Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những dòng suy tư (T. Viên Giác)

01/09/201314:57(Xem: 16300)
Những dòng suy tư (T. Viên Giác)

ThichMinhTam

Những dòng suy tư


Bài viết của Thích Viên Giác

Do Phật tử Quảng An diễn đọc



Một mặt trời Âu châu vừa rơi rụng

Một vì sao vừa tắt lịm giữa trời đêm

Buồn thay cho tương lai của hàng Tăng sĩ trẻ chúng tôi…

Buổi tối chủ nhật, sau Khoá Tu Học Phật Pháp Âu châu kỳ thứ 25 tại Phần Lan, tôi nhờ anh Bảo Tuân, một Phật tử tại Turku, đưa vào bệnh viện của thành phố này, khu Tim, để kính thăm Sư Ông. Ngài đã nhập viện từ chiều thứ Sáu 2/8-2013.

Vào lúc buổi sáng ngày Chủ nhật này, tôi cũng có vào thăm Ngài một lần khi Ngài còn nằm bên khu Phổi. Sáng này, Sư ông có phần khoẻ hơn một chút so với những ngày trong khoá tu học, duy có điều huyết áp và nhịp tim của Sư Ông thì rất cao, không ổn định. Buổi sáng này còn có Thầy Quảng Định, Thầy Pháp Quang và tôi bên giường bệnh Sư Ông. Trong lúc nói chuyện, Sư Ông thỉnh thoảng vẫn còn nói những câu khôi hài, dí dõm... thật có duyên. Không khí thật ấm áp tình Thầy trò buổi sáng này. Sau đó, Thầy Quảng Định xin phép ra về để thu xếp cho kịp chuyến bay hôm sau. Còn lại hai huynh đệ Pháp Quang và tôi ngồi lại bên giường Sư Ông, chờ bác sĩ đến khám buổi sáng.

Khi thăm bịnh sư ông rồi và bàn thảo với bác sĩ chuyên khoa tim qua điện thoại, bác sĩ khu Phổi quyết định chuyển Ngài tức thì qua khu Tim. Hai huynh đệ chúng tôi theo Ngài qua khu bệnh chuyên khoa mới. Lúc đó nhịp tim của Ngài càng lúc càng tăng.

Trở lại thăm Ngài tối nay, Sư Ông có phần khoẻ hơn khi sáng đôi chút. Nhịp thở của Ngài đã ít gấp rút. Nhịp tim của Sư Ông được sư đệ Pháp Quang cho biết đang dần ổn định. Khi trưa đã liên tục đập rất nhanh trên 180 nhịp một phút. Và đã có lúc cũng lên đến 201 nhịp một phút. Tối nay đang giảm dần còn khoảng trên dưới 80.

Nhìn Sư Ông nằm trong khu Tim, các dây điện cắm đầy trên ngực, trên tay Ngài để theo dõi vừa huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, dây truyền nước biển… lòng tôi thật nghẹn ngào. Tôi xin phép Sư Ông cho được đấm bóp cánh tay Ngài. Những vết bầm, dấu vết những lần thử máu trên cánh tay gầy guộc của Ngài, lòng tôi se sắt, nghẹn lời, dẫu biết rằng việc điều trị phải như thế thôi. Tim tôi đã thót lên mấy lần khi nhìn trên màn ảnh tim mạch, nhịp thở của Sư Ông đôi lần hiện lên nút đỏ. Nhìn thấy sự lo lắng của tôi, sư đệ Pháp Quang đã trấn an rằng không sao vì khi Sư Ông cử động, thường có những thay đổi như thế.

Tối nay, Sư Ông cho biết Ngài đã khỏe hơn một chút so với những hôm còn trong Khoá tu học 25. Sư Ông hỏi thăm tôi về nhóm Phật tử trẻ Na Uy đã theo chúng tôi sang tham dự khoá học 25, vì biết các em trẻ này lần đầu tiên đi tham dự Khoá tu học Âu châu. Sư Ông dạy tôi phải lo lắng cẩn thận cho các em trên đường về: ”Đưa đến nơi về đến chốn nghe”.

Trước khi từ giã, thưa Sư Ông ra về, Ngài dạy: ”Viên Giác phải cố gắng, phải ráng lên.”

Lần gặp Sư Ông, nhìn được Sư Ông, nghe những lời giáo huấn huấn tối hậu của Sư Ông vào tối Chủ nhật 4/8-2013 này, nào ngờ đâu lại là lần cuối cùng trong cuộc đời tu sĩ của tôi được nhìn gặp Ngài….

Ngưỡng nguyện Giác linh Ngài, con xin y giáo phụng hành, xin nguyện luôn cố gắng trên bước đường tu học như lời Ngài dạy.

Về lại chùa Đôn Hậu, Na Uy mỗi ngày vài lần, tôi đều liên lạc với Sư đệ Pháp Quang qua điện thoại để nghe tình hình sức khỏe của Sư Ông. Liên lạc rất nhiều lần, nhưng chỉ được nghe Sư Ông nói chuyện một lần duy nhất. Hôm ấy Ngài khỏe một chút, nên Sư đệ chuyển điện thoại lên Ngài. Giọng nói Sư Ông nghe có phần yếu, nhưng lời nói Sư Ông dù thật ngắn gọn nhưng tràn đầy sự thương mến của bậc Thầy khả kính. Sư Ông nói vài tiếng: ”Sư Ông thăm Viên Giác nghe”. Những âm hưởng này, hôm nay trong lúc viết lại những dòng suy tư này, chừng như vẫn vang vọng rõ ràng bên tai tôi…..

Buổi sáng thứ Năm 8/8-2013, trong khi thu dọn công việc trên điện Phật tại Chùa Đôn Hậu, khoảng 09 giờ 35 sáng giờ Na-Uy, tôi nhận được cú điện thoại của Sư đệ Pháp Quang từ bệnh viện Turku, báo tin qua tiếng nấc nghẹn ngào. Sư đệ Pháp Quang mở đầu bằng câu: ”Sư huynh hãy bình tĩnh nghe em nói. Sư Ông mình vừa viên tịch lúc 09 giờ 29 phút, giờ Na Uy”. Tai tôi lùng bùng. Tưởng chừng như tiếng sét. Mắt tôi nhạt nhòa. Tôi như chết đứng. Không nói được chi. Chỉ nghe tiếng Sư đệ vừa khóc nức nở vừa gọi tôi liên tục bên đầu giây bên kia. Tôi muốn trả lời chia xẻ với người Sư đệ, nhưng miệng tôi không ai khóa mà không thể mở ra, không nói được lời gì. Lặng yên. Nức nở. Tôi không tin được ngay lời người sư đệ. Lòng tôi lúc ấy như chết lịm. Đau đớn. Sau thời gian ngắn, cả hai huynh đệ đều khóc ngất qua điện thoại. Không biết kéo dài bao lâu. Cảm giác hụt hẫng, mất mát trong những giây phút đó, hôm nay ngồi ghi lại, vẫn còn in đậm trong lòng tôi. Những giây phút sau đó, tôi nghĩ về người Sư đệ này không ít, vì gần cả một tuần lễ, một mình ở trong bệnh viện làm thị giả cho Sư Ông…

Sau Khóa tu học 25, Sư Ông phải tiếp tục nằm lại bệnh viện tại Phần Lan.

Hôm thứ Bảy 3/8-2013, sau Lễ bế mạc Khóa tu học 25, tôi đứng kế bên có nghe Thượng tọa Thông Trí dạy người đệ tử y chỉ của mình là Sư đệ Pháp Quang rằng, phải ở lại hầu Sư Ông và cố gắng chăm sóc Sư Ông rồi đưa Sư Ông về Pháp. Ngoài ra, được biết Thầy Quảng Đạo cũng có nhắn gửi rất ân cần rằng Chùa Khánh Anh cũng như chư Tôn Đức trong Giáo Hội, nhờ Sư đệ Pháp Quang hầu Sư Ông những ngày Ngài nằm lại trong bệnh viện.

Khóa tu học kéo dài 10 ngày, sau lễ bế giảng chư Tôn Đức đều phải về lại các tự viện tiếp tục những Phật sự tại địa phương, riêng người Sư đệ này đã phát tâm ở lại hầu Sư Ông. Ngay cả bản thân tôi cũng vì việc Phật sự, phải về lại Na Uy. Sư đệ Pháp Quang cũng có những bận rộn các Phật sự địa phương tại Chùa Vạn Hạnh, Đan-mạch, như các buổi cúng tuần thất, buổi cúng kỵ mà đã hứa trước đó với các Phật tử Đan-mạch, Sư đệ đã điện về xin hủy hết, dù có tiếng buồn trách, Sư đệ Pháp Quang vẫn lặng im chấp thuận.

Sư đệ Pháp Quang đã thay mặt cho tất cả quý Thầy Cô trong Giáo Hội, trong môn đồ Pháp quyến, một mình ở lại hầu Hòa Thượng trong những ngày bệnh duyên cho đến những giây phút cuối cùng. Tôi hiểu tánh của người Sư đệ này, chắc chắn khi nhìn thấy những thay đổi về sức khỏe của Sư Ông hàng ngày, người Sư đệ này hẳn đã lo âu, sợ hãi rất nhiều. Ít nhiều, tôi hiểu khá rõ tâm tư của người Sư đệ.

Nên những ngày gặp nhau trong dịp tang lễ của Sư Ông tại Chùa Khánh Anh mới, tôi đã nhiều lần an ủi, tán thán việc làm của người Sư đệ. Tự đáy lòng mình, tôi rất bái phục Sư đệ đã hy sinh một mình ở lại bệnh viện Turku những ngày cuối cùng ảm đạm đó…. Khó tìm được một Thầy nào phát nguyện như thế trong ngày cuối Khóa tu học 25, hoặc khó có thể có vị nào làm được việc này chu toàn như người Sư đệ này, vì Thầy cũng đã từng làm y tá 10 năm trong khu cấp cứu tại một bệnh viện đại học của Đan-mạch.

Ngày 8/8, nghe tin Sư Ông tịch, tôi quyết định mua vé bay sang Phần Lan ngay trong ngày, nhưng Sư đệ Pháp Quang cho biết, mọi người đang lo thủ tục cung thỉnh nhục thân của Sư Ông về Paris hoặc ngay từ chiều thứ Năm 8/8 đó, hoặc chậm hơn một ngày là thứ Sáu 9/8. Sư đệ Pháp Quang đã khuyên tôi vài lần nên lấy máy bay đi về Paris để đón Sư Ông. Tôi nghe lời khuyên cũng hợp lý, nên quyết định bay sang Paris ngay ngày hôm sau.

Qua ít phút bàng hoàng, lấy lại bình tĩnh, tôi vội điện thoại tức thì xuống Sư huynh Viên Tịnh báo hung tin. Thầy Viên Tịnh không tin liền lời tôi nói. Dù biết lời tôi nói là sự thật, nhưng Thầy vẫn không muốn chấp nhận hung tin này. Bằng một giọng thật buồn, Thầy nói lại với tôi rằng: ”Viên Giác nói giỡn à!” Nhưng rồi sự thật vẫn là sự thật, cho dù mình có chấp nhận hay không chấp nhận.

Sau đó hai anh em chúng tôi bàn bạc với nhau phải mua vé bay sang Phần Lan hoặc Pháp tức thì. Sư huynh Viên Tịnh có cái nhìn xa hơn, đoán là chính quyền chắc chưa cho phép đưa kim quan của Sư Ông về Pháp nhanh như vậy, nên Thầy Viên Tịnh đã quyết định mua vé sang Phần Lan hôm sau thứ Sáu 9/8.

Còn tôi thì nghĩ rằng thủ tục ở các nước Bắc Âu đâu có quá rườm rà, phiền toái cho người dân. Nhất là đối với người đã mất thì người ta phải càng tôn trọng và giúp đỡ hơn chớ, và tôi cũng tin lời khuyên của Sư đệ Pháp Quang, nên quyết định bay sang Paris vào ngày thứ Sáu 9/8 để chờ cung đón kim quan Ngài.

Nhưng rồi thủ tục cấp nhập cảnh - cái gọi là giấy ”laisser passer” của Tòa Đại Sứ Pháp tại Phần Lan cho linh cữu quá khắt khe, qua bàn giấy và thiếu phần cảm thông, nên kim quan Sư Ông chỉ về được đến Paris vào chiều ngày thứ Ba 13/8….

Mấy hôm nay, đã hơn cả tuần trôi qua, nhục thể Sư Ông đã đưa được về Chùa Khánh Anh mới, Paris. Kim quan Ngài được quàn trong Giác Linh Đường. Ngày mỗi ngày, bước ra đảnh lễ kim quan của Ngài, cùng những thời gian được quý Thầy phân chia đứng hầu kim quan Ngài, lòng tôi cứ nấc nghẹn, trào lên những suy tư, những hồi tưởng về Hòa Thượng ân sư.

Nhớ về một lần nọ, khi được hầu Sư Ông, đấm lưng xoa bóp chân tay của Ngài, vì kính phục những hạnh nguyện của Ngài trong hiện tại, tôi lại tò mò muốn biết những việc có liên quan đến đến sự hoằng pháp của Ngài, khi Ngài còn là vị Tăng sĩ trẻ.

Sư Ông đã ôn tồn kể một ít những kỷ niệm của những lần thuyết pháp ở những vùng mất an ninh trong nước vào giai đoạn chiến tranh. Sư Ông cho biết đã từng đến thuyết giảng tại những khuôn hội thuộc những vùng mà ban ngày do Quốc gia kiểm soát, ban đêm là thuộc sự kiểm soát của phiá bên kia như các vùng La Hai, Chí Thạnh, An Ninh, Sông Cầu, Từ Nham, Trung Trinh, Lệ Uyên, Thông Hai v.v… những nơi nằm ở giữa lằn tên, mũi đạn của cả hai phía, rất nguy hiểm cho tính mạng. Chỉ cần người dân nơi đó không thích, nói không tốt một tiếng thôi về một người nào đó, thì cũng đủ để người đó bị ”cắt cổ”. Trong những thời thuyết pháp như thế, Phật tử tại các địa phương đến nghe, đương nhiên cũng có những người chống đối, bất đồng chánh kiến, không cùng chung quan điểm cũng hiện diện theo dõi. Nếu sơ hở điều gì thì rất dễ bị nguy hiểm đến tánh mạng. Nhưng với sứ mạng của người Tăng sĩ muôn đời là hoằng dương chánh pháp, Sư Ông đã không từ nan. Học theo hạnh nguyện của Bồ tát Địa Tạng, lăn xả vào các chốn địa ngục trần gian, Ngài đã mang ánh sáng Phật Pháp đến những vùng hỏa tuyến này. Ngài đã đi mòn biết bao đôi dép nhựa vào khắp những nơi gian nguy nhất để hóa độ cho mọi người.

Có lần, tôi nghe quý Thầy lớn có kể là Sư Ông khi còn là Sa di đã đi thuyết pháp cho quý Thầy Tỳ kheo. Cũng tò mò, tôi mới hỏi Sư Ông về việc này, và Ngài xác nhận là có và trong Luật cũng cho phép, nên mới có câu: ”Sa di thuyết, sa môn thính”. Tôi lại thưa tiếp là thực tế quý Thầy có chịu nghe không. Sư Ông cười hì hì thật dễ thương và nói, không chịu nghe cũng phải ngồi nghe thôi, vì công việc đó là do Giáo Hội đã sắp xếp giờ giảng và đã công cử Sư Ông phụ trách.

Trên bước đường tu tập của tôi, những lúc gần được Sư Ông tôi đã nhìn thấy nhiều hạnh nguyện của Ngài. Không chỉ riêng tôi, nếu một ai chịu nhìn đều cũng thấy, cũng biết. Sư Ông đi đến đâu, nếu Phật tử địa phương nơi đó có nhu cầu cần có một đạo tràng để tu học, Ngài đều sẵn lòng ủng hộ việc kiến lập các đạo tràng. Biết bao nhiêu chùa, bao nhiêu tự viện trong Âu châu này đã do Sư Ông là người đầu tiên khởi xướng, khuyến khích, kêu gọi xây dựng. Và một khi, nơi nào đó đạo tràng đã được hình thành đưa vào sinh hoạt rồi, Sư Ông thu xếp giao lại quý Thầy hữu duyên, mà không có phân biệt rằng vị đó phải nằm trong môn phái, mới được giao phó việc hoằng dương đạo pháp. Từ những tự viện tại Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan-mạch, Áo quốc… Ngài là người tiên phong, đi đầu trong việc góp phần gây dựng mà chẳng hề suy nghĩ các đạo tràng đó là thuộc của riêng mình. Sự hoằng pháp của Ngài không phải chỉ có cộng đồng người Việt-Nam mới biết, mà cả người Tây Âu lẫn Á châu xa xôi như Tích Lan cũng biết đến. Cho nên vào năm 2011, Hội Đồng Tăng Già và chính phủ tại Tích Lan đã ban tặng cho Ngài và Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển giải danh dự cho những người đã có công hạnh đem giáo lý của Đức Phật đến các xứ Âu Mỹ.

Một khi nhu cầu tu học của Phật tử tại các địa phương trong Âu Châu cần phải có các đạo tràng, Sư Ông đã sẵn sàng ủng hộ. Ngài hoặc gói ghém vừa cúng dường, vừa cho mượn hoặc vận động các Phật tử khắp nơi trợ giúp, mặc dù công trình xây dựng ngôi Chùa Khánh Anh mới vẫn còn ngỗn ngang, chưa có hoàn thành. Hạnh nguyện của Ngài nghĩ đến các nơi, lo cho mọi người chứ không phải chỉ lo cho tự viện của mình mà thôi. Hình ảnh này quả thật là cao đẹp.

Trong những ngày tham dự tang lễ của Sư Ông tại Chùa Khánh Anh mới, qua phần giới thiệu của Thầy MC, tôi được biết có một vị Hòa Thượng từ Việt-Nam cũng sang tham dự tang lễ. Ngài là Hòa thượng Nguyên Trực, quê quán ở Tuy An, tỉnh Phú Yên, bào huynh của Hòa Thượng Nguyên Trí. Được biết Ngài cùng quê, trong lòng cảm thấy rất gần gũi, nên tôi tìm vào đảnh lễ và thăm hỏi Ngài. Ngài cho biết khi hay được tin Sư Ông viên tịch, Ngài đã vội mua vé máy bay sang tham dự lễ Tang, vì Ngài có quan hệ Thầy trò với Sư Ông. Ngài Nguyên Trực cho biết khi xưa Sư Ông là một giáo sư dạy các môn học Việt Văn, Pháp Văn và Anh Văn rất tuyệt vời. Theo Thầy Nguyên Trực, Sư Ông học ngoại ngữ rất nhanh, nên Ngài đã học thêm Nhật ngữ thông thạo trước khi xuất dương du học tại Nhật Bản. Qua câu chuyện kể của Hòa Thượng Nguyên Trực, lòng tôi càng thấy muôn phần kính phục Sư Ông. Gần gũi Sư Ông nhiều năm, chưa hề biết Sư Ông giỏi về ngôn ngữ. Ngài biết rất nhiều thứ tiếng, nhưng lúc nào cũng khiêm nhường, yên lặng.

Một kỷ niệm nữa, có lần tôi mạo muội thưa lên Sư Ông rằng mai này, nếu Sư Ông không còn thì ai sẽ được giao phó đứng ra lo cho Giáo Hội, ai sẽ được giao phó đứng ra lo cho ngôi Chùa Khánh Anh mới. Sư Ông mỉm cười nhẹ nhàng nói: ”mọi việc đều do Phật bổ xứ”.

Câu trả lời đơn giản làm sao. Nhưng hàm chứa một giáo lý siêu việt của Phật Đà. Sư Ông đã gây dựng biết bao nhiêu đạo tràng, dùng biết bao nhiêu tâm huyết để củng cố, phát triển Giáo Hội. Thế mà Ngài chẳng bị dính mắc vào việc nào cả. Tất cả chỉ là tùy duyên. . Mọi sự vật là do duyên sanh, rồi cũng do duyên diệt. Không bận tâm ôm vào mình. Xem như mọi vật là của mình

Câu trả lời nhẹ nhàng này đã giúp tôi thấy mình cần phải học theo hạnh nguyện buông xả của Ngài, nếu muốn đạt được sự an lạc trong cuộc sống tu tập này.

Thành kính tưởng niệm về Sư Ông ân sư

Con thành tâm kính lạy Ngài

Con hàng hậu học TK Thích Viên Giác TVGPhiLong


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/06/2013(Xem: 16148)
Tôi vẫn thích thú và nhớ mãi cái thuở mới chân ướt chân ráo vào Chùa sinh hoạt, nhận lãnh công việc “gõ đầu trẻ” cho đám học sinh trường Việt ngữ Bồ Đề của Tu Viện Quảng Đức do Thầy Tâm Phương thành lập ...
05/06/2013(Xem: 11516)
Hàng ngàn Tăng Ni và Phật đang cung thỉnh chân dung Pháp tượng của Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tiến về Chánh Điện. Hàng ngàn Tăng Ni và Phật đang cung thỉnh chân dung Pháp tượng của Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tiến về Chánh Điện ...
01/06/2013(Xem: 7437)
Cái khó nhứt của tôi là viết về cha tôi , một người rất nổi tiếng trong giới nghiên cứu nhạc Việt Nam và Á châu . Nếu viết khen nhiều hơn chê thì thiên hạ sẽ cho là thiên vị, là người trong nhà khen lẫn nhau . Dù ai có muốn nói gì, nghĩ gì, đối với tôi không quan trọng . Tôi viết về cha tôi cũng như tôi đã viết về nhiều nhạc sĩ, ca sĩ khác . Tôi chỉ ghi những gì tôi biết về cha tôi với một cái nhìn khách quan tối đa . Nhân dịp Lễ Các Người Cha (Father's Day), tôi ghi lại một số hình ảnh của một người cha, một người thầy và một nhà nghiên cứu âm nhạc đã mang lại cho nền âm nhạc Việt Nam những hào quang rực rỡ chói sáng trên thế giới mà chưa có ai có thể làm được cho tới ngày hôm nay.
30/05/2013(Xem: 12378)
Trong suốt gần hai nghìn nămhiện diện trên quê hương, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam phải đối diện vớinhững đe dọa và thách thức trầm trọng như trong gần bốn mươi năm giữa thế kỷthứ 20. Đó là giai đoạn mà Phật giáo phải chịu tác động của 3 cuộc khủng hoảnglớn
25/05/2013(Xem: 15883)
Những sự kiện nổi bật nơi Thầy Minh Phát mà chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử quen biết xa gần đều rất khó quên : Nơi các Đại giới đàn, Thầy là vị dẫn lễ thân kính của các giới tử; nơi các đàn chẩn tế trong những ngày lễ hội lớn, Thầy là vị sám chủ uy nghiêm và gây ấn tượng mạnh trong lòng đai chúng; nơi các bịnh nhân, Thầy là vị lương y kỳ diệu, với một chai nước mát Thầy đọc vài câu Kinh ngắn chú nguyện, người bịnh mang về uống là có thể hết bịnh (đã có nhiều người hết bịnh nhờ uống những chai nước mát của Thầy cho); nơi các Tổ đình lớn, trong một số ngày lễ hội, khi cần - thầy là người “đầu bếp tài ba” v.v…
12/05/2013(Xem: 5368)
Lời Người Dịch: Hồ sơ này đã giải mật theo luật Hoa Kỳ -- tuy vẫn còn xóa trắng 2 dòng ở trang 1, và xóa trắng hai trang 3 và 4 -- sẽ cho thấy cách nhìn từ chính phủ Mỹ về tình hình Việt Nam trong thập niên 1960s. Hồ sơ này cho thấy đánh giá từ phía tình báo Hoa Kỳ về Thầy Thích Trí Quang và hoạt động của Phật Giáo VN trong năm 1966, tức là ba năm sau khi Hòa Thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Một vài đánh giá trong bản văn này bây giờ đã thấy là không chính xác, khi Mỹ dựa vào suy đoán để gán ghép một mục tiêu chính trị nào đó cho một hay nhiều vị sư. Tuy nhiên, bản văn này cho thấy cái nhìn từ phía tình báo Hoa Kỳ đối với Phật Giáo trong tình hình lúc đó đang gay gắt, và sẽ chiếu rọi thêm một phần vào lịch sử phong trào Phật Giáo.
23/04/2013(Xem: 10204)
Quyển NGỮ LỤC này là tập hợp từ những lời thị chúng của Thiền Sư DUYÊN LỰC trong những kỳ thiền thất tại Việt Nam kể từ năm 1983 cho đến những năm tháng cuối đời. Cứ hằng tháng Ngài cho mở một khóa tu bảy ngày ở mỗi Thiền đường cho các hành giả tu Thiền, gọi là “đả thiền thất” để hướng dẫn đại chúng chuyên sâu trong sự nghiệp tu hành. Những lời dạy trước sau đều được đồ đệ ghi âm lại để làm tài liệu tham khảo.
23/04/2013(Xem: 6287)
Như đã kết thiện duyên từ thuở ấy, Giọt mưa trời tưới ngọt đất Hồ Nam. Tiêu phụ thân và từ mẫu họ Nhan Dòng vọng tộc, làm quan Thanh triều đại.
22/04/2013(Xem: 7120)
Kể từ khi loài người biết phát huy trí tuệ, chúng ta thấy rõ có hai khuynh hướng phát triển, khuynh hướng hướng nội và khuynh hướng hướng ngoại. Khuynh hướng hướng ngoại, gọi là ngoại quan, tức quan sát sự hiện hữu và diễn tiến của sự vật bên ngoài giúp cho con người có được nhận thức đúng đắn về sự sống của hiện tượng giới.
22/04/2013(Xem: 18034)
Ba năm về trước, khi bổn-sư (và cũng là chú ruột) của tôi là cố Hòa-Thượng Ðại-Ninh THÍCH THIỀN-TÂM viên-tịch, trong buổi lễ thọ tang ngài tôi có dâng lời nguyện trước giác-linh Hòa-Thượng cầu xin ngài chứng-minh và gia-hộ cho tôi - vừa là đệ-tử và cũng là cháu ruột của ngài - được đầy đủ đạo-lực cùng minh-tâm, kiến-tánh thêm hơn để nối-tiếp theo gót chân ngài, hoằng-dương pháp môn Tịnh-độ nơi hải-ngoại ....
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]