Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những ngày còn lại (T.Như Điển)

06/09/201307:33(Xem: 15753)
Những ngày còn lại (T.Như Điển)
khoatu_auchau_7



Bài của HT Thích Như Điển
***
Cư Sĩ Quảng An diễn đọc

Cư Sĩ Diệu Danh  diễn đọc



Kể từ ngày 8 tháng 8 đến ngày 21 tháng 8 năm 2013 vừa qua, tất cả Tăng Ni cũng như tín đồ Phật Giáo Việt Nam tại Pháp nói riêng, trên thế giới nói chung đã thầm lặng tưởng nhớ một vị Đại Sư đã vào đời cách đây 75 năm về trước tại Bình Thuận và nay ở nước Phần Lan xa xôi kia, Ngài đã thuận thế vô thường ra đi trong an nhiên tự tại, khiến cho không biết bao nhiêu người phải gạt lệ xót thương, đớn đau khôn tả. Không biết bao nhiêu bài phân ưu, ai điếu, những đoản văn của những pháp lữ, tử đệ và ngay cả những người chưa một lần gặp mặt Ngài, cũng đã chung lời cầu nguyện, khi cảm nhận được sự vô thường của nhân thế, luật ấy chẳng trừ một ai.

Từ ngày 13 hay đúng hơn là ngày 14 tháng 8, kim quan của Ngài đã được đưa về chùa Khánh Anh tại Evry. Mỗi ngày như vậy đều có cúng tiến Giác Linh, tụng kinh, niệm Phật, phúng điếu, hầu kim quan và đặc biệt nhất là những đệ tử tại gia cũng như xuất gia của Ngài thức suốt những đêm dài như thế để thay nhau niệm Phật. Đây là một đám tang có một không hai tại ngoại quốc nầy. Chư Tôn Đức Tăng Ni trên bốn châu lục đều hội tụ về và cả hơn 200 vị áo vàng như thế đã cầu nguyện, từ nơi họ đã toát lên một uy dũng thầm lặng của những bậc chúng Trung Tôn đến đây để tiễn biệt một vị Đại Sư vừa viên tịch. Ôi! Văn chương nào, bút mực nào, khả năng nào có thể viết lại hết được những cảm nghĩ nầy đây. Chỉ có thể cảm nhận, cảm xúc mà không thể chia xẻ nỗi niềm nầy với ai khác được. Phật Tử tại gia kể từ lúc Ngài ra đi cho đến lễ Trà Tỳ vào ngày 21 tháng 8 năm 2013 (nhằm ngày Rằm Tháng Bảy) không dưới 3.000 lượt người đã về, đã đến. Họ đã về đây trong lặng lẽ, nhớ thương, tiếc nuối một bậc Hiền Nhân. Họ cúi đầu xuống để đảnh lễ Giác Linh Ngài mà bao nhiêu tâm tư thầm kín đã trào dâng qua khóe mắt; những giọt lệ tiễn đưa Người thấm ướt cả những bờ mi. Ô hay! Nhân thế nầy lại có những người đạo hạnh như thế để khi ra đi có không biết bao nhiêu người luyến tiếc nhớ thương.

Một đám tang có cả Thị Trưởng mới và cũ của Evry đến dự, Bộ Nội Vụ Pháp chia buồn, Hội Đồng Tăng Già Thế Giới đánh điện thư phân ưu và gửi người đến để chia buồn phúng điếu. Đại Sứ Tích Lan tại Pháp cũng như đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng có mặt. Đại Trưởng Lão Thích Tâm Châu, Người đã 94 tuổi cũng đã trực tiếp điện thoại hỏi han, phân ưu cùng môn đồ pháp quyến. Tất cả các truyền thống Phật Giáo Nam Tông, Bắc Tông, Tây Tạng v.v… đều hiện diện. Ngay cả nhiều chư Tôn Đức lâu nay vắng bóng trong Giáo Hội Âu Châu, nhưng nay cũng đến để tiễn đưa Ngài. Từ Lille cho đến Marseille của nước Pháp. Từ Hamburg cho đến Ravensburg của nước Đức hay những nước Bắc Âu xa xôi, hoặc tận Ý Đại Lợi, Áo quốc…. tất cả đều hiện diện trong sự bi hùng của lời kinh, nhằm chia xẻ những mất mát quá to lớn của GHPGVNTN Âu Châu và Môn Đồ Pháp Quyến.

Ban Tang Lễ của Ngài cũng là một Ban Tang Lễ của thế giới; khắp nơi anh em Pháp lữ đều chia xẻ công việc với nhau để lo cho đại sự. Môn Đồ Pháp Quyến chỉ lo chu toàn trong vấn đề tứ sự cúng dường. Mỗi người một việc. Người thì kết hoa tươi trên xe tang; người thì lo châm trà, dọn cơm tiếp khách; kẻ lo chợ búa, vệ sinh…. Tất cả đều nhịp nhàng thành tựu, không hề có một sự sơ suất nào đáng trách xảy ra.

Đoàn xe tang với hơn 20 xe cảnh sát đi trước hộ tống từ chùa Khánh Anh mới, cho đến nơi Trà Tỳ xa độ 50 cây số. Họ chặn xa lộ và các lối đi để kim quan cũng như đoàn xe đưa tiễn gồm 18 chiếc xe bus và rất nhiều xe nhỏ chạy theo, không bị gián đoạn một quãng đường nào. Chỉ có những bậc quân vương hay Thủ Tướng, Tổng Thống của một quốc gia mới được như vậy. Đây là kết quả của những tháng ngày ngoại giao cũng như làm việc Giáo Hội của Ngài đối với quần chúng và chính quyền Pháp, nên mới được như vậy. Ôi ! thật quá vĩ đại và quả thật “Phật Pháp nhiệm màu” như lời Ngài nói tại bệnh viện Turku Phần Lan trước mấy giờ viên tịch. Cái chết của một bậc Đại Sư không khoa trương, không binh hùng tướng dũng, nhưng là một cái chết đáng chết như bao nhiêu người ham muốn, mà nào có được đâu. Do Ngài biết sống thức thời giữa bao nhiêu bủa vây của cuộc thế. Do nhân duyên của Ngài đến trong chốn nầy, để rồi ra đi như thế. Có lẽ một ngày nào đó trong kiếp sống của nhân sinh, Ngài sẽ hội nhập ở xứ nầy để tiếp tục con đường hoằng hóa còn dang dở, mà có không biết bao nhiêu người đang chờ đón sự tái thị hiện của Ngài. Quả là:

“Đàm Hoa lạc khứ hữu dư hương” không sai chút nào hết. Hoa Ưu Đàm dầu cho có rơi rụng, nhưng hương thơm ấy vẫn còn đây. Ngài là một con người vĩ đại như thế. Đó là Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNAC và đương kim Viện Chủ chùa Khánh tại Evry Pháp Quốc.

Tôi trở lại Ravensburg sau những ngày tang cũng như tuần thất thứ ba của Hòa Thượng vào ngày 1 tháng 9 năm 2013, để ngơi nghỉ mấy ngày nơi yên tĩnh nầy. Ngồi đây nhớ lại chuyện đã qua, với đầy vơi nhung nhớ về một con người vĩ đại như Ngài, nên mới viết lại những dòng tự sự trên, nhằm ghi lại những dấu hình mà chắc gì trong đời mình có được sự lặp lại lần thứ hai cao cả như vậy.

Tu Viện Viên Đức nầy vốn là một nông trại của người Đức; nay đã biến thể thành một ngôi chùa thực thụ; nơi đây có tiếng kinh cầu ngày hai buổi sáng, chiều và tiếng Đại Hồng Chung vang vọng khắp đó đây, như gọi hồn người cô lữ về nơi an định. Đạo hữu Minh Phát tặng cho tôi một chiếc xe đạp để đạp đi trong gió nội, mây ngàn, để nhớ về thuở xa xưa hơn 35 năm về trước khi tôi còn học tiếng Đức tại Đại Học Kiel. Thuở ấy, Bác sĩ Thị Minh Văn Công Trâm đã nhắc lại rằng: “Mùa Đông năm 1977 ấy lạnh lắm. Thế mà Thầy đã đi học bằng chiếc xe đạp và hai tay thay vì đeo găng tay như bao nhiêu người khác, lại đeo bằng hai túi ni lông đi chợ. Hỏi ra mới biết là Thầy không có tiền để mua đôi găng tay để đeo vào cho đỡ lạnh”. Từ ấy đến nay đã hơn 35 mùa Đông như thế tại xứ Đức nầy, đã có không biết bao nhiêu đôi găng tay ấm áp tôi đã mang vào tay mình, nhưng những người Phật Tử tại đây chỉ còn nhớ đôi găng tay mùa Đông gợi nhớ của năm 1977 bằng hai bao ni lông đi chợ ấy, nên Đạo Hữu Diệu Phú nói rằng: “Chúng con cúng dường Thầy chiếc xe đạp nầy để Thầy đi và nhớ lại những kỷ niệm xưa”. Đúng là như vậy. Tôi là người vốn sống với kỷ niệm và nay đi chiếc xe đạp nầy, những kỷ niệm xưa lại hiện về.

Tôi đạp xe lên đồi, sau đó đi bưu điện và ngân hàng, bất chợt gặp một bà Đức. Bà ta bảo rằng: “Thầy không sợ những vạt áo dài của Thầy đang mặc bị quấn vào bánh xe sao?” Tôi cảm ơn Bà và bảo rằng: “Tôi cố vén vạt áo lên cho cao rồi đấy chứ”. Sau đó tôi gặp bà từ trong siêu thị đi ra, còn tôi dựng xe ở đó để chuẩn bị vào siêu thị mua một vài món đồ dùng cần thiết. Bà ta bảo: “Sao Thầy không khóa xe lại? Xe còn mới lắm mà!” Tôi bảo: “tại sao phải khóa? bộ đây có những người không tốt như thế sao?” Bà bảo: “Cái gì phòng hờ vẫn hơn vậy”. Tôi cảm ơn Bà hàng xóm Đức chưa quen, mà đã giúp tôi những lời khuyên thật là hữu ích.

Về lại chùa nghe điện thoại của Thầy Sucacito gọi. Thầy là một người Đức tu theo phái Nam Tông Thái Lan chuyên ở trong rừng. Ba Thầy ấy cũng mới vừa mất, chỉ cách sau Hòa Thượng Minh Tâm mấy ngày thôi. Thầy ấy hay ở bên Anh Quốc và Cô em gái thì đi lấy chồng; bây giờ chỉ còn một mình Mẹ già ở trong một ngôi nhà lớn; cho nên Thầy hỏi tôi rằng: “có người Việt Nam nào đó tình nguyện đến ở và mỗi ngày chăm sóc cho Bà Cụ chừng một vài tiếng đồng hồ cũng như lo cắt cỏ cho khu vườn lớn nhà tôi và khỏi phải đóng tiền thuê nhà”. Tôi trả lời rằng: “Để tôi xem lại”, rồi cúp máy. Sau đó tôi liên tưởng đến nhiều điều của người mình cũng như người Đức. Có nhiều người cho rằng người Đức lạnh nhạt, người Đức khó tính, người Đức không thân thiện với người ngoại quốc v.v…, nhưng qua hai mẫu chuyện trên như quý vị thấy đó. Người Đức thật là tuyệt vời.

Câu chuyện chưa phải dừng ở đó mà còn tiếp theo những mẫu chuyện nho nhỏ như sau đây.

Một hôm tôi đang ngồi trong phòng đọc sách của Tu Viện Viên Đức, nhìn xuyên qua khung cửa sổ thấy hai người đi vào chùa, nhưng chẳng biết lối vào. Một người Đức cao lớn và một người con gái Á Châu lai Đức. Sau khi gặp và hỏi ra mới biết là Mẹ cô ta người Tích Lan và Ba cô là người Đức nầy, hai cha con cầm hai cành hoa lan thật tươi đi vào cúng Phật. Và cô gái đã cho biết ngày mai cô ta đi Việt Nam, tôi hỏi: “Thế Cô có biết tiếng Việt không và Cô đến đó ở bao lâu cũng như làm gì ở đó?” Cô ta bảo rằng: “Bây giờ thì chưa biết nhiều, nhưng khi đến Việt Nam sẽ học.” Cô cho biết là cô sẽ ở lại Việt Nam khoảng một năm và việc của cô làm là đi giúp đỡ cho những trẻ bụi đời, lang thang trên hè phố Việt Nam cũng như giúp cho những mảnh đời bất hạnh của những cô gái thanh xuân không may sa vào đường tội lỗi… Qua trao đổi một hồi, họ ra về, đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Họ là người Đức, người Tích Lan không quen biết với mình và dân tộc mình mà còn giúp cho những mảnh đời cơ nhỡ như thế. Còn những người đang có quyền thế, đang ăn trên ngồi trước ở Việt Nam trong hiện tại thì sao? Những câu hỏi như thế đều được để trống và không có câu trả lời trực tiếp.

Cũng trong ngày hôm ấy, có một cú điện thoại từ Freiburg gọi sang Tu Viện hỏi về cách nấu chay. Tôi hỏi bà người Đức nầy tại sao biết chùa nầy ăn chay và bà đã bảo rằng bà có bà bạn Đức hay đi chùa nầy, được ăn chay ngon nên bây giờ muốn học nấu. Tôi cho địa chỉ của Ni Sư Minh Hiếu tại Freiburg để Bà ấy tìm đến đó học nấu dễ dàng hơn. Riêng tôi, chỉ biết nấu mì gói chứ chưa xào được một món nào, làm sao có thể chỉ cho người khác nấu chay được.

Ngày nay đi khắp nước Đức nầy, dầu bạn có vào tiệm Rossmann hay Kaufland, Realkauf hay Reform Haus, hoặc những tiệm Netto, Aldi v.v… hãy đến chỗ bán đồ BIO là bạn có thể tha hồ chọn cho mình những món ăn chay làm bằng đậu hũ theo sở thích. Nhớ lại không lâu, chỉ cách đây chừng 35 năm về trước thôi. Nếu tôi muốn mua một hũ chao hay một ít đậu hũ tươi, chúng tôi phải đi đến Aachen hay Hamburg mới mua được. Nghĩa là cách chùa Viên Giác Hannover đến mấy trăm cây số mới có. Còn bây giờ, sau hơn 35 năm, ở khắp nơi trên xứ Đức nầy, không những chỉ có ở các tiệm thực phẩm Á Châu, mà còn tại tất cả hàng ngàn tiệm bán đồ Đức, bạn cũng có thể tìm mua được những món đậu hũ được biến chế từ đậu nành tùy thích. Quả thật người Âu Châu thích nghi và sáng tạo nhanh hơn người Á Châu mình nhiều. Ngay cả bây giờ, tại các chùa Việt Nam mình vẫn còn làm đậu hũ theo lối thủ công nghệ, vắt xác đậu hũ bằng tay, nhưng người Âu Châu đã thay đổi cách nầy bằng máy từ lâu rồi. Chắc là người mình phải học lại cách làm đậu hũ của họ quá.

Ngày nay tại xứ Đức nầy có hơn 3 triệu người Đức ăn chay, nên những kỹ nghệ chế biến thức ăn họ phải tùy theo hoàn cảnh mà thay đổi vậy. Nhưng mới chỉ tại xứ Đức nầy thôi. Trong khi đó các xứ Âu Châu khác vẫn chưa thấy có những phát minh nào đáng kể về đậu hũ. Gần đây nhất Đảng Xanh(Gruene)của xứ Đức còn đề nghị rằng, cả nước Đức mỗi năm nên có một ngày chay cho toàn quốc nữa. Dĩ nhiên đây không phải là vấn đề tôn giáo, mà là vấn đề môi sinh và thể hiện tình thương đến với những động vật khác đang cùng sống trên hành tinh nầy. Cũng đã có nhiều sự chống đối đến từ các đảng phái khác, nhưng cũng có lắm kẻ tán đồng. Chúng ta hãy chờ xem một ngày đẹp trời như thế.

Chưa hết. Có những cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn của những Nghị Sĩ tại Thượng Viện hay của các Dân Biểu tại Hạ Nghị Viện Đức, họ đã công khai đem giáo lý của Phật Giáo ra để luận bàn. Họ nói về tình thương, bất bạo động, về từ bi, về tánh không, về vô thường v.v… Quả thật xứ Đức nầy là một xứ lý tưởng để cho ai đó muốn trau dồi Đức ngữ cũng như mang Đạo Phật vào chốn nầy. Người Đức bây giờ không phải là người Đức của thời Đức Quốc Xã nữa, họ đã chán ghét chiến tranh, bạo lực và dối trá. Tất cả chỉ muốn xây dựng thực sự trong một nước đầy tình người, lấy căn bản đạo đức của Tôn Giáo làm chuẩn mực.

Như trên Quý vị đã thấy, từ một lão bà người Đức không quen tại Ravensburg, cho đến một người đi cầu nguyện tại chùa, một người có tấm lòng đối với trẻ bụi đời ở đường phố Sài Gòn, Hà Nội. Rồi những người muốn nấu chay hay với những người trượng phu hơn, muốn giúp người mình hội nhập, trao đổi không bên nào thiệt hại cả, mà chỉ thăng tiến trong cuộc sống tương trợ với nhau để tự tồn.

Những ngày còn lại của đời tôi trên mảnh đất được chọn làm quê hương thứ hai nầy, ngoài quê mẹ Việt Nam thân thương của tôi là vậy. Nơi đây sẽ là chốn trở về cũng như an nghỉ của mình khi vô thường sẽ đến. Mong được như Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm ra đi một cách nhẹ nhàng như trút hết hơi thở vào một đêm khuya, để mọi người còn ở lại nơi cõi dương thế nầy còn lưu lại không biết bao nhiêu là kỷ niệm tuyệt vời. Riêng tôi, với Hòa Thượng, đã làm việc chung với Ngài từ năm 1972 đến bây giờ, kể ra cũng đã gần 42 năm rồi. Trải qua gần 42 năm như thế mới biết rõ được lòng người là gì và từ đó, chính bản thân mình cũng rút tỉa ra được những bài học thật là vô giá.

Tôi biết rằng mọi vật rồi cũng sẽ trôi qua như những đám mây trên trời, sẽ trôi về một phương trời vô định. Cũng giống như những tảng băng đá vào xuân, sẽ vỡ ra từng mảnh vụn, biến thành nước, trôi ra đến tận đại dương và hòa mình vào trong những cuộc lữ hành cô độc ấy. Tôi cũng lại như thế, sẽ có một ngày, không hẹn trước với ai, mình cũng sẽ ra đi và sẽ trả lại cho đời những thị, phi, nhơn , ngã, thiệt, hơn, bỉ, thử v.v… để được rảnh rang nơi chốn liên đài, như Cố Hòa Thựơng Minh Tâm đã chọn cho mình có một lối đi như vậy.

Viết xong vào một ngày cuối Hạ tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg Đức Quốc nhằm ngày 5 tháng 9 năm 2013.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/05/2020(Xem: 11491)
Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang thế danh là Lê Đình Nhàn, sinh năm Canh Thân, ngày 19-9-1920 (tức ngày mồng 8 tháng 8 năm Canh Thân), quê thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Lê Vỵ pháp danh Như Hương, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Tư pháp danh Như Tâm cùng ở làng Háo Đức.
01/05/2020(Xem: 9879)
Trang Nhà Quảng Đức vừa hay tin Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Chiếu Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ Tác giả, Soạn giả của nhiều bộ truyện cổ Phật Giáo vừa viên tịch tại Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai lúc 14 giờ 50 phút chiều ngày Rằm Tháng Tư Âm lịch Canh Tý (07/05/2020) Trụ Thế : 89 năm và 69 hạ lạp
01/05/2020(Xem: 8697)
Cáo Phó Tang Lễ Thượng Tọa Thích Kiến Như vừa viên tịch tại Hoa Kỳ
25/04/2020(Xem: 9016)
Cáo Bạch Tang Lễ Hòa Thượng Thích Giác Huệ vừa viên tịch tại Paris, Pháp Quốc
14/04/2020(Xem: 4555)
Hiện thân đại sỹ giữa đời, Nâng vàng pháp học, hiện lời danh ngôn. Sài Thành Đức tịnh hương thơm, Nhã âm bang Phước, dung tâm trải lòng.
09/04/2020(Xem: 6444)
Đôi dòng suy nghĩ về việc nữ Phật tử Mai Phương “cải đạo” lúc cuối đời Người xưa bảo: Mỹ nhân tự cổ như danh tướng Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu! Dịch: Giai nhân, danh tướng xưa nay Không cho đời thấy tóc phai bạc màu! Vâng, Mai Phương, một nghệ sĩ Việt Nam xinh đẹp và hiền lành vừa mới ra đi khi mái tóc còn xanh, để lại biết bao tiếc thương cho đồng nghiệp, người hâm mộ, và rất nhiều tăng ni, Phật tử. Trong sự tiếc thương mất mát này, còn có sự tiếc nuối, xót xa trước hoàn cảnh của Mai Phương lúc cuối đời. Ngoài ra, dư luận còn bức xúc trước sự cuồng tín mà mẹ của Mai Phương đã áp đặt lên một thân thể đang bị bệnh tật dày vò và một tinh thần rã rượi lúc sắp lâm chung của con mình. Mai Phương ra đi, như một tảng đá nặng đã rơi vào lòng đại dương mênh mông không còn dấu vết, nhưng những gợn sóng biển mà nó tạo ra vẫn còn lan tỏa, ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội, trong đó có giới Phật giáo.
08/04/2020(Xem: 7505)
Chúa - Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu là bậc hiền tài. Ngoài lập công lớn trong việc mở mang bờ cõi, Ngài còn có công lao lớn trong việc xây dựng và phát triển Phật giáo xứ Đàng Trong. Ngài đem đạo và đời một cách sáng tạo như biết dung hóa Phật - Nho để áp dụng vào việc ích nước, lợi dân. Chúng ta tìm hiểu về cuộc đời của Ngài cũng là để làm sáng tỏ công nghiệp trên.
29/03/2020(Xem: 8245)
Hòa thượng Thích Đồng Chơn thế danh là Bùi Văn Bảy, sanh năm Đinh Hợi (1947), nguyên quán thôn Trung Tín, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - nay là thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Thân phụ của Ngài là Bùi Tân, Pháp danh Đồng Niên, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Hội, Pháp danh Đồng Hiệp
22/03/2020(Xem: 8333)
Hòa Thương Thích Như Điển đã làm lễ khánh thọ lần thứ 70 trong năm qua. Thầy đã mang truyền thống dòng Thiền Lâm Tế Việt Nam sang nước Đức và là người truyền thừa có ảnh hưởng sâu rộng của Phật Giáo tại đây. Đồng thời, Thầy đã đóng góp triệt để cho sự hội nhập của người Việt trong nước Đức – và do đó cũng là một đoạn đường quan trọng cho tính đa dạng của Phật Giáo trong đất nước này. Trong bài tiểu luận này, ông Olaf Beuchling đã vinh danh cuộc sống và những Phật sự của vị Pháp Sư đồng thời giới thiệu tổng quan dòng Thiền Lâm Tế Việt Nam.] Người ta đứng chen chúc trong khuôn viên an bình của ngôi Chùa Viên Giác tại Hannover: Có hàng ngàn người khách hiện diện trong những ngày hè của tháng sáu năm 2019. Họ đến hỷ chúc 70 năm khánh thọ của Hòa Thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác – Thầy Thích Như Điển, vị Tỳ Kheo người Đức gốc Việt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]