Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Gương Thầy năm trước (TN Diệu Trạm)

12/11/201316:35(Xem: 19781)
Gương Thầy năm trước (TN Diệu Trạm)
HT_Thich_Minh_Tam


Gương Thầy Năm Trước

Còn «Sầu» Gió Thu!



Sanh tử sự đại, tấn tốc vô thường…

Vâng, Bạch Thầy, Thầy đã làm xong việc lớn đó là Sanh và Tử trong hiện kiếp, thị hiện ra“sanh”rồi lại “tự tại trở về”.Thầy đã thị hiện cho thấy cái vô thường tấn tốc mà mọi người đều phải thốt ra câu: “Oh ! thật không ngờ !”.

Sự thị tịch của Thầy quá tấn tốc, quá an nhiên, những nghĩ với những việc làm của Thầy còn dang dở Thầy sẽ “khó lòng thõng tay”,song… Thầy quả thật là dứt khoát, nhắm không còn đương nổi với sự tấn công của cơn lốc tứ đại, Thầy đã thản nhiên thốt lên câu: “Thôi thì việc chung, không có người này thì cũng còn người khác”. Câu nói thốt ra từ buổi sáng ngày 8/8/2013 ấy vào khoảng 4 tiếng đồng hồ trước khi Thầy nhẹ nhàng trút hơi thở từ biệt mọi người, con không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả tâm tư của Thầy ngoài câu “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”.

Hồi tưởng về khoảnh khắc ấy, con chỉ muốn đến ngay trước ảnh Thầy, đảnh lễ, đảnh lễ và đảnh lễ, không biết sẽ phải đảnh lễ bao nhiêu lễ cho xứng với tâm hạnh của Thầy, tuy biết rằng có đảnh lễ bao nhiêu lễ thì cũng chỉ là hình thức, nhưng hình thức ấy là được phát xuất từ trong thâm tâm kính phục mà biểu lộ ra; qua lời nói ấy, chứng tỏ là đến ngay cả giờ phút cuối cùng của đời Thầy, Thầy cũng chỉ nghĩ đến việc chung, việc Giáo Hội, việc Tăng Đoàn, bất kể mạng sống của mình đang ở giữa ranh giới lằn tơ kẽ tóc của sự sống và sự chết. Thấy Thầy với hơi thở dồn dập, con hỏi:“Thầy đau lắm hả?”, Thầy chỉ nói: “Mệt…”rồi nhắm nghiền mắt lại, chìm vào tư duy với hơi thở dập dồn; và có lẽ vì cũng đã quá quen với cảnh tượng này qua nhiều trận bệnh trước đây của Thầy, con cũng chỉ đứng lặng yên cầu nguyện, không hốt hoảng, không bối rối, nhiếp niệm cầu nguyện Ngài Quan Âm, cầu nguyện Từ Phụ A Di Đà, cầu nguyện cho Thầy ‘tùy duyên mãn nguyện’…một điều an ủi lớn lao duy nhất mà con hồi tưởng lại là Thầy ra đi trong lúc hàng huynh đệ bên chùa Khánh Anh đều đã vân tập về chánh điện để tụng niệm, cầu nguyện. Đại chúng đang an cư kiết hạ bên Liên Hoa Đạo Tràng, Khuông Việt (Oslo) cũng đã vân tập cầu nguyện và con ở ngay bên cạnh Thầy thì cũng nhiếp tâm cầu nguyện. Trong lúc hàng môn đồ hậu bối của Thầy cùng tập họp cầu nguyện thì Thầy nhẹ nhàng trút hơi thở từ biệt chúng con, tuy không một lời từ biệt, nhưng sự nhẹ nhàng trút hơi thở đó của Thầy là lời từ biệt vô ngôn. Vô ngôn thị ngôn, ngôn bất khả thuyết thị danh vô tận ngôn thuyết, thị dã. (Không nói tức là lời nói, lời nói không nói ra chính là lời nói vô cùng tận, là vậy).

Bạch Thầy, kể từ khi Thầy “quảy gánh về Tây”, tuy buồn thật buồn, cái buồn của con là khi con nhớ, khi con nghĩ đến hình ảnh của Thầy sẽ không “hoạt”, không “sống”như thuở nào, chỉ là một tấm “di ảnh”“bất động”nhưng lại lắm lúc con cũng không khỏi “bật cười nho nhỏ”vì trong đầu con khởi lên “Ông Ngài thiệt là… khứ lai tự tại!”

Câu chuyện thị tịch của gia đình Thiền Sư Bàng Long Ẩn lại khơi lên trong đầu con từ lúc Thầy thật sự nhẹ nhàng trút hơi thở, nhẹ nhàng đến nổi con đứng bên cạnh giường Thầy mà cũng không biết là Thầy đã “nhất tức bất hồi, thiên thu vĩnh biệt”chúng con.

Than_Mau_HT_Minh_Tam (7)

Trước đây, con vẫn thường thưa với Thầy: “Bạch Thầy, Thầy đừng đi trước con nha. Để con đi trước ‘dọn đường’ cho Thầy”cũng giống như trong luật Sa Di có dạy: “Khi đi ra cùng Thầy, nếu phải băng qua suối thì phải đi trước, cầm gậy đo lường cạn sâu rồi mới từ từ dìu Thầy đi tiếp…”
Thầy đáp: “Nói tàm sàm, tàm sàm… già, bệnh rồi thì ai mà không chết ?... Nói tàm sàm, thôi đi làm việc đi”.

Con nói thế vì thấy việc làm của Thầy quá to lớn, hạnh nguyện của Thầy quá bao la, bao nhiêu người trông mong, nương tựa vào Thầy thì Thầy lại càng phải cần nhiều thời gian hơn để có thể ứng hiện thân như trong Kinh Phổ Môn mà Thầy thường trì tụng vào mỗi chiều 3 giờ nơi chánh điện chùa Khánh Anh Bagneux… mà khi xưa con vẫn thường được lên theo với Thầy trong thời kinh này, con đã đặc biệt chú ý câu “Vô sát bất hiện thân”, hình như, cuộc sống hành đạo của Thầy đã dính liền với câu kinh này thì phải ?!

Thấy Thầy có hạnh nguyện tương đồng với Quan Thế Âm Bồ Tát như: “Vô sát bất hiện thân”mà con rất chí thành hồi hướng thọ mạng của con sang Thầy, tuy biết rằng mỗi người đều có nhân duyên và thọ mạng riêng, song, con vẫn thường cầu nguyện cho Thầy “sống lâu trăm tuổi”để mọi người nương tựa vì con vẫn biết Thầy chẳng bao giờ từ nan mỗi khi có người cần đến, cầu đến, kêu đến, mong đến. Hạnh nguyện đó của Thầy, con đã âm thầm theo dõi trong từng việc làm của Thầy, đôi lúc nhìn vào kết quả việc làm với phương cách làm việc của Thầy con cũng không mấy gì am hiểu.. con mạo muội bộc bạch: “… Bạch Thầy, sao việc đó, con thấy thế ấy … thế ấy… mà sao Thầy làm như vậy, như vậy…”Thầy chỉ im lặng trầm ngâm và câu trả lời của Thầy là “...Thầy có cách làm của Thầy…thôi đi làm việc đi, đừng nói tàm sàm nữa…không thôi Thầy la cho bây giờ…”

Nhiều lần, nhiều lần con cứ theo thiển cận, thiển ý thưa thốt với Thầy và nhiều lần Thầy vẫn dùng cùng một câu trả lời y như vậy mà trả lời và từ từ những cái thiển cận, thiển ý của con cũng được giải đáp, cũng được soi sáng bằng kết quả của việc làm với phương cách của Thầy; câu kết luận của con thưa với Thầy là: “…Té ra Ông Già cũng có lý của Ông Già… sao Ông Già không nói huỵch toẹt cho con rõ luôn.. để con khỏi phải bị làm việc trong nỗi ấm ức...”Khi nghe con nói thế thì Thầy lại chỉ hơi mỉm cười, hỉnh hỉnh lỗ mũi và nói “… Thầy đã bảo chưa rõ thì từ từ sẽ rõ, nói không chịu nghe, u minh gớm à bây.. !”

Bạch Thầy,

Khi con mới vào tu, Thầy thường răn dạy rất kỹ càng, dạy từng chút, từng chút, khi đó, môn dạy của Thầy là về Oai Nghi, Quy Sơn Cảnh Sách, còn Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ thì dạy về Sa Di và Tỳ Ni.

Con nhớ rõ lắm, mỗi lần răn dạy Thầy thường dùng câu: “Giáo bất nghiêm Sư chi đọa”, có lần con hỏi: “Đọa là ai đọa ? Sư đọa hay đệ tử đọa”? Thầy bảo: “Cả hai cùng đọa, Thầy đọa về lỗi không dạy tận tâm, không uốn nắn đệ tử thành pháp khí; còn trò đọa về lỗi không nghe lời, làm Sư phải lao quyện, lỗi nặng lắm đó, Thầy nào lại không muốn rèn luyện đệ tử nên pháp khí, nếu đệ tử lại không ý thức mà còn sanh tâm sân, giận thì đó…đó… con coi, học kỹ lại trong luật đi thì rõ, học là phải hành, hành là làm, làm là tu…”rồi Thầy lại kể chuyện lúc còn sống trong chúng khi Thầy còn ở Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang trước khi sang Nhật du học, lối tu học nghiêm túc như: “…Sống là phải hòa chúng, sống trong chúng là phải sống theo lệnh kiểng”.

Khi mới tu, con thường mắc phải lỗi này, đôi lúc muốn làm cho xong việc nên khi nghe tiếng linh lắc đã không kịp đến bàn ăn cùng chúng, đến tối, vào giờ học Thầy cũng đã đem ra mà dạy “…Mình sống mà không theo chúng là coi thường chúng, coi thường chúng là tổn phước, là đọa …ậy ậy… đọa nữa đó, ai đời Thầy ngồi vào bàn ăn rồi mà trò mới đủng đỉnh lên sau; việc, thì ai cũng có việc, Thầy còn phải tôn trọng chúng nữa huống là tụi con….” Rồi Thầy lại đem thí dụ trong Phật Học Viện thuở Thầy còn ở đấy ra mà làm mô phạm cho con… “Sống theo lệnh kiểng”, con biết đây là câu rất tâm đắc của Thầy, vì khi còn ở Phật Học Đường Nha Trang, Thầy đã từng giữ chức Quản Chúng.

Bạch Thầy, nỗi niềm tàm quý, sám hối của con đã bao lần bộc bạch và đã bao lần lại vì vô minh che lấp mà bị tái phạm rồi cứ mỗi lần như thế con lại y áo lên mà sám hối, cứ mỗi lần như thế Thầy cứ làm thinh một đỗi xong lại nói: “Biết lỗi như vậy rồi thì đừng tái phạm, cứ để Thầy rầy hoài không nên, đọa đó !!”

Thời gian thắm thoát trôi, thế mà đã ba mươi năm trôi qua. Ba mươi năm với bao nhiêu sự tu tập, sửa đổi, bao nhiêu lỗi lầm, bao nhiêu sám hối và bao nhiêu tiến bộ, ngoảnh nhìn lại chỉ là một thoáng.

Trở lại với
hành trạng và hạnh nguyện của Thầy:

Khi chúng con mới vào tu, lúc ấy công việc Phật sự tương đối còn đơn giản, Thầy đã dành rất nhiều thời gian trong việc giáo dục, chăm nom chúng con, lớp đệ tử đầu tiên. Dạy từng li từng tí và đã kể rất nhiều về đời sống tu học khi mới vào chùa ở làng, việc học hành, nếp sinh hoạt khi còn ở Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, việc xuất dương du học, việc sinh hoạt và lý tưởng phụng sự Tam Bảo của Thầy.. Thầy đã kể nhiều, nhiều và thật nhiều.
Su_Phu_cua_HT_Minh_Tam

Thầy kể:

Thầy được xuất gia hồi nhỏ, nhưng cũng là “trốn vào chùa” vào năm 11 tuổi, theo Sư Phụ của Thầy là một vị Thầy trong làng, không chú trọng việc học. Lớn lên một chút, hiểu biết thêm ra và với ý chí cầu học Thầy đã xin Sư Phụ lên tỉnh, lên Phật Học Đường để được trau giồi Kinh điển, Sư Phụ không bằng lòng. Sau nhiều lần thưa thỉnh, xin phép không được, Thầy đành “trốn đi”. Sau đó, Sư Phụ cũng nguôi ngoai. Thầy trở về chùa cũ để thăm Sư Phụ rồi trở lại Phật Học Đường. Một thời gian sau Sư Phụ cũng đã đôi ba phen tìm cách kêu Thầy về để trao chùa vì muốn giữ chân Thầy ở lại nơi làng. Nhưng với chí nguyện “phát túc siêu phương”Thầy đã lưu lại Phật Học Đường Nha Trang và được sự đỡ đầu của đức Cố đệ tứ Tăng Thống Thích thượngHuyền hạQuang… Từ đó với khả năng và tinh thần dấn thân phụng sự cho Đạo Pháp và dân tộc, từ từ Thầy được quý Ôn trao cho những trọng trách. Trong Pháp Nạn 1963, Thầy đã từng hoạt động rất tích cực.

Thầy kể có lần, chùa bị chính quyền lùng soát tịch thu những văn thư, chỉ thị liên quan đến việc “bàn thờ xuống đường”. Lo quá, không biết giấu những giấy tờ nơi đâu, vì những kỳ trước, cũng đã cột kỹ, thả xuống giếng… song vẫn bị phát giác, tịch thu. Kỳ này, quýnh quá, không biết làm sao, đành cuộn tròn lại cầm trong tay và tiếp chuyện với nhân viên quan chức đến lục soát, trong lòng Thầy vẫn “kín niệm Quan Thế Âm Bồ Tát xin Ngài cứu khổ, cứu nạn...”ấy thế mà đã thoát được mọi khó khăn, nguy hiểm. Đến chiều tối, khi quan lính ra về hết, chợt nhớ lại giấy tờ thì mới thấy là mình vẫn còn cầm chặt trên tay, thở phào ra với câu “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát”. Để tri ân Bồ Tát, Thầy đã y áo lên chánh điện tụng một thời Phổ Môn.
Hinh_Xua_HT_Thich_Minh_Tam (18)

Trong đời sống hành đạo của Thầy, Thầy đã tin tưởng rất sâu, rất mạnh vào Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát, có phải vì vậy mà Thầy thường trì tụng Kinh Phổ Môn vào mỗi 3 giờ chiều khi còn sinh tiền? Có phải vì vậy mà pháp tự của chúng con, lớp đệ tử đầu tiên, Thầy đã dùng câu nguyện đầu tiên của Bồ Tát Thế Quan Âm để phú cho chúng con, nào là Tịnh Quảng, Tịnh Phát, Tịnh Hoằng, Tịnh Thệ và Tịnh Nguyện, con là đứng ở vị trí cuối cùng trong 5 vị này.

Rồi đến việc “Hòa Thượng Thích Quảng Đức phát nguyện tự thiêu”, Thầy kể thêm? lúc đó có rất nhiều vị phát nguyện tự thiêu.. nhưng đâu phải ai cũng được “phê chuẩn”, sau khi quý Ôn họp kín xong, giấy tờ phê chuẩn cho ai được tự thiêu cũng phải được bảo mật đến giờ phút cuối cùng, lại một lần gay cấn và lại một lần bị lục soát, đe dọa của chính quyền. Tin tức được đưa đến, mấy chùa kia đã bị bố ráp, lục soát, tịch thu hết giấy tờ, áp tải quý Thầy về bót câu lưu… Ngay sau khi nhận được tin mật báo, Thầy cũng đã đem thư từ quan trọng, lồng vào quyển kinh Pháp Hoa, ngay ở Phẩm Quan Âm Đại Sĩ để ngay trên bàn tụng kinh. Bao nhiêu quyển kinh bị sổ tung, bao nhiêu chân đèn, lư hương bị dỡ lên, duy quyển kinh để trên bàn là không bị động đến.. lại thêm một lần qua ải vì nhờ vào thần lực của Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.

Được phái làm Giảng Sư tại tỉnh Phú Yên và dạy học tại Trường Trung Học Bồ Đề Tuy Hòa, nơi đây, Thầy làm việc với sự tin tưởng đỡ đầu của Cố Hòa Thượng Từ Quang (Hòa Thượng Thích Phúc Hộ). Thầy bảo có Thầy được cử đi đến một nơi nọ để thuyết giảng, song nơi đó nhân tình địa phương cũng tương đối cang cường, chỉ chấp nhận các Ôn lớn đến để giảng mà thôi, còn Thầy thì lúc đó chỉ còn là Sa Di, nhưng Ôn Từ Quang đã quyết định phái Thầy đến đó giảng bằng cách Ngài cùng đi với Thầy. Đến nơi, chính Ôn đã ngồi chứng minh và bảo tất cả quý Thầy phải cùng ra ngồi nghe giảng. Ôn còn nói thêm “Sa Di thuyết Pháp, Sa Môn thính”, từ đó, lâu lâu trong các buổi học, Thầy vẫn thường khích lệ chúng con “… Đó, đó… tụi con phải ráng lên, thấy thời quý Thầy hồi xưa khắc phục như vậy, gắng học như vậy, làm việc như vậy, còn tụi con bây giờ sao mà lìu xìu, lìu xìu… không biết mai sau làm được gì nên thân không !”
Hinh_Xua_HT_Thich_Minh_Tam (2)

Khoảng thời gian năm 1962-1967 nào vừa đi giảng giáo lý, nào vừa làm Hiệu Trưởng trường Trung học Bồ Đề, nào phải kiêm luôn dạy thế mỗi khi giáo sư bị thiếu ở miền Bình Định… Thầy đã gặp không ít khó khăn với Chính quyền, do vậy, Ôn Từ Quang đã khuyên Thầy rằng: “Thôi thì Thầy tạm đi ngoại quốc đi, trước là mở rộng thêm tầm mắt trong sự học hỏi, sau là tránh sự dòm ngó của họ, sống yên ổn một thời gian, sau đó về lại tiếp tục làm việc giúp tôi”, Thầy đã nghe lời và làm thủ tục sang Nhật du học.

1967, từ khi bước chân đến Nhật, Thầy đã nỗ lực xoay sở mọi chi phí sinh hoạt với số tiền rất khiêm tốn được cầm theo khi rời Việt Nam ra đi cũng như với số tiền mọn từ quê nhà gởi sang mà Thầy đã nhờ một Thầy bạn lo chuyển ngân sang Nhật vào mỗi đầu tháng giùm Thầy. Tiền từ quê nhà được gởi sang đã ít thế mà chỉ được đều đặn vào thời gian đầu, sau đó thì tháng được tháng không.

Để đóng tiền học và trám thủng vào chi phí sinh hoạt Thầy đã không nề hà nặng nhọc, đã từng phải đi giao mì udon mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ để lấy tiền đóng tiền học. Thầy kể với tính cách vừa khôi hài vừa bi ai “vì không quen giữ tay lái xe đạp bằng một tay, tay kia còn lại thì bưng tô mì… bữa nào mà xui xẻo bị rớt đổ một tô mì thì tiền công 2 giờ làm việc chỉ còn được phân nửa”. Bài vở học ở trường nhiều lên, Thầy nghỉ giao mì; đăng ký đi làm ở công trường xây cất. Thầy nói làm như vậy thì mới đốt ngắn thời gian làm việc, thay vì mỗi ngày phải đi làm 2 giờ thì bây giờ chỉ cần 2 ngày đi làm một lần 3 tiếng, một tuần chỉ đi làm 2 lần. Việc làm tuy nặng, cực nhưng lại có nhiều thời gian để học hơn.

Một trong số những tấm hình Thầy cho con xem, thấy Thầy bận đồ công nhân, nằm gác tréo nguẩy chân.. con hỏi: “Chu choa, Thầy sướng vậy? đi làm cũng được nghỉ trưa !”Thầy bảo: “Sướng gì mà sướng, bị đạp đinh, không đủ tiền đi nhà thương, bị nó hành, làm không nổi đành phải nằm đó chứ, mình nằm thì tiền lương cũng nằm luôn !!!”. Thầy rất thích chụp hình, máy hình, loay hoay chỉnh sửa hình và tâm đắc với những tấm hình đạt đúng kỹ thuật, đúng isio, đúng độ sáng, phong cảnh và ảnh người đạt tiêu chuẩn. Thuở trước, Thầy cũng thường huấn luyện cho con chỉnh ống kính, ánh sáng, isio.. để chụp hình mỗi khi đi làm lễ đó đây, rồi đem về làm báo Khánh Anh, vì dạo đó, máy chụp hình auto focus chưa được thịnh hành và còn rất mắc.

Trong thời gian tại Nhật 1968-1973, Thầy đảm nhận trách nhiệm Chi Bộ Trưởng GHPGVNTN tại Nhật vì dần dà cũng có thêm một số quý Thầy lần lượt sang Nhật du học và đã thành lập một Chi Hội Phật Giáo Việt Nam tại Nhật dưới sự điều hành, cố vấn, chỉ thị từ quê nhà..

Hinh_Xua_HT_Thich_Minh_Tam (7)

Mùa Xuân 1973, nhận chỉ thị của Cố Hòa Thượng Thích Huyền Quang từ bên nhà để sang Pháp hoạt động với Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, nhưng nhân duyên hoạt động đã không suôn sẻ, Thầy trở lại Nhật.

Sang lại Pháp vào đầu năm 1974, Thầy đã phải bôn ba nhiều lần mướn phòng, chia phòng ở với quý Thầy, quý Sư Nam Tông thời bấy giờ đang ở Paris. Thầy bảo: “Một căn phòng có chút xíu mà 5-6 ông ngủ, chỉ đủ đúng chỗ cho chừng đó người nằm trở mình, đồ đạt thì dọn để tạm ngoài hành lang”.

Sau đó Thầy thành lập ra Niệm Phật Đường Khánh Anh tại Arcueil với một căn hộ 2 phòng: 1 phòng ngủ dùng làm phòng thờ Phật, một nhà bếp và một phòng với bồn tắm mà Thầy đã biến thành phòng ngủ với tấm ván gác lên bốn thành của bồn tắm. Mỗi khi có khoảng chừng mươi Phật tử tề tựu về Niệm Phật Đường sinh hoạt, lúc cần nghỉ ngơi thì Thầy lại rút vào “phòng ngủ”của Thầy để ngơi nghỉ.

Đến năm 1977, nhân duyên đưa đẩy, Thầy đã được một số Phật tử ủng hộ đưa đi xem chỗ và kết quả là mua lại một ngôi nhà tọa lạc tại 14 Ave Henri Barbusse, 92220 Bagneux. Một con số Phật tử rất khiêm nhường, vì thời đó, dân tỵ nạn sang pháp cơ hồ chưa có, đa phần toàn là dân du học trước đó rồi sau cơn lốc 30/4 đã xin định cư ở lại Pháp. Tuy nói tiếng “Phật tử”nhưng tâm “Phật tử”rất là phôi thai. Để tiến đến việc quyết định mua cơ sở này, Thầy cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn thử thách đáng kể, có phải vì vậy mà sau này Thầy thường bảo: “Đời Thầy rất ít khi được hanh thông, trắc trở thì là chuyện thường, suôn sẻ mới là chuyện lạ. Chưa bao giờ Thầy làm việc gì mà trông mong suôn sẻ, luôn luôn chờ đợi thử thách, cam go... tụi con cũng nên lấy đó mà làm bài học...”

Sau một thời gian sinh hoạt, nhân duyên hội đủ, vào năm 1979, ngày 19/2 Thầy đã tổ chức lễ Đặt Viên Đá Đầu tiên để xây dựng Chánh Điện chùa Khánh Anh tại đây.

Vào đầu thập niên 1980
là giai đoạn chúng con xuất hiện.

Năm 1983 nhóm trẻ chúng con thường xuyên lui tới, ngủ lại chùa vào những dịp được nghỉ học và cuối tuần. Tuy chùa không nhiều chỗ, chúng con ngủ lăn lóc với túi ngủ ở khắp nơi, dưới phòng ăn, trên chánh điện đôi lúc ngủ lan luôn xuống nhà bếp… Vào mùa hè năm đó, chúng con ở lại chùa cũng đông khoảng 10-15 đứa.. có khi lên đến 20 đứa; mỗi tối, chia thành từng nhóm để nghe Thầy, Thầy Nhất Chân, Thầy Thiện Huệ kể chuyện. Mỗi Thầy một đề tài…nghe hấp dẫn, đôi lúc ngồi nghe bên này một chút lại chạy sang bên kia. Vui lắm, Thầy thì kể chuyện sinh hoạt một cách khôi hài, dí dõm. Thầy Nhất Chân thì kể chuyện thiền, còn Thầy Thiện Huệ thì kể chuyện ma. Nhóm của Thầy Thiện Huệ là sôi nổi, ồn ào nhất.
HT_Minh_Tam_Hinh_Anh_Xua (91)

Nghe kể chuyện hoài cũng chán, chúng con đã xin Thầy dạy học Phật Pháp và chữ Hán.

Bài học Phật Pháp đầu tiên được Thầy dạy là bài Tựa Lăng Nghiêm. Rồi Thầy tập cho chúng con đi chuông mõ, mỗi sáng Thầy lên Công phu, chỉ định đứa này đi mõ, đứa kia đi chuông … vui lắm.

Bài học Hán văn đầu tiên là bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc. Thầy dạy cho chúng con đi từng nét chữ hán mà Thầy thường dùng câu “ngang ngay, sổ thẳng”. Những bài chính tả, Thầy hào hứng chấm điểm từng đứa… Thầy “hà tiện điểm”với chúng con lắm, chưa bao giờ mà Thầy cho được điểm tối đa cho đứa nào cả, cho dù là viết trúng hết, không sai chữ nào, điểm tối đa chỉ là 9 trên 10 vì Thầy bảo, đối với Thầy, không bao giờ có cái gì là “tuyệt đối”… Có phải đấy cũng là tư cách sống và phương châm làm việc của Thầy ?! Luôn rèn luyện sao cho chúng con không bao giờ có được một thỏa mãn sự mong cầu một cách “đã đời”. Thuở ấy con cũng ấm ức lắm, không hiểu vì sao Thầy hà tiện điểm với chúng con, nhưng càng lớn, con càng ý thức ra được rằng “đó là một cách giáo dục”của Thầy, tôi luyện đức tính nhẫn nhịn cho chúng con. Kính tạ ân giáo dưỡng.

Ô! Thầy dạy học rất tuyệt vời, con thích lắm lắm, có dịp con vẫn thường nhắc lại với quý Thầy: “Ông Già dạy học ‘sư phạm’ lắm, học thích lắm !” Rồi dần dà với sự gần gũi, học Phật Pháp, học Hán văn thêm nữa với bản chất cũng “thích dấn thân”, hăng say làm việc phụ với Thầy cho những buổi tuyệt thực, biểu tình, hội thảo, đêm không ngủ… để tranh đấu cho nhân quyền, đòi trả tự do cho các vị lãnh đạo tôn giáo bị giam cầm nhất là các Ngài: Cố Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Cố Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải, Giáo Sư Lê Mạnh Thát. Vận động cơ quan Liên Hiệp Quốc can thiệp, đề nghị các quốc gia Âu, Mỹ, Úc mở cửa thêm hoặc gia tăng sự tiếp nhận thuyền nhân “boat people”từ các trại tỵ nạn ở các đảo trong vùng Đông Nam Á.

Khi còn bên quê nhà, con có được nhân duyên thường xuyên theo Dì lui tới chùa, ở lại chơi, làm việc vặt với các điệu ở chùa và cũng đã từng có ý định xuất gia.. Nơi đất khách quê người, những chủng tử xa xưa của con giờ đây được khai phát trở lại. Chúng con, vài đứa đã bàn với nhau và lên xin Thầy cho xuất gia hầu được sinh hoạt gần Thầy hơn, học hỏi nhiều hơn và làm việc được dễ dàng hơn. Thầy đã hứa khả nhưng cứ “ngâm” đó, đến khi có thêm chú Chúc Nhuận được Thầy Nhất Chân dẫn lên xin Thầy độ cho xuất gia, chú Quảng Đạo cũng mon men lên xin xuất gia.. Nhân duyên hội đủ, Thầy đã bàn với hai Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ để định ngày cho chúng con xuất gia.
HT_Minh_Tam_Chua_Moi.pg

Thầy cũng bảo với quý Thầy rằng: “Tui sợ một mình không đủ sức độ Chúng, có quý Thầy trợ lực thì tui cũng đỡ lo” và ngày thứ bảy 29/12/1984 tức ngày Vía Phật Thành Đạo mùng 8 tháng chạp năm Giáp Tý, vào lúc 8 giờ tối, tại chánh điện chùa Khánh Anh ở Bagneux, chúng con gồm sáu người (cụ Tâm Ngọc, bác Nguyên Lưu, chú Chúc Nhuận, chú Quảng Tập, chú Quảng Đạo và con, Diệu Trạm) được Thầy thế phát cho xuất gia với sự trợ giáo của hai Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ.

Chúng con xuất gia với Thầy và được sự giáo thọ của hai Thầy tại chùa nhưng mỗi khi có Thầy Như Điển, Thầy Tánh Thiệt về, Thầy vẫn thường thỉnh các Ngài dạy thêm cho chúng con về phần nghi lễ tán tụng. Trong thiền môn vẫn thường có câu “Học kinh ba tháng, học tán ba năm», chúng con học tán tụng rất «khổ»«quý Thầy dạy càng khổ hơn”!

Vui lắm! Phần nghi lễ chính vẫn là Thầy dạy, Thầy dạy kỹ lắm, nào là cách niêm hương, cách kỳ nguyện, cách phục nguyện, giọng điệu dẫn chúng tụng kinh. Bắt chúng con phải thực tập, phải ngừng lấy hơi cho đúng chỗ, lúc lên giọng, khi xuống giọng phải “Không được phá âm của chữ mình lên hoặc xuống giọng”nhưng Thầy cũng muốn quý Thầy khác dạy thêm nghi lễ cho chúng con. Ôn Như Điển thì nghi lễ miền Quảng, Ôn Tánh Thiệt thì nghi lễ Cố Đô, Thầy thì theo nghi lễ Thống Nhất của cuốn Nghi Thức Tụng Niệm.. chúng con bị trộn lộn, mãi đến sau này, thường được thân cận với quý Thầy Huế con mới tạm phân biệt, nắm bắt được một phần nào rõ ràng hơn về “Nghi lễ Cung Đình”.

Trong “tình thân quyến” nên mỗi khi quý Thầy Như Điển, Thầy Tánh Thiệt ghé về Khánh Anh là lại dò bài chúng con… Ớn thì ớn, nhưng rất sung sướng trong lòng vì cảm nhận được sự quan tâm giáo dưỡng của quý Thầy. Rồi sau đó có Thầy Trí Minh, Thầy Quảng Hiền cũng thường xuyên lui tới, cũng quan tâm việc tu học của chúng con. Dạo ấy, công việc tại các địa phương tương đối còn đơn giản nên quý Thầy vẫn thường xuyên vãng lai với Khánh Anh ngoài các đại lễ.

Phật sự dần dà phát triển, đồng bào tỵ nạn Việt Nam cũng từ từ sang định cư ở các đệ tam quốc gia. Ngót suốt thời gian mà các quốc gia lân cận trong vùng Âu Châu chưa có bóng dáng Tăng sĩ vãng lai, cứ vào mỗi độ cuối tuần là Thầy đi mãi đến những nơi qua sự liên lạc mời, thỉnh của các đồng hương, phật tử như ở các tỉnh Strasbourg, Besancon, Nantes, Lyon, Montpellier v.v… trong nước Pháp và các xứ lân cận như Bỉ, Hòa Lan, Thụy Sỹ, Áo, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy… có khi đi tận những nơi xa xôi của vùng Bắc Na Uy để thăm hỏi bà con đồng hương, Phật tử đang khao khát món ăn tinh thần. Đến nơi, không quản ngại đường sá xa xôi, mệt nhọc Thầy tiếp ngay vào phần việc của Thầy là giảng pháp, an ủi tinh thần bà con đồng hương Phật tử vì 99% đều là dân tỵ nạn được sang định cư ở các xứ này, phần nhớ quê nhà, nhớ thân nhân, phần chưa hội nhập kịp được vào đời sống xã hội Âu Mỹ… Lúc ấy, tình đồng đạo, đồng hương vô cùng thấm thía. Phần con, dọn kinh sách, báo ra cho bà con thỉnh đọc, lập bàn thờ để làm lễ Cầu an cho mọi người. Sau phần nghi lễ thì con tiếp tục việc của con là lấy danh sách, địa chỉ phật tử về để gởi báo Khánh Anh cho họ đọc.

Thuở đó, phương tiện tài chánh còn rất eo hẹp, Thầy trò cứ đi tận những nơi xa xôi như thế mà chỉ với chiếc xe R5 (4 mã lực), loại xe không có băng ở phía sau, thường dùng để đi chợ, chở đồ. Con phải ngồi trên tấm ván gác gá vào lòng xe.. phần còn lại ở phía sau là để chở kinh sách, dụng cụ làm bàn thờ, mỗi khi quẹo cua hơi gắt là tấm ván rớt xuống, gắn lại và tiếp tục ngồi...

Xong lễ, lên đường trở lại Khánh Anh, thường thì tối Chủ Nhật mới về đến chùa sớm nhất cũng khoảng chín, mười giờ đêm. Sáng thứ hai trở lại công việc thường nhật của chùa. Tối đến là lớp học. Ba Thầy: Thầy, Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ chia nhau dạy chúng con, mỗi Thầy một tối trong tuần, riêng Thầy thì dạy hai tối. Đến thứ bảy lại lên đường đi nữa, đôi khi đi liên tục bốn cuối tuần.

Đi trên xe, để thư giản cho tài xế, Thầy thường đem theo cái máy cassette xài 6 cục piles trung, vài băng nhạc của Duy Khánh, Khánh Ly và Thanh Tuyền, những băng nhạc quê hương, nghe cho đỡ nhớ nhà. Nghe để nhớ lại hình ảnh quê hương thân yêu đầy khói lửa. Những băng nhạc đem theo đi đường nghe đều là những băng nhạc xưa, nhạc của trước 75. Nhân dịp này Thầy cũng giảng thêm cho tài xế và con nghe thêm về những cụm từ trong văn học Việt Nam mà được nhắc đến trong những băng nhạc. Thuở còn đi dạy ở Việt Nam Thầy cũng đã từng làm Giáo sư Việt văn.

Thức ăn dỡ theo đi đường thường là cơm trắng, đậu hủ muối sả ớt, 1 trái dưa leo và 1 chai maggi vài chai nước suối.. thế thôi, đơn giản ngần ấy.

Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ cũng thường thay phiên để đi làm lễ phụ bớt ở các nơi đỡ cho Thầy. Có nhiều cuối tuần Thầy và một trong hai Thầy cùng đi làm lễ ở xa thì Thầy kia ở chùa, làm lễ Cầu Siêu buổi sáng và chiều đến thì giảng pháp cho Phật tử nghe.

Lúc bấy giờ, Thầy Nhất Chân là phụ trách lãnh đạo tinh thần cho Na Uy và Strasbourg còn Thầy Thiện Huệ thì lãnh phần phụ trách cho Hòa Lan và Bordeaux.

Dần dà, quý Thầy từ các đảo tỵ nạn được đến định cư tại các xứ Âu Châu, đa số là qua sự quen biết giữa quý Thầy. Thầy liên lạc, sắp xếp các Hội Phật tử ở các địa phương cần vị lãnh đạo tinh thần để mời thỉnh quý Thầy về phụ trách Phật sự ở địa phương sở tại. Nhờ thế Thầy bớt phải đi lại nhiều như lúc đầu, chỉ đến trong các dịp lễ lớn.

Vào khoảng giữa thập niên 80, Thầy đã khoắc khoải trong cơn lốc đồng bào Việt Nam bỏ nước ra đi tìm tự do nơi hải ngoại. Thầy đã không ngừng tổ chức những buổi tuyệt thực, biểu tình trước cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Thụy Sỹ, trước sứ quán VN tại Paris hoặc trước sứ quán VN tại các quốc gia trong vùng Âu Châu để đánh thức lương tri các cấp lãnh đạo quốc tế. Yêu cầu can thiệp vào tự do nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Xin quan tâm đến các trại tỵ nạn trong vùng Đông Nam Á. Tổ chức các buổi hội thảo về nhân quyền; những “Đêm Không Ngủ” để hướng vọng tâm tư về quê nhà đang bị sống trong cảnh đầy bất công, thiếu tự do dân chủ, mất nhân quyền. Đồng hướng tâm về các trại tỵ nạn để cùng chia sẻ những nỗi khổ cực, buồn, tủi với phận tỵ nạn ly hương của hàng trăm ngàn đồng bào việt nam đang mỏi mòn mong chờ ngày được đi định cư ở đệ tam quốc gia. Con đã được trợ giúp tích cực cho Thầy những công tác này. Trong khi làm việc, con vẫn thường khởi lên những ý niệm kính phục Thầy tận đáy lòng, vì vốn dĩ, con, cũng là một trong hàng trăm ngàn “boat people”cũng đã từng có những tâm tư trông ngóng những sự quan tâm, ngó ngàng của một ai đó từ một phương trời Âu Mỹ tự do xa thẳm. Chỉ khác một điều là con đã được may mắn ra đi cùng gia đình sớm hơn và đến định cư ở đệ tam quốc gia này được sớm hơn.

Tâm trạng của một người tỵ nạn sống trên đảo… khó có bút mực nào tả xiết được hết những nỗi buồn, tủi, bơ vơ, bám víu, đợi chờ… nếu không nói là đôi lúc đến mức tuyệt vọng, những nghĩ rằng chắc sẽ không bao giờ được bước chân đến đệ tam quốc gia tự do. Chính vì thấu rõ tâm trạng của một “boat people”mà con đã lao vào những công việc một cách không mỏi mệt. Thầy đã “lắng nghe”những tiếng kêu cứu từ bên kia bờ đại dương, đã xả thân bất chấp những khó khăn, tận tụy trong khả năng với hai bàn tay, một khối óc và một con tim với dòng máu cùng đỏ, với những dòng nước mắt cùng mặn như một chúng sanh trong muôn vạn chúng sanh đang ngụp lặn trong bể khổ.

Có lần, trong lúc chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu cho một cuộc biểu tình để đưa Thỉnh Nguyện Thư lên cơ quan Liên Hiệp Quốc, con có hỏi Thầy: “Ủa, mà mình có vào được bên trong để đưa Thỉnh Nguyện Thư, hay là đã có được sự xác nhận rằng họ sẽ ra ngoài để nhận Thỉnh Nguyện Thư của mình không bạch Thầy ?”Thầy phì cười: “Mình làm thì cứ làm, không vào trong đưa được, mà họ cũng không ra ngoài để nhận, thì mình gởi bằng bưu điện», nhưng ít ra họ cũng đã được thông tin là mình có cuộc biểu tình và mục đích của mình là gì rồi. Cứ làm, được kết quả bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, cũng giống bà con trên trong các trại tỵ nạn, chờ đợi thì cứ chờ đợi, mong mỏi thì cứ mong mỏi, ngày nào đi được thì chưa biết.”Bao la thay tấm lòng vị tha của Thầy!

Nói tới đây, con bỗng nhớ lại một lần, con thối chí vì thấy cứ tổ chức, kêu gọi tuyệt thực, biểu tình, Đêm không ngủ “nhoi ba toong”luôn mà kết quả thì quá nhỏ giọt. Tâm trạng tuyệt vọng “làm quá nhiều công, tốn quá nhiều sức mà không được gì hết”.Lại có nghe tin, sắp sửa đóng cửa các trại tỵ nạn... Lần đó, Thầy bảo con chuẩn bị hồ sơ gởi đi xin chữ ký khắp nơi để yêu cầu Liên Hiệp Quốc ngưng việc đóng cửa các Trại Tỵ Nạn rồi mang sang Thụy Sỹ trao tay cho cơ quan Liên Hiệp Quốc. Thầy dặn con khi đến nơi là lo việc xin thêm chữ ký của khách qua đường, mong được thêm chữ ký nào, tốt chữ ký đó. Con đã làm như lời Thầy dặn. Nhưng qua lời nói của phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, khi ra gặp phái đoàn biểu tình của mình ngoài bãi cỏ để nhận hồ sơ và chữ ký, rằng: Họ sẽ chuyển đạt hồ sơ và Thỉnh Nguyện Thư của mình lên cấp trên, còn quyết định ra sao thì họ không nói được.

Nghe thế, trên đường về, con thưa Thầy trong nỗi tuyệt vọng: “Bạch Thầy, con nghĩ rằng thôi mình ngưng làm thêm nha Thầy, làm quá trời mà kết quả đạt được không là bao. Không chừng là không được đáp ứng nữa là khác, thôi mình stop nha Thầy”. Thầy bảo: “Việc làm của Thầy cũng giống như một hạt sỏi được ném xuống mặt ao nước, khi hạt sỏi được ném xuống vì với trọng lượng của hạt sỏi quá nhẹ, nên đã không gây lên được tiếng vang lớn. Nhưng hạt sỏi sẽ từ từ chìm xuống và trên mặt nước, những gợn sóng lăn tăn, từ từ lan ra, lan dần ra… Do nhờ hạt sỏi không chìm mau, nên những gợn sóng nước cũng không mau bị dứt hết, người ta sẽ còn thấy được gợn nước lăn tăn nhỏ dần cho đến khi mặt ao nước trở nên phẳng lờ. Ném xong hạt sỏi này, Thầy ném tiếp hạt sỏi khác, như vậy thì người ta sẽ liên tục được thấy những gợn nước lăn tăn trên mặt ao nước.”Nghe xong lý luận của Thầy, con bỗng lấy lại niềm tin trong công việc làm.

Thầy lần mò sang tận các trại tỵ nạn để ủy lạo tinh thần đồng bào tỵ nạn. Thuở bấy giờ, chưa có được quốc tịch Tây nên thủ tục để xin visa vào các xứ Đông Nam Á hoặc để được vào tận trong các trại tỵ nạn rất là cam go, song Thầy đã đi từng bước, rồi thì cũng được vào tận nơi để thăm hỏi, an ủi bà con. Đến với tấm lòng chia sẻ, đến với những món quà thật khiêm tốn vì tài chánh của chùa cũng như của những người đóng góp sang các trại thời bấy giờ cũng rất là “hạt muối trong biển cả”, “hạt cát trong bãi sa mạc”. Tuy vậy Thầy vẫn đi từ trại này sang trại khác, đảo này sang đảo nọ.

Có một lần Thầy kêu con lái xe chở Thầy đến Fontainbleau nhìn sơ lại quang cảnh của một nơi trên đất Pháp đã được ký những hiệp định liên quan đến đất nước Việt Nam mà Thầy gọi cho vui là “Di tích lịch sử Việt Nam tại Pháp”.Trong chuyến đi kỳ đó, Thầy đã kể cho con nghe thêm rất nhiều về nào là hiệp định Paris 1973, nào là hiệp định Fontainebleau… những hiệp định khác liên hệ đến đất nước Việt Nam cũng đã được ký trên đất nước Tây này và đã có ảnh hưởng đến lịch sử của đất nước Việt Nam.

Trong Thầy con nhận thấy được tinh thần phụng sự chúng sanh để cúng dường Chư Phật của Thầy thật là chí thành, tương ưng ý nghĩa của một câu trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương mà Thầy đã dạy“Thủ chí phụng Đạo, kỳ Đạo thậm đại”(giữ chí thờ Đạo thì Đạo kia mới lớn).

Thầy vẫn thường lặp lại trong Chúng: “Đối với Thầy, Thầy không chú trọng học vị qua bằng cấp. Chủ yếu là học Phật thì phải thành tâm, chí thiết, học ít cũng không sao, nhưng học bao nhiêu thì hành bấy nhiêu. Học ít, hành ít, học nhiều, hành nhiều. Tùy khả năng của mình mà học. Nhưng học và hành thì phải đi đôi, chứ đừng lý thuyết suông. Chân đi không đạp đất, không thực tế…”

1992, sự hiện diện của chư Tăng khắp nơi tại các xứ Âu Châu dần dần đông đủ hơn, Thầy đã liên lạc với quý Thầy sở tại để thành lập ra Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu vào năm này.

Cũng trong năm đó, Thầy đã cùng với quý Thầy trong vùng Âu Châu mời thỉnh chư Tôn Đức khắp nơi ở hải ngoại về họp mặt cùng nhau tại chùa Viên Giác – Đức quốc. Cuộc họp mặt này được gọi là Họp mặt Tăng Ni Hải Ngoạivới sự hiện diện tuy không nhiều, chỉ vào khoảng 50 – 60 vị vì lúc đó Tăng Ni ở hải ngoại vẫn còn thưa thớt. Hầu hết chư Tôn Giáo Phẩm từ khắp các châu lục ở hải ngoại đều đã tựu về, trong đó có sự hiện diện của các Ngài Cố Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm v.v…

Công việc phật sự tại Khánh Anh trên đà phát triển. Tinh thần tu học Phật tử lên cao. Năm 1984, với sự động viên hợp lực của hai Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ lớp Học Phật Pháp Khánh Anh lần đầu tiên được ra đời vào mùa hè năm đó với 18 học viên chính thức (lúc đó quý Thầy còn gọi cho vui là thập bát La Hán). Những học viên này cũng đã đến từ các xứ Na Uy, Hòa Lan, Thụy Sỹ và Pháp. Tinh thần tu học được đẩy mạnh từ đó. Rồi tiếp theo là những khóa tu học Khánh Anh 2, 3 và 4 tại ngay cơ sở Khánh Anh - Bagneux. Trong số những học viên theo học các khóa tu Học Phật Pháp Khánh Anh thuở ban sơ, có vị cũng đã phát tâm xuất gia, hiện còn có mặt tại các xứ Âu Châu.

Nhận thấy con số phật tử tu học ngày càng gia tăng, quý Thầy chuyển hướng Khoá Tu Học Phật Pháp Khánh Anh 5 (1988) sang Thụy Sỹ. Lúc đó Thầy Quảng Hiền cũng vừa sang Thụy Sỹ định cư. Trong khóa tu học kỳ này quý Thầy đã đồng quyết định khóa tu học sang năm sẽ được đổi thành Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu, và sẽ bắt đầu bằng với danh xưng Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 1… và từ đó các Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu đều đều được tổ chức mỗi năm một lần vào mùa hè tại một xứ trong vùng đất Âu Châu.

Cưu mang, tổ chức những Khóa tu Học Phật Pháp đến khóa chót kỳ 25 tại Phần Lan này là nhân duyên chấm dứt các Khoá tu học Phật Pháp Âu Châu của Thầy.

Đánh dấu nhân duyên chấm dứt ở đời hiện tại với sự ra đi, buông xả nhẹ nhàng tất cả những gì Thầy đã làm, đã phụng hiến cho Tam Bảo qua những thành quả phục vụ chúng sanh để cúng dường chư Phật. Thầy đã nhẹ bước hồi quy Tây Cảnh để lại tất cả. Để lại Giáo Hội đang trong cơn nghiêng ngã, để lại chúng đệ tử kẻ Đông, người Tây, để lại công trình xây dựng ngôi đại tự Khánh Anh đang còn dang dở…

Có phải Thầy đã quá mệt vì suốt trọn đời hy hiến cho tha nhân, không hề nghĩ đến bản thân để nghỉ ngơi chốc lát. Lắm lúc Thầy không khỏe nhưng vẫn cố gắng gượng, không muốn mọi người quan tâm đến sức khỏe của mình, sợ sự quan tâm đó sẽ ảnh hưởng đến việc làm chung.

Cái gắng gượng vượt qua thân bịnh của Thầy ngầm ý mô phạm cho chúng con với tinh thần “quyết lòng vì Đạo hy sinh” như trong bài sám nguyện mà chúng con vẫn thường tụng. Thị phạm cho chúng con thấy rằng hãy xem thường thân mạng của mình để phụng sự Tam Bảo.

Rồi đây vắng bóng Ân sư, vắng bóng cây đại thụ nơi Khánh Anh Tăng già lam, vắng bóng một vị Thầy mẫu mực. Trời đất như tối sầm lại khi viết đến đây, lòng con bỗng chùng xuống, mắt con bỗng nhòa đi, tim con bỗng se thắt lại, hai bàn tay con bỗng trở thành sờ soạng, người con như ngây như dại… Hốt nhiên bên tai bỗng văng vẳng nghe tiếng … “Ậy ậy, làm gì vậy bây, lại tàm sàm nữa rồi chứ gì…” đánh thức con trở về với thực tại. Ồ, thì ra con đang tự buông thõng con nữa rồi. Không được, lòng tự nhủ: phải cố lên, phải cố gượng lên. Có cố lên thì mới không cô phụ công ơn giáo dưỡng của Thầy.

Tâm nguyện của Thầy là mong mỏi sao cho các đệ tử trở thành “pháp khí”kia mà. Một loại pháp khí theo lý tưởng đặc biệt của Thầy, đó là “pháp khí phục vụ là cúng dường Tam Bảo”. Thầy vẫn thường lấy bài học của Bách Trượng Thiền Sư mà răn dạy chúng.

1995, vì nhu cầu Phật sự cần thiết, Thầy đã ráo riết tìm chỗ để xây dựng một đạo tràng tầm cỡ hơn ngôi chùa hiện nay ở Bagneux. Sau một thời gian dài, qua mục mua bán nhà đất đăng trên báo, xin hẹn, đến nơi xem coi, chọn lựa. Cuối cùng, một khoảnh đất đã được chọn làm đạo tràng Khánh Anh mớitại Evry và lễ Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng được tổ chức vào ngày 18/6/1995 với sự hiện diện đông đảo của chư Tôn Đức Tăng, Ni, Phật tử, đồng hương và quan khách chánh quyền địa phương. Nhị vị Cố Hòa Thượng Thích Huyền Vi - Viện Chủ tự viện Linh Sơn - Joinville le Pont (France) và Cố Hòa Thượng Thích Trung Quán - Viện Chủ Tổ Đình Hoa Nghiêm - Villeneuve le Roi (France) cũng đã quang lâm chứng minh, cầu nguyện trong buổi lễ này.

Với sự thương kính của chư Tăng Ni hải ngoại hướng vọng về Thầy, Thầy đã được bầu làm Chưởng Môn Pháp Phái Liễu Quán Hải Ngoại.

Trong Đại Hội Khoáng Đại của Giáo Hội Tăng Già Thế Giới vào năm 2006 tại Malaysia, Thầy đã được cung thỉnh vào chức vụ Phó Hội Trưởng Giáo Hội Tăng Già Thế Giới (WBSC) và suốt đến nay Thầy vẫn tại vị. Trước đây Thầy cũng đã từng đảm nhiệm Ủy Viên của các Tổng Vụ Văn Hóa, Tổng Vụ Giáo Dục của Giáo Hội Tăng Già Thế Giới.

Thường theo hầu Thầy đi xa, đôi lúc cũng nghe được những tâm tình trao đổi giữa Thầy cùng quý Ôn ở các châu lục. Biết được hoài bão của Thầy là làm sao cho có được một tổ chức, để tất cả chư Tăng Ni Việt Nam ở hải ngoại, không phân biệt hệ phái, tông môn, giáo hội đều có thể tề tựu sinh hoạt, nhất là các Tăng Ni trẻ ở Hoa Kỳ, vì con số này dần dà tăng lên đến một con số đáng kể. Thầy đã vận động thành lập một tổ chức mệnh danh là Tăng Ni Hải Ngoại việc này đã được đa số Chư Tôn Giáo Phẩm các châu lục tán thành, ủng hộ và Thầy đã được bầu làm Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Hải Ngoại từ khi thành lập, ngày 7 tháng 01 năm 2007.

Tôn chỉ và mục đích của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại theo trong Thông Cáo Báo Chí phổ biến ngày 18 tháng 01 năm 2007 như sau: “Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại cần tiến đến một sinh hoạt Tăng đoàn mở rộng, hòa hợp và nhịp nhàng, không phân biệt hệ phái, tông môn, giáo hội, hỗ trợ nhau thực hiện các sinh hoạt Tăng sự nhằm hoằng dương Phật đạo, phổ độ chúng sinh. Sự tồn tại và phát triển của Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại nên đặt nền tảng nơi bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng đoàn, vì Tăng đoàn là gốc rễ cho mọi sinh hoạt tổ chức cành-nhánh của Phật giáo khắp nơi và mọi thời đại.”

Vào cuối năm 2007, trong cuộc họp của các Thành Viên thuộc các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất của các châu gồm Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Úc Châu đã hình thành Giáo Hội PGVNTN Liên Châu, Thầy đã đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Điều Hợp trong nhiệm kỳ đầu 2008-2010. Thầy là một trong những thành viên sáng lập của GHPGVNTN Liên Châu.
HT_Minh_Tam_Hinh_Anh_Xua (94)

Với công hạnh “Hoằng pháp vi gia vụ”nào “Kiến pháp tràng ư xứ xứ”, nào “Vô sát bất hiện thân”của Thầy, vào tháng 8/2011 Thầy đã được mời sang Thủ Đô Colombo - Tích Lan để Hội Đồng Tăng Già và chánh quyền Tích Lan trao tặng giải thưởng danh dự cao quý của quốc gia dành cho những vị có công mang Phật Pháp đến hoằng hóa nơi các xứ Âu - Mỹ.

Thầy đã dày công thành lập nên Hội Đồng Giáo Phẩm Tối Cao Phật Giáo tại Pháp vào năm vừa qua (2012) và đang nắm giữ chức vụ Chủ Tịch.

Ôn sơ lược những hành trạng của Thầy và qua sự ra đi nhẹ nhàng, thánh thoát của Thầy con học được bài học “buông, xả”,làm mà không chấp thủ, Thầy đã tận dụng thời gian để hành đạo đến giờ phút cuối cùng của đời Thầy là ra đi ngay sau khi hoàn tất Khoá Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 25 tại Phần Lan.

Ra đitrong nhắn nhủ gởi gắm việc Giáo Hội để quý Thầy còn lại tiếp nối. Ra đinhằm tạo thành chất keo sơn hàn gắn những vết rạn nứt; ra đilàm thành gạch nối kéo gần những xa cách trong thời buổi nhiễu nhương; ra điđể gióng lên một tiếng chuông thức tỉnh những tấm lòng nguội lạnh.

Thầy đi nhưng Giáo Hội còn đó, Tăng Đoàn còn đó, Phật tử còn đó, chúng con còn đây. Năm ngoái, độ này, nơi cửa phòng này Thầy còn đấy, dung nghi của Thầy còn ngời rạng đong đầy; thế nhưng… năm nay, nơi này, chốn cũ, gió thu vẫn thổi, cửa phòng vẫn mở nhưng… người cười gió thu đã trở thành “THẠCH TRỤ TÂY QUY”.

Chúng con, hàng môn đồ hậu học của Thầy vẫn còn tề tựu đông đủ để thành kính tưởng niệm ân đức sâu dày của Ân Sư qua những tuần thất, rồi kế đến là 100 ngày, rồi kế nữa là tiểu tường và sau nữa là đại tường… mỗi sự, mỗi việc của chúng con làm đều chỉ là “thế sự”tương ưng với cảnh giới mà chúng con đang còn sống gởi. Những hẹn tái ngộ với Thầy ở Cảnh Giới Trời Tây, nơi đó, bặt hẳn không còn cần đến những “thế gian pháp sự”để rồi sẽ được cùng Thầy tiếp tục nhân duyên “PHÁP LỮ NƠI CÕI CỰC LẠC PHƯƠNG TÂY”.

Bầu trời âm u bên ngoài, mưa lất phất, gió hây hây. Không khí buổi sớm mùa thu lành lạnh của vùng đất Evry.

Trong khuôn viên đại tự Khánh Anh còn trong giai đoạn chưa hoàn tất, những thùng ngói còn ngổn ngang dưới sân chùa, góc này một vài mảnh ván, góc kia một vài bao xi măng, góc nọ một vài thanh sắt... Mọi thứ còn chưa ổn định ở đây cũng là hình ảnh, tâm tư hàng đệ tử trước sự ra đi đột ngột của Thầy. Chưa được sự chuẩn bị tinh thần tiếp nối công việc một cách “tự tại”tuy rằng trước đây cũng đã quen tay với những công việc làm này, song, tinh thần thì vẫn chưa sẵn sàng để tiếp nhận những trọng trách mà Thầy để lại đối với ngôi Đại Tự. Mọi sinh hoạt, về hình thức có vẻ trôi chảy nhưng về mặt tâm lý, hình như chưa được ổn định với sự vắng bóng đại thụ Ân Sư..

Cứ để nhân duyên sắp xếp mọi việc. Cứ để mọi việc lững lờ theo dòng nước chảy của khe suối rồi sẽ “tự nhiên nhi nhiên”mà thôi. Những mong ngày mai, dòng nước nơi đại tự Khánh Anh, tự nhiên rồi sẽ thành một dòng. Một dòng nước như muôn ngàn dòng nước, vẫn lững lờ trôi, trôi từ từ, chảy từ từ.

Hoặc phải cản ngại vật, thì cho dù dòng nước có bị chẻ đôi đi nữa, vẫn cứ xuôi chảy ngang qua cản ngại vật và sau đó lại hiệp trở thành một dòng để tiếp tục xuôi chảy. Hoặc dòng nước xuôi chảy để cuốn theo những viên sỏi đá nhỏ nhoi vì sức nặng không đủ để cưỡng lại với sức chảy của nước. Trong hai trường hợp dòng nước bị chẻ đôi và dòng nước cuốn trôi đi thì vẫn là dòng nước chảy, cái chảy đi vẫn là nước, nước có tánh viên dung, nước có tánh bất biến, ở thể lạnh, thể nóng, thể bốc hơi thì nước vẫn là nước, vẫn với tánh ẩm ướt. Đổ nước vào ly, nước bị khuôn khổ của ly uốn thành hình ly, đổ nước vào chai, nước thành hình chai. Đổ nước vào chén nguyên, nước giữ nguyên dung lượng, đổ nước vào chén mẻ, nước sẽ bị chỗ mẻ của chén mà làm vơi nước đi, chỗ nước bị chảy ra ngoài thì vẫn là nước…

Hãy để lòng con như nước, dù ở hoàn cảnh nào thì con nguyện vẫn sắc son với Đạo. Cho dù với hoàn cảnh thịnh, suy của chùa, với sự vắng bóng Thầy thì tâm con đối với lý tưởng tu học nguyện vẫn được như thuở “sơ tâm xuất gia”với đầy nhiệt huyết, với đầy hăng say, với đầy tinh thần dấn thân nhưng những sự dấn thân, hăng say, nhiệt huyết thuở sơ phát tâm đó, giờ đây đã được nấu chín thành giai đoạn hai trong bài thơ Lô Sơn của thi sĩ Tô Đông Pha cảm tác ra khi thăm núi Lô Sơn.
Thich_Nu_Dieu_Tram

Ngưỡng bạch giác linh Thầy,

Ngày cung nghinh kim quan của Thầy từ Phần Lan về Paris, cũng như trong suốt thời gian tang lễ của Thầy, đã có sự hiện diện đông đủ của chư Tăng, Ni, Phật tử từ khắp các xứ Âu Châu. Vùng đất mà trước đây, Thầy đã “dép cỏ mòn châu lục”để khai phát rừng tâm hoang dại của chư Phật tử thời bấy giờ, rồi cố vấn cho họ để thành lập ra những Hội Phật Giáo, rồi dạy bảo các Hội cung thỉnh quý Tăng Ni về lãnh đạo tinh thần tu học. Với tấm lòng tôn kính Thầy là bậc Thầy, là bậc “Anh Cả”, là bậc Trưởng Lão, là bậc Sư Trưởng, là bậc Ân Sư … quý Ngài đều đã câu hội để cung đón Thầy về Pháp cũng như cung tiễn Thầy về Tây.

Rồi chư Tôn Đức từ khắp các Châu Lục cũng về rất đông để nhất cú nhất kệ cầu nguyện cho Thầy, cũng như góp mặt, sưởi ấm tấm lòng lạnh giá dù giữa tiết hạ ấm áp của hàng môn đồ pháp quyến chúng con trong những ngày khó quên này. Con xin đê đầu đảnh lễ, kính tạ thâm ân của quý Ngài đã không quản ngại đường sá xa xôi, bất từ lao quyện mà chấn tích quang lâm chốn Khánh Anh tân tự viện đang còn trong giai đoạn chưa được hoàn thành, phòng ốc còn thô thiển, thiết kế còn dở dang mà quý Ngài đã niệm tình hoan hỷ cho chúng con mọi điều sơ xuất.

Ân Sư vắng bóng từ ngày ấy,

Thắm thoát đến nay sắp trăm ngày,

Lòng con nghĩ lại còn quặn thắt,

Đâu nữa dung nghi đấng Cha Lành.

Ngưỡng vọng giác linh Ân Sư chứng giám.

Viết xong ngày 23/10/2013,
Vía Đức Quan Thế Âm Bồ Tát,
19 tháng 9 năm Quý Tỵ.
Đệ tử Quảng Trạm (Diệu Trạm) kính ghi,

HT_Minh_Tam (1)


The autumn wind is back,
but you, revered Master, where are you ?




Life and Death : the most critical issues. Lightning impermanence…

Yes, Master. You did realize these too most critical issues in this life. You "came" and then serenely "went". You demonstrated the truth of impermanence and how swiftly it can strike, and let people gasp "oh ! it's all too sudden !".

Your passing was so swift, so peaceful, that thinking of your pending tasks, we all thought that you would not be able to let them go. In reality, you were very detached. Feeling that you were no match for the the ferocious "four elements", you calmly said "Be that as it may, they are common tasks, someone else will take them over!"

These words were said in the morning of the 2013 August 8th, about 4 hours before you lightly breathed your last breath, taking leave of everybody. What words can I use to describe your mind but "embracing the unlimited space and encompassing realms as numerous as grains of sand" ?

Thinking back about that moment, I only want to prostate again and again in front of you framed picture, but how many prostrations are enough to praise your aspiration and virtue ? Even if these prostrations were only formality, but this formality stems from the depth of my admiration. What you said proved that even at the last moment of your life, you were only concerned about the common tasks, the Buddhist Congregation and the Sangha community, not knowing that at that moment, your life were hanging only by a thread.

Listening to your laboured breathings, I asked "Master, are you very much in pain ?" and you only answered "…tired…" and then closed your eyes tightly, lost in your thoughts and difficult breathing. May be, being so used to see you in this state because of your notorious poor health, I was not frighten nor confused, but silently prayed for you, invoking Guan Shi Yin Bodhisattva and Amitabha Buddha, so that you can be "contented according to the causal conditions…". I was greatly (and only) comforted knowing that at that very moment, your followers had come together at the Khánh Anh temple to pray and to recite the Sutras. Those who attended the summer Seminar at Liên Hoa Đạo Tràng in the Khuông Việt temple also came together to pray and recite the Sutras. And I, standing at your bedside, was also single-minded praying. While your followers and disciples were praying together, you quietly took your last breath, leaving us, saying nothing. But this very quiet last breath was a wordless farewell, because unsaid words are infinite words…

Master, since you departed for the Amitabha Buddha's Western Land, I am still grieving for you and miss you dreadfully every day, because your image won't be any longer that of a living, active man but an immobile picture on the altar. However, sometimes I cannot help but chuckle "His coming and going were so carefree !".

The story of the Zen Master Bang Long An's family who died so calmly came to my mind when eventually you quietly took you last breath, so quietly that, standing close to you, I was not even aware that you just left us forever.

In olden times, I often pleaded with you :

- Please Master, never leave me behind ! Let me go ahead to clear the way for you ! Is it not said in the Novice's Rules that when accompanying his Master, if they have to ford a stream, the disciple must precede the Master and fathom the depth of the water with a stick, and then slowly guide the Master over ?

You would invariably answer : "Phooey ! Nonsense ! Who must not die at an old age and when crippled by illness ? Don't stand there twaddling ! Go back to your work !"

I said so because your undertakings were so grand, your vows so vast, and there were so many people leaning upon you, depending on you. Then you would need much more time to be omnipresent, according to their wish as it is said in the Universal Gate Sutra, the sutra that you used to recite at 3 PM every day at the Khánh Anh temple, in Bagneux… I used to accompany you during these sutra reciting sessions, and this word "omnipresent" used to impress me… It seemed to me that your life had been closely linked to this word.

Because I knew that you wished to be omnipresent, modelled on Guan Shi Yin Bodhisattva, I very wholeheartedly vowed to let you have many years of my life, although I know that each person has his own fate and his own span of life, but I still prayed that you would live to one hundred years to allow people to lean on you, as you never refused to stretch out your hands when people need you, call you, appeal to you and expect from you…

I used to observe you closely and silently, and sometimes I ventured to suggest :

- Master, I think that this task should be done like this, why you did it like that ?

You thoughtfully remained silent, then answered :

- I have my way of doing things. Get back to your work, stop talking nonsense or I shall chide you !

Many times, narrow-minded and shallow-brained, I kept asking you the same question and your always gave me the same answer. Gradually, my narrow and shallow mindset was eventually enlightened by the outcome of the works carried out in your own way. I would complain :

- So you had your reasons to do that way, but why don't you explain it openly for me to understand, instead of leaving me with my misgivings ?

Then your smile was slightly smug, your nose slightly turned up :"I told you, what is not clear now will slowly clear up, but you never listen ! You are such an ignorant lot !"

My revered Master !

When I was just tonsured, you minutely taught me the monastic etiquettes and manners (sekhiya rules, Quy Sơn Cảnh Sách), while the Masters Nhất Chân and Thiện Huệ taught the Novices rules (Sammukha Vinaya). I still remember very clearly, you used to quote "Giving too lenient an education is the teacher's fault". Once I asked "what about the student ?", you said :"He is also at fault. The teacher is for not having wholeheartedly taught the student, and the student for his insubordination and for causing his teacher's headaches ! They were very serious offenses ! Who is the Master who does not want to train his disciple into a valuable Dharma tool, but if the disciple is not conscious of this and get angry or take offense, then… then… See it for yourself, study diligently the Vinaya… You must put your study into practice… and practice also means self cultivation…"

Then you went on telling stories about your community life in the Hai Duc Buddhist College in Nha Trang before you left for Japan, where the monastics must undergo a very strict disciple.

- You must live in harmony with the community, where each and every action in the temple functions at the pace of the sound of the gong.

At the beginning of my monastic life, I used to make the same blunder : sometimes, wanted to complete a task at hand and in spite of the gong, I arrived late at the dining hall to take my meal with everybody. Late in the evening, during our lessons, you alluded to it :

- Not living according to the schedule of a community reveals a striking lack of respect for it. Doing so, one would lose one's blessings, for it is an offense. Yes, yes, an offense ! Is it normal for the disciple stroll in when the master is already at the table ? And who has not task to complete ? Even me, I have to show respect to the masses, let alone you !

Then you went on telling us about your life in the Nha Trang's Buddhist college as example. "To live according to the sound of the gong" was your favourite saying…Had you not been the chief supervisor in this college ?

Oh my Master, how many times I repented, how many times I did penance, but veiled by ignorance, I kept commit the same blunder. Each time, I had to don my robe to bow in front of you to show repentance, and you always remained silent before saying :

- If you are aware about your wrongdoing, don't do it again. Don't make me reprimand you all the time, it's very bad for your blessings.

How time flies ! 30 years already went by. 30 years - during which I practiced, cultivated my mind, repented and progressed – had passed like a flash.

Let us go back to your life and your vows.

When we just have been ordained, the activities in the temple were still relatively simple. You spent a lot of time to educate, to take care of us, your first group of disciples. You painstakingly taught us and nurtured us with the story of your life : how you lived when just tonsured in the village temple, your studies, your activities in the Buddhist College Hai Duc in Nha Trang, the time you were studying abroad, and your ideal for serving the Triple Jewels. You told us so many stories.

"I left home to enter monastic life when still very young, at 11. In fact, I "ran away" from home to follow my Master, a monk living in the village and I was very disinclined to study.

A little older, I knew better and wanted to study. I asked my Master's permission to go to the Buddhist College in town but he did not acquiesce to my request. I submitted it again and again, to no avail. Then I had no choice than to "run away" again. Later on, my master relented, I went back to my temple to see him, then returned to the college. My master called me back a few times, wanted to hand the temple over to me in order to keep me in the village. But because of my vow "to open new horizons in order spread the Buddhism", I stayed at the Buddhist college at Nha Trang and was tutored by the late Fourth Patriarch Thích Huyền Quang…"

Thereby, seeing your aptitude and commitment to serving Buddhism and the Vietnamese people, the senior Venerables entrusted you with important missions. In 1963, the Dharma upheaval was a very critical period.

Once, your temple was searched by the police, to discover letters or documents related to the "altars on the streets" movement. You were so anxious, not knowing where to hide them. In previous times, you rolled them and bound them carefully together then hided them in a well, but they were still found out and taken away. This time, frightened out of your wit, you rolled them up and, and kept them in your hands while receiving the searching agents. During all that time, you silently and ceaselessly prayed and called the compassionate, the merciful Guan Shi Yin Bodhisattva for help… and you were not molested and out of danger. Later on, when the police left the temple, you suddenly realized that the roll of the incriminated document were still in your hands. You let your breath out with a relieved "Homage to compassionate, to merciful Guan Shi Yin Bodhisattva !", then you donned your ceremonial monastic robe to recite the Universal Gate sutra to express gratitude !

During your whole monastic life, you had an unrelenting faith in Guan Shi Yin Bodhisattva. May be that is why every afternoon, at 3 PM., you always recite this same sutra ? You even used the first of Her 12 vows to bestow Dharma names on us : Quảng Phát Hoằng Thệ Nguyện (to raise the immeasurable vows), and only added the prefix "Tịnh" (pure) to form a name. Being the youngest, mine was the last one, Tịnh Nguyện (Pure Vows).

Then there was the event of the Most Venerable Thích Quảng Đức's self immolation.

"At that moment, you said, many persons volunteered to perform self immolation but not everyone was approved to do so. The senior Venerables had many covert meetings in order to ratify the candidate's name, but this name was to be kept secret until the last moment. Once again, the Buddhist temples were combed and raids by the government. In some temples, the monks were even rounded up and interrogated. As soon as I was informed of this, I took the important letters and put them in the Lotus Sutra (Saddharma Pundarīka Sūtra) at the Universal Gate chapter and left the sutra on the altar. All the sutras were shook, all the candlestick and censers were turned over, only the Lotus sutra was left untouched. Once again we were saved by the miraculous power of the greatly compassionate, greatly merciful Bodhisattva."

Sponsored and trusted by the Most Venerable Từ Quang, you became a Dharma lecturer at Phú Yên and teacher at the Bồ Đề secondary school in Tuy Hòa. Once you were sent to a place to deliver a Dharma lecture, but le locals were somewhat choosy : they only welcomed senior monks' lecture. At that time you were only a novice monk, but the Most Venerable Từ Quang decided that you must go. Arriving there, the Most Venerable himself also came to be the witness and summoned the other monks to attend your lecture. He even said "The novice monk gives lecture, the Venerables listen".

From time to time, when teaching us, you would encourage us :"See ? You must make further efforts to study ! At my time, the Venerables had to strive so hard to learn and to work, but nowadays, you monks are so sluggish ! I wonder what will become of you !"

During the years 1962 to 1967, you were a Dharma lecturer, principal of the Bồ Đề secondary school, and the substitute teacher in at the schools in Bình Định when it was necessary. You encountered also not a few problems with the government then, therefore the Most Venerable Từ Quang urged you to temporarily go to Japan first for broader perspective, and secondly to avoid being watched. "Keep quiet a moment then come back to help me", He said. You obediently made preparations to go to Japan.

In 1967, in Japan, you had to struggle with very hard living conditions, with a very small sum of money that you brought with you. A not less small pittances were allocated to you from Vietnam, and was sent to you monthly by a helpful friend. At the beginning, you received it regularly but very much less so afterward : there were months when you received nothing.

To pay the tuition and to cover your daily basic necessities, you had to deliver Uddon soups by bike two hours per day. You told us about this in a comic-tragic way :

- I was not used to guiding bike with one hand and carrying a bowl of soup with the other. The days out of luck, one of the bowl would spilled and the wages for those two hours' work would be then cut by half !

Your study became much more time consuming. You stopped delivering soups to work in some building activities to reduce your daily working time : instead of two hours per day, you only had to work three hours every two days, twice a week. It was an arduous and hard job, but it allowed you more time to study.

Once I saw a picture of you dressed in working clothes, lying cross legged on the floor. I commented "Wow ! how lucky you are to have time for a siesta !".

"Lucky indeed !" You said. "I stepped on a nail but could not afford to go to the hospital. Its stinging pain forced me to lay down and prevented me from working… and from being paid by the same occasion !"

You loved cameras and photography. You always busied yourself with the photography techniques and were very happy with your pictures taken professionally with right light, right Isio, right focus when the setting and the subject yielded a good photograph. You even taught me those techniques to take pictures at different events and post them in our Khánh Anh monthly magazine. At that time, the autofocus cameras were still exceptional and expensive.

During the years 1968-1973, you were appointed President of the Buddhist Vietnamese Chapter in Japan, because little by little, the number of monks coming to study in Japan were increasing and you gathered together to found a Vietnamese Buddhist Association, run and managed from Vietnam. In spring 1973, you were instructed by the late Fourth Patriarch Thích Huyền Quang to go to Paris in order to work with the Venerable Thích Nhất Hạnh, but you went back to Japan because the collaboration was rather shaky.

At the beginning of 1974, you went back to France and had a hard time to find a room to rent, and ended up to share one with a few Theravada monks living in Paris at that time. You said :"The room was so cramped, just large enough for 5 or 6 of us to lay down and to turn, every belongings had to be momentarily put outside in the corridor".

Afterward, you founded a "Khánh Anh Prayer Hall" in a 2-rooms apartment : the sleeping room was transformed into the Buddha main hall, and the bath room into your sleeping room with a plank fixed across the bath tub. When there were about 10 persons in the Buddha hall, you could withdraw in your "quarters" to rest when tired.

Until 1977, causes and conditions were sufficiently converged, accompanied by some devotees you visited and eventually acquired a property at 14 rue Henri Barbusse, 92220 Bagneux (which later became the Khánh Anh Temple). These Buddhist devotees were rather few in number because at that time there was almost no refugee in France. Most of them were former overseas students who stayed on after the 1975 April 30th upheaval. As for the "Buddhist devotees" we must add that they were neophytes !

You were to endure untold trials and tribulations to carry through this acquisition. Was this why later on, you used to say : "My life is rarely easy and smooth. Obstacles are common, but smoothness is extraordinary occurrences indeed ! I never expect that things would be uneventful, on the contrary I always anticipate difficulties and challenges. You must take this as a lesson…"

After a period of monastic activities, causes and conditions came together again to allow you to celebrate, on 1979 February 19th, the Stone laying ceremony of the Buddha main hall on the premises of the Khánh Anh temple.

The beginning of the 1980's marked our arrival !

In 1983, we, a group of young people, used to go to the temple on the week-ends or when there was no school. In spite of being squeezed because there was not much room, we came with our sleeping bags and scattered everywhere : in the dining hall bellow, in the Buddha Hall upstairs, and even in the kitchen sometimes ! That summer, we were 10 or 15 (or even 20) to stay in the temple, and at the end of the day, divided into 2 or 3 groups, we would sit around you, the three resident Masters, to listen to story telling. Each one of you had your kind of stories, all of them so fascinating that some of us liked to commute between groups every now and then. You, my Master, would tell stories that currently happened in the temple with so much humour and spirit, Master Nhất Chân told Zen stories and Master Thiện Huệ ghost stories. This last group was always the most boisterous and the noisiest one ! There were so much fun then !

Then tired of stories, we aspired for something else, and pleaded with you to teach us Buddhism and Chinese writing.

The first Buddhist lesson you taught us was the opening verses of the Shurangama Dharani. Then you taught us to ring bells and strike the wooden fish. Each morning, for you daily devotion, one of us must ring the bell and another must strike the wooden fish to accompany you. It was so funny !

For our first Chinese lesson, you chose the poem "Phong Kiều Dạ Bạc" (Trương Kế). You showed us stroke by stroke, insisting that the horizontal ones must be strait and the vertical ones upright. Then you joyfully marked our dictations. You were such a strict master ! Even if there was no mistake at all, you never gave us more than 9/10, and explained that "nothing is perfect". Was this also your way of living and your working guideline ? You always trained us in such a way that we never hope for entire satisfaction, never presumed that our expectations would be granted in full. At that time, I was so very frustrated, wondering why you never indulged us with a better mark, after all well deserved ? With the time, I realized that that was your "way of education". You trained us to have the virtue of Patience, of Acceptance. For that, I am forever in you debt, my revered Master !

Oh, but your teaching was always wonderful and I enjoyed it very much. I used to boast "The "Old man" is an excellent educator ! It's a pleasure to be taught by him !"

Gradually, being close to you through these Buddhist and Chinese lessons, assisting you in various activities and moreover being naturally prone to "commit myself", [it became normal that] I was at your side during the various hunger strikes, manifestations, seminars, wakeful nights… to fight for the Human rights, for the liberation of our Buddhist leaders still prisoners of the Vietnamese regime such as the Late Most Venerable Thích Huyền Quang, Most Venerable Thích Quảng Độ, Venerable Thích Tuệ Sỹ, Late Most Venerable Thích Nữ Trí Hải, Professor Lê Mạnh Thát. You strived to campain for the United Nations' intervention, and for the European countries, the United States and Australia to take in more "boat people" still waiting in the islands of many Southern Asian countries' refugee camps.

When I still was in Vietnam, I often went with my aunt to temples, playing with the novices, helping out and sometimes thinking of "leaving my home" (taking the robe). Far from the homeland, the old seeds began to sprout. With a few friends, after hefty debates, we went together to you for a formal request to be ordained, in order to live, to learn and to work close to you. You agreed but then left us "stew", until master Nhất Chân appealed to you for brother Chúc Nhuận's ordination. Brother Quảng Đạo took this opportunity to approach you with small steps… Taking this as the sign of the convergence of the necessary causes and conditions, you agreed on a date with Masters Nhất Chân and Thiện Huệ to celebrate our ordination.

You also communed with both masters "I fear that alone, I shan't be able to convert the followers. Now your help will put my mind at rest."

On the Saturday 1984 dec 29th, or the 8th day of the 12th lunar months in the year of the Rat, on the Bodhi day (Commemoration of the Bouddha's Enlightenment), in the main Buddha hall, you tonsured the 8 of us, assisted by the Masters Nhất Chân and Thiện Huệ.

We were tonsured under you and instructed by both masters Nhất Chân and Thiện Huệ as to the Buddhadharma, but every time that the Venerable Thích Như Điển and Thích Tánh Thiệt came to our temple, you used to ask them to teach us the sutra chanting rituals. In monastic environment, it is said that it takes 3 months to learn how to recite sutras, but 3 years to chant them. It was hard for us to learn to chant, but even harder for the master to teach this to us !

We had so much fun ! The main rituals were taught by you. You taught us very carefully : how to offer incense, to praise the Buddhas, to dedicate, to use the right tone to conduct the public in a sutra recitation sessions… You had us exercised when to stop to catch breath, when to raise voice or drop it "without breaking the intonation of the word". But you also saw to it that we learn more ritual practices with the other masters. When Venerable Như Điển taught us the Center of Vietnam's way, Venerable Tánh Thiệt the Ancient City's way, and you, you taught us the standard way according to the "book of liturgy Ritual prayers". We were completely at sixes and sevens, and only recently, in contact with many masters from Hue, did I begin to distinguish and understand more about the "Royal Palace's Ritual".

Because of this "family bond", whenever the Masters Như Điển and Tánh Thiệt called at the Khánh Anh temple, they would put our knowledge to the test. We did have the jitters but nonetheless very happy to know that they cared for us. Then the masters Quảng Hiền and Trí Minh frequently came to see us and were also very interested in our study. At that time, apart from very important ceremonies, the every day's activities in provinces were relatively simple, therefore these masters often came to see us.

But the Buddhist activities increased steadily. Our countrymen, refugees from Vietnam, were slowly settled down in a third country. As long as no monastic's presence was to be found in the neighboring European countries or in France's provinces, you would travelled unceasingly – every week-ends –, to Switzerland, Austria, Germany, Denmark, Sweden, Norway… and sometimes up to the northern Norway to visit them, the Buddhists who yearned for some spiritual food. Once arrived, oblivious of long journeys or of your tiredness, you would immediately begin your office : expounding the Dharma, comfort our countrymen who just settled in these countries. They still missed their homeland, their relatives and were still unfamiliar with their new environment.

At that time, we were so close to our fellow countrymen and Buddhist followers… As to me, my work was to display the Buddhist printed material (sutras and magazines), set up a makeshift altar for a prayer session. After the ceremony, I would take everybody's names and addresses so as to send them our Khánh Anh magazine later.

Our financial position was very modest. To go to so far a place, Master and disciples only disposed of a 4-horse power Renault 5, that kind of small truck without back seats, used to transport heavy goods. I would sit on a board put across the trunk to let room for printed materials and necessary objects to set an altar. At each sharp turn, the board would collapse and so would I. It would be put back again for me to resume my seat. After the ceremony, we would drive back to Khánh Anh temple. More often than not, we would arrive at the earliest at 9 or 10 PM. On Monday morning, we returned to our daily duties in a temple, and in the evening, to our lessons. Masters Nhất Chân and Thiện Huệ taught us once per week, and you twice. On Saturday, we would be on the road again. Sometimes, we proceeded like this four week-ends consecutively.

During our trips, to entertain the driver, you would bring along a battery power cassette player and a few cassette tapes of Duy Khánh, Khánh Ly, Thanh Tuyền, renown singers from our homeland. Those songs, produced prior to 1975, speaking of our beloved country during the raging war, relieved somehow our homesickness. But you also took these opportunities to explain to us – the driver and I – a few Vietnamese phrases from the songs in their literary and cultural contexts. Were you not one a teacher of Vietnamese literature ?

The food we brought with us would be invariably white rice, fried bean curd with chili and lemongrass, a cucumber, a bottle of Maggi sauce and a few bottles of spring water and that's it. As simple as that.

Masters Nhất Chân and Thiện Huệ also used go to far away places to, in turn, celebrate Buddhist services to relieve you. There were many week-ends when you and one of these masters were absent, the remaining one must conduct the weekly morning prayer service for the deceased and in the afternoon, give a Dharma teaching for the devotees.

At that time, master Nhất Chân was the spiritual guide of Norway and Strasbourg's Buddhists, and master Thiện Huệ would guide those in Netherland and Bordeaux. Slowly, the Masters in the refugee camps arrived to settle in Europe, and most of them knew each other. You then set out to put them in contact with the Buddhist associations in the neighboring towns, so that they could be invited to these places. In this way, your trips were less frequent and reduced only to important ceremonies.

In the middle of the 1980's, you were very distressed faced to the turmoil of our countrymen who left Vietnam to seek freedom overseas. You ceaselessly organized hunger strikes and manifestations in front of the United Nations headquarters in Switzerland, or in front of the Vietnamese Embassies in Paris or in other European capitals, in order to awaken the conscience of the international communities' leaders. You aimed at requiring their interventions in favor of the human and the religious rights in Vietnam, and at drawing their attention to the refugee camps in the South-East Asian countries. You also organized conferences on the issue of Human rights, wakeful nights to remember the situation in Vietnam, where there was no more freedom, no more democracy or human right but only injustice ; to think the the different refugee camps to share the sufferings, grief, bereavements of those hundreds of thousands people cut from their homeland and were desperate to be accepted in a new country. I was beside you during these moments. While working, I couldn't help feeling a deep admiration for you from the bottom of my heart. I was also one of these "boat people", who once was desperate for someone in the far away free Europe or America to care for me, to get concerned about me. The only difference is that I was fortunate enough to leave Vietnam earlier with my family and to settle earlier in France.

It was impossible to tell the sorrow, the loneliness, the yearning and the forlorn hope of those refugee in the islands of Asia… who almost gave up the dream of being free from their camps.

I felt so much empathy with the boat people that I threw myself into the work tirelessly. But you, you "hearkened" to the calls for help from the other shore of the ocean.

Regardless of hardships, you dedicated yourself to help them, using up your strength, having nothing more than your mind, your empty hands and your heart, just because their blood is red and their tears are salty like the myriad of other beings, and because they were floundering in the ocean of sorrow.

Once, while preparing files and documents for a manifestation to hand an Appeal Letter to the UNO, I asked you :

- Master, will us be able to go inside to hand the letter, or did we receive a confirmation that someone will step out to take it ?

You burst out laughing :

- We'll do what we must. If we can't go inside or if no one steps out to take the letter, then we'll send it by post. At least they'll know that we were here manifesting, and are aware of our request. Let's just go ahead, and take whatever comes out of it. Like our countrymen in the refugee camps, they just keep waiting and hoping, but don't know when they can get out of them.

What a great spirit of altruism !

I remember once I wanted to give up everything because you kept on organizing or calling upon people to organize hungry strikes, manifestations and wakeful nights… but to so little avail ! How not to discourage when one spend so much effort, do so much work to almost no result ? We received news then saying that the refugee camps were going to be closed. At that moment, you instructed me to build up a file and send it everywhere to collect signatures, requiring the UNO to stop the decision of closing the refugee camps. These files were to be brought to Switzerland and handed over to the UNO. You also told me that on the spot, I had to ask as many passers-by as possible to sign our petition. I did exactly what you said. But the UNO spoke-man, when stepped out on the lawn where we were to take the files and signatures from our delegation, only said that he would transmit the file and our Appeal Letter to higher levels, but was unable to foresee their decision…

On our way back, I said, dejected :

- Oh my Master, please let's give up, let's stop these actions ! We put so much energy, so much work into them but what did we achieve ? May be we will even fail. Let's stop, Master !

- My work, you said, is like tossing a pebble into a pond. When the pebble reaches the water, it is so light that it can't create a whirlpool. But it'll slowly sink down and tiny ripples will appear on the surface of the water. As it doesn't sink quickly, the ripples also will take time to disappear. Then I'll keep one tossing pebbles, and the ripples will continue to form on the surface for people to see…

You comments gave me renewed confidence.

You even picked your way through every possible formalities to come to the refugee camps to support our countrymen still waiting to be removed from them. You had not yet obtained the French nationality at that time and the visa application procedure for the South East Asian countries, on the purpose of visiting refugee camps was a terrible ordeal. But you managed to get through them. You came up to the refugees to comfort them and to give them some small presents, so very small because our temple as well as the donors' means were like "a grain of salt in a sea" or "a grain of sand in a desert". But that did not prevent you to move from one camp to another, from an island to another…

Once you wished me to drive you to Fontainebleau to look at the place where different accords and conventions concerning Vietnam were signed. You jokingly called the place "the Vietnamese historical vestiges in France". During that trip, you told me about the Paris Convention 1973, the Fontainebleau Agreement and so many more agreements concerning our country which had been sighed in France and had had a major influence on the Vietnam's history.

Observing you, I realized that your spirit of "serving the living beings is like serving Buddhas" was very profound. It was a perfect illustration of a phrase in the Sutra of 42 Chapters :"For those with unwavering resolve in following the Way, the Way is great indeed !".

You used to repeat :

- As for me, credentials never matter. While learning the Dharma, the essential is to be sincere and industrious. It doesn't matter if you don't learn much, as long as you put it into practice. Shallow knowledge begets shallow practice. But deep knowledge must entail deep practice. The learning and the practice must be simultaneous, don't be just content with theories because it is as unrealistic as walking without putting your food on earth".

In 1992, the various temples in Europe gradually found their abbots. You got in touch with them all to found the Unified Vietnamese Congregation in Europe.

In the same year, with the other monastics in Europe, you invited all the members of the overseas Sangha to gather at the Viên Giác temple in Germany. This meeting was called "the Overseas Sangha council". There was not many of you in number, only 50 our 60 venerables, because at that time the Vietnamese Sangha was still sparse. But almost all the dignitaries were present : The late Most Venerable Thích Hộ Giác, The late Most Venerable Thích Đức Niệm.

The activities in Khánh Anh temple continued to develop. There was an increasing aspiration to learn and practice Buddhism among the devotees. In 1984, with the assistance and encouragement of both Masters Nhất Chân and Thiện Huệ, the first Khánh Anh Dharma class was held in the summer with 18 official students (that you jokingly called the 18 arhats). These students came from Norway, Netherland, Switzerland and France. The spirit of "learning and practicing" was spurred on since then. This event was followed by 4 consecutive years, and the Dharma Class 2, 3 and 4 were held in the Khánh Anh temple at Bagneux. Among the students who attended these first Buddhism classes, a few had taken monastic life and still live in Europe.

As the number of the Buddhists who attended these classes increased year after year, you and the masters transferred the 5th Khánh Anh Buddhist Dharma Class to Switzerland. At that time, Master Quảng Hiền has just arrived and settled in Switzerland. This time, you and the masters agreed to change them into the "Buddhist Seminar in Europe", starting with the first Seminar. And since, every summer, a Buddhist Seminar would take place in one of the different European countries.

You maintained the organization of these seminars up the 25th in Finland. Causes and conditions split up, this seminar was the last one for you. This rupture coincide with that of your life, because you departed, lightly letting go all your undertakings, as well as your "offerings to the Three Jewels by the way of serving others". You left everything behind you to enter the Western Pureland. You left a weaker Buddhist congregation, a scattered Sangha and the unfinished building of the Great Khánh Anh Temple.

Were you exhausted from perpetual sacrifices and from devoting your whole life to others, never thinking of yourself, or taking a mere moment to rest ? You were ailing, but always made tremendous effort, unwilling to let people know of your poor health, lest this would prejudice the common endeavor.

You unusual effort to overcome your physical weakness were a silent teaching for us : "devoting our life to the Way at any cost" as we used to recite during our prayers. You set an example for us by taking your life so lightly while devoting it to the Three Jewels.

From now on the Khánh Anh temple will be without you, the Sangha there will live on without the shade of a big tree, without the silhouette of an admirable Master.

When I was writing these words, the sky and the earth seemed to darken suddenly. I felt a knot in my stomach, my vision blurred, my heart ached and my hands trembled. I was stunned, petrified. But I seemed to hear a far away voice :

- There, there ! What are you doing ? Are you being silly ?

that waked me back up to reality. Oh, I am losing faith again. That won't do, I tell myself. I have to pick myself up, to get going. This is the only way to express my gratitude to you, to be worth of your teaching me, of your bringing me up.

Master, your innermost wishes were to train your disciples to be Dharma tools weren't they ? A kind a Dharma tools according to you special ideal, tools that are of service to living beings, as offerings to the Three Jewels. You used to bring the lesson of the Zen Master Bách Trượng to teach us.

In 1995, because of urgent needs to develop Buddhist activities, you actively looked for a place for worship more extensive than the current Bagneux temple. After long search through real estate ads in newspapers, succession of appointments, visits, decision makings, finally a building land located in Evry was chosen, where will be built the future Khánh Anh New temple. The ceremony of laying the first foundation stone was celebrated on 1995 June 6th in the presence of many Venerable Monks, Nuns, Buddhist faithful, fellow countrymen and local politicians. The late Most Venerable Thích Huyền Vi - Director of the Buddhist Institute Linh Sơn-in Joinville-le-Pont (France), and the late Most Venerable Thich Trung-Quán, Abbot of the Hoa Nghiem monastery in Villeneuve-le-Roi (France) honored us with their presence, and joined us in the prayer during the ceremony.

Respected and admired by all the Venerables residing abroad, you have been appointed Head of the Zen Liễu Quán overseas branch.

Since the 2006 Congress of World Buddhist Sanghas Council (WBSC) in Malaysia, you have been appointed Vice-President of this Council. In the past you already were Member of this council's Ministry of Culture and Education.

Frequently assisting you during your numerous travels, I had opportunities to hear your thoughts, when you shared them with other Grand Masters. You aspired to manage to gather all the Vietnamese Monks and Nuns residing abroad, irrespective of branches, schools or congregations, in order to come together and to work together, particularly in the U.S. where the number of monastics was increasing and reached a significant number. You have worked actively to found a Unit of Buddhist Monastics Overseas, which was praised and supported by the Grand Masters of the five continents, and you have been elected President of this Unit on 2007 January 1st.

The purposes of this organization published in the press release dated 2007 January 18th are: "The Vietnamese Buddhism overseas needs to move towards an open, harmonious monastic community that thrives in unison without distinction of branches, school or congregation, that support each other to share a monastic life aiming at spreading the Buddhadharma, serving, protecting and saving all sentient beings. The survival and development of Vietnamese Buddhism Overseas must be based on the pure and harmonious essence of the Sangha, because the Sangha is the foundation of any subsidiary Buddhist activities at any place and time.

At the end of 2007, at a General Assembly gathering the members of all the Vietnamese Unified Buddhist Congregations in the 5 continents including America, Canada, Europe and Australia, "The inter-continental Vietnamese Unified Buddhist Congregation" were founded. You accepted the position of President for the first term 2008-2010 and therefore were one of the founders of this Congregation.

Knowing that your vows were : "Considering the spreading of the Dharma as my first concern" "Building places of Worship everywhere" and "Being Omnipresent", in 2011 August, you have been invited at the great Ceremony in Colombo, capital of Sri Lanka, by the General Assembly of the Buddhist Sangha and the Government of Sri Lanka, to receive an Most Honorary Title distinguishing you as a very active propagator of the Buddhadharma in European and American countries.

You also worked hard in 2012 to create the "Supreme Buddhism Sangha Council" in France, and currently were its President.

Through all your past activities and your light and serene departure, I learned the lesson of "letting go", "performing without clinging". You have fully used your life serving the Buddhism until its last minute. Your departure took place right after the closing of the 25th Buddhist Seminar in Finland.

You have gone, leaving a line of conduct so that the Masters can continue your work in the Buddhist Congregation. You have gone to be the glue that clogs the cracks ; to be the cement reconciling differences in these troubled times, gone to ring the bell to wake up sleeping consciences.

You have gone, but the congregation is still here, the Buddhist Sangha is still here, your followers are still here, and we, your disciples are still here. Last year at this time, You stood there, at the door of your room, a resplendent and majestic image, but this year, at this place, the autumn wind is blowing, your door is open, but He who smiled in the autumn wind is no more. "The Pillar" has gone to the West.

We, your disciples, met at the weekly ceremonies to respectfully honor you, then at the ceremony of One Hundred Days, and then the two Commemorations "Tieu Tuong" and "Dai Tuong" that followed. Every activity we do are things of ordinary life, corresponding to the world in which we are temporarily living. I vow to see you again in the Western Land, where "these earthly religious activities" are unnecessary and where together, we would continue the same path in the Western Land of Bliss.

The still dark sky of Evry this morning is a little chilly, a little rainy, a little windy. An autumn weather.

The Great Pagoda has an air incompleteness : boxes of tiles lying about in the court ; here and there a few pieces of planks, a few bags of cement, iron bars ... Things are still disorganized, and this image reflects the spirit of your followers confronting your sudden departure.

We are not psychologically prepared to "carefree-ly" carry on with your tasks although before, they were quite familiar. But our mind is not yet ready to take on the great mission that you handed down to us concerning this imposing building. Seen from outside, things seem to work smoothly but in reality, we do not yet feel safe psychologically without our large protecting tree : our revered Master.

Let's trust that the causes and conditions will fix every thing. Let things flow naturally like a stream, following its course. Let's hope that tomorrow, the Great Khánh Anh temple will become like a flow of water, and like every other flows, it will slowly, freely drift with the current.

If it happens to be an obstacle on its way, and even if the flow is divided into two streams, the water will follow its current to get around the obstacle, and then will meet again to make one. It might happen also that the obstacle, like a pebble, is too small to resist the current and the water will still flow freely. In either case, the water will split in two or will follow its current, it is always the same water, the flowing is still the water. The water is unmovable, unchangeable, whichever state it takes : solid, liquid or gas. Its nature is humidity. Poured in a glass, it will take the shape of the glass ; poured in a bottle, it will take the shape of the bottle. Poured in a bowl, its quantity is unchanged, but it will take the shape of the bowl. Poured in a chipped bowl, it will spill out from the crack, but the lost water is still water.

My mind is like the water, whatever the situation, I vow to be faithful to the Way. The temple can be prosperous or impoverished, and even with you gone, I am still hunger to learn and to practice with a "beginner's mind", passionately, enthusiastically, and with the same desire to "commit myself". But the passion of the beginner has mellowed, as expressed in the second part of the poem "Lô Sơn mountain"[1], the mountain which inspired the poet Tô Đông Pha when he visited it.

My revered Master !

The day your coffin was brought back to Paris from Finland as well as during your funeral, the totality of monks, nuns and faithful from all over Europe was present. It was in this part of the planet that you "worn your straw sandals" to clear the "waste land" minded of your first followers. Then you became their mentor, counseling them to create Buddhist Associations, then to invite the Masters to guide them on the spiritual path. They respect you, revere you as their Master, their "Elder brother", their Patriarch… and were there in full strength to welcome you back to France as well as to see you off to the Western Pureland.

Then the Venerables, from all the continents, have come together to recite each sentence, each verse of the Sutras praying for you as if to bring a little warmth and comfort in the icy hearts of your orphan disciples in these memorable days of mourning.

Respectfully, I prostrate in front my Masters, expressing my deep gratitude : despite your weariness after the hardships of long journeys, you made us the honor of coming to the Great unfinished Temple, with its rooms in precarious comfort, imperfect arrangement, but you have benevolently forgiven us for these inconveniences.

My revered Master is my witness.

"My revered Master is no more

"in a flash almost one hundred days have gone by

"but my heart still aches

"Grieving for my Compassionate Father".

2013 October 23rd

Quang Tram (Dieu Tram)

Translated by Dieu Hanh



[1] This poem is :

Lô Sơn yên tỏa Chiết giang triều

Vị đáo sinh bình hận bất tiêu

Đắc đáo hoàn lai vô biệt sự

Lô Sơn yên tỏa Chiết giang triều

Tô Đông Pha

The mist in Lushan mountain shrouded the Zhejiang river's tides

Without seeing it, I would lament all my life

But once on the mountain, in fact nothing is unusual

The mist in Lushan mountain shrouded the Zhejiang river's tides

Su Dongpo (Song dynasty poet)

One has to understand this poem according to the Zen's Qing Yuan Wei Xin saying : "before I had studied Ch'an for thirty years, I saw mountains as mountains, and rivers as rivers. When I arrived at a more intimate knowledge, I came to the point where I saw that mountains are not mountains, and rivers are not rivers. But now that I have got its very substance I am at rest. For it's just that I see mountains once again as mountains, and rivers once again as rivers".



HT_Minh_Tam (6)


MAITRE REGRETTÉ,

UN AN APRÈS, VOTRE EXEMPLE RÉSONNE ENCORE

DANS LE VENT D’AUTOMNE




« La Vie, La Mort, problématiques grandioses

Fulgurante, L’Impermanence…. »


Oui, Maître, Vous avez parfaitement accompli ces deux problématiques de La Vie et La Mort. Dans cette vie présente, « Vous vous en êtes venu » (la Naissance), puis « Vous vous en êtes allé » (la Mort) d’une façon sereine. Vous avez signifié et montré la fulgurance de l’Impermanence d’une façon tellement naturelle, imprévisible que chacun s’est exclamé : « Oh ! Ce n’est pas croyable ! ».

Votre départ a été si rapide, si paisible, toutes les pensées quant à votre œuvre encore inachevée, que vous auriez eu de « la peine à vous détacher », cependant….

Vous étiez en réalité résolu, sentant que ne pouvant plus résister à l’attaque du tourbillon des Quatre Eléments, vous avez avec indifférence prononcé la parole suivante : « Allons bon, il s’agit d’une œuvre commune, quelqu’un d’autre s’en chargera. » Ce propos a été tenu dans la matinée du 8 août 2013, environ quatre heures avant que vous ne rendiez doucement le dernier souffle d’adieu, je ne trouvais pas d’autres mots pour décrire votre grandeur d’âme que :

« La Bonté Infinie ne connaît pas de frontières, elle s’étend comparable à l’océan jusqu’au minuscule grain de sable » (“Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”.)

En repensant à ce moment précis, je ne désire rien de plus que de me rendre devant votre image, me prosterner, me prosterner, et me prosterner encore, sans en connaître le nombre suffisant pour honorer dignement votre conduite et votre vertu, sachant que je pourrais me prosterner autant de fois que voulu, ceci ne serait que pure forme, mais cette forme est la manifestation de mon cœur pleinement respectueux.

A travers ces paroles, montrant jusqu’au dernier jour, à la minute finale de votre existence, que vous ne vous préoccupiez que de l’œuvre commune, de la Congrégation Bouddhique, et de la communauté Sangha Bouddhique, faisant fi de votre vie qui ne tenait plus qu’à un fil.

Voyant votre respiration se précipiter, je vous ai demandé :

« Souffrez-vous beaucoup? »

Vous avez juste répondu : « fatigué… ».

Puis vous avez fermé les yeux, perdu dans vos pensées et cette respiration hâtive ; et peut-être m’étais-je trop habituée à cet état après avoir connu plusieurs crises, je me suis contentée de rester à prier en silence, l’esprit ni troublé, ni embrouillé, concentrée à formuler des prières adressées à Bodhisattva Avalokitésvara (Quán-Thế-Âm Bồ-Tát) et Bouddha Amitaba (Phật A-Di-Đà), « au gré du Destin, vos vœux, puissent-ils être exaucés » (‘tùy duyên mãn nguyện’)… Quand j’y repense, ma plus grande consolation aura été que vous êtes parti dans un moment où tous vos disciples de la pagode Khánh-Anh s’étaient réunis devant l’autel du Bouddha pour prier. Un grand nombre, en retraite pour le carême bouddhique à Liên-Hoa-Đạo-Tràng, à la pagode Khuông-Việt (Oslo) s’étaient déjà regroupés pour prier, et moi-même, à vos côtés, priais. Pendant que tous vos disciples, d’une seule voix, priaient ; avec légèreté, vous avez rendu votre dernier souffle, nous quittant pour toujours, sans une parole d’adieu, mais ce souffle léger consiste en une parole d’adieu inexprimable (ne pas prononcer de parole, c’est parler, les paroles non dites renferment d’insondables paroles, Ah ! C’est donc cela ! Không nói tức là lời nói, lời nói không nói ra chính là lời nói vô cùng tận, là vậy).

Cher Maître ! Depuis que « vous êtes parti pour l’Occident, emportant votre palanche », bien qu’ayant le cœur lourd, que je suis triste quand je pense que votre image ne se mouvra plus et ne s’animera plus comme auparavant, qu’aujourd’hui ne subsiste plus qu’une photographie « figée », je ne puis parfois empêcher l’esquisse d’un sourire, car en mon for intérieur, je pense : « Maître, vous êtes venu et parti… d’une manière absolument libre et détachée ».

Je me rappelle l’histoire de cette famille, celle du Maître Méditateur Bàng-Long-Ẩn, dont les membres sont célèbres pour la quiétude de leur trépas, tout comme votre dernier soupir, si léger et rapide que je ne m’en rendis pas compte, bien que me trouvant à vos côtés.

Je vous ai souvent répété :

« Maître, ne partez pas avant moi, laissez-moi vous préparer le chemin, comme il a été enseigné dans Le Règlement des novices : si le Maître sort accompagné de son disciple, qu’il faille traverser une cascade, le disciple marche devant, tenant le bâton afin de mesurer la profondeur de l’eau, et guide doucement son Maître à traverser la cascade ». Vous répondiez :

« Sornettes! Tu parles à tort et à travers ! On vieillit, on tombe malade, qui ne meurt pas ? Arrêtes tes sottises ! Allons donc ! Au travail ! ».

Je parlais ainsi, car je savais oh combien le gigantisme de votre œuvre, la grandeur de vos vœux, combien de gens dépendaient de vous et s’appuyaient sur vous, vous étiez celui qui devrait disposer plus de temps, endosser différentes enveloppes pour assumer toutes ces responsabilités, comme dans le Sutra Phổ-Môn que vous aviez l’habitude de réciter tous les après-midi à 15 heures à la pagode Khánh-Anh – Bagneux, je vous ai souvent accompagné dans ces prières, je me souviens particulièrement de: « Vô sát bất hiện thân » (voeux d’ubiquité) ; il me semble que votre vie soit étroitement liée à cette phrase.

Vos vœux étant similaires à ceux de Bodhisattva Avalokitésvara, je formulais pieusement celui de vous confier mes mérites, bien que chacun possède son propre destin, sa propre espérance de vie, je persistais à prier pour que « Vous viviez jusqu’à cent ans » ; pour que les gens puissent s’appuyer sur Vous, car je savais que Vous ne pouviez rien refuser, si l’un avait besoin de vous, vous sollicitait, que l’autre vous appelait ou attendait de vous. Cette conduite vertueuse, je l’ai observée discrètement à maintes reprises dans votre travail ; parfois, au vu des résultats et de la façon dont Vous vous y preniez, je ne comprenais pas votre conduite, alors je vous demandais :

« Maître, pour cette activité, je verrai plutôt ceci, cela... , pourquoi agissez vous comme ceci, comme cela? … ». Silence, puis Vous disiez : « J’ai ma façon de procéder… Retournes donc au travail et ne perds pas ton temps en conjectures, sinon je vais te réprimander! ».

Plusieurs fois, avec ma vision étriquée, mes connaissances superficielles, je vous ai sollicité, vous n’aviez toujours qu’une seule et unique réponse : « J’ai ma façon d’agir ». Pourtant, les résultats ont parlés d’eux mêmes et ont tout éclairci… Ah ! C’est donc ça ! « Le Vieux » a sa propre raison, pourquoi ne l’a-t-il pas dite ouvertement que je comprenne ? Cela m’aurait évité de travailler dans l’expectative ». Devant ces paroles, vous n’esquissiez qu’un pâle sourire, les narines palpitantes, Vous disiez :

« Je te l’ai déjà dit : si tu ne comprends pas tout de suite, cela viendra plus tard, mais tu ne veux m’écouter ! Petite ignorante ! Vas ! Au travail ! »

Mon Maître !

Au début de ma conversion au Bouddhisme, Vous m’avez enseignée minutieusement, Vous nous enseigniez les Règles de Respect et de Dignité Monastiques (Oai-Nghi, Quy-Sơn-Cảnh-Sách) ; tandis que Maîtres Nhất-Chân et Thiện-Huệ s’occupaient du Règlement Monastique (Sadi Tỳ-Ni gioi) .

Mon souvenir est vivace, Vous répétiez souvent aux cours: « A instruction mal acquise, l’Enfer ouvre ses portes » (“Giáo bất nghiêm Sư chi đọa”). Une fois, je vous ai demandé : « Qui sombrera en Enfer ? Le Maître ou le disciple ? » Vous avez répondu : « Les deux : le Maître sombrera, car il n’a pas su consciencieusement enseigner son disciple, il ne l’a pas formé à être un bon « instrument du Dharma » , si le disciple n’en a pas conscience, qui plus est en lui naissent les sentiments de colère et de ressentiment!! … Relis attentivement Le Règlement : « Apprendre c’est Appliquer, Appliquer c’est Agir, Agir c’est Pratiquer ». Ensuite Vous nous racontiez vos souvenirs à l’Institut Bouddhique Hải-Đức de Nha-Trang, avant vos études au Japon, à la discipline stricte, sévère, comme par exemple : … « Un moine doit se mêler au peuple, et vivre parmi le public, tout en observant strictement le rythme imposé par la cloche de la pagode ».

Dans les premiers temps, j’ai souvent commis la faute suivante : à l’heure du déjeuner, pour achever une tâche, je m’attardais un moment après le tintement de la cloche et arrivait à table bien après tout le monde; le soir, à l’étude, vous en faisiez une leçon : « Si nous vivons parmi le public tout en l’ignorant, c’est mépriser le public, et mépriser le public c’est perdre ses bénédictions, c’est sombrer… oui, sombrer ! C’est indécent… le Maître s’est déjà installé à table, alors que l’élève, nonchalamment, arrive après. Des tâches, tout le monde en a; moi y compris, en tant que Maître, je me dois de respecter les fidèles, J’en attends autant de vous ». Ensuite Vous nous racontiez des histoires de l’Institut Bouddhique pour nous servir d’exemples. « Il nous faut toujours vivre en phase avec le tintement de la cloche » (“Sống theo lệnh kiểng”). Je savais que c’était votre phrase « fétiche » : lorsque Vous étiez à l’Institut Bouddhique à Nha-Trang, Vous occupiez le poste de Surveillant.

Oh Maître ! Combien de fois, me-je suis repentie, aveuglée par mon ignorance, mon manque de lucidité, combien de fois, ai-je dû endosser ma soutane et me prosterner pour me repentir ; à chaque fois, Vous restiez silencieux, ensuite Vous disiez : « Tu connais tes fautes, tâches de ne plus recommencer ! Ne m’obliges pas à toujours te réprimander, tu risquerais de prendre tes mérites!! » Le temps passe tellement vite, tel un clignement d’yeux ; trente ans déjà, trente ans avec combien de pratiques, de péchés, d’améliorations, de repentirs, de progrès !

Revenons maintenant à vos œuvres et vos immenses vœux

A nos débuts, quand nous étions encore moines novices, les activités bouddhiques étaient encore relativement simples, Vous nous avez consacré beaucoup de temps à enseigner, à vous occuper de nous, vos premiers disciples. Vous nous éduquiez jusque dans les moindres détails et Vous nous nourrissiez d’histoires à propos de votre vie moniale depuis vos commencements à la pagode du village, vos études religieuses, vos activités à l’Institut Bouddhique Hải-Đức à Nha-Trang, ensuite vos études à l’étranger, et votre idéal de servir Les Trois-Joyaux. Vous nous racontiez tant et tant…

Vous disiez: « J’ai pu me convertir jeune, à vrai dire « je me suis enfui à la pagode » à l’âge de 11 ans, suivant mon Maître qui résidait à la pagode du village, me préoccupant peu de l’école. En grandissant, et en comprenant mieux les choses, avec la soif d’apprendre, j’ai demandé à mon Maître l’autorisation de partir en ville, et d’entrer dans une École Bouddhique pour étudier les Sutras et les Livres Classiques, mon Maître n’accepta pas ma requête. Après plusieurs demandes, la réponse étant inlassablement négative, je me suis résolu à « m’enfuir ». Il a fini par s’apaiser. Quelques temps plus tard, j’ai pris le chemin de mon ancienne pagode pour lui rendre visite, avant de retourner à l’École Bouddhique. Il a bien cherché quelques fois à me faire revenir et me laisser la direction de la pagode, histoire de me retenir village. Mais avec cette ferme volonté « d’aller loin, de conquérir le monde » (“phát túc siêu phương”), je repartais à l’Ecole Bouddhique de Nha-Trang, sous l’œil bienveillant de feu son Excellence Quatrième Patriarche Thích-Huyền-Quang. De là, avec mon énergie, ma volonté de servir le Bouddhadharma (Phật Pháp) et la patrie, j’ai eu la chance de me voir confier petit à petit d’importantes responsabilités. Dans des évènements mettant en difficultés le Bouddhisme en 1963, j’étais déjà investi activement ».

Vous nous avez raconté qu’une fois, la pagode a été perquisitionnée, les forces de l’ordre cherchaient des documents, des instruction écrites concernant «les autels dans la rue» (“bàn thờ xuống đường”). Paniqué, je n’avais plus de cachette, ils les avaient toujours retrouvés et confisqués, ces écrits interdits; une fois, je les avais même bien attachés, et jetés au fond d’un puits… Cette fois-ci, fébrile, je les ai roulés et gardés à la main, en recevant les autorités venus pour fouiller et tout retourner, en priant de tout mon cœur Bodhisattva Avalokitésvara, sollicitant son aide pour traverser ce danger imminent. Qui l’eût cru ? Je l’ai bel et bien échappé ! Arrivé au soir, après le départ des autorités, je me suis soudainement souvenu que je les avais toujours fortement serrés dans la main. J’ai poussé un soupir de soulagement, tout en récitant : « Nam-Mô-Quán-Thế-Âm-Bồ-Tát ». En guise de remerciements , j’ai endossé ma soutane, et suis monté dans la Salle de Culte du Bouddha réciter le Sutra Phổ-Môn ».

Durant votre vie moniale, vous avez toujours cru profondément et fortement en Bodhisattva Avalokitésvara, est-ce la raison pour laquelle avez-Vous quotidiennement récité son Sutra à 15 heures? Et est-ce pour cela que pour les noms religieux de vos premiers disciples, vous vous êtes inspiré de ses vœux (Quảng Phát Hoàng Thệ Nguyện) (Je formule d’immenses et profonds vœux) ? Dans l’ordre, nous nous appelons Tịnh-Quảng, Tịnh-Phát, Tịnh-Hoàng, Tịnh-Thệ, Tịnh-Nguyện (Etant la cadette, j’arrive en dernière position).

Concernant l’Immolation du Vénérable Supérieur Thích-Quảng-Đức, Vous nous avez apporté des éclaircissements: « Plusieurs avaient formulé le vœux de s’immoler, ce n’est pas pour autant que chacun pouvait recevoir « l’accord », des réunions secrètes furent tenues entre nos Patriarches, puis la note consignant le nom de l’être élu devait rester cachée jusqu’à la dernière minute. Encore une fois, nous fûmes confrontés à d’extrêmes difficultés, des perquisitions, des menaces émanant du gouvernement. Nous fûmes informés que les autres pagodes avaient été fouillées de fond en comble, tous les papiers saisis, les Vénérables emmenés au poste et interrogés en garde à vue. Dès que j’ai appris la nouvelle, j’ai ramassé tous les documents importants, les ai intercalés dans le livre du Sutra du Lotus De La Bonne Loi (Kinh Pháp-Hoa), juste au chapitre : Quán-Thế-Âm Đại-Sĩ. Et j’ai mis le livre sur l’Autel du Bouddha. Le jour de la perquisition, ils ont fouillé partout, retourné tous les chandeliers, tous les livres de Sutras, tous les brûle-parfums. Le seul livre intact a été celui posé sur l’autel… Encore une fois, nous avons été sauvé par la force miraculeuse d’Avalokitésvara, merveilleux Sauveur des âmes en détresse ».

« Par la suite, j’ai été nommé moine prêcheur à Phú-Yên et enseignant au Collège Bodhi à Tuy-Hòa. Je travaillais sous le parrainage et sous la bienveillance de Très Vénérable Principal de la pagode Từ-Quang (Très Vénérable Thích-Phúc-Hộ). Une fois, j’ai été désigné pour aller prêcher dans une ville où les gens étaient guère réceptifs; ils ne voulaient écouter que la prédication des Grands Maîtres, alors que moi, je n’étais qu’un jeune moine; Très Vénérable en avait décidé autrement, le seul moyen pour leur faire accepter sa décision fût qu’il assiste à l’enseignement, assis parmi les gens du village. Il a même ajouté : « Les novices prêchent, Les vénérables écoutent » (“Sa Di thuyết Pháp, Sa Môn thính”). A partir de là, de temps à autre durant vos cours, Vous nous stimuliez : « Vous avez beaucoup d’efforts à fournir, avez-vous vu comment les Maîtres d’autrefois étaient émérites, studieux, investis ? Je me demande ce que vous autres allez devenir. »

De 1962 à 1967, tout en assurant l’enseignement du Bouddhisme aux fidèles, le poste de Directeur au Collège Bồ-Đề, Vous remplaciez les professeurs absents des collèges dans la région de Bình-Định… A l’époque, vous aviez rencontré des difficultés avec le gouvernement, si bien que Vénérable Từ-Quang vous a conseillé: « Etant donné la situation, vous devriez provisoirement partir à l’étranger, en premier lieu pour vous ouvrir l’esprit et enrichir vos connaissances, puis également pour éviter leur contrôle, vivre tranquillement pendant un certain temps, ensuite, vous rentrerez et vous m’aiderez ». Sur ces mots, Vous vous êtes préparé à partir au Japon pour continuer vos études.

En 1967, arrivé au Japon, vous vous êtes débrouillé pour vivre avec la somme d’argent ténue, emportée lors de votre départ ; puis un de vos amis moines vous a fait parvenir des sommes modestes du Viet Nam, dans les premiers temps les transferts ont été réguliers mais il est arrivé que l’argent ne parvienne pas certains mois.

Pour payer vos études et subvenir aux besoins quotidiens, sans avoir peur de travailler dur, vous avez livré de la soupe Udon tous les jours, deux heures durant.

Vous racontiez cela de façon si drôle et tragique à la fois : « Je n’avais pas l’habitude de guider le vélo d’une seule main, l’autre s’occupant de tenir les bols de soupe. Les jours où je jouais de malchance et renversais un bol, la moitié de la paye s’envolait ! » Comme les cours s’intensifiaient, vous avez quitté ce travail pour un autre dans une entreprise de construction de bâtiments, vous permettant de consacrer plus de temps à vos études, celui-ci ne vous demandant plus que trois heures tous les deux jours, bien que la tâche soit plus lourde.

Sur l’une des photos que vous m’avez montrées, Vous étiez en tenue d’ouvrier, allongé, les jambes croisées, j’ai plaisanté : « Oh ! Vous en aviez de la chance! Vous aviez même le droit de faire la sieste!

- Tu parles ! J’avais marché sur un clou, je n’avais pas assez d’argent pour aller à l’hôpital. Je souffrais trop et ne pouvais plus travailler. Quand on s’arrête, l’argent dort aussi ! ». Vous aimiez beaucoup la photographie et les appareils, vous passiez du temps à régler les cadrages selon des critères techniques, l’ouverture du diaphragme, le temps d’exposition à la lumière, à ce que les sujets et le paysage soient mis en valeur… Vous m’avez même appris à régler l’objectif pour prendre de bonnes photos quand nous étions invités à célébrer des cérémonies ici et là, afin de ramener de la matière et étoffer notre journal « Khanh Anh », à une époque où les appareils dotés d’autofocus étaient rares et coûtaient relativement cher.

De 1968 à 1973, au Japon, Vous avez eu le courage d’accéder au rôle de Président de la Filiale Bouddhique Vietnamienne au Japon, car des moines étaient venus petit à petit pour leurs études et avaient formé une association bouddhique, dirigée et administrée depuis le Viet Nam.

Au Printemps 1973, ayant reçu l’ordre de feu Très Vénérable Thích-Huyền-Quang, Vous avez débarqué en France pour travailler en collaboration avec Vénérable Thích-Nhất-Hạnh ; mais Vous êtes retourné au Japon après un moment de collaboration pas très aisée.

Vous êtes revenu début d’année 1974, Vous avez effectué de nombreuses démarches laborieuses pour trouver une chambre à louer. Vous avez fini par partager une chambre de bonne avec des moines Therevada (Nam Tông) qui résidaient à Paris. « La chambre était exigüe mais pouvait accueillir cinq à six moines, Nous avions juste la place pour nous allonger et nous retourner, les affaires personnelles étaient momentanément placées dans le couloir ».

« Quelque temps après, vous avez créé la Salle de Prières Khanh Anh (Niệm Phật Đường Khánh Anh) dans un appartement de deux pièces à Arcueil, avec une chambre à coucher transformée en salle de culte, une cuisine et une salle de bains devenant de temps à autre « chambre à coucher » avec une planche fixée aux quatre coins de la baignoire. A chaque fois qu’il y avait environ une dizaine de fidèles, en cas de besoin, vous vous y retiriez pour vous reposer.

Jusqu’en 1977, poussé par le destin, un groupe de fidèles vous a conduit au numéro 14 de l’avenue Henri-Barbusse, à Bagneux. La visite de la maison a été fructueuse et vous l’avez achetée. A l’époque, les fidèles formaient un groupe modeste, les réfugiés politiques n’étant pas encore arrivés. La plupart était des étudiants établis en France pour leurs études et restés après l’événement du 30 avril 1975 (chute du Viet Nam). Bien qu’étant « fils de Bouddha », leur esprit bouddhiste débutait encore. Pour mener à son terme l’acquisition de cette propriété, Vous avez dû vous confronter à de rudes épreuves ».

Est-ce la raison pour laquelle, Vous nous avez souvent confié : « Ma vie est loin d’avoir été un fleuve tranquille, les obstacles ont été légion, je m’étonne même quand tout fonctionne parfaitement; chaque fois que j’entreprends un projet, des obstacles, des difficultés se dressent… Vous devriez en tirer leçon ».

Après un certain temps d’activités monacales, le moment a été venu, le 19-2-1979, de poser la Première Pierre célébrant la construction de la Grande Salle de Culte du Bouddha de la pagode Khánh-Anh.

Le début des années 1980 marque notre apparition.

En 1983, nous étions tout un groupe de jeunes, ayant pris l’habitude de nous retrouver à la pagode, y dormant pendant les congés scolaires et les fins de semaine. Comme la place était restreinte, nous envahissions tout l’espace avec nos sacs de couchage, au réfectoire, dans la salle de Culte du Bouddha, et parfois jusque dans la cuisine… L’été de cette année, nous étions dix, quinze, le chiffre est même monté jusqu’à vingt acolytes. Tous les soirs, nous nous divisions en 2 ou 3 groupes autour de vous, ou les Maîtres Nhất-Chân et Thiện-Huệ. Chaque maître avait un thème de prédilection. Il nous arrivait même de passer d’un groupe à l’autre. C’était absolument drôle ! Vous nous racontiez des anecdotes charmantes et hilarantes sur vos activités passées. Vénérable Nhất-Chân nous relatait des récits de Méditation ; tandis que Vénérable Thiện-Huệ était spécialiste des histoires de fantômes. Son groupe était de loin le plus bruyant et le plus enthousiaste…

A force d’écouter des histoires, nous avons fini par nous ennuyer, alors nous vous avons demandé de nous enseigner le Bouddhadharma (Phật Pháp) et le Chinois.

La première leçon que Vous nous avez enseignée concernait Les Préfaces du Sutra Suramgama (Kinh Lăng-Nghiêm). Ensuite, Vous nous avez appris à nous servir de la cloche et de la crécelle. Tous les matins, Vous présidiez la séance de prières matinales, désigniez celui qui ferait tinter la cloche ou rythmerait de la crécelle. Nous nous amusions tant!

La première leçon de caractères chinois que Vous nous avez enseignée consistait en un poème intitulé : « Phong Kiều Dạ Bạc ». Vous nous appreniez à écrire, trait par trait, répétant toujours: « Horizontales, verticales bien droites » ; Vous étiez attentif et corrigiez les copies de chacun. Vous étiez aussi très dur dans vos notes ; vous n’accordiez jamais la note maximale, même si tout était bien écrit et qu’il ne manquait aucun caractère, vous disiez que l’Absolu et la Perfection ne sont guère de ce monde. Cela est-il votre raison d’être et votre devise dans le travail? Peut-être était ce prémonitoire de votre façon de nous forger plus tard à ne rien attendre avec excès. A l’époque, je me sentais très frustrée, je ne comprenais pas pourquoi Vous étiez aussi dur envers nous, mais avec le temps, j’ai pris conscience que c’était précisément votre méthode d’enseignement qui consistait à façonner notre patience, notre endurance. Je vous en suis infiniment reconnaissante.

Vous étiez un excellent professeur, dès que j’en avais l’occasion, je ne manquais de répéter auprès des autres Maîtres : « Le Vieux » a une méthode d’enseignement très « pédagogue », c’est très stimulant.

Au fil du temps, vivant à vos côtés, apprenant le Bouddhadharma, les caractères chinois, vous assistant dans diverses activités, ajouté à cela mon « goût de l’engagement », je vous ai suivi dans des campagnes de grève de la faim, des manifestations, des discussions, des veillées, des luttes … au nom des Droits de l’Homme, de la libération des dirigeants bouddhiques retenus prisonniers par le gouvernement vietnamien notamment feu Très Vénérable Thích-Huyền-Quang, Très Vénérable Thích-Quảng-Độ, Vénérable Thích-Tuệ-Sỹ, feu Très Vénérable nonne Trí-Hải, professeur Lê-Mạnh-Thát. Vous avez également participé à des campagnes sollicitant l’intervention de l’O.N.U, des pays d’Europe, d’Amérique et d’Australie afin d’accueillir les « boat-people » attendant dans des camps de réfugiés situés dans les îles du Sud-est asiatique.

Quand j’étais au Việt-Nam, j’ai eu la chance d’accompagner régulièrement ma tante à la pagode, je jouais et participais aux activités avec les moines novices. Parfois l’idée de me convertir au Bouddhisme m’a parfois effleuré l’esprit. Une fois à l’étranger, cette semence du passé a refait surface et commencé à se développer, et s’épanouir. Nous étions un petit groupe. Après avoir réfléchi et discuté entre nous, nous vous avons sollicité l’autorisation de rentrer dans les ordres bouddhiques, afin de pouvoir travailler plus étroitement avec vous, d’acquérir davantage de connaissances et d’avoir un champs d’action plus large. Vous aviez accepté notre requête, mais Vous nous avez laissé « mariner », jusqu’au moment où Vénérable Thích-Nhất-Chân vous a sollicité l’autorisation de convertir Chúc-Nhuận ; profitant de cette occasion, Quảng-Đạo suivit timidement et demanda également. Cette fois-ci, le moment était venu, après avoir discuté avec Maîtres Thích-Nhất-Chân et Thích-Thiện-Huệ, Vous avez fixé un jour pour célébrer la conversion de tout le groupe.

Vous avez aussi ajouté : « Tout seul, je crains de ne pas pouvoir assumer cette responsabilité, mais avec votre aide, je me sens plus rassuré ».

Et le 29/12/1984, correspondant au Jour de l’Éveil Absolu du Bouddha (en calendrier lunaire, 08/12 année du Rat), à 8 heures du soir, devant l’autel du Bouddha, nous fûmes six à nous convertir, Tâm-Ngọc, Nguyên-Lưu, Chúc-Nhuận, Quảng-Tập, Quảng-Đạo et moi-même Diệu-Trạm. Vous étiez le Maître de cérémonie, avec comme témoins, Vénérables Thích-Nhất-Chân et Thích-Thiện-Huệ.

En dehors de votre enseignement et celui des deux Maîtres, nous recevions aussi celui des Vénérables Thích-Như-Điển et Thích-Tánh-Thiệt chaque fois que ces derniers rendaient visite à Khánh-Anh ; Vous leur avez demandé de nous apprendre les rites ancestraux chantant (tán tụng). Dans le monde monastique, on entend dire: « Trois mois pour apprendre le Sutra, mais trois ans pour apprendre les rites ancestraux chantant » (“Học kinh ba tháng, học tán ba năm»). En effet, si nous avions énormément de mal à les intégrer, nos enseignants en avaient davantage !!

C’était très amusant ! Vous vous occupiez du rituel principal, tout était enseigné avec minutie, la technique d’offrandes d’encens, d’hommages à Bouddha, les dédicaces, les tons à employer pour mener le public dans la récitation des prières. Vous nous obligiez à nous exercer, quel moment nous arrêter pour reprendre le souffle, monter ou baisser la voix, et ce, sans pour autant détruire l’intonation des mots. Vous vouliez également que les autres Maîtres complètent notre instruction. Vénérable Như-Điển, à propos des rituels de la région centrale du Viet Nam (Quảng), Vénérable Tánh-Thiệt ceux de l’ancienne capitale (“Nghi lễ Cung Đình”), tandis que Vous, Vous suiviez le rituel général employé dans « Le Livre de Prières habituelles ». On s’y perdait complètement; ce n’est que récemment, grâce à ma pratique avec les Maîtres venant de Huế, que j’ai fini par distinguer, et mieux saisir les « Rituels du Palais Royal ».

Comme dans une famille, chaque fois que ces Maîtres étaient de passage à Khánh-Anh, nos connaissances étaient contrôlées; l’appréhension était certe présente, mais cela nous donnait du baume au cœur, car nous nous sentions portés. Puis les Maîtres Trí-Minh et Quảng-Hiền prirent l’habitude de venir, préoccupés par notre éducation religieuse. ceux-ci s’intéressaient aussi à nos études. A l’époque, les activités dans les pagodes étaient encore relativement simples, et les Maîtres se rendaient à Khánh-Anh très fréquemment, en dehors des grandes cérémonies.

Les obligations religieuses se sont densifiées. La population des réfugiés politiques vietnamiens s’agrandissait et s’installait dans les pays étrangers. Durant toute la période où il n’y avait pas encore l’ombre d’un moine dans les pays européens voisins, pratiquement à chaque fin de semaine, vous partiez sans relâche vers des contrées où des liens venaient de se tisser, invité par des compatriotes, fidèles bouddhistes demeurant en France : à Strasbourg, Besançon, Nantes, Lyon, Montpellier… ou dans les pays voisins de la France comme la Belgique, la Hollande, la Suisse, l’Autriche, l’Allemagne, le Danemark, la Suède, la Norvège… Parfois vous vous rendiez même jusque dans les régions lointaines du Nord de la Norvège pour prendre des nouvelles de nos concitoyens, des fidèles souffrant du manque de nourriture de l’esprit. Dès votre arrivée, sans vous soucier de la fatigue causée par le long voyage, Vous vous mettiez immédiatement à la tâche, c’est à dire prêcher, afin de remonter le moral de nos compatriotes, dont 99% étaient des réfugiés politiques ; ceux-ci avaient quitté notre pays natal, et venaient s’installer dans un pays totalement étranger. Ils avaient le mal du pays, pensaient à leurs proches, et n’avaient pas encore le temps de s’adapter aux mœurs européenne ou américaine. A l’époque, les sentiments patriotiques, religieux étaient vivaces. Ma tâche consistait à sortir les livres de prières, les Sutras, les magazines bouddhiques, dresser l’autel du Bouddha afin de célébrer : « La Cérémonie de la Quiétude » pour tout le monde. Après la cérémonie, mon travail consistait à relever le nom et l’adresse des fidèles bouddhistes, afin de leur envoyer plus tard notre journal Khánh-Anh.

A l’époque, le budget de la pagode était très mince, notre équipe ne disposait que d’une Renault 5 (quatre chevaux), elle était dépourvue de sièges arrières, le genre de modèles qui sert à faire les courses et transporter les marchandises. Je m’installais sur une planche de fortune posée en travers du coffre, la place restante à l’arrière servait à charger des livres de prières et le matériel pour dresser l’autel du Bouddha. Chaque fois que la voiture faisait un virage un peu sec, la planche tombait et moi avec, alors je remettais la planche, me réinstallais et nous continuions la route.

Après la cérémonie, nous nous remettions en chemin pour rentrer à Khánh-Anh ; d’ordinaire, nous arrivions à la pagode le dimanche vers neuf ou dix heures du soir. Et le lendemain, nous reprenions les activités habituelles. Le soir était toujours réservé à l’étude. Trois Maîtres se partageaient les cours : chacun enseignait un soir par semaine, sauf Vous qui nous assuriez deux soirs….Jusqu’au samedi, où nous reprenions la route, cela nous arrivait de partir quatre week-ends de suite.

En voiture, pour distraire le conducteur, Vous apportiez une cassette-audio à piles, des bandes de Duy-Khánh, Khánh-Ly et Thanh-Tuyền, chansons du pays pour apaiser notre nostalgie, nous rappeler les souvenirs de notre chère patrie déchirée par la guerre. Il s’agissait de productions d’un passé lointain, celles d’avant 75. Profitant de ces occasions, Vous nous avez expliqué (à moi et au conducteur) des dictons de la littérature vietnamienne auxquels les bandes-cassettes faisaient allusion, Vous en aviez une bonne connaissance car durant un certain temps, au Việt-Nam, Vous aviez enseigné la Littérature et la Culture vietnamiennes.

La nourriture que nous apportions étaient inlassablement du riz nature, des pâtes de soja salées à la citronnelle et au piment, un concombre, un flacon de Maggi, et quelques bouteilles d’eau minérale. Simple et sobre !

Parfois, pour vous décharger un peu de vos tâches, Maîtres Thích-Nhất-Chân et Thích-Thiện-Huệ se relayaient dans les célébrations ici et là. Certains week-ends, l’un vous accompagnait dans les pays lointains, alors que l’autre restait à la pagode, s’occupait de la cérémonie de « Délivrance des Défunts » (lễ Cầu Siêu) le matin ; et de l’enseignement aux fidèles l’après-midi. A cette époque, Vénérable Nhất-Chân, en dehors des activités à Khánh-Anh, assumait la responsabilité du soutien spirituel de la Communauté vietnamienne à Norvège et à Strasbourg ; tandis que Vénérable Thiện-Huệ s’occupait de celle de Bordeaux et de la Hollande.

Petit à petit, les Maîtres, venant des camps de réfugiés dans des îles, ont été accueillis un peu partout en Europe, la plupart grâce à vos vieilles connaissances. Vous preniez alors contact avec les Associations Bouddhiques dans les villes voisines pour connaître lesquelles avaient besoin de dirigeant spirituel, ensuite Vous y envoyiez des Vénérables pour occuper les activités bouddhiques. Grâce à cela, vos démarches ont été grandement diminuées, Vous n’étiez sollicité plus que lors des grandes cérémonies.

Vers les années 80, le cœur lourd face à l’ouragan des réfugiés Vietnamiens quittant leur patrie à la recherche de la Liberté, Vous n’aviez de cesse d’organiser des grèves de la faim, des manifestations, devant l’O.N.U en Suisse, devant les Ambassades Vietnamiennes à Paris et dans des pays voisins en Europe, pour réveiller la conscience des dirigeants internationaux, solliciter leur intervention au nom de la Liberté des Droits de l’Homme et de la Religion au Việt-Nam, leur aide humanitaire dans des camps de réfugiés politiques vietnamiens dans les pays du Sud-est asiatique. Vous avez aussi organisé des Conférences dans le thème des Droits de l’Homme, des « nuits sans sommeil » pour affûter les consciences vers notre patrie vivant dans l’injustice, le manque de liberté démocratique, la perte des droits humains, et aussi vers les camps de réfugiés pour partager les souffrances, les chagrins des réfugiés loin de leur pays natal, des milliers de Vietnamiens en train d’attendre patiemment le jour où ils pourraient enfin s’installer dans un nouveau pays. J’ai eu la chance de vous assister activement dans cette activité. Combien de fois m’avez-vous inspiré un profond respect. Car j’aurais pu être l’une de ces milliers de « boat people » à attendre patiemment un geste, un regard venant d’un pays lointain d’Europe, d’Amérique, à la seule différence que j’ai eu la chance de partir avec ma famille et de pouvoir m’installer dans un nouveau pays plus tôt.

L’état d’âme d’un réfugié politique dans un camp situé dans des île est… indescriptible, aucune plume ne serait l’écrire, le chagrin, le sentiment d’abandon, l’espoir, l’attente… sans parler du désespoir de se dire que l’on ne pourra jamais remettre les pieds sur la terre ferme, un troisième pays empreint de liberté. Comprenant parfaitement ce qu’éprouvent les « boat-people », je me suis lancée dans ces activités sans la moindre fatigue. Vous avez « entendu » les appels de détresse venant de l’autre rive de l’Océan, Vous vous y êtes investi à bras le corps, quelques soient les obstacles, Vous vous y êtes dévoué corps et âme, faisant le maximum de ce qu’un homme puisse faire avec ses deux mains, sa tête, et un cœur, à travers lequel coulent le même sang, les mêmes larmes que des milliers d’êtres vivants errant dans la mer des souffrances.

Une fois, en préparant les dossiers, les documents pour une manifestation dans le but de présenter une « Lettre de Souhaits » à L’O.N.U, je vous ai demandé : « Maître, ne pourrions-nous pas entrer à l’intérieur, pour présenter notre lettre ? Auriez-vous eu le confirmation qu’ils sortiraient pour recueillir notre lettre ? »

Vous avez éclaté de rire : « Faisons ce que nous avons à faire ! Que nous ne puissions pénétrer dans le bâtiment ou qu’ils ne sortent pas, nous l’enverrons par la poste ; ils sauront du moins que nous avons manifesté et notre but. Attelons nous à la tâche, tant mieux si les choses suivent leur cours, nous sommes comme nos compatriotes dans les camps de réfugiés, qui attendent et ne peuvent qu’espérer sans connaître avec certitude le jour de leur délivrance ». Vous faisiez preuve d’une telle grandeur d’âme !

En parlant de cela, je me souviens d’une fois, j’étais extrêmement découragée, Vous ne cessiez d’organiser et de lancer des appels pour des manifestations, des grèves de la faim, des veillées... pour un résultat presque nul. Quel sentiment de désespoir nourri par « trop de sacrifices, trop d’efforts pour rien avoir en retour ». Nous venions d’apprendre la fermeture imminente des camps de réfugiés. Cette fois-là, Vous m’avez dit de préparer les pétitions, que j’ai envoyées de toutes parts pour récolter des signatures demandant à l’ONU d’intervenir, afin que les autorités reviennent sur leur décision. Puis nous nous sommes rendus en Suisse pour remettre cette liste en main propre. Une fois sur place, Vous m’avez chargé de recueillir d’autres signatures de passants, en espérant que cela fasse pencher la balance en notre faveur. Je me suis exécutée. Mais le porte-parole, venu à notre rencontre sur la pelouse devant le bâtiment, n’a pu donner de certitudes quant au verdict de l’ONU, juste nous promettre de transférer notre lettre de souhaits en hauts lieux.

Sur ce, abattue, je vous dis sur le chemin du retour : « Maître ! Si nous arrêtions tout ? Nous avons tant fait et le résultat est toujours quasi nul. Peut-être n’obtiendrons-nous rien encore cette fois-ci, qu’en pensez-vous? ». Vous avez répondu :

« Mon travail est tout comme le petit caillou lancé à la surface d’un lac. Lorsque le caillou rencontre l’étendue d’eau, celui-ci, trop léger, ne provoque pas un grand remous, mais s’enfoncera petit à petit, des vaguelettes vont se créer et s’étendre. Comme le caillou plonge lentement, les vagues mettront plus de temps à disparaître ; les gens vont avoir le temps de les voir s’amenuiser avant que la surface du lac ne redevienne lisse. Après ce caillou, j’en lancerai un autre, ainsi ils remarquerons toutes les petites vagues ». Après avoir écouté votre raisonnement, j’ai repris confiance dans nos activités.

Vous vous êtes frayé un chemin jusqu’aux camps de réfugiés pour leur apporter du soutien moral. A cette époque, Vous n’aviez pas encore obtenu la nationalité française, les démarches pour avoir un visa d’entrée en Asie du Sud-Est ou l’autorisation de pénétrer dans les camps s’avérèrent ardues, Vous avez franchi toutes les barrières une à une, et Vous avez eu le privilège de vous y rendre, prendre des nouvelles des émigrés et leur apporter quelques paroles de réconfort. Vous êtes venu avec votre bienveillance et la volonté de partager… des cadeaux modestes… Comme un « grain de sel dans la mer » , un « grain de sable dans le désert », les possibilités de la pagode et des fidèles apportant leur contribution étaient insignifiantes, et pourtant Vous êtes passé d’un camp à l’autre, d’île en île.

Un jour, Vous avez souhaité que je vous conduise à Fontainebleau pour vous remémorer le théâtre d’une Convention signée entre la France et le Viêt Nam…. renommés avec force humour, les « vestiges historiques du Việt-Nam sur le sol français ». Au cours de ce voyage, Vous m’avez expliqué les Conventions impliquant le Viêt-Nam et qui ont marqué notre histoire, notamment Genève et Fontainebleau.

Vous regardant œuvrer, j’ai pris conscience de votre esprit de sacrifice au service d’autrui, en guise d’offrandes aux Bouddhas, extrêmement sincère, illustrant pleinement le sens de la phrase : « Thủ chí phụng Đạo, kỳ Đạo thậm đại » (si l’on a la volonté d’honorer la religion, alors la religion se renforce) inscrite dans le Sutra « Tứ Thập Nhị Chương » (Quarante-Deux-Chapitres), que Vous nous aviez enseigné.

Vous avez souvent affirmé devant des assemblées: « Je ne juge pas les gens à travers les diplômes ; si on apprend le Bouddhadharma, cela doit être fait avec sincérité. Le Savoir n’est pas une nécessité, mais plus vous en savez, plus vous devez pratiquer. Si vous en savez peu, pratiquez peu, si vous en savez davantage, pratiquez davantage. Vous apprenez selon vos capacités. Le Savoir et la Pratique vont de pair. Pas de théories vaines… Il faut être aussi réaliste que cette image : celui qui marche a les pieds qui touchent terre ».

En 1992, la communauté des moines Bouddhistes dans les pays d’Europe s’est accrue, Vous êtes rentrés en contact, et « La Congrégation Unifiée Bouddhique Vietnamienne Européenne » (Họp mặt Tăng Ni Hải Ngoại) a vu le jour.

Cette même année, Vous et vos pairs européens avez invité les moines et nonnes expatriés, tous pays confondus, à se rendre à la pagode Viên-Giác (Allemagne), pour la « Réunion de la Communauté Bouddhique à l’Etranger ». Il n’est venu que 50 à 60 participants. De ce temps, notre présence était encore clairsemée, mais nous avions pratiquement tous répondu présents, dont feu Très Vénérable Thích-Hộ-Giác, et feu Très Vénérable Thích-Đức-Niệm venant des Etats Unis.

Les activités de la pagode Khánh-Anh se sont développées, avec eux l’esprit bouddhique également. L’été 1984, sur les encouragements des Maîtres Nhất-Chân et Thiện-Huệ, le Premier Séminaire Bouddhique était né. Il y a eu avec 18 participants, rebaptisés avec humour, les 18 Arhats. Ceux-ci résidaient en Norvège, Hollande, Suisse et France. La volonté d’apprendre et de pratiquer s’est affirmée, aussi bien que le rendez-vous a été pris à la pagode les étés d’après, quatre ans durant. Parmi les participants, certains se sont convertis et résident encore en Europe.

Le nombre de participants devenant très important, les Maîtres décidèrent de transférer le 5ème Séminaire (1988) en Suisse. Le Vénérable Thích-Quảng-Hiền arrivait tout juste en Suisse. La Communauté Sangha inaugura solennellement la première promotion du « Séminaire d’Enseignement Bouddhique Européen »… Ainsi suivirent d’autres séminaires d’été, chaque fois organisés dans un pays d’Europe différent.

Vous avez soutenu, organisé les Séminaires d’été jusqu’à cette 25ème édition, prenant place en Finlande, celle-ci marquera à jamais la fin de votre implication.

Soulignant le fait que Vous en avez fini de cette existence, par ce départ, ce relâchement en douceur de tout ce que Vous avez entrepris, de vos offrandes aux Trois-Joyaux, à travers les fruits de cette vie au service d’autrui, dédiée à Bouddha. Vous vous en êtes allé rejoindre de ce pas léger Bouddha Amitaba à la Terre de l’Ouest. Vous laissez une Congrégation affaiblie, des fidèles éparpillés aux quatre vents, la construction de la Grande Pagode inachevée…

Etiez-Vous éreinté d’avoir voué toute votre existence aux autres, sans jamais se soucier de soi, se reposer, ce serait-ce qu’un instant. Maintes fois, Vous n’étiez pas en grande forme mais Vous vous êtes efforcé de résister, ne voulant pas que vos proches s’inquiètent de votre santé, de peur que cela nuise aux affaires communes.

Résister et combattre cette enveloppe corporelle malade… Vouliez-vous nous faire une leçon ?

« De tout son cœur, pour la Religion, se sacrifier » (quyết long vì Đạo hy sinh”) comme dans « La Prière du Repentir » que nous avions l’habitude de réciter. Vouliez-vous nous montrer qu’il ne faut pas se laisser abuser par le corps pour servir les Trois-Joyaux ?

Plus jamais la silhouette de mon Maître Bienfaiteur tant respecté, ce pilier de la pagode Khánh-Anh, l’image d’un Maître exemplaire ! Le ciel et la terre s’assombrissent soudainement, au moment où j’écris ces mots. J’ai l’estomac noué, mes yeux se brouillent, mon cœur se serre, mes mains tremblent, je me sens tétanisée, hébétée… Soudain, j’entendis murmurer à l’oreille : « Allons ! Allons! Que fais-tu donc ? Encore des idioties, je parie...». Je reviens brusquement à la réalité. Ah ! je me suis encore laissée aller. Non, je ne dois pas, alors je m’encourage: « Tiens bon, il faut remonter la pente ! Tu dois aller de l’avant pour manifester ta gratitude face à l’instruction de ton Maître ».

Votre vœu le plus cher était que vos disciples deviennent des « Instruments du Bouddhadharma » (“pháp khí”). Dans votre idéal, un outil très spécial, au service des êtres vivants en guise d’offrandes aux Trois-Joyaux (“pháp khí phục vụ là cúng dường Tam Bảo”). Vous citiez souvent l’exemple du Maître-Méditateur Bách-Trượng.

En 1995, à cause d’un besoin urgent pour les activités bouddhiques, Vous avez prospecté activement, à la recherche d’un lieu de culte plus grand que l’actuelle pagode de Bagneux. De longues recherches, par le biais d’annonces immobilières parues dans les journaux, une succession de rendez-vous, visites, cogitations, vous ont mené à un terrain, situé à Evry, où sera construite la future Nouvelle Pagode Khanh Anh ; et la cérémonie de la pose de la 1ère pierre a été célébrée le 18-06-1995, en présence de nombreux Vénérables, Moines, Nonnes, des fidèles Bouddhiques, des compatriotes et des personnalités politiques de la région. Feu Très Vénérable Thích-Huyền-Vi, Directeur de l’Institut Bouddhique Linh-Sơn à Joinville-le-Pont (France), et feu Très Vénérable Thích-Trung-Quán, Principal du monastère Hoa-Nghiêm à Villeneuve-le-Roi (France) ont fait l’honneur de leur présence, et se sont joints à la prière du jour.

Forçant le respect et l’admiration des Moines et Nonnes résidant à l’étranger à votre égard, Vous avez été nommé dirigeant de la branche Zen Liễu Quán à l’étranger.

Depuis le Congrès du Conseil International des Sanghas Bouddhiques de 2006 en Malaisie, Vous avez été nommé Vice-président du Conseil (World Buddhist Sangha Council WBSC). Dans le passé Vous aviez occupé un poste dans le Ministère de la Culture et de l’Education de ce Conseil.

Vous assistant souvent lors de vos voyages, j’ai pu entendre vos impressions, partagées avec d’autres Grands Maîtres. Vous aspiriez à réussir à rassembler dans une structure tous les Moines et Nonnes vietnamiens résidant à l’étranger, sans distinction de branches, de familles, de congrégations, afin de pouvoir se regrouper pour oeuvrer ensemble, en particulier aux Etats-Unis où le nombre de Moines et Nonnes s’accroissait et atteignait un nombre non négligeable. Vous avez agi avec dynamisme pour fonder l’Unité des Moines et Nonnes Bouddhistes à l’étranger, loué et soutenu par les Grands Maîtres des cinq continents, dont Vous avez été élu Président le 07-01-2007.

Les desseins de cette organisation publié dans le communiqué de presse du 18-01-2007 sont : « Le Bouddhisme Vietnamien à l’étranger a besoin de progresser vers une Communauté Monastique qui s’épanouît dans la bonne-entente, à l’unisson sans distinction de branches, de familles, de congrégations… qui s’entraide, pour ensemble partager une vie monastique dans le but d’ériger le Bouddhadharma, servir, protéger et sauver les êtres vivants. La survie et le développement du Bouddhisme Vietnamien à l’étranger doivent être basés sur une essence pure, harmonieuse de la Communauté Sangha, car la Communauté Sangha représente le fondement (racine) de toute activité bouddhique (branches-rameaux) au sens large du terme, quelques soient l’époque et le lieu.

A la fin de l’année 2007, lors d’une Assemblée Générale réunissant les Congrégations Bouddhiques Vietnamiennes des continents comprenant l’Amérique, le Canada, l’Europe et l’Australie, « La Congrégation Bouddhique Unifiée Vietnamienne à l’étranger» voit le jour, Vous avez courageusement accepté la fonction de Président pour le mandat de 2008 à 2010. Pour ainsi dire, Vous en avez été donc un des fondateurs du GHPGVNTN international.

Avec votre crédeau,

« Considérer la Propagation du Bouddhadharma comme sa première préoccupation » (“Hoằng pháp vi gia vụ”)

« Edifier en tout lieu des Salles de Culte et de Conférences du Bouddhadharma » (“Kiến pháp tràng ư xứ xứ”)

« Etre Omniprésent » (“Vô sát bất hiện thân”)

en 08-2011, Vous avez été invité en grandes pompes à Colombo, capitale du Sri Lanka, par l’Assemblée Générale du Sangha et le gouvernement du Sri-Lanka, pour y recevoir un Titre Honorifique vous distinguant d’avoir propagé le Bouddhadharma dans les pays d’Europe et d’Amérique.

Vous avez aussi beaucoup œuvré l’année passée (2012) dans la création du « Conseil d’Enseignement Supérieur du Bouddhisme » en France dont vous avez été également nommé Président.

A travers toutes vos activités du passé et votre départ léger et serein, j’ai pu apprendre la leçon du « Lâcher-Prise » (“buông, xả”), d’accomplir sans s’accrocher, Vous avez pleinement employé votre vie pour servir le Bouddhisme, et ce, jusqu’à la dernière minute de votre existence, après avoir clôturé le 25ème Séminaire d’Enseignement Bouddhique organisé à Finlande.

Vous êtes parti en laissant une ligne de conduite, afin que les Maîtres puissent continuer votre œuvre au sein de la Congrégation Bouddhique. Vous êtes parti pour être la colle qui colmate les fissures, pour être le ciment réconciliant les divergences les divergences en ces temps troubles, parti pour faire sonner la cloche qui réveillerait les consciences endormies.

Vous êtes parti, mais la Congrégation reste; la Communauté Sangha Bouddhique, les fidèles demeurent, nous sommes toujours là. L’an dernier, à cette période, Vous vous teniez là, debout devant cette porte, image majestueuse et resplendissante, mais aujourd’hui, le vent d’Automne souffle de nouveau à votre porte, l’homme n’est plus, « le Pilier » s’en est allé à l’Occident.

Nous, vos disciples, nous nous réunirons pour vous rendre respectueusement hommage lors des cérémonies hebdomadaires, puis de celle des Cent Jours, puis suivront les deux Commémorations « tiểu tường » et « đại tường ». Chacune des activités que nous accomplissons sont des choses de la vie banale, en ce bas monde profane et provisoire. Je formule la promesse du Monde de l’Ouest, où « ces activités religieuses terrestres » seraient superflues et où, ensemble, nous poursuivrions le chemin vers le Royaume de Félicité de l’Occident (“PHÁP LỮ NƠI CÕI CỰC LẠC PHƯƠNG TÂY”).

Dehors, le ciel est obscur, la pluie fine, le vent souffle légèrement, l’atmosphère matinale d’automne à Evry est fraîche.

L’enceinte de la Grande Pagode a un goût d’inachevé : des caisses de tuiles entassées pêle-mêle dans la cour ; ça et là des morceaux de planches, quelques sacs de ciment, des barres de fer… L’ordre n’est pas encore rétabli et reflète l’image, l’esprit de vos disciples devant ce prompt départ. Nous n’avons pu nous préparer psychologiquement à prendre votre relève de manière sereine, les tâches fussent-elles familières, le mental n’est pas encore disposé à assumer la mission grandiose que Vous nous avez légué dans cet édifice imposant. La vie est bien huilée sur le papier, mais semble-t-il que nous ne sommes pas encore en paix, perdus sans l’ombre de ce Vieux Chêne, notre Maître respecté.

Laissons donc le Destin arranger les choses, laissons-les libres de suivre le chemin du petit ruisseau. Espérons que demain, le ru de la Grande Pagode Khánh-Anh deviendra un grand cours d’eau, comme des milliers d’autres qui coulent librement, paisiblement…

Il arrive qu’un obstacle se dresse sur sa route, alors le cours d’eau se scinde, contourne l’obstacle, et finit par se rejoindre pour n’en faire qu’un. Il arrive aussi que sa course soit grandement facilitée, et qu’il entraîne de petits cailloux qui n’ont pas la force de résister. Quelles que soient les circonstances, que le cours se divise en deux, ou qu’il coule facilement, la même eau coule. L’eau a un caractère absolu, éternel, indivisible, que ce soit à l’état froid, chaud, en vapeur, l’eau restera toujours Eau dans sa nature humide, mouillante. Versée dans un verre, elle en prend la forme, versée dans une bouteille, elle prend la forme de la bouteille. Versée dans un bol, elle garde la totalité de son volume, si ce bol est ébréché, l’eau va s’échapper au niveau de la fissure, à cet endroit nous y observerons toujours de l’eau.

Laissez mon âme libre comme l’eau, quelle que soit la situation, je fais solennellement le vœu d’être fidèle au Bouddhisme. Que la pagode soit florissante ou non, désormais seule, je souhaite que mon esprit bouddhique, mon désir de pratiquer et d’apprendre, reste intact comme au « premier jour de ma conversion », avec la même ferveur, le même enthousiasme, le même esprit de sacrifice ; mais l’ardeur des débuts a bien mûri et est passée à la deuxième étape, comme décrit par le poète Tô-Đông-Pha, inspiré, quand il visitait la montagne Lô-Sơn.

Maître tant respecté et tant honoré !

Le jour de votre « retour » en grandes pompes de Finlande comme durant vos funérailles, était présente toute La Communauté des Moines et Nonnes venant de tous les pays d’Europe. Les contrées où, vous avez « usé vos sandales de pailles» d’allées et venues pour ouvrir l’esprit en friche des « enfants du Bouddha » ; endossant le rôle de mentor, Vous avez contribué à former des Associations Bouddhiques, inviter les Moines et Nonnes à servir de guide spirituel dans l’enseignement Bouddhique. Vous respectant comme étant leur Maître, leur « Frère Aîné », leur Patriarche, leur Maître-Supérieur, leur Maître généreux, tous se sont réunis à Evry pour vous accueillir et vous accompagner dans votre départ vers l’Occident.

Ensuite, les Vénérables, venus de toutes parts, se sont réunis pour réciter chaque phrase, chaque vers des Sutras, comme pour apporter un peu de chaleur et de réconfort dans le cœur glacé de cette famille Bouddhique orpheline, en ces jours de deuil mémorables.

Respectueusement, je me prosterne devant mes Maîtres, nullement contrariés de la longueur, ni de la fatigue du voyage, qui ont fait l’honneur de venir jusqu’à la Grande Pagode inachevée, avec ses chambres au confort précaire, son agencement imparfaite, et ont pardonné de bon cœur tout désagrément.

« L’ombre de mon Maître estimé n’est plus »

« En un instant, cent jours presque déjà»

« L’idée m’effleure, mon cœur se serre »

« La silhouette d’un Père bienveillant s’en est allé »

(Ân Sư vắng bóng từ ngày ấy,

Thắm thoát đến nay sắp trăm ngày,

Lòng con nghĩ lại còn quặn thắt,

Đâu nữa dung nghi đấng Cha Lành.)

Que Votre Esprit Eveillé me guide !

Ecrit le 23-10-2013

Cérémonie du Bodhisattva Avalokitésvara

19-09 Année du Serpent (calendrier lunaire)

Mes respectueuses Salutations

Disciple Quảng-Trạm (Diệu-Trạm)

Traduit par Diệu Nhật et Diệu Trâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/12/2008(Xem: 9479)
Hình ảnh Mừng Sinh Nhật Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng Ngày 5-12-2008 tại Cao Hùng , Đài Loan tại Nhà Hàng 200 Món Đồ Chay Do Đạo Hữu Tony và quý Phật tử trong phái đoàn Hành Hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Độ tổ chức
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]