Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một "sự nghiệp" của đời tôi (HT Thích Thiện Hoa)

19/06/201412:14(Xem: 14443)
Một "sự nghiệp" của đời tôi (HT Thích Thiện Hoa)
ht thien hoa

Ngo Chan Giac_ HT Thích Thiện Hoa

Một "sự nghiệp" của đời tôi

Bài viết của HT. Thích Thiện Hoa
Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh



I. NGUYÊN NHÂN

Hoài bão một "CÁI MỘNG" trên 25 năm mới hoàn toàn thực hiện. Trong lúc du học ở Xuân Kinh (1938), đến mùa hè năm 1941, tôi được dịp may dự thính lớp Giáo Lý của Đoàn Thanh Niên Dục Đức, trong một tháng (mỗi đêm giảng 2 giờ), do Bác sĩ Lê Đình Thám đảm trách (lớp này hiện nay còn Thượng Toạ Thích Minh Châu và Đạo hữu Võ Đình Cường v.v...). Tôi thích thú quá! Vì thấy bác sĩ đem phương pháp giảng giải của Tây phương mà giải thích, trình bày một triết lý cao siêu của Đông phương. Sự phối hợp cả Âu và Á làm cho người nghe rất thích thú vì hiểu được rằng triết lý cao siêu của Đông phương qua phương pháp trình bày rõ ràng rành mạch của Tây phương. Từ đó tôi hoài bảo một cái mộng: „ "làm sao, sau này mình sẽ đóng một cây thang giáo lý" (tức là bộ "Phật Học Phổ Thông", ngày hôm nay).

II. SƯU TẦM TÀI LIỆU

Từ đó, tôi bắt đầu gom góp sưu tầm các tài liệu. Đọc trong kinh, xem trong sách, hoặc nghe những bài giảng nào có thể làm tài liệu đóng cây thang giáo lý, thì tôi đều góp nhặt để dành cả: nhứt là tài liệu của bác sĩ Lê Đình Thám (pháp danh Tâm Minh) giảng cho lớp Thanh Niên Đức Dục.


III. THỜI GIAN TẬP SỰ

Đến năm 1945, sau khi tốt nghiệp chương trình Phật pháp, tôi trở về Nam, mở trường dạy giáo lý tại chùa Phật Quang xứ Bang Chang, quận Trà Ôn. Số tăng, Ni đến học trên 30 vị (trong số này hiện nay còn lại, bên tăng, Thầy Thanh Từ v.v...bên Ni, ni cô Trí Định v.v..)

Ngoài lớp giáo lý, chúng tôi còn mở các lớp học quốc ngữ mỗi buổi sáng, để dạy cho các em ở trong làng, số học sinh gần 150 em; dạy lớp Bình Dân Học vụ (vần chữ O) để giúp cho đồng bào mù chữ trong những buổi tối; và mở trạm y tế giúp cho đồng bào bệnh hoạn trong làng.

Muốn làm việc lớn, trước phải làm việc nhỏ, muốn đi xa trước phải từ nơi gần. Nhơn có lớp giáo lý, số học chúng trên 30 vị, tôi bắt đầu tập sự, đem thí nghiệm chương trình Phật học phổ thông (thang giáo lý) mà chúng tôi (cây đã ôm ấp cái mộng từ lâu), để chờ cơ hội tốt, một hoàn cảnh rộng rãi hơn, sẽ đem ra thực hiện (thời gian tập sự, chờ đợi gần 8 năm trường).

Trước nhất, tôi soạn từng dàn bài, rồi đem ra giảng dạy cho học chúng. Tôi bắt họ ký chú kỹ lưỡng. Sau khi giảng xong, tôi bảo họ làm bài đem tôi sửa, rồi viết lại thành từng tập sách nhỏ để cho tín đồ mượn xem, như quyển Đạo Phật, tam qui, Ngũ giới, Tứ nhiếp pháp, Lục độ v.v...


IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Đến năm 1952, đường giao thông được dễ dàng, tôi được các bạn đồng song, Thượng toạ Thích Thiện Hòa (Giám đốc Phật học Đường N.V.), Thượng toạ Thích Nhựt Liên (Tổng Thư ký Giáo Hội Tăng Già Nam Việt) và Thượng tọa Thích Quảng Minh (Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt) đến thăm và mời tôi về Saigòn để chung lo Phật sự.

Quí Thượng tọa khuyên tôi rằng:" Cái đèn treo trên cao, thế nào ánh sáng cũng chiếu xa hơn".

Vì nguyện vọng hoằng dương chánh pháp, vì muốn thống nhất Phật sự và vì tình bạn xa cách nhau trên 8 năm trường muốn sum hiệp, nên tôi hoan hỉ nhận lời. Từ đây, tôi bắt đầu thu xếp mọi công việc, để chờ ngày lên đường.

Đầu năm 1953, sau Tết Nguyên đán, ngày mồng 8 thánh Giêng, 8 thầy trò chúng tôi quảy hành lý lên đường ...Đến Sàigon vào chùa Ấn Quang, sau khi thu xếp chỗ ăn ở tạm xong, quí Thầy giao phó cho tôi hai gánh nặng, là "Giáo dục và Hoằng pháp" (vừa làm trưởng ban giáo dục GHTGNV kiêm Đốc giáo PHĐNV và vừa làm trưởng ban Hoằng pháp GHTGNV). Rồi quí thầy đua nhau xuất dương.

Suốt một thời gian, trên 10 năm trường, đông sông tây đục, cả ngày chỉ lo dạy học, diễn giảng rồi huấn luyện cán bộ trụ trì và giảng viên, hết khoá Hạ đến khoá Đông, con người tôi như con vụ.

Mặc dù công việc quá bận rộn, nhưng cái chí nguyện "đóng cây thang giáo lý" đã ôm ấp từ lâu, tôi không hề xao lãng. Ban ngày dạy học, ban đêm soạn bài, dịch kinh. Hết giờ dạy cho Tăng, Ni ở các học đường, rồi đến dạy cho lớp Như Lai Sứ giả và Cư sĩ. Ngoài ra còn làm các Phật sự khác, việc Giáo hội, việc lễ lược, tổ chức, thù tạc v.v...Một ngày đêm, chúng tôi làm việc thẳng thét 4 buổi (sáng, chiều, tối và khuya).

Mỗi tuần, tối thứ tư hoặc là tối thứ năm, tôi mở lớp dạy giáo lý tại chùa Ấn Quang (Phật học đường NV) rồi đến chùa Phước Hoà (trụ sở của hội Phật học NV) để dạy Phật pháp cho quý Phật tử cư sĩ, tức là lớp "Phật học Phổ thông". Tôi bắt đầu thực hiện "cái mộng" này vào năm 1953.

Soạn từng bài, đem ra dạy, rút kinh nghiệm rồi chúng tôi mới viết kỹ lại thành tập. Đúng 10 bài làm một khoá học.

Mỗi năm chúng tôi mở 2 khóa hoặc 3 khóa (trừ 2 năm 1963 và 1964 gặp lúc Pháp nạn nên không mở khoá học Giáo lý được). Ngoài chương trình Phật học Phổ thông, chúng tôi còn dạy Bản đồ tu Phật (Phật học cương yếu, 10 Tôn phái) và Duy Thức học v.v...

Sau khi rút kinh nghiệm bản thân, từ phương pháp dạy (nghệ thuật trình bày) và bài vở được tu chỉnh rồi in thành tập, chúng tôi mở khoá huấn luyện cho các cán bộ diễn giảng, mỗi khoá 10 bài. Sau khi huấn luyện chu đáo, nắm chắc kết quả, chúng tôi mới cử quí vị giảng viên, đi giảng các Tỉnh Hội Phật học, mỗi nơi 10 đêm, rồi trở về thụ huấn 10 bài khác. Như thế, chúng tôi cử các vị đi mỗi năm ba kỳ, sau nhũng ngày nghỉ học tại Phật học đường NV (mỗi năm nghỉ học 3 kỳ, mỗi kỳ 1 tháng).

Khoá giảng được kết quả tốt đẹp, thính giả mỗi ngày mỗi đông, nên giảng viên thêm hào hứng và rút tỉa nhiều kinh nghiệm. Nhờ thế, giảng viên tiến đến mức chuyên môn, cầm được nghệ thuật diễn giảng, giảng rất hấp dẫn. Người nghe cũng thích thú! Nhờ thế, chúng tôi gây được phong trào học giáo lý từ Đô thành đến các tỉnh, trong mấy năm vừa qua ở miền Nam.

Cứ theo cái đà này mà tiến, hết khoá thứ nhất đến khoá thứ hai, rồi tiếp đến khoá thứ ba và thứ tư v.v...Bắt đầu từ năm 1953 đến nay (1965) là 13 năm tôi đã hoàn thành được 12 nấc thang Giáo lý; nghĩa là 12 khoá "Phật học Phổ Thông". Nếu cộng với 5 năm hoài bão cái mộng trên, và thời gian tập sự 8 năm, tất cả là 25 năm trọn.


V. NỘI DUNG

Trong thời gian trên, ngoài bộ "Phật học Phổ thông" 12 tập, chúng tôi còn soạn bộ "Bản đồ tu Phật " 10 tập, "Duy thức học", 6 tập và các loại sách khác, như Bài học ngàn vàng v.v...tất cả là 10 loại, gần 80 thứ.

Nội dung bộ "Phật học Phổ thông", chia làm 12 khoá: Từ khoá I đến khoá IV, nói về "Ngũ thừa Phật giáo" và những vấn đề cần biết như nhơn quả luân hồi, Đạo Phật v.v... Khoá V, năm bài đầu nói vể Lịch sử truyền bá của Phật giáo, từ Ấn Độ sang Trung Hoa đến Việt Nam và các nước Phật giáo, ba bài tiếp nói về Đại cương Phật giáo (10 tôn phái), 2 bài sau nói về "Nhơn sanh và vũ trụ" là hai vấn đề rất quan trọng. Khoá thứ VI và VII là Đại cương kinh Lăng nghiêm, khoá thứ VIII là kinh Viên giác, 2 bộ kinh này thuộc về tánh tôn và được ca tụng nhiều nhứt trong Thiền môn. Khoá thứ IX là Duy thức học (Luật Đại thừa Bá pháp, Bát thứ qui cũ, Duy thức Tam thập tụng, A Đà Na thức, và luận Nhơn Minh). Khoá thứ X và XI là luận Đại thừa khởi tín, một bộ luận có tiếng tăm trong Phật giáo. Duy thức học và luận Khởi tín, thuộc về Tướng Tôn. Thế là từ khoá I đến khóa XI, có thể giúp cho độc giả hiểu được căn bản giáo lý là Ngũ Thừa Phật giáo, Tánh Tôn và Tướng Tôn, cùng những vấn đề quan trọng trong Phật giáo. Đến khóa thứ XII là kinh Kim Cang Bát Nhã và Tâm kinh, thuộc về Tánh không tôn, để giúp cho hành giả muốn lên cao phải cởi mở rũ bỏ những gì nặng nề đã mang từ lâu.

Chúng tôi chia ra 12 khoá, từ thấp đến cao giúp cho qúi Phật tử dễ học; cũng như cây thang có 12 nấc để cho người dễ leo.

VI. LỢI ÍCH

Bộ "Phật học Phổ thông" và các loại sách "Phật học tùng thư" của chúng tôi từ khi được phổ biến đến nay, đã đem lại các lợi ích như sau:

1. Truyền bá giáo lý được sâu rộng trong quần chúng.

2. Giúp cho rất nhiều Phật tử hiểu biết Phật pháp để tu hành.

3. Giúp cho Tăng, Ni các Phật học viện mau hiểu giáo lý.

4. Giúp tài liệu cho quí Giảng sư và Giáo sư để giảng dạy giáo lý.


VII. NHỮNG YẾU TỐ ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG VIỆC SÁNG TÁC VÀ PHIÊN DỊCH


1. KHẢ NĂNG

Muốn làm công việc gì trước tiên cần phải có đủ "khả năng" về công việc ấy. Như người muốn sáng tác và phiên dịch giáo lý, tất nhiên phải có đủ khả năng về việc này, phải có một học lực khác, cả nội điển lẫn ngoại điển, tương đương với công việc, mới có thể làm được.


2. BỀN CHÍ

"Bền chí" là một yếu tố cần nhứt trong mọi công việc, nhứt là việc sáng tác và phiên dịch. Công việc này đòi hỏi rất nhiều sự "cần cù, rị mọ", ngồi cặm cụi suốt ngày đêm trên bàn viết, từ tháng này đến năm nọ. Người không bền chí, không thể đeo đuổi được lâu dài. Nếu chỉ do hứng thú nhứt thời, thì chỉ viết hoặc dịch được một vài quyển mà thôi.


3. SỨC KHOẺ

"Sức khoẻ" cũng là một yếu tố cần thiết trong mọi công việc. Nếu làm việc gì mà thiếu sức khoẻ thì khó thành công mỹ mãn. Sức khoẻ kém, cố nhiên thân thể mỏi mệt, tinh thần bì quyện, không minh mẫn sáng suốt, không thể ngồi lâu, để phiên dịch hoặc sáng tác.


4. THÍCH THÚ

Làm công việc gì, mặc dù có khả năng sức khoẻ và bền chí, nhưng nếu không thấy "thích thú" thì cũng khó mà thành tựu, nhứt là việc phiên dịch và sáng tác. Có cảm thấy thích thú, mới vượt qua được sự khó khăn cực khổ, mài miệt nơi bàn viết ngày đêm, không chán.

Người sáng tác hoặc phiên dịch, khi thực hiện được một tác phẩm nào, tự cảm thấy vui mừng và thích thú, không khác gì anh nghèo cất được cái nhà mới. Phải có thích thú như thế, mới làm được việc này.


5. TIÊU CHUẨN PHIÊN DỊCH VÀ SÁNG TÁC

Người xưa nói: "Văn tức là người". Đúng như thế. Người tánh tình như thế nào, thì viết văn cũng như thế ấy.

Viết văn hay diễn giảng ai cũng muốn cho nhiều người đọc và dễ hiểu. Nhưng trái lại, khi viết hay giảng, phần nhiều người muốn nói thật cao siêu khó khăn, làm cho người đọc và nghe phải mệt trí ! như thế không khác gì người muốn đi tới mà hai chân lại bước lui. Thật ra, điều đó là do ảnh hưởng tánh tình, cũng khó mà thay đổi.

Chúng tôi nhắm vào tiêu chuẩn: khoa học (rõ ràng thứ lớp), Đại chúng (Phổ thông, bình dân) và Dân tộc (sắc thái Việt nam), nên những kinh sách, mặc dù khó đến đâu, qua sự phiên dịch hoặc sáng tác của chúng tôi, cũng đều làm cho người đọc được dễ hiểu và rõ ràng.

Theo sự kinh nghiệm của chúng tôi trên mười năm nay về việc trước tác và phiên dịch, nếu tác phẩm nào thiếu ba điểm trên (Khoa học, Đại chúng và Dân tộc) thì khó có thể phổ biến sâu rộng trong quảng đại quần chúng


6. TẠO HOÀN CẢNH THÍCH HỢP

Hoàn cảnh là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại. Chúng ta nên hay hư, hay hay dở, đa số đều do ảnh hưởng hoàn cảnh tốt hay xấu. Chúng tôi làm được một vài công tác về phiên dịch và sáng tác, là do chúng tôi tự tạo ra một hoàn cảnh thuận tiện, để nó thúc đẩy chúng tôi trên công việc này.

Trước nhất, chúng tôi mở ra một lớp học giáo lý hằng tuần (bắt đầu năm 1953 đến nay, mỗi tuần vào tối thứ tư hoặc tối thứ năm), và soạn chương trình giáo lý từ sơ cấp đến cao đẳng. Mỗi tuần tôi soạn một bài giáo lý để dạy. Và tôi phải nghiên cứu cách dạy (nghệ thuật trình bày) mỗi bài phải dạy thế nào cho hấp dẫn, người học dễ thâu thập và thích thú. Vì thế mà người học mỗi ngày mỗi đông và bắt buộc tôi mỗi tuần phải soạn ra một bài để dạy. Một năm tôi mở dạy hai hoặc ba khoá (trước hạ, giữa hạ và sau hạ). Nhờ thế mà bài vở mỗi ngày thêm nhiều và nghệ thuật giảng dạy mỗi ngày càng thêm điêu luyện

Sau khi đã có sẵn một số tài liệu về giáo lý, và nắm chắc kết quả về sự giảng dạy ở trong tay rồi, chúng tôi liền mở ra các lớp huấn luyện cán bộ: Giảng sư, Trụ trì và Như Lai Sứ giả để huấn luyện về chuyên môn của chúng tôi.

Sau khi được huấn luyện thuần thục, nắm chắc sự thành công trong tay, các vị cán bộ được cử đi các Tỉnh hội Phật học mở khoá dạy giáo lý, mỗi nơi 10 đêm. Người học mỗi đêm càng đông. Người dạy mỗi ngày thêm hào hứng. Nhờ thế mà chúng tôi gây được phong trào học giáo lý trong các năm vừa qua ở miền Nam. Không gì thích thú bằng: bài mình soạn có người dạy, sách mình viết có người đọc. Hoàn cảnh này thúc đẩy chúng tôi phải cố gắng biên soạn, để cung ứng nhu cầu về giáo lý cho quí Phật tử bốn phương


7. SÁNG KIẾN

Với "sáng kiến", công việc của chúng ta dù cũ cũng thành mới mẻ. Trong khi giảng dịch hay viết, nếu không có một đôi chút sáng kiến thì người nghe hay đọc cảm thấy khô khan, buồn nản. Trái lại, nếu chúng ta có sáng kiến thêm vào, thì người đọc cảm thấy như thưởng thức được vài phần hương vị mới lạ. Chúng tôi xin dẫn một vài bằng chứng điển hình: Bộ Đại thừa Bá pháp minh môn là một bộ luận đã có từ nghìn xưa, người đọc rất khó hiểu. Nhưng chúng tôi có sáng kiến, căn cứ vào đó, sáng tác quyển TU TÂM, làm cho người đọc dễ hiểu và thích thú .- Kinh Lăng Nghiêm đã có mấy nhà dịch ra chữ Việt, nhưng bản dịch của chúng tôi, vì có đôi phần sáng kiến và sáng tác, nên được nhiều người thích đọc, vì rõ ràng và dễ hiểu. Bởi thế nên "sáng kiến" không những rất cần trong việc phiên dịch và sáng tác, mà còn rất cần trong mọi công việc và mọi hoàn cảnh.


8. KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC

Phàm làm việc gì có kế hoạch và biết tổ chức thì công việc mới thánh tựu dễ dàng. Trên đoạn thứ 6 nói về hoàn cảnh, chúng tôi đã nói một vài khía cạnh về sự tổ chức việc làm của chúng tôi. Đến đây chúng tôi nói rõ thêm, để giúp ích phần nào cho những người bạn muốn đi theo con đường của chúng tôi.

Theo đúng kế hoạch và tổ chức, chúng tôi chia công việc ra làm 3 phần như sau: Biên soạn, Xuất bản và Phổ biến (phát hành).

1. Phần biên soạn và phiên dịch - Chúng tôi lập "Phật học Tùng thư", chia ra làm 10 loại sách sau đây: 1. Kinh, 2. Luật, 3. Luận, 4. Phật học Phổ thông, 5. Bài giảng, 6. Phật học giáo khoa, 7. Giáo lý dạy Gia đình Phật tử, 8. Tạp luận, 9. Sự tích, 10. Kinh tụng (các nghi thức tụng niệm)

Tất cả 10 loại sách này, gồm 80 thứ, phân chia làm 8 bộ:

1. Bộ Phật học Phổ thông, 12 khoá (hay Cây thang giáo lý, 12 nấc)

2. Bộ Bản đồ tu Phật, 10 tập (Đại cương Phật giáo:10 tôn phái)

3. Bộ Duy thức học, 6 quyển (các sách vở chánh tông của Duy thức)

4. Phật học Giáo khoa các trường trung học Bồ Đề (từ đệ Thất đến đệ Nhất)

5. Giáo lý dạy Gia đình Phật tử (sắp thức hiện)

6. Nghi thức tụng niệm (kinh Nhựt tụng Đại bổn và Tiểu bổn v.v...)

7. Tám quyển sách quí, bài học ngàn vàng v.v...(tạp luận)

8. Sự tích

Các bộ sách này, sắp có thứ tự và theo hệ thống từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, làm cho người đọc được dễ hiểu, như cây thang có nhiều nấc, khiến cho người leo lên cao không khó (muốn rõ hệ thống tổ chức và nội dung của mỗi bộ sách nói trên, xin quí vị xem quyển "Mục lục kinh sách" của Hương Đạo xuất bản").

2. Phần xuất bản - Chúng tôi tổ chức một cơ quan xuất bản gọi là "nhà xuất bản Hương Đạo", để xuất bản kinh sách của chúng tôi phiên dịch và sáng tác từ trước đến nay.

Từ hai bàn tay trắng, chúng tôi chỉ lấy công làm lời, lấy lời làm vốn. Ban đầu in từ quyển sách nhỏ, như Tu Tâm, lần đến các tập Phật học Phổ thông v.v...Ngoài sự trả tiền in cho nhà in và bút phí, chúng tôi rất tiện tặn, không dám tiêu xài. Dành dụm cho tới ngày nay, nhà xuất bản Hương Đạo của chúng tôi, được một kho sách gần 80 thứ.

3. Phần Phổ biến - Như đoạn trên, trong phần thứ 6 nói về hoàn cảnh, chúng tôi có nói sơ lược: sau khi đã có sách vở rồi, chúng tôi mở lớp giáo lý tại Thủ Đô dạy theo chương trình chúng tôi đã soạn. Rồi chúng tôi huấn luyện cán bộ đi các tỉnh, cũng dạy theo tài liệu nói trên. Ngoài ra, chúng tôi còn gởi các nhà phát hành kinh sách ở Trung và Nam để họ phổ biến sâu rộng trong quần chúng. Nhờ thế, mà giáo lý được phổ biến và giúp cho sự xuất bản được dễ dàng và sự phiên dịch sáng tác khỏi bị khủng hoảng.

9. KINH NGHIỆM

Mỗi khi chúng ta làm một việc gì, dù thất bại hay thành công đều là một bài học cho chúng ta rút kinh nghiệm, để làm việc sắp đến.

Về việc sáng tác phiên dịch, xuất bản và phổ biến, trên 10 năm nay, chúng tôi rút rất nhiều kinh nghiện về sự thất bại cũng như thành công. Gặp thành công, chúng tôi giữ y như thế mà tiến. Gặp thất bại chúng tôi rút kinh nghiệm để sửa chữa. Mỗi khi ra một quyển sách hay giảng một bài nào, chúng tôi dọ hỏi dư luận quần chúng, tìm hiểu những phê bình chỉ trích hơn là lời khen ngợi. Nhờ thế mà chúng tôi gặt hái được những thành quả hôm nay.

10. TRÌNH BÀY TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO ĐÔNG PHƯƠNG QUA PHƯƠNG PHÁP TÂY PHƯƠNG

Chúng tôi vào chùa từ thuở bé, lo học giáo lý nhà Phật, chỉ hấp thụ tư tưởng Phật giáo đông phương. Một duyên may, năm 1941, tôi được dự thính lớp Thanh niên Đức Dục tại Huế, do bác sĩ Lê Đình Thám đảm nhiệm. Bác sĩ là người rất giỏi về Âu học và cũng rất thâm về Á học. Bác sĩ đem phương pháp giảng giải của Tây phương mà giảng giải phân tích nền triết học cổ học Đông phương một cách rõ ràng rành mạch mà vẫn giữ được phần cao siêu thâm thuý. Chúng tôi thích thú vô cùng. Mặc dù hấp thụ trong thời gian không lâu, nhưng một khi hạt giống đã rơi vào tâm điền rồi, từ đó về sau nó sẽ tiến hoá luôn, nứt mộng, nẩy chồi cho đến khi đơm bông kết trái.

Về sự giảng dạy cũng như sự trước tác phiên dịch của chúng tôi, người nghe và người đọc được dễ hiểu, rõ ràng và rành mạch là nhờ chúng tôi áp dụng được đôi phần phương pháp Tây phương.


11. ĐẶT SÁT VẤN ĐỀ

Một vài người bạn đến chơi và thân mật phê bình: "Thầy không thông minh lắm, chậm chạp và ít sáng kiến, nhưng mỗi khi có một sáng kiến nào, thì Thầy đeo đuổi và làm cho kỳ được. Điều quý nhất là thầy biết đặt sát vấn đề, biết cân nhắc đắng đo, chọn người chọn việc, đặt đúng chỗ và dùng đúng thời, nên thành công được nhiều khả quan".


12. KHÔNG ĐI XA MỤC ĐÍCH

Mỗi khi làm một việc gì, trước nhất chúng tôi tự hỏi: "Mục đích để làm gì?". Sau khi hạ thủ công việc ấy, chúng tôi luôn luôn nhắm mục đích ấy mà tiến, không dám đi lạc đường. Như việc phiên dịch và sáng tác này, trước khi bắt tay vào việc, chúng tôi tự vấn lương tâm: "Mục đích để làm gì? Vì danh? Vì lợi? Hay vì hoằng pháp lợi sinh?"- Sau khi chúng tôi quyết định: "mục đích để phổ biến giáo lý" và may ra có lợi phần nào, thì tiếp tục in thêm các kinh sách khác và giúp cho quí vị cán bộ diễn giảng hay những người đang thiếu thốn chung quanh.

Vì mục đích trên, các năm đầu, mỗi tháng chúng tôi đều có cúng dường theo bản nguyện. Sau một thời gian thấy quí vị giảng sư được thành công trong việc diễn giảng, có đủ phương tiện để tự túc, chúng tôi lại bớt phần cúng dường, xoay lại để làm bút phí cho sự sửa chữa, hay tu chỉnh các tác phẩm và dịch phẩm đã xuất bản. Đến nay, công việc tu chỉnh và xuất bản v.v...vẫn còn tiếp tục.

Nhờ không đi sai "mục đích" hay "bản nguyện", nên chúng tôi được toại nguyện khá nhiều.


13. BIẾT DÙNG VÀ DÁM DÙNG TIỀN

Đành rằng: "không tiền thì không làm được việc gì". Nhưng có tiền mà đắng đo rít rắm, tiện tặn quá, thì cũng không làm nên việc gì lớn lao. Lại nữa, có tiền mà không biết dùng tiền, nghĩa là dùng tiền không đúng chỗ không hợp thời, thì có tiền chỉ thêm hại mà thôi. Trái lại, dùng tiền trúng chỗ hợp thời thì được thành công tốt đẹp.

Xuyên qua các đoạn trên (phần xuất bản và đoạn thứ 12: không đi xa mục đích) quí vị thấy chúng tôi lấy công làm lời, lấy lời làm vốn, rất tiện tặn dành dụm và tích trữ mới thành một sự nghiệp (một kho sách, 10 loại, gần 80 thứ). Mặc dù chúng tôi tiện tặng tiết kiệm như vậy, nhưng vì muốn cho thành "một sự nghiệp văn hoá" nên với việc đáng dùng như "tu chỉnh, sửa chữa" lại các bộ sách đã xuất bản, chúng tôi dám xuất số tiền, có thể nói gần quá sức lo của chúng tôi. Không sợ tốn kém, miễn sao thành tựu công việc thì thôi. Nhờ thế chúng tôi thâu góp được kết quả theo ý muốn.


VIII. GHI ƠN

Kinh chép: "Chư pháp tùng duyên sanh". Chính thế, mặc dù chúng tôi đã có chí nguyện "đóng cây thang giáo lý" làm chánh nhơn, nhưng nếu không nhờ các duyên lành, thì cũng khó mà thành tựu. Vậy hôm nay, công việc mà chúng tôi xem như "Một sự nghiệp của đời tôi", có thể nói là đã hoàn thành, chúng tôi xin thành tâm ghi đậm công ơn sau đây:

1. Ơn Tam Bảo gia hộ;

2. Ơn quí Sư trưởng và thiện hữu tri thức mở mang kiến thức;

3. Ơn Phụ Mẫu sanh thành và ơn Đàn na giúp đỡ;

4. Ơn Thượng tọa Thích Thiện Hòa, Đại đức Thích Trường Lạc v.v...đã soạn giúp một số bài, khi chúng tôi quá bận việc và vui lòng chiều theo ý muốn, để mặc tình chúng tôi sửa chữa;

5. Ơn Đạo hữu Võ Đình Cường đã giúp tôi rất nhiều về việc tu chỉnh bài vỡ;

6. Ơn quí Phật tử đến học hằng tuần (từ năm 1953 đến 1962) tạo hoàn cảnh để thúc đẩy chúng tôi sáng tác và thí nghiệm chương trình giáo lý;

7. Ơn Đạo hữu Nhuận Chưởng. Minh Phúc và ông Dương Kiều Thi v.v...đã giúp chúng tôi về việc xuất bản.


IX. HIẾN GIÁO HỘI PGVNTN

Những tác phẩm hay dịch phẩm, của nhà xuất bản Hương Đạo chúng tôi, sau khi tu chỉnh hoàn toàn, và trả tất nợ nhà in rồi, chúng tôi sẽ làm lễ hiến cho Giáo Hội Phật Giáo VNTN hay những người nối theo chí nguyện (phiên dịch và sáng tác) của chúng tôi.

Những tác phẩm của chúng tôi, đều không giữ bản quyền đối với quí vị nào muốn ấn tống. Nhưng, nếu ai muốn sửa đổi nội dung hay in để kiếm lời, thì phải được sự đồng ý của chúng tôi


X. HỒI HƯỚNG

Tôi làm được điều lợi ích gì, có bao nhiêu công đức đều hồi hướng:

Trên đền đáp bốn ơn

Dưới cứu giúp ba loài.

Cầu nguyện cho:

Mặt trời Phật thêm sáng

Bánh xe pháp xoay hoài

Thế giới đều hoà bình

Nhơn dân được an lạc

Tôi và các chúng sinh

Đều sanh về cõi Phật.


ht thien hoa
LƯỢC THUẬT TIỂU SỬ

CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HOA



I.- THẾ TỘC:
Hòa thượng húy Trần Thiện Hoa, pháp danh Thiện Hoa, hiệu Hoàn Tuyên, sanh ngày 7.8 năm Mậu Ngọ (1918), tại làng Tân Quy, quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ. Thân phụ Hòa thượng huý Trần Văn Thê, pháp danh Thiện Huệ, thân mẫu húy Nguyễn Thị Sáu, pháp danh Diệu Tịnh. Toàn thể gia đình Hòa thượng đều quy y với tổ Chí Thiền chùa Phi Lai núi Voi, Châu Đốc. Pháp danh Thiện Hoa do Tổ đặt cho Hòa thượng.

Sau khi thân phụ quá cố, Hòa thượng theo thân mẫu đi chùa Phước Hậu, làng Đông Hậu, quận Trà Ôn làm lễ cầu siêu trong 7 tuần thất. Duyên xưa gặp lại, mặc dù lúc ấy Hòa thượng chưa biết đạo lý là gì, mà nằn nằn quyết một đòi ở chùa. Bởi gia đình mộ đạo, nên cụ bà không từ chối nguyện lành của con. Năm ấy Hòa thượng vừa lên 7 tuổi, xuất gia tại chùa Phước Hậu. Sau đó, Hòa thượng được gởi đến chùa Đông Phước, làng Đông Thành, quận Cái Vồn, theo học với tổ Khánh Anh.


II. - THỜI HỌC ĐẠO:


a) Học các trường gia giáo:

Hòa thượng cầu pháp với tổ Khánh Anh được hiệu là Hoàn Tuyên. Từ đó, Tổ được mời dạy những trường gia giáo nơi nào, Hòa thượng đều theo đó học tập, từ chùa Đông Phước lần lượt đến các nơi, sau cùng là chùa Long An. Năm 1931, tổ Khánh Anh lãnh chùa Long An ở Đồng Đế Trà Ôn và khai gia giáo nơi đây. Năm ấy, Hòa thượng đã 14 tuổi, nhập chúng tu học tại chùa này 3 năm.


b) Phật học đường Lưỡng Xuyên:

Đầu mùa hạ năm 1935, Phật học đường Lưỡng Xuyên khai giảng, Hòa thượng xin nhập học tại đây, lúc đó được 17 tuổi và ngay năm ấy, Hòa thượng thọ giới Sa-di. Từ đây Hòa thượng chính thức vào Phật học đường sống theo nếp mẫu mực đạm bạc của đời Tăng sinh. Sau 3 năm mãn lớp Sơ đẳng nơi đây, Tăng sinh muốn tiến lên phải vận động ra Huế học. Với chí hiếu học và óc cầu tiến, Hòa thượng nài xin Ban giám đốc Phật học đường Lưỡng Xuyên chấp nhận giới thiệu, và vận động thí chủ ủng hộ tài chính. Kết quả Hòa thượng được mãn nguyện, năm 1938 Ngài ra Huế học, lúc ấy 20 tuổi.


c) Phật học đường Báo Quốc:

Sau khi ra Huế, quý Ngài dự học tại Phật học đường Tây Thiên hai năm. Kế đó vào Quy Nhơn ở chùa Long Khánh để đến học Phật pháp với tổ Phước Huệ ở chùa Thập Tháp hết một năm tròn. Các Ngài lại trở ra Huế dự học tại Phật học đường Báo Quốc ngót bốn năm. Sau trường Báo Quốc dời đến tòng lâm Kim Sơn năm 1945. Lớp học tại đây vừa mãn thì chiến tranh dồn tới. Trường Kim Sơn không duy trì được, nên Hội An Nam Phật Học ủy thác cho quý Hòa thượng Trí Tịnh và Thiện Hoa v.v...mang một số học Tăng vào Nam. Thế là, ngót tám năm dài (1938 - 1945), quý Hòa thượng chịu nhọc nhằn cần mẫn học tập ở đất Thần kinh. Khi trở về mang một hoài bão "Hoằng pháp lợi sinh", để rồi miền Nam bừng sáng do các Ngài mồi ngọn đuốc từ chốn cố đô.


III.- THỜI HÀNH ĐẠO:


1) Khai giảng Phật Học Đường Phật Quang:

Năm 1945 Hòa thượng hợp tác cùng Hòa thượng Trí Tịnh khai giảng Phật học đường Phật Quang tại rạch Bang Chang, xã Thiện Mỹ, quận Trà Ôn. Số Tăng sinh đến dự học trên 30 vị. Năm 29 tuổi Hòa thượng thọ giới Tỳ kheo và Bồ-tát tại giới đàn Kim Huê Sa Đéc.


2) Cộng tác Phật Học Đường Nam Việt Ấn Quang:

Đầu mùa Xuân năm 1953, Hòa thượng cùng tám đệ tử mang hành lý đến Phật học đường Nam Việt nhằm ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch. Sau cuộc họp của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, quý Hòa thượng đã đồng tình cử Hòa thượng giữ chức vụ Trưởng Ban giáo dục Giáo Hội Tăng Già Nam Việt kiêm Đốc giáo PHĐNV và chức Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.


a) Về phần Giáo Dục:

Với trách nhiệm đốc giáo PHĐNV, Hòa thượng đã tận tâm giảng dạy cho hai lớp Cao đẳng và Trung đẳng nơi đây. Đồng thời, Hòa thượng cũng dạy lớp Trung đẳng Ni chúng mở tại chùa Từ Nghiêm, sau dời về Phật học Ni trường Dược Sư.

Kết quả, hai lớp ở PHĐNV tại chùa Ấn Quang đã lần lượt ra trường. Đồng thời Ni trường Dược Sư cũng đã đào tạo nên một số Ni chúng khả dĩ gánh vác được Phật sự đáng kể Đến năm 1957. Hòa thượng lại chủ xướng mở những khóa huấn luyện trụ trì lấy tên là Như Lai Sứ Giả. Tăng giới đặt tại chùa Pháp Hội, Ni giới đặt tại chùa Dược Sư.


Với trách nhiệm Trưởng Ban Giáo Dục trong Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Hòa thượng đã khuyến khích mở trường Phật học ở các tỉnh như trường Phật học tại chùa Bình An Long Xuyên (1956), trường Phước Hòa ở Vĩnh Bình, trường Giác Sanh ở Phú Thọ, trường Biên Hòa và trường Phật Ân ở Mỹ Tho v.v...

Có thể nói hầu hết Tăng Ni miền Nam đương thời đều chịu ân giáo dục của Hòa thượng, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.


b) Về Hoằng Pháp:

Hòa thượng nhận chức Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt năm 1953. Đích thân Hòa thượng huấn luyện Tăng Ni sinh tại các Phật học đường để trở thành những giảng sư thật sự. Đồng thời, Hòa thượng cũng huấn luyện các vị trụ trì Tăng Ni đều có thể thành giảng viên trên lãnh vực của mình và đi diễn giảng các nơi khác. Chẳng những đào tạo Tăng Ni, Hòa thượng còn huấn luyện số cư sĩ đã chịu khó theo học các lớp giảng tại chùa Ấn Quang, khả dĩ đi diễn giảng các nơi được. Quả thật sinh khí đã len vào mọi tâm hồn Phật tử, khiến họ hăng say học Phật. Cứ như thế mãi ngót tám năm trời.


c) Trước tác và phiên dịch:

Từ năm 1953 đến năm 1965, Hòa thượng soạn xong 12 khóa Phật Học Phổ Thông, hay gọi là Cây Thang Giáo Lý. Bản Đồ Tu Phật, Duy Thức Học, tám quyển sách quý. Về phiên dịch, Hòa thượng đã dịch được một số kinh điển Đại thừa như Lăng Nghiêm, Viên Giác, Kim Cang…

Có thể nói sự nghiệp quan trọng nhất trong đời của Hòa thượng, là những tác phẩm và dịch phẩm do nhà xuất bản Hương Đạo ấn hành. Để tưởng niệm lại công đức của Tổ sư, chúng ta cùng nhau lắng lòng ôn lại những lời dạy của Ngài qua một trích đoạn trong bài Nhân Quả sau đây:

Định nghĩa Nhân quả: Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Nhân là hạt, quả là trái do hạt ấy phát sinh. Nhân là năng lực phát động, quả là sự thành hình của năng lực phát động ấy. Nhân quả là một định luật tất nhiên, có tương quan mật thiết với nhau và chi phối tất cả mọi sự mọi vật.

Để có một quan niệm rõ ràng về luật nhân quả, chúng ta hãy tuần tự phân tích hành tướng của nhân quả trong các chủng loại nằm trong vũ trụ:


1. Nhân quả trong những vật vô tri vô giác: Nước bị lửa đốt thì nóng, bị gió thổi thì thành sóng, bị lạnh thì đông lại. Nắng lâu ngày thì đại hạn, mưa nhiều thì lụt, gió nhiều thì sanh bão.


2. Nhân quả trong các loài thực vật: Hạt cam thì sanh cây cam, cây cam thì sanh trái cam. Hạt ớt thì sanh cây ớt, cây ớt thì sanh trái ớt. Nói một cách tổng quát giống ngọt thì sanh quả ngọt, giống chua thì sanh quả chua, giống đắng thì sanh quả đắng, giống nào thì sanh quả ấy.


3. Nhân quả trong các loài động vật: Loài chim sanh trứng nên ta gọi trứng là nhân. Khi ấp nở thành con là quả. Con chim ấy trở lại làm nhân, sanh ra trứng là quả. Loài thú sanh con, con ấy là quả. Con thú lớn lên trở lại làm nhân, sanh ra con là quả.


4. Nhân quả nơi con người:


a- Về phương diện vật chất: Thân tứ đại là do bẩm thụ khí huyết của cha mẹ và do hoàn cảnh nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là nhân, người con trưởng thành là quả và cứ tiếp nối vậy mãi. Nhân sanh quả, quả sanh nhân, không bao giờ dứt.


b- Về phương diện tinh thần: Những tư tưởng và hành vi trong quá khứ tạo cho ta những tánh tình tốt hay xấu, một nếp sống tinh thần trong hiện tại. Tư tưởng và hành động quá khứ là nhân, tánh tình, nếp sống tinh thần trong hiện tại là quả. Tánh tình và nếp sống này làm nhân để tạo ra những tư tưởng và hành động trong tương lai là quả.

Phương diện tinh thần này hay nói theo danh từ nhà Phật, phương diện nội tâm là phần quan trọng. Vậy chúng ta phải đặc biệt chú ý đến hành tướng của nó.


A. Nhân quả của tư tưởng và hành vi không tốt.


1- Tham: Thấy tiền của người nổi lòng tham lam sanh ra trộm cắp hoặc giết hại người là nhân, bị chủ đánh đập hoặc chém giết phải mang tàn tật, hay bị nhà chức trách bắt giam trong khám đường, chịu những tra tấn đau khổ là quả.


2. Sân: Người quá nóng giận đánh đập vợ con, phá hại nhà cửa, chém giết người không gớm tay là nhân. Khi hết giận, đau đớn nhìn thấy vợ con bệnh hoạn, nhà cửa tiêu tan, luật pháp trừng trị, phải chịu nhiều điều khổ cực là quả.


3. Si mê: Người say mê sắc dục, liễu ngõ hoa trường không còn biết sự hay dở, phải trái, đó là nhân. Làm cho gia đình lủng củng, thân thể suy nhược, trí tuệ u ám là quả.


4. Nghi ngờ: Suốt đời cứ nghi ngờ việc này đến việc khác, ai nói gì cũng không tin, ai làm gì cũng không theo, đó là nhân. Kết cuộc không làm nên được việc gì cả, đến khi lâm chung, buông xuôi hai bàn tay trắng, đó là quả.


5. Kiêu mạn: Tự cho mình là hơn cả, khinh bỉ mọi người, chà đạp nhân phẩm người chung quanh là nhân, bị người ghét bỏ, xa lánh, sống một đời lẻ loi, cô độc là quả.


6. Nghiện rượu chè: Chung nhau tiền bạc ăn nhậu cho thỏa thích là nhân. Đến lúc say sưa, chén bát ngổn ngang, ghế bàn nghiêng ngả, nhiều khi rầy rà chém giết nhau, làm nhiều điều tội lỗi, phải bị phạt và và tù tội là quả.


7. Say mê cờ bạc: Thấy tiền bạc của người muốn hốt về mình, đắm đuối quanh năm suốt tháng theo con bài lá bạc là nhân. Đến lúc hết của, nhà tan, nợ nần vây kéo, thiếu trước hụt sau là quả.


B. Nhân quả của tư tưởng và hành vi tốt.

Như trên chúng ta đã thấy, những tư tưởng hành vi xấu xa, tạo cho con người những hậu quả đen tối, nhục nhã, khổ đau như thế nào, thì những tư tưởng và hành vi đẹp đẽ tạo cho con người những hậu quả xán lạn, vinh quang và an vui cũng như thế ấy.

Người không có tánh tham lam, bỏn xẻn thì tất không bị của tiền trói buộc, tất cả được thảnh thơi. Người không nóng giận, tất được sống trong cảnh hiền hòa, gia đình êm ấm. Người không si mê theo sắc dục, tất được gia đình kính nể, vợ con quí chuộng, trí tuệ sáng suốt, thân thể tráng kiện. Người không hay ngờ vực, có đức tin thì hăng hái trong công việc, được người chung quanh tin cậy và dễ thành tựu trong đường đời. Người không ngạo mạn thì được bạn bè quí chuộng, niềm nở tiếp đón, tận tâm giúp đỡ khi mình gặp tai biến. Người không rượu chè cờ bạc thì không đến nỗi túng thiếu, bà con quen biết kính nể, yêu vì…Những điều trên đây tưởng không cần phải nói nhiều, quí độc giả cũng thừa biết. Hằng ngày quanh chúng ta những cảnh tượng nhân và quả diễn ra không ngớt.


Nói một cách tổng quát, về phương diện vật chất cũng như tinh thần, người ta gieo thứ gì thì gặt thứ ấy. Khi chúng ta đã biết rõ luật nhân quả, nhưng nếu không đem nó ra ứng dụng trong đời sống của chúng ta, thì sự hiểu biết ấy trở thành vô ích. Cho nên chúng ta đã hiểu rõ thì phải cố gắng thực hành cho được bài học ấy trong mọi trường hợp. Nếu chúng ta biết đem luật nhân quả làm một phương châm hành động và suy luận, thì chúng ta sẽ thu lượm được rất nhiều lợi ích, cụ thể là:

- Luật nhân quả tránh cho ta những mê tín dị đoan, những tin tưởng sai lầm vào thần quyền.

- Luật nhân quả đem lại lòng tin tưởng vào chính con người.

- Luật nhân quả làm cho chúng ta không chán nản, không trách móc.

Chúng ta thấy rõ những ích lợi do sự hiểu biết luật nhân quả đem lại rồi, nên cần phải biết triệt để khai thác nó vào đời sống. Trong mọi hành động của chúng ta, bao giờ cũng nên nghĩ đến quả mà trồng nhân. Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình nhiều điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày. Chứ ngững người sáng suốt làm việc có kế hoạch khôn ngoan, thì bao giờ cũng nhắm cái đích rồi mới đi tới, hình dung rõ ràng cái quả rồi mới trồng nhân.


Tóm lại, nếu chúng ta biết đem bài học nhân quả áp dụng trong tất cả mọi công việc hàng ngày của đời mình, thì chúng ta sẽ thấy tánh tình và hành vi của chúng ta mỗi ngày cải tiến, các việc sai quấy sẽ giảm bớt, các việc lành càng thêm tăng trưởng và từ địa vị người vượt lên địa vị Thánh hiền, không phải là điều không làm được.


V.- VIÊN TỊCH:

Hòa thượng khởi bệnh từ tối đêm 17 tháng 11 năm Canh Tý, sau ngày lễ vía Đức Phật A Di Đà, Ngài được đưa vào bệnh viện Đồn Đất điều trị. Bác sĩ cho biết bệnh của Hòa thượng cần phải được giải phẫu. Hòa thượng thường nói với các đệ tử đến thăm viếng: "Nếu kỳ đau này tôi phải chết, tôi rất hài lòng, vì đối với sự hoằng hóa tôi đã làm tròn nhiệm vụ. Đối với Đạo Pháp tôi đã gánh vác được một giai đoạn khó khăn".

Sau khi giải phẫu, bệnh của Hòa thượng càng ngày càng nhẹ, ai cũng tin rằng không bao lâu Hòa thượng sẽ bình phục trở về chùa. Một hôm, Hòa thượng Thiện Hòa vào thăm Hòa thượng. Tuy cảm thấy bệnh tình đã nhẹ rồi, mà Hòa thượng vẫn dặn dò mọi việc, cho đến kinh sách hiện còn, đều giao cả cho Hòa thượng Thiện Hòa. Thấy điều lạ, Hòa thượng nói: "Nằm ít hôm nữa bệnh lành rồi về, nói chi chuyện ấy".

Bất thần, ngày 17 tháng 12 âm lịch, Hòa thượng trở bệnh. Đến đêm 19 tháng 12 âm lịch, Hòa thượng thấy mệt, biết mình không qua khỏi nên gọi các môn đệ đến bảo: "Các con niệm Phật cho Thầy vãng sanh, Thầy mệt quá rồi". Từ giờ phút ấy tiếng niệm Phật đều đều vang lên trong gian phòng hồi sinh. Từ đó Hòa thượng lặng lẽ dần dần đến 06 giờ 5 phút, sau một hơi thở dài rồi im lìm theo Phật!

Hòa thượng đã an lành viên tịch vào sáng ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Tý nhằm ngày 23 tháng giêng năm 1973, thọ 55 tuổi và được 26 tuổi hạ.


VI.- NHẬN XÉT:

Hòa thượng Thiện Hoa là một tấm gương sáng cho hàng Tăng sĩ soi chung. Hòa thượng có những đức tánh cao quý, ai được sống gần Hòa thượng đều cảm mến.

Mặc dù là người xuất gia, nhưng Hòa thượng vẫn không quên chữ hiếu. Lúc Hòa thượng còn dạy học tại chùa Phật Quang, cụ bà cũng lập am gần đó. Mỗi khi cụ bà bệnh, đích thân Hòa thượng chích thuốc, hoặc chẩn mạch ra toa hốt thuốc. Khi cụ bà tịch, Hòa thượng gắng hết sức mình, cúng dường Tăng Ni, để cầu siêu cho mẹ. Quyển sách Bài Học Ngàn Vàng của Hòa thượng viết ra, cũng nguyện đem công đức đó hồi hướng cho cụ bà.

Về ân nghĩa, Hòa thượng thọ dụng của ai thì không bao giờ quên. Vì thế mỗi khi dạy đồ chúng, Hòa thượng thường nhắc lại công ơn của quý Hòa thượng xưa đã dạy bảo cho Ngài. Hòa thượng lúc nào cũng sẵn sàng một tâm niệm bao dung hòa ái. Ít ai thấy được trên khuôn mặt của Ngài lộ vẻ bất bình, cũng ít ai nghe được nơi Ngài thốt ra những lời bực dọc. Dù hạng người nào đến đều được Hòa thượng tiếp chuyện một cách vui vẻ từ tốn. Nếu có ai bực tức phê bình, giữa vị này với vị nọ, Hòa thượng đều tìm cách xoa dịu, hòa giải. Hòa thượng lúc nào cũng muốn hòa nhau trong tình Đạo, không chịu thấy sự rạn nứt chia ly. Tuy Hòa thượng thích nhu hòa mà cương nghị. Đường lối của Hòa thượng và của Giáo hội đã vạch ra, dù gặp khó khăn đến mấy, cũng vẫn từ từ mà tiến tới. Tuy khiêm tốn mà vẫn bất khuất, tuy nhu hòa mà lại vững vàng. Đó là lập trường cố hữu của Hòa thượng.

Cuộc đời của Hòa thượng hy sinh trọn vẹn cho Đạo pháp. Từ lúc lớn khôn cho đến ngày theo Phật, lúc nào Hòa thượng cũng chỉ biết lo cho Đạo và làm việc cho Đạo.

Hòa thượng xong việc ra đi, nhưng để lại cho hàng Giáo phẩm trong Giáo hội bao nhiêu niềm mến tiếc. Tăng Ni cảm thấy bơ vơ hết chỗ tựa nương, hàng Phật tử mất đi một bậc Thầy hiền kính ái. Ngôi nhà Đạo pháp đã thiếu đi một cây thạch trụ chịu đựng!

Giờ đây trước tôn ảnh của Hòa thượng, toàn thể hàng môn hạ đệ tử, đệ tôn chúng con nguyện một lòng vâng theo di huấn của Hòa thượng, xin suốt đời nỗ lực tu học noi gương Hòa thượng, làm tròn sứ mệnh của người con Phật, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, ngõ hậu đền đáp phần nào công ơn trời bể của Thầy Tổ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/05/2020(Xem: 11490)
Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang thế danh là Lê Đình Nhàn, sinh năm Canh Thân, ngày 19-9-1920 (tức ngày mồng 8 tháng 8 năm Canh Thân), quê thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Lê Vỵ pháp danh Như Hương, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Tư pháp danh Như Tâm cùng ở làng Háo Đức.
01/05/2020(Xem: 9879)
Trang Nhà Quảng Đức vừa hay tin Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Chiếu Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ Tác giả, Soạn giả của nhiều bộ truyện cổ Phật Giáo vừa viên tịch tại Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai lúc 14 giờ 50 phút chiều ngày Rằm Tháng Tư Âm lịch Canh Tý (07/05/2020) Trụ Thế : 89 năm và 69 hạ lạp
01/05/2020(Xem: 8695)
Cáo Phó Tang Lễ Thượng Tọa Thích Kiến Như vừa viên tịch tại Hoa Kỳ
25/04/2020(Xem: 9016)
Cáo Bạch Tang Lễ Hòa Thượng Thích Giác Huệ vừa viên tịch tại Paris, Pháp Quốc
14/04/2020(Xem: 4554)
Hiện thân đại sỹ giữa đời, Nâng vàng pháp học, hiện lời danh ngôn. Sài Thành Đức tịnh hương thơm, Nhã âm bang Phước, dung tâm trải lòng.
09/04/2020(Xem: 6442)
Đôi dòng suy nghĩ về việc nữ Phật tử Mai Phương “cải đạo” lúc cuối đời Người xưa bảo: Mỹ nhân tự cổ như danh tướng Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu! Dịch: Giai nhân, danh tướng xưa nay Không cho đời thấy tóc phai bạc màu! Vâng, Mai Phương, một nghệ sĩ Việt Nam xinh đẹp và hiền lành vừa mới ra đi khi mái tóc còn xanh, để lại biết bao tiếc thương cho đồng nghiệp, người hâm mộ, và rất nhiều tăng ni, Phật tử. Trong sự tiếc thương mất mát này, còn có sự tiếc nuối, xót xa trước hoàn cảnh của Mai Phương lúc cuối đời. Ngoài ra, dư luận còn bức xúc trước sự cuồng tín mà mẹ của Mai Phương đã áp đặt lên một thân thể đang bị bệnh tật dày vò và một tinh thần rã rượi lúc sắp lâm chung của con mình. Mai Phương ra đi, như một tảng đá nặng đã rơi vào lòng đại dương mênh mông không còn dấu vết, nhưng những gợn sóng biển mà nó tạo ra vẫn còn lan tỏa, ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội, trong đó có giới Phật giáo.
08/04/2020(Xem: 7505)
Chúa - Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu là bậc hiền tài. Ngoài lập công lớn trong việc mở mang bờ cõi, Ngài còn có công lao lớn trong việc xây dựng và phát triển Phật giáo xứ Đàng Trong. Ngài đem đạo và đời một cách sáng tạo như biết dung hóa Phật - Nho để áp dụng vào việc ích nước, lợi dân. Chúng ta tìm hiểu về cuộc đời của Ngài cũng là để làm sáng tỏ công nghiệp trên.
29/03/2020(Xem: 8245)
Hòa thượng Thích Đồng Chơn thế danh là Bùi Văn Bảy, sanh năm Đinh Hợi (1947), nguyên quán thôn Trung Tín, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - nay là thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Thân phụ của Ngài là Bùi Tân, Pháp danh Đồng Niên, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Hội, Pháp danh Đồng Hiệp
22/03/2020(Xem: 8333)
Hòa Thương Thích Như Điển đã làm lễ khánh thọ lần thứ 70 trong năm qua. Thầy đã mang truyền thống dòng Thiền Lâm Tế Việt Nam sang nước Đức và là người truyền thừa có ảnh hưởng sâu rộng của Phật Giáo tại đây. Đồng thời, Thầy đã đóng góp triệt để cho sự hội nhập của người Việt trong nước Đức – và do đó cũng là một đoạn đường quan trọng cho tính đa dạng của Phật Giáo trong đất nước này. Trong bài tiểu luận này, ông Olaf Beuchling đã vinh danh cuộc sống và những Phật sự của vị Pháp Sư đồng thời giới thiệu tổng quan dòng Thiền Lâm Tế Việt Nam.] Người ta đứng chen chúc trong khuôn viên an bình của ngôi Chùa Viên Giác tại Hannover: Có hàng ngàn người khách hiện diện trong những ngày hè của tháng sáu năm 2019. Họ đến hỷ chúc 70 năm khánh thọ của Hòa Thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác – Thầy Thích Như Điển, vị Tỳ Kheo người Đức gốc Việt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]