Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần III: Những bài viết về thầy

05/06/201112:01(Xem: 7527)
Phần III: Những bài viết về thầy

BÓNG ÁO NÂU
TẬP SÁCH VỀ CUỘC ĐỜI THƯỢNG TỌA THÍCH CHƠN THANH

Phần III:
Những bài viết về thầy

- Ngày nay vẫn như là ngày xưa - TT. Minh Thông
- Tình pháp lữ - TT. Thiện Nhơn
- Một nhành mai còn mãi - NT. Như Hoa
- Khắp trời sen nở - NT. Tịnh Thường
- Pháp lữ không xa - TT. Nguyên Thiện
- Hoa xưa vẫn nở - TT. Tấn Đạt
- Những đợt sóng - Thích Hoằng Dự
- Pháp thân bất diệt - TN. Hạnh Ngọc
- Ân sư - Thích Quảng Long
- Tình huynh đệ - TN. Thánh Tâm
- Còn mãi bóng hình - TN. Chúc Hiếu
- Lời thầy không quên - TN. Huệ Nghiêm
- Tấm gương tinh tấn - TN. Thánh Nhã
- Thầy vẫn quanh đây - Vĩnh Tâm
- Khóc và cười - TN. Diệu Liên
- Người thầy thân thiết bao dung - T. Đức Châu
- Thầy chánh chủ khảo - T. Hạnh Chơn
- Hạnh nguyện lợi tha - Thích Trí Tài
- Hành trang để lại - TN. Tịnh Nghiêm
- Một phong thái ung dung - TN. Nhựt Bửu
- Đời người & tâm nguyện - Phổ Tâm
- Áo nâu còn mãi - Thích Minh Thuận
- Pháp lữ đạo tình - Trần Quê Hương
- Còn mãi - Ni trưởng Tịnh Hạnh
- Vẫn rất gần - Huệ Hoàn
- Còn đâu! - TN. Tâm Phúc
- Lời thầy vang mãi - Huệ Liên
- Nét buồn - Minh Nhẫn
- Nhớ nắng ngày xưa - Thích Huyền Lan
- Tang phấn - TN. Tâm Huệ
- Hướng chân thầy - Thu Nguyệt

Ngày nay vẫn như là ngày xưa

Thỉnh thoảng tôi ngồi thật yên trong căn phòng nửa khuya, đốt nến và trầm lên, rồi một mình uống từng ngụm trà nóng, ấy chính là lúc tôi đang gặïp khó khăn từ bên ngoài dồn dập tới. Tôi muốn đối diện với nó thật lâu, thật rõ ràng để tìm cách chuyển hóa. Tôi ngồi đó và thầy Chơn Thanh cũng ngồi đó. Thầy vẫn ngồi đó từ ngày xưa cho đến bây giờ, ánh mắt hiền từ và nụ cười tươi mát vẫn không có chút gì phai nhạt.

Thầy không bao giờ bỏ tôi một mình trong những hoàn cảnh rối ren, khó khăn. Thầy không uống trà đậm như tôi, chỉ cần để thêm chút nước sôi vào cho tách trà dịu nhẹ hơn là thầy có thể ngồi hằng giờ để nghe tôi chia sẻ. Thầy kiên nhẫn lắm. “Thôi kệ ! không sao đâu! Chuyện gì rồi cũng qua.” Đó là câu “thần chú”ù mà thầy vẫn thường “niệm” lên để trấn an cho tôi và cả thầy nữa. Hai huynh đệ cùng thở, cùng uống trà, cùng trở về với nội tâm để có thêm sự vững chải và kiên định. Có nhiều lúc tôi và thầy ngồi yên lặng cả giờ. Cái không khí im lặng uy nghiêm ấy đã nuôi dưỡng trong tôi biết bao nhiêu niềm thương cảm và nể phục người bạn đồng hành. Có rất nhiều tình thương và lòng bi mẫn trong trái tim thầy. Thầy điềm đạm và nhu hòa quá. Nhiều lúc thầy không cần phải trấn an tôi bằng những lời ái ngữ, mà chỉ cần sự có mặt của thầy thôi là tôi đã cảm nhận được rất nhiều sự bình yên. “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, tôi may mắn được làm anh em sống chung với thầy. Cùng thở, cùng ăn, cùng đi bộ, cùng làm việc... tôi thấy câu ngạn ngữ trên thật là hay, có thật nhiều tuệ giác trong đó. Thầy Quy Sơn có nhiều kinh nghiệm trong đường tu nên khuyên người xuất gia nên chọn bạn một cách thông minh, “thân phụ lương bằng” và “tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận”. Tôi thì không đến đỗi phải đợi đi cuối con đường mới nhận ra giá trị những ngày được sống cùng với một huynh đệ như thầy. Nhiều đêm ngồi soi mình trong gương nguyệt, tôi nhận diện rất rõ ràng sự có mặt quan trọng của thầy trong tôi. Thầy đã đi vào trái tim tôi nhẹ nhàng như một bàn tay ấm áp đặt lên vai giữa đêm đông hành cước một mình. Thầy như một bát canh ngọt để giúp những hạt cơm khô đi vào một cách dễ dàng và mềm mại. Thầy đẹp và trong sáng như cái tên của thầy vậy.

Bây giờ bên tách trà khuya một mình, tôi vẫn thấy thầy ngồi đối diện đó. Đang sẵn sàng lắng nghe những khó khăn trong nội viện cũng như những nhiêu khê ngoài giáo hội. Ngồi càng yên tôi càng nhận được nhiều tuệ giác từ nơi thầy. Sáng hôm kia đi thiền hành, tôi bổng chợt mỉm cười vì nhớ ra mỗi buổi sáng ngày xưa, hai anh em thường đi bên nhau và trao đổi với nhau nhiều kinh nghiệm tu tập. Thuở ấy, có những câu chuyện mà đến bây giờ tôi mới hiểu hết. Tôi cười vì nếu ngày đó tôi hiểu ra thì chắc là tôi sẽ ít trách hơn về tánh xuề xòa dễ dãi của thầy. Mà nếu có trách, chắc thầy cũng lại cười xuề xòa thôi. Tôi biết không chỉ riêng tôi mới nhận được những năng lượng tươi mát ấy, các thầy, các sư cô đã từng được học và làm việc chung với thầy cũng cảm nhận như tôi. Thầy đi rồi họ khóc nhiều lắm. Họ còn trẻ quá nên có thể họ chưa thấy được hết thầy đã đi vào chính họ như thế nào. Thầy xuề xòa, ít hỏi han ai mà vẫn luôn có mặt bằng nhiều hình thức, chính là đức tánh ưu việt của một người cha như thầy. Nhiều người đã lo ngại cho tôi sẽ vất vả rất nhiều sau khi vắng bóng thầy bên cạnh. Nhưng chỉ có tôi mới hiểu rất rõ là thầy không bao giờ bỏ tôi. Cảm ơn thầy đã làm bạn đồng hành với tôi, đã cho tôi thật nhiều báu vật.

Thầy Thanh ơi! ngày xưa và ngày nay không có gì khác nhau trong con người chân thật của thầy phải không? Thầy đã từng đến đi thong dong, thì sau cuộc phân kỳ tạm bợ này, tôi chắc thầy sẽ có chiếc báo thân đẹp lắm. Thầy không chọn một cõi bình yên để tịnh dưỡng niềm an lạc một mình đâu. Tôi chắc như vậy rồi, tại vì thầy thương tăng ni trẻ lắm. Thầy sẽ tiếp tục có mặt với họ để giúp họ với rất nhiều hoài bão chưa hoàn thành.

Tôi lại đốt nến, xông trầm và rót trà ra. Khi viết về thầy với những dòng tâm sự này, tôi biết thầy cũng cười xòa và trách tôi không chịu nói một lần trước mặt để thầy có thêm năng lượng vì cuộc đời tu của thầy cũng lắm nỗi gian truân, vất vã. Thầy hiểu tánh tôi kín đáo mà, như lần này, tôi cũng không muốn viết về thầy như vậy đâu. Tôi ý thức được ngôn từ không đủ diễn tả hết tình huynh đệ đẹp đẽ của chúng ta. Tôi muốn để tự nó tinh khôi như bản chất thật của nó, nhưng không viết không được, các thầy và các sư cô trẻ rất muốn tôi chia sẻ những tâm tình này để họ hiểu thêm về thầy, về những người mà họ yêu kính.

Có những chuyện bây giờ mới rõ, nhưng mà ngày nay vẫn như là ngày xưa, không hề khuyết giảm như vầng trăng phải không thầy?!

Tách trà thơm này không đắng lắm

Thầy uống đi rồi thở cùng tôi

Kìa chiếc lá mang mùa xuân tới

Bây giờ, ngày ấy vẫn đầy thôi.

TT. Thích Minh Thông

An cư kiết hạ

nguồn sinh lực của tăng già

An cư kiết hạ là một thông lệ từ lâu của các đạo sĩ Ấn Độ khi tăng đoàn Phật giáo hãy còn chưa xuất hiện. Thời tiết Ấn Độ có vẻ khác hơn Việt Nam hay Trung Quốc cũng như các quốc gia khác: Từ tháng một đến tháng tư là mùa xuân, từ tháng chín đến tháng mười hai là mùa đông. Ấn Độ không có mùa thu. Một năm chia làm ba mùa rõ rệt như thế, nên các đạo sĩ qui định vào những tháng mưa gió nên an trú một nơi nhất định để bảo tồn sức khoẻ và tăng cường đạo lực. Giáo đoàn Phật giáo hợp thức hoá thông lệ này bắt đầu từ Lục quần Tỳ kheo (sáu thầy tỳ kheo chuyên gia khai duyên cho Phật chế giới). Suốt mấy tháng mùa mưa, nhóm sáu thầy tỳ kheo này lang thang du hoá khắp nơi không kể gì mưa gió, đạp dẫm lên hoa cỏ mùa màng mới đâm chồi hay những loài côn trùng vừa sanh nở. Cư sĩ chê trách hàng sa môn Thích tử thật quá đáng, các đạo sĩ khác vẫn có những tháng sống cố định, ngay đến loài cầm thú vẫn có mùa trú ẩn của nó, còn các vị hành đạo này thì luông tuồng không biết nghỉ chân vào mùa nào cả. Lúc ấy, đức Phật ở tại nước Xá Vệ, trong thành Cấp Cô Độc, biết được sự việc xảy ra liền ban hành quyết định cấm túc an cư cho toàn thể tăng đoàn trong các tháng đầu mùa mưa, tức từ mồng một trăng tròn của tháng A-sa-đà đến hết trăng tròn của tháng A-thấp-phược-đê-xà (Theo ngài Huyền Trang là nhằm 16 tháng 5 của Trung Quốc, sau vì muốn lấy ngày rằm tháng bảy Vu Lan làm ngày Tự tứ nên chọn ngày An cư là 16 tháng 4). Phật giáo Việt Nam cũng tuân theo nguyên tắc này nhưng thời gian có khác một chút. Nghĩa là thời tiết Việt Nam tuy thể hiện rõ rệt chỉ có hai mùa nắng và mùa mưa, nhưng vẫn qui định theo bốn mùa như Trung Quốc: xuân, hạ, thu, đông. Như vậy thời điểm để tu sĩ Phật giáo Việt Nam an cư là bắt đầu từ ngày rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 (mùa hạ), đó gọi là tiền an cư. Hậu an cư là dành cho trường hợp đặc biệt, có duyên sự khẩn thiết thì có thể bắt đầu an cư từ 17 - 4 cho đến 17 - 5, và kết thúc dĩ nhiên cũng phải đủ 90 ngày như tiền an cư (cùng làm lễ Tự tứ, nhưng phải ở lại cho đủ số ngày). Riêng hệ phái Nguyên Thuỷ chọn thời điểm kiết hạ vào ngày rằm tháng 6 cho đến ngày rằm tháng 9. Tuỳ theo quốc độ, địa phương mà có những mùa an cư không hoàn toàn giống nhau, ở Việt Nam, một vài nơi còn có thêm kiết đông bắt đầu từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 12 là dựa theo tinh thần của Luật Bồ Tát.

Vì sao lại phát sinnh thêm kiết đông thay vì chỉ có kiết hạ? Có phải an cư là thời gian để tăng già tích luỹ nguốn sinh lực hay không?

Hàng xuất gia trong giáo đoàn Phật giáo bao giờ cũng tâm niệm hai nhiệm vụ cần phải sớm thành tựu: thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sanh. Song lộ trình tiến đến quả vị Phật hay Thánh quả thật gian truân cách trở, không phải là vấn đề một sớm một chiều hay một kiếp. Vì vậy việc tự lợi là một nhu cầu cần thiết cho bất cứ một hành giả nào còn vương mang pháp hữu lậu, chưa có phần dự vào dòng Thánh. Nếu như thời gian dành cho việc đi lại bên ngoài quá nhiều, mà căn bản phiền não vẫn còn sâu kín bên trong thì kết quả hoàn toàn sai với tinh thần hóa độ của đức Phật. Người bị trói tất nhiên không bao giờ cởi trói được cho người khác. Người có thật nhiều hạnh phúc, vượt lên trên những khổ đau triền phược mới có thể đưa người ra khỏi dòng tục bến mê. Hóa độ thì xem như chia phần, bớt đi. Mặc dù một ngọn đèn có thể thắp sáng hàng trăm nghìn ngọn đèn khác. Song một khi ngọn đèn ra trước gió, thì sự an nguy cũng giống như một người hành đạo chưa liễu đạo mà phải đương đầu với ngũ dục trần lao. Thế mới biết, an cư là thời gian quý báu để người tu hành có điều kiện nhìn lại chính mình, soi thấu bệnh tật phiền não hoặc mới huân tập hoặc lâu đời mà đoạn trừ, trị liệu. Ngoài ra việc tránh ngộ sát côn trùng hay không ảnh hưởng mùa màng của người thế tục cũng là một duyên cớ để trưởng dưỡng lòng từ bi. Song lý do trước mới là tinh thần chính yếu của việc cấm túc an cư.

Bộ Luật Tư Trì Ký định nghĩa: Lập tâm một chỗ gọi là Kiết; bộ Nghiệp Sớ định nghĩa: Thu thúc thân vào chỗ tịch tĩnh gọi là An. Như vậy dù kiết hạ hay kiết đông an cư thì mục đích chính vẫn là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào không quan tâm đến việc tu tập thiền định để bồi dưỡng trí tuệ thì thật không xứng đáng là bậc mô phạm tỉnh thức. Sự khắc khe này cũng chỉ vì đức Phật muốn bảo hộ sức sống của tăng-già bằng việc triển khai năng lực tu tập của mỗi cá nhân. Nếu ai trong hàng xuất gia đệ tử Phật không tôn kính vâng giữ lời huấn thị của đức Phật, xem an cư là một điều bó buộc, một phương tiện nhỏ nhặt thì quả thật người ấy không những tự chối bỏ phần tự lợi mà gây ảnh hưởng không tốt cho tăng đoàn. Cũng như bác nông phu mỗi năm phải làm ruộng, nếu năm nào bỏ bê không chăm lo đến mùa màng thì bác sẽ bị nghèo nàn đói thiếu. Hàng Bí Sô nếu không có những ngày tháng cùng sinh hoạt cộng trú để sách tấn lẫn nhau thì làm sao có điều kiện để tạo thành năng lực hoà hợp và kiểm chứng giá trị thanh tịnh? Kết thúc khoá an cư là Tự Tứ, một hình thức tối quan trọng để tổng kết quá trình tu tập tiến triển hay lui sụt của từng cá nhân qua ba tiêu chuẩn: thấy, nghe, nghi. Những ai vượt ra khỏi phạm vi giới luật, buông lung theo ba nghiệp, hành động theo bản năng cố hữu thì sẽ bị cử tội giữa đại chúng để bổ khuyết sửa chữa.

Một lần, sau mùa an cư các thầy tỳ kheo lần lượt về vấn an đức Phật và trình bày công phu tu tập của mình. Đức Phật hỏi:

- Vừa qua các ông có được an lạc không?

- Thưa an lạc lắm ạ!

- Thế trong ba tháng ấy các ông tu tập pháp gì?

Các thầy tỳ kheo vui vẻ trả lời:

- Bạch Thế Tôn, chúng con thực hành pháp tịnh khẩu, tự mỗi người giữ im lặng tuyệt đối.

- Đức Phật quở trách:

- Các ông thật vô trí, được sống chung sao không chịu trao đổi hay nhắc nhở nhau tu tập mà lại thực hiện pháp câm như thế, vậy an cư được lợi ích gì chứ? Các ông phải luôn sinh hoạt trong niệm đoàn kết, trên dưới thuận hoà, cùng thống nhất ý kiến, cùng bàn bạc trao đổi và học hỏi lẫn nhau, lẽ nào không thấy được giá trị của thấy, nghe và nghi làm tiêu chuẩn để thanh lọc mỗi người. Các ông đã bỏ phí một mùa an cư. Các ông đã hành động phi pháp.

Năng lực của đại chúng quả thật như biển (Đức chúng như hải) sẽ nâng đỡ những con thuyền lành tốt, khôn khéo chiều theo từng đợt sóng, và sẽ đào thải tất cả những con thuyền hư thủng ra khỏi lòng đại dương. Tăng đoàn muốn hòa hợp theo đúng bản chất của nó như nước với sữa thì buộc mỗi cá nhân phải tự nỗ lực, trang nghiêm chính mình. Ngày nay, những người trí thức ở phương Tây luôn tranh thủ cho mình một khoảng thời gian một tháng hay nhiều hơn trong năm để tu nghiệp, tức là bồi dưỡng thêm nghề nghiệp. Người tu sĩ Phật giáo lấy trí tuệ làm sự nghiệp lẽ nào không đầu tư vào công phu thiền định. Không có thời gian để cùng nhau nhắc nhở giới luật. Tứ niệm xứ, Tứ thánh chủng… Một mình một cõi du hóa lơ lỏng trong nhân gian thì rất khó cho việc thành tựu tuệ giác, hóa độ viên mãn.

Cũng như những giáo hội khác, ngày nay ở Việt Nam không còn giống như thời Phật ở Ấn Độ là hàng xuất gia không phải mỗi người du hóa một phương, mang theo ba y một bình bát và ngủ dưới gốc cây, nhưng lối sống theo từng tông phái, chùa riêng, tổ đình riêng, thầy riêng đệ tử riêng thì cũng xem như rời rạc, chưa đoàn kết hoà hợp. Vì lẽ chưa dung hoà đó mà Kiết hạ an cư đã trở thành qui luật rất cần thiết để làm phương thuốc hồi sinh, làm sống lại tình Linh Sơn cốt nhục mà lắm lúc vì những nguyên do gì đó, vì bệnh nghiệp cá biệt nào đó đã làm cho anh em cùng nhà phải bút chiến, khẩu chiến phân tranh cao hạ, làm cho sư tử phải trọng thương chỉ vì loài trùng ăn gặm trong thân sư tử. Hơn nữa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hôm nay nhắm vào tinh thần thống nhất về tổ chức (thống nhất ý chí và hành động) thì Kiết hạ an cư là một phương tiện thuận lợi cho giáo hội xây dựng tăng đoàn đoàn kết hòa hợp và thống nhất mọi mặt theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - chủ nghĩa xã hội”.

Rõ ràng, ba tháng an cư, cửu tuần tu học đích thực là nguồn năng lực quí báu làm nóng lại và bền vững hơn tinh thần thanh tịnh hòa hợp của tăng-già. Chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy sự hưng thịnh của Phật pháp khi chốn tòng lâm ngày ngày giới luật nghiêm minh, đêm đêm toạ thiền niệm Phật, trên dưới hoà hợp, tu tập trong niệm đoàn kết an hoà.

Mùa An Cư - PL 2544

Thích Chơn Thanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/08/2021(Xem: 4559)
Hòa thượng thế danh là Trần Đại Quảng, pháp danh Tâm Trí, tự Viên Giác, hiệu Chiếu Nhiên, thuộc đời thứ 43 dòng Lâm Tế, Liễu Quán. Ngài sinh năm Nhâm Tý (1912), tại làng Dương Nổ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình Nho phong đức hạnh nhưng có chí cách tân, theo hướng Tây học. Thân phụ là cụ ông Trần Đại Dật, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Mĩu (pháp danh Tâm Mỹ). Ngài lớn lên theo truyền thống giáo dục gia phong, được tiếp xúc với nhiều bậc thân hữu trí thức của thân phụ trong những lúc hàn huyên hay luận bàn văn sách. Do đó Ngài đã sớm tiếp thu kiến thức sâu rộng, lý giải sự việc nhanh chóng, đạt lý thuận tình nên rất được lòng quần chúng. Ngài ham học hỏi, hiếu khách, nhất là được kết thân với các bậc thiện hữu tri thức, chính vì thế mà Ngài phát huy trí tuệ rất nhanh. Nhờ tính năng động và chí phấn đấu trong học tập và lao động nên dù nghiêm thân mất sớm, Ngài, với tư cách con trưởng, vẫn giữ vững gia nghiệp, phụ giúp mẫu thân dưỡng dục các em học hành t
20/08/2021(Xem: 9755)
Sư Phụ Tôi người hiền hoà chất phát Sống một đời giản dị rất bình dân Bất cứ ai dù ở chốn xa gần Khi cần đến Ngài sẵn sàng cứu giúp. Ngài thuộc bậc hàng cao Tăng thạc đức Nhưng lúc nào cũng tỏ hạ khiêm cung Sống giản đơn nhưng sắc thái kiêu hùng Bình thuận tỉnh, đệ huynh đều kính mến. Không phung phí của Đàn na tín thí Từng hạt cơm, hạt đậu cả hạt mè Quần áo thì vài ba bộ che thân. Ngày ba bữa cháo rau cùng tương đậu. Thời khoá biểu Ngài luôn thường nhắc nhở
11/08/2021(Xem: 7186)
Toàn tập Kinh Tạng Nikaya cho Iphone & Ipad (cảm ơn TT Tâm Hải đã gởi tặng, mời đại chúng vào download để đọc kinh Tạng)
04/08/2021(Xem: 6654)
Sông Thạch Hãn, Ngân Thiền Tâm Mộ Phật. Chốn Trà Trì, Gương Học Hạnh Xuất Gia. Nhỏ Tầm Chơn, Quyết Chí Xa Thế Tục. Khoác Áo Nâu Sòng, Học Lối Thích Ca. Chào Song Thân, Xứ Bảo Lộc Quê Nhà. Nương Thầy Tổ, Giữ Gìn Tâm Hướng Đạo. Mùi Kinh Kệ, Tháng Ngày Xông Cõi Tịnh. Thuộc Luật Nghi, Từ Góc Hạnh Trăng Sao.
26/07/2021(Xem: 8131)
Hòa thượng thế danh là Nguyễn Minh Có, pháp danh Huệ Đạt, pháp hiệu Hoàn Thông, sinh năm Đinh Tỵ (1917) triều Khải Định năm đầu, tại ấp Hội An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, trong một gia đình nông dân nghèo. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Phuông, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sửu, Ngài mồ côi cha lúc 13 tuổi. Thiện duyên đưa đến cho hạt mầm Bồ đề trong tâm Ngài phát triển. Năm 1930, trong thân tộc có ông Hồ Trinh Tương, gia tư khá giả, phát tâm phụng sự Tam Bảo, xuất tiền của xây một ngôi chùa, lấy hiệu là Hội Thắng Tự. Ông xuất gia đầu Phật, húy là Tường Ninh, pháp danh Đắc Ngộ, pháp hiệu Niệm Hưng và làm trú trì chùa này để hoằng dương đạo pháp. Ngài được thân mẫu cho phép xuất gia với Sư cụ trú trì chùa Hội Thắng khi vừa mồ côi cha, được ban pháp danh Huệ Đạt. Năm 16 tuổi (1933) Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa Di.
12/07/2021(Xem: 4168)
Trăm Năm Cõi Mộng Phù Hương, Vọng Lời Kinh Phật, Mở Đường Pháp Sinh. Lời Thầy Còn Đọng Chút Tình, “Sông Bờ” Ai Đợi, Dáng Hình Trí Yên. Quê Quảng Bình, Dấu Phật Thiên. Nuôi Mầm Học Hạnh, Giãi Niềm Gia Lai. Thầy Dụng Võ, Ngọc Liên Đài, Thâu Lời Kinh Luận, Bỏ Ngoài Tục Danh.
26/06/2021(Xem: 4099)
Quên sao được những ngày đầu nhập đạo Quỳ trước Thầy con phát nguyện xuất gia (1) Cuộc đời con nay đã được an hòa Sống giải thoát trong tình thương Thầy, bạn Nương Chùa Tỉnh (Pháp Bảo) thăng hoa từng ngày tháng Từ học hành đến tu tập nâng cao Từng trải nghiệm với Phật Pháp nhiệm mầu Hành tinh tấn chuyển hóa nhiều nghiệp lực Sống vị tha khiêm cung tròn phước đức Học hạnh Thầy dung nhiếp độ chúng sanh Viện Huệ Nghiêm, Vạn Hạnh chưa viên thành (2) Đường phụng sự tham gia Đoàn Xã Hội (3) Nhưng tu hành Thầy khuyên đừng nên thối Tinh tấn lên nhân quả rất công bằng Việc sẻ chia thực hiện hết khả năng Đời ý nghĩa mang niềm vui dâng hiến Đức hài hòa của Thầy luôn thể hiện (4) Tròn vai trò Hội Chủ suốt nhiều năm Lòng của Thầy trong sáng tợ trăng rằm Quyết độ tận chúng sanh vơi đau khổ !!! Chùa Pháp Hoa, 26/06/2021 Thích Viên Thành
22/06/2021(Xem: 13194)
Lời thưa của người kết tậpNhững khi nhắc chuyện Chùa xưa, Mẹ thường kể “… Sau ngày Ông Ngoại bị liệt, Ôn Đỗng Minh hay thăm hỏi, và dặn các học trò thường xuyên lui tới săn sóc…” Tôi biết vỏn vẹn chỉ chừng ấy về Ôn, vậy đã là quá nhiều! Tập san Hoa Đàm số 12 này được kết tập và phát hành nhân ngày Kỵ, phần lớn nội dung bài vở, hình ảnh đã có trong tập Kỷ yếu Tưởng Niệm Ôn (viên tịch ngày 17.06.2005 | 11.05 năm Ất Dậu) do hàng Đệ tử của Ôn thực hiện trước đây, và một ít từ trang nhà Quảng Đức (https://quangduc.com/) của Thầy Nguyên Tạng biên tập, cũng như Pháp Tạng (http://phaptangpgvn.net/vie/) do Thầy Tâm Nhãn phụ trách.
21/06/2021(Xem: 5896)
Kính mời quý vị tham dự lễ húy kỵ Hòa Thượng khai sơn chùa Pháp Hoa, thượng NHƯ hạ HUỆ vào Chủ Nhật 27/6/21, và khóa an cư Kiết Đông từ ngày 4 đến 10/7/2021 theo chương trình như sau: 1.Lễ húy kỵ Hòa Thượng khai sơn: Chủ Nhật, 27/6/21: 8:00am: Phật tử công quả phước điền, 9:00am: Tụng kinh, niệm Phật. 10:30 am: Lễ Húy Kỵ Hòa Thượng Khai Sơn: (Có chương trình riêng). 12:00pm: Cơm chay đạo vị. 2.Lễ kiết giới an cư: Chủ Nhật, 4/7/21: 8:00am: Chư Tăng Ni và Phật tử câu hội và ổn định chổ ở. 9:30am: Lễ khai mạc, công bố nội quy tu học, và Lễ kiết giới tràng, 11:00am: Quá đường, ngọ trai và Lễ Xả giới tự tứ ngày Thứ Bảy 10/7/2021.
18/06/2021(Xem: 8762)
Mười tuổi không may mất mẹ cha Cư tang hiếu kính vẹn tình nhà Ân sâu dốc trả tâm quy đạo Nghĩa nặng mong đền chí xuất gia Phật Pháp tinh thông an lạc hiện Thiền Kinh quảng lãm não phiền xa An Ban Thủ Ý vui nguồn sống Lục Độ Tập Kinh toả đức hoà.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]