Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Chất Phật và chất vua trong con người của Phật hoàng Trần Nhân Tông

21/09/201214:40(Xem: 7366)
04. Chất Phật và chất vua trong con người của Phật hoàng Trần Nhân Tông
CHẤT PHẬT VÀ CHẤT VUA 
TRONG CON NGƯỜI CỦA PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG
Pháp Đăng

'Vậy là đã 700 năm, 7 thế kỷ trôi qua từ khi Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, thể nhập vào niết bàn an nhiên tự tại. Cả dân tộc Việt Nam đều được biết đến Ngài là một bậc quân vương anh minh của đất nước Đại Việt, mà cũng là một vị Sơ Tổ của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nói đúng hơn, Ngài là một vị “Vua Phật” của Việt Nam.

Theo những tài liệu nghiên cứu về Trần Nhân Tông cho thấy: lịch sử Việt Nam chú trọng nói về thời gian làm vua, tức “chất vua” của Ngài nhiều hơn; còn lịch sử Phật Giáo Việt Nam thì chú trọng về thời gian sau khi Ngài xuất gia, tức “chất Phật” nhiều hơn. 

Lại có chỗ chia rạch ròi ra hai giai đoạn là khi Ngài làm vua thì chỉ đơn thuần là một vị vua, và khi Ngài làm Tổ thì chỉ đơn thuần là một vị Tổ. Vì có sự thiên lệch đó nên vô tình đã làm giảm đi chất “Vua – Phật” toàn bích của Ngài. 

Có thể nói, Đức Trần Nhân Tông khi đang làm vua thì đã có “chất Phật” trong đó, và khi xuất gia tu hành làm Phật thì vẫn ẩn hiện “chất vua” của một vị minh quân thiên tử. 

Vậy, Trần Nhân Tông là một vị vua có “chất Phật”, hay vị Phật có “chất vua”, đó là điều chúng ta cần suy gẫm và phân tích cho thấu đáo để hiểu được một cách toàn diện về con người của Ngài.

Theo quyển “Thế thứ các triều Vua Việt Nam” của Nguyễn Khắc Thuần (NXB Giáo Dục – 2000) ghi rằng:

Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) 
- Họ và tên: Trần Khâm, Phật Kim.
- Vua là con trưởng của Trần Thánh Tông, thân mẫu là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu.
- Vua sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258).
- Được lập làm thái tử năm Giáp Tuất (1274).
- Được truyền ngôi ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1279).
- Ở ngôi 14 năm (1279 – 1293), nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để làm Thái thượng hoàng 6 năm (1293 – 1299).
- Năm 1299, Trần Nhân Tông xuất gia tu hành và là người sáng lập ra Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử ở nước ta.
- Vua mất ngày 01 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), thọ 51 tuổi .
- Trong thời gian ở ngôi, vua đã đặt hai niên hiệu:
+ Thiệu Bảo: 1279 – 1285
+ Trùng Hưng: 1285 - 1293

Còn theo “Đại Việt sử ký toàn thư” của sử thần Ngô Sĩ Liên thì cuộc đời Trần Nhân Tông chia làm ba giai đoạn, gói gọn trong 18 chữ: “Nhân Tông ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi”. 

Như vậy, ta thấy vẫn chưa có tài liệu nào khắc hoạ một cách toàn diện về con người của Ngài với đầy đủ ý nghĩa của hai chữ “Phật Hoàng” mà người đời thường tán tụng.

Trước tiên, chúng tôi xin nói về giai đoạn trước khi xuất gia của Ngài. Qua các sử liệu ghi lại, khi vua Trần Nhân Tông sinh ra, nước da Ngài có màu vàng ròng, nên được vua cha gọïi là “Kim Phật” (tức Phật Vàng). Vậy nên, khi mới sinh ra, Ngài đã mang chủng tướng tốt của Phật, mà có lẽ, vua cha Thánh Tông đã đoán biết trước được nên mới đặt thế.

Thái tử sinh ra ánh sắc vàng
Khuôn mặt ngời lên đạo hào quang
Đại Việt lừng danh Vua nước Nam”.
(Kim Phật – Hoàng Quang Thuận)

Vậy “chất Phật” đã ẩn hiện trong Ngài từ lúc mới sinh ra. Rồi khi lớn lên giữa chốn kinh đô Thăng Long phồn hoa đô hội, Ngài vẫn tỏ rõ tâm đạo phi phàm của mình. 

Năm 16 tuổi, Ngài muốn xuất gia nhưng vua cha không thuận và lập Ngài làm thái tử. Rồi hai lần xin nhường ngôi lại cho em là Đức Việp nhưng phụ hoàng Thánh Tông vẫn không chấp thuận và đã truyền ngôi lại cho Ngài. 

Qua đó, chúng ta có thể khẳng định được một “chất Phật” đã hiện hữu rất sâu đậm trong con người của vua Trần Nhân Tông từ khi Ngài còn nhỏ đến khi làm vua. 

Sở dĩ Ngài lên ngôi là vì lòng hiếu kính, tuân lệnh của vua cha, giống như thái tử Tất-Đạt-Đa khi xưa vì hiếu thuận với vua Tịnh Phạn mà phải cưới công chúa Da-Du-Đà-La và sinh La-Hầu-La vậy. “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”, thế nên, một vị minh quân không thể không hiếu thảo được.

Lúc này, ta có thể nói Trần Nhân Tông là một vị vua mang “chất Phật”. Thế mới hay, nếu không có sự làm vua này thì sự “vứt bỏ ngai vàng như chiếc dép rách” của Ngài có ý nghĩa to lớn chăng? Và danh từ “Phật Hoàng” mà mọi người tán tụng Ngài có tồn tại không? 

Phải có giai đoạn làm vua này thì giai đoạn làm Phật lúc sau mới thật sự cao cả, và càng làm cho giá trị về con người của Ngài thêm tôn quý. Cũng nhờ có làm vua mà Ngài mới có thể áp dụng đạo Phật vào để giáo hoá toàn dân. 

Vậy nên, gẫm lại gương Ngài mà chúng ta tự cảm thấy hổ thẹn. Ngài là một vị vua ngồi trên chín bệ, phải lo cho quốc gia, cho thiên hạ với trăm mối ngổn ngang nhưng Ngài vẫn hiểu Đạo một cách sâu sắc và thấu đáo. 

Còn như chúng ta đây có “trăm mối ngổn ngang” như Ngài không mà lại than rằng không có thời gian để học đạo, tu đạo, gẫm xem có đúng hay chăng?

Trong thời gian 14 năm trị vì của Trần Nhân Tông, có thể nói, đây là một giai đoạn lịch sử đầy biến động nhưng cũng là giai đoạn mang đậm hào khí của dân tộc, một triều đại được sử sách ca ngợi là một trong triều đại anh minh, thái bình và thịnh trị nhất trong lịch sử nước ta. 

Sở dĩ có được một triều đại như thế là do sự anh minh và tài đức của vua Trần Nhân Tông. Ngài biết áp dụng giáo lý đạo Phật vào công cuộc giữ nước, bình thiên hạ. Chính vì lãnh hội được tinh thần “dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm” (lấy cái muốn của mọi người làm cái muốn của mình, lấy tâm của mọi người làm tâm của mình) của ông nội là vua Trần Thái Tông mà vua Trần Nhân Tông đã triệu tập hai cuộc hội nghị dân chủ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử là hội nghị Bình Than (1282) và hội nghị Diên Hồng (1285), huy động sức mạnh toàn dân chống giặc Nguyên Mông xâm lược. 

Có thể thấy, đó là lần đầu tiên trong lịch sử thể hiện tinh thần dân chủ và bình đẳng. Nếu chẳng phải là một vị vua thấm nhuần giáo lý thì chẳng làm được vậy. Phải chăng Ngài huy động chiến tranh đó là không có “tâm Phật”, là phạm giới sát? 

Bởi đây không phải là cuộc chiến tranh phi nghĩa mà là cuộc chiến tranh chống xâm lược để giữ yên bờ cõi, bảo vệ sự bình yên của dân tộc và của nước Đại Việt ngàn đời sau. Đó chính là “sát nhứt miêu, cứu vạn thử”, chẳng phải tâm lượng của bậc trượng phu thì làm sao làm được như vậy. 

Hơn nữa, đây là ý của toàn dân chứ không phải ý kiến chủ quan nơi Ngài. Ngày xưa, vua Lương Võ Đế ở Trung Quốc khi bị giặc Hầu Cảnh kéo quân vây thành Kiến Khang, quần thần xin vua cho đánh nhưng vua không cho, ra lệnh bế thành, tụng kinh cầu nguyện cho giặc lui. Kết quả giặc chẳng lui mà vua lại bị mất nước và giết chết. 

Nếu xét hành động của vua Lương Võ Đế – một ông vua mộ đạo – thì có đúng với tinh thần tích cực nhập thế của Phật giáo không? Trái lại, vua Trần Nhân Tông biết lúc nào chưa cần đánh và lúc nào nên đánh mà vẫn không rời đạo lý. Đó là vì đã hiểu sâu được tinh thần uyển chuyển, sống động, nhập thế tích cực, “tuỳ duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên” của đạo Phật. 

“Sống thiền” chẳng phải là sống nơi rừng núi không người, không “tiếp duyên xúc cảnh”, mà “sống thiền” là sống giữa nơi “động” mà lòng luôn “bất động”. Kể cả lúc lâm triều, lúc ngồi trên yên ngựa vẫn gọi là “sống thiền” vậy! 

Nói về đạo đức của vua Trần Nhân Tông, toàn dân đều ca tụng Ngài là bậc “minh quân chi chúa”, thương dân như con. Chẳng những thế, đối với bọn giặc Nguyên Mông, Ngài vẫn muốn đem chí dung tâm để thay cường bạo, lấy đại hùng từ bi để chiến thắng hung tàn. 

Trong lịch sử còn ghi lại: “Khi bộ tướng của Ngài chém được đầu Toa Đô đem đến dâng trước thuyền rồng, thương cho viên tướng giặc vì vô minh mà lâm vào tội ác đến nỗi chết không toàn thây, Ngài liền cởi áo bào đang mặc quẳng cho bọc thủ cấp của Toa Đô”. 

Chính tấm lòng nhân đạo, đức độ thấm đượm “chất Phật” trong con người của Ngài đã làm nên một chiến thắng vẻ vang cho dân tộc, đem lại sự thịnh trị cho đất nước Đại Việt mà ngàn đời sau, sử sách còn ca ngợi mãi:

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.
(Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu).

Quả thật, nếu vua Trần Nhân Tông chẳng áp dụng giáo lý đạo Phật vào việc “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” thì đất nước ta có được một triều đại hùng cường như thế không? 

Sử thần Ngô Sĩ Liên đã ghi nhận về Ngài như sau: “Trần Nhân Tông trên nhờ từ cung tỏ rõ hiếu đạo, dưới dùng người hiền lập nên võ công, không phải bậc nhân minh, anh minh thì làm sao được như thế!”(Đại Việt sử ký toàn thư). 

Vậy cũng đủ cho ta thấy “chất vua” và “chất Phật” cùng hiện hữu trong con người của Ngài. Bởi thế, vua Trần Nhân Tông được mọi người tôn xưng bằng mỹ hiệu “Phật Hoàng” là vậy.

Đạo lý Nhân Tông sáng ngời Đông Á
Việt Nam năm châu rạng rỡ tiên rồng”.
(Phật Hoàng Trần Nhân Tông - nhạc sĩ Chúc Linh).

Ngay như lúc đang ngồi trên ngôi chín bệ, quyền uy tột bực mà Ngài vẫn biết rằng:

Mình ngồi thành thị 
Nết dùng sơn lâm
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.”
(Cư Trần Lạc Đạo Phú – hội thứ nhất)

Nếu chẳng phải một vị Phật hoá sinh thì được vậy chăng? Thế nên, khi Ngài làm vua thì cũng đã làm Phật rồi. Thử hỏi xưa nay được bao nhiêu vị vua như Ngài? “Cư trần lạc đạo” hay “cư trần bất nhiễm trần” là diệu dụng của Thiền. 

Hiểu được như vậy, vua Trần Nhân Tông đã xây dựng cho toàn dân một nền luân lý đạo đức học Phật giáo thật sống động và thiết thực, không bi quan, yếm thế, mở ra một cái nhìn toàn diện và tích cực trong triều đại nhà Trần. Bởi vậy, trong cung vua Trần có một ánh sáng thiền, luôn thường chiếu mãi. Có một thi sĩ đã làm bài thơ “sống” rằng:

Sống là động mà lòng luôn bất động
Sống yêu thương mà lòng chẳng vấn vương
Sống hiên ngang giữa danh lợi chẳng màng
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

“Thiền” là sống nơi cái “động” mà nhận ra cái “bất động” thường hằng, sống giữa trần mà không nhiễm trần, “tuỳ duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm”. Như thế mới gọi là “an nhàn thể tính”. Trong giai thoại nhà Thiền có một câu chuyện:

Có một vị tăng hỏi một vị thiền sư:
- Chẳng lẽ ngày nào cũng mặc áo, ăn cơm?
Vị thiền sư hỏi lại:
- Vậy chứ ông muốn sao?
- Làm sao để không mặc áo, ăn cơm?
Thiền sư trả lời:
- Thì hãy mặc áo, ăn cơm!
Vị tăng ngơ ngác:
- Con chưa hiểu.
Thiền sư bảo:
- Thôi, cứ về mặc áo, ăn cơm đi!

“Mặc áo, ăn cơm” là những chuyện thường nhật, những chuyện sinh tử. Vậy muốn thoát khỏi sinh tử mà không tu tập ngay nơi sinh tử thì giải thoát được chăng? 

Bởi vậy, thiền sư mới bảo “cứ về mặc áo, ăn cơm đi!”. Thế nên, ngay nơi sinh tử mà ngộ ra được cái vô sinh bất tử, ngay đời thường mà thấy được những diệu lý phi thường của các pháp, ngay nơi trần mới tu được cái bất nhiễm trần. 

Như thế, phiền não chẳng khác bồ đề, ta bà không ngoài tịnh độ. Ngài Trần Nhân Tông cũng đã nói trong bài “Cư Trần Lạc Đạo”: 

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. 

(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.)

Bài thơ cho thấy “chất Phật” của vua Trần Nhân Tông được hiển bày một cách rõ rệt và thấu đáo, liễu ngộ được cái cốt lõi của thiền, đó là:

Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy bản nên ta tìm Bụt
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta”.

Có thể nói rằng, lúc này, Ngài là “tướng vua” mà “chất Phật”. Một khi đã liễu hội được cái đó thì ngai vàng, áo mão còn có ý nghĩa gì đâu. Vậy nên:

Áo mão, kim đai theo dòng nước
Chuông từ, mõ trúc, vọng chân không
Phật pháp vô biên, tâm vô lượng
Bồ đề thơm ngát, tỏa mười phương”.

Năm 1293, Ngài truyền ngôi lại cho Trần Anh Tông rồi đi xuất gia ở Vũ Lâm, Ninh Bình. Rũ sạch hết muôn vàn thế sự, lên núi ẩn tu, vậy có phải Ngài lánh đời, yếm thế chăng? Và “chất minh quân” của Ngài cũng chẳng còn sao? 

Chẳng phải vậy! Bởi khi làm vua, Ngài đã thấm nhuần “chất Phật” và bây giờ xuất gia tu Phật, Ngài cũng vẫn còn “chất minh quân”, nhưng có điều khác là không phải biểu hiện “chất vua” đó trên khía cạnh chính trị, quốc gia thế sự mà biểu hiện trên khía cạnh đạo đức, nếp sống luân lý của toàn dân. 

Đây là chỗ nhiều người hay nhầm lẫn nên chúng ta cần phải hiểu thông rành rẽ để tránh hiểu sai về con người của Ngài. Nhà thơ – tiến sĩ Hoàng Quang Thuận đã viết trong tập thơ “thi vân Yên Tử”:

Non xanh cắt tóc dứt trần duyên
Vua đến nơi đây để nhập thiền
Không phải trốn đời và yếm thế
Cứu đời, nhập thế với Phật tiên”.

Cởi áo hoàng bào, khoác áo cà sa, Ngài vẫn để mắt theo dõi từng bước đi của triều đại, chăm chút đời sống tâm linh của muôn dân. Ngài du hoá khắp nơi, khuyên chúng dân làm lành lánh dữ, tu thiện. Tùy từng căn cơ thượng hạ mà Ngài truyền dạy pháp tu cho mọi người được an lạc nơi tự thân. Đó chẳng phải là tư cách của một bậc minh quân lo cho dân đó sao? 

Thế nên, “chất Phật” và “chất vua” cùng tồn tại trong con người của Ngài qua mọi giai đoạn của cuộc đời, chỉ có điều là ứng với từng giai đoạn thì Ngài tuỳ duyên mà ứng hiện chất ấy đậm nét hơn thôi. Mặc dù vậy, thể tánh của Ngài lúc nào cũng lặng lẽ, rỗng rang, tự tại giữa dòng đời.

“Phải quấy niệm rơi theo hoa sớm
Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm”.
(Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tuỳ dạ vũ hàn). 
- Sơn Phòng Mạn Hứng -

Qua bài “Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca”, ta có thể thấy hết được sự an nhiên tự tại phi phàm của Ngài, thật khó mà tả hết được:

“Kiếm chốn dưỡng thân
Vắng vẻ ngàn kia
Thân lòng hỷ xả
Thanh nhàn vô sự
Quét tước đài hoa
Thờ phụng Phật trời”.

Tóm lại, Trần Nhân Tông là một vị vua hay một vị Phật đều như một, không khác, đều là một Bậc giác ngộ được lý thiền, tu hành giải thoát. Chúng ta học Ngài không phải nơi vua, cũng chẳng phải nơi Phật, mà là nơi sự giác ngộ, giải thoát của Ngài. 

Ngày xưa, Ấn Độ có một vị thái tử xuất gia tu thành Phật, thì Việt Nam lại có một vị vua đi tu thành Tổ, khai sinh ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam. 

Đây là niềm tự hào cho cả dân tộc Việt Nam nói chung và cho Phật Giáo Việt Nam nói riêng đối với các nước bạn. Gương sáng của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông vẫn truyền mãi cho ngàn đời sau biết về một vị “Vua Phật Việt Nam”.

Được làm vua chăn dân trăm họ
Được làm Phật cứu độ muôn loài
Ngạn cổ ngàn xưa đâu có sai
Vua Trần đã hoá thành Vua Phật
Tây Phương kề cận Phật Như Lai”.
(Vua Phật – Hoàng Quang Thuận)

Pháp Đăng 
(thuongchieu.net)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/01/2024(Xem: 2074)
Vào lúc 10 giờ ngày chủ nhật 21/01/2024, chùa Phổ Từ tọa lạc tại số 17327 Meekland Ave, thành phố Hayward, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Đại tường - tưởng niệm cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thiền sư Thích Nhất Hạnh - nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, học giả, sử gia và nhà hoạt động hòa bình, đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế, Việt Nam ngày 22 tháng 01 năm 2022. Nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với ân đức, tình thương cao rộng của Sư Ông Làng Mai qua nhiều năm giảng dạy thiền quán; với công trình trước tác, phiên dịch kinh sách to lớn; chùa Phổ Từ đã tổ chức Lễ tưởng niệm cố Thiền sư vào ngày 29/01/2022; ngày 30/01/2022; Lễ Chung thất - tưởng niệm vào ngày 13/3/2022; Lễ Tiểu tường - tưởng niệm vào ngày 07/01/2023 có đông chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử tham dự.
07/01/2024(Xem: 1653)
Trong tận thâm tâm tôi, thầy Tuệ Sỹ là một vì sao sáng, một hiền nhân vô cùng tôn kính giữa nhân gian này. Tôi chưa từng diện kiến hay bái sư nhưng toàn tâm ý của tôi thì thầy là thầy tôi từ quá khứ xa xưa chứ chẳng phải chỉ mỗi kiếp này. Thế gian này, cụ thể nhất là với người Việt ta thì thầy là một biểu tượng của minh triết phương đông, một bậc Bồ tát “vô công dụng hạnh”. Thầy xuất thế, nhập thế với tất cả từ bi và đại dụng vì Phật pháp, vì dân tộc và vì nước non này. Thầy là một hiền sĩ phương đông với tất cả những đặc tính biểu trưng nhất và trọn vẹn nhất “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” và hơn thế nữa, trọn đời hy hiến cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.
07/01/2024(Xem: 1425)
Trong tôi là cả một đại dương sóng dậy, sau khi đọc bài viết của anh Quảng Diệu Trần Bảo Toàn. Tôi cảm phục anh vô cùng, một trí thức đúng nghĩa, một tài năng thực thụ, một Phật tử đầy nhiệt huyết và đạo tâm. Anh đã dùng khả năng và các mối quan hệ rộng rãi của mình với các bác sĩ tài giỏi nhất để chữa bệnh cho thầy. Anh đã lo lắng chăm sóc sức khỏe cho thầy với tất cả tâm thành và khả năng của anh. Tôi ước gì được gặp anh để một lần bày tỏ sự khâm phục và cảm ơn anh.
06/01/2024(Xem: 1899)
Bậc chân tu thực chứng thì bước đi không để lại dấu vết. Có nghĩa là không lưu lại dấu vết hay tì vết gì trong tâm thức và hành xử của mình, như được nói trong kinh “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” [1]. Tu mà không chấp nơi việc tu của mình mới thật là chân tu; chứng đắc mà không chấp nơi sở đắc của mình mới thật là chứng đắc. Đó là nói sở tri, sở hành, sở chứng của vị ấy trong việc tu tập, hành đạo; chứ trên thực tế, thân giáo và ngữ giáo của bậc tuệ đức để lại vô số kỳ tích và ấn tượng sâu đậm cho những ai được thân cận, học hỏi, thọ pháp. Hòa thượng Tuệ Sỹ là một nhà tu, một con người nhẹ nhàng đi qua cuộc đời như thế.
03/01/2024(Xem: 1735)
Vào lúc 11 giờ ngày 01/01/2024, tại chùa Kiều Đàm số 1129 S Newhope Street, thành phố Santa Ana, miền Nam California, Đạo tràng Khánh Anh cùng chùa Kiều Đàm đã tổ chức Lễ Khánh tuế lần thứ 97 Trưởng lão Hòa thượng Thích Thắng Hoan. Quang lâm Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ chùa Bát Nhã, Santa Ana; Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, viện chủ chùa Phật Đà, San Diego và Hòa thượng Thích Thông Đạt, viện chủ chùa Đại Nhật Như Lai, San Jose. Đông đảo chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử từ nhiều thành phố ở Hoa Kỳ đã về chùa dự lễ.
30/12/2023(Xem: 3151)
Thông Bạch Lễ Chung Thất Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVN Thống Nhất
21/12/2023(Xem: 4657)
Thoắt đã hai năm Thầy về đất Phật Hăm Ba+Hăm Bốn / Mười Hai_ Đại tường Để triêm ân cố Sư Bà viện chủ Cung nghinh Chư Tôn Đức đến Phật đường Giữ mãi trong con về những hình ảnh Đã từng làm thị giả ở bên Thầy Giọng nói tiếng cười như đang bên cạnh Ánh mắt nhìn trìu mến vẫn còn đây...
24/11/2023(Xem: 5293)
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng đạo hiệu Thích Tuệ Sỹ, Húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, đời thứ 44 thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông và đời thứ 10 Thiền Phái Liễu Quán, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống Giáo Hội PGVN Thống Nhất, Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Cố Vấn Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN, đã viên tịch đúng 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023 nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão, Phật lịch 2567, tại Phương Trượng Đường Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam, trụ thế 79 năm & 51 đạo lạp. Chúng con kính nguyện Giác Linh Đức Trưởng Lão Hoà Thượng tân viên tịch Cao Đăng Phật Quốc và sớm tái hiện Đàm Hoa, hồi nhập Ta bà, tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn.
20/11/2023(Xem: 2577)
Nói đến bậc Tôn sư của chúng ta, bản thân của mỗi chúng tôi đều là học trò, và đã thọ ân giáo dưỡng của bậc Tôn sư rất là nhiều, cho nên hôm nay ngồi ở nơi đây với vị trí chứng minh cũng chỉ là Tăng sai, Tăng đã sai thì không thể không phụng hành, do đó mà tôi xin thay mặt cho chư Tôn đức tăng hiện tiền, có vài lời chia sẻ đến toàn thể Huynh đệ, cũng như các Pháp hữu, các Anh chị em GĐPT hiện diện trong và ngoài nước, cùng tất cả các Phật tử đã có duyên với Thầy, bậc Tôn sư của chúng ta.
09/11/2023(Xem: 2443)
Đức Phật dạy trong Phật giáo có bốn hội chúng là chúng xuất gia (Tỳ kheo và Tỳ-kheo-ni) và chúng tại gia (nam nữ cư sĩ). Chúng xuất gia là trưởng tử của Như Lai, sống phạm hạnh nơi chốn thiền môn, bậc thầy mô phạm thay Như Lai giữ gìn và hoằng truyền giáo Pháp. Chúng tại gia tu tập ở nhà, làm lành tránh ác, bồi công tạo phước, hộ trì ngôi Tam bảo. Nhờ hai hội chúng này mà giáo pháp của Đức Thế Tôn xuất hiện cách đây hơn 2600 năm, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]