nhẫn nhục, từ bi cao cả như thế đó, mà thời ông Diệm thì họ bảo là Quí Ôn Quí Thầy theo cộng sản, họ bắt bỏ tù; sang thời cộng sản thì họ lại bảo Quí Ôn Quí Thầy là phản động, là CIA, họ cũng bắt bỏ tù! Cuộc đời sao mà oái oăm ngang trái quá lắm thế! Vô minh dầy đặc quá lắm thế!

Quí Ôn Quí Thầy là những vị Bồ-tát sinh ra đời này để chịu khổ thay cho chúng sinh, gánh hoạn nạn thay cho chúng sinh.

Con xin ngừng ở đây một phút để tưởng nhớ ân đức Quí Ôn Quí Thầy, dù đã viên tịch hay còn đang tại thế.

Con kính lạy Ôn, bậc Tôn Sư cao quí!

Hải ngoại, đầu mùa Vu Lan năm 2008

Đứa học trò bé nhỏ của Ôn,

Cư sĩ HẠNH CƠ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 5522)
Những năm tháng dùi mài kinh điển trong các tự viện để thể nhập Phật học huyền vi, u hiển, một thời nào đó đã lầu thông giáo lý cao siêu giải thoát, hướng thân lập mệnh trên con đường giác ngộ, để rồi hôm nay là thành quả hiển nhiên có được tận cùng tâm hồn sâu thẳm mà Thầy đang phô diễn như ý nghĩa cao siêu của Đại Bi Tâm.
29/03/2013(Xem: 5783)
Đây là chủ đề bài thuyết trình của diễn giả Nguyên Siêu, tác giả 650 trang sách trong tác phẩm “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” tập 1 và tập 2 vừa hoàn thành và được chính thức ra mắt tại hội trường của Hiệp Hội Người Việt tại San Diego, miền Nam California.
29/03/2013(Xem: 11932)
Tôi người Quảng Bình, 1 trong 3 nơi mà Huyền Trân công chúa mới đáng là thành hoàng. Tổ tiên gốc người Hải dương, 4 cha con cùng có mặt trong đạo quân tiếp quản Quảng Bình, rồi định cư ở 3 làng. Thuận Lý là con trưởng, kế đó, Phương Xuân là con thứ 2. Diêm điền, làng tôi, là nơi Tổ của làng tôi cùng con út định cư.Làng tôi cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng bình chỉ có chừng 600 mét đường chim bay.
27/03/2013(Xem: 11873)
Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư, Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 01 (2007, Canada) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 02 (2008, Hoa Kỳ) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 03 (2019, Hoa Kỳ) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 04 (2010, Đức) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 05 (2011, Pháp) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 06 (2012, Úc) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 07 (2013, Hoa Kỳ) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 08 (2014, Úc) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 09 (2015, Pháp) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 10 (2016, Canada) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 11 (2018, Pháp) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 12 (2020, Úc)
18/03/2013(Xem: 6276)
Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam, trước năm 1975 là một trung tâm văn hóa Phật giáo nổi tiếng lừng lẫy. Nơi đây đã quy tụ biết bao hào kiệt trượng phu, biết bao tao nhân mặc khách, biết bao giáo sư, triết gia cự phách thượng đẳng. Đặc biệt là các thiên tài xuất chúng siêu việt như Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, nổi bật nhất là Bùi Giáng, một thi sĩ kỳ dị, xưa nay chưa từng thấy xuất hiện trên bầu trời văn nghệ Việt Nam và thế giới.
11/03/2013(Xem: 6981)
Lê Quý Đôn (1726-1784) là một danh sĩ, nhà văn hóa, sử gia, sống vào đời Hậu Lê. Ông không những ba lần thi đều đỗ đầu, kinh qua nhiều chức quan, đã từng đi sứ sang Trung Quốc, mà còn là một nhà bác học, đã để lại một gia tài đồ sộ bao gồm khoảng 16 tác phẩm và nhiều thơ, phú bằng chữ Nôm khác. [1] Trong số những tác phẩm ấy, có Kiến văn tiểu lục, [2] là một tác phẩm dành riêng quyển 9 – thiên Thiền dật, để viết về Phật giáo và Thiền tông Phật giáo Việt Nam, chủ yếu là những vị Tổ thuộc Thiền phái Trúc lâm. Trong bài viết ngắn này, chúng ta thử chỉ tìm hiểu quan điểm của Lê Quý Đôn về Phật giáo, mà không bàn sâu đến phần Thiền tông Việt Nam mà ông đã chép.
21/02/2013(Xem: 7576)
Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định, thân phụ là cụ ông Trần Văn Quý, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suôi. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình gồm hai trai một gái. Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho phong. Thân phụ Ngài tinh thông Hán học. Cả hai ông bà lại rất thâm tín Phật pháp. Do đó, Ngài được hấp thụ ngay từ thuở ấu thơ hai nền văn hóa cổ truyền của dân tộc là Khổng giáo và Phật giáo.
19/02/2013(Xem: 8968)
Mới đây các nhà khảo cổ Mỹ và Canada đưa ra chứng cứ cho rằng Phật giáo đã được truyền vào Mỹ trước khi ông Columbus tìm ra châu Mỹ. Tuy nhiên, theo các tài liệu có được hiện nay thì Phật giáo chỉ thật sự có mặt tại Mỹ sau kỳ Đại hội Tôn giáo Thế giới tổ chức tại bang Chicago vào năm 1893. Nhưng ai là người có công truyền bá và làm lớn mạnh "hạt giống Bồ đề" trên đất Mỹ? Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số nhà sư cư sĩ người châu Á, những người tiên phong có công đặt nền móng xây dựng ngôi nhà chánh pháp trên đất Mỹ.
10/02/2013(Xem: 10267)
Từ những con người bình thường, không được sinh ra ở cung vàng điện ngọc, nhưng rồi trở thành những vị vua anh minh tài kiêm văn võ, tư tưởng và nhân cách cao siêu, mãi còn đọng lại với thời gian. Dù sống ở hoàng cung nhưng tâm lúc nào cũng vượt thoát, làm bậc đế vương nhưng hạnh vẫn là một sơn Tăng, ưa vui với gió nội mây ngàn, thở nhịp cùng đất trời nhân gian cây cỏ. Để rồi trở thành những người con Phật vĩ đại, trí tuệ và công hạnh thắm đượm cả không gian, thức tỉnh chúng ta trên bến bờ sinh tử của mê ngộ, đậm nét trong lòng người đến tận hôm nay. Bồ Tát Lương Võ Đế ( 463-549 ) của Trung Hoa và Trần Thái Tông ( 1218-1277) của Việt Nam, dù ở hai phương trời xa cách, sinh ra ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cùng chung một tấm lòng, mang an lạc thịnh vượng đến cho nhân dân, và một hạnh nguyện chuyển hoá cứu độ quần sanh.
07/02/2013(Xem: 18251)
Nửa thế kỷ Tôn Sư vắng bóng, Ánh Đạo Vàng tỏa rộng muôn phương Hôm nay tổ chức huy hoàn Hằng năm kỷ niệm, đàn tràng tôn nghiêm. Môn đồ Tứ chúng ngưỡng chiêm,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]